1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giới thiệu thơ Tân Hình Thức (New Formalism)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Tao_lao, 16/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Nguyễn Vũ Văn
    Nhận xét về thơ Tân Hình Thức
    Có một địa chỉ nhỏ của Tạp Chí Thơ trên Internet, do Khế Iêm chủ trương, cho đến nay vẫn còn mang cái bìa của số Mùa Thu 2000 mở ra cho một mục lục xoay quanh lối thơ Tân Hình Thức. Tạp Chí Thơ khởi xướng việc thử nghiệm lối thơ mới theo phong trào New Formalism trong thơ Mỹ. Tôi không biết Tạp Chí Thơ đã khởi đầu việc này như thế nào, đường lối ra sao, nhưng đã tập hợp được một số tác giả hưởng ứng.
    Trong bài "Tân Hình Thức: Cuộc Chuyển Ðổi Thế Kỷ", TCT xác nhận rằng, "Sau một khởi đầu đầy hào hứng, mang ý nghĩa bước vào tân thế kỷ, người làm thơ cảm thấy, có điều gì vừa mới mẻ, vừa ngỡ ngàng, chừng như chưa bắt được những gì muốn bắt. Sự tham gia vì thế vẫn chưa nhiều, sự đáp ứng vẫn chưa đủ, dù rằng cánh cửa vẫn mở. Ðiều này có thể giải thích, sự thay đổi của thơ, chẳng phải chỉ đơn giản là thay đổi cách sống, cách nghĩ, đẩy quá khứ vào quá khứ, mà còn là làm trống không tâm hồn mình, xóa bỏ mọi giá trị đã lạc điệu và đón nhận những quan điểm mới. Sự chuyển hóa, tiếp nhận và thực hành thơ là quá trình vỡ đất, gieo trồng mầm hạt. Tân Hình Thức như một ý niệm về thân xác, phả linh hồn vào, tạo ra sự sống, và như vậy, nhà thơ phải dùng trực giác, liên kết những yếu tố, như những phần trong cơ thể, từ đó chở cái hồn thơ, và làm bài thơ thành hiện thực. Một lý do nữa là TC Thơ chưa cung cấp đủ thông tin để chúng ta có thể hình dung ra được những ý niệm toàn thể".
    Ngoài bài nói trên, Tạp Chí Thơ chỉ đăng tải hai bài dịch nói về quan điểm của các tác giả Mỹ. Ðó là bài Những Thiên Thần Nổi Loạn (Rebel Angels: 25 Poets of The New Formalism) của M. Jarma và D. Mason và bài phỏng vấn Timothy Steele của Kevin Walzer. Sự thiếu vắng các số báo cũ và không cập nhật hóa kích thích tôi tìm đọc Tạp Chí Thơ bằng ấn bản. Tạp Chí Thơ manh nha nói đến một lối thơ mới ở số 13, mùa Thu 1998, trong bài phỏng vấn của Thụy Khê với nhóm chủ trương gồm có Khế Iêm, Phan Tấn Hải, Chân Phương và Ðỗ Khiêm. Và sau một số bài tiểu luận, Tạp Chí Thơ đã có được một số bài thơ Tân Hình Thức kể từ số 18 là số ta thấy trên website của TCT. Các bài thơ theo đường lối mới được xếp riêng trong phần mục lục.
    NEW FORMALISM
    Trong những năm 1980, phong trào New Formalism nổi lên như một sự trở dậy của thi ca có vần và đều chữ (metered and rhymed poetry) (1). Cho rằng thơ tự do đã trở nên trì trệ với những bài thơ duy ngã (solipsistic, chỉ tin nói cái gì mình biết, nói cái gì mình nghĩ, cảm thấy, trông thấy, nghe thấy), viết theo văn xuôi (prosaic) và khó nhớ, các nhà thơ trong trường phái Tân Hình Thức Mỹ trở về với hình thức cổ truyền, lối thơ đều chữ và tự sự (narrative) để đem lại cho thi ca Mỹ sự trong sáng, nhạc tính và sự khách quan và khiến cho thơ dễ đến với quảng đại quần chúng.
    Trước đó, những năm 1950 cũng đã có một trường phái hình thức ra đời, gọi là Academic Formalism. Phái này tránh nói về cảm xúc và thiên về châm biếm nhưng dùng ngôn từ chải chuốt. Còn New Formalism thì mô tả cảm xúc trực tiếp hơn và dùng nhiều ngôn từ bình dân. (2)
    M. Jarman và D. Mason nói như sau trong tuyển tập Rebel Angels: 25 Poets of The New Formalism:
    "Hiện tượng văn hóa vào những thập niên '60 và '70 đã đi tới cùng của chủ nghĩa hiện đại, và qua hai cuộc thế chiến, thơ theo thể truyền thống bị coi như là đối nghịch với sự thực. Sự nở rộ của thơ tự do trong thời Chiến Tranh Lạnh, tự nó đã đổi thay, một cuộc cách mạng thấm trong cá tính Hoa Kỳ. Những nhà thơ trẻ của thời kỳ này, đọc tác phẩm của Allen Ginsberg, Amiri Baraka, Diane Wakoski, Denise Levertov, và chuyển từ phong cách truyền thống sang tự do như các nhà thơ Robert Lowell và Adrienne Rich. Kết quả thông thường là, như họ bắt chước những nhà thơ lớp trước, thơ đề cập tới những quan tâm xã hội, thu hẹp ngôn ngữ trong phạm vi hình thức. Thơ và văn xuôi gần như không thể phân biệt, và "thể thơ" mang một nghĩa xấu. Di sản điệp vận và ngữ vựng phong phú của tiếng Anh bị tổn hại, cũng vậy, sự tỏa hương của thơ rút lại thành các diễn đạt trơ lì.
    ...Vào thập niên 1970 chỉ có vài nhà phê bình có thể thấy điều gì xảy ra, và hiểu rằng tại sao thế hệ những nhà thơ trẻ lại cảm thấy bị giới hạn bởi những loại thơ tự do được phát hành khắp nơi.
    ... Chúng tôi chọn thuật ngữ Chủ Nghĩa Tân Hình Thức, bởi nó diễn đạt một cách tốt nhất phong trào này và phân biệt giữa thơ tự do và truyền thống. Phải hiểu rằng những nhà thơ Tân hình thức, khởi đầu viết theo thể luật truyền thống Anh và thường trong hình thức kết hợp với thể luật. Ðó là trường hợp những nhà thơ trong tuyển tập. Nhưng Chủ Nghĩa Tân Hình Thức cũng phản ảnh những khuynh hướng có ý nghĩa văn hóa rộng lớn, không phải không liên hệ tới sự trở lại giai điệu trong âm nhạc nghiêm chỉnh, sự tiêu biểu trong nghệ thuật thị giác, cá tính và nút thắt trong tiểu thuyết.
    ... Bác bỏ cách ghi nhận cảm tính rằng thể luật không phải Hoa Kỳ, những nhà thơ Tân Hình Thức đã đóng góp trong một đồng thuận mới, bảo vệ giá trị cụ thể của thơ chống lại sự xâm lấn của văn xuôi, trong khi cùng lúc bảo vệ những chủ đề bình dân chống lại gánh nặng của chủ nghĩa phi văn hóa. Sau cùng, đó là những nhà thơ bước vào thời đại mà truyền hình đã trở thành sức mạnh truyền thông mạnh mẽ nhất. Ðiều cơ bản, qua đó, sự khám phá về thể luật của những nhà thơ trẻ, nhắc chúng ta rằng ngôn ngữ đòi phải được canh tân bởi từng thế hệ tiếp nối. Hành động làm thơ theo luật tắc ngôn ngữ nói đảm đương một nền văn minh giá trị, đặt phần thưởng, chẳng phải chỉ nơi kỹ thuật mà còn trên một viễn ảnh văn hóa rộng lớn, hồi phục sự cân bằng và giai điệu cho nghệ thuật.
    ... Những nhà thơ Tân Hình Thức không phải luôn kết dính chặt chẽ với thể luật âm tiết nhấn . Một vài người dùng những âm tiết hoặc thể luật nhấn. Một số những bài thơ là những thử nghiệm trong thể luật, nhưng chúng tôi muốn có sự tin cậy cả về dòng và tu từ." (Ltt dịch)
    New Formalism dần dần được chú ý. Kẻ khen, người chê.
    Xin trích dẫn một bài thơ của Timothy Steele:
    FAE
    I bring Fae flowers. When I cross the street,
    She meets and gives me lemons from her tree.
    As if competitors in a Grand Prix,
    The cars that speed past threaten to defeat
    The sharing of our gardens and our labors.
    Their automotive moral seems to be
    That hell-for-leather traffic makes good neighbors.
    Ten years a widow, standing at her gate,
    She speaks of friends, her cat's trip to the vet,
    A grandchild's struggle with the alphabet.
    I conversationally reciprocate
    With talk of work at school, not deep, not meaty.
    Before I leave we study and regret
    Her alley's newest samples of graffiti.
    Then back across with caution: to enjoy
    Fae's lemons, it's essential I survive
    Lemons that fellow-Angelenos drive.
    She's eighty-two; at forty, I'm a boy.
    She waves goodbye to me with her bouquet.
    This place was beanfields back in '35
    When she moved with her husband to L.A.
    Trong bài thơ trên, ta thấy mỗi câu có 10 âm (syllables) và có vần (rhyme) rõ rệt.
    PACIFIC RIM
    ......
    Why, then, this ache, this sadness? Towelled off,
    The flesh is mortified, the small hairs standing
    Among their goose bumps, the teeth chattering
    Within the skull. A brutal century
    Draws to a close. Bewildering genetrix,
    As your miraculous experiment
    In consciousness hangs in the balance, do
    You pity those enacting it? The headlands'
    Blunt contours sloping to the oceanside,
    Do angels weep for our folly? Merciful,
    Do you accompany our mortality
    Just as, low to the water, the pelican
    Swiftly pursues his shadow down a swell?
    .....
    Trong đoạn thơ trên, sự hợp vận thưa thớt hơn và ta thấy rõ ràng các câu thơ bị ngắt quãng để xuống giòng ngay giữa câu, ở chỗ mà bình thường người ta phải nói liền một mạch, như là: ...do / You pity those thing?
    Trong Rebel Angels, bài "Aunt Toni's Heart" của Rafael Campo hợp vận rất chặt chẽ:
    *
    ...an afternoon of sticky kisses, sweets --
    Parked cars made silver rivers from the streets.
    I'd hide beneath the table where the men
    Played poker in the smoky shade. They bent
    Their cards. Red wine, cigars and pepperoni.
    It wasn't really whispers when Aunt Toni
    Sat right down beside my Uncle Joe -- surprise
    Is more like it -- and stared into his eyes...
    Nhưng đến bài "The Shadow Returns" của Phillis Levin's thì chính vận lại hiếm hoi, chỉ có bàng vận:
    It was my death that stung my sight:
    Substantial time to race my heart
    Before I turned from it in doubt.
    It was my love upon the bed
    Who pointed out my silhouette,
    Anonymous and monochrome.
    Thế nào là chính vận và bàng vận trong thơ tiếng Anh?
    Chính vận (rhyme) là nguyên âm cuối đọc như nhau, hay nguyên âm và phụ âm cuối đọc như nhau (phiên âm giống nhau). Thí dụ: meaty / graffiti; pepperoni / Tony; surprises / eyes; standing / chattering.
    Bàng vận (slant rhyme, off rhyme, half rhyme, near rhyme) là chỉ có phụ âm cuối đọc như nhau (theo Britannica Encyclopedia), thí dụ : stopped / swept; parable / shell; down / noon, seat / fate. Thoạt tiên bàng vận chỉ được dùng trong thi ca xứ Welsh, Ái Nhĩ Lan và Iceland. Trong thi ca Anh, bàng vận được Henry Vaughan dùng lần đầu tiên và chỉ được chấp nhận khi Gerard Manley Hopkins và William Butler Yeats bắt đầu dùng. Nhưng trong âm nhạc, bàng vận lại chỉ cần nguyên âm cuối đọc như nhau, hay gần như nhau, phụ âm cuối tự do (http://www.lyricpro.com/LyricProSlantRhymes.htm). Thí dụ heart có thể vần với : are, bar, car, far, scar, star, snarl, barb, garb, card, guard, hard, shard, yard, arc, ark, bark, dark, lark, mark, park, shark, spark, stark, harp, sharp, chart, dart, heart, part, smart, start, arch, March, march, parch, starch, scarf, harsh, marsh, suave, carve, starve, balm, calm, Palm, psalm, qualm, arm, farm, hard, barn, yarn, afar, ajar, bizarre, guitar, regard, remark, apart, depart, alarm.
  2. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    TÂN HÌNH THỨC VIỆT trong Tạp Chí Thơ
    Trở lại với Tạp Chí Thơ, hãy xem họ nói gì về kỹ thuật thơ Việt trong Tân Hình Thức:
    Trước hết là sự nhận định về thơ tự do:
    "... thơ tự doViệt lại không thể áp dụng các luật tắc của thơ phương Tây, vì là hai hệ ngôn ngữ khác nhau...Thơ tự do Việt chỉ đơn giản là loại thơ không vần, dù khởi đi từ ảnh hưởng nhưng hoàn toàn không giống gì với những trào lưu thơ phương Tây, chúng ta chỉ có thể mô phỏng theo nghiã đen của chữ, và không ý thức và cảm được nhạc tính của thơ. Bởi, luật của thơ vần có công dụng sắp xếp những âm chữ để tạo thành nhạc, và khi đã thoát khỏi luật lệ ràng buộc này, đáng lẽ người làm thơ phải tìm ra luật khác để thay thế, thì lại rơi vào lầm lẫn không lối thoát, cho rằng loại thơ tự do là loại thơ không cần luật lệ gì nữa, tự do, mạnh ai nấy làm, và những bài thơ đọc lên, chúng ta nghe những âm vang, và tưởng là nhạc tính, thật ra đó chỉ là những âm vang của chữ... Ða số những bài thơ tự do mà người đọc ưa thích, thật ra vẫn còn nằm trong âm hưởng, gần với những rung cảm của thơ vần, và chỉ có thể gọi là thơ vần biến thể. Nếu thơ cứ quanh quẩn và không ra khỏi giữa vần và văn xuôi, thì làm sao có thể gọi đó là một thể thơ, mang tính toàn vẹn ý nghĩa này. Thơ văn xuôi, nếu hiểu đúng, chỉ mang cái hình thức văn xuôi, khác với văn xuôi là người làm thơ phải đưa vào nhịp của thơ, chứ không phải thơ văn xuôi chỉ đơn giản là một đoạn văn xuôi." (Khế Iêm, TCT 17, tr165-166)
    Nhận định về thơ Tân hình thức Mỹ:
    "Nếu thơ tự do dựa vào ngữ điệu, cú pháp văn phạm, và sự lập lại, thì thơ Tân Hình Thức [Mỹ] dựa vào thể luật (meter), vần, tính truyện, và kỹ thuật vắt dòng. Vắt dòng bất cứ chỗ nào trong câu, dòng trước tiếp theo dòng sau, và cách đọc không dừng lại cuối dòng ... Tân Hình Thức giống thơ tự do chủ vào câu dòng, tôn trọng âm, chữ và cú pháp văn phạm, gần với cách nói thông thường. Thể luật và vần giúp thơ Tân hình thức tạo được nhịp điệu và vì thế không cần đến kỹ thuật lập lại, vả chăng âm thanh từ thể luật iambic cũng đã là một hình thức lập lại... Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc, và ý tưởng. Một đặc điểm của thơ Tân hình thức là tránh được sự trình bày khúc mắc của thơ tự do, dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn bởi tính truyện kể, sự réo rắt và luyến láy nhạc tính." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69)
    Tân hình thức trong thơ Việt:
    "Ngôn ngữ càng đi gần về nguyên thủy càng có những nét tương đồng, chẳng hạn không nhấn [unstressed], nhấn [stressed] trong tiếng Anh có khác gì bằng trắc trong tiếng Việt, hay hai ngôn ngữ đều có những nguyên âm và phụ âm giống nhau. Với thơ Việt, nếu chỉ đếm chữ xuống hàng, thì chẳng khác nào thơ tự do trước đó, hết câu xuống hàng, vì thể luật đếm âm tiết không đủ sức để tạo thành nhịp điệu, và chỉ có công dụng làm cân bằng nhịp điệu tạo ra bởi ngữ điệu và cú pháp văn phạm (hoà hợp giữa ngôn ngữ nói và viết). Tiếp nhận một số nguyên tắc thơ tự do phương Tây, và với đặc tính của ngôn ngữ, cuối cùng thơ Tân hình thức Việt bao gồm: ngữ điệu, cú pháp văn phạm, sự lập lại, tính truyện, cách đếm âm tiết và kỹ thuật vắt dòng. Lập lại hình ảnh, ý tưởng, nhóm chữ để thay thế vần ở cuối dòng, cho đến khi người làm thơ, qua kinh nghiệm, tìm được cách nào hay nhất. Thể thơ 7 hay 8 chữ tương đối hợp với ngôn ngữ nói hơn vì thật khó đưa những câu nói đời thường với vần vào lục bát. Ðể cụ thể hóa, chúng ta thấy, vọng cổ khi dùng những câu nói đời thường phổ vào âm luật, khi ca lên, trở thành lời ca tiếng nhạc, không còn là những câu nói đời thường nữa. Như vậy khi áp dụng thi pháp đời thường, có nghiã là đưa những câu nói đời thường vào thơ để trở thành thơ, phải dựa theo những luật tắc của thơ, và đó là ý nghĩa của thơ Tân hình thức." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 70)
    Ði vào chi tiết, ta xem nhóm Tân hình thức nhận định và làm thơ như thế nào.
    Tính truyện:
    "Hoa Kỳ là nơi sinh sống của hầu hết các sắc dân, từ Âu sang Á, đến những mảnh đất Phi châu xa xôi. Những nhà thơ Hoa Kỳ bao gồm nhiều gốc gác khác nhau, đã mang đến đất nước này nhiều truyền thống và tập tục, tạo thành bối cảnh của nền văn hóa bao quát. Tính truyện trở thành phương tiện chủ yếu, phá vỡ vai trò áp chế, độc tôn văn hóa của thế kỷ 20, tạo cơ hội đồng đều cho mỗi người, mỗi tập thể văn hóa, kể lại câu chuyện và kinh nghiệm của chính họ. Có nghĩa là, những nhà thơ Việt trong thời đại di dân, những nhà thơ bản địa, đâu là câu chuyện về nguồn cội và văn hóa của chính chúng ta? Và vì vậy, tính truyện đang có những ảnh hưởng mạnh tới mọi bộ môn nghệ thuật từ thơ, truyện, kịch, cho đến hội họa, như một hành trình tìm về khởi điểm. Cuối cùng, Tân hình thức là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào ký ức, chẳng phải là của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước." (TCT 20, tr. 74-75)
    Khế Iêm cho rằng thơ Tân hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn bởi tính truyện (TCT số 20, tr. 69). Chúng ta thử xem các đặc tính này trong vài bài thơ sau đây:
    GIÓ LỐC LỀ ÐƯỜNG
    Tôi xòe tay che mặt. Con lốc.
    Xoáy tròn rác rưởi trên lề đường.
    Ngưới đàn bà ngồi sau hàng ví
    da phe phẩy cái khăn che mặt
    mời chào uể oải. Mua bóp đi
    cô. Tôi lắc đầu, mắt nhìn đống
    rác nhảy múa với lá khô, trên
    lề đường Tự Do. Trên lề đường
    Ðồng Khởi. Lề đường có chỗ lát
    gạch đỏ. Tôi nghĩ gì? Tôi không
    nghĩ gì hết khi bước vào tiệm
    sách của ngày xưa và của hiện
    giờ. Những tiệm sách đã có lúc
    đứng đọc cho hết một cuốn. Không
    phải không tiền mua. Chỉ để giết
    thì giờ thừa mứa tuổi trẻ không
    chỗ đặt. Giờ tôi nghĩ gì? Tôi
    không nghĩ gì hết. Không nghĩ được
    gì hết. Không nghĩ ra điều gì
    hết. Trong tôi, nặng đầy một nỗi
    buồn bực. Một buồn bực. Như con
    lốc hốt bụi ném rát mặt trên
    lề đường Tự Do. Lề đường Ðồng
    Khởi. Tôi nhíu mày xòe tay che
    mắt. Ðể không thấy gì nữa hết.
    Không phải thấy gì nữa hết.
    (Nguyễn Thị Ngọc Nhung, TCT 20, tr. 87)
    KIỀU
    Em đâu biết tiếng Anh,
    chỉ bập bõm vài câu đâu hiểu hết.
    Thiệt ra tụi em gặp nhau
    chỉ có hai lần trong quán bún riêu,
    sau đó cưới luôn. - Anh ấy
    làm gì? - Thất nghiệp. - Biết vậy sao vẫn
    lấy? - Em mới học hết lớp
    5, không việc làm, nhà nghèo, em đông.
    Dạo đó, em nghĩ chỉ lấy
    Tây là có thể giúp gia đình, đâu
    ngờ khó khăn đến thế! - Sao
    không về Mỹ? - Không nghề ngỗng, làm gì
    có tiền để bảo lãnh em!
    - Hiện giờ cuộc sống thế nào? - Thì phải
    sống nhờ! Mỗi ngày ảnh phát
    30 ngàn, bảo: Phải xài hết, không
    thừa cũng không được thiếu. Vì
    phải giúp gia đình, em nhịn buổi sáng;
    trưa cơm hộp, tối cơm bụi
    vỉa hè. Tằn tiện lắm mới dư được
    ít ngàn nhưng nhờ người khác
    giữ giùm, để anh ta thấy là bị
    phạt ngay. - Bằng cách nào? Dường
    như nhớ lại những trận đòn khủng
    khiếp, X. rớm lệ: - Chẳng
    hạn như cho ngửi mùi toa-lét, cắt
    khẩu phần ăn hàng ngày, cởi
    hết áo quần và đi vòng quanh phòng
    lù lù sẵn đúc một tòa thiên nhiên
    cho ảnh xem.
    (trích Thủy Tiên, báo Công An số 783, ngày 16-10-99)
    (Ðỗ Kh., TCT 18, tr. 111)
    Tính nhạc:
    Khế Iêm nói rằng "nếu thiếu nhạc tính, thơ sẽ chỉ còn là một đống ý tưởng và ngữ nghĩa, làm thất vọng người đọc" (TCT 19, tr. 97) và ông cho rằng thơ Tân hình thức có "sự réo rắt và luyến láy nhạc tính." (TCT số 20, tr. 69). Nguyễn Hoài Phương thì nói "Với thơ Tân hình thức rất cần phải có một kỹ năng đọc. Ít nhất cũng phải đủ nhanh để không bị những ý tưởng dồn dập của bài thơ bỏ rơi quá xa.... Thứ nhạc trong thơ Tân hình thức có lẽ là nhạc Ráp. Nó dồn dập như sóng, hết lớp này đến lớp khác và chập chùng miên man như biển khơi, hết đề tài này đến đề tài khác, hết sự kiện này đến sự kiện khác, quá khứ, tương lai, hiện tại xoắn xuýt quện vào nhau trong một cấu trúc tự do, phóng khoáng đến tưởng như rất lỏng lẻo dễ dãi." (TCT 20, tr. 211)
    Ta hãy tìm nhạc tính trong bài "Kiều" ở trên và bài dưới đây.
    NHỮNG NGƯỜI CHẾT TRẺ
    1.
    Nam, khoảng 32 tuổi, thể
    trạng trung bình, cao 1,65m,
    tóc đen cắt kiểu đầu đinh, da
    ngăm đen, ở trần, mặc quần đùi
    màu xanh lá chuối héo, có sọc
    nhiều mày, lông mày rậm rịt, lông
    ngực rịt rậm, mặt trung bình, dái
    tai trung bình, sống mũi lõm, nốt
    ruồi lấm tấm trên đầu lưỡi, chết
    tại km 1763,
    700 đường sắt Việt Nam thuộc
    khu Bình Triệu.
    2.
    Tử thi Nam, khoảng 37
    tuổi, chết rã rời trên xe xích
    lô đạp, không bảng số, cao
    1,60m, mặc áo sơmi
    dài tay đen trắng, quần jean xanh
    ve chai, bàn tay trái ngón 5
    cụt đốt 2 và 3, cẳng bàn
    tay phải có xâm chữ Hận Ðời
    Ðen Bạc, và chữ DH.
    3. ...
    (Lê Thánh Thư, TCT 19, tr. 122)
  3. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Luật thơ:
    a/ Trước hết nói về số chữ trong câu: TCT thiên về thơ đều chữ và 7 hay 8 chữ trong mỗi câu thơ Tân hình thức. "Ðối với thơ Việt, khi dùng lại hình thức 7, 8 chữ hay lục bát là làm cho thị giác đỡ bị vướng mắc, dễ tạo nhạc tính, hình ảnh và áp dụng các yếu tố khác, qua đó người đọc đánh giá được tài năng và sức sáng tạo của người làm thơ." (Thơ, TCT 19, tr. 99). "Thể thơ 7 hay 8 chữ tương đối hợp với ngôn ngữ nói hơn vì thật khó đưa những câu nói đời thường với vần vào lục bát." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 70) Nhưng trong bài thơ dưới đây, ta lại thấy câu thơ cuối đoạn trở thành biến thể.
    ÐÓ LÀ GIỌT MỰC
    Những giọt mực lăn trong đời anh theo
    vết chân từ những ngày hôm qua, hôm
    kia, hôm nay và rồi anh tin sẽ
    theo cả những ngày sắp tới, khi tiền
    định không cho chúng ta hiểu thâm sâu
    hơn, khi mắt nhìn bị che mờ giữa
    các hàng chữ, khi tìm nhau sương khói
    mịt mù từng kiếp và vẫn cứ xa
    nhau lầm lạc
    đó là giọt mực ân cần một thuở
    làm thơ giữa những mùa xuân, hè, thu,
    đông quanh năm đi tìm lại những lọn
    bạc màu của tóc, khi nét chữ không
    từ giấy bút mà từ những toàn thân
    đầu mắt ngực môi tim của anh ngơ
    ngác tuổi thanh xuân
    đó là giọt mực đen chạy trong những
    dòng thơ của anh và lăn rời khỏi
    trang giấy, chạy miệt mài giữa phố để
    rồi in lên đỏ môi hồng má em
    những ngày giông bão xô về bứt rời
    từng trang thơ anh của một thời
    ngồi khóc giữa quê nhà
    đó là giọt mực lăn chạy khỏi tay
    anh và anh đuổi theo giữa phố đông
    người mong tìm bắt lại nhưng rồi chợt
    xô vào em một hôm để ngẩn ngơ
    một đời tội nghiệp nhìn theo bên lời
    xào xạc những kiếp xưa quạnh quẽ
    đó là giọt mực loang đầy tay anh
    những ngày đầu nắn nót tập vần và
    không chịu bứt rời để một hôm thành
    lời thật nhẹ nhàng dung chứa đại dương
    với cá kình rủ về nằm yên để
    anh ra ngồi giữa chợ nghe lời người
    mắng mà cứ thấy là lời sóng ru
    miệt mài không thôi
    đó là giọt mực một hôm vào đời
    đã đứng dậy thành người, thành em,
    thành anh, thành cõi bờ, thành thế giới
    để anh nhìn vào mắt em và thấy
    mắt anh, mắt người với những lòng xót
    thương cũng một màu đen, cũng một màu
    đen lánh, cũng những ngàn thế giới không
    khác biệt gì nhau
    đó là giọt mực, đó là giọt mực
    đã rơi từ thật xa xưa và vẫn
    còn tươi mới - như lời của anh nói
    với em hôm nay.
    (Phan Tấn Hải, TCT 19, tr. 106-107)
    Bài thơ này dùng câu 5 chữ:
    ÐÊM NGOẠI TÌNH VỚI BÓNG
    bằng những bước chân mèo
    đêm tôi nhón nhén bước
    vào thơ ngày cật tình
    góp chữ đêm ôm nguyệt
    sau hè. Em muộn phiền
    đem giấu nỗi sầu riêng
    tim, hạn hẹp, chữ đen
    ngòm, thơ, che lòng bức
    khức, tôi ôm thơ ngủ
    qua đêm (nhắm hờ con
    mắt trống) em cấu đêm
    sau lưng khi tôi bỏ
    đi tìm khởi hứng. Lúc
    quay về trong bóng dày
    của chữ của đêm và
    của em. Lòng giấy kiệt
    cùng thơ đỏ quặn tôi
    khơi ngọn nến cùn đêm
    ngoại tình với bóng tối
    ngoại tình với thơ &
    ... với tôi.
    (Nguyễn Tư Phương, TCT 19, tr. 117)
    Với tác giả Nguyễn Ðăng Thường, bài "Chơi khôn" dùng câu 6 chữ (TCT 18, tr. 119) và bài "Chỉnh hình đón mùa Phục Sinh" dùng câu 10 chữ (TCT 18, tr. 118). Ðỗ Kh. và Nguyễn Thị Ngọc Nhung dùng cả thể lục bát.
    KHANH
    Em giận anh thì cũng đã
    phải. Em còn nhìn anh thì em rộng
    rãi. Ðam mê chẳng có bao
    nhiêu, đời người, đụ mà sướng cũng chẳng
    có nhiều....
    (Ðỗ Kh., TCT 18, tr. 112)
    b/ Vắt dòng:
    Ðây là cách xuống dòng hay nói theo TCT, cách vắt dòng. Khế Iêm nhận rằng "trong thơ truyền thống và thơ tự do, hình thức của bài thơ chính là để cho chúng ta biết phải đọc bài thơ như thế nào" (TCT 17, tr 158). Trong thơ Tân hình thức, ông chủ trương "vắt dòng bất cứ chỗ nào trong câu, dòng trước tiếp theo dòng sau, và cách đọc không dừng lại cuối dòng" (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69). "Khi dùng cách vắt dòng phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt." (Khế Iêm, TCT 18, tr. 97) Trong các bài thơ trích dẫn ở đây, ta thấy các tác giả không những vắt dòng mà còn vắt qua đoạn khác.
    c/ Vần:
    "[Trong thơ Tân hình thức] Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc, và ý tưởng." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69)
    "Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng, mà cũng giống như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 97)
    Nói rằng vần không ở cuối câu mà ở những chỗ không thể đoán trước, tức là vần nằm ở bất kỳ chỗ nào giữa câu.
    Thi pháp:
    "Ðể cụ thể hóa, chúng ta thấy, vọng cổ khi dùng những câu nói đời thường phổ vào âm luật, khi ca lên, trở thành lời ca tiếng nhạc, không còn là những câu nói đời thường nữa. Như vậy khi áp dụng thi pháp đời thường, có nghiã là đưa những câu nói đời thường vào thơ để trở thành thơ, phải dựa theo những luật tắc của thơ, và đó là ý nghĩa của thơ Tân hình thức." (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 70)
    "Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống..." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 97)
    Chúng ta hãy thử tìm vần (không phải ở cuối câu) và xem thi pháp trong bài thơ của Khế Iêm:
    ẢNH ẢO
    Người đàn ông hai mươi năm sau nói
    với người đàn ông hai mươi năm trước
    rằng, trên băng ghế này, dưới bầu trời
    này, đã hai mươi năm, mà vở tuồng
    vẫn chưa được viết, và đêm kịch vẫn
    chưa mở ra, những thùng rác vẫn chứa
    rác và không chứa gì khác, những bước
    chân lê trên lề đường, giấc ngủ trên
    hè phố, những khớp xương đau, những khớp
    xương đau, đã hai mươi năm; người đàn
    ông hai mươi năm sau, kéo áo che
    cái rét của đất ẩm, đo bằng gang
    tay giữa đôi mắt cú vọ và chiếc
    ngực đồi trụy, vớ lấy mớ bản thảo
    xé nát rồi ráp lại, để tìm nơi
    kẽ rách, lũ ký ức ôn dịch; nhưng
    người đàn ông hai mươi năm trước, không
    nghe, không thấy được gì từ người đàn
    ông hai mươi năm sau, cứ lầm lũi,
    lầm lũi, lầm lũi, tựa bóng ma, và
    chẳng hề hay biết, người đàn ông hai
    mươi năm trước cũng là người đàn ông
    hai mươi năm sau, đang đợi nhau, đợi
    nhau, đợi nhau, như cái sống đợi cái
    chết, ròng rã, đã hai mươi năm, dù
    vở tuồng vẫn chưa được viết, và đêm
    kịch vẫn chưa mở ra, những thùng rác
    vẫn chứa rác và không chứa gì khác.
    NHẬN XÉT
    A/ Tính truyện: Thơ thuật sự không mới mẻ gì trong thi ca với những thí dụ như Illiad, Odysey của Homer, Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Gần đây thì có một số bài thơ nổi tiếng như Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Ngày xưa cổ nhân thường làm thơ vịnh, nào là vịnh người, vịnh cảnh, vịnh công việc, hay viết truyện thơ. Bây giờ hầu hết các nhà làm thơ Việt có tính hướng nội, chỉ nói về mình và những sự việc liên quan đến mình. Cho nên chiều hướng làm thơ thuật sự kể ra cũng là một đề tài nên khai thác, nhưng chuyên làm thơ thuật sự thì lại là một vấn đề cần suy nghĩ của thi sĩ.
    B/ Tính khách quan: Thơ thuật sự truyền thống thường diễn tả cảnh vật, sự việc qua tâm hồn nhân vật, và tâm hồn nhân vật có thể chính là tâm hồn tác giả. Chính điều này tạo nên những lời thơ bóng bẩy, ý thơ hay và câu thơ được coi là có hồn. Tự sự khách quan nghĩa là chỉ làm công việc của cái máy quay phim, quay những góc cạnh do tác giả chọn lựa với dụng ý. Người quay phim có thể là một nhân vật trong thơ hay một người vô hình hiện diện khắp nơi. Lời thơ mang tính khách quan, vô hồn, không giải thích, không bút pháp đặc biệt, chẳng khác gì lối văn của Alain-Robbe Grillet. Chính cái không giải thích này có thể làm cho bài thơ khó hiểu, trái với kỳ vọng về một sự trong sáng. Người làm thơ chỉ chuyên về tính khách quan, rời bỏ những cảm tính chủ quan, không quan tâm đến những diễn biến nội tâm, tức là làm thui chột phần lớn tâm hồn của mình. Tạp chí Thơ không nhắc gì đến tính khách quan trong tự sự, nhưng mặc nhiên chấp nhận nó.
    C/ Tính nhạc: Nói rằng thơ Tân hình thức réo rắt, luyến láy, dồn dập như sóng, hết lớp này đến lớp khác và chập chùng miên man như biển khơi, là không thực tế nếu nhìn vào các bài thơ đã đăng. Trong ngôn ngữ thường ngày, âm thanh và nhịp điệu trong giọng nói của ta cũng thay đổi tùy theo tình huống vui, buồn hay giận dữ. Câu thơ diễn tả những tình huống đó cũng cần thay đổi, không phải lúc nào cũng réo rắt và dồn dập. Và cũng không phải chỉ trong thơ Tân hình thức mới có những tính nhạc này. So sánh âm nhạc của Tân hình thức với vọng cổ là không đúng. Tuy rằng vọng cổ cũng dùng những lời nói bình thường, nhưng ở cuối câu bao giờ cũng có âm điệu nhất định mà người ta gọi là "xuống xề". Còn nói rằng nhạc của Tân hình thức là nhạc rap , thì chỉ là cách nói "huề vốn", cần gì đặt ra vấn đề nhạc tính nữa? Chỉ trích thơ tự do không có nhạc, chỉ có âm vang (TCT 17, tr. 165), để rồi rơi vào chính loại thơ chỉ có tiếng nói! Nhà thơ Chân Phương trích dẫn ý kiến của Phan Ngọc (3) như sau: "Nhịp điệu là xương sống của thơ. Thơ có thể bỏ vần, bỏ quan hệ đều đặn về số chữ, bỏ mọi quy luật bằng trắc, nhưng không thể vứt bỏ nhịp điệu. Tôi không thấy một thể thơ nào có thể vứt bỏ nhịp điệu, tự xây dựng mình trên một tình trạng tùy hứng về nhịp điệu...Trong trường hợp tứ thơ không siêu việt cho lắm thì nhịp điệu lại càng cần thiết." (TCT 18, tr. 6)
  4. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    D/ Câu đều chữ: Về số chữ trong câu, thật ra chỉ có một mục đích là "làm cho thị giác đỡ bị vướng mắc" vì chiều dài của câu thơ (4). Muốn viết mỗi câu mấy chữ cũng được, cứ đếm đủ âm tiết là xuống dòng, còn dư bao nhiêu thì để vào dòng cuối của đoạn thơ.
    "Ngôn ngữ càng đi gần về nguyên thủy càng có những nét tương đồng, chẳng hạn không nhấn [unstressed], nhấn [stressed] trong tiếng Anh có khác gì bằng trắc trong tiếng Việt, hay hai ngôn ngữ đều có những nguyên âm và phụ âm giống nhau. Với thơ Việt, nếu chỉ đếm chữ xuống hàng, thì chẳng khác nào thơ tự do trước đó, hết câu xuống hàng, vì thể luật đếm âm tiết không đủ sức để tạo thành nhịp điệu, và chỉ có công dụng làm cân bằng nhịp điệu tạo ra bởi ngữ điệu và cú pháp văn phạm (hoà hợp giữa ngôn ngữ nói và viết) (Khế Iêm, TCT số 20, tr. 69)
    Tôi không hiểu tại sao Tạp chí Thơ cứ nhất định đòi đếm âm tiết (syllable) để vắt dòng, chứ không đếm chữ. Tiếng Việt là tiếng đơn âm, mỗi chữ là một âm tiết, cho nên đếm âm tiết hay đếm chữ cũng vậy thôi. Có phải đây là một bằng chứng về sự lệ thuộc thơ Mỹ trong quan niệm của Tạp chí Thơ hay không?
    E/ Vắt dòng: Trong thơ tự do, xuống dòng để thay cho cách chấm câu, để nhấn mạnh, để tạo nhịp, hay để trình bày theo một dụng ý nào đó. Cách dòng (skip line) là để qua một đoạn khác. Trong thơ Tân hình thức, TCT chủ trương vắt dòng bất cứ chỗ nào và vắt luôn qua đoạn khác, khi đọc thì không ngừng lại ở cuối dòng. Như vậy thì cách vắt dòng này có ý nghĩa gì mà TCT đòi hỏi phải có kỹ thuật và kỹ thuật như thế nào? Ðọc không ngừng lại ở cuối dòng thì khác nào đọc một đoạn thơ xuôi hay văn xuôi? Vắt dòng chẳng qua cho có hình thức thơ đều chữ. Nhưng ta đã thấy các tác giả Tân hình thức muốn dùng bao nhiêu chữ (hay âm tiết, nói theo TCT) trong một dòng cũng được. Vậy thì đều chữ để làm gì? Không có tác dụng gì hết! Chẳng qua chỉ đánh lừa con mắt mà thôi. Vắt dòng hay viết luôn một mạch như thơ xuôi cũng thế thôi.
    Chúng ta hãy thử đọc bài "Ðó là những giọt mực" của Phan Tấn Hải rồi đọc bài dưới đây viết lại theo kiểu thơ xuôi xem có gì khác nhau hay không.
    Những giọt mực lăn trong đời anh theo vết chân từ những ngày hôm qua, hôm kia, hôm nay và rồi anh tin sẽ theo cả những ngày sắp tới, khi tiền định không cho chúng ta hiểu thâm sâu hơn, khi mắt nhìn bị che mờ giữa các hàng chữ, khi tìm nhau sương khói mịt mù từng kiếp và vẫn cứ xa nhau lầm lạc.
    Ðó là giọt mực ân cần một thuở làm thơ giữa những mùa xuân, hè, thu, đông quanh năm đi tìm lại những lọn bạc màu của tóc, khi nét chữ không từ giấy bút mà từ những toàn thân đầu mắt ngực môi tim của anh ngơ ngác tuổi thanh xuân.
    Ðó là giọt mực đen chạy trong những dòng thơ của anh và lăn rời khỏi trang giấy, chạy miệt mài giữa phố để rồi in lên đỏ môi hồng má em những ngày giông bão xô về bứt rời từng trang thơ anh của một thời ngồi khóc giữa quê nhà.
    Ðó là giọt mực lăn chạy khỏi tay anh và anh đuổi theo giữa phố đông người mong tìm bắt lại nhưng rồi chợt xô vào em một hôm để ngẩn ngơ một đời tội nghiệp nhìn theo bên lời xào xạc những kiếp xưa quạnh quẽ.
    Ðó là giọt mực loang đầy tay anh những ngày đầu nắn nót tập vần và không chịu bứt rời để một hôm thành lời thật nhẹ nhàng dung chứa đại dương với cá kình rủ về nằm yên để anh ra ngồi giữa chợ nghe lời người mắng mà cứ thấy là lời sóng ru miệt mài không thôi.
    Ðó là giọt mực một hôm vào đời đã đứng dậy thành người, thành em, thành anh, thành cõi bờ, thành thế giới để anh nhìn vào mắt em và thấy mắt anh, mắt người với những lòng xót thương cũng một màu đen, cũng một màu đen lánh, cũng những ngàn thế giới không khác biệt gì nhau
    Ðó là giọt mực, đó là giọt mực đã rơi từ thật xa xưa và vẫn còn tươi mới - như lời của anh nói với em hôm nay.
    F/ Vần: Tạp chí Thơ cho rằng "Thơ tự do Việt đơn giản chỉ là loại thơ không vần" (TCT 17, tr. 165). Ðiều này thật hết sức nhầm lẫn trong định nghĩa (5) cũng như trong thực tế. Tuy rằng không có luật lệ ràng buộc thơ tự do, các bài thơ tự do vẫn ít nhiều có vần ở cuối câu. Chỉ riêng trong thơ xuôi, một hình thức của thơ tự do, mới không có vần, nhưng có thi pháp và nhạc điệu bù lại.
    Tân hình thức Mỹ cũng thực hiện thơ có vần và vần đặt ở cuối câu, nhưng TCT lại "bảo hoàng hơn vua", chủ trương vần không đặt ở cuối câu mà ở những chỗ bất ngờ, tức là bất kỳ chỗ nào trong câu. Lại còn nói, "Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc, và ý tưởng". Thật là khó hiểu. Có lẽ TCT cho rằng những câu nói lập lại như trong bài dưới đây tạo thành vần của bài thơ chăng?
    TÂN HÌNH THỨC VÀ CÂU CHUYỆN KỂ
    Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
    đường và kể lại câu chuyện đã được
    kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
    cũng giống đời nào, mà lời nào cũng
    giống lời nào, về người đàn bà và
    đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
    gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
    gọi là chỗ sống), kẻ những con đường kẻ
    bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
    cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
    nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
    thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng
    nhưng người đàn bà và đàn con nheo
    nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
    kể lại, và không ai, ngay cả người
    đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
    ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.
    (Khế Iêm, TCT 18, tr. 105)
    Vần kiểu này thì chỉ mang lại tính cách luộm thuộm, rườm rà mà thôi. Còn những bài thơ khác không có những từ lặp lại thì sao? Ðộc giả thử tìm vần trong các bài thơ đó xem. Bài dưới đây đặt vần ở cuối câu, nhưng khi đọc lên, ta phải đọc nhanh qua chữ đầu dòng dưới vì chúng thuộc một nhóm chữ không thể tách rời cho nên không thể được coi là có vần.
    NHÌN THEO CHÙA CỔ QUÊ NHÀ
    đi xuống phố nửa đêm tìm lại những
    cái tôi nào của ngày trước với ngày
    sau lối mịt mù trí nhớ mắt cay
    sè đêm hạnh ngộ gương xưa mùa cổ
    độ người một thuở ùa về chân
    dung lạ còn ai đi giữa trần
    gian soi lại gọi nửa đời lạ
    lẫm gió hư vô đêm cũng lầm
    lạc mãi chưa về tới thắp
    đuốc chờ người mãi những mùa
    xuân chút tình cờ mà gặp
    gỡ một đời để hương lưu
    giữ xanh vầng tóc trắng
    .............
    (Phan Tấn Hải, TCT 18, tr. 135)
    Tóm lại, nhóm Tân hình thức cố gắng tạo ra một loại yêu vận tự do nhưng chưa thành công.
    G/ Thi pháp: Tân hình thức chủ trương dùng những câu nói thường nhật và tôn trọng cú pháp văn phạm, nghĩa là gạt bỏ mọi bút pháp thay đổi vị trí từ ngữ. "Chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kỳ không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống..." Lý do nêu lên là thơ truyền thống "mòn mỏi với vần điệu", người làm thơ phải nặn óc tìm vần, tìm chữ, và "Nếu không mang được những câu nói thông thường vào thơ thì làm sao mang được đời sống vào thơ? Và nếu không, thì làm sao chia sẻ được với nỗi vui buồn của mọi tầng lớp thời đại?" (TCT 20, tr. 73)
    Thơ luật và thơ tự do cũng không thiếu gì những bài dùng lối nói bình thường, nhưng thật ra đã rất chải chuốt, chọn lọc. Thơ Nguyên Sa là một ví dụ tiêu biểu.
    Không có anh lấy ai đưa em đi học về
    Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
    Ai lau mắt cho em ngồi khóc
    Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
    ....
    Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
    Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
    Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về
    Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
    ........
    Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?
    Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng
    Bầu trời mây ở dưới áng mây cong
    Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?
  5. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Nhưng bình thường đến mức buông thả như văn xuôi - văn xuôi cũng có khi còn chải chuốt hơn -, có khi chỉ là một bài báo (như bài "Những người chết trẻ" của Lê Thánh Thư và "Kiều" của Ðỗ Kh.) thì thật là quá đáng.
    Xưa nay người ta yêu thơ không những vì ý thơ hay, mà còn vì lời hoa mỹ, chữ dùng mới lạ, bút pháp tân kỳ. Người ta không chỉ ngâm nga cả bài thơ mà còn trích dẫn từ ngữ, nhớ mãi trong tâm. Thơ Tân hình thức dùng lời lẽ đời thường, không thi pháp, thì còn cái gì cái gì để thưởng thức? Chỉ còn cái hàm ý của cả bài thơ mà thôi. Nếu người đọc không tìm ra cái hàm ý này thì bài thơ chỉ để lại một con số không trong tâm trí. Chân Phương đã nhận xét chí lý rằng: "Hình thức càng nôm na bình thường bao nhiêu, nội dung càng phải siêu việt bấy nhiêu, nếu không chỉ có thất bại." (TCT 18, tr. 6). Ðỗ Minh Tuấn có cái mộng ước cao xa như thế này: "Nhìn chung, thơ cũ giống như những vật cứng có quảng tính dễ đo đạc và dễ cắt tỉa ra chi tiết. Hiện tượng lẩy ra một vài câu thơ hay để thưởng thức độc lập chỉ là dấu hiệu tố giác thơ ngày xưa không phải sự sống vô định mà cao nhật chỉ như những hòn ngọc trang sức ở trên thân thể đời sống. Thơ hay đích thực giống như một người đẹp ta không thể cắt ra cái mũi để khoe nhau. Thơ hay giống như một làn hương thông qua ám ảnh và lan tỏa không dễ gì thu gọn lại, rút tỉa ra một vài câu hay để thuộc lòng, để ngâm nga, để nhớ. Thơ hiện đại tỏa ra hương vị bí ẩn từ toàn bộ tác phẩm, mặc dù ta không thể nhớ một câu, một chữ." (TCT 20, tr. 206).
    Rất tiếc là Tân hình thức chưa sản xuất được những bài thơ hay như thế, và dù cho có đi nữa, không phải chỉ Tân hình thức có thể làm hay như vậy được.
    KẾT LUẬN
    Trở lại với vấn đề phong trào Tân Hình Thức trong thơ Mỹ. Sự hình thành phong trào này bắt nguồn từ những nhận xét: a/ về sự trì trệ của thơ tự do, b/ về chủ nghĩa duy ngã, c/ thơ tự do khó nhớ vì thiếu vần điệu, nhạc tính. Phong trào không những muốn thay đổi về hình thức (thơ đều chữ, có vần, có nhạc) mà còn về nội dung (thuật sự, khách quan, trong sáng).
    Tạp chí Thơ du nhập hoàn toàn các nhận định và chủ trương vào thi ca Việt.
    Theo TCT, thơ cổ điển Việt Nam dựa vào luật bằng trắc, vần và cao độ (pitch, 4 level tone), dùng và chọn chữ, thơ Tiền Chiến dựa trên vần (thường là cước vận), trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng, thơ Tân hình thức "kết hợp với một số yếu tố và kỹ thuật của thơ tự do, phá vỡ những âm hưởng Tiền Chiến, chấm dứt nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ của thơ Việt." (Khế Iêm, TCT số 18, tr. 94).
    TCT hết lời chỉ trích thơ tự do Việt trong 50 năm qua và đề cao Tân hình thức, nhưng cũng dành phần lớn số trang cho thơ tự do và lại còn nói rằng "mỗi thời kỳ, những nghệ sĩ tạo ra những quan điểm thẩm mỹ riêng, và không thể nào dùng quan điểm này để làm thước đo, phê bình hay so sánh với quan điểm khác" (TCT 20, tr. 72). Thật là mâu thuẫn.
    Trong sự mô phỏng Tân hình thức Mỹ, TCT đề ra tính nhạc, câu đều chữ, vần, kỹ thuật vắt dòng và lời thơ "đời thường", và còn tính tới chuyện dùng slant rhyme, bằng trắc theo cấu trúc iambic! Câu đều chữ với kỹ thuật vắt dòng có thể chấp nhận được vì nó chỉ là sự trá hình của thơ xuôi. Do đó có vần hay không có vần cũng không thành vấn đề. Cái điều đáng nói ở đây là sự lạm dụng lời thơ "đời thường" một cách quá đáng khiến bài thơ không còn nhạc tính.
    Cái điều đáng nói thứ hai là đại ngôn. "Thơ tự do, sau một thế kỷ đã cạn nguồn và cùng kiệt, những nhà thơ Tân hình thức Hoa Kỳ chắt lọc từ truyền thống và tự do, để làm thành một hình thức tân kỳ hơn, thích nghi với cách diễn đạt mới, thì thơ Việt cũng mòn mỏi với vần điệu và tự do. Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên. "Chúng ta phải thức dậy hay chết", đó là lời của nhà thơ Ý, Francesco Petrarch, người khai sinh ra thời đại Phục Hưng." (TCT 20, tr. 70). Tôi đồng ý rằng các bài thơ làm theo Tân hình thức có một nội dung mới lạ so với các bài thơ tự do. Mới lạ chỉ vì tác giả đưa văn xuôi vào thơ, hoàn toàn là văn xuôi!
    Không thử nghiệm cái mới thì không có tiến bộ. Ðiều này đúng trong mọi lãnh vực. Tôi mong rằng Tân hình thức đẻ ra được những bài thơ đáp ứng lòng tự hào của nhóm chủ trương và lòng yêu thi ca của người Việt, chứ đừng "vẽ voi thành chuột".
    (Ðã đăng ở Web Hồn Quê số 5 và tạp chí Phố Văn số 11)
    ------------------------------------------------------------------------
    Chú thích:
    Những chữ trong [ ] là chú thích của người viết. (1) Meter là luật tắc về trọng âm và khinh âm (stressed and unstressed syllables) và số âm (syllable) trong mỗi câu thơ. Thơ luật của Mỹ cũng hợp vận (rhymed) giống như thơ đều chữ tiếng Việt: vần liền (hai vần liền nhau), vần cách (hai vần cách nhau một hàng: câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4, vân vân), vần ôm (trong 1 đoạn 4 câu, vần câu 1 hợp với vần câu 4, vần câu 2 hợp với vần câu 3). Không có yêu vận (vần giữa câu) như trong thơ lục bát hay song thất lục bát của ta.
    (2) Trong cùng thập niên 1980, xuất hiện hai trường phái khác có chủ trương tương tự trong sự trở lại thơ truyền thống đều chữ có vần điệu và rời khỏi chủ nghiã duy ngã: New Narrative (Tân Thuật Sự) và Expansive Poetry (Thơ Mở Rộng). Cả hai thường được đồng hóa với New Formalism.
    New Narrative đòi hỏi thơ có cốt truyện rõ rệt. Về đường lối của Expansive Poetry thì một nhà thơ trong số sáng lập là Frederick Feirstein nói rõ đường lối của họ trong tiểu luận Expansive Poetry: Essays on the new Narrative and the New Formalism như sau:
    "... the poets who joined the expansive movement have the following goals: 1.
    They want to say significant and passionate things about the larger world outside themselves. 2.
    They want to use all the resources of the craft, including meter, rhyme and dramatic and narrative structures. 3.
    In their imagery and subject matter, they strive to make easy reference to and use of science and technology. 4.
    They also strive for a poetic language that embraces colloquial American and combines it with meter to avoid using the awkward rhetorical patterns of free verse. 5.
    Yet, Expansive poets continue to use free verse when subject matters calls for it, and discuss free verse as one of the many forms available to the poet.
    (3) Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Hà Nội, 1985, 213-214.
    (4) "Thơ tự do (trong ngôn ngữ tiếng Anh) làm khó người đọc, vì tùy thuộc vào sự căng thẳng hay sức ép giữa văn phạm và chiều dài của dòng, của đoạn thơ." (Khế Iêm, TCT 18, tr. 96)
    (5) - Free verse is a term loosely used for rhymed or unrhymed verse made free of conventional and tra***ional limitations and restrictions in regard to metrical structure. (Columbia Encyclopedia, Sixth E***ion 2001) (http://www.encyclopedia.com/articles/04736.html)
    - Free verse is poetry organized to the cadences of speech and image patterns rather than according to a regular metrical scheme. It is "free" only in a relative sense. It does not have the steady, abstract rhythm of tra***ional poetry; its rhythms are based on patterned elements such as sounds, words, phrases, sentences, and paragraphs, rather than on the tra***ional prosodic units of metrical feet per line. (Britannica Encyclopedia)
    - The rhythm or cadence of free verse varies throughout the poem (http://library.thinkquest.org/3721/poems/forms/free.html?clkd=iwm)
    - Rhyme may or may not be present in free verse, but when it is, it is used with great freedom. (http://www.english.upenn.edu/~afilreis/88/freeverse.html?clkd=iwm)
    - Free verse is sometimes confused with blank verse, which does not rhyme but has a set metrical pattern. Free verse, on the other hand, has no rules whatsoever. The lines are irregular and may or may not rhyme . (The UVic Writer's Guide) (http://www.clearcf.uvic.ca/writersguide/Pages/ LTFreeVerse.html)
  6. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Nguyễn Ðăng Thường
    Những kẻ giết thơ
    Voici le temps des Assassins.
    (A. Rimbaud)
    Literature is news that stays news.
    (Ezra Pound)
    Trên Hồn Quê tháng 5/2001 có một bài điểm thơ Tân hình thức rất tỉ mỉ, khá vui. Vui, vì nó không soi sáng Tân hình thức mà chỉ phản ảnh cái nhìn vuông vức của người đọc. Ðộc giả có thể học được lắm điều hay khi đọc bài này. Ở đời mình không nên xem thường ai cả. Chẳng hạn, các nam độc giả không nên thường xuyên vào web lục lạo tìm coi ***y Asian Girls, etc...
    Vừa ghé vào gia trang, người đọc đã bị ngỡ ngàng với câu chào đón: Có một địa chỉ nhỏ của Tạp Chí Thơ trên Internet, do Khế Iêm chủ trương... Tại sao nhỏ?
    Bài điểm thơ khá chi tiết. Tác giả ghi lại hết tất cả các yếu tố của Tân hình thức Việt theo thứ tự từ A đến Z. Rồi ông ta tìm một bài tân hình thức không thích hợp với một yếu tố hay định nghĩa (tính truyện, tính nhạc, vần điệu...) để chứng minh sự thành công... thê thảm của nhóm này ("vẽ voi thành chuột"). Xưa nay, các tác phẩm dẫu hàng đầu, cũng chưa chắc đã thể hiện được đúng mức ước mơ của tác giả. Nhìn dưới một góc cạnh nào đó mọi tác phẩm đều là một thất bại hay thành công thê thảm. Mà như vậy lại càng hay. Bởi kẻ sáng tạo vẫn chỉ là một con người, và cũng thường là một con khỉ hay bắt chước một hoặc nhiều con khỉ khác, trước khi có được một đóng góp giá trị. Mặt khác, một tuyệt tác phẩm trăm phần trăm sẽ là một cái xác chết. Tuyệt tự.
    Nếu nói theo nhà thơ Yves Bonnefoy thì kẻ sáng tạo khi đã lên tới đỉnh rồi thì phải đạp phá và bắt đầu lại từ đầu. Nhà thơ Khế Iêm cũng có một suy gẫm tương tự: "Nhưng có điều nghịch lý là tiến trình sáng tạo cũng là tiến trình của phủ nhận". Nếu muốn bắt bẻ chỉ để bắt bẻ thì Truyện Kiều còn nhiều câu chưa hợp vần. Ta có thể viết lại, như người viết bài này đã từng làm trong lớp học để mua vui:
    Cảo thơm lần giở trước đèn
    Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh
    Rằng năm Gia Tỉnh triều Manh
    Bốn phương phẳng lặng hai kanh vững vàng
    Có nhà viên ngoại họ Vang
    Gia tư nghĩ cũng thàng thàng bậc trung
    Một trai con thứ rốt lùng
    Vương Quan là chữ nối dùng nho gia
    Ðầu lòng hai ả tố nga
    Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
    Mai cốt cách tuyết tinh thần
    Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
    Vân xem trang trọng khác vười
    Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang
    Hoa cười ngọc thốt đoan trang
    Mây thua nước tóc tuyết nhàng màu da...
    Người điểm thơ Tân hình thức là một kẻ ngủ quên trong các quán văn quán thơ của quá khứ, nên lúc lọt vô cánh đồng hậu hiện đại mênh mông đã có đủ thứ ngộ nhận, trông gà hóa cuốc. Tất cả đã được người điểm thơ phân loại, dán nhãn, đánh giá theo chức năng: thơ để ngâm nga, báo chí không thể là văn chương, báo chí chỉ để lấy tin tức... Người điểm thơ không nghĩ rằng người ta còn có thể dùng một bài báo để chùi đít hay làm một cánh diều. Hoặc biến một sấp báo Le Monde cũ thành một tác phẩm nghệ thuật. Joseph Beuys hay Marcel Duchamp đã chơi dại như vậy, trong lúc ta chơi khôn lấy báo gói thịt cá rau hay gói đậu phọng rang.
    Ðại khái, người điểm thơ đã coi Tân hình thức Việt như là sự cóp nhặt đơn thuần New Formalism của Mỹ, nhưng lại "bảo hoàng hơn vua" (trong cách gieo vần). Dưới cái nhìn của người điểm thơ, tân hình thức chỉ là những bài văn xuôi được đếm chữ so câu và sử dụng kỹ thuật vắt dòng, cần phải trau chuốt thêm. Bởi chúng không có thi pháp, nhịp điệu, đọc thấy khó hiểu vì thiếu sự trong sáng, mặc dù có khi người điểm thơ chê một bài thơ vì nó "chỉ là một bài báo" cải trang ('Kiều', 'Những người chết trẻ'). Khó hiểu, thiếu trong sáng, một bài báo? Nói vắn tắt, đối với người điểm thơ, tân hình thức chỉ là những bài văn xuôi hạng bét, trá hình đội lốt thơ. Xin thưa: Tân hình thức muốn đem ngôn ngữ đời thường vào thơ nên không buồn trau chuốt. Tôi e trau chuốt hiểu theo cách của người điểm thơ, đã mang một nghĩa xấu, gần như tương đương với kiểu cọ?
    Người điểm thơ chia văn xuôi ra làm hai loại: văn xuôi không chải chuốt (tầm thường, không đáng kể) và văn xuôi chải chuốt (hay ho, nên trân trọng). Báo chí được xếp vào loại tầm thường. Theo thiển nghĩ, văn xuôi dù có vẻ không chải chuốt (Alain Robbe-Grillet...) cũng là một cách để trau chuốt, mà Hemingway là một trường hợp điển hình. Trong lúc mọi người đều hè hụi bắt chước viết theo Hemingway, Faulkner đã chê chọc, nói Hemingway là nhà văn tay phải cầm bút, tay trái cầm tẩy. Ðiều này cho ta thấy câu văn ngắn gọn của Hemingway, hay câu văn bất tận của Faulkner cũng đều là văn xuôi trau chuốt cả. Với thời gian, câu văn giản dị, trực tiếp, dễ đọc, dễ hiểu của tác giả Ông già và biển đã trở thành quá mài giũa, gò bó, không được "tự nhiên".
    Về vần điệu tân hình thức, người điểm thơ cho biết ngay rằng không có vần điệu. Một bài thơ Khế Iêm có những từ lập đi lập lại, được nhấn mạnh gạch dưới để bảo rằng "nếu xem các chữ ấy tạo thành vần của bài thơ, thì vần kiểu này chỉ mang lại tính cách lượm thượm rườm rà mà thôi. Còn những bài thơ khác không có những từ lập lại thì sao. Ðộc giả thử tìm vần trong các bài thơ đó xem sao". Ðộc giả này thử tìm vần trong các bài thơ đó xem sao. Ðộc giả này cũng thử tìm điệu trong các bài thơ đó xem sao. Ðộc giả này gửi meo đặt mua chịu hai số báo, Xuân và Thu 2000. Khi báo tới, độc giả này mở tờ Playgirl số mùa Xuân ra coi. Ðộc giả này thấy có hình ta ôi những miếu đền. Không có vần vèo. Ðộc giả này lại mở tiếp cuốn Playboy số mùa Thu ra ngắm, thấy dày dày sẵn đúc một tòa không thiên nhiên. Toàn là ngực bôm mông thổi như ô my beautiful ô my beautifull balloon. Không nhịp điệu. Ðộc giả này xin các độc giả khác thử tìm vần điệu trong các bài thơ đó xem sao. Ðộc giả này hỏi ông giáo trưởng Tân hình thức thì được nhã nhặn mời đọc kỷ lại các bài tân hình thức một lần nữa. Ông ta thấy không cần phải chứng minh.
    Người điểm thơ đưa ra một nhận xét: "Xưa nay người ta yêu thơ không những vì ý thơ hay, mà còn vì lời hoa mỹ, chữ dùng mới lạ, bút pháp tân kỳ. Người ta không chỉ ngâm nga cả bài thơ mà còn trích dẫn từ ngữ, nhớ mãi trong tâm. Thơ Tân hình thức dùng lời lẽ đời thường, không thi pháp, thì còn cái gì để thưởng thức? Chỉ còn cái hàm ý của cả bài thơ mà thôi. Nếu người đọc không tìm ra cái hàm ý này thì bài thơ chỉ để lại một con số không trong tâm trí."
    Ôi, để lại được một con số không thì hay quá rồi. Có nhiều bài thơ như nước đổ lá môn, chẳng để lại gì cả. Chắc đây là chuyện suy bụng ta ra bụng xưa nay? Ðộc giả nào? Ai đâu dám chắc rằng "nắng cực" trong thơ bác Hồ là lời hoa mỹ để tránh dùng từ "nứng ***" không bóng bẩy. Nhỡ bác Hồ bác ấy thấy thế nào thì cứ bảo vậy thì sao? Thơ Genet vì ở miền buốt giá nên không có nắng cực hoa mỹ chỉ có nứng *** dài dài, dài và to hơn điếu xì gà trên môi người đẹp Monica. Rimbaud - trước khi trốn nhà lên Paris tìm gặp Verlaine trong một cơn cực nắng bất ngờ ở Charleville - thì ưa loại "văn chương đã hết thời, truyện kích dâm đầy lỗi chính tả, sách của trẻ con, bài ca vớ vẫn, nhịp điệu ngây ngô..." (1) Rõ ràng ông hoàng chú bé của thơ ca Pháp cuối thế kỷ 19 lúc vỡ lòng đã học lấy những nghề nghiệp hay. Sau một đêm say men, say thuốc, say nhạc (các bài ca Tiệp) trong một tửu điếm, sáng dậy ở Paname (2), nhà thơ Apollinaire đã trông gà hóa phượng, đọc các tờ truyền đơn, thư mục, bích chương (3) như đọc thơ... có lời hoa mỹ, chữ dùng mới lạ, bút pháp tân kỳ, nhớ mãi trong tâm. Các yếu tố của thơ tân hình thức đã được liệt kê từ Z tới A mà sao lại bảo rằng Tân hình thức không có thi pháp nhỉ?
    Người điểm thơ trích dẫn một bài thơ tình Nguyên Sa nhớ mãi trong tâm. Người gõ bài này e chỉ có những cô những cậu học trò vừa mới biết yêu, vừa mới biết đọc thơ tình ở Sài Gòn trong hai thập niên 50/60 thì mới thích trèo lên đỉnh "em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng". Người gõ bài này e mấy chiếc áo vàng, áo xanh, áo tím, áo thêu hồng lòe loẹt, không còn hợp với nàng thơ tân hình thức, vì nàng chỉ thích làm như minh tinh BB thời thanh xuân, cởi truồng ngồi ngắm nghía cuộc đời qua lại lại qua trên bãi biển Vũng Tàu. Thơ Nguyên Sa được người điểm thơ khen tặng có "lối nói bình thường, nhưng thật ra (tôi nhấn mạnh) đã rất chải chuốt, chọn lọc". Ðã có mâu thuẫn rõ rệt: một câu nói rất chải chuốt, chọn lọc, không thể là lối nói bình thường được. Tội nghiệp cho nhà thơ Nguyên Sa đã được đệ tử tâng bốc kiểu đó. Vì anh với tôi là đồng nghiệp ở trường Chu Văn An và văn hữu trên tờ Trình Bầy. Chính tôi đã photocopy các trang ký Vài ngày làm việc ở Chung sự Vụ đăng tải trên TB mà tôi còn lưu giữ được một bộ, để nhà thơ in lại thành sách bên Mỹ. Tôi nói tội nghiệp, vì người điểm thơ đã vẽ rắn thêm chân, diễn giải (bịa đặt chứ không có thật ra) lượm thượm ngôn ngữ thơ Nguyên Sa theo ý đồ của mình. Hãy thử giải thích dùm người điểm thơ bằng cái nhãn quan của chính ông ta. Rất có thể vì Nguyên Sa là một giáo sư triết và một nhà thơ nên lối nói bình thường (không chải chuốt, không chọn lọc) của Nguyên Sa vẫn hoa mỹ hơn lối nói bình thường của thiên hạ (không chải chuốt, không chọn lọc - như tân hình thức), và cũng đẹp hay hơn lối nói chải chuốt chọn lọc của một anh chàng (giả dụ) dốt hay nói chữ. Nhưng thơ (bánh ngọt) của tiệm Nguyên Sa có thể không hợp khẩu vị của những người khác. Khen cái "chải chuốt" của Truyện Kiều và chê cái "quê mùa" của Lục Vân Tiên không phải là phê bình văn học, mà là đánh giá hai tác phẩm theo chủ quan và khẩu vị của một cá nhân. Người điểm thơ yêu cái lối nói bình thường và ngôn ngữ xinh xắn của một nhà giáo kiêm nhà thơ (Nguyên Sa), trong khi nhà thơ tân hình thức thì lại chuộng cái lối nói bình thường và ngôn ngữ tục tằn (của một em gái bụi đời) và sao chép lại y hệt, chẳng hạn.
  7. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Có thể người điểm thơ có đủ khả năng để đọc một bài báo lấy tin, nhưng chưa đủ óc thẩm mỹ (?) để nhận thấy rằng một cái tin, đôi khi tự chính nó cũng đã có thể là một bài thơ rồi, nhưng không phải vì lời lẽ chải chuốt như thơ. Do quan niệm rất sai lầm đã kể về văn xuôi, người điểm thơ đã phê phán bài 'Những người chết trẻ' như sau: "Nhưng bình thường (sic) đến mức buông thả (nếu đã buông thả thì không thể bình thường được, mà bình thường thì đâu có dở có phải không ạ?) như văn xuôi - văn xuôi cũng có khi còn chải chuốt hơn -, có khi chỉ là một bài báo (như bài 'Những người chết trẻ' của Lê Thánh Thư và 'Kiều' của Ðỗ Kh.) thì thật là quá đáng." Chắc người điểm thơ muốn nói rắc rối khó hiểu như thế này: "Nhưng tầm thường đến mức như văn xuôi không chải chuốt, vì có khi chỉ là một bài báo (như bài 'Những người chết trẻ' của Lê Thánh Thư và 'Kiều' của Ðỗ Kh.) thì thật là quá đáng". Ô kìa, văn xuôi của các ông ký giả đều là văn xuôi hạng bét hết cả hay sao? Tản Ðà, Hoàng Ðạo ngày xưa đã chẳng viết báo là gì à? Và Hemingway. Và Camus. Và Sartre. Và Duras nữa... Ôi không thể kể xiết các nhà văn đông tây kim cổ đã/đang/sẽ còn viết báo để kiếm tiền, vì nó thường là cái nghề tay trái của người cầm bút. Văn báo cũng có cái đặc sắc của nó nữa chứ. Trọn chương 7 của quyển Ulysses gồm toàn những đoạn văn ngắn có tựa đề riêng nhại các bản tin đăng báo, đọc thấy thú vị như đọc những bài thơ-văn xuôi. Vì đã có các nhân vật thật của "faits divers" ("tin vặt") như trộm, cướp, đĩ, điếm, nên cuốn truyện đầu tiên (4) của Genet đã được nhà Arbalète layout mỗi trang chia làm hai cột như trang báo.
    Buông thả như văn xuôi là thế nào? Văn xuôi của ai? Theo thiển ý, viết bất cứ một cái gì , là đã có sự chọn lọc chữ nghĩa, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp ngay từ lúc đầu, nên không thể có sự buông thả được? Xin trích dẫn một nhận xét không bình thường đến mức buông thả: "Thơ thuật sự truyền thống thường diễn tả cảnh vật, sự việc qua tâm hồn nhân vật, và tâm hồn nhân vật có thể chính là tâm hồn tác giả. Chính điều này tạo nên những lời thơ bóng bẩy, ý thơ hay và câu thơ được coi là có hồn". Và đây là một nhận xét (bình thường đến mức không buông thả?) về Tân hình thức: "Tự sự khách quan... Lời thơ mang tính khách quan, vô hồn, không giải thích, không bút pháp đặc biệt, chẳng khác gì lối văn của Alain Robbe-Grillet. Chính cái không giải thích này có thể làm cho bài thơ khó hiểu, trái với kỳ vọng về sự trong sáng." Xin thưa, nếu văn Tân hình thức mà giống được như văn của A. R. Grillet thì sướng quá trời rồi, ai đâu cần làm thơ ******** chi cho thêm mệt cái ngón trỏ.
    Một số các tác giả hiện đại tránh né sự giải thích, là bởi không muốn làm bậc thầy, là vì muốn người đọc đừng tiếp tục cái vai trò thụ động. Xưa như trái đất rồi. Giọng tường thuật (tự sự) châm biếm, nhất là hai chữ "d.ái tai" đã cho thấy ngay bài báo/bài thơ 'Những người chết trẻ' đã có cái nhìn chủ quan rõ như ban ngày. Ðó là một cái nhìn chủ quan trá hình chỉ có thể gạt được bọn "children" mà thôi (xin lỗi các đấng "mai bê bi" nhé). Người điểm thơ hình như muốn khuyên nhà thơ tân hình thức, kẻ đang tìm một đường hướng mới, nên tiếp tục làm thơ theo truyền thống (truyền thống nào?) để cho thơ còn được trong sáng, có hồn, dễ hiểu (cho những ai?) Cái sờ sờ trước mắt là bút pháp của Alain Robbe-Grillet. Chính vì muốn có một bút pháp đặc thù nên Alain Robbe-Grillet đã chọn lối viết "rất tầm thường" của Alain Robbe-Grillet.
    Chuyện này khiến tôi nhớ lại một bài phê bình phim đăng trên tờ Thế Kỷ 21 khi Mùi Ðu Ðủ Xanh của Trần Anh Hùng ra mắt khán giả trên đất Mỹ. Tác giả là một cô hay một bà, coi xong rồi nghe kích thích tối đa, được hãnh diện thơm lây (cuốn phim đã đoạt giải thưởng), tình yêu nước, tình yêu nghệ thuật, máu chị hùng nổi lên đùng đùng muốn vỡ đê sông Hằng nên chở người bạn gái đi ăn mỗi cô/bà hai tô bún bò Huế king size để tưởng nhớ quê cha đất mẹ dấu yêu nghìn trùng xa cách. Rồi cô ta hay bà ấy về nhà lấy giấy bút ra mần liền một bài "điểm phim" khen vẻ đẹp tự nhiên của Trần Nữ Yên Khê và lớn tiếng mắng yêu các cô ca sĩ Việt Nam, mặt mày bôi son trát phấn xanh đỏ chèm nhèm thấy mà ghê, sao không noi gương cô Mùi để mặt thiệt tự nhiên đi hò đi hét. Cũng may cô kia hay bà nọ không khuyên các nàng ca sĩ ta hãy giải nghệ hoàn lương, theo học một lớp dạy làm đu đủ, khô bò cấp tốc, rồi tìm xin một chân ở đợ, chờ lấy con bà chủ cho đời lên... mùi đu đủ xanh. Khuôn mặt tự nhiên trên màn bạc là một khuôn mặt đã được trang điểm cho nó trông có vẻ "tự nhiên". Như cái vẻ đẹp "tự nhiên" do cắt tỉa hoa lá, uốn nắn cây cành trong nghệ thuật chơi hoa kiểng của Nhật Bản. Cựu Tổng thống Nixon vì muốn có vẻ đẹp "thùy mị tự nhiên" trên TV, nên phải mang cái mặt phấn son tô điểm san hà, bát phố Catinat cho cameramen thu ảnh gửi về Mỹ lượm lá phiếu phụ nữ. Các nhà phê bình sâu sắc xưa nay đã lẫn lộn luân lý với nghệ thuật, đã dùng luân lý để phê bình nghệ thuật. Nhà trí thức phê bình phim đã ca tụng một cô "đào thương" trên màn bạc cũng như một khán giả bình dân đã mắng chửi một anh "kép độc" đang diễn tuồng trên sân khấu.
    Nếu bảo rằng Tân hình thức không có nhịp điệu vì chúng đều là văn xuôi thì lại càng đúng một... phần trăm. Bởi lẽ giọng kèn của ông này không giống tiếng quyển của bà kia. Mỗi cây bút cũng là một cung đàn. Do vậy, mỗi bài tân hình thức đều có nhịp điệu riêng nên không thể giống nhau được. Nếu đọc một bài văn xuôi - xin gọi tạm là văn xuôi như lời người điểm thơ - sắp xếp dưới dạng tân hình thức, và cũng bài văn xuôi ấy giàn trải theo cách thông thường, mà không thấy/chưa thấy được sự khác biệt nhau, thì không do lỗi của người làm thơ, mà bởi lỗi của người điểm thơ, hoặc chưa biết đọc thơ, hoặc đã cố ý không muốn thấy có sự khác biệt nhau. Bài thơ 'Ðó là giọt mực' của Phan Tấn Hải đã được hân hạnh mang ra làm dê tế thần. Tân hình thức không thiếu nhịp điệu/vần điệu. Nhưng là nhịp điệu khác, là vần điệu khác, nên có thể chưa quen tai. Về cái hàm ý của bài thơ (nếu có hàm ý) độc giả không tìm thấy thì cũng chả sao. Nếu cần, vẫn có thể nhắc đến bài tiểu luận 'Against Interpretation/Chống diễn dịch' của Susan Sontag. Ðọc truyện của Kafka, hay xem kịch của Beckett, ai muốn hiểu thế nào thời cũng tốt. Tất nhiên người đời nay xem tranh hứng dừa không có con mắt của người đời xưa. Nhưng, hứng dừa là hứng dừa là hứng dừa là hứng dừa. Diễn giải thành tranh hứng dái thì cũng... okay. Nhưng đó không hẳn là ý muốn của người vẽ tranh, lại càng không phải là ống kính "khuôn vàng thước ngọc" để chúng ta xem tranh dân gian.
    Ðem đời thường vào văn chương văn nghệ không phải là cứ việc sao chép lại y hệt. Mà nếu có xerox y hệt thì cũng đã có sự lựa chọn trước của mỗi tác giả. Như trường hợp chụp bắt những đồ vật sẵn có (ready made) trong nghệ thuật. Người sáng tạo đã lựa chọn một món giữa muôn ngàn đồ vật. Khi còn sống con đoài mồi chỉ là thú vật. Phơi khô nó trở thành một nghệ phẩm. Khi chọn cái bồn tiểu Duchamp đã đi xa hơn một nghệ nhân, ông đã nhìn thấy cái đẹp trong một đồ vật không chỉ tầm thường mà còn bẩn thỉu là đằng khác, mà trước đó người ta chỉ nhận thấy cái phần lợi ích của nó mà thôi. Tóm lược và diễn giải cho dễ hình dung, chứ vấn đề không thật đơn giản như vậy đâu. Fountain (Cái bồn tiểu, 1917) là tác phẩm ý niệm (conceptual art) đầu tiên với mục đích phủ nhận các bậc thang giá trị quý đẹp (repudiation of values) của một tác phẩm nghệ thuật cổ điển. Trên trang báo, bài báo là bài báo. Trong tay nhà thơ tân hình thức bài báo đã trở thành đề tài và chất liệu để làm một bài thơ. Ðộc giả bài 'Kiều' là một người đọc thơ nên không cần biết bài báo có thật hay không (chính tôi cũng không biết, phải e-mail hỏi tác giả). Người đọc thơ cũng tựa như người xem tranh không cần biết người mẫu có thật hay không. Nếu không có bàn tay của nghệ nhân và bàn tay của nhà thơ tân hình thức, con đồi mồi và bài báo sẽ mai một, như nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci, hay chiếc ghế, chiếc giầy trong tranh Van Gogh. Nhưng người chụp bắt phải có con mắt tinh đời. Nếu thấy người ta làm rồi, mình cứ bắt chước làm theo, chụp ếch cái kiểu đó có thể té nặng mà chẳng bắt được gì cả. Người điểm thơ đã lầm tưởng rằng chỉ cần đếm chữ so câu một bài văn xuôi cho đồng đều nhau như câu thơ, rồi phân đoạn thêm nếu muốn, là sẽ có ngay một bài tân hình thức đọc liền - như mì ăn liền.
    Nhưng Tân hình thức tất nhiên là không phải vậy. Chí ít là trên phương diện thị giác (visual) nó đã khác một bài văn xuôi, đã khác một trang tiểu thuyết rồi. Ngoài phần nội dung giống văn xuôi (nếu có sự tương đồng), nó đã có thêm được cái hình thức của một bài thơ. Kế đến nó có thêm cái nhịp điệu cung cấp bởi số chữ của mỗi dòng đã được tác giả lựa chọn (thất ngôn với 'Những người chết trẻ', lục bát với 'Kiều'). Sự vắt dòng (yếu tố trụ cột của Tân hình thức) đã làm nẩy sinh những âm tiết, hình ảnh, nghĩa ngữ bất ngờ (nhất là trong THT Việt với ngôn ngữ độc âm) do sự tình cờ ngẫu nhiên rất thú vị. Ðộc giả có khi phải đọc đi đọc lại các câu vắt dòng mà mỗi bận có thể là một khám phá mới, chứ không thể đọc một mạch như đọc câu văn xuôi từ chữ đầu đến chữ cuối, nhất là trong các bài có ít dấu (Phạm Việt Cường, Nguyễn Thị Thanh Bình) hay đã bỏ hết các dấu của câu (Jean Ristat/Ðỗ Kh., Nguyễn Ðăng Thường, Ðinh Cường). Chỉ cần nhìn vào cái ví dụ mà người điểm thơ đã trưng ra là thấy ngay. Khi bị đổi ngược lại để trở thành một bài văn xuôi, bài thơ 'Ðó là giọt mực' của nhà thơ Phấn Tấn Hải bị mất cái tiết nhịp khi nó còn là một tân hình thức. Bảo rằng hai bản đọc chẳng thấy khác nhau là "ngụy biện" (mauvaise foi).
    Một lần nữa, xin nhắc lại ý kiến của người điểm thơ: Tân hình thức không chỉ là văn xuôi trá hình mà còn là văn xuôi dở vì không chải chuốt. Tất nhiên, Tân hình thức tuy vậy mà không phải vậy. Như tranh Warhol vừa là, vừa không là những tấm ảnh. Giả thử, nếu như ta lấy bất cứ một bài văn xuôi nào rồi sắp xếp lại cho thành một bài tân hình thức mà thành công, thì lại càng hay. Ðó không phải là cái nhục cho Tân hình thức (thơ dễ/thơ dở) mà là cái vinh. Nếu đã vậy thì những trang tiểu thuyết của Nhất Linh, chẳng hạn, nhờ có Tân hình thức (hay cái máy đẻ thơ Tân hình thức) sẽ trở thành những trang thơ hay. Vì Ðoạn Tuyệt là một cuốn tiểu thuyết hay. Ðộc giả sẽ có một cuốn Truyện Ðoạn Tuyệt và một cuốn Thơ Ðoạn Tuyệt đều hay cả. Văn chương ta sẽ thêm giàu có. Nhưng trên thực tế văn xuôi của Nhất Linh sẽ không trở thành thơ tân hình thức được. Tất nhiên đây chỉ là lập luận trên nguyên tắc, vẫn còn trường hợp ngoại lệ, một nhà thơ tân hình thức tài hoa vẫn có thể biến một trang tiểu thuyết của Nhaát Linh thành một bài tân hình thức được như thường.
    Người điểm thơ đã lầm tưởng rằng một bài văn xuôi trau chuốt (do từ định kiến ưa thích cái chải chuốt, cái bóng bẩy học lóm của người xưa hay đã được một ông thầy Việt văn nhồi sọ) sẽ đẻ ra một bài tân hình thức giá trị hơn, là bậy. Vì sự chải chuốt đã tạo một tiết nhịp quá rõ rệt trong câu văn xuôi (cỗ văn như các bài vịnh Kiều, văn tế, và tân văn của Tản Ðà?, Nguyễn Tuân). Mặt khác, với loại văn xuôi miền Nam không trau chuốt, có vẻ như gần gũi với ngôn ngữ đời thường (Hồ Biểu Chánh), thì cũng chưa chắc cứ đếm chữ so câu là sẽ có được ngay một bài tân hình thức. Nói tóm lại, văn xuôi của tân hình thức là văn xuôi của tân hình thức. Nó vừa rất đặc biệt lại vừa "rất tầm thường" như văn chương... Alain Robbe-Grillet (xin lỗi ARG). Tranh của Monet, của Van Gogh, của Rousseau đã từng bị chống đối vì chúng không giống tranh cổ điển. Cũng như vẫn còn một số người Việt Nam chưa biết thưởng thức thơ văn-xuôi (văn xuôi "tầm thường" như thơ của Beaudelaire, Francis Ponge, Henri Pichette, Henri Michaux), nhưng lại ưa chuộng loại văn xuôi trau chuốt đọc lên "nghe như thơ". Văn xuôi của Thế Lữ không giống thơ, nhưng văn xuôi của vài cuốn tiểu thuyết (của Thanh Tâm Tuyền? Mai Thảo?) vì có nhiều "tính thơ" nên chúng thuộc loại tiểu thuyết "khổ độc"? Nhiều bài thơ văn-xuôi của ta, nếu không muốn bảo rằng hầu hết, đều rất dở không đọc được, là do bởi sự nhầm lẫn đó. Hình như cũng có ngộ nhận đáng buồn về siêu thực trong thơ và tranh.
    Người điểm thơ trích dẫn nhà thơ Chân Phương trích dẫn nhà phong cách học Phan Ngọc, tác giả của Tìm hiểu Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều: "Hình thức càng nôm na bình thường bao nhiêu, nội dung càng phải siêu việt bấy nhiêu, nếu không chỉ có thất bại." OK. Nhưng tiếc thay, cả ba ông tác giả khoái cái siêu việt này lại không buồn dẫn chứng cho thiên hạ nhờ. Người gõ bài này vẫn còn u mê về cái hình thức "nôm na" và cái nội dung "siêu việt", không biết nó ám chỉ tác phẩm nào, đã có mặt hay chỉ là giả thuyết. Nếu đem nó áp dụng cho Truyện Kiều, thì chắc Truyện Kiều có hình thức nôm na vì sử dụng thơ lục bát, và có nội dung siêu việt vì đã kể lại một câu chuyện siêu tàu? Tách rời hình thức khỏi nội dung là một quan niệm sai lầm. Hình thức mà nôm na (dở) thì nội dung dù có siêu việt (hay) thế mấy, bài văn, bài thơ cũng không thể hay được. Truyện Kiều của Nguyễn Du hay hơn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân là do bởi hình thức. Phim của Trần Anh Hùng, của Tony Bùi coi được vì hình thức đẹp. Ngược lại, nhiều cuốn truyện hay đã không trở thành phim hay vì hình ảnh, đạo diễn, tài tử kém. Hình thức "đẹp" cộng với nội dung "hay" sẽ cho ta một tuyệt tác.
  8. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Trở lại ảnh hưởng Truyện Kiều. Ngoài bói Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, vẽ Kiều, diễn Kiều, lượm Kiều, lấy Kiều, hóng mát trên bến Ninh Kiều tùm lum tà la, có phải hình ảnh động đào và thiên thai đã đẻ ra thêm một bài "Thiên Thai" (Tống Biệt) của Tản Ðà, và một bản Thiên Thai của Văn Cao với bầy tiên nữ Lolita chờ dâng trái đào tơ? Và một khúc "Thiên Thai" (Tống Biệt) Tản Ðà/Phạm Duy? Và một cái quán ăn Bồng Lai trên một cái sân thượng ở Sài Gòn cũ thi thoảng vọng đưa tiếng ca lảnh lót của một danh ca trình diễn cả hai bài "Thiên Thai"? Có phải "ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa" sẽ có một lô con cháu chắt chút chít bắt đầu với 'Lỡ bước sang ngang'? Rồi 'Hai sắc hoa Ti-gôn' và 'Bài thơ thứ nhất'? (Tôi rất thích cái thái độ nhiêu đó đủ rồi của tác giả hai bài tình có nhiều chất humour ngầm này: "Trời ơi người ấy [cái thằng ******** đó nó] có buồn không?") Tất nhiên đây chỉ là diễn giải cho vui, vì hình như có một ông râu mày hạng miếu đền đã chê bai hai bài thơ của đàn bà con gái là lải nhải. Ai đâu dám chắc T.T. KH là đờn bà. Ngoài ra, nhịp tiết của thơ bảy, tám chữ đều là sao chép thơ T.T.Kh. Tiếp theo, vâng, tiếp theo là một chuỗi liên tu bất tận thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, độc giả sĩ, thính giả sĩ thất tình kinh niên? Một người ngồi bên nay sông. Một người ngồi bên kia sông. Bên nay sông là một ông lẻ loi tình nhớ. Bên kia sông là một bà lẻ bóng tình xa. Chới với ở giữa sông Ngân Hà không cầu khỉ, thì có kẻ này đêm đêm vừa gõ nhịp bàn chữ vừa nghe rên rỉ vừa khóc thút thít. Chiều xưa mưa rơi âm thầm kẻ này đã giành ô chạy về nhà cho le,ï chớ sức mấy mà đưa em sang sông. Ðó là tình ca. Còn dân ca? Kẻ này cũng đã từng "kìa đoàn người vui vẻ gái cùng trai" bi bô "ai bảo chăn trâu là sướng chăn trâu khổ lắm chứ" bằng thích, cho đến ngày giải phóng được gửi đi vùng kinh tế mới, mới được biết rõ cái mùi "ông bảo chăn trâu là khổ chăn trâu sướng lắm chứ". Tất nhiên một "cái nhìn của chim" hay một "cái nhìn của ếch" sẽ không được trăm phần chân xác, nhưng hy vọng cũng có vài phần đúng chăng? Ừ, thì mình cứ trình làng quốc tế đại, thử coi.
    Hiển nhiên người gõ bài này không muốn vạch lá tìm sâu. Ðây chỉ là những điều thắc mắc cỏn con tôi đã chôn kín trong lòng từ thuở xa xưa hoïc trò như khối tình Trương Chi, chẳng muốn tỏ bày cùng ai, vì "nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn" "con ong cái kiến kêu gì được oan", nếu không có cái chuyện phê bình tân hình thức dư thừa cái nọ cái kia của thơ ca cổ điển nên dở ẹt. Dẫu sao thì Truyện Kiều vẫn là một áng thơ hay, một tác phẩm hàng đầu. Khác với Chinh Phụ và Cung Oán, Truyện Kiều thuộc thể loại truyện nôm, một thứ "pulp fiction" của ngày xa xưa. Nó có những màn hấp dẫn (văn chương, nghệ thuật) và những cái phi lý (thượng mại, câu khách) của những món hàng để tiêu thụ, hoặc để mua vui, của các cuốn phim Việt Nam trong và ngoài nước (lính ngụy để tóc dài, gái nghèo mặc xú chiêng đắc tiền, v.v...)
    Một độc giả còn nhiều thói quen về thơ ca có thể khó cảm nhận được cái chất liệu gồ ghề cố tình (xin gọi tạm như vậy) của Tân hình thức. Có thể ví họ với những người (giả dụ) vì quen đọc/quen nghe truyện thơ nên không thể chấp nhận các cuốn truyện văn khi chúng mới xuất đầu lộ diện. Bảo rằng Tân hình thức vì không có các chất liệu quen thuộc của thơ cũ nên không thể là thơ, cũng tựa như nói tranh trừu tượng, hoặc hai bức tranh White on white và Black on black, hai khung bố vuông vức toàn một màu trắng đục và một màu đen tuyền, của Malevich, không phải là hội họa. Nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng đã từng bị chỉ trích thậm tệ.
    Biết bao tác phẩm giá trị hàng đầu của ngày hôm nay đã từng bị chống đối trong quá khứ. Tất nhiên, nhóm tân hình thức không dám so bì với bất cứ một ai. Tuy nhiên, vì có người đã không ngại đường trơn ướt đến thăm Tân hình thức neân nhóm này cảm thấy phấn khởi vô cùng. Xin cảm ơn và xin cứ tiếp tục, khen chê đều quý hơn kính nhi viễn chi. Nhóm tân hình thức làm thơ để mọi người cùng đọc chơi, chứ không phải để giành ngôi vị thiên tử. Vì là tranh luận nên khó giữ được bình tĩnh, có khi buộc lòng phải sử dụng những lời lẽ kém thanh tao, hay chơi trò "du kích chiến" này nọ để độc giả đỡ thấy chán, chứ tuyệt nhiên không có chuyện "tư thù" chẳng đội trời chung. Ngậm chữ phun người chỉ mỏi miệng mình, đánh võ mồm thắng thua đều thiệt cả. Trong cuốn phim Cô gái trên sông của đạo diễn Ðặng Nhật Minh, người nữ phóng viên cộng sản có đưa ra lời nhận xét sau đây: "Ðời sống cần một cái gì khác hơn là những lời lẽ suông dù phê phán hay ngợi ca".
    Trở về tương lai Tân hình thức, cũng xin nói thêm rằng chủ đích của nhà thơ Khế Iêm khi viết các bài lý thuyết không phải để lên mặt kẻ cả, đàn anh. Mà chỉ cốt để cho người làm thơ có tựa điểm. Trong phần kết luận, tác giả bài nhận xét có tặng cho Tân hình thức một bông hồng muộn màng: "Tôi đồng ý rằng các bài thơ làm theo Tân hình thức có một nội dung mới lạ so với các bài thơ tự do". Một bông hồng hay là cái phát súng ân huệ trá hình đây? Một bông hồng tất nhiên rồi!
    Vâng. Tân hình thức là một bông hồng trong cái chợ trời thơ tươi mát bên dòng chảy rộn rịp của cuộc đời đáng yêu và đáng ghét, phản ảnh trong mỗi bài thơ. Hãy đọc Tân hình thức để thấy/để nghe tân hình thức tự trào ('Ðọc tạp', Hoàng Xuân Sơn). Ðể theo chân kẻ thao thức vào siêu thị khuya làm shop lifting chơi ('Nửa đêm', Nguyễn Thị Ngọc Nhung). Ðể há miệng cười che giọt lệ đá bóng ('Apocalypse now-Pay later' Nguyễn Ðăng Thường). Ðể spray những lời ngạo nghễ lên mặt tường dày của đạo đức giả ('Kiều', Ðỗ Kh.). Ðể trầm ngâm như một vị thiền sư không chùa chiền ('Chiếc ghế', Khế Iêm). Ðể lãng du tay trắng chân giầy bố quay gót trở về điêu tàn ('Nói lại về mái nhà xưa', Nguyễn Ðạt). Ðể ngậm viagra nghe một khúc blues buồn rưng rức với người tình cũ ('Jazz trưa', Phạm Việt Cường). Ðể mơ mơ màng màng dệt thơ trên chiếc máy vi tính như cô gái xuân thì của một thời vang bóng đã dệt lụa mơ mộng bên khung cửi ('Ðêm và giấc mơ', Ý Liên). Ðể bùi ngùi cùng nhà thơ đi tìm thời gian đã mất tại một nơi mà cuộc đời đã được sống chỉ bằng nước mắt, với cái "truyện thơ tân hình thức" đầu tiên ('Giữa những dòng thơ lời chưa nói', Phan Tấn Hải). Vài ví dụ, trong cái số lượng khá dồi dào những tác phẩm của gaàn ba chục nhà thơ tân hình thức.
    Những chiếc ghế... những chiếc ghế... những chiếc ghế... lập đi lập lại trong bài thơ của nhà thơ Khế Iêm khiến tôi nhớ đến các từ America... America... America... trong bài thơ của Allen Ginsberg do tôi chuyển ngữ mấy chục năm về trước ở Sài Gòn. Bài 'America' đã đưa tên tuổi và cái khuôn mặt râu ria hippie trẻ của nhà thơ Allen Ginsberg lên trang bìa tạp chí Time trong khi đất nước Việt ái yêu sắp bị chia cắt.
    Nhại lời Rimbaud trong 'Matinée d'ivresse' (5) ta có thể bảo rằng: "Ðây là thời của những Kẻ giết thơ". Nhóm tân hình thức giết thơ để viết thơ. A. Nói đùa cho vui vậy mà. Vì nếu nhà thơ Hàn Mặc Tử không thể giết người trong mộng thì nhà thơ Tân Hình Thức làm sao mà giết được thơ trên thực tế? Thơ có thiên hình vạn trạng. Thơ không nhất nhiết phải là một bài thi ca nho nhỏ xinh xinh có lời hoa mỹ để ngâm nga. Chắc ta cũng nên phân biệt giữa thơ/poetry và một bài thơ/a poem hiểu theo nghĩa cũ. Mỗi thời đại, mỗi chủ nghĩa đều có cái nên tranh, nên thơ, nên truyện của riêng nó. Những người làm thơ tân hình thức đang cố chụp bắt những cái mà họ cho là nên thơ trong thời đại của họ. Họ có thể sai lầm. Nhưng đó lại là một chuyện khác.
    Xin cảm tạ quý vị độc giả.
    ------------
    Chú thích:
    "La littérature démodée, livres érotiques sans orthographe, petits livres de l'enfance, refrains niais, rhythmes naifs...". trong thi phẩm 'Une saison en enfer'.
    Paname, tiếng lóng để gọi Paris.
    "Tu lis les prospectus les catalogues les affiches... Voilà la poésie ce matin..." trong bài 'Zone'.
    Notre-Dame-des-Fleurs (nxb L'Arbalète & nxb Gallimard)
    'Một buổi sáng trong cơn say', một bài thơ-văn xuôi trong thi tập Illuminations.
    (Ðã đăng trên Tạp chí Thơ số 21, Mùa Thu 2001)
    * * *
    Thơ Nguyễn Ðăng Thường
    LE SQUARE
    ngày sinh nhựt của bà
    đầm già duras nó
    lang thang tới 1 quảng
    trường tĩnh mịch rợp bóng
    mát ngồi xớ rớ dĩ
    nhiên là 1 mình trên
    chiếc băng ghế lắng nghe
    chim chóc trên lá cành
    xanh xao xí xô xí
    xào bằng tiếng ăng lê
    khiến nó chợt nghĩ tới
    cuốn phim kinh dị của
    ông già hitch bụng phệ
    mà phát ghê nghe toàn
    thân anh hèo nổi da
    heo trên cái square
    trời vào mùa hạ/hè
    hệt như trong mùa đông
    winter/hiver trời
    thì dĩ nhiên lúc nào
    cũng phải xanh mầu thiên
    thanh cho nó nên tranh
    ma tít xơ nhưng lơ
    ciel bleu không hiểu
    sao bỗng khiến nó mơ
    thấy những hạt lựu đỏ
    hồng trong chén chè xuân
    sa hay sương xa người
    thầy việt văn trẻ ốm
    đói ho lao tên nguyễn
    khoa ngày xưa ở ngôi
    trường kiến thiết cũ lợp
    mái tôn xi măng nóng
    bức nằm trên con đường
    nancy như trường pé
    trus ký (đường nancy
    sau nới rộng thành đại
    lộ cộng hòa dười thời
    đệ nhất cộng hòa) ngôi
    trường tư thục đó cũng
    như căn nhà nó ở
    gần cái chợ chồm hổm
    cũng tên là nancy
    người thầy cũ đã thao
    thao bất tận giảng câu
    "(lâm) bạch vân" ( tên của
    1 thằng bạn đã được
    gia đình giàu sang cho
    sang pháp du hí ( (lâm)
    bạch vân tây tán (gái)
    thủy đông lưu (bị)" gió
    thoảng rất nhẹ và nắng
    rỏ những giọt nắng rất
    buồn xuống mũi giầy nó
    da đen size 5 mua
    sale £4.99
    ô hay sao nắng lại
    buồn nhỉ chắc là tại
    vì hi hi nó đang
    mầm thi và pác xơ
    cờ đêm hôm trước nó
    đã tắm douche nước suối
    & soi kiếng ngắm nhìn
    bóng mình thấy hình ta
    ôi rất là xếch xy
    CHỈNH HÌNH ÐÓN MÙA PHỤC SINH
    với cái thân thể vừa được khâu vá lại đêm
    qua ghép tim heo phổi bò tóc ni lông răng
    giả & đôi tay từ cái thây ma của 1
    thằng mĩ trắng serial killer & da
    mặt là da đít & tứ chi bằng xương bằng
    thịt phastic hồng với con mắt cao đài độc
    nhãn & khối óc là 1 con chip tôi thảo
    những program hạnh phúc dài hạn cho mai sau
    tôi ngó lại đời mình ôi nó mới tinh ôi
    nó tuyệt xinh ôi nó tột đỉnh ôi cám ơn
    ôi danke schưn herr doctor frankenstưn
    CHƠI KHÔN
    HAY LÀ
    NHỊ TRÙNG BẢN NGÃ
    làm bộ mày là tao &
    tao là tao như thế để tao được
    2 tao làm bộ mày là
    tao là mày & tao là mày là
    tao như vậy sẽ có 3
    tao với 3 mày đều là tao cả
    thôi mày đừng thút thít khóc
    nữa tao không xúi mày chơi dại không
    bắt mày làm bậy hổng thèm
    ỷ lớn chơi khôn ăn hiếp mày hoài
    tụi mình hãy làm tao là
    mày mày là tao để mày với tao
    tuy 2 mà 1 tao với
    mày tuy 1 mà 2 và giả bộ
    như trời đổ mưa phùn trên
    con lộ vắng lúc này đặng tao ôm
    mày đứng núp dưới góc mây
  9. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    ALICE IN WONDERBRA
    HAY LÀ
    CHUYỆN KỂ NĂM 2000
    ném vài mẩu dĩ vãng vào lòng đời
    cho lũ cá mập thời gian xơi chúng
    lại xúc xiềng mừng rỡ cong đuôi chạy
    về ngồi xếp bằng khoanh tay đòi nghe
    chuyện kể năm 2000 rằng bữa nọ
    sau giờ tan trường trên đường qui home
    có 1 thằng bé ăng lê tròn trịa
    chừng 10 tuổi ngước mắt xanh nhìn 1
    con nhỏ ăng lê tóc vàng mảnh mai
    cao ráo khoảng 12 tuổi thằng bé
    tỉnh bơ ăng lê nói tao đang nghe
    hồ hởi muốn chơi mày đây* bị con
    bạn cự nự nó liền đính chính bảo
    tao nói giỡn mà xin lỗi nha** quí
    độc giả thân mến chắc còn nhớ các
    màn vũ của cặp ginger & fred
    để thay thế cho những cái cảnh làm
    tình và chắc vẫn nhớ các ngón tay
    kẹp của kẻ hay cầm nhầm lén lút
    đút vô túi quần xắc tay (ẩn dụ)
    trong phim pickpocket mà chắc cũng
    chưa quên chuyền xe lửa chui vô đường
    hang khi cary grant ôm hôn e
    va marie saint trước khi phim north
    by northwest chấm dứt và chắc nhưng
    thôi đừng chơi cái trò nhớ nhung nữa
    bởi đã tới giờ truyền hình phim bạch
    tuyết mình phải sửa sang lại bộ vó
    rút ngắn bớt cặp giò cho cái đó
    nó thêm dài rồi nhập bọc làm chú
    tám lùn vác gậy vừa đi vừa lắc
    trái lắc phải vừa hát heigh ho heigh
    hi vì đời mi là 1 tuồng thơ
    nhạc cải lương họat họa đầy tiếng cầm
    ca vô nghĩa như 1 buổi tối rảnh
    rỗi anh ngồi ghế dựa thoải mái bấm
    click cái đầu trọc mickey mao len
    lỏi vào encyclopedia
    encarta on line miễn phí kiếm
    nguyễn du lại gặp mùi đu đủ xanh
    nguyên ngôn:
    * i'm in the mood to **** you
    ** sorry i didn't mean to upset you
    SURPRISE, SURPRISE
    Rose is a Rose is a Rose is a Rose is a Rose
    G. Stein
    sau 1 đêm mưa rào tôi
    ra xó vườn nhỏ thấy 1 đóa bạch
    hồng mới ló lộng lẫy trong
    buổi sớm mây tôi ngắm ngửi
    nó 1 chầy rồi chưa kịp mắng mầy
    chỉ là đóa hồng là đóa
    hồng là đóa thì bỗng nghe
    trong bụi rậm có tiếng thì thầm a
    nose is a nose is a
    LE DUR DÉSIR DE DURER
    đêm nọ tôi nằm mơ thấy
    1 lá cờ đen trên nền trời trắng
    mà nhìn kỉ lại thì té
    ra chính là mình là tôi
    1 con ngựa rằn đang cắn trăng đồi
    (& cũng là 1 sư cội
    ăn mặn uốn tóc quăn bận
    váy ngắn) hỡi kẻ đương xuôi vạn lí
    người có biết lòng ta những
    khi chiều tà ta đọc thơ
    éluard nhìn phố lạ lên đèn
    mà trạnh nghĩ tới nỗi niềm
    hốc hác ham hố hiện hữu
    BLUE MOON RIVER
    HAY LÀ
    MỘNG & THƠ
    đêm nọ tôi nằm mơ nghe tiếng đập
    cửa thình lình như có lính tới
    mời đi chơi trong lúc mình đang kì
    cọ đánh bóng lại thằng nhỏ sau cơn
    mưa gió nên vội vàng tìm xì líp
    mà không gặp khi vồ được 1 chiếc
    jeans cũ và hối hả xỏ 1 chân
    vô thì bỗng thấy nó chứa 1 tổ
    kiến lửa tôi hoảng kinh la rú giật
    mình tỉnh giấc thấy bóng hằng nga đã
    xế đỉnh hi mã ngoài khung rêu chợt
    nghĩ tới câu bánh bò ai bổ làm
    ba mà 1 cậu tiểu quỉ đã bảo
    là câu hỏi ngớ ngẩn do 1 đồng
    nghiệp dạy tiếng huế cười khuề kuể lọai
    cho nghe trong giờ nhẩm xà 15
    phút ở phòng đấu láo khi anh đưa
    cho mượn đọc trước cuốn truyện kim dung
    tịch thâu của 1 em hậu sanh lớp
    đệ ngủ đã có lời bình phạm thánh
    MISS NIGERIA BECOMES MISS WORLD
    HAY LÀ
    ÐƯỢC GIÁP MẬT ÐẮNG
    a la cộng thêm đời sống xa hoa
    ngồi chơi xơi cá vĩnh viễn trên para
    dise với bảy mươi hai trinh nữ và
    bảy chục chỗ chứa cho thân nhân là
    phần hối lộ quí báu dành cho kẻ tử
    đạo (tên khủng bố) nếu bạn đọc chưa
    thỏ còn tội ác (hay chiến công) thì
    đại đa số đều đã thò hết cả
    rồi 2 tôn giáo blớn tuy thờ chung
    1 ông blời to mà bên ná god
    bless america còn bên ni
    thì god blamn yanki và không như
    2 tòa tháp world trade center đã
    ra tro thế giới vẫn còn y 2
    phe cánh tả vẫn khì khì rằng kẻ
    gieo bảo chỉ mới gặt tí gió và
    cánh hữu thì lại khà khà cứ đổ
    thừa cho em mà* như cô đào ri
    ta h đóng vai nàng gilda khiêu
    gợi đã từng vũ thoát y và ca
    *nguyên văn: Put the blame on Mame, boys!
    APOCALYPSE NOW REDUX
    HAY LÀ
    WTC TÌNH YÊU CủA TA
    nếu vết thương nào rồi cũng lành và
    ví 1 ngày mai điện ảnh có dàn
    dựng lại cảnh hãi hùng trên ti vi
    trong ngày 11 tháng 9 thì khán
    giả mĩ sẽ ùn ùn đi coi hay
    kéo xuống đường phản đối hồ li vọng
    như viên thuốc đắng chỉ dễ tuột khi
    bọc đường sự khủng khiếp chỉ dễ nuốt
    nếu thu gọn vào ảnh tranh thơ nếu
    được phục sinh vào cái thời còn say
    men chiến đấu (& whisky) liệu bà
    đầm duras có viết nổi 1 world
    trade center tình yêu của tôi mà
    nhân vật nữ sẽ là 1 chàng trai
    ka bu bị các ông ta li bám
    nựng càm rờ cậu nhưng đã thoát câu
    để 10 năm sau kể lại mối tình
    đầu dị chủng tuyệt vọng tuyệt vời với
    1 anh lính quân lực đồng minh hay
    là lịch sử chẳng bao giờ tái phở
    HẬU ÐỐT
    bà ấy thích quấn một con trăng hay
    một con chồn quanh cổ khi ra phố
    tất nhiên là trăn giả và chồn chết
    hình như bà ấy là người ba lan
    gốc do thái một nghệ sĩ kịch đã
    về chiều từng có một thời vàng son
    ở varsovie trước thế chiến 2
    có thể hơi khật khùng do hậu quả
    của một trại tập trung hay chỉ vì
    sương của lũng gã ấy thì rất trẻ
    chưa thật xa tuổi thiếu niên báo chí
    chắc không hề rớ kể chi chuyện đọc
    đốt tôi ngó tấm hình và cái tít
    báo kể lại vụ án khi ngồi ở
    tầng trên chiếc buýt đỏ lúc nó chạy
    ngang westminster abbey 1 chiều
    hè muộn
    CHÀO NHAU
    tôi chiêm bao một cánh đồng hướng dương
    bước tới thì ở giữa là một con
    đường phía trước có một cái mương phía
    sau có một cái tường bỗng xuất hiện
    một mĩ nương tôi nói xin chào nhau
    giữa con đường cái mương phía trước cái
    tường phía sau
    BẠCH XÀ
    mặt mũi lòe loẹt mụ đầm già chỉ
    tới đó mỗi sáng chủ nhật để
    ăn một bữa trưa thịnh soạn cái quán
    không sang nhưng không xa cái café
    đã nổi tiếng nhờ sự có mặt gần
    như thường xuyên của tác giả buồn nôn
    lúc đó đã thôi lai vãng thức ăn
    được tên bồi mang ra và cắt nhỏ
    cho mụ nếu là món bíp tết khoai
    mùa đông 74 paris không lạnh
    paris không đói paris hết hiện
    sinh tôi tới vì gần và vì cặp
    mắt mãn xà của teân bồi mà chắc
    cũng vì sau một đêm trác táng trên
    chuyến métro đầu tiên của ngày tôi
    có thoáng nghe ai đó nói rằng loài
    rắn rất thông minh và thích được chụp
    ảnh lúc ********
    BA PHẢI
    nếu phải chọn giữa con người và thượng
    đế tôi sẽ chọn sa tăng nếu phải
    chọn giữa con thuyền không bến và con
    tàu say tôi sẽ chọn cánh buồm giấy
    nếu phải chọn giữa sói và cầy bạn
    đừng chọn heo quay
    MẸ GIÀ
    phản ánh chế độ phụ hệ là sự
    khinh nữ trọng nam đưa tới quan niệm
    nữ tính ở nam giới là xấu nam
    tính ở nữ giới là tốt nên mới
    có câu con gái giống cha thì giàu
    ba họ con trai giống mẹ thì khó
    ba đời khiến tôi hồi nhỏ cứ lấm
    la lấm lét soi kính hàng giờ xem
    mình có xinh như mẹ già nón lá
    nghiêng che không
    CHÂM NGÔN
    người tàu đớp tất cả các vật có
    bốn chân trừ cái bàn người tây ***
    tất cả các vật có cái lỗ trừ
    lỗ đen ./.
  10. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Nguyễn Quốc Chánh 29.10.2002
    Bắt Ðầu Của Tân Hình Thức Có Phải Là Kết Thúc Của Thơ Tự Do?

    Thơ tự do là anh em sinh đôi với tinh thần tự do. Tinh thần tự do là cha già của nền cộng hoà. Trung Hoa, Việt Nam không có nhà thơ tự do lớn vì Trung Hoa, Việt Nam không có truyền thống tự do. Và do đó cũng không có nền cộng hòa.
    Nhưng tự do không phải là một vị thần, hiện ra một lần rồi vinh quang mãi mãi. Tự do hình thành trong phản kháng, và phát triển trong khủng hoảng. Nó là sản phẩm của kẻ mạnh, của những dân tộc tiền phong. Của tinh thần đế quốc về văn hóa. Thơ tự do là tên đế quốc của các chủng tộc thơ thể.
    Tự do là bản tính đầu tiên và cuối cùng của con người. Cá nhân và chủ nghĩa cá nhân chỉ nẩy nở trong môi trường tự do, trong tinh thần tự do. Thơ tự do cũng vậy. Chống lại cá nhân và chủ nghĩa cá nhân, là một thực tế không chỉ bên ngoài mà ở ngay trong lòng của nó. Marx và chủ nghĩa cộng sản là một ví dụ. Chủ nghĩa tự do không tự đào mồ chôn nó như dự đoán của Marx, mà tự đào mồ chôn nó lại chính là chủ nghĩa chống lại tự do và cá nhân chủ nghĩa. Thơ tự do là thơ của những cá nhân chủ nghĩa.
    Số phận của thơ tự do là số phận của tinh thần tự do, của tự do cá nhân, của chủ nghĩa cá nhân, của nền cộng hòa. Những ai hoang mang với thơ tự do, tức là hoang mang với nền cộng hòa, hoang mang với chủ nghĩa cá nhân, hoang mang với tự do cá nhân. Tức là muốn tìm lại sự yên ổn với truyền thống của nền quân chủ, của ý thức tập thể, của các hình thức thẩm mỹ bày đàn. Tân hình thức là một dạng như vậy.
    Thơ tự do xuất hiện là một hành động phản kháng. Phản kháng các thể (hình thức) thơ truyền thống. Nó là đứa con ưu tú bị nguyền rủa bởi những đứa con chậm tiến của nền cộng hòa (Whitman). Nó là nền cộng hòa của các đế chế thơ thể. Sự ra đời của thơ tự do là sự lên ngôi của tinh thần tự do, của tự do cá nhân, của ý thức cá nhân, của chủ nghĩa cá nhân.
    Không có giới hạn nào đối với tự do. Chỉ có giới hạn của những cá nhân trước tự do. Sự khủng hoảng của tự do là để mở đường cho tự do triệt để hơn. Thơ tự do cũng vậy. Không tìm cơ hội hòa đồng hay nương tựa vào truyền thống. Tân hình thức tức là tân truyền thống. Là sự phản ứng lại thơ tự do bằng cách cầu hòa với truyền thống.
    Truyền thống chỉ tồn tại khi cái lõi của nó cung cấp năng lượng cho tinh thần tự do (Hồ Xuân Hương). Tinh thần tự do không xài cái giác của truyền thống. Cái vỏ của Tân hình thức là phần giác của truyền thống. Có những truyền thống hoàn toàn không có lõi (truyện Kiều). Nó không có gì để phục hưng.
    Các thể thơ truyền thống là sản phẩm của thể chế quân chủ, hoặc của các đức tin tôn giáo của các bộ lạc. Nó là những cái khung thẩm mỹ của đám đông để đấng toàn năng qua đó dễ bề ngồi lên. Cai trị một bày ngoan trong những cái khung quy ước khỏe hơn cai trị một lũ bất trắc dị ứng với mọi cái khung. Tân hình thức là một cái khung giúp đấng toàn năng cai quản các nàng thơ, tuy hay láu cá nhưng vốn thật thà và ngơ ngác.
    Thơ truyền thống là loại hình kinh tế chỉ biết dựa vào thổ sản. Kinh tế của phương thức con nhà nghèo. Thơ tự do là loại hình kinh tế của công nghệ cao. Kinh tế của phương thức con nhà giàu. Tân hình thức chưa kịp thành con nhà giàu đã bị phá sản nên muốn về quê cày ruộng.
    Phản kháng là kẻ đồng hành với tinh thần tự do. Và phá sản là bạn đồng tính với tình thần phản kháng. Phản kháng, và phá sản là 2 kẻ thách thức và đào luyện tự do. Thơ tự do tồn tại trong tinh thần phản kháng và chấp nhận phá sản. Nó chấp nhận cuộc cạnh tranh độc quyền của kẻ mạnh. Và do đó nó kích thích toàn bộ cộng đồng phát triển.
    Thơ truyền thống tồn tại trong cái ổn định giả của các thể chế và thể loại, của nền quân chủ và chế độ bao cấp. Thơ Tân hình thức Việt chắc cũng giống văn hóa Việt.
    Phản kháng các thể thơ truyền thống, là phản kháng cái truyền thống quân chủ và mê tín của ý thức. Phản kháng cái quân chủ và tín ngưỡng trong ngôn ngữ. Phản kháng cái quân chủ và tệ sùng bái chữ trong ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ là biểu hiện nhạy cảm và tinh túy của ngôn ngữ. Nó là lớp sóng của cái biển văn hóa, qua đó người ta cảm nhận sự dồi dào hay nhược suy của ngôn ngữ. Thơ tự do là không được phép không dồi dào. Thơ hình thức (thể) và tân hình thức được phép suy nhược.
    Truyện Kiều trong thể (hình thức) lục bát chẳng hạn. Với cái nhịp ề à, đều đặn, lê thê hơn ba ngàn dòng. Cũng đều đặn, ề à, lê thê như vậy. Thử hỏi nó biểu hiện được cái gì của ý thức. Và ý thức gì được biểu hiện ra. Hay nó chỉ biểu hiện được cái loay hoay, lập đi rồi lập lại. Hết sáu rồi lại tám. Rồi lại sáu, rồi lại tám. Rồi lại sáu, rồi lại tám... Hơn 1.500 lần lập lại cái sáu- tám một cách mê man như vậy, thì còn gì là ý thức. Tân hình thức vớ ngay cái đều đặn đó, tuy không ề à, nhưng lại máy móc cách đều đặn, suông đuột và cứng ngắc.
    Cái đều đặn suông đuột và cứng ngắt của tân hình thức không mang lại buồn ngủ thì mang lại buồn tẻ. Một hình thức buồn ngủ và buồn tẻ thì làm gì trong một nội dung chuyển động. Một nội dung chuyển động mà thần tượng hình thức buồn ngủ và buồn tẻ, nó là cái giống gì?
    Ở Việt Nam, cuộc phản kháng của thơ tự do vẫn chưa ngã ngũ. Tàn dư của ý thức quân chủ trong thơ, và trong mọi lãnh vực ngoài và lân cận thơ còn hùng hậu. Thơ tự do, tức ý thức về tự do, tức tự do cá nhân trong ngôn ngữ, làm sao lại rút vào bóng tối. Và những ai không còn sức phiêu lưu, mới rút vào bóng tối. Và tân hình thức là một dạng bóng tối của thơ tự do. Tưởng rằng kết hợp với cái vỏ truyền thống là phiêu lưu, thực ra đó chỉ là phiêu lưu của cá kiểng trong bồn kiếng.
    Chỉ có người làm thơ tự do mất tự do. Hết pin. Không còn khả năng tìm kiếm. Ý niệm tự do là một ý niệm mở, nó dung nạp và nội hóa tất cả. Nó có thể ngủ với truyện ngắn để đẻ một đứa mắt nâu môi trầm. Có thể ngủ với tiểu luận để đẻ một đứa mắt trắng môi thâm. Có thể ngủ với quảng cáo, truyền hình, phim kinh dị để đẻ một đứa 3 đầu 6 tay. Có thể ngủ với chính trị, tôn giáo để đẻ một đứa vừa nói dối như cuội vừa dữ như chằn. Còn tân hình thức là một biến thái của thơ tự do làm đám cưới với cái áo tứ thân trong bảo tàng để đẻ một đàn rối nước.
    Thơ tự do là hành động phản kháng cái mỹ học tập thể. Tất cả những thể thơ truyền thống đều có màu sắc mỹ học tập thể. Vì tính thống nhất, ổn định của những chi tiết thuộc về hình thức của nó. Chẳng hạn 6/8, chẳng hạn bằng/trắc, chẳng hạn mỗi dòng 5,7,8 chữ...Nó là hình thức có trước nội dung. Nó là 30 hay 50 % của bài thơ đã được mặc định. Người làm thơ theo thể với những hình thức chết ngắt như vậy, chỉ cần pha chế một dung dịch nội dung lỏng hay đặc, ngọt hay mặn, trắng hay đỏ, và sau đó, chỉ việc rót cho đầy mỗi cái khung là xong. Tân hình thức là thủ pháp như vậy.
    Hình thức là nội dung kéo dài, theo quan điểm của Olson, chỉ có nghĩa với thơ tự do. Ðể viết một bài thơ tự do, người viết bị tước hết mọi kinh nghiệm. Huống chi là trông chờ vào những cái khung. Người viết hoàn toàn không có một điểm tựa, nghĩa là không có một cái khung được mặc định. Mỗi bài thơ tự do là một kinh nghiệm khoảnh khắc, và chỉ xài một lần.
    Không thể dùng kinh nghiệm, thói quen để viết một bài thơ tự do. Mỗi bài thơ là một khoảnh khắc, là hình thức của cái khoảnh khắc. Một hình thức của cái bất ổn, tức thì, nên nó đồng thời với nội dung. Và chỉ trong nghĩa này, hình thức mới là sự kéo dài của nội dung. Hình thức là nội dung. Vì quá trình hình thành nội dung và hình thức xảy ra cùng một lúc. Người viết cùng một lúc nghĩ cả nội dung và hình thức. Nó là cái không thể phân biệt, nó nhất quán.
    Vì không có gì sẵn để bấu víu, nên người viết thơ tự do bị đặt vào 2 khả năng: Hoặc bị kích thích bởi cái không gì sẵn, đó là hành trình của thơ tự do; hoặc tìm cơ hội nương náu vào một cái gì sẵn, đó là cách của tân hình thức. Vì vậy mà thơ tự do luôn là một thách đố, nó là con thú hoang. Và người viết thơ tự do là kẻ săn hoang thú trong rừng rậm của ý thức và vô thức. Tân hình thức là một thỏa hiệp, nó là con thú tự nguyện nhốt vào thảo cầm viên.
    Thơ tự do là kẻ đi săn, và sẽ chới với ngay nếu không tích đầy máu phiêu lưu trong người. Còn các thể thơ, dù tân hay cổ đều là những cuộc dạo chơi trong công viên. Ðó là thú tiêu khiển. Chẳng lẽ một người tiêu khiển với hình thức tân cổ giao duyên lại tiên phong hơn bọn phiêu lưu trong rừng mỹ học. Và người tiêu khiển không có ý niệm thất bại. Vì tiêu khiển trong nghệ thuật đã là một thất bại từ khởi điểm.
    Thất bại chỉ dành cho bọn tìm kiếm. Không thể lấy sự tiêu khiển của mình để nói rằng thế giới này không còn gì để tìm kiếm. Nếu không còn gì để tìm kiếm ở bên trong, con người sẽ hướng cái phiêu lưu ra ngoài. Bởi phiêu lưu là thuộc tính của con người tự do. Có một môn thể thao không lấy sự chiến thắng trong các cuộc đua làm đích, nó lấy sự chiến thắng với chính nó làm một triết lý sống. Người chơi môn này, dùng một chiếc xe gắn máy 2 bánh đấu với sự hiểm trở của địa hình. Nếu sau một ngày sống sót, ngày hôm đó là một ngày thành công, ngày hôm đó là một ngày tự do và tự mãn của hắn. Thơ tự do là một ngày của bất trắc và may mắn như vậy.
    Chính vì thế thơ tự do là cuộc phiêu lưu vô tận của người viết, và do đó của cả người đọc. Nó chủ động tạo ra người đọc, chứ không chạy theo chiều chuộng thị hiếu tiêu dùng của người đọc. Nó không đặt vấn đề cạnh tranh với nhạc Pop hay phim hoạt hình. Nó không thắc mắc là ai sẽ đọc nó, ai sẽ khóc nó bây giờ hay 300 năm sau. Nó là một sản phẩm đặc biệt của ý thức đặc sệt cá nhân, chứ không phải là một vật phẩm muốn phổ thông hóa. Tân hình thức là muốn phổ thông hóa, muốn một nội dung tự do trong cái vỏ nộ lệ của truyền thống.
    Thơ tự do vẫn luôn là nghệ thuật của số ít, của những cá nhân đặc chủng và những dân tộc đặc biệt. Các khuynh hướng, trường phái, chủ nghĩa của thơ hiện đại và hậu hiện đại đều là những biến thái của thơ tự do. Tân hình thức cũng là một biến thái của thơ tự do, nhưng lại mưu toan phủ định thơ tự do bằng một biến thái giật lùi, và sơ lược.

Chia sẻ trang này