1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Giới thiệu về các nước Bắc Âu. Trang 8, 9, 10: thông tin chung về các nước. Bài mới: Các em bé Thụy

Chủ đề trong 'Bắc Âu' bởi sun_forever, 24/08/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    6. CÁC EM BÉ THỤY ĐIỂN SỐNG THẾ ĐẤY ​

    Muốn biết đời sống bình thường của một đất nước, không gì bằng xem trẻ em ở đó sinh hoạt hàng ngày thế nào. Dưới đây xin trình bày bốn trường hợp điển hình cho xã hội Thụy Điển ngày nay:
    Em gái Klara (Cơ-la-ra), 12 tuổi:
    Klara theo học một trường có ba trăm học sinh, từ tám giờ sáng đến ba giờ chiều. Em vừa đi học về, ở nhà chỉ có em và anh trai là Pelle (Pe-lê) hơn em một tuổi. Nắng vàng chiếu qua cửa sổ; tít xa, cánh đồng phủ tuyết trắng xoá. ở ngoài phố, những vũng nước sáng loáng, tuyết tan bắn tung toé dưới bánh ô-tô qua lại. Mùa đông đang tàn ở thành phố của Klara, miền trung Thụy Điển. Đã giữa tháng ba rồi. Cách đây vài tuần, rét dưới 20 độ âm; giờ thì đã đỡ lạnh giá, nhưng tuyết còn khá ướt nên có thể nặn được thành nắm. Đó là điều Klara chẳng thích chút nào. Em phàn nàn:
    - Bọn con trai ở trường luôn luôn ném tuyết. Em muốn cho tuyết tan nhanh, mùa xuân đến mang lại trời ấm. Rồi đến mùa hạ mới thích chứ, được đi tắm.
    Đến giờ làm bài tập ở nhà. Klara không có nhiều bài, nhưng tối nay phải học địa và tiếng Anh. ở ngoài đường, ở các nơi công cộng, gặp ai cũng có thể nói được tiếng Anh được. Thường thì em cũng thích đi học, nhưng có lúc em ngán, nhất là cái môn toán hóc búa. Em thích sử và địa hơn. Thích nhất là em được tự mình viết ra truyện. Em nói:
    - Ở nhà, em hay viết truyện, nhất là những truyện tình cảm và truyện trinh thám. Em học lu bù, rồi thử tập viết xem sao. Tối nào em cũng viết nhật ký, em viết từ năm lên tám tuổi.
    Klara có phòng riêng. Anh Pelle và em gái Kalle (Ca-lê) lên sáu, cũng có mỗi người một phòng. Ngoài ba phòng cho ba anh em, căn hộ còn có phòng bố mẹ, phòng sinh hoạt chung cho gia đình, phòng làm bếp và phòng tắm. Klara và anh đã lớn phải tự chăm nom phòng mình, xếp dọn giường, hút bụi bằng máy. Hai anh em còn giúp việc vặt: dọn dẹp nhà cửa nếu em bé bày ra, rửa bát đĩa, dọn bàn ăn. Klara theo dõi xem anh có chịu làm không:
    - Gì thì gì chứ phải công bằng giữa nam nữ.
    Em cho là con trai con gái phải như nhau về mọi thứ. Em nhận xét:
    - Ở lớp, các bạn trai gái thường không hay chơi với nhau. Chỉ trêu nhau là giỏi. Thỉnh thoảng có tổ chức tối vui ở lớp hay ở nhà một bạn nào đó. Phần nhiều các bạn nữ nhảy, nhiều bạn nam e dè.
    Phần nhiều Klara chỉ gặp các bạn ở trường:
    - Sau buổi học, em còn nhiều việc phải làm. Học thêm, học nhảy? Em học thổi sáo mỗi lần và tham gia một ban nhạc.
    Bố mẹ cho Klara và anh mỗi tháng 50 cu-ron tiêu vặt. Em cho thế là đủ, nhưng anh kêu ít quá. Em bảo:
    - Em có mua gì đâu; vài cái băng cát-xét, lâu lâu một cái đĩa hát. Em không ăn kẹo vì bố mẹ hứa sẽ cho em 300 cu-ron nếu em nhịn kẹo trong một năm. Hè năm ngoái, em đã trả được một phần tiền cái xe đạp mới của em.
    Bố em là trạng sư. Mẹ em giữ bốn, năm trẻ người ta mang gửi ở nhà. Em nói là mẹ em có lẽ muốn trông thư viện hơn. Bản thân em không biết lớn lên chọn nghề gì;
    - Em chưa nghĩ nhiều đến sau này. Đôi lúc, em tự hỏi không biết có tìm được việc không, chắc không dễ đâu. Em nghĩ em muốn trông trẻ nhưng mẹ bảo nghề này khá đông.
    Em nói thêm:
    - Em thích ở nông thôn hơn, ít xe cộ, ít nhà ở, đỡ căng thẳng. Gia đình có một cái nhà ở nông thôn, mùa hè nào cũng về ở. Gần đó có một trang trại, cánh đồng rộng, có bò. Thú lắm! Em cũng muốn đi nước ngoài chơi, em chưa đi bao giờ.
    Klara cho mọi việc thế là ổn. Em thích tuổi mười hai của em.
    Em trai Magnus (Mac-nux), 12 tuổi, ở thủ đô Stockholm:
    Em không ở trong nội thành mà ở ngoại ô, trong một toà nhà tập thể lớn màu xanh lơ, chung quanh có những toà nhà tương tự. Em cho thế là điều hay vì bạn bè quanh quẩn gần nhau.
    Em cho là trung tâm thành phố mới thú:
    - Tuyệt! Có nhiều nhà, nhiều cửa hiệu. Không khí ấm áp, không có cảm giác trơ trọi. Nhưng em không được phép đến trung tâm một mình, phải đi cùng bố hay mẹ. Do vậy mà cũng ít được đi.
    Những ngày thường đều giống nhau: em dậy (hơi khó khăn đấy), mặc quần áo, ăn lát bánh phết bơ, uống chén nước trà rồi đi học, ăn trưa ở trường, ở đó đến hai, ba giờ chiều. Rồi em đến trung tâm giải trí để đọc sách hoặc chơi. Đến năm giờ, em về nhà gặp lại mẹ em là thư ký, chị, và có thể cả bố nếu bố không bận đi công việc.
    - Ở nhà, em thích chơi điện tử trong phòng. Bảy giờ em ăn tối, xem vô tuyến một lúc rồi đi ngủ. Em ngủ hơi khó, cũng như dậy hơi khó. Em nghĩ vớ vẩn đến những việc xảy ra ban ngày, có khi nghĩ cả đến sau này lớn lên làm gì.
    Em thích nhất là đọc sách và chơi điện tử:
    - Trong lúc này, em đọc một lúc hai cuốn sách. Thật thà mà nói, em hay xem sách tranh liên hoàn. Nhưng mê nhất vẫn là chơi điện tử. Em biết Basic khá thạo, từ khi mẹ em đi học thêm tin học để kiếm việc làm tốt hơn. Mẹ bảo em thêm, em kiếm sách mày mò lấy, bây giờ có khi thạo hơn cả mẹ.
    Em nghĩ:
    - Thật ra thì cũng chẳng cần gì đến máy tính. Nhiều thứ em có thật ra cũng không cần thiết. Nhưng em nghĩ ai cũng, có nhiều thứ vẫn thích hơn. Nếu không thì chán chết. Khi em xem những phim cũ, em nghĩ thời xưa người ta hẳn là buồn lắm.
    Nhưng đồng thời em cũng thấy đã có nhiều thứ quá, nên chẳng muốn thêm gì nữa. Điều em mong muốn, là bố về. Bố đi một tuần nay rồi!
    Mùa nực, Magnus không bao giờ ở thành phố. Hoặc em về với bà ở Phần Lan, hoặc em cắm trại với gia đình ở một hòn đảo của thủ đô:
    - Cả nhà cắm hai trại ở lâu. Có thể đi tắm, người cũng ít, biết nhau cả. Phong cảnh thật đẹp. Em thích đi nghỉ lắm.
    Em gái Meral (Mê - ran), 11 tuổi:
    Em sinh ở Thụy Điển, sống ở Thụy Điển, nói tiếng Thụy Điển nhưng không phải là người Thụy Điển. Bố mẹ em là người Thổ Nhĩ Kỳ.
    Bố em đến Thụy Điển cách đây mười sáu năm và tìm được việc hầu bàn ở tỉnh Malmo (Man-mô), miền nam Thụy Điển. Ông tưởng là chỉ ở tạm mấy năm rồi trở lại quê hương, Merral và các anh chị em lúc nào cũng chuẩn bị tư tưởng ra đi. Nhưng trước hết, em và chị, em trai cùng em gái phải học xong tiểu học đã.
    Trong khi chờ đợi, gia đình ở trong khu cư xá lớn ngoại ô. Hàng ngày em đến trường học. Không khí ở lớp cứ như ở Thổ Nhĩ Kỳ vì đến nửa lớp là các bạn đồng hương. Em bảo:
    - ở trường, chúng em phải nói tiếng Thụy Điển, nếu không thầy giáo chẳng hiểu gì cả. Em nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ dĩ nhiên là thạo hơn, nhưng chính em cũng không biết hết những từ của tiếng mẹ đẻ.
    Ngoài giờ học, em không quan hệ với nhiều người Thụy Điển. Chưa bao giờ em đến chơi nhà một bạn học Thụy Điển, mà các bạn cũng không bao giờ đến chơi nhà em. Không bao giờ em bị làm rầy vì em là người nước ngoài. ở trường về, em chỉ quan quẩn với mẹ và chị.
    - Em dùng thời giờ làm gì?
    - Em học, rồi xem vô tuyến. Em thích xem chương trình trẻ em, phim hoạt hoạ. Nhà có đầu máy video nên cũng xem phim Thổ Nhĩ Kỳ và các phim khôi hài Thụy Điển. Chủ nhật, cả nhà đến Câu lạc bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, chúng em đang tập hát để đợi liên hoan.
    Em trai của em Meral kém em một tuổi chơi ngoài nhà nhiều hơn, thường hay đến câu lạc bộ thiếu niên.
    Em bình luận:
    - Vì nó là con trai mà. Con gái ở nhà, con trai ra ngoài là phải. Em cũng muốn đi như vậy, nhưng? Con gái ở Thụy Điển tự do hơn, muốn làm gì cũng được. ở Thổ Nhĩ Kỳ, trường học nghiêm hơn ở đây; đến trường cấm làm ồn; ở đây được nói chuyện thoải mái hơn.
    Meral biết quê hương vì hè nào, gia đình cũng về Thổ Nhĩ Kỳ bằng xe riêng, ở ít lâu tại nhà riêng trong thành phố quê hương.
    Em có điều băn khoăn:
    - Em không biết sẽ ở đâu. Về nước thì muốn quay lại Thụy Điển. Về Thụy Điển thì muốn quay lại quê hương. ở Thụy Điển thì có cái hay là được tự do, mà ai cũng có tiền.
    Em không băn khoăn về tương lai:
    - Em nghĩ là có thể thành nha sĩ? Mà em cũng muốn thi lấy bằng lái xe ô-tô.
    Em trai Andreas (An-đrê-ax), 12 tuổi:
    Em ở một làng nhỏ tên là Jọrkvissle xa tít miền Bắc, nơi mà vào giữa mùa hè, hầu như không có đêm, trời sáng suốt ngày đêm.
    Nhưng hiện nay đang là mùa đông. Ngày rất ngắn. Andreas ở trong phòng kín nhìn trời bắt đầu tối xẩm từ ba giờ chiều. Rừng mênh mông tràn xuống bên sông, rừng trắng xoá tuyết và sương giá; chẳng bao lâu cũng không thấy cả rừng nữa. Rét dưới hai mươi độ âm, em cho là lạnh quá:
    - Giá lạnh quá, nên không ra ngoài đi trượt tuyết được. ít lạnh hơn thì ở trường về thế nào em cũng đi trượt tuyết một lúc. Lạnh như hôm nay thì đành ở nhà. Em lao vào đọc báo và truyện trinh thám. à mà em phải tháo chó ra nữa chứ, đó là việc của em.
    Nhà của Andreas hiu quạnh trên sườn núi. Tít chân núi, có dòng sông chảy, rừng phủ bao la. ở một đầu nhà mẹ bán thực phẩm và đồ tạp hoá; đó là cửa hiệu duy nhất trong làng. Em sống với mẹ từ khi bố mẹ ly dị nhau:
    - Bố em ở một làng cách đây vài chục cây số với ông bà, ông bà cũng mở cửa hàng. Cuối tuần nào, em cũng về thăm bố và ông bà.
    Đa số dân làng em hàng ngày phải đến thị trấn làm việc. Cuộc sống khác hẳn xưa kia khi ai cũng nuôi vài con bò, trồng trọt, mùa đông thì đi đốn củi.
    Ban ngày làng thật yên tĩnh.
    Andreas nghĩ:
    - ở đây, cảnh thì đẹp thật, nhưng ít biến động. Có nhiều cụ già, còn âm nhạc, nhảy và biết bao nhiêu thú lạ thì xa tít đâu đâu. Em muốn ra đi, ?ochu du thế giới??
    Khốn nỗi em lại chưa bao giờ đi xa hơn làng bên cạnh, to hơn và có trường học. Trường làng em đóng cửa vì có ít học sinh; sáng sáng có xe ca đón các em ở đây sang học trường làng bên. Em nhận thức:
    - Đi học là cần. Không học, lớn lên không làm được gì. Nhưng em ghét học tiếng Thụy Điển. Môn sinh học cũng không thú gì hơn mặc dù em yêu thiên nhiên. Em chỉ thích ngoại ngữ và thể dục.
    Mùa đông em chịu được. Nhưng em muốn quanh năm là mùa hè và nghỉ:
    - Tha hồ đá bóng. Cả làng em đều chơi đá bóng. Bọn em có chục đứa trai gái đều thích.
    Thường thì cứ hết năm học, Andreas về nghỉ ở làng bố từ tháng sáu đến cuối tháng tám.
    Em nói:
    - Tuyệt. Em đi xe đạp với bạn bè, ngừng lại đá bóng ở bãi rồi chạy cho đến khi toát mồ hôi. Sau đó, lại nhảy xe đạp, đi tắm, về ăn quà.
    Đá bóng là điều tối quan trọng đối với em:
    - Mới đầu em muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở ý. Nhưng điều này khó quá. Có lẽ em sẽ trở thành người chữa bệnh bằng thể dục như bố, bố yêu nghề lắm.
    Em còn nghĩ đến điều nữa là không biết có đi làm nghĩa vụ quân sự hay không, hay có thể xin ở trong một tổ chức quân sự. Chiến tranh thật khủng khiếp. Nhiều người chết. Sao lại cứ cho phép đánh nhau nhỉ.
    Về lập gia đình, em cũng nghĩ:
    - Phải đợi ba mươi tuổi mới lập gia đình. Lập gia đình, nhưng không cần cưới xin. Bố mẹ em có cưới nhau đâu nào!
    Em nghĩ cả đến tuổi già:
    - Bao giờ già em sẽ về làng, mở hiệu bán bánh. Nhưng trước đó phải đi đâu đó, vui chơi thoả thích đã.
    Em không muốn lớn lên; độ 16-17 tuổi là đủ:
    - Lớn quá, phải nghĩ đủ thứ; nhiều trách nhiệm. Nhưng em muốn được cảm thấy người ta cần đến mình; em hay giúp mẹ ở cửa hàng. Em cũng đi làm việc ở nơi khác, bán lịch, bưu ảnh chúc Tết. Tự kiếm lấy ít tiền là một điều vinh hạnh.
    * * * ​
    Nhân đây cũng xin nói qua về hệ thống học tiểu học và trung học ở Thụy Điển. Từ năm 1842, giáo dục tiểu học đã có tính chất bắt buộc đối với tất cả trẻ em ở bất cứ giàu nghèo; nhưng cũng phải mấy chục năm sau, mục đích tối thiểu đề ra (biết đọc biết viết) mới thực hiện được. Nhưng chỉ con cái nhà khá giả mới học lên được.
    Ngày nay thì khác hẳn. Từ sau Đại chiến II, sau một loạt cải cách giáo dục, trường phổ thông cơ sở chín năm không mất tiền, bắt buộc đối với trẻ em. Các em bảy tuổi phải đến trường, được ăn bữa trưa không mất tiền. Tinh thần giáo dục là phát triển nhân cách và khả năng lập luận một cách có phê phán. Ngay từ tuổi thiếu niên, các em đã theo một chương trình hướng nghiệp mỗi năm một hai Tuần. Có em là người nhập cư còn được theo một chương trình bằng tiếng nước họ; có trường phải dạy đến sáu chục ngữ khác nhau! Hầu như không có trường tư thục. Mãi đến học kỳ sau lớp tám mới cho điểm học sinh. Cho điểm hay không là vấn đề thảo luận mãi; vì có ý kiến chống lại: cho điểm phát triển đầu óc ganh đua hơn là nên tương trợ. Dù sao, vẫn cứ cho điểm ở các lớp kết thúc trường cơ sở và ở trường trung học để chọn thí sinh vào đại học.

    Chương trình học 9 năm là bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 7-16 tuổi
    Hình minh họa: http://www.sweden.se ​
    Chín mươi phần trăm các em học hết trường cơ sở chín năm được vào thẳng các trường trung học chuyên hướng vào đào tạo cơ sở nghề nghiệp; từ đầu những năm 90, thời gian học trung học là ba năm. Theo điều tra trên phạm vi quốc tế, giáo dục cơ sở và trung học ở Thụy Điển có chất lượng tương đối cao. Nhưng trong nước còn có ý kiến phê bình, nhất là trường cơ sở: trình độ chưa đủ, học sinh không chăm, cần kiểm tra hơn nữa, thiếu giáo viên, trường cơ sở và học cụ cũng còn chưa được hiện đại mặc dù quỹ giáo dục cao hơn so với nước ngoài.
    (In theo tài liệu của Viện Thụy Điển)

  2. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    7. KỶ NIỆM ẤM LÒNG VỀ THƯ VIỆN HOÀNG GIA ​

    Tôi rất ngại tiếp xúc với nhân viên và cán bộ các cơ quan hay tổ chức. Từ cô mậu dịch đến cấp cao hơn, rất nhiều người nhìn mình một cách khinh khỉnh hoặc ít nhất với vẻ lãnh đạm. Lúc nào mình cũng có cảm giác là ?ophó thường dân?, đi nhờ vả xin xỏ một việc gì. Rồi có khi, trong không khí chung, mình cũng nhiễm thói ấy mà không biết.
    Đến Thụy Điển, tôi mất hẳn cảm giác khó chịu đó. Từ hỏi đường đến giao thiệp công việc, tôi thấy được tôn trọng. Cuộc tiếp xúc để lại cho tôi ấn tượng tình người nhất là với Thư viện Hoàng gia (Kungl Biblioteket), ở Stockholm.

    Thư viện Hoàng Gia Thụy Điển
    Hình minh họa: http://en.wikipedia.org ​
    Chín giờ ngày 10 tháng chín, tôi được mời đến gặp bà Gunilla Jonsson (Gu-ni-la I-on-xôn), trưởng ban sách tham khảo. Đến nơi, mới biết là có sự lầm lẫn; cuộc hẹn là chín giờ ngày hôm sau. Bà thường trực ở phòng chỉ dẫn gọi điện ngay cho bà Jonsson lúc đó đang họp với Ban Giám đốc. Độ năm phút sau, một bà được uỷ nhiệm xuống xin lỗi tuy họ chẳng có lỗi gì, mời tôi vào buồng đợi xem báo, chờ độ một tiếng. Thế là tôi đỡ mất công trở lại hôm sau.
    Tại phòng đợi, trên tường có treo hơn một chục tờ báo hàng ngày lớn trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Đức?), mỗi tờ kẹp vào hai thanh gỗ có móc để treo. Thật là tiện cho những độc giả muốn theo dõi sự kiện và dư luận quốc tế. Tôi mải mê tìm hiểu phản ứng quốc tế về cuộc bầu cử Thụy Điển, nên một giờ trôi qua lúc nào không biết, tôi giật mình rời mắt khỏi tờ báo khi thấy một bà và một ông, có lẽ cả hai độ 45, 46 tuổi, tươi cười hiện ra trước mặt. Bà Jonsson, trông rất trẻ trong bộ quần áo chải chuốt như để đi dạ hội, tự giới thiệu và giới thiệu ông Lars Olsson (Lacx On-xôn) là phó của bà, ông trông có vẻ khiêm tốn và dễ thương. Tôi theo họ lên phòng làm việc riêng.
    Câu chuyện giữa chúng tôi rất cởi mở, đằm thắm, tình hình Việt Nam xen lẫn với tình hình Thụy Điển. Bà Jonsson giới thiệu vài nét chính về Thư viện Hoàng gia:
    - Thư viện này nguyên là thư viện riêng của các vua và nữ vương của dòng họ Vasa. Những bộ sách đầu tiên bắt đầu được thu thập từ thế kỷ XVI ?" XVII và xếp vào một phòng lộng lẫy tên là ?oBa vương miện? thuộc Hoàng cung cũ. Đến năm 1697, một trận cháy lớn phá hoại toà lâu đài ấy và một phần lớn thư tịch. Đến thế kỷ XVIII, số sách còn lại được bảo tồn trong một chái bên của Hoàng cung hiện nay. Chẳng bao lâu, số sách tăng lên quá nhiều, phải xây dựng một toà nhà khác làm một thư viện riêng biệt. Thư viện hiện tại hoàn thành năm 1878, kiến trúc sư là Gustaf Dahl (Gut-xtaph Đan), giám đốc đầu tiên là G.E. Klemming (Cơ-lem-ming), trong số cán bộ có nhà văn nổi tiếng Strinberg (Xt?Trin-be-ri).
    Ông Olsson nói tiếp:
    - Thư viện cứ phình mãi ra. Mới đầu, toà nhà được xây dựng cho mười nhân viên và 200.000 cuốn sách. Bây giờ, chúng tôi có đến 250 nhân viên và 2.000.000 cuốn sách.
    - Hẳn số sách tăng nhanh, một phần cũng do số sách lưu chiểu ?" tôi hỏi.
    - Đúng vậy. Ngay từ năm 1661, đã có sắc lệnh bắt buộc các nhà in phải nộp lưu chiểu ở Thư viện Hoàng gia một bản của mỗi sách xuất bản. Như vậy là hàng năm, tất cả các sách in ở Thụy Điển đều có mặt ở Thư viện. Vì lý do đó, mà Thư viện này vô hình chung trở thành Thư viện quốc gia có nhiệm vụ làm thư mục và quản lý sách toàn quốc.
    - Tại sao không lấy tên ?oThư viện Quốc gia? như ở nhiều nước khác?
    - Vấn đề đã từng được đặt ra năm 1988. Đề nghị ấy lập tức bị một làn sóng phản đối dâng lên ở trong và ngoài Thư viện. Về lý, thay tên là đúng với nhiệm vụ, nhưng về tình, người ta luyến tiếc cái tên cũ gắn với một dĩ vãng lịch sử huy hoàng. Thực ra, từ lâu, Thư viện đã không phải là Thư viện Hoàng gia (royal library, không viết hoa), chỉ gồm những sách riêng cho vua hoặc nữ vương và gia đình, được chọn theo sở thích hoàng gia, hoặc do người ta biếu hoàng gia. Những người phụ trách Thư viện đã có ý thức chọn đủ các loại sách, do đó ?oThư viện Hoàng gia? (Royal Library, viết hoa) chỉ là một cái tên riêng mà thôi, nội dung đã thay đổi.
    - Phải nói là các vua và nữ vương cũng có công chứ.
    - Dĩ nhiên là như vậy. Vua Gustav Vasa, người có bàn tay sắt lập nên quốc gia Thụy Điển hiện đại, không phải là người ưa đọc sách; nhưng ông cho thu thập sách để giáo dục con cái. Chủ trương cải cách tôn giáo, ông cho tịch thu nhiều sách của các tu viện Công giáo. Đặc biệt nữ vương Kristina, 1626 ?" 1689, là một người rất yêu sách. Không tung hoành nơi chiến địa được như cha mình đã chết trận, bà muốn đạt vinh quang ở lĩnh vực văn hoá trong thời đại Thụy Điển làm bá chủ Bắc Âu. Vì vậy mà Đại sứ Pháp ở Thụy Điển khuyên Tể tướng Pháp hồi đó là Hồng y giáo chủ Mazarin (Ma-da-ranh) nên gửi sách quý (in ở Nhà in Hoàng gia Pháp) làm tặng phẩm biếu nữ vương (20 tuổi) hơn là biếu quần áo và ngựa nhỏ đóng yên.
    - Xin ông cho biết sách của Thư viện chủ yếu thuộc loại nào?
    - Xin nói ngay là đa số sách đều ở trong các phòng không mở cửa cho công chúng; muốn xem cuốn nào phải tra cứu trong caataaloo rồi viết phiếu mượn đọc tại chỗ. Việc này rất nghiêm ngặt đối với toàn bộ thư tịch Thụy Điển, gồm tất cả các sách tiếng Thụy Điển, những sách của các tác giả Thụy Điển hoặc tác phẩm viết về Thụy Điển. Độc giả đọc sách ở các phòng có thể chứa được 150 người. Các sách nước ngoài nói chung có thể mượn về nhà. Rất nhiều sách tra cứu xếp ngay ở các phòng đọc. Độc giả muốn tìm tư liệu gì có thể nhờ hệ thống Libris là ngân hàng dữ kiện tin học chung cho các thư viện nghiên cứu ở Thụy Điển; hệ thống này cung cấp tư liệu gồm một triệu sách báo của khoảng một trăm thư viện trong nước. Báo chí đang xuất bản có thể đọc ở một phòng riêng; ngoài ra lại có một ban báo chí cũ và mới, một ban bản thảo, bản đồ, tranh khắc.
    - Tôi nghe nói Thư viện sẽ mở rộng và xây dựng lại?
    - Đó sẽ là hoạt động chủ yếu của Thư viện trong thập kỷ 90. Toà nhà năm 1878 hiện ở vườn hoa Humlegarden là một địa điểm rất tốt tại trung tâm thủ đô. Nó không chứa đủ toàn bộ số sách trong tương lai; hiện một phần sách đã phải xếp ở địa điểm khác. Vả lại, cơ cấu cần được hiện đại hoá để sử dụng máy tính và áp dụng tin học. Chính phủ đã chấp nhận đề án xây dựng lại tốn 225 triệu cu-ron. Sẽ cho đào thêm hầm để sách ở độ sâu ngang với các tầng xe điện ngầm tại thủ đô. Tất cả sẽ làm lại trừ phòng đọc sách lớn được giữ lại nguyên coi là di tích lịch sử.
    Sau khi giới thiệu chung tình hình Thư viện Hoàng gia, bà Jonsson và ông Olsson hướng dẫn tôi đi những nơi cần xem. Hết hầm lưu trữ sách nọ đến phòng lưu trữ kia; các kệ sách lớn và cao quá đầu người được di chuyển trên đường ray bằng điện. Tôi đặc biệt chú ý một số sách quý: Kinh thánh của Quỷ (Codex Gigas), từ thế kỷ XIII; mười chín trang của một cuốn Kinh thánh in trên da thời Gutenberg (Gu-ten-bec) năm 1450, cuốn sách kinh cầu nguyện bằng xa-tanh trắng thêu chỉ bạc và tô màu bọc bìa gỗ (1669), cuốn hài kịch ?oNgười ghen tuông? in ở Paris năm 1785 bìa bằng da dê nhuộm đỏ thếp vàng? Gian lưu trữ báo cũ rất phong phú: tôi có hỏi xin một số bài báo Thụy Điển viết về Việt Nam và Hồ Chủ Tịch những năm cuối kháng chiến chống Pháp (1953-1954); mấy hôm sau, tôi nhận được nhiều bài chụp photocopy.
    Sau khi xem xong Thư viện, tôi được mời ăn bữa trưa ở nhà ăn Sumlen ngay trong một phòng hầm Thư viện. Có nhiều bàn con, mỗi bàn bốn chỗ, tất cả độ năm sáu chục chỗ dành cho người làm ở thư viện và độc giả. Các món ăn đơn giản, giá phải chăng; khách cầm khay, chìa ra và được phục vụ món mình chọn; tha hồ tự lấy khoai tây và bánh mì. Không khí thân mật ấm cúng.
    Tám hôm sau, tôi được mời trở lại Thư viện Hoàng gia để nói chuyện về văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh. Tôi hết sức ngạc nhiên thấy phòng họp kín người, già trẻ, nam, nữ đủ cả. Nhà văn nữ Sara Lidman (Xo-ra Lit-man) cũng có mặt. Mọi người ngồi nghe rất chăm chú và hỏi thêm khá nhiều. Điều này chứng tỏ vấn đề Việt Nam vẫn còn in dấu ấn ở Thụy Điển. Sau buổi nói chuyện, một số thính giả, kể cả Sara Lidman, ở lại bắt tay tôi và tỏ ý tán thưởng. Có hai thiếu nữ, hẳn là sinh viên, tặng tôi một hộp nhựa to mà nói: ?oĐây là bánh Thụy Điển của bà chúng tôi cho. Xin tặng lại ông!? Một cử chỉ hồn nhiên thật cảm động!
    Tôi bâng khuâng rời khỏi Thư viện. Đi được sáu bảy chục thước, tôi bỗng nghe có tiếng chân người chạy theo. Ngoảnh lại, tôi nhận ra bà Elisabeth Nilsson (Ê-li-da-bet Nin-xon), trưởng ban và chuyên gia cố vấn Thư viện, người tổ chức buổi nói chuyện của tôi; bà có lẽ cũng đến 45, 46 tuổi, người cao lớn; trời lại nắng bất thường nên mặt bà đỏ bừng, hơi thở hổn hển, trông thật tội nghiệp. Bà giơ cho tôi Quyển sổ vàng của Thư viện để tôi ghi cảm tưởng. Tôi để sách lên ghế đá công viên trước Thư viện ghi vội mấy dòng, trả lại và cám ơn bà.
    Trời mùa thu mà sao ấm áp như mùa xuân.
    --------------
    Nguồn: Hữu Ngọc Mảnh trời Bắc Âu, nhà xuất bản Thế giới năm 1997

  3. nqquynhanh

    nqquynhanh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    24/08/2006
    Bài viết:
    300
    Đã được thích:
    0
    Mơ ước 1 ngày sang đến Belgium
  4. vietmybbw

    vietmybbw Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/10/2007
    Bài viết:
    28
    Đã được thích:
    0

  5. blackrider89

    blackrider89 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/10/2007
    Bài viết:
    467
    Đã được thích:
    0
    Mơ sang Bỉ thì vô chỗ này để làm gì ?

Chia sẻ trang này