Giữ nhiệt Có ai biết cái này thì giúp mình với: Mình đang cần tìm cách để nung nóng một vật (hoặc giữ nóng ở ~100 độ C) mà ko dùng đây điện, tức là có thể nhét vào một hộp kín (để hút chân không chẳng hạn), kích thước nhỏ thôi. Bạn nào biết thì chỉ giúp mình với nhé, mình cảm ơn rất nhiều.
Nhét vào một hộp kín Hộp kín thả vào một nồi to Đun nồi to, luôn giữ lửa cho nước sôi. Trong hệ nồi to -vật thì nồi giữ vai trò bình điều nhiệt
Bạn nêu câu hỏi mơ hồ quá, vậy thì bạn cần gia nhiệt cho một vật hay cần giữ nhiệt cho nó và giữ trong bao lâu? Nếu cần gia nhiệt mà không dùng điện thì cũng có khá nhiều phương pháp: thả vào nước sôi (nước đun sôi bằng lò than hoặc bếp ga), hoặc hơ trực tiếp lên trên ngọn lửa của các bếp này... Nếu cần giữ nhiệt thì phải lưu ý rằng rồi cuối cùng, nhiệt độ của vật cũng sẽ giảm xuống ngang bằng nhiệt độ môi trường, với thời gian lệ thuộc vào tính chất vật liệu bảo ôn và cấu trúc của nó. Nhiệt từ vật nóng sẽ tỏa ra môi trường theo một, hai hoặc cả ba cách như sau: 1. Dẫn nhiệt: nhiệt truyền từ phần này sang phần khác của vật nhờ sự trao đổi năng lượng giữa các phân tử, điện tử trong vật liệu đó. Ví dụ, bạn nung nóng một đầu que sắt thì đầu kia cũng nóng dần lên. Bạn có thể thấy rằng nếu đốt một que gỗ thì đầu kia que gỗ vẫn không nóng, đó là do gỗ có hệ số dẫn nhiệt kém. Nói chung, vật liệu kim loại dẫn nhiệt tốt hơn vật liệu phi kim. Dẫn nhiệt không có những chuyển động vật liệu vĩ mô, chỉ có những giao động vi mô của phân tử và điện tử. 2. Đối lưu: là cơ chế truyền nhiệt giữa một bề mặt chất rắn với dòng chất lỏng hoặc khí đi qua bề mặt này. Nó bao gồm sự kết hợp của các hiệu ứng dẫn nhiệt và dòng chảy. Dòng chảy có vai trò tải năng lượng nhiệt, đây là sự trao đổi nhiệt giữa các lớp vật liệu có sự di chuyển vĩ mô. Ví dụ, nếu bạn thấy người nóng bức, bạn bật quạt sẽ thấy mát hơn, đó là do các dòng khí bị quạt đẩy đã chạy qua da và lấy nhiệt từ cơ thể bạn nhanh hơn là nếu không khí đứng yên hoặc chạy chậm. 3. Bức xạ: Tất cả các vật có nhiệt độ khác độ không tuyệt đối đều phát ra năng lượng dưới dạng bức xạ nhiệt. Ví dụ: mặt trời hoặc ngọn lửa phát ra ánh sáng mang theo năng lượng và làm nóng các vật xung quanh. Một vật có nhiệt độ dưới 500 độ C tuy không phát ra ánh sáng nhìn thấy, nhưng chúng vẫn phát ra hồng ngoại để làm nóng xung quanh và bị nguội dần. Bức xạ không cần có vật liệu làm chất trung gian truyền dẫn và không có những chuyển động vĩ mô hay vi mô như hai phương thức truyền nhiệt nêu trên. Mặt trời truyền năng lượng tới trái đất hoàn toàn bằng bức xạ qua khoảng không vũ trụ giữa chúng, tức là qua chân không. Vậy, nếu muốn giữ nhiệt cho một vật nóng, bạn cần loại trừ, càng nhiều càng tốt, cả ba dạng truyền nhiệt này. Để hạn chế dẫn nhiệt, bạn cần đựng nó (hoặc bao bọc nó) trong một vật liệu có tính dẫn nhiệt kém. Để hạn chế hoặc triệt tiêu đối lưu, bạn cần tránh cho nó tiếp xúc với các luồng gió hoặc nước, tức là cần đậy kín lại. Để giảm bức xạ, bạn cần cho phản xạ trở lại hầu hết các bức xạ đi ra từ vật nóng, tức là bố trí các gương xung quanh. Dụng cụ đáp ứng được cả ba yêu cầu này chính là cái phích mà bạn thấy có ở mỗi gia đình. Ruột phích làm bằng thủy tinh (vật liệu dẫn nhiệt kém) có hai lớp, giữa hai lớp này là chân không cộng với nút kín (triệt tiêu đối lưu) và được tráng lớp phản quang (hạn chế bức xạ thoát ra). Mặc dù như vậy, qua vài ngày thì nước sôi trong phích cũng nguội tanh vì dù sao, phích cũng chỉ hạn chế được phần nào chứ không tuyệt đối ngăn chặn được truyền nhiệt. Cũng có thể bạn thấy cái phích nước có miệng quá nhỏ, không thích hợp để giữ nóng cho vật cứng lớn, bạn có thể tìm loại phích có miệng rộng (phích đá) để dùng.