1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Góc lặng cho những xúc cảm

Chủ đề trong 'Miền Tây' bởi octieu101, 07/10/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Deltatoni

    Deltatoni Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/09/2006
    Bài viết:
    229
    Đã được thích:
    0
    Lại một ngày kỷ niệm nữa ta lại một mình. Tự an ủi rằng giờ thì ta được tự do, nhưng không biết cái tự do ấy có làm mình vui vẻ chăng?
  2. khanhlinh85

    khanhlinh85 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2006
    Bài viết:
    2.724
    Đã được thích:
    0
    Trước một dòng sông ​
    Gần một tuần sau khi có hung tin đường dẫn cầu Cần Thơ sập, tôi mới có mặt ở công trình này. Hai chữ "giàn giáo" hiền lành khiến tôi tưởng bình thường như giàn giáo xây nhà, cứ ngỡ nó nhỏ bé lắm.
    Nào ngờ cái giàn giáo đỡ dầm cầu to sừng sững, cao ***g lộng, che tối một khoảng trời. Thế mà nó sập. Nó oằn xuống. Nó đổ gãy như một cây thước kẻ. Cái trụ chính cũng giống như một cái đồ chơi bập bênh khổng lồ trên dòng sông Hậu đỏ sẫm chiều mưa do ảnh hưởng bão số 5.
    1. Chúng tôi xuống ghe ở bến Ninh Kiều, gần chợ. Trên bờ còn mấy cái băng ca, vài tấm ván còn dính đầy bùn đất và máu nạn nhân trong những ngày tải thương cấp cứu. Chiếc ghe này hợp đồng với bên công trình xây cầu, không bán vé. Đi một vài phút, ghe dừng lại, chập chờn như chiếc lá. Anh tài công Lê Văn Khỏe phân bua: "Có người gọi chờ mang cơm ra công trình. Đợi chút đi mà, ở ngoải giờ này người ta đói rồi".
    Ghe chạy qua cù lao, thấy mấy tàu du lịch đưa khách đi xem cầu sập. Chẳng thấy ai ngả mũ nón ra cúi đầu một cái. Lại thấy chụp ảnh nhoay nhoáy. Bây giờ tôi mới nhận ra sông Hậu cũng đỏ như sông Hồng ngoài Bắc. Trước kia, khi xây cầu Thăng Long vắt qua sông Hồng nghe nói cũng mấy người tử nạn. Nhưng ở đây, đã là hơn 50 công nhân tử vong.
    Lúc đi qua gầm cầu, tôi ớn lạnh thấy nhiều người vẫn còn nằm ngả lưng trên những tấm bêtông. Ngẩng đầu lên, thấy một mảng đen ngòm của dầm cầu bêtông nhức nhối. Và chợt tôi nghĩ đến từng con người bé nhỏ bị nạn khi mà dầm cầu bêtông hàng ngàn tấn trên cao hàng chục mét đổ ụp xuống. Anh công nhân cùng đi một chuyến ghe bảo tôi: "Nó đổ sụp lẹ lắm chứ không từ từ như trong phim mình xem đâu".


    2. Bêtông và sắt thép hàng ngàn tấn ấy đã sụp xuống rất nhanh và bất ngờ. Bây giờ người ta đã tìm thấy hai trong ba thi thể bị vùi dưới bêtông và sắt thép ấy. Máy ảnh của tôi còn mấy tấm hình người thân của họ ngày nào cũng ra đây chờ đợi. 5 rồi 7 rồi 8 ngày, họ vẫn chờ. "Mất tích" là hai từ cho phép nuôi một tia hy vọng le lói nhờ phép màu nào đó. Nhưng hôm nay thì người thân của họ đã được tìm thấy, được nhận dạng và được đưa về đất liền trong những cái bao nilông đựng xác buộc chặt. Thế là hết.
    Nhưng những người tìm kiếm vẫn kiên trì từng phút, từng giờ, từng ngày. Họ ngồi trên cái gầu do cần cẩu thả xuống từng mét vuông hoang tàn sắt thép. Tìm. Soi. Chiếu. Đào. Bới...Và tìm bằng tất cả giác quan. Lặng lẽ chứ không tất bật la hét khẩn thiết như ngày đầu tiên. Những chiếc mũ bảo hộ màu trắng âm thầm dưới ánh đèn pha màu trắng toát lên một màu tang tóc trong chiều. Dứt khoát không bỏ cuộc. Kiên quyết không nổ mìn phá bêtông. Để những nạn nhân ấy không bị thêm một vết thương nào nữa, dù cho thi thể của họ đã bị nhấn sâu xuống lòng đất.
    3. Đứng nhìn cái đống đen ngòm của dầm cầu đổ sụp mà trong đầu tôi cứ hiện lên hai chữ "giá như?". Giá như tai nạn này xảy ra sớm hơn 1 tiếng, trước khi người công nhân vào ca, đang ngồi tán gẫu bên những quán càphê xập xệ ở một góc công trình.
    Nhưng "cầu đã sập những phận người vụn vỡ" (thơ trên blog) cái phút định mệnh ấy đã đến mà không thể khác được. Giá như lời cảnh báo của một kỹ sư người Nhật được những người có trách nhiệm lưu tâm đến. Giá như người ta kỹ càng hơn trong việc tính toán, mời thầu và sử dụng người lao động. Giá như người ta đừng chạy theo tiến độ công trình mà coi nhẹ kỹ thuật... Song, bây giờ tất cả đã muộn. Tôi lục lọi trong trí nhớ. Hình như chúng ta chưa có sự cố nào có số công nhân thiệt mạng cao thế này?
    4. Tôi đứng nhìn những cánh tay cần cẩu xoay trở khó khăn và nhẫn nại trước đống bêtông sắt thép ngổn ngang. Hôm nay hiện trường đã vắng vẻ. Gia đình nạn nhân thưa thớt. Công an, bộ đội, dân quân tự vệ trực gác đông hơn công nhân. Cánh phóng viên cũng đã rút quân phần nào. Bữa chiều của công nhân đựng trong những hộp xốp trắng toát mà chuyến xuồng tôi vừa quá giang đem ra. Trên nền đất còn đầy những nén nhang thắp vội ngay chỗ nạn nhân trút hơi thở cuối cùng.
    Vách các công trình rất nhiều khẩu hiệu: "An toàn là trên hết" và các hướng dẫn quy trình sử dụng giàn giáo, các sơ đồ công trình, bảng nội quy... Mấy tường nhà còn rơi rớt lại những dòng chữ cánh thợ trẻ trêu chọc nhau loằng ngoằng. Gần đó, các công trình phụ xung quanh vẫn sáng đèn...
    Nhưng hôm nay, hơn 50 công nhân sẽ không bao giờ quay lại công trường này nữa. Và nhiều người có mặt hôm đó đã kể lại với tôi một không khí cứu trợ khác với những gì tôi đã đọc trước đó. Hàng trăm con người sau vài giây chết lặng, đã hiểu điều đáng sợ nhất trong nghề xây dựng đã ập đến. Gào thét và thất thần. Kêu than và văng tục. Nghẹn ngào và câm nín... Nhưng rồi cả những người không có trách nhiệm, không quen biết, thậm chí có hục hặc với nhau trước đó... cũng lao vào đống đổ nát cứu người bị nạn.


    5. Tôi đã nhìn thấy họ trong bức di ảnh trên bàn thờ lập vội khi đi trao tiền của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Những tấm ảnh đều giống nhau, đều trên một nền xanh và mọi người đều mặc complet. Chắc là ảnh thẻ công nhân mới chụp khi được tuyển vào công trình. Tôi lặng nhìn những gương mặt thô ráp nhưng đẹp trai. Nhiều người trong số họ có lẽ bước từ mảnh ruộng sau nhà lên thẳng công trình, từ một anh nông dân cần cù khoác chiếc áo công nhân và đeo lên cổ chiếc thẻ toàn chữ tiếng Anh. Như các nạn nhân ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long mà tôi đã đến thăm viếng. Anh Nguyễn Văn Thông ở nhà làm vườn, nhưng biết nghề thợ hàn, nghe nói tuyển thợ thì đăng ký. Mới lãnh đến tháng lương thứ hai thì gặp nạn. Chị Phương - vợ anh - kể, hôm đó trước khi đi làm anh còn tranh thủ đi mua gạo cho vợ rồi mới dắt xe đi, chỉ một giờ sau là nghe tin cầu sập, chị chạy đến thì đã thấy người ta khiêng anh ra, máu tràn hai tai... Đến nhà anh Bùi Tấn Lộc ở ấp Đông Hoà, thấy ảnh của anh đẹp như ảnh tài tử điện ảnh, nhưng bên cạnh gắn tấm thẻ công nhân đầy bùn đất.
    Trước khi đi làm, anh lẳng lặng dắt xe đi không ngoái lại. Và đó là hình ảnh cuối cùng chị vợ nhớ được về anh trong buổi sáng định mệnh đó. Còn anh Trần Ngọc Toản - ở ấp Phù Ly 2, lấy vợ được 6 năm, đứa con thứ hai mới 2 tuổi, nhà "có cái vỏ chưa có cái ruột" thậm chí chưa quét vôi, cái giường cũng xây gạch mà nằm. Sáng đó dắt xe đi làm, anh quay lại chào: "Ba ơi! Con đi làm!" Đó là điều mà ba anh - ông Trần Quang Trung - vẫn day dứt mãi vì hôm đó ông đã không đáp lại lời chào của con trai...
    Chúng tôi đến nhà nhiều nạn nhân khác đều thấy có hoàn cảnh tương tự, những người thợ cầu dường như chưa an cư lạc nghiệp, con còn nhỏ, mới bắt đầu ăn lương đời thợ ít lâu... đã không trở về sau đêm trung thu không trăng ấy. Bây giờ lại xảy ra tình trạng đáng buồn. Khi được nhận một số tiền hỗ trợ khá lớn, đã xảy ra ít nhiều xào xáo trong gia đình nạn nhân, mâu thuẫn giữa gia đình chồng với con dâu, giữa người này người khác... vì ai cũng nghĩ rằng mình mới là người xứng đáng nhận tiền hỗ trợ.
    Tội nghiệp những đứa bé chưa kịp có khái niệm xài tiền, và cũng chưa cảm nhận được sự vắng mặt vĩnh viễn của người cha, mà chỉ vui sướng khi có các chú quay phim đến nhà. Còn người dân quanh vùng khi phát hiện trong đoàn cứu trợ có một diễn viên cải lương nổi tiếng, thì tất cả đều mong muốn được nghe chị hát khi nhang khói bên bàn thờ nạn nhân còn nghi ngút.
    6. Chắc tôi cũng như nhiều người mỗi lần đi về miền Tây đều ngán nhất việc qua phà. Trước thì phà Mỹ Thuận. Nay Mỹ Thuận đã xây cầu thì trông đợi cầu Cần Thơ. Xây xong nốt cái cầu Cần Thơ này thì quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau thông suốt, không còn phải đi qua cái phà nào nữa. Mấy tỉnh miền Tây trông đợi cái cầu mà quy hoạch, vạch hướng đi chiến lược. Người dân sông nước cũng ngóng chờ ngày cây cầu này hợp long.
    Nghe nói hồi xưa Mỹ chịu thua không bắc nổi cây cầu qua sông Hậu. Nên bây giờ người dân thương cây cầu bao nhiêu thì thương những người công nhân bị nạn bởi sự cố cầu sập bấy nhiêu. Và thậm chí còn thương gấp bội lần bởi vì cây cầu đã gắn liền với cánh đồng, dòng sông Nam Bộ. Những người thợ cầu này đa số cũng từ dòng sông, đồng lúa ấy lớn lên.
    Cuộc đời thợ cầu của họ thật ngắn ngủi bởi cái chết khủng khiếp do đá đè, đất vùi, sắt đâm... Chuyến phà Việt Đan chiều ấy có vẻ yên ắng hơn mọi khi. Mọi người khách trên phà đều nhìn về phía dầm cầu Cần Thơ thương tích bằng ánh mắt trĩu nặng. Cây cầu cuối cùng trên quốc lộ 1 bắc qua sông Hậu. Từ Vĩnh Long sang Cần Thơ nhưng nó mang tên Cần Thơ. Và 70% số công nhân tử nạn của cầu Cần Thơ là người Vĩnh Long?
    Không biết mai sau khi hoàn thành, người ta có đổi tên cây cầu, có đặt bia tưởng niệm những người tử nạn trong sự cố sập cầu này không? Và khi đã khắc phục xong hậu quả, cây cầu này sẽ tiếp tục xây dựng hoành tráng hơn? Có người bảo riêng ở nhịp cầu 14 và 15 nên thiết kế riêng biệt để gợi nhớ về sự cố này.
    Tôi nghĩ rằng mọi người khi đi qua nhịp cầu 14 và 15 của cầu Cần Thơ sẽ không ai bảo ai đều cho xe chạy chậm lại và dành vài giây tưởng niệm. Dòng sông có thể sẽ trôi hờ hững dưới cây cầu, nhưng những người đi qua cây cầu này thì không thể nào quên.

Chia sẻ trang này