Đã là đầu tháng tư. Có lẽ ở nhà trời nóng hơn, mùa hè đang đến. Ở đây là mùa xuân, vậy mà sáu giờ chiều tuyết đột ngột rơi. Trời vì thế mà tối nhanh hơn. Tám giờ, các hàng quán đóng cửa hết. Tôi mua một phần thức ăn tại một quán Thổ mở muộn. Người bán quán trẻ và trông khoẻ mạnh, lúc nào cũng tươi cười. Trong cái quán nhỏ xíu chừng mười người đứng, anh ta phải nhớ từng người đã gọi cái gì và ai trước ai sau. Anh ta làm việc đấy rất tốt. Thậm chí còn nhớ được những câu chào bằng các thứ tiếng khác nhau cho những khách quen đến từ các nước khác nhau. Anh lúc nào cũng tươi cười. Anh ta nói với tôi "Chào !". Tôi giật mình. "Sao anh biết ?" "Chính cậu nói với tôi hôm nọ mà ?" "Tôi không nhớ." Tôi đi về nhà. Tuyết dưới chân dày lên. Có thể anh ta đã học câu chào đó từ một người Việt Nam khác. Có thể anh ta không phân biệt được ngoại hình của những người châu á. Mặt khác có thể chính là tôi đã nói với anh ta. Anh là một nghệ sĩ trong việc nhớ, tôi là một nghệ sĩ trong việc quên. Nhớ và quên. Những kỹ năng tự phát triển theo thời gian. Nhớ và quên. Hẳn là TCS có nhiều bài về nỗi nhớ và lãng quên. Tôi tự cho là mình rất am hiểu lĩnh vực quên. Tôi muốn tìm một bài nhạc Trịnh. Một bài ít dính dáng đến tình yêu. Với tôi tình yêu đang ở cuối gió. Cái sự quên đấy dễ dàng hơn tôi tưởng, có lẽ vì tôi không được hưởng gì ngọt ngào từ cái tình yêu đó cả. Tôi nhìn một lượt playlist của mình. Không có. Lên mạng và tìm được bài Em còn nhớ hay em đã quên. Hỏng, lại là kiểu hồi-xưa-chúng-ta-yêu-nhau-lắm-em-có nhớ-không-? Thôi đã mất công down về rồi thì nghe thử một lần xem sao . Tôi chỉ thỉnh thoảng mới nghe nhạc trịnh và thuộc loại có gì nghe nấy. Thật may mắn, bởi vì tôi thấy bài này không giống những gì tôi nghĩ lúc đầu. Nỗi nhớ ở đây là nỗi buồn xa cách với quê hương. Nỗi buồn chỉ có ngôi thứ nhất số ít, không có anh em yêu đương gì cả. Hay là tôi hiểu sai ? Dù sao cách hiểu đó làm tôi thoải mái. Giọng Mỹ linh nhỏ nhẹ. Tôi thấy mình đang hát theo, bình thường tôi rất ít khi làm vậy. Tôi thấy tôi đang ngồi trong căn phòng ấm, ngoài kia tuyết rơi ngày một dày đặc. Trước mắt tôi là cây vạn liên thanh và ở dưới kia có con đường hai bên trồng thông và sồi, thân cây chưa đâm chồi mặc dù mùa xuân đã tới. Con đường cách tôi khoảng mười mét. Đi thêm năm mươi mét lên dốc sẽ đến cái quán lúc nãy nơi có anh chàng Thổ nhĩ Kỳ thân mật và vui vẻ. Hai trăm mét nữa để đến bến bus đầu tiên. Một trăm cây số đến sân bay và vài vạn cây số là việt nam, nơi đang ở trong đêm đầu hạ. Vậy sao ? Vậy là còn nhớ hay đã quên ? Tôi mới đi chưa được một năm, nhưng những ca từ đã trở nên xa lạ. Phố, quán xá, món ăn đêm. Phải rồi ! Đêm. Nhớ lại những ngày lang thang trong đêm, các con đường dài chạy về phía sau, và xoắn lại như một búi tóc đặt lên bản đồ Hà nội, rồi mặt hồ Gươm phẳng lặng trong trắng đã bị một điều không xứng đáng làm nhơ bẩn, những đoạn tăng tốc qua chính ngôi nhà mình để vòng tóc kia nặng thêm một lần hương hoa sữa, để cái lạnh rã rời làm cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ, khi ấy sẽ còn lại sự vô giác tuyệt vời, nó đẩy lùi nỗi đau. Chỉ cần một danh từ Đêm đấy thôi là chuỗi ký ức móc xích sẽ kéo tuột một cái. Trí nhớ tò mò lật lại hòn đá thời gian xưa cũ, hòng tìm lại một bông lan màu trắng tía đỏ, nhưng dưới hòn đá là đất ẩm thấp và giòi bọ béo nung núc đang sinh sôi trong xú uế. Nghệ thuật quên là phải chặt đứt hết, kể cả những sợi dây mỏng mảnh của nỗi buồn dịu dàng êm đẹp lẫn tí xíu kỷ niệm ngọt ngào hiếm hoi có được. Bởi chung sống với ký ức đôi khi là điều không thể ... Hãy cần cù đập cho thật vụn từng viên gạch của bức tường thành quá khứ, cần cù, không được nản chí, đập một cách tàn nhẫn, hằm hè như đang đối chọi với kẻ thù bạo liệt và nguy hiểm nhất. Người ta vẫn thường sống sót cho dù chuyện gì đi nữa. Đến bây giờ thì tôi có thể hài lòng mà nói : đã quên. Mặc dù nỗi đau. Mặc dù đấy là tất cả những gì tôi có. Em ra đi nơi này vẫn thế Vẫn có em trong tim của mẹ Thành phố vẫn có những ước mơ Vẫn sống thiết tha Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi. Tôi cũng đã quên tôi có một người chị chăng ? Tôi đã quên có lúc tôi đã được gọi là em chăng ? Đôi khi chúng ta quên những người chúng ta nghĩ là xấu xa, để bắt đầu nhớ những kẻ mà sau đó ta khám phá ra còn tồi tệ gấp trăm lần. Không biết có ngày nào tôi sẽ được nghe lại tiếng nói của chị : "Chúng ta đã từng là một gia đình. Em còn nhớ, hay đã quên ?" ------ Lạy chúa, tuyết vẫn rơi vào cuối tháng năm. Thời tiết thật không thể tin được. Mấy cái thứ tôi viết vào tháng tư nay xem lại thấy hay không thể tin được. Nếu không có bản dự báo thời tiết, ai tin là những bông hoa tuyết đang phất phơ ngoài kia là thật nhỉ. Thôi thì post lên kỷ niệm phát. Prost !
Bạn La rà ới ời, bạn cho tớ mượn bài này post sang bên Trịnh nhé, cảm ơn bạn La rà Nếu bạn quan tâm đến nhạc Trịnh thì sang bên đó nhé, nhiều link hay lắm. Chúc bạn vui!
Thì cứ để cho người ta viết đi , nhạc Trịnh thi ở đâu chả viêt được , mượn nhạc trinh để quên sầu cũng là 1 cach hay .nhưng chỉ sợ như LÍ BẠCH đã nói : ''''nâng chén tiêu sầu càng sầu hơn thôi '''' Chúc bạn larra vui vẻ ! Khi nà buồn cứ hát bài Buồn là sẽ hết buồn ngay Buồn như li rượu đầy Không có ai cùng cạn Buồn như li rượu cạn Không còn chuyện để vui
Những lúc buồn thì chị thích nghe nhạc Trịnh Bài Dấu chân địa đàng. Nghe thì chả hiểu nội dung chú Trịnh nói gì nhưng vẫn thấy hay và dễ chịu mặc dù buồn!
Thánh kiu mấy bạn nữ đã an ủi tớ nhé. ---- Nhạc Trịnh thỉnh thoảng nghe một lần thì phê nol, nghe nhiều lại thấy nhạt. Hứng lên đọc thơ Heine : Hãy trốn với anh đi, hãy làm vợ của anh Trong trái tim anh, em sẽ sống yên bình Nơi đất khách quê người, em ơi, tim anh đó Là nhà em, là tổ quốc của mình Nếu em không đi, em chết tại đây thôi Em ở lại, sống trên đời đơn lẻ Dù có sống trong ngôi nhà cha mẹ Em vẫn bơ vơ như đất khách quê người Đúng là lão sở khanh. Thay đổi là bản tính của con người. Nhưng chỉ ở một độ tuổi nhất định, tuỳ theo điều kiện, nhận thức, các mối ràng buộc. Chắc ai cũng đã từng có lúc muốn ***g lên, cắn đứt hết các mối dây nhợ đó mà chạy đến một mục tiêu nhất định. Mục tiêu đó có thể là một người khác phái, một nghề nghiệp bị cấm đoán, một thủ đô, hoặc một quốc gia khác. Đấy là trung tâm của thế giới của người đó, cái phải đạt đến bằng được. Nó có thể bất khả thi, nhưng nó hàm chứa tự do và hy vọng. Cái trung tâm đấy, chúng ta chỉ hiểu biết rất mơ hồ, nhưng không ai thoát khỏi sự thôi thúc rộn rã mà nó mang lại. Chúng ta có cảm giác hoặc đúng hơn là ước mơ, rằng ở một nơi nào đó có một chỗ tập trung tất cả những gì đẹp đẽ, ưu tú, chân chính nhất, và chúng ta muốn đến đó cho bằng được. Tuổi trẻ cần những chuyến đi xa ... Tôi biết cõi đời còn quá xấu Nhưng mà tôi đã sống quen rồi Thân tôi đã nhiều lần chìm nổi Trên những con đường nước mắt rơi. .... để biết thất vọng, để thấy tự do thực sự và cách đạt được nó.
( ăn đậu ở nhờ topic của Larra 1 phát ! ) Này con người thông minh, sắc xảo và uyên bác gì gì ơi, trách cứ người khác khi mình cảm thấy đau là cái kiểu gì thế ạ? Cho dù trí óc của bạn có thông minh đi bao nhiêu chăng nữa mà ko thực sự đặt mình vào c/s của người khác để hiểu thì mọi sự phán xét đều là chủ quan đấy ạ. Ghét quá đi mất. Đôi khi chúng ta yêu nhầm người và mến sai duyên phải ko ạ?!