Hà Nội phố... Em ơi Hà nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Ai đã từng sống ở Hà Nội mà lại chẳng có ít nhiều kỷ niệm với những con phố ở Hà Nội. Phố ở Hà Nội không giống với bất cứ phố của một mảnh đất nào khác, bởi một điều giản đơn chúng mang những nỗi niềm của người đi qua đó...
Phố Triệu Việt Vương Triệu Việt Vương có hình dáng phố đặc trưng của Hà Nội, dài và hẹp. Mặc dù là một phố ở trung tâm, nhưng TVV không ồn ào náo nhiệt, nhưng cũng chằng quá vắng vẻ...nó đủ để chọn làm nơi thư giãn sau một ngày bận rộn. Chẳng trách các hàng cafe thi nhau mở lên tạo cho TVV một đặc trưng riêng. Buổi sớm ta làm một bát phở ở đầu phố rồi ngồi nhâm nhi cafe phê vỉa hè, lơ đãng nhìn dòng người thi thoảng ngược xuôi. TVV nhìn từ trên cao xuống mang một vẻ đẹp quyến rũ kỳ lạ. Hầu như những ngôi nhà nằm trên phố cũng mang một nét kiến trúc rất đặc trưng. Ta đặc biệt thích một số nhà ở con phố này, nó là sự hòa quyện tinh tế giữa nét kiến trúc phương Đông và phương Tây. TVV buổi tối cũng đẹp không kém. Hình như ở đây không phù hợp với những chùm đèn cao áp thì phải, hay là sự thiếu ánh sáng phù hợp với những quán cafe hơn??? Nhưng với riêng ta, không phải cái gì sáng quá cũng đẹp, nhiều khi sự mờ ảo tạo nên sự thiêng liêng huyền bí. Kiểu ánh sáng này làm cho TVV càng đẹp hơn. Phố dài với những khỏang sáng tối càng tạo cảm giác mênh mang khó tả. Triệu Việt Vương, một vị tướng tài của dân tộc Việt, xứng đáng được ghi tên trên một con phố như thế...
Con đường Tình Yêu Chẳng hiểu từ bao giờ Đường Thanh Niên lại được mang một cái tên khác: Con đường Tình yêu. Cũng phải thôi, nó được thiên nhiên ban tặng quá nhiều ưu ái. Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch đã mang lại cho Đường Thanh Niên một nét đặc trưng riêng. Không tiếng còi inh tai, không nhà cửa san sát... Người ta đến đây như để thư giãn, như để hòa mình với thiên nhiên. Nhất là vào những buổi tối nóng nực thì mọi ngả đường của Hà Nội đều dẫn đến Đường Thanh Niên. Đôi lứa cũng tìm đến như một sự tình cờ thú vị. Phải chăng Hà Nội ngày nay quá chật chội, quá ô nhiễm khiến cho một không gian riêng tư đôi khi cũng chỉ là mơ ước. Ở đây, trăng sao ẩn mình trong nước Hồ Tây hòa quyện với lòng người, càng lãng mạn hơn khi đó lại là khung cảnh trước mặt hai người đang yêu. Hẳn là không có gì đẹp hơn thế...Ôi tình yêu... Đường Thanh Niên xưa nguyên là một dải đê nhỏ do người dân đắp lên để giữ cá trong hồ Trúc Bạch. Con đê này có tên là Cố Ngự. Lúc này hồ Tây còn là một nhánh của sông Hồng, ăn sâu vào tận chân đê Cố Ngự. Trải dần theo năm tháng, lòng sông chuyển mình, đất phù sa bồi đắp và một phần do con người ngăn lại, nhánh sông Hồng đoạn này được ?okhoanh? thành hồ Tây, nằm bên kia đê Cố Ngự là hồ Trúc Bạch. Đến thời Pháp thuộc, do nhu cầu đi lại nhiều, đê Cố Ngự được sửa sang lại thành con đường nhỏ mang tên của thống chế Lyautey. Sau cách mạng, con đường được đổi tên thành Cổ Ngư, đọc chệch từ ?oCố Ngự?. Sang những năm 1958 - 1959, thanh niên học sinh Hà Nội được động viên tham gia lao động công ích đắp đường, tôn tạo Cổ Ngư. Để ghi nhận công sức này, đến năm 1960, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội quyết định đặt tên chính thức cho con đường là Thanh Niên (cho đến tận ngày nay). Dọc hai bên đường Thanh Niên có chùa Trấn Quốc, ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, đền Cẩu Nhi, đền Quán Thánh, chùa Châu Long - những danh lam thắng cảnh mang đậm kiến trúc Việt, tâm hồn Việt. Những ngày này, Đường Thanh Niên càng quyến rũ hơn trong sắc đỏ của phượng. Hoa đỏ, trời xanh và mây trắng quyện với nhau như một bức tranh hữu tình. Tiếng ve lao xao trong vòm lá thành một dàn đồng ca du dương. Xa xa một con thuyền lênh đênh mang theo 2 tâm hồn du đãng. Gió có nghe thấy họ nói gì không.... Được pian0seven sửa chữa / chuyển vào 19:58 ngày 20/05/2004
Phố Hàng Buồm Tên một phố dài 300 m đi từ phố Đào Duy Từ, cắt ngang Hàng Giầy, đến phố Hàng Ngang, nối tiếp với phố Lãn Ông, thuộc quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc phố đã có tên là Hàng Buồm, dịch theo tiếng Pháp là "Rue des voilles". Hàng Buồm là một trong những phố cổ, nơi cư trú đông đúc của Hoa Kiều, nên trước đây phố này chủ yếu là các cao lâu tửu quán, cửa hàng ăn. Phố này được xây dựng trên nền đất thuộc phường Giang Khẩu (sau đổi là Hà Khẩu), thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, nằm bên cửa sông Tô Lịch, nơi thông ra sông Hồng. Do đó phố Hàng Buồm là nơi bán các loại buồm dùng cho thuyền bè. Đây là quê ngoại và là nơi dạy học của nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII. Ngày nay phố Hàng Buồm còn một ngôi đền và một ngôi đình cổ. Tại nhà số 8 là đình Tử Dương, tục gọi là đình "Hàng Thịt". Còn số nhà 76 hiện nay là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ. Tục truyền Long Đỗ đã hoá thành ngựa trắng giúp vua Lý Thái Tổ xây thành khi dời đô từ Hoa Lư về đây. Cạnh đền phường Hà Khẩu còn văn chỉ bi ký, ghi dựng từ năm 1774. Gần đó, trước đây còn có chợ Bạch Mã của Thăng Long xưa. Chợ này đã cùng với Chợ Cầu Đông bên Hàng Đường dồn về lập chợ mới gọi là chợ Đồng Xuân, từ thời Pháp mới sang (1889). Số nhà 19 phố Hàng Buồm là trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Phố Hàng Buồm Ảnh: P.Thảo
Phố Bà Triệu Tên một phố lớn, chạy từ ngã tư Hàng Khay - Tràng Thi, Lê Thái Tổ - Bà Triệu, đến đường Đại Cồ Việt, dài 1900m, thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, cắt qua các phố: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, song song với phố Huế. Trước đây, phần đầu phố Bà Triệu (chỗ đền Vũ Thạch) có tên là Hàng Giò. Quãng ngã tư Trần Hưng Đạo đến phố Nguyễn Du có tên là Hàng Kèn, có một cái dốc gọi là dốc Hàng Kèn (thay Dốc Miếu Cây Thị), có thể là dấu vết tường luỹ phía Đông của Phủ Chúa Trịnh cũ. Đến thời Pháp thuộc phố này tách làm hai phố. Phần đầu, từ Hàng Khay đến Nguyễn Du mang tên Gia Long. Từ Nguyễn Du đến Đại Cồ Việt mang tên Lê Lợi. Sau năm 1945, phố Gia Long đổi là phố Mai Hắc Đế; phố Lê Lợi đổi thành phố Bà Triệu. Thời kỳ tạm chiến (1947) lại được đổi thành Gia Long. Từ 1954, đổi lại thành phố Bà Triệu. Phố Mai Hắc Đế từ Trần Nhân Tông đến Đại Cồ Việt. Dọc phố này có rất nhiều công trình xây dựng mới, đặc biệt là các nhà hàng kinh doanh đồ gia dụng, trụ sở các tổ chức kinh tế, du lịch, văn hoá, y tế (bệnh viện Mắt, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Kim Đồng, Thư viện Hà Nội...) Đây nguyên là phần đất của nhiều làng cũ, theo thứ tự từ Bắc tới Nam là các làng Vũ Thạch, Phúc Lâm, Phúc Cổ, Hồi Mỹ, Long Hồ, thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi là tổng Kim Liên), thôn Thể Giao thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xưong cũ. Dấu vết của các làng, thôn ở đây là các đền, miếu, đình và chùa. Chùa làng Vũ Thạch nhà số 13 và 13b. Đình làng Hội Mỹ nhà số 9 Bùi Thị Xuân, chùa Chân Tiên nay ở số nhà 151 Bà Triệu; chùa Vân Hồ, mặt chính ở phố Lê Đại Hành, cổng sau thông ra phố Bà Triệu, đình Phục Cổ ở số nhà 14 Nguyễn Du. Phố mang tên Bà Triệu, người anh hùng dân tộc khởi nghĩa chống bọn cai trị nhà Ngô vào những năm 247-248 quê vùng Ngàn Nưa, tức là khu vực giáp giới giữa hai huyện Nông Cống - Triệu Sơn, Thanh Hoá ngày nay. Bà sinh năm 226, hy sinh vào năm 248. Họ tên bà theo sử cũ ghi là Triệu Ẩu hay Triệu Thị Trinh. Năm 247, Bà Triệu đã lãnh đạo nhân dân vùng Ngàn Nưa đứng lên khởi nghĩa chống quân Ngô. Nghĩa quân tiến đánh dũng mãnh. Nhưng quân khởi nghĩa đã gặp phải sự chống trả dữ dội của quân Ngô. Trong thế cùng, lực tận, bà đã tuẫn tiết. Nay còn lăng mộ và đền thờ bà trên ngọn núi Tùng ở Phú Điền, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá.
Phố xưa cò về - Phố Lò Đúc Một cảm giác chông chênh khi về lại con phố ấy. Bỗng chợt thấy mình bé nhỏ, đơn côi trong khoảng không vời vợi của nắng, của gió và của cả hàng cây sao đen cao lừng lững. Thoáng nghe như có tiếng cò gọi lanh lảnh trên cao, chợt như thấy cả miền thăm thẳm kí ức tuổi thơ xa xưa trong veo ùa về. Phố Lò Đúc, hay còn gọi là phố cò là nơi có những cây sao đen cao nghễu nghện, đứng vươn thẳng lên bầu trời cao xanh như hàng quân danh dự chạy dọc hai bên đường. Lũ học trò ngày thường tan học, đứa nào chả dăm ba bận đứng dưới gốc cây ngây ngất ngước nhìn. Cả khung trời bao la như được thu gọn lỏn, trông cứ be bé xinh xinh vậy mà có đủ thứ, có cánh diều tuổi thơ chao nghiêng mỗi chiều hè, có ước mơ con trẻ bồng bềnh theo nhịp vỗ cánh cò. Ngày xưa, cò vẫn hay kéo về làm tổ ở mãi tít ngọn sao đen, ngày xưa phân cò rơi trắng xoá vỉa hè, ngày xưa cò đã thành tên phố, trẻ con lấy luôn cò làm biệt danh, cả phố thành một ?obang cò?. Nay cò đã bỏ đi rồi, mang theo bao tiếc nuối. Trẻ con lại nhớ đến những chiều thơ thẩn lang thang trên phố, nhớ những mái ngói lô xô, nhớ tiếng cò lanh lảnh đi về... Rồi những chiếc lá trên cao rụng xuống xoay tít, xoay tít bỗng hoá thành chong chóng tuổi thơ. Xoay cả vào những giấc mơ rất thật, mơ ngày mai lên lớp cô lại cho điểm 10, mơ một ngày cò lại về nơi phố cũ. Từ đường Phan Chu Trinh nếu muốn đi về cửa ô Đông Mác chỉ có thể đi qua phố cò. Xưa kia phố này có nhiều lò đúc đồng nên mới có tên là phố Lò Đúc. Sau dân đúc đồng chuyển về sinh sống tại làng Ngũ Xã ven hồ Trúc Bạch, các lò đúc cũng cứ theo đó mà mai một dần nhưng cái tên thì còn vẹn nguyên mãi đến tận ngày hôm nay. Ngay cuối phố Lò Đúc chính là cửa ô Đông Mác. Ban đầu cửa ô có tên là ô Ông Mạc, sau dân gian lại đọc chệnh thành Đông Mác. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì quan trạng Mạc Đĩnh Chi đã chọn nơi đất lành này để dựng lều tranh ngay trước cửa thành Vạn Xuân. Mạc Đĩnh Chi quê ở Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 1304, ông Mạc thi Đình, văn hay nhất cả, nhưng vua Nhân Tông ngần ngại, chỉ vì ông người loắt choắt, xấu xí quá. Ông Mạc biết ý liền viết luôn bài phú ?oHoa sen giếng ngọc? (Ngọc tỉnh liên phú). ý bài phú nói: Người ta khao khát được xem sen giếng Ngọc, đến khi trông thấy ngó nó như thuyền, hoa cao mười trượng thì lại ngại ngùng. Vua xem thấy thật hay, đẹp lòng mới cho ông đỗ Trạng nguyên, ra cửa Long Môn, Phương Thành đi chơi phố ba ngày... Mạc Đĩnh Chi đã từng hai lần đi sứ Tàu làm vẻ vang cho đất nước. Ông quan cao đến cực phẩm, thân làm tể tướng mà nhà vẫn cứ nghèo túng. Vua thử, cho đem mười quan tiền bỏ trước nhà thì ngay buổi chầu sớm hôm sau ông đã tâu: Có ai bỏ quên tiền, xin nộp vào kho. Tấm gương tiết tháo của ông còn sáng mãi, soi rọi đến tận hôm nay. Cửa ô Đông Mác nay không còn nữa, phố Lò Đúc thì còn nguyên cái tên thửa nào chỉ có lũ cò thì thi thoảng nhớ chốn mới bay về... Rồi lại vội vã ra đi mang theo cả nỗi nhớ bâng khuâng đến nao lòng trong mỗi trái tim người Hà Nội. (Trước nhà HNP ở gần đấy, đọc bài này lại nhớ nhà quá.)
Tên đường phố theo dòng lịch sử Trong từ điển tiếng Việt "phố" nguyên nghĩa là một nơi bán hàng. Nhiều nơi bán hàng hợp thành một dãy ở hai bên đường cũng được gọi chung là một phố. Khó có thể nói phố xuất hiện chính xác vào thời gian cụ thể nào ở Hà Nội. Nhưng phố có liên hệ mật thiết với phường vì phường nghề, phường thợ chính là nơi tạo ra sản phẩm cho "phố" trao đổi, mua bán. Hà Nội là thành phố sông - hồ, với sông Hồng - sông Tô làm trục và Hồ Tây - Hồ Gươm là điểm Trung tâm. Từ đặc điểm ấy, đường phố bắt đầu theo hướng thượng lưu sông Hồng đến hạ lưu, hoặc theo hướng từ bờ sông đi vào nội địa. Do đó các đường phố đều bắt đầu từ phía Bắc hay phía Đông, và nhà số lẻ ở bên trái, nhà số chẵn ở bên phải. Cũng do quy hoạch uốn theo đặc điểm địa lý của một đô thị sông - hồ, nên phố xá Hà Nội thường không thẳng và có quy mô không lớn lắm. Hà Nội bắt đầu có vóc dáng một thành phố với yếu tố cấu thành là các đường phố khi người Pháp bắt tay vào việc làm đường, mở phố từ năm 1883. Họ lấy đất các làng ở ven hồ Hoàn Kiếm để tạo ra phố Hồ (nay là Đinh Tiên Hoàng), phố Thợ Khảm (nay là các phố Tràng Tiền - Hàng Khay), phố Bài Lá (nay là Hàng Bài). Cho đến trước thời điểm hình thành các quận mới trong vài năm gần đây, nội thành Hà Nội nhìn chung được bao bọc bởi sông Hồng ở mặt đông, còn các mặt kia thì bắt đầu từ đê sông Hồng (chỗ dốc Nhật Tân) chạy dọc theo bờ phía tây của Hồ Tây qua chợ Bưởi, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng rồi nhập vào đê sông Hồng ở Vĩnh Tuy. Ngày nay với sự xuất hiện thêm quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân và có thể còn thêm những quận mới khác nữa thì đương nhiên nội thành Hà Nội sẽ mở rộng hơn xưa, theo đó các đường phố mới cũng sẽ phát triển nhiều hơn trước, và với hướng quy hoạch đô thị hiện đại, chắc hẳn còn xuất hiện những đường phố có qui mô bề thế hơn nhiều. Theo dòng lịch sử, mỗi thời kỳ, tên đường phố lại được đặt với ý nghĩa riêng .Thời phong kiến, phố phường được đặt tên theo ý nghĩa nghề nghiệp của địa phương như : Trích Sài (Kiếm Củi), Nghi Tàm (Chăn Tằm)..., hoặc đặt tên theo đặc điểm địa lý như Bích Câu (ngòi biếc), Hòa Nhai (đường trồng cây hòa) ... Có phố phường được đặt tên theo các cơ quan, di tích như Công Bộ (tên một bộ thuộc lục bộ của Nhà nước phong kiến), Báo Thiên (tên một ngôi tháp) ... Lại có phố phường được đặt tên mang nghĩa đẹp (mỹ tự), như : Nhật Chiêu (Sáng Sớm), Phúc Lâm (rừng Phúc) ... Riêng về phố thì thường được gọi theo tên một nghề cổ truyền nào đó, như Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Muối ... để chỉ ra các phố đó có những cửa hàng bán các loại hàng hoá ấy. Thời Pháp thuộc, hàng loạt tên đường phố mang ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng chế độ thực dân. Đó là những đường phố mang tên các tướng lĩnh xâm lược Việt Nam và các viên quan cai trị thực dân hoặc tên một số người Việt Nam cộng tác với chính quyền Pháp, tên một số địa phương ở nước ta và một số công trình được xây dựng ở đường phố. Ngoài ra cũng có một tỷ lệ rất nhỏ những đường phố mang tên danh nhân khoa học của nước Pháp (như Pasteur, Yersin). Một số danh nhân lịch sử của Việt Nam cũng được đặt tên phố, như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, nhưng lại được đặt ở những đường phố nhỏ hẹp, xa Trung tâm thành phố. Có lẽ điều để lại đáng kể nhất là các phố mang tên nghề cổ truyền được dịch sang chữ Pháp, dù chưa được chuẩn xác lắm. Thời Nhật thuộc, Thị trưởng Trần Văn Lai - một nhân sĩ yêu nước có tư tưởng quốc gia đã chỉ đạo một cuộc đổi tên phố với qui mô khá lớn. Ưu điểm lớn nhất của đợt đổi tên này là bên cạnh việc hoàn nguyên các tên phố cổ, thì những đường phố trước đây mang tên người Pháp, hoặc những người thân Pháp, đã được thay thế bằng những danh nhân trong lịch sử Việt Nam. Tên đường phố thường được phân bố theo từng khu vực và có liên quan với nhau. Ví dụ : ở bờ sông Hồng là tên các chiến công của thủy quân thời cổ, như : Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Vân Đồn và các tướng chỉ huy như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái ... Cách làm này đã tạo ra sự ổn định tên đường phố và đi vào tiềm thức của nhân dân. Từ sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay, việc thay đổi và điều chỉnh lại tên đường phố như một tất yếu lịch sử, nhằm thể hiện đúng đắn quá trình phát triển của một thành phố lâu đời và cổ kính, phản ánh được sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. ở thời gian đầu, những danh nhân của thời kỳ cận - hiện đại chưa được xem xét đặt tên đường phố một cách thỏa đáng. Chỉ ít năm gần đây (từ 1986), do nhiều đường phố ở Hà Nội mới được hình thành, mở rộng, nên vấn đề đặt, và đổi tên đường phố lại trở nên cần thiết cả về nhu cầu giao dịch của nhân dân và về mặt văn hoá. Bên cạnh việc bảo lưu được những địa danh lâu đời bằng cách đặt các tên phố Cầu Đông, Hồ Giám, Đống Mác ... nhiều danh nhân thuộc các lĩnh vực, chính trị, văn hoá, khoa học thời kỳ cận - hiện đại đã được đặt tên cho đường phố, làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng và phần nào giảm đi sự chênh lệch về tỷ lệ danh nhân thời xưa với thời nay. Hà Nội cũng đã thay tên tất cả các đường phố mang tên chữ số (215, 226, 356 ...) bằng những tên địa danh hoặc danh nhân cho phù hợp với tâm lý và truyền thống dân tộc, đã sửa lại tên gọi chính xác cho một số đường phố trước đây vẫn ghi nhầm trên biển tên đường phố. Tuy nhiên : trong thực tế là vẫn còn những bất hợp lý của việc đặt tên đường phố. Về khái niệm Đường, Phố, ngõ, người Pháp quan niệm phố (Rue) là đường giao thông mà hai bên có nhà ở; ngõ (Ruelle) là dạng phố nhỏ hẹp; Đại lộ (Boulevard) là phố rộng mà hai bên đường có trồng cây tạo bóng mát; Đường (Route) là những đường hướng ra ngoại ô, để đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Qua nhiều biến đổi của thời gian, những khái niệm về đại lộ, phố lớn, đường, ngõ và những tên cũ của nó cũng phát sinh những bất hợp lý, cần được điều chỉnh. Dựa vào đặc điểm của đường phố và thực trạng của việc đặt tên từ trước tới nay chính quyền thành phố đã đề ra những nguyên tắc và tiêu chí đặt tên đường phố ở Thủ đô. Nguyên tắc đó là : Tất cả những con đường đã hình thành mà chưa có tên, kể cả đường qua những khu chung cư, có đủ điều kiện về hạ tầng cơ sở, đều được đặt tên. Đặt là Đường cho những con đường rộng lớn, những đường có nhiều công sở, công trình công cộng, không có hoặc có ít nhà dân trong nội thành, những đường vành đai quanh nội thành hoặc đường liên tỉnh. Đặt là Phố cho những con đường mà hai bên có nhiều nhà dân, cửa hiệu, xen lẫn với công sở, công trình công cộng và có qui mô nhỏ hơn đường. Đặt tên là Ngõ cho những đường nhỏ hẹp từ đường phố dẫn vào khu dân cư nằm ở hai bên số nhà chẵn và lẻ của đường phố đó, có thể là ngõ cụt hoặc ngõ thông giữa hai đường phố. Đối với những con đường trong các khu chung cư, chỉ đặt tên trục đường chính. Những đường nhánh trong nội bộ khu nhà được gắn biển chỉ dẫn theo địa chỉ khối nhà này đến khối nhà khác với định hướng Bắc - Nam, Đông - Tây. Ví dụ : trong khu chung cư X có các đường nhánh B1-B9. X hoặc C10-C2. X ... Tùy từng trường hợp cụ thể mà sử dụng địa danh, tên di tích danh thắng, những sự kiện lịch sử hoặc danh nhân để đặt tên đường phố. Nếu là địa danh thì tên gọi đó phải được sử sách công nhận, in sâu trong tiềm thức của nhân dân và phải là địa danh của chính nơi đường, phố đó đi qua. Tên di tích - danh thắng dùng để đặt cho tên đường, phố phải là những di tích danh thắng có giá trị lịch sử và quen thuộc trong nhân dân. Những sự kiện lịch sử đặt tên đường phố cũng phải nổi bật, góp phần đáng kể vào sự phát triển lịch sử của thủ đô cũng như của cả nước. Danh nhân được lựa chọn đặt tên đường phố phải được lịch sử công nhận và quần chúng ngưỡng mộ, bao gồm danh nhân tiêu biểu của cả nước và Thủ đô Hà Nội. Những danh nhân được lựa chọn đặt tên đường phố thuộc mọi lĩnh vực hoạt động : chính trị, văn hoá, khoa học, quân sự ... và được sự nhất trí của các Hội, Ban, Ngành hữu quan. Chỉ đạet tên đường phố sau khi danh nhân đã mất 10 năm, trừ trường hợp đặc biệt. Chỉnh lý lại các tên gọi không rõ lai lịch, không có ý nghĩa văn hóa, không ghi đúng cách gọi Đường, Phố, Ngõ hoặc những bất hợp lý về dạng hình học và điểm đầu - điểm cuối đường phố. Những đường, phố, ngõ đã đặt tên cổ có ý nghĩa văn hoá thì nhất thiết không thay đổi. Với nguyên tắc và tiêu chí đặt tên ấy, đường phố Hà Nội sẽ trở thành cuốn sách giáo khoa và lịch sử và văn hoá với những sự kiện, những tên tuổi không thể nào quên của Thủ đô và của đất nước theo dòng thời gian. Phố Hàng Bông Được hanoipho sửa chữa / chuyển vào 01:35 ngày 23/07/2004
PHỐ HÀNG HÒM Cách đây hơn 40 năm phố Hàng Hòm (thuộc phường Hàng Hòm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một phố nhỏ. Từ đầu phố đến cuối phố dài khoảng hơn 100 met với 2 dãy nhà nhỏ một tầng xinh xắn bán các loại hòm gỗ nhỏ, các loại sơn véc-ni, các loại giấy giáp đánh véc-ni bàn ghế... Chỉ có ở đầu phố có một hiệu sách nhỏ mang cái tên hiệu sách Trường Thịnh bán các loại truyện nhỏ, các loại văn phòng phẩm giấy, bút chì, bút màu, bút viết, ngòi bút cho trẻ em. Cũng như các phố xung quanh: Hàng Gai, Hàng Quạt, phố Hàng Hòm có trồng những cây hoa nhỏ như hoa hoàng lan, hoa bằng lăng... Đặc biệt mùa hè mùi thơm của hoa hoàng lan ngào ngạt. Người dân ở phố Hàng Hòm đa phần là quê hương ở làng Đa Sĩ, nay là xã Kiến Hưng thị xã Hà Đông họ lên Hà Nội làm ăn từ ba bốn đời từ ông bà, cha mẹ nối tiếp đến con cháu ngày nay. Nghề cổ truyền của họ là đóng các loại hòm bằng gỗ từ nhỏ đến to, hòm nhỏ thì dùng đựng sách, hòm to thì dùng đựng quần áo. Các cô gái khi lấy chồng không quên mang hòm quần áo có bản lề sắt mạ hoặc đồng xinh xắn về nhà chồng. Về sau dân làng Hà Vĩ thuộc tỉnh Hải Dương lên đây mang theo nghề làm sơn đen. Hiện nay ở giữa phố Hàng Hòm lại có một ngôi đình nhỏ mang cái tên "Đình Hà Vĩ" thờ vị ***** làm nghề sơn đen có công đem dân làng ra Thăng Long làm nghề sơn đen.Ngày nay, phố Hàng Hòm đã thay đổi nhiều, số nhà 16 ngày xưa là một ngôi nhà 1 tầng nay đã trở thành một ngôi nhà 3 tầng làm phòng trưng bày tranh của các hoạ sĩ trẻ. Nhiều nhà 3 tầng mọc lên trong phố. Những ngôi nhà nhỏ 1 tầng đã dần dần mất đi theo thời gian năm tháng. Người dân trong phố đa số đã chuyển sang nghề bán sơn các loại sơn đen, sơn mầu. Đáng tiếc nghề đóng hòm gỗ đã không còn nữa. Những cụ già quê làng Đa Sĩ, xã Kiến Dương, thị xã Hà Đông nay không còn mấy cụ làm nghề đóng hòm gỗ do tuổi cao sức yếu và con cháu cũng không ham thích nghề này. Thay những cái hòm gỗ ngày xưa là những túi du lịch bằng các loại vải hiện đại. Dấu tích cái hòm gỗ đã không còn lại hình bóng nữa ở phố Hàng Hòm. Thuở trẻ tôi đã đến hiệu sách Trường Thịnh ở đầu phố Hàng Hòm mua sách, từ sách giáo khoa đến sách truyện và không quên mua một cái hòm gỗ nhỏ đựng sách. Tôi không sao quên được một người con gái mắt đen đứng sau quầy hàng bán hòm gỗ cho những người đến mua sách như tôi. 40 năm sau, phố Hàng Hòm đã thay đổi nhiều quá, còn lại ít nét cổ kính của Hà Nội xưa - Hà Nội 36 phố phường (như một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam đã viết cách đây hơn 50 năm, tác phẩm văn học đầu tiên viết về Hà Nội yêu quý của chúng ta). Không biết 40 năm sau nữa - Hàng Hòm sẽ còn lại những gì của phố Hàng Hòm đã in đậm nét trong tôi./. Nguyễn Hải Hồng (Người Hà Nội)
PHỐ HÀNG NGANG Phố Hàng Ngang năm 1884 Hàng Ngang cùng với Hàng Đào, Đồng Xuân... góp tạo ra một khuôn mặt Hà Nội Kẻ Chợ tấp nập nhiều thời, mà đến nay cũng chưa có thuyết nào lý giải được Ngang là gì, bởi không có món ấy mua bán bao giờ. Bảo rằng thời xưa, phố có hai cổng nằm ngang ở hai đầu, thì đâu riêng nó, nhiều phố cũng có đấy. Thì cứ mặc nó vậy. Phố chỉ có độ dài khoảng vài trăm bước chân (150m) nguyên là phường Diên Hưng, huyện Thọ Xương sở tại của Thăng Long, Hà Nội. Từ dăm trăm năm trước, thời Lê, người Trung Hoa Quảng Đông đã đến đây lập nghiệp, thành hàng bang, và cái tên thời Pháp: phố người Quảng Đông (Cantonais) còn dư âm, lâu dần mới có người Việt làm ăn phát đạt, chen vào đây tậu đất mua nhà, và thêm người ấn Độ ta quen gọi là "Ông Tây đen" (bán vải), phố thay chủ nhưng nếp sống chỉ rộn ràng thêm theo năm tháng, cho đến nay vẫn là nơi sầm uất vào bậc nhất thủ đô, mỗi tấc đất là một tấc vàng.Nằm trong khu phố cổ, nhưng Hàng Ngang cũng đang bị biến hình, bởi những căn nhà xưa khá bất tiện về tiện nghi sinh hoạt. Ngôi nhà ba tầng cao to, đồ sộ được xây xong vài năm trước cách mạng, mang dáng dấp kiến trúc phương Đông pha lẫn hiện đại, là của nhà doanh nghiệp lớn yêu nước. Ông Trịnh Văn Bô và bà Minh Hồ, nơi số 48, nay được gọi là nhà "Bảo tàng Bác Hồ với Hà Nội", trưng bày một số hình ảnh Bác Hồ ngày mới về Hà Nội tháng Tám năm 1945, kèm theo là một bên cửa hàng bán mấy thứ đồ chơi, tượng gỗ, con rối nước... cho vui. Ngày 19/8/1945 Cách mạng thành công ở Hà Nội, ngày 25/8 Bác Hồ từ chiến khu về, ngôi nhà này được chọn làm nơi ở tạm của Bác. Tuy nhiên, Bác đi đi về về, nghỉ tại nhiều nơi, có cả ngôi nhà số 6 phố Lê Thái Tổ mà ngày nay là Khách sạn Vàng của người nước ngoài. Nhà 48 ăn thông sang số 33 Hàng Cân phía sau, lại nằm ngay trung tâm buôn bán, rất thuận tiện để vừa giữ bí mật, vừa ít ai để ý và dễ thoát ra ngoài theo lối Hàng Cân... Ông bà Trịnh Văn Bô - Minh Hồ đã dành gần trọn tầng hai rộng rãi, sang trọng cho Trung ương và nơi Bác làm việc, nhưng Bác lại chỉ ở trong một căn phòng nhỏ, vài chục thước vuông, có chiếc giường vải xếp, chiếc bàn tròn, một chiếc ghế bành... Theo như bà Minh Hồ (nay đã lên cụ, với mái tóc trắng như cước và nụ cười tươi tắn) thì suốt một thời gian dài, chính bà đã trực tiếp lo cơm nước cho Bác, tự mình đi chợ, coi sóc người làm nấu nướng, có khi còn chuẩn bị cả một bữa tiệc long trọng, mang ra ấu Trĩ Viên, nay là chỗ làm việc của Cung Thiếu nhi, để Bác tiếp khách nước ngoài."Nam quốc sơn hà Nam đế cư" và "Bình Ngô đại cáo" thường được xem như hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Đại Việt, không biết Lý Thường Kiệt và ức Trai Nguyễn Trãi đã tung bút gió mưa hào sảng ở địa điểm nào. Còn bản Tuyên ngôn Độc lập thứ ba nhưng cũng là thứ nhất của kỷ nguyên mới, thì chính trong căn phòng nhỏ này tại số nhà 48 Hàng Ngang này, Bác Hồ đã thức thâu đêm để soạn ra lời nước non bất hủ, lời dõng dạc với năm châu, vang lên trên Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh đầu tiên 02/9/1945 một thuở.Đồ đạc trong căn phòng, đã qua hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn được giữ nguyên vẹn như ngày Bác nghỉ tại đây, đã đón nhiều khách tham quan. Cửa hàng tơ lụa phía tầng dưới không còn buôn bán. Ông bà Trịnh Văn Bô - Minh Hồ đã dọn về phố Nguyễn Gia Thiều tĩnh mịch, dưới bóng mấy cây nhãn cây dừa, và vẫn được Trung ương thăm hỏi chăm sóc. Ông Bô đã mất, nhưng bà Minh Hồ vẫn còn, vẫn minh mẫn và kể về những ngày: "Cái thuở ban đầu dân quốc ấy" một cách đầy tự hào, hạnh phúc. Chính ông bà cũng là những người dân đầu tiên xung phong đóng góp hàng trăm lạng vàng cho "Tuần lễ vàng" lúc đó, vận động các nhà buôn lớn như Lợi Quyền, Quảng Hưng Long... đóng góp với tinh thần thi đua không ai chịu kém ai trong công cuộc góp phần vào cách mạng. Phố Hàng Ngang mươi năm nay, đã bóc hết đường tàu điện, thêm rộng rãi, nó nối phố Hàng Đào phía dưới với phố Hàng Đường phía trên. Từng nhiều năm nơi ngã tư Phúc Kiến - Hàng Buồm, mỗi tết trung thu, bán bánh trung thu, đây là nơi sáng đèn nhất, tưng bừng nhất với những tấm biển quảng cáo bánh trung thu, vẽ cảnh ông vua đa tình Đường Minh Hoàng lên cung trăng tìm nàng Dương Quý Phi diễm lệ dưới ánh trăng ngần và khúc múa Nghê thường lả lướt, bên những chiếc bánh nướng, bánh dẻo trần gian. Cũng khu vực này, ta có thể nghe được nhịp gõ chí chát của những người làm bánh, gõ khuôn gỗ vào mặt bàn, bụi bột lờ mờ bay toả, hương va ni, hương nước hoa bưởi cứ như mời gọi khách qua đường dừng chân mà ngắm, mà tìm mua bánh... Những Ông Tây đen bán vải đã về nước hết, hàng tơ lụa bán buôn từng súc đã thưa thớt, hiệu buôn lớn cũng không còn, thay vào đấy, Hàng Ngang ngày nay vẫn ồn ào nhưng tạp hoá hơn, đủ loại mặt hàng, đủ thứ nội ngoại, thứ nào cũng có một ít, những khách xa về Hà Nội, khó mà không đảo chân lên Hàng Đào, Hàng Ngang, hoặc lên chợ Đồng Xuân (cả thời chưa xây lại, cả lúc chưa cháy và nay đã mới) phải bước qua phố Hàng Ngang vừa cổ xưa, vừa hiện đại... Trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường Hàng Đào đặt tại phố Hàng Ngang, chen giữa những cửa hàng đồng hồ lấp loá, giữa những chuỗi hạt trai giả, những chiếc nơ lụa, những đồ mỹ nghệ... Phía đầu phố, cho đến cách đây gần năm, có nhà thơ Lý Đăng Cao vẫn cùng vợ ngồi bán ít tạp phẩm, ông tham gia công tác khu phố, không làm thơ nữa, nhưng ông vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng giới Văn học nghệ thuật, ông ra đi cũng là niềm thương tiếc của không ít người. Số nhà 12 có nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Chính, cả đời gắn bó với nghề ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Gần đây, ông cùng Trương Đức Anh có sáng kiến tạo ra một hình thức nghệ thuật mới: Diễn ca ảnh, tức là ảnh nhưng có thơ diễn ca minh hoạ, được thu vào băng từ, người xem vừa xem ảnh, vừa nghe ngâm thơ, nội dung dễ đi vào lòng người gấp bội. Nhiều tác phẩm ra đời, đã được dư luận hoan nghênh. Mùa thu lại về cùng Hà Nội và Ba Đình nắng. Phố Hàng Ngang vẫn còn đó với một di tích vẻ vang, có thể gọi đó là căn nhà hộ sinh, đỡ cho ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà người Cha tối thượng là Bác Hồ bất tử./. Băng Sơn
Thế nào là "Hà Nội 36 phố phường"? Phố Hàng Lược ngày TếtNội thành Hà Nội hiện nay có 7 quận gồm 102 phường, tức 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở với trên 400 phố và ngõ. Nhưng đó là phường và phố Hà Nội hiện nay. Còn ca dao cổ có câu: Hà Nội băm sáu phố phường Hàng Gạo, Hàng Ðường, Hàng Muối trắng tinh... Câu ca dao đó nay ai cũng thuộc nhưng không chính xác! Thực ra, phố và phường là hai phạm trù khác nhau. Vào thời Lê, "phường" ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thợ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Sử cũ còn ghi Thăng Long đời Lê gọi là phủ Phụng Thiên. Chia ra hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Ðức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện 18 phường. Như vậy Thăng Long có 36 phường. Suốt ba thế kỷ, nhà Lê vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính đó. Sang đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đổi gọi Thăng Long là phủ Hoài Ðức và chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị mới, có tên gọi là phường, thôn, trại. Huyện Thọ Xương bị chia ra làm 8 tổng với 183 phường, thôn, trại; huyện Vĩnh Thuận bị chia ra làm 5 tổng với 56 phường, thôn, trại. Tổng cộng phủ Hoài Ðức, tức kinh thành Thăng Long cũ, gồm 13 tổng, 239 phường, thôn, trại. Ðến khoảng giữa thế kỷ XIX, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn y nguyên 13 tổng nhưng con số các phường, thôn, trại rút xuống mạnh (do sáp nhập): Thọ Xương còn 113 phường, thôn, trại. Vĩnh Thuận còn 40 phường, thôn, trại. Tổng cộng là 153 phường, thôn, trại. Như vậy là nhà Lê cho Thăng Long hưởng một quy chế riêng (gọi là Phủ, trực thuộc trung ương và suốt ba thế kỷ chỉ gồm có 36 phường). Ngược lại, nhà Nguyễn đã đánh đồng Thăng Long với các phủ khác, phải lệ thuộc vào tỉnh và cũng có tổng, có thôn, có trại như mọi nơi. Ðó là một việc làm của chủ trương "hạ cấp" Thăng Long. Như thế, không làm gì có cái gọi là "Hà Nội 36 phố phường". Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Ðức với 153 phường, thôn, trại. Do tình hình chia nhỏ Thăng Long nên một phường đời Lê đã phân ra làm nhiều phường, thôn, trại thời Nguyễn. Bây giờ sang vấn đề "phố". Phố khác hẳn phường. Nếu phường nguyên nghĩa là một khu vực hành chính thì phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hoá để buôn bán. Cho nên ví dụ như cụm từ phố Hàng Trống nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng có bán mặt hàng là trống. Cũng vậy phố Hàng Chiếu vốn chỉ một nhà có bán mặt hàng chiếu... Song do các "phố" tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tuỳ) nên cái dãy gồm nhiều phố ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là phố. Và dần dần cái từ phố với biến nghĩa là một dãy các cửa hàng cửa hiệu đã lấn át cái từ phố có nguyên nghĩa là một ngôi nhà bày bán hàng. Và thế là thay vì nói dãy phố Hàng Chiếu, người ta nói phố Hàng Chiếu, phố Hàng Bạc... để chỉ những con đường mà hai bên là những ngôi nhà bày bán chiếu, bán vàng bạc... Hiện nay trong ngôn ngữ miền Bắc, từ phố với nguyên nghĩa là ngôi nhà, cửa hàng đã phai mờ hoàn toàn, song miền Trung, miền Nam thì lớp trung niên trở lên vẫn sử dụng. Do sự hình thành như vậy mà trong một phường cổ có nhiều phố. Như cùng trong phường Ðông Các có phố Hàng Bạc, phố Hàng Mắm, phố Hàng Giày... Cho nên phường không bao giờ lại ngang hàng với phố mà là trùm lên các phố. Và cũng vì thế, 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được. ( Theo "Hỏi Đáp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" - Tô Hoài, Nguyễn Vinh Phúc )