1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

HÀ NỘI TRONG MẮT AI ( hay các nhà văn đã viết gì về Hà Nội )

Chủ đề trong 'Public Hà Nội' bởi thao_dan_new, 04/08/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. MAGICSTAR

    MAGICSTAR Public HN Moderator

    Tham gia ngày:
    02/07/2002
    Bài viết:
    2.394
    Đã được thích:
    23
    tungptvpbank
    ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Người Hà Nội: Sen chơi mùa vội vã ​
    Tờ mờ sáng hai vợ chồng người trông sen thuê này đã phải cắt hoa sớm để kịp chuyển sen cho những người đã đặt mua.
    (Dân trí) - Không biết có phải là thói quen hay là sự cầu kỳ nhưng mỗi khi đến mùa sen nở (tháng 6, 7 âm lịch), gia đình nào ở Hà Nội cũng cố tìm bằng được một vài bông sen hồ Tây về cắm trong nhà.
    Cái giống sen với mùi thơm nồng nàn mà bền lâu này xem ra khó tìm được trong những khu chợ lớn vốn tràn ngập các loại hoa từ khắp nơi đổ về.
    Đã có không ít người tự hài lòng với những bó hoa sen được trồng từ nơi khác, to hơn, thắm hơn, nhưng chính những bông sen này lại càng làm cho nỗi nhớ sen hồ Tây thêm da diết, sâu đậm hơn...
    Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với hồ Tây trong xanh với những vạt sen thơm ngát mọc kín bờ, toả một thứ hương thơm nhè nhẹ, nhưng nồng nàn trong mỗi trưa hè nóng nực.
    Với lũ chúng tôi, mỗi bông sen là một kỷ niệm khó quên, đó là những đài sen quấn chỉ làm con quay, những ngó sen ngọt bùi hay những trưa hè phơi nắng với chiếc lọng làm bằng lá sen đung đưa trên đầu.
    Lớn lên một chút, những ấm chè nóng của ông nội lại càng làm cho hương vị bông sen hồ Tây thấm đượm trong ký ức. Mỗi khi sáng ra, ông nội chèo chiếc thuyền nhỏ ra hứng những giọt sương còn đọng trên những bông sen hồng rực về pha trà cho cả nhà cùng uống.
    Hà Nội đang phát triển, những toà nhà cao tầng thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp, người Hà Nội ngày một đông, ầm ĩ chen chúc nhau trên những con đường bê tông thay cho những con phố nhỏ lát gạch ngày nào... và hồ Tây cũng ngày càng bé lại, những bông sen hồ Tây cũng không còn dịp toả hương như ngày nào.
    Một mùa sen nữa lại đến, những người Hà Nội ?ocầu kỳ? lại cất công tìm đến những đầm sen hồ Tây cuối cùng, mua những bông sen "tuổi thơ" ngày nào về bày trong nhà.
    Những gia đình làm nghề ướp chè sen trên phố Hàng Gà, Hàng Điếu... lại thúc giục chủ đầm chuẩn bị sen cho những mẻ chè đang đợi "gạo".
    Tất cả như đang rất nóng vội vì một lý do nào đó, phải chăng họ sợ nay mai sen hồ Tây sẽ chẳng còn, hay vì những bông sen kia đang toả hương thúc giục...
    Những vạt sen cuối cùng gần công viên nước hồ Tây đã bị bao bọc bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên xung quanh.
    Gần 2.000 đồng cho một bông sen hồ Tây, cái giá không hề rẻ nhưng rất nhiều người Hà Nội đến tìm mua tận đầm và không quên mua cả cho những người thân khác trong gia đình.
    Những ngó sen được bà cụ người Tây Hồ buộc cẩn thận bán bên đường vào Phủ. Trong khi đó, những người cháu của bà tỏ ra không mấy quan tâm với những mặt hàng khó làm giàu này.
    Mỗi sáng, vào mùa sen, cửa hàng nhỏ này tại Hàng Điếu lại cần 700 đến 800 bông sen để ướp chè. Công việc tách sen cần phải làm nhanh cho sen giữ được hương thơm lâu hơn khiến chủ nhà phải huy động tất cả anh chị em trong nhà, đôi khi, người bán sen cũng được tuyển dụng vào công việc này.
    Những bông sen được tách ra, lấy những "hạt gạo" để ướp chè và mỗi cân chè thành phẩm phải cần tới cả nghìn bông sen, đó chính là nguyên nhân chè sen có hương thơm độc đáo cũng như giá thành đắt đến vậy.
    Một cách níu giữ "ngày xưa" của một đôi bạn trẻ người Hà Nội.
    Việt Hưng
    Gửi lúc 19:21, 31/07/06
  2. thao_dan_new

    thao_dan_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    338
    Đã được thích:
    0
    Hic lâu lắm rồi mới thấy những bài viết của mình Cảm động quá. Điệu này lại post tiếp nhỉ
  3. MAGICSTAR

    MAGICSTAR Public HN Moderator

    Tham gia ngày:
    02/07/2002
    Bài viết:
    2.394
    Đã được thích:
    23
    Đôi nét về nguời Hà gốc "Hàng" và người Hà gốc "Lội"​
    Nguyễn Triều
    Một lần, cũng đã được chục năm, tôi ngồi nói chuyện với ông ngọc, Giám đốc Công ty Thiết kế điện. Công ty của ông đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tây. Ông Ngọc là một nguwì điềm đạm, một trí thức gốc Hà Nội. Nói chuyện với ông thật thoải mái, dễ chịu không chỉ vì ông có kiến thức sâu rộng, mà còn vì ông mang sẵn trong máu một tính cách đặc biệt của người Hà Nội- dí dỏm, hài hước nhẹ nhàng mà thâm thuý. Ông bảo:
    - Nhà mình ở Hàng Đào. Cơ quan mình có một cậu phó phòng, người Thanh Hoá. Tốt nghiệp dại học, cậu vào cơ quan, ở tập thể, hộ độc thân. Bẵng mấy năm không gặp, hôm rồi trông thấy nhau ở hội nghị, cậu ta khoe bây giờ ở Hàng Trống, cả vợ con cũng đưa ra dây rồi, đã nhập khẩu đàng hoàng. Còn mình bây giờ làm việc ở Hà tây, gia đình cũng chuyển đến một khu tập thể xa trung tâm. Thời thế xoay vần cũng hay.
    Nói xong ông cười thật nhẹ nhõm.
    Trong một lần làm việc với một số nhà báo về chuyện dất đai, nhà cửa, ông Lê Ất Hợi, cũng là một người Hà Nội gốc, lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố, kể rằng, theo chỗ ông biết, sau giải phóng Thủ đô, tháng 10-1954, toàn thành phố có khoảng 20 vạn người có hộ khẩu tại Hà Nội. Bây giờ con số là bao nhiêu tôi không rõ, còn dân Hà Nội đã lên trên 1,2 triệu. Đó là chỉ tính nội thành. Chỉ có dân nội thành mới bị xáo trộn nhiều, còn ngoại thành hầu như chẳng thay đổi gì. Trong số 1,2 triệu người ấy, bao nhiêu phần trăm là Hà Nội gốc, mà chúng tôi gọi vui là dân Hà gốc "Hàng" và bao nhiêu phần trăm là dân tứ xứ đổ về Thủ đô sau hai cuộc chiến, đổ về đây học tập, làm việc, đổ về đây để kiếm sống. Thành phần này gọi vui là dân Hà gốc "Lội". Gọi thế thôi chứ không phải vì họ nói ngọng, không phải vì họ ít học. Rất nhiều người từ các nơi đến Thủ đô đã trở thành danh nhân của đất nước. Cũng xin nói, bên cạnh những lớp người như vậy cũng có không ít người về đất kinh thành chẳng học được mấy sự thanh lịch, văn hoá ở đây mà chỉ mang theo những thói dở, những hủ tục làm nhơ mất sự thanh khiết của hương hoa nhài. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
    Tôi có một ông bạn đồng nghiệp đầy tài hoa và tài năng người Hàng Đào, nghĩa là đúng chuẩn dân Hà gốc "Hàng". Ông nhiều lần mong sẽ viết được một cuốn sách kể về những đổi thay của Thủ đô trong những năm vừa qua dựa trên những biến đổi của phố ông.Thực tình, Hàng Dào là nơi ông sinh ra, lớn lên, chứ bây giờ ông sống cách đó khá xa, trong một ngõ hẻm chật chội. Ông mong mãi mà chưa làm được. Dân Hàng Đào gốc giờ còn bao nhiêu người sống ở đó. Dạo sốt đất ở phố trung tâm này, giá lên mấy chục cây một mét vuông mà người ta vẫn tranh nhau mua. Té ra người mua nhà ở Hàng Đào lại không phải là dân "Hàng", lại càng không phải Hàng Đào, mà chủ yếu là dân các tỉnh, trước hết là dân Lạng Sơn. Tiền đâu mà họ sẵn thế...
    Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, các cơ quan đầu não cũng đóng ở đây nên nhân tài, hào kiệt các nơi dồn tụ về đây cũng là chuyện thường. Và người Hà Nội lại toả đi bốn phương để xây dựng đất nước. Từ khi thành lập đến nay báo Hà Nội mới, cơ quan của Đảng bộ thành phố, tiếng nói của chính quyền và nhân dân Thủ đô, có 5 đời Tổng biên tập thì chỉ có một ông là người "Hàng". Ông đầu tiên là người Hà Tĩnh. Ông hiện tại quê gốc Hải Dương..
    Hà Nội là một vùng đất lạ. Kể từ khi nưốc ta giành lại được độc lập sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc và Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt, trải gần một nghìn năm không có ông vua nào quê ở Thang Long. Người Thăng Long làm đến chức to nhất trong thời phong kiến có lẽ là ông Lý thường Kiệt. Chỉ vậy thôi. Từ khi nước ta có Đảng cho đến nay chỉ có một Tổng Bí thư là người Hà Nội, đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười, quê ở Thanh Trì, Hà Nội, nhưng ở ngoại thành. Ông Lý Thường Kiệt cũng nguyên ở ngoại thành. Lạ thế. Chả biết phong thuỷ thế nào mà Thủ đô thường là nơi vua ở chứ không phải là nơi vua phát tích. Nhiều nước khác cũng vậy. Từ Bắc Kinh tới Washington, từ Mátxcơva tới Luân Đôn...
    Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI vừa qua tại Thủ đô có 34 Ứng cử viên. Tất cả họ đều sống và làm việc tại Hà Nội nhưng chỉ có 5 người là dân gốc "Hàng", còn lại đều quê từ Thừa Thiên-Huế trở ra.
    Chẳng cứ gì vua chúa, danh nhân, nhiều nghề nổi tiếng ở Thủ đô hiện nay cũng do những người gốc gác không kinh kỳ tạo lập nên. Phở Hà Nội nổi tiếng do người Hà Nam sáng chế. Giò chả lừng danh là của người Ưóc Lễ ở Hà Tây. Bánh cốm do người Hải Dưong làm ra. Mứt sen, các loại chè cũng vậy.Không phải sản sinh ra từ kinh đô nhưng phải qua sự thẩm định, chấp nhận của người Hà Nội, phải tồn tại được ở Hà Nội mới trở nên nổi tiếng, mới lan truyền đi cả nước được.
    Thủ đô có khả năng hấp thụ tinh hoa văn hoá của tất cả các vùng và từ đây những tinh hoa đó được truyền bá đi cả nước. Người xưa nói rằng, núi không cao thú không lớn, nước không sâu cá không to. Ai muốn trở thành khổng lồ không thể không đến Thủ đô.
    Không phải ai đến Thủ đô cũng mong trở thành khổng lồ. Tuyệt đại da số đến đây chỉ mong có đưộc một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Đó là những người lao động thuê, những người bán hàng rong, đánh giày, bán báo rong...Có những nhà tất cả đều ra Hà Nội, có những làng ai còn sức đều ra Thủ đô kiếm sống. Hà Nội bây giờ chật cứng những người và rất lộn xộn. Chỗ nào cũng người là người, chỗ nào cũng rác là rác, như một làng quê lớn với đủ mọi cái hay cái dở. Người phất lên cũng nhiều, người đổ xuống còn nhiều hơn nhưng không mấy ai có ý định rời bỏ mảnh đất này.
    Một lần nói chuyện với một người có trách nhiệm, tôi được nghe một thông tin- hơn 70% số căn hộ ở khu đô thị mới Linh Đàm là do người các tỉnh về mua. Không tin lắm, tôi đi hỏi và biết nhiều chuyện khác về "sự xâm chiếm" Thủ đô của người các nơi. Những nguời có tiền ở các tỉnh, từ miền núi tới đồng bằng, chẳng một ai yên tâm khi cưa có một cơ ngơi ở Hà Nội. Nhiều người khi đưa con về học đại học ở Thủ đô, để khỉ phải thuê nhà, đã bỏ tiền mua hẳn một ngôi nhà riêng cho con ở mà yên tâm đèn sách.
    Trong một chuyến đi công tác về một nhà máy lớn ở một tỉnh miền núi, tôi được một ông trưởng phòng mời về nhà chơi. Nhà ông được lắm. Đủ cả. Lúc đã trà dư tửu hậu ông kể chuyện gia đình. Ong có ba đứa con. Đứa đầu đã đi làm ở Hà Nội, đứa thứ hai đang học đại học ở đó, đứa thứ ba đang học phổ thông ở huyện. Hai đứa đầu ông đã lo xong nhà cho chúng, đứa thứ ba cũng đang chuẩn bị mua. Tất cả đều ở hà Nội. Về hưu, ông bà cũng chuyển hẳn về dưới đó. Tiền nong không thành vấn đề. Thấy tôi tròn mắt, ông cao giọng:
    -Chú ngạc nhiên lắm hả? Trời đất, ở cái tỉnh này, quan chức nào mà chả như thế!
    Tôi không còn ngạc nhiên nữa khi đi các tỉnh khác, hỏi chuyện đó người ta đều khẳng định hnư vậy. và một quan chức ở Hà Nội cũng nói với tôi điều đó không sai sự thật lắm đâu. Quê đâu thì quê nhưng muốn cho con cái có tương lai phải có nhà ở hà Nội. Không sau này chúng nó oán, mà hiện tại người ta bảo mình ngu. Vả lại không có nhà ở Hà Nội còn gì là oai nữa...
    Nói về tâm hồn người Hà nội, một bài hát nổi tiếng cho rằng nó "mộc mạc thôi". Tôi không tin như vậy. Hoàn toàn không tin. Tôi từ bé học với nhiều người Hà Nội, lớn lên quen biết nhiều người Hà gốc "Hàng",tôi chẳng thấy tâm hồn của họ, cũng như tâm hồn của con người nói chung, mộc mạc bao giờ. Nhưng thôi, đó là chuyện của nghệ sĩ, của mỗi người. Người hà Nội không lấy tiền làm trọng, cả danh cũng vậy. Họ cần một con người, một nếp sống, một văn hoá. Có lẽ đó là sức amnhj, là sự hấp dẫn của người hà Nội chăng?
    Người thành Nam có câu " Tự nhiên như người Hà Nội". Chẳng biết là khen hay chê. Nhưng sự tự nhiên ấy, theo tôi hiểu, chính là thái độ tự tin, hoà đồng do văn hoá, do hiểu biết. Và chính sự tự tin ấy mà bất kỳ ai, hễ đã sống ở hà nội, dù đến từ xứ sở ông đồ gàn hay văn minh Kinh Bắc cũng đều phải chấp nhận văn hoá Hà nội và phần nào bị Hà Nội hoá.
    Cái căn hoá đặc biệt ấy bắt nguồn từ đâu? Nước Trung Hoa vĩ đại đã hai lần bị các dân tộc khác xâm chiếm. Nhưng những kẻ đô hộ đó đã buộc phải Hán hoá. Người Hán đô hộ Việt nam. Bản sắc đặc biệt ấy dồn tụ lại, tinh kết lại và định hình, phát triển khi Thăng Long được chọn là kinh đô của nước Việt. Văn hoá Hà Nội bắt nguồn từ đó chăng?
    Những năm đầu tiên sau ngày đất nưốc thống nhất, tôi cứ bàng hoàng khi giữa Sài Gòn được nghe một giọng nói Hà Nội. Bây giờ tôi lại cứ là lạ thế nào khi giữa TP. Hồ Chí Minh sôi động bỗng nghe thấy một giọng Sài Gòn. Thành phố năng động, vĩ đại ấy như một ngọn lửa lôi cuốn người ta tìm đến. Và người bốn phưong dồn về đó. Những ngày Festival Huế gặp bất kỳ ai sống ở đây tôi cũng chỉ nghe thấy một giọng nói dịu dàng, dễ thương- giọng Huế. Huế còn nghèo quá. Huế lại không năng đọng. Huế chuyển mình chậm quá nên chưa mấy ai muốn đến. Chỉ có người sỏ tại ở đây mà thôi.
    Hà nội chưa được như TP.Hò Chí Minh, nhưng cũng không như Huế, cũng không như Đà Nẵng. Hà Nội sáng tự tâm hồn, dù chưa giàu. Không cứ phải có tiền mà trở thành người Hà gốc"Hàng" được.
    Tôi, người viết bài này, dù đã sống ở Thủ đô từ bé đến nay đã hơn bốn muơi năm, cũng chưa bao giờ cảm thấy mình là người Hà Nội thực sự. Cũng phải thôi, cụ tôi, ông tôi, bố tôi, vốn là những ông đồ xứ Nghệ.
    Cho nên mới có chuyện người Hà gốc "Hàng" và người Hà gốc "Lội".
    N.T

    Được MAGICSTAR sửa chữa / chuyển vào 15:27 ngày 06/07/2007
  4. thao_dan_new

    thao_dan_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    338
    Đã được thích:
    0
    Công nhận là giờ dây HN đã bị pha loãng nhiều, nhớ trươc kia hồi những năm 77-78, việc chuyển về sống tại HN còn nhiều khó khăn nên người HN gốc là chủ yếu, bây giờ sống cứ xen lẫn nhau, chỉ khi đến nhà nhau chơi, nghe giọng của các cụ trong nhà mới biết được là dân nơi khác đến.
    Không phải là tôi có ý định phân biệt chủng tộc nhưng điều mà tôi nhận thấy là đa số con cái của những nhà HN gốc đều là người thanh lịch và hoà hoa như cha ông họ (tất nhiên ko kể con cái của những ông to cậy quyền thế tiền bạc đua đòi thì cũng nhiều ko kém).
  5. vovinamvn

    vovinamvn Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    08/10/2007
    Bài viết:
    988
    Đã được thích:
    1
    Hà Nội những năm 1986 khác 1991, 1991 khác 1996, 1996 lại khác 2001, 2001 lại khác 2006-2007 và sẽ còn khác nữa
    Cứ 5 năm , Tôi nhìn lại đều thấy khác
    Dù là nhà văn hay không phải nhà văn bất kì ai thuộc thế hệ 7X đời giữa về trước sinh ra và lớn lên ở HN đều có thể cảm nhận được điều này .
    Còn thời xa xưa nữa xin dành cho các thế hệ 6X,5X nhận xét. Còn thế hệ 4X chắc chẳng bao giờ vào đây
  6. MAGICSTAR

    MAGICSTAR Public HN Moderator

    Tham gia ngày:
    02/07/2002
    Bài viết:
    2.394
    Đã được thích:
    23
    Thương nhớ mười ba
    Dương Thụ


    1
    Ông Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai lúc xa Hà Nội, xa miền Bắc. Hà Nội đấy, miền Bắc đấy, mà ông không về được.
    Sài Gòn thuở ấy ở ông là Sài Gòn với tất cả khác biệt, khác đến nỗi một nhân vật của ông phải kêu lên: " Cái gì cũng khác hết, thôi đừng nói nữa, tôi muốn khóc đây." Ông một người Hà Nội, một người miền Bắc đa cảm, lạc lõng giữa Sài Gòn, những ngày giáp Tết nổi cơn tương tư Hà Nội, tương tư xứ Bắc, muốn đụng vào một cái gì đó, muốn sờ vào một cái gì đó, muốn được nhìn thấy một cái gì đó của nó để thoả nỗi nhớ mong mà không được. Không được là không được.
    Giờ thì khác, gần hai nghìn cây số vời vợi gió mây, cũng chưa đến hai giờ bay, người ta có thể rơi từ cái nóng vào cái rét, từ cái nắng vào cái mưa, từ tân thời vào cổ xưa. Được gặp tức thì, lại được yêu người ta không tương tư nữa. Nhưng tôi, một năm sáu lần trở về Bắc, về Hà Nội. Lúc thấy được rêu mọc trên thân cây cổ thụ đường Lê Thái Tổ; lúc thấy hoa bằng l.ă.n.g tím lộng lẫy con phố nhỏ Chân Cầm, hoa giâu gia xoan trắng mát phố Hàng Cân; lúc thấy mùi hoa sữa thơm muốn nghẹt thở từ cây hoa sữa vĩ đại nhất Hà Nội nơi ga xép đầu cầu Long Biên, hương ngọc lan thoang thoảng con đường đêm Khúc Hạo; lúc thấy lá xà cừ trút ào ào đường Tăng Bạt Hổ, hàng cơm nguội trơ trọi nỗi-buồn-đông phố Nguyễn Bỉnh Khiêm; rồi thấy sương mù Sapa mông lung dù hoa váy xoè như trong một giấc mơ, hoa cải vàng rực ngày chớm đông hai bên đường àê Kinh Bắc, mây trắng cuồn cuộn một dải sông Hồng và tiếng lá tre khua xào xạc đèo Cò Tiên Du. Lại có lúc được ăn tiết canh ngan vỉa hè Hàng Đào, bún ốc bà Sáu Mai Hắc Đế, bún mọc bà Nguyệt sau chợ Bắc Qua, bánh cuốn Thanh Trì lề đường Quán Thánh, bánh giò bánh chưng nóng vỉa hè cuối Hàng Đường; rồi bánh đa Kế phổng phao phố Hồ ( Thuận Thành Bắc Ninh), bánh gai thơm phức, ngọt ngào phố huyện Ninh Giang, bánh đúc riêu, bún riêu ăn với rau ghém có quả sung non chát bùi chợ Vân Đình; rồi có lúc uống chén trà thơm ngát mùi hoa ngâu quán nước đầu phố Tống Duy Tân, uống nước sấu, nước gạo, ăn chí mà phù, lục tào xá phố ăn đêm Hàng Giày v.v. Vậy mà tôi vẫn thấy thiếu Hà Nội, thiếu xứ Bắc chân mây.
    2
    Ba mươi mốt năm sống ở Thành phố H.ồ C.h.í M.i.n.h, thời còn lẩn thẩn xe đạp, Solex "mù", Lambretta, Honda PC ọc ạch, tôi đã tìm ra những cái không khác của Sài Gòn để khỏi thấy mình là một kẻ biệt xứ. Đường Trần Quang Khải có hàng sao cổ thụ gợi nhớ tới phố cò Lò Đúc- con phố thuở sinh viên phải đạp xe dích dắc để tránh cò ị trúng đầu.; đường Chu Mạnh Trinh năm 1978, quãng nối đường Lý Tự Trọng với đường Nguyễn Du có những căn nhà gỗ làm bằng ván bắp với những ô cửa mở ra nơi gác áp mái, nền nhà cao hơn mặt đường, muốn bước vào nhà phải leo lên những bậc thang xây đá hộc hoặc xi măng, không có vỉa hè, chỉ có lề đất đỏ trồng dây lang, trồng chuối và cặp lề là một dãy xe tải bụi bặm, đấy là Tuyên Quang những năm trai trẻ của tôi; và những dãy phố lầu Chợ Lớn với ban công đúc xi măng, lan can sắt uốn một kiểu, đưa đẩy tôi mơ màng khu phố Tàu Hải Phòng thời thơ ấu.
    Ngồi cà phê quán cóc những năm 1978-1980 nhớ ngoài ấy, uống một ly cà phê " bắp rang" có vị hạt cau đắng nghét đôi khi lòng vẫn thấy rưng rưng. Sự rưng rưng này cho tôi nhìn ngấn nước trên mấy cây cọc cầu bê tông bến Bạch Đằng lờ mờ hình bóng ghềnh đá bên sông Lô, nghe tiếng chim hót trong l.ồ.n.g vựa chim Lê Hồng Phong giật mình tưởng thấy cánh rừng ót sau nhà những sớm thu hoa lau còn ướt sương bắt nắng trắng xoá; đôi khi nhấc mớ rau muống, rau cần, chạm tay vào quả bí ngô, quả cà bát trong những con hẻm chợ mà lao xao ngõ chợ Khâm Thiên những ngày gánh thuê, đẩy mướn; có bữa dậy sớm đến cửa ga Sài Gòn cũ ngồi rít điếu thuốc lào Cái Sắn từ một ống điếu bằng nhựa, say nghiêng ngả để thấy mảng tường nắng bên kia đường cứ chập chà chập chờn những phố Ga, Hàng Điếu, Hàng Gà; có bữa chạy xe, bất chợt nhận ra phố xá như ào ầo gió thu Hà Nội: lá me, lá sao, lá xà cừ phấp phới những con đường Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Tú Xương cứ ngỡ mình đang đèo cô bạn gái, phóng xe trên Đại lộ Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ lên ngả Hồ Tây để mà nghe mùa thu tới.
    3
    Có lẽ thuở ông Vũ Bằng sự có mặt của một cái gì đó thật là xứ Bắc, thật là Hà Nội ở Sài Gòn có thể coi như hiếm hoi.Hồi tôi mới vào nghe nói mãi về một quán phở Bắc trong một con hẻm đối diện chùa Vĩnh Nghiêm, họ bảo rằng ngon lắm. Tiếc rằng đến nay tôi vẫn chưa được ăn và chẳng biết có còn nữa không. Thật ra điều ấy đâu còn quan trọng. Sài Gòn bây giờ là Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều Hà Nội, nhiều xứ Bắc lắm( giống như Hà Nội bây giờ là Hà Nội mới cũng có nhiều Sài Gòn, nhiều miền Nam lắm), có quán ăn Hà Nội, siêu thị Hà Nội, dãy quán Hà Nội ở đường Chu Mạnh Trinh, Trần Quốc Toản bán đồ Hà Nội thật, chứ không phải chỉ Hà Nội ở cái tên; lúc nhớ nhung Hà Nội bạn có thể ăn bún chả Hàng Mành, phở Thìn, phở Nam Định gia truyền ngay giữa Sài Gòn. Có cả một phố ăn uống có biệt danh "ngõ Cấm Chỉ Hà Nội" ở Sài Gòn( đường Hải Triều) với đủ thứ xôi, miến, bún, phở(gà) Hà Nội. Thèm ăn bánh cuốn Thanh Trì, giò bò, bánh đúc Hà Nội thì cứ vào các siêu thị trung tâm( có thể nhiều thứ không phải là Hà Nội mà là của các tỉnh phía Bắc nhưng với dân Sài Gòn, Bắc cũng có nghĩa là Hà Nội). Bữa cơm gia đình bỗng dưng muốn có cái hương vị xứ Bắc thì có cả rau mùi, húng Láng, húng hồi, kinh giới, cả su hào, bắp cải và cả sấu xanh chở theo đường hàng không, có tương Bần, mắm tôm, mắm tép đồng chở bằng đường bộ từ Hà Nội chuyển vào. Nghĩa là chẳng thiếu thứ gì.
    Tuy nhiên, vẫn có một thứ mà không thể chở bằng bất cứ phương tiện gì đó là cái rét của mùa đông Hà Nội, cái gió bấc tràn qua sông Hồng thổi qua ngả Bác Cổ vào quảng trường Nhà Hát Lớn ào ào Tràng Tiền, Tràng Thi, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trung, Lý Thường Kiệt, tràn qua Cột Đồng Hồ ào ào Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Than, Hàng Bún, Cửa Bắc, những vòm lá sấu, xà cừ, phuợng vĩ, sữa, bằng l.ă.n.g run rẩy, phấp phới trong những chiều đông lạnh. Là cái màu xám tro của bầu trời tháng Chạp u buồn trên các nóc nhà lợp ngói cũ ngẩn ngơ khu phố cổ, là những hạt mưa bụi li ti bám trên vai ao len của mấy chị bán hàng rong, là cái nhơm nhớp bùn phố mưa phùn tháng Chạp, là cái góc khuất gió của cô hàng nước ta ngồi so ro quẹt diêm châm lửa hút điếu thuốc lào Hàng Gà ấm lại những buổi sáng sương giá.... Cái thiếu ấy nó vẫn lẩn khuất trong những người Hà Nội, người Bắc xa quê ngay cả với tôi dù tôi vẫn có nhiều dịp đi về. Và Hà Nội, xứ Bắc mà ông Vũ Bằng " thương nhớ mười hai" có đến tám mươi phần trăm ta không thể "trở về", không thể gặp lại. Nó đã vĩnh viễn trở thành hồi ức, một thứ hồi ức mong manh vì bây giờ, người trẻ thì không biết, còn người lớn thì mắc bệnh chóng quên. Và đời sống, do vô ý thức, nguời ta đang tìm cách xoá sạch dấu vết của quá khứ. Không còn " thương nhớ mười hai" nữa, không còn. Nên cái " thiêu thiếu" này mỗi khi ngồi trước đàn, trước bàn viết những ngày cận Tết, trong ngôi nhà nhỏ thu mình trong một con hẻm xa khuất của tôi, tôi... tôi rơi vào một cảm giác khó tả. Tôi gọi cái cảm giác ấy là thương nhớ mười ba.
    Mùa đông là lạnh, là tối, là điệu thứ nao nao buồn trong những bản tình ca. Mùa đông là thời thơ ấu, là tuổi trẻ khắc nghiệt của tôi, tôi đã bỏ nó để ra đi và tôi đã mất nó. Vì thế có người hỏi sao tôi hay viết về mùa đông, sao nhạc tôi vui ít, buồn nhiều. Tôi nghĩ ông Vũ Bằng sống là để ra đi và cũng là để thương nhớ. Tôi cũng ra đi như ông và cũng thương hnớ, nhưng không nhiều lắm cái thương nhớ mười hai theo cái cách của ông. Tôi thương nhớ theo cách riêng của tôi: thương nhớ mười ba.
    Thành phố H.ồ C.h.í M.i.n.h ngày 20 tháng Mười hai năm 2008

    ( Bài đã đăng trên tạp chí Thời trang Trẻ số Tết 2009)

Chia sẻ trang này