1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hai vạn dặm dưới biển - Jules Verne

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 03/02/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Thuyền trưởng Nê-mô nói đúng. Tôi đã vượt ông ta về sự dũng cảm. Giờ đây tôi đang lôi cuốn ông ta đến Nam cực. Nhưng tôi thật ngu dốt! Thuyền trưởng Nê-mô còn biết rõ những điểm mạnh điểm yếu trong kế hoạch của mình hơn tôi nhiều. Thấy tôi say sưa với những mơ ước viển vông, chắc ông ta phải buồn cười. Nhưng Nê-mô không để mất thì giờ. ông ta gọi thuyền phó đến. Hai người trao đổi ý kiến rất sôi nổi bằng một thứ tiếng khó hiểu. Chẳng biết vì được báo trước hay thấy đề nghị đó có thể thực hiện được, nhưng viên thuyền phó chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào. Công-xây còn thản nhiên hơn viên thuyền phó khi nghe nói về ý định cho tàu chạy đến Nam cực. "Xin tùy giáo sư"
    -Anh ta trả lời bằng câu cửa miệng như vậy và chẳng nói gì thêm nữa. Còn Nét thì nhún vai và bảo tôi:
    -Thưa giáo sư, ngài và thuyền trưởng của ngài làm tôi phải ái ngại.
    -Chúng tôi sẽ tìm ra Nam cực, ông Nét ạ!
    -Có thể như vậy, nhưng chẳng có đường về đâu! Rồi Nét lui về phòng riêng.
    Trong khi đó, việc chuẩn bị cho đoàn thám hiểm của chúng tôi bắt đầu. Những máy bơm rất mạnh trên tàu Nau-ti-lúx bơm đầy không khí vào các bể chứa dưới áp suất cao. Đến gần bốn giờ, thuyền trưởng Nê-mô báo rằng nắp tàu sắp đóng lại. Tôi đưa mắt nhìn lần cuối biển băng mênh mông mà chúng tôi chuẩn bị vượt qua. Trời quang mây tạnh, không khí trong lành, mặc dù khá lạnh -12o, nhưng vì lặng gió nên không buốt lắm. Mười thủy thủ mang cuốc chim lên boong rồi bắt đầu nậy lớp băng bám quanh vỏ tàu. Việc này không vất vả lắm vì lớp băng đó mỏng. Khi mọi việc đã xong, chúng tôi lui vào trong tàu. Theo thường lệ, các bể chứa được bơm đầy. Tàu bắt đầu lặn. Tôi và Công-xây vào phòng khách. Qua các cửa sổ để ngỏ, chúng tôi có thể thấy được những lớp nước sâu của Nam Băng Dương. Thủy ngân trong nhiệt kế lên dần. Kim đồng hồ chỉ độ sâu lệch về bên phải. ở độ sâu ba trăm mét, như Nê-mô đã dự kiến, tàu xuống tới mặt dưới của lớp băng hình sóng. Nhưng tàu vẫn lặn tiếp xuống sâu đến tám trăm mét. Nhiệt độ nước không còn là -12o như trên mặt biển nữa mà là -11o. Thế là bớt đi được một độ. Tất nhiên nhiệt độ trong tàu được các máy điện sưởi ấm còn cao hơn nhiều. Tàu Nau-ti-lúx hoạt động chính xác vô cùng... ở độ sâu không bị đóng băng này, tàu Nau-ti-lúx hướng thẳng về Nam cực với tốc độ trung bình là hăm sáu hải lý một giờ, nghĩa là bằng xe lửa chạy nhanh. Nếu tàu không giảm tốc độ thì bốn mươi tiếng đồng hồ nữa chúng tôi sẽ tới Nam cực.
    Tôi và Công-xây ở lại phòng khách đến khuya. Cảnh vật mới lạ làm chúng tôi không rời mắt khỏi ô cửa. Nước biển lấp lánh dưới ánh đèn pha. Nhưng xung quanh hoang vắng, chẳng có một chú cá nào sống ở vùng nước đóng băng này. Thỉnh thoảng cá mới qua đây để tới những nơi ít băng giá hơn. Tàu chạy rất nhanh nhưng chúng tôi chỉ cảm thấy qua sự rung động của vỏ tàu bằng thép. Đến gần hai giờ sáng, tôi về phòng ngủ mấy tiếng. Công-xây cũng vậy. Khi đi dọc hành lang, tôi hy vọng gặp Nê-mô, nhưng chắc ông ta đang ở phòng hoa tiêu. Hôm sau, 19 tháng 3, từ năm giờ sáng, tôi đã sang phòng khách. Đồng hồ điện cho biết tàu chạy với tốc độ trung bình. Tàu từ từ bơm nước ra khỏi các bể chứa và thận trọng nổi dần lên. Tim tôi đập thình thịch. Liệu tàu có lên tới mặt biển không? Biển ở Nam cực có bị đóng băng không? Nhưng tàu bỗng va mạnh vào mặt dưới của biển băng. Thế là phía trên tàu chúng tôi là cả một lớp băng dày hơn sáu trăm mét, dày hơn lớp băng nơi tàu lặn xuống! Tình hình này gay go thật! Hôm đó, tàu Nau-ti-lúx mấy lần cố xuyên thủng lớp băng nhưng đều thất bại. Tới chiều tối tình hình vẫn không thay đổi. Chiều dày của lớp băng xê dịch giữa bốn và năm trăm mét. Băng có mỏng đi nhiều nhưng từ con tàu đến mặt đại dương vẫn còn một khoảng cách khá lớn. Tám giờ tối. Theo quy định thì tàu Nau-ti-lúx phải nổi lên để lấy không khí từ bốn tiếng đồng hồ trước đó. Tuy vậy, tôi chưa cảm thấy thiếu không khí lắm, và thuyền trưởng Nê-mô cũng chưa dùng tới các bể chứa dự trữ. Đêm hôm đó tôi ngủ không ngon, trong lòng vừa hoảng sợ vừa nhen nhóm một niềm hy vọng. Mấy lần tôi bật dậy khỏi giường. Tàu Nau-ti-lúx thỉnh thoảng lại thăm dò lớp băng phía trên. Đến gần ba giờ sáng, các máy móc trong phòng khách cho tôi biết phần dưới của đồng băng chỉ dày có năm mươi mét. Chúng tôi chỉ còn cách mặt biển có năm mươi mét! Tôi không rời mắt khỏi đồng hồ chỉ độ sâu. Tàu đang nổi dần lên theo một đường chéo. Lớp băng mỏng dần. Cuối cùng, sáu giờ sáng ngày 19 tháng 3 đáng ghi nhớ ấy, cửa phòng khách mở ra. Thuyền trưởng Nê-mô bước vào và nói:
    -Biển!

  2. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 38 - Nam cực


    Tôi chạy lên boong. Đúng là biển rồi! Chỉ có mấy khối băng trôi rải rác đây đó. Xung quanh là biển nước mênh mông. Hàng ngàn chim bay lượn trên trời, hằng ức triệu cá bơi dưới nước. Tùy tính chất đáy biển nước chuyển từ màu xanh thẫm sang màu xanh lá cây. Nhiệt kế chỉ -3o. Sau khi vượt qua biển băng, dường như chúng tôi vừa gặp một mùa xuân tươi mát!
    -Đây là Nam cực ạ? -Tôi hỏi Nê-mô, lòng bồi hồi xúc động.
    -Tôi không rõ. Đến giữa trưa tôi sẽ xác định tọa độ.
    -Nhưng liệu có thấy được mặt trời qua lớp sương mù dày đặc không?
    -Chỉ cần ló ra một tí là đủ.
    Cách tàu Nau-ti-lúx mười hải lý về phía nam, chúng tôi thấy một hòn đảo đơn độc, cao hơn mặt biển hai trăm mét. Tàu từ từ tiến vào gần đảo, có lẽ quanh đảo có những mỏm đá ngầm. Một tiếng đồng hồ sau, tàu đến sát đảo. Hai giờ sau thì đi quanh đảo được một vòng. Chu vi đảo khoảng bốn, năm hải lý. Một eo biển hẹp ngăn đảo với đất liền, có thể là một lục địa. Sở dĩ khó xác định là vì dải đất chạy khuất sau chân trời. Sợ mắc cạn, tàu Nau-ti-lúx dừng lại cách bờ hơn năm trăm mét. Một chiếc xuồng được hạ xuống nước. Thuyền trưởng, hai thủy thủ mang theo các máy đo, Công-xây và tôi ngồi vào xuồng. Lúc đó là chín giờ sáng. Hôm nay tôi chẳng thấy Nét đâu. Có lẽ anh ta khăng khăng giữ ý kiến của mình, mặc dù đã gần tới Nam cực. Chỉ mấy mái chèo là xuồng đã tới bờ cát. Công-xây định nhảy lên bờ nhưng tôi ngăn lại.
    -Thưa thuyền trưởng, -Tôi nói, -ngài có vinh dự là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.
    -Vâng, thưa giáo sư. Tôi không do dự gì khi bước lên mảnh đất Nam cực, nơi chưa có dấu chân người đặt tới! Nói đoạn, Nê-mô nhẹ nhàng nhảy lên bờ. Tôi thấy ông ta rất xúc động. Sau khi leo lên một vách đá dựng lên ở ngoài cùng, Nê-mô dừng lại, tay khoanh trước ngực. ông ta đứng trong tư thế trầm lặng và trang trọng ấy, tựa như đang tiếp nhận quyền sở hữu đối với vùng đất đai này. Năm phút trôi qua, Nê-mô bảo tôi:
    -Xin mời ngài! Tôi liền nhảy ra khỏi xuồng, theo sau là Công-xây. Hai thủy thủ ở lại xuồng. Dải đất mênh mông này đỏ như màu gạch. Xỉ than, những vết tích dung nham chứng tỏ đất ở đây có nguồn gốc núi lửa. ở đôi chỗ từ lòng đất bốc lên những làn khói có mùi lưu huỳnh. Rõ ràng là hoạt động bên trong của núi lửa chưa chấm dứt. Nhưng khi lên tới mỏm đá cao, tôi chẳng thấy một quả núi lửa nào trong khoảng mấy hải lý... Thực vật trên hòn đảo hoang vắng này rất nghèo nàn. Bờ biển đầy nhuyễn thể, ngoài ra còn có một số san hô hình cây. Nhưng cuộc sống trên bầu trời mới thật nhộn nhịp! Hàng ngàn chim thuộc nhiều loại khác nhau vừa bay lượn vừa kêu nhức óc. Hàng ngàn con đậu trên các mỏm đá lơ láo nhìn chúng tôi và đàng hoàng dạo chơi ngay cạnh chỗ chúng tôi đứng. Đó là những con chim panh-goanh rất nhanh nhẹn dưới nước nhưng rất nặng nề vụng dại trên cạn. Chúng tụ tập từng đàn lớn, ít hoạt động nhưng hay kêu la ầm ĩ. Vào cách bờ nửa hải lý nữa, chúng tôi thấy mặt đất đầy tổ chim panh-goanh. Thuyền trưởng Nê-mô tổ chức săn bắt được mấy trăm con chim này. Thịt panh-goanh màu thẫm nhưng rất ngon. Tiếng nó kêu giống tiếng lừa hí. Chim panh-goanh to bằng con ngỗng, ngực trắng. Chúng không thèm lẩn trốn nên bị trúng đá là lăn quay ra! Sương mù chưa tan. Đã mười một giờ trưa mà chẳng thấy mặt trời. Tôi rất sốt ruột. Nếu không có mặt trời thì còn quan sát được gì nữa? Và làm thế nào để xác định được rằng đã tới Nam cực hay chưa? Tôi bước đến chỗ Nê-mô. ông ta đứng tì tay vào mỏm đá và nhìn lên trời. Hình như Nê-mô cũng bồn chồn, lo lắng. Nhưng biết làm thế nào? Con người quả cảm và cương nghị ấy không đủ quyền lực để điều khiển được mặt trời như đã chế ngự biển cả! Đến trưa, mặt trời vẫn biệt tăm. Sương mù vẫn không cho phép xác định độ cao của mặt trời. Một lát sau sương mù chuyển thành bão tuyết.
    -Ta chờ đến mai, -Nê-mô nói.
    Chúng tôi quay về tàu Nau-ti-lúx. Trong khi chúng tôi vắng mặt, thủy thủ trên tàu buông lưới. Về đến tàu, tôi rất hứng thú bắt tay vào nghiên cứu những con cá vừa bắt được. Vùng biển Nam cực là nơi di cư quy mô của các loài cá trốn bão ở các độ vĩ thấp hơn. Cơn bão tuyết hoành hành đến sáng. Không ai đứng nổi trên boong. Từ phòng khách, nơi tôi ghi chép tất cả những biến cố của cuộc thám hiểm châu Nam cực, tôi nghe tiếng kêu của chim báo bão vẫn bay lượn không kể gì bão tuyết. Tàu Nau-ti-lúx chạy thêm mười hải lý nữa dọc bờ biển về phía nam. Xung quanh tranh tối tranh sáng. Hôm sau, 20 tháng 3, cơn bão tuyết chấm dứt. Trời hơi lạnh hơn. Nhiệt kế chỉ -2o. Sương mù bốc lên cao làm tôi hy vọng hôm nay có thể xác định được tọa độ. Thuyền trưởng Nê-mô chưa lên boong, nhưng chiếc xuồng đã sẵn sàng cho chúng tôi sử dụng. Tôi và Công-xây chèo xuồng lên bờ. Đất ở đây có nguồn gốc núi lửa. Nhưng nhìn mãi tôi cũng không phát hiện được miệng núi. ở đây cũng như trên đảo, ngàn vạn chim chóc làm cho cảnh thiên nhiên khắc khổ của Nam cực tươi vui lên. ở đây còn có hàng ngàn động vật có vú nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt hiền lành. Có đủ loại hải cẩu, một số nằm trên bờ, một số nằm trên những tảng băng. Số khác thì ngụp lặn dưới nước rồi lại ngoi lên. Chúng chẳng sợ gì chúng tôi. Rõ ràng là chúng chưa gặp người bao giờ. Chúng sống thành bầy: hải cẩu đực trông nom săn sóc gia đình, hải cẩu cái cho con bú. Những chú choai choai thì đùa giỡn ở phía xa. Hải cẩu di chuyển trên mặt đất một cách khó nhọc. Chúng nhảy từng bước ngắn rất vụng về. Nhưng ở môi trường nước thân thuộc thì chúng lại bơi rất cừ. Trên mặt nước và khi bò lên cạn để nghỉ, hải cẩu có tư thế rất đẹp. Tôi lưu ý Công-xây về sự phát triển bán cầu não của loài động vật thông minh này. Ngoài con người, không động vật có vú nào có bộ não phát triển như vậy. Vì vậy, hải cẩu dễ dạy, dễ thuần dưỡng. Tôi đồng ý với các nhà tự nhiên học cho rằng, nếu thuần dưỡng tốt thì hải cẩu có thể rất có ích trong việc đánh cá biển, giống như chó săn vậy. Trong đám hải cẩu thỉnh thoảng lẫn vào một số voi biển giống như hải cẩu, nhưng có vòi ngắn và linh hoạt, thân hình đồ sộ cao tới sáu mét, dài tới mười mét. Thấy chúng tôi xuất hiện, chúng cũng chẳng thèm động đậy.
    -Những con vật này có nguy hiểm không ạ?
    -Công-xây hỏi tôi.
    -Nếu không động vào chúng thì chẳng nguy hiểm gì. Nhưng khi hải cẩu bảo vệ con thì chúng ghê gớm lắm. Đã có lần hải cẩu phá tan một chiếc tàu đánh cá.
    -Giống vật có quyền xử sự như vậy, -Công-xây nói.
    -Đúng thế. Chúng tôi đi thêm hai hải lý nữa. Đến đây có nhiều mỏm đá lởm chởm chặn ngang đường. Những mỏm đá này nhô lên mặt biển theo chiều thẳng đứng, từng làn sóng bạc xô vào dưới chân. Từ phía bên kia vọng tới tiếng rống ầm ầm, tựa như ở đó có cả một bầy động vật thuộc loài nhai lại. Công-xây nói:
    -Chà, nghe như bò đang hòa nhạc!
    -Anh lầm rồi! Đó là hải mã.
    -Chúng đang đánh nhau ạ?
    -Hoặc đang đánh nhau, hoặc đang đùa nghịch.
    -Xin giáo sư cho ngó qua một chút.
    -Phải ngó qua chứ. Thế là chúng tôi bước lại dọc những mỏm đá ba-dan đen, trên những tảng đá đóng băng trơn tuột. Nhiều lần tôi bị ngã, sườn đau ê ẩm. Công-xây vì thận trọng hơn hay cứng chân hơn nên không vấp ngã, và mỗi lần nâng tôi dậy lại nói:
    -Nếu giáo sư chịu khó bước dài ra một chút thì dễ giữ thăng bằng hơn.
    Trèo tới đỉnh núi đá, tôi thấy trước mặt trải ra một cánh đồng tuyết bao la trên đó có vô số hải mã thân màu thẫm. Chúng đang đùa nghịch. Tiếng rống biểu hiện sự vui thích chứ không phải sự giận dữ. Hải mã rất giống hải cẩu về hình thể. Nhưng hàm dưới chúng không có răng nanh và răng cửa. ở hàm trên, răng nanh lại là hai cái ngà, mỗi cái dài tám mươi cen-ti-mét, chu vi ba mươi cen-ti-mét. Ngà hải mã rắn chắc hơn ngà voi, vì vậy quý hơn. Vì quý hơn nên hải mã bị săn bắt bừa bãi đến nỗi sắp bị tiêu diệt hoàn toàn. Bọn thợ săn mỗi năm bắn giết cả hải mã cái, cả hải mã con, có tới hơn bốn ngàn con. Khi đi ngang qua những con vật kỳ lạ này, tôi có dịp ngắm chúng một cách thoải mái. Da hải mã dày, nhăn nheo, lông hơi hung đỏ, ngắn và không dày lắm. Một số hải mã dài tới bốn mét. Hải mã ở đây bình thản và bạo dạn hơn hải mã Bắc cực nên không cần có con canh gác cho cả bầy. Ngắm nhìn hải mã hồi lâu, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện quay về tàu. Đã mười một giờ. Nếu thuyền trưởng Nê-mô cho rằng có thể xác định được tọa độ thì tôi cũng muốn có mặt lúc đó. Nhưng tôi ít hy vọng rằng mặt trời sẽ ló ra, vì mây đang phủ kín cả bầu trời. Dù sao tôi cũng quyết định quay về tàu Nau-ti-lúx. Đến mười một giờ rưỡi chúng tôi về tới chỗ đổ bộ. Tôi thấy ngay thuyền trưởng Nê-mô. ông ta đang đứng trên một tảng đá ba-dan, cạnh đó là những máy móc thiên văn. Nê-mô phóng mắt nhìn chân trời phía bắc.
    Tôi lặng lẽ đứng cạnh Nê-mô. Đã đến mười hai giờ nhưng mặt trời vẫn chưa ló ra. Thế là chúng tôi lại thất bại, không sao xác định được tọa độ. Nếu trưa mai vẫn không thấy mặt trời thì đành phải bỏ ý định này. Hôm nay là 20 tháng 3. Mai là ngày xuân phân, mặt trời sẽ khuất sau chân trời, sẽ bắt đầu đêm Nam cực dài dằng dặc... Tôi tỏ ý lo ngại với thuyền trưởng Nê-mô.
    -Giáo sư lo là đúng, -Nê-mô nói.
    -Nếu ngày mai tôi không xác định được độ cao của mặt trời thì việc này phải hoãn lại sáu tháng nữa. Nhưng nếu trưa mai mặt trời ló ra thì xác định độ cao sẽ hết sức dễ dàng vì tình cờ mà chúng ta đến vùng biển này đúng trước ngày xuân phân! Thuyền trưởng Nê-mô quay về tàu. Chúng tôi tha thẩn dọc bờ biển tới năm giờ chiều, vừa đi vừa quan sát, trò chuyện, phân loại sinh vật. Chúng tôi chẳng gặp một vật gì lạ ngoài một quả trứng panh-goanh. Ai ưa của lạ hẳn sẽ mua ngay quả trứng này với giá một ngàn phrăng. Trứng màu xanh thẫm điểm nhiều vết ngoằn ngoèo như chữ Hán. Thật là một vật hiếm ngộ nghĩnh. Tôi giao trứng cho Công-xây. Anh ta nâng niu nó như một cái bình cổ Trung Quốc và mang lên tàu. Tôi đặt trứng vào một ngăn tủ kính của bảo tàng. Sau đó chúng tôi ăn tối rất ngon miệng. Bữa tối có món gan hải cẩu, vị giống như mỡ lợn tươi. Hôm sau 21 tháng 3, năm giờ sáng tôi lên boong. Thuyền trưởng Nê-mô đã ở đó.
    -Thời tiết có sáng sủa hơn một chút, -Nê-mô nói.
    -Có hy vọng. Ăn sáng xong, chúng ta sẽ lên bờ tìm một chỗ thuận tiện để quan sát. Sau khi đã thống nhất kế hoạch, tôi đi tìm Nét Len. Tôi muốn mang anh ta đi theo. Mặc dù tôi đã hết sức thuyết phục, anh chàng ương bướng ấy vẫn từ chối. Tôi thấy sự u uất, cáu kỉnh của Nét ngày càng tăng lên. Tuy vậy, trong tình huống này, tính ương bướng của anh ta không làm tôi buồn phiền lắm. Trên bờ có nhiều hải cẩu, đưa anh ta lên chỉ làm cho hải cẩu chết oan thôi! Ăn sáng xong, tôi lên bờ. Đêm qua, tàu Nau-ti-lúx đi thêm được mấy hải lý nữa. Giờ đây nó đỗ cách bờ một hải lý... Trên xuồng, ngoài tôi ra còn có thuyền trưởng, hai thủy thủ và mấy dụng cụ đơn giản: đồng hồ chính xác, kính viễn vọng và phong vũ biểu. Đến chín giờ, chúng tôi áp xuồng vào bờ. Trời đã sáng rõ. Mây kéo về phía nam. Mặt biển lạnh giá giũ làn sương mù ra khỏi mình. Thuyền trưởng Nê-mô tiến thẳng lên đỉnh ngọn núi mà ông ta chọn làm nơi quan sát. Mặc dù Nê-mô như mất thói quen đi trên bộ, ông ta vẫn leo lên các mỏm đá dốc đứng một cách khéo kéo, khiến cho những người trèo núi giỏi nhất cũng phải ghen tị. Tôi vất vả lắm mới theo kịp Nê-mô. Chúng tôi trèo núi mất hai tiếng đồng hồ. Từ đỉnh cao, tầm mắt chúng tôi bao quát được mặt biển bao la tới chân trời. Phía dưới chúng tôi là đồng tuyết trắng long lanh. Trên đầu chúng tôi là bầu trời trong vắt không một gợn mây! Như một quả cầu đỏ bị chân trời cắt đôi mặt trời ló ra ở phía bắc! Từ dưới biển sâu xuất hiện trăm ngàn tia nước đẹp tuyệt vời. Tàu Nau-ti-lúx ở phía xa trông hệt như một con cá đang ngủ. Đằng sau chúng tôi, ở phía đông là khoảng đất mênh mông, ngổn ngang những mỏm đá và băng tuyết! Lên tới đỉnh núi, thuyền trưởng Nê-mô dùng phong vũ biểu đo rất kỹ độ cao của nó so với mặt biển để trên cơ sở những số liệu đó chỉnh lý những quan sát của mình. Đến mười hai giờ kém mười lăm, mặt trời nhô hẳn lên khỏi chân trời như một cái đĩa vàng và rọi những tia sáng cuối cùng lên cái lục địa hoang vắng này, lên vùng biển mà chưa một con tàu thuyền nào tới! Thuyền trưởng Nê-mô dùng kính viễn vọng quan sát mặt trời đang lặn xuống chân trời. Tôi cầm đồng hồ chính xác trong tay. Tim tôi đập mạnh. Nếu mặt trời khuất một nửa sau chân trời đúng vào mười hai giờ trưa thì đúng là chúng tôi đang ở giữa Nam cực!
    -Đúng mười hai giờ!
    -Tôi reo lên.
    -Nam cực!
    -Thuyền trưởng Nê-mô nói một cách trang trọng rồi trao cho tôi ống kính. Tôi đưa mắt nhìn: mặt trời đang bị chân trời cắt đôi. Trong lúc đó, thuyền trưởng Nê-mô đặt tay lên vai tôi rồi nói:
    -Năm 1600, Ghê-rích, người Hà Lan, bị bão dạt tới độ vĩ 64o nam và phát hiện ra quần đảo Niu Sét-len. Ngày 17 tháng giêng năm 1773, thuyền trưởng Cúc nổi tiếng theo kinh tuyến 38 đã đi tới độ vĩ 67o37?T, và năm 1774 ngày 30 tháng giêng theo kinh tuyến 109 đã đi tới độ vĩ 71o15?T. Năm 1819 nhà đi biển người Nga là Ben-lin-xhao-den tới vĩ tuyến 69o, năm 1821 tới vĩ tuyến ở 111o kinh tây. Năm 1820, Bran-xphin, người Anh, đã tới vĩ tuyến 65o. Cũng năm đó. Mo-ren, người Mỹ, thuật lại, tuy không đáng tin lắm, rằng đã phát hiện ra vùng biển không bị đóng băng ở độ vĩ 70o19?T. Năm 1825, Pao-oen, người Anh, vì vướng băng nên không vượt qua được độ vĩ 62o. Cùng năm đó, một người Anh đi săn hải cẩu là Oét-đen đã tới độ vĩ 72o14?T ở kinh tuyến 35 và 74o15?T ở kinh tuyến 36. Năm 1829, Pho-xtơ, người Anh, chỉ huy tàu San-tơ-clơ, phát hiện ra lục địa Nam cực ở độ vĩ 63o26?T và 66o26?T.
    Ngày 1 tháng giêng năm 1831, Bit-xcô, người Anh, phát hiện ra đất En-đơc-bi ở độ vĩ 68o50?T, ngày 5 tháng 2 năm 1832 tìm ra đất A-đê-la-ít ở độ vĩ 67o; ngày 21 tháng 2 tìm ra đất Gre-hem ở độ vĩ 64o45?T. Năm 1838, Đuy-mông Đuyếc-vin, người Pháp, bị băng kẹt ở độ vĩ 62o57?T đã phát hiện ra đất Lu-i Phi-líp. Hai năm sau, ngày 21 tháng giêng, Đuyếc-vin đã phát hiện ra đảo A-đê-li ở độ vĩ 66o30?T. Năm 1838, Uyn-cơ, tới được vĩ tuyến 69 trên kinh tuyến 100. Năm 1839, Be-le-ni, người Anh, phát hiện ra đất Xa-brin ở ranh giới vòng cực quyền. Cuối cùng, ngày 12 tháng giêng năm 1842, Giem-rôx, người Anh, đi trên tàu ?-rê-bux và Te-rơ, phát hiện ra đất Vic-to-ri-a ở độ vĩ 67o56?T và độ kinh 171o07?T. Ngày 23 tháng ấy, ông ta tới vĩ tuyến 74, ngày 27 đến độ vĩ 76o08?T, ngày 28 đến độ vĩ 77o32?T, ngày 2 tháng 2 đến độ vĩ 78o04?T. Năm 1842 ông ta lại đi Nam cực nhưng không vượt qua được độ vĩ 71o. Tôi, thuyền trưởng Nê-mô, ngày 21 tháng 3 năm 1868 đã tới Nam cực ở 90o vĩ nam và tuyên bố quyền sở hữu đối với phần đất đai rộng bằng một phần sáu tất cả các lục địa đã được phát hiện.
    -Nhân danh ai, thưa thuyền trưởng?
    -Nhân danh cá nhân tôi! Nói đoạn, Nê-mô giương cao ngọn cờ đen có thêu chữ "N" màu vàng. Rồi Nê-mô hướng về phía mặt trời lúc đó đang rọi những tia sáng cuối cùng xuống mặt biển bao la và nói:
    -Vĩnh biệt mặt trời! Ngươi hãy khuất đi, hãy ra khỏi giới hạn của vùng biển tự do này. Hãy để cho đêm Nam cực dài sáu tháng phủ lên vùng đất mới của ta!

  3. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 39 - một trở ngại ngẫu nhiên hay một trường hợp rủi ro


    Sáu giờ sáng hôm sau, 22 tháng 3, tàu bắt đầu chuẩn bị lên đường. Băng giá ngày càng dữ dội. Sao trên trời đặc biệt sáng. Nhiệt kế chỉ -12o. Gió quất vào mặt rất rát. Trên mặt biển ngày càng có nhiều băng tảng. Biển sắp đóng thành băng liền. Lúc đó các bể chứa được bơm đầy nước, tàu Nau-ti-lúx từ từ lặn xuống. Đến độ sâu ba trăm mét, nó dừng lại. Sau đó chân vịt hoạt động, đẩy tàu về hướng bắc với tốc độ mười lăm hải lý một giờ. Gần tối, tàu đã chạy dưới lớp băng liền. Cửa sổ phòng khách đóng lại, đề phòng tàu có thể vô tình va phải tảng băng trôi. Vì vậy, suốt hôm đó tôi ngồi viết lại những ghi chép của mình. Đầu óc tôi hoàn toàn bị thu hút vào những kỷ niệm vừa qua ở Nam cực. Thế là chúng tôi đã tới được cái địa điểm chưa có dấu chân người, tới một cách tốt đẹp, không vất vả gì lắm, hệt như một toa tàu lăn bánh trên đường sắt. Giờ đây đường về của chúng tôi bắt đầu. Nó có hứa hẹn cho tôi nhiều điều kỳ diệu như vậy không? Tôi nghĩ chắc chắn là có, vì dưới biển sâu này: có bao giờ hết những hiện tượng kỳ diệu! Năm tháng rưỡi trước đây, sự tình cờ đã xô đẩy chúng tôi đến tàu Nau-ti-lúx. Chúng tôi đã vượt qua một vạn bốn ngàn dặm nghĩa là hơn chiều dài của xích đạo. Và biết bao chuyện phiêu lưu khủng khiếp và kỳ thú làm cho cuộc hành trình của chúng tôi thành huyền ảo: cuộc đi săn ở đảo Crét-xpô, thoát nạn ở eo biển Tô-rex, nghĩa địa san hô, cảnh mò trai ở Xây-lan, con đường ngầm A-ra-bi-a, những kho vàng ở vũng biển Vi-gô, lục địa át-lan-tích, Nam cực! Những kỷ niệm đó suốt đêm nối tiếp nhau sống lại khiến đầu óc tôi không phút nào được nghỉ. Đến ba giờ sáng một chấn động dữ dội làm tôi tỉnh giấc. Tôi vừa nhỏm dậy lắng nghe thì bỗng bị xô ra giữa phòng. Rõ ràng là tàu Nau-ti-lúx vừa va chạm vào một vật gì. Tôi lần sang phòng khách. Tất cả đồ đạc đều bị lật đổ. Rất may là những chiếc tủ kính được vít chặt xuống sàn nên còn đứng nguyên. Tàu bị nghiêng về bên phải và cứ nằm như vậy. Trong tàu có tiếng chân bước và tiếng người nói nghe không rõ. Nhưng thuyền trưởng Nê-mô không xuất hiện. Đúng lúc tôi định ra khỏi phòng khách thì Nét và Công-xây vào. Tôi hỏi:
    -Có chuyện gì thế, các bạn?
    -Tôi đang muốn hỏi giáo sư về điều đó, -Công-xây trả lời.
    -Khốn khổ khốn nạn!
    -Nét nói.
    -Tôi biết xảy ra chuyện gì rồi! Tàu Nau-ti-lúx bị va vào một vật gì đó, và căn cứ vào tình trạng hiện nay thì khó lòng thoát nạn một cách nhẹ nhàng như ở eo biển Tô-rex.
    -Thế nó đã nổi lên mặt biển chưa? -Tôi hỏi.
    -Chúng tôi không rõ, -Công-xây trả lời.
    -Muốn biết cũng chẳng khó gì, -Tôi nói. Tôi nhìn đồng hồ chỉ độ sâu và hết sức ngạc nhiên khi thấy kim đồng hồ chỉ 360 mét.
    -Thế là thế nào?-Tôi nói.
    -Cần hỏi thuyền trưởng Nê-mô xem sao, -Công-xây đề nghị.
    -Biết tìm ông ta ở đâu? Nét hỏi.
    -Theo tôi!
    Tôi bảo Nét và Công-xây. Chúng tôi ra khỏi phòng khách. Trong thư viện chẳng có ai. Tôi cho rằng Nê-mô đang ở phòng hoa tiêu. Tốt nhất là nên chờ. Chúng tôi quay về phòng khách. Mặc cho Nét Len trách oán, tôi chỉ lặng thinh. Anh ta tha hồ nổi nóng. Tình trạng đó kéo dài hai mươi phút. Suốt thời gian ấy chúng tôi lắng nghe từng tiếng động nhỏ trong tàu. Thuyền trưởng Nê-mô đột nhiên bước vào. Hình như ông ta không nhìn thấy chúng tôi. Vẻ mặt Nê-mô thường thản nhiên, nhưng lần này cũng biểu lộ một nỗi lo lắng nhất định. Nê-mô lặng lẽ nhìn địa bàn, đồng hồ chỉ độ sâu, rồi lấy ngón tay chỉ một điểm trên bản đồ, chỗ vẽ Nam Băng Dương. Tôi không muốn làm phiền Nê-mô. Nhưng mấy giây sau, khi ông ta quay về phía tôi, tôi dùng ngay câu mà ông ta đã nói ở eo biển Tô-rex để hỏi:
    -Thưa thuyền trưởng, đây là một trở ngại ngẫu nhiên ạ?
    -Không, lần này là một trường hợp rủi ro.
    -Có nghiêm trọng lắm không ạ?
    -Có thể nghiêm trọng.
    -Tàu bị mắc cạn ạ?
    -Vâng.
    -Bị mắc cạn vì...?
    -Lỗi tại thiên nhiên chứ không phải tại con người. Chúng ta không phạm một sai lầm nào trong việc điều khiển con tàu, nhưng chúng ta không đủ sức chống lại tác động của quy luật thăng bằng. Có thể đi ngược lại những luật lệ của con người chứ không thể chống lại những quy luật của thiên nhiên. Thuyền trưởng đã chọn giây phút kỳ quặc này để triết lý! Câu trả lời của ông ta cũng chẳng giải đáp cho tôi được điều gì. Tôi hỏi:
    -Thưa thuyền trưởng, có thể biết được nguyên nhân của chuyện chẳng may này không ạ?
    -Có một tảng băng lớn như trái núi bị lật ngược. Khi chân núi băng bị lớp nước ấm bao quanh, hay khi chân núi bị phá vỡ vì va chạm nhiều thì trọng tâm chuyển lên cao hơn. Khi đó núi băng bị lật úp xuống. Nguyên nhân là như vậy. Một núi băng nào đó bị lật và đập mạnh vào tàu Nau-ti-lúx lúc nó đang đỗ dưới nước. Sau đó băng trườn theo vỏ tàu, nhấc bổng tàu lên lớp nước có tỷ trọng kém hơn, khiến tàu bị nằm nghiêng bất động.
    -Ta có thể giải phóng được tàu bằng cách bơm hết nước ra khỏi các bể chứa để lấy lại thăng bằng không ạ?
    -Đang bơm đấy. Giáo sư có thể thấy tiếng máy bơm đang chạy. Ngài hãy nhìn kim đồng hồ này xem. Nó cho biết tàu đang nổi lên, nhưng tảng băng cũng đồng thời nổi lên theo. Nếu sự di chuyển đó của tảng băng không bị cản lại thì tình trạng của tàu sẽ vẫn như cũ. Thật vậy, tàu Nau-ti-lúx vẫn bị nghiêng về bên phải. Tất nhiên, nếu tảng băng ngừng chuyển động thì tàu sẽ trở lại vị trí bình thường. Nhưng có gì bảo đảm rằng giờ đây tàu sẽ không vấp phải lớp băng phía trên và bị kẹt vào giữa hai khối băng lớn? Tôi suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra trong tình huống này. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn xem đồng hồ. Từ khi tảng băng bị lật xuống, tàu Nau-ti-lúx nổi lên chừng năm mươi mét nhưng vẫn nghiêng như cũ. Thân tàu bỗng hơi chuyển động. Tàu bớt nghiêng dần. Những đồ vật treo trên tường phòng khách bắt đầu trở về vị trí bình thường, mặt tường dần dần trở về chiều thẳng đứng. Vì hồi hộp, chúng tôi không ai nói một lời. Mười phút trôi qua.
    -Chúng ta đứng thẳng lại rồi! -Tôi reo lên.
    -Đúng. -Thuyền trưởng Nê-mô vừa nói vừa đi về phía cửa phòng khách.
    -Ta có cho tàu nổi lên mặt nước không? -Tôi hỏi.
    -Tất nhiên. Khi nước trong các bể chứa được bơm ra hết thì tàu Nau-ti-lúx sẽ nổi lên mặt biển. Nê-mô đi ra. Một lát sau, tôi thấy tàu ngừng nổi lên. Quyết định đó của Nê-mô là đúng. Nếu cứ cho tàu nổi lên tiếp thì nó có thể va phải phần dưới của các tảng băng. Vì vậy, tốt hơn cả là giữ tàu ở khoảng nước giữa hai lớp băng... Lúc đó cửa sổ được mở ra, ánh sáng bên ngoài ùa vào qua các tấm kính. Như tôi vừa nói, tàu đang ở giữa một lớp nước, nhưng hai bên, chỉ cách mười mét, là những bức tường băng dựng đứng. Phía trên và phía dưới cũng có những bức tường như vậy. Té ra tàu Nau-ti-lúx bị kẹt vào giữa một đoạn hầm bằng băng rộng chừng hai mươi mét và chứa đầy nước. Tàu có thể dễ dàng thoát ra ngoài bằng cách tiến lên hoặc lùi lại rồi lặn xuống sâu hơn độ vài trăm mét để tìm một lối ra dưới đồng băng. Nhờ khả năng phản chiếu ánh sáng, những bức tường băng hắt rất mạnh ánh đèn pha của tàu Nau-ti-lúx vào phía trong đường hầm. Đường hầm trông hệt như một mỏ đá quý tỏa ánh sáng muôn sắc chói lòa. Cường độ ánh sáng từ đèn pha chiếu ra được tăng lên gấp trăm lần.
    -Đẹp quá chừng! Đẹp quá chừng! -Công-xây thốt lên.
    -Đúng, đẹp vô cùng! -Tôi nói.
    -Đẹp thật! -Nét Len nói.
    -Cảnh đẹp chưa từng thấy, nhưng nó có thể bắt ta trả giá rất đắt.
    Công-xây bỗng kêu to làm tôi bất giác quay lại.
    -Cái gì thế? -Tôi hỏi.
    -Nhắm mắt lại! Đừng nhìn nữa! Vừa nói, Công-xây vừa lấy tay che mắt lại.
    -Làm sao thế, Công-xây? -Tôi bị mù rồi! Tôi quay lại nhìn tấm cửa kính và không chịu nổi ánh sáng quá gay gắt. Tôi hiểu ra rồi. Tàu Nau-ti-lúx bắt đầu phóng rất nhanh về phía trước. Mọi vật xung quanh vừa rồi chỉ lấp lánh một cách hiền hòa, bỗng biến thành một dải ánh sáng chói lòa như ánh chớp. Cửa kính trong phòng khách đã đóng lại, nhưng chúng tôi vẫn lấy tay che mắt đứng đó. Phải một lúc sau mắt mới làm việc được bình thường. Cuối cùng, chúng tôi bỏ tay xuống.
    -Thú thực là tôi rất khó tin, -Công-xây nói.
    -Tôi thì đến bây giờ vẫn chưa tin! -Nét nói.
    -Chúng ta đã được ngắm nhìn thỏa mãn những kỳ quan này của thiên nhiên thì khi được trở về mặt đất, chúng ta sẽ nghĩ gì về những lục địa đáng thương hại và những tác phẩm quá tầm thường do con người tạo ra? Thế giới mà con người đang ở thật không xứng đáng với chúng ta, -Công-xây nói tiếp. Những lời đó từ miệng Công-xây nói ra chứng tỏ chúng tôi hào hứng đến mức nào. Nhưng ngay lúc đó, Nét vẫn không quên giội nước lạnh vào chúng tôi. Anh ta lắc đầu, nhại lại:
    -"Thế giới mà con người đang ở!" Anh đừng lo, Công-xây ạ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ quay về cái thế giới đó đâu. Đồng hồ điểm năm giờ sáng. Trong giây phút ấy, tàu Nau-ti-lúx bỗng húc phải một vật gì đó, có lẽ là một tảng băng. Chắc đây là do một thiếu sót rất dễ phạm phải trong việc điều khiển con tàu vì con đường hầm này ngổn ngang đá băng rất khó đi. Tôi nghĩ, thuyền trưởng Nê-mô sẽ lợi dụng những chỗ khúc khuỷu của đường hầm để lái tàu tránh những trở ngại. Dù thế nào, con đường chúng tôi đi cũng không thể có cản trở gì không vượt qua được. Nhưng tàu Nau-ti-lúx vẫn phải lùi lại.
    -Chẳng lẽ chúng ta lại lùi?
    -Công-xây hỏi.
    -Đúng, -Tôi trả lời, -chắc là về phía này đường hầm không có lối ra.
    -Làm thế nào bây giờ?
    -Rất đơn giản thôi. Chúng ta sẽ quay lại và sẽ thoát qua hướng nam. Tôi vừa nói vừa cố làm ra vẻ tin chắc vào thành công. Trong khi đó tàu vẫn lùi lại với tốc độ ngày càng lớn. Nét nói:
    -Thế là bị ngừng trệ rồi.
    -Nhanh hay chậm mấy tiếng đồng hồ có nghĩa gì? -Tôi trả lời.
    -Cứ thoát khỏi chỗ này là tốt rồi! Tôi đi đi lại lại từ phòng khách sang thư viện trong mấy phút rồi ngồi xuống đi-văng, lấy một quyển sách và đọc lướt qua như một cái máy. Mười lăm phút sau, Công-xây đến hỏi tôi:
    -Cuốn sách giáo sư đang đọc có hay không ạ?
    -Rất hay.
    -Tất nhiên, vì đó là sách do giáo sư viết ra.
    -Thật ư? Đúng là tôi đang đọc cuốn "Những bí mật của biển sâu". Tôi thật chẳng ngờ tới điều đó. Tôi gấp sách lại rồi tiếp tục đi đi lại lại. Nét và Công-xây đứng dậy, chuẩn bị đi. Tôi muốn giữ họ lại:
    -Hãy khoan. Chúng ta nên ở lại gần nhau cho tới khi thoát khỏi con đường hầm này.
    -Xin tùy giáo sư, -Công-xây trả lời. Mấy tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Tôi luôn đưa mắt nhìn đồng hồ treo trên tường phòng khách. Tàu Nau-ti-lúx lúc nào cũng ở độ sâu ba trăm mét. Địa bàn luôn luôn chỉ hướng nam, tốc độ của tàu là hai mươi hải lý một giờ -một tốc độ quá mức trong khoảng không gian hẹp như thế này. Nhưng thuyền trưởng Nê-mô biết rằng vội vã không phải là thừa, một phút lúc này có giá trị bằng một thế kỷ. Đến tám giờ hai mươi nhăm phút, tàu lại bị va chạm lần thứ hai, lần này ở phía lái. Tôi tái mặt. Nét và Công-xây bước lại chỗ tôi. Tôi nắm chặt tay Công-xây. Chúng tôi đưa mắt hỏi nhau. Không nói một lời, nhưng sâu sắc hơn bất cứ lời nói nào. Đúng lúc đó, thuyền trưởng Nê-mô xuất hiện. Tôi hỏi ông ta:
    -Đường về phía nam cũng bị tắc ạ?
    -Vâng. Một tảng băng bị lật ngược đã chặn mất lối ra cuối cùng của ta.
    -Thế là chúng ta đã bị khóa chặt?
    -Vâng.

  4. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 40 - Thiếu không khí


    Thế là tàu Nau-ti-lúx đã bị băng vây kín sáu mặt. Chúng tôi biến thành tù binh của băng! Nét đấm mạnh tay xuống bàn Công-xây im lặng, còn tôi thì nhìn Nê-mô. Mặt ông ta vẫn bình thản như xưa. Nê-mô đứng, tay khoanh trước ngực. ông ta đang suy nghĩ. Tàu Nau-ti-lúx đứng yên. Cuối cùng Nê-mô nói:
    -Thưa các ngài, trong tình hình hiện nay của chúng ta, có hai cách chết. Con người khó hiểu này có dáng vẻ một giáo sư toán học đang chứng minh một định lý trước học trò của mình.
    -Cách chết thứ nhất là bị đè nát. Cách thứ hai là chết vì thiếu không khí. Về khả năng chết đói tôi không nói tới, vì dự trữ lương thực trên tàu chắc chắn sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta. Vì vậy, chúng ta chỉ xét đến hai khả năng: bị đè nát hay bị chết ngạt thôi. Tôi nói:
    -Về khả năng chết ngạt, tôi thấy không có cơ sở để lo ngại vì ta có những bể chứa đầy không khí.
    -Đúng, -Nê-mô trả lời, -nhưng chỉ đủ cho hai ngày. Tàu đã lặn xuống ba mươi sáu tiếng đồng hồ, không khí trong tàu đã bắt đầu khó thở và cần được thay đổi. Trong khoảng hai ngày hai đêm nữa, dự trữ không khí sẽ cạn.
    -Nếu vậy thì, thưa thuyền trưởng, chúng ta hãy tự giải phóng trước thời hạn đó.
    -Dù sao chúng ta cũng sẽ gắng phá vỡ bức tường bao quanh.
    -Về phía nào ạ?
    -Phải thăm dò trước đã. Tôi sẽ cho tàu hạ xuống bức tường băng phía dưới. Thủy thủ của tôi sẽ mặc đồ lặn xuống đục vỏ băng ở chỗ mỏng nhất.
    -Có thể mở cửa sổ phòng khách được không ạ?
    -Bây giờ thì an toàn rồi vì tàu không chạy nữa. Thuyền trưởng Nê-mô đi ra. Những tiếng rít báo hiệu là các bể chứa đang lấy nước vào. Tàu Nau-ti-lúx từ từ chìm xuống lớp băng dưới ở độ sâu ba trăm năm mươi mét. Tôi nói:
    -Các bạn, tình hình nghiêm trọng, nhưng tôi tin vào lòng dũng cảm và nghị lực của các bạn.
    -Tất nhiên, -Nét trả lời, -bây giờ không phải là lúc tôi làm khổ ngài bằng những lời kêu ca phàn nàn và chất vấn của mình. Tôi sẵn sàng làm mọi việc để tất cả cùng thoát khỏi tai nạn này.
    -Tốt lắm, ông Nét ạ, -Tôi bắt tay Nét. Nét nói tiếp:
    Tôi xin nói thêm rằng tôi sử dụng tốt cả cuốc chim lẫn lao nhọn. Nếu thuyền trưởng cần tôi giúp việc gì thì cứ ra lệnh. Tôi đưa Nét tới căn phòng, nơi một số thủy thủ đang mặc đồ lặn. Tôi báo cho Nê-mô biết đề nghị của Nét và được ông ta chấp thuận. Nét vội mặc đồ lặn và chuẩn bị xong cùng một lúc với các thủy thủ kia... Ngay sau đó, tôi quay về phòng khách. Cửa sổ đã được mở. Tôi đứng cạnh Công-xây và bắt đầu quan sát những tảng băng xung quanh tàu. Mấy phút sau, chúng tôi thấy mười hai thủy thủ đi ra, trong đó nổi bật lên thân hình cao lớn của Nét. Thuyền trưởng Nê-mô cùng đi với họ. Trước khi đục bức tường băng, Nê-mô ra lệnh cho thăm dò để đảm bảo đúng hướng. Những mũi khoan dài bắt đầu xoáy vào bức tường bên của đường hầm. Nhưng khoan được mười lăm mét thì mắc phải một bức tường khác. Nếu cứ tập trung sức vào khoan tiếp thì thật vô ích vì đó là nhiều lớp băng chồng chất lên nhau cao hơn bốn trăm mét. Nê-mô ra lệnh thăm dò lớp băng dưới. Té ra chúng tôi chỉ cách mặt nước có mười mét. Bây giờ chỉ cần khoét một lỗ có diện tích bằng diện tích tàu Nau-ti-lúx. Nghĩa là muốn cho tàu hạ được xuống dưới đồng băng thì phải khoét một lỗ to và lấy ra khoảng 6500 mét khối băng. Tốp thợ lặn bắt tay ngay vào việc. Sau hai tiếng đồng hồ lao động hết sức khẩn trương và bền bỉ, Nét thấm mệt và quay về phòng khách, Nét và các thủy thủ cùng làm được một kíp khác đến thay thế. Tôi và Công-xây đi với kíp thứ hai này. Người chỉ huy là viên thuyền phó. Tôi cảm thấy nước lạnh buốt, nhưng cuốc một lát, tôi nóng người lên. Tôi cử động hoàn toàn thoải mái mặc dù áp suất bên ngoài là ba mươi át-mốt-phe. Làm được hai tiếng, tôi quay về phòng khách để ăn uống và nghỉ ngơi. Tôi cảm thấy một sự khác biệt rất lớn giữa luồng không khí tươi mát do bình dưỡng khí 95 96 cung cấp với không khí trên tàu đã chứa nhiều thán khí. Đã bốn mươi tám tiếng đồng hồ không khí trên tàu không được thay đổi nên chất lượng đã giảm sút nhiều. Thế mà trong mười hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới bóc được 600 mét khối. Giả sử cứ mười hai tiếng đồng hồ chúng tôi lại làm được một khối lượng công việc như vậy thì phải mất bốn ngày mới đạt được mục tiêu đề ra.
    -Mất bốn ngày năm đêm nữa! -Tôi bảo Nét và Công-xây.
    -Mà dự trữ không khí chỉ đủ dùng trong hai ngày! Nét nói thêm:
    -Đây là chưa kể sau khi thoát khỏi cái ngục tù đáng nguyền rủa này, chúng ta sẽ còn bị giam hãm dưới những tảng băng và chưa tiếp xúc được với không khí.
    Nét đúng. Ai có thể nói trước được rằng muốn giải phóng hoàn toàn, còn cần bao nhiêu thời gian nữa? Liệu chúng tôi có bị chết ngạt trước khi tàu Nau-ti-lúx nổi lên mặt biển không? Liệu tàu có bị chôn vùi dưới nấm mồ bằng băng này cùng với tất cả những gì có trên tàu không. Mối đe dọa này thật đáng sợ. Nhưng ai nấy đều nhìn thẳng vào nó và quyết tâm làm tròn nghĩa vụ của mình. Như dự kiến của tôi, trong một đêm lại bóc thêm được một mét băng nữa. Nhưng sáng hôm sau, khi mặc đồ lặn và bắt đầu bước đi trong khoảng nước có nhiệt độ -6o, -7o ấy, tôi nhận thấy những bức tường băng hai bên bắt đầu xích lại gần nhau. Những lớp nước cách xa chỗ đào hơn bắt đầu đóng băng lại. Khi xuất hiện mối đe dọa mới đó thì những hy vọng của chúng tôi sẽ ra sao? Nếu không ngăn được nước đóng băng thì nó sẽ đè nát thành tàu như đè một miếng kính. Tôi không nói điều đó với những người cùng đi. Thử thách họ làm gì? Làm họ nhụt chí trong công việc tự cứu gian khổ này làm gì? Nhưng khi quay về tàu, tôi báo ngay cho thuyền trưởng biết về chuyện rắc rối đó.
    -Tôi biết, -Nê-mô trả lời bằng một giọng bình thản như trong bất cứ tình huống nào, dù gay go nhất.
    -Vâng, lại thêm một mối đe dọa nữa, nhưng tôi chưa biết sẽ vượt qua thế nào. Khả năng duy nhất để chúng ta thoát thân là phải hành động nhanh hơn. Chúng ta phải tới đích trước. Thế thôi!...
    Hôm đó tôi cuốc rất hăng trong mấy tiếng đồng hồ nên trong người thấy dễ chịu. Ngoài ra, làm việc có nghĩa là ra khỏi tàu, thở không khí tươi mát do các bình chứa trên tàu cung cấp, có nghĩa là xa lánh cái không khí ngột ngạt và có hại trên tàu. Đến chiều tối chúng tôi lại bóc được thêm một mét nữa. Khi quay về tàu, chút nữa thì tôi bị ngạt thở vì khí các-bo-nic đang bão hòa trên tàu. Trời ơi, sao chúng tôi không có trong tay một hóa chất hấp thụ được khí độc đó! Tối hôm ấy, thuyền trưởng Nê-mô đành cho mở vòi các bình chứa để tháo một ít không khí trong lành vào trong tàu. Không có biện pháp ấy, có lẽ chúng tôi không thể dậy được. Hôm sau, 26 tháng 3, tôi lại đi làm việc và bắt tay vào cuốc mét băng thứ năm. Trần băng và tường băng hai bên dày lên một cách rõ rệt. Đúng là chúng sẽ chập vào nhau trước khi tàu Nau-ti-lúx thoát ra khỏi chỗ này. Trong giây phút, tôi ngã lòng. Chiếc cuốc chim suýt rơi khỏi tay tôi. Cuốc băng bây giờ còn ý nghĩa gì nếu số tôi là sẽ bị chết ngạt hay bị băng đè nát, một kiểu hành hình mà quân man rợ nhất cũng chưa nghĩ ra? Tôi cảm thấy mình đang nằm trong cái mõm ngoác rộng của một quái vật sắp nghiến chặt hai hàm răng khủng khiếp lại. Đúng lúc đó, thuyền trưởng Nê-mô đi ngang qua chỗ tôi (ạng ta cũng đào băng với anh em). Tôi chỉ cho Nê-mô xem những bức tường của đường hầm. Bức tường bên trái chỉ cách tàu không quá bốn mét. Thuyền trưởng hiểu ý tôi và ra hiệu cho tôi đi theo. Chúng tôi quay về tàu. Tôi tháo bộ đồ lặn ra cùng Nê-mô vào phòng khách. Nê-mô nói:
    -Ngài A-rô-nắc, cần có một biện pháp dũng cảm. Nếu không, khi nước biển thành băng, nó sẽ bám chặt lấy tàu như xi-măng.
    -Vâng, nhưng biết làm thế nào?
    -Tôi trả lời.
    -Chao ôi, nếu tàu Nau-ti-lúx của tôi có đủ sức chịu được áp suất này và an toàn!
    -Thế thì sao?
    -Tôi chưa nắm được ý của Nê-mô.
    -Lẽ nào giáo sư không hiểu rằng khi đó hiện tượng nước đóng băng chỉ có lợi cho ta? Lẽ nào giáo sư không thấy rằng bản thân việc nước đóng băng sẽ phá vỡ đồng băng đang bao vây ta? Lẽ nào giáo sư không hiểu rằng nó sẽ trở thành phương tiện cứu sống ta chứ không phải là phương tiện tiêu diệt ta?
    -Thưa thuyền trưởng, có thể như vậy. Nhưng dù sức bền của tàu Nau-ti-lúx có lớn đến đâu, nó cũng không chịu nổi áp suất khủng khiếp như vậy và sẽ bị cán mỏng như một lá thép.
    -Tôi biết. Vì vậy, ta không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của thiên nhiên mà phải trông vào chính ta. Phải kìm quá trình đóng băng lại. Chẳng những tường băng hai bên đương xích lại gần nhau mà phía trước và phía sau tàu cũng chỉ còn không quá ba mét nước. Nghĩa là chúng ta bị nước đóng băng cả bốn phía.
    -Những bình chứa trên tàu còn cung cấp không khí cho chúng ta thở bao lâu nữa? Thuyền trưởng nhìn thẳng vào mặt tôi và nói.
    -Đến ngày kia thì các bình chứa sẽ rỗng. Tôi lạnh cả người. Trong lúc đó, thuyền trưởng Nê-mô lặng im suy tính một điều gì. Nhìn nét mặt thì hình như trong óc ông ta vừa thoáng một ý nghĩ. Nhưng Nê-mô lắc đầu, gạt bỏ ý nghĩ đó. Cuối cùng, Nê-mô bật ra:
    -Nước sôi!
    -Nước sôi?
    -Tôi ngạc nhiên.
    -Vâng. Chúng ta bị kẹt vào một khoảng không gian tương đối hạn chế. Nếu các máy bơm trên tàu liên tục phun nước nóng thì lẽ nào nhiệt độ môi trường quanh ta không tăng lên và không kìm được quá trình đóng băng lại?
    -Cần thử ngay.
    -Tôi nói dứt khoát.
    -Ta thử xem, giáo sư nhé! Nhiệt kế bên ngoài chỉ -7o. Thuyền trưởng Nê-mô dẫn tôi vào phòng chế biến nước ngọt bằng phương pháp làm bốc hơi. ở đó có những máy cất lớn. Người ta bơm đầy nước vào các máy đó rồi dẫn nhiệt từ các máy phát điện vào. Mấy phút sau nước được đun nóng tới 100o và đưa vào máy bơm. Nhiệt ở các máy phát điện tỏa ra nóng đến nỗi nước lạnh từ biển đưa thẳng vào chỉ qua máy cất là sôi lên. Ba tiếng đồng hồ sau khi phun nước sôi, nhiệt kế bên ngoài chỉ -6o. Thế là nhích lên được một độ. Hai tiếng đồng hồ sau, nhiệt kế đã chỉ -4o.
    -Chúng ta sẽ thắng, -Tôi bảo thuyền trưởng, đã vững tin vào thành công của những biện pháp vừa áp dụng.
    -Tôi cũng nghĩ vậy, -Nê-mô trả lời, -Chúng ta sẽ không bị đè bẹp. Chỉ còn sợ bị ngạt nữa thôi.
  5. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Sau một đêm, nhiệt độ tăng lên -1o. Phun nước nóng không thể nâng nhiệt độ lên được nữa. Nhưng vì nước biển chỉ đóng băng ở -2o nên tôi yên tâm. Thế là mối đe dọa này sẽ bị tan. Hôm sau, 27 tháng ba, chúng tôi đã bóc được sáu mét băng. Còn phải đào bốn mét, mất bốn mươi tám tiếng đồng hồ nữa. Vì vậy, không thể thay không khí trong tàu được. Tình hình chúng tôi hôm đó càng tồi tệ hơn. Người tôi nặng trình trịch không sao chịu nổi. Đến ba giờ chiều thì cảm giác nặng nề lên tới đỉnh cao nhất. Hai hàm răng bị sái đi vì ngáp quá nhiều. Hai lá phổi quằn quại tìm chút không khí trong lành để thở, nhưng không khí ngày càng hiếm. Trong tình trạng kiệt sức, tôi nằm đờ ra, gần như ngất đi. Anh chàng Công-xây đáng yêu của tôi cũng có những triệu chứng đau đớn tương tự, cũng chịu đựng những nỗi khổ tương tự, nhưng vẫn không rời bỏ tôi. Anh ta nắm lấy tay tôi động viên. Tôi còn nghe tiếng Công-xây thì thào:
    -Trời! Nếu như tôi có thể ngừng thở để dành thêm một chút không khí cho giáo sư. Mắt tôi rưng rưng khi nghe thấy lời Công-xây nói. Nhưng nếu những người trên tàu đang ở trong tình trạng không thể chịu đựng được, thì mỗi khi đến phiên lao động, ai nấy đều phấn khởi mặc ngay đồ lặn.
    Chúng tôi cuốc băng rất hăng. Vai chúng tôi mỏi rời, hai bàn tay phồng lên, nhưng mệt nhọc bây giờ chẳng có nghĩa gì, những vết xây xát chẳng đáng để ý tới. Không khí trong mát ùa vào phổi chúng tôi! Chúng tôi thở! Tuy vậy, chẳng ai tiếp tục công việc của mình dưới nước quá thời gian quy định. Vừa hết giờ là chúng tôi chuyển ngay bình chứa không khí cho bạn mình để truyền sức sống cho họ. Thuyền trưởng gương mẫu trong việc này và là người đầu tiên phục tùng kỷ luật nghiêm ngặt đó. Đúng giờ là thuyền trưởng trao ngay bình chứa không khí cho người khác rồi quay về con tàu đầy khí độc. Lúc nào thuyền trưởng cũng bình thản, không hề uể oải, không một lời phàn nàn. Hôm đó, công việc được tiến hành hết sức khẩn trương. Chỉ còn phải đào hai mét băng nữa. Chúng tôi chỉ cách chỗ biển không bị đóng băng có hai mét! Nhưng các bình chứa không khí gần như đã rỗng. Còn lại một ít thì phải dành cho những người đang lao động. Không thể cung cấp cho tàu thêm một chút nào nữa! Về đến tàu, tôi đã gần chết ngạt. ại, đêm hôm đó không bút nào tả xiết! Sáng hôm sau tôi vừa nhức đầu lại vừa chóng mặt như người say rượu. Các bạn tôi cũng vậy. Mấy thủy thủ chỉ còn thở khò khè. Hôm nay, chúng tôi đã bị cầm tù đến ngày thứ sáu, thuyền trưởng Nê-mô cho rằng cuốc và xà-beng là những phương tiện quá chậm chạp nên quyết định phá vỡ lớp băng còn lại bằng cách khác. Nê-mô vẫn giữ được sự bình tĩnh và nghị lực của mình. ông ta dùng sức mạnh tinh thần để dẹp tan những đau đớn vật chất. Nê-mô suy nghĩ, phối hợp và hành động...
    Nê-mô ra lệnh cho tàu nổi nên khỏi lớp băng và đỗ đúng phía trên cái hố lớn đang đào theo hình tàu. Các bể chứa vừa được bơm đủ nước thì tàu Nau-ti-lúx hạ xuống và lọt vào đúng hố. Trước đó, toàn thể thủy thủ đã vào trong tàu và đóng tất cả các cửa ngoài. Tàu Nau-ti-lúx nằm trên lớp băng mỏng một mét đã bị đục thủng nhiều chỗ. Lúc đó, các vòi nước ở các bể chứa được mở hết nấc, hút vào bể một trăm mét khối nước nữa, tăng trọng lượng tàu lên một trăm tấn. Chúng tôi chờ đợi, nghe ngóng, quên cả đau đớn. Tuy đầu nhức như búa bổ, một lát sau tôi vẫn nghe thấy tiếng răng rắc dưới thân tàu. Mặt băng đang rạn nứt. Cuối cùng, lớp băng vỡ hẳn ra, gây nên một tiếng động đặc biệt, giống tiếng một tờ giấy bị xé rách. Tàu Nau-ti-lúx bắt đầu chìm xuống.
    -Thoát rồi!
    Công-xây khẽ nói vào tai tôi. Tôi không còn đủ sức để trả lời nữa. Tôi chỉ nắm lấy tay Công-xây rồi bất giác xiết mạnh. Nhờ tác động của trọng lượng lớn mà tàu Nau-ti-lúx bắt đầu lặn xuống nước như một hạt gì đó rơi vào khoảng không. Lập tức toàn bộ điện năng tập trung vào các máy bơm để đẩy nước ra khỏi các bể chứa. Mấy phút sau, tàu ngừng lặn rồi bắt đầu nổi lên. Chân vịt quay nhanh đến nỗi làm toàn thân tàu rung mạnh. Tàu lao về hướng bắc. Nhưng tàu còn phải chạy dưới băng bao lâu nữa thì mới đến chỗ mặt đại dương không đóng băng? Một ngày nữa ư? Tôi sẽ chết trước lúc đó mất! Tôi nửa nằm nửa ngồi trên chiếc đi-văng ở thư viện và ngạt thở. Mặt tôi bầm lại, môi nhợt nhạt, sự rối loạn hoàn toàn về chức năng bắt đầu. Các bắp thịt mất khả năng co bóp. Tôi không nhớ tình trạng đó kéo dài mấy giờ. Tôi chỉ biết rằng mình đang hấp hối. Tôi bỗng hồi tỉnh. Mấy hụm không khí mát lọt vào phổi tôi. Chẳng lẽ tàu đã nổi lên mặt biển rồi? Không! Đó là Nét và Công-xây, những người bạn đáng yêu của tôi đã hy sinh thân mình để cứu tôi bằng cách cho tôi hít chút không khí còn sót lại trong một bình chứa! Đáng lẽ để mình thở, họ lại dành cho tôi trong khi chính họ đang bị ngạt. Tôi muốn đẩy cái bình ra, nhưng hai người giữ chặt tay tôi. Thế là tôi được thở thoải mái trong mấy phút. Tôi đưa mắt nhìn đồng hồ: mười một giờ trưa. Nghĩa là đã sang ngày 28 tháng ba. Tàu Nau-ti-lúx chạy với tốc độ ghê người là bốn mươi hải lý một giờ. Thuyền trưởng Nê-mô ở đâu? ông ta chết rồi sao? Các bạn ông ta cũng chết rồi sao? Căn cứ vào đồng hồ chỉ độ sâu, chúng tôi chỉ cách mặt biển hơn sáu mươi mét. Một lớp băng mỏng ngăn cách chúng tôi với không khí phía trên. Sao không thể phá vỡ được? Được chứ! Dù thế nào, tàu Nau-ti-lúx cũng sẽ làm như vậy, tôi cảm thấy thế! Nó hạ phía lái xuống và ngếch mũi nhọn lên. Sau đó nó mở hết tốc lực lao thẳng lên lớp băng, phá vỡ dần từng mảng. Cuối cùng, tàu xuyên thủng được mặt biển bị đóng băng và dùng sức nặng của mình phá vỡ lớp băng đó. Các cửa kính được mở rộng, không khí biển ùa vào tàu Nau-ti-lúx.

  6. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 41 - Từ mũi hoóc đến A-ma-dôn


    Tôi không biết vì sao tôi lại có mặt trên boong tàu. Có lẽ Nét đã vác tôi lên đó. Dù sao tôi cũng đang thở hít không khí trong lành của biển. Các bạn tôi cũng đang thở hít say sưa như vậy.
    -Chà chà! Dưỡng khí quả là của quý!
    -Công-xây nói.
    -Thưa giáo sư, giờ thì giáo sư đừng e dè gì cả. Có đủ không khí cho tất cả mọi người. Nét Len chẳng nói chẳng rằng. Anh ta chỉ ngoác miệng ra để thở đến nỗi cá mập nom thấy cũng phải mất tinh thần! Chúng tôi lại sức rất nhanh, nhưng khi quay lại, ngoài chúng tôi ra, tôi chẳng thấy bóng một thủy thủ nào. Cả thuyền trưởng nữa. Những thủy thủ kỳ dị của tàu Nau-ti-lúx chỉ cần chút không khí trong tàu là đủ. Những lời nói đầu tiên của tôi là lời cảm ơn hai người bạn cùng đi. Trong những giờ hấp hối kéo dài. Công-xây và Nét đã cố gắng cho tôi sống. Ân nghĩa này biết lấy gì trả được!
    -Giáo sư nói đến chuyện ân huệ làm gì!
    -Nét trả lời.
    -Có gì đáng gọi là ơn đâu. Đó là chỉ một con tính đơn giản. Tính mệnh giáo sư quý hơn chúng tôi nhiều. Vì vậy cần bảo vệ.
    -Không đúng đâu, ông Nét ạ, -Tôi trả lời.
    -Không có gì cao quý hơn tấm lòng tốt và cao thượng như tấm lòng của ông!
    -Giáo sư quá khách khí!
    -Nét ngượng nghịu.
    -Cả anh nữa, Công-xây ạ, anh cũng rất mệt.
    -Không ạ, không mệt lắm đâu ạ. Thú thực, tôi cũng thiếu chút ít không khí, nhưng tôi đã quen rồi. Hơn nữa, tôi thấy giáo sư bị ngất nên bản thân tôi cũng chẳng muốn thở nữa. Tôi hết sức xúc động.
    -Các bạn, từ nay chúng ta mãi mãi gắn bó với nhau. Đối với tôi, các bạn có đầy đủ quyền hạn...
    -Và tôi sẽ sử dụng quyền đó, -Nét ngắt lời tôi.
    -ấy ấy!
    -Công-xây nói.
    -Đúng, -Nét nói tiếp, -tôi sẽ sử dụng quyền mang giáo sư đi theo, khi tôi rời bỏ cái tàu Nau-ti-lúx quỷ quái này.
    -Thực ra, chúng ta chẳng đang đi theo một chiều hướng tốt là gì, -Công-xây nói.
    -Đúng vậy, -Tôi trả lời, -chúng ta đang hướng về mặt trời, mà mặt trời ở đây là phương bắc.
    -Nhưng vấn đề là ở chỗ tàu sẽ chạy về Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, nói khác đi là sẽ chạy đến một vùng biển có nhiều tàu qua lại hay hoang vắng, -Nét nói. Tôi không giải đáp được câu hỏi đó. Bản thân tôi cũng sợ thuyền trưởng Nê-mô sẽ đưa chúng tôi về Thái Bình Dương nằm giữa bờ biển châu Mỹ và châu á. Tới đó, ông ta sẽ kết thúc chuyến đi vòng quanh thế giới của mình và sẽ quay về những vùng biển, nơi tàu Nau-ti-lúx được độc lập, tự do nhất. Nhưng nếu tàu quay lại Thái Bình Dương, xa miền đất có người ở thì kế hoạch của Nét sẽ ra sao? Một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ được biết chính xác về điều này. Tàu chạy rất nhanh, vượt qua vòng Nam cực rồi hướng về mũi Hoóc. Bảy giờ tối 31 tháng ba, tàu chạy ngang qua điểm cực nam của châu Mỹ. Tới đây, tất cả những gian khổ vừa qua của chúng tôi đã bị quên đi. Chúng tôi chỉ nghĩ đến tương lai. Thuyền trưởng Nê-mô không xuất hiện trên boong tàu cũng như trong phòng khách. Viên thuyền phó hằng ngày đánh dấu trên bản đồ bán cầu, giúp tôi theo dõi chính xác đường đi của tàu. Tối hôm đó, tôi rất sung sướng khi thấy tàu đang rẽ sóng Đại Tây Dương mà chạy về hướng bắc. Tôi báo cho Nét và Công-xây biết kết quả quan sát của tôi.
    -Rất tốt, -Nét nói, -nhưng tàu chạy về đâu?
    -Cái đó thì tôi chịu, ông Nét ạ.
    -Biết đâu sau chuyến đi Nam cực, thuyền trưởng chẳng cho tàu chạy lên Bắc cực rồi quay về Thái Bình Dương qua cái eo biển tây bắc gớm ghiếc ấy?
    -Biết ông ta thế nào mà nói trước!
    -Công-xây trả lời.
    -Thôi kệ ông ta, -Nét nói, -chúng ta sẽ chuồn trước.
    -Dù sao, -Công-xây nói thêm, -thuyền trưởng Nê-mô cũng là một người chân chính, và chúng ta sẽ không phải ân hận gì vì đã quen với ông ta.
    -Đặc biệt là khi phải chia tay với ông ta!
    -Nét nói. Hôm sau mùng 1 tháng 4, mười hai giờ kém mấy phút tàu nổi lên mặt biển. Chúng tôi thấy ở phía tây có bờ biển. Đó là miền Đất Lửa. Sở dĩ những người đi biển gọi như vậy là vì họ thấy nhiều khói từ những túp lều của thổ dân bốc lên. Đất Lửa là một nhóm đảo trải ra trong khoảng ba mươi dặm chiều dài và hai mươi dặm chiều ngang, giữa 53o và 56o độ vĩ nam, giữa 67o50?T và 77o15?T độ kinh tây. Bờ biển có vẻ thấp, nhưng phía xa sừng sững những ngọn núi lớn. Tôi phân biệt được cả ngọn Xác-mi-en-tô nhọn hoắt. Nét cho tôi biết là tùy theo đỉnh núi có bị mây che phủ hay không mà người ta dự đoán được thời tiết xấu hay tốt.
    -Thật là một phong vũ biểu tuyệt vời.
    -Tôi nhận xét.
    -Vâng, đó là phong vũ biểu tự nhiên. Nó chưa lừa dối tôi lần nào khi tàu chạy qua eo Ma-gien-lăng.
    Đúng lúc đó, đỉnh núi Xác-mi-en-tô nổi lên trên nền trời, báo trước thời tiết tốt. Tàu Nau-ti-lúx lặn xuống rồi tiến đến gần bờ, nhưng chỉ chạy dọc theo bờ có mấy hải lý. Đến chiều tối, tàu đã tới gần nhóm đảo Phôn-clen. Sớm hôm sau, tôi nhìn thấy những ngọn núi trên nhóm đảo này. Biển ở đây không sâu lắm. Lưới trên tàu thả xuống lấy được mấy loài tảo đặc biệt. Từng đàn ngỗng trời và vịt trời bay đến bờ biển. Thế là bữa ăn trưa trên tàu lại được cải thiện. Tôi ngắm nhìn nhiều loài sứa rất đẹp mắt và muốn giữ lại mấy tiêu bản của những động vật hình cây này, nhưng tiếc là ở ngoài môi trường nước biển, chúng sẽ bị phân hủy nhanh chóng. Khi những ngọn núi cuối cùng của đảo Phôn-clen khuất sau chân trời, tàu Nau-ti-lúx lặn xuống sâu hai mươi, hai nhăm mét rồi chạy dọc bờ biển Nam Mỹ. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn không xuất hiện. Tối mùng 3 tháng 4, tàu vẫn chạy dọc bờ biển Pa-ta-gô-ni-a. Cuối cùng, tàu vượt qua vùng cửa sông La Pla-ta, rồi ngày mùng 4 tháng 4 thì chạy ngang U-ru-guay, nhưng cách bờ biển năm mươi hải lý. Tàu lượn theo bờ biển ngoằn ngoèo kỳ dị của Nam Mỹ nhưng vẫn hướng về phía bắc. Thế là từ khi đặt chân lên tàu Nau-ti-lúx ở biển Nhật Bản, chúng tôi đã đi được một vạn sáu ngàn dặm. Đến 11 giờ trưa, tàu vượt qua chí tuyến nam rồi chạy ngang qua mũi Phri-ô ra khơi. Thuyền trưởng Nê-mô không ưa quãng bờ biển Bra-xin có người ở này nên cho tàu phóng nhanh vun vút khiến Nét rất bực mình. Chẳng một chú cá nào, chẳng một con chim nào theo kịp tàu, và tất cả những kỳ quan của vùng biển này đều chỉ lướt qua chúng tôi. Tàu phóng nhanh như vậy mấy ngày liền. Chiều mùng 9 tháng 4, chúng tôi nhìn thấy điểm cực đông của Nam Mỹ là mũi Xanh-rốc. Nhưng tàu Nau-ti-lúx lại chạy về phía khác và lặn xuống lớp nước sâu nhất của lòng chảo nằm giữa mũi đất đó và dãy núi Xi-e-ra Lê-ôn trên bờ biển châu Phi. Dưới đáy lòng chảo đó nổi lên mấy ngọn núi tô điểm thêm cho cảnh vật biển sâu. Tôi nói vậy chủ yếu là dựa vào những bản đồ do chính tay thuyền trưởng Nê-mô vẽ và căn cứ vào những quan sát riêng của ông ta. Suốt hai ngày tàu băng qua quãng biển sâu vắng lặng đó. Nhưng ngày 11 tháng tư tàu bỗng nổi lên, chúng tôi trông thấy bờ một vùng biển lớn do cửa sông A-ma-dôn tạo nên. Con sông này đổ vào biển một khối nước lớn đến nỗi nước biển bị nhạt đi trong khoảng nhiều dặm. Tàu vượt xích đạo. Cách chúng tôi hai mươi hải lý về phía tây là Guy-an thuộc Pháp, nơi chúng tôi có thể tìm được nơi nương náu. Nhưng gió đang thổi mạnh làm nổi lên những đợt sóng cồn hung dữ. Với một chiếc xuồng mỏng manh thì sao có thể bơi tới bờ được! Nét Len hiểu rõ được điều đó nên không đả động gì đến chuyện chạy trốn cả. Còn tôi thì cũng lờ đi chẳng nói một lời về những kế hoạch của Nét, sợ anh ta sẽ làm những việc liều lĩnh chắc chắn sẽ đưa tới thất bại. Tôi được đền bù đầy đủ về sự trì hoãn đó bằng công việc nghiên cứu khoa học rất thú vị. Hai ngày vừa qua, 11, 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lúx không lặn xuống. Chiếc xuồng con đã đem về tàu đủ loại động vật, hình cây, cá và bò sát. Có lần một con cá đuối rất dẹt bị mắc lưới. Con cá này tròn và dẹt đến nỗi nếu chặt đuôi thì nó sẽ giống hệt một cái đĩa. Nó cân nặng hai mươi ki-lô-gam, dưới trắng, trên hơi đỏ có xen những chấm xanh thẫm lớn, da nhẵn. Khi đặt nó lên boong nó quẫy mạnh hòng thoát xuống biển, nhưng Công-xây rất quý con cá đuối đó nên nhào tới. Tôi chưa kịp ngăn lại thì hai tay anh ta đã nắm lấy con cá. Công-xây tức khắc bị tê liệt, ngã bổ chửng và la to gọi tôi:
    -Giáo sư! Giáo sư cứu tôi với! Tôi và Nét nâng anh ta dậy rồi xoa bóp cho. Công-xây vừa tỉnh dậy thì miệng đã lắp bắp:
    -Lớp có sụn, bộ cá mập có mang di động, họ cá đuối, giống cá đuối điện.
    -Đúng là cá đuối điện, anh bạn ạ. Chính nó đã làm anh đau đấy.
    -Thưa giáo sư, ngài có thể tin là tôi sẽ trả mối thù này.
    -Trả thù bằng cách gì?
    -Bằng cách ăn thịt nó! Anh ta thịt con cá to ngay chiều tối hôm đó nhưng chỉ ăn qua loa cho hả giận vì nói thực, thịt nó cứng như đế giày. Ngày 12 tháng 4, tàu Nau-ti-lúx đến gần Guy-an thuộc Hà Lan, cách cửa sông Ma-rô-ni không xa. ở đây có mấy nhóm bò biển. Những con vật đẹp đẽ, hiền lành này dài sáu, bảy mét, nặng bốn tấn. Thiên nhiên đã dành cho loài bò biển này một vai trò quan trọng. Cũng như hải cẩu, bò biển tìm thức ăn ở những đồng cỏ ngầm, do đó chúng dọn sạnh những đống cỏ chất đầy cửa những con sông nhiệt đới. Tôi nói thêm:
    -Các bạn có biết, từ khi con người tiêu diệt gần hết giống vật có ích này thì xảy ra chuyện gì không? Hiện nay cỏ chất đống lại bị thối rữa, làm ô nhiễm không khí. Không khí bị ô nhiễm gây ra bệnh sốt vàng là một tai họa cho đất nước này. Bệnh sốt tự do hoành hành từ cửa sông Ri-ô đờ La-pla đến eo Phlo-ri-đa. Tuy thủy thủ tàu Nau-ti-lúx không dám coi thường điều này, nhưng họ vẫn hạ độ sáu chú bò biển. Bếp ăn quả là đang rất cần dự trữ thịt tươi, mà thịt bò biển thì ngon tuyệt, ngon hơn thịt bò nhà nhiều. Cuộc săn bò biển chẳng có gì thú vị. Chúng cứ để người ta giết mà không chống đỡ lại. Thế là mấy tấn thịt được sấy khô rồi đưa vào kho thực phẩm trong tàu. Cũng hôm đó, chiếc thuyền con thả lưới bắt được một số cá bám, một loài cá ở đầu có một cái "đĩa" bầu dục. Cái "đĩa" này gồm những bản sụn nằm ngang di động, có khả năng tạo nên giữa những bản sụn này một khoảng chân không giúp nó bám vào các vật khác như một ống giác. Khi việc bắt cá đã kết thúc, tàu Nau-ti-lúx tiến lại gần bờ. ở đây có mấy con rùa biển đang ngủ bập bềnh trên mặt nước. Bắt giống rùa này rất khó vì chúng rất thính và có mai rất cứng. Nhưng nếu dùng cá bám thì có thể bắt dễ dàng. Loài cá bám này thực là những lưỡi câu sống.
    Thủy thủ trên tàu buộc vào đuôi cá một cái vòng rộng để cá bơi được thoải mái. Chiếc vòng này được buột vào thuyền bằng một đoạn thừng dài. Được thả xuống biển, cá bám liền bơi đến bám chặt lấy mai rùa. Chúng bám chặt đến nỗi thà bị vỡ nát ra chứ không chịu buông tha con mồi. Sau đó, cá được kéo về thuyền, kèm theo những chú rùa bị chúng bám. Thế là chúng tôi tóm được mấy chú rùa dài một mét, nặng tới hai tạ. Mai rùa được phủ nhiều lớp sừng mỏng, trong suốt, màu nâu xám, đốm trắng và vàng, là vật rất hiếm. Ngoài ra, thịt rùa biển cũng ngon như rùa thường. Tới đây, chúng tôi kết thúc những ngày ở gần vùng biển A-ma-dôn và ngay đêm ấy tàu Nau-ti-lúx ra khơi.

  7. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 42 - Bạch tuộc


    Tàu Nau-ti-lúx tới bờ biển châu Mỹ đã mấy ngày. Rõ ràng là nó không muốn vào vịnh Mếch-xích và vùng đảo Ăng-ti. Vùng biển này rải rác nhiều đảo và có nhiều tàu bè qua lại nên thuyền trưởng Nê-mô không thích. Ngày 16 tháng 4, chúng tôi làm quen với đảo Gua-đơ-lúp và Mác-ti-ních, nhưng ở khoảng cách độ ba mươi hải lý. Trước đây Nét Len định thực hiện ý đồ của mình ở vịnh Mếch-xích bằng cách nhảy thẳng lên bờ hoặc bằng cách bơi đến một chiếc tàu nào đó trong số tàu thuyền chạy con thoi giữa các đảo. Trước tình hình này, Nét hết sức thất vọng. Cuộc chạy trốn của chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Nét bí mật chiếm được chiếc xuồng trên tàu. Nhưng ở giữa biển khơi này thì còn nói chi đến chuyện ấy! Nét Len, Công-xây và tôi trao đổi ý kiến khá lâu với nhau về vấn đề này. Chúng tôi bị cầm tù trên tàu Nau-ti-lúx đã được nửa năm. Trong thời gian ấy, chúng tôi đã vượt một vạn bảy ngàn dặm và, như Nét nói, chưa biết bao giờ mới kết thúc chuyến đi này. Cuối cùng, Nét yêu cầu tôi hỏi thẳng thuyền trưởng Nê-mô lần nữa xem ông ta có ý định giam giữ chúng tôi vĩnh viễn không. Biện pháp này tôi không tán thành lắm.
    Theo tôi, làm như vậy sẽ không đạt được mục đích. Không thể trông chờ gì ở Nê-mô, mọi sự đều tùy thuộc ở chúng tôi. Hơn nữa, Nê-mô càng ngày càng trầm lặng, xa lánh chúng tôi và không niềm nở như trước. ông ta muốn tránh mặt tôi. Trước kia, Nê-mô vui vẻ giải thích cho tôi về những kỳ quan dưới biển. Giờ đây, ông ta để mặc tôi làm việc một mình và không lui tới phòng khách nữa. Tâm tư Nê-mô có gì thay đổi? Và vì sao thay đổi? Tôi tự thấy mình chẳng có gì đáng trách. Có lẽ sự có mặt của chúng tôi trên tàu đã làm Nê-mô phiền lòng? Nhưng tôi cũng không hy vọng một người như Nê-mô có thể trả lại tự do cho chúng tôi. Vì vậy, tôi xin Nét cho tôi thì giờ để suy nghĩ chín chắn trước khi hành động. Nếu việc tôi làm không đem lại kết quả gì thì sẽ khiến cho Nê-mô nghi ngờ, tình hình của chúng tôi sẽ xấu đi và có hại cho kế hoạch của chính Nét. Lấy cớ sức khỏe bị sút kém tôi thấy cũng không ổn. Nếu không kể trường hợp bị thử thách gay go ở Nam cực thì Công-xây, Nét và tôi chưa bao giờ khỏe mạnh, dễ chịu như bây giờ. Ăn uống đầy đủ, thở hít không khí trong lành, sinh hoạt điều độ đã loại trừ khả năng ốm đau. Tôi hiểu rõ tính chất ưu việt của kiểu sống như thế này đối với con người đã vứt bỏ không thương tiếc những kỷ niệm về mặt đất, đặc biệt là đối với một người như thuyền trưởng Nê-mô coi tàu Nau-ti-lúx là nhà, cho tàu chạy đi khắp nơi theo ý muốn và vươn tới mục đích của mình bằng những con đường chỉ riêng mình biết. Nhưng chúng tôi thì không cắt đứt quan hệ với nhân loại. Về phần tôi, tôi không muốn mang theo xuống mồ những công trình rất mới lạ và kỳ thú của mình. Đúng là giờ đây tôi có quyền viết một cuốn sách thực sự về biển cả và tôi muốn cuốn sách đó được xuất bản càng sớm càng tốt. ở ngay đây thôi, trong vùng đảo Ăng-ti này, chỉ dưới mặt biển mười mét, nhìn qua ô cửa phòng khách, tôi đã thấy được biết bao tác phẩm kỳ diệu của thiên nhiên!... Tàu Nau-ti-lúx lặn xuống sâu hai, ba ngàn mét và ngày 20 tháng 4 lại lên cách mặt biển một ngàn năm trăm mét. Gần chúng tôi nhất là quần đảo Lu-cai. Từ đáy biển nổi lên những mỏm đá lớn dựng đứng, phủ đầy những loài tảo khổng lồ... Khoảng 11 giờ trưa, Nét Len lưu ý tôi giữa đám tảo đó có một con vật gì đó rất đáng sợ. Tôi nói:
    -Đúng, ở đây có nhiều hang thích hợp với bạch tuộc. Nếu có gặp những quái vật đó ở đây, tôi cũng chẳng ngạc nhiên chút nào.
    -Có gì mà gọi là quái vật?
    -Công-xây thắc mắc.
    -Không, -Tôi trả lời, -đó là loài bạch tuộc lớn. Nhưng chắc ông bạn Nét của chúng ta trông lầm, tôi chẳng thấy gì cả.
    -Thật tiếc, -Công-xây nói, -tôi muốn được nhìn tận mắt một con thuộc loại ấy. Người ta kể rằng chúng có thể kéo cả một chiếc tàu xuống đáy biển. Nét phản đối:
    -Tôi không bao giờ tin rằng trên đời này lại có một giống vật như vậy.
    -Sao lại không?
    -Công-xây cãi.
    -Không thể phủ nhận rằng trong số bạch tuộc có những con rất lớn tuy không bằng cá voi, -Tôi nói.
    -Anh em dân chài thường gặp những con bạch tuộc hơn một mét tám. ở Viện bảo tàng Tơ-ri-ét và Mông-pe-li-ê còn giữ được những bộ xương bạch tuộc dài hai mét. Theo tính toán của các nhà tự nhiên học thì bạch tuộc dài hai mét phải có vòi dài hai mươi bảy mét. Thế là đủ khủng khiếp lắm rồi!
    -Thế bây giờ người ta còn bắt được những con to như vậy nữa không?
    -Nét hỏi.
    -Dù không bắt được, nhưng dân đánh cá vẫn gặp luôn. Một ông bạn tôi là Thuyền trưởng Pôn Bốt ở Ha-vrơ nhiều lần cam đoan với tôi rằng ông ta đã thấy những quái vật đó ở ấn Độ Dương. Nhưng trường hợp kỳ lạ nhất khiến ta không thể nghi ngờ gì về sự tồn tại của loài bạch tuộc này, đã xảy ra cách đây mấy năm.
    -Trường hợp đó thế nào?
    -Nét hỏi.
    -Năm 1861, về phía tây bắc Tê-nê-ríp, cũng ở khoảng vĩ độ này, thủy thủ tàu A-lếch-tôn phát hiện ra một con bạch tuộc khổng lồ đang bơi cùng tuyến đường. Thuyền trưởng Bu-ghe cho tàu chạy sát con vật và dùng các loại súng bắn nhưng vô hiệu vì lao nhọn và đạn đều xuyên qua thân bạch tuộc như qua một khối thịt đông. Sau mấy lần thất bại, cánh thủy thủ bèn dùng thòng lọng để bắt. Thòng lọng mắc vào thân bạch tuộc nhưng tới vây đuôi mới thắt lại được. Lúc đó, mọi người cố sức kéo con vật lên tàu nhưng nó nặng quá đến nỗi đuôi bạch tuộc bị đứt ra. Thế là nó lặn xuống biến mất.
    -Thế nó dài bao nhiêu?-Nét hỏi.
    -Có phải chừng sáu mét không? -Công-xây hỏi. Anh ta đứng bên cửa sổ và nhìn vào các hốc đá.
    -Đúng vậy. -Tôi trả lời. Công-xây hỏi tiếp:
    -Có phải trên đầu nó có tám vòi, ngọ ngoạy trong nước biển như một bầy rắn không?
    -Đúng vậy, Công-xây ạ.
    -Có phải hai hàm của nó rất giống mỏ vẹt, nhưng lớn hơn nhiều không?
    -Rất đúng.
    -Thế thì, thưa giáo sư, có phải nó kia không ạ? Tôi nhìn Công-xây, còn Nét Len thì lao đến cửa sổ.
    -Con vật khủng khiếp quá! -Nét la lên.
    Tôi cũng đưa mắt nhìn qua ô cửa và bất giác lùi lại. Trước mắt tôi, một quái vật đương bơi tới. Đó là một con bạch tuộc dài chừng tám mét. Nó bơi lùi rất nhanh về phía tàu. Mắt nó màu xanh xám nhìn thẳng không động đậy. Tám cánh tay, hay đúng hơn, tám chân từ đầu mọc ra dài gấp đôi thân và luôn luôn uốn cong. Nhìn thấy rõ hai trăm rưỡi cái giác ở phía trong vòi. Hai hàm răng bạch tuộc giống cái mỏ vẹt bằng sừng, luôn luôn mở ra khép lại. Lưỡi nó cũng bằng chất sừng có mấy hàm răng nhọn, rung lên bần bật mỗi khi thò ra khỏi mồm. Thân nó hình thoi phình ở giữa, là một khối thịt nặng chừng hai mươi, hăm nhăm tấn. Màu sắc nó thay đổi rất nhanh từ màu xám chì sang màu nâu đỏ. Vì sao con bạch tuộc tức giận? Hẳn là vì sự xuất hiện của tàu Nau-ti-lúx to lớn hơn nó và vì vòi cũng như hai hàm răng của nó chẳng làm nên chuyện gì... Được gặp một con bạch tuộc như thế này đối với tôi thật là dịp may hiếm có, nên tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nghiên cứu nó cặn kẽ. Tôi cố nén sự sợ hãi mà cầm bút chì vẽ nó.
    -Có lẽ đây chính là con bạch tuộc mà tàu A-lếch-tôn đã gặp?
    -Công-xây hỏi.
    -Không, -Nét trả lời, -con này còn nguyên vẹn, còn con kia đã mất đuôi.
    -Không phải thế đâu, -Tôi phản đối.
    -Vòi và đuôi bạch tuộc có khả năng mọc lại. Trong bảy năm, con bạch tuộc mà tàu A-lếch-tôn gặp tất nhiên có khả năng mọc một cái đuôi mới. ở bên phải cửa sổ xuất hiện bảy con bạch tuộc nữa. Chúng bơi theo tàu. Tôi nghe tiếng chúng lấy mỏ mổ chan chát vào vỏ tàu. Chúng tôi được một phen vô cùng khoái chí. Tôi tiếp tục vẽ. Lũ quái vật bám sát con tàu đến nỗi dường như chúng đứng yên tại chỗ và giúp tôi vẽ chúng trực tiếp trên tấm kính ô cửa. Hơn nữa, con tàu chỉ chạy ở tốc độ vừa phải. Tàu Nau-ti-lúx bỗng dừng lại, toàn thân tàu rung lên.
    -Chẳng lẽ chúng ta lại vấp phải cái gì?
    -Tôi hỏi. Nét trả lời:
    -Dù có vấp phải cái gì, ta cũng không ngại vì tàu đang đỗ ở chỗ nước trong. Đúng là tàu đang đỗ ở chỗ nước trong, nhưng đứng yên không nhúc nhích. Chân vịt không quay nữa rồi. Một phút trôi qua. Thuyền trưởng Nê-mô và viên thuyền phó bước vào phòng khách. Đã mấy hôm nay tôi không gặp Nê-mô. ông ta không nói chuyện với chúng tôi, có lẽ chẳng nhìn thấy chúng tôi nữa. ông ta bước tới cửa sổ, nhìn lũ bạch tuộc rồi nói mấy câu với thuyền phó. ông này đi ra. Cửa sổ lập tức đóng lại. Đèn trên trần bật sáng. Tôi đến chỗ Nê-mô.
    -Thật là một "bộ sưu tập" bạch tuộc thú vị.
    -Tôi nói.
    -Vâng, thưa nhà tự nhiên học, giờ đây chúng ta sắp giáp chiến với chúng. Tôi hoang mang nhìn Nê-mô. Tôi cho rằng mình không hiểu ý ông ta.
    -Giáp chiến ạ?
    -Tôi hỏi lại.
    -Vâng. Chân vịt đã ngừng quay. Tôi đoán rằng hàm răng bằng sừng của một con bạch tuộc đã mắc vào cánh chân vịt làm tàu không chạy được nữa.
    -Thế ngài định làm thế nào?
    -Cho tàu nổi lên mặt nước rồi tiêu diệt sạch lũ quỷ này.
    -Khó đấy.
    -Đúng là khó. Những viên đạn có điện khi xuyên vào thân bạch tuộc mềm không thể nổ được vì không gặp đủ sức cản. Nhưng ta sẽ tiến công bằng rìu.
    -Và bằng dao nhọn, thưa ngài thuyền trưởng, -Nét bổ sung, -nếu ngài không từ chối sự giúp đỡ của tôi.
    -Xin đồng ý với ông.
    -Chúng tôi cũng sẽ giúp ngài một tay, -Tôi nói rồi cùng đi với Nê-mô đến cầu thang trung tâm. ở đó đã tập hợp chừng hai mươi người cầm rìu sẵn sàng chiến đấu. Nét cầm lấy dao nhọn, còn tôi và Công-xây thì dùng rìu. Tàu Nau-ti-lúx đã nổi lên mặt nước. Một thủy thủ vừa vặn ê-cu ra thì nắp tàu đã bật lên rất mạnh, rõ ràng là do sức hút của một con bạch tuộc nào đó. Lập tức một cái vòi dài trườn xuống dưới thang như một con rắn, còn độ hai chục vòi nữa thì ngoằn ngoèo ở phía trên. Thuyền trưởng Nê-mô lấy rìu chặt đứt phăng cái vòi khủng khiếp đó khiến nó lặn xuống. Trong khi chúng tôi cố mở đường lên boong thì hai cái vòi khác lao tới một thủy thủ đứng trước Nê-mô rồi nhấc bổng anh ta lên. Thuyền trưởng vừa kêu vừa nhảy vọt ra ngoài. Chúng tôi vội lao theo. Cảnh tượng thật đáng sợ! Người thủy thủ khốn khổ bị vòi bạch tuộc quấn chặt, đang chới với trên không. Anh ta bị nghẹt thở, kêu lên:
    ?oCứu tôi với! Cứu tôi với!" Anh ta kêu bằng tiếng Pháp khiến tôi sửng sốt. Trên tàu có một đồng bào của tôi và có lẽ không phải là người duy nhất! Tiếng kêu xé ruột xé gan đó tôi sẽ còn nghe thấy suốt đời. Người xấu số đang ngắc ngoải. Ai có thể giằng anh ta ra khỏi cái vòi bạch tuộc bây giờ?
    Nhưng Nê-mô đã xông đến và chặt đứt luôn cái vòi. Viên thuyền phó, các thủy thủ và ba người chúng tôi cũng dùng vũ khí chiến đấu quyết liệt với những con bạch tuộc khác đang bò trên thành tàu. Thật là khủng khiếp! Có lúc tôi tưởng người bị nạn sắp được cứu thoát khỏi sức hút của vòi bạch tuộc. Con quái vật có tám vòi thì bảy vòi đã bị chặt đứt. Cái vòi còn lại vẫn quấn chặt người thủy thủ và ngoe nguẩy trên không. Khi Nê-mô và viên thuyền phó vừa lao tới thì quái vật liền phun ra một chất lỏng màu đen. Chúng tôi lập tức bị tối tăm mặt mũi chẳng nhìn thấy gì. Khi đám "mây" đen tan đi thì quái vật đã biến mất, mang theo cả người đồng hương xấu số của tôi! Chúng tôi xông đến lũ bạch tuộc. Ai nấy đều sôi sục căm thù! Trên boong tàu và ở thành tàu có độ mươi, mười hai con. Chúng bị chém đứt ra từng đoạn và quằn quại trong máu đỏ và "mực" đen. Nét Len phóng lao nhọn vào những cái mắt xanh xám của lũ quái vật, lần nào cũng trúng đích. Tuy vậy, khi anh bạn dũng cảm của tôi chưa kịp quay lại thì đã bị một đối thủ dùng vòi quật ngã. Cái mỏ đáng sợ của quái vật đã há hốc ra ở phía trên Nét. Tôi lao tới cứu anh ta. Nhưng Nê-mô đã đến trước tôi. Lưỡi rìu của Nê-mô cắm phập vào mồm quái vật. Nét thoát chết liền đứng dậy và phóng ngập mũi lao vào tim kẻ thù.
    -Tôi có bổn phận trả ơn ông!
    -Nê-mô bảo Nét. Nét chỉ nghiêng mình đáp lại. Cuộc chiến đấu kéo dài mười lăm phút. Lũ bạch tuộc chiến bại, phần bị chết, phần bị thương, cuối cùng phải bỏ chiến trường mà lẩn xuống biển sâu. Thuyền trưởng Nê-mô, mình nhuốm đầy máu, đứng lặng người bên chiếc đèn pha mà nhìn xuống biển cả vừa nuốt mất một người đồng hương của mình. Mắt Nê-mô ứa lệ.

  8. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 43 - Hải lưu Gơn-xtơ-rim


    Chúng tôi không ai quên được sự kiện hãi hùng ngày 20 tháng 4. Khi thuật lại, tôi vẫn cảm thấy hết sức xúc động. Chuyện viết xong, tôi đọc lại rồi đọc cho Công-xây và Nét nghe. Họ thấy tôi đã thuật lại sự kiện một cách chính xác nhưng chưa sinh động lắm. Như trên đã nói, thuyền trưởng Nê-mô vừa nhìn xuống biển vừa khóc. Nỗi đau khổ của Nê-mô thật vô hạn. Kể từ khi chúng tôi có mặt trên tàu Nau-ti-lúx, đây là người đồng chí thứ hai của ông ta bị chết. Và chết một cách bi thảm! Chết mà không được an nghỉ giữa những đồng chí của mình trong nghĩa trang san hô. Về phần tôi, tôi đứt từng khúc ruột khi nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng thốt ra từ miệng người thủy thủ xấu số giữa trận chiến đấu quyết liệt. Người Pháp bất hạnh đó đã quên mất thổ ngữ vẫn dùng trên tàu mà trở về với tiếng mẹ đẻ, tiếng quê hương, dùng nó để kêu cứu lần cuối cùng, nhưng vô hiệu!... Thuyền trưởng Nê-mô trở về phòng riêng. Tôi không gặp ông ta suốt thời gian sau đó. Nhưng căn cứ vào cách đi đứng của con tàu mà thuyền trưởng Nê-mô là linh hồn, thì có thể đoán được rằng Nê-mô đã buồn bã, thất vọng và do dự như thế nào khi ngồi một mình trong phòng riêng. Tàu Nau-ti-lúx khi chạy tới, khi chạy lui, chẳng theo hướng nào nhất định. Nó bập bềnh theo sóng như một xác chết. Chân vịt đã được lau rửa sạch, nhưng gần như không hoạt động nữa. Thuyền trưởng Nê-mô lái tàu chẳng có chủ định gì. ông ta không đủ sức đi khỏi nơi diễn ra trận chiến đấu vừa rồi, đi khỏi vùng biển đã nuốt sống người bạn của mình! Mười ngày đã trôi qua như vậy.
    Cuối cùng, ngày 1 tháng 5, tàu Nau-ti-lúx hướng hẳn về phía bắc như cũ và chạy ngang qua nhóm đảo Lu-cai. Tàu xuôi theo một dòng biển lớn nhất có ranh giới riêng, có các loài cá và nhiệt độ riêng. Tôi muốn nói về dòng biển Gơn-xtơ-rim. Đó là một con sông thật sự, nhưng chảy giữa Đại Tây Dương. Nước sông cũng mặn, thậm chí mặn hơn nước biển chung quanh. Độ sâu trung bình của nó là chín trăm mét, rộng trung bình sáu mươi hải lý. ở đôi chỗ, nước chảy nhanh 4 ki-lô-mét một giờ. Lượng nước dòng biển này cố định hơn các dòng sông khác trên trái đất nhiều. Dòng biển Gơn-xtơ-rim bắt nguồn thực sự từ vịnh Gát-xcôn. ở đấy nước biển được sưởi ấm một chút rồi chảy về phía nam, dọc bờ biển châu Phi xích đạo. Sau khi được mặt trời châu Phi hun nóng, nó chảy ngang qua Đại Tây Dương, tới mũi Xanh Rốc ở bờ biển Bra-xin rồi chia thành nhánh. Một bộ phận của nó hướng về nhóm đảo Ăng-ti và lại được hun nóng. ở đây, hình như được thiên nhiên trao cho chức năng cân bằng nhiệt độ, dòng Gơn-xtơ-rim hòa nước biển nhiệt đới với nước biển miền bắc. Được mặt trời ở vịnh Mếch-xích đốt nóng, dòng Gơn-xtơ-rim ngược lên phía bắc tới bờ biển Niu Phao-len ở Bắc Mỹ. ở đây do tác động của dòng nước lạnh đại dương, đến kinh tuyến 43, dòng biển chia thành hai nhánh. Một nhánh chịu tác động của tín phong tây-bắc, trở lại vịnh Gát-xcôn và nhóm đảo A-xo. Nhánh kia sưởi ấm bờ biển Ai-len và Na-uy rồi chảy tới Spit-béc, nơi nhiệt độ hạ xuống tới 4o nhưng vẫn đủ để tạo nên một vùng biển không bị đóng băng.
    Tàu Nau-ti-lúx cứ theo dòng biển ấy mà đi. Ra khỏi eo Ba-ha-ma rộng mười bốn dặm và sâu ba trăm năm mươi mét, dòng Gơn-xtơ-rim chảy với tốc độ tám ki-lô-mét một giờ. Càng lên phía bắc, tốc độ nó càng giảm. Mong sao dòng biển giữ vững mãi được sự điều hòa này. Nếu lúc nào đó, Gơn-tơ-rim thay đổi tốc độ và hướng chảy, như người ta dự kiến, thì khí hậu các nước châu Âu sẽ bị lay chuyển rất mạnh, gây nên những hậu quả không thể lường trước được... Dòng biển chảy mạnh cuốn theo cả một thế giới sinh vật phong phú. Ban đêm nước ở đây lấp lánh lân tinh có thể sánh được với ánh sáng đèn pha trên tàu. Ngày 8 tháng 5, tàu chạy ngang qua mũi Gat-te-rax ở độ vĩ Bắc Ca-rô-li-na. Đến đây dòng Gơn-xtơ-rim rộng tới bảy nhăm hải lý, sâu hai trăm mười mét. Tàu Nau-ti-lúx chạy không có phương hướng rõ rệt. Trên tàu chẳng có ai canh gác. Phải thấy rằng trong điều kiện này có thể chạy trốn được. Bờ biển có người ở là nơi nương náu rất thuận lợi. Biển lúc nào cũng có tàu bè qua lại. Có thể hy vọng là sẽ được họ cứu. Tất cả những điểm đó là điều kiện tốt, mặc dù tàu Nau-ti-lúx còn cách bờ biển nước Mỹ ba mươi hải lý.
    Nhưng một điểm khác rất đáng buồn, đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch của Nét. Thời tiết rất xấu. Tàu Nau-ti-lúx đang đến gần vùng bờ biển rất hay có bão, nơi chính dòng Gơn-xtơ-rim sản sinh ra gió xoáy và vòi rồng nước. Dùng chiếc thuyền con này mà lao vào vùng biển động thì có nghĩa là cầm chắc cái chết trong tay. Nét cũng đồng ý như vậy. Ngay hôm đó, anh ta bảo tôi:
    -Thưa giáo sư, đã đến lúc chấm dứt tình trạng này. Tôi muốn hành động công khai. ông Nê-mô của ngài cho tàu chạy xa đất liền về hướng phía bắc. Tôi xin tuyên bố với ngài rằng tôi đã xin đủ cái đất Nam cực và sẽ không bao giờ theo ông ta đi Bắc cực cả!
    -Biết làm thế nào, hả ông Nét, một khi việc chạy trốn không thể thực hiện được?
    -Tôi vẫn giữ ý kiến của tôi. Ta phải nói chuyện với thuyền trưởng. Ngài không muốn nói chuyện với ông ta khi tàu ở vùng biển nước ngài. Nay tàu đang ở vùng biển Tổ quốc tôi. Tôi chỉ có một ý nghĩ: mấy hôm nữa tàu sẽ chạy ngang Tây Xcốt-len; gần Niu Phao-len có một vũng biển lớn, nơi con sông Xanh Lô-ranh đổ vào. Sông này là sông của tôi, sông của thành phố quê hương tôi. Chỉ cần nghĩ vậy là máu đã dồn lên mặt tôi và tôi đã thấy ngứa ngáy khó chịu. Giáo sư biết không, thà tôi đâm đầu xuống biển còn hơn là ở lại tàu này! ở đây mãi tôi sẽ chết mất! Rõ ràng Nét không thể chịu đựng được hơn nữa. Cái bản chất hảo hán của anh ta không thích nghi được với cảnh tù túng lâu như vậy. Vẻ mặt Nét ngày càng âu sầu hơn. Tôi cũng thông cảm với nỗi đau khổ của Nét vì chính tôi cũng nhớ quê hương đất nước da diết. Đã bảy tháng nay chúng tôi chẳng biết tin tức gì về mặt đất cả. Ngoài ra, sự lạnh nhạt của thuyền trưởng Nê-mô, sự thay đổi tính tình của ông ta, nhất là sau đêm chiến đấu với bạch tuộc, sự im lặng của ông ta
    -tất cả những cái đó khiến tôi nhìn thấy sự vật khác hẳn trước. Phải là người như Công-xây mới sống nổi trong môi trường đúng ra chỉ dành riêng cho cá voi và các động vật khác của biển sâu.
    -Thế nào giáo sư?
    -Nét Len hỏi vì không thấy tôi trả lời.
    -ông muốn tôi hỏi thuyền trưởng Nê-mô xem ông ta định xử sự với chúng ta thế nào, phải không?
    -Vâng.
    -Mặc dù Nê-mô đã tỏ ý rõ ràng rồi?
    -Vâng, tôi muốn xác định điều đó lần cuối cùng. Nếu ngài muốn, ngài có thể chỉ nói về tôi, nhân danh cá nhân tôi.
    -Nhưng tôi rất ít gặp Nê-mô. Thậm chí ông ta tránh mặt tôi.
    -Thế thì càng cần gặp.
    -Tôi sẽ nói chuyện với Nê-mô, ông Nét ạ.
    -Bao giờ nói?-Nét hỏi gặng.
    -Khi nào gặp sẽ nói.
    -Ngài A-rô-nắc, thế ngài muốn để tôi đến gặp Nê-mô à?
    -Không, ông cứ để tôi. Ngày mai...
    -Ngay hôm nay!
    -Được. Tôi sẽ gặp Nê-mô hôm nay,
    Tôi trả lời Nét vì cảm thấy nếu để anh ta trực tiếp làm việc này thì sẽ hỏng bét. Tôi ngồi lại một mình. Một khi vấn đề được đặt ra, tôi muốn giải quyết dứt khoát ngay. Tôi trở về phòng riêng và nghe thấy tiếng chân bước trong phòng thuyền trưởng. Không nên để lỡ cơ hội gặp ông ta. Tôi gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Tôi lại gõ và vặn quả đấm cửa. Cửa mở ra. Tôi vào. Trong phòng chỉ có một mình thuyền trưởng. ông ta không nghe thấy tôi vào vì mải cắm cúi trên bàn. Tôi đến gần, Nê-mô vội ngẩng đầu lên, nhíu mày và nói khá gay gắt:
    -Ngài đấy à? Ngài muốn gì?
    -Thưa thuyền trưởng. Tôi muốn nói chuyện với ngài.
    -Nhưng tôi đang bận việc. Tôi để ngài được tự do một mình, chẳng lẽ tôi không được hưởng cái tự do đó sao? Cuộc gặp gỡ này chẳng có gì đáng phấn khởi lắm. Nhưng tôi quyết nghe cho hết để có thể nói được hết. Tôi lạnh lùng trả lời:
    -Thưa thuyền trưởng, tôi muốn thưa với ngài một chuyện không thể trì hoãn được.
    -Chuyện gì vậy?
    -Nê-mô hỏi một cách châm biếm.
    -Ngài vừa tìm ra một điều gì mà trước đây tôi chưa biết? Hay biển cả vừa lộ ra cho ngài những bí mật mới? Chúng tôi khó nói chuyện với nhau quá! Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì Nê-mô đã chỉ cho tôi tập bản thảo đang mở ra trước mặt rồi nói một cách trang trọng:
    -Ngài A-rô-nắc, đây là bản thảo đã dịch ra mấy thứ tiếng. Nó gồm có bản thông báo tóm tắt về những công trình nghiên cứu biển của tôi, may ra sẽ không mất đi theo tôi. Bản thảo này kèm theo chuyện cuộc đời tôi, sẽ được đặt trong một cái máy không chìm được. Ai là người sống sót cuối cùng trên tàu này sẽ ném máy xuống biển để nó tự do trôi theo sóng. Tên tuổi con người này ư? Tiểu sử nữa ư? Nghĩa là có lúc nào đó, bí mật của Nê-mô sẽ được sáng tỏ? Nhưng trong giờ phút này, điều đó đối với tôi chỉ là một phương tiện để tiến tới câu chuyện muốn nói. Tôi trả lời:
    -Thưa thuyền trưởng, tôi không thể tán thành ý định đó của ngài. Không thể để những kết quả của nghiên cứu khoa học của ngài mai một đi được. Nhưng phương tiện mà ngài lựa chọn tôi thấy quá thô sơ. Ai biết gió sẽ đẩy cái máy đó trôi đi đâu và nó sẽ rơi vào tay ai? Chẳng lẽ ngài không thể nghĩ ra cách gì chắc chắn hơn? Chẳng lẽ bản thân ngài hay ai đó trong số...
    -Không!
    -Nê-mô ngắt lời tôi.
    -Thế thì tôi và các bạn tôi sẵn sàng nhận bảo quản tập bản thảo của ngài, nếu ngài trả tự do cho chúng tôi...
    -Tự do ư? -Nê-mô đứng dậy hỏi.
    -Vâng, tôi muốn nói với ngài chính về vấn đề đó. Chúng tôi ở trên tàu của ngài đã được bảy tháng. Hôm nay, thay mặt bạn tôi và nhân danh cá nhân, tôi xin hỏi: ngài có định giam giữ chúng tôi vĩnh viễn không?
    -Ngài A-rô-nắc, hôm nay tôi sẽ trả lời ngài như đã trả lời bảy tháng trước đây:
    ?oAi đã xuống tàu Nau-ti-lúx thì người đó không bao giờ ra khỏi tàu cả".
    -Nghĩa là ngài biến chúng tôi thành nô lệ?
    -Nếu ngài muốn gọi thế thì tùy ngài.
    -Nhưng ở đâu kẻ nô lệ cũng có quyền giành lại tự do cho mình! Và để đạt được mục đích đó, thì phương tiện nào cũng tốt!
    -Có ai phủ nhận cái quyền đó của ngài đâu? Phải chăng đã có lúc nào đó tôi bắt các ngài phải thề bồi? Nê-mô khoanh tay trước ngực, nhìn tôi. Tôi nói:
    -Thưa thuyền trưởng, ngài cũng như tôi đều không muốn trở lại vấn đề này. Nhưng một khi đã đề cập tới, thì chúng ta nên giải quyết đến nơi đến chốn. Xin thưa lại với ngài rằng, vấn đề này không phải chỉ liên quan đến riêng tôi. Đối với tôi, nghiên cứu khoa học là một nguồn cổ vũ, một niềm say sưa có thể khiến tôi quên hết mọi sự. Cũng như ngài, tôi có thể sống không cần ai biết đến, sống ẩn danh, với hy vọng mỏng manh là sẽ truyền lại cho đời sau những kết quả nghiên cứu của mình. Tóm lại, chỉ riêng tôi là có thể vừa thán phục ngài, vừa thích thú ngài, và đóng một vai trò mà tôi cũng hiểu được đôi phần. Nhưng trong cuộc đời ngài còn có một mặt khác rất phức tạp và bí ẩn, mà tôi và các bạn tôi không liên quan đến chút nào. Chính vì chúng tôi xa lạ với tất cả những gì riêng tư của ngài, mà chúng tôi không thể chịu đựng được hoàn cảnh hiện nay. Tôi cũng vậy, huống chi là Nét Len. Mỗi con người ở đời này đều xứng đáng được quan tâm tới. Ngài có bao giờ tự hỏi rằng lòng yêu tự do và căm ghét ách nô lệ có thể thúc đẩy những người như Nét mưu tính và hành động trả thù như thế nào không? Tôi ngừng lời, Nê-mô đứng dậy nói:
    -Nét Len có thể mưu tính và làm gì, tôi không cần quan tâm đến! Có phải tôi tìm ông ta đâu! Giữ ông ta trên tàu này thì tôi thích thú gì? Còn ngài thì thuộc loại người có thể hiểu được tất cả, ngay cả sự im lặng. Tôi không có gì để trả lời nữa. Lần nói chuyện của ngài hôm nay về vấn đề này sẽ là lần cuối cùng. Vì lần sau, tôi có thể sẽ không trả lời nữa. Tôi đi ra. Từ ngày đó, chúng tôi sống rất căng thẳng. Tôi thuật lại chuyện này cho Nét và Công-xây nghe. Nét nói:
    -Bây giờ ít nhất ta cũng biết rằng chẳng thể mong đợi gì ở Nê-mô. Tàu Nau-ti-lúx đang đến gần Long Ai-len. Dù thời tiết thế nào, ta cũng sẽ chạy trốn. Nhưng những triệu chứng của một cơn bão đã xuất hiện. Không khí chuyển sang màu trắng đục. Biển bắt đầu nổi sóng lớn. Chim chóc biến mất cả, trừ chim báo bão. áp kế hạ thấp rõ rệt, chứng tỏ không khí đã tích tụ nhiều hơi nước...
    Cơn bão nổ ra ngày 18 tháng 5, đúng lúc tàu Nau-ti-lúx chạy ngang qua Long Ai-len cách những lạch biển Niu I-oóc mấy hải lý. Sở dĩ tôi miêu tả được cảnh bão tố này là nhờ thuyền trưởng Nê-mô muốn cho tàu đọ sức với bão trên mặt biển. Gió tây-nam lúc đầu rất mát, thổi với tốc độ mười lăm mét một giây, đến ba giờ chiều thì đạt tới hăm nhăm mét một giây. Thuyền trưởng Nê-mô đứng trên boong đương đầu với ngọn gió điên cuồng ấy. ông ta tự buộc ngang mình vào boong tàu để khỏi bị sóng dữ cuốn đi mất. Tôi cũng trèo lên boong, tự buộc mình như vậy, rồi vừa ngắm cảnh bão tố, vừa ngắm con người không ai sánh nổi, con người đang chiến đấu với thiên nhiên hung dữ. Gần năm giờ chiều, mưa rào ập xuống, nhưng gió vẫn to, sóng vẫn lớn. Cơn bão đi với tốc độ bốn nhăm mét một giây, hay bốn mươi dặm một giờ. Với sức gió ấy, nó phá đổ nhà, cuốn theo ngói, nhổ bật cả hàng rào sắt. Tuy nhiên, ngay trong bão lớn như vậy, tàu Nau-ti-lúx vẫn chứng minh lời một kỹ sư -bác học nói là đúng:
    ?oKhông một con tàu nào đóng tốt mà không đương đầu được với biển cả". Tàu Nau-ti-lúx là một con thoi bằng thép ngoan ngoãn, cơ động, không có cột buồm và các thiết bị bên ngoài, nên có thể hiên ngang chống chọi lại biển dữ. Tôi chăm chú quan sát những đợt sóng khổng lồ. Chúng cao tới mười lăm mét và dài tới một trăm năm mươi, một trăm bảy mươi mét, còn tốc độ thì bằng nửa tốc độ gió, nghĩa là mười lăm mét một giây. Biển càng sâu, sóng càng cao. Bây giờ tôi đã hiểu được vai trò đặc biệt của sóng, khi chúng cuốn theo dưỡng khí và đưa nguồn sống xuống tận lòng biển sâu. Đêm tối cơn bão càng hung dữ. Trong bóng đêm, tôi nhận ra ở chân trời một con tàu đang vật lộn vất vả với sóng gió. Một lát sau, nó bị chân trời che khuất. Gần mười giờ đêm, bầu trời rực lửa. Mọi vật xung quanh đều chìm trong ánh chớp. Tôi không chịu nổi ánh sáng chói lòa ấy, nhưng thuyền trưởng Nê-mô thì lại nhìn không chớp mắt, dường như muốn thu cái hồn của bão tố vào mình. Dòng biển Gơn-xtơ-rim quả xứng đáng với tên gọi là "Vua bão"! Do sự chênh lệch nhiệt độ giữa nó và các lớp không khí nằm trên nó mà sinh ra tất cả những cơn gió xoáy khủng khiếp này... Tôi mệt lả nên nằm xuống mở nắp tàu ra rồi xuống phòng khách. Lúc đó cơn bão lên tới đỉnh cao nhất.
    Trong tàu Nau-ti-lúx không ai có thể đứng vững. Gần nửa đêm, thuyền trưởng Nê-mô cũng quay xuống. Tôi nghe thấy tiếng nước từ từ chảy vào các bể chứa. Tàu Nau-ti-lúx nhẹ nhàng chìm xuống dưới mặt biển. Qua ô cửa mở, tôi thấy những con cá lớn hoảng sợ bơi như những bóng ma trong khoảng nước lấp lánh ánh chớp. Tàu vẫn lặn xuống. Tôi tưởng đến độ sâu mười lăm mét nó sẽ tìm thấy sự yên tĩnh. Nhưng không, những lớp nước trên cồn lên quá dữ dội. Muốn yên tĩnh thì phải lặn xuống sâu nữa, tới năm mươi mét. ở đây mới thực phẳng lặng, thực thanh bình! Ai có thể bảo rằng phía trên đang có một cơn bão khủng khiếp.

  9. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 44 - ở độ vĩ 47o24?T và độ kinh 17o28?T


    Cơn bão đã đánh giạt con tàu về phía đông. Thế là tiêu tan hy vọng chạy trốn lên bờ biển Niu I-oóc hay sông Xanh Lô-răng. Anh chàng Nét khốn khổ vì tuyệt vọng nên lảng tránh mọi người giống như Nê-mô, nhưng tôi và Công-xây thì vẫn không rời nhau. Tôi đã nói rằng tàu Nau-ti-lúx quay sang hướng đông. Đúng hơn là sang hướng đông bắc. Trong khoảng mấy ngày, khi nổi, khi lặn, tàu lang thang giữa đám sương mù mà người đi biển rất hoảng sợ. Sở dĩ có sương mù là do khi băng tan, hơi ẩm được giữ lại rất nhiều trong không khí. Biết bao tàu thuyền đã bị đắm ở đây! Sương mù dày đặc đã gây biết bao tai họa! Biết bao tàu thuyền đã va phải đá ngầm, khi tiếng gió gào thét át hẳn tiếng sóng gào, biết bao tàu thuyền đã đâm vào nhau mặc dù đã phát tín hiệu bằng đèn, đã rúc còi và rung chuông! Chính vì vậy mà đáy biển ở đây giống hệt một bãi chiến trường, nơi chôn vùi tất cả những kẻ bị đại dương đánh bại: có nhiều tàu thuyền cũ kỹ đã phủ đầy bùn đất, có những chiếc khác mới hơn, còn lấp loáng những bộ phận bằng sắt và bằng đồng dưới ánh đèn pha của tàu Nau-ti-lúx. Tàu Nau-ti-lúx đi giữa đống tàu thuyền hoang tàn ấy tựa như đang duyệt những xác chết. Ngày 15 tháng 5, chúng tôi tới mỏm phía nam của bãi biển Niu Phao-len. Nhưng tàu Nau-ti-lúx không ở lâu trong vùng biển gần bờ có nhiều tàu bè qua lại này. Nó ngược lên tới 42o độ vĩ bắc. Đó là nơi có một đầu dây cáp chạy qua Đại Tây Dương. Đáng lẽ tiếp tục hành trình lên phương bắc, tàu Nau-ti-lúx lại chạy về phía đông, hình như chuẩn bị chạy dọc theo dây cáp ngầm đặt trên đáy biển đã được thăm dò nhiều.
    Ngày 17 tháng 5, ở độ sâu hai ngàn tám trăm mét, tôi trông thấy đường dây cáp. Công-xây tưởng lầm đó là một con rắn biển lớn và định xếp loại theo phương pháp của anh ta. Nhưng tôi giúp Công-xây thấy ngay sai lầm, và để anh ta đỡ bẽ, tôi liền kể cho anh ta nghe tỉ mỉ về lịch sử đặt dây cáp ngầm này. Dây cáp đầu tiên được đặt trong hai năm 1857 và 1858. Nhưng sau khi chuyển được chừng bốn trăm bức điện, nó ngừng hoạt động. Năm 1863, các kỹ sư lại chế tạo dây cáp mới, dài ba ngàn bốn trăm ki-lô-mét, nặng bốn ngàn năm trăm tấn rồi đưa lên tàu Grết I-xtơn. Công cuộc đó cũng thất bại. Ngày 25 tháng 5, tàu Nau-ti-lúx lặn xuống sâu ba ngàn tám trăm ba mươi mét, đúng vào chỗ dây cáp bị đứt khiến những người chủ của nó bị phá sản. Dây bị đứt cách Ai-len sáu trăm ba tám hải lý. Hôm đó, lúc hai giờ chiều, người ta thấy liên lạc với châu Âu bỗng bị đứt. Toán thợ điện quyết định trước hết phải cắt đứt dây cáp rồi mới vớt lên. Gần 11 giờ đêm, họ vớt được chỗ dây cáp bị hỏng, sửa chữa cẩn thận rồi thả xuống biển. Nhưng mấy hôm sau, dây lại bị đứt ở một chỗ nào đó ngoài đại dương, không thể vớt lên được. Người đề xướng chủ yếu ra công cuộc này là Ki-rux Phin liền đem cả gia sản của mình ra để xin làm một đường dây mới. Đường dây này được bảo đảm trong những điều kiện tốt nhất. Dây dẫn điện được bọc một lượt cao su cách điện, ngoài lại có một lượt vải đặc biệt. Tất cả được đặt trong một vỏ bằng kim loại. Ngày 13 tháng 7 năm 1866 tàu Grết I-xtơn lại ra khơi. Việc đặt dây được tiến hành rất tốt đẹp. Tuy vậy, không phải là không có chuyện. Khi tháo dây cáp ra, nhóm thợ điện mấy lần phát hiện thấy dây vừa bị đinh đóng vào, rõ ràng là nhằm làm hỏng dây. Thuyền trưởng An-đơ-xơn bèn triệu tập các kỹ sư và sĩ quan trên tàu lại để thảo luận về chuyện phá hoại này. Sau đó, cuộc họp công bố quyết định: nếu ai trên tàu bị bắt quả tang làm việc này thì người đó sẽ bị ném ngay xuống biển không cần xét xử gì. Từ đó việc phá hoại mới chấm dứt...
    Đường dây cáp nằm yên đó, không bị sóng biển tác động. áp lực nước ở đây cũng thuận lợi cho dòng điện chạy từ châu Âu sang châu Mỹ chỉ mất ba mươi hai phần trăm dây đồng hồ. Thời gian hoạt động của đường dây này là vô tận, vì theo quan sát của các thợ điện, vỏ cao su bên ngoài càng ngâm trong nước biển càng tốt. Ngoài ra, dây cáp còn được đặt rất khéo trên cao nên không bao giờ xuống tới độ sâu có thể nổ được. Tàu Nau-ti-lúx đã xuống sâu đến bốn ngàn bốn trăm ba mốt mét, nhưng ở đây dây cáp vẫn không có vẻ gì là căng cả. Sau đó tàu chạy tới chỗ xảy ra chuyện rủi ro năm 1863, và ngày 28 tháng 5 chỉ cách Ai-len có một trăm năm mươi mét. Không biết thuyền trưởng Nê-mô có định lái tàu lên phía trên và đổ bộ lên quần đảo Anh-cát-lợi không? Không. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ta lại đi về phía nam và quay lại vùng bờ biển châu Âu. Một câu hỏi rất quan trọng nảy ra trong óc tôi. Liệu tàu Nau-ti-lúx có dám vào eo biển Măng-sơ không? Từ khi tàu chạy gần bờ biển thì Nét Len lại tiếp xúc với những người xung quanh. Anh ta luôn hỏi tôi về điều đó. Tôi biết trả lời Nét thế nào? Thuyền trưởng Nê-mô không xuất hiện. ông ta đã cho Nét nhìn thấy bờ biển châu Mỹ, chẳng biết có cho tôi thấy bờ biển nước Pháp không? Trong khi đó, tàu Nau-ti-lúx tiếp tục đi về phía nam. Ngày 30 tháng 5, nó chạy qua Len-xen và nhóm đảo Xi-li ở bên phải. Nếu nó định vào eo biển Măng-sơ thì phải tiến thẳng về phía đông chứ! Nó không vào Măng-sơ thật. Suốt ngày 31 tháng 5, tàu Nau-ti-lúx chạy quanh mấy vòng ngoài biển làm tôi rất thắc mắc. Hình như nó đang tìm điểm nào đó trên đại dương, nhưng gặp khó khăn. Đến trưa, thuyền trưởng Nê-mô đích thân cầm lái. ông ta chẳng nói với tôi một lời. Vẻ mặt Nê-mô rầu rĩ hơn bao giờ hết. Nê-mô buồn phiền vì lẽ gì? Có thể vì gần đây là bờ biển châu Âu, hay vì những kỷ niệm về quê hương đã sống lại? Nê-mô cảm thấy gì trong lúc này? ông ta hối tiếc hay bị lương tâm cắn dứt? Những ý nghĩ đó vương vấn trong lòng tôi, đồng thời tôi linh cảm rằng trong tương lai rất gần đây, những bí mật của Nê-mô sẽ được sáng tỏ. Hôm sau, tàu Nau-ti-lúx lại lượn vòng như vậy. Rõ ràng là nó đang tìm kiếm một chỗ nào đó rất cần thiết. Cũng như hôm trước, thuyền trưởng Nê-mô lên boong xác định độ cao của mặt trời. Biển lặng, trời trong. Phía chân trời hiện lên một chiếc tàu lớn chạy bằng hơi nước. ở đuôi tàu không treo cờ nên tôi không đoán được là tàu nước nào. Lúc đó, tàu Nau-ti-lúx đứng yên. Xác định được độ cao của mặt trời, Nê-mô nói:
    -Đây rồi! Rồi ông ta đi xuống. Chẳng biết ông ta có thấy chiếc tàu hơi nước kia đã đổi hướng đi và hình như đang tiến lại gần tàu Nau-ti-lúx không?
    Tôi quay xuống phòng khách. Cửa sổ được đóng lại, sau đó tôi nghe thấy tiếng nước chảy ào ào vào các bể chứa. Tàu Nau-ti-lúx bắt đầu lặn xuống theo chiều thẳng đứng, và mấy phút sau thì xuống tới đáy sâu tám trăm băm ba mét. Đèn trên trần phòng khách tắt đi, các cửa sổ lại mở ra. Qua ô cửa kính, tôi lại thấy biển được đèn pha trên tàu chiếu sáng trong khoảng nửa hải lý đường bán kính. Tôi nhìn sang phải, nhưng chỉ thấy một khối nước phẳng lặng. Từ đáy biển bên trái tàu hiện lên một khối gì đó to lớn, khiến tôi chú ý ngay tức khắc. Nhìn kỹ, thì hình như nó là một chiếc tàu không có cột buồm bị chìm, mũi cắm xuống. Chuyện đáng buồn này chắc xảy ra đã lâu. Nếu chiếc tàu đắm bị phủ một lớp vôi dày như vậy thì nhất định nó đã nằm dưới đáy biển nhiều năm rồi. Chiếc tàu đó là thế nào? Vì sao tàu Nau-ti-lúx lại đến thăm nơi nó bị đắm? Tôi chưa biết nên suy nghĩ thế nào, thì thuyền trưởng Nê-mô bỗng cất tiếng nói chậm rãi, điềm đạm:
    -Xưa kia chiếc tàu này có tên là "Mác-xây-e". Nó được đưa xuống nước năm 1762 và có bảy mươi tư đại bác. Ngày 13 tháng 8 năm 1778, nó đã dũng cảm chiến đấu với tàu Prét-xtơn... Năm 1794, nước Cộng hòa Pháp đổi tên cho nó. Ngày 16 tháng 4 năm đó, nó gia nhập hạm đội của Vi-la-rê Gioay-ơ-dơ ở Brét. Hạm đội này có nhiệm vụ bảo vệ đoàn tàu do đô đốc Van Xta-ben chỉ huy chở lúa mì từ Mỹ về, và đã gặp hạm đội Anh. Hôm nay là mùng 1 tháng 6 năm 1868. Đúng bảy mươi tư năm trước đây, đúng ở nơi này, tàu Mác-xây-e đã dũng cảm chiến đấu với hạm đội Anh. Khi cả ba cột buồm đã bị gãy, hầm tàu đã ngập đầy nước và một phần ba số quân bị thương vong, tàu đã tự đánh đắm cùng với 356 chiến sĩ trên tàu. Sau khi cắm cờ ở phía lái, tất cả các chiến sĩ đã hô to:
    ?oNước cộng hòa muôn năm!" rồi theo tàu chìm xuống đáy biển.
    -Tàu "Báo thù!" -Tôi kêu lên.
    -Đúng là tàu "Báo thù"! Cái tên mới đẹp làm sao!
    -Thuyền trưởng Nê-mô thầm thì, tay khoanh trước ngực.

  10. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chương 45 - Nghĩa địa khổng lồ


    Cuộc gặp gỡ ấy, cách nói ấy, việc thuật lại lịch sử chiếc tàu yêu nước ấy được bắt đầu một cách lạnh lùng, nhưng càng về cuối càng có vẻ xúc động, vả lại bản thân cái tên "Báo thù" được Nê-mô nhấn mạnh
    -tất cả những điều đó đã khắc sâu trong lòng tôi. Tôi đăm đăm nhìn thuyền trưởng. Nê-mô giơ tay ra phía biển và nhìn những tàn tích của chiếc tàu vinh quang ấy bằng đôi mắt rực lửa. Có lẽ tôi sẽ không biết được ông ta là ai, từ đâu đến, đang đi đâu, nhưng càng ngày tôi càng thấy rõ con người thực sự của Nê-mô đang xuất hiện và che khuất con người bác học của ông ta. Không, không phải sự chán đời hèn kém, mà là lòng căm thù rất sâu sắc và cao cả mà thời gian không thể làm nguôi, đã đẩy thuyền trưởng Nê-mô và các bạn ông xuống tàu Nau-ti-lúx. Nhưng lòng căm thù đó có tìm thời cơ để thể hiện một cách hiệu quả không? Điều này đã được chứng minh ngay sau đó. Tàu Nau-ti-lúx bắt đầu nổi dần lên mặt biển. Hình dáng tàu "Báo thù" ngày càng mờ nhạt trước mắt tôi. Cuối cùng, một cái lắc nhẹ cho biết là tàu đã tiếp xúc với không khí trong lành. Lúc đó tôi nghe thấy một tiếng súng lớn nổ. Tôi đưa mắt nhìn Nê-mô, Nê-mô vẫn đứng không nhúc nhích.
    -Thuyền trưởng!
    -Tôi gọi. Nê-mô không trả lời. Tôi bỏ lên boong. Nét, Công-xây đã tới đó trước rồi.
    -Tiếng súng đó từ đâu bắn tới?
    -Tôi hỏi. Nhìn chiếc tàu hơi nước, tôi thấy nó đang tăng tốc độ tiến gần chúng tôi. Hai tàu còn cách nhau sáu hải lý.
    -Tiếng đại bác đó, -Nét trả lời.
    -Tàu ấy là tàu nào, ông Nét?
    -Xét về thiết bị và cột buồm thấp, tôi cam đoan đây là tàu chiến. Cứ để nó đến gần và nếu cần thì đánh đắm luôn chiếc tàu Nau-ti-lúx đáng quyền rủa này đi.
    -ông bạn Nét ơi, -Công-xây mỉa mai, -nó làm gì nổi tàu Nau-ti-lúx, hả ông? Liệu nó có thể tiến công dưới mặt biển không, có bắn được từ dưới đáy biển không?
    -ông có xác định được đó là tàu nước nào không, ông Nét?
    -Tôi hỏi. Nét nhíu mày, nheo mắt tập trung nhìn thật kỹ chiếc tàu:
    -Thưa giáo sư không thể xác định được, vì tàu không treo cờ. Tôi chỉ có thể khẳng định được đó là tàu chiến vì trên cột buồm chính có một lá cờ đuôi nheo dài. Chúng tôi theo dõi chiếc tàu đã được mười lăm phút. Nó đang tiến thẳng về chúng tôi. Tôi tin rằng ở một khoảng cách như vậy nó không thể thấy rõ tàu Nau-ti-lúx, càng không thể hiểu tàu Nau-ti-lúx là loại tàu gì. Một lát sau, Nét bảo cho tôi biết đó là một tàu chiến có mũi nhọn và boong bọc thép. Hai ống khói của nó nhả khói đen thẫm. Khoảng cách giữa hai tàu không cho phép xác định được màu của lá cờ đuôi nheo. Chiếc tàu đó đang băng mình về phía trước. Nếu thuyền trưởng Nê-mô cho nó lại gần thì chúng tôi sẽ có khả năng trốn thoát. Nét bảo tôi:
    -Thưa giáo sư, nếu tàu kia đến cách chúng ta một hải lý, tôi sẽ nhảy xuống biển. Xin ngài cũng nhảy xuống theo tôi. Tôi không trả lời đề nghị của Nét mà tiếp tục quan sát con tàu đang lớn dần trước mắt tôi. Dù nó là tàu Anh, tàu Mỹ, tàu Pháp, tàu Nga, chắc chắn nó sẽ vớt chúng ta lên nếu ta bơi được tới mạn tàu. Nét nói:
    -Thưa giáo sư, xin ngài nhớ rằng tôi cũng biết bơi đôi chút. Nếu ngài đồng ý đi theo Nét này, thì ngài có thể giao phó cho anh ta nhiệm vụ dìu ngài cùng bơi theo. Tôi vừa định trả lời Nét, thì thấy một làn khói trắng phụt ra từ phía mũi con tàu kia. Mấy giây sau, viên đạn đại bác rơi xuống làm nước biển tung tóe lên đuôi tàu Nau-ti-lúx. Liền sau đó tiếng súng nổ vọng đến tai tôi.
    -Sao? Họ bắn chúng ta à?
    -Tôi sửng sốt.
    -Khá lắm!
    Nét vừa nói xong thì phát đạn thứ hai nổ... Tôi nhớ lại, ngay khi tàu Lin-côn giáp chiến, khi Nét phóng lao vào con "cá thiết hình", thì thuyền trưởng Pha-ra-gút đã hiểu rằng con "cá" này chẳng qua là một chiếc tàu ngầm, nhưng nguy hiểm hơn rất nhiều. Chắc là vì vậy mà giờ đây trên khắp các mặt biển, người ta đang tìm diệt con cá có sức phá hoại khủng khiếp này. Trên thực tế, nếu thuyền trưởng Nê-mô dùng tàu Nau-ti-lúx để trả thù, thì nó quả là một công cụ đáng sợ! ở ấn Độ Dương đêm nọ, Nê-mô nhốt chúng tôi trong phòng kín, phải chăng đó là lúc ông ta tấn công một chiếc tàu nào đó? Và người thủy thủ được chôn cất ở nghĩa trang san hô, phải chăng là nạn nhân của trận tấn công đó? Đúng, chắc là như vậy thôi! Một phần nhỏ của cuộc đời bí ẩn của thuyền trưởng Nê-mô đã sáng tỏ. Mặc dù lai lịch ông ta chưa được xác định, nhưng chính phủ các nước đã hợp sức lại để tìm diệt một con người luôn đe dọa họ bằng lòng căm thù không đội trời chung! Tất cả quá khứ hãi hùng đó lại hiện ra trước mắt tôi. Đáng lẽ những người trên chiếc tàu chiến đang tiến đến kia là bạn chúng tôi, nhưng họ lại thành kẻ thù của chúng tôi. Trong lúc đó, đạn súng lớn ngày càng rơi nhiều xuống quanh tàu Nau-ti-lúx, nhưng chẳng viên nào rơi trúng tàu. Chiếc tàu chiến chỉ còn cách chúng tôi ba hải lý. Tuy bị bắn dữ dội, thuyền trưởng Nê-mô vẫn không xuất hiện trên boong. Chỉ cần một viên đạn đại bác đâm thẳng xuống thân tàu nguy khốn ngay. Nét bảo tôi:
    -Ta phải làm mọi việc để thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ này. Ta ra hiệu cho chiếc tàu chiến đi! Có lẽ họ sẽ hiểu chúng ta là những người lương thiện! Nét rút khăn tay ra vẫy. Nhưng vừa giở khăn ra thì anh ta đã bị một bàn tay sắt đánh ngã quỵ xuống sàn tàu.
    -Đồ khốn kiếp!
    -Thuyền trưởng quát lớn.
    -Mi muốn ta cột mi vào mũi tàu trước khi diệt chiếc tàu kia à! Nghe Nê-mô nói thật đáng sợ, nhưng nhìn ông ta còn sợ hơn. Mặt Nê-mô trắng bệch ra vì tim bị co thắt lại và chắc ngừng đập trong giây lát. Con ngươi mở hết sức to. ông ta gầm lên chứ không phải là nói. Nê-mô cúi xuống người Nét, lắc lắc vai anh ta, rồi bỏ Nét nằm đó, quay về phía chiếc tàu chiến đang bắn như mưa xuống tàu Nau-ti-lúx. Nê-mô hét lên giọng sang sảng:
    -A ha! Chiếc tàu của cái quyền lực đáng nguyền rủa kia! Mi sẽ biết ta là ai! Còn ta, ta chẳng cần thấy sắc cờ của mi mới biết mi là ai! Mi hãy nhìn đây! Ta sẽ cho xem sắc cờ của ta! Thuyền trưởng Nê-mô liền phất cao lá cờ đen, giống hệt lá cờ ông ta đã cắm ở Nam cực. Lúc đó, một viên đạn súng lớn rơi sạt thân tàu Nau-ti-lúx nhưng không gây hại gì. Nó lia qua chỗ thuyền trưởng đứng rồi rơi tõm xuống biển. Nê-mô chỉ nhún vai. Sau đó, ông ta bảo tôi:
    -Ngài và các bạn của ngài xuống tàu ngay!
    -Thưa thuyền trưởng, ngài sắp đánh chiếc tàu kia sao?
    -Tôi sẽ đánh chìm nó!
    -Ngài không được làm thế!
    -Tôi sẽ làm, -Nê-mô lạnh lùng trả lời.
    -Tôi khuyên ngài, đừng lên án tôi. Số phận đã cho ngài được thấy những điều lẽ ra ngài không thể thấy được. Chúng đã tấn công tôi. Đòn giáng trả sẽ khủng khiếp. Ngài xuống đi!
    -Thế tàu đó của nước nào?
    -Ngài không biết ư? Càng tốt! ít nhất quốc tịch của nó cũng sẽ là một điều bí mật đối với ngài. Thôi, ngài xuống đi! Tôi, Nét và Công-xây chỉ còn biết tuân theo lệnh đó. Mười lăm thủy thủ vây quanh thuyền trưởng và nhìn chiếc tàu đang đến gần một cách hết sức căm thù. Tôi đang bước xuống thang thì một quả đạn nữa rơi sượt thân tàu Nau-ti-lúx. Có tiếng thuyền trưởng Nê-mô hét to:
    -Chiếc tàu điên dại kia, mi cứ bắn đi! Bắn cho hết đạn đi! Mi sẽ không thoát khỏi mũi tàu Nau-ti-lúx này đâu! Nhưng mi sẽ không được chết ở chỗ này! Ta không muốn xác mi nằm lẫn với xác tàu "Báo thù" anh hùng!
    Tôi quay xuống phòng riêng, còn Nê-mô và viên thuyền phó thì ở lại trên boong. Chân vịt bắt đầu quay. Tàu Nau-ti-lúx nhanh chóng chạy ra ngoài tầm bắn của chiếc tàu chiến. Cuộc dượt đuổi tiếp tục, nhưng Nê-mô giữ cho hai con tàu cách nhau một khoảng cách nhất định. Khoảng gần bốn giờ chiều, tôi nóng ruột quá nên quay lại cầu thang trung tâm. Nắp tàu để ngỏ. Tôi đánh bạo trèo lên. Thuyền trưởng vừa đi đi lại lại trên boong vừa nhìn chiếc tàu chiến cách đó độ năm, sáu hải lý. Nê-mô cho tàu lượn quanh chiếc tàu chiến như một con thú dữ, nhử nó dượt theo về hướng đông. Nhưng Nê-mô không tấn công. Có lẽ ông ta còn lưỡng lự chưa quyết định. Tôi muốn khuyên can Nê-mô một lần nữa. Nhưng tôi vừa cất tiếng thì ông ta bắt tôi phải im.
    -Chính tôi là pháp luật, là tòa án!-Nê-mô nói.
    -Tôi là người bị áp bức, còn kia là kẻ áp bức tôi! Chúng đã tước đoạt của tôi tất cả những gì tôi yêu quí trìu mến và tôn thờ: Tổ quốc, vợ con, cha mẹ! Tất cả những gì tôi căm thù đang ở kia! Ngài im đi! Tôi nhìn chiếc tàu chiến lần cuối cùng. Nó đang tăng tốc độ. Sau đó, tôi xuống phòng khách. Tôi bảo Nét và Công-xây:
    -Ta trốn đi thôi!
    -Ta trốn!-Nét nói.
    -Tàu nước nào vậy?
    -Tôi không rõ. Nhưng tàu nước nào thì cũng bị đánh đắm trước đêm nay! Dù sao, thà hy sinh cùng với nó còn hơn là làm những kẻ đồng lõa trong việc trả thù này mà ta chưa biết có chính đáng không.
    -Tôi cũng nghĩ vậy, -Nét trả lời.
    -Ta hãy đợi đêm nay.
    Đêm đã tới. Trên tàu Nau-ti-lúx im lặng như tờ. Địa bàn cho biết tàu không đổi hướng đi. Tôi thấy tiếng chân vịt quay nhanh và nhịp nhàng trong nước biển. Tàu chạy trên mặt nước, thân tàu hơi lắc. Ba chúng tôi quyết định sẽ bỏ trốn khi chiếc tàu chiến đến thật gần và có thể nghe thấy tiếng hoặc trông thấy chúng tôi nhờ trăng sắp tròn chiếu sáng vằng vặc. Khi đã lên được tàu chiến, nếu không kịp báo trước cuộc tấn công đang đe dọa nó, thì chúng tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì mà hoàn cảnh cho phép. Đã mấy lần tôi tưởng tàu Nau-ti-lúx chuẩn bị chiến đấu. Nhưng không, nó chỉ nhử cho đối thủ tới gần rồi lại bỏ chạy. Một phần đêm đã trôi qua mà chưa xảy ra chuyện gì. Chúng tôi chờ đợi thời cơ chạy trốn. Nét Len muốn lao ngay xuống biển. Tôi buộc anh ta phải nán thêm một chút. Theo tôi, tàu Nau-ti-lúx sẽ tấn công chiếc tàu kia trên mặt biển. Nếu vậy, việc chạy trốn của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn. Đến ba giờ sáng, tôi bồn chồn trèo lên boong. Thuyền trưởng Nê-mô vẫn ở đó. ông ta đứng cạnh lá cờ đang bay trong làn gió nhẹ, mắt không rời khỏi chiếc tàu chiến. Mặt trăng đang đi qua kinh tuyến. Sao Mộc xuất hiện ở phía đông. Trong cảnh thiên nhiên tịch mịch đó, bầu trời và biển cả ganh đua nhau về sự phẳng lặng. Mặt biển cho những vì sao đêm soi bóng xuống tấm gương tuyệt vời. Chiếc tàu chiến còn cách chúng tôi hai hải lý. Nó vẫn dõi theo ánh sáng lấp lánh của tàu Nau-ti-lúx mà lướt tới. Tôi đã nhìn thấy ánh đèn tín hiệu xanh đỏ và chiếc đèn treo trên cột buồm. Tôi đứng trên boong trước sáu giờ sáng, nhưng thuyền trưởng Nê-mô làm ra vẻ không chú ý gì đến tôi. Chiếc tàu kia còn cách chúng tôi một hải lý rưỡi. Nó nổ súng ngay khi vừa hửng sáng. Đã tới lúc tàu Nau-ti-lúx tấn công. Tôi và các bạn tôi sẽ vĩnh biệt con người mà bản thân tôi không muốn lên án. Tôi định xuống dưới tàu để báo cho Nét và Công-xây biết, thì viên thuyền phó và mấy thủy thủ nữa lên boong. Họ tự động làm những việc cần thiết, có thể gọi là "chuẩn bị chiến đấu". Những việc đó rất đơn giản. Lan can bằng sắt bao quanh boong được hạ xuống. Đèn pha và phòng hoa tiêu cũng được đưa vào trong thân tàu. Giờ đây mặt ngoài chiếc xì gà bằng thép dài này chẳng còn một chỗ nào lồi ra có thể gây trở ngại khủng khiếp cho trận đánh. Ngày mùng 2 tháng 6 khủng khiếp đã tới. Năm giờ sáng, tàu Nau-ti-lúx giảm tốc độ. Tôi hiểu rằng nó đang để đối thủ lại gần. Tiếng súng bắn nghe rõ hơn nhiều . Đạn pháo rít lên quanh tàu Nau-ti-lúx rồi rơi xuống biển. Tôi nói:
    -Các bạn, chúng ta sẽ hiệp sức cùng nhau, và cầu mong thượng đế che chở!
    Nét Len rất quyết tâm. Công-xây vẫn bình thản, còn tôi thì hết sức bồn chồn. Chúng tôi sang thư viện. Nhưng khi mở cửa thông sang cầu thang trung tâm, tôi nghe thấy tiếng nắp tàu đóng sập xuống. Nét lao đến bậc thang, nhưng tôi ngăn anh ta lại. Tiếng rít rất quen thuộc báo hiệu nước bắt đầu chảy vào các bể chứa. Mấy phút sau, tàu Nau-ti-lúx lặn xuống dưới mặt biển mấy mét. Tôi hiểu cách đánh của nó rồi. Nó đã từ bỏ ý định tấn công vào chỗ bọc thép của đối thủ mà chuẩn bị đánh vào phần dưới mực nước là chỗ vỏ tàu không được bọc thép. Chúng tôi lại bị nhốt và trở thành những người chứng kiến bất đắc dĩ của tấm thảm kịch sắp nổ ra. Vả lại, chúng tôi cũng chẳng có thì giờ để suy nghĩ nhiều về chuyện đó. Cả ba người tập trung ở phòng tôi và chỉ nhìn nhau, không nói một lời. Đầu óc tôi mụ hẳn đi. Tôi chẳng làm được việc gì nữa. Tôi khắc khoải đợi chờ giây phút sắp có tiếng nổ khủng khiếp. Trong khi đó, tốc độ tàu Nau-ti-lúx tăng lên rõ rệt. Nó đang lấy đà. Toàn thân nó rung lên. Tôi bỗng kêu to: tàu Nau-ti-lúx đã đánh! Tôi cảm thấy mũi tàu bằng thép nhọn xuyên qua thân chiếc tàu chiến, nhẹ nhàng như chiếc kim khâu xuyên qua tấm vải buồm. Tôi không tự kiềm chế được nữa. Tôi phát điên lên, lao ra khỏi phòng rồi sang phòng khách. Thuyền trưởng Nê-mô đứng đó, im lìm, trầm lặng, và nhìn qua ô cửa kính bên phải tàu. Chiếc tàu chiến đồ sộ chìm xuống đại dương. Tàu Nau-ti-lúx cũng lặn xuống theo để quan sát kỹ từng phút cảnh hấp hối đó. Cách tôi mười mét, đuôi chiếc tàu chiến bị vỡ, nước đang ào ào chảy vào.
    Trên boong tàu, từng đám người nhốn nháo như những bóng ma. Nước ngày càng dâng cao. Những người bất hạnh trèo lên bấu víu vào cột buồm, giãy giụa trong nước. Thật giống một tổ kiến bỗng dưng bị đổ đầy nước. Tôi đờ đẫn ra vì đau khổ, tóc tôi dựng ngược lên, mắt tôi muốn nổ ra, hơi thở bị tắc lại! Chiếc tàu to lớn từ từ chìm xuống. Tàu Nau-ti-lúx vẫn lặn theo. Bỗng có một tiếng nổ lớn. Không khí bị nén lại đã phá tung boong tàu, tựa như có ai vừa đốt kho thuốc súng. Nước xô mạnh đến nỗi hất cả tàu Nau-ti-lúx đi. Từ đây, chiếc tàu chiến bất hạnh bắt đầu chìm nhanh xuống đáy cùng với toàn bộ thủy thủ. Tôi quay lại nhìn thuyền trưởng Nê-mô. Người quan tòa đáng sợ ấy không rời khỏi chiếc tàu đang đắm. Khi mọi việc đã xong, Nê-mô đi về phòng riêng. Tôi đưa mắt nhìn theo. Trên bức tường đối diện với cửa ra vào, phía trên chân dung các anh hùng, tôi thấy chân dung một phụ nữ còn trẻ và hai đứa con. Thuyền trưởng Nê-mô đưa tay về phía họ và ngắm nhìn mấy giây. Rồi Nê-mô quỳ xuống và khóc nức nở.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này