1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hằng đẳng thức đáng nhớ - Nguyễn Thuý Vân

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 08/08/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Hằng đẳng thức đáng nhớ - Nguyễn Thuý Vân

    Hằng đẳng thức đáng nhớ
    Nguyễn Thúy Vân



    Lại một năm mới!

    Hôm nay ngồi trong phòng nghỉ giải lao của giáo viên, một thầy giáo già (già gấp ba lần rưỡi tuổi tôi hồi đó) tuyên bố:

    - Tôi thích nhất mùa thu vì nó không quá nóng hay quá lạnh. Còn mùa xuân thì cũng ấm áp đấy nhưng ẩm ướt nên nhức xương lắm.

    Và một số giáo viên khác hưởng ứng cuộc mạn đàm về "ích lợi" của mùa thu. Còn riêng tôi thấy ai khen mùa thu đẹp trước đám đông tôi thấy hơi vô duyên, cứ như là khen sông lắm nước ấy.

    Đã gần hai chục mùa thu rồi. Cứ mỗi độ thu sang tôi như người lên cơn sốt, mặt cảm thấy nóng bừng lên khi nghĩ lại mùa thu tuổi mười bảy. Giờ đây mùa thu là kỷ niệm vĩnh viễn để tôi không bao giờ quên được tuổi mười bảy.

    Ngày đó tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, đang đợi kết quả thi đại học. Cũng không lo lắng gì vì tôi tin là tôi sẽ đỗ. Đó cũng là lúc bọn tôi cho mình cái quyền tung tăng. Tôi cùng bạn bè đạp xe lên Quảng Bá mua ổi và hoa hồng, rồi đi "Bốn mùa" ăn kem, đi thư viện mượn truyện, tối về ngồi viết lưu bút. Bọn tôi mỗi đứa mua một gói mực tím về hoà để viết lưu bút. Nào có nỗi ưu phiền gì đâu! Bên hàng xóm nhà tôi có anh mới đi bộ đội về. Biết anh từ nhỏ mà vẫn thấy lạ lẫm. Anh như vừa tốt nghiệp trường hài ra vậy: Điều bộ khôi hài, mặt mày hớn hở. Được cái gặp ai cũng chào hỏi lễ phép lắm. Hồi đó tôi thích những người có óc hài hước vì đơn giản là tôi thích vui và cười, giờ tôi thích những người có óc hài hước còn vì những lý do khác nữa. Chúng tôi cũng dễ thân nhau vì anh là hàng xóm, anh tốt bụng và hay giúp đỡ mọi người. Rất lạ là anh có vẻ mặt già dặn, khắc khổ nhưng lại có nụ cười hiền, thánh thiện và vô tư như trẻ thơ. Đi đâu anh cũng rủ tôi. Đi với anh vui vui và tôi đang rảnh nên chẳng nề hà gì. Tức một lẽ là tôi và anh "xung khẩu". Tức nhất là nếu tôi nói thế này thì bao giờ anh cũng nói điều đó có thể thế kia. Tranh luận một hồi rồi anh nhường phần thắng cho tôi. Sau đó thường kết thúc bằng một mẩu truyện ngụ ngôn hay hài hước. Đứa thích cười như tôi sao mà nhịn được.

    Từ ngày đi bộ đội về anh chuyên môn lãnh trách nhiệm đi xếp hàng. Hồi ấy mua gì mà chẳng phải xếp hàng. Việc đó trước đây chỉ toàn mẹ và chị tôi làm, tôi được ưu tiên số một vì bận học. Anh thạo tem phiếu như một bà "phe". Anh bảo đó là làm "chủ nghĩa xã hội". Tôi bĩu môi.

    - Rồi cũng chỉ được cái hầu vợ suốt ngày.

    Anh cười vang:

    - Thế em bảo chẳng hầu vợ mình thì hầu vợ ai?

    Anh lấy nước ở khay chén vẽ lên mặt bàn XHCN và anh bảo:

    - Xếp hàng cả ngày.

    Tôi phá lên cười.

    Nhiều khi anh còn nhân tiện đi làm "chủ nghĩa xã hội" cho một số bác neo đơn trong xóm tôi. Nhà anh có bốn anh em. Một chị lớn đã lấy chồng, sau anh là hai đứa em đang đi học. Mẹ anh mấy năm gần đó ốm luôn, nhưng các em anh chúng rất ngoan, luôn giành làm việc nhà và chúng học hành cũng khá lắm. Hồi đó đời sống của những người lao động và những gia đình đông con như vậy rất chật vật. Còn tuổi tôi hồi đó đâu đã phải lo toan gì về cơm, áo, gạo, tiền.

    Một hôm anh bảo tôi là anh đã xin được làm bảo vệ ở cơ quan bố anh, đó là ưu tiên bộ đội xuất ngũ.

    - Thế còn ý định thi đại học của anh thế nào?

    Tôi sửng sốt.

    - Thì anh sẽ tự ôn thi và em giúp anh nữa nhé! Trước mắt là phải đi làm đã em ạ vì thằng Tuấn nhà anh sắp thi đại học rồi, còn cái Lan thì sang năm là lên cấp III.

    Mặt tôi xị ra, thế mà tôi cứ nghĩ là anh ham học, có nghị lực và ý chí lắm. Về chuyện đó tôi còn mang ra chì chiết anh nhiều lần. Tôi cứ tự cho mình cái quyền của một người đã được học đến nơi đến chốn để thuyết phục anh. Anh cười bảo:

    - Thì anh cũng đã tốt nghiệp một trường đại học rồi còn gì!

    - Bốc!

    - Quân đội là trường đại học lớn nhất đó em. Anh nói nghiêm túc và thành thực làm tôi phá lên cười. Anh hạ giọng:

    - Đừng nghĩ anh không muốn học nhé. Đi bộ đội về anh càng cảm thấy cần phải học. Nhưng em ạ, có điều cần phải làm trước: Đó là trách nhiệm.

    Nói rồi anh véo mũi tôi, thế là hoà.

    - Hôm nào anh sẽ nói với em về chuyện đó nhiều hơn. Thôi giờ đi đong gạo đi. Hôm nay có cả gạo, cả mỳ và là ngày đong của tổ mình đấy.

    Lĩnh lương tháng đầu anh bảo tôi:

    - Anh đưa cho mẹ hết nhưng xin lại một ít - Anh em mình đi mua sách đi.

    Tôi hưởng ứng ngay vì đó là một trong những sở thích muôn thuở của tôi: Hiệu sách, phòng tranh và Hồ Tây. Anh đưa tiền cho tôi cầm. Tôi nhảy ngay lên sau xe anh. Đó là hôm mà chúng tôi không phải đi xếp hàng. Hồi ấy tôi chưa bao giờ có nhiều tiền nhưng tôi mơ ước nếu có tiền thì tôi chỉ mua sách thôi. ở tuổi tôi hồi ấy cũng thích quần áo đẹp lắm nhưng không tốn kém như trò của tôi bây giờ. Tôi vẫn hay mặc quần áo may sẵn của mậu dịch.

    Hiệu sách hôm đó khá đông và nhiều sách mới. Đã nhiều lần tôi đi mà không chán bao giờ, dù nhiều lần chỉ đi xem là chủ yếu vì tôi không đủ tiền mua, vậy mà cũng hết hàng buổi. Hôm ấy tôi ra đi thật phấn chấn. Tôi dự định sẽ mua cuốn "Ruồi trâu", "Truyện cổ Andecxen" và cả mấy tập thơ về Trường Sơn nữa. Của đáng tội, bề ngoài tôi hùng hổ ngang bướng, tự tin và đắc thắng kiểu con nít nhưng lại có một góc tâm hồn khá ướt át mà tôi luôn giấu kín. Tôi thích đọc. Tôi đã đọc rất nhiều và không biết hấp thụ từ những đâu nhưng tôi thích tranh luận, triết lý và tất nhiên là thích có đối thủ. Là cô giáo hơn chục năm rồi và trò của tôi bây giờ cũng bằng tôi hồi đó tôi mới hay rằng mình đã từng là "dế mèn".

    Đang len lỏi trong đám đông và dán mắt vào tên sách thì anh kéo tôi ra ghé vào tai tôi:

    - Cẩn thận kẻo không còn tiền mua sách em ạ. đâu có thóc ở đấy có chim bồ câu.

    Đang hứng thú tôi tức lắm nói:

    - Anh chỉ ví von khập khễnh. Những người đi xem sách tuy họ không nhiều tiền nhưng có văn hoá. Họ sẽ không dùng tiền ăn cắp để mua sách đâu. Anh yên trí.

    Sau chuyện anh hoãn thi đại học, rồi lời "cảnh tỉnh" của anh ở hiệu sách làm cho suy nghĩ của tôi về anh thêm vết chàm. ở cái tuổi không biết nhìn hành động mà chỉ thích nghe lời nói hay, tôi luôn đề cao những người ham hiểu biết và có tài hùng biện, luôn mơ ước những điều thánh thiện trong tiểu thuyết.

    Anh hay chiều theo sở thích của tôi dù tôi không bao giờ nói ra. Đó là điều tôi ngầm kiêu hãnh và thích làm bạn với anh.

    Một buổi chiều đầu thu anh đưa tôi lên Hồ Tây. Chúng tôi chọn được một chiếc ghế đặt ở lối đi hướng ra hồ. Mặt trời đang lặn và sương xuống mờ mờ. Ráng chiều hồng rực, sóng hồ lăn tăn và nhất là tôi chưa bao giờ đi chơi riêng với một người con trai nào cả, cảnh chiều Hồ Tây làm tôi cũng thấy xao động mặc dù trong đầu tôi lúc đó chưa nghĩ đến điều gì xa xôi hoặc cũng có thể anh chưa đủ làm cho tôi xao xuyến.

    Đang đắm chìm trong khung cảnh thánh thiện đó thì có một đôi trai gái khoác tay nhau đi qua trước mặt chúng tôi. Anh chỉ tay theo sau lưng họ, tôi nhìn theo và không nhận ra điều gì cả. Anh cười bảo:

    - Cô ấy cao hơn anh ấy nửa cái đầu! Anh ấy lùn quá, chắc là giàu!

    Rõ là anh vừa nói vừa cười có ý đùa vậy mà tôi tức run người. Máu nóng dồn lên mặt, tôi nói lạc cả giọng:

    - Sao anh hay nghĩ đen tối về người khác thế? Tại sao không có thể là người con trai đó rất tài? Thật tầm thường!

    Tôi đứng phắt dậy ra về. Mặt trời đã lặn lúc nào không biết chỉ còn ánh tím ngắt hắt lên. Nhìn mặt anh tôi thấy xa lạ quá. Chiều càng đẹp càng làm tôi đau đớn. Cái chưa định hình trong tôi đang vỡ vụn. Tôi cảm thấy sự đau đớn của niềm tin bị tan vỡ. Ôi tuổi trẻ ơi! Cái tuổi mà thính giác làm việc hết công suất. Chỉ một lời nói vu vơ cũng thu hết vào rồi khuếch đại lên và cảm nhận đớn đau, cái tuổi chỉ mới biết nghe và nhìn. Còn mù mờ về bản chất và hiện tượng thì lại cứ hay đi triết lý về con người.

    Anh cuống lên chạy theo tôi, giọng anh run run:

    - Anh xin lỗi, anh chỉ đùa xem em nghĩ sao thôi. Hiện tượng và bản chất là hai điều khác nhau. Đánh giá con người phải qua việc làm chứ qua lời nói thì ăn nhằm gì. Thôi đừng giận anh, kể đền em một câu chuyện này nhé.

    Tôi chẳng nói thêm gì nữa nhưng mỗi lần như vậy lại để lại trong tôi một vết buồn. Hình như chính những vết buồn đó đã làm cho tôi hay nghĩ tới anh hơn. Tôi biết anh rất quý, rất chiều và không chấp tôi. Anh biết làm dịu tính nóng nảy của tôi. Những lời nói của anh làm tôi hay suy diễn, liên tưởng. Mà chỉ toàn liên tưởng đến những điều xấu thôi (ở tuổi đó trách chi, cái tuổi chưa lớn và chẳng đủ khôn để phân biệt vàng thau). Tôi đã có kết quả thi đỗ đại học. "Tôi là một sinh viên" tiếng đó ngân trong lòng tôi niềm tự hào kiêu hãnh khôn xiết. Tôi vẫn cùng anh đi khắp nơi, từ cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng rau... (nơi nào cũng xếp hàng dài dằng dặc) đến Hồ Tây đẹp nao lòng. Tuổi trẻ của chúng tôi không có nhiều phương tiện thông tin, giải trí như các trò của tôi bây giờ nhưng không phải như vậy mà nó kém phần thi vị, đẹp đẽ.

    Trăng hồi đó sáng lắm vì chưa có ánh đèn cao áp. Đêm sáng trăng mà lên Hồ Tây thì đúng là ở cõi mộng. Con người cảnh vật non nước tắm mình trong ánh trăng huyền diệu đến không cùng.

    Hôm đó anh báo trước cho tôi từ chiều là tối anh sẽ đưa tôi lên Hồ Tây ngắm trăng. Chưa biết mong chờ là gì vậy mà hôm đó tôi thấy trời lâu tối quá. Đợi mãi mà chưa tắt nắng. Trăng lên đã lâu mà chưa thấy anh sang. Mãi hơn tám giờ anh mới sang, xin phép bố mẹ hẳn hoi. Mẹ tôi rất quý anh và chỉ dặn hai đứa về sớm mẹ để phần cốm và chuối. Tôi đã định dỗi nhưng trăng đẹp và sáng quá không cầm lòng được. Tôi vậy đấy! Với anh tôi hay nóng nảy, bốp chát và cả ngoa ngoắt nữa nhưng với vẻ đẹp của thiên nhiên thì tôi nhũn lòng. Tất nhiên tôi luôn che giấu những cơn xúc động như vậy.

    Đường phố Hà Nội hồi đó nhiều chỗ mất điện, mà có thì cũng đỏ đòng đọc chỉ đủ nhìn thấy đường đi. Ra tới đường gió thu thổi tung tóc và ánh trăng trong xanh trùm lên chúng tôi. Anh bảo tôi:

    - Em ngồi lên khung xe đi, như vậy mới ngắm được trăng, ngồi sau bị lấp đấy.

    Thấy hợp lý tôi đồng ý ngay. Ngồi trên khung xe và nghe thấy hơi thở của anh rất gần tự nhiên tôi run quá. Tóc tôi thì cứ bay ngược lại quấn cả vào mặt anh. Tôi đang bối rối thì nghe thấy anh nhắc:

    - Em ngồi cho thăng bằng nhé! Trăng đẹp quá em nhỉ!

    Mấy hôm sau một buổi chiều anh sang nhà tôi, cả nhà đi làm. Hai đứa chúng tôi ngồi ở phòng khách. Tôi rót nước mời anh như khách và thái độ của anh xem ra cũng như khách. ít khi thấy anh buồn và những trục trặc kiểu như vậy đâu phải lần đầu. Tôi hơi hoang mang nhưng mặt vẫn lạnh tanh. Lúc đó trông anh thật khổ sở. Tôi chỉ mê nụ cười thánh thiện vô tư của anh vậy mà lúc ấy nó đi đâu mất rồi.

    Anh cất giọng nói khó khăn.

    - Anh định bàn với em một việc hệ trọng.

    - Anh mà cũng hệ trọng à? Tôi đáp dửng dưng.

    - Em để anh nói đã nhé. Em biết rồi đấy...

    Mẹ anh ngày càng yếu, bố sắp về hưu. Nhà máy có chỉ tiêu đi lao động nước ngoài. Anh được nhà máy cho đi vì đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và bố sắp về hưu. Thực lòng anh muốn đi làm rồi thi đại học nhưng các em anh còn đi học. Bố mẹ sẽ rất vất vả em ạ. Anh phải đi để cho bọn nó học hành đến nơi đến chốn.Dù không được học anh cũng sẽ cố làm một người có ích, sống có trách nhiệm - giản đơn là trách nhiệm với chính những người thân của mình. Lần này coi như đi nghĩa vụ một lần nữa.

    - Em có phải là người thân của anh đâu - tôi cao giọng. (Đến giờ tôi vẫn ân hận về những thói ích kỷ và vô trách nhiệm với lời nói của mình).

    - Anh rất yêu em! (Đấy là lần đầu tiên anh nói câu đó). Em chờ anh nhé - Anh sẽ sống xứng đáng với em!

    - Người ta chỉ chờ người đi bộ đội chứ ai chờ người đi nước ngoài - Chim trời, cá bể. Thôi anh cứ đi đi và coi những điều vừa rồi chưa có. Anh về đi, em phải tới trường tập trung chiều nay.

    Tôi thấy anh khóc nhưng lúc đó tôi coi thường anh lắm. Tôi còn sách vở, chỉ nghĩ tới những điều trong tiểu thuyết. Những cái lo toan hàng ngày, vật chất tôi cho là tầm thường. Rồi vào trường đại học, bạn bè mới tôi cũng nguôi ngoai và hình bóng anh mờ dần. Thư anh gửi tôi không đọc.

    Nhưng rồi càng sống, càng trải qua vui buồn tôi mới nhớ tới anh nhiều hơn. Giờ đây trò của tôi đã bằng tôi hồi đó còn tôi thì gấp đôi tuổi chúng nhưng mỗi khi sang thu lòng tôi se buồn. Tôi vẫn là một mảnh đời chưa tìm thấy nửa kia. Ôi "Hằng đẳng thức đáng nhớ" của tôi.

    Giờ anh ở đâu?

    Nguyễn Thuý Vân


    Được Milou sửa chữa / chuyển vào 06:00 ngày 20/06/2003

Chia sẻ trang này