Hàng Nga 3 Hai chuyện tình đáng noi theo M.Dumov Chuyện thứ nhất Mặc dù công việc của tôi bắt đầu từ chín giờ, và cuốc bộ đến cơ quan mất có mười lăm phút, nhưng cứ tám giờ là tôi đã bước chân ra phố. Không, chẳng phải tôi thuộc loại người thích đi làm sớm, để phô trương sự hăng hái và lại càng không phải loại người sáng sáng ưa bơm không khí mát lành vào phổi kiểu quan cách và nghênh ngáo. Vấn đề là, đúng tám giờ mười, tôi lại gặp nàng ở công viên, nàng đi ngược chiều với tôi. Tôi không biết tý gì về nàng. Đã ba năm nay, cứ đúng tám giờ mười, chúng tôi lại chạm trán và mỉm cười với nhau. Chúng tôi nói chuyện qua ánh mắt. - Chào chị, - tôi niềm nở. - Vâng, chào anh! - Hôm nay trông chị đẹp quá! - Anh quá khen đấy thôi. - Thật sung sướng nếu được làm quen với chị! - Vậy mời anh lại đây!... Nhưng việc ấy tôi không thể làm nổi. Không đủ can đảm. Tôi sợ mình tự hoang tưởng và biết đâu nàng sẽ làm đổ vỡ cái mà tôi đang nâng niu ấp ủ. Thỉnh thoảng nàng đi muộn - tôi bồn chồn: không lẽ nàng ốm? Vừa mới sắm được gì mới chúng tôi vội khoe với nhau. - Ôi, hôm nay chị diện quá! - Tôi nói với nàng bằng ánh mắt đầy ngưỡng mộ. - áo chị mặc sao vừa thế! - Ồ, cái mũ bê-rê này không hợp với khuôn mặt anh đâu! - nàng nhận xét. Và sáng hôm sau vừa nhìn thấy tôi đội chiếc mũ rộng vành, nàng xuýt xoa: - Phải thế chứ, đẹp quá! Một trăm lần tôi đã định đến bên nàng và rồi một trăm lần sững lại. Và tất nhiên chuyện này không thể không ảnh hưởng đến công tác của tôi. Đáng lẽ phải ngồi viết báo cáo, thì tôi lại ngồi tính chuyện đến làm quen và chuyện trò với nàng. Tôi mơ mộng thấy mình đến bên nàng, nắm tay nàng, nhìn vào đôi mắt xanh biếc của nàng và thủ thỉ: - Chúng ta gặp nhau đã ba năm..., tên em là gì nhỉ?... Anh yêu em! Lúc đầu ở cơ quan, người ta bỏ qua cho cái tính đãng trí của tôi , sau đó khuyên tôi chuyển công tác một cách nhã nhặn, cuối cùng họ buộc tôi thôi việc. Tuy thế, tôi vẫn tiếp tục đi qua chỗ hẹn. Nhưng rồi xảy ra một sự trục trặc. Tôi không thể tìm được một việc làm nào bắt đầu từ chín giờ. Từ bảy hoặc tám giờ thì có rất nhiều. Còn từ chín giờ tuyệt nhiên không. Tôi đã thất vọng. Những cuộc gặp gỡ vẫn không chấm dứt. Nhưng tôi cảm thấy ở nàng có sự thay đổi. Nụ cười trở nên buồn hơn. - Chị làm sao thế? - tôi đưa mắt hỏi. - Thế còn anh thì sao? - mắt nàng hỏi lại. Và rồi bỗng nhiên một ý nghĩ thoáng qua. Ngu quá, mình muốn đi làm từ chín giờ? Còn nàng làm việc ở đâu? Sao lại không đến xin vào làm ở chỗ nàng!? Sáng hôm sau, tôi quyết định đến bên nàng và hỏi xem nàng làm ở đâu. Tất nhiên tôi có thể bí mật bám theo gót nàng... Nhưng, như một anh bạn bác sỹ tâm lý sau này đã giải thích, cái chính dầu sao vẫn là mở miệng nói chuyện với nàng. Điều cuối cùng mà tôi còn nhớ là tôi cần nơi làm việc... Và tôi tiến đến gần: - Chị làm việc ở đâu? Nàng dừng lại, nụ cười tắt dần trên môi. Đôi mắt xanh biếc của nàng ngước lên nhìn tôi... và nàng đã kể cho tôi: - Em bị thải hồi rồi. Bây giờ em không làm việc ở đâu cả, bởi vì em đang muốn tìm một công việc nào bắt đầu từ... chín giờ. ... Còn bây giờ, chúng tôi từ lâu đã cùng đi làm với nhau. Đối với mấy đứa con, để tránh cho chúng thứ tình yêu nhẹ dạ ngay từ cái nhìn ban đầu, chúng tôi thường kể: - Trước khi cưới nhau, tao với mẹ chúng mày tìm hiểu nhau những ba năm. Điều đó gây cho chúng một ấn tượng mạnh mẽ. Chuyện thứ hai Galia về nhà muộn. Cô rón rén vào buồng mình, một lúc sau thấy vẳng ra từ đó tiếng nức nở. - Dôia này, - Anatôli Platônôvich lấy tay lắc vợ nằm bên cạnh. - Con Galia đang khóc. Dôia Nhicôlaevna khoác vội chiếc áo choàng. Lúc sau kèm với tiếng nức nở của con gái là tiếng khóc của vợ. - Chuyện gì thế này? - Anatôli Platônôvich quát lên với giọng hoảng hốt khi bước vào phòng. - Thằng Bôris, - bà vợ nói trong nước mắt - nó cưới đứa khác. Nó vừa mới thú nhận với con Galia. - Thằng đểu! - Ông bố gầm liên trong cơn điên dại. - Đồ khốn nạn! Ông bố cứ thế chạy từ phòng này qua phòng khác và chẳng hiểu sao, vung tay bật đèn khắp nơi. - Ngày mai tao sẽ đến nhà cái thằng mất dạy ấy! Cho hắn thử nhìn vào mắt tao! Thẳng từ cơ quan, ông bố bị lăng nhục lao đến nhà Bôris. Một người đàn bà đứng tuổi ra mở cửa. - Bôris có nhà không? - Cháu không có nhà. Ông cần nhắn gì ạ? - Thế bà là ai? - Tôi là mẹ của cháu. Trong khoảnh khắc Anatôli Platônôvich cảm thấy có nét gì đó quen quen ở người đàn bà tóc hoa râm này. Nhưng vội gạt máu lãng mạn sang một bên, ông tự giới thiệu một cách nghiêm nghị: - Tôi là bố cháu Galia! Anatôli Platônôvich Crasnôv. Người đàn bà im lặng, nhìn vào mặt ông khách, sau đó hỏi một cách khẽ khàng: - Tôlia, anh không nhận ra em sao? - Natasha, em đấy ư? - Ông khách kêu thốt lên. Anatôli Platônôvich đã quên hẳn con gái, quên nỗi uất hận, quên tất. Họ đưa nhau đi dạo quanh thành phố, cùng ôn lại thời thanh xuân. Đến chiều tối, trước khi chia tay nhau, Natasha hỏi bằng một giọng trầm ngâm: - Tôlia, tại sao khi đó anh lại đi lấy người khác? Mà lại ngay trước ngày cưới dự định của chúng ta! Bố em đã định giết anh... - Hừ, cái thằng ấy mà lọt vào tay tao! - Anatôli Platônôvich nói với con gái khi về đến nhà - thì tao giết chết nó ngay!... ____________________ You are what you know