1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hành trình đến với âm nhạc ( một dạng hồi kí của một người yêu nhạc)

Chủ đề trong 'The Beatles' bởi chuongbeats, 12/05/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Hành trình đến với âm nhạc ( một dạng hồi kí của một người yêu nhạc)

    Lời nói đầu
    Chuongbeats: Tôi có một người bạn tuy thời gian quen chưa lâu nhưng rất thân thiết. Bài viết dưới đây, tôi xin được đăng lại những gì anh ấy viết trong blog của mình, blog của một tín đồ âm nhạc. Nội dung của blog không có gì là "gay cấn, li kỳ" và không liên quan gì tới Beatles nhưng tôi hy vọng mọi người sẽ có những chia sẻ thú vị vì chắc chắn sẽ có nhiều người có nhiều kỉ niệm về những ngày đã qua. Tôi sẽ đăng lại và có thể e*** một số đoạn ko liên quan lắm, mong tác giả không kiện và đòi tiền nhuận bút!


    "......... Trước tiên xin gửi lời chào và lời chúc vạn sự như ý đầu xuân dành cho những người bạn và những người sẽ vào xem blog này. Có lẽ đây là một trong những blog bị bỏ hoang lâu nhất kể từ khi Chúa Trời tạo ra blog và blogger. Một trong những lí do chính khiến tôi lập blog ra rồi bỏ đó là vì tôi không có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhưng đến khi có thời gian rảnh rồi thì lại không có cảm hứng để viết. Hơn nữa, viết nhật kí không phải là thói quen của tôi. Cũng đã lâu lắm rồi tôi cũng chẳng vào các diễn đàn để post bài về nhạc rock hay tham gia bàn luận một vấn đề gì nữa. Chủ yếu chỉ lên những blog của bạn bè để đọc những bài mới. Tự dưng lại cảm thấy viết blog có một cái gì đó hay hay và thú vị. Nó không phải nhật kí vì nhật kí chỉ dành riêng cho một người đọc. Nó cũng chẳng phải là một quyển sách vì người viết blog không có mục đích thương mại. Nó chỉ đơn giản là nơi người viết bày tỏ những tâm sự hay những cảm xúc của mình để cho những người bạn cùng vào xem và góp ý để hiểu nhau hơn. Đó là lí do tôi quyết định chăm sóc cái blog của mình thường xuyên hơn trong năm nay vì cũng như những người viết blog khác, tôi cũng muốn chia sẻ và bày tỏ tâm sự của mình qua những trang viết.
    Tôi là một người yêu nhạc. Chỉ đơn giản là vậy mà cũng chẳng phải chỉ đơn giản như vậy bởi vì xét cho cùng một fan choai choai của UHP hay DT cũng có thể hét toáng lên rằng tôi là một người yêu nhạc. Tôi tự xem mình là một người yêu nhạc may mắn vì tôi không nghe nhạc theo một phong trào hay nghe để chứng tỏ mình như những người nghe nhạc khác. Tôi may mắn có điều kiện sưu tập và nghiên cứu âm nhạc. Và quan trọng hơn, tôi may mắn có được khả năng dùng âm nhạc để truyền tải cảm xúc của mình. Cho đến nay, âm nhạc đối với tôi vẫn là một người bạn lớn, một cứu cánh thực sự về mặt tâm hồn trong những lúc cô đơn và tuyệt vọng. Mục đích viết blog của tôi kì này không có gì khác hơn là để cảm ơn âm nhạc, nguồn động lực chính của tôi trong bao nhiêu năm nay và tìm một sự đồng cảm từ những người yêu nhạc chân chính. "
  2. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Chương I: Những ảnh hưởng đầu tiên, từ những bài hát ru không tên đến những tình khúc nhạc Nga.
    Tôi sinh ra một ngày cuối năm 1981 tại Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Những ai từng sồng trong thập niên 80 ở VN chắc hẳn hãy còn nhớ cuộc sống những năm ấy như thế nào. Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về những năm 80 ở SG là những buổi tối cúp điện triền miên và những ngày xếp hàng tại hợp tác xã để chờ phân phối gạo, thịt và vải. Năm khi mười hoạ mới có một chiếc xe lưu động chở nhu yếu phẩm hoặc một chiếc xe ba gác chở dầu hôi với cái ống bơm cao nghệu vào bán trong xóm. Tất cả chỉ có vậy.
    Vì một số lí do trong đó có cả lí do kinh tế, tôi sống với gia đình bên ngoại, bà ngoại và ba người dì trong suốt thời gian từ lúc mới sinh đến năm 7 tuổi. Trong thế giới của tôi lúc đó không hề có hình ảnh của bố mẹ, chỉ có ngoại và các dì. Mỗi tuần bố mẹ tôi chỉ đón tôi vào nhà bố tôi trong chợ Lớn vào hai ngày thứ sáu và thứ bảy, hai ngày kinh khủng nhất trong tuần vì tôi không hề thích vào ở chung với bố hoặc mẹ. Bố tôi là người Hoa, tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ ông nói tiếng Việt còn ngọng líu. Mặc dù thương con nhưng một phần do tính tình nóng nảy cộng thêm việc mưu sinh vất vả nên bố tôi hay làm tôi sợ hơn là thương. Lúc nhỏ, mỗi lần phạm lỗi gì, chỉ cẩn nghe doạ rằng về "méc ba" là tôi sợ rúm người. Mẹ tôi, hầu như tôi chẳng có ấn tưọng gì nhiều ngoại trừ những trận cãi nhau với bố. Thế giới của tôi lúc đó, như đã nói chỉ có bà ngoại và ba người dì.
    Có lẽ là cháu trai đích tôn trong gia đình bên ngoại nên tôi được ngoại và các dì cưng chiều hết mực. Từ việc chăm sóc, ẳm bồng, cho ăn, tắm giặt, đi chơi, đi khám bệnh, ru ngủ... đều do ngoại và các dì đảm nhận. Rất hiếm khi mẹ tôi ngồi đút cơm cho tôi ăn, bố thì lại càng không ( đối với tôi lúc đó như thế thì tốt hơn nhiều). Lúc đó nhiều lần tôi tự hỏi tại sao rằng những đứa trẻ khác cùng tuổi lại không ở cùng ngoại và mấy dì mà lại ở chung với bố mẹ và cho đó là điều hết sức bất bình thường. Nhưng mà thôi, bản tóm tắt lí lịch cá nhân như thế là đủ rồi. Mục đích của tớ là nói về âm nhạc chứ chẳng phải lôi chuyện riêng tư ra để bàn. Đừng có mà tưởng bở!
    Không như những đứa trẻ khác, tôi không hề đi nhà trẻ, hay đúng hơn chỉ đi nhà trẻ một ngày duy nhất. Sau khi chứng kiến cảnh "cô giáo như mẹ hiền" hùng hổ cầm kéo doạ cắt chân một bạn học chung lớp vì cái tội không ngủ trưa, tôi nhất quyết không đi nhà trẻ nữa. Dĩ nhiên yêu cầu đó được bà ngoại nhiệt liệt ủng hộ. Chính vì thế mà tôi khá mù mờ về các bài hát tuổi mẫu giáo. Ngoài "Bé bé bằng bông" ra, tôi chẳng biết gì cả, chẳng biết "ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy" hay " "Chiếc khăn tay mẹ thêu cho em" hay hàng tá các bài hát khác mà sau này thằng nhóc em họ tôi đi mẫu giáo về hay nghêu ngao. Bù lại tôi lại biết khá nhiều bài hát ru của bà ngoại vì bà là người chịu trách nhiệm ru ngủ tôi hằng đêm ( tôi vẫn ngủ với ngoại đến năm 10 tuổi). Nói đúng ra thì bà tôi hát không hay. Tuy nhiên cũng không thể gọi là dở được vì công bằng bà hát cũng không dở, chỉ có điều là lạc điệu . Tôi vẫn còn nhớ rõ những bài hát của bà thường hát cho tôi lúc đó gồm bài Hội Nghị Diên Hồng, bài hát về hai bà Trưng mà tôi không nhớ tựa ( bắt đầu bằng câu: "Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu..."), Đêm Đông, một bài hát về nàng công chúa loà có một niềm đam mê là chăm sóc hoa ( ai biết được bài này tựa gì hay có lời thì xin giúp đỡ, sẽ hậu tạ). Về cổ nhạc, bà tôi hay hát Lan và Điệp (xác bứom với cành lan, bứơm khô lan đã tàn) và một bài về Võ Tánh thất thủ thành Gia Định. Phải nói về cổ nhạc bà tôi hát hay hơn tân nhạc vì có thời gian, bà tôi là soạn giả cải lương ngày trước giải phóng.
    Vốn âm nhạc của bà tôi chỉ có thế. Khi hết vốn mà tôi vẫn chưa ngủ (chẳng là tôi nổi tiếng khó ngủ từ lúc còn bé), bà tôi chuyển nhượng cho dì tôi đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này giúp. Dì kế mẹ tôi là giáo viên dạy tiếng Nga lúc đấy có một giọng ca tệ hơn cả ngoại tôi và vốn bài hát còn ít hơn cả bà ( Trong nhà ngoài mẹ tôi ra, chẳng ai hát hay cả). Hai bài hát mà dì tôi hay hát ru tôi ngủ lúc bấy giờ là "Ông Trăng xuống chơi cây cau" và "Em ứoc mơ mơ gì tuổi mười ba.." ( Sau này tôi mới biết đó là nhạc của Phạm Duy, chỉ mới biết đây thôi) và một số bài nhạc Nga lời Việt như Kachiusa, Đôi bờ, và một bài gì về một người chơi trống bắt đầu " Bản nhạc vui hôm nhạc đã vang lên rộn ràng, người gõ trống mê say với đôi tay nhịp nhàng" ( một lần nữa không nhớ tựa và không biết tựa, cần giúp đỡ). Đó có lẽ những bài hát đầu tiên tôi được nghe trong đời. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng ấn tượng về những bài hát đó đối với tôi đến giờ vẫn không bao giờ phai nhoà. Đến bây giờ, tôi vẫn thích nghe những bài nhạc Nga để nhớ lại những kỉ niệm những ngày thơ ấu.
  3. huannk

    huannk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/02/2006
    Bài viết:
    502
    Đã được thích:
    0
    Hà hà, biết!
    Đang tưởng chú Chương "đụng hàng" người ta, hoá ra lại viết về chính bạn ấy.
    Chen ngang tí vậy thôi nhé, tiếp đi, hay lắm đấy.
  4. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Chương II: Chợ Lớn, tivi trắng đen, máy hát đĩa, cải lương và hát bội.
    Thời gian ở với bên ngoại lúc còn bé đối với tôi là một thiên đường vì nhiều lí do: được ngoại và các dì nuông chiều, được khỏi phải đi học mẫu giáo và nhất là được đi xem phim hầu như mỗi ngày. Nhà tôi gần rạp chiếu bóng Văn Cầm ( bây giờ là chi nhánh của ngân hàng ACB Phú Nhuận) đường Phan Đình Phùng. Hầu như tối nào tôi cũng được các dì dẫn đi xem phim. Trong trí nhớ của tôi, rạp Văn Cầm là một cái rạp chiếu phim xuống cấp trầm trọng, ghế thì gãy và đầy rệp, màn ảnh rộng làm bằng vải ngả màu cháo lòng và chiếc máy chiếu phim cũ kêu xè xè đôi khi át cả tiếng phim. Có những lúc cúp điện bất chợt hoặc đứt phim, khán giả lại đập ghế rầm rầm và gào lên "Trả vé đê!" ( tôi nhớ mình cũng có gào phụ hoạ, nhưng lúc đó chắc còn bé quá nên chẳng ai phiền!!). Lúc bấy giờ chỉ có phim Liên Xô và phim Việt Nam chứ không hề có phim Mỹ hay phim HK (Hàn cuốc hàn xẻng lại càng không). Đôi khi có thêm phim của các nước XHCN anh em như Ba Lan, Tiệp Khắc hay Đông Đức nhưng dường như phim Liên Xô lúc ấy là hay nhất. Tôi còn nhớ những bộ phim thần thoại và phim thiếu nhi như "Một đêm nữa của nàng Sheherazade" (phỏng theo chuyện 1001 đêm), "Chú hề và sáu con gấu", "Chú voi con tội nghiệp", "Kẻ thù hãy sợ người con trai thứ bảy".... là những bộ phim tôi thích nhất và đòi đi xem mỗi đêm đến khi nào rạp chuyển sang phim khác thì thôi. Còn đối với phim VN thì tôi không hề thích xem chút nào vì phần lớn là phim trắng đen, thứ hai lại là phim về chiến tranh như " Biệt Động Sài Gòn", "Ván Bài Lật Ngửa", "Mùa Nước Nổi." Bây giờ khi nhớ lại, tôi lại ước gì mình được xem lại những bộ phim đó.
    Tuy nhiên những ngày cuối tuần lại là những ngày đáng sợ vì tôi phải vào Chợ Lớn với bố mẹ. Nhà bố tôi ở lô R chung cư Nguyễn Kim, quận 10 là một ngôi nhà cũ và xuống cấp trầm trọng. Phía trước nhà là quán nhậu bình dân đến mỗi cuối tuần lại ồn ào không thể tả. Trong nhà là đủ thứ không tên và đầy bụi, từ những chiếc môtơ nặng chịch đến hàng đống bù lon, ốc vích, máy tiện, máy khoan, cưa búa đục đẽo, túm lại là những thứ trẻ con không thể nào chơi được. Tất cả tạo nên một thứ mùi ẩm thấp và khó có thể diễn tả được bằng lời. Mỗi chiều thứ 6 cứ đến 4 giờ là bố tôi từ chợ Dân Sinh nơi ông bán máy móc về đón mẹ tôi và tôi vào nhà ở Chợ Lớn trên chiếc xe mobillêtte cũ kĩ. Thường thì ông hay chở mẹ con tôi đi một vòng Chợ Lớn, ghé một quán mì nào đấy hay ghé qua Đại Thế Giới ( tên cũ của Nhà Văn Hoá quận 5) để cho tôi chơi một chút rồi mới về nhà. Đó là những lúc vui, còn những lúc ông có chuyện cãi nhau với mẹ thì coi như về thẳng nhà để tiếp tục chiến tranh nóng ( tiếp theo đó là chiến tranh lạnh, không ai nói tới ai suốt cả tháng trời). Sáng thứ bảy bố tôi lại đi bán, tôi và mẹ tôi ở nhà. Những ngày như thế, tôi chỉ ước cho thứ sáu và thứ bảy qua đi thật nhanh để đến chủ nhật lại về với ngoại.
    Ở nhà bố tôi có ba thứ khiến tôi tò mò: 1/ chiếc máy hát đĩa than, 2/ chiếc radio cũ và 3/ chiếc tivi trắng đen. Những ngày mới giải phóng, nhà nào có được từng ấy thứ là được xem như giàu nhất xóm rồi. Chiếc máy hát đĩa than là của cô tôi mua ngày trước giải phóng, không nhớ rõ hiệu gì nhưng có cái loa kèn to thật to, giống như cái máy hát đĩa biểu tượng của giải Grammy. Máy sử dụng kim và phải thay liên tục mỗi khi nghe đĩa. Mẹ tôi hay dùng nó để nghe đĩa cải lương Kiều Nguyệt Nga những lúc bố tôi không có nhà. Còn bố tôi có vài đĩa nhạc tiếng Hoa và một đĩa đơn của Carpenters một mặt là bài Sing ( sau này khi nghe Carpenters tôi nhận ra ngay ca khúc này), còn mặt kia là bài gì không nhớ rõ. Những lúc mẹ tôi mở đĩa hát để nghe, tôi hay rón rén chạy lại chiếc loa để xem bên trong có người không mà sao lại có tiếng người trong đấy. Một lần khi đang mò đến gần chiếc máy hát, tôi giật bắn mình khi nghe tướng cướp Phong Lai hét lâu la vây bắt Kiều Nguyệt Nga, thế là vút một cái, tôi bay lên giường lúc nào không hay. Từ đấy về sau không bao giờ dám mò đến cái loa nữa!!
    Chiếc radio thì không đáng sợ bằng. Mỗi trưa thứ bảy, đúng 12 giờ, mẹ tôi thường mở đài để nghe chương trình ca nhạc của "Đây là đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh" và hát theo. Phải công nhận mẹ tôi hát rất hay và rất hay hát. Đôi khi tôi còn thấy mẹ tôi hát hay hơn cả những ca sĩ trong radio ( đó là cảm nhận lúc còn bé). Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ hát ru tôi ngủ cả, trừ những lúc tôi ngủ lúc mẹ đang hát. Mẹ tôi lại có tật hay sửa lời những bài hát khi không thuộc ( bây giờ vẫn thế, ngay cả khi hát karaoke, lời sờ sờ ra đấy mà vẫn chế ra mà hát theo ý mình). Nhưng có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi mới sáng tác được nhạc chăng? Thế thì phải cảm ơn mẹ mới được!! Những lúc cúp điện, mẹ tôi lại giả giọng phát thanh viên: "Đây là đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh" và bất đầu hát những ca khúc quen thuộc. Và dĩ nhiên, thính giả duy nhất của chương trình phát thanh trực tiếp đó lại phải chỉnh lại những lúc ca sĩ vô tình (hay cố ý) sửa lời bài hát.
    Chiếc tivi trắng đen lại là một chuyện khác. Tôi nhớ cả chung cư cả trăm hộ chưa có đến 10 hộ có tivi. Mỗi khi trong nhà tôi mở tivi, trẻ con trong chung cư lại đứng vòng trong vòng ngoài xem ké, còn người lớn thì giả vờ kiếm chuyện này chuyện nọ qua hỏi han để được mời ở lại xem TV chung cho vui ( bố tôi ghét độc trò này vì ông không thích ồn ào và các bà hàng xóm lắm chuyện). Lúc đó SG chỉ có một chương trình truyền hình duy nhất phát sóng từ 7 giờ tối đến 10 giờ, bắt đầu bằng chương trình "Những bông hoa nhỏ" tiếp theo đến thời sự, tin thế giới, dự báo thời tiết và chương trình giải trí chính. Lịch phát sóng thì luôn luôn như nhau, thứ hai, thứ ba: phim truyện, thứ tư: không rõ, thứ năm: chuyện trong nhà ngoài phố, thứ sáu: ca nhạc theo yêu cầu người xem, thứ bảy: cải lương/kịch nói và chủ nhật: thế thao. Vì thường vào trong nhà bố tôi thứ sáu và thứ bảy nên tôi chỉ được xem chương trình ca nhạc theo yêu cầu người xem và cải lưong.
    Chương trình ca nhạc theo yêu cầu người xem thường bắt đầu với cô xướng ngôn viên đọc tên một bài hát nào đó kèm theo một lô một lốc tên những người yêu cầu bài hát rồi mới tới bài hát đó. Ấn tượng nhất đối với tôi lúc đó là bài "Lá còn xanh như anh đang còn trẻ" vì cô ca sĩ mặc bộ quần áo bộ đội vừa hát vừa đi như đang hành quân và bài "thành phố Hồ Chí Minh, tôi yêu thiết tha trong tim mình" do ca sĩ Đình Văn thể hiện. Một cặp kính cận, một cây đàn guitar với giọng hát đơn giản nhưng trầm ấm, Đình Văn đã thể hiện ca khúc này một cách hay đến không ngờ. Có một chút gì đó rất giống John Lennon, có lẽ cặp kính và cây guitar. Bài hát đó khiến tôi ấn tượng đến mức một lần tôi đã lấy trộm cặp kính cận của bố tôi để đeo và giả vờ vừa đàn vừa hát với cách bắt tréo chân như một người ngồi ôm đàn thật thụ. Sau này khi phong trào ca nhạc video "Mưa Bụi" đầu thập niên 90, Đình Văn bắt đầu chuyển hướng sang dòng nhạc bình dân, sức hấp dẫn mất dần. Gần đây nhất, tôi gặp lại ca sĩ Đình Văn trong chương trình truyền hình trực tiếp trao giải làn sóng Xanh năm 2006 với tư cách nhạc sĩ. Cũng cặp kính cận như ngày nào, nhưng không còn cây đàn guitar thùng mà thay vào đó là mái tóc nhuộm vàng vuốt keo và bô quần áo rất model. Và khi một ca sĩ thời thượng ( xin lỗi, ca sĩ thời thượng thì tôi chẳng thèm nhớ tên) trình bày ca khúc đạt giải của nhạc sĩ Đình Văn thì một chút gì gọi là ngưỡng mộ dành cho anh trong tôi hoàn toàn tan biến. Tôi không nghĩ rằng một Đình Văn của " thành phố Hồ Chí Minh" năm xưa lại có thể "sáng tác" một ca khúc rẻ tiền đến như vậy! Chuyện gì đã xảy ra với giọng hát trầm ấm và tiếng đàn guitar mộc mạc nhưng giàu cảm xúc của hơn 20 năm về trước??
  5. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Thứ bảy hàng tuần là chương trình kịch nói hoặc cải lương nhưng tôi nhớ cải lương nhiều hơn là kịch nói. Nếu bây giờ cải lương đồng nghĩa với những gì màu mè hoa lá cành và cường điệu quá mức thì cách đây khoảng 20-30 năm về trước, cải lương là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền nam cũng như hát bội của miền trung và chèo của miền bắc. Tôi nhớ rất rõ đã xem những tuồng như "Tiếng Trống Mê Linh" do nữ diễn viên quá cố Thanh Nga thủ vai Trưng Trắc, "Bên cầu dệt lụa", "Bão táp Nguyên phong", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt" vào mỗi buổi tối thứ bảy trên chiếc tivi đen trắng. Cải lương ngày trước với cải lương bây giờ là hai thế giới khác nhau. Ngày xưa mỗi nghệ sĩ đều diễn rất thật, rất tròn vai, diễn mà như không diễn. Nội dung của các bài vọng cổ đều mang tính văn học. Cách đây vài năm tôi được xem lại "Bên cầu dệt lụa" và "Đời cô Lựu" qua băng video, những cảm xúc và những kỉ niệm lại trở về mãnh liệt như khi nghe một bản nhạc rock tâm đắc. Tiếc là từ những năm 90 khi phong trào làm video cải lương để chủ yếu là bán ra nước ngoài cho Việt kiều xem đỡ nhớ quê hương thì cải lương bắt đầu trở thành một gói mì ăn liền không hơn không kém: nội dung nhạt nhẽo, vô nghĩa, lời ca vụng về, thiếu tính văn học và diễn viên thì đồng bóng. Cả khâu thu âm và ghi hình cũng được làm một cách cẩu thả, thường thấy nhất là việc ***g tiếng không khớp với hình khiến miệng nhép một nơi mà lời ca một ngả. Nghệ thuật cải lương mất dần ngôi vị độc tôn trong lòng người dân miền nam từ ngày ấy để cho đến bây giờ người ta lại gọi những gì giả tạo và lố bịch là "đồ cải lương!" Mặc dù các đài truyền hình trong nam vẫn dành những đất cho cải lương và những chương trình "Bông lúa vàng" hay "Vầng trăng cổ nhạc" nhưng hầu như người xem đài không mặn mà lắm trừ những người già. Chỗ đứng của cải lương không còn trên sân khấu nữa. Nhưng không vì lí do đó mà cổ nhạc miền nam được xem như bị khai tử.
  6. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Nếu có dịp đi thăm vùng sông nước tây nam bộ trên một chiếc ghe giữa ánh trăng tháng 8 cùng một ban nhạc tài tử, bạn sẽ cảm nhận hết được cái hồn của ca cổ miền nam. Tôi chưa được dịp nghe hát cung đình Huế, đã từng ra bắc để nghe quan họ Bắc Ninh, nhưng cảm xúc khi nghe đàn ca tài tử thì lại là một cảm xúc rất đặc biệt ( có thể nói là rất Yomost!!) Là người hâm mộ nhạc blues, tôi luôn cảm thấy giữa tiếng đàn guitar nhạc blues của người Mỹ da đen có một cái gì đó rất gần với tiếng đàn guitar phím lõm trong cổ nhạc VN, cũng giống như hai anh em vì một lí do nào đấy mà kẻ ở đằng đông, người ở đẳng tây của thế giới suốt đời không có dịp gặp nhau vậy. Nhưng nếu có dịp gặp nhau, họ sẽ nhận ra mình là anh em của nhau ngay. Lúc trước đã có một nhạc sĩ khá tên tuổi ở VN đã phát biểu rằng Jimmy Page của Led Zeppelin đã mượn ngũ cung của nhạc VN vào một số ca khúc bất hủ của nhóm. Đành rằng là "thấy người sang bắt quàng làm họ" nhưng điều này cũng phần nào nói lên được mối quan hệ khá mật thiết giữa các sử dụng ngũ cung trong cổ nhạc miền nam với nhạc blues . Và cũng gần đây, rất tình cờ khi xem một đoạn video phỏng vấn tay guitar kì cựu Ritchie Blackmore của Deep Purple huyền thoại, ông này đã tiết lộ một bí mật rằng những ngăn trên cây đàn Fender Stratocaster của ông được khoét lõm hơn so với những cây đàn cùng loại bình thường. Lại một sự trùng hợp nữa chăng?
    Những năm gần đây khi thị trường âm nhạc trong nước tràn ngập thứ nhạc rẻ tiền rập khuông nhạc Hàn nhạc Thái, cái mà những kẻ ấu trĩ tự huyễn hoặc mình gọi đó là V-pop thì những người nghe nhạc có chút hiểu biết hay lắc đầu mà bảo nhau rằng: "Việt Nam mình chỉ giỏi bắt chước!" Như vậy thì thật oan cho người Việt Nam và âm nhạc Việt Nam quá. Cũng với đàn nguyệt, tì bà, đàn nhị, sáo trúc, trống và kèn của TQ nhưng khi du nhập sang Việt Nam, những thứ nhạc cụ ấy đã bắt đầu mang hơi thở riêng của mình. Cũng là ngũ cung đấy, nhưng dân ca Việt Nam hoàn toàn khác với dân ca TQ về giai điệu lẫn tiết tấu. Cũng là cây đàn guitar đấy nhưng khi các nghệ nhân cổ nhạc khoét lõm phím đàn thì nó trở thành một phần linh hồn của cổ nhạc miền nam. Nếu người Tây Ban Nha có thể tự hào với điệu Flamengo, người Mỹ có thể vỗ ngực xưng tên mình đã tạo ra jazz, blues và rock trên cây đàn guitar thì tại sao cây guitar phím lõm Việt Nam lại hầu như không được biết đến trên thế giới? Tôi vừa xem bộ đĩa DVD chương trình liên hoan guitar Crossroad Festival do danh cầm Eric Clapton tổ chức trong đó cây guitar được biến tấu dưới nhiều hình thức khác nhau, ấn tượng nhất là một nghệ sĩ Ấn Độ kết hợp cây guitar với cây đàn sitar truyền thống. Tôi chợt nghĩ, nếu một ngày nào đó VN được tham gia Festival danh giá này với cây guitar phím lõm đặc trưng thì vinh dự biết mấy!!
  7. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Nếu tiếc cho cải lương một thì tôi lại tiếc cho hát bội mười. Từ miền trung du nhập vào miền nam, hát bội nhanh chóng chiếm được cảm tình của người miền nam, thậm chí còn hơn cả nơi xuất xứ của nó. Tuy nhiên như một định mệnh, những nghệ sĩ hát bội chưa bao giờ được biết đến cảnh giàu sang phú quí mặc dù có thời, hát bội là ngôi sao của sân khấu miền nam. Thập niên 90 người ta thấy sự bùng nổ của video cải lương ỏ miền nam cùng với sự giàu lên trông thấy của các nghệ sĩ cải lương. Không còn cảnh những gánh hát cải lương này đây mai đó trên những chuyến xe đò cũ mèm đi từ tỉnh này sang tỉnh khác nữa mà thay vào đó là các ngôi sao ăn mặc sang trọng, đi xe hơi đời mới và túi rủng rỉnh tiền. Điều này chưa từng xảy ra với hát bội. Những nghệ sĩ hát bội cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng sống trong nghèo khổ và chết trong nghèo đói bệnh tật. Chỉ có khi ở trên sân khậú, họ mới là những ông vua ông tướng là quí phi, thái hậu. Phần lớn họ chết do bệnh nghề nghiệp, bệnh lao phổi do phải hát hết hơi trên sân khấu. Cuộc đời của một nghệ sĩ hát bội thường gói gọn trong một câu: "Sống trong kèn trống nhưng chết không trống kèn."
    Ngày còn nhỏ, bà tôi thường hay kể cho tôi nghe những tích tuồng của truyện Tàu như "Trảm Trịnh Ân," "Tiết Đinh San chinh tây", "Tiết Nhơn Quí chinh đông,"... trong những đêm cúp điện. Và như thế, tôi đã đến với hát bội một cách rất tự nhiên. Lúc đó SG có một đoàn hát bội do nhà nước bao cấp thường hay diễn ở rạp Tân Định. Bà tôi thường dẫn tôi đi xem và giảng cho tôi nghe những động tác, điệu bộ của từng diễn viên trên sân khấu và cả cách vẽ mặt của các nhân vật. Tôi nhớ lần đầu tiên đi xem hát bội là lúc tôi khoảng 5 tuổi, chưa vào lớp 1 và tuồng hát hôm đó là "Trảm Trịnh Ân". Chú soát vé lúc ấy nhất định không cho tôi vào vì còn bé quá nên bảo rằng phải biết đọc chữ thì mới được vào xem. Thế là tôi đọc bản quảng cáo tuồng tích bao gồm tên diễn viên, tên nhân vật ro ro trước sự ngạc nhiên của nhiều người và sự hãnh diện của bà tôi ( chả là ở nhà tôi đã được dạy chữ từ năm lên 4). Thế là được vào xem. Đối với tôi sân khấu hát bội huyền ảo hơn cải lương và bác học hơn cải lương. Nếu như cải lương ai cũng có thể hiểu được thì hát bội lại phức tạp hơn nhiều. Từng nét mặt, từng điệu bộ, cái liếc mắt, cái vuốt râu đều những ý nghĩa mà chỉ có người am hiểu mới có thể nhận ra được. Câu chữ trong hát bội cũng phần lớn dùng từ Hán Việt với cách hát ngắc ngứ đặc trưng khiến cho người ngoại đạo nghe ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nhưng ấn tượng nhất là vũ đạo. Ai đã từng xem "Hồ Nguyệt Cô hoá cáo" hay "Khương Linh Tá dẫn đường cho Đổng Kim Lân" thì mới thấy hết được cái hay của vũ đạo trong nghệ thuật hát bội. Mà cũng không cần phải xem đến những tuồng tích đó mới cảm nhận được. Chỉ bằng một chiếc roi có tua gắn ở đầu, người nghệ sĩ hát bội khiến người xem hình dung ra một vị tướng đang cỡi ngựa. Con ngựa khi ngoan ngoãn chịu sự sai khiến, khi trở nên hung hãn bất kham. Chiếc roi, con ngựa, con ngựa, chiếc roi, thực và ảo, ảo và thực. Với sự diễn xuất tuyệt vời của người nghệ sĩ, khán giả không còn phân biệt được lằn ranh giữa thực và ảo. Trên sân khấu không có người nghệ sĩ đang vun vẩy chiếc roi mà là một vị tướng đang cỡi con chiến mã xông pha giữa trận mạc. Năm ngoái, tôi có tham gia một khoá học về kịch nghệ ở trường đại học nơi tôi đang học, giáo viên có giảng về hiện tượng người xem bị sự diễn xuất của người diễn cuốn hút đến mức mặc nhiên chấp nhận mọi việc diễn ra trên sân khấu là sự thật và ngay cả người diễn cũng quên rằng mình đang diễn xuất. Đột nhiên tôi lại nghĩ đến hát bội.
  8. chuongbeats

    chuongbeats Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/06/2003
    Bài viết:
    824
    Đã được thích:
    0
    Sau lần đi xem hát bội lần đầu tiên đầy ấn tượng đó, tôi có cùng bà ngoại đi xem hát bội tại rạp Tân Định nhiều lần ( và chẳng lần nào bị bắt lại không cho vào cả). Tôi còn nhớ rất rõ những tuồng đã xem như "San Hậu", "Phụng Nghi Đình" ( sau khi xem tuồng này về, tôi đã tìm hai bông lau giắt lên đầu cho giống hai chiếc lông trĩ của nhân vật Lã Bố ) "Ngọc Kì Lân xuất thế" và "Hồ Nguyệt Cô hoá cáo" ( vừa rồi xem báo thấy cò một cô gái người Úc diễn lại vai này rất xuất sắc, tự dưng muốn đi xem). Một điều rất thú vị khi đi xem hát bội mà không có sân khấu nào có thể có được ( kể cả sân khấu nhạc rock) là cách giao lưu khá đặc biệt giữa khán giả và diễn viên. Trước cửa rạp hát bội bao giờ cũng có những người bán quạt giấy và đó là mặt hàng đắt khách nhất. Người xem mua quạt để quạt ( tất nhiên vì rạp lúc đó làm gì có máy lạnh!) và để cổ vũ cho diễn viên. Khi diễn viên diễn đến lúc xuất thần thì cũng là lúc khán giả ném lên sân khấu những cây quạt giấy có kẹp tiền ở giữa. Diễn càng hay thì quạt ném lên sân khấu càng nhiều. Và thường thì có một diễn viên mặc đồ quân sĩ chạy ra sân khấu với nhiệm vụ nhặt quạt vào hậu trường. Dường như đó là một truyền thống và một qui luật trong khi xem hát bội. Diễn viên không cảm thấy bị xúc phạm và khán giả cũng không cho rằng mình ban ơn hay bố thí. Đó là một sự đồng cảm và tán thưởng nghệ thuật cũng giống như khán giả vỗ tay khi xem nhạc kịch hoặc hò hét điên cuồng khi tham gia một rock show vậy.
    Khi bắt đầu đi học tôi thỉnh thoảng có đi xem hát bội ở đình Phú Nhuận mỗi năm khoảng 12-14 tháng giêng âm lịch, tức là sau tết khoảng nửa tháng, thường là theo bà hoặc mẹ đi cúng đình rồi ở lại xem luôn. Ngồi trong đình Phú Nhuận nghi ngút nhang khói để xem hát bội, tôi không cảm thấy được sự hấp dẫn như khi xem hát bội trên sân khấu. Có lẽ vì không khí trang nghiêm quá, hay vì khoảng cách giữa khán giả và diễn viên gần quá hoặc cũng có thể vì lúc đó tôi cũng như những đứa trẻ khác cùng tuổi thích chạy nhảy chơi đùa hơn là ngồi giữa một đám đông ông già bà cả để xem hát. Nhưng bây giờ nghĩ lại lại cảm thấy hơi tiếc. Thời buổi hiện đại này muốn tìm một chỗ xem hát bội có lẽ còn khó hơn tìm vé lên mặt trăng. Và nếu có tìm được đi nữa, thì cũng chẳng biết rủ ai đi cùng. Không khéo lại bị sờ trán xem có bị ấm đầu không thì khổ!!
  9. floatle

    floatle Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2006
    Bài viết:
    135
    Đã được thích:
    0
    hehe... ko ngờ bác Chương cũng có một tuổi thơ "sến" fết nhỉ! em đùa bác tí thôi. Hôm nay e mới có dịp để đọc hết các bài viết của bác, cám ơn bác đã( và sẽ) chia sẻ những ký ức âm nhạc đẹp của bác cho mọi người.
    Phải công nhận bác là một người may mắn đấy chứ,vì từ bé đă được thưởng thức những thể loại đặc sắc, độc đáo này của dân tộc. Em thì chưa có được cơ hội được xem trực tiếp tại rạp như bác đâu mà mới chỉ được dự thính ở một vài cuộc vui mà người tham dự thường trình diễn thể loại nhạc này. Đúng thật, giống như bác nhận xét, xem trình diễn dòng nhạc này thì thấy sôi nổi,ồn ào, cuốn hút chả thua j đi xem rock-show. Người hát và người chơi nhạc diễn rất say sưa , các bài hát cứ nối đuôi nhau vang lên; dường như ở đây bài hát là không có giới hạn. Người hát rất say sưa thậm chí còn chuyền tay nhau luân phiên để cùng thể hiện. Giai điệu, nhịp điệu của nó thì có gì đó lại hơi đu đưa, lắc lư. Nó khiến người ngồi nghe cũng khó mà ngồi im chân tay.Nhưng âm thanh của bài hát,giọng hát, nhạc cụ thì nghe lai có chút gì buồn và hơi yếu đuối.( có lẽ điểm này chính là cái nét giống nhau giữa thể loại này của ta với nhạc Blues của người Mỹ: ca từ, đề tài nói về số phận, cuộc sống buồn , nghèo khổ nhưng giai lại rất say sưa cuốn hút.) Em cũng đồng ý vơi bác về sự tương đồng giữa guitar fím lõm của ta với guitar Blues. Em còn nhớ có một lần được xem một nhóm chơi nhạc mà có cả cụ Kim Sinh chơi. Có những đoạn cụ solo, tỉa dây nghe chất dã man, nghe như đang nghe một tay leader của rock, hay Blues đang fiêu vậy. Cái réo rắt,đục đục , hơi chùng chùng rất giống với âm thanh của guitar Blues. ) Tiện đây cũng xin bắt tay bác Chương một cái vì em cũng có cùng "tín ngưỡng" Blues giống bác, đặc biệt là Eric Clapton Hôm nào có dịp sẽ mong được đàm đạo cùng bác
    Được tham dự một đêm nhạc của hát bội quả thực rất thú vị và để lại những ấn tướng sâu đậm. Ko biết đã có bác nào được nghe Happy Birthday bằng kiểu này chưa!? Nếu chưa thì thật là tiếc đấy, vì nó nghe rất....... hay có những lúc máu người ta có chơi nhạc nhẹ, nhạc trẻ trên nền bầu, tranh, nguyệt, tứ........ cũng có solo như ai, cũng fiêu như ai nhưng lại là bằng đàn bầu, tranh, guitar lõm cơ.Nói chung được tham gia một buổi như thế cực vui( mặc dù trước đây em là đưa ANTI mấy cái thể loại này cực lớn)
    Âm nhạc quả thật là một "món ăn" thú vị, rất hấp dẫn và rất gần với đời sống. Mỗi một thể loại, dòng nhạc lại mang một phong cách, tính cách rất đặc trưng.Và trong cuộc sống nếu khám phá hết cái hay, cái style của mỗi thể loại nhạc thì quă thực là một niềm hạnh phúc, sung sướng khôn tả.
    Cuối cùng, xin cám ơn bác Chương vì đã cho ra đời topic mới mẻ và rất ý nghĩa này. Hy vọng sẽ tiếp tục được theo dõi những bài viết của bác trên diễn đàn. Em cắt ngang bác mấy câu thôi, còn bây giờ xin trả lại bác để bác tiếp tục mạch cảm xúc nhé! pye!
    P/s: bác ạ mỗi người mỗi sở thích nhưng miễn là những cái mình thích là những thứ hay, đặc sắc, có tính cách và có lập luận, lý lẽ đàng hoàng. Em cho là như thế,
    Được floatle sửa chữa / chuyển vào 23:38 ngày 13/05/2007
  10. takbeatles

    takbeatles Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/07/2003
    Bài viết:
    929
    Đã được thích:
    0
    Đọc kĩ đi chứ, !

Chia sẻ trang này