1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Harper Lee- Giết chết 1 con chim Mocking

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi ngungonmuadong, 23/06/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Harper Lee- Giết chết 1 con chim Mocking

    Đây là một tác phẩm rất nổi tiếng và có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều.
    Tác phẩm đi theo chủ đề chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
  2. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Phần I
    Cha tôi tên là Eticớt Phinchơ. Ông là luật sư ở thị trấn Mâycơm. Lần đầu tiên mới biết về thị trấn này, tôi thấy đó là một thị trấn cổ lỗ, chán ngắt. Phố xá đầy cỏ mọc, những khi trời mưa rất bẩn thỉu. Cuộc sống trôi qua buồn tẻ, không có chỗ nào để đi lại chơi bời, không có hàng hoá để mua bán, và hơn nữa, giá muốn mua cũng chẳng có tiền.
    Gia đình chúng tôi gồm có cha tôi, anh Giêm, tôi và chị nấu bếp Kenpơniơ. Nhà chúng tôi ở trong thị trấn, Tôi và Giêm thấy cha chúng tôi rất tốt: ông chơi đùa với chúng tôi, đọc truyện cho chúng tôi nghe, lúc nào ông cũng dịu dàng.
    Mẹ tôi mất khi tôi mới lên hai, nhưng không bao giờ tôi cảm thấy thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Cha tôi lấy mẹ tôi vào lúc ông không còn trẻ nữa. Mẹ tôi kém cha tôi mười lăm tuổi. Cha mẹ chúng tôi lấy nhau được một năm thì anh Giêm ra đời, bốn năm sau đến lượt tôi. Tôi mới hai tuổi thì mẹ qua đời vì một cơn đau tim đột ngột.
    Hai anh em tôi rất thương yêu nhau, chúng tôi không đánh bạn với ai cả. Nhưng vào lúc tôi sắp lên sáu và anh Giêm xấp xỉ mười tuổi thì thằng Đin đến thị trấn chúng tôi. Nhà nó ở thành phố Mơ-ri-đi-ơn thuộc bang Mixixipi. Nó đến nghỉ hè tại nhà người cô, cô Raychơn He-vơ-phớt. Từ vụ hè đó trở đi, mùa hè nào nó cũng đến nghỉ ở thị trấn Mâycơm. Mẹ nó là thợ ảnh ở Mơ-ri-đi-ơn.
    Thằng Đin có mái tóc bạch kim trắng muốt như tuyết, và cặp mắt màu xanh da trời. Lúc nó trò chuyện, cặp mắt lúc thì sáng long lanh, lúc thì sẫm lại, tiếng cười của nó đột ngột và vui vẻ. Nó hơn tôi một tuổi.
    Tôi hỏi thằng Đin về bố nó:
    -Đằng ấy chưa kể gì về bố đằng ấy cả.
    -Tớ không còn bố nữa.
    -Bố đằng ấy mất rồi à?
    -không phải...
    -Nếu bố đằng ấy chưa chết, thì đằng ấy phải có một ông bố chứ, đúng không?
    Đin đỏ mặt, Giêm ngăn không cho tôi hỏi nữa.
    Suốt cả vụ hè, chúng tôi dựng một túp lều bằng cành cây ở cái vườn sau nhà, và chơi các trò đóng kịch. Đến cuối tháng tám, chúng tôi chán tất cả các trò ấy, đúng lúc đó Đin bèn gợi ý là chúng tôi làm thế nào để bắt con ngoáo ộp Rét-li đi ra khỏi nhà.
    Ngôi nhà của gia đỉnh Rét-li ở phía nam nhà chúng tôi. Ngôi nhà đó thấp, vốn quét vôi màu trắng nhưng màu đã sẫm đi từ lâu và biến thành màu xám như màu của cái sân bao quanh. Mấy cây sồi ở phía trước ngăn ánh sáng mặt trời rọi vào trong nhà.
    Trong nhà có con ngoáo ộp Rét-li, một con ma. Mọi người đều nói là con ngoáo ộp Rét-li sống trong đó, nhưng hai anh em tôi chưa bao giờ trông thấy nó. Người ta đồn rằng vào ban đêm con ngoáo ộp thường đi ra khỏi nhà, ngó vào các cửa sổ.
    Chuyện phiền muộn trong ngôi nhà đó xảy ra từ nhiều năm trước khi hai anh em tôi ra đời. Người ta còn nhớ lại là trong ngôi nhà ấy vốn có vợ chồng ông bà Rét-li sống cùng với hai người con trai. Những người trong gia đình Rét-li ít giao du với hàng xóm láng giềng, họ cũng chẳng hề đi lễ nhà thờ, họ thờ Chúa ngay tại nhà. Vào những ngày chủ nhật, cửa chớp, cửa ra vào nhà họ đều đóng im ỉm. Bà Rét-li rất ít khi ra phố để tạt vào nhà người quen uống một tách cà phê. Ông chồng thì sáng sáng thường ra phố vào lúc 11h và về nhà vào lúc 12h. Đó là một người gầy, cặp mắt màu rất nhạt. Ông ta chẳng bao giờ nói một lời nào với hai anh em chúng tôi. Khi ông Rét-li đi ngang qua, chúng tôi thường nhìn xuống đất và nói:
    -Chào ông ạ!
    Nhưng ông ta thường không trả lời.
    Người ta kể lại rằng từ nhiều năm trước, cậu A-thơ, cậu em trong gia đình Rét-li, đánh bạn với mấy cậu con trai của gia đình Ca-ninh-ơm ở Ôn Xerơm. Họ nghịch ngợm đôi chút, nhưng cũng đủ để cả thị trấn bàn tán. Những ngày chủ nhật, họ thường đi ô tô lên Ebớtvin, xem chiếu bóng. Họ khiêu vũ và uống rượu Whiskey.
    Một hôm mấy anh bạn say rượu làm phố xá rất náo loạn đến nỗi chính quyền thị trấn quyết định ra tay, họ bị gọi đến trình diện ông chánh án. Ông chánh ánh quyết định gửi họ đến trường Công nghiệp của bang. Những người được gửi đến đó đều có nơi ăn, chốn ở hẳn hoi. Đó không phaỉ là một việc ô nhục. Nhưng ông Rét-li lại không nghĩ thế. Ông ta nói rằng nếu ông chán án khoan hồng cha A-thơ , ông ta sẽ chăm nom để Athơ không gây ra chuyện gì nữa. Ông chánh án bằng lòng.
    Mấy anh con trai nhà Ca-ninh-ơm đi đến trường Công nghiệp, họ được học hành tử tế. Và cũng từ khi ấy, vào những ngày cuối tuần và những ngày chủ nhật, cửa rả nhà Rét-li đóng im ỉm. Suốt trong mưòi lăm năm, chẳng ai nhìn thấy mặt mũi cậu con trai út nhà Rét-li nữa.
    Không người nào biết tại sao ông Rét-li lại giấu kín A-thơ, không để ai nhìn thấy cả. Cha tôi bảo rằng có rất nhiều cách làm con người biến thành ma.
    Người con trai lớn của ông Rét-li sống ở Pen-xơ-cô-lơ. Anh thường về nhà vào dịp lễ Noel. Anh là một trong số vài người mà chúng tôi thường thấy ra vào ngôi nhà đó. Từ ngày ông Rét-li dẫn Athơ về nhà, mọi người đều nói là ngôi nhà đó đã trở thành ngôi nhà chết.
    Rồi đến một hôm cha tôi bảo hai anh rm chúng tôi đừng đùa nghịch ầm ĩ ở ngoài sân nữa. Ông Rét-li ốm sắp chết. Cuối cùng chúng tôi đứng ở trước cửa nhà xem ông Rét-li lần cuối cùng đi ngang qua nhà chúng tôi.
    -Con người tồi tệ nhất thế gian- Chị Ken-pơ-ni-ơ lẩm bẩm và quay mặt đi.
    Người anh của A-thơ từ Pen-xơ-cô-lơ trở về nhà, Nhưng điểm khác nhau duy nhất giữa anh và người cha là anh trẻ hơn, khi hai anh em chúng tôi chào thì anh đáp lại, và thỉnh thoảng chúng tôi thấy anh từ thành phố trở về nhà, tay cầm một cuốn tạp chí.
    Chúng tôi càng kể cho Đin nghe chuyện những người trong gia đình Rét-li, thì Đin lại càng muốn biết thêm về con ngoáo ộp Rét-li. Đin thường nói:
    -Biết được nó làm gì ở trong đó thì thú lắm đấy.
    Giêm đáp:
    -Đúng rồi, nó hay đi ra khỏi nhà vào lúc tối mù tối mịt. Cô Stê-phơ-ni Cơ-ro-phớt kể là có một lần vào lúc nửa đêm, cô ấy tỉnh giấc thì thấy nó ngó qua cửa sổ, nhìn cô ấy.
    Đin bảo:
    -Chúng ta cố làm cho nó ra khỏi nhà. Tớ rất muốn nhìn xem nó như thế nào.
    Giêm nói rằng nếu quả Đin muốn chết thì chỉ có việc là trèo lên bậc thềm và đi vào cửa trước ngôi nhà đó.
  3. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Vào đầu tháng chín, Đin từ biệt chúng tôi, một tuần nữa, tôi sẽ bắt đầu đi học. Trong đời, tôi chẳng chờ đợi một việc gì hơn là thế. Hôm đầu tiên, Giêm đưa tôi đến trường. Vừa đi Giêm vừa bảo tôi rằng trong khi học ở trường tôi sẽ phải học với những đứa ở lớp một, còn Giêm ở lớp năm. Tóm lại, tôi không được lúc nào cũng cứ bám lấy Giêm.
    -Chúng mình sẽ sống ở trường như chúng mình sống ở nhà thôi- Giêm nói -nhưng em sẽ thấy ... ở trường khác đấy.
    Quả là có khác thật. Cô giáo Ke-rơ-lai-nơ Phi-sơ của tôi chưa quá hăm mốt tuổi. Cô bắt đầu buổi học bằng cách đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện về những con mèo. Mấy con mèo trò chuyện với nhau rất lâu, chúng sống dưới sàn bếp ở một ngôi nhà ấm áp. Đọc xong câu chuyện, cô Ke-rơ-lai-nơ hỏi:
    -Chuyện có hay không , các em?
    Rồi cô lên bảng viết bảng chữ cái bằng những chữ khá to. Cô quay xuống phía chúng tôi và hỏi:
    -Em nào biết những chữ này?
    Cả lớp đều biết, nhưng cô giáo chỉ tôi. Tôi đọc bảng chữ cái, và cô giáo bảo tôi đọc gần hết cuốn Tập đọc vỡ lòng. Rồi cô bảo tôi về nói với cha tôi đừng dạy tôi thêm ở nhà nữa.
    -Thưa cô Ke-rơ-lai-nơ, bố em có dạy em chữ nào đâu. Bố em không có thì giờ để dạy em học một chữ nào cả- tôi trả lời. Ngẫm nghĩ về việc đó, tôi thấy tự nhiên là mình biết đọc.
    -Em nào về nhà ăn trưa, hãy giơ tay lên- Cô Ke-rơ-lai-nơ bảo. Những đứa nhà ở thị trấn đều giơ tay, cô giáo nhìn chúng tôi.
    -Em nào có mang theo bữa ăn trưa thì đặt lên bàn- Cô Ke-rơ-lai-nơ đi lại gần bàn của Oantơ Ca-ninh-ơm và hỏi:
    -Suất ăn của em đâu? Sáng nay em quên không mang theo à?
    Cô Ke-rơ-lai-nơ nói xong liền quay về bàn của cô.
    -Em cầm lấy đồng tiền này- Cô giáo bảo Oan-tơ- Trưa nay em ra phố ăn nhé. Sáng mai, em trả lại cô.
    Oantơ lắc đầu:
    -không ạ,cám ơn cô.
    Oantơ lại lắc đầu. Tôi muốn gíup nó, tôi nói:
    -Thưa cô Ke-rơ-lai-nơ, nó là một người họ Ca-ninh-ơm.
    -Thế là thế nào, em Gin Lu-i?
    Cả bọn chúng tôi đều hiểu. Không phải Oantơ quên mang suất ăn trưa, mà chính vì nhà nó không có cái ăn. Hôm nay nó không ăn trưa; ngày mai cũng không , ngày kia cũng không. Tôi nói:
    -Sau một thời gian ngắn, cô sẽ hiểu biết tất cả những người sống quanh đây. Những người trong gia đình Ca-ninh-ơm không bao giờ nhận một thứ gì mà họ sẽ không trả được, họ chỉ sống bằng những thứ họ có, Họ không có nhiều, nhưng họ sống bằng những thứ đó. Oantơ không có tiền mang trả cô đâu.
    -Em Gin Lu-i này, buổi học sáng nay cô ngán em lắm đấy- cô Ke-rơ-lai-nơ bảo tôi- Trong mọi việc, em đều đặt bước sai đấy.
    Cô giáo bảo tôi đứng vào một góc phòng. Nhưng tôi cũng chẳng phải đứng lâu ở góc đó, bởi vì chuông đã vang lên, cô Ke-rơ-lai-nơ trông nom học sinh đi ăn trưa. Tôi là người cuối cùng rời lớp học, tôi thấy cô Ke-rơ-lai-nơ ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay lên ôm lấy đầu. Nếu cô Ke-rơ-lai-nơ đã thân thiện với tôi hơn, thì tôi rất thương cô. Cô Ke-rơ-lai-nơ thật là nhỏ bé, xinh đẹp.


    Tóm được Oantơ Ca-ninh-ơm ở sân trường, tôi rất khoái, tôi định đánh nó, nhưng Giêm đã chạy lại, ngăn tôi:
    -Em lớn hơn nó.
    -Nó gần bằng tuổi anh đấy- tôi đáp - Nó đã làm em " đặt bước sai".
    -Bỏ nó ra, Sói con ạ. Có chuyện gì xảy ra thế?
    -Nó không có suất ăn trưa- tôi trả lời và cho Giêm về chuyện đáng buồn xảy ra giữa tôi và cô giáo Ke-rơ-lai-nơ.
    Giêm nhìn Oantơ và hỏi:
    -Bố cậu là bác Oantơ Ca-ninh-ơm ở Ôn Xe-rơm. Có phải không?
    Oantơ gật đầu.
    -Này Oantơ, về nhà ăn trưa cùng với chúng tớ nhé. Chúng tớ rất thích cậu đến chơi.
    Mặt Oantơ sáng lên, rồi bỗng tối sầm lại.
    Giêm nói:
    -Bố chúng tớ là bạn bố đằng ấy, Sói con không đánh cậu nữa đâu.
    -Đúng đấy, Oantơ ạ. Tớ không lao vào đằng ấy nữa đâu. Đi thôi, chị Ken của chúng tớ nấu ăn rất tuyệt.
    Oantơ đứng nguyên ở chỗ cũ, không đi cùng với chúng tôi. Hai anh em chúng tôi bước đến gần nhà ông Rét-li, thì Oantơ gọi:
    -Này, chờ tớ với !
    Giêm chạy vào bếp và bảo chị Ken-pơ-ni-ơ dọn thêm một đĩa ăn cho Oantơ. Cha chúng tôi rất vui vẻ hỏi han Oantơ, và trò chuyện về mùa màng, làm hai anh em chúng tôi không theo kịp câu chuyện.
    Sau khi ăn, chúng tôi quay lại trường học.
    Buổi chiều, hai anh em chúng tôi chạy ra vỉa hè đón cha chúng tôi đang đi về nhà sau buổi làm việc. Cha tôi hỏi rất nhiều về trường học. Tôi cứ trả lời gióng một, cha tôi không gặng hỏi nữa.
    Sau bữa ăn tối , cha tôi cầm tờ báo, ngồi xuống ghế, rồi gọi:
    -Sói con, đọc báo chứ.
    Tôi bỏ ra cổng trước . Cha tôi đi theo.
    -Có chuyện gì thế, Sói con?- Cha tôi hỏi.
    Tôi kể cho cha tôi là tôi cảm thấy không được dễ chịu lắm và tôi không muốn đến trường nữa nếu như cha tôi bằng lòng.
    -Bố chưa bao giờ đến trường mà bố vẫn giỏi cơ mà, con cũng sẽ ở nhà . Bố có thể dạy con như ngày xưa ông dạy bố và chú Giéc.
    -Bố không thể dạy con được. Bố còn phải làm việc, nếu bố giữ con ở nhà, người ta sẽ bắt giam bố. Có chuyện gì đã xảy ra sao?
    Dần dần tôi kể cho cha tôi nghe tất cả những chuyện rắc rối ở trường trong buổi học hôm nay:
    - ... Cô Ke-rơ-lai-nơ bảo bố đã dạy con học là sai, con không thể đọc truyện cùng với bố nữa. Bố đừng bắt con phải đến trường.
    -Điều cốt yếu là nếu con hiểu biết đôi chút,Sói con ạ, con sẽ sống hoà hợp với cả mọi người. Con chẳng bao giờ thực sự hiểu một người nào, nếu con không nhìn mọi việc theo cái nhìn của người đó, nếu con không đặt mình vào địa vị của người đó.
    Cha tôi bảo như vậy: ngày hôm nay , tôi đã học được nhiều điều, cô Ke-rơ-lai-nơ cũng học được một số điều. Cô ấy làm thế nào để trong một ngày hiểu biết được mọi chuyện ở Mây-cơm?
    Tôi nói:
    Thằng Ba-rít Iu-ơn, bố có nhớ không? Nó chỉ đến trường học có một ngày đầu tiên thôi.
    -Con không làm thế được. Con phải đi học.
    -Con không hiểu taị sao con phải đến trường, còn nó thì không cần đi học.
    Cha tôi bảo: những người trong gia đình Iu-ơn là một vết ô nhục cho thị trấn Mây-cơm trong ba thế hệ này. Không một kẻ nào trong bọn họ làm được một việc lương thiện nhỏ bé. Tuy là con người, nhưng bọn họ sống như súc vật. Mọi người cho phép bọn họ được hưởng một số ngoại lệ. Chẳng hạn, con cái nhà Iu-ơn được phép không phải đến trường học hành. Hoặc bố của Ba-rít là Bốp Iu-ơn có thể được săn bắn vào mùa cấm.
    -Thật là trái luật pháp- cha tôi nói- thật là rất xấu xa, nhưng nếu một kẻ dùng tiền cứu tế để uống rượu, con cái kêu khóc vì đói. Bố không biết có người nào ở vùng naỳ lại không cho phép những đứa bé ấy nhận lấy các con thú săn mà bố chúng có thể giết được.
    -Nhưng nếu con tiếp tục đi học, thì con không thể đọc truyện cùng với bố được nữa.
    -Thật là một việc rắc rối cho con, có phải không?
    -Vâng ạ.
    Cha tôi nhìn tôi:
    -Con cứ tiếp tục đi học, còn tối tối bố con ta lại vẫn đọc truyện như mọi khi. Như thế có được không con?
    -Vâng ạ.
    Lúc tôi mở cưả, cha tôi bảo:
    -Sói con này, về chuyện này con đừng kể gì ở trường thì tốt hơn đấy. Bố chưa hề đến trường đi học bao giờ, nhưng bố cảm thấy nếu con kể cho cô Ke-rơ-lai-nơ biết hai bố con mình tối nào cũng đọc truyện thì cô ấy sẽ trách bố đấy. Bố không muốn bị cô giáo của con trách.
    Được ngungonmuadong sửa chữa / chuyển vào 13:28 ngày 24/06/2006
    Được ngungonmuadong sửa chữa / chuyển vào 14:10 ngày 24/06/2006
  4. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Tôi tan sớm hơn Giêm nửa giờ, Giêm phải ở trường đến lúc ba giờ cơ. Ra khỏi trường , tôi thường chạy một mạch ven theo nhà ông Rét-li, về đến tận cổng trước nhà tôi. Một buổi chiều đang chạy như thế, bỗng có một vật làm tôi chú ý. Tôi nhìn xung quanh khá lâu rồi quay đầu lại.
    Gần nhà ông Rét-li có 2 cây sồi đứng sừng sững. Cái vật đáng chú ý ấy nằm ở một cây sồi.Trong một cái hốc cao sát đầu tôi trong cây sồi có một tờ giấy thiếc. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh một lần nữa, rồi thò tay vào trong hốc, lấy ra được hai miếng kẹo cao su.
    Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cho kẹo cao su thật nhanh vào mồm, nhưng tôi chợt nhớ là đang ở gần nhà ông Rét-li. Tôi chạy về nhà, đến cổng trước, tôi ngắm lại chiến lợi phẩm đã thu được. Kẹo cao su trông rất hấp dẫn. Tôi thè lưỡi liếm, đợi một lát. Thấy không bị làm sao, tôi liền bỏ luôn vào mồm.
    Lúc Giêm đi học về, tôi kể cho Giêm nghe về chuyện kẹo cao su, Giêm rất giận dữ, bảo tôi:
    -Em không được đụng đến bất cứ cái gì ở cây sồi đó. Nếu đụng vào, em sẽ bị chết đấy.
    Tôi trả lời:
    -Em nhai kẹo cao su suốt cả chiều nay, thế mà có chết đâu, ngay cả ốm cũng không.
    Thế là Giêm, bèn móc miếng kẹo cao su ra khỏi mồm tôi ngay tức khắc.


    Mùa hè đang đến. Đó là mùa mà chúng tôi thích nhất: mùa hè đâu như đang ngủ ở cổng sau nhà, hoặc đang nằm im trong chiếc lều làm bằng cành cây, mùa hè có tất cả các thức ăn ngon lành, nhưng thú nhất vẫn là có Đin đến.
    Sau buổi học cuối cùng, Giêm và tôi cùng về nhà với nhau. Khi đến gần hai cây sồi ở cạnh nhà ông Rét-li, tôi giơ tay chỉ, có đến lần thứ một trăm, cái hốc mà tôi đã tìm thấy kẹo cao su, tôi chợt thấy một miếng giấy thiếc khác.
    -Sói con, anh nhìn thấy! Anh nhìn thấy ...
    Giêm quan sát xung quanh, rồi thò tay lấy ra được một cái gói con bóng loáng, đút luôn vào túi. Chúng tôi chạy về nhà, đến cổng trước, chúng tôi giở cái gói nhỏ đó ra xem. Đó là một cái hộp nhỏ, ở trong có hai đồng xu sạch bóng. Giêm nhìn hai đồng xu.
    -Hình đầu người da đỏ. Sói con naỳ, một đồng xu có chữ 1906, một đồng xu 1900. Chúng bằng vàng thật.
    -Chúng mình cứ giữ chúng, có được không anh Giêm?
    -Anh không biết chúng mình nên làm thế nào, Sói con ạ. Chúng mình đem hai đồng tiền này trả cho ai được? Chúng mình sẽ giữ lại cho đến khi trường khai giảng năm học mới, rồi chúng mình sẽ gặp mọi người hỏi xem có ai mất hai đồng tiền này không. Chẳng có ai đi đến gần chỗ đó. Nhưng đối với một người nào đó, hai đồng tiền này rất quan trọng. Hình đầu người da đỏ... ờ, có lẽ vốn là của người da đỏ. Chúng có thể mang lại vận may. Chúng có thể phù hộ cho người ta khoẻ mạnh, sống lâu. Anh sẽ cất hai đồng tiền này vào trong bàn học của anh.
    Trước khi về buồng riêng, Giêm nhìn nhà ông Rét-li rất lâu, ngẫm nghĩ.


    Hai ngày sau, Đin tới. Một mình nó đi tàu hoả từ Mơ-ri-đi-ơn tới Mây-cơm. Cô Rây chơn đón nó ở ga, rồi cùng với nó đi xe taxi về nhà.
    Đó là những ngày tự do đầu tiên của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã chán tất cả các trò chơi cũ. Một hôm Giêm đắc thắng tuyên bố:
    -Tớ biết một thứ trò chơi mới, khác hẳn các trò cũ.
    -Gì cơ? - Đin hỏi.
    -Ngoáo ộp Rét-li.
    -Ngoáo ộp Rét-li? Sao ?- Đin hỏi lại.
    Giêm bảo tôi:
    -Sói con này, em có thể đóng vai bà Rét-li.
    -Xem đã . Em không cho là ...
    -Sợ à ? -Đin hỏi tôi - Đằng ấy sợ à ?
    -Ban đêm nó có thể ra khỏi nhà, khi tất cả bọn mình ngủ ... - tôi nói.
    Giêm bảo:
    -Sói con này, nó làm thế nào mà biết được chúng ta đang làm gì? Anh không cho là nó hãy còn ở trong nhà đó. Nó chết từ lâu rồi, người ta đã đặt nó lên trên ống khói lò sưởi.
    Giêm phân vai cho chúng tôi. Tôi là bà Rét-li. Việc tôi phải làm chỉ là bước ra khỏi nhà và quét cổng. Đin là ông Rét-li, sẽ đi đi lại lại trên vỉa hè và không trả lời khi Giêm nói với ông ta. Tất nhiên Giêm là A-thơ đi dưới cổng phía trước nhà, thỉnh thoảng lại hét ầm lên.
    Những ngày hè tiếp nhau trôi đi, trò chơi của chúng tôi vẫn tiếp diễn. Chúng tôi hoàn thiện cái trò đó, thêm thắt những lời đối thoại cho đến khi chúng tôi có một vở kịch ngắn mà mỗi ngày chúng tôi lại diễn theo một cách khác nhau.
    Một hôm, chúng tôi đang tíu tít đóng trò Gia đình Rét-li , không thấy cha tôi đang đứng trên viả hè, xem chúng tôi.
    -Các con đang chơi cái trò gì thế này? - Cha tôi hỏi.
    -Không có gì đâu ạ - Giêm trả lời.
    -Thế cái trò này sao lại dính dáng đến gia đình Rét-li?
    -Không ạ - Giêm đáp, đỏ mặt lên.
    -Bố cũng mong là không, - Cha tôi nói gọn có thế, rồi vào trong nhà.
    Đứng trong sân, Đin hỏi Giêm xem chúng tôi có thể chơi tiếp nữa không.
    -Tớ không biết, bố tớ không bảo là chúng mình đừng chơi ...
    Tôi nói:
    -Anh Giêm này, em nghĩ là dù sao bố cũng biết.
    -Bố không biết đâu. Nếu biết thì bố đã nói là biết.
    Giêm bảo vì tôi là một đứa con gái, nên hay tưởng tượng ra mọi chuyện, đó là lí do mà người ta chẳng ưa bọn đàn bà con gái.
    -Được rồi- tôi nói- Rồi anh sẽ hiểu.


    Dạo này, Đin luôn luôn bám lấy Giêm. Đầu mùa hè, nó đã hỏi lấy tôi, rồi nó lại quên luôn chuyện đó. Tôi đã đánh nó hai lần, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, nó lại càng thân với Giêm hơn. Nó và Giêm ngồi với nhau hết ngày này sang ngày khác trong túp lều làm bằng cành cây để bàn bạc tính toán. Hầu hết, những buổi tối trong cuối vụ hè đó, tôi ngồi với cô Mo-đi Ét-kin-tơn ở cổng nhà cô ấy.
    Về mùa hè, buổi tối thường kéo dài và yên tĩnh. Cô Mo-đi và tôi ngồi lặng lẽ ở cổng, nhìn bầu trời đang từ sắc vàng chuyển sang đỏ vào lúc mặt trời lặn. Có một lần, tôi hỏi:
    -Cô Mo-đi ơi, ngoáo ộp Rét-li còn sống không, hả cô ?
    -Bác ta tên là A-thơ, bác ấy còn sống.
    -Tại sao cô biết?
    -Biết gì cơ?
    -Biết là ... bác A-thơ còn sống ấy mà.
    -Cô biết bác A-thơ còn sống, bé Gin Lu-i ạ, bởi vì cô chưa thấy người ta mang bác A-thơ đi chôn.
    -Có thể là bác A-thơ đã chết và người ta đặt xác lên ống khói lò sưởi.
    -Tại sao cháu lại nghĩ như vậy ?
    -Giêm bảo là anh ấy nghĩ rằng người ta đã làm theo cách đó.
    -Bác A-thơ chỉ luôn sống trong nhà, có thế thôi- rồi cô Mo-đi lại hỏi tôi - Nêú cháu không muốn ra khỏi nhà, thì tất nhiên là chaú sẽ ở trong nhà, phải không ?
    -Vâng, nhưng cháu lại muốn ra khỏi nhà cơ. Tại sao bác A-thơ lại không muốn ra khỏi nhà ? Cô thấy người ta nói có đúng không , tất cả những chuyện về ... bác A-thơ ấy mà ?
    -Những chuyện gì cơ ?
    Tôi bèn kể lại cho cô Mo-đi.
    -Không phải đâu bé Gin ạ, nhưng đó là một ngôi nhà buồn tẻ. Cô biết A-thơ từ khi A-thơ còn bé. Bao giờ A-thơ cũng nói với cô rất diụ dàng, không như mọi người đồn về lời ăn tiếng nói của A-thơ đâu. A-thơ nói năng rất dịu dàng.
    -Thế bác A-thơ có bị điên không ?
    Cô Mo-đi lắc đầu:
    -Nếu đến bây giờ bác A-thơ chưa phát điên. Chúng ta không bao giờ biết đích xác chuyện của mọi người. Trong ngôi nhà đó , sau cánh cửa đóng im ỉm ấy, đã xảy ra những chuyện gì, những điều bí mật gì ...
    -Đối xử với cháu và Giêm ở ngoài sân như thế nào thì bố cháu cũng đối xử với chúng cháu ở trong nhà như thế - tôi vừa nói vừa cảm thấy có nhiệm vụ phải bênh cha.
    -Nhưng bé Gin này, cô có nói gì về bố cháu đâu. Song bây giờ, cô nói như thế này nhé: bố cháu cư xử ở trong nhà cũng hệt như ở phố xá công cộng. Cháu có thích mang cái bánh ngọt này về nhà không ?
    Tôi thích quá đi chứ .
    Được ngungonmuadong sửa chữa / chuyển vào 14:32 ngày 24/06/2006
  5. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Sáng hôm sau, tôi thấy Giêm và Đin ở sân sau đang bàn một chuyện gì đó. Tôi lại gần thì Giêm và Đin bảo tôi đi chỗ khác.
    -Em không đi, anh Giêm ạ. Cái sân này là của anh thì cũng là của em. Em có quyền đứng chơi ở đây như hệt anh.
    -Nếu đằng ấy ở lại đây , chúng tớ sẽ cho đằng ấy biết chuyện- Đin bảo.
    -hay lắm, chuyện gì thế ?
    Giêm nói:
    -Anh và Đin định gửi cho ngoáo ộp Rét-li một lá thư.
    -Bằng cách nào ? - Tôi cố tỏ ra vẻ không sợ hãi.
    Giêm sẽ kẹp bức thư vào đầu cần câu để nhét qua cửa chớp. Nếu có ai đến gần, Đin sẽ lắc chuông báo hiệu.
    Đin giơ tay phải lên. Trong bàn tay là cái chuông bằng bạc mà ngày xưa mẹ tôi hay dùng để báo hiệu bữa ăn.
    Giêm bảo tôi:
    -Anh sẽ đi sang phía bên ngôi nhà. Hôm qua, chúng ta đã đứng ở phố bên kia quan sát thấy có một cái cửa chớp đóng không kín. Qua chỗ đó, anh sẽ nhét bức thư vào trong bậc cửa sổ. Em đứng gác phía sau nhà, còn Đin gác phía trước, nhìn hai bên đường phố, nếu có ai lại gần, Đin sẽ lắc chuông. Như thế đã rõ chưa?
    -Tuyệt lắm rồi. Thế anh viết gì cho ngoáo ộp Rét-li ?
    Đin trả lời:
    -Chúng tớ rất lịch sự mời nó thỉnh thoảng ra ngoài này chơi, và kể cho chúng mình biết là nó thường làm gì ở trong ngôi nhà đó.
    -Nó sẽ giết chết chúng ta mất !
    Đin rút ở túi áo ra một tờ giấy và đưa cho Giêm. Cả ba chúng tôi cùng đi về phía ngôi nhà cổ đó. Đin đứng lại ở phía trước ngôi nhà. Hai anh em chúng tôi bước xuôi theo vỉa hè tới phía bên ngôi nhà. Tôi đi sau Giêm và đứng lại ở chỗ có thể quan sát được xung quanh. Tôi nói:
    -Lặng lẽ quá nhỉ, không có ai đến đâu.
    Giêm đưa mắt qua hè phố, nhìn về phía Đin. Phía đó cũng rất lặng lẽ. Giêm thò cái cần câu qua sân, đưa về phía cửa sổ. Cái cần câu hơi ngắn, Giêm cố hết sức với tay ra. Tôi quan sát Giêm , rồi bước lại gần.
    -Không thể hất lá thư ra khỏi đầu cần câu được - Giêm lẩm bẩm - Quay ra phố đi, Sói con.
    Tôi quay lại chỗ cũ, đứng nhìn ra đường. Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn Giêm vẫn đang cỗ gắng đặt được bức thư vào ngưỡng cửa sổ. Tôi đang nhìn đường phố, chợt nghe thấy tiếng chuông. Tôi quay lại, đưa mắt tìm ngoáo ộp Rét-li thì lại nhìn thấy Đin đang ra sức lắc chuông ngay trước mặt cha tôi.
    Cha tôi bảo:
    -Đừng lắc chuông nữa.
    Cha tôi đẩy mũ ra sau gáy và gọi:
    -Này Giêm, con đang làm gì thế ?
    -Không ạ ... Con chỉ ... chúng con chỉ thử gửi một thứ cho Rét-li thôi mà.
    -Thế các con định gửi cho bác ta cái gì ?
    -Chỉ là một lá thư.
    -Đưa cho bố xem.
    Giêm đưa tờ giấy nhem nhuốc ra. Cha tôi cầm lấy tờ giấy và cố đọc :
    -Tại sao các con lại muốn bác Rét-li ra khỏi nhà ?
    Đin trả lời:
    -Chúng cháu nghĩ rằng bác âý có thể làm cho chúng cháu vui thích ... - Đin im lặng lúc cha tôi nhìn nó.
    Cha tôi bảo Giêm:
    -Giêm này, bố bảo con điều này và chỉ nói một lần thôi đấy : đừng có đụng chạm đến bác ta nữa. Cả Gin và Đin cũng nhớ thế đấy.
    Ngoáo ộp Rét-li làm việc gì , đó là chuyện riêng của nó. Nếu nó thích , thì nó ra khỏi nhà. Nếu nó muốn ở trong nhà nó ,thì nó có quyền cứ ở đó. Vậy taị sao chúng tôi lại không chuyển một vật cho một người khác cho thật lịch sự bằng cách đưa qua cửa trước, chứ không nhét vào cửa sổ ? Chúng tôi không được lân la đến ngôi nhà đó cho đến khi nào chúng tôi được mời vào chơi. Chúng tôi không được đóng cái trò mà cha tôi đã có lần bắt gặp, và cũng không được chế giễu bất kì người nào trong phố này hoặc trong thị trấn này.
    Đó là buổi tối cuối cùng của Đin ở Mây-cơm trong vụ hè năm nay. Chúng tôi trèo qua bức tường thấp ngăn giữa sân nhà cô Rây-chơn và nhà chúng tôi. Giêm huýt sáo, từ trong bóng tối có Đin trả lời. Khi Đin hiện ra, tôi bảo :
    -Chúng tớ rất nhớ đằng ấy, Đin ạ .
    -Chúng mình đi đâu bây giờ ? - Giêm hỏi.
    -Tớ không biết - Đin nói -Chúng mình hãy cứ đi chơi một vòng đã.
    Tôi thấy thật là lạ tai. Ở Mây-cơm, chẳng ai " đi chơi một vòng " cả. Tôi hỏi:
    -Đi đâu, hả Đin ?
    Đin quay đầu về phía nam.
    Giêm nói :
    -Được.
    Tôi phản đối, Giêm nhẹ nhàng bảo:
    -Nếu em sợ thì đừng đi.
    -Anh không được đi về phía ấy. Nhớ là ...
    Nhưng Giêm chẳng nhớ gì mấy lần thất bại trước.
    -Sói con này, chúng mình có định làm gì đâu, chúng mình chỉ đi đến ngọn đèn sáng ở ngoài phố, rồi quay về thôi.
    Chúng tôi lặng lẽ bước xuôi theo vỉa hè.
    -Thế nào ? - Đin hỏi.
    -Được lắm - Giêm nói - Sói con này , tại sao em không quay về nhà ?
    -Anh và Đin định làm gì thế ?
    Giêm và Đin chỉ định có một điều đơn giản là ngó qua cửa sổ hé mở xem có nhìn thấy ngoáo ộp Rét-li không. Nếu tôi không muốn nhập bọn thì sẽ đi thẳng về nhà và liệu mà giữ mồm giữ miệng, chỉ có thế thôi. Tôi hỏi:
    -Tại sao không đợi cho đến đêm ?
    Tôi nghĩ rằng ban đêm thì không ai nhìn thấy Giêm và Đin, cha tôi còn mải đọc sách, và ban đêm nhìn vào một ngôi nhà tối dễ thấy hơn là lúc trời còn sáng.
    -Anh Giêm này, hãy ...
    -Sói con này, anh bảo em lần cuối cùng đấy nhé, im cái mồm hoặc về nhà ngay đi. Em là một đứa con gái lắm mồm lắm miệng lắm đấy.
    Thế là tôi chỉ còn cách theo Giêm và Đin thôi. Chúng tôi cho rằng luồn qua cái hàng rào dây thép gai ở phía sau nhà ông Rét-li thì tốt hơn, bởi vì ở phía đó, người ta khó phát hiện ra chúng tôi.
  6. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Giêm nâng sợi dây thép ở dưới cùng lên để Đin chui qua. Tôi luồn theo, rồi tôi lại nâng sợi dây thép để cho Giêm chui. Giêm rất khó khăn mới chui qua được.
    -Đừng có gây tiếng động đấy - Giêm thì thầm.
    Tôi cố gắng theo lời Giêm, cho nên có lẽ một phút chỉ bước được một bước. Thấy Giêm đã tiến lên phía trước, tôi bước nhanh hơn. Chúng tôi đến gần cái cổng ngăn giữa khu vườn và sân sau. Giêm động vào cánh cửa . Cánh cửa kêu rít lên.
    -Nhổ nước bọt vào đấy - Đin thì thầm.
    -Anh Giêm ơi, anh đã đưa cả ba đứa sa vào bẫy rồi. Chúng mình không dễ dàng thoát khỏi nơi này đâu.
    -Suỵt . Nhổ nước bọt vaò đấy đi Sói con.
    Giêm từ từ mở được cửa. Chúng tôi lọt vào trong sân sau. Phía sau nhà ông Rét-li không có nhiều cái gợi tò mò bằng ở phía trước nhà. Có hai cửa ra sân, giữa hai cửa ra vào là hai cửa sổ tối đen. Ở góc cổng có một cái lò cũ. Chúng tôi bò tới phía cạnh nhà, tới cái cửa sổ có cánh chớp. Ngưỡng cửa sổ cao hơn Giêm mấy inch.
    -Chúng ta hãy đi khỏi chỗ này - Giêm thì thầm - Chúng ta vòng lại sân sau . Suỵt - Giêm cảnh cáo tôi, khi thấy tôi định phản đối.
    -Chúng ta thử xem cái cửa sổ phía sau.
    -Đin đừng - tôi nói.
    Đin đứng lại , để cho Giêm đi trước. Giêm bò tới cửa sổ, nghển đầu lên, nhìn vào phía trong.
    Lúc đó, tôi trông thấy một bóng đen. Đó là bóng một người đàn ông đội mũ. Đầu tiên tôi lại tưởng đó là một cái cây, nhưng gió vẫn im và cây cối thì làm sao mà dịch chuyển được. Ánh trăng rải đầy ở chỗ cổng sau, bóng đen đi ngang qua cổng, đứng sững người.
    Rồi đến Đin trông thấy. Nó đưa hai tay ôm lấy mặt.
    Khi bóng đen đó đi ngang qua chỗ Giêm, Giêm nhìn thấy. Giêm đưa hai cánh tay lên ôm đầu, đứng sững người.
    Bóng đen dừng lại ở phía sau Giêm khoảng một bộ. Hai cánh tay của nó từ bên sườn giơ ra, rũ xuống bất động. Rồi nó quay lại, lại đi ngang qua chỗ Giêm, dọc theo cổng và biến mất ở cạnh ngôi nhà đúng vào chỗ nó xuất hiện.
    Giêm chạy ra phía cổng, lao về phía chúng tôi. Giêm đẩy toang cửa , ẩy tôi và Đin qua. Lúc đó một tiếng súng vang lên phá tan bầu không khí yên lặng.
    Giêm hổn hển nói :
    -Hàng rào cạnh sân trường ! Nhanh lên, Sói con !
    Giêm nâng sợi dây thép dưới cùng lên, Đin và tôi chui qua, chúng tôi chạy được nửa đường thì thấy thiếu Giêm. Hai chúng tôi quay trở lại, thâý Giêm đang lúng túng ở hàng rào, cố tụt ra khỏi cái quần daì mắc vào hàng raò. Giêm mặc quần đùi chạy tới cây sồi, Đin và tôi muốn đứng lại nghỉ, nhưng Giêm không cho:
    -Chúng ta phải về nhà ngay, kẻo mọi người thấy thiếu chúng ta.
    Chúng tôi chạy qua sân trường, lần tới hàng rào phía sau nhà chúng tôi, lên đến bậc thềm phía sau thì Giêm mới để cho tôi và Giêm nghỉ một chút. Rồi chúng tôi lặng lẽ đi ra sân trước. Chúng tôi nhìn ra phố, trông thấy mấy người hàng xóm đang lố nhố trước cổng nhà ông Rét-li. Giêm bảo:
    -Tốt hơn hết là chúng ta nên ra khỏi chỗ đó. Nếu không thấy chúng ta, mọi người sẽ thắc mắc.
    Ông Nây-thơn Rét-li đang đứng trong cổng nhà ông, tay cắp khẩu súng. Cha tôi đứng cạnh cô Mo-đi và cô Xơ-tê-phơ-ni Cơ-ro-phớt. Cô Rây-chơn và ôn Ây-vơ-ri cũng đứng gần đó. Không ai nhìn thấy chúng tôi đi đến.
    Chúng tôi lại gần cô Mo-đi. Cô Mo-đi đưa mắt nhìn xung quanh:
    -Các cháu ở đâu chui ra thế naỳ, các cháu có nghe thấy tiếng súng không ?
    -Có chuyện gì xảy ra thế ạ ? - Giêm hỏi.
    -Bác Rét-li bắn một người da đen ở trong sân nhà bác ta.
    -Trời, ông ấy đã giết người da đen đó ?
    -Không - cô Xtêphơni lên tiếng - Bác Rét-li bắn chỉ thiên. Nhưng dù sao, hắn cũng sợ chết xanh chết xám. Bác Rét-li nói rằng nếu ai đó trông thấy một cái bóng loang loáng của người da đen ở quanh đây, thì đúng là cái người vào sân nhà bác ấy. Bác Rét-li bảo lần sau nghe thấy tiếng động thì bác ấy sẽ không chĩa súng lên trời đâu, đó có thể là một con chó, một người da đen, hoặc ... Giêm Phin-chơ !
    Lúc đó, cha tôi hỏi:
    -Giêm, quần dài của con đâu ?
    -Quần dài ạ ?
    -Phải , quần dài .
    Thật là vô ích, Giêm vẫn mặc quần đùi để ra mắt mọi người. Tôi thở dài.
    -Ờ ..., cháu được Giêm cái quần đó - Đin nói.
    -Được cái quần đó ? Thế là thế nào ?
    -Chúng cháu chơi bài pô-cơ bên cạnh hồ thả cá.
    Mọi người có vẻ không thắc mắc gì nữa. Nhưng cô Rây-chơn bỗng hét lên như còi cứu hoả của thị trấn:
    -Đin Hê-rít ! Đánh bạc bên hồ thả cá ? Tôi sẽ cho ông một trận !
    Lúc đó cha tôi giải nguy cho Đin :
    -Gượm đã, cô Rây-chơn ạ. Tôi chưa bao giờ nghe thấy trước kia chúng nó lại chơi thế. Thế cả ba đứa cùng đánh bài à ?
    Giêm trả lời, mắt nhắm lại :
    -Không ạ, chỉ dùng diêm thôi ạ.
    Tôi nhìn anh tôi với vẻ khâm phục. Diêm cũng có nguy hiểm, nhưng quân bài mới là chuyện chết người.
    -Này Giêm, Sói con - cha tôi bảo - Bố không muốn bao giờ nghe thấy đến chơi bài pô-cơ nữa, dù bằng bất kì hình thức nào. Giêm đi với Đin ,mang cái quần dài về, các con tự thu xếp lấy.
    -Đừng lo, Đin ạ - Giêm an ủi Đin khi chúng tôi đi trên hè phố - Cô Rây-chơn không đánh đằng ấy đâu. Bố tớ sẽ bảo cô Rây-chơn không đánh mà.
    Chúng tôi dừng lại loáng thoáng nghe thấy tiếng cha của chúng tôi :
    -... Không có gì nghiêm trọng đâu ... chúng nó sẽ đâu vào đấy cả thôi mà, cô Rây-chơn ạ ...
    Đin yên tâm, còn Giêm và tôi thì không. Làm thế nào sáng mai có cái quần dài để đưa ra ?
    Chúng tôi chia tay. Đin đã vào nhà. Rõ ràng nó còn nhớ là nó đã hỏi lấy tôi, bởi vì nó chạy ra, hôn tôi trước mặt Giêm.
    -Nhớ viết thư nhé ! - Nó hét với theo hai anh em chúng tôi.
    Giá mà Giêm lấy lại được cái quần một cách yên ổn thì chúng tôi cũng chẳng ngủ ngon được. Nằm trong giường, mỗi tiếng động ban đêm ở cổng sau, mỗi tiếng chân giẫm lên sỏi đối với tôi đều là tiếng của con ngoáo ộp Rét-li đang tìm cách báo thù, mỗi tiếng cười cảu người da đen vang qua đêm tối đều là ngoáo ộp ra khỏi nhà, tìm bắt chúng tôi. Tôi nghe thấy Giêm nói khẽ :
    -Ngủ chưa, bé con ba mắt ? Đèn ở buồng bố tắt rồi đấy.
    Qua ánh trăng, tôi nhìn thấy Giêm đứng trên sàn nhà.
    -Anh định đi lấy cái quần về - Giêm nói.
    Tôi ngồi dậy:
    -Anh đừng đi. Em không để cho anh đi đâu.
    Giêm đang lúng túng mặc sơmi:
    -Anh phải đi chứ .
    -Nếu anh đi, em sẽ đánh thức bố dậy đấy.
    -Em mà đánh thức bố thì anh sẽ giết em.
    Tôi kéo Giêm ngồi xuống giường cạnh tôi. Tôi cố tranh cãi với Giêm :
    -Anh Giêm ạ, đến sáng, ông Nây-thơn sẽ tìm thấy cái quần đó. Ông ấy biết anh bị mất quần, ông ấy có đưa cái quần đó cho bố thì cũng chỉ hơi phiền một chút thôi. Anh về giường mà ngủ đi.
    -Anh biết thế ! Chính vì thế mà anh phải đi lấy cái quần về.
    Tôi bắt đầu cảm thấy trong người nôn nao. Giêm quay lại chỗ đó ... tôi nhớ tới lời cô Xơ-tê-phơ-ni, ông Nây-thơn đang rình xem có nghe thấy tiếng động nữa không, đó có thể là một con chó, một người da đen ... Giêm hiểu rõ điều đó hơn tôi.
    Tôi thất vọng :
    -Anh Giêm ạ, một trận đòn thì cũng đau đấy ,nhưng cũng chẳng kéo dài là bao. Một viên đạn sẽ xuyên đầu anh mất, anh Giêm ạ. Hãy ...
    -Anh ... đúng như thế, Sói con ạ - Giêm lẩm bẩm- Anh nhớ là bố chưa hề bao giờ đánh anh. Anh muốn cứ như thế mãi.
    -Anh nói là bố chưa bao giờ bắt gặp anh làm một việc gì sai trái, chứ gì ?
    -Có lẽ vậy, nhưng ... anh chỉ muốn cứ như thế mãi , Sói con ạ. Đáng lẽ ra tối nay chúng mình đừng dại dột như thế thì hơn, phải không Sói con ?
    -Anh hãy - tôi năn nỉ - cứ thử nghĩ một phút đến việc ... bản thân anh ở chỗ đó ...
    -Thôi im đi !
    -... Em sẽ đánh thức bố dậy, anh Giêm ạ, em thề là em ...
    Giêm tóm lấy cổ chiếc áo ngủ của tôi, thít chặt lại :
    -Rồi tao sẽ sửa cho mày ...
    Tôi nói rất khó khăn :
    -Đừng , anh đừng đi , anh sẽ gây ra tiếng động mất.
    Nhưng vô ích, tôi mở cửa sau, giữ cánh cưả trong lúc Giêm bò xuống các bậc thềm. Chắc hẳn đã hai giờ sáng.
  7. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Giêm đi theo con đường ở phía sau nhà, xuyên ngang qua trường học để vòng tới hàng rào. Tôi nghĩ ngợi lung tung để quên lo lắng. Tôi đợi nghe thấy tiếng súng của ông Nây-thơn Rét-li. Bóng đêm hoang vắng, buồn bã, xa xa có vài tiếng chó sủa.
    Kìa , Giêm đã quay về. Chiếc sơ-mi trắng phấp phới in trên nền hàng rào đen dần dần hiện ra rõ hơn . Giêm đến gần bậc thềm sau nhà, đóng cửa lại, rồi vào giường của mình, ngồi xuống. Không hề nói một lời, Giêm giơ cái quần dài lên. Giêm nằm xuống , tôi nghe thấy giường của Giêm cọt kẹt một lúc. Ngay sau đó, Giêm nằm im, tôi không nghe thấy anh ấy trăn trở nữa.
    Giêm vẫn giữ im lặng một tuần lễ. Như cha tôi đã từng khuyên tôi, tôi phải đặt mình vào địa vị của Giêm: nếu một mình tôi mò đến nhà ông Rét-li vào lúc hai giờ sáng, thì hẳn đến buổi chiều người ta đã mang tôi ra nghĩa địa. Thế là tôi để mặc Giêm, cố gắng không làm gì phiền đến Giêm.
    Năm học mới bắt đầu. Năm lớp hai cũng chán như năm trước, có phần lại còn tồi tệ hơn. Người ta giơ quân bài ra cho các bạn xem, nhưng lại không để cho các bạn đọc hoặc viết. Chỉ có một điều duy nhất trong năm học này là tôi tan học cùng một giờ với Giêm, hai anh em chúng tôi thường cùng với nhau đi về nhà vào lúc ba giờ.
    Một buổi chiều, đang trên đường về nhà, Giêm đột nhiên nói:
    -Có một chuyện này mà anh chưa kể cho em nghe.
    Đó là câu nói trọn vẹn nhất của Giêm trong mấy ngày qua, tôi giục Giêm:
    -Chuyện gì thế anh ?
    -Về đêm hôm đó ấy mà.
    -Anh chưa bao giờ kể cho em nghe chuyện đêm hôm đó.
    Giêm im lặng một lát , rồi kể:
    -Đêm hôm đó, lúc anh cố tụt quần ra để chạy thì cái quần của anh rách tung ở nhiều chỗ. Lúc anh quay lại ...- Giêm thở thật sâu - Lúc anh quay lại, cái quần đã được gấp lại, vắt qua hàng rào ... tựa như để chờ anh đến lấy.
    -Vắt qua ...
    -Còn một điều lạ lùng nữa ... Những chỗ rách đều đã được vá lại. Không phải do bàn tay của đàn bà con gái, mà giống như anh cố vá lấy. Thật hệt như ...
    - ... một người nào đó biết được là anh sẽ trở lại lấy cái quần đó.
    Giêm rùng mình:
    -Thật như có một người nào đó đã đọc được những ý nghĩ trong đầu anh ... Như có một người nào đó biết được những viêc anh định làm, ai có thể biết được những việc anh định làm, trừ phi họ phải hiểu rất rõ về anh , hả Sói con ?
    Câu hỏi của Giêm là một lời kêu gọi cần được giải đáp. Tôi nói cho Giêm yên tâm:
    -Không ai có thể biết được những việc anh định làm, trừ phi họ sống dưới cùng một mái nhà với anh, ngay cả em cũng đôi khi không biết anh định làm gì cơ mà.
    Chúng tôi đi ngang qua cây sồi của chúng tôi. Trong cái hốc cây đó có hai quả bóng màu xám, dính vào nhau. Tôi nói:
    -Đừng lấy , Giêm. Đó là một chỗ giấu của một người nào đó.
    -Anh cho là không phải thế Sói con ạ.
    -Không , đúng thế đấy. Một đứa bé nào như Oantơ Ca-ninh-ơm chẳng hạn, năm học nào cũng đến đây để cất giấu các thứ ... chúng ta lại vội đến lấy đi mất. Ém bàn thế này nhé, chúng ta cứ để thế và đợi hai ngày nữa. Nếu lúc đó vẫn còn thì chúng ta sẽ lâý. được không anh Giêm ?
    Được lắm , em nói đúng lắm . Hẳn là chỗ giấu của một đứa bé nào ... nó giấu để những đứa lớn khỏi lấy mất.
    Chúng tôi về nhà. Sáng hôm sau, chúng tôi vẫn thấy hai quả bóng ở chỗ cũ. Đến ngày thứ ba vẫn còn, thế là Giêm liên lấy xuống. Từ đó trở đi, chúng tôi coi tất cả những thứ tìm thấy trong cái hốc đó là tài sản của mình.
    Năm học lớp hai này chẳng hơn gì năm ngoái, nhưng Giêm bảo với tôi rằng khi nào lớn hơn nữa tôi sẽ cảm thấy trường học thú vị hơn, rằng Giêm đã thấy được học hành là một cái thú, song chẳng cứ phải đợi đến lớp sáu mới được học những điều thú vị. Ngay từ đầu năm lớp sáu, Giêm đã cảm thấy thích thú vì được học sơ lược về thời kì Ai Cập. Giêm cố đi theo kiểu đưa một tay ra trước mặt, một tay ra phía sau, nghiêng nghiêng chân nọ trước chân kia. Giêm bảo đó là cách đi của người Ai Cập. Tôi nói rằng nếu họ đi theo kiểu đó, thì họ chẳng làm được trò gì cả, nhưng Giêm đáp là họ làm giỏi hơn cả người Mỹ cơ, họ đã tìm ra cách làm giấy và cách ướp xác vĩnh viễn không hỏng.
  8. kid203hn

    kid203hn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    232
    Đã được thích:
    0
    Hay quá! Quyển này em tìm mãi mà ko thấy. Không biết bác mua ở đâu để em đi mua rồi cùng gõ với bác cho vui nhỉ
  9. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Xin lỗi bạn kid203hn nhưng quyển này là của mẹ mình mua từ cách đây ...30 năm . Bạn thử đi tìm ở các hiệu sách cũ xem.
    **************************************
    Ở miền Nam Alabama, bốn mùa không tách biệt nhau rõ rệt. Mùa hè lấn sang cả mùa thu, đôi khi sau mùa thu không phải là mùa đông, mà lại là mùa xuân rồi mùa xuân lại chuyển thành mùa hè. Mùa thu năm đó rất dài , thời tiết không đủ lạnh để mặc được áo len. Vào một buổi chiều tháng mười , Jem và tôi dạo chơi quanh quẩn không xa nhà lắm , chợt chúng tôi dừng lại, chú ý nhìn cái hốc trên cây sồi của chúng tôi. Lần này , trong cái hốc đó có vật gì trăng trắng.
    Jem nhường cho tôi lấy cái vật đó, tôi kéo ra hai hình người nhỏ làm bằng xà phòng. Đó là hình một thằng bé và hình một con bé mặc váy.
    Jem nói :
    -Đẹp quá. Anh chưa bao giờ thấy cái gì đẹp như thế.
    Đúng là hai tuyệt tác nho nhỏ về hai đứa bé con. Đứa con giai mặc quần soóc, một món tóc bằng xà phòng rủ xuống lông mày. Tôi ngước lên nhìn Jem. Jem cũng có một món tóc vẫn rủ xuống lông mày mà từ trước tôi chưa hề chú ý tới.
    Jem đưa mắt từ con bé búp bê sang nhìn tôi. Con búp bê có tóc quăn xoã xuống trán. Tôi cũng thế.
    Jem nói:
    -Đây là hai anh em mình.
    -Thế anh đoán là ai nặn chúng ?
    -Có ai gần đây biết nặn tượng nhỉ ? -Giêm hỏi lại tôi.
    -Người yêu cũ của cô Stephanie Crawford.
    -Bác ấy nặn tượng rất giỏi. nhưng bác ấy sống ở miền quê cơ mà. Bác ấy để ý nhìn chúng ta vào lúc nào mới được chứ ?
    -Có lẽ bác ấy ngồi ở cổng nhìn chúng ta thay cho việc ngắm cô Stephanie . Nếu em là bác ấy, em đã làm thế.
    Jem đăm đăm nhìn tôi rất lâu đến nỗi tôi phải hỏi Giêm là có chuyện gì thế . Jem chỉ trả lời :
    -Không có gì đâu, Sói con ạ.
    Khi chúng tôi về nhà, Jem cất hai con búp bê vào hòm của mình.
    Chưa đầy hai tuần sau, chúng tôi tìm thấy ở cái hốc đó cả một gói kẹo cao su, Jem đã quên bẵng rằng mọi thứ ở nhà ông Radley đều là thuốc độc cả.
    Trong tuần lễ sau, chúng tôi lại lấy được ở cái hốc đó một cái huy chương cũ Jem đưa cho cha tôi xem. Cha chúng tôi nói đó là một cái huy chương thưởng cho người được giải trong cuộc thi tập đọc tổ chức cho các trường học trong quận Maycomb từ trước khi chúng tôi ra đời. Cha tôi bảo rằng chắc có ai đánh mất, chúng tôi phải đi hỏi ở quanh đây để trả lại. Jem giúi tôi một cái, khi thấy tôi định nói ra chỗ chúng tôi lấy được cái huy chương. Jem hỏi cha tôi có nhớ là ai đã giật được giải thưởng đó, nhưng cha tôi đáp là không.
    Bốn ngày sau, chúng tôi tìm thấy một món quà lớn nhất. Đó là một chiếc đồng hồ quả quýt không còn chạy được nữa, một sợi dây xích và một con dao nhôm.
    -Có phải nó làm bằng vàng trắng không, anh Jem ?
    -Anh không biết, anh sẽ đưa bố xem.
    Cha tôi bảo cả mấy thứ đó (chiếc đồng hồ, con dao, sợi dây xích), nếu còn mới phải đến 10 dollars.
    -Thế các con đã đổi cho ai ở trường hả ?
    -không ạ ! -Jem vội rút ra chiếc đồng hồ vốn là của ông tôi. Chiếc đồng hồ này cha tôi đưa cho Giêm dùng một tuần một lần với điều kiện Jem phải giữ gìn cẩn thận.
    Sau đó, Jem bảo tôi:
    -Sói con này, chúng mình phải viết một lá thư cho cái người đã để những thứ này tặng cho chúng mình , em nghĩ thế nào ?
    -Hay lắm, anh Jem ạ. chúng ta phải cảm ơn người đó, ... có chuyện gì thế anh ?
    Jem nhìn về phía buồng ngoài:
    -Sói con này, hay anh sẽ kể cho bố ... không, anh nghĩ là không kể thì tốt hơn.
    -Em sẽ kể thay anh.
    -Không đừng kể, phải không Sói con ?
    -Cái gì cơ ?
    Suốt cả buổi tối , Jem muốn nói chuyện gì đó với tôi, gương mặt sáng lên, Jem cúi về phía tôi, rồi lại thay đổi ý định. Jem lại thay đổi ý định một lần nữa :
    -Ồ, không.
    -Anh Jem này, chúng mình viết một lá thư đi, - tôi đẩy tờ giấy và chiếc bút và chiếc bút chì ra trước mặt Jem.
    -Được rồi. Kính gửi ông ...
    -Sao anh lại cho đó là một người đàn ông ? Em đoán đó là cô Mo-đi ... em đã suy nghĩ lâu lắm đấy.
    -Nhưng cô Mo-đi không nhai kẹo cao su ... - Giêm nhếch mép - Em biết đấy, đôi khi cô Mo-đi nói khéo lắm. Một lần anh đã hỏi cô Mo-đi có ăn kẹo cao su không, cô ấy bảo là không, nhai kẹo cao su làm cô ấy không nói được. Thỉnh thoảng , cô Mo-đi nói rất hay. Nhưng dù sao cô ấy cũng không có đồng hồ và dây xích cơ mà.
    -Kính gửi ông - Giêm đọc bức thư vừa viết xong - Chúng tôi cảm ơn ông đã cho chúng tôi những thứ để trong hốc cây. Thân ái chào, Jeremy Atticus Finch.
    -Anh để tên như thế, thì ông ấy sẽ không biết anh là ai đâu, anh Jem ạ.
    Jem xoá tên đó đi và đề lại là Jem Finch. Tôi đề tên Jean Louise Finch (Sói con ) ở dưới. Jem cho lá thư vào phong bì.
    Sáng hôm sau, lúc đi học, Jem chạy vượt lên trước tôi và dừng lại ở gần cái cây đó. Khi Jem ngước mắt nhìn ,tôi thấy mặt Jem nhợt hẳn đi.
    -Sói con !
    Tôi chạy lại gần.
    Một người nào đó đã dùng xi măng trát kín cái hốc của chúng tôi.
    -Đừng khóc nào, Sói con ... đừng khóc nữa , đừng có buồn gì cả ... - Giêm lẩm bẩm dỗ tôi trên suốt đường đi đến trường.
    Chúng tôi về nhà ăn trưa, Jem ăn rất nhanh , chạy ngay ra cổng, đứng ở bậc thềm. Tôi ra theo :
    -Ông ấy chưa đi qua - Jem nói.
    Hôm sau, Jem cũng chạy ra đứng ở bậc thềm như thế và lúc đó thì nhìn thấy ông Nathan. Jem nói :
    -Chào ông Nathan.
    -Chào cháu Jem, chào cháu Sói con - Ông Nathan đáp và vẫn tiếp tục đi.
    -Ông Nathan ơi - Jem gọi.
    -Ông ấy quay lại.
    -Ông Nathan , ờ ... ông đã trát xi măng vào cái hốc cây sồi kia , có phải không ạ ?
    -Phải , bác đã làm đấy.
    -Tại sao ông lại phải làm thế ?
    -Cái cây đang tàn héo. Khi cây ốm đau, thì phải nhét xi măng vào. Cháu Jem, cháu cần phải hiểu thế.
    Từ lúc đó cho đến chiều tối, Jem không nói gì nữa, tư lự nghĩ ngợi.
    Như thường lệ, Jem và tôi gặp cha chúng tôi trên đường đi làm về vào buổi tối. Chúng tôi ở bậc thềm thì Jem nói :
    -Bố hãy nhìn cái cây kia kìa .
    -Cái cây nào cơ ?
    -Cái cây ở phía góc nhà ông Radley.
    -Sao cơ ?
    -Cái cây đó đang tàn héo, có phải không ạ ?
    -Ồ không, con ạ. Bố không cho là thế. Hãy nhìn lá cây mà xem, tất cả đều rất xanh tươi, um tùm.
    -Thế cái cây có ốm không ạ ?
    -Cái cây đó vẫn khoẻ mạnh như hệt con, Jem ạ. Có chuyện gì thế ?
    -Ông Nathan Radley bảo là cái cây đó đang tàn héo.
    Cha tôi vào nhà trước, để chúng tôi đứng ở cổng.
    Jem đứng ở đấy cho đến tận hoàng hôn, tôi đứng đợi Jem . Khi chúng tôi vào trong nhà, tôi mới nhận ra Jem đã khóc, mặt Jem đầy nước mắt, nhưng tôi cảm thấy thật lạ lùng là tôi đã không nghe thấy tiếng Jem khóc.
    Được ngungonmuadong sửa chữa / chuyển vào 19:40 ngày 29/06/2006
  10. ngungonmuadong

    ngungonmuadong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/06/2006
    Bài viết:
    23
    Đã được thích:
    0
    Ở Maycomb năm đó, vừa mới tiết thu mà trời đã chuyển sang tiết đông rồi. Cha tôi bảo : kể từ năm 1885, hai tuần nay thời tiết lạnh chưa từng thấy .
    Bà Radley chết vào mùa đông năm đó, Jem và tôi đều cho là ngoáo ộp đã bắt bà Radley. Nhưng khi cha chúng tôi ở nhà ông Radley trở về, bảo rằng bà ấy chết bình thường như mọi người, chúng tôi thất vọng.
    -Em hỏi cha đi - Jem thì thầm.
    -Anh hỏi cha đi , anh lớn hơn em.
    -Em bé hơn , em phải hỏi chứ.
    -Bố ơi - tôi hỏi - bố có thấy bác Arthur không ?
    Cha tôi đưa cặp mắt nghiêm khắc rời tờ báo, nhìn tôi :
    -Bố không thấy.
    Jem ngăn không cho tôi hỏi nữa. Jem vẫn nghĩ rằng cha chúng tôi biết trong cái đêm mùa hè vừa qua chúng tôi không chơi bài poker. Jem không có chứng cớ chắc chắn chứng minh ý nghĩ đó, Jem bảo rằng đó chỉ chỉ là một dự đoán.
    Sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy, đưa mắt nhìn ra cửa sổ, tôi sợ phát khiếp lên. Tiếng hét của tôi làm cha tôi đang cạo râu dở trong buồng tắm vội chạy ra.
    -Bố ơi , trời sập mất thôi ! Làm gì để ... ! - tôi kéo cha tôi tới cửa sổ.
    -Không , không phải . Tuyết đang rơi đấy.
    Jem hỏi cha tôi tuyết có tiếp tục rơi không. Cả Jem cũng chưa bao giờ nhìn thấy tuyết, nhưng Jem đã biết về tuyết. Cha tôi bảo rằng ông cũng không hiểu biết về tuyết hơn Jem đâu.
    Tiếng chuông điện thoại vang lên, cha tôi rời bàn ăn điểm tâm, chạy ra nghe. Lúc quay trở lại, cha tôi bảo :
    -Cô Eula May gọi đấy. Cô ấy bảo : "Vì từ năm 1885 không có tuyết rơi ở quận Maycomb , nên hôm nay nhà trường cho nghỉ học. "
    Cô Eula May là người phụ trách điện thoại ở Maycomb. Cô ấy được giao nhiệm vụ thông báo những tin tức chung, những cuộc mời mọc về cưới xin, phát lệnh báo còi cứu hoả và hướng dẫn sơ bộ về chữa bệnh khi bác sĩ Reynold đi vắng.
    Lúc cha chúng tôi bảo Jem và tôi hãy nhìn vào đĩa ăn, chứ đừng nhìn ra cửa sổ, Jem hỏi :
    -Bố có biết cách đắp một người tuyết không ?
    -Bố không nghĩ tới việc đó. Bố không muốn hai con buồn, nhưng bố e rằng chẳng có đủ tuyết để đắp nổi người tuyết đâu.
    Lúc hai anh em tôi ra rân sau, thì thấy có một lớp tuyết mỏng phủ trên mặt sân. Jem nói :
    -Chúng ta đừng đi lên chỗ có tuyết. Chú ý đấy. Kẻo mỗi bước đi , em lại phá hỏng mất một ít tuyết.
    Tôi ngoái nhìn lại những vết chân tôi bước, Jem bảo rằng đợi cho tuyết rơi thêm một ít nữa , chúng tôi có thể thu tất cả lại để đắp một người tuyết. Tôi thè lưỡi ra, đón được một bông tuyết rơi vào lưỡi. Bông tuyết tan ra.
    -Anh Jem ơi, nó nóng !
    -Ồ không phải , khi tan ra nó lạnh chứ .Dừng có ăn nó đấy, Sói con nhé, em làm phí đi mất. Em phải để cho nó rơi xuống đất.
    -Nhưng em không muốn giẫm lên nó.
    -Chúng ta có thể giẫm lên tuyết nhà cô Maudie.
    Jem nhảy lò cò qua sân trước, tôi nhảy theo vết chân của Jem. Lúc đến vỉa hè trước cửa nhà cô Maudie, chúng tôi gặp ông Avery. Ông có bộ mặt hồng hồng, bụng xệ ở phía dưới thắt lưng.
    Ông Avery bảo :
    -Hai đứa đang làm cái gì thế này ? Chính những đứa trẻ nghịch ngợm như các cháu đã làm cho các mùa thay đổi.
    Cô Maudie gọi :
    -Jem Finch ơi, cháu phải đứng ở giữa sân. Những cây đỗ quyên ở gần cổng của cô đã bị tuyết phủ, đừng có giẫm lên đấy.
    -Thưa cô Maudie , vâng ạ - Jem trả lời - Cây đỗ quyên đẹp lắm , phải không ạ ?
    -Đẹp lắm, trời ơi! Nếu đêm nay trời lạnh giá, tất cả chỗ đỗ quyên của cô sẽ hỏng hết !
    Được ngungonmuadong sửa chữa / chuyển vào 19:47 ngày 29/06/2006

Chia sẻ trang này