1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hãy đến với BỈM SƠN,bạn sẽ có những giây phút thoải mái!

Chủ đề trong 'Thanh Hoá' bởi le_lam_linh_nhi, 24/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. zfzola

    zfzola Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/05/2002
    Bài viết:
    2.680
    Đã được thích:
    0
    Đây là các thông tin để các bạn hiểu thêm về Bỉm Sơn .
    I. THIÊN NHIÊN, VỊ THẾ, TIỀM NĂNG
    Thị xã Bỉm Sơn nằm trên vùng địa đầu tỉnh Thanh Hoá và của cả miêng Trung, cách thành phố Thanh Hoá 34km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Nam. Với diện tích tự nhiên 6.681 ha, thị xã Bỉm Sơn thuộc khu vực toạ độ địa lý từ 20độ2'' đến 20độ9'' vĩ bắc; từ 105độ47''30" đến 105độ56'' kinh đông. Phía Bắc thị xã giáp thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình); phía Nam giáp các xã Hà Bắc, Hà Dương, Hà Thanh, Hà Vân (huyện Hà Trung); phía Đông giáp xã Hà Vinh (huyện Hà Trung) và huyện Nga Sơn; phía Tây giáp xã Hà Long (huyện Hà Trung).
    Là vùng đất có địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và rất phức tập mang nhiều đặc điểm của vùng bán sơn địa, vùng chiêm trũng. Tuy diện tích không rộng nhưng Bỉm Sơn vừa có vùng đồng bằng, vùng núi đá, vùng đồi và sông suối. Bỉm Sơn chịu ảnh hưởng của ba vùng khí hậu xen kẽ là tây bắc-đông bắc Bắc Bộ và cận bắc Trung Bộ; Nhiệt độ trung bình hằng năm là 23,60C, thấp nhất vào tháng giêng (trung bình là 160C), cao nhất vào tháng 7 (trung bình 280C). Lượng mưa trung bình đạt1.541 mm/năm, năm cao nhất tới 2.106 mm, năm thấp nhất là 776 mm. Độ ẩm trung bình 80%. Chế độ gió biến chuyển theo mùa; gió đông nam thổi vào mùa hè; gió đông bắc thịnh hành vào mùa đông; trong các tháng 5,6 có gió Phơn-Tây nam khô nóng; các tháng 8,9,10 thường có bão. Do địa hình phức tạp nên thường có gió xoáy.
    Là một bộ phận cấu thành nên tỉnh Thanh Hoá, Bỉm Sơn có vị thế quan trọng trong quá trình bảo vệ và phát triển đất nước; nhất là trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc. Trong lịch sử vùng Tam Điệp-Bỉm Sơn là yết hầu trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam, có vị trí chiến lược và địa hình hiểm trở thuận lợi cho quân sự; là bàn đạp để tiến công và là điểm chốt chặn, hậu cứ khi phòng ngự. Do có vị thế lợi hại, Bỉm Sơn đã nhiều lần được chọn làm căn cứ, nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng trong công cuộc chống ngoại xâm cũng như bảo toàn an ninh quốc gia
    Bên cạnh vị thế chiến lược, Bỉm Sơn còn chứa đựng những tiềm năng to lớn, đặc biệt là tiềm năng khoáng sản phục vụ công nghiệp xây dựng (đá vôi, đá phiến sét ). Ngoài hai nguyên liệu này, Bỉm Sơn còn có đất sét dẻo để làm gạch ngói; với tiềm năng khoáng sản này Bỉm Sơn hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ thông thường đến cao cấp và công nghiệp hoá chất. Bên cạnh tiềm năng này Bỉm Sơn còn có khả năng phát triển về nông nghiệp và lâm nghiệp
    Là vùng đất địa đầu tỉnh Thanh Hoá, án ngữ con đường Thiên lý xưa và tuyến giao thông chiến lược của đất nước, thị xã Bỉm Sơn có thế mạnh về giao thông vận tải. Ngay từ đầu thế kỉ XX, vào năm 1905 tuyến đường xe lửa Hà Nội-Thanh Hoá đã chạy qua Bỉm Sơn. Ga Bỉm Sơn đã được xây dựng để làm nơi trung chuyển hang hoá. Từ năm 1911 chính quyền thuộc địa đã làm đường ô tô chạy thông đến cửa Bạng. Ngày nay, Bỉm Sơn có trục đường sắt Bắc - Nam chạy qua dài 9,2 km và đường quốc lộ 1A chạy dài 9,8 km, nối thị xã với các trung tâm kinh tế, chính trị của cả tỉnh và của cả nước.
    II. NHỮNG BIẾN ĐỔI HÀNH CHÍNH VÀ SỰ QUẦN TỤ DÂN CƯ
    Thị xã Bỉm Sơn mới được thành lập, song quá trình hình thành các đơn vị hành chính ở đây đã diễn ra trong một thời gian khá dài, gắn liền với sự hội tụ của dân cư và có sự chi phối của những diễn biến trong lịch sử dân tộc .
    Trong buổi đầu của thời kì Bắc thuộc, vùng Bỉm Sơn ngày nay thuộc huyện Dư Phát, quận Cửu Chân, đời Hán . Đến thời Lương Vũ Đế, Bỉm Sơn nằm trong cương vực huyện Nhật Nam, quận Cửu Chân rồi thuộc huyện Nhật Nam, châu Ái. Ở thời kì nước Đại Việt (đời Lý-Trần), Bỉm Sơn nằm trong lộ Thanh Hoá (phủ Thanh Hoá). Năm 1937, phủ Thanh Hoá được đổi thành trấn Thanh Đô; Bỉm Sơn lúc này thuộc huyện Tống Giang, châu Ái, trấn Thanh Đô. Khi Hồ Quý Ly lên ngôi trấn Thanh Đô được đổi tên thành phủ Thiên Xương, Bỉm Sơn nằm trong vùng đất phụ kỳ của Tây Đô. Khoảng giữa niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), vua Lê Thánh Tông đặt Thanh Hoá thừa tuyên, vùng Bỉm Sơn lúc này nằm trong huyện Tống Giang thuộc phủ Hà Trung. Thời Lê Trung Hưng (1533-1788) Bỉm Sơn thuộc huyện Tống Sơn phủ Hà Trung, Thanh Hoa nội trấn. Vào đầu thế kỉ XIX nhà Nguyễn vẫn giữ Thanh Hoa nội trấn. Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831) đổi trấn Thanh Hoa làm tỉnh Thanh Hoa. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hoá. Trong suốt thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, về cơ bản các làng xã ở khu vực Bỉm Sơn ngày nay vẫn giữ nguyên, chỉ có một vài thay đổi nhỏ về địa danh cũng như địa giới...
    Tháng 6-1977, theo quyết định số 140/BT của Bộ Trưởng Phủ Thủ tướng, thị trấn Bỉm Sơn ra đời trực thuộc tỉnh Thanh Hoá. Tháng7-1977, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất hai huyện Hà Trung và Nga Sơn thành huyện Trung Sơn. Thời gian này vùng đất Bỉm Sơn nằm dưới sự quản lí của hai đầu mối : thị trấn Bỉm Sơn do tỉnh trực tiếp quản lí; Nông trường Hà Trung, xã Hà Lan, xã Quang Trung do huyện Trung Sơn quản lí. Ngày 18-12-1981, theo quyết định số 157/HĐBT, thị xã Bỉm Sơn được thành lập bao gồm thị trấn Bỉm Sơn, thị trấn Nông trường Hà Trung và các xã Hà Lan, Quang Trung của huyện Trung Sơn. Sau khi thị xã được thành lập cơ cấu hành chính tiếp tục được xắp xếp lại. Tháng 9-1983 ba phường Ba Đình, Lam Sơn, Ngọc Trạo được thành lập. Tháng 2-1981 thị trấn Nông trường Hà Trung được đổi thành phường Bắc Sơn. Hiện nay thị xã có năm phường : Ba Đình, Lam Sơn, Đông Sơn, Ngọc Trạo, Bắc Sơn và hai xã : Hà Lan và Quang Trung.
    Cùng với những biến đổi về hành chính, Bỉm Sơn dần dần trở thành nơi hội tụ dân cư. Từ chỗ thành phần chủ yếu là nông dân, ngày nay Bỉm Sơn là nơi quần tụ của đủ mọi thành phần, giai cấp, trong đó công nhân, nông dân, trí thức là lực lượng nòng cốt. Nơi đây cũng là một mảnh đất giàu trí tuệ của một đội ngũ đông đảo các nhà trí thức, các kĩ sư, thợ lành nghề....có nguồn gốc từ mọi miền trên đất nước.
    III. HÌNH THÁI KINH TẾ, SINH HOẠT VĂN HOÁ VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
    Trước cách mạng tháng Tám, Bỉm Sơn là một vùng quê nghèo dân cư thưa thớt, nghành kinh tế chủ yếu là trồng lúa nước, hằng năm chỉ cấy một vụ chiêm, hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên và mang tính tự cấp. Sau cách mạng tháng Tám, do hoàn cảnh kháng chiến nên diện mạo kinh tế Bỉm Sơn cũng không có nhiều biến đổi. Nền kinh tế thuần nông vẫn ngự trị trong vùng. Sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế Bỉm Sơn đã có sự chuyển biến mang tính cách mạng với sự ra đời của nhiều nghành kinh tế, trong đó công nghiệp đóng vai trò nổi trội. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã làm bừng nở một nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều loại hình, năng động ở Bỉm Sơn. Hiện nay nền kinh tế của thị xã bao gồm kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông lâm nghiệp, trong đó công nghiệp chiếm vị trí hàng đầu.
    Nằm trong vùng có nền văn hoá lâu đời, đã khá phát triển từ thời Hoa Lộc (hậu kì đá mới). Bỉm Sơn là vùng đất của huyền thoại, nơi chứa đựng nhiều truyền thuyết dân gian nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh Thanh Hoá. Đó là các truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh đã ba lần giáng trần, hiển thánh tại Sòng Sơn; là truyền thuyết về chàng Từ Thức...
    Cũng như các làng quê khác, lễ hội là một trong những sinh hoạt văn hoá tinh thần chủ yếu của người dân Bỉm Sơn, được diễn ra trong cả bốn mùa với các hoạt động tín ngưỡng văn hoá phong phú; lễ hội đền Từ Thức được tổ chức vào ngày 9 tháng 6 âm lịch; lễ hội về tướng quân Đặng Quang được tổ chức vào ngày ông mất (17-5 âm lịch) và ngày ông chiêu binh ở làng đi đánh giặc (12-8 âm lịch). Ngoài ra bên cạnh đó còn có các lễ hội ở đền Dốc Xây, đền chín giếng... Nhưng đông vui nhất, nổi tiếng nhất vẫn là hội đền Sòng (được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 2 âm lịch hằng năm); bao gồm các nghi lễ rước kiệu Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tế Nữ quan của dân làng Cổ Đam và các làng xã lân cận. Gắn liền với những lễ hội, những hoạt động văn hoá, với đời sống tinh thần của nhân dân Bỉm Sơn là một hệ thống các đình, đền, chùa, các di tích văn hoá, lịch sử, niềm tự hào của người dân nơi đây. Các di tích đó như Đền Sòng, đền Rồng ( cách đền Sòng 3km về phía Bắc), đền Chín Giếng (cách đền Sòng 1km về phía Đông). Ngoài ra còn nhiều đình, đền, chùa khá nổi tiếng như chùa Khánh Quang, đền thờ Trịnh Kiểm, đền thờ Đức Thánh Từ, đền thờ Đức Thánh Quang, chùa Tôn Tự, đền thờ Ba, đền thờ tướng quân Nguyễn Thiện, đền cây Vải (phường Lam Sơn) .....
    Bên cạnh sự phong phú trong hoạt động văn hoá, xen lẫn nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo như mẫu, thần, phật .... lòng yêu quê hương đất nước là chất keo cố kết cộng đồng và là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Bỉm Sơn trong lịch sử. Trong suốt một nghìn năm đen tối dưới thời Bắc thuộc, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Bỉm Sơn đã nhiều lần đứng lên chống lại ách đô hộ của ngoại bang. Năm 40 sau công nguyên, nhân dân Bỉm Sơn đã hoà vào phong trào ủng hộ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổi lên sôi nổi ở vùng Cửu Chân (Thanh Hoá). Năm 248, nhân dân các làng ở Bỉm Sơn lại tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô do Triệu Thị Trinh khởi xướng và lãnh đạo. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1284-1285) nhân dân Bỉm Sơn đã góp phần cùng nhân dân trong lộ Thanh Hoá bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến, theo vua Trần đi đánh giặc cứu nước. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428) giúp nghĩa quân của Lê Lợi tiêu diệt quân Minh. Ở cuộc kháng chiến chống quân Thanh (cuối năm 1788 đầu năm 1789), góp nhiều công lao trong việc xây dựng phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Nằm trong vùng có phong trào Cần Vương sôi nổi, nhân dân Bỉm Sơn đã hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi của các sĩ phu yêu nước, đóng góp sức người sức của vào việc chính nghĩa. Đặc biệt, nhân dân Bỉm Sơn đã tham gia xây dựng chiến luỹ Ba Đình (huyện Nga Sơn), một trong những trung tâm kháng Pháp nổi tiếng nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.
    IV. TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
    Từ thân phận nô lệ khổ nhục, là nạn nhân của chế độ thuộc địa; được thừa hưởng những thành quả lớn lao do cách mạng mang lại người dân Bỉm Sơn quyết tâm đoạn tuyệt với thời kì tăm tối, đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ và xây dựng nền tự do độc lập.Từ đầu năm 1947, cùng với nhân dân trong huyện Hà Trung, nhân dân Bỉm Sơn bước vào công cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Trong hoàn cảnh chiến tranh, Bỉm Sơn đã đóng vai trò vừa là hậu phương vừa là tuyến đầu của vùng tự do Thanh Hoá. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhân dân Bỉm Sơn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có nhiều đóng góp quan trọng vào kháng chiến; đấu tranh trấn áp, ngăn chặn các hoạt động của bọn *********
    Nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, tuyến đầu của hậu phương Thanh Hoá, nơi đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực, Bỉm Sơn là một trong những địa bàn bị địch tập trung đánh phá. Trong những năm kháng chiến, địch đã nhiều lần ném bom, bắn phá để huỷ hoại tiềm lực kháng chiến ở Bỉm Sơn. Đặc biệt vào năm 1953, chúng tổ chức bốn lần tập kích vào các xã Tống Giang, Hoạt Giang, trong đó lớn nhất là cuộc hành quân trong chiến dịch mang tên Hải Âu (Mouette) vào tháng 10. Nhằm phá chiến dịch Thu-Đông của ta, giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ, quân Pháp huy động tới 13 tiểu đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, cùng các đơn vị biệt kích, công binh đánh vào miền tây nam Ninh Bình, uy hiếp các huyện phía bắc và vùng duyên hải Thanh Hoá. Sát cánh cùng nhân dân Hà Trung, nhân dân Bỉm Sơn phối hợp, ủng hộ bộ đội chủ lực, chống càn bảo vệ quê hương. Một trong những chiến công vang dội của quân và dân Bỉm Sơn trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ là đã tham gia bắn rơi chiếc máy bay F4 của địch và bắt sống tên giặc lái vào ngày 18-9-1967.
    Bên cạnh tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương tổ quốc, nhân dân Bỉm Sơn đã tích cực góp phần vào việc xây dựng kinh tế đất nước, ủng hộ kháng chiến. Chỉ riêng xã Tống Giang đã quyên góp 75 đôi khuyên vàng, 2.240 đồng (phong trào Tuần lễ vàng). Tiếp đó, trong "tuần lễ đồng", nhân dân trong xã đã đóng góp 150 kg đồng và 2.500 đồng. Phát huy những cố gắng đó, nhân dân Tống Giang đã bán 884,44 tạ thóc cho ***** khao quân; 430 tạ thóc công lương; 7.920 phiếu công trái quốc gia với 1.893.154 đồng, 7980 công phiếu kháng chiến bằng 1.882.598 đồng . . .Sức đóng góp này ở một vùng nông thôn nghèo như Bỉm Sơn rất có ý nghĩa, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước và cách mạng, lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
    Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 399 người con của Bỉm Sơn đã ngã xuống; 379 người vĩnh viễn mất đi một phần cơ thể, là thương binh các loại, 206 người là bệnh binh, mang di chứng chiến tranh. Những mất mát hi sinh của họ đã làm dày thêm pho sử về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, là thước đo của tinh thần và nghị lực cách mạng của các thế hệ người Bỉm Sơn ./.
    He he được cop từ :Lịch sử Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn
  2. le_lam_linh_nhi

    le_lam_linh_nhi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/08/2004
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    0
    Em xin nói về đặc sản của BỈM SƠN đó chinh là tam tuyệt:Dứa,mía và khói xi măng.
    Các bác có thể được thưởng thức những quả dứa to ,ngon và cực kì đẹp mắt .
    Ngoài ra như bác tuan_dan đã nói con gái BS cũng rất là xinh đẹp nhưng không dễ tán đâu các bác ạ.
    Và theo thông tin mới nhất thì chỉ trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa thôi thì BS sẽ trở thành khu công nghiệp thứ 3 của tỉnh THANH chúng ta,và đến 2010 có thể sẽ lên thành phố.các cư dân TH hãy vui mừng cho người bỉm sơn chúng tôi,hi`
  3. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Thị xã Bỉm Sơn nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hoá, tiếp giáp với Ninh Bình, và trên trục đường quốc lộ 1A.Với vị trí địa lý thuận lợi và được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế , xã hội.Với sự lớn mạnh về kinh tế cùng với sự ổn định về chính trị, xã hội của đất nước và tỉnh nhà, Bỉm Sơn cũng ngày một đi lên, vươn mình vào trong công cuộc xây dựng và phát triển trong thời đại mới.Trong những năm vừa qua, kinh tế của thị xã đã có những bước phát triển đáng khích lệ-nếu không muốn nói là rất đáng để con em Bỉm Sơn tự hào.Do chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thị xã, cộng với lòng quyết tâm xây dựng quê hương xứ Thanh ngày càng giàu đẹp, nhiều nhà đầu tư đã đến với Bỉm Sơn.Một chính sách kinh tế cởi mở đối với các nhà đầu tư đã thu hút họ đến với Bỉm Sơn.Môi trưòng kinh doanh và sản xuất năng động theo nguyên tắc "Hợp tác, hai bên cùng có lợi" đã giúp cho bộ mặt của thị xã được như ngày hôm nay.
    Công ty xi măng Bỉm Sơn , Công ty cổ phần bao bì Bỉm Sơn,Công ty Thuỷ tinh và gốm xây dựng Bỉm Sơn,... vv...vv..đã và đang là những công ty làm ăn có lãi, góp phần tạo dựng công ăn việc làm cho nhân dân trong và ngoài thị xã, đóng góp lớn lao trong công cuộc đổi mới của cả nước nói chung và thị xã nói riêng.Sự lớn mạnh của các công ty, nhà máy, xí nghiệp chính là thước đo hiệu quả nhất cho sự phát triển của Bỉm Sơn.
    Ngày 20 tháng 7 năm 2004, Thị xã Bỉm Sơn đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và sản xuất phân hữu cơ lớn nhất miền Bắc.Với công suất thiết kế xử lý chất thải rắn sinh hoạt 100 tấn/ngày, xử lý phế thải nông nghiệp và phế thải từ các nhà máy chế biến 150 tấn/ngày, nhà máy này sau khi xây dựng hoàn thành sẽ hỗ trợ xử lý một lượng lớn rác thải từ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cũng như lượng rác thải công nghiệp vốn làm đau đầu các nhà đầu tư từ trước đến nay.Thêm vào đó , bằng ứng dụng công nghệ hiện đại từ CHLB Đức để sản xuất phân hữu cơ compost từ các phế thải, sẽ cung cấp một khối lượng lớn phân hữu cơ cho nông nghiệp thị xã.Với vốn đầu tư 63 tỷ đồng, nhà máy này hứa hẹn sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở đô thị Việt Nam nói chung cũng như thị xã Bỉm Sơn nói riêng.
    Và mới đây, việc Công ty Ôtô Việt Nam được khởi công xây dựng trên địa bàn thị xã lại là một minh chứng mới cho sự phát triển của thị xã cũng như sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào thị xã.Với vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, công nghệ nhập khẩu từ Hàn Quốc, sau khi đưa vào hoạt động - theo dự kiến là cuối năm 2005 ,đây sẽ là nhà sản xuất ôtô lớn nhất Việt Nam, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 40.000-60.000 xe ôtô các loại.
    Sự phát triển không ngừng về kinh tế của thị xã cộng với tất cả các yếu tố "thiên thời-địa lợi-nhân hoà" đang đưa Bỉm Sơn vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới cùng sự phát triển của quê hương xứ Thanh và của cả dân tộc Việt Nam.Nếu với đà phát triển như thế này, một câu hỏi được đặt ra là "Liệu Thị xã Bỉm Sơn có thể trở thành thành phố thứ hai ở tỉnh Thanh Hoá-sau thành phố Thanh Hoá "hay không?Một điều chưa từng có trong lịch sử Việt Nam qua các thời kì?????!!!!!!
    Được Tasmalakan sửa chữa / chuyển vào 11:48 ngày 30/08/2004
    Được Tasmalakan sửa chữa / chuyển vào 12:04 ngày 30/08/2004

Chia sẻ trang này