1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hãy nghĩ theo cách của riêng mỗi chúng ta

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi dasark13, 29/12/2011.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. dasark13

    dasark13 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/12/2011
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    Chiến Tranh "//" Hòa Bình
    Chiến tranh và hòa bình dường như quá quen thuộc đối với mọi học sinh lớp 9. Có lẽ mỗi chúng ta đều được nghe các bản tin về chiến tranh, các "định nghĩa" về chiến tranh. Thế nhưng có mấy ai có thể hiểu được chiến tranh thực sự là gì ? Vì cơ bản tất cả những gì mà ta được biết đều chỉ là những ngôn từ trong sách, những hình ảnh trên mạng,… Đơn giản là vì chúng ta chưa từng trải qua một cuộc chiến tranh và cũng chả việc gì phải quan tâm đến nó. Theo những gì chúng ta được biết qua sách vở, hòa bình là hạnh phúc, sự yên bình, là một thứ mà bất cứ đất nước nào cũng đấu tranh để đạt được. Còn chiến tranh, hiểu nôm na là một thứ kinh khủng, mang đến đau thương, chết chóc, có thể nói nó là một trong những thất bại lớn nhất trong quá trình phát triển loài người. Chiến tranh và hòa bình tưởng như là hoàn toàn đối ngược với nhau nhưng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ thấy có lẽ chiến tranh và hòa bình cũng không quá khác nhau mà cũng có thể nó rất khác nhau.
    "Chiến tranh là gì?" Nếu như có cơ hội bạn hãy thử hỏi điều này trước một lớp học, và cũng đừng ngạc nhiên khi hàng loạt các cánh tay được giơ lên. Vô số những định nghĩa được nêu ra và chắc hẳn chúng đều có một ý chung đó là : "Chiến tranh là điều kinh khủng nhất trên thế giới". Thật may mắn khi chúng ta chưa từng phải trải qua bất kì một cuộc chiến tranh nào hay phải sống một cuộc sống kinh khủng do chiến tranh gây ra. Hãy thử lấy một ví dụ nho nhỏ về việc mình đang có một cuộc "tranh giành" cô bạn gái xinh như mơ ở lớp bên với một anh chàng đẹp trai học giỏi khác. Về cơ bản chiến tranh cũng na ná như vậy chỉ khác một điểm, chiến tranh là khi hai người con gái đang "chiếm đoạt" lấy một anh bạn tội nghiệp. Bây giờ ta đã có thể mường tượng được cơ bản của một cuộc chiến tranh, nó quả nhiên rất khủng khiếp và đáng sợ. Chiến tranh là một nỗi kinh hoàng của nhân loại, thế nhưng tại sao ta không thử nhìn vào mặt tích cực của chiến tranh. Tại sao cứ phải nguyền rủa hai chữ "chiến tranh", bản thân nó đâu có tội, chính con người mới là tội phạm. Chiến tranh đúng là đem đến thương vong, chết chóc, thế nhưng bạn thử nghĩ xem nếu như chưa từng có chiến tranh, thế giới có "phát triển" như ngày hôm nay được không?Nếu như không có chiến tranh với thực dân Pháp, nước Việt Nam ta có được như ngày hôm nay? Liệu lúc đó bạn còn có thể cằn nhằn với phụ huynh của mình rằng tại sao chiếc tivi nhà mình vẫn chưa được tân trang bằng một đầu K+. Nước Việt Nam đã từng là một đất nước rất cổ hủ, chậm phát triển so với thế giới và những chỉ có một lượng thông tin ít ỏi về thế giới bên ngoài mà chỉ có những người dân may mắn mới được biết đến. Thực dân Pháp đến cùng với sự phát triển, công nghệ, máy móc hiện đại, thông tin,… "thế giới bên ngoài". Phải chăng nhờ vào sự xâm lăng thuộc địa của thực dân Pháp mà nước Việt Nam mới được như ngày hôm nay? Qua đó mà những suy nghĩ cổ hủ từ từ biến mất và không lâu nữa chúng ta hoàn toàn có thể vươn tới một vị trí nhất định trên thế giới.
    Nếu ta thử bình tĩnh, xem lại các sự kiện lịch sử, sự ra đời của các vĩ nhân và nhìn toàn bộ dưới góc nhìn của một người được hưởng một cuộc sống tiền chiến tranh, có lẽ ta sẽ thấy chiến tranh thật khủng khiếp và đáng sợ thế nhưng chiến tranh giải quyết được các mâu thuẫn nhất thời, chiến tranh chọn lọc ra những vĩ nhân, chiến tranh đem đến những bước phát triển đột phá cho rất nhiều quốc gia". Sau chín năm "nghiên cứu" sách vở ở ghế nhà trường, những kiến thức một học sinh được học về các tác gia, các vị anh hùng và những con người vĩ đại đều đã chứng minh cho quan điểm trên. Hầu hết họ đều được sinh ra trong thời kì chiến tranh loạn lạc khi mà trong xã hội cần có những "ngôi sao" tỏa sáng đúng thời điểm. Và người thanh niên Nguyễn Ái Quốc chính là một ví dụ điển hình. Liệu một vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh có được mọi người biết đến với cái tên thân mật là Bác Hồ kính yêu nếu không có hoàn cảnh chiến tranh thúc giục tâm hồn yêu nước trong con người thanh niên trẻ tuổi đứng lên và đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Có quan điểm cho rằng "chiến tranh là một điều thực sự rất khủng khiếp, rất đáng sợ và hơn thế nhiều lần nữa" và quả nhiên ta không thể phủ nhận sự thật đó, thế nhưng quan điểm cho rằng "chiến tranh đáng lẽ không nên tồn tại" lại quá nông cạn và thiển cận. Chiến tranh đem lại nhiều điều cần thiết hơn chúng ta nghĩ, chiến tranh chính là những khó khăn và mâu thuẫn mà bất cứ nền văn minh nào cũng gặp phải trong quá trình phát triển, khi vượt qua nó và đứng lên sau chiến tranh sẽ là sự phát triển một cách đột phá. Hay nói cách khác chiến tranh chính là động lực khủng khiếp cần thiết cho sự phát triển
    Napoleon đã từng nói: "Đấu tranh là một cơ hội"
    đấu tranh đưa mọi thứ vào tình trạng khó khăn nhất, thử thách tất cả chúng ta đều phải nỗ lực hết sức để vượt qua. Và đã có rất nhiều câu tục ngữ, câu nói của những người uyên bác chứng minh cho điều đó:
    "Một viên kim cương chỉ là một viên than đá được kết tinh dưới các áp lực",
    "Chỉ có những con sóng lớn mới tạo ra được thủy thủ giỏi",
    "Chính trong những cuộc khủng hoảng và chiến tranh lớn các vĩ nhân được sinh ra" ,
    "Chỉ có khó khăn thật sự mới tạo nên những vĩ nhân".
    Sau cùng, đấu tranh sinh ra những bậc anh hùng, những vị lãnh tụ vĩ đại, những "viên kim cương quý". Chiến tranh là một thất bại của con người, khi ta đào sâu vào trong thất bại, sẽ là những thành công bên kia của thất bại.
    Chúng ta có lẽ đã hiểu được phần nào đó về mặt tích cực của chiến tranh, chắc hẳn bạn đã tự thắc mắc "Hòa Bình là gì?" . Lúc này mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn, vì bây giờ bạn mới thực sự tự suy nghĩ, nêu ra các quan điểm riêng dựa trên những quan sát thực tế, hiểu biết của bản thân, những suy nghĩ mới thoát ra khỏi quyển sách giáo khoa, thoát ra khỏi những câu nói của các nhà chính trị gia về một nền hòa bình hay những lời hứa về một tương lai hòa bình. Thế nhưng, có bao nhiêu người có thể định nghĩa chính xác hòa bình thật sự là gì? Nếu như ta tra các quyển từ điển, hòa bình là:"yên bình, hạnh phúc, không chiến tranh, giải quyết mâu thuẫn bằng hòa bình". Đối với hầu hết những người được sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình, cuộc sống quả nhiên thật sự dễ dàng, hạnh phúc . Còn những người khác thì sao? Những người có cuộc sống nghèo khổ, khó khăn thì sao? Họ cũng được sinh ra và lớn lên trong thời kì hòa bình, nhưng họ có sống một cuộc sống hạnh phúc không? Chúng ta cứ luôn miệng nói rằng:" Việt Nam đang từng bước đổi mới và trong tương lai gần sẽ trở thành một cường quốc trên thế giới", Việt Nam đã vượt qua khỏi thời kì chiến tranh và đất nước đang ngày một phát triển thế nhưng tại sao vẫn còn rất rất nhiều người có cuộc sống bất hạnh, đau thương. Phải chăng đây chính là cái "Hòa Bình" mà chúng ta đã phải đấu tranh để có được? Những quan điểm nêu trên không nhằm để phủ nhận cái tốt đẹp của hòa bình, đó là những thắc mắc về một khái niệm rất mơ hồ của hai chữ "Hòa Bình". Hòa Bình cũng tạo ra rất nhiều con người thành công điển hình nhất đối với nước ta là Giáo Sư Ngô Bảo Châu. Nếu như hòa bình không được tái lập, làm sao ta có thể có đủ điều kiện cho sự phát triển của những tài năng? Hòa bình quả nhiên đem lại rất nhiều điều tốt đẹp thế nhưng điều đó không có nghĩa hòa bình là tốt nhất. Nếu như mọi thứ cứ yên bình mãi thì sẽ không có sự đổi mới, nếu như một đất nước không có các mâu thuẫn thì sẽ không có sự phát triển vượt bậc. Chính các mâu thuẫn mới đem lại sự phát triển, chính các cuộc chiến mới sinh ra những con người xuất chúng, những thiên tài hàng trăm hàng nghìn năm mới có. Hãy thử lấy Triều Tiên là một ví dụ cho sự yên bình gần như là tuyệt đối, không có bất cứ tranh chấp, mâu thuẫn nào đối với người dân nơi đây. Bởi vì mọi thứ đều được kiểm soát bởi chính phủ, người dân tin và làm những gì mà chính phủ nói. Và kết quả là mọi thứ chỉ dừng lại ở mức trung bình, bởi vì họ chỉ biết tuân theo mệnh lệnh dẫn đến con người trở nên ỉ lại, sự sáng tạo và sự tư duy bị hạn chế tối đa. Mặc dù có thế lực quân đội đứng thứ tư trên thế giới, Triều Tiên có nền kinh tế khá là lạc hậu. nhân dân vẫn còn đói nghèo, các dịch vụ như trường học, bệnh viện thì yếu kém,… Triều Tiên không thể sản sinh ra những cá nhân xuất chúng đơn giản vì không có lửa làm sao rèn ra được vàng, không có những mâu thuẫn trong xã hội làm sao sinh ra được những con người vĩ đại. Từ đó ta có thể thấy rằng, thế giới này cần phải có cả hòa bình và chiến tranh, hòa bình cũng có mặt trái của nó mà chiến tranh cũng có mặt trái của nó và ngược lại.
    Chiến tranh thật là kinh khủng nhưng không hẳn là kinh khủng vì nó mang đến những "ngọn sóng lớn" và sinh ra những "thủy thủ giỏi". Chiến tranh tạo ra "áp lực" để rèn những "viên than đá" thành những "viên kim cương sáng chói". Hòa bình đem lại sự yên bình và "hạnh phúc" nhưng chỉ có hòa bình sẽ dẫn đến sự ì trệ của một xã hội.
    "Những ngôi sao chỉ tỏa sáng vào ban đêm không phải vì ban ngày nó biến mất mà vì có quá nhiều ánh nắng vào ban ngày! Ta cần có bóng tối để làm các vì sao nổi bật".
    Hòa bình và chiến tranh như quy luật muôn thủa, chiến tranh sẽ nổ ra khi có hòa bình, hòa bình sẽ được tái lập khi chiến tranh đang tiếp diễn. Và sau mỗi giai đoạn đó, mọi thứ sẽ cải thiện hơn, nền văn minh của nhân loại lại phát triển hơn, mâu thuẫn cũ sẽ tan biến và trật tự mới sẽ được tái lập, những vĩ nhân sinh ra và để lại nhũng cống hiến, hy sinh của đời góp phần xây dựng cho sự phát triển của toàn nhân loại. Chiến tranh và hòa bình đếu có mặt tích cực riêng, không có cái nào là hoàn toàn xấu cả. Có lẽ chiến tranh chỉ đơn giản là không hòa bình còn hòa bình thì giản đơn chỉ là chưa chiến tranh.
    "Mùa hè thì ngọt ngào, mưa thật dễ chịu, gió làm ta sảng khoái, tuyết làm ta phấn chấn, không có thời tiết nào xấu cả, chỉ có nhũng thời tiết đẹp khác nhau mà thôi",
    "Điều tốt luôn đến từ điều xấu".
    Có thể những gì tôi đã viết và những quan điểm được nêu ra không phải ai cũng ủng hộ mà đó cũng không phải thứ tôi mong muốn mọi người hiểu được. Sau khi đọc xong bài viết này tôi chỉ mong muốn các bạn hãy tìm lại cho mình khả năng tự suy luận, tự suy nghĩ và đặc biệt đối với đã đang và sẽ ỉ lại vào suy nghĩ của người khác thì tôi khuyên các bạn nên chấm dứt ngay. Hãy tự suy nghĩ, tự lập luận, đừng ỷ lại cho người khác, đừng đợi đến lúc cô giáo của bạn viết đáp án lên bảng rồi mới chép vào, đừng sợ sai, đừng sợ mình có những suy nghĩ khác thường và hãy sợ bản thân mình không dám suy nghĩ một cách độc lập. Hãy suy ngẫm một cách nghiêm túc về tất cả mọi việc mà bạn cho rằng có khúc mắc.
    "Show me how great you are!"
    Bạn nào đủ kiên nhẫn đọc đk hết thì cứ bình luận thẳng tay nhé, có cái j 0 đk thì cứ nói ra hết đừg ngại.

Chia sẻ trang này