1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Heat - Tri kỷ chân chính của kiếm khách chính là địch thủ (*)

Chủ đề trong 'Điện ảnh (MFC)' bởi vinhattieu, 16/03/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. vinhattieu

    vinhattieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    2.169
    Đã được thích:
    0
    Heat - Tri kỷ chân chính của kiếm khách chính là địch thủ (*)

    Tôi nhớ một hôm nào đó có nói bâng quơ với Sean là mình sẽ viết về Heat. Chuyện qua cũng lâu rồi, không nghĩ là hôm nay bạn còn nhớ, và còn nhắc lại. Bởi vậy, post lên, coi như đã không thất hứa với bạn bè.

    Heat - Tri kỷ chân chính của kiếm khách chính là địch thủ​

    Tôi có cái tính hơi dở khi xem phim là chuộng danh, vì thế cực khoái (đề nghị không hiểu lung tung) những phim có dàn diễn viên hùng hậu, nhiều khi chưa xem nhưng nhìn casting cũng đã ngất ngây cả người. Hồi xem Heat cũng có thể nói là như thế. Hôm trước, khi viết Kinh Kha, có người bạn đọc rồi hỏi: "Giới thiệu diễn viên thế có dài quá không". Tôi trả lời, với tôi đó là một cái hứng, chứ không giản đơn là một thủ tục. Nếu không thì tôi đã ném thẳng cái casting từ một site nào đó vào, chứ không cần phải viết cụ thể và chi tiết đến vậy.

    Heat là một tác phẩm hay và rất đáng xem, tôi trông chờ nó ở một vị trí cao hơn chứ không chỉ là thứ 247 trong top 250 phim của imdb.com, với rating 7.8/10. Sở dĩ tôi viết bài này hôm nay, có ba lý do: (1) Thứ nhất, vì câu nói đầy đam mê của Chris Shiherlis "For me the sun rises and sets with her, man!" mà tôi luôn yêu thích (2) Thứ hai, Heat có lời thoại rất độc đáo và đặc biệt trau chuốt, mà tính tôi thì vốn ưa cái sắc sảo và bóng bẩy của ngôn ngữ (3) Thứ ba, bộ phim này có nét kỳ lạ ở chỗ nó phảng phất hơi hướng tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long.

    1) Diễn viên

    Heat có hai gương mặt lão làng của thể loại phim xã hội đen. Chúng ta đã gặp Al Pacino khá nhiều trong những vai phản diện, criminal có (Godfather, Donnie Brasco), devil có (Devil''s Advocate), nhưng nhân vật lần này của ông lại hoàn toàn khác: cảnh sát trưởng Vincent Hanna. Robert de Niro, với nốt ruồi lạnh lùng quen thuộc trong GoodFellas, lại một lần nữa vào vai villain - Neil McCauley. Val Kilmer, diễn viên có mái tóc đuôi ngựa vàng óng và khuôn mặt khinh thị bất cần, đóng Chris Shiherlis, trợ thủ và trong chừng mực nào đó là đứa em trai của McCauley. Hai vai phụ đáng nói nhất là Charlene (Ashley Judd) vợ của Chris, và Lauren (Natalie Portman) con gái riêng của vợ Vincent Hanna. Không hiểu sao tôi cứ tiếc là không có Jean Reno góp mặt trong bộ phim này, khi mà hai bạn diễn ăn ý của JR (De Niro - Ronin, và Portman - Leon the Professional) đều có mặt. Thật ra Jon Voight và Tom Sizemore cũng không thể nói là vô danh, nhưng thôi chúng ta cứ dừng ở đó vậy.

    2) Tác phẩm

    Heat, với độ dài gần 3 tiếng, dành khá nhiều chi tiết để "mài sắc" chân dung của hai nhân vật chính, Hanna vs McCauley.

    Vincent Hanna là một bi kịch điển hình của nghề cảnh sát - dành trọn bản thân cho công việc tất yếu dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình. Nhưng Hanna, mặc dù đại diện cho công lý, lại không phải là một người thừa hành công lý mẫu mực, một cảnh sát điển hình. Nói cho đúng, con người này là một gã thợ săn với bản năng thiên phú, và công lý với ông ta phần nào là để hợp pháp hoá cái đam mê đầy nguyên thủy của thiên nhiên - săn mồi.

    Đoạn shoot-out ở trung tâm L.A có một cảnh cực kỳ đáng xem và cũng cực kỳ đáng sợ. Hanna khi để sổng McCauley và Chris liền quay lại "vồ" con mồi cuối cùng. Ông ta lạnh lùng bắn hạ Cheritto sau khi đặt đối phương vào tầm ngắm, mặc dù lúc đó y đang khống chế một cô bé làm con tin. Cái khuôn mặt đầy hứng khởi khi đánh gục con mồi ấy có lẽ chỉ Al mới thể hiện được. Đôi mắt đầy những nếp nhăn của tuổi tác, nhưng chợt sáng lên sắc lạnh, như Michael Corleone thủa nào, cánh mũi nở to của loài báo và cái lưỡi hơi cong lên như khoan khoái thưởng thức "tác phẩm" của mình. Ở Al, có lẽ đôi mắt ấy đã làm nên một nửa phong cách của ông, đôi mắt lạ lùng với một ánh nhìn vô định như hướng vào hư không.

    Mặc dù Hanna tự thừa nhận rằng "All I am is what I''m going after", nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Và Lauren chính là người chứng minh điều đó. Cô bé chỉ là một nhân vật phụ, hiểu theo cả hai nghĩa - tần suất xuất hiện và tầm ảnh hưởng tới diễn biến câu chuyện, nhưng chính em lại là ngọn đèn hắt bóng lên tâm hồn Hanna. Một cô bé như Lauren, chán chường và tuyệt vọng, tìm thấy điều gì ở con người ấy, kẻ hiến dâng đời mình cho những án mạng, vân tay và đường đạn? Điều gì đã khiến Laurent chọn ngôi nhà của Hanna (như Justine nói "she chose you") làm nơi kết liễu cuộc đời, nếu không phải là tình phụ tử mà em mơ hồ cảm thấy, thứ tình cảm run rẩy trong từng câu nói của Hanna "Assholes shooting themselves all ****ing day, not you baby!". Không phải ngẫu nhiên mà trong phim có cảnh Hanna đón Lauren khi cô bé ngồi bên vệ đường - một chi tiết tưởng chừng như lạc lõng.

    McCauley, đây là một con người của nhiều mâu thuẫn. Vừa quyết liệt đến mức tàn nhẫn, vừa tình nghĩa đến mức đa cảm. Sẵn sàng loại bỏ Waingro, nhưng cũng thật hết lòng chăm lo cho Chris. Về bản chất, McCauley và Hanna cùng chia sẻ một bi kịch - bi kịch của cô đơn. Có lẽ chính vì thế mà khi theo dõi đối phương lần đầu tiên, chỉ bằng một câu hỏi ngắn ngủi "Who is the loner", Hanna đã khái quát một cách toàn diện con người này. Hãy nhìn ngôi nhà của McCauley! Tuyệt không một thứ đồ đạc nào dành cho sự hưởng thụ. Không giường chiếu, không tiện nghi, không đồ trang trí. Michael Mann sử dụng một scene rất ngắn - khoảng 40 giây để phác hoạ một buổi tối trở về nhà của McCauley. Một cây súng, một chùm chìa khoá, trên một chiếc bàn trống trơn, giữa một căn phòng trống trơn. Một bóng người lặng im nhìn ra một bãi biển không người. Tất cả chỉ có thể gói gọn trong hai chữ "cô đơn".

    Và Eady xuất hiện, nói như Trịnh "một chút mây phù du đã thoáng qua đời ta". Tôi nghĩ không có gì nhiều để nói về tình yêu của McCauley, vì một tình yêu như thế tự thân nó đã nói lên tất cả. Mặc dù vậy, tôi rất hứng thú đối với cách mà McCauley "bước vào" tình yêu đó. Hãy để ý đoạn đối thoại giữa hai người ở quán café. Anh ta sử dụng những câu ngắn, nếu không muốn nói là cực ngắn, chính xác tới từng từ và không có lấy một chữ thừa - đấy chính là bản năng của một con sói già lão luyện giang hồ. Và tiếp theo là đoạn đối thoại trên balcony với những thay đổi "dễ thương". Khi một người như McCauley lại bắt đầu nói về tảo ngũ sắc ở Fiji toả sáng trong đêm... đó chính là lúc tình yêu bắt đầu. Nhưng McCauley vẫn là McCauley. Sau những giây phút ái ân nồng nhiệt, anh ta ra đi, không quên chuẩn bị cho Eady một ly nước trên bàn, nhưng với mảnh khăn giấy quấn quanh để không lưu lại dấu vân tay(!!!)

    Cuộc đối thoại của hai kẻ đối đầu là một trường đoạn đáng để cho người ta hân thưởng qua từng câu nói. Dường như chính định mệnh chứ không phải Hanna đã đặt câu hỏi cho McCauley. "So, if you spot me coming around that corner, you''ll just walk out on her?". Và thực tế đã diễn ra như vậy, McCauley đã rời xa Eady, dưới "sức nóng" của Hanna, cũng như Chris đã rời xa Charlene. Bàn tay kín đáo của Charlene có lẽ là sự đền đáp cuối cùng và xứng đáng cho tình yêu của Chris dành cho cô - khi mặt trời đã lặn.

    Tôi vẫn nhớ một bài học cũ về những động vật bậc thấp có khả năng tự động di chuyển xa vùng phát nhiệt. Heat - phải chăng đó chính là quy luật và sự tàn nhẫn của cuộc sống?

    Khi bộ phim đi về đoạn kết, không chỉ McCauley mà cả Hanna cũng buộc phải đưa ra chọn lựa của mình. Với McCauley, đó là sự lựa chọn giữa Eady và khát vọng báo thù cho hai người bạn. Với Hanna, đó là sự lựa chọn giữa Justine và niềm đam mê săn đuổi. Cả hai đều đã lựa chọn, và lựa chọn ấy đã dẫn dắt họ đối mặt nhau đến tận phút cuối cùng.

    Sự hiến dâng tuyệt đối của Hanna cho nghề nghiệp, nét lãnh tĩnh cô độc của "nhân tại giang hồ" trong McCauley, cái siết tay của hai kẻ tử đối đầu trong cảnh kết, và nhất là những lời thoại, tất thảy làm cho bộ phim này có cái vẻ gì đó rất quen thuộc đối với những ai yêu thích truyện kiếm hiệp. "I''m talking to an empty telephone, ''cause there is a dead man on the other end of this ****in'' line", câu nói này chẳng phải là rất Cổ Long đấy sao?
  2. vinhattieu

    vinhattieu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    2.169
    Đã được thích:
    0
    Capture 1: "I am alone, not lonely"
    [​IMG]
    Capture 2: "For me, the sun rises and sets with her, man"
    [​IMG]
    Capture 3: Vincent Hanna, the hunter
    [​IMG]
    Capture 4: And the sun has set with her
    [​IMG]
    Capture 5: "You''ll just walk out on her?"
    [​IMG]
    Capture 6: Tri kỷ chân chính của kiếm khách chính là địch thủ
    [​IMG]
  3. phuongcobain81

    phuongcobain81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/09/2003
    Bài viết:
    606
    Đã được thích:
    0
    Đây là một trong những bộ phim Crime, Gangster yêu thích của tớ. Đơn giản chỉ vì có hai diễn viên Al Pacino và Robert DeNiro. Một Scarface và một Taxi Driver, đối đầu nhau.
    Trong phim có một đoạn phim không thể nào quên, nó được bầu vào Top 100 những cảnh phim đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Đó là cảnh hai nhân vật chính ngồi đối đầu nhau trong quán nước thông qua những khuôn hình đen trắng (Tất nhiên là quay mầu nhưng hình là đen trắng).
    Đoạn bắn nhau trên đường phố cũng rất thật, xem đến đoạn đó phê quá ngồi bật ra cả ghế, hehe

Chia sẻ trang này