1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Pagan, 22/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Sau đó, hai người chia quân đi đóng giữ các cửa thành cùng các điếm canh trong kinh đúng như lệ cũ. Đến sớm mai, họ mới cho người đi gọi các quan văn võ.
    Các quan văn là Hoàng quận công, Tứ xuyên hầu, Thao đường hầu, Kiến xuyên hầu, Luyện đường hầu, cùng vài ba viên tiến sĩ, khi ấy đang ở trong triều, thấy có giấy đòi, liền bảo nhau rằng:
    "Quận Thuỵ từ trước đến giờ, đã từng ba lần gây việc mà đều không thành. Con người mà tâm địa như vậy, hẳn không phải là "của quý". Thần trung hầu là hạng công tử ăn chơi, bình sinh chỉ biết ban đêm uống rượu say mềm, rồi lăn ra ngủ đến khi mặt trời sắp xuống núi mới dậy. Như thế, trong một ngày còn được mấy giờ để lo việc nước mà còn muốn làm đại thần? Trọng Tế hồi trước phản quận Thuỵ, nay lại theo quận Thuỵ, há cũng là "đồ vật ở chốn miếu đường" được ư? (câu này ý nói Trọng Tế không phải là người xứng đáng làm một vị đại thần ở triều đình) Huống chi, một việc lớn lao như vậy, mà trên không xin mệnh lệnh của nhà vua, dưới không thu góp ý kiến của mọi người, chỉ cắm đầu nhắm mắt để tự làm với nhau, lẽ nào lại thành việc được? Hoàng thượng vốn anh minh, quả quyết, chắc chắn bọn ấy không thể lấn ép được. Chúng ta chớ nên hấp tấp, nhẹ dạ mà đến với họ, kẻo sau này có hối lại cũng không kịp!".
    Thế rồi, mấy người sai viên thư lại trả lời cho bọn Thần trung hầu và Trọng Tế, đại để như sau: "Các quan trong triều vì chưa vâng mệnh của hoàng thượng, cho nên không dám tự tiện tới phủ chúa. Xin hai quan lớn trình chúa hãy thảo giấy tâu xin mệnh lệnh của hoàng thượng, thì các quan sẽ xin vâng mệnh hoàng thượng sang phủ lạy mừng".
    Trọng Tế bèn tự ý làm một tờ tâu rằng: "Thần là Trịnh Lệ kính tâu: Nhà thần đời đời nối nghiệp chúa, tôn phò nhà vua. Vừa rồi nhân vì quân mọi vào cướp, tôn miếu nghiêng đổ. Mây nhờ trung thần nghĩa sĩ một lòng giúp rập, giặc mọi nghe tin, đang đêm phải hốt hoảng chạy trốn. Hôm mồng mười tháng này, thần đã vào ở trong phủ. Vậy cúi xin ban cho sắc dụ, khiến thần được nối ngôi chúa, đời đời tôn phò, để giữ vững lấy cái cơ nghiệp vua, chúa trong ngàn vạn năm".
    Hoàng thượng coi tờ tâu, cả giận nói:
    - Nhà Trịnh là kẻ dưới mà dám lấn người trên, nên mới chuốc lấy cái nạn bại vong. Thế mà nay nó lại vẫn đi theo cái vết xe đổ ấy. Nó định khinh trẫm ít tuổi hay sao?
    Khi ấy, quân của hoàng thượng chiêu mộ, đã có tới vài ngàn người, hiện đã đến ở trước cửa khuyết. Các quan tả hữu bèn khuyên hoàng thượng rằng:
    - Chẳng qua hắn cũng giương to thanh thế đấy thôi! Ta cứ doạ cho hắn sợ, ắt là có thể nhân đó mà đè bẹp được hắn. Hắn có một vạn thủ hạ, quân ta cũng hàng mấy ngàn; nếu như hai bên đánh nhau, hắn muốn nuốt ta cũng chưa dễ đã nuốt trôi. Vả chăng nhân dân trong nước tuy nơi nào theo sự kêu gọi của hào kiệt nơi ấy mà nổi lên, và cố nhiên lại có chia ra đám nọ đám kia khác nhau, nhưng cái lòng tôn vua thì đều như nhau cả. Nếu lấy việc chống lại nhà vua để nổi dậy, thì quyết không một người nào dám theo. Nay quận Thuỵ không chịu vào triều để bái yết, lại nghênh ngang ngồi trong phủ, chưa được mệnh vua mà đã xin sắc dụ, nếu ta dễ dãi cho hắn ngay, sau này khí thế của hắn mạnh thêm, sẽ có nhiều điều khiến ta không thể chịu nổi. Vậy xin cứ bắt hắn phải vào lạy trước đã rồi mới được lập, chắc chắn là hắn sẽ không dám tới. Hắn không tới, thì việc sách lập sẽ chậm, mà thế lực của hắn tất nhiên sẽ tan vỡ. Thần trung hầu, Dương Trọng Tế hai người ngồi suông trong phủ mà đóng vai quan võ, quan văn phường chèo, thì rốt cuộc cũng chẳng được mấy lúc.
    Hoàng thượng theo lời, sai thảo một tờ chỉ, truyền dụ cho Trọng Tế, nói rõ lệ cũ mỗi khi lập ngôi chúa, thì chúa mới phải thân hành vào triều vâng mệnh nhà vua; rồi nhà vua mới hậu đãi bằng cái lệ "vào triều không lạy, tờ tâu không xưng tên". Thảo xong, hoàng thượng sai viên nội hàn là Lê Hữu Cáo đem tới phủ đường.
    Trọng Tế xem rồi, tức thì xé tan tờ chỉ dụ ngay trước mặt sứ giả mà nói:
    - Lạ thay, ta chưa từng thấy triều nào, đời nào lập ngôi chúa mà vua lại dám ngăn trở như vậy! Chắc là mấy thằng rồ dại đã lạy quân mọi hôm nọ, sợ rằng sau khi lập chúa, chúa sẽ hỏi tội chúng nó, cho nên chúng nó mới xúi bẩy nhà vua đấy thôi. Ta cần gì phải xin xỏ, cứ việc đem quân đến bắt hết mấy thằng xúi bẩy ấy đi, cho trơ cái ngai gỗ ra. Xem vua có cho lập hay không cho lập?
    Đoạn, Trọng Tế lại bảo sứ giả:
    - Ông về tâu với hoàng thượng, chúa vẫn làm chúa, nhà vua có thiệt hại gì đâu? Xin hãy cứ lập đã, rồi sẽ vào lạy sau:
    Sứ giả về triều tâu hết đầu đuôi, hoàng thượng càng tức giận mà rằng:
    - Nó khinh ta quá lắm! Như thế nó còn phải xin mệnh của ta làm gì? Thôi mặc cho nó tự làm lấy, ta cũng không khiến nó lạy nữa!
    Các quan trong triều thấy vậy, thảy đều run sợ. Giữa lúc ấy, bỗng có tờ tâu của quận Côn đệ vào, đại ý nói rằng: "Tổ tiên nhà thần giúp đức tiên đế gây nghiệp trung hưng, đội ơn thiên tử xét công ban thưởng rất hậu, phong cho ngôi chúa. Đến đời gần đây, vì chuyên quyền lâu ngày, đâm ra kiêu lộng, làm những việc trái với lẽ thường, đến nỗi sụp đổ mất cơ nghiệp của tổ tông. Nay thánh thiên tử thống nhất thiên hạ, đùm bọc che chở, tấm lòng rộng mở bao la như trời đất, chẳng nỡ làm tuyệt diệt tôn miếu nhà thần. Thần may được là dòng trưởng họ Trịnh, lánh nạn nấp ở dân gian, cái bụng mến nhớ tông miếu, bâng khuâng suốt cả đêm ngày, chỉ vì chưa được chiếu chỉ, cho nên thần vẫn chưa dám tự tiện vào thành. Vậy dám đánh bạo tâu lên hoàng thượng xem xét".
    Hoàng thượng coi hết tờ biểu, rất hài lòng, khen:
    - Trẫm nghe nói quận Côn là người hết sức lễ độ, khiên tốn, quả nhiên không sai!
    Rồi ngài sai giao tờ biểu đó xuống cho triều đình bàn bạc. Các viên quan triều nghe tin quận Côn ở vùng Chương Đức, hiện có cái thế nổi lên được, ai nấy đều ngầm có bụng ngả theo, nên đều khuyên hoàng thượng xuống chỉ vời vào.
    Quận Côn tiếp được chiếu chỉ, lập tức phân chia hàng ngũ người ngựa, luôn trong bữa ấy lên đường về kinh. Quan quân lại sĩ nghe tin, tranh nhau đi đón.
    Thần trung hầu và Trọng Tế thấy vậy đều sợ hết hồn hết vía, đám người đi theo cũng hơi ngã lòng. Cả hai bấy giờ mới chịu lép vế cúi mình, sai người vào triều tâu xin cho quận Thuỵ tới lạy. Hoàng thượng ưng lời.
    Khi sứ giả ra khỏi, hoàng thượng bèn sai lính phục sẵn ở bên cầu Cận-thiềm, chờ quận Thuỵ và bọn Thần trung hầu, Trọng Tế tới nơi sẽ bắt lại để hỏi tội.
    Nhưng quận Thuỵ rốt cuộc cũng không dám vào. Trọng Tế biết việc không xong, bèn nói với quận Thuỵ, xin để mình và Thần trung hầu chia quân chống chọi với quận Côn. Quân của Trọng Tế ra đóng ở cửa ô Trường-bắn (ở vào khoảng Giảng Võ, Voi phục trên đường Đại La, Hà Nội bây giờ), còn quân của Thần trung hầu thì đóng ở cửa ô Xã Đàn [nay ở vào khoảng làng Xã Đàn và Nam Đồng (Hà Nội)].
    Rồi thừa cơ, Trọng Tế bèn bí mật sai Nguyễn Mậu Nễ đem một cánh quân lẻn đi xin hàng.
    Nễ tới làng Nhân Mục, vừa gặp tiền quân của quận Côn. Nễ liền sai quân lính cắm ngược gươm giáo xuống đất, hai tay chắp lên trán, đứng ở bên trái đường. Khi kiệu của quận Côn đến nơi, Nễ quỳ xuống, thuật rõ ý của Trọng Tế. Quận Côn bằng lòng, sai ngay Nễ làm tiền bộ tuyển phong. Đi đến dưới lầu Trường Thi, gặp quân của Thần trung hầu chĩa súng bắn thẳng vào, quân của Nễ liền ngồi thụp cả xuống đất để tránh đạn. Quân của Thần trung hầu kéo ùa tới. Quân của Nễ bấy giờ mới nhất tề đứng dậy, xông bừa vào đám quân của Thần trung hầu. Quân Thần trung hầu thấy quân Trọng Tế đã đầu hàng như thế, liền vất bỏ cả gươm giáo mà chạy. Quân Nễ và quân của quận Côn thừa thế đuổi thẳng đến trại Nam Đồng, chém được chừng vài trăm người, quân của Thần trung hầu thua to phải chạy vào thành. Thế là tất cả đều tan vỡ. Quận Thuỵ, Thần trung hầu, Trọng Tế không còn dịp nhìn nhau, nhắm thẳng phía cửa ô Ông Mạc, mạnh ai nấy chạy lấy thân mình.
    Quận Côn kéo quân vào thành. Khi ấy đám tàn quân của Trọng Tế ở cửa ô Trường Bắn, phía ngoài bị quân của quận Côn chẹn ngang, phía trong bị lính thị vệ của nội điện chặn giữ, thành ra chúng không còn đường nào mà chạy, phải liều chết cố đánh.
    Chúng đâm một hoàng thân ngã ngựa chết. Hoàng thượng cả giận, liền sai quân bổ vây, bắt hết cả bọn đem chém, máu chảy lênh láng, ngập đến mắt cá chân. Hôm ấy là ngày 14 tháng chín.
  2. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Lại nói, bấy giờ thanh thế của quận Côn rất là ghê gớm. Nhưng vì thấy y có vẻ cung kính, hoà thuận, nên hoàng thượng định hãy cứ vỗ về y, rồi sẽ ngấm ngầm uốn nắn dần.
    Đến lúc quận Côn đã vào trong thành, hoàng thượng liền sai dẫn y tới ra mắt ở điện Vạn Thọ. Quận Côn lạy năm lạy và rập đầu vái ba vái. Lễ xong hoàng thượng cho ngồi và bảo:
    Nhà chúa trải hai trăm năm tôn phò, công lao đối với nhà vua không phải là nhỏ. Trẫm muốn đền ơn thật hậu. Xét trong họ hàng nhà chúa, không ai được hiền như ông, vả ông lại là ngành trưởng, nên việc nối dòng tế tự trẫm vẫn để dành cho ông.
    Quận Côn tâu rằng:
    - Thần vốn là kẻ hèn mọn, tính lại ưa sự điềm tĩnh. Gặp lúc vận nhà suy bĩ, thần đành cam phận bỏ đi, những toan khoác áo cà sa mà sống cho trọn quãng đời thừa. May sao, nhờ hoàng thượng sẵn có mưu mô thần thánh, xoay lại vận hội trời đất, nên nạn nước lại yên, thần lại được trông thấy mặt trời. Bây giờ, hoàng thượng lại nghĩ đến tiên tổ nhà thần, mà không nỡ dứt bỏ thần, thần kính xin được về triều để đợi mệnh. Gây dựng cho thần kiếp này, đều là ơn của hoàng thượng vậy!
    Hoàng thượng khen phải, rồi hỏi luôn:
    - Thế đã chọn nơi nào để đóng quân hay chưa?
    Quận Côn đáp:
    - Toà lượng phủ (phủ cũ của thế tử họ Trịnh) còn có thể che mưa che gió, thần xin ở đấy.
    Ý hoàng thượng không muốn cho quận Côn ở trong phủ, bèn nói:
    - Nhà cũ của ông không việc gì chứ?
    Quận Côn thưa:
    - Nhà thần ở chỗ hẻo lánh, lửa binh không lan tới, nhưng cũng bị người kẻ chợ cướp bóc, tàn phá, không còn chỗ nào nguyên lành.
    Hoàng thượng lại hỏi:
    - Thái phi và các vương tử của Đoan nam vương bây giờ ở đâu?
    Quận Côn đáp:
    - Trong lúc hoảng hốt vội vàng, mỗi người chạy đi mỗi ngả, đến khi tạm yên mới kịp dò hỏi. Nay vừa được biết, họ đều ở nhà Ngạn lĩnh hầu trên trấn Sơn Tây. Nghe đâu ba vị vương tử đã chết mất hai, giờ chỉ còn vị con cả mà thôi!
    Hoàng thượng nói:
    - Đoan nam vương xưa cũng có hậu tình với trẫm, trẫm rất thương xót, thường vẫn cho người thăm viếng phần mộ, sửa lễ cúng vái, để an uỷ hương hồn. Trẫm cũng thường hay hỏi thăm tin tức thái phi và các vương tử, đến nay mới biết đích xác. Vậy hãy cho người đón về đây, trẫm sẽ hậu đãi!
    Quận Côn đáp:
    - Dạ!
    Hồi lâu, quận Côn lạy tạ xin lui. Khi qua cửa phủ, vào thăm cung miếu, quận Côn gào khóc một chặp, rồi lại sai xe đưa về lượng phủ. Nhưng bọn tay chân nói:
    - Thần dân thiên hạ rước ngài đến đây, chỉ muốn ngài ở phủ làm chúa, để họ lập chút công danh. Nay ngài lại nhường phủ không ở, chắc họ sẽ bảo ngài là "vương tử lại hoàn vương tử". Rồi đó lòng người chán nản, đại binh sẽ tan, khó mà thu thập lại được. Nếu về ở lượng phủ, thà rằng cứ ở Chương Đức làm một người thanh nhàn, còn phải lôi kéo bao nhiêu người tới đây làm gì cho nhọc?
    Quận Côn nghe lời, bèn lưu lại trong phủ, vào ở tại Trạch Các, rồi làm tờ tâu lên hoàng thượng, đại ý nói rằng: "Thần vào thăm gia miếu, trông thấy lửa hương nguội lạnh, quang cảnh tiêu điều, lòng bồi hồi không nỡ bỏ mà đi. Vậy xin tạm chọn một ngôi nhà cạnh miếu để ở, cho tiện sớm hôm quét dọn thăm nom, để cho linh hồn tiên tổ được yên". Hoàng thượng xem tờ tâu, hiểu ý ngay, nhưng thế chưa ngăn cấm được, liền bảo với các quan tả hữu rằng:
    - Nếu muốn ở phủ, tức là lại muốn được làm chúa rồi. Như thế thì cái nạn quận Thuỵ cũng vẫn chưa trừ được vậy. Cái ổ đã vỡ đó, hết kẻ kia đi, lại đến kẻ này lại, ồn ào bụi bậm làm dơ bẩn con người. Trẫm giận mình, lúc Tây Sơn mới đi, đã không kịp cho ngay nó một mồi lửa cho rảnh!
    Hôm sau, hoàng thượng sai các quan trong triều bàn việc sách phong cho quận Côn. ý hoàng thượng chỉ muốn phong làm quốc công rồi cho hưởng lộc hậu hơn mà thôi. Nhưng các quan triều thấy quận Côn giữ binh ở phủ, chắc y không chịu ngồi suông; vả lại, coi cái thế thiên hạ hùa theo y bây giờ, thì có đè nén cho y khỏi to lớn cũng chẳng được nào. Bởi vậy, không có người nào dám bàn trước. Chợt có kẻ xin với vua rằng:
    - Nhà chúa từ khi Văn tổ (tức Trịnh Tráng) bắt đầu được phong là chức tiết chế thuỷ bộ chư doanh, bình chương quân quốc trọng sự và tước quốc công. Bây giờ, xin theo như lệ cũ ấy mới là có căn cứ.
    Hoàng thượng bèn sai lấy quốc sử xuống để tra xét cho rõ, rồi bắt bớt đi hai chữ "tiết chế". Các quan triều đều phân vân chưa dám quyết định.
    Giữa lúc ấy, chợt có tin báo Liễn trung hầu Đinh Tích Nhưỡng vâng sắc hoàng thượng đã tới. Nhưỡng có ba ngàn bộ binh đóng ở Bát Tràng, nói thặng lên là ba vạn, và ba trăm chiến thuyền đóng ở bến Thuý ái, nói thặng lên là ba ngàn; lại lấy hiệu quân là Đông-giang. Người trong nước bấy giờ, nghe thanh thế của Nhưỡng, đua nhau đi theo rất đông.
    Nhưỡng đem vài trăm khinh kỵ vào thành, dương dương tự đắc có vẻ coi khinh cả thiên hạ.
    Hoàng thượng thấy Nhưỡng đến vừa lúc quận Côn cũng đến, e cuộc gặp gỡ ấy làm cho Nhưỡng bất bình, mới sai người dẫn Nhưỡng vào ra mắt, vỗ về an ủi cực kỳ ôn tồn. Nhưỡng cũng giãi tỏ hết tấm lòng trung ái của mình. Hoàng thượng bảo Nhưỡng:
    - Nhà ngươi nay đã đến đây, nên đem hết quân vào thành để bảo vệ kinh sư.
    Nhưỡng lạy tạ rồi lui ra.
    Hoàng thượng lại bảo Nhưỡng ra triều đình để cùng các quan bàn việc.
    Các quan đem lệ cũ ở quốc sử ra nói với Nhưỡng. Nhưỡng nói:
    - Tôi là kẻ võ biền không biết văn học; chẳng hay hoàng thượng đãi nhà chúa như thế là hậu hay bạc?
    Các quan ngập ngừng chưa dám trả lời ngay. Chợt có Nguyễn Hàn đáp rằng:
    - Nhà chúa không thể giữ nổi tôn miếu, hoàng thượng bảo tồn cho, như thế kể cũng đã là hậu.
    Nhưỡng nhìn Hàn chòng chọc và hỏi:
    - Ông là tiến sĩ phải không?
    Hàn thưa:
    - Phải!
    Nhưỡng lại hỏi:
    - Đỗ khoa nào?
    Hàn trả lời:
    - Khoa Kỷ hợi (1779).
    Nhưỡng nín lặng đi ra.
    Các quan cũng đều lui về.
    Hôm ấy, thủ bạ của quận Côn vì muốn dựa vào uy thế của Nhưỡng cho chóng thành việc, mới khuyên quận Côn mời Nhưỡng đến để phó thác công việc.
    Nhưỡng từ chối mà rằng:
    - Tôi là bề tôi nhà Lê nhà Trịnh, chỉ biết có nhà Lê nhà Trịnh, há lại có bụng dạ kia khác nào? Nay ông đến đây, việc phong tước còn chưa xong, tôi lại vừa mới đem quân tới, nếu tôi vào ra mắt ông, e khi ông được làm chúa, rồi nay mai hội bàn ở triều đình, tôi có điều gì không đồng ý kiến với họ, người ta sẽ ngờ cho tôi là tư túi với ông. Vậy xin hãy cứ chờ đến khi nào có mệnh lệnh nhất định của hoàng thượng, bấy giờ tôi sẽ đến lạy chào cũng chưa muộn gì.
    Hôm sau, hoàng thượng xuống chỉ phong Nhưỡng tước quận công, rồi sai nội hàn Lê Hữu Cáo khuyên Nhưỡng một lòng giúp rập nhà vua cho thành công cuộc nhất thống.
    Nhưỡng nói:
    - Tôi vâng chiếu đến đây, chỉ mong thánh thiên tử ở trên cầm quyền, nhất thống bốn biển, ấy là phúc của thiên hạ. Tôi đâu dám chẳng ra sức để làm cho tỏ hết lòng ngu của mình? Nhưng trước kia tôi trót phạm quân luật, làm tan vỡ cả một đạo quân, để cho việc nước đến nông nỗi này; mà nay hoàng thượng lại tha tội cho, như thế cũng đã là may mắn lắm rồi. Còn bây giờ, trong lúc ngôi chúa vẫn chưa định, mà tôi lại đi nhận phong tước trước, thì dư luận của mọi người sẽ bảo tôi ra sao? Tôi thờ bệ hạ còn về lâu về dài, vậy nay hãy xin trả lại mệnh phong tước.
    Tiện thể, Cáo đem việc hoàng thượng muốn phong cho quận Côn tước quốc công để dò ý Nhưỡng. Nhưỡng bèn đáp rằng:
    - Thánh thiên thử chẳng thiếu gì trí tuệ, cứ đãi ngộ thế nào cho xứng với công đức của nhà chúa là được.
    Cáo về triều, thuật lại ý Nhưỡng, và xin theo đúng như lệ phong Văn tổ khi trước. Hoàng thượng lại sai các quan triều bàn bạc rồi phong quận Côn làm tiết chế thuỷ bộ chư doanh, bình chương quân quốc trọng sự, tước Côn quốc công, cấp ba ngàn tên lính, năm ngàn mẫu ruộng, hai trăm xã dân để cung phụng về việc tế tự nhà chúa. Sau đó, các quan lại đem ý của hoàng thượng nói với Nhưỡng. Nhưỡng chẳng có ý kiến gì khác. Các quan bèn đem lời bàn của triều đình tâu lên hoàng thượng. Hoàng thượng nghĩ rằng: Văn tổ ngày xưa lúc mới phong thì thế, mà rồi về sau, lại tiến lên đến ngôi chúa. Bây giờ nếu không nói trước rõ ràng, e rằng lâu dần sẽ lại sinh ra những chuyện khác. Bởi vậy, khi đã quyết định việc phong tước quốc công cho quận Côn, hoàng thượng bèn bắt các quan triều làm tờ sắc dụ, nói rõ từ nay về sau cứ đời đời nối tiếp tước công mà thôi. Các quan triều vâng mệnh hoàng thượng làm đúng như vậy. Mấy chữ ấy ghi trong sắc dụ. Nhưỡng không được biết gì hết.
  3. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hôm sau, hoàng thượng, sai quan đem sắc đến phủ ban cho quận Côn, rồi lại sai đem dán bản sao ra ngoài cửa Đại hưng cho thiên hạ đều biết.
    Nhưỡng xem tờ yết thị, thấy có chữ "đời đời nối tiếp tước công" liền hằm hằm mà rằng:
    - Lấy tước công làm cái mệnh lúc đầu, còn có lý. Nay lại nhất quyết hạn định ở tước công, bắt con cháu nhà chúa đời đời kiếp kiếp cứ phải noi theo như thế mãi thì còn có lý nào nữa? Vừa rồi giặc đến, nhà vua được tôn phò, các quan văn võ không một người nào phải mất tước vị; riêng nhà chúa thì có tội tình gì mà lại bị thụt chức? Thử coi những kẻ tai mắt ngồi ở trong triều, ai không chịu ơn sâu của nhà chúa? Thế mà bây giờ người ta lại dùng những câu văn khéo léo để chiều ý nhà vua như vậy, thật là khinh bạc quá lắm! Được! Họ đã nổi tiếng vì câu văn khéo léo, thì ta cũng lại lấy câu văn khéo léo mà chọi lại, thử xem ai thắng ai?
    Rồi Nhưỡng làm luôn một tờ yết thị như sau:
    "Hàm-giang, Đinh mỗ kính đạt các quan văn võ quý đài:
    Nay vâng sắc chỉ lập quốc công để nối dòng dõi nhà chúa. Nếu như lòng người đều đã thoả thuận, thì nên đến phủ lạy mừng. Nhược bằng ai còn nghĩ đến công đức nhà chúa, riêng có ý tâu xin thế nào, thì hãy đến cùng họp ở cung Tây-long, bàn với mỗ về việc thảo biểu dâng lên hoàng thượng, để cúi chờ thánh thượng xét định, cho thoả lòng mong mỏi của thiên hạ".
    Khi mệnh ban tước quốc công mới ban xuống, ai nấy đều nghĩ rằng việc đó hẳn chưa hết miệng tiếng. Đến lúc này Nhưỡng đã đi trước mọi người, lập ra cuộc họp để tranh công đầu. Tuy nhiên, để phòng ngừa vì lỗ mãng thô bạo mà hỏng việc như bọn Thần trung hầu, Dương Trọng Tế, nên Nhưỡng cũng không dám dùng uy thế mà ăn hiếp các viên triều thần hiện đang theo nhà vua. Ngược lại, các viên triều thần khi mới gặp Nhưỡng, cũng chỉ ngồi im để xem Nhưỡng ngả về bên nào mà cân nhắc nặng nhẹ. Lúc thấy Nhưỡng kêu gọi hội họp, mọi người tuy không dám theo Nhưỡng, nhưng trong bụng lại sợ Nhưỡng, vì thế việc theo phò nhà vua cũng có phần chểnh mảng. Còn nhà vua, tuy vẫn quyết tâm giữ mệnh cũ, không chịu thêm bớt nửa chữ, xong cũng chỉ xoay xở một mình, không ai là người giúp đỡ.
    Bấy giờ, trong hàng quan văn đến họp với Nhưỡng có Ngô Trọng Khuê, Nguyễn Gia Lịch (có bản chép Nguyễn Văn Lịch), Nguyễn Tông Điển, Nguyễn Huy Chiểu, Nguyễn Đình Thiều, Phan Huy Ích... cả thảy sáu, bảy người.
    Các quan đến dự cuộc họp, được Nhưỡng đặt tiệc rất to để thết đãi. Tiệc xong, Nhưỡng hỏi mọi người rằng:
    - Cái mệnh "quốc công" các ông cho là thế nào?
    Ngô Trọng Khuê đáp:
    - Hai trăm năm nay có vua có chúa, công đức nhà chúa không thể vì một lần thất bại mà hết sạch. Nhà vua còn ít tuổi, nghĩ ngợi chưa chu đáo. Phụ hoạ với ý nhà vua để làm việc vô lý này, đó là lỗi của bọn chúng tôi. Phen này chỉnh đốn lại, phi ông thì không xong.
    Nhưỡng nói:
    - Tôi họp các ông cũng chính vì việc đó. Bây giờ tôi muốn làm tờ tâu để xin với nhà vua, vậy các ông có hiệp ý không?
    Mọi người đều đáp:
    - Không hiệp ý thì đã chẳng đến đây; đã đến đây tức là không ai không hiệp ý.
    Nhưỡng nói:
    - Nếu các ông đã hiệp ý, thì nên thảo ngay tờ tâu để tôi đem dâng hoàng thượng. Hoàng thượng dẫu muốn chẳng cho, tôi cũng cứ cố xin, đến bao giờ được mệnh lệnh nhất định thì mới thôi.
    Một viên quan võ là Nguyễn Gia Quán nói rằng:
    - Thần trung hầu, Dương Trọng Tế cũng có tờ tâu hẳn hoi, vậy mà chỉ đợi xin mệnh, cho nên rốt cuộc mới hỏng việc. Nay có đủ cả quan văn, quan võ cùng hội họp như thế này, cứ kéo tuột vào trong phủ là tự khắc thành triều đình. Triều đình đã thành, thế lớn ắt phải trở về với nhà chúa. Kìa hãy thử nhìn hai điếm tả hữu (trước kia Trịnh Cương đặt tả điếm và hữu điếm ở ngoài cửa phủ đường, để làm chỗ trăm quan tra xét kiện tụng), không lại vẫn hoàn không. Đã đến nước ấy, cần gì còn phải đợi xin mệnh nữa?
    Nhưỡng đáp:
    - Tôi muốn làm thế, kể cũng không khó. Nhưng thiết nghĩ chúa không chịu mệnh của nhà vua, bảo là thuận thì chưa lấy gì làm thuận. Vả lại tục ngữ đã nói: "Chẳng ai mặc áo qua đầu". Vì vậy, tôi muốn cứ theo con đường ngay thẳng cho phải lẽ. Tôi không phải là quân ô hợp như bọn Thần trung hầu và Trọng Tế, để đến nỗi bị người ta bỏ rơi. Nếu tôi đã tâu xin, hẳn là mấy ông thầy già ngồi trong triều có muốn làm rầy tôi cũng không thể được.
    Sau đó, mọi người bèn thảo tờ tâu, đại ý nói rằng:
    "Nay kính vâng hoàng đế bệ hạ đoái nghĩ đến nhà chúa, muốn cho được bảo tồn dòng dõi, phong làm tước công, đời đời giữ việc cúng tế. Thần dân thấy vậy, chẳng ai không cảm kích. Nhưng nhà chúa từ đức Thái vương về sau vẫn được thiên tử ban cho tước vương. Mới rồi gặp cơn quốc biến, tiên chúa Đoan nam vương đã phải đem thân chết theo nước. Bây giờ nạn nước đã qua, vâng được thánh thượng bao dong, các bề tôi đều không ai bị mất quan tước, riêng có nhà chúa lại phải giáng phong. Như thế, thần dân nghĩ không đành lòng. Vậy dám cúi xin cho Côn quốc công được phong lên tước vương, cho thoả lòng mong mỏi của thần dân".
    Hoàng thượng xem xong tờ tâu liền nói:
    - Cứ nằng nặc đòi phong vương để ăn hiếp ta mới sướng hay sao? Nếu yên phận làm tôi, thì công với vương phỏng có khác gì? Vả lại, mệnh vừa mới ban xuống mà đã muốn đổi, mệnh thiên tử đâu phải là trò trẻ con?
    Các viên quan triều thấy vậy, tự nghĩ phò chúa đã không dự, giúp vua lại không xong, ai nấy đều muốn tháo thân mà đi. Tứ xuyên hầu vào tâu với vua:
    - Lấy chúa hiếp vua, đó là cái gốc sinh loạn. Loạn đã đến thế, họ vẫn còn noi theo vết cũ mà làm, chẳng qua cũng là lòng trời xui khiến ra như vậy. Nhưỡng là kẻ vũ phu, không thể lấy nghĩa lý mà nói cho hiểu. Thần xin vâng chỉ đến nói thẳng với quận Côn, khuyên y hãy từ bỏ chuyện xin phong vương, may ra việc nước còn có thể làm được. Nếu không, phen này mà loạn thì lũ thần không sao xoay chuyển nổi. Dám xin hoàng thượng hãy tha tội cho thần!
    Hoàng thượng bằng lòng, Tứ xuyên hầu bèn đến phủ nói với Côn quốc công rằng:
    - Tôi chịu ơn sâu của nhà chúa, không phải là không muốn hậu với ông. Nhưng mà biến cố của nước nhà lần này, chính là một cơ khép mở rất lớn của trời đất; do đó, mọi việc đều không câu nệ vào nếp cũ. Nay nếu theo lệ nối ngôi ngày trước mà lập, để ép thiên tử phải làm cái việc không muốn làm, thì thật là quá ư vô đạo. Lũ chúng tôi, nghĩa không thể nín, cho nên phải nói với ông. Ông nếu bỏ qua lời nói của tôi, thì loạn lạc sau này, sẽ không thể cứu được nữa. Trong sách đã nói: "Nước có đạo thì làm quan, nước vô đạo thì ở ẩn." Lũ chúng tôi đành xin đi từ nay.
    Côn quốc công đáp:
    - Tôi vẫn tự biết là kẻ hèn mọn, đâu dám mong những điều quá đáng? Việc này là do Liễn trung hầu gây ra, tôi thật không dự, xử trí thế nào tuỳ lượng bề trên. Xin ông hãy vì tôi tâu lên hoàng thượng, soi xét cho tấm lòng ấy của tôi.
    Tứ xuyên hầu thấy lời lẽ Côn quốc công có ý thoái thác, bèn về tâu với vua rằng:
    - Việc này thần không thể nào xoay chuyển được nữa. Hoàng thượng dùng thần cũng là vô ích!
    Rồi Tứ xuyên hầu từ biệt mà đi.
    Nhưỡng nghe tin ấy, nói với mọi người:
    - Lão rậm râu sâu mắt bỏ đi rồi, thế là bớt được một tên cáo già!
    Lúc ấy, hai điếm tả hữu đều bỏ không. Những kẻ hội họp trước kia nay về ngồi trong triều, đều là bè đảng của Nhưỡng. Hoàng thượng thấy vậy, than thở với bọn gia thần rằng:
    - Ta nay không còn ai giúp rập nữa rồi! Tuy vậy, nó cũng không thể cậy đông người mà ăn hiếp ta được. Ta cứ không nghe, thử xem nó làm thế nào?
    Thế rồi, sau khi Tứ xuyên hầu đã đi khỏi, hoàng thượng vẫn cứ giữ nguyên mệnh cũ, ngay cả số quân dân, cũng đều không cấp thêm cho Côn quốc công một người nào cả.
    Các quan văn trong toà nội hàn ở luôn bên cạnh vua sợ bị Nhưỡng quở trách, nhiều người khuyên vua nên ưng cho lời xin của hắn. Nhưng vua đều không nghe.
    Nhưỡng thấy nhà vua cương quyết, cũng có ý chờn, bèn làm một tờ tâu kín, xin vua cứ cho Côn quốc công mang danh hiệu tước vương, còn các quyền bính thì vẫn thuộc về nhà vua. Trong tờ tâu ấy, lời lẽ của Nhưỡng cực kỳ mềm mỏng. Rồi Nhưỡng lại thân vào chầu để xin với vua. Vì thế, nhà vua mới nguôi lòng mà nghe theo, phong cho Côn quốc công làm nguyên soái phụ quốc chính, tước Án đô vương. Rồi vua sai viên quan trong triều là Nguyễn Du (Nguyễn Du quê ở xã Văn Xá, huyện Thanh Oai, Hà Đông, đỗ tiến sĩ khoa ất tỵ (1785) năm Cảnh hưng) đem sắc chỉ đến ban cho Côn quốc công.
    Côn quốc công vâng mệnh, thân hành vào triều lạy tạ; đoạn về phủ sai người đánh ba hồi chín tiếng trống, làm lễ lên ngôi chúa. Hôm ấy là ngày mười chín tháng chín.
  4. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Sau khi Án đô vương được lập, các quan tả hữu khuyên vương nên theo lệ cũ, đặt ra các viên tham tụng, bồi tụng, chưởng phủ, thự phủ, để dựng riêng một triều đình. Rồi họ lại trông mặt mấy viên đến họp ở cung Tây-long hôm nọ mà chỉ định người này làm chức này, người kia làm chức kia, sắp đặt rõ đâu vào đấy. Nhưng Nhưỡng tự nghĩ hôm trước mình tâu với hoàng thượng như thế, mà nay đã vội tự ý tráo trở, lật lọng, e rằng như vậy là lừa gạt bề trên quá chừng. Vì vậy, Nhưỡng vẫn còn trù trừ, chưa dám xin vương ra mệnh.
    Còn hoàng thượng, thì cứ giữ theo mệnh cũ, đổi chức tham tụng làm bình chương, bồi tụng làm tham tri, thiêm sai làm thiêm thư, hai điếm tả hữu làm hai nhà nghị sự. Rồi bắt Nhưỡng phải kíp chọn lựa các quan, xin chỉ hoàng thượng, rồi định ngày họp ở nhà nghị sự để chia đặt mọi việc. Nhưng ý Nhưỡng chưa quả quyết, thành ra công việc cứ dùng dằng, lẩn quẩn luôn trong mấy hôm.
    Đang khi ấy, chợt có tin báo Thạc quận công ở trấn Sơn Tây đã thu thập hết binh lính các huyện, đông đến vài vạn người, lại đem cả thổ binh của bọn phiên mục đất Phù Sùng ở vùng Hưng Hoá là Đinh Công Hồ và Đinh Công Trinh đi theo, nay mai sẽ tới kinh sư.
    Thật là:
    Đã mạnh lại còn tay mạnh nữa,Bất ngờ phòng chuyện bất ngờ hơn.
    Chưa biết quận Thạc đến kinh sư làm gì? Hãy xem hồi sau phân giải.
  5. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hồi thứ bảy 
    Phò Lê đế, đạo Vũ thành lại ra quânĐốt Trịnh cung, chúa Án đô phải bỏ nước.
     
    Lại nói, Thạc quận công (Hoàng Phùng Cơ) sau khi thua trận ở cửa Thuý ái, liền chạy về vùng Hưng Hoá, nương nhờ ở nhà một phiên mục là Đinh Công Hồ. Kịp khi nghe tin quân Tây Sơn đã rút về Nam, quận Thạc bèn tới trấn Sơn Tây, thu nhặt binh lính để về bảo vệ kinh thành. Khi ấy hoàng thượng vẫn thường cho người qua lại chỗ quận Thạc, vua tôi rất là ăn ý với nhau.
    Đến lúc này được tin quận Thạc đã tới, nhà vua liền sai ông ta đem quân vào đóng ở cửa ô Trường Bắn để bảo vệ hoàng thành. Lúc vào thành, quận Thạc đến lạy chào nhà vua, rồi sau mới ra chào Án đô vương.
    Bấy giờ, người trong kinh nhao nhao đồn rằng: "Thạc vào bè với vua; Nhưỡng vào bè với chúa. Hai người sẽ có ngày dàn quân đánh nhau. Cả hai đều là tướng mạnh chưa biết ai thua ai được?". Hoặc có người lại nói rằng: "Vua với chúa thế lực cũng ngang nhau, nhưng vua có phần mạnh hơn một chút".
    Án đô vương thường sai người đến uý lạo quận Thạc, khuyên Thạc nên giúp đỡ nhà chúa. Nhưỡng cũng hay cho người đi lại biếu xén để liên kết với quận Thạc.
    Thủ hạ của quận Thạc có người tên là Nguyễn Liên, thấy thế lớn trong thiên hạ đang có chiều ngả về phía chúa, nên cho rằng việc Nhưỡng phò chúa khó mà có thể xoay chuyển được. Rồi nhân đó, muốn cho quận Thạc hợp vào với Nhưỡng, Liên bèn cố khuyên quận Thạc bỏ vua mà theo chúa. Quận Thạc trả lời:
    - Người ta khó nhọc mới làm được mâm cỗ ngon, mình bỗng xông đến, chọc ngay đũa vào mà ăn, còn ra cái mặt mũi gì nữa?
    Liên nói:
    - Hiện nay ngôi chúa tuy đã lập, nhưng quyền chúa chưa định xong. Ông Nhưỡng vì đã trót hứa với hoàng thượng là quyền bính thuộc về nhà vua, nên bây giờ không dám hé răng nói lại. Chúa ngồi chồm chỗm ở trong phủ, mà hoá ra chính phủ chẳng có người nào, dân không biết theo ai. Việc ấy không có ông thì không xong. Người xưa có câu: "Làm việc thì dễ; làm cho nên việc mới khó". Bây giờ nếu ông gánh lấy cái khó ấy, thì công nghiệp chẳng kém gì ông Nhưỡng đâu!
    Quận Thạc hỏi:
    - Thế thì nên làm ra sao?
    Liên đáp:
    - Người ta có thể họp được các quan, sao ông lại không chịu họp? Nay ông hãy định ngày hội họp các quan để bàn về việc đặt tên các quan chức rồi sau đem những lời bàn ấy mà tâu xin với nhà vua, hẳn là nhà vua phải nghe theo.
    Quận Thạc khen phải, rồi sai thảo tờ hiểu thị các quan văn võ, đại ý nói rằng:
    "Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đưa giặc vào cướp nước, mỗ vâng mệnh dẹp giặc, chẳng may đã sai phạm quân luật và làm tan vỡ quân đội, đến nỗi kinh thành không giữ được, thật là đáng chịu tội muôn lần. May nhờ lòng trời hối hoạ (một quan niệm cũ cho rằng, mọi tai hoạ ở trên đời đều là do trời gieo rắc, khi tai hoạ hết, ấy là lúc trời đã hối lại), quân giặc phải lẻn trốn về. Nay non sông lại y nguyên, vua chúa vẫn như cũ. Nhưng giường mối đã đổ, triều chính lại càng rối bời. Tướng võ, quan văn, há nên một mực im lặng? Vậy xin định đến ngày này tháng này, hội họp ở bộ Lễ, cùng nhau bàn định, rồi sẽ tâu lên hoàng thượng và trình lên vương thượng biết; sau đó xin giao xuống cho thi hành, để chỉnh đốn lại thể thống của triều đình".
    Mọi người thấy tờ hiểu thị đó, đều cho rằng quận Thạc vì nhà vua mà mở ra cuộc họp ấy, để báo thù lại cuộc họp của Nhưỡng ở Tây-long trước đây. Đến ngày đã định, quận Thạc kéo quân từ hoàng thành ra, Nhưỡng dẫn quân từ phủ chúa lại, người ta chắc là hai tướng sắp sửa đánh nhau, có kẻ sợ vạ lây đã phải lánh đi nơi khác. Nhưng đến khi thấy hai tướng đã gặp nhau mà không xảy ra chuyện gì, thì người ta lại đồ rằng quận Thạc lừa cho Nhưỡng ngồi vào họp rồi mới bắt, tướng trẻ tất phải mắc mưu tướng già. Rút lại, chẳng ai hiểu được ý định của quận Thạc như thế nào?
    Kịp đến lúc các quan văn võ đến họp, chào hỏi nhau xong, quận Thạc nói:
    - Chúa lên ngôi đã hơn một tuần, mà chính sự vẫn chưa ra đầu ra mối gì cả, các ông có ý kiến gì xin cứ bày tỏ, rồi cùng lựa chọn những điều đáng làm để đem tâu xin với bề trên.
    Mọi người còn chưa biết nói thế nào. Trong đám có Ninh Tốn là tay lắm mưu mẹo giảo quyệt, định dùng lối nói lập lờ nước đôi để dò ý quận Thạc, bèn lên tiếng mà rằng:
    - Từ khi sáng nghiệp về sau, quyền ở nhà vua. Từ ngày trung hưng lại đây, quyền ở phủ chúa...
    Tốn vừa mở miệng đến đấy, đã bị Nhưỡng hỏi vặn ngay:
    - Bây giờ là sau đời sáng nghiệp hay là sau đời trung hưng? Làm sao lại còn nói đèo thêm đời sáng nghiệp vào nữa? Xem viên ấy là quan chức gì mà nói dốt đến vậy?
    Tốn vốn có tài đối đáp nhanh nhẹn, liền nói luôn:
    - Ấy là tôi cũng chỉ viện dẫn ra để tỏ rằng, từ sau đời trung hưng thì như thế đó mà thôi!
    Nhưỡng nói:
    - Nếu vậy thì mời ông ra thảo bản nghị sự.
    Tốn bèn thảo một bản nháp, đại ý như sau:
    "Nhà vua, nhà chúa, vẫn là một thể. Nay tên gọi các chức quan ở phủ chúa phải theo như chỉ ý của nhà vua vừa mới định, nhưng cũng nên giữ cả tên gọi cũ. Vậy xin để chức bình chương kiêm chức tham tụng, tham tri kiêm bồi tụng, thiêm thư kiêm thiêm sai, đô cấp sự kiêm lục phiên tri phiên. Về hàng quan võ thì những chức chưởng phủ, thự phủ, sẽ thêm vào những chữ ngũ quân đô đốc phủ, tả hữu đô đốc. Còn nhà nghị sự ở ngoài cửa phủ đã quen tai mắt thiên hạ, xin cứ để nguyên như tên cũ. Các việc chính sự sau khi bàn xong, trước hết phải trình cho chúa biết, rồi sau mới tâu vua để xin nhà vua quyết định".
    Nhưỡng coi bản nháp của tờ nghị sự, thấy lời văn chứa đựng những ý từ khôn khéo, tiếng rằng theo vua mà kỳ thực là xem trọng ở chúa, bèn đổi ra giọng vui mừng mà rằng:
    - Người ta khen ông là tay lão luyện về nghề từ hàn, quả thật là không sai! Vừa nãy tôi nói lỡ lời, xin ông đừng giận.
    Rồi Nhưỡng bảo Tốn chép thành bản tâu để dâng lên nhà vua. Lúc bản tâu đã chép xong, Nhưỡng tự thấy rằng việc làm ấy và lời hứa của mình với nhà vua trước đây là trái ngược nhau, nên không dám giáp mặt vua, bèn cáo từ các quan mà về dinh. Các viên quan võ cùng đều theo Nhưỡng ra về hết. Chỉ còn lại quận Thạc và mấy viên quan văn vào điện để xin mệnh của nhà vua.
    Hoàng thượng lúc đầu tưởng quận Thạc hẳn phải thuận theo ý mình, nên rất mừng, cho người dẫn ông ta vào ra mắt. Đến khi coi hết tờ tâu, hoàng thượng nổi giận mà rằng:
    - Tham tụng, bồi tụng cứ việc tham tụng, bồi tụng, hà tất phải đèo thêm bình chương, tham tri? Chưởng thự cứ việc chưởng thự, can gì phải đèo thêm ngũ quân đô đốc? Bọn các ngươi lấy hư văn mà đánh lừa ta; bịp bợm, xảo trá như vậy, há phải là lễ thờ vua?
    Quận Thạc nghĩ xưa nay mình với nhà vua vốn có ân tình sâu xa, bỗng dưng vô cớ thay đổi thì thật là xấu hổ, vì vậy, không dám hé răng, chỉ cúi rập đầu tạ tội mà thôi.
    Ninh Tốn quỳ tâu:
    - Nay ở ngoài thành đều là bãi chiến trường, thiên hạ đang loạn lớn, mà chính sự trong triều đình thì vẫn còn rối bời. Lũ thần trót phạm oai trời, thật là sợ hãi khôn xiết. Dám xin hoàng thượng soi xét.
    Hoàng thượng nói:
    - Ngoài thành đều là bãi chiến trường, vạ ấy hỏi tại nhà ai gây ra? Đâu phải là lỗi ở trẫm? Thôi đừng nói lắm, lũ ngươi tưởng rằng bè đảng đông, có thể ăn hiếp được trẫm, thì cứ việc làm đi! Cần gì mà phải xin mãi?
    Bọn quận Thạc đều sợ hãi, bồ hôi toát ra khắp lưng, không dám nài xin gì nữa; bèn cùng nhau phủ phục ở sân rồng, mãi đến đầu canh một chưa dậy.
    Hoàng thượng thấy họ cứ nằm lỳ ở sân, nghĩ rằng người ta đã có bụng khác với mình, không thể trông cậy được nữa, dầu có cố giữ ý mình cũng là vô ích, bèn ưng cho lời tâu của họ.
    Bọn quận Thạc xin được mệnh lệnh rồi, liền lạy tạ mà ra.
  6. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hôm sau, họ cùng vào phủ để lựa chọn các quan. Mọi người bàn bạc cho rằng, chúa mới được lên ngôi, những người mà hoàng thượng tin dùng như loại Tứ xuyên hầu, chưa nên gạt bỏ vội. Rồi họ bèn lấy Tứ xuyên hầu (tức Phan Lê Phiên) làm chức bình chương kiêm tham tụng; Kế liệt hầu (tức Bùi Huy Bích) và Khuê phong hầu (tức Phan Cận) cùng làm chức đồng bình chương sự kiêm hành tham tụng; quận Thạc làm trung quân đô đốc phủ, tả đô đốc chưởng phủ sự, tước Thạc vũ công; Nhưỡng làm đông quân đô đốc phủ, hữu đô đốc thự phủ sự, tước Liễn quận công; Ngô Trọng Khuê, Ninh Tốn đều làm tham tri chính sự kiêm bồi tụng; Nguyễn Huy Chiểu, Phan Huy Ích, cả bọn gồm sáu người đều làm chức đô cấp sự trung, kiêm thiêm sai tri phiên trong sáu khoa.
    Mệnh đó được ban xuống. Tứ xuyên hầu từ chối không nhận. Kế liệt hầu thì tự thẹn mình không làm được công trạng gì, nói:
    - Ta làm tể tướng không được tốt lành (trỏ việc Bùi Huy Bích trước kia làm tham tụng (tướng quốc) nhưng bất lực, để Tây Sơn lấy được Bắc Hà). Việc trước hãy còn tấm gương sờ sờ ra đấy. Một đời lại định mấy lần làm hại nước người ta nữa? (người ta đây chỉ vào nhà vua; quan niệm phong kiến cho nước là của vua).
    Rồi Kế liệt hầu cũng không chịu nhận chức. Chỉ có Khuê phong hầu một mình gánh vác công việc. Nhưng bấy giờ quyền bính trong nước đều ở tay Nhưỡng. Còn quận Thạc thì già nua dốt nát, chẳng biết gì đến chính sự, chỉ giữ một chức quan cho đủ số mà thôi:
    Quan liêu trong chính phủ đã đầy đủ, họ bèn ngày ngày bàn mưu tìm kế để đè nén nhà vua, muốn cho tất cả quyền hành về việc binh, việc dân đều thuộc về phủ chúa. Riêng có bổng lộc của nhà vua, thì họ bàn nhau đãi hậu hơn các triều trước một chút. Nhưng hoàng thượng cũng không chịu lép vế, cứ mỗi việc mỗi giằng giữ co kéo, thành ra các việc binh, dân, chính đều rối tung chẳng đâu vào đâu. Rồi đó hoàng thượng lại ra sức mộ thêm binh mã để tự vệ, và ngấm ngầm lập mưu chế ngự nhà chúa.
    Lệ cũ, nội điện nhà vua có một viên quan phụ tá. Án đô vương bèn sai một hoàng thân tin cẩn của mình đến sung vào chức đó. Hoàng thượng bảo với vị hoàng thân ấy rằng:
    - Ta vừa cho lên làm chúa, sập ngồi còn rung rinh, thế mà đã vội sai người đến dòm dỏ, làm như nền nếp lúc thái bình ấy. Ông về bảo chúa Án đô rằng, chúa đã sai ông đến làm phụ tá cho trẫm, thì trẫm cũng khiến ông trở lại làm phụ tá cho chúa.
    Vị hoàng thân ấy lui ra, hoàng thượng bèn dặn mấy người tả hữu:
    - Các ngươi hãy nhớ lấy, hễ mà người này còn lại đây nữa, thì cứ chặt chân hắn đi cho ta!
    Thế là từ đó, vua chúa đâm ra thù nhau.
    Hồi Án đô vương mới vào kinh thành, Trọng Tế trốn về huyện Gia Lâm. Vương vốn mến tư cách của Trọng Tế, lúc này bèn cho sứ giả đi mời. Khi Tế đến nơi, vương nói:
    - Trong lúc giặc mọi vào cướp kinh kỳ, các quan văn võ hoặc chạy trốn hoặc đầu hàng, riêng ngươi là nho thần lại dám lập đồn bên cạnh kinh thành để chống nhau với giặc; cái tiếng nghĩa khí của ngươi đã làm rung động cả nước, bọn giặc càn rỡ sở dĩ phải trốn đi, cũng chính là sợ về oai phong của ngươi. Điều đó, quận Thạc quận Liễn không thể sánh kịp. Vả lại, ngươi mới thoạt vào thành đã lấy ngay việc lập chúa làm điều trước nhất. Tuy việc quận Thuỵ không thành, nhưng thanh thế nhà chúa lại nhen nhúm lên được cũng là từ đấy. Nay ta mới được lên ngôi, nhà vua với ta lại chưa hoà thuận, mà thiên hạ thì đang còn rối ren, vậy ngươi hãy cố ở lại giúp ta.
    Sau đó Án đô vương bèn cho Tế trông nom về việc tài phú. Nguyễn Mậu Nễ, học trò của Tế, cũng được cất nhắc lên làm chức tiến triều.
    Tế vốn có bụng oán giận nhà vua, liền nói với Án đô vương:
    - Cái thuyết nhất thống (tập trung quyền bính vào tay nhà vua) do ở giặc Chỉnh xướng ra, thật không nghĩa lý gì hết. Xưa nay nhà vua vẫn uỷ quyền cho nhà chúa, mà nhà chúa thì phò giúp mối giường của nhà vua; có hề "nhị thống" (quyền lực thuộc vào cả vua và chúa) bao giờ? Nhà vua đã chẳng chịu chung tai nạn với nhà chúa, trái lại còn lấy sự thất bại của nhà chúa để làm lợi cho mình. Bọn Tứ xuyên hầu đã cúi mình theo giặc, giờ lại hùa theo nhà vua mà không biết chi đến chúa. Đó đều là những việc mà lẽ trời, tình người đều không thể dung tha. Dạo nọ vì chúa đến chậm, thần bất đắc dĩ mà phải phò Thuỵ quận công. Nếu chúa đến sớm, thì thần há lại để cho bọn đầu hàng giặc tới nay vẫn còn trốn khỏi hình pháp? Tôn thất nhà vua hãy còn nhiều, tìm một vị khác làm người khoanh tay rủ áo, tưởng cũng không thiếu gì. Chúa mà đến sớm hơn nữa, ông vua "lông đỏ" hẳn đã phải đi theo bọn giặc "lông đỏ" từ lâu rồi!
    Đoạn, Tế xui Án đô vương cho quân vây điện vua ở, bắt hết bọn gia thần của vua giết đi, rồi bỏ vua này mà lập vua khác.
    Mưu mô đã định xong, Tế bèn sai Nguyễn Mậu Nễ đem quân chẹn ở phía trước điện, đồng thời ngầm cho Nhuận trạch hầu (Bùi Nhuận) lẻn vào cửa Đông Hoa để đánh úp mé sau.
    Hoàng thượng nghe tin có biến, liền sai các hoàng thân đem hết binh lính đã mộ ra chống giữ. Nễ cưỡi voi đến ngoài cửa Đại Hưng, khí thế rất mạnh, khiến cho trong điện ai nấy đều run sợ, cơ hồ muốn tan vỡ. Thình lình thấy quận Thạc ngồi trên đầu voi từ phía sau điện xông tới cửa Đông Hoa, ngăn Nễ không được vào nữa và quát:
    - Mày muốn sống thì mau mau thu quân về, bằng không, tao sẽ chặt đầu mày trước để bêu ra cho thiên hạ coi, rồi sau sẽ bắt nốt những tên trong đảng nghịch.
    Nguyên quận Thạc vốn ghen với danh vọng của Tế, vả lại trong bụng cũng không ưng cái việc đại nghịch ấy; mặt khác, lúc bấy giờ, quận Thạc đang làm chức đề lãnh chính hiệu, phải gìn giữ hoàng thành, e rằng trong điện có biến thì mình cũng mang tội, vì vậy quận Thạc phải kíp ngăn cản.
    Nghe Thạc quát, Nễ sợ hãi lùi ngay, Nhuận trạch hầu cũng không dám vào nữa. Thế là trong điện được vô sự.
    Hoàng thượng giận lắm, bảo các quan tả hữu rằng:
    - Đảng ác đã đông, gốc hoạ khó mà nhổ nổi. Nếu không có hữu quân (chỉ vào Nguyễn Hữu Chỉnh) trở lại, thì việc tất không xong.
    Rồi đó, hoàng thượng bèn bàn tính việc vời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ra bảo vệ kinh sư.
    Lại nói, sau khi quân Nam lén lút về, Chỉnh cướp được chiếc thuyền hối hả đuổi theo, ra đến biển lại bị gió cản lại luôn mấy ngày, chừng hơn một tuần mới vào đến cửa biển Hội Thống. Lúc thuyền của Chỉnh đậu ở dưới bến Động Hải (tức xã Đông Hải, quê Chỉnh. Nay thuộc Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh), thì cũng vừa gặp lúc anh em Tây Sơn đi đường bộ đã vào tới Vĩnh Doanh (tức vùng thị xã Vinh-Bến Thuỷ bây giờ) Bình nghe tin Chỉnh đã trốn thoát và theo về đến đó thì cả kinh mà rằng:
    - Thằng chết tiệt này khéo tìm đường sống, thật chẳng khác gì mười lăm giống quỉ dạ xoa luân hồi làm hại, cắt cũng không đứt đi cho.
    Tuy vậy, lúc Chỉnh vào ra mắt, Bình vẫn vỗ về yên ủi. Chỉnh xin theo Bình cùng về, Bình nói:
    - Nay quận Thạc quận Liễn chưa trừ xong, nước An Nam phi ông không ai trị nổi; ông hãy tạm ở đây đã!
    Rồi Bình sai người san sẻ các thứ súng đồng, súng sắt, cùng những khí giới, đồ lề thu được ở Bắc Hà, đem đến Đông Hải cho Chỉnh.
    Chỉnh từ chối không nhận.
    Bình lại cho Chỉnh hai mươi lạng vàng, hai trăm lạng bạc, và để lại một trăm tên lính để hộ vệ cho Chỉnh, Chỉnh nghĩ để số lính ấy cũng chẳng dùng được bèn nhận vàng bạc, trả lại lính và nói:
    - Tôi xin được tự mộ lấy quân địa phương mà dùng. Nếu như sức tôi không đủ, phải đưa thư cáo cấp, thì bấy giờ mong ông hãy chú ý sai tướng sĩ giúp đỡ tôi.
    Bình ưng lời, rồi về Phú Xuân, lưu Chiêu viễn hầu đóng lại ở Kỳ Hoa để hưởng ứng với Chỉnh. Nhưng Bình về rồi thì Chiêu viễn hầu cứ đóng lỳ ở Kỳ Hoa không hề liên lạc gì với Chỉnh.
    Chỉnh ở dưới thuyền, thủ hạ chỉ có hơn ba chục người, thành thử không dám bỏ thuyền lên cạn.
    Người xứ Nghệ biết Chỉnh đang lúc thân cô thế cùng liền bàn nhau định ngày khởi binh bắt Chỉnh.
    Chỉnh được tin, vội gọi người anh rể là Nguyễn Kim Khuê xuống thuyền để bàn cách đối phó. Chỉnh bảo Khuê:
    - Nay trong nước rối loạn, tôi muốn chiếm cứ lấy trấn này để tính việc lấy thiên hạ. ý anh thấy thế nào? Mưu mẹo của anh sắp đặt ra sao?
    Kim Khuê người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc, từng làm chức tri huyện, là bậc túc học và có mưu trí. Thấy Chỉnh hỏi vậy, Khuê liền bày mưu rằng:
    - Tên tuổi ông, thiên hạ không ai là không sợ! Sức ông lấy Nghệ An, chẳng qua chỉ như trở bàn tay. Nay người trong trấn này tuy biết ông thân cô thế cùng, song họ vẫn chưa biết rõ hư thực thế nào. Tờ hịch của họ mới truyền đi, chỉ là những lời đưa đẩy lẫn nhau, chưa kẻ nào dám thò đầu ra trước. Nếu ông làm trước để chặn họ, hẳn họ sẽ trở tay không kịp. Hiện nay ông mà có được một ngàn thủ hạ, thì ông có thể dọc ngang khắp thiên hạ vậy!
    Chỉnh nói:
    - Anh nói rất hợp ý tôi.
    Rồi đó, Chỉnh bèn làm tờ hịch lông gà (dịch chữ "vũ hịch". Thời xưa, trên tờ Hịch văn mộ quân người ta thường cắm chiếc lông gà, để tỏ ý phải thi hành thật mau, phải làm gấp như bay) để điều động quân lính. Hịch phát bắt đầu từ làng Chỉnh ở. Ra lệnh hễ chậm một khắc sẽ chém liền.
  7. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Ở làng bên cạnh có hai tên lính già, nguyên là lính ở các đội Nhưng, Kiệu mãn về, thường vẫn hống hách với dân làng, thấy hịch của Chỉnh đến, chúng liền ra ngăn dân làng và bảo họ đừng nhận.
    Chỉnh được tin, tức thì đêm sai bọn thủ hạ sang cướp phá làng đó, đâm chết hai tên lính già, chém lấy đầu, rồi truyền hai cái đầu ấy đi khắp các thôn ấp, rao cho nhân dân biết.
    Thế là cả huyện Chân Phúc, không ai dám trái mệnh của Chỉnh. Chỉ trong mười ngày, Chỉnh đã mộ được hơn một ngàn quân.
    Các hào mục ở huyện bên cạnh, thấy Chỉnh dấy binh vội vàng tính việc đánh Chỉnh. Họ tôn viên trấn thủ cũ là Đương trung hầu (Bùi Thế Toại) lên làm thủ lĩnh, rồi ai nấy đều kéo quân đi theo.
    Chỉnh lúc đó bị vây hãm tứ phía, tình thế hết sức nguy ngập.
    Bấy giờ, ở kinh đô có Khuê phong hầu là người Nghệ An, thường được người làng cho biết Chỉnh hiện đang ở vào tình thế rất dễ bắt. Khuê phong hầu liền đem việc đó tâu trình với Án đô vương; rồi xin cho Đương trung hầu ra làm trấn thủ như cũ, lại xin cử con là Phan Huy Ích làm chức đốc thị, và viên trấn thủ Thanh Hoa là Mãn trung hầu (tức Lê Trung Nghĩa, người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) sung chức tham lĩnh, thu nhặt các tàn binh ở Thanh Hoa đem vào Nghệ An, rồi lại triệu tập binh xứ Nghệ và các hào mục, thổ dân sở tại để đánh Chỉnh. Án đô vương bằng lòng.
    Lúc lĩnh mệnh lên đường, Ích hung hăng nói với mọi người rằng:
    - Các ông hãy chờ đó, để tôi vào xứ Nghệ lấy đầu Hữu Chỉnh về cướp ấn quận công cho mà coi!
    Ích lại còn sai bọn thủ hạ làm chiếc trống trận và dặn:
    - Phải làm cho rõ lớn, có thể chứa được người vào trong, để khi ta thúc đội tiền quân xông vào bắt được Chỉnh rồi, thì sẽ chọc thủng mặt trống, nhét hắn vào đó mà khiêng về dưới cửa khuyết.
    Ngày Ích xuất quân, ai cũng cho rằng sự thành công có thể đứng mà chờ đợi.
    Hồi Chỉnh ở Nghệ An, lúc nghe tin Án đô vương mới lên ngôi, bèn đặt câu nói lái mà đùa rằng: "yến đô là đố yên" (âm Hán đọc Án đô hay yến đô đều được). Ý Chỉnh muốn bảo: nhà chúa có muốn yên cũng không thể yên được.
    Kịp đến lúc nghe tin ở kinh thành các tàn quân đã họp thành cơ ngũ như cũ, lại nghe tin Án đô vương đã sai người vào đánh mình; Chỉnh bèn viết thư báo gấp vào Phú Xuân, nói là Thạc, Nhưỡng lại lập họ Trịnh, định chiếm cứ đất nước để báo thù xưa, xin cho quân cứu viện ra để chống nhau với chúng.
    Bình được thư ấy, tức thì sai viên tả quân đem binh ra ngay.
    Cùng lúc ấy, Chỉnh lại viết thư cho Đinh Tích Nhưỡng. Trước hết Chỉnh nhắc lại tình xưa nghĩa cũ; rồi nói rằng mình hiện đã đoạn tuyệt với Tây Sơn, xứ Nghệ An tiếp giáp xứ Thuận Hoá, chưa biết quân Nam sẽ ra đánh lúc nào. Tiếp theo, Chỉnh xin hãy cho ở đó để đương lấy một mặt: sau khi bình yên rồi, nếu Nhưỡng có thể bảo toàn cho Chỉnh, thì chẳng bao lâu, Chỉnh cũng sẽ về triều.
    Nhưỡng coi thư xong, liền gọi con rể của Chỉnh là Siêu Vũ vào dinh mà bảo rằng:
    - Ông anh với chú trước đây cùng ở trong cửa cụ Huy, cụ lớn đều coi như con đẻ. Chẳng may cụ lớn bị nạn, ông anh đã trả thù được cho ngài; riêng chú chẳng có công trạng gì, chú thẹn với ông anh nhiều lắm. Song ông anh ta, nói về nghĩa thời đã đủ rồi, mà nói về trung thời hãy còn chưa trọn. Nay chú phò nhà chúa, dựng lại cơ đồ; ông anh đã ngỏ ý muốn đóng giữ trấn Nghệ An lẽ đâu chú dám chẳng chiều ý? Nhưng ông anh chớ có lừa ta, rồi mà bất thình lình nổi dậy kéo quân về... Tuy nhiên, chú cũng nói thế thôi, chứ chú còn ở đây, thì dù ông anh có muốn về chú cũng chẳng nghe đâu. Anh về phải thưa lại ý chú như thế nhé!
    Từ đó, Nhưỡng không để ý gì đến việc Chỉnh nữa.
    Bấy giờ Án đô vương đang ngày ngày mưu sự chuyên quyền, không nghĩ gì đến các việc khác.
    Có người thấy vậy, nói với Nhưỡng rằng:
    - Hiện nay giặc dữ mới đi, bờ cõi còn chưa yên ổn, mà giặc Chỉnh ở Nghệ An thế lực càng ngày càng lớn mạnh. Nhân trong lúc này lòng người đang phấn chấn, hãy xin chúa ngự giá thân chinh để diệt hữu quân, đuổi Chiêu Viễn, lấy lại bờ cõi cũ của đất Nghệ An; thì như vậy cũng chẳng kém gì cái công dựng nghiệp trung hưng của các bậc tiên vương. Khi đã lập công mà về, quyền lớn tự nhiên sẽ vào tay. Cần gì chúa cứ phải quẩn quanh tranh giành những chuyện cũ rích, mà bỏ quân giặc không lo nghĩ đến? Vạn nhất Chỉnh lại đem binh ra, thì lúc ấy lấy gì mà chống chọi?
    Nhưng Nhưỡng chỉ làm thinh.
    Giữa khi ấy Chỉnh lại sai anh ruột là giám sinh Nguyễn Ban lẻn ra kinh đô yết kiến hoàng thượng, để xin mệnh làm trấn thủ Nghệ An. Hoàng thượng liền hỏi kín Ban về tình hình quân lính của Chỉnh. Ban được thể, nói thêm lên để phô trương thanh thế cho Chỉnh. Hoàng thượng mừng lắm, bèn nói rằng:
    - Việc ấy, trước mặt trẫm hữu quân đã từng tâu xin, mà trẫm cũng đã hứa cho rồi. Nay lại xin nữa thì sẽ làm cho tờ sắc ban xuống. Vậy ngươi hãy ở đó mà đợi mệnh!
    Các quan tả hữu thấy thế, khuyên nhà vua rằng:
    - Hữu quân ở xa mà chúa thì gần. Chưa biết sau này hai bên thua được ra sao? Nếu như mệnh này ban ra, mà việc của hữu quân không thành, thì chúa sẽ có cớ mà nói.
    Hoàng thượng nghe theo, bèn thôi không dám hạ mệnh cho Chỉnh.
    Ban lật đật ra về, nói dối là đã có sắc của vua cho Chỉnh làm trấn thủ Nghệ An, được mở dinh quân Trung-hùng, thăng tước Bằng lĩnh hầu, đồng thời khiến Chỉnh phải đem quân về bảo vệ kinh sư.
    Chỉnh cũng vờ làm lễ bái mệnh, rồi truyền hịch đi kêu gọi các hào mục và thu thập các quân lính tản mát trong vùng.
    Do đó, các tay hào mục đều bảo nhau:
    - Hắn dẫu đáng ghét thật, nhưng nay đã chịu mệnh vua, nếu chống lại hắn tức là chống mệnh triều đình, hắn sẽ vin vào cớ đó mà nói, thì mình khó tránh khỏi tội.
    Rồi họ bỏ Đương trung hầu mà theo Chỉnh chỉ trong khoảng mươi ngày, Chỉnh đã thu nhặt được hàng vạn quân. Chỉnh bèn cho người bà con là Nguyễn Kim Khuê làm chức thị sư, đặt ra những hiệu quân Tứ đột, Tứ thành, lấy danh nghĩa là vâng sắc tôn phò nhà vua mà hẹn ngày xuất quân. Quân của Chỉnh tuy mới mộ, song đội ngũ chỉnh tề, hiệu lệnh nghiêm túc.
    Bấy giờ ở kinh sư hoàng thượng đang tức vì bị bọn Nhưỡng ăn hiếp, nên ngày đêm chỉ mong Chỉnh kéo quân ra. Hoàng thượng bèn ngầm ban xuống một tờ chiếu giục Chỉnh tức khắc lên đường.
    Chỉnh nhận được mệnh, vội hội họp đông đủ quân sĩ, rồi tuyên cáo với mọi người rằng:
    - Bọn Đinh Tích Nhưỡng và Dương Trọng Tế cầm quân ở kinh sư, ngầm mưu làm việc phản nghịch. Ta nay vâng mật chỉ đem quân về triều, để quét cho sạch lũ giặc bên cạnh nhà vua. Vậy các ngươi phải nên chung lòng gắng sức để cùng giúp nhà vua trong lúc khó khăn.
    Khi quân Chỉnh qua bến Hoàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, thì gặp tham lĩnh Mãn trung hầu và đốc thị Phan Huy Ích, hai người vâng mệnh chúa Án đô vào mộ lính Thanh Hoa đánh Chỉnh. Chỉnh lập tức sai đội thiết kỵ bất thình lình đón đánh. Hai bên giao chiến ở địa phận Ngọc Sơn (một huyện giáp liền với Quỳnh Lưu. Nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá). Kết quả, Mãn trung hầu bị thua, chết tại trận, còn Phan Huy Ích thì bị bắt sống.
    Chỉnh mắng Ích về những tội vào bè với Nhưỡng làm phản nhà vua, rồi hỏi:
    - Nghe nói nhà ngươi làm cái trống lớn lắm, chọc thủng mặt trống có thể chứa được người phải không?
    Ích run sợ mà xin lỗi.
    Nguyễn Kim Khuê vì chỗ quen biết nên hết sức cứu gỡ cho Ích. Chỉnh cười khẩy mà rằng:
    - Hừ! Cái bộ thầy đồ nói khoác, giết cũng vô ích.
    Đoạn Chỉnh tha cho Ích và bắt phải đi theo mình.
    Sau khi Chỉnh thắng được trận ấy, thanh thế càng lừng lẫy. Tin báo đến tai Án đô vương, vương liền cho đòi Nhưỡng vào phủ để bàn cách chống cự.
    Lúc này, hoàng thượng đã hạ mật chỉ sai các hào kiệt vùng Hải Dương đánh phá đất Hàm Giang để diệt trừ họ Đinh. Nhưỡng bất đắc dĩ phải cố xin được lĩnh chức trấn thủ hai trấn Hải Dương và Yên Quảng. Rồi Nhưỡng tự đem bộ hạ kéo về miền đông.
    Dân chúng các hạt Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn, Nam Sách vốn ghét Nhưỡng là kẻ tàn bạo, nên khi được mật chỉ của nhà vua, họ rất mừng. Lập tức họ họp nhau thành từng đoàn, đưa hịch kể tội ác của Nhưỡng, rồi bốn mặt ào ào kéo đến, vây kín thành trấn.
    Nhưỡng liệu sức mình không ngăn nổi, bèn lừa lúc ban đêm, phá vỡ vòng vây, chạy về giữ Hàm Giang.
  8. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Khi ấy, ở kinh kỳ người ta đồn rằng Nhưỡng đã bị dân xứ đông giết chết, chỉ trong sớm tối hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh sẽ đến nơi, kinh sư ắt thành bãi chiến trường. Trong một ngày, người ta nhốn nháo bỏ chạy đến ba bốn lần. Lòng người nơm nớp lo sợ. Dân chúng trong thành khuân chuyển đồ đạc, dắt già bế trẻ, tranh nhau chạy trốn về các vùng thôn quê; quan quân ngăn cấm cũng không được.
    Quận Thạc biết sự thế không thể làm gì được nữa, liền bàn riêng với bộ hạ rằng:
    - Vua chúa thù ghét nhau, việc nước không có chủ. Quận Liễn đã đi mất rồi mà giặc Chỉnh lại sắp đến, ta đóng mãi ở đây, thật là thất sách. Chi bằng rút về Sơn Tây, chiếm cứ miền thượng du, giữ vững thế căn bản, bảo tồn lấy lực lượng, ung dung xem việc thiên hạ, chờ cơ hội mà nổi dậy, sau này ắt phải ký công. Các ngươi đều ở dưới cờ của ta, roi cung giong ruổi, phải nên gắng sức. Trong lúc trẩy quân, cần phải đánh dẹp trộm cướp, làm cho dân chúng ăn ở yên ổn, chứ đừng có bắt chước quận Liễn, đi đâu làm việc tàn bạo ở đó, khiến cho dân chúng xứ đông đều phản lại mình.
    Bọn thủ hạ đều nói:
    - Chúng tôi đâu dám chẳng nghe theo tướng lệnh?
    Quận Thạc liền thu quân trở về xứ Đoài (tức Sơn Tây).
    Thế là quận Liễn đi, quận Thạc lại đi nốt, kinh sư khi ấy thành ra một nơi trống rỗng. Hoàng thượng truyền cho các hoàng thân đốc thúc những lính đã mộ được đêm ngày tuần phòng, canh giữ cung điện. Còn ở bên phủ chúa thì chỉ có viên quyền phủ sự Bùi Nhuận, viên hành tham tụng Mai Thế Uông và viên bồi tụng Dương Trọng Tế, hàng ngày ngồi trong phủ đường thảo giấy bắt lính, thu lương. Nhưng các phủ huyện không một ai chịu làm theo. Người của phủ chúa sai đi, qua các thôn ấp đều bị dân quê đánh đập, lột quần áo, chỉ còn cái mình trần chạy về.
    Chúa Án đô thấy vậy rất lo, nói với Trọng Tế:
    - Việc lớn hỏng mất rồi! Nếu không phải người có tài như Thiếu Khang, Thần My (Thiếu Khang là chắt vua Hạ Vũ; Thần My là bề tôi của Thiếu Khang. Lúc nhà Hạ bị bọn Hậu Nghệ, Hàn Sác cướp mất nước, Thiếu Khang và Thần My đã khôi phục được) thì không thể cứu vãn được tình thế. Ta không tự lượng sức mình, trót đã làm chúa. Nhà ngươi quá đỗi trung thành, trót đã giúp ta. Nay giặc Chỉnh sắp kéo ra, thế lực cực kỳ mạnh mẽ. Tục ngữ có nói: "ở vào thế cưỡi hổ không thể xuống được". Muốn cho xong việc này, phi nhà ngươi không còn ai.
    Rồi chúa bèn sai Tế làm chức trấn thủ Thanh Hoa, đem quân chống nhau với Chỉnh. Tế bất đắc dĩ phải xin vâng mệnh. Nhưng khi nghe người ta nói đến tên Chỉnh thì Tế đã mất cả hồn vía. Kéo quân ra đến ô Cầu Dền, Tế còn trùng trình đóng ở đó hai ngày, chưa chịu lên đường. Sau chúa phải cho người đến giục, Tế mới chịu đi. Quân Tế vừa mới đến làng Bình Vọng (tức làng Bằng, Thường Tín, Hà Đông (Hà Sơn Bình)), thì có tin báo Chỉnh đã vượt sông Thanh Quyết, Tế giật mình mà rằng:
    - Trừ phi có Phù Đổng thiên vương sống lại, còn ai có thể địch nổi với hắn? Quận Liễn, quận Thạc thật là biết thời cơ. Tiếc thay ta là kẻ đọc sách biết chữ mà lại không bằng mưu trí của bọn võ biền! Bây giờ nghĩ lại thì đã muộn mất rồi!
    Liền đó, Tế thu quân qua bến Thanh Trì, không kịp vào gặp Án đô vương nữa. Chạy một mạch thẳng sang vùng Kinh Bắc, rồi Tế mới sai người về dâng tờ khải, xin Án đô vương cho lĩnh chức trấn thủ Kinh Bắc, để chiêu mộ hào mục ở đó mà mưu đồ cuộc nổi dậy khác.
    Chúa Án đô thấy tờ khải của Tế, sợ hãi luống cuống như mất cả hai cánh tay, lập tức cho gọi Bùi Nhuận. Nhưng Bùi Nhuận đã đem cả gia quyến trốn đi từ ban đêm rồi. Chúa lại cho đòi Sỹ Uông. Uông cũng thác bệnh xin về nhà riêng. Chúa khóc mếu nói:
    - Ta chẳng may đẻ ra ở nhà chúa, lại bị một lũ tiểu nhân làm cho lầm lỡ. Nếu sớm biết thế này, thà cứ ở Chương Đức làm ông sư già, chống cây thiền trượng (gậy của nhà sư) ở dưới cửa chiền mà lại hoá hay!
    Rồi chúa ngoảnh lại hỏi bọn tả hữu:
    - Bây giờ nên đi đâu?
    Có người trong họ quê ở huyện Quế Dương tâu rằng:
    - Xin chúa cứ trấn tĩnh, hãy vào nhà Thái-miếu làm lễ cáo biến, thu xếp thân chủ của tiền vương, để tôi ra sông tìm thuyền, chờ đến đêm khuya, tôi xin phò chúa qua sông sang bắc, đi về làng tôi. Nhà tôi đã trải mấy đời làm tướng cầm quân, hào mục vùng Từ Sơn đều ở trong cửa mà ra, nếu tôi lấy điều trung nghĩa mà kêu gọi, chắc hẳn không ai là không theo. Đinh Tích Nhưỡng ở Cẩm Giàng làm cánh tay trái; Dương Trọng Tế ở Gia Lâm làm cánh tay phải; Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây làm ngoại ứng; còn chúa cứ việc đóng tại huyện Quế Dương mà hiệu triệu quân cần vương, đồng thời dựa vào thế hiểm của sông Nhị Hà để cố thủ. Chỉnh tuy hung tợn, há dám sang sông đánh nhau cùng ta? Xin chúa đừng lo!
    Chúa mừng rỡ mà rằng:
    - Có lẽ trời chưa nỡ làm mất họ Trịnh, nên mới đem ngươi mà ban cho ta. Nếu quả như lời ngươi nói, thật là phúc lớn cho xã tắc vậy!
    Đồng hồ (đây là đồng hồ ngày xưa: người ta dùng một cái bình đựng nước có khắc từng độ, và có lỗ cho nước nhỏ giọt dần dần, rồi cứ xem mực nước mà biết giờ giấc) nhỏ giọt xuống đến trống canh ba. Án đô vương bèn lẻn sang bắc, quan quân theo hầu chỉ chừng vài chục người. Tàn binh Thanh-Nghệ ở trong bốn đội quân thị vệ không một tên nào đi theo.
    Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt.
    Thế là hai trăm năm lâu đài cung khuyết huy hoàng bỗng chốc đã thành ra bãi đất cháy đen! Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương chúa và trách vua làm quá đáng. Hôm ấy nhằm ngày mồng 8 tháng chạp năm Bính-ngọ (1786).
    Lại nói, khi qua khỏi sông Thanh Quyết, Chỉnh trước hết cho ngay bộ hạ là Lê Giốc đem biểu tới dâng nhà vua.
    Trong biểu đại ý nói rằng: "Thần vâng chỉ kéo quân vào bảo vệ kinh sư, đã kính cẩn xuất quân từ tháng trước. Khi tới huyện Ngọc Sơn, Lê Trung Nghĩa (tức Mãn trung hầu) và Phan Huy Ích dám ra chống cự, thần vẫy toán thiết kỵ tiến đánh, chém chết Trung Nghĩa, bắt sống Huy Ích. Nhờ về oai trời, lòng hăng hái của quân sĩ tăng lên gấp trăm lần. Từ Thanh Hoá trở ra Bắc, thần đi tới đâu dân chúng vui mừng đón rước tới đó. Đến chỗ nào thần cùng đều kính cẩn tuyên bố oai đức của nhà vua, khiến cho đâu đấy đều yên nghiệp làm ăn. Thần nay thân mang giáp trụ, hồn mơ tưởng quân thiều (khúc nhạc của vua Thuấn. Ở đây mượn để chỉ vào nhà vua), tấc lòng khôn xiết nhớ mong cửa khuyết.
    Hoàng thượng xem xong tờ biểu, mừng lắm, liền hỏi thăm về tình trạng khi ở trấn Nghệ An, Giốc cứ thực mà tâu. Hoàng thượng khen Chỉnh đã khéo quyền biến; rồi phong cho Giốc làm chức nội hàn viện cung phụng sứ thiêm thư khu mật viện sự, trông coi cơ Tả oai.
    Khi Chỉnh tới làng Thịnh Liệt, hoàng thượng sai các quan triều ra ngoài cửa ô đón tiếp. Lúc Chỉnh vào triều hoàng thượng cho ra mắt ở điện Trung Hoà và ân cần an uỷ. Chỉnh tâu rằng:
    - Gần đây, kiêu binh làm loạn, đại thần (chỉ quận Huy) gặp nạn, thần bấy giờ đang cầm quân ở ngoài, vì chúa Trịnh không dong, nên phải bỏ nước trốn đi. Thần đã nghĩ kỹ, nguồn gốc của sự rối loạn ấy, là do cương thường sai trái, mũ dép đảo lộn mà ra. Khoảng năm Canh thân (1740), Tân-dậu (1741), những kẻ trung nghĩa trong nước đều căm tức về chuyện ấy, người thì phò hoàng thân mà nổi dậy, người thì giữ quận ấp mà mộ binh. Công việc của họ tuy không thành, nhưng cái tiếng nghĩa khí cũng đã lan rộng. Coi đó đủ biết, người ta ai cũng chung một bụng ấy, không phải thần vì mưu riêng của thân mình mà gây ra hiềm khích. Vả chăng thần lấy điều nghĩa mà cảm động lòng người, là cốt để chỉnh đốn lại cơ đồ nhà vua, làm sáng tỏ đạo quân thần cho hợp với lẽ trời đất. Chớ còn đối với chúa Trịnh, thần có thù oán gì đâu? Nay nếu lòng trời đã hối việc gieo hoạ, mọi người đều biết sửa lỗi lầm; đó há chẳng phải là phúc lớn của nước nhà sao? Tiên đế thương tấm lòng ấy của thần, đã dùng những lời lẽ ôn tồn để dụ thần, thần thật cảm kích khôn xiết. Vậy mà người trong nước, những kẻ không hiểu thần, lại cho thần là có tội. Họ muốn mưu đồ bước theo vết xe đã đổ, rắp tâm giết chết thần để quấy rối chính sự buổi đầu của bệ hạ. Cúi xin bệ hạ xét kỹ lo xa, không có điều gì là không soi đến. Thần chẳng dám đổ vạ cho người để che lỗi của mình. Người xưa đã nói: "Biết tôi là vua". Mong ở lượng trên soi xét.
    Hoàng thượng nói:
    - Trẫm đã biết rồi! Ngày nay giúp trẫm dẹp yên loạn lạc, làm cho nước được thái bình, chỉ nhờ nhà ngươi mà thôi!
    Rồi đó, hoàng thượng thăng cho Chỉnh làm chức bình chương quân quốc trọng sự, tước Bằng trung công. Một người thân cận với Chỉnh là Nguyễn Kim Khuê và con trai Chỉnh là Nguyễn Hữu Du đều được phong tước hầu, được cầm quân và cùng thuộc vào trong tướng phủ. Ngoài ra, bao nhiêu bộ hạ, tướng sĩ của Chỉnh, cũng đều được theo thứ bậc mà thăng chức tất cả.
  9. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Khi Chỉnh mới chạy về Nghệ An, trong triều có viên quan văn là Nguyễn Đình Giản, thường vẫn nói mãi về tội Chỉnh dắt quân nước ngoài về phá nước nhà; lại xin gánh vác việc đánh Chỉnh để giết tên giặc của nước, và thề không cùng sống với Chỉnh. Bấy giờ triều đình cũng cho là người hăng hái, nhưng không dám chuẩn y lời xin của Giản.
    Viên quan Nguyễn Đình Giản ấy, người làng Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hoá, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ-sửu (1769), là người chất phác, cương trực, hay công kích lỗi lầm của người khác. Kẻ có lỗi dẫu là bậc quyền quý, là bạn bè gần gũi hay là bà con thân thuộc, Giản cũng đều vạch lỗi ngay trước mặt, không hề kiêng nể. Bởi vậy mọi người đều khen Giản là thẳng thắn.
    Đến lúc Chỉnh vào kinh, thì Giản đang vâng mệnh đi chiêu dụ ở trấn Sơn Tây chưa về. Các quan bàn riêng với nhau: Giản chắc không về, mà có về chắc cũng không chịu khuất phục, nhất định Giản sẽ lập mưu với Hoàng Phùng Cơ để diệt Chỉnh. Nếu Giản về triều, chắc Chỉnh sẽ không dung, thế nào Chỉnh cũng ngầm kiếm cớ để giết Giản. Hai sự việc ấy không biết rồi sẽ ra sao?
    Kim Khuê nghe được những lời bàn ấy, bèn hỏi Chỉnh:
    - Ông cho Nguyễn Đình Giản là hạng người như thế nào?
    Chỉnh đáp:
    - Cuồng trực! (thẳng thắn đến mức cuồng dại)
    Khuê lại hỏi:
    - Có thể dùng được không?
    Chỉnh trả lời:
    - Chẳng những dùng được mà thôi, con người ấy còn đáng trọng nữa là khác!
    Khuê lại hỏi tiếp:
    - Ông không giận Giản, có phải là thật tình chăng?
    Chỉnh nói:
    - Ông chẳng thấy quận Hoàn là bố vợ hắn, vậy mà hắn còn ngồi tại giữa triều kể tội ông ta rằng quỳ gối theo giặc, huống chi là người khác? Nếu mình có lỗi, hắn nói đúng. Còn như mình không có lỗi mà hắn nói, thì cũng không hại gì cho mình. Con người như hắn thực không nên giận. Mà có giận cũng không làm gì hắn tốt. Chẳng qua chỉ tổ để cho người ta nhòm thấy chỗ nông sâu của mình thôi!
    Khuê nhân đó bèn khuyên Chỉnh nên vời Giản về dùng, để thu phục lòng người trong nước. Chỉnh nghe theo, liền sai người đưa thư cho Giản, trong thư lời lẽ hết sức ôn tồn, mềm mỏng.
    Giản trở về, vừa gặp lúc triều đình đang bàn việc sắp đặt quan chức. Phan Lê Phiên được cử làm bình chương sự; Trương Đăng Quỹ, Trần Công Xán làm đồng bình chương sự; Nguyễn Huy Trạc, Phạm Đình Dư làm tham tri chính sự; Nguyễn Đình Giản làm phó đô ngự sử.
    Khi mọi việc đã tạm yên, Chỉnh liền sửa sang dinh thự ở toà Lượng phủ để ở.
    Năm ngày Chỉnh mới vào chầu một lần, tan buổi chầu, lại ra ngồi ở chính sự đường để bàn bạc công việc. Còn những ngày khác, bất kỳ việc quan, việc dân, các quan đều phải tới dinh thự riêng của Chỉnh, để xin Chỉnh quyết định.
    Từ đó, quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước.
    Bấy giờ, tiền tệ trong nước phần nhiều bị các nhà giàu giấu cất, nhân dân đều khốn khổ về nạn khan tiền, hàng hoá không lưu thông, vật giá cao vọt. Chỉnh bèn xin với triều đình, ra lệnh thu vét hết tượng đồng, chuông đồng ở các chùa, miếu, đem về kinh sư, mở lò đúc tiền. Rồi Chỉnh thả cho thủ hạ đi về khắp nơi, cướp bóc chuông tượng của các thôn ấp. Người nào mà dám giấu giếm, tức thì bị chúng tra khảo, trừng trị. Chỉ riêng có pho tượng thần bằng đồng đen ở quán Trấn Vũ phía bắc kinh thành, là chúng không dám lấy mà thôi.
    Thấy Chỉnh làm như vậy, trăm họ ai cũng ta thán. Một đêm, có người dán ở ngoài cửa Đại Hưng hai câu đối như sau:
    Thiên hạ thất tự chung, chung thất nhi đỉnh an tại?
    Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần tức điện diệc không!
    (Thiên hạ mất chuông chùa, chuông mất, vạc còn đâu nữa? Hoàng thượng thiêu phủ chúa, phủ thiêu, điện cũng trơ thôi! Chữ "đỉnh" (vạc) ở vế trên, là tượng trưng cho cơ nghiệp của nhà vua)
    Chỉnh nghe hai câu đó, lấy làm căm ghét lắm. Vả chăng, Chỉnh cũng tự đoán biết rằng, những việc mình làm đều không được dư luận đồng tình. Bởi vậy, Chỉnh càng mượn thế ra oai, để hòng khoá miệng mọi người.
    Hồi Chỉnh trốn theo quân Nam, có viên quan võ là Hoàng Đình Xước vâng chỉ đốc lính coi giữ kinh thành. Khi đó, Xước gặp người nhà Chỉnh đeo gươm chạy ở trên đường, liền bắt lại hỏi. Người ấy xin nộp thanh gươm, Xước thu lấy rồi thả cho đi. Đến khi Chỉnh tới kinh sư, Xước đang đóng quân ở trấn Kinh Bắc, liền về ra mắt Chỉnh để trả lại thanh gươm. Chỉnh lập tức sai bắt Xước bỏ ngục. Nghe nói nhà Xước có nhiều đồ quý lạ, Chỉnh bèn đòi lấy kỳ hết, rồi mới tha.
    Những việc làm của Chỉnh đại loại đều như thế thực là tàn bạo và không còn kiêng sợ gì cả.
    Muốn thêm oai thế, Chỉnh lại tự đặt tên quân đội của mình là đạo Vũ Thành. Trong đạo chia ra năm doanh; nội quân gồm có hai vệ gọi là Thiết kỵ, Thiết đột; mỗi vệ chia làm năm đội; khí giới, màu sắc quần áo đều trang bị theo hình thức của triều nhà Thanh, để cho phân biệt với các toán quân khác. Tại Lượng-phủ, nơi ở của Chỉnh, nhà cửa, lâu đài, kiệu xe, quần áo hết thảy đều chế theo kiểu mới, có ý muốn sánh ngang với nhà vua. Trong thì nắm giữ quân cơ, ngoài thì chiếm quyền trấn thủ các trấn, phàm những chỗ cơ mật, trọng yếu, đều do vây cánh của Chỉnh chia nhau lĩnh chức. Tất cả mọi việc, Chỉnh đều chuyên quyền, làm trước rồi sau mới tâu vua. Thậm chí có việc đã bàn định tại triều mà vua cũng không được biết.
    Uy quyền của Chỉnh ngày càng to lớn như vậy, nên hình tích của hắn cũng lộ ra hết. Người ta bàn tán sôi nổi, ai cũng bảo rằng Chỉnh sẽ làm chúa, và rồi đây Chỉnh hiếp chế nhà vua sẽ còn tệ hơn chúa Trịnh ngày xưa.
    Hoàng thượng thấy thế cũng hơi ngờ Chỉnh. Một hôm, hoàng thượng đuổi hết tả hữu, rồi nói kín với hai viên nội hàn là Ngô Vi Quý và Lê Xuân Hợp rằng:
    - Chỉnh tuy có công bảo vệ, nhưng dần dà đã thấy hắn có vẻ muốn lấn bức. Giá có thể chặn ngay lúc đầu, khiến hắn không thể càn rỡ được nữa, thì mới đúng với thuật nuôi chim ưng (đời Tam quốc, Trần Đăng nói với Lã Bố rằng: "Tào công nói nuôi Lã Bố như nuôi chim ưng, cáo thỏ chưa hết thì không dám cho ăn no, nếu ăn no ưng sẽ bay đi mất". Ở đây dùng ý ấy). Nếu để khi thế lực của hắn đã thành, thì hắn sẽ khó trị, e cũng giống như nuôi cọp để lo về sau. Vậy các ngươi hãy nên tính hộ trẫm!
    Bọn Quý, Hợp tâu:
    - Như lũ thần đã xem xét, thì Chỉnh là hạng người ý nghĩ cực kỳ hiểm độc, bụng dạ quá ư tàn nhẫn, mưu mô hết sức sâu sắc, giả trá rất đỗi khôn ngoan, mà ứng biến thì mau lẹ tuyệt vời. Con người ấy thực là một kẻ gian hùng ở đời loạn, chưa chắc là một kẻ bầy tôi hiền tài ở đời trị. Cũng ví như loài chồn sói, không phải là vật có thể dạy dỗ; giống yêu ma, không phải là vật có thể kiềm chế. Chỉ còn có một cách là giết đi mà thôi. Nhưng giết hắn cũng phải có mẹo. Bệ hạ hãy nên coi hắn như người tâm phúc, đãi hắn với vẻ lễ mạo, cho hắn ra vào nơi cung cấm, không tỏ vẻ gì nghi kỵ này khác. Rồi đó, thỉnh thoảng lại mời hắn vào điện bàn việc, luôn thể đặt tiệc cho hắn uống rượu thật say. Vài lần như thế để hắn quen đi mà coi là thường, bấy giờ mới dùng thuốc độc mà giết. Như vậy, việc làm mới khỏi lộ, biến loạn cũng không thể do đâu mà xảy ra được. Theo ý ngu của lũ thần, chỉ có mẹo ấy là hay hơn cả!
    Hoàng thượng nói:
    - Chuyện này ra ở miệng các ngươi, vào trong tai trẫm, đừng để cho người nào biết. Kinh Dịch có câu rằng: "Làm vua không kín chuyện thời mất bề tôi, làm bề tôi không kín chuyện thời mất thân mình". Các ngươi phải lấy đó làm răn. Bao giờ gặp cơ hội có thể làm được, trẫm sẽ bảo với các ngươi.
    Thực là:
    Âu quen trên biển chừng không lạ[1]Thỏ mắc trong vòng hẳn khó ra.[2]
    Chưa biết việc này như thế nào? Hãy xem hồi sau phân giải.



    [1] Theo sách Liệt sử: xưa trên biển có người chơi với chim âu đã quen thuộc. Một hôm anh ta theo ý người cha định bắt chim âu về cho cha chơi, chim âu bèn không chịu đậu xuống nữa. Câu này ý nói việc vua Lê định lừa Nguyễn Hữu Chỉnh uống rượu cho quen để đánh thuốc độc cũng giống như thế.

    [2] Kinh Thi có bài thơ "Thỏ ta" ý nói đời Văn vương đến những người làm nghề bẫy thỏ cũng có thể dùng làm quan. "Thỏ ta" là cái bẫy đánh thỏ. Ở đây tác giả chỉ mượn hai chữ ấy để nói một khi Nguyễn Hữu Chỉnh đã mắc vào cạm bẫy thì khó mà trốn khỏi.
  10. Pagan

    Pagan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    12/08/2004
    Bài viết:
    3.118
    Đã được thích:
    1
    Hồi thứ tám 
    Dương Trọng Tế bị dâng tù trước nhà Thái họcHoàng Phùng Cơ phải tự tử ở ngoài Tây thành.
     
    Lại nói, sau khi vua đã lập mưu giết Chỉnh, một hôm viên nội hàn là Vũ Trinh có việc riêng vào yết kiến, vua bèn đem việc ấy bảo kín với Trinh, Trinh giật mình, nói:
    - Người nào bày cho bệ hạ cái mưu ấy, thần trộm lấy làm nguy hiểm. Hiện nay ở ngoài có giặc mạnh, tin tức ngoài biên ải đang báo về khẩn cấp, ở trong triều đình thì mọi người còn nghi ngờ nhau. Bệ hạ đã dựa vào Chỉnh làm nanh vuốt, thì nên đối đãi bằng cách thành thực, để cho y được vui lòng thần phục. Hễ mà biết cách giá ngự, thì kẻ loạn thần có thể thành kẻ lương thần. Sao lại đón trước sự dối trá của người ta để đoán chừng một việc chưa chắc đã có? Hình tích chưa lộ mà nghi kỵ đã sinh. Họ hàng bè đảng của Chỉnh đều cầm nhiều quân và ở nơi trọng yếu, la liệt trong ngoài, một khi xảy ra biến cố, bọn ở kinh thành sẽ làm việc có hại cho xã tắc, bọn ở các ngoại trấn sẽ chạy theo quân giặc. Ấy là mình tự cắt vây cánh của mình để giúp cho kẻ thù vậy.
    Vua liền đổi sắc mặt mà rằng:
    - Nếu nhà ngươi không nói, thì có lẽ trẫm bị lầm rồi.
    Tức thì vua đòi Vi Quý, Xuân Hợp vào quở trách và bảo mau mau thôi ngay việc ấy đi.
    Về sau Chỉnh biết chuyện ấy, rất oán vua bạc bẽo và muốn hại ngầm những người bày ra mưu đó.
    Chỉnh bảo với viên tướng bộ hạ là Nguyễn Như Thái rằng:
    - Ta đi khắp bốn biển, không kẻ nào dám ngó thẳng vào mặt ta. Mấy thằng học trò chưa thông hiểu việc đời ấy là cái thá gì mà dám cả gan như vậy? Chờ khi nào ta xuất quân đánh giặc, sẽ đem chúng để thử gươm xem có sắc không, rồi tống cổ chúng xuống âm ty cho chúng gây chuyện với Diêm Vương.
    Thái hỏi người nào, Chỉnh trả lời:
    - Chính là Ngô Vi Quý và Lê Xuân Hợp, bọn bề tôi thân cận của nhà vua đấy!
    Từ đó, Chỉnh cứ ở luôn trong dinh thự riêng, không vào triều yết. Mọi việc quân, việc nước, đều sai người vào tâu. Vua có ý kiến nên chăng thì lại sai các đại thần như bọn Phan Lê Phiên, Trần Công Xán, Vũ Trinh đến dinh của Chỉnh để biện bạch cho rõ.
    Một hôm, trời rất rét, bọn Phiên ở trong triều, cử Trinh tới nhà Chỉnh.
    Trinh người làng Xuân Liên, huyện Lang Tài, nổi tiếng là người có tài và nhanh nhẹn, Chỉnh cũng có ý kính mến. Vua thường dặn Trinh nếu có dịp thuận tiện thì nên biện bạch với Chỉnh về chuyện hiềm nghi trước đó.
    Hôm ấy, Trinh đến nhà Chỉnh là để phúc tư về việc quân, ngồi chờ trên linh các mãi không được vào. Một viên công sai nói với Trinh.
    - Thượng công đang ở nhà trong uống rượu không phải là giờ tiếp khách, quan lớn hãy về đã.
    Trinh nói to lên rằng:
    - Việc quân khẩn cấp, không thể báo chậm. Thượng công ngồi chơi, chỉ cách hai tấm cánh cửa, mà tắc tịt không thông; trên nhà dưới nhà mà xa nhau hơn hai ngàn dặm, thế là cớ làm sao? Tôi có việc công đến đây không phải là để gặp riêng, về cũng không được!
    Chỉnh nghe tiếng, vội sai người dẫn Trinh vào.
    Sau khi nói xong. Trinh xin lui, Chỉnh nói:
    - Việc ấy đã có bọn tỳ tướng của quận Thái trông nom, sẽ phát binh phù ngay, không phải phiền đến sứ thần nhà vua phục mệnh. Ông hãy ở đây cùng uống chén rượu đã. Rồi Chỉnh rót một chén rượu lớn đưa cho Trinh.
    Trinh cố từ không nhận, Chỉnh nói:
    - Quan nội hàn nghi tôi chăng?
    Trinh đứng dậy tạ lỗi, xin uống, và nói:
    - Tôi là kẻ bất tài, được thu dùng đã là quá lắm. Việc gây dựng cho tôi đều là nhờ ở nhà vua và quan tể tướng, dám đâu có bụng nghi ngờ như chuyện "cung treo rơi bóng" đời xưa (theo Tân thư: xưa Nhạc Quảng mời bạn uống rượu, cái cung treo ở trên tường soi bóng vào trong chén, người bạn tưởng là con rắn, uống xong về nhà thành bệnh. Sau Quảng phải mời bạn đến uống rượu một lần nữa ở chỗ ngồi trước kia và chỉ cho bạn biết rõ là bóng cái cung, soi vào trong chén rượu bấy giờ người bạn mới khỏi bệnh. - Đây mượn ý để chỉ sự nghi ngờ).
    Chỉnh im lặng không nói gì. Tan tiệc. Trinh ra bảo với viên thị sư của Chỉnh là Nguyễn Khuê rằng:
    - Gần đây lắm kẻ bịa đặt tin nhảm, trăm điều không có một điều thật. Bọn gian đó thêu dệt ra những việc không có căn cứ, để gây sự nghi hoặc cho cả trong và ngoài. óc suy xét của người tầm thường có khi không khám phá nổi. Nhưng người cao minh như ông lớn nhà ta, chắc là không để những câu nói ấy vào tai. Tuy vậy, về phần hình tích, có lẽ ngài cũng chưa khỏi lầm lẫn; tôi sợ rằng vì thế mà họ lại bịa ra nhiều chuyện. "Cọp ở chợ" (theo Chiến quốc sách: Bàng Thống nói với vua nhà Nguỵ rằng: một người nói ở chợ có cọp thì vua không tin, nhưng hai ba người nói ở chợ có cọp thì vua sẽ phải tin, - ý nói tuy lời gièm pha không thật, nhưng nhiều người nói thì người nghe cũng phải tin) là việc không thể có, nhưng đến ba người nói thì người nghe cũng không rõ là có hay không. Huống chi những kẻ bịa chuyện, lại không phải chỉ có ba người mà thôi. Vì thế, tôi muốn nói rõ sự tình ấy, để dứt mối hiềm nghi từ lúc còn nhỏ bé, khiến cho giữa vua và tôi, tình ý thông suốt, trên dưới yên ổn với nhau, há chẳng hơn hay sao?
    Khuê trả lời:
    - Vâng! Ông hãy cứ về.
    Sáng mai, nhân lúc rảnh, Khuê đem lời Trinh thuật lại với Chỉnh. Chỉnh nói:
    - Lời người ta nói cố nhiên không thể tin cả, nhưng cũng không thể hoàn toàn không tin. Ta đã xem kỹ, nhà vua là người nhẫn tâm và đa nghi, việc ấy chắc có. Tuy vậy, dù có dù không, cũng chẳng làm gì được ta. Vả chăng, trong lúc bốn cõi còn nhiều giặc giã, hãy gác chuyện đó lại, khoan nói đến.
    Lại nói, Dương Trọng Tế từ khi ở làng Bình Vọng rút quân chạy sang Kinh Bắc, liền cùng cháu là Dương Vân, học trò là Nguyễn Mậu Nễ, đắp đồn luỹ ở huyện Gia Lâm để chống giữ và lo tính việc khởi bính. Vừa lúc ấy, chúa Trịnh chạy đến làng Quế Ổ (nay thuộc huyện Quế Võ, Hà Bắc), cho người đến gọi Tế, Tế nói:
    - Vừa rồi, việc đi Thanh Hoá, trong phủ có Bùi Nhuận là võ tướng, Mai Thế Uông là thổ quan, chúa không sai hai người ấy mà lại dùng ta trước để thử quân giặc. Đó là chúa muốn đem ta mà cho giặc vậy. Bởi chúa đãi người không thật cho nên mới đến thế này. Bây giờ cùng chúa mưu tính việc lớn, đã có một lũ võ biền ở làng Quế Ổ, vời ta làm gì?
    Rồi Tế chối là việc quân khẩn cấp, không thể đến được. Tế tự mộ lấy vài ngàn người tráng đinh, đắp luỹ từ làng Như Kinh đến làng Phú Thị (Như Kinh nay thuộc Văn Giang, Hưng Yên. Phú Thị thuộc Gia Lâm, Hà Nội), dựng lên ba đồn, chia quân đóng giữ. Tế cho Vân làm chức bình địch tướng quân, Nễ làm chức tham tán quân vụ. Lại đưa hịch đến các quận bên cạnh, kể cái tội nhà vua dựa vào Chỉnh mà đuổi chúa. Lời hịch đại lược như sau:
    "Trong hồi nguỵ Mạc, nhà Lê đã không còn nước. Nhờ có Thái vương họ Trịnh giúp cuộc trung hưng, công nghiệp thấu đến trời đất, phúc khánh để cho con cháu. Hai trăm năm nay, vua Lê chỉ việc khoanh tay rủ áo, chúa Trịnh coi hết mọi việc chính sự; thần dân trong ngoài cùng tôn phò và kính mến, không ai có lòng nào khác. Tên Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là một kẻ vong mạng, thoát chết, mưu đồ làm việc càn rỡ, đem giặc ngoài vào phá phách nước nhà, giết chủ cũ mà làm hại nhân dân, xướng ra câu "diệt Trịnh", mượn cái tiếng "phò Lê". Vua Chiêu thống là người do quân Nam và Chỉnh lập lên. Nể giặc lập mình, quên ân nghĩa tám đời chủ suý; đốt phủ đuổi chúa, tựa vào sức một lũ loạn thần. Đã không xứng đáng làm vua, lấy gì tiêu biểu cho nước. Tôi là viên đài thần (chức ngự sử) của tiên triều, nghĩa không thể nín. Nay sắp dấy quân giết Chỉnh, tìm lấy người hiền trong họ vua cháu chúa mà lập lên để nối cơ nghiệp vua, chúa thuở trước. Hẹn đến ngày mồng một tháng nọ sẽ kéo quân qua sông Nhĩ Hà. Các vị hào kiệt bốn phương người nào đồng chí với tôi, đều nên đúng hẹn họp quân, hợp sức tiến đánh, công khôi phục kíp sớm hoàn thành, nghĩa đồng hưu cùng ghi vĩnh viễn... "
    Các thổ hào ở vùng Từ Sơn, Thuận Thành thấy lời hịch chỉ trích nhà vua, giọng nói ngược ngạo, họ bèn nói với nhau rằng: "Danh đã không chính thì lời nói cũng không thuận, mà việc sẽ không thành. Chúng mình đều là bề tôi của nhà vua, không nên theo y để chuốc lấy vạ". Bởi vậy, chẳng một người nào hưởng ứng với Tế; mà những người đã nhóm họp với Tế rồi cũng rút về dần dần, thành ra người giúp Tế càng ngày càng ít đi. Vả chăng bọn Tế, Vân sẵn có tính tàn bạo, hay cướp bóc của nhân dân, Nễ lại là tên ty bỉ dung tục, không hiểu biết gì, nên ai cũng chán ghét.

Chia sẻ trang này