1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

HỎI ĐÁP TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi caunem, 15/12/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Vừa đi qua miền Tây tiến về mà lại không nhớ bài Tây tiến của cụ Quang Dũng mới chán chứ .
    Có ai làm ơn pot hộ tôi lên đây cái ?
    Xin vô cùng cám ơn !
    Trước cũng chỉ nhớ được vài câu lõm bõm .
  2. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Tui cũng không thuộc cả bài nè.Hì,nhưng nó đây
    Hồi trước về nhà thỉnh thoảng hét lên mấy câu.Má tui la:"Mày điên hả?"
    Tây Tiến
    Quang Dũng
    Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
    Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi
    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
    Anh bạn dãi dầu không bước nữa
    Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
    Chiều chiều oai linh thác gầm thét
    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
    Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
    Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
    Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người trên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
    Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
    Rải rác biên cương mồ viễn xứ
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
    Áo bào thay chiếu, anh về đất
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành
    Tây tiến người đi không hẹn ước
    Đường lên thăm thẳm một chia phôi
    Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
    -- Phù Lưu Chanh, 1948
  3. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
    Rất cám ơn bạn lyhap ! ! !
    Quả thật nếu như ai đi cung đường Sông Mã - Điện biên - Sơn la thì mới thấm thía , cái hay cái đẹp của bài thơ Tây tiến .Tôi là 1 người rất sùng cụ Quang Dũng . Chỉ tiếc là trí nhớ kém quá nên không thuộc hết bài này được.
    Vài hôm nữa mời bạn sang box Du lịch sẽ có topic của tôi về thượng nguồn Sông Mã . Nhìn những con đường và địa danh đoàn quân Tây Tiến năm nào đã đi qua .
    Cũng là một nén tâm nhang trên đường thiên lý tỏ lòng ái mộ cụ Quang Dũng và đoàn binh Tây Tiến .Tôi nghĩ bạn sẽ có cùng cảm xúc như tôi .
    Tuy nhiên câu cuối cùng thì địa danh nó là SẦM NƯA chứ không phải Sầm Nứa, bởi 2 câu cuối này tôi thuộc nhất .Vẫn phóng xe máy dọc sông Mã và gào lên như thằng điên :
    Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
    Hồn về Sầm nưa chẳng vè xuôi .
  4. DuGia

    DuGia Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2005
    Bài viết:
    5.696
    Đã được thích:
    3
  5. caunem

    caunem Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/02/2004
    Bài viết:
    1.262
    Đã được thích:
    0

    thanks !
    nhưng mà vẫn chưa có cả bài
    -----------------------------------
    Tớ hỏi tiếp bài này nữa ... bạn nào biết post dùm đầy đủ với . cảm ơn nhé
    nhớ nó có 4 câu này :
    Em bảo anh đi đi
    Sao anh không đứng lại?
    Em bảo anh đừng đợi
    Sao anh lại không chờ?

  6. nhoccon2309

    nhoccon2309 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/09/2005
    Bài viết:
    180
    Đã được thích:
    0
    Mọi người ơi có ai biết bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm làm ơn post hộ nhé. Cảm ơn nhiều
  7. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    Đúng-Sầm Nưa không phài là Sầm Nứa.Bạn nhắc tui mới nhớ.Có lẽ câu cuối cùng chữ "Sầm Nứa" đọc lên nghe thuận tai và có vần nên nhiều người(có cả tui) thường lầm như vậy chăng?
    Cảm ơn bạn nghen!
  8. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    thanks !
    nhưng mà vẫn chưa có cả bài
    -----------------------------------
    Tớ hỏi tiếp bài này nữa ... bạn nào biết post dùm đầy đủ với . cảm ơn nhé
    nhớ nó có 4 câu này :
    Em bảo anh đi đi
    Sao anh không đứng lại?
    Em bảo anh đừng đợi
    Sao anh lại không chờ?

    [/QUOTE]
    Thơ hay!Thơ hay!Cậu 5 hỏi 1 bài thơ tuyệt vời đấy.Tui biết hình như nó có 8 câu:Có người nói nó tên là "Sao mà anh ngốc thế" nhưng đúng ra nó phải là "Tâm trạng thiếu nữ"
    TÂM TRẠNG THIẾU NỮ
    X.Kapuchikian(Nga)
    Em bảo anh:Đi, đi!
    Sao anh không dừng lại?
    Em bảo anh đừng đợi!
    Sao anh vội về ngay?
    Lời nói thoảng gió bay
    Đôi mắt huyền đẫm lệ
    Sao mà anh ngốc thế
    Không nhìn vào mắt em!
    Xuân Diệu dịch

    Trên mạng còn 1 đoạn nữa(chắc là do người nào đó bổ sung thêm).Cũng dễ thương lắm.Tuy nhiên dù viết thêm theo nhịp điệu của những vần thơ nhưng về mặt logic thì không phù hợp lắm.Cậu 5 xem thử:
    Em bảo anh:Đi đi!
    Sao anh không đứng lại?
    Em bảo anh đừng đợi,
    Sao anh vội về ngay?
    - Lời nói tựa gió bay,
    Đôi mắt huyền đẫm lệ -
    Sao mà anh ngốc thế
    Không nhìn vào mắt em?
    Bức thư em mới viết,
    Không làm anh hãi hùng,
    Em không yêu anh nữa?
    Bức thư dài vô cùng.
    Mười hai trang chữ bé.
    Một bản thảo tuyệt hay
    Không ai viết như thế,
    Khi người ta chia tay!

    Nhân nói về bài thơ này cũng xin trích dẫn luôn 1 bài giới thiệu cho tuyển tập "Những bài thơ tình hay nhất thế giới" Của NXB Văn hoá thông tin
    Cách đây nhiều năm, không ít bạn trẻ đã mê hoặc một bài thơ nói về nghịch lý thuận chiều trong tình yêu.
    Tứ của bài thơ xoáy sâu vào một hiện tượng trong cuộc đời chúng ta thường gặp: Nói vậy mà không phải vậy, tưởng thế mà không là thế. Và nếu đã thực sự yêu nhau, hiểu nhau...thì hãy nhìn vào mắt nhau, hãy đọc trong mắt nhau. Hồi ấy, không ít bạn trẻ lầm tưởng bài thơ giản dị mà sâu sắc ấy là của một cô gái trẻ người Ba Lan. Thực ra bài thơ này là của Kapuchikian người Nga do nhà thơ Xuân Diệu chuyển ngữ. Bài thơ được dịch ra tiếng Việt như sau:
    Em bảo anh: Đi, đi!
    Sao anh không dừng lại
    Em bảo anh đừng đợi
    Sao anh vội về ngay!
    Lời nói thoảng gió bay
    Đôi mắt huyền đẫm lệ
    Sao mà anh ngốc thế
    Không nhìn vào mắt em!
    Đây cũng là một bài thơ hay trong Những bài thơ tình hay nhất thế giới mà Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành cách đây không lâu.
    Những bài thơ tình hay nhất thế giới là một tập hợp thơ gồm 135 bài của nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta gặp lại những tên tuổi quen thuộc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Puskin, Lécmôntốp, Blốc, Hainơ, Tago, B. Brếch, Pêtôphi, Êlua, Apôline, Nêruđa , Nadim Hítmét...Đây là những áng thơ đã được thử thách qua thời gian và đa phần thuộc dòng"kinh điển". Tuy nhiên, người ta vẫn thấy thiếu Aragông - một nhà thơ nổi tiếng người Pháp và một số nhà thơ khác, thiếu nhiều bài thơ tình của một số nhà thơ đương đại và có cảm giác liều lượng thơ Nga(Liên Xô cũ) hơi bị dày đặc.

    Đọc Những bài thơ tình hay nhất thế giới, người đọc có dịp nhớ lại quan niệm về tình yêu cao thượng của Puskin:
    Tôi yêu em chân thành, đằm thắm
    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
    Tôi yêu em
    Tình yêu hết mình ở nghĩa chấp nhận của Lécmôntốp:
    Nhưng em ơi, đừng hỏi về quá khứ
    Khổ đau này, tôi chẳng nhượng cho ai (Gửi)
    Tình yêu là sự bí ẩn tuyệt đối của Éptusenkô:
    Bí ẩn rất đơn sơ nhưng vẫn cần bí ẩn
    Dù ít dù nhiều xin trả lại cho ta (Những điều bí ẩn)
    Tình yêu là sự chân thành hết mực của Hainơ:
    Trong mơ anh đã khóc
    Thấy em vẫn dịu hiền
    Thế rồi anh tỉnh giấc
    Nước mắt vẫn triền miên
    (Trong mơ anh đã khóc);

    Tình yêu là vẻ đẹp của sự giản dị, tự nhiên của Tago:

    Em thế nào thì cứ thế mà đến
    Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần
    (Em thế nào thì cứ thế mà đến);

    Tình yêu là sự bình đẳng tuyệt đối của Cadi:

    Trước tình yêu, vua và dân như nhau
    Muốn được yêu phải đem đời trả giá
    (Không đề);
    Tình yêu là sự khắc khoải khôn cùng của Đỗ Phủ:
    Chàng ở đầu sông Tương
    Thiếp ở cuối sông Tương
    Nhớ nhau mà không thấy
    Cùng uống nước sông Tương
    (Tương tư);
    Tình yêu là sự kiếm tìm và đuổi bắt bóng hình của Rôgiơđécvenxki:Suốt đời anh chạy theo ước mơ
    Nhưng chẳng bao giờ đuổi kịp
    (Bắt chước các nhà thơ cổ);
    Tình yêu là sự tiếp nối không ngừng của Onga Bécgôn:
    Lớp trẻ lớn lên lại tiếp bước chúng ta! Lại nhắp vị ngọt ngào thuở trước
    Vẫn sông Nhêva những chiều sóng bước'' Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh
    (Bài thơ cuộc đời);
    Tình yêu nhiều khi gắn với lý trí một cách thần thánh và lý trí làm cho tình yêu mang ý nghĩa lớn lao hơn của Nadim Hítmét:
    Em là nỗi ràng buộc và niềm tự do của ta..
    Khi ta đạt tới em
    Thì ta biết em là nơi không tới được bao giờ
    (Lại nói về em nữa)...
    Và nói cho cùng, thì khi người con trai tìm đến người con gái, mỗi thi sĩ đều có những quan niệm, tuyên ngôn khác nhau. Nhưng điều căn bản được rút ra là tình yêu vẫn là vẻ đẹp vĩnh cửu, bí ẩn, muôn đời mang giá trị cứu rỗi và nó có đời sống với những quy luật, đòi hỏi của riêng nó.
    (trích dẫn báo Hà Nội mới)

  9. pna

    pna Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/07/2004
    Bài viết:
    1.287
    Đã được thích:
    0
    Em muốn hỏi riêng đoạn trích "Đất nước" hay cả trường ca Mặt đường khát (nước) vọng?
  10. lyhap

    lyhap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/09/2004
    Bài viết:
    1.502
    Đã được thích:
    0
    "Giải quyết"luôn bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm trích trong tập trường ca "Mặt đường khát vọng"
    Đất nước
    Nguyễn Khoa Điềm
    Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
    Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
    Tóc mẹ thì bới sau đầu
    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
    Cái kèo, cái cột thành tên
    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó..
    Đất là nơi anh đến trường
    Nước là nơi em tắm
    Đất Nước là nơi ta hò hẹn
    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
    Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
    Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
    Thời gian đằng đẵng
    Không gian mênh mông
    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
    Đất là nơi Chim về
    Nước là nơi Rồng ở
    Lạc Long Quân và Âu Cơ
    Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
    Những ai đã khuất
    Những ai bây giờ
    Yêu nhau và sinh con đẻ cái
    Gánh vác phần người đi trước để lại
    Dặn dò con cháu chuyện mai sau
    Hằng năm ăn đâu làm đâu
    Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
    Trong anh và em hôm nay
    Đều có một phần Đất Nước
    Khi hai đứa cầm tay
    Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
    Khi chúng ra cầm tay mọi người
    Đất Nước vẹn tròn, to lớn
    Mai này con ta lớn lên
    Con sẽ mang Đất Nước đi xa
    Đến những tháng ngày mơ mộng
    Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
    Phải biết gắn bó và san sẻ
    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
    Làm nên Đất Nước muôn đời..
    Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
    Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
    Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
    Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
    Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
    Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
    Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
    Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
    Em ơi em
    Hãy nhìn rất xa
    Vào 4.000 năm Đất Nước
    Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
    Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
    Cần cù làm lụng
    Khi có giặc người con trai ra trận
    Người con gái trở về nuôi cái cùng con
    Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
    Nhiều người đã trở thành anh hùng
    Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhỏ
    Nhưng em biết không
    Có biết bao người con gái, con trai
    Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
    Họ đã sống và chết
    Giản dị và bình tâm
    Không ai nhớ mặt đặt tên
    Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
    Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
    Họ chuyển lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
    Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
    Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
    Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
    Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
    Có nội thù thì vùng lên đánh bại
    Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân
    Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
    Dạy anh biết "yêu em từ thở trong nôi"
    Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
    Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
    Đi trả thù mà không sợ dài lâu
    Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
    Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
    Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
    Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
    Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
    Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
    Chén rượu đánh lừa con mỏi, cơn đau
    Con nộm nag tre đánh lừa cái chết
    Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
    Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
    Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
    Không hề lừa ta dù cao dao, cổ tích
    Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
    Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
    Dẫu phải cay đắng dập vùi
    Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
    Cây khế chua có đại bàng đến đậu
    Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
    Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
    Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
    Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
    Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
    Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơí
    Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay người
    Trai không chỉ rơi vì sức hút đất đai
    Trái rơi vì tay người ao ước
    Khi trái chạm tay người và người ấm ủ
    Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
    Đi trả thù và sống Tự do
    Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
    Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
    Rơi vào tay người, đó là định luật
    Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
    Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
    Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
    Hãy ngã xuống tay nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
    Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
    Hãy ngã vào tay nhân dân, đừng vãi đừng rơi
    Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
    Hãy yêu nhân dân và nghe người nhắn nhủ
    Hãy tìm sức mạnh trên cơ thể nhân dân
    Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
    Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
    Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
    Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù
    Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
    Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
    Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
    Nguyện làm người xung kích của quê hương
    Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!

    Cuối cùng cũng xong!

Chia sẻ trang này