1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hồi kí chiến tranh biên giới Việt -Trung 1984

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi hethong1, 13/04/2009.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. hethong1

    hethong1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/05/2008
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    110
    Chán các bác quá. em post bài lại cho gọn , dễ đọc thì có bác dọa khóa , bác dọa treo bài .em thấy bài này đăng trên box GDQP là thích hợp nhất . Các bác ko thích em post bài nữa thì em thôi vậy . Còn bác nào chưa đọc phần thì chịu khó đi tìm mà đọc nhé . Phần 2 chắc gì đã hay bằng phần 1 , nhưng có lẽ hấp dẫn hơn . Kính các bác em có ý kiến như thế .
  2. TimeBreak

    TimeBreak Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    20/10/2004
    Bài viết:
    1.386
    Đã được thích:
    9

    Bạn HeThong1 nên bình tĩnh và kiềm chế .
    Bạn đọc kỹ lại topic đi, bạn sẽ thấy chỉ có 1 vài bác không ủng hộ và doạ khoá, nhưng hầu hết anh em đều ủng hộ bạn post lại truyện này, trong đó có tôi.
    Tuy nhiên, vì bạn chưa nắm được rõ về lai lịch của truyện, những người tham gia trước đây, đã giúp bạn cùng làm rõ ràng hơn về tác giả, xuất xứ của truyện này, và nhiều người - tôi cũng vậy - đã đưa link, địa chỉ để bạn có thể liên hệ, tham khảo với tác giả nếu bạn muốn!
    Vậy thì bạn thử đọc lại những lời bạn vừa post xem? 4R thì 9 người 10 ý, nhưng đừng nổi nóng mà chĩa mũi nhọn vào tất cả!
    Việc collect nốt phần còn lại và post lên hay không là tuỳ bạn!
  3. minh91

    minh91 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    20/10/2006
    Bài viết:
    1.205
    Đã được thích:
    906
    Mình thì lại có ý kiến khác nhiều bạn ở đây, những người tham gia lâu năm họ biết nhiều vấn đề từ gốc đến ngọn từ mặt trái đến mặt phải của câu chuyện từ rất nhiều năm trước. Nhưng có rất nhiều người mới tham gia, họ là những người trẻ tuổi 5 năm trước họ chưa hiểu biết và có thể chưa sử dụng đượ máy tính, cho nên họ cũng rất muốn tìm hiểu những điều mà những người đi trước đã trải qua là chyện rất bình thường. Sự ham muốn học hỏi tìm tòi của họ là rất đáng trân trọng, chúng ta không nên vì cái biết rồi mà bĩu môi hoặc xóa đi vì đối với chúng ta là cũ nhưng với rất nhiều người khác là mới. Chẳng lẽ 4room không tiếp nhận người mới, hoặc những cái chúng tôi khép lại thì những người mới cứ tự tìm đọc tự hiểu còn chúng tôi không nói lại nữa. Chưa kể cái 5 năm ấy đường link rất chập chờn
    Theo ý mình, vì đây là box GDQP thì vào những thời điểm lịch sử về cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước cũng nên lập ra những topic dẫn lại những đường link cũ về những cái mọi người đã thảo luận đóng góp để cho những người mới hiểu biết, và những người cũ có phát hiện mới đóng góp thêm.
    P/s: mình có đủ bộ về những truyện như thế này bằng ebook, bạn nào muốn gửi địa chỉ mail mình send cho, hoặc các bạn vào bên www.thuvien-ebook.com mà down về cũng được
    Được minh91 sửa chữa / chuyển vào 09:21 ngày 14/04/2009
  4. hethong1

    hethong1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/05/2008
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    110
    Phần 2:
    không bàn chuyện ngoài lề nữa . Tôi xin post tiếp nhé ....
    Sau trận đánh bảo vệ điểm cao ấy. Đơn vị bị thương vong nhiều. Lính mới lại được tăng cường từ tuyến sau lên. Tôi nghiễm nhiên trở thành lính cũ, mặc dù thời gian lên đây chỉ hơn họ vài ngày.
    Người này kể cho người kia, người kia kể cho người kia nữa. Năm thằng bọn tôi trở thành câu chuyện hàng ngày của mọi người. Tôi đi đến đâu, cũng được mọi người chào đón nồng hậu. Thậm chí có lần, sang đơn vị bạn chơi, mọi người còn kéo bằng được vào hầm chỉ để hỏi "có sợ không?". Tất nhiên, sợ chứ, nhưng về nhà thì mới thấy sợ. Lúc ấy hăng máu lắm, sợ thì chắc không về đến nhà được rồi.
    Hầm tôi được tăng cường thêm một tân binh. Cậu này tên là Tân. To, cao, khoẻ mạnh và có vẻ trải đời lắm.
    _ Các ông đánh đấm thế nào? Tân hỏi đầy vẻ bề trên.
    _ Cũng tàm tạm. Nó đến thì đánh thôi. Cố giữ lấy cái mạng để còn về nhà phụng dưỡng mẹ cha. Tôi nhẹ nhàng trả lời.
    Tôi không thích Tân. Cậu ta luôn thể hiện bản thân mọi lúc, mọi nơi. Thằng Chính cũng không thích Tân, nó chẳng bao giờ rủ Tân đ ái sang bên Tàu vào buổi sáng.
    Trong đám lính mới tăng cường, có một thiếu uý Quân Y. Chị tên là Hương, vừa tốt nghiệp thì được điều lên đây. Kể từ lúc đó, tôi không có cơ hội mặc quần đùi lang thang lên tiểu đoàn bộ nữa. Người tôi như con mắm, nhưng lại thích cởi trần, mặc cái quần đùi rộng thùng thình, phất pha phất phơ. Thế cho mát, cho thoáng, cho con chim nó có không khí. Nó còn lớn mà.
    Thằng Tân bảnh choẹ lắm. Lính chốt mà lúc nào đầu tóc cũng gọn gàng, bóng mượt. Cứ chiều chiều sau khi ăn xong là cu cậu phắn lên chỗ em Hương. Con cà con kê đến tối mới về. Tôi mặc kệ. Tuổi tôi chưa quan tâm đến đàn bà.
    Một hôm, Tân đi vắng. Tôi với thằng Chính nằm ôm nhau trong hầm. Tôi hỏi Chính.
    _ Mày hôn bao giờ chưa?
    _ Mày hỏi thật hay hỏi đểu đấy? Chính nhìn tôi hỏi lại.
    _ Thật chứ. Vì tao chưa hôn bao giờ.
    _ Cái thằng điên này, mày tưởng thanh niên nhà quê như bọn tao lạc hậu lắm à? Chẳng kém gì thành phố bọn mày đâu. Rồi nó hi hí kể cho tôi nghe chuyện nó hôn, nó bóp vú bọn con gái ở sân Hợp tác.
    _ Bây giờ mà chết thì phí đời nhỉ. Tao chưa biết gì. Tôi tiếc rẻ than thở.
    _ Mày lên tiểu đoàn, bảo " Chị Hương ơi, nay sống mai chết chẳng biết thế nào, chị cho em "phang" một cái để xuống âm ty em có chuyện mà kể". Nó nói xong, tự cười sung sướng.
    Thằng Tân đi chơi về. Nó bảo nó sắp giết em Hương rồi. Tự dưng tôi thấy hơi buồn. Chẳng hiểu vì sao lại thế.
    Quân khu chuyển lên một ít bê tông để sửa hầm. Mỗi thanh nặng 80kg. Trong giống như thanh lương khô phóng to. Bọn tôi toàn gọi nó là lương khô. Sau trận cối vừa rồi. Hầm hào hư hỏng nặng. Anh em trong đơn vị và công binh ở dưới lên đang tích cực sửa chữa. Hầm của tôi sửa ra to hơn, có lát bêtông, chắc chắn lắm.
    Thằng Tân xí chỗ trong cùng. Nó sợ nằm ngoài mảnh đạn văng vào người. Tôi doạ, nằm trong, hập sụt bới 7 ngày không ra. Nó lại xin chuyển ra gần cửa hầm. Đúng là thằng dát chết.
    Công tác canh phòng được đôn đốc sát sao. Tiểu đoàn trưởng bảo sắp tới nó lại đánh. Và bây giờ chắc chắn đêm đêm nó sẽ tung thám báo vào điều nghiên. Tôi thấy lạ về mặt ngôn từ sử dụng. Người của mình thì gọi là trinh sát, của địch thì gọi là thám báo. Rắc rối quá.
    Tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ. Gác đối với tôi là cực hình. Đang ngủ ngon lại phải dậy. Một hôm, ca thằng Tân gác trước tôi. Nó gác từ 2h đến 3h, tôi từ 3h đến 4h. Nó vào đánh thức tôi đổi ca. Mắt nhắm mắt mở tôi dậy, nó chìa đồng hồ cho xem: 3h5''''''''.
    Trăng thượng tuần mờ mờ. Tôi đã hết cơn buồn ngủ, lại tỉnh như sáo. Tôi xách súng men theo giao thông hào, thi thoảng lại trồi lên quan sát. Ánh trăng bàng bạc. Điểm cao yên lặng trong giấc ngủ. Tôi yên tâm dựa lưng vào vách hào, i ỉ hát.
    Nhoằng một cái, khẩu súng đang để dưới chân bị ai cướp mất. Tôi chồm lên giằng lại súng. Một giọng nói cất lên
    _ Thằng nào thế này, gác sách thế à?
    _ Ôi bố Lượng à? Con tưởng thằng Tàu. Bố đi như ma thế ai mà biết được.
    _ Sao lại mặc quần đùi đứng gác?
    _ Thưa bố, thế cho mát. Bây giờ, buổi chiều lên chỗ bố uống nước tán phét, con đã phải mặc quần dài rồi. Cho nên, đứng gác mặc quần đùi cho đỡ nhớ.
    Bố Lượng nhắc nhở một hồi. Ông dạy cách gác, dạy cách phát hiện kẻ đột nhập. Tôi nghe như nuốt từng lời. Kinh nghiệm trận mạc làm cho ông lỗi lạc vô cùng. Cuối cùng ông bảo, giờ này gần sáng, phải hết sức chú ý. Đây là thời điểm bọn nó hay đột nhập. Tôi hỏi mấy giờ rồi. Ông bảo 2h30. Tôi chửi thầm cái thằng Tân khốn nạn. Nó vặn đồng hồ nhanh một tiếng để lừa tôi gác thay nó.
    Lúc đó tôi thấy nhốn nháo ở phía đại đội 4. Lính ở dưới ấy vừa tóm được một thằng Tàu. Nó bò vào được trận địa, nhưng sợ quá, chui xuống một hố đạn để nấp, bị lính nhà mình bắt sống.
    Sáng hôm sau, tôi bảo thằng Tân.
    _ Lần này tao tha. Lần sau mày giở trò này với tao, tao thiến đấy.
    _ Cái gì? Nó định cãi, nhưng bắt gặp ánh mắt sắc như dao cạo của tôi nên nó lại thôi. Cái thằng này chỉ được cái máu chó, mềm nắn rắn buông ngay. Chẳng hiểu lúc chiến đấu thì thế nào.
    Em Hương qua hầm bọn tôi chơi. Thằng tân tự hào lắm. Nó pha nước đường mời Hương. Bố khỉ cái ********* này. Không hiểu nó lấy đâu ra đường, mà nó giấu từ bao giờ không biết. Nó chưa cho ai cái gì bao giờ. Thằng Chính thấy thế nói thầm với tôi, để hôm nào nó ***** vào balô của thằng Tân cho đường tan hết.
    Thằng Chính định mặc quần dài rồi lại thôi. Kệ cho mát d ái. Chính ngồi xổm nói chuyện. Cái quần đùi ống rộng quá, lòng phèo lệt xệt xuống đất. Hương đỏ mặt quay đi. Thằng Tân cú Chính lắm. Lúc Hương về nó chửi
    _ Đ. mẹ, người ngợm đã chẳng ra đ... gì mà còn thích khoe.
    _ Kệ mẹ tao. Lần sau tao còn cởi truồng cho xem. Sợ đ.. mà không khoe. Mai kia chết có phải phí đời không.
    Tôi phải can 2 đứa không thì chúng nó choảng nhau.
    Năm hôm sau. Tôi đang mơ màng thì thấy có tiếng rít chói tai, sau đó là căn hầm rung chuyển. Tôi ù hết cả tai. Quả đạn ấy chắc nổ gần lắm mới thế. Tiếp tục là những ánh chớp loé lên kèm theo tiếng nổ dữ dội. Bọn chó lại pháo kích. Tôi bò dậy, đội mũ sách súng. Thằng Chính đang kiểm tra lại mấy băng đạn. Tôi quên béng mất, không xem thằng Tân thế nào. Tôi và Chính lao ra khỏi hầm. Cả tôi và nó đều nghĩ bọn bộ binh sẽ tấn công. Anh em ở các hầm khác cũng thế. Ai nấy đều trong tư thế sẵn sàng. Liên lạc tiểu đoàn báo xuống. Bọn nó chỉ pháo kích thôi. Nó phải pháo vài trận mới đánh. Chúng tôi chui vào hầm. Thằng Tân vẫn nằm như chết. Nó đang ri rỉ khóc. Đúng là cái thằng phét lác. Lúc mới lên đây thì tinh tướng như ông cụ. Bây giờ mới dính một trận pháo hồn đã thăng đi đâu mất. Bỗng nhiên tôi khinh bỉ những kẻ hèn hạ như nó thế!
    Pháo dứt. Tôi bảo Tân.
    _ Này ông nội, chiều nay cháu sẽ kể chuyện ông nội cho bà Hương nghe.
    _ Tao xin mày, mày giữ cho tao. Nó van vỉ.
    Tôi bỗng thấy thương hại nó. Thôi thì mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi nết. Biết làm thế nào được. Nó dám mò lên chốt là cũng dũng cảm hơn khối thằng rồi.
    Tiếp đây bà con ơi. Không biết câu chuyện tôi đang kể với các bạn có lạc đề không? Giữa các trận đánh, những người lính cũng có cuộc sống rất người. Họ cũng nghịch ngợm, cũng yêu, cũng ghét như những con người khác. Có khác là, nó xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, nên nó đặc biệt, và các bạn nhìn nhận vấn đề cũng cố gắng "đặc biêt" một chút nhé.
    Trận pháo ấy, đơn vị không thiệt hại gì. Có lẽ hầm hào của ta mới được gia cố bê tông chắc chắn hơn. Cũng có lẽ, bọn mới thay bọn cũ ta vừa diệt xong nên chưa có kinh nghiệm. Rất ít quả rơi vào khu vực trận điạ, phần lớn, tản mát xung quanh.

    Được hethong1 sửa chữa / chuyển vào 11:25 ngày 14/04/2009
  5. anhoanp

    anhoanp Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/12/2007
    Bài viết:
    456
    Đã được thích:
    0
    "tiếp nè"
    CHIẾN CÔNG NÀY KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG TÔI
    Nguyễn Phúc Ấm, ghi theo lời kể của Hoàng Hữu Yên, trung đội trưởng, đại đội 5, tiểu đoàn 12*, đoàn Sao Vàng.
    Trận địa pháo 85 ly chúng tôi chốt giữ trên đồi 33 bên ngã tư Đồng Đăng, một điểm cao án ngữ toàn bộ vùng thị trấn này. Trung đội tôi thực hành bắn theo yêu cầu hiệp đồng của đoàn 12 bộ binh. Ngày từ sớm tinh mơ ngày 17-2 ấy, hàng trăm khẩu pháo từ bên kia biên giới đồng loạt trút đạn vào vùng trận địa, phá hỏng hết các mạng thông tin, cắt đứt hoàn toàn liên lạc giữa chúng tôi với đoàn 12, với cả cơ quan chỉ huy trực tiếp của mình phía sau nữa.
    Không có sự chỉ đạo của cấp trên, không hiệp đồng chiến đấu được với đơn vị bạn, pháo địch thì nổ dày đặc xung quanh, bộ binh của chúng lại có nhiều mũi chọc thẳng vào chân chốt mình và bao khó khăn khác, pháo thủ thiếu, súng bộ binh thiếu làm tôi vô cùng lo lắng.
    "Dẫu sao cứ phải bám chắc trận địa đã". Tôi nghĩ vậy rồi nhắc anh em ra cả vị trí chiến đấu, bình tĩnh theo dõi địch, sẵn sàng chờ lệnh. Mặt khác tôi cử Bùi Xuân Phục, chiến sĩ thông tin duy nhất của trung đội vượt qua làn đạn và vòng vây địch đi nối lại các đường dây.
    Gần 1 giờ qua. Rồi 90 phút qua, máy điện thoại vẫn bị ngắt. Không ai rõ Phục đang ở đâu, gặp nguy hiểm gì ? Sau này chúng tôi mới biết Phục bị địch bủa vây, suốt 3 ngày đêm liền chúng dịnh bắt sống anh, song anh đã anh dũng và mưu trí đánh trả, mở đường về với đơn vị.
    Khoảng 7 giờ sáng, anh Điển, người cán bộ đại đội dày dặn kinh nghiệm chiến đấu và Hoàng Tĩnh, thông tin 2W đã được cấp trên cử đến trận địa của trung đội chúng tôi. Chúng tôi ôm nhau, nước mắt trào ra vì xúc động.
    - Không bắt được liên lạc với đoàn 12, cứ đánh thôi, Yên ạ. Thấy địch là chủ động đánh, mệnh lệnh của trên đấy !
    Anh Điển bảo tôi vây. Thế là rõ. Có phương hướng rồi chúng tôi sẽ phát huy được sức mạnh của mỗi người và sức mạnh của tập thể trên trận địa này. Tôi báo cáo tình hình địch, trình bày phương án chiến đấu và xin ý kiến bổ sung của anh Điển. Chúng tôi nhất trí với nhau : đánh theo phương án 2, một trường hợp hiếm hoi, một phương án mà có 2 kế hoạch : chặn đánh bộ binh địch, bảo vệ chốt, bảo vệ pháo; đồng thời vẫn thao tác pháo, đánh các mục tiêu lớn từ xa, phát huy tính năng vũ khí chính của mình. Hai nhiệm vụ đều cấp thiết, song lực lượng của chúng tôi quá ít, 2 khẩu pháo mà vẻn vẹn chỉ có 10 người, so với tiêu chuẩn biên chế thì thiếu 6 người rồi, nay lại chia đôi có đảm đương nổi không.
    - Chẳng còn cách nào khác đâu. Cứ phân công đi anh Điển. Tôi xung phong đảm nhiệm một mình một khẩu đội đó.
    - Ai cũng như yên thì ổn quá rồi.
    Anh Điển cười nói thế, rồi bố trí : tôi phụ trách khẩu đội 1 vừa chỉ huy, vừa quan sát vừa kiêm thao tác bắn. Bài sẽ tiếp đạn. Khẩu đội số 2, anh Điển phụ trách kiêm quan sát, số 1 có Lộc, Congở vị trí số 2. Sắp xếp vậy chúng tôi đã rút được nửa quân số, toả ra xung quanh chốt, phối hợp với các chiến sĩ công an vũ trang và dân quân đánh chặn các mũi tiến quân của bộ binh địch.
    8 giờ kém 15, 1 tiểu đoàn địch ùn ùn kéo lên quả đồi phía tây Đồng Đăng. Chúng tôi nhích cự li bắn về 1.400m và 2 khẩu đội cùng giật cò. Từ sớm, pháo địch không ngớt bắn vào đây, giờ thấy trận địa phát hoả, chúng càng bắn mãnh liệt hơn. Khẩu đội 2 mới bắn đến phát thứ 7 thì súng bị mảnh đạn găm vào một số thiết bị, phải dừng bắn để sửa chữa. Nhận thêm phần của bạn, tôi nâng tốc độ bắn phóng liên tiếp những trái đạn 85 ly vào đội hình địch. Bắn tới phát thứ 20 thì tiểu đoàn bộ binh này rối loạn, số sống sót xô nhau chạy té xuống bên kia dốc. Qua kính quan sát, tôi nhìn rõ xác chúng nằm chồng tréo, ngang dọc khắp mặt đồi.
    Đợt tiến công thứ nhất thất bại, địch cho 4 xe tăng vừa bắn dữ dội vào trận địa chúng tôi, vừa dẫn đầu một cánh quân khác tiến qua điểm cao 300 đánh vào khu pháo đài. Pháo 85 ly mà vớ được tăng thì còn gì bằng. Tôi ước lượng lại khoảng cách, dịch cự li về 1.250m và bắt được ngắm vào chiếc đi sau chứ không phải chiếc đi đầu. 4 phát đạn nổ, chiếc xe tăng này bốc cháy. 3 chiếc đi trước hoảng hốt muốn rút lui, song đám cháy chặn mất đường rồi, tiến lên lại không dám, nó đành chết đứng tại chỗ, phụt lửa tới tấp vào chúng tôi. Pháo nổ ầm ầm 4 phía, mảnh đạn bay vèo vèo quanh người nhưng ai còn nhớ đến nguy hiểm khi 3 mục tiêu không di động đang đứng chềnh ềnh trước mũi súng của mình. "Hãy bình tĩnh bắn ăn chắc từng chiếc một". Tôi tự nhắc mìh thế và nảy cò. Bị trúng đạn, 2 chiếc xe tăng bốc cháy. Chiếc đi đầu không dám bắn nữa, rồ máy, chồm lên đỉnh 300, tụt xuống mé trái điểm cao. Phía ấy có bộ binh ta chốt. Chắc xe tăng này cũng bị anh em ta thịt nốt thôi.
    Giữa lúc tôi đang bắn xe tăng thì các chiến sĩ bộ binh, trong đó có cả anh em trung đội tôi vẫn đánh chặn địch dưới chân đồi. Chúng liên tục mở các đợt tiến công hòng chiếm cho được trận địa pháo này, song đều bị quân ta đẩy lui. Anh em vừa đánh vừa reo hò động viên tôi ghê lắm. mỗi lần bắn cháy một xe tăng, tôi lại nghe nhiều tiếng hô vọng tới :
    - Hoan hô Hoàng Hữu Yên !
    - Hoan hô dũng sĩ diệt xe tăng bành trướng !
    - Anh Yên ơi, yên tâm nổ súng nhé. Chúng tôi còn ở đây thì bọn bộ binh địch không bước nổi tới chân chốt này đâu.
    Tới lúc tôi bắn cháy chiếc thứ 4 (1 trong 2 xe tăng địch chạy từ Na Sầm về Đòng Đăng) thì anh em không nén nổi niềm vui, nhiều đồng chí hối hả chạy lên ôm chầm lấy tôi mà gì, mà hôn, mà khen hết lời...
    - Kìa buông ra nào. Chiến công này có phải của riêng mình đâu. Không có các cậu đánh địch bảo vệ pháo, bảo vệ trận địa thì mình bắn sao được. Thôi buông ra, về cả vị trí đi, địch nó kéo đến kia kìa.
    Tôi phải nói thế, anh em mới chịu toả về các tuyến chốt của mình.
    Trời chuyển sang chiều lúc nào chẳng ai để ý nữa. Giờ mới được phút giây yên lòng, và giờ cũng mới nhớ tới bữa cơm trưa, mới thấy đói. Nhưng anh nuôi Dư mải đánh địch, quên cả nấu cơm rồi, mà bọn địch bắn phá liên tục, muốn nấu cơm cũng chẳng được. Chúng tôi lấy lương khô ra ăn, ăn dè sẻn, 2 người 1 gói thôi.
    Ngồi ăn uống nhàn rỗi mới thương khẩu pháo hỏng. Miếng lương khô chưa nhai hết, tôi đã bỏ đấy, đi chữa pháo. Anh Điển thay tôi, sang chỉ huy khẩu đội 1. Cùng với anh có khẩu đội trưởng Phạm Văn Thanh, Hợi số 1 và Khang ở vị trí số 3. "Êkíp" mới đổi nhau xuống chân dốc chặn địch mà ! Cho đến lúc địch tiếp tục phản pháo, bộ binh chúng xuất hiện ở dãy đồi trước mặt thì tôi cũng sửa chữa xong khẩu pháo thứ 2. Đợt tiến công đầu tiên của địch vào buổi chiều bị thất bại, song khẩu pháo thứ 2 lại hỏng. Thấy pháo ta bắn thưa thớt, địch cho 2 xe vận tải chở đầy lính từ Hữu Nghị quan tới đổ quân tiếp viện. Xe chúng vừa dừng bánh, anh Điển cùng Thanh, Hợi và Khang đã bắn liền 6 quả đạn rất chính xác. 2 xe cùng tan tành. Có lẽ khó còn lấy 1 tên khỏi thương vong. Song ngay khi ấy, địch huy động mọi cỡ pháo bắn vào trận địa rất ác liệt. Thanh và Hợi bị thương. Khẩu đọi 1 cũng hỏng nhiều bộ phận : khoá nòng bị đất đá phủ đầy, tay đóng mở chờn, trự quay máy hướng bị cong, giá ngắm lệch và kính ngắm thì mất tác dụng. Thế là 2 khẩu pháo đều tê liệt hoàn toàn. Từ đấy đến tối địch không mở tiếp đợt tiến công nào nữa.
    Đêm tới chậm chạp. Hình như trong đời, chưa bao giờ tôi mong đêm xuống nhanh như thế. Bóng đen vừa phủ đầy các vực sâu, tôi đã lôi hòm đồ nghề ra, vừa lục lọi các phụ tùng, linh kiện, vừa đọc cho Hoàng Tĩnh bức điện báo cáo về trung đoàn. Tôi kể vắn tắt 1 ngày chiến đấu, giới thiệu một số gương đánh giặc dũng cảm rồi báo cáo tình trạng hỏng hóc của 2 khẩu pháo. Cuối cùng tôi hứa với trên, sẽ chữa pháo ngay trong đêm để kịp hôm sau giội lửa vào đầu giặc.
    Công việc này không cần nhiều người. Chỉ có tôi và Bài ở lại, còn tất cả triển khai xuống các tuyến hào dưới chân chốt, sẵn sàng đánh địch tập kích. Hai anh em mò mẫm sửa chữa suốt đêm ấy, lại kéo sang cả sáng hôm sau mới xong mấy việc : thay bệ khoá nòng từ khẩu 2 sang khẩu 1, dùng dầu madút rửa các thiết bị quá bẩn, uốn thẳng tay quay máy hướng, gọt giũa lại các đường ren bị chờn, toét... Riêng giá ngắm thì không sao khắc phục được.
    Nhớ lại 1 lần được đại đội phân công lên lớp bài "quy chỉnh, hiệu chỉnh" tôi có đặt ra 1 câu hỏi cho anh em thảo luận : "Không có kính ngắm, pháo 85 ly có bắn được xe tăng không ?" Ai nấy bàn cãi sôi nổi lắm. Người bảo bắn được người bảo không. Phần tôi tôi nghĩ kính ngắm phải theo đường ngắm qua lỗ kim hoả qua dan chỉ miệng nòng tới điểm xạ. Khi biết cự li, biết tốc độ xe tăng, quy định vật chuẩn sẵn, tăng chạy đến là bóp cò, có thể trúng thôi. Và lúc giải đáp, tôi kết luận : "Nhất đinh bắn được". Học lí thuyết tôi nói thế, bây giờ tình huống đã xảy ra, tôi phải có hành động để chứng minh.
    Câu chuyện ngày huấn luyện giúp tôi có thêm quyết tâm hơn, tôi quyết định, tiếp tục nổ súng đánh địch không chờ sửa chữa giá ngắm nữa. Anh Điển ủng hộ ngay ý kiến này. Các chiến sĩ trong khẩu đội thì vừa tin, lại vừa muốn thể hiện một tình huống đã học nên chuẩn bị súng đạn hăng hái lắm. Và chiều hôm ấy, khẩu súng thiếu giá ngắm của chúng tôi đã đánh 2 trận khá tốt. Trận thứ nhất hồi 13 giờ, với 4 phát đạn, bắn cháy 1 xe tăng trên đường 1A, cự li 2.800m. Trận thứ 2 hồi 15 giờ, với 13 phát đạn, phá huỷ hoàn toàn 4 khẩu lựu pháo 122 ly đặt trước Hữu Nghị quan, cự li 4.500m. Tất cả các lần bắn tôi đều ngắm qua nòng, đạn đi chính xác.
    Cũng buổi chiều này, pháo địch từ khắp nơi bắn vào trận địa chúng tôi nhiều hơn, điên cuồng hơn. Bộ binh địch cũng tiến công vào xung quanh chốt đông hơn, ồ ạt hơn, cán bộ chiến sĩ dưới chân chốt chiến đấu rất kiên cường dũng cảm. Nhiều đồng chí bị thương vẫn không rời tay súng. Xác giặc nằm la liệt trước chiến hào. Anh em đánh giỏi, chặn địch, đẩy lùi địch, bảo vệ pháo. Vừa đánh, các đồng chí ấy vừa reo hò, cổ vũ tôi không ngớt :
    - Anh Yên ơi, xe tăng xuất hiện kia kìa. Cho con "bọ hung" bành trướng về chầu ông Bành Tổ thôi !
    - Hoan hô ! Pháo 85 ly dập nát 4 thông pháo 122 ly của địch rồi !
  6. hethong1

    hethong1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/05/2008
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    110
    Tiếp theo....
    Chiều hôm đó, tôi vừa ở hầm mấy cậu bạn về. Thằng Chính đang đắp cái chăn chiên quằn quại trong hầm. Nó kêu đau quá. Tôi cuống quýt. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là chị Hương. Tôi chạy vội lên hầm tiểu đoàn tìm chị.
    Thằng Tân đang ngồi trên đó. Nó lại đang ba hoa về trận pháo. Nó bảo, thế mà bọn Tàu không lên để nó phang cho một trận. Hương đang ngồi nghe rất chăm chú. Cái đầu ngẹo sang một bên, lúc lại gật gật. Tôi e hèm. Thằng Tân im thít, nhìn tôi ngờ vực. Tôi bảo
    _ Chị Hương xuống hầm tôi một lát xem sao. Thằng Chính bị làm sao ấy, đau bụng dữ dội. Không biết có phải ruột thừa ruột thiếu gì không!
    _ Đau lâu chưa? Hương thảng thốt hỏi.
    _ Không biết. Tôi vừa về thấy vậy thì lên đây ngay.
    Chị Hương lấy vội đồ khám bệnh trong tủ thuốc dã chiến rồi chạy vội đi. Thằng Tân nhìn tôi gườm gườm rồi chạy theo chị Hương. Tôi định chạy về thì gặp bố Lượng. Tôi dấn lại một lúc để hỏi xem có thu thập được tin tức gì từ "cái lưỡi" mới bắt được không.
    Khi tôi về gần đến hầm. Tôi thấy chị Hương chạy vụt ra. Tôi vội chặn lại hỏi:
    _ Nó có sao không chị?
    _ Các cậu là lũ đểu. Hương đỏ mặt nói với tôi rồi lại cắm cúi đi tiếp. Đồ nghề khám bệnh vẫn để lại trong hầm .
    Tôi chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Định vào hỏi cho ra nhẽ. Tôi thấy thằng Chính đang đứng dậy mặc quần đùi. Mặt nó nhơn nhơn và sung sướng. Thằng Tân cúi gằm mặt, thỉnh thoảng lại nhìn Chính căm tức.
    _ Đấy, tao đã bảo rồi mà. Tao sẽ cởi truồng cho nó xem. Chính nói đầy vẻ mãn nguyện.
    _ Chết tao rồi. Thế này cái Hương cũng tưởng tao cùng mày bầy trò đây. *********! Tôi chửi thằng Chính.
    _ Cả hai thằng chúng mày đều là chó. Chúng mày ghen với tao à? Tân gầm lên.
    Tôi lâm vào tình huống khó xử. Rõ ràng tôi không biết thằng Chính bày trò. Ai ngờ được là nó lại bầy ra cái trò cởi truồng đắp chăn đợi bác sỹ đến khám. Tôi thanh minh với thằng Tân. Nó không nghe. Tôi mặc kệ. Cái chính là tôi phải nói thế nào với Hương để chị hiểu.
    Buổi tối. Cơm nước xong tôi ngồi tán phét với thằng Chính. Nó bảo.
    _ Trên này toàn đàn ông với nhau. Dân thì không có. Có mỗi em Hương là đàn bà. Ông nào mà "khợp" được khác gì trúng số độc đắc.
    _ Mày thích Hương à? Tôi hỏi bâng quơ.
    _ Còn mày? Câu hỏi ngược lại của Chính khiến tôi hiểu đó là câu trả lời. Cũng phải thôi! Toàn thanh niên trai tráng hừng hực thế kia. Đêm nằm chỉ ao ước bất ngờ có tiếng con ******* tên mình ở đầu hầm. Chỉ cần gọi thôi. Nghe được tiếng thánh thót của con gái là đã lâng lâng như say rượu rồi. Huống hồ bây giờ lại có một cô gái bằng xương bằng thịt như Hương.
    _ Có lẽ tao còn trẻ quá. Chưa thấy thèm đàn bà. Mà mày quá đáng bỏ mẹ. Ai lại gây ấn tượng kiểu thế thì đứa nào nó chịu được. Tôi bảo Chính. Nó cười hê hê, mắt nhìn đi đâu xa xăm, chắc không nghe tôi nói.
    Thằng Tân về. Tôi thấy nó đội mũ sắt. Một thoáng ngạc nhiên rồi tôi chợt hiểu. Chắc cu cậu dắt em Hương đi đâu đó nên đội mũ sắt cho chắc. Tôi cười thầm, đúng là cái đồ nhát chết. Tôi bảo Tân.
    _ Trà mới pha. Mày ủng hộ tý đường anh em uống cho có chất ngọt.
    _ Đây. thưa bố. Nó làu bàu rồi xúc cho chúng tôi mỗi thằng một thìa đường. Thằng này ki bo quá.
    Tự dưng tôi không thấy ghét Tân như hôm nó mới lên. Nhân vô thập toàn. Có ai vẹn toàn được đâu.
    Cửa hầm tôi nhốn nháo. Cậu liên lạc tiểu đoàn giấu cái gì sau lưng. Theo cậu là ba bốn người nữa.
    _ Ông có thư đấy. Tận 2 lá cơ. Ông đoán của ai gửi. Đúng thì tôi đưa. Sai thì tôi bóc ra đọc. Cậu liên lạc nhìn tôi nói.
    _ Chắc không phải thư của gia đình rồi. Bố mẹ tôi không biết tôi lên chốt. Tôi giấu. Của ai nhỉ? Chắc là các bạn học cùng phổ thông. Còn tên ai thì tôi chịu.
    Cậu liên lạc tủm tỉm cười rồi đưa cho tôi 2 bức thư. Một bức của cô hàng xóm, bức kia của cô học cùng lớp. Cả hai bức đều được gửi từ Liên xô. Phong bì vẫn thơm mùi tây. Chúng nó bắt tôi đọc to lên cho mọi người nghe. Tôi vô cùng lúng túng. Tôi chưa quen chia sẻ tình cảm kiểu này. Tôi thấy ngượng. Thằng Chính thấy thế, giật lấy thư, điềm nhiên bóc rồi dõng dạc đọc.
    Cũng nhiều năm trôi qua. Những bức thư ấy đã thất lạc. Tôi chỉ nhớ mang máng nội dung như sau:
    Bức thứ nhất, của cô học cùng lớp. Cô lấy làm vui và hãnh diện với bạn bè bên ấy rằng có một cậu bạn đang cầm súng bảo vệ biên cương. Cô ấy bảo:" Đời trai phải lên voi xuống chó. Phẳng lặng như nước hồ thu, chán lắm cậu ạ". Kèm theo thư là một bức ảnh cô ấy chụp cùng các bạn ngoại quốc.
    Bức thứ hai, của cô hàng xóm. Cô yêu cầu tôi giải thích, tại sao không sang Nga học mà lại đi bộ đôi? Đi bộ đội về liệu có đi học tiếp được không? vân vân...
    Toàn bộ hầm há hóc mồm kinh ngạc. Họ không thể lý giải được tại sao tôi lại đi bộ đội trong khi kết quả thi đại học đủ điểm đi nước ngoài?
    Thằng Tân chột tôi luôn. Nó không dám khoe văn chương chữ nghĩa trước mặt tôi nữa. Thằng Chính thì bảo: "hay là ra quân thì về quê đi cày với tao. Học làm đ... cho to đầu". Thằng Chính xin tôi bức ảnh cô bạn cùng lớp. Nó treo lên đầu hầm để hằng ngày ngắm. Nó bảo có hình dáng con gái trong hầm cho đỡ hiu quạnh. Khiếp quá. Lãng mạn quá!
    Thời gian ấy, vài ba ngày bọn Tầu lại bắn dăm chục quả cối một lần. Chúng không có động tĩnh gì ngoài vụ bắn bậy như trên. Anh em được dịp dễ thở hơn. Một lần, tôi gặp Hương đang xuống khám bệnh cho mấy chiến sỹ đại đội khác. Tôi nói chuyện với Hương.
    _ Thú thật, hôm đó tôi cũng là nạn nhân. Hương thông cảm cho tôi. Tôi trình bày.
    _ Hương biết chứ. Cô ấy đỏ mặt và trả lời. À, sao mấy hôm nay không thấy cậu lên chơi? Tôi thoáng ngạc nhiên tại sao cô ấy lại xưng tên với tôi
    _ Tôi ngại gặp chị.
    _ Tối nay lên chỗ tôi chơi nhé.
    Tôi về bảo với thằng Tân, tối nay Hương mời đến chơi. Thằng Tân lặng lẽ không nói gì. Thằng Chính nhẩy tưng tửng xin đi. Tôi đồng ý. Nó lấy bộ quần áo sạch ra mặc. Nó có một bộ quần áo mới, nhưng tránh mặc. Nó để dành!
  7. anhoanp

    anhoanp Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/12/2007
    Bài viết:
    456
    Đã được thích:
    0
    LUỐN SÂU ĐÁNH HIỂM
    Minh Tiến, ghi theo lời kể của Nguyễn Văn Thành, đại đội 1, tiểu đoàn 45.
    Tối hôm đó, đơn vị chúng tôi rời bản Bốc Thượng. Trước lúc xuất kích, có chiến sĩ còn nói đùa : "Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ, các bạn biết rồi chứ. Chúng mình phải đánh một trận thật tuyệt để báo công gửi về cho mẹ, cho vợ và người yêu".
    Chúng tôi mang theo bên người lương khô đủ ăn 3 ngày, còn tất cả là súng đạn và thủ pháo. Lực lượng luồn sâu của tiểu đoàn có 3 mũi : mũi 1 có 20 đồng chỉ, anh Đào Văn Quân, chính trị viên đại đội 1 làm chỉ huy trưởng. Anh Quân là cán bộ trẻ trong đơn vị, mới 25 tuổi, quê ở Tứ Kì, Hải Hưng. Đại đội phó Tường Duy Chính là chỉ huy phó. Mũi 2 là mũi phụ, có 19 chiến sĩ. Còn lại là bộ phận cối 82 ly do anh Dương chỉ huy, có nhiệm vụ bắn kiềm chế địch, đề phòng chúng phản ứng vào đội hình của đơn vị. 3 cán bộ chỉ huy của 3 mũi đều là những chiến sĩ đã dày dặn chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
    2 đêm hành quân, đến bản Na Toòng thì được lệnh dừng lại để trinh sát. Ở đây chúng tôi đã gặp 3 dân quân dẫn đường. Đó là 2 cô gái Phan Thị Hoa, Lã Thị Sự và anh Vương Văn Ngô. Anh chị em này đều là những chiến sĩ thuộc đơn vị dân quân khu Thanh Sơn, đã từng đánh địch từ những ngày đầu khi bọn Trung Quốc xâm lược mới đặt chân vào thị xã Cao Bằng. Theo các chiến sĩ dân quân, chúng tôi đưọc lệnh đi sâu vào khu chiến, nơi địch đóng dày đặc trên các đồi Thiên Văn, Pháo Đài... Riêng ở đồi Thiên Văn có tới 1 trung đoàn, hàng ngày chúng canh gác trên đoạn đường ra vào cửa ngõ thị xã. Nhiệm vụ của tiểu đoàn đặc công chúng tôi là phải đánh nhanh rồi tản nhanh, nếu không sẽ bị hãm trong vòng vây của địch.
    Bộ đội ta đào xong công sự thì trời vừa sáng. Bỗng từ đài quan sát báo tới : địch bắt đầu xuất hiện. Nhưng chỉ là 1 chiếc xe tải từ tài Hồ Xìn chạy tới. Đến chân đồi Nả Cay, nó dừng lại. Những tên lính Trung Quốc nhảy xuống xe và đi vào khu giao thông để bôc hàng rồi vào bản cướp bóc. Chốc chốc, chúng lại khiêng ra xe nào gà, nào vịt, nào lợn. Các chiến sĩ căm giận lắm nhưng vẫn phải nén lòng chờ đợi, không đánh vào bọn này mà chờ những đơn vị lớn hơn.
    Đến 8 giờ 30, 8 chiếc xe tải khác lại vẫn từ Tài Hồ Xìn chạy về thị xã. Trên xe chúng chất đầy những bao hàng và những chiếc xe đạp hỏng. Đó là những thứ chúng cướp được ở dọc đường. Chiếc xe đầu đã chạy lọt vào đúng trận địa phục kích mà chúng tôi vẫn chưa được lệnh đánh. Hàng chục con mắt và đôi tai chiến sĩ cứ căng ra và đỏ dồn về phía anh Quân và tiểu đoàn trưởng Hoàng Mạnh Thời để chờ đợi, chỉ sợ mình không nghe kịp lệnh để rút nụ xoè tung lựu đạn xuống đầu địch. Và cứ mỗi chiếc xe giặc chạy qua tầm súng, chúng tôi lại một lần hồi hộp, chờ lệnh nổ súng.
    Bỗng có lệnh :
    - Hãy bình tĩnh, đã có công luồn sâu 3 ngày vào lòng địch thì phải biết nén căm giận để đánh 1 trận thật giòn giã.
    Nửa giờ sau, lại có tiếng động cơ râm ran từ thị xã Cao Bằng vọng đến. Đài quan sát báo có 17 chiếc xe chở đầy lính và đạn tên lửa H12 sắp chạy qua trận địa.
    Bây giờ thì được đánh thật rồi. Từ hầm súng, chúng tôi như muốn bật cả dậy. Phan Thị Hoa, Lã thị Sự-các cô gái du kích Thanh Sơn tay thoăn thoắt buộc từng băng AK vào nhau, và mở sẵn nắp thủ pháo trao cho từng chiến sĩ.
    Chúng tôi nằm trên dốc ta-luy trong xuống mặt đường nhìn rõ từng hòn đá nhỏ. Chiếc xe thứ nhất đã lao qua. Rồi chiếc thứ 2, thứ 3. Ba chiếc đầu chở đạn. Những chiếc sau đều chở lính, chúng đội mũ sắt, xếp hàng bảy đầy ắp.
    Khi chiếc xe cuối cùng vào đúng vị trí khoá đuôi thì Nguyễn Văn Sinh được lệnh nổ súng. Trên vai anh, quả đạn B41 vọt ra khỏi nòng, cắm vào thùng xe nổ tung. Trong đám lửa màu da cam hiện rõ từng tên lính bị hất tung lên rồi ném xuống mặt đường. Phát đạn B41 của Sinh cũng là khẩu lệnh của trận đánh. Tiếp đó là tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ xen lẫn từng tràng liên thanh của AK dồn dập đánh địch.
    Ở vị trí phía trước chặn đầu, Hà Văn Nhạc bắn 3 viên AK báng gấp, đúng vào mặt tên lái. Hắn cúi gập người, buông tay vôlăng, chiếc xe lảo đảo thúc đầu vào vách ta-luy dựng đứng, bật trở lại, xoay nửa vòng chắn ngang đường. Chiếc thứ 2 lách sang trái tìm đường thoát. Đại đội phó Tường Duy Chính đứng vụt dậy, tựa vào thành hào ngắm bắn 1 quả B41. Đạn tên lửa H12 trên xe bị đốt cháy nổ tung liên tiếp. Thế là cả đội hình 14 chiếc còn lại với hơn 500 tên lính nằm gọn trong tầm súng và biển lửa*. Chỉ huy trưởng Đào Văn Quân chỉ huy các chiến sĩ Lợi, Công, Đề và anh dân quân Vương Văn Ngô đánh tạt sườn. Anh Quân bắn luôn 6 phát B41 vào 6 chiếc xe đang nối nhau, bóp còi inh ỏi để tìm đường tẩu thoát. Nhưng chúng còn chạy vào đâu. Bọn lính từ tren xe nhảy xuống chỉ kịp giúi đầu xuống sàn xe hoặc nằm rạp xuống 2 bên rãnh thoát nước. Từ trên cao, chiến sĩ ta chỉ việc bỏ lựu đạn, thủ pháo, bắn AK xuống. Xác địch chết chồng tréo lên nhau trông thật thảm hại.
    Bỗng 1 tên xách được khẩu trung liên từ thùng xe lao ra đường chạy đến bụi tre và nằm xuống định bắn trả. Hắn chưa kịp bắn, Hà Văn Triệu đã nhanh hơn, đưa điểm ngắm vào cái đầu trọc của hắn kéo một loạt ngắn AK. Đó là tên lính duy nhất định chống cự trong đám 1 tiểu đoàn giặc đi trên đoàn xe đã bị tiêu diệt gọn.
    Chúng tôi đang đánh thì 1 tình huống xảy ra nằm ngoài dự kiến của thủ trưởng Thời. Đó là hàng trăm tên địch chốt trên các đồi Thiên Văn và Yên Ngựa khi nghe tiếng súng nổ và ngọn lửa bốc cao dưới mặt quốc lộ 3 đã bỏ luôn súng, rủ nhau chạy lên đồi cao nhìn xuống nơi đồng bọn bị tiêu diệt. Nắm đúng thời cơ, trung đội trưởng cối 82 ly ra lệnh đánh. Hàng chục quả đạn đã được tính toán kĩ lưỡng phần tử bắn nối đuôi nhau giội lửa xuống đầu địch, tiêu diệt hơn 100 tên nữa. Tất cả trận đánh chỉ diễn ra trên 20 phút. Khi bọn địch phản ửng thì đơn vị chúng tôi đã nhanh chóng theo 3 chiến sĩ dân quân thọc qua bản Nà Cay, trở về vị trí tập kết.
    Về đến nơi, lúc chia tay đơn vị, cô gái dân quân người Tày Phan Thị Hoa nắm tay anh Đào văn Quân, nói giọng tha thiết :
    - Nếu em được vào bộ đội, em sẽ tình nguyện vào đơn vị đặc công của các anh...
    Còn chúng tôi nghĩ, nếu lần sau có những trận đánh được phối hợp với anh chị em dân quân như thế này thì đơn vị lập công càng lớn hơn...
    Không được đụng tới Việt Nam, NXB QĐND 1979.
    * : thực tế sau này ta xác minh đoàn xe địch có hơn 200 tên. Ngoài ra một bộ phận địch cũng kịp chống trả trước khi bị diệt hoàn toàn. Có thể do đội hình phải trải dài ra để đánh toàn bộ đoàn xe 17 chiếc nên đ/c Nguyễn Văn Thành không nắm được những điều này. Tuy nhiên, đây vẫn là một trận thắng xuất sắc.
  8. hethong1

    hethong1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/05/2008
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    110
    tiếp theo .....
    Tôi hay lên tiểu đoàn, nhưng chưa lần nào đặt chân vào căn hầm Hương ở. Căn hầm của phụ nữ vẫn khác hầm của đàn ông. Mặc dù vẫn là những tấm bê tông vô tri vô giác, vẫn là mục tiêu tấn công của bọn Tàu, nhưng được bày biện gọn gàng, sạch sẽ hơn và quan trọng nhất, nó có mùi đặc biệt. Mùi đàn bà.
    Hương rót nước mời tôi và thằng Chính. Hương không nhắc lại chuyện Chính chơi xỏ. Chắc Hương cũng hiểu được phần nào tâm tư của những thằng lính trên điểm cao này. Xét dưới góc độ nào đó, lính chiến lúc đó "bản lĩnh" hơn lính chống Mỹ. Vì thời chống Mỹ, cả nước mình đói, cả dân tộc mình khổ, tất cả dành cho tiền tuyến. Còn lúc này, người giàu người nghèo đã phân chia khá rõ. Ở Hà nội các cậu ấm cô chiêu đã vù vù chạy xe máy, tiêu tiền bằng đô la. Vậy mà lũ chúng tôi ở trên này, sống chết trong gang tấc. Không đói ăn, không đói mặc, nhưng đói tình cảm, đói sự "công bằng" của xã hội. Chỉ cần đi bộ mươi cây, bắt xe khách, chạy một ngày là về chốn phồn hoa đô thị. Phải dũng cảm lắm, phải đấu tranh lắm, chúng tôi mới không đảo ngũ.
    _ Sao cậu không đi học? Hương nhìn tôi hỏi.
    _ Chuyện dài lắm. Lúc khác tôi kể sau. Tôi trả lời chống chế rồi hỏi tiếp. Hương lên đây có sợ không? Tại sao dưới đấy lại điều con gái lên, hết con trai à?
    _ Hương xung phong đấy chứ. Hôm đầu hơi sợ, bây giờ thì bình thường rồi.
    Thằng Chính chẳng chuyện trò gì. Nó nhìn Hương chằm chằm, rồi thỉnh thoảng lại ưỡn ngực hít một hơi dài. Hương lại tưởng trong hầm khó thở. Tôi thì hiểu, nó đang tận hưởng "hơi đàn bà".
    Chuyện của tôi với Hương không đầu không cuối. Tôi thấy thích được nói chuyện, được Hương quan tâm, vì một điều vô cùng đơn giản. Hương là đàn bà duy nhất ở đây. Hoàn toàn thế thôi.
    Tối tối, thằng Tân vẫn đội mũ sắt đi chơi với Hương. Tôi và thắng Chính hỏi nhau, chẳng biết Hương có đội mũ sắt không? Khi hôn nhau, 2 cái mũ va vào nhau cong cong thì còn ra cái thể thống gì nữa.
    Bọn Tàu lại tấn công. Lần này chúng đánh thật, nhưng không căng như trận trước. Có lẽ chúng chỉ đánh thăm dò. Thằng Tân không dám ra khỏi hầm. Lần này nó sợ quá không khóc nổi thành tiếng. Tôi thấy thương nó. Nó xin tiểu đoàn trưởng để nó đưa thương binh về tuyến sau. Tôi nhìn sâu vào mắt nó. Nó quay đi. Tôi biết, nó sẽ chẳng bao giờ quay lại đây. Tôi bảo nó, nếu về HN, qua thăm nhà tôi, nhưng đừng nói với các cụ tôi ở trên này. Nó sợ hãi nhìn tôi. Nó biết tôi đọc được suy nghĩ của nó. Nó bảo: " Tao chịu ơn mày. Tao đi rồi, mày chăm sóc cho Hương nhé. Cô ấy quí mày lắm".
    Thằng Tân không quay lại thật. Nó đưa thương binh về bệnh viện K91 rồi giông thẳng về HN.
    Thi thoảng tôi vẫn lên hầm Hương chơi. Chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh mấy nhân vật của vài tác phẩm "Sông đông êm đềm" hay "anh em nhà Karamazop". Một lần, đang nói chuyện với tôi, Hương ôm miệng, chạy ra ngoài nôn khan. Tôi hoảng quá, tưởng cô ấy bị cảm. Cô ấy nhìn tôi lo âu và bảo:" đừng nói cho ai biết nhé". Rồi cô ấy khóc. Tôi rất sợ phụ nữ khóc. Tôi lúng túng, không biết an ủi thế nào. Tôi bảo, nếu sợ quá thì đề nghị tiểu đoàn trưởng để ông ấy tác động cho về tuyến sau. Hương nhìn tôi không nói gì. Đôi mắt đẫm nước.
    Vài hôm sau, buổi trưa, tôi lên tiểu đoàn trưởng. Tôi thấy Hương ngồi đối diện với ông, lưng quay về phía tôi. Đôi vai rung lên từng đợt. Tôi đoán Hương lại khóc. Tôi thấy không tiện nên quay về.
    Hai hôm sau. Hương qua hầm tôi. Hương bảo
    _ Hương về đây. Cậu ở lại khoẻ mạnh. Đây là địa chỉ của Hương. Bao giờ về thì qua nhé.
    _ Chúc Hương về mạnh khoẻ. Tôi chẳng biết nói gì hơn, lặp lại câu chúc một cách vô hồn.
    Hương có thai và bị điều về tuyến sau. Tôi bỗng thấy căm thù thằng Tân biết bao nhiêu. Nó đã hại Hương. Nó vùi hoa dập liễu rồi bỏ chạy. Thằng khốn nạn! Tôi thề là nếu còn sống để về, tôi sẽ đập vỡ mặt nó.
    P/S. Vậy là số phận của 2 nhân vật đã được định đoạt ( quãng thời gian trên chốt) Tân bỏ trốn, Hương chửa hoang bị điều về tuyến sau. Có bạn nào đoán đúng không nhỉ
  9. hethong1

    hethong1 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/05/2008
    Bài viết:
    374
    Đã được thích:
    110
    Tiếp theo và hết ....

    Thằng Tân đi rồi. Căn hầm bỗng thấy thiếu gì đó. Thằng Chính không có "đối tác" để chửi nhau. Tôi không còn làm quan toà xử án nữa. Hương cũng đi nốt. Điểm cao lại trở về cái không khí vốn có của nó: Lặng lẽ mà cam go. Chiều chiều, tôi lại mặc quần đùi cởi trần đi lại phất phơ. Có ai nhìn đâu mà phải giấu!
    Tôi nhận được một bức thư Hương gửi. Phong bì không đề địa chỉ người gửi. Tôi căng mắt tìm địa chỉ trên dấu bưu điện. Cái dấu được đóng một cách vội vã và cẩu thả. Chỉ thấy một vết mực đen xì, nhoè nhoẹt to bằng đồng xu. Hương hỏi thăm sức khoẻ mọi người. Hương trách khéo tôi quá ngờ nghệch. Đến tận bây giờ, khi đã vượt qua đỉnh dốc, sang sườn bên kia của cuộc đời. Đứng cạnh phụ nữ, tôi vẫn là đứa trẻ ngờ nghệch cơ mà. Trách chi chuyện năm ấy!
    Thằng Chính lại xin tôi bức thư. Nó cất tận đáy balo. Thằng này đến lạ. Thư có gửi cho nó đâu. Nó cười, nó bảo Hương có hỏi thăm nó, tức là thư cũng gửi cho nó. Cái lý của nó, tôi thua. Tôi hỏi Chính
    _ Liệu thằng Tân có lấy Hương không?
    _ Lấy thằng ấy khổ cả đời. Chính trả lời đầy vẻ căm tức.
    Chuyện Tân và Hương cũng dần trôi vào quên lãng. Thi thoảng, trong giấc ngủ, tôi thấy Hương hiện về, rồi lại bay vụt đi, như tiên.
    Sáu tháng trên chốt trôi qua lặng lẽ. Tôi được chuyển về tuyến sau với một vết thương không được tính là "thương binh". Một mảnh đạn cắt đi một miếng thịt nhỏ trên vai. Miếng thịt ấy, theo như thằng Chính nói, đủ ăn một bát cơm.
    Tôi được nghỉ phép. Xa HN gần một năm. Tôi thấy bỡ ngỡ như mới ở quê ra. Tôi xuống bến Nứa, đi bộ một đoạn thì thấy chợ Đồng xuân. Từ chợ Đồng xuân có đường xe điện chạy về bờ Hồ. Bến xe Buýt ở gần Thuỷ tạ. Xe số 8 sẽ chạy về qua nhà tôi.
    Tôi quyết định đi bộ từ chợ Đồng xuân về bờ Hồ. Vừa đi vừa ngắm phố phường, ngắm bọn con gái đi lại, cho đỡ thèm. Đi hơn một tiếng, tôi vẫn chưa thấy bờ Hồ. Tôi bắt đầu thấy hoảng, cảm giác bị lạc ngày nào bất chợ ùa về. Tôi vội rẽ vào một phố mà cho rằng nó sẽ chọc ra bờ Hồ. Đi miết, ngẩng lên lại thấy chợ Đồng xuân trước mặt.
    Mẹ tôi mừng lắm. Bà bảo nhiều đêm bà mơ thấy tôi, sáng dậy chỉ biết hỏi bố tôi rằng tôi đóng quân ở đâu? Bố tôi không tỏ ra mừng rỡ. Ông trầm ngâm hút thuốc. Ông vẫn giận tôi chuyện bỏ học.
    Hôm sau tôi mượn xe đạp của bố, đến thăm nhà Hương. Nhà Hương ở bãi sông. Lặn lội một hồi tôi cũng tìm thấy. Thấy tôi mặc quần áo bộ đội, mẹ Hương mừng rỡ chạy ra đón.Bà cứ nghĩ tôi cùng đơn vị, mang thư của Hương về cho bà. Sau khi giới thiệu tên tuổi và lý do đến thăm. Tôi được nghe bà kể. Mẹ Hương là thanh niên xung phong. Bà yêu một chiến sỹ lái xe. Cuộc tình không trọn vẹn. Người lính đã hi sinh mà không biết mình để lại một giọt máu. Hương được sinh ra bởi sự đùm bọc yêu thương của các cô các bác thanh niên xung phong. Hết phổ thông, cô tình nguyện nhập ngũ và đi học quân y. Tốt nghiệp lại xung phong lên tuyến trên. Tôi không dám kể chuyện Hương có thai. Sợ mẹ Hương buồn. Tôi xin phép về. Lòng buồn vô hạn.
    Tôi tìm đến nhà Tân. Cậu ấy không có nhà. Tân đi làm ăn xa ở trong Nam. Nếu tôi gặp, chắc chắn đánh nhau.
    Hết phép, tôi trở lại đơn vị. Mấy anh em đồng ngũ được cho về phép cùng đợt cũng lục tục lên đơn vị. Thằng Sơn rùa lên chậm 2 ngày. Nó lại đi lạc. Nó bảo, lên xe ở bến Nứa, ngủ một giấc, lúc dậy, thấy mình ở Quảng ninh!?
    Một hôm tôi nhân được thư của cô hàng xóm. Cô ấy sắp về phép. Tôi cũng xin phép đơn vị được về tranh thủ dịp ấy. Cậu Trung đội trưởng đồng ý và "nhờ" tôi mua hộ một cái áo "bay" cốm. Tôi nhận lời và thấy nao nao buồn về chuyện ấy. Cũng là những người lính, sao ở dưới này họ khác thế.
    Tôi đi chơi một tối với cô bạn. Hình như là đi xem phim. Tôi vẫn mặc quần áo bộ đội. Cô bạn thôi không căn vặn chuyện bỏ học của tôi nữa. Câu chuyện giữ 2 người nhạt nhẽo vô cùng. Cô không hiểu gì về những người lính. Tôi cũng mù tịt về cuộc sống lưu học sinh. Cô bạn hơi bực mình vì thi thoảng tôi nói ngọng. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì chuyện đó. Sống với thằng Chính lâu, tôi lây của nó. Tôi bảo với cô ấy, hết nghĩa vụ, tôi sẽ đi học.
    Sáng hôm sau tôi trở lại đơn vị mặc dù vẫn còn mấy ngày nghỉ. Tôi thấy chẳng có lý do gì để ở lại HN nữa. Tôi đưa cho cậu trung đội trưởng cái áo bay và nhận lại lời hẹn: " bao giờ anh lấy lương anh gửi chú". Và cái hẹn "gửi chú" ấy, cho đến giờ vẫn chưa đến.
    ........
    Hết hạn nghĩa vụ. Tôi lên bộ đại học. Tôi vẫn được bảo lưu kết quả vì đi bộ đội. Người phụ trách nói năm nay muộn rồi. Đợt cuối cùng đã đi. Phải đợi năm sau. Tôi hỏi, còn cách nào không? Người phụ trách nghĩ một lúc rồi bảo còn, nhưng tôi phải tự túc tiền vé. Tôi liều trả lời là được, mặc dù không biết sẽ lấy tiền đâu để mua vé. Miễn sao họ làm thủ tục thật nhanh.
    Hai tuần sau, tôi nhận được hộ chiếu và các giấy tờ liên quan. Tôi không có tiền đi máy bay. Tôi xuống Hải phòng, liên hệ và tìm được một chiếc Tàu chở hàng sang Nga. Tôi xin đi nhờ với giá 180 USD. Như thế càng tốt. 10 ngày lênh đênh trên biển sống cùng các thuỳ thủ Nga. Tôi có cơ hội ôn lại và thực hành tiếng Nga.
    Hải quan Việt nam khám xét tôi rất kỹ. Họ chưa gặp trường hợp đi Tây kiểu này bao giờ. Hành lý tôi vẫn là chiếc balô. Bên trong chỉ có ít sách vở, quần áo và 2 cân thuốc lào. Hải quan Nga còn khám kỹ hơn. Họ bắt tôi cởi hết quần áo để kiểm tra. Tôi có 1 USD giấu trong người. Họ lấy mất. Tôi "vô sản" hoàn toàn.
    Sau khi làm các loại thủ tục với phòng lưu học sinh ở sứ quán Việt nam. Tôi nhập trường. Ba hôm sau, tôi mò đến thăm cô bạn hàng xóm, đang học trường Tổng hợp. Nước Nga đã vào mùa đông. Trời rất lạnh. Tuyết giăng trắng trời. Các bạn cho tôi một đôi giầy đông. Quần áo thì vẫn dùng quần áo lính. Cái áo bông bộ đội, không chống lại được cái lạnh xứ người. Tôi xuất hiện giữa phòng cô bạn hàng xóm với bộ dạng như vậy. Cô ấy sửng sốt nhìn tôi, phần vì sự xuất hiện đột ngột mà cô không ngờ tới, phần vì bộ dạng của một kẻ vừa ở rừng về. Mấy cô Việt nam ở phòng khác cũng chạy sang chơi. Họ kỳ thú vì một sinh vật lạ xuất hiện giữa chốn văn minh.
    Tôi cũng đến thăm cô bạn học cùng lớp. Cô ấy đã có người yêu. Cô ấy vẫn niềm nở tiếp đón, nhưng không thấy ca ngợi chuyện " lên voi xuống chó" nữa. Có lẽ, cuộc sống bơ sữa đã làm thay đổi suy nghĩ của người ta chăng?
    ......
    Vài năm sau. Tôi kết hôn với người bạn hàng xóm. Cho đến giờ, tôi vẫn cho rằng đấy là quyết định sáng suốt nhất đời tôi. Mặc dù bây giờ, cô ấy đang xăm xoi bài viết này để xem có mảnh tình nào ngày xưa mà cô ấy chưa biết không! Đàn bà mà. Không chấp. Anh em nhể.
    ......
    Cuộc sống bị cuốn theo với cơm áo gạo tiền. Tôi về nước, mải mê với công việc, vợ con. Tôi quên hẳn chuyện của Hương. Một hôm, bất ngờ tôi gặp một người đàn ông có cái lưng gù, đôi mắt cười cười trên đường. Thằng Sơn cũng nhận ra tôi. Anh em mừng mừng tủi tủi. Tàn chuyện, nó hỏi tôi có tin tức gì về Hương không? Tôi lặng người. Tôi có lỗi quá.
    Ngay hôm chủ nhật tuần đấy. Tôi đến nhà Hương. Phố xá bãi sông khác xưa nhiều. Nhà cửa mọc san sát. Tôi vận dụng trí nhớ và tìm mãi không ra. Cuối cùng tôi hỏi một cậu bé có đôi mắt xếch. Cậu ta dẫn tôi đến nơi rồi gọi: " Mẹ ơi, có khách".
    Hương già đi rất nhiều. Cô ấy sững lại một lúc khi nhìn thấy tôi. Cô ấy bật khóc rồi lúng túng, vụng về dọn chỗ mời tôi ngồi. Bà mẹ Hương đã mất. Hương đã phục viên và về công tác ở một bệnh viện trong thành phố. Hương chỉ thằng bé đang trân trân nhìn tôi và bảo: " nó tên là Phúc, cậu thấy nó giống ai?". Tôi chơi vơi. Ánh mắt này quen quá. Cái nhìn thẳng và sắc. Cái kiểu nhìn này, tôi bắt gặp nhiều lần nơi bố Lượng. Tôi chưa biết trả lời sao thì Hương bảo: " Nó là con anh Lượng đấy". Tôi bỗng đổ ụp xuống. Tôi mang lòng căm thù và khinh bỉ suốt nhiều năm trời với thằng Tân. Ngày ấy, nếu tôi biết là bố Lượng, chắc chắn bố cũng chịu chung số phận như Tân. Còn bây giờ, khi đã lớn, đã trưởng thành, tôi có phần nào thông cảm hơn. Hương kể.
    Năm xưa trên điểm cao ấy. Hương có cảm tình với 2 người đàn ông. Đó là tôi và bố Lượng. Tôi thì quá trẻ, lại ít tuổi hơn Hương. Nên Hương chỉ coi như một người bạn. Còn bố Lượng, một người đàn ông thực sự. Nhưng bố Lượng, đã có vợ ở quê. Tôi hỏi, thế còn thằng Tân? Tối tối nó vẫn đi chơi với Hương cơ mà. Hương cười. Thằng Tân bày trò cho oai thôi. Nó đội mũ, đi lên tiểu đoàn như đến chỗ Hương. Khi gần đến nơi, nó sẽ ra sang đường khác, ra quả đồi gần đấy, nằm ngắm trăng sao rồi lại về. Hương cũng biết chuyện ấy, nhưng không nỡ thanh minh với mọi người. Hương cũng hiểu, đấy là niềm vui, niềm hãnh diện của Tân. Cô không muốn Tân mất mặt với mọi người.
    Cô coi bố Lượng như người anh, người chú. Một lần, khi đang đi với bố Lượng, Pháo tầu giập bất ngờ. Bố Lượng cùng Hương lao vội vào một ngách hầm tránh đạn. Cái hầm nhỏ quá. Hai người nằm đè lên nhau. Hương nằm dưới, bố Lượng nằm trên. Cảm xúc của sự động chạm lần ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa trong Hương. Và kết quả như mọi người đã biết.
    Tôi lại hỏi, thế giờ bố Lượng đâu? Có trách nhiệm gì với 2 mẹ con Hương không? Hương cười buồn rầu, chỉ lên bàn thờ, nơi có tấm ảnh bố Luợng. Bố hi sinh sau khi tôi rút về tuyến dưới một thời gian.
    Tôi ra về. Lòng nặng trĩu. Phải chăng con người sinh ra đã có số phận. Sao ông trời bất công đến thế. Có những con người, cả đời ở hiền, nhưng chẳng bao giờ gặp được lành.
    (Cao Son)
  10. anhoanp

    anhoanp Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/12/2007
    Bài viết:
    456
    Đã được thích:
    0
    Thôi để Pác hethong1 post tiếp cho nó liền mạch, hết thì tui post tiếp cho Pà con đọc nha

Chia sẻ trang này