1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

hỏi về thơ của TTKH

Chủ đề trong 'Thi ca' bởi badboys, 16/04/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. badboys

    badboys Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2001
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    0
    hỏi về thơ của TTKH

    các bạn nào có 2 bài thơ của TTKH "bài thơ đầu tiên" & và "bài thơ cuối cùng" post lên cho mình với... .

    badboys

    Được sửa chữa bởi - despi vào 17/04/2002 06:31
  2. Ohparty

    Ohparty Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/12/2001
    Bài viết:
    56
    Đã được thích:
    0
    Bài Thơ Thứ Nhất

    T. T. Kh.

    Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
    Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương...
    Nhưng mà nghệ sĩ từ đâu lại,
    Êm ái trao tôi một vết thương.
    Tai ác ngờ đâu gió lạ qua,
    Làm kinh giấc mộng những ngày hoa,
    Thổi tan tâm điệu du dương trước
    Và tiễn Người đi bến cát xạ
    Ở lại vườn Thanh có một mình,
    Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh;
    Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo,
    Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.
    Và một ngày kia tôi phải yêu
    Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
    Những cô áo đỏ sang nhà khác,
    - Gió hỡi! làm sao lạnh rất nhiều ?
    Từ đấy không mong, không dám hẹn
    Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm,
    Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ,
    Người ấy ghi lòng :"vẫn nhớ em !"
    Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên,
    Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
    Cho tôi ép nốt lòng dư lệ
    Rỏ xuống thành thi khóc chút duyên ?
    Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
    Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
    Tóc úa giết dần đời thiếu phụ...
    Thì ai trông ngóng, chả nên chờ !
    Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
    Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa :
    - "Cố quên đi nhé, câm mà nín
    Đừng thở than bằng những giọng thơ !"
    Tôi run sợ viết; lặng im nghe
    Tiếng lá thu khô siết mặt hè
    Như tiếng chân người len lén đến.
    - Song đời nào dám găp ai về!
    Tuy thế, tôi tin vẫn có người
    Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi
    Biết đâụ..tôi : một tâm hồn héo,
    Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!

    Bài Thơ Cuối Cùng

    T. T. Kh.

    Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ ?
    Một mùa thu cũ, một lòng đaụ..
    Ba năm ví biết anh còn nhớ,
    Em dã câm lời, có nói đâu !
    Đã lỡ, thôi rồi ! chuyện biệt ly,
    Càng khơi càng thấy lụy từng khị
    Trách ai mang cánh "ty-gôn" ấy,
    Mà viết tình em, được ích gì ?
    Chỉ có ba người đã đọc riêng,
    Bài thơ "đan áo" của chồng em.
    Bài thơ "đan áo" nay rao bán,
    Cho khắp người đời thóc mách xem...
    Là giết đời nhau đấy, biết không ?
    ....Dưới dàn hoa máu tiếng mưa rung,
    Giận anh, em viết dòng dư lệ,
    Là chút dư hương : điệu cuối cùng !
    Từ đây, anh hãy bán thơ anh,
    Còn để yên tôi với một mình,
    Những cánh hoa lòng, hừ ! đã ghét,
    Thì đem mà đổi lấy hư vinh.
    Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
    Từng mùa gió lạnh sắc hương rơị..
    Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp,
    Đi nhớ người không muốn nhớ lời !
    Tôi oán hờn anh, mỗi phút giây,
    Tôi run sợ viết, bởi rồi đây
    Nếu không yên được thì tôị..chết
    Đêm hỡi ! làm sao tối thế nầy ?
    Năm lại năm qua cứ muốn yên
    Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
    Và người vỡ lỡ duyên thầm kín,
    Lại chính là anh ? anh của em !
    Tôi biết làm sao được hỡi trời ?
    Giận anh, không nỡ ! Nhớ không thôi !
    Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
    Sợ quá đi, anh..."có một người" !...

  3. anhthu

    anhthu Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    07/02/2002
    Bài viết:
    480
    Đã được thích:
    0
    Thế có ai biết tên thật của TTKH là gì không ?
  4. HAN_SI_NGUYEN_new

    HAN_SI_NGUYEN_new Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    547
    Đã được thích:
    0

    Badboys, Anhthu thân mến :
    Chỉ với 3 bài thơ "Bài thơ thứ nhất", "Hai sắc hoa Ti-gôn", và "Bài thơ cuối cùng", TTKH đã vững bước đi vào văn học sử Việt Nam như một nhân tài kiệt xuất trong phong trào Thơ Mới đầu những năm 1930s
    Nhưng đồng thời cũng để lại một bí ẩn suốt 70 năm qua : không ai biết được TTKH nghĩa là gì , và "Người ấy" trong "Hai sắc hoa Ti-gôn" là ai ?
    Có lẽ đó sẽ là những câu hỏi mãi mãi không có lời giải đáp.
    HSN xin được tiếp tay bạn OhParty post tặng các bạn thơ bài thơ tuyệt tác của TTKH nhé :
    Hai sắc hoa Ti-gôn
    Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
    Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
    Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
    Tôi chờ người đến với yêu thương
    Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
    Dải đường xa vút bóng chiều phong
    Và phương trời thẳm mờ sương cát
    Tay bứt dây hoa trắng chạnh lòng
    Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
    Thở dài trong lúc thấy tôi vui
    Bảo rằng : ??oHoa dáng như tim vỡ,
    Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi???
    Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
    Cánh hoa tan tác của sinh ly
    Cho nên cười đáp : ??oMàu hoa trắng,
    Là chút lòng trong chẳng biến suy???
    Đâu biết lần đi một lỡ làng
    Dưới trời gian khó chết yêu đương
    Người xa xôi quá, tôi buồn lắm
    Trong một ngày vui pháo nhuộm đường
    Từ đấy thu rồi thu lại thu
    Lòng tôi còn giá đến bao giờ
    Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
    người ấy, cho nên vẫn hững hờ
    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
    Mà từng thu chết, từng thu chết
    Vẫn giấu trong tim bóng một người
    Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
    Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
    Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
    Và đỏ như màu máu thắm phai
    Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
    Một mùa thu trước rất xa xôi
    Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
    Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi
    Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
    Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
    Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
    Người ấy ngang sông đứng ngóng đò
    Nếu biết rằng tôi đã có chồng
    Trời ơi ! Người ấy có buồn không ?
    Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
    Tựa trái tim phai, tựa máu hồng ?
    ...............................T.T.K.H..........

    Hàn Sĩ Nguyên
  5. ngay_xua_oi

    ngay_xua_oi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/07/2001
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    0
    NXO xin post bài đáp của Thâm Tâm có đc không ạ ?
    Màu máu tigon
    Người ta trả lại cánh hoa tàn
    Thôi thế duyên tình đã dở dang
    Màu máu tigon đà biến sắc
    Tim người yêu cũ phủ màu tang
    K. hỡi, người yêu của tôi ơi
    Nào ngờ em giết chết một người
    Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
    Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi
    Quên làm sao được thuở ban đầu
    Một cánh tigon dạ khắc sâu
    Mỗi cánh hoa xưa màu kỷ niệm
    Nay còn dư ảnh trái tim đau
    Anh biết làm sao được hỡi trời
    Dứt tình sao nổi, nhớ không thôi
    Thôi, em hãy giữ cành hoa úa
    Kỷ niệm ngàn năm của cuộc đời
    Được sửa chữa bởi - ngay_xua_oi vào 18/04/2002 01:00
  6. ngay_xua_oi

    ngay_xua_oi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/07/2001
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    0
    NXO post ra đây 1 số bài báo để anhthu tham khảo. Nhưng NXO cũng đã đc đọc 1 bài trả lời, trên tạp chí Văn Hóa (số lâu lắm rồi) của bà Trần Thị Khánh. Bà nói bà không phải là TTKH
    ---+++---
    T. T. Kh. là tên tắt của một nữ sĩ xuất hiện trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy xuất bản tại Hà Nội vào khoảng tháng 9 năm 1937, sau bài Hoa ti-gôn chuyện ngắn của ký giả Thanh Châu.
    Nữ sĩ gởi đến cho nhà báo trên một bài thơ nhan đề là Bài thơ thứ nhất, kế một bài nữa là bài Hai sắc hoa ti-gôn. Cả hai, đều ký bút hiệu là T. T. Kh.
    Lời thơ rất nhẹ nhàng, rất lâm ly cảm động, khiến có người đã không ngần ngại phê bình cho là những thi phẩm kiệt tác. Và cũng vì T. T. Kh. là ai, không có nhà thơ văn nào biết được, nên có ngươ `i đã tự nhận là người yêu của mình, nhất là tác giả chuyện ngắn Hoa ti gôn.
    Thế rồi, từ đó trở đi, người ta không còn được đọc bài nào của T. T. Kh. Nữ sĩ chỉ có hai bài đã đăng trên báo, nhưng hai bài ấy cũng như tên tác giả, mỗi lần nhắc đến không mấy ai không biết.
    Nhưng thật T. T. Kh. chẳng phải là người yêu của ông nào trong Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nữ sĩ chính là Trần Thị Khánh, một nữ sinh nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội, có tâm hồn thơ lắm. Nữ sĩ có yêu một thanh niên, hai người đã cùng đi lại, hứa sẽ thành hôn, nhưng nửa chừng vì sự ép buộc của gia đình, nữ sĩ đành phải hát khúc chia ly, về làm vợ một người khác tên Nghiêm, làm công cho một hãng buôn n ọ.
    Nữ sĩ không phải chỉ có hai bài ấy thôi mà còn hai bài nữa là Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng, với một bài của người yêu trả lời chưa hề công bố mà tôi sẽ trích dưới đây.
    Một điều nữa, chúng ta cũng nên biết là sau khi đem hết tâm hồn và nước mắt trút cả vào mấy bài ấy để khóc mối tình ngang trái kia, T. T. Kh. không còn trở lại thi đàn nữa, và nay cũng như người đã thuộc về dĩ vãng.
    Phạm Thanh
    __________
    * Trích Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại - Quyển Thượng của Phạm Thanh.
    ---+++---
    T.T.KH là ai?
    T.T.Kh. với những câu thơ xót xa cảm động:
    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    ái ân lạt lẽo của chồng tôi
    Và từng thu chết, từng thu chết
    Vẫn giấu trong tim một bóng người...
    Vậy T.T.Kh. là ai? Nam hay nữ? Bút danh này chỉ thấy ghi ở ba bài thơ đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và một bài trên báo Phụ nữ, rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa.
    Ông Hoài Thanh, năm 1941, có soạn cuốn Thi nhân Việt Nam cũng trích dẫn T.T.Kh. với lời ghi chú: "Sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao, đến mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho những bài thơ ấy là những áng thơ kiệt tác...".
    Hôm nay xin công bố với bạn đọc, một thông tin chúng tôi được biết về T.T.Kh. Người kể còn sống, mà T.T.Kh. cách đây bốn năm vẫn còn gặp. Chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc là văn học sử sau này.
    Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989), chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp thơ trước Cách mạng tháng Tám, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hòa), bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Chính bài Tống biệt hành Thâm Tâm viết tặng Phạm Quang Hòa khi đi hoạt động cách mạng. Nguyễn Bính cũng có bài thơ tặng Phạm Quang Hòa mở đầu bằng hai câu:
    Tôi và anh: Bính và Hòa
    ở đây xa chị, xa nhà, xa em...
    Và đây kết thúc bằng hai câu:
    Đây là giọt lệ phân ly
    Ngày mai tôi ở, anh đi, bao giờ...?
    Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót.
    T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy.
    Bài thơ in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ Đan áo.
    Lại càng xôn xao, nhiều người cho là nam giới giả danh, nhiều người nhận là người yêu của mình, trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính.
    Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.Kh.
    Và thế là T.T.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy T.T.Kh. "tắt lịm" trên thi đàn.
    Sau này, Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời T.T.Kh. bài Các anh, (tập thơ mới của Thâm Tâm, nhà xuất bản Văn học 1987, có in bài Các anh nhưng đây chỉ mới trích một phần).
    Lời bàn: Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được mộ vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. T.T.Kh. viết bốn bài, có bài đã gây được vang hưởng.
    Thơ hay đâu cần nhiều.
    Phê-lích ác-ve (Félix Arvers, 1806-1850) chỉ nhờ bài Tình tuyệt vọng mà tên tuổi được ghi trong văn học sử Pháp. Mới hay trong "lãnh địa" nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể. T.T.Kh. cần phải đợc xem xét và đáng giá như một tác giả của dòng thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám. Điều đó không có gì là quá đáng.
    Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng:
    Thời gian đi đã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng quy tiên. Vả lại, cũng vì công việc của văn sử học, nếu đã tìm ra tác giả của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố.
    Hoàng Tiến
    (Nhân dân Chủ nhật số 23 tháng 7-1989)

    Được sửa chữa bởi - ngay_xua_oi vào 18/04/2002 01:10

Chia sẻ trang này