1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hồng lâu mộng - Tào Tuyết Cần

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 01/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Bảo Ngọc vừa đi giải vào, vội chạy đến chào Trương đạo sĩ. Trương đạo sĩ ôm lấy, hỏi han, rồi quay lại Giả mẫu cười nói:
    - Cậu Hai xem ra càng ngày càng phát phúc.
    Giả mẫu nói:
    - Bề ngoài thì khỏe, nhưng trong người nó vẫn phiền vì nỗi cha nó cứ bắt nó học nhiều, làm thằng bé càng ốm thêm.
    Trương đạo sĩ nói:
    - Hôm nọ tôi qua thăm mấy nơi, thấy chữ cậu ấy viết rất tốt, thơ làm rất hay, sao ông nhà lại còn phàn nàn là cậu ấy lười học? Cứ ý tiểu đạo này thì đừng nên bắt cậu ấy học quá sức
    Trương đạo sĩ lại than thở:
    - Tôi xem cậu ấy bóng dáng, nói năng, đi đứng, giống hệt đức Quốc công nhà ta ngày trước vậy.
    Nói xong hai mắt rưng rưng. Giả mẫu cũng nước mắt ròng ròng, nói:
    - Thật thế, bao nhiêu con cháu nhà này chẳng được đứa nào giống ông cháu cả, chỉ có cháu Ngọc là giống thôi.
    Trương đạo sĩ lại quay sang Giả Trân nói:
    - Bóng dáng đức Quốc công nhà ta ngày trước, các cậu không biết đã đành đi rồi, có lẽ ngay ông Cả, ông Hai cũng không nhớ rõ thì phải.
    Ông ta lại cười ha hả:
    - Hôm nọ tôi đến chơi một nhà, thấy một vị tiểu thư năm nay độ mười lăm tuổi, dáng điệu rất đẹp. Tôi nghĩ cậu em cũng nên dạm vợ đi thôi. Nói đến cô ta, người đẹp, tư chất thông minh, lại con nhà gia thế, thực là xứng đôi. Không biết ý cụ nghĩ thế nào? Tiểu đạo này không dám đường đột. Mong người cho biết mới dám nói đến.
    Giả mẫu nói:
    - Trước kia có một nhà sư bảo số thằng bé này không nên lấy vợ sớm, chờ lớn lên hãy hay. Người cứ thăm dò hộ xem, không cần nhà giàu sang, cốt tìm đứa có dung mạo là được. Có thế nào người đến nói cho tôi biết. Dù nhà họ có nghèo, thì giúp cho ít bạc là xong. Chỉ có dáng dấp và tính nết con người là khó tìm thôi.
    Phượng Thư cười nói:
    - Cụ Trương, cụ chưa đổi bùa cho con cháu tôi à? Thế mà hôm nọ cụ còn trâng tráo cho người đến xin tấm đoạn vàng? Tôi không đưa lại sợ mất thể diện.
    Trương đạo sĩ cười vang lên nói:
    - Xem kìa, mắt tôi mờ rồi, không trông thấy mợ ở đây, nên không cám ơn. Bùa ký danh đã có sẵn rồi. Hôm nọ định mang đến, không ngờ có các lệnh bà đến đây làm lễ cầu phúc, nên tôi quên mất. Đạo bùa vẫn đặt ở trước bàn thờ Phật kia, để tôi lại lấy.
    Nói xong Trương đạo sĩ chạy lên điện chính, một lúc bưng cái khay xuống, trên có đặt một cái túi vóc đỏ. Trương đạo sĩ rút bùa ra đưa cho vú nuôi của Đại Thư. Trương đạo sĩ chực bế Đại Thư, Phượng Thư cười nói:
    - Người cầm bùa đưa cũng được, việc gì phải đặt lên khay?
    Trương đạo sĩ nói:
    - Tay không được sạch, cầm sao được? Đặt vào khay thì thanh tịnh hơn.
    Phượng Thư cười nói:
    - Người bưng cái khay ra, làm tôi giật mình. Tôi không biết là người đưa bùa, cứ tưởng người đến xin bố thí!
    Mọi người nghe nói cười ầm lên. Giả Liễn cũng không nhịn được cười. Giả mẫu quay lại bảo:
    - Con khỉ kia, mày không sợ sa xuống địa ngục phải cắt lưỡi à?
    Phượng Thư cười nói:
    - Chỗ ông cháu với nhau không hề gì. Vì sao ông ấy cứ thường bảo cháu lo gom góp âm công, nếu chậm thì sẽ chết non?
    Trương đạo sĩ cũng cười nói:
    - Tôi mang cái khay ra là có ý dùng cả hai việc, không phải để nhận bố thí, mà muốn mượn viên ngọc của cậu Hai đặt vào đó đem ra cho chúng bạn và con cháu học trò ở xa đến xem.
    Giả mẫu nói:
    - Việc gì người phải lật đật chạy đi chạy lại, cứ dắt cháu Bảo ra ngoài ấy cho người ta xem, rồi bảo nó vào cũng được.
    Trương đạo sĩ nói:
    - Cụ không biết: tiểu đạo đã hơn tám mươi tuổi, nhờ phúc dư của cụ, vẫn còn khỏe mạnh; ở ngoài ấy nhiều người hôi hám khó chịu, vả lại trời nóng nực, cậu ấy không chịu quen, lỡ ra bị cảm thì phiền lắm.
    Giả mẫu nghe nói, liền bảo Bảo Ngọc tháo viên ngọc "thông linh" ra, đặt vào khay. Trương đạo sĩ cẩn thận bỏ trong túi vóc bưng ra.
    Giả mẫu đưa mọi người đi ngoạn cảnh các nơi rồi lên lầu. Giả Trân trình:
    - Trương đạo sĩ đã mang ngọc về.
    Trương đạo sĩ bưng cái khay bước lên lầu cười nói:
    - Nhờ có tiểu đạo này, mọi người mới được xem ngọc của cậu Hai, thực là hiếm có. Họ không có gì kính biếu, gọi có mấy đồ pháp giới của họ đem đến làm lễ mừng. Tuy nó không quí hóa gì, nhưng cậu cũng có thể giữ lấy mà chơi, hoặc thưởng cho người khác cũng được.
    Giả mẫu nghe nói, nhìn vào khay, thấy có bốn năm mươi thứ, cái là ngọc hoàng, cái là ngọc quyết, cái thì khắc sự sự như ý, cái thì khắc tuế tuế bình an, đều nạm giát bằng châu báu vàng ngọc cả, liền nói:
    - Người khéo bày vẽ, họ là những người xuất gia, ở đâu có cái này. Sao lại làm như thế? Tôi không thể nhận được.
    Trương đạo sĩ cười nói:
    - Đó là lòng thành của họ, tiểu đạo này không thể ngăn được Nếu cụ không nhận, thì họ cho tiểu đạo này là hạng hèn hạ, không phải môn hạ của quí phủ.
    Giả mẫu đành bảo người nhận. Bảo Ngọc cười nói:
    - Thưa bà, cụ Trương đã nói thế, không tiện từ chối, nhưng cháu cũng không dùng những thứ này, chi bằng đưa cho người hầu của cháu, phân phát cho những người nghèo túng.
    Giả mẫu cười nói:
    - Phải đấy.
    Trương đạo sĩ vội ngăn lại:
    - Cậu Hai muốn làm phúc đấy, nhưng thứ này dầu chẳng đáng quí báu gì, chỉ là đồ dùng thôi. Nếu phân phát cho người nghèo, họ không biết dùng, cũng vô ích, sẽ làm hư phí đi. Cậu muốn giúp đỡ người nghèo, sao không phát tiền cho họ?
    Bảo Ngọc nghe nói liền sai cất đi, và dặn mang tiền đến phát cho người nghèo.
    Nói chuyện xong, Trương đạo sĩ đi ra.
    Giả mẫu cùng mọi người lên lầu, ngồi ở gian giữa. Bọn Phượng Thư ngồi ở gian phía đông. Bọn a hoàn đứng hầu ở gian phía tây. Một lúc Giả Trân lên trình: "Đã gắp thăm trước bàn thờ thần, vở thứ nhất là Bạch xà ký".
    Giả mẫu hỏi:
    - Là tích gì?
    - Tích vua Cao Tổ nhà Hán chém rắn trắng nước khi khởi binh(2). Vở thứ hai là "Hốt đầy giường"(3)
    *********************
    (2) Lưu Bang trước khi khởi nghĩa, chém chết con rắn trắng. Đêm ấy có người đàn bà đến khóc: "Con rắn trắng này là Bạch Đế, bị con Xích Đế (tức Lưu Bang) chém chết". Quả nhiên sau Lưu Bang giết được Hạng Vũ, lên làm vua Cao Tổ nhà Hán.
    (3) Hốt đầy giường: Chép chuyện Quách Tử Nghi đời Đường, có bảy con trai và tám chàng rể đều làm quan cao và sống lâu.
    *********************
    Giả mẫu gật đầu nói:
    - Hát vở thứ hai cũng được. Ý Phật đã thế, chúng ta đành phải theo.
    Lại hỏi đến vở thứ ba. Giả Trân nói:
    - Vở "Nam kha mộng"(4)
    **********************
    (4) Giấc mộng Nam Kha: Vở kịch do Thang Hiến Tổ đời Minh soạn; tả việc Thuần Vu Phần đời Đường nhân ngày sinh nhật, uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe phía Nam cạnh nhà, mộng thấy đến nước Đại Hòe An lấy công chúa, làm quan thái thú quận Nam Kha hai mươi năm, đẻ được năm trai hai gái, đều được hiển quý, sau đánh nhau với giặc bị thua, phải cách chức, công chúa đã chết. Lúc tỉnh dậy, mặt trời chưa lặn, chén rượu còn nguyên ở trên bàn. Khi ra gốc cây hòe, có tổ kiến, ông ta cảm thấy cuộc đời phút chốc, công danh như giấc mộng, liền bỏ nhà lên núi học đạo, chẳng thiết gì việc đời nữa.
    ***************************
    Giả mẫu yên lặng không nói gì. Giả Trân lui xuống, đi ra ngoài đốt sớ, đốt vàng mã, rồi bắt đầu hát.
    Bảo Ngọc ngồi cạnh Giả mẫu, sai đứa bé bưng cái khay lúc nãy lại, đeo viên ngọc vào người rồi lục tìm các thứ, đưa từng cái cho Giả mẫu xem. Giả mẫu thấy một con kỳ lân bằng vàng, trên đầu có đính lông chìm trả, liền cầm lấy cười nói:
    - Hình như ta đã trông thấy con cái nhà ai đeo con này rồi.
    Bảo Thoa cười nói:
    - Cô Sử có một con, nhưng bé hơn.
    Giả mẫu nói:
    - Thế ra cháu Vân cũng có à?
    Bảo Ngọc nói:
    - Khi cô ấy đến, sao cháu không trông thấy.
    Thám Xuân cười nói:
    - Chị Bảo thực hay để ý, cái gì cũng nhớ được.
    Đại Ngọc cười nhạt:
    - Việc khác thì chị ấy để ý ít thôi, chỉ có vật người ta đeo trên người là chị ấy để ý đến nhiều.
    Bảo Thoa nghe nói ngoảnh đi, vờ như không nghe thấy.
    Nghe nói Sử Tương Vân cũng có vật này, Bảo Ngọc liền cầm con kỳ lân giấu vào trong người. Sau lại nghĩ: "người ta sẽ cho mình biết cô Sử có, nên mới giữ lại vật này". Bảo Ngọc tay cầm con kỳ lân, mắt vẫn lấm lét nhìn xung quanh. Mọi người không để ý đến, chỉ có Đại Ngọc liếc mắt nhìn rồi gật đầu, như có ý khen ngợi. Thấy vậy, Bảo Ngọc bối rối khó chịu, liền bỏ con kỳ lân ra, nhìn Đại Ngọc cười nói:
    - Con này đẹp đấy, tôi lấy hộ em. Khi về em sẽ lấy dây đeo nó có được không?
    Đại Ngọc lắc đầu:
    - Tôi không thích.
    - Em không thích thì tôi lấy vậy.
    Nói xong Bảo Ngọc lại cầm lấy. Ngay lúc đó Vưu thị là vợ Giả Trân, Hồ thị là vợ kế Giả Dung, hai mẹ chồng, nàng dâu cũng đến chào Giả mẫu. Giả mẫu nói:
    - Các cháu đến đây làm gì? Ta rỗi việc nên đi chơi một lúc thôi.
    Bỗng thấy một người vào báo: "Người nhà Phùng tướng quân đến".
    Nghe tin phủ Giả ra miếu làm chay, Phùng Tử Anh sai người sắm sửa các thứ dê, lợn, chè, hương đến lễ. Phượng Thư vội vàng sang lầu giữa vỗ tay cười nói:
    - Ái chà! Cháu không dè chừng việc nây. Chỉ nghĩ là bà cháu ta rỗi việc đến đây chơi thôi. Thế mà người ta lại cho là làm chay, đưa đồ lễ đến. Việc này là tại bà cả. Cháu có mang sẵn tiền thưởng gì đâu?
    Nói xong thấy hai người đàn bà nhà họ Phùng trèo lên lầu. Hai người này chưa đi, lại có người nhà quan thị lang họ Triệu mang lễ đến. Thế rồi hết nhà nọ đến nhà kia, nghe nói đàn bà con gái phủ Giả ra miếu làm chay, họ xa, bạn gần đi lại xưa nay, đều đưa lễ đến cả.
    Giả mẫu bấy giờ mới thấy băn khoăn, nói:
    - Chẳng qua rỗi, ta đi chơi, chứ có phải trai tiếu gì đâu, lại làm phiền cho mọi người.
    Giả mẫu xem hát đến chiều thì về. Hôm sau không muốn đi nữa.
    Phượng Thư nói:
    - "Đã trót thì phải trét"(5), đã làm kinh động người ta, thì ngày mai lại cứ đi chơi cho vui.
    ***********************
    (5) Nguyên văn: Đắp tường phải làm lễ thổ thần
    ***********************
    Bảo Ngọc từ lúc nghe Trương đạo sĩ nói với Giả mẫu về chuyện mách mối vợ, trong lòng rất khó chịu. Về nhà đâm ra cáu kỉnh, bực bội, nói luôn miệng: "Từ giờ trở đi, không thèm nhìn mặt lão Trương nữa". Mọi người không biết duyên cớ vì sao. Đại Ngọc lại bị cảm nắng. Vì hai lẽ đó nên hôm sau Giả mẫu không đi. Phượng Thư dẫn mọi người cùng đi.
    Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc ốm, trong bụng không yên, cơm cũng biếng ăn. Thỉnh thoảng lại đến hỏi thăm, chỉ lo Đại Ngọc không biết lành dữ thế nào. Đại Ngọc nói:
    - Anh đi mà xem hát, ở nhà làm gì?
    Bảo Ngọc nhân việc hôm qua Trương đạo sĩ mách mối, bụng đã khó chịu. Giờ thấy Đại Ngọc nói thế, lại nghĩ: "Người khác không biết bụng ta còn có thể tha thứ được. Không ngờ cả Đại Ngọc cũng hắt hủi mình!" Vì thế càng bực tức bội phần. Nếu như ngày thường, ai nói câu ấy cũng không đến nỗi nào, nhưng nay chính Đại Ngọc nói, lại có một ý nghĩa khác. Thế là Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, nói:
    - Tôi thật đã nhận nhầm cô! Thôi, thôi!
    Đại Ngọc cười nhạt nói:
    - Anh nhận nhầm gì tôi? Tôi có gì đáng sánh với người ta.
    Bảo Ngọc chạy ngay đến tận mặt Đại Ngọc nói:
    - Cô nói gì? Thế là cô đành lòng rủa tôi bị trời tru đất diệt rồi.
    Đại Ngọc chưa hiểu ra sao, Bảo Ngọc lại nói:
    - Hôm nọ chỉ vì việc ấy mà tôi phải thề. Hôm nay cô lại cho tôi một câu nữa. Nếu tôi bị trời tru đất diệt thì liệu có ích gì cho cô không?
    Đại Ngọc nghe đến đây, mới nhớ hôm trước, mình đã lỡ lời, vừa tức vừa thẹn, liền nức nở khóc và nói:
    - Nếu tôi nỡ lòng rủa anh thì tôi cũng bị trời tru đất diệt!... Vì đâu có câu chuyện này? Tôi biết hôm qua Trương đạo sĩ nói đến chuyện dạm vợ, anh sợ tôi làm ngăn trở mối duyên lành của anh, trong bụng anh bực tức, nên mang tôi ra giày vò.
    Nguyên Bảo Ngọc từ bé vẫn có chứng si tình hẹp hòi, lại luôn luôn ở bên cạnh Đại Ngọc, hai bên gần nhau, kẽ tóc chân tơ, tâm tình tương đắc. Bây giờ Bảo Ngọc đã hơi biết mùi đời, được xem nhiều sách nhảm nhí, được gặp nhiều cô gái phong lưu trong các nhà bạn thân và họ hàng xa, đều không ai bằng Đại Ngọc cả. Vì thế Bảo Ngọc đã ôm sẵn nỗi niềm tâm sự, nhưng chưa tiện nói ra, nên mỗi khi Đại Ngọc hoặc mừng, hoặc giận, Bảo Ngọc đều tìm hết cách thăm dò kín đáo. Đại Ngọc cũng có bệnh si tình ấy, lại cũng dùng lối vờ vẫn để thăm dò: "Vì nếu anh đã tìm cách che giấu nỗi lòng chân thật của anh thì tôi cũng tìm cách che giấu nỗi lòng chân thực của tôi". Hai bên cứ vờ vẫn thăm dò nhau. Như vậy hai cái giả gặp nhau, nhất định sẽ lòi cái thực. Ngoài ra, còn những việc lặt vặt xảy ra không tránh khỏi lời qua tiếng lại.
    Lúc này Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Người khác không biết bụng mình còn có thể tha thứ được, lẽ nào Đại Ngọc lại không biết trong lòng ta, trong mắt ta lại chỉ có có ấy thôi à? Cô ấy không gỡ nỗi buồn cho ta thì chớ, lại còn đưa ra những câu lấp họng ta, lòng ta giờ nào, phút nào cũng nghĩ đến cô ấy, nhưng có bao giờ cô ấy nghĩ đến ta đâu". Bảo Ngọc nghĩ vậy, nhưng không nói được ra lời. Đại Ngọc thì nghĩ: "Vẫn biết bụng anh bao giờ cũng để ý đến tôi, tuy có câu "vàng ngọc sánh đôi", nhưng khi nào anh lại tin lời nhảm nhí ấy mà không yêu quí tôi? Tôi dù có nhắc đến chuyện "vàng và ngọc", anh cũng nên lờ đi như không nghe thấy, thế mới thực là anh yêu quí tôi, không có mảy may gì giả dối cả. Nhưng mỗi khi tôi gợi đến chuyện "vàng và ngọc", anh lại cứ cuống cuồng lên, đủ biết bụng anh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện "vàng và ngọc". Anh sợ tôi ngờ vực, cố ý làm ra vẻ sửng sốt để đánh lừa tôi".
    Xem ra, hai người vốn một ý nghĩ, nhưng có những khía cạnh khác nhau.
    Trong bụng Bảo Ngọc lại nghĩ: "Tôi thì thế nào cũng được, chỉ cần cô vui thôi, dầu vì cô mà phải chết ngay tôi cũng bằng lòng. Điều này cô biết hay không cũng mặc, chỉ cốt ở lòng tôi thôi. Như thế mới là cô gần tôi, không phải xa tôi".
    Đại Ngọc lại nghĩ: "Anh chỉ nên lo phần anh là hơn. Anh tốt tự nhiên tôi cũng tốt. Cớ gì anh lại vì tôi mà mang lỗi. Có biết đâu lỗi ở anh chính là lỗi ở tôi. Thế là anh không muốn cho tôi gần anh, mà lại có ý làm cho tôi phải xa anh đấy".
    Như vậy họ muốn gần nhau lại hóa ra xa nhau. Những ý nghĩ riêng tây ấy ấp ủ trong người họ từ lâu khó mà nói hết, chẳng qua chỉ hình dung bên ngoài mà thôi.
    Bảo Ngọc lại nghe thấy Đại Ngọc nói đến ba chữ "mối duyên lành", trái hẳn ý nghĩ của mình, lại càng héo hon trong dạ, nói chẳng ra lời, liền cáu tiết, dứt viên "ngọc thiêng" ở cổ ra, nghiến răng vứt phăng xuống đất, nói:
    - Cái đồ chết tiệt này! Tao đập tan mày đi là xong chuyện.
    Nhưng viên ngọc này rắn chắc lạ thường, vứt thế nào nó cũng vẫn y nguyên không hề gì. Bảo Ngọc thấy không vỡ, định quay lại tìm cái đập. Đại Ngọc thấy thế, liền khóc:
    - Làm gì lại đem đập cái của câm ấy? Anh đập nó, chẳng thà đập tôi còn hơn!
  2. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Thấy hai người cãi nhau, bọn Tử Quyên, Tuyết Nhạn vội lại khuyên ngăn. Sau thấy Bảo Ngọc cố sống cố chết đập viên ngọc, liền chạy lại cướp lấy, nhưng không cướp được.
    Thấy trận cãi nhau này kịch liệt hơn mọi lần trước nhiều, chúng đành phải đi gọi Tập Nhân. Tập Nhân vội vàng chạy đến, cướp lấy viên ngọc. Bảo Ngọc cười nhạt:
    - Tôi đập cái của tôi, việc gì đến các chị?
    Tập Nhân thấy Bảo Ngọc mặt xám lại, mắt đỏ ngầu lên, chưa bao giờ giận đến như thế, liền kéo tay lại cười nói:
    - Cậu cãi nhau với cô ấy, việc gì mà lại đập viên ngọc ra. Nếu nó vỡ thì cô ấy đành lòng thế nào được.
    Đại Ngọc đương khóc, nghe thấy câu nói đúng đáy lòng mình, liền cho rằng Bảo Ngọc còn kém cả Tập Nhân, lại càng đau lòng khóc to lên. Vì buồn bực quá đỗi, nên nước thuốc hương nhu giải thử vừa mới uống vào, đã không cầm được, ọe một cái, nôn ra hết. Tử Quyên vội chạy đến, lấy cái khăn lụa đỡ lấy, Đại Ngọc ọe luôn mấy lần, thuốc thấm hết cả cái khăn. Tuyết Nhạn vội đến vuốt ngực. Tử Quyên nói:
    - Dù tức giận đến thế nào nữa, cô cũng nên giữ gìn sức khỏe. Vừa mới uống được một nước thuốc, giờ vì cãi nhau với cậu Bảo, nôn ra hết cả, nếu sinh ốm, liệu cậu Bảo có đành tâm được không?
    Bảo Ngọc nghe câu nói trúng tim đen mình, lại cho Đại Ngọc không bằng Tử Quyên. Đại Ngọc khi ấy mặt đỏ nhừ, đầu nặng trĩu, vừa khóc vừa thở, nước mắt, mồ hôi chảy xuống đầm đìa, người càng ẻo lả. Bảo Ngọc thấy thế hối hận: "Mình không nên bắt bẻ cô ấy. Bây giờ xảy ra nông nỗi này, mình lại không thể chịu thay cho cô ấy được." Trong bụng nghĩ thế, nước mắt cũng tự nhiên nhỏ xuống.
    Tập Nhân đương trông nom Bảo Ngọc, thấy hai người đều khóc, trong bụng cũng đâm ra chua xót, liền nắm lấy tay Bảo Ngọc, thấy lạnh như tiền, muốn khuyên Bảo Ngọc đừng khóc, nhưng một là sợ Bảo Ngọc có điều gì uất ức trong lòng, hai là sợ phật lòng Đại Ngọc, không bằng cùng khóc cả là họ sẽ buông tha nhau. Vì vậy, Tập Nhân cũng chảy nước mắt khóc theo. Tử Quyên vừa thu dọn những nước thuốc, vừa khe khẽ quạt cho Đại Ngọc. Thấy cả ba người đều khóc, chẳng nói chẳng rằng, Tử Quyên đâm ra thương cảm, cũng lấy khăn lụa chùi nước mắt.
    Bốn người ngồi nhìn nhau khóc, chẳng nói năng gì. Sau Tập Nhân gượng cười bảo Bảo Ngọc:
    - Cậu không cần nhìn cái gì khác, cứ nhìn cái dây đeo ngọc, thì cũng không nên cãi nhau với cô Lâm nữa.
    Đại Ngọc nghe nói, không nghĩ gì đến mình đương ốm, chạy ngay lại cướp lấy cái dây, tiện tay cầm kéo cắt nát ra. Tập Nhân và Tử Quyên muốn giật lại, nhưng đã đứt làm mấy đoạn rồi.
    Đại Ngọc khóc:
    - Ta thực uổng công, anh ấy không cần đâu, đã có người khác đeo cho cái dây đẹp hơn kia.
    Tập Nhân vội cầm lấy viên ngọc nói:
    - Làm gì như thế? Đây cũng là lỗi tự tôi hay bép xép.
    Bảo Ngọc bảo Đại Ngọc:
    - Cô cứ việc cắt đi, tôi không đeo ngọc cũng chẳng sao.
    Mấy người chỉ lo cãi nhau ở trong nhà, ngờ đâu bọn bà già thấy Đại Ngọc nôn mửa, khóc ầm lên. Bảo Ngọc lại đập viên ngọc, không biết sinh chuyện đến thế nào. Họ vội vàng sang trình Giả mẫu và Vương phu nhân. Giả mẫu và Vương phu nhân đều không biết vì duyên cớ gì, liền cùng nhau sang vườn xem. Thấy thế, Tập Nhân thì oán Tử Quyên tại sao lại cho cụ và bà lo sợ. Tử Quyên thì oán Tập Nhân cho là tự Tập Nhân sai người đi trình.
    Giả mẫu và Vương phu nhân đến nơi, thấy Bảo Ngọc và Đại Ngọc đều chẳng nói năng gì, hỏi ra cũng chẳng có chuyện gì cả, liền buộc tội cho Tập Nhân và Tử Quyên:
    - Tại sao chúng mày không hầu hạ cẩn thận, bây giờ xảy ra chuyện cãi nhau ầm ĩ như thế, chúng mày lại bỏ mặc đấy à?
    Rồi răn mắng một trận. Hai người chỉ đành đứng im không dám nói lại một câu. Giả mẫu dắt Bảo Ngọc đi ra, mới êm chuyện.
    Đến hôm sau, mồng ba là ngày sinh nhật của Tiết Bàn. Trong nhà bày rượu chè hát xướng. Mọi người trong phủ Giả đều đến cả. Bảo Ngọc từ ngày xẩy chuyện với Đại Ngọc, chưa lúc nào giáp mặt nhau, đâm ra hối hận, buồn rầu, còn bụng dạ nào đi xem hát nữa. Nên cáo ốm không đi.
    Hôm trước Đại Ngọc bị trúng nắng qua loa thôi, không đến nỗi nặng, nay nghe thấy Bảo Ngọc không đi, nghĩ bụng "Anh ấy xưa nay là người thích uống rượu nghe hát, thế mà hôm nay lại không đi, chắc vì hôm trước giận ta. Nếu không phải thế thì chắc là anh ấy thấy ta không đi, nên cũng không có bụng dạ nào đi một mình. Hôm nọ ta cắt cái dây đeo ngọc, thật không nên tí nào. Chắc là anh ấy không đeo ngọc nữa, ta phải xâu lại, anh ấy mới chịu đeo". Nghĩ thế trong bụng Đại Ngọc lại hối hận trăm phần.
    Giả mẫu thấy hai người giận nhau, cho là hôm nay đi xem hát, chúng gặp nhau, thế là xong chuyện. Không ngờ cả hai người đều không đi cả. Giả mẫu liền than thở: "Già này chẳng hiểu vì oan nghiệt từ đời nào để lại, sinh ra hai đứa oan gia ngớ ngẩn kia, không ngày nào là chúng không làm cho ta phải bận lòng. Tục ngữ nói rất đúng: "Không phải oan gia không họp mặt". Bao giờ ta nhắm mắt tắt hơi, tha hồ cho hai đứa chúng mày cãi nhau, khi đó mắt ta không trông thấy, lòng ta không biết buồn rầu, thế là xong chuyện. Nhưng nào nó đã tắt hơi cho đâu!"
    Giả mẫu tự trách mình rồi khóc.
    Chuyện này không ngờ đến tai Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Xưa nay hai người chưa từng nghe câu tục ngữ "không phải oan gia không họp mặt" bao giờ. Nay nghe thấy, họ đều như người được ngộ đạo, đều cúi đầu nghiền ngẫm ý nghĩa câu ấy, rồi nước mắt lã chã lưng tròng. Hai người tuy không gặp mặt, nhưng một ở quán Tiêu Tương, đứng trước gió gạt lệ, một ở viện Di Hồng, ngắm mặt trăng thở dài! Thực là "người ở hai nơi, tình chung một mối".
    Tập Nhân khuyên Bảo Ngọc:
    - Bao nhiêu chuyện không phải, đều tự cậu cả. Ngày thường ở trong nhà, bọn hầu trai có cãi cọ với các chị em, hoặc là hai bên tranh giành điều gì, hễ nghe thấy, cậu mắng ngay bọn họ là ngu xuẩn, không biết thể tất bụng dạ người con gái. Thế mà bây giờ cậu lại tự mình gây chuyện như thế? Ngày mai là tết mồng năm, nếu cậu và cô Lâm đối với nhau còn như kẻ thù, thì cụ càng thêm buồn, nhất định cả nhà không được yên. Theo ý tôi, cậu nên nuốt giận đi, đến xin lỗi cô ấy, rồi lại đối xử với nhau như trước, như vậy chẳng tốt hay sao?
    (Hết hồi hai mươi chín)
  3. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ ba mươi

    Bảo Thoa mượn cái quạt, nói cạnh cả hai bên;
    Linh Quan vạch chữ "tường", làm ngây người ngoài cuộc.

    Đại Ngọc từ hôm cãi nhau với Bảo Ngọc, trong bụng hối hận, nhưng không lẽ tự mình đến làm lành trước, vì thế ngày đêm buồn rầu, bâng khuâng như mất cái gì, Tử Quyên đoán biết tâm lý ấy, liền khuyên nhủ:
    - Việc hôm nọ là tự cô nóng nảy quá. Người khác không biết rõ tính nết cậu Bảo, chứ chúng ta lẽ nào lại cũng không biết hay sao? Chỉ vì viên ngọc, đến nỗi cãi nhau mấy lần rồi.
    Đại Ngọc gắt:
    - Thôi! Mày lại đến đây bới móc tội của ta hộ người à? Thế nào là ta nóng nảy?
    Tử Quyên cười nói:
    - Tự nhiên vô cớ, sao cô lại cắt cái dây đeo ngọc đi? Thế chả phải lỗi cậu Bảo chỉ có ba phần, mà lỗi cô những bảy phần hay sao? Tôi xem ngày thường cậu ấy đối với cô rất tốt, chỉ vì cô khó tính thường vặn vẹo cậu ấy, nên đến nỗi vậy.
    Đại Ngọc muốn nói lại, chợt ngoài sân có tiếng gọi cửa, Tử Quyên lắng tai nghe, cười nói:
    - Thôi tiếng cậu Bảo rồi, chắc lại đến xin lỗi đấy.
    Đại Ngọc bảo không được mở cửa. Tử Quyên nói:
    - Cô lại không phải rồi. Trời nóng nực thế này, không mở cửa, để cậu ấy đứng bêu mãi ngoài nắng thì chịu thế nào được?
    Nói xong liền ra mở cửa, thì quả là Bảo Ngọc. Tử Quyên vừa mời vào vừa cười nói:
    - Tôi cứ tưởng là cậu không thèm đến nhà này nữa, ai ngờ bây giờ lại đến.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Việc bé mà các chị lại cứ xé ra to, ngại gì mà ta chẳng đến? Ta có chết chăng nữa, hồn ta một ngày ít ra cũng đến đây trăm lần! Thế nào? Cô em đã khỏe hẳn chưa?
    - Người khỏe đấy, nhưng bụng vẫn bực tức khó chịu.
    - Ta biết rồi, việc gì mà phải bực tức!
    Bảo Ngọc cười đi vào, thấy Đại Ngọc đương ngồi trên giường khóc.
    Đại Ngọc trước vẫn không khóc. Từ lúc thấy Bảo Ngọc đến, trong bụng đâm ra thương cảm, không thể cầm được nước mắt. Bảo Ngọc đến gần giường cười nói:
    - Em ơi! Người đã khá chưa?
    Đại Ngọc chỉ gạt nước mắt, không trả lời.
    Bảo Ngọc liền ngồi ghé vào cạnh giường cười nói:
    - Anh vẫn biết rằng em không giận anh, nhưng nếu anh không đến, người ta thấy thế, sẽ cho anh em ta lại cãi nhau. Nếu phải chờ họ đến khuyên giải thì chẳng hóa ra anh em ta không có tình thân mật hay sao? Chi bằng, ngay bây giờ em muốn đánh, muốn mắng anh thế nào tùy em, nhưng chỉ thiết tha xin em đừng lờ anh đi thôi.
    Nói xong lại gọi "em ơi" mấy tiếng.
    Trong bụng Đại Ngọc vẫn định bỏ lờ Bảo Ngọc đi, nhưng bấy giờ nghe thấy câu: "Nếu để người ngoài biết là chúng ta cãi nhau thì chẳng hóa ra anh em ta không có tình thân mật" mới thấy rõ mình với Bảo Ngọc thân hơn người khác. Vì thế Đại Ngọc không nhịn được, liền khóc:
    - Anh không cần phải lừa tôi! Từ giờ trở đi, tôi không dám thân cận với cậu Hai nữa. Xin cứ coi như tôi đã ra khỏi nhà này rồi.
    - Thế em định đi đâu?.
    - Tôi về nhà tôi.
    - Anh cũng đi theo.
    - Thế ngộ tôi chết thì sao?
    - Em mà chết thì anh đi tu.
    Đại Ngọc vừa nghe thấy câu ấy, mặt sầm ngay lại hỏi:
    - Anh muốn chết à? Sao nói dại thế? Nhà anh có bao nhiêu chị em, một ngày kia họ đều chết cả, liệu thân anh xẻ ra làm mấy mảnh để đi tu? Mai đây tôi sẽ mang câu này kể lại cho người ta biết, để xem họ nói ra làm sao!
    Bảo Ngọc tự biết mình nói câu ấy hấp tấp quá, hối không kịp, mặt đỏ bừng lên, cúi đầu không dám nói gì.
    Khi đó trong nhà không có ai. Đại Ngọc hai mắt trừng trừng nhìn Bảo Ngọc một lúc, tức quá, hừ một tiếng, rồi không nói được câu gì. Thấy mặt Bảo Ngọc tím bầm lại, Đại Ngọc liền nghiến răng, lấy ngón tay dí vào trán Bảo Ngọc một cái, nói:
    - Anh thật là...
    Chỉ nói lên được hai tiếng, liền thở dài một cái, lại lấy khăn lụa, lau nước mắt.
    Bảo Ngọc lúc bấy giờ nỗi lòng chan chứa, vì trót lỡ lời, nên trong bụng rất là hối hận. Sau thấy Đại Ngọc dí một cái, không nói ra lời, đành chỉ ngậm ngùi than khóc. Trong bụng thương cảm, Bảo Ngọc lại nước mắt ròng ròng chảy xuống, muốn lấy khăn lau nước mắt, nhưng lại quên không mang đi, liền lấy ống tay áo lau.
    Đại Ngọc đương khóc, thấy Bảo Ngọc lấy vạt áo the cải hoa sen mới toanh ra lau nước mắt, liền vừa lau nước mắt, vừa quay đi lấy khăn lụa ở trên gối vứt vào lòng Bảo Ngọc, không nói một câu, rồi lại che mặt khóc. Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc vứt cho cái khăn, liền cầm lấy chùi nước mắt rồi xích lại gần, giơ tay kéo một tay Đại Ngọc cười nói:
    - Ruột gan anh nát nhừ ra cả rồi, em còn cứ khóc làm gì mãi? Thôi đi đi, chúng ta cùng đến thăm bà.
    Đại Ngọc hất tay ra nói:
    - Ai kéo co với anh! Bây giờ lớn rồi, anh cứ giở cái thói cợt nhả ấy ra, không biết điều gì cả.
    Nói chưa dứt lời, đã thấy có tiếng the thé ở ngoài: "Khá nhỉ!" Trong lúc bất ngờ, hai người đều giật nẩy mình, quay lại nhìn, thấy Phượng Thư đã đến, cười nói:
    - Bà đương kêu trời kêu đất kia kìa, bảo chị lại xem các em đã làm lành với nhau chưa? Chị bảo không cần, chỉ độ vài hôm là họ lại tử tế với nhau đấy thôi. Bà mắng chị, bảo chị lười. Bây giờ chị đến, quả nhiên đúng như lời chị nói. Chị chẳng thấy các em có điều gì đáng cãi nhau cả, thế mà cứ ba ngày yêu quí nhau, lại hai ngày giận dỗi nhau, càng lớn càng quá trẻ con. Bây giờ cầm tay nhau mà khóc, thế thì hôm nọ tại sao lại như hai con gà chọi ấy? Thôi các em hãy theo chị sang thăm bà để cụ già được yên tâm.
    Phượng Thư liền kéo Đại Ngọc đi.
    Đại Ngọc quay lại gọi bọn a hoàn, nhưng chẳng thấy người nào.
    Phượng Thư nói:
    - Lại gọi chúng nó làm gì? Đã có tôi hầu cô đây.
    Liền kéo Đại Ngọc đi. Bảo Ngọc chạy theo sau.
    Họ ra khỏi vườn, đến thẳng nhà Giả mẫu, Phượng Thư cười nói:
    - Cháu đã bảo không cần phải lo nghĩ hộ họ, tự họ sẽ tử tế với nhau. Bà không tin, nhất định bắt cháu phải đi dàn hòa, khi cháu đến nơi, đã thấy hai người ngồi xúm lại một chỗ, xin lỗi lẫn nhau, họ giữ chặt lấy nhau như móng chân diều hâu quắp gà con vậy. Thế thì còn cần ai đến dàn hòa nữa?
    Câu nói ấy làm cho cả nhà cười ầm lên.
    Bấy giờ Bảo Thoa đương ngồi đấy. Đại Ngọc không nói một câu gì, ngồi nhích lại gần Giả mẫu. Bảo Ngọc cũng không biết nói gì, liền quay lại nói với Bảo Thoa:
    - Hôm sinh nhật anh Cả, tôi không được khỏe, lại không có gì đem đến mừng, cả đến cúi đầu chào cũng không có. Anh Tiết không biết tôi ốm, lại tưởng tôi tìm cớ thoái thác. Chị có gặp anh ấy, nhờ nói hộ cho tôi.
    Bảo Thoa cười nói:
    - Khéo hay vẽ chuyện. Dù anh có đến được cũng không dám làm phiền, huống chi người anh lại không được khỏe? Chỗ anh em cùng ở với nhau mà lại cứ để bụng những việc vặt ấy, thành ra xa nhau mất.
    - Chị thể tất cho tôi được như thế là tốt rồi. Sao chị không ở lại nghe hát?
    - Tôi sợ nóng, nghe được hai khúc, muốn đi ra, nhưng khách vẫn còn ngồi đông, nên tôi phải kiếu ốm, rồi đi ngay.
    Bảo Ngọc nghe nói, tự nhiên thấy hơi ngượng, vội buột miệng cười nói:
    - Chị người đẫy đả, thảo nào họ cứ ví chị với Dương quí phi.
    Bảo Thoa nghe nói, bực lắm, định nói lại, nhưng không tiện; nghĩ một chốc, mặt đỏ bừng lên, liền cười nhạt:
    - Tôi giống Dương quí phi, nhưng không có người anh em nào giỏi, có thể làm được Dương Quốc Trung.
    Đương nói thì đứa hầu nhỏ là Tĩnh Nhi tìm không thấy cái quạt, cười hỏi Bảo Thoa:
    - Chắc là cô giấu cái quạt của cháu, xin cô cho lại cháu.
    Bảo Thoa trỏ vào mặt đứa hầu, quát mắng:
    - Mày liệu hồn đấy! Mày đã thấy tao đùa với ai chưa? Mày hãy đi mà hỏi những cô nào ngày thường cứ hay tí toét cười đùa với mày ấy!
    Tĩnh Nhi nghe xong, chạy mất.
    Bảo Ngọc biết mình lại nói lỡ lời, bấy giờ đứng trước mặt nhiều người, càng thấy trơ trẽn, khó coi hơn là lúc va chạm với Đại Ngọc, liền lảng ra bắt chuyện với người khác.
    Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc chế giễu Bảo Thoa, trong bụng lấy làm đắc ý, muốn nhân đó nói châm vào cho buồn cười, không ngờ Tĩnh Nhi tìm quạt, bị Bảo Thoa mắng cho mấy câu, Đại Ngọc liền đổi giọng hỏi:
    - Chị Bảo, chị nghe hai khúc hát gì thế?
    Bảo Thoa trông thấy Đại Ngọc ra vẻ đắc ý, đoán ngay là vừa rồi Đại Ngọc thích chí thấy Bảo Ngọc chế giễu mình, liền cười đáp:
    - Tôi xem vở Lý Quì mắng Tống Giang, sau lại đến xin lỗi.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Chị học rộng, chuyện cũ, chuyện mới hiểu nhiều, sao vở này chị lại không biết, nói ra một tràng như thế? Vở này gọi là vở Phụ kinh thỉnh tội(1) đấy.
    *********************
    (1) Mang roi đến chịu tội. Đời Chiến quốc, Liêm Pha mang roi từ nhà đến xin lỗi Lạn Tương Như.
    *********************
    Bảo Thoa cười nói:
    - Thế ra vở này là Phụ kinh thỉnh tội à? Các người học rộng mới biết Phụ kinh thỉnh tội, chứ tôi thì biết sao được?
    Bảo Ngọc và Đại Ngọc có tật giật mình, nghe chưa hết câu, mặt đã đỏ bừng lên.
    Phượng Thư tuy không hiểu tại sao, thấy nét mặt ba người, cũng đã đoán được một phần, liền cười nói:
    - Trời nóng thế này, ai lại ăn gừng sống thế?
    Mọi người không hiểu, nói:
    - Có ai ăn gừng sống đâu.
    Phượng Thư cố ý lấy tay sờ lên má, tỏ vẻ ngơ ngác:
    - Không ai ăn gừng sống, làm sao lại nóng ran thế này?
    Bảo Ngọc, Đại Ngọc nghe thấy lại càng khó chịu. Bảo Thoa còn muốn nói nữa, nhưng thấy Bảo Ngọc đổi hẳn nét mặt, xem ra quá hổ thẹn, nên không tiện nói thêm, đành chỉ cười xòa một cái cho xong chuyện. Những người khác không hiểu ý bốn người này nói chuyện gì, cũng đều cười theo.
    Một lúc, Bảo Thoa và Phượng Thư đi rồi, Đại Ngọc nói với Bảo Ngọc:
    - Anh lại đụng phải con người ghê gớm hơn tôi rồi. Có ai dốt nát vụng về như tôi, cứ tha hồ cho người ta nói?
    Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa hay để ý, bụng đã khó chịu rồi, giờ lại thấy Đại Ngọc cũng hay chấp nhặt, nên đành nín nhịn, buồn rầu đi ra.
  4. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Lúc này trời nóng, lại vừa ăn cơm sáng xong, các nơi cả thầy lẫn tớ đều thấy mỏi mệt trong quãng ngày dài. Riêng có Bảo Ngọc cứ chắp tay sau lưng đi loanh quanh, đến nơi nào cũng thấy lặng lẽ không một tiếng động. Từ nhà Giả mẫu ra, Bảo Ngọc rẽ sang phía tây, đi qua xuyên đường, đến sân nhà Phượng Thư. Thấy cửa ngoài đóng, biết là thói quen của Phượng Thư, hễ đến mùa nực, buổi trưa là phải nghỉ một lúc, nên không tiện đi vào, Bảo Ngọc rẽ sang cửa bên, vào buồng Vương phu nhân, thấy mấy đứa a hoàn đương cầm kim chỉ ngủ gật. Vương phu nhân thì đang nằm ngủ ở giường mát trong nhà; Kim Xuyến ngồi bên cạnh bóp đùi cho bà ta, mắt cũng đang lim dim. Bảo Ngọc rón rén đi đến trước mặt nó, nắm cái hạt châu đeo tai và giật nhẹ một cái. Kim Xuyến mở bừng mắt nhìn. Bảo Ngọc khẽ cười hỏi:
    - Buồn ngủ quá thế kia à?
    Kim Xuyến mím môi cười, hất tay Bảo Ngọc ra, lại nhắm mắt lại. Bảo Ngọc trông thấy Kim Xuyến, có ý quyến luyến không muốn rời, liền ngoái đầu nhìn Vương phu nhân, thấy vẫn nhắm mắt. Bảo Ngọc mở cái túi ở trong mình, lấy một viên thuốc hương huyết nhuận tân(2) ra, đút vào mồm Kim Xuyến. Kim Xuyến cũng không mở mắt, ngậm mồm lại.
    ************************
    (2) Viên thuốc trắng và thơm để thấm nhuần nước bọt
    ************************
    Bảo Ngọc lại gần nắm lấy tay Kim Xuyến khẽ cười nói:
    - Ta sẽ nói với bà xin chị về để chúng ta cùng ở chung với nhau.
    Kim Xuyến không trả lời. Bảo Ngọc lại nói:
    - Chờ bà dậy, ta sẽ nói.
    Kim Xuyến mở mắt đẩy Bảo Ngọc một cái, cười nói:
    - Việc gì mà phải vội thế. Tục ngữ có câu: "Cái trâm vàng rơi xuống giếng, đã về ai thì chỉ là của người ấy thôi". Chả lẽ cậu còn chưa hiểu sao? Tôi bảo cậu việc này hay hơn: cậu đi sang nhà bên đông mà bắt cậu Hoàn và chị Thái Vân.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Họ làm gì mặc họ. Chúng ta chỉ nói việc chúng ta thôi.
    Bỗng Vương phu nhân trở mình dậy, tát vào mặt Kim Xuyến một cái và mắng:
    - Con đĩ hèn hạ này! Các cậu nhà này đều bị chúng mày làm hư hỏng cả!
    Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, chạy biến mất.
    Kim Xuyến một bên má đỏ ửng lên, không dám nói câu gì. Bọn a hoàn thấy Vương phu nhân dậy, đều chạy đến.
    Vương phu nhân liền gọi Ngọc Xuyến đến bảo:
    - Gọi ****** đến mang chị mày về.
    Kim Xuyến nghe thấy nói thế, vội quì xuống khóc:
    - Từ rày con không dám thế nữa, xin bà cứ việc đánh, cứ việc chửi, nhưng đừng đuổi con như thế, thì con đội ơn bà như trời như bể. Con theo hầu bà đã mười năm nay, bây giờ bà đuổi con về, con còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa?
    Vương phu nhân vốn người hiền lành, chưa từng đánh a hoàn bao giờ, nay thấy Kim Xuyến làm việc vô sỉ, giận quá, không nén được, liền tát nó một cái, mắng nó mấy câu. Kim Xuyến van xin cũng không cho ở lại, cuối cùng bắt mẹ nó là bà già họ Bạch mang nó về. Kim Xuyến đành phải ngậm hờn nuốt tủi đi ra.
    Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân dậy, cụt hứng, chạy về vườn Đại Quan, thấy ánh nắng chói trời, bóng cây rợp đất, chung quanh im lặng, chỉ nghe tiếng ve kêu mà thôi. Đi đến dưới giàn tường vi, có tiếng người thổn thức, Bảo Ngọc nghi hoặc, đứng lại lắng nghe, quả nhiên thấy một người ngồi đó. Bấy giờ khoảng giữa tháng năm, cây tường vi đang hoa lá tốt tươi. Bảo Ngọc khe khẽ đứng ngoài nhìn vào, thấy ở dưới giàn hoa một cô gái bé đương ngồi xổm, tay cầm cái trâm cài đầu vạch xuống đất, lặng lẽ chảy nước mắt. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Không có lẽ con bé thơ dại này cũng học cô Tần chôn hoa chăng?" Rồi lại than thở: "Nếu quả thật nó cũng chôn hoa, thì khác nào nàng Đông Thi bắt chước nhăn mặt(3) không những chẳng có gì lạ, lại đáng chán là khác!" Nghĩ xong liền gọi cô con gái kia bảo:
    - Cô đừng nên bắt chước cô Lâm nhé!
    *****************************
    (3) Tây Thi thời Chiến Quốc là người đẹp nổi tiếng, khi có bệnh đau bụng nhăn mặt lại càng đẹp. Phía đông có người con gái cũng họ Thi nhưng rất xấu, thấy vậy cũng ôm bụng nhăn nhó đi quanh làng. Nhưng thấy vậy, người giàu trông thấy phải đóng cửa, người nghèo phải mang cả vợ con trốn đi chỗ khác.
    *****************************
    Nói chưa dứt lời, ngoảnh lại nhìn kỹ, thấy người này lạ mặt, không phải a hoàn, mà là người trong đám mười hai cô học hát. nhưng không rõ đóng vai "nam" hay "nữ", "lão" hay "hề".
    Bảo Ngọc lè lưỡi, bịt mồm lại, nghĩ bụng: "May mà mình không hấp tấp. Hai lần trước cũng vì hấp tấp làm cho cô Tần tức giận, Bảo Thoa nghi ngờ. Bây giờ mình còn mắc lỗi với bọn họ, lại càng thêm khó xử". Vừa nghĩ vừa bực mình, không nhận ra được người đó là ai. Lại để ý ngắm kỹ, thấy người này mày xanh như núi mùa xuân, mắt sáng như sóng mùa thu, mặt nõn nà, lưng thon thon, vẻ người óng ả thướt tha, không khác gì Đại Ngọc. Bảo Ngọc không nỡ rời bước, đứng ngây người ra, thấy nó đương cầm cái trâm vàng, không phải là đào đất chôn hoa, mà là vạch chữ.
    Bảo Ngọc nhìn kỹ cái trâm đưa đẩy từng vạch, từng chấm từng móc, tính tất cả là mười tám nét; liền lấy ngón tay theo thế viết vào trong lòng bàn tay mình để đoán ra chữ gì? Nghĩ mãi mới biết nó viết chữ "tường" của hoa tường vi. Bảo Ngọc lại nghĩ: "Nhất định nó đang làm thơ làm từ gì đây. Bây giờ nó trông thấy hoa, lòng cảm xúc, trong khi cao hứng, nẩy ra mấy vần, lại sợ quên, nên vạch xuống đất để đắn đo cân nhắc, cũng chưa biết chừng! Ta hãy chờ xem nó còn viết thêm những chữ gì". Vừa nghĩ vừa nhìn, thấy cô này vạch đi vạch lại, quanh quẩn vẫn là chữ "tường".
    Một người thì ngồi ngây ra vạch chữ "tường", vạch đi vạch lại đến mấy mươi lần; một người đứng ngoài cũng ngây ra, hai mắt chòng chọc nhìn cái trâm đưa đẩy. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Con bé này nhất định có tâm tư thầm kín gì đây. Nhìn bộ dạng này, chắc nó có bao điều buồn bực nấu nung! Người nó mỏng mảnh yếu ớt như thế, thì chịu sao được những sự dằn vặt ấy? Tiếc rằng ta không thể chịu đỡ được cho nó một phần".
    Về mùa này, mưa nắng thất thường, hễ một đám mây nhỏ kéo đến là có thể mưa ngay. Bỗng đâu cơn gió nổi lên, trận mưa ầm ầm như trút nước. Bảo Ngọc trông thấy cô bé bị những giọt mưa từ trên nhỏ xuống, quần áo ướt đẫm, liền nghĩ: "Thân hình nó thế kia, chịu sao nổi trận mưa rào bắn xói vào người?" Không thể nín được, Bảo Ngọc gọi ngay:
    - Thôi đừng viết nữa, người ướt hết cả rồi.
    Cô bé nghe nói giật mình, ngẩng đầu nhìn, thấy người bảo đừng viết ấy đương đứng ngoài giàn hoa. Một là vì Bảo Ngọc nét mặt xinh đẹp; hai là vì hoa lá um tùm, chỉ hở có một nửa mặt, nên người con gái cho là một chị a hoàn nào, chứ không biết là Bảo Ngọc. Nó liền cười nói:
    - Cảm ơn chị nhắc bảo cho. Nhưng không lẽ ngoài ấy lại có cái gì che mưa chăng?
    Bảo Ngọc tỉnh người, kêu một tiếng, mới thấy lạnh buốt toàn thân. Cúi đầu nhìn mình, cũng ướt hết, liền kêu: "Hỏng rồi!" Rồi chạy một mạch về viện Di Hồng, trong lòng vẫn áy náy về con bé ấy không có chỗ tránh mưa.
    Hôm sau là tiết Đoan dương, mười hai cô hát trong bọn Văn Quan đều được nghỉ học, ra vườn chơi. Bảo Quan đóng vai nam, Ngọc Quan vai nữ, đều đến chơi đùa với Tập Nhân ở viện Di Hồng. Gặp mưa, mọi người đóng cửa lại, lấp các cống cho nước đọng đầy sân, rồi đuổi bắt le vịt, khâu cánh, thả ở sân chơi. Tập Nhân thì ngồi ở ngoài hiên cười đùa.
    Bảo Ngọc thấy cửa đóng, liền lấy tay đấm. Người trong nhà đang mải cười đùa, không ai để ý đến. Một lúc lâu, trong nhà nghe thấy tiếng đập cửa thình thình, ai nấy đều cho là không khi nào Bảo Ngọc lại về lúc này. Tập Nhân cười nói:
    - Ai lại gọi cửa bây giờ? Không mở được.
    Bảo Ngọc nói:
    - Tôi đây.
    Xạ Nguyệt nói:
    - Hình như tiếng cô Bảo.
    Tình Văn nói:
    - Nói bậy! Cô Bảo đến làm gì?
    Tập Nhân nói:
    - Để tôi ra khe cửa nhìn xem, đáng mở thì mở, không nên để cho họ phải dầm mưa.
    Nói xong liền theo đường hành lang nhìn ra ngoài, thấy Bảo Ngọc ướt như chuột lột, Tập Nhân vừa hoảng sợ, vừa buồn cười, vội ra mở cửa, cúi lưng, vỗ tay nói:
    - Ai biết đâu bây giờ cậu về? Sao mưa to thế mà cũng đi?
    Bảo Ngọc trong bụng đang bực tức, chỉ định có người ra mở cửa là đá cho mấy cái. Cửa vừa mở, Bảo Ngọc không cần nhìn xem ai, cứ tưởng là một a hoàn nào, liền đá một cái vào cạnh sườn. Tập Nhân kêu "Ối chà!" một tiếng. Bảo Ngọc còn mắng thêm:
    - Đồ hèn mạt! Ngày thường tao đối đãi tử tế, chúng mày nhờn quen, càng ngày càng mang tao ra làm trò cười!
    Nói xong, nhìn xuống, thấy Tập Nhân khóc, mới biết mình đá nhầm, vội cười nói:
    - Ối chà! Chị đấy à? Tôi đá phải chỗ nào đấy?
    Xưa nay Tập Nhân chưa bị đánh mắng lần nào; nay thấy Bảo Ngọc phát cáu trước mặt mọi người, đá mình một cái, thì vừa xấu hổ vừa tức giận, lại vừa đau. Muốn sinh chuyện, nhưng lại nghĩ: chưa chắc Bảo Ngọc đã định tâm đá mình, nên đành nén bụng nói: "Cậu có đá trúng tôi đâu, sao cậu không về thay áo quần đi?"
    Bảo Ngọc vào buồng, cười nói:
    - Tôi từ bé đến giờ, lần này mới là lần đầu phát cáu đánh người, không ngờ lại đánh nhầm phải chị!
    Tập Nhân cố chịu đau, đi thay quần áo cho Bảo Ngọc, cười nói:
    - Tôi là người đầu, thì bất cứ việc lớn nhỏ, hay dở, đều tự tôi mà ra. Nhưng cậu cũng đừng nghĩ đánh được tôi rồi sau này quen tay đi cứ đánh bừa.
    - Vừa rồi quả tôi không chủ ý nào.
    - Ai bảo cậu chủ ý? Xưa nay việc đóng cửa, mở cửa vẫn giao cho bọn hầu nhỏ. Chúng nó hỗn láo quen, nhiều lần làm cho người ta phải tức lên, thế mà chúng nó chẳng biết sợ hãi là cái gì. Nếu chính chúng nó ra mở cửa, cậu đá cũng là phải. Nhưng vừa rồi vì tôi dở hơi, không để cho chúng nó ra mở.
    Trời tạnh mưa, bọn Bảo Quan, Ngọc Quan đều về cả, Tập Nhân thấy đau ở cạnh sườn, trong lòng rộn rực, liền bỏ bữa cơm chiều không ăn. Đến tối, cởi quần áo ra, thấy bên cạnh sườn có một chỗ tím to bằng cái bát, Tập Nhân giật mình sợ hãi, nhưng không tiện nói ra, đến lúc đi ngủ vẫn thấy đau. Trong khi mơ màng, thỉnh thoảng lại thốt ra một tiếng kêu "ối chà!"
    Bảo Ngọc thấy Tập Nhân ra dáng mệt mỏi, trong bụng không đành. Đến nửa đêm, lại nghe tiếng kêu, biết Tập Nhân bị đá mạnh quá, Bảo Ngọc trở dậy, khẽ cầm đèn lại soi. Đến cạnh giường, thấy Tập Nhân ho lên hai tiếng, nhổ ra một cục đờm, rồi lại kêu "ối chà". Tập Nhân mở mắt nhìn, thấy Bảo Ngọc, giật mình hỏi:
    - Cậu làm gì thế?
    - Trong khi ngủ, chị cứ kêu luôn, tất là bị đá đau lắm,để tôi xem thế nào.
    - Tôi nhức đầu lắm, cổ họng lại lờm lợm có mùi tanh, cậu thử soi xuống đất xem.
    Bảo Ngọc nghe nói, cầm đèn soi, thấy một cục máu tươi, sợ hãi nói:
    - Thôi thế này thì nguy mất.
    Tập Nhân thấy thế, lạnh đi một nửa người.
    (Hết hồi thứ ba mươi)
  5. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Lại xen ngang một tẹo. Đọc chương 29-30 lột tả lần lượt tính cách của Bảo Thoa. Cô ta thật đáng ghét, sẵn sàng đổ tiếng ác cho người khác để lấy tiếng khoan hòa. Luôn tỏ ra khiêm nhường nhân từ nhưng thực ra lại rất khinh rẻ người dưới. Tuy nhiên, đây cũng là đoạn duy nhất có một Bảo Thoa hồn nhiên khi đuổi ****, hay hiếu thắng trả đũa Bảo Ngọc, trút giận vào con hầu, nói cách khác là đoạn "người" nhất, ngây thơ nhất của Bảo Thoa.
  6. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ ba mươi mốt
    Xé tan cái quạt, nghìn vàng mua lấy một trận cười
    Điềm ứng kỳ lân, hai sao(1) gặp nhau khi đầu bạc
    *****************
    (1) Sao Ngưu lang và sao Chức nữ
    *****************
    Tập Nhân thấy mình khạc máu tươi ra đất thì lạnh hẳn một nửa người. Cô ta thường ngày nghe người ta nói: ?oLúc trẻ mà thổ huyết, thì sẽ chết non, có sống chăng nữa, cũng là người bỏ đi?. Nghĩ vậy, những chuyện mong ước vẻ vang sung sướng mai sau, bất giác lạnh hẳn như đống tro tàn, nước mắt cô ta ở đâu lại ròng ròng chảy xuống. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân khóc, bụng cũng chua xót, liền hỏi:
    - Chị thấy trong người thế nào?
    Tập Nhân cười gượng:
    - Người tôi vẫn khỏe, có việc gì đâu?
    Bảo Ngọc định lập tức sai người hâm rượu, lấy huyết sơn dương và thuốc viên lê động đến. Tập Nhân kéo tay lại, cười nói:
    - Việc không cần mà cậu cứ làm nhộn lên, phiền đến mọi người, rồi họ lại oán tôi là nông nổi. Bây giờ không ai hay cả, cậu cứ làm ồn lên, người ta biết thì cậu và tôi đều không hay ho gì. Ngày mai cậu nên cho một đứa bé đi mời ông lang họ Vương cho tôi uống một thang thuốc là khỏi. Như thế thì không ai biết, chẳng hơn hay sao?
    Bảo Ngọc nghe nói có lý, liền thôi không gọi ai, tự mình đến bàn, rót chén nước đưa cho Tập Nhân súc miệng.
    Tập Nhân biết Bảo Ngọc không đành dạ, nếu không để cậu ta chăm sóc mình, chắc sẽ không nghe, lại làm bận rộn đến người khác, chi bằng cứ để mặc kệ đấy. Vì thế Tập Nhân ngồi tựa trên giường, mặc cho Bảo Ngọc phục dịch.
    Trời vừa sáng, Bảo Ngọc không kịp rửa mặt chải đầu, vội mặc áo đi mời Vương Tế Nhân. Vương đến, hỏi cặn kẽ đầu đuôi, biết nguyên do bệnh này chẳng qua bị thương tổn chút ít thôi. Vương liền cho ít thuốc viên, chỉ bảo cách dùng, cách uống và xoa. Bảo Ngọc nhớ lấy, về trong vườn cứ theo thế điều trị.
    Hôm ấy chính là tiết Đoan dương, người ta dùng cành ngải treo cửa và bùa dấu đeo tay. Đúng giờ Ngọ, Vương phu nhân sửa tiệc rượu mời mẹ con họ Tiết đến ăn tết. Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa lãnh đạm, không trò chuyện với mình, biết là vì việc hôm nọ. Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc buồn chán, cho là vì việc Kim Xuyến hôm trước, có ý bẽn lẽn, nên không muốn hỏi. Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc ngồi thừ ra đấy, cho là vì hôm nọ có lỗi với Bảo Thoa, trong bụng khó chịu, cho nên dáng người uể oải. Phượng Thư thì vì chiều hôm trước Vương phu nhân kể lại cho nghe chuyện Bảo Ngọc với Kim Xuyến, biết là Vương phu nhân không vui, khi nào mình còn dám cười nói, nên lẳng lặng theo Vương phu nhân, bảo gì làm nấy. Chị em Nghênh Xuân thấy ai nấy buồn tẻ, thì cũng không vui. Vì thế họ ngồi một lúc rồi tản đi mỗi người mỗi ngả.
    Đại Ngọc xưa nay chỉ thích tan chứ không thích tụ, điều đó cũng có lý. Đại Ngọc nói: ?oNgười ta có họp thì phải có tan, lúc họp thì vui, đến khi tan, thì tránh sao khỏi buồn? Đã buồn thì đâm ra thương nhớ, chi bằng không họp nữa là hơn. Cũng như đóa hoa, khi nở thì người ta yêu mến, đến khi tàn càng khiến người ta thương tiếc, chẳng thà đừng nở là hơn?. Vì thế khi người ta cho là vui, thì cô ta lại đâm ra buồn. Tính tình Bảo Ngọc lại chỉ muốn cho người thường họp mà đừng tan, hoa thường nở mà đừng tàn; đến khi tiệc tan hoa tàn, dù có thương tiếc muôn phần, cũng không thể kéo lại. Vì thế bữa tiệc hôm nay mọi người đều cụt hứng ra về, Đại Ngọc thì không sao, nhưng Bảo Ngọc lại rất buồn rầu, về buồng than dài thở vắn.
    Vừa khi Tình Văn đem quần áo lại cho Bảo Ngọc thay, đánh rơi cái quạt xuống đất, làm gãy một nan xương.
    Bảo Ngọc liền mắng:
    - Đồ ngu! Đồ ngu! Không biết sau này làm ăn ra thế nào? Mai kia chị một mình đương lấy cơ nghiệp, không lẽ việc gì cũng không suy trước tính sau hay sao?
    Tình Văn cười nhạt:
    - Cậu Hai độ này đâm ra nóng nẩy quá, cũng nên nể mặt nhau một tí. Hôm nọ cậu đã đánh chị Tập Nhân, hôm nay lại xoi mói cả tôi. Muốn đấm đá ai là tùy ở cậu. Tôi chỉ đánh rơi một cái quạt thôi, có phải việc lớn lao gì cho cam. Khi trước biết bao nhiêu người đánh rơi đánh vỡ: nào bình pha lê, nào bát mã não, chẳng thấy cậu gắt bao giờ; nay có cái quạt mà cậu làm ra như vậy? Nếu không bằng lòng thì cậu đuổi ngay chúng tôi đi, tìm người khác giỏi thạo hơn đến hầu rồi cho chúng tôi ra, mỗi người mỗi ngả, chẳng hay hơn sao?
    Bảo Ngọc nghe nói, tức run người lên, nói:
    - Chị không phải lo, rồi cũng có ngày mỗi người mỗi ngả.
    Tập Nhân ở bên kia nghe thấy, vội chạy ra nói với Bảo Ngọc:
    - Tự dưng vô cớ, sao lại như thế? Tôi đã bảo mà, hễ vắng tôi lúc nào là y như có chuyện.
    Tình Văn cười nhạt:
    - Chị đã biết thế sao không đến mau, để cậu ấy khỏi phải sinh bực. Từ trước đến nay chỉ có một mình chị là biết hầu hạ cậu ấy thôi, còn chúng tôi có biết cái gì đâu. Chỉ vì chị hầu hạ khéo nên hôm nọ mới bị đá vào bụng! Chúng tôi vụng dại thế này, không biết rồi ra sẽ còn phạm những tội lỗi gì!
    Tập Nhân nghe mấy câu ấy, vừa bực tức, vừa xấu hổ, muốn nói lại, nhưng thấy Bảo Ngọc giận quá tái mặt lại, nên đành phải dịu lời, nói:
    - Em ơi! Hãy ra ngoài kia, đó là chúng tôi không phải với em đấy.
    Tình Văn nghe thấy hai tiếng ?oChúng tôi?, cho ngay là Tập Nhân muốn nói cô ta với Bảo Ngọc, trong bụng đâm ra ghen, liền cười nhạt mấy tiếng:
    - Tôi chả biết ai là ?oChúng tôi? cả, đừng để tôi phải hổ thẹn thay cho ai! Các người làm những việc thầm kín với nhau, giấu thế nào được tôi! Tôi cứ nói thẳng: ngay các cô nhà này cũng còn chưa với lên được, huống chi chị cũng như tôi, thế mà lại dám gọi ?oChúng tôi? à?
    Tập Nhân xấu hổ quá, tím bầm mặt lại, biết mình nói nhầm. Bảo Ngọc nói:
    - Các chị đứng tức khí nhau nữa, ngày mai tôi sẽ cất nhắc chị lên.
    Tập Nhân vội kéo tay Bảo Ngọc nói:
    - Chị ta là người hồ đồ, phân trần phải trái làm gì. Vả chăng cậu xưa nay là người có lòng, những việc to hơn nữa cũng còn bỏ qua, sao hôm nay lại thế?
    Tình văn cười nhạt:
    - Tôi vốn là người hồ đồ, ai thèm nói chuyện với tôi.
    Tập Nhân nói:
    - Chị cãi nhau với tôi hay là cãi nhau với cậu Hai? Nếu là giận tôi thì chị chỉ nên nói tôi thôi, đừng đả động đến cậu ấy, nếu giận cậu ấy thì không nên nói ầm lên cho mọi người biết. Vừa rồi tôi muốn đến dàn xếp, khuyên giải cho êm cửa êm nhà, thế mà chị lại kiếm chuyện vặc nhau cả với tôi! Chị chẳng ra giận tôi, cũng chẳng ra giận cậu Hai, cứ bắt quàng bắt xiên, hết chuyện này sang chuyện nọ. Ý chị định thế nào? Thôi tôi không nói nữa, để phần chị nói.
    Tập Nhân liền chạy ra ngoài.
    Bảo Ngọc bảo Tình Văn:
    - Chị không cần phải cáu kỉnh nữa, tôi đoán được bụng chị rồi. Tôi sẽ trình với bà: giờ chị đã lớn, nên cho chị về, chị có bằng lòng không?
    Tình Văn nghe vậy, trong lòng đau xót, liền rơm rớm nước mắt, nói:
    - Việc gì tôi phải về? Cậu ghét tôi, tìm cách đuổi tôi đấy thôi, như vậy sao đành?
    Bảo Ngọc nói:
    - Tôi chưa hề thấy có chuyện cãi cọ nhau như thế này bao giờ. Nhất định là chị muốn về. Tôi sẽ trình với bà cho chị về là yên chuyện.
    Nói xong đứng dậy chực đi ngay.
    Tập Nhân vội kéo Bảo Ngọc lại nói:
    - Cậu định đi đâu đấy?
    Bảo Ngọc nói:
    - Tôi đi trình bà đây.
    Tập Nhân cười nói:
    - Cậu thật chẳng có ý tứ gì cả! Cậu đi trình sẽ làm chị ấy xấu hổ. Nếu quả chị ấy muốn về, thì hãy chờ khi hết hẳn cơn giận đã, lúc nào sẽ trình với bà cũng chưa muộn. Bây giờ cậu cho là việc chính, hấp tấp đi trình ngay, chẳng làm bà sinh nghi hay sao?
    Bảo Ngọc nói:
    - Bà không ngờ đâu, tôi sẽ nói rõ là chị ấy sinh chuyện để đòi về đấy thôi.
    Tình Văn khóc lóc:
    - Tôi sinh chuyện để đòi về bao giờ? Cậu giận tôi, kiếm chuyện để dọa nạt tôi. Cậu cứ đi mà trình: tôi thà đập đầu chết ngay ở đây, chứ không chịu ra khỏi nhà này.
    Bảo Ngọc nói:
    - Thế mới lạ chứ! Chị không về, lại cứ sinh chuyện lôi thôi mãi. Thế này tôi không chịu nổi, chị về đi cho yên chuyện!
    Nói xong nhất định đi trình.
    Tập Nhân thấy ngăn không nổi, đành phải quỳ xuống. Bọn Bích Ngân, Thu Vân, Xạ Nguyệt thấy mấy người cãi nhau dữ quá, đều cứ lẳng lặng đứng ở ngoài nghe. Sau thấy Tập Nhân quỳ xuống van xin, họ liền rủ nhau quỳ cả xuống. Bảo Ngọc vội đỡ lấy Tập Nhân dậy, thở dài một cái, ngồi phịch xuống giường, bảo mọi người đứng cả dậy; rồi nói với Tập Nhân:
    - Bây giờ bảo tôi làm thế nào cho phải đây? Lòng tôi vỡ rạn cả rồi, có ai biết cho đâu?
    Nói xong nước mắt tràn ra. Thấy Bảo Ngọc chảy nước mắt, Tập Nhân cũng khóc. Tình Văn đứng bên cạnh cũng khóc. Bỗng thấy Đại Ngọc đến, Tình Văn liền đi ra.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Khéo chưa, ngày tết có việc gì mà khóc thế? Hay là tranh nhau ăn bánh chưng, rồi giận nhau đấy?
    Bảo Ngọc và Tập Nhân đều cười. Đại Ngọc nói:
    - Anh Hai ơi, chả đợi anh nói em cũng đã biết cả rồi.
    Đại Ngọc lại vỗ vào vai Tập Nhân cười nói:
    - Thưa bà chị dâu, cho em biết với, tất là hai anh chị đương cãi nhau, nếu chị nói với em, em sẽ dàn hòa giùm cho.
    Tập Nhân đẩy Đại Ngọc ra nói:
    - Thưa cô, cô nói nhảm gì thế? Tôi đây chỉ là một đứa con hầu thôi.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Chị bảo chị là con hầu, nhưng em coi chị như là chị dâu.
    Bảo Ngọc nói:
    - Vạ gì mà em cứ hay khoác chuyện dở cho chị ấy. Thôi đừng như thế. Nếu ai nói câu ấy, em nên ngăn đi mới phải, thế mà bây giờ lại chính tự miệng em nói ra.
    Tập Nhân cười nói:
    - Cô ơi! Cô không biết bụng tôi, chỉ khi nào tắt thở, chết đi là xong chuyện!
    Đại Ngọc cười nói:
    - Chị mà chết thì không biết người khác thế nào, chứ tôi thì tôi cũng phải khóc đến chết thôi.
    Bảo Ngọc nói:
    - Chị mà chết thì tôi đi tu.
    Tập Nhân nói:
    - Cậu nên đứng đắn một chút. Sao lại nói nhảm thế.
    Đại Ngọc giơ hai ngón tay lên, bĩu môi cười nói:
    - Hai lần đi tu rồi đấy nhé! Từ giờ trở đi, tôi sẽ xem, liệu anh ấy làm hòa thượng mấy lần.
    Bảo Ngọc biết Đại Ngọc lại nói móc mình câu chuyện hôm trước, nên chỉ cười thôi.
  7. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Một lúc Đại Ngọc đi rồi, có người đến nói: ?oCậu Tiết mời?. Bảo Ngọc đi ngay, vì biết Tiết Bàn mời uống rượu, không thể từ chối được. Mãi chiều tan tiệc mới về. Bảo Ngọc đang ngà ngà say, lảo đảo về đến sân, thấy đã đặt sẵn cái giường tựa để hóng mát, lại có người nằm ngủ ngay đó. Bảo Ngọc tưởng là Tập Nhân, liền ngồi cạnh giường lay dậy hỏi: ?oĐỡ đau chưa?? Người kia vùng dậy nói: ?oSao, lại còn gọi tôi làm gì??.
    Bảo Ngọc nhìn lại, không phải Tập Nhân, mà chính là Tình Văn. Bảo Ngọc kéo Tình Văn ngồi bên cạnh, cười nói:
    - Chị càng ngày càng làm nũng quen thân. Sớm hôm nay chị đánh rơi cái quạt, tôi nói vài câu, thế mà chị dám cãi lại những lời như vậy. Chị nói tôi đã đành, chị Tập Nhân có bụng tốt đến can, chị lại vặc nhau cả với chị ấy. Chị nghĩ xem thế có đúng không?
    Tình Văn nói:
    - Nóng nực thế này, cứ lôi lôi kéo kéo làm gì thế! Lỡ ra người ta trông thấy thì còn ra làm sao nữa! Thân tôi vốn không đáng ngồi ở đây!
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Đã biết là không đáng thì sao lại nằm xuống đây?
    Tình Văn chẳng biết trả lời thế nào, cười khì một cái rồi nói:
    - Cậu không đến đây thì được, chứ đã đến thì tôi không xứng đáng. Thôi tôi dậy để đi tắm rửa đây. Chị Tập Nhân và chị Xạ Nguyệt đã tắm rửa cả rồi, tôi sẽ gọi lại cho cậu.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Tôi vừa mới uống rượu xong, cũng muốn rửa. Nếu chị chưa rửa, thì xách nước lại đây, hai chúng ta cùng rửa.
    Tình Văn xua tay cười nói:
    - Thôi! Thôi! Tôi chả dám đụng tới ông trẻ. Còn nhớ hôm nào chị Bích Ngân hầu cậu tắm rửa, chẳng biết làm những trò gì, cho đến hai ba giờ, chúng tôi không tiện vào đấy. Khi tắm xong, vào xem, thấy nước ở dưới đất, ngấm ướt cả đến chân giường, ngay trên chiếu cũng dầm dề cả nước, chẳng biết tắm rửa ra thế nào. Chúng tôi đã cười với nhau trong mấy hôm liền. Tôi chẳng hơi đâu đi lấy nước, mà cậu cũng không cần tắm chung với tôi. Hôm nay mát trời, tôi cũng không tắm đâu, để tôi đi múc một chậu nước đến cậu rửa mặt, chải đầu thôi. Vừa rồi Uyên Ương đem cho mấy thứ quả tươi ướp trong lọ thủy tinh kia, cậu bảo họ mang đến cho cậu ăn không hơn à?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Đã như thế, chị không tắm, thì đi rửa tay, mang thứ quả ấy đến cho tôi ăn.
    Tình Văn nói:
    - Đã bảo tôi là hạng ngu xuẩn, cầm cái quạt cũng đánh rơi gãy, đáng đâu lấy quả cho cậu ăn, lỡ ra đánh vỡ cả khay, thì lại càng to chuyện.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Các đồ vật cốt để cho người ta dùng thôi, chị thích đập cái gì cứ việc mà đập. Chị thích cái này, tôi thích cái kia, mỗi người đều có một ý thích. Ví như cái quạt cốt là để quạt, chị thích xé nó ra mà chơi thì cứ việc xé, nhưng đừng nhân lúc giận mà đem xé nó ra cho hả. Cũng như cái chén, cái khay, cốt để đựng các đồ vật, nếu chị thích nghe tiếng vỡ, thì cứ đập đi cũng được, đừng nên nhân khi tức giận mà đập. Thế cũng là biết yêu đồ vật đấy.
    Tình Văn cười nói:
    - Đã thế cậu đưa cái quạt đây cho tôi xé, tôi thích nghe tiếng xé lắm.
    Bảo Ngọc đưa cái quạt cho Tình Văn. Quả nhiên ?oXoạt? một tiếng, cái quạt bị xé ra làm đôi, rồi cứ ?oXoạt xoạt? luôn mấy tiếng nữa.
    Bảo Ngọc đứng cạnh cười nói:
    - Tiếng xé hay đấy! Xé nữa mà nghe.
    Xạ Nguyệt ở đâu chạy đến, trừng mắt nhìn, gắt lên:
    - Ác nghiệt vừa vừa chứ!
    Bảo Ngọc giật ngay lấy cái quạt ở tay Xạ Nguyệt, đưa cho Tình Văn. Tình Văn cầm lấy xé ra làm mấy mảnh, rồi hai người cười ầm lên.
    Xạ Nguyệt nói:
    - Thế là thế nào? Lại đem cái quạt của tôi ra làm trò đùa đấy à?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Chị mở cái hộp quạt của tôi ra chọn lấy một cái mà dùng. Quí hoá gì cái này?
    - Đã thế thì mang hết cả quạt ra đây để tha hồ cho chị xé có được không?
    - Chị vào mang cả ra đây.
    - Không khi nào tôi làm trò tai ác như thế. Tay chị ta chưa què thì tự đi mà lấy.
    Tình Văn cười rồi tựa vào giường nói:
    - Giờ tôi mệt rồi, ngày mai lại xé.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Người xưa có câu ?oNghìn vàng khó mua được một tiếng cười? mấy cái quạt có đáng là bao?
    Bảo Ngọc vừa nói vừa gọi Tập Nhân. Tập Nhân thay quần áo chạy ra. Giai Huệ, một a hoàn nhỏ đến nhặt các mảnh quạt rách mang đi, rồi mọi người ngồi hóng mát ở đấy.
    o0o ​
    Trưa hôm sau, Vương phu nhân và chị em Bảo Thoa, Đại Ngọc đương ngồi ở trong buồng Giả mẫu, có người vào trình ?oCô Sử đến?. Một lúc, Sử Tương Vân và nhiều a hoàn, vú bõ đi vào sân. Bọn Bảo Thoa, Đại Ngọc vội xuống thềm đón. Chị em bạn trẻ hàng tháng vắng mặt, bây giờ gặp nhau, tất nhiên là vui vẻ thân mật. Một lúc vào trong buồng, đi chào hỏi mọi người.
    Giả mẫu liền bảo:
    - Trời nóng nực thế này, cháu cởi bớt quần áo ngoài ra.
    Tương Vân vội đứng dậy cởi áo.
    Vương phu nhân cười nói:
    - Chả thấy ai mặc như thế cả. Mặc vào để làm gì?
    Tương Vân cười nói:
    - Đó là thím Hai bảo cháu mặc đấy, chứ cháu có muốn mặc những thứ này đâu!
    Bảo Thoa đứng cạnh cười nói:
    - Dì không biết cô Sử thích mặc cả quần áo của người khác nữa kia đấy. Còn nhớ kỳ tháng ba, tháng tư năm ngoái, khi cô ấy ở đây, đã mặc áo, đi cả giày, đeo cả thắt lưng của cậu Bảo. Thoạt nhìn, giống hệt cậu Bảo, chỉ khác hai bên tai đeo hoa thôi. Cô ấy đứng tựa ở sau ghế, làm cụ tưởng lầm cứ gọi: ?oBảo Ngọc, cháu lại đây. Cẩn thận không thì cái đèn treo trên kia rơi tàn vào mắt đấy?. Cô ấy cứ đứng cười, không đi. Sau mọi người không nhịn được, cười phá lên, cụ cũng cười nói: ?oNó ăn mặc giả trai càng dễ coi hơn?.
    Đại Ngọc nói:
    - Việc ấy đã thấm vào đâu? Hồi tháng giêng năm trước cô ta sang đây ở được vài ngày, trời xuống tuyết. Hôm ấy bà và mợ đi lễ tổ về, bà cởi cái áo khoác lông vườn màu đỏ ra. Lừa lúc bà không trông thấy, cô ấy mặc ngay vào người, vừa rộng vừa dài, lại lấy cái khăn thắt ngang lưng, rồi ra sân sau cùng bọn a hoàn đập tuyết chơi, không ngờ trượt chân ngã, bùn lấm khắp người.
    Nói xong mọi người nhớ lại chuyện ấy, đều cười ầm lên.
    Bảo Thoa cười hỏi vú Chu:
    - Cô bé nhà vú độ này còn hay quấy nữa không?
    Vú Chu chỉ cười. Nghênh Xuân cười nói:
    - Hay quấy đã đành rồi, nhưng tôi lại ghét cô ta hay nói nhiều quá. Có khi đi ngủ vẫn còn lảm nhảm, hết nói lại cười, không biết những chuyện nhảm ấy từ đâu đem đến.
    Vương phu nhân nói:
    - Có lẽ bây giờ cháu đã khá rồi. Độ trước nghe nói có người đến xem mặt, thế là cháu đã sắp sửa về nhà chồng rồi, lẽ nào lại còn như trước.
    Giả mẫu hỏi:
    - Thế lần này sang chơi, cháu định ở lại hay về ngay?
    Vú Chu cười nói:
    - Cụ không thấy cô ấy đã mang cả quần áo sang đây, khi nào lại không ở chơi mấy ngày?
    Tương Vân hỏi:
    - Anh Bảo có ở nhà không?
    Bảo Thoa cười nói:
    - Cô ấy chẳng nhớ ai, chỉ nhớ cậu Bảo thôi. Vì hai người thích chơi đùa với nhau, thế thì vẫn chưa đổi được tính hay quấy.
    Giả mẫu nói:
    - Bây giờ các cháu đã lớn rối đừng gọi tên tục nhau ra nữa.
    Vừa nói xong, thì Bảo Ngọc chạy đến cười nói:
    - Em Vân đã sang đấy à? Hôm nọ anh cho người đi đón, sao em không sang?
    Vương phu nhân nói:
    - Bà vừa nói xong, chúng nó lại gọi tên tục nhau cả rồi.
    Đại Ngọc nói:
    - Anh cô có cái gì đẹp để dành cho cô đấy.
    Tương Vân hỏi:
    - Cái gì đấy?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Em tin lời cô ấy à! Mấy hôm không gặp, đã thấy lớn lên rồi.
    Tương Vân cười hỏi:
    - Chị Tập Nhân có khỏe không?
    Bảo Ngọc nói:
    - Vẫn khỏe, cảm ơn em nhớ đến.
    Tương Vân nói:
    - Tôi mang cái vật đẹp này sang cho chị ấy đây.
    Nói xong, Tương Vân giở cái khăn lụa, lấy ra một gói con. Bảo Ngọc nói:
    - Lại cho cái gì đẹp đấy? Chi bằng em cho chị ta mấy cái nhẫn ngọc thạch thanh màu đỏ, như hôm nọ đã đưa sang đây ấy.
    Tương Vân cười hỏi:
    - Đây là cái gì?
    Mở gói ra, mọi người xem, quả nhiên một gói bốn chiếc nhẫn màu đỏ là thứ nhẫn đã cho mang sang lần trước.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Các chị em xem cô ta như thế đấy. Hôm nọ cho người đưa sang các thứ nhẫn cho chúng tôi, tại sao cô không đưa cả sang một thể, có tiện hơn không? Hôm nay cô lại tự mình mang sang. Tôi cứ tưởng là cái gì mới lạ kia, hoá ra vẫn là thứ nhẫn này. Cô thực là người hồ đồ.
    Tương Vân cười nói:
    - Chính chị mới hồ đồ, để tôi kể rõ đầu đuôi cho mọi người nghe, xem ai hồ đồ? Tôi đưa thứ gì cho các cô, thì sai người mang sang, không phải dặn dò, chỉ cần xem qua một lượt cũng đã biết ngay rồi. Nhưng nếu sai người ta đưa cái gì cho các chị a hoàn, là tôi phải dặn dò cẩn thận, thứ này đưa cho chị này, thứ kia đưa cho chị kia. Người sai đi mà biết được rành mạch còn khá, nếu gặp phải người vớ vẩn, không nhớ được rõ, cứ đưa bừa đi, tên nọ đánh ra tên kia, sẽ bị nhầm lẫn hết. Nếu bà già đi còn khá, nhưng hôm nọ tôi lại sai đứa bé con mang sang, làm thế nào mà dặn dò cho nó nhớ hết những tên họ của a hoàn bên này? Bây giờ chính tay tôi mang sang đưa cho họ, chẳng rành rọt hơn hay sao?
    Tương Vân nói rồi bỏ gói nhẫn ra, bảo:
    - Chị Tập Nhân một chiếc, chị Uyên Ương một chiếc, chị Kim Xuyến một chiếc, chị Bình Nhi một chiếc. Tất cả là bốn người. Thế thì bọn trẻ con nhớ rành mạch làm sao được?
    Mọi người đều cười nói:
    - Quả là rõ ràng.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Vẫn mồm mép liến thoắng, chẳng chịu thua ai.
    Đại Ngọc cười nhạt:
    - Nếu cô ấy nói không rành mạch thì đáng đeo con ?oKỳ lân vàng? thế nào được?
    Nói xong liền chạy đi chỗ khác. May sao mọi người không ai nghe thấy, chỉ có Bảo Thoa bĩu môi cười. Bảo Ngọc thấy thế, hối hận mình đã lỡ lời; thấy Bảo Thoa cười, cũng cười theo. Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc cười, vội đứng dậy, lần đến nói chuyện với đại Ngọc.
    Giả mẫu bảo Tương Vân:
    - Uống nước trà xong, cháu đi nghỉ một lúc, rồi đến thăm các chị cháu. Ngoài vườn mát đấy, cháu sẽ đi chơi với các chị ấy.
    Tương Vân vâng lời, gói bốn cái nhẫn lại, nghỉ một lúc, rồi đi thăm Phượng Thư. Bọn vú bõ, người hầu cùng đi theo. đến đó, mọi người cười một lúc, rồi sang vườn Đại Quan, vào thăm Lý Hoàn; ngồi một lát, lại sang viện Di Hồng tìm Tập Nhân. Tương Vân quay lại bảo bọn người hầu: ?oCác cô không phải theo tôi. Ai muốn đi thăm bà con cứ đi, để một mình Thúy Lũ theo hầu tôi là đủ?.
    Mọi người vâng lời, để Tương Vân, Thúy Lũ ở lại đấy, rồi đi thăm bà con.
  8. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Thúy Lũ nói:
    - Hoa sen này làm sao không nở?
    Tương Vân nói:
    - Chưa đến mùa.
    - Cái hoa này cũng như hoa trong ao nhà ta, đó là hoa kép.
    - Hoa ở đây không bằng hoa của nhà ta.
    - Bên này có hoa thạch lựu bốn năm cành xúm xít lại, chùm nọ nằm chồng lên chùm kia, sao mà đẹp thế!
    - Hoa cỏ cũng như người ta vậy. Khí mạch mà đầy đủ, thì càng lớn càng đẹp.
    Thúy Lũ lắc đầu nói:
    - Cô nói thế cháu không tin, nếu bảo rằng cây cối cũng như người ta, thì sao cháu không thấy người nào trên đầu lại mọc thêm một cái đầu nữa?
    Tương Vân bật cười:
    - Ta đã bảo em không nên nói nhiều, thế mà em cứ thích nói. Hỏi thế thì người ta trả lời làm sao được? Trong trời đất, vật gì cũng đều nhờ âm dương mà sinh ra, chính hay tà, kỳ hay quái, biến hoá đủ đường, cũng đều do âm dương thuận hay nghịch mà ra. Ngay những giống từ khi mới sinh, ít người trông thấy, rút cuộc đều cùng một lẽ cả.
    - Nếu nói như thế thì từ khi có trời đất đều là âm dương cả à?
    - Con bé này ngớ ngẩn quá! Càng nói càng bậy, thế nào lại ?oĐều là âm dương cả?. Vả lại, hai chữ âm dương chỉ là một, nghĩa là hết dương đến âm, hết âm đến dương, chứ không phải hết âm mới sinh ra dương, hay là hết dương mới sinh ra âm đâu.
    - Thực là mơ hồ chán chết đi được! Thế nào là âm với dương? Chẳng có hình có bóng à? Cháu chỉ hỏi cô, cái hình dạng âm dương nó ra thế nào?
    - Âm với dương chẳng qua là khí thôi. Nhờ có khí ấy, các vật mới thành hình chất. Ví như trời là dương, thì đất là âm; nước là âm, thì lửa là dương; mặt trời là dương, thì mặt trăng là âm.
    - Phải đấy, bây giờ cháu hiểu rồi. Chẳng trách người ta gọi mặt trời là ?oThái dương?, người xem số gọi mặt trăng là sao ?oThái âm?, đó là lẽ thế đấy.
    - A di đà phật! Bây giờ em mới hiểu ra.
    - Những cái ấy có âm dương đã đành rồi, còn đến ruồi, muỗi, sâu, bọ, hoa cỏ, mảnh ngói, viên gạch cũng có âm dương cả sao?
    - Cái gì mà chẳng có, ví như một lá cây cũng có âm dương khác nhau, mặt ngửa lên trời là dương, mặt úp xuống đất là âm.
    Thúy Lũ gật đầu cười nói:
    - Thế à! Bây giờ cháu mới hiểu. Cái quạt chúng ta cầm ở tay đây, thế nào là âm, thế nào là dương?
    - Mặt phải là dương, mặt trái là âm.
    Thúy Lũ gật đầu cườì, còn muốn tìm mấy thứ nữa để hỏi, nhưng chưa nghĩ ra. Chợt cúi đầu nhìn thấy Tương Vân đeo cái dây có con kỳ lân vàng, liền cầm lấy cười hỏi:
    - Cái này có âm dương không hở cô?
    - Muông chạy, chim bay, thì giống đực là dương, giống cái là âm, cái gì mà chẳng có.
    - Thế thì con kỳ lân của cô đeo đó là đực hay cái?
    - Tôi cũng không biết.
    - Thế thì thôi vậy. Tại sao cái gì cũng có âm dương mà chúng ta lại không có?
    Tương Vân sa sầm nét mặt nói:
    - Đồ ngu! Thôi cút đi, càng hỏi càng nói tầm bậy.
    - Cái đó có gì mà cô không bảo cho cháu biết. Cháu cũng hiểu rồi, cô đừng vặn vẹo cháu nữa.
    - Em hiểu thế nào?
    - Cô là dương, cháu là âm.
    Tương Vân lấy khăn lụa bịt mồm cười. Thúy Lũ nói:
    - Nói đúng mà cô lại cười à.
    - Đúng lắm, đúng lắm!
    - Người ta thường nói chủ nhà là dương, đầy tớ là âm, ngay những lẽ thường như thế, mà em cũng không hiểu hay sao?
    - Em hiểu lắm rồi.
    Hai người đi đến dưới giàn hoa tường vi, Tương Vân trỏ tay bảo:
    - Em xem kìa, cái gì vàng lóng lánh như đồ trang sức của ai đánh rơi.
    Thúy Lũ vội chạy đến nhặt lên tay, cười nói:
    - Cái này sẽ phân biệt ra được âm dương!
    Nói rồi cầm con kỳ lân của Tương Vân xem. Tương Vân muốn xem cái mới nhặt được, nhưng Thúy Lũ không chịu đưa, cười nói:
    - Cái này là cái bảo bối, cô không xem được đâu! Lạ chưa? ở đâu mà đến đây? Xưa nay cháu không trông thấy ở ai có cái này cả.
    - Đưa tôi xem nào.
    Thúy Lũ xòe tay ra cười nói:
    - Đây mời cô xem.
    Tương Vân nhìn xem, thì ra một con kỳ lân vàng, so với con của mình đeo vừa to vừa có văn vẻ hơn. Tương Vân nâng lấy để vào lòng bàn tay, đứng ngẩn người ra, lặng lẽ không nói một lời. Chợt thấy Bảo Ngọc ở đầu kia đi tới, cười nói:
    - Em đứng dưới ánh mặt trời này làm gì? Tại sao không đi tìm Tập Nhân?
    Tương Vân vội giấu con kỳ lân đi và nói:
    - Em định đến đây, chúng ta cùng đi một thể.
    Nói xong, hai người cùng đi đến viện Di Hồng.
    Tập Nhân đương ở dưới thềm, đứng tựa bao lan hóng mát, thấy Tương Vân đến, vội vàng ra đón, dắt tay nhau cười nói hàn huyên, rồi vào nhà mời ngồi. Bảo Ngọc liền nói:
    - Em nên sang sớm là phải, anh có một cái đẹp lắm, chỉ để chờ em thôi!
    Nói xong sờ vào người một lúc rồi kêu ?oÁi chà? một tiếng, hỏi Tập Nhân:
    - Cái ấy của tôi, chị cất có phải không?
    - Cái gì kia chứ?
    - Con kỳ lân lấy được hôm trước ấy mà.
    - Ngày nào cậu cũng đeo luôn trong mình, lại còn hỏi tôi?
    Bảo Ngọc vỗ tay một cái nói:
    - Thôi, tôi đánh rơi mất rồi, tìm ở đâu được bây giờ?
    Rồi đứng dậy chực đi tìm.
    Tương Vân nghe thấy thế, biết là của Bảo Ngọc đánh rơi, cười nói:
    - Anh có con kỳ lân ấy từ bao giờ?
    - Hôm nọ tình cờ người ta cho tôi, nhưng không biết đánh rơi ở đâu và từ lúc nào? Tôi thực là hồ đồ quá.
    Tương Vân cười nói:
    - Nó là đồ chơi, mà anh cũng hoảng lên như thế.
    Liền đưa con kỳ lân ra cười hỏi:
    - Anh xem, có phải con này không?
    Bảo Ngọc trông thấy vui mừng khôn xiết.
    (Hết hồi ba mươi mốt)
  9. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ ba mươi hai
    Giải bày hết tâm can, Bảo Ngọc đâm ra mê mẩn
    Không chịu được sỉ nhục, Kim Xuyến đành phải liều thân
    Bảo Ngọc trông thấy con kỳ lân, trong bụng rất vui sướng, giơ tay cầm lấy, cười nói:
    - May em nhặt được! Nhưng tại sao em lại nhặt được?
    Tương Vân cười nói:
    - May mà là cái này, chứ mai sau đánh rơi cái ấn, chả lẽ anh cũng chịu hay sao?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Mất cái ấn, chỉ là việc thường, chứ mất cái này thì anh thật đáng chết.
    Tập Nhân pha nước đem lại mời Tương Vân uống, rồi cười nói:
    - Cô ơi, hôm nọ tôi nghe cô có tin mừng lớn.
    Tương Vân đỏ mặt, ngoảnh đầu đi phía khác uống nước, không trả lời. Tập Nhân cười nói:
    - Bây giờ cô lại đâm ra xấu hổ. Còn nhớ một buổi chiều năm nào, chúng ta ngồi ở gác bên tây nói chuyện với nhau không? Khi ấy cô không thẹn thò gì cả, sao bây giờ cô lại thẹn?
    Tương Vân lại đỏ bừng mặt lên gượng cười nói:
    - Chị còn nhắc lại việc ấy làm gì! Lúc bấy giờ chúng ta đằm thắm với nhau lắm, sau mẹ tôi chết, nhà tôi dọn đi ở xa, vì thế người ta mới gán chị cho anh Bảo, bây giờ tôi đến đây, chị đối đãi với tôi không còn như trước nữa.
    Tập Nhân cũng đỏ mặt lên, cười nói:
    - Thôi đi, lúc trước thì một điều chị, hai điều chị, nhờ tôi chải đầu, rửa mặt, lấy cái nọ, chơi cái kia; bây giờ lại làm ra bộ tiểu thư. Cô đã thế, thì tôi còn dám gần gũi sao được?
    Tương Vân nói:
    - A di đà phật! Oan uổng quá! Tôi mà như thế thì chết ngay lập tức. Chị xem, trời nóng thế này, vừa đến đây, tôi lại thăm chị trước tiên. Chị không tin, thử hỏi con Lũ xem. Khi tôi ở nhà, từng giờ từng phút, không lúc nào không nhắc nhở đến chị?
    Tập Nhân và Bảo Ngọc nghe nói, đều cười:
    - Nói đùa mà lại cho là thực, cô vẫn còn giữ tính nóng nẩy ấy.
    - Chị có biết đâu, cứ nói nhưng câu chọc tức người ta, rồi lại trách người ta nóng tính.
    Vừa nói vừa mở cái khăn lụa ra, lấy nhẫn đưa cho Tập Nhân. Tập Nhân cảm ơn mãi, cười nói:
    - Hôm nọ cô gửi quà cho các cô bên này, tôi cũng đã được một phần rồi. Hôm nay cô lại thân hành mang nhẫn đến cho tôi, thế mới biết không bao giờ cô quên tôi. Tôi nói thế để thử bụng cô đấy thôi. Cái nhẫn có đáng là bao? Thế đủ biết lòng thực của cô.
    Tương Vân hỏi:
    - Ai đưa cho chị?
    - Cô Bảo đưa cho tôi.
    Tương Vân thở dài:
    - Thế ra cô Bảo cho chị à? Tôi cứ tưởng là cô Lâm. Khi tôi ở nhà, luôn luôn nghĩ đến các chị em bên này, Không ai tốt bằng Cô Bảo. Tiếc rằng chúng tôi không phải là chị em ruột. Nếu tôi được một người chị ruột như thế, thì có mồ côi cha mẹ cũng không lo.
    Nói xong, mắt đỏ hoe. Bảo Ngọc nói:
    - Thôi, thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.
    Tương Vân nói:
    - Nhắc đến chuyện ấy thì sao? Tôi biết bụng anh rồi. Anh chỉ sợ cô Lâm nhà anh nghe thấy, lại tức tối vì tôi chỉ biết khen cô Bảo thôi. Có phải thế không?
    Tập Nhân đứng cười khì một tiếng, nói:
    - Cô Vân bây giờ lớn lên, bụng dạ thẳng thắn, có gì nói tuột ngay ra.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Tôi thường bảo mấy chị em các cô thực khó nói chuyện quá, quả là không sai.
    Tương Vân nói:
    - Thôi xin anh đừng nói nữa, lại làm cho tôi bực mình. Bây giờ trước mặt tôi thì anh nói thế, nhưng khi gặp cô Lâm nhà anh, chẳng biết anh lại tán tụng đến thế nào.
    Tập Nhân nói:
    - Thôi đừng nói chuyện đùa nữa, tôi có một việc cần nhờ cô
    - Việc gì đấy?
    - Có một đôi giày, tôi đã cắt vải rồi, nhưng mấy hôm nay người không được khỏe, nên không làm được. Cô có rỗi làm giúp hộ tôi.
    - Lạ thật! Nhà chị bao nhiêu là người khéo, biết thêu thùa, biết cắt may, tại sao lại nhờ tôi làm? Công việc của chị nhờ ai mà chả được?
    Tập Nhân cười nói:
    - Cô lại hồ đồ rồi! Cô vẫn chưa biết à? Những đồ thêu thùa trong nhà này, có phải người biết thêu thùa là làm được đâu!
    Tương Vân nghe nói, biết ngay là giày của Bảo Ngọc, cười nói:
    - Đã thế thì tôi làm hộ chị. Nhưng có một điều là, có thực của chị thì tôi mới làm, chứ của người khác thì tôi không làm đâu.
    - Cô lại khéo giở trò! Tôi là người thế nào mà dám nhờ cô thêu hộ giày. Nói thực với cô, đây không phải là giày của tôi. Nhưng bất cứ của ai, nếu cô làm hộ thì tôi biết ơn cô là đủ rồi.
    - Cứ lẽ ra tôi đã làm hộ chị nhiều thứ rồi, bây giờ chắc chị cũng hiểu vì sao tôi không làm hộ.
    - Tôi vẫn chưa hiểu gì cả.
    - Tôi nghe nói đã có lần mang cái quạt của tôi ra sánh với cái quạt của người ta, rồi tức bực cắt tan ra. Tôi biết, chị lại còn giấu tôi à? Bây giờ chị lại bảo tôi làm, thế ra tôi là đầy tớ các người đấy nhỉ?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Hôm trước, thực không biết cái đó là của em làm!
    Tập Nhân cười:
    - Cậu ấy thực không biết là của cô làm, đó là tôi nói dối cậu ấy rằng gần đây ở ngoài phố có em bé làm quạt rất khéo, cắt được những kiểu hoa lạ lắm. Tôi lấy một cái đem về xem có đẹp hay không. Cậu ấy tin là thật, đưa cho người này người nọ xem, không ngờ lại làm cô Lâm tức giận, đem cắt ra làm đôi. Sau cậu ấy lại bảo tôi thuê làm một cái khác, tôi mới nói thực là của cô làm. Cậu ấy thấy vậy hối hận không biết chừng nào!
    Tương Vân nói:
    - Như thế lại càng lạ lắm. Việc gì đến cô Lâm mà cô ấy phải tức. Cô ấy đã biết cắt, chắc cô ấy phải biết làm.
    Tập Nhân nói:
    - Cô ấy không làm đâu. Như thế mà cụ còn sợ cô ấy khó nhọc đấy! Thầy thuốc lại bảo nên tĩnh dưỡng nhiều cho khỏe. Như vậy thì ai còn dám phiền cô ấy làm nữa? Năm ngoái, suốt cả năm cô ấy chỉ làm được có một cái túi hương, giờ đã nửa năm rồi, vẫn chưa thấy đụng đến kim chỉ.
    Đương nói thì có người vào trình ?oCó khách ở phố Hưng Long đến chơi, ông gọi cậu Hai ra tiếp?. Bảo Ngọc nghe nói, biết ngay là Giả Vũ Thôn, trong bụng rất khó chịu. Tập Nhân vội đi lấy quần áo. Bảo Ngọc vừa xỏ giày vừa lẩm bẩm: ?oĐã có ông ngồi tiếp ông ta là đủ rồi, việc gì lần nâo cũng đòi gặp tôi?.
    Tương Vân phe phẩy cái quạt cười nói:
    - Vì anh khéo chiều khách, nên ông mới bảo anh ra tiếp.
    - Nào phải ông bảo đâu, chỉ tại cái lão ấy muốn gặp tôi đấy thôi.
    - Chủ mà nhã thì khách năng đến chơi, chắc là anh có nhiều điều tốt làm ông ta lưu ý đến, mới muốn gặp anh.
    - Thôi, thôi, tôi không dám hứng lấy những cái nhã ấy, chẳng qua tôi là một người tục, tục nhất trong đám tục, không muốn đi lại với hạng người ấy!
    - Cái tính ấy vẫn chưa chịu bỏ. Bây giờ anh lớn rồi, dù anh không muốn thi đỗ cử nhân tiến sĩ, thì cũng nên năng gặp gỡ những bậc quan sang, bàn đến bước đường tiến cử để ra gánh vác việc đời, giúp nước giúp dân, nên cần phải có bạn bè qua lại. Chứ quanh năm anh cứ luẩn quẩn với bọn chị em chúng tôi, thì còn làm được trò trống gì nữa?
    Bảo Ngọc nghe thấy những câu ấy, trái tai lắm, liền nói:
    - Xin mời cô sang ngồi chơi bên nhà khác. Chứ nhà tôi đây thực làm nhơ bẩn đến những người hiểu việc trị nước giúp dân ấy.
    Tập Nhân vội nói đỡ
    - Thôi, cô đừng nói chuyện với cậu ấy nữa. Kỳ trước cô Bảo cũng có một lần nói đến việc này, cậu ấy không nể mặt, đằng hắng một tiếng rồi xỏ giày đi luôn. Cô Bảo đang nói, thấy cậu ấy bỏ đi, thẹn đỏ mặt lên, không biết nên nói hay đừng. May là cô Bảo, chứ cô Lâm thì chưa biết sinh chuyện đến thế nào, khóc lóc đến thế nào. Nhắc đến chuyện này, người ta phải kính phục cô Bảo, cô ấy ngồi một lúc rồi về. Tôi không đành lòng, cho là cô ấy thế nào cũng giận, không ngờ sau đã lại tử tế như thường, thực là người có độ lượng, bụng dạ rất là rộng rãi. Ai ngờ cậu ấy lại không chơi thân với cô ta! Còn cô Lâm, hễ thây cậu ấy giận là cô ta không cần nhìn đến, dần dần cậu ấy lại phải đến xin lỗi, cứ thế không biết bao nhiêu lần. Bảo Ngọc nói:
    - Cô Lâm có bao giờ nói những câu nhảm ấy đâu? Nếu nói đến thì tôi đã xa cô ấy từ lâu rồi.
    Tập Nhân và Tương Vân lắc đầu cười nói:
    - Những câu ấy mà nhảm à?
  10. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Đại Ngọc biết trước là Tương Vân sang chơi thế nào Bảo Ngọc cũng nhắc đến chuyện con kỳ lân, nghĩ bụng: ?oGần đây Bảo Ngọc hay xem những chuyện tiểu thuyết, phần nhiều giai nhân, tài tử được gặp nhau là do những đồ chơi lặt vặt, khéo léo xe nên, hoặc là do uyên ương, hoặc là do phượng hoàng, hoặc là vòng ngọc, dây vàng, hoặc là khăn giao(1) dây loan đều nhờ những vật nhỏ ấy mà thỏa được ý nguyện suốt đời?. Nay thấy Bảo Ngọc có con kỳ lân, tất sẽ mượn cái ấy mà sinh chuyện, hòng khêu gợi tình tứ với Tương Vân chăng? Vì thế Đại Ngọc lẳng lặng đi đến, tùy cơ để dò xét ý tứ hai người, không ngờ vừa tới nơi, nghe thấy Tương Vân đương nói việc trị nước giúp dân, và nghe Bảo Ngọc trả lời: ?oKhông khi nào cô Lâm lại nói nhưng câu nhảm ấy, nếu nói đến, tôi đã xa cô ấy lâu rồi?.
    Đại Ngọc nghe vậy, mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương. Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là ngưòì tri kỷ, giờ quả thực như vậy. Sợ là: trước mặt người khác, anh ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn không hề e ngại tý gì; tủi là: anh đã là tri kỷ của tôi, thì tất nhiên tôi cũng là tri kỷ của anh. Anh và tôi đã là một đôi tri kỷ, thì tại sao lại còn có chuyện ?ovàng? với ?ongọc?. Mà dù có chuyện ?ovàng ngọc? thì vàng ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi, chứ tại sao lại còn có cô Bảo Thoa nữa? Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có những lời ghi lòng tạc dạ, nhưng không có ai tác thành cho ta. Vả chăng, gần đây đã chớm có bệnh, tinh thần hoảng hốt. Thầy thuốc bảo: ?oKhí suy huyết kém, sợ rồi sinh ra chứng lao?. Tôi dù là tri kỷ của anh, nhưng sợ không thể chờ lâu được. Anh dù là tri kỷ của tôi, nhưng tôi bạc mệnh thì làm thế nào? Nghĩ đến nông nỗi ấy, Đại Ngọc không cầm nổi nước mắt; muốn đi vào để gặp nhau, nhưng lại nghĩ hơi trẽn, đành gạt nước mắt quay về.
    Bảo Ngọc vội vàng mặc quần áo rồi đi ra, thấy Đại Ngọc lững thững đi trước, hình như đương gạt nước mắt, liền chạy ngay đến, cười hỏi:
    - Em ơi, đi đâu đấy? Làm sao lại khóc? Lại ai có lỗi với em thế?
    Đại Ngọc quay lại thấy Bảo Ngọc, liền gượng cười nói:
    - Em có khóc đâu.
    - Em xem, nước mắt chưa ráo, lại còn nói dối à!
    Vừa nói, Bảo Ngọc vừa giơ tay lên lau nước mắt hộ, Đại Ngọc vội lùi lại mấy bước nói:
    - Anh lại muốn chết đấy! Làm trò gì mà ngứa ngáy chân tay như thế?
    - Mải nói chuyện quá anh quên hẳn đi, tay tự nhiên ngứa ngáy, không nghĩ gì đến sống hay chết cả.
    - Chết thì đáng kể gì, chỉ có điều là phải bỏ lại vàng, và con kỳ lân nào đó, thì làm thế nào!
    Câu ấy làm cho Bảo Ngọc phát cáu, vội chạy đến hỏi:
    - Em nói không câu này, là rủa tôi hay là chọc tức tôi?
    Đại Ngọc nghĩ ngay đến việc hôm trước, hối hận mình đã trót nông nổi, liền cười nói:
    - Anh đừng cáu vội, em nói lỡ lời đấy. Câu ấy có can hệ gì đâu? Thế mà mắt đã nổi gân lên, mồ hôi đã toát ra.
    Vừa nói vừa đến gần giơ tay lau mồ hôi cho Bảo Ngọc.
    Bảo Ngọc nhìn một lúc rồi nói:
    - Em hãy cứ yên tâm.
    Đại Ngọc ngẩn người ra một lúc rồi nói:
    - Có việc gì mà em không yên tâm? Em không hiểu câu nói của anh. Anh nói lại xem thế nào là yên tâm với không yên tâm?
    Bảo Ngọc thở dài một cái hỏi:
    - Quả thực em không hiểu câu ấy à? Không lẽ lòng anh gắn bó với em từ bấy lâu nay đều là nhầm cả hay sao? Ngay đến tính nết của em, anh cũng không biết chiều chuộng, chả trách ngày nào em cũng vì anh đâm ra bực tức.
    Đại Ngọc nói:
    - Quả thực em không hiểu câu nói yên tâm hay không yên tâm.
    Bảo Ngọc lắc đầu thở dài:
    - Thôi em đừng giấu anh nữa. Nếu quả thực em không hiểu câu ấy, thì không những uống cả tấm lòng của anh bấy lâu nay, mà phụ cả tâm lòng của em đối với anh nữa. Chỉ vì em không yên tâm, thành ra đau ốm luôn. Nếu em được khoan khoái một chút, thì bệnh đến nỗi nào ngày càng nặng như thế.
    Đại Ngọc nghe nói, người choáng lên như sấm ran sét đánh, ngẫm nghĩ từng ly từng tí, mới biết câu nói ấy rất thấm thía, hơn là moi tự trong gan trong ruột mình ra, có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không nói ra được nửa lời, chỉ cứ trừng trừng nhìn Bảo Ngọc. Bấy giờ trong bụng Bảo Ngọc cũng có hàng vạn câu muốn nói, nhưng không biết bắt đầu từ câu gì, nên cũng trừng trừng nhìn Đại Ngọc. Hai người đứng đờ người ra một lúc, rồi Đại Ngọc ho một tiếng, nước mắt ròng ròng, quay đầu chực chạy. Bảo Ngọc vội kéo lại nói:
    - Em ơi, đứng lại một tí, để anh nói một câu đã rồi hãy đi.
    Đại Ngọc gạt nước mắt, đẩy tay Bảo Ngọc ra nói:
    - Còn có câu gì đáng nói nữa? Những câu anh muốn nói em biết cả rồi.
    Nói xong cắm đầu chạy ngay.
    Bảo Ngọc vẫn cứ đứng ngẩn người ra nhìn. Lúc ra đi, Bảo Ngọc vội quá, nên không mang quạt. Tập Nhân sợ trời nóng, cầm quạt đuổi theo, thấy Đại Ngọc đứng đấy một lúc; Đại Ngọc đi, còn trơ Bảo Ngọc ở đấy, Tập Nhân vội chạy lại nói:
    - Cậu quên không mang quạt, may tôi trông thấy, mang lại cho cậu.
    Bảo Ngọc đương thờ thẫn vẩn vơ, nghe tiếng Tập Nhân, cũng không nhận ra được là ai, chỉ đờ mặt ra nói: ?oEm ơi! Nỗi lòng của anh lâu nay không dám nói ra, bây giờ anh cả gan nói ra, dù chết anh cũng cam lòng! Vì em mà anh đeo bệnh, nhưng đành cứ chịu, không dám nói với ai. Chỉ khi nào em khỏi bệnh, thì may ra bệnh anh mới khỏi được. Cả trong giấc ngủ mơ màng, anh cũng không bao giờ quên được em!?
    Tập Nhân nghe nói, sợ hoảng hồn kêu to ?oTrời giết tôi!? Vội đẩy Bảo Ngọc ra nói:
    - Cậu nói gì thế? Bị ma làm hay sao? Còn không đi à?
    Bảo Ngọc tỉnh lại, mới biết là Tập Nhân, thẹn đỏ mặt lên, nhưng người vẫn ngớ ngẩn, liền cầm lấy cái quạt đi luôn, không nói câu gì.
    Được letdown sửa chữa / chuyển vào 00:49 ngày 24/04/2006

Chia sẻ trang này