1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hồng lâu mộng - Tào Tuyết Cần

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 01/08/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ ba mươi chín
    Già nhà quê hay nói huênh hoang
    Cậu có tình cứ tìm ngành ngọn ​
    Mọi người thấy Bình Nhi đến, đều hỏi:
    - Mợ chị ở nhà làm gì mà không thấy đến?
    - Mợ ấy có được rỗi đâu? Vì ở nhà không có món gì ăn ngon, lại không thể sang đây được, nên mợ ấy bảo tôi đến hỏi xem có còn cua hay không, xin mấy con mang về nhà ăn.
    Tương Vân nói:
    - Có nhiều lắm!
    Liền sai người mang cái làn đựng mười con cua lớn.
    Bình Nhi nói:
    - Cho thêm mấy con cua cái nữa.
    Mọi người lại kéo Bình Nhi ngồi xuống. Bình Nhi không chịu ngồi. Lý Hoàn cười nói:
    - Thì cứ ngồi xuống đã nào.
    Rồi kéo Bình Nhi ngồi xuống, rót một chén rượu, đưa lên miệng cô ta. Bình Nhi vội hớp một ngụm, định đi ngay. Lý Hoàn bảo:
    - Chưa cho cô đi vội. Cô mới chỉ biết có mợ Phượng nhà cô thôi còn tôi thì cô không thèm nghe lời gì cả.
    Liền quay bảo bọn bà già:
    - Hãy mang làn cua này sang biếu mợ Phượng, và nói rằng ta còn giữ cô Bình ở lại chơi.
    Một lúc, bà già mang cái làn về nói:
    - Mợ Hai nói: các mợ và các cô đừng cười, hãy nếm món này đã. Trong làn này đựng bánh xốp và bánh cuốn mỡ gà của của bà mợ đưa sang cho các mợ và các cô ăn.
    Bà ta lại ngoảnh vào nói với Bình Nhi:
    - Mợ bảo rằng: Sai chị đi mà chị cứ tham ăn, không chịu về ngay. Mợ lại dặn chị uống ít rượu chứ.
    Bình Nhi cười nói:
    - Tôi uống nhiều thì làm gì tôi!
    Vừa nói vừa uống rượu vừa ăn cua. Lý Hoàn ôm lấy Bình Nhi, cười nói:
    - Đáng tiếc dáng điệu mặt mũi thế này mà số phận lại kém cỏi, chỉ là người hầu hạ trong nhà thôi! Người ngoài ai trông thấy, chẳng bảo cô là hạng các mợ, các bà.
    Bình Nhi vừa uống rượn với bọn Bảo Thoa, Tương Vân, vừa quay lại cười nói:
    - Xin mợ đừng sờ vào người tôi đâm ngứa ngáy khó chịu.
    Lý Hoàn hỏi:
    - Ái chà! Đeo cái gì mà rắn thế này?
    - Chùm chìa khóa đấy.
    - Có cái gì quan hệ sợ người ta ăn trộm mà phải đeo luôn trong người thế? Ngày thường tôi vẫn nói với mọi người, có Đường Tăng(1) đi lấy kinh, thì phải có con ngựa trắng chở kinh; có Lưu Trí Viễn(2) ra đánh dẹp thiên hạ, thì phải có con hồ tinh cho mũ giáp. Có mợ Phượng thì phải có cô Bình! Cô là chìa khoá của mợ cô rồi, lại còn dùng chìa khóa này làm gì nữa?
    *********************

    (1) (ND) Đường Tăng: Tức cao tăng Thích Huyền Trang, tên tục Trần Huy, đời Đường (sinh 602), sang Ấn Độ lấy kinh. Vua cấm đi, ông trốn ra cửa Ngọc Quan, rồi đến Thiên Trúc, vào chào Thượng tọa giới hiền, người cho vào nước Chi La. Vua nước ấy cấp cho tuấn mã chở kinh về, tất cả hơn 600 bộ.
    * Ông là một trong dịch giả lớn chuyên dịch sách Phạn ngữ ra tiếng Hán.
    (2) Lưu Trí Viễn: Một viên tướng người Sa Đà, thời Ngũ Đại (947 - 951) ), tiến vào Đại Lương xưng đế, gọi nước là Hậu Hán, cầm quyền 1 năm rồi chết.
    *********************
    Bình Nhi cười nói:
    - Mợ uống rượu lại mang tôi ra làm trò cười.
    Bảo Thoa cười nói:
    - Mợ ấy nói thực đấy. Khi chúng tôi ngồi rỗi, thường hay bàn tán mấy người trong bọn các chị, thấy là mỗi người một vẻ trăm người chưa chọn được một.
    Lý Hoàn nói:
    - Việc lớn, việc nhỏ đều do ông trời định sẵn cả. Ví như bên nhà cụ, không có chị Uyên Ương thì làm thế nào nổi việc? Từ bà Hai trở xuống, có ai dám trái lời cụ đâu? Thế mà cô ta lại dám cãi lại, cụ vẫn chỉ nghe cô ta thôi. Những quần áo của cụ không ai nhớ được, cô ta vẫn nhớ rành rọt. Nếu không có cô ta trông nom, thì không biết người ta đã lừa gạt mất bao nhiêu rồi! Vả chăng bụng cô ta lại thẳng thắn, thường hay nói tốt cho người, chứ không bao giờ cậy thế khinh rẻ một ai.
    Tích Xuân cười nói:
    - Hôm nọ cụ vừa nói, cô ta còn hơn chúng tôi nữa đấy.
    Bình Nhi nói:
    - Chị ấy là người tốt, chúng tôi bì thế nào được.
    Bảo Ngọc nói:
    - Chị Thái Hà ở nhà mẹ tôi cũng là người thực thà.
    Thám Xuân nói:
    - Bề ngoài thì thực thà, thế mà trong bụng lại biết suy tính lắm đấy. Mẹ hiền như bụt, chả để ý đến việc gì, mà cô ta thì việc gì cũng biết, cái gì cũng phải nhắc. Cha ở nhà cũng như đi vắng, bất cứ việc lớn việc nhỏ, cô ta đều biết hết, nếu mẹ quên thì sau đó cô ta nhắc ngay.
    Lý Hoàn nói:
    - Còn nói gì nữa.
    Rồi trỏ Bảo Ngọc nói:
    - Chúng ta hãy xem, trong nhà chú Hai đây, nếu không có chị Tập Nhân thì sẽ ra sao? Dù thím Phượng có tài như Bá Vương nước Sở(3) cũng cần phải có hai cánh tay để cất cái vạc nghìn cân. Không có cô Bình, thì việc nhà thím ấy làm thế nào mà trông nom xuể được?
    ************************
    (3) Bá Vương: Hạng Tịch, tên tự Võ, người đất Hạ Tương, khởi nghĩa chống nhà Tần rồi tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Mình cao 8 thưóc, không có học nhưng có sức mạnh cất nổi các vạc đồng 500 cân trước miếu vua Hạ Vũ
    ************************
    Bình Nhi nói:
    - Lúc trước bên nhà đưa sang bốn a hoàn, nhưng người chết, người thì đi, chỉ còn một mình tôi bồ côi bồ cút ở lại đây thôi.
    Lý Hoàn nói:
    - Đó là phúc cho nhà cô, nhưng cũng là phúc cho nhà thím Phượng. Trước kia cậu Cả nhà còn sống, thì có thiếu gì người hầu? Các cô thử xem, tôi có phải là người hẹp lượng không biết dung kẻ dưới đâu? Thế mà ngày nào họ cũng cứ tỏ ra không vừa ý. Vì thế, khi cậu ấy mất rồi, nhân thấy họ còn trẻ tuổi, tôi đều cho về cả. Nếu được người nào biết nghĩ thủy chung ở lại, thì bây giờ tôi cũng còn có kẻ đỡ chân đỡ tay.
    Nói xong, mắt Lý Hoàn đỏ ngầu lên.
    Mọi người đều can:
    - Còn kể ra làm gì cho đau lòng! Thôi chúng ta đi về là hơn.
    Nói xong, đều đi rửa tay, rồi cùng nhau sang thăm Giả mẫu và Vương phu nhân. Bọn bà già và a hoàn quét dọn nhà cửa, thu xếp bát đĩa. Tập Nhân và Bình Nhi cùng đi ra.
    Tập Nhân mời Bình Nhi vào nhà mình uống trà. Bình Nhi nói: ?oKhông uống đâu, sau sẽ đến chơi?. Nói xong muốn đi ngay. Tập Nhân liền gọi lại hỏi:
    - Tại sao tiền lương tháng này, ngay người trong nhà cụ và bà Hai vẫn chưa giả?
    Bình Nhi quay lại gần Tập Nhân, thấy không có ai, khẽ nói:
    - Thôi, chị đừng hỏi nữa, chậm lắm là hai hôm sẽ phát thôi. Tiền lương tháng này mợ tôi đã chi ra rồi, nhưng lại đem cho người khác vay. Phải chờ đi thu lãi ở các nơi về đủ số rồi mới phát. Chị đừng nên nói cho một ai biết nhé!
    - Không lẽ mợ ấy còn thiếu tiền tiêu. Sao nỡ đang tâm làm như vậy?
    - Mấy năm nay mợ ấy chỉ lấy món tiền ấy ra cho vay, mà đã thu được hàng nghìn bạc lãi rồi đấy.
    - Mợ chị lấy tiền lương của chúng tôi đem ra cho vay lấy lãi, làm chúng tôi phải ăn chực nằm chờ!
    - Sao chị lại nói câu tệ bạc thế? Chị mà còn thiếu tiền à?
    - Tôi hiện giờ chưa cần, nhưng muốn sắp sẵn cho một người.
    - Chị có việc gì cần tiêu, thì tôi có mấy lạng, hãy lấy mà tiêu, sau này trừ tiền lương cũng được.
    - Bây giờ tôi chưa cần, sau này tiêu gì, tôi sẽ cho người sang vay chị.
    Bình Nhi nhận lời, chạy về nhà không thấy Phượng Thư đâu, chợt thấy già Lưu và thằng Bản lần trước đến xin tiền đã ngồi ở nhà bên kia rồi, lại có vợ Trương Tài và vợ Chu Thụy ngồi tiếp; có mấy a hoàn đứng dưới đất đương dốc táo, dưa và rau ở túi ra. Mọi người thấy Bình Nhi vào, đều đứng dậy cả. Già Lưu vì lần trước đến, đã biết Bình Nhi là người thế nào rồi, nên vội bước xuống hỏi:
    - Cô vẫn được mạnh luôn? Cả nhà tôi đều gửi lời hỏi thăm cô. Từ lâu muốn đến thăm sức khỏe mợ nhà và cô, nhưng vì bận mùa. Năm nay mới gặt được mấy hộc thóc, hoa quả, rau dưa đều tốt cả. Nhưng thứ này là của mới, tôi không dám mang đi bán, chọn thứ ngon đem đến biếu mợ và cô. Các cô ngày nào cũng ăn chán những đồ cao lương mỹ vị, giờ nếm món rau nhà quê xem sao. Đó là tấm lòng thành của người nghèo chúng tôi.
    Bình Nhi vội nói:
    - Đa tạ lòng bà!
    Rồi mời già Lưu ngồi. Bình Nhi cũng ngồi xuống, lại mời thím Trương và thím Chu cùng ngồi, và sai a hoàn nhỏ đi pha nước. Vợ Trương Tài và vợ Chu Thụy đều cười nói:
    - Hôm nay trông cô có vẻ hồng hào tươi tỉnh, khóe mắt cũng đỏ lên.
    Bình Nhi cười nói:
    - Phải đấy! Xưa nay tôi không biết uống rượu, mợ Cả và các cô cứ kéo lại vật nài cho được, bất đắc dĩ tôi phải uống hai chén, thành ra đỏ cả mặt.
    Vợ Trương Tài cười nói:
    - Tôi muốn uống quá, lại chẳng có ai mời. Ngày mai có ai mời cô, cho tôi đi theo với.
    Mọi người đều cười ầm lên.
    Vợ Chu Thụy nói:
    - Sáng hôm nay tôi trông thấy thứ cua to quá, chỉ hai con là đủ một cân. Thế mà những hai ba giỏ lớn, có nhẽ đến bảy tám mươi cân.
    Vợ Trương Tài nói:
    - Từ trên chí dưới, ai cũng ăn cả, thì chừng ấy chưa chắc đã đủ.
    Bình Nhi nói:
    - Ở đâu mà ai cũng ăn. Chẳng qua chỉ nhưng người có tên có tuổi mới được ăn vài con, còn thì có người vớ được, có người không vớ được con nào.
    Già Lưu nói:
    - Giá cua năm nay mỗi cân là năm phân, mười cân thì phải năm đồng, năm năm hai mươi lăm, ba năm mười lăm, lại thêm rượu và đồ ăn khác nữa, cộng tất cả ít ra cũng phải hơn hai mươi lạng bạc đấy.(4) A di đà phật! Món tiền này, người nhà quê chúng tôi có thể ăn được một năm!
    *********************
    (4) (ND): Đây là lối nói của một bà già nhà quê, không biết cách tính toán thế nào.
    *********************
    Bình Nhi hỏi:
    - Bà đã được gặp mợ ấy chưa?
    - Đã gặp rồi, mợ ấy bảo tôi hãy chờ ở đây.
    Nói xong, già Lưu ra ngoài cửa trông trời, nói:
    - Trời đã chiều rồi, chúng tôi xin về đây. Nếu không ra được ngoài thành, lại khốn khó đấy!
    Vợ Chu Thụy nói:
    - Để tôi đi xem hộ bà.
    Nói xong chạy đi, một chốc mới về, cười nói:
    - Phúc nhà bà đấy, sao mà hai người lại hợp duyên với nhau thế.
    Bọn Bình Nhi hỏi: ?oThế nào?. Vợ Chu Thụy cười nói:
    - Mợ Hai đang hầu cụ, tôi khẽ đến trình: ?oGià Lưu muốn về, vì sợ tối không ra được cửa thành?. Mợ Hai bảo: ?oKhen cho bà ấy, đường xa thế mà mang được nhiều thứ đến biếu. Bây giờ muộn rồi, bảo bà ấy ngủ lại một đêm, ngày mai sẽ về?. Thế không phải là hợp duyên với mợ Hai à? Việc ấy đã đành, không ngờ cụ nghe thấy, liền hỏi già Lưu là ai? Mợ Hai kể rõ gốc tích. Cụ bảo: ?oTa muốn nói chuyện với những người già cả, bảo bà ấy đến đây?. Thế không phải là duyên số trên trời, không hẹn mà gặp sao?
    Vợ Chu Thụy liền giục già Lưu đi ngay.
    Già Lưu nói:
    - Người ngợm tôi thế này, đến đó sao tiện? Thôi chị nói hộ là tôi đã về rồi!
    Bình Nhi nói:
    - Không việc gì đâu, bà cứ đến, cụ tôi vốn mến người già, thương người nghèo, chứ không như những hạng người điêu trá đâu. Bà sợ, tôi và dì Chu sẽ đưa bà đến.
    Nói xong, liền cùng vợ Chu Thụy đưa già Lưu sang bên nhà Giả mẫu.
    Được letdown sửa chữa / chuyển vào 01:28 ngày 07/05/2006
  2. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Bọn đầy tớ bé ngồi gác ở cửa ngoài, thấy Bình Nhi đến, đều đứng dậy cả. Có hai đứa chạy theo Bình Nhi gọi: ?oCô ơi!?
    Bình Nhi hỏi:
    - Muốn nói việc gì.
    - Bây giờ chiều rồi, mẹ tôi ốm, tôi phải đi mời thầy thuốc, xin cô cho tôi nghỉ nửa ngày, có được không?
    - Chúng bay giỏi thật, đã bàn soạn với nhau rồi hay sao? Cứ mỗi ngày là một đứa xin nghỉ, không xin phép mợ, lại cứ quấy rầy tao. Hôm trước thằng Trụ xin đi, cậu Hai gọi nó không thấy, tao phải nói đỡ, cậu ấy mắng tao che chở cho nó. Bây giờ mày cũng lại thế à?
    Vợ Chu Thụy nói:
    - Mẹ nó ốm thật đấy, xin cô nói đỡ, để cho nó về.
    Bình Nhi nói:
    - Ngày mai phải đến sớm nhé, nghe chưa? Ta còn cần đến mày. Hay lại ngủ cho đến khi mặt trời rọi vào đít rồi mới dẫn xác đến? Nhân tiện mày về bảo cho thằng Vượng biết là mợ truyền số tiền lãi còn lại, ngày mai không mang trả, thì mợ không thèm lấy nữa đâu! Để nó tiêu cả.
    Thằng nhỏ mừng nhảy lên, vâng dạ rồi đi.
    Bình Nhi đến buồng Giả mẫu, bấy giờ các chị em ở trong vườn Đại Quan đều đứng hầu cả đấy. Già Lưu đi vào, thấy trong nhà người nào cũng đeo châu ngọc, mặc gấm vóc, lộng lẫy như hoa, không phân biệt ai ra ai nữa. Chỉ thấy một vị lão bà ngồi tựa trên giường, đằng sau có một a hoàn lộng lẫy như một mỹ nhân, mình đầy the lụa, đang ngồi hầu bóp chân. Phượng Thư đang đứng bên cạnh cười cười nói nói. Già Lưu biết ngay là Giả mẫu, vội lại gần lạy mấy lạy, rồi nói:
    - Chúc lão thọ tinh mạnh khỏe luôn.
    Giả mẫu gật đầu hỏi thăm, và sai vợ Chu Thụy lấy ghế cho ngồi. Thằng Bản rụt rè, không biết chào hỏi gì cả.
    Giả mẫu hỏi:
    - Bà này, năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi?
    Già Lưu vội đứng dậy thưa:
    - Tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi.
    Giả mẫu ngoảnh vào nói với mọi người:
    - Nhiều tuổi hơn ta thế mà trông người vẫn còn sắc sảo? Ta đến tuổi ấy không biết còn làm được gì không?
    Già Lưu cười nói:
    - Kiếp chúng tôi là kiếp người chịu khổ, chịu sở; còn cụ sinh ra là để hưởng phúc. Chúng tôi mà cũng như cụ, thì công việc đồng áng ai làm cho.
    - Mắt và răng bà còn khá không?
    - Còn khá, nhưng năm nay cái răng bên hàm trái đã thấy lung lay.
    - Tôi già rồi, không làm gì nữa; mắt mờ, tai điếc, tính lại hay quên. Ngay các bà là chỗ họ hàng, tôi cũng không nhớ hết. Mỗi khi bà con đến chơi, nói ra sợ người ta cười, tôi cũng chả biết ai vào ai, chẳng qua có cái gì ăn được thì ăn vài miếng, rồi ngủ một giấc; lúc nào buồn thì chơi đùa với con, với cháu cho qua.
    Già Lưu cười nói:
    - Thế là cụ có phúc đấy. Chúng tôi mong thế cũng chẳng được
    - Phúc gì? chẳng qua là hạng già bỏ đi đấy thôi!
    Câu nói ấy làm cho mọi người cười ầm lên.
    Giả mẫu lại cười nói:
    - Tôi vừa thấy cháu Phượng nói, bà có mang cho nhiều thứ rau dưa, tôi đã bảo nó cất đi rồi. Tôi đang muốn ăn rau dưa chính trong vườn nhổ ra, chứ mua ở ngoài thì không được ngon.
    Già Lưu nói:
    - Đó là vật nhỏ mọn quê mùa, chẳng qua ăn lấy thứ tươi thôi. Chúng tôi chỉ muốn ăn thịt cá, nhưng chẳng có mà ăn.
    Giả mẫu lại nói:
    - Bây giờ đã nhận bà con, thì không nên về không, đừng ngại gì cả, hãy ở lại chơi vài hôm. Ở đây cũng có vườn, có hoa quả, ngày mai bà đến nếm thử xem, rồi mang về một ít, thế mới là có đi có lại chứ.
    Phượng Thư thấy Giả mẫu vui vẻ, liền mời già Lưu ở lại, và nói:
    - Nhà chúng tôi tuy không rộng bằng vườn trại của bà, nhưng cũng có vài gian buồng để không, bà ở lại vài hôm, kể chuyện mới chuyện cũ ở quê ta cho bà tôi nghe.
    Giả mẫu cười nói:
    - Cháu Phượng đừng mang bà ấy ra làm trò cười. Bà ấy là người nhà quê thực thà, không quen lối đùa cợt của nhà mày đâu!
    Liền sai người lấy hoa quả cho thằng Bản. Thằng Bản thấy đông người, sợ không dám ăn. Giả mẫu lại sai người cho nó tiền, bảo bọn hầu bé đưa nó ra ngoài chơi. Già Lưu uống nước xong, kể những chuyện tai nghe mắt thấy ở thôn quê cho Giả mẫu nghe. Giả mẫu càng lấy làm thích.
    Đến chiều, Phượng Thư sai người mời già Lưu đi ăn cơm. Giả mẫu lại chọn vài món ăn của mình, sai người đưa cho già Lưu. Phượng Thư biết già Lưu hợp tính Giả mẫu, nên ăn cơm xong lại bảo già đến ngay. Uyên Ương sai bà già đưa già Lưu đi tắm rửa, lấy hai bộ quần áo của mình thường mặc đưa cho già thay. Già Lưu xưa nay có được thấy thế này bao giờ, vội thay quần áo, đến ngồi trước giường Giả mẫu, rồi lại moi chuyện ra nói. Bấy giờ chị em Bảo Ngọc đương ngồi cả đấy. Họ xưa nay chưa hề được nghe, nên cảm thấy thay hơn cả người mù kể chuyện.
    Già Lưu tuy là người nhà quê, nhưng cũng am hiểu ít nhiều. Vả tuổi đã già, trò đời đã từng trải, lại thấy Giả mẫu và đám chị em đều thích nghe, nên dù hết chuyện, cũng vẫn cứ bịa ra để nói:
    - Chúng tôi ở nhà quê, cày cấy trồng trọt, hàng năm, hàng ngày, suốt cả bốn mùa, dầm mưa dãi nắng, có lúc nào được ngồi rỗi đâu? Quanh năm lấy đầu bờ làm quán mát nghỉ ngơi, thì còn thiếu gì chuyện kỳ quặc trên đời! Cũng như mùa đông năm ngoái, tuyết rơi ròng rã mấy ngày, mặt đất ngập đến ba bốn thước. Hôm ấy tôi dậy sớm, chưa ra cửa, đã nghe thấy bên ngoài có tiếng rút củi sột soạt. Tôi đoán có người ăn cắp củi, nhìn qua cửa sổ, lại không phải là người trong trại.
    Giả mẫu nói:
    - Chắc là người qua đường lạnh quá, thấy củi chất đấy, rút ra để đốt chứ gì?
    - Không phải là người qua đường, chuyện thế mới lạ chứ. Cụ thử đoán xem là ai? Nguyên là một cô gái rất đẹp, độ mười bảy, mười tám tuổi, đầu chải bóng nhoáng, mặc áo đỏ và quần hoa trắng...
    Già Lưu vừa nói đến đấy, bỗng bên ngoài có tiếng ồn ào lại có người nói:
    - Không việc gì đâu, đừng làm cụ sợ.
    Giả mẫu nghe thấy liền hỏi:
    - Cái gì thế?
    A hoàn nói:
    - Chuồng ngựa phía nam bị cháy, nhưng không việc gì, đã dập tắt được rồi.
    Giả mẫu xưa nay vẫn hay nhát, liền đứng dậy vịn vào người hầu đi ra ngoài hè xem, thấy góc đông nam hãy còn ngọn lửa. Giả mẫu sợ quá, vừa niệm phật, vừa sai người đi thắp hương khấn thần hỏa. Bọn Vương phu nhân vội lại an ủi: ?oĐã dập tắt được rồi, xin cụ cứ vào?.
    Giả mẫu chờ cho lửa tắt hẳn rồi, mới dẫn mọi người vào.
    Bảo Ngọc lại hỏi già Lưu:
    - Tại sao cô gái ấy lại rút củi trong đám tuyết, lỡ bị lạnh sinh ốm thì sao?
    Giả mẫu nói:
    - Vừa rồi vì câu chuyện rút củi, nên xảy ra việc cháy, mày lại còn hỏi làm gì? Thôi! Thôi! Đừng nhắc đến nữa, hãy nói chuyện khác đi.
    Bảo Ngọc nghe nói không vui, nhưng cũng phải thôi.
    Già Lưu nghĩ một lúc, rồi nói:
    - Cái trại ở bên đông trại chúng tôi có một bà cụ già đã ngoài chín mươi tuổi. Ngày nào cũng ăn chay niệm Phật. Không ngờ cảm động đến đức Phật Quan Âm, đêm về báo mộng rằng: ?oSố ngươi đáng phải tuyệt tự, nhưng vì ngươi có lòng thành nên ta đã tâu với đức Ngọc Hoàng cho ngươi đứa cháu giai?. Cụ già ấy chỉ có một người con, người con ấy chỉ đẻ có một đứa cháu gái thôi. Ngờ đâu đứa cháu ấy đến năm mười bảy, mười tám tuổi thì chết mất. Bà ấy khóc lóc không biết bao nhiêu mà kể. Về sau quả nhiên lại đẻ được một đứa cháu nữa. Bây giờ nó đã mười ba, mười bốn tuổi, người kháu khỉnh, thông minh, lanh lẹ. Như thế thì thần phật có nhẽ cũng có đấy nhỉ!
    Câu chuyện ấy hợp ý Giả mẫu và Vương phu nhân đều thích nghe cả. Bảo Ngọc lại chỉ thích chuyện rút củi thôi, nên trong lòng nghĩ vơ nghĩ vẩn. Thám Xuân liền hỏi:
    - Hôm nọ cô Sử đã mời chúng ta, bây giờ chúng ta nên bàn nhau mở một cuộc thi thơ, để trả lại bữa tiệc, và cũng mời cụ đến thưởng hoa cúc một thể, có nên không?
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Cụ đã bảo phải làm bữa tiệc để mời lại cô Sử và cho chúng ta đến tiếp. Chúng ta hãy ăn tiệc của cụ đã, rồi sẽ mời sau cũng không muộn.
    Thám Xuân nói:
    - Càng ngày trời càng rét thêm, chưa chắc cụ đã thích.
    Bảo Ngọc nói:
    - Cụ lại thích mưa, thích tuyết. Chúng ta chờ lúc bắt đầu có tuyết, mời cụ thưởng tuyết chả hơn ư? Khi đó chúng ta ngâm thơ dưới tuyết, lại càng thú lắm.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Chúng ta ngâm thơ dưới tuyết ư? Cứ ý tôi, chi bằng kiếm một bó củi rồi chúng ta rút củi dưới tuyết, lại còn thú hơn.
    Nghe nói câu ấy, bọn Bảo Thoa đều cười. Bảo Ngọc lườm Đại Ngọc một cái, không nói gì. Một lúc họ về cả, Bảo Ngọc dắt già Lưu ra chỗ vắng người, hỏi kỹ:
    - Cô gái ấy là ai?
    Già Lưu đành phải đặt chuyện ra nói:
    - Ở đồi phía bắc bên trại tôi, có một ngôi miếu nhỏ, không phải là thờ thần phật nào cả. Khi trước có một ông già nào ấy...
    Già Lưu nói đến đấy, lại nghĩ tên tuổi ông già.
    Bảo Ngọc nói:
    - Không cần phải nhớ tên tuổi, chỉ kể chuyện là đủ.
    Già Lưu nói:
    - Ông già ấy không có con trai, chi sinh được một cô gái, nghe đâu như tên là cô Dính Ngọc, văn hay chữ tốt; hai vợ chồng ông già yêu quý như ngọc báu. Thật là đáng tiếc! Cô gái ấy đến năm mười bảy tuổi thì bị bệnh chết.
    Bảo Ngọc nghe đến đấy, giậm chân thở dài, lại hỏi:
    - Thế rồi sau này việc ra làm sao?
    - Vì hai vợ chồng ông già quá thương con, mới làm một ngôi miếu đắp tượng rồi cho người đèn hương thờ phụng. Bây giờ lâu ngày, người đã chết, miếu đã đổ, và tượng cũng đã hóa thành yêu tinh rồi.
    Bảo Ngọc liền nói:
    - Không phải hóa thành yêu tinh, những người như thế không bao giờ chết đâu.
    - A di đà phật! Thật thế à? Nếu cậu không nói, thì tôi cho là cô gái ấy đã hóa thành yêu tinh rồi. Cô ta thường hiện ra người, vào các thôn các trại chơi. Tôi nói cái người rút củi, chính là cô gái đấy. Người trong trại chúng tôi đang bàn nhau đập tượng, san phẳng miếu đi.
    - Không nên. San phẳng miếu là tội to lắm đấy.
    - Cậu nói tôi mới hay. Ngày mai về, tôi sẽ ngăn họ đừng phá nữa.
    - Bà tôi và mẹ tôi đều là người từ thiện, tất cả lớn, bé trong nhà, ai cũng thích làm việc thiện, nhất là việc xây đền đúc tượng. Ngày mai tôi sẽ làm một tờ phả khuyến, đi quyên hộ bà. Bà sẽ làm bà từ, tu sửa lại miếu, đắp lại tượng. Hàng tháng, tôi cho bà một món tiền đèn nhang, như thế có được không?
    - Nếu được thế, tôi nhờ phúc cô ấy, cũng có ít tiền tiêu.
    Bảo Ngọc lại hỏi tên đất, tên trại, đi lại xa gần, ở vào địa phận nào. Già Lưu thuận miệng nói bừa ra. Bảo Ngọc tin là thực, về buồng suy nghĩ suốt đêm. Sáng hôm sau, Bảo Ngọc cho Dính Yên mấy trăm đồng tiền, theo lời già Lưu kể, bảo nó đi xem trước thế nào rồi sẽ về trình.
    Dính Yên đi rồi, Bảo Ngọc băn khoăn chờ mãi không thấy về, nóng ruột quá, đi quanh đi quẩn, cứ như kiến bò trên miệng nồi nóng, mãi đến lúc mặt trời xế bóng, mới thấy Dính Yên hớn hở trở về. Bảo Ngọc liền hỏi:
    - Có tìm thấy không?
    - Cậu nghe không rõ, để cháu phải đi tìm mãi! Cái miếu ở chỗ nào ấy, chứ không phải như lời cậu đã dặn. Cháu tìm hết cả ngày, khi đến cái đồi ở góc đông bắc, mới thấy có một ngôi miếu đổ.
    Bảo Ngọc nghe nói mừng rỡ, liền nói:
    - Có nhẽ già Lưu đã nhiều tuổi, nên nhớ nhầm đấy. Mày thấy thế nào?
    - Cửa miếu này cũng hướng về phía nam, cũng đổ nát cả ròi, cháu tìm hết hơi mới thấy, cháu reo lên: ?oĐúng rồi?, vội vàng đi vào, trông thấy pho tượng, cháu sợ quá, chạy ra ngay. Pho tượng ấy trông hệt như người sống vậy!
    Bảo Ngọc mừng quá, cười nói:
    - Tượng ấy hóa thành người, tất nhiên là có ít nhiều sinh khí!
    Dính Yên vỗ tay nói:
    - Có phải cô gái đâu! Là một vị ôn thần mặt xanh tóc đỏ!
    Bảo Ngọc nghe nói, quát lên một tiếng:
    - Đồ ăn hại! Có việc ấy mà cũng không làm nổi!
    Dính Yên bực lên, nói:
    - Không biết cậu xem sách nào, hay là nghe ai nói bậy, rồi tin là thực, sai cháu đi làm cái việc không đâu, rồi bảo cháu là đồ ăn hại?
    Bảo Ngọc liền vỗ về:
    - Đừng nóng thế, hôm khác rỗi, mày lại đi tìm một lượt nữa. Nếu tìm không thấy, tất nhiên là họ nói dối ta; nếu có thực thì chả phải mày làm được một việc âm đức hay sao? Thế nào ta cũng sẽ trọng thưởng cho.
    Chợt đứa hầu bé canh cửa ngoài vào trình:
    - Các cô bên nhà cụ đang chờ cậu ở ngoài cửa đấy. Chưa biết là việc gì.
    (Hết hồi ba mươi chín)
  3. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ bốn mươi
    Vườn Đại Quan, Sử thái quân hai lần mở tiệc
    Gieo súc sắc, Kim Uyên Ương ra lệnh đố thơ ​
    Bảo Ngọc nghe nói liền ra xem, thấy Hổ Phách đứng ở ngoài bình phong nói:
    - Có việc chờ cậu đấy. Cậu ra ngay.
    Bảo Ngọc đi lên nhà trên, thấy Giả mẫu và Vương phu nhân cùng các chị em đương bàn chuyện bày việc mời lại Sử Tương Vân. Bảo Ngọc nói:
    - Theo ý cháu, đã không có khách ngoài, thì đồ ăn không cần định số trước, ngày thường ai thích ăn gì, cứ làm món ấy thôi, không cần phải bày tiệc. Trước mặt mỗi người, để một cái kỷ cao, đặt một cái hộp có nhiều ngăn, để món ăn vào đó và một cái bình, để ai nấy tự rót rượu lấy mà uống, như thế chẳng nhã hay sao?
    Giả mẫu nói:
    - Phải đấy.
    Liền sai người truyền nhà bếp: ?oNgày mai cứ theo số người, chọn nhưng món gì chúng ta thích ăn thì đặt cả vào khay. Bữa cơm sáng cũng bày ở trong vườn luôn?.
    Khi bàn bạc xong thì trời đã tối.
    Sáng hôm sau, khí trời trong sáng. Lý Hoàn dậy sớm đang trông nom cho bọn bà già và người hầu quét trước nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sắp sẵn rượu chè, mâm bát, thì thấy Phong Nhi dắt già Lưu và thằng Bản đến nói:
    - Mợ Cả bận lắm nhỉ?
    Lý Hoàn cười nói:
    - Hôm qua tôi đã bảo mà! Bà đừng vội, không về ngay được đâu!
    - Cụ cứ giữ tôi lại, cho tôi cùng vui nhộn một hôm.
    Phong Nhi mang mấy cái chìa khóa lớn nhỏ lại, nói:
    - Mợ tôi bảo, những kỷ cao ở ngoài sợ không đủ, nên mở cửa lầu lấy mấy cái xuống để dùng một bữa. Nhẽ ra mợ tôi đến lấy thì phải, nhưng đương hầu chuyện bà Hai, vậy nhờ mợ mở cửa hộ, và cho người lên mang xuống.
    Lý Hoàn sai Tố Vân cầm lấy chìa khóa lại sai bà già ra gọi mấy đứa hầu nhỏ ở cửa ngoài vào. Lý Hoàn đứng ở dưới lầu Đại Quan, sai người lên mở gác Xuyết Cẩm, rồi bọn hầu nhỏ, bà già, a hoàn, chạy lên, cứ từng cái một, mang hơn hai mươi cái xuống.
    Lý Hoàn nói:
    - Phải cẩn thận đấy, đừng có chạy vội như ma đuổi, làm sứt những miếng gỗ chạm trổ xung quanh thì khốn đấy.
    Rồi quay lại già Lưu, cười nói:
    - Bà thử trèo lên mà xem.
    Già Lưu không nói gì, dắt ngay thằng Bản trèo lên thang, đi vào trong gác, thấy đen ngòm những bình phong, bàn ghế và các thứ đèn hoa, màu sắc chói lọi, cái gì cũng lạ mắt. Già Lưu không sao nhận ra được, luôn miệng mô phật mấy tiếng. Sau đó, đóng cửa gác lại, mọi người đều xuống. Lý Hoàn nói:
    - Phòng khi cụ cao hứng, nên mang cả thuyền nhỏ, sào, chèo, màn xuống để sẵn đó.
    Mọi người vâng lời, lại mở cửa gác mang các thứ xuống, rồi sai đám hầu nhỏ gọi các lái thuyền ra bến, chống hai cái thuyền về.
    Đương lúc nhộn nhạo, thi Giả mẫu dẫn mọi người đến. Lý Hoàn vội ra đón, cười nói:
    - Bà cao hứng thật, bây giờ đã đến rồi. Cháu tưởng bà chưa chải đầu, vừa ngắt mấy bông hoa cúc định đưa sang.
    Bích Nguyệt bưng cái khay xanh biếc kiểu lá sen đến, trong đựng mấy cành hoa cúc. Giả mẫu chọn một cành cúc đỏ cài lên mái tóc, quay lại trông thấy già Lưu, liền cười nói:
    - Lại đây mà cài hoa lên đầu.
    Nói chưa dứt lời, thì Phượng Thư đã kéo già Lưu đến, cười bảo ?oĐể tôi trang điểm cho bà?. Liền cầm cả khay hoa cắm ngang cắm dọc, loạn xạ lên đầu già Lưu. Giả mẫu và mọi người không nhịn cười được. Già Lưu cũng cười:
    - Không biết cái đầu tôi đã tu hành được phúc đức thế nào mà giờ đẹp đẽ như vậy.
    Mọi người cười nói:
    - Sao bà không rút hoa ném vào mặt nó, để nó cắm loạn xạ lên đầu bà như con ma già ấy.
    Già Lưu cười nói:
    - Tôi tuy già, nhưng thời trẻ cũng có vẻ phong lưu, cũng thích hoa thích phấn, nay hãy để cho bà già này làm đỏm một tý!
    Họ vừa nói chuyện vừa đi, đã đến đình Thấm Phương. Bọn a hoàn mang cái nệm gấm rải lên ghế ở cạnh lan can. Giả mẫn ngồi dựa vào lan can, bảo già Lưu ngồi bên cạnh, hỏi:
    - Cái vườn này có đẹp không?
    Già Lưu niệm Phật:
    - Chúng tôi người nhà quê, cứ đến cuối năm thì ra tỉnh mua tranh về dán. Lúc rồi, cả nhà xem tranh đều nói: làm thế nào mà được đi chơi ở trong bức vẽ này, cứ nghĩ là bức vẽ chẳng qua bày đặt ra thôi, chứ có chỗ nào thật đẹp như thế. Ngờ đâu, hôm nay vào đây xem, lại đẹp gấp mười bức vẽ! Làm thế nào có người vẽ cho một bức hệt như cái vườn này, để tôi mang về nhà cho mọi người xem, thì chết cũng đáng đời!
    Giả mẫu nghe nói, chỉ vào Tích Xuân, cười nói:
    - Bà xem đứa cháu gái tôi biết vẽ đấy, để ngày mai nó vẽ cho bà một bức, có được không?
    Già Lưu nghe nói, mừng quá, vội chạy lại ôm lấy Tích Xuân nói:
    - Cô ơi! Cô mới chừng ấy tuổi, mà vừa xinh đẹp lại có tài vẽ chẳng phải là thần tiên giáng thế hay sao?
    Giả mẫu và mọi người đều cười. Họ nghỉ một lúc rồi dẫn già Lưu đi xem các nơi, trước hết là quán Tiêu Tương. Vừa vào đến cửa, thấy hai bên đường trúc rủ rườm rà, rêu xanh phủ kín, ở giữa có một con đường đá nhỏ quanh co. Già Lưu mời Giả mẫu và mọi người đi lên đường đá, còn mình thì đi sang bên mé đường đất. Hổ Phách kéo già Lưu lại bảo:
    - Bà già, bà cứ đi lên trên này, đi vào rêu trơn trượt ngã đấy.
    Già Lưu nói:
    - Không việc gì, tôi đi quen rồi, các cô cứ đi lên trên, không thì giày của các cô sẽ dính bùn.
    Già Lưu cứ cắm đầu nói chuyện, không ngờ trượt chân ngã ?ooách? một cái. Mọi người đều vỗ tay cười. Giả mẫu cũng cười và mắng bọn chúng:
    - Lũ ranh này! Không đỡ bà ấy lên lại đứng mà cười!
    Già Lưu đã bò dậy, cũng cười theo:
    - Vừa mới nói xong, chính mình lại vả vào miệng mình.
    Giả mẫu hỏi:
    - Có sái lưng không? Bảo a hoàn nó bóp cho!
    - Thế chả hóa ra tôi yếu lắm hay sao? Một ngày ít ra cũng ngã đến vài lần. Lúc nào cũng phải đấm bóp thì làm thế nào được!
    Tử Quyên vén rèm lên, bọn Giả mẫu vào ngồi. Đại Ngọc tự đi pha một chén trà, để vào cái khay mời Giả mẫu uống.
    Vương phu nhân nói:
    - Chúng tôi không khát, cô đừng pha nữa.
    Đại Ngọc nghe nói, liền sai a hoàn mang cái ghế dựa của mình thường ngồi ở trước cửa sổ xuống, mời Vương phu nhân ngồi. Già Lưu trông thấy cái bàn ở dưới cửa sổ có để nghiên bút, trên tủ lại có nhiều sách, liền nói:
    - Chắc là buồng đọc sách của cậu nào đây?
    Giả mẫu cười, trỏ vào Đại Ngọc, nói:
    - Chính là nhà của con cháu ngoại tôi đấy.
    Già Lưu để ý nhìn Đại Ngọc một lúc, rồi nói:
    - Có gì là giống buồng thêu của một vị tiểu thư đâu? So với buồng sách lịch sự nhất lại còn đẹp hơn!
    Giả mẫu hỏi:
    - Sao không thấy Bảo Ngọc?
    Bọn a hoàn thưa:
    - Cậu ấy đang chèo thuyền ở hồ.
    Giả mẫu nói:
    - Ai sắp sẵn thuyền thế?
    Lý Hoàn thưa:
    - Khi mở lầu lấy đồ xuống, cháu đoán là bà thích đi thuyền, nên cũng sắp sẵn trước.
    Giả mẫu muốn nói nữa, nhưng có người vào trình:
    - Có Tiết phu nhân đến.
    Mọi người đứng cả lên, Tiết phu nhân đã vào đến nơi, ngồi xuống, cười nói:
    - Hôm nay cụ cao hứng quá, đã đến đây rồi.
    Giả mẫu nói:
    - Tôi vừa nói ai đến chậm phải phạt, thế mà bà dì lại đến chậm.
    Mọi người cười nói một lúc. Giả mẫu nhân trông thấy bức màn the treo trên cửa sổ đã cũ, liền bảo Vương phu nhân:
    - Bức màn này khi mới treo, trông đẹp đấy, nhưng để lâu phai màu. Ngoài sân không có cây đào cây hạnh nào, mà trúc đã có lá xanh rồi. Cứ treo màn xanh không ăn màu. Ta nhớ nhà ta có những bức màn treo cửa sổ bốn năm màu kia mà. Ngày mai, bảo lấy thay bức màn này đi.
    Phượng Thư nói:
    - Hôm nọ cháu mở buồng kho, thấy trong hòm lớn có mấy tấm the ?othuyền dực?(1): màu ngân hồng, tấm thì dệt lối hoa chiết chi, tấm thì Lưu vân biển bức(2), tấm thì bách điệp xuyên hoa(3), màu vừa tươi, lại nhã, nhũn nhẹ. Nhưng không thấy thứ the như bà nói. Nếu có thứ ấy, đem ra làm nệm gấm thì chắc đẹp lắm.
    ***************************
    (1) (ND) The mỏng như cánh ve sầu
    (2) (ND) Dơi bay theo đám mây
    (3) (ND) Trăm con **** hút nhị hoa
    ***************************
    Giả mẫu cười nói:
    - Hừ! Người ta bảo mày cái gì cũng biết, cái gì cũng từng trải cả. Thế mà ngay thứ the ấy mày cũng không nhận ra được, rồi lại còn nói láo!
    Mọi người đều cười, nhân nói:
    - Chị đã từng trải đến mấy cũng còn kém cụ? Sao cụ không dạy bảo chị ta để cho chúng tôi cũng được nghe nhờ?
    Phượng Thư cười nói:
    - Bà ơi. Bà dạy cháu với!
    Giả mẫu cười nói với Tiết phu nhân và mọi người:
    - Loại the này có từ khi các người chưa đẻ kia. Chẳng trách được nó cho là thứ the ?othuyền dực?, vì hai thứ gần giống nhau. Ai không biết thì bảo là the ?othuyền dực?, nhưng tên nó là ?onhuyễn yên la?(4) kia.
    ****************
    (4) (ND) The mềm và mỏng như màn khói
    ****************
    Phượng Thư nói:
    - Cái tên ấy cũng dễ nghe. Cháu đã lớn bằng này rồi, kể ra cũng đã được xem hàng mấy trăm thứ the, nhưng chưa được nghe tên ấy bao giờ.
    Giả mẫu cười nói:
    - Mày đã bao nhiêu tuổi? Biết được bao nhiêu thứ the? Lại dám nói láo! Loại nhuyễn yên la này chỉ có bốn màu: một là vũ quá thiên thanh(5), hai là thu hương sắc(6), ba là tùng lục, bốn là ngân hồng. Nếu đem ra làm màn hay che cửa sổ, trông xa như khói mù ấy, cho nên gọi là nhuyễn yên la. Màu ngân hồng lại có tên là hà ảnh sa(7) nữa. Bây giờ ngay the trong nội phủ nhà vua thường dùng, cũng không có thứ nào như thế.
    *************************
    (5) (ND) Mưa tạnh trời xanh
    (6) (ND) Màu hoa mùa thu
    (7) (ND) The màu ráng trờì
    *************************
    Tiết phu nhân cười nói:
    - Không cứ chị Phượng, chính tôi cũng chưa nghe thấy bao giờ.
    Phượng Thư bảo người đi lấy một tấm mang đến. Giả mẫu nói:
    - Chính thứ này đây! Lúc trước chỉ để che cửa sổ thôi, sau chúng ta đem ra làm chăn, làm màn, cũng thấy đẹp. Ngày mai lấy mấy tấm ra, đưa một tấm màn ngân hồng cho nó che cửa sổ.
    Phượng Thư vâng lời. Mọi người tấm tắc khen đẹp. Già Lưu cũng ghé mắt vào xem, niệm phật luôn mồm, nói:
    - Chúng tôi muốn may quần áo cũng không có, nay lại đem ra che cửa sổ, có đáng tiếc không?
    Giả mẫu nói:
    - Thứ này may quần áo không đẹp.
    Phượng Thư kéo cái nẹp áo bông bọc the màu đại hồng đang mặc trong mình ra, nói với Giả mẫu và Tiết phu nhân:
    - Thử xem cái áo của cháu đây này.
    Giả mẫu và Tiết phu nhân đều nói:
    - Hạng này tốt nhất đấy, ngay những thứ nhà vua dùng trong nội phủ cũng không đẹp bằng.
    Phượng Thư nói:
    - Tấm the mỏng này có gì mà lại bảo là nhà vua dùng trong nội phủ cũng không đẹp bằng.
    Giả mẫu nói:
    - Cố tìm xem, may còn, sẽ mang cả ra đây, biếu già Lưu hai tấm. Có hạng vũ quá thiên thanh, thì làm cho ta một cái màn treo. Còn thừa ít nào tìm thêm cái lót mà may áo khoác vai cho bọn a hoàn, chứ để lâu mục ra mất.
    Phượng Thư vâng lời, rồi sai người cất đi.
    Giả mẫu cười nói:
    - Ở đây chật lắm, ta ra chỗ khác chơi.
    Già Lưu cười nói:
    - Người ta thường nói ?ocon quan thì ở nhà quan?. Hôm qua thấy trong phòng cụ bày những tủ to, hòm to, bàn to, giường to, trông thực oai vệ. Chỉ cái hòm còn to và cao hơn gian nhà của chúng tôi. Chẳng trách được, sau nhà phải để cái thang. Tôi nghĩ không ai lên buồng phơi phóng đồ lề, thì để thang ở đấy làm gì? Sau tôi mới nghĩ ra, chắc là để trèo lên mở hòm lấy đồ đạc. Không có thang thì lên thế nào được? Giờ trông thấy cái nhà nhỏ này, lại còn gọn gàng hơn. Đồ đạc đầy nhà, cái gì cũng đẹp cả, không biết những thứ ấy tên là gì? Tôi càng nhìn, càng không muốn rời chân khỏi chỗ này!
    Phượng Thư nói:
    - Còn chỗ đẹp hơn kia, tôi sẽ đưa bà đi xem một lượt.
  4. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Mọi người ra khỏi quán Tiêu Tương, trông xa thấy một đám người chèo thuyền ở giữa hồ, Giả mẫu nói:
    - Họ sắp sẵn thuyền cả rồi, chúng ta xuống chơi một lát.
    Nói xong đi thẳng đến bến Lục Tư ở Tử Lăng châu. Gần đến nơi, đã thấy mấy bà già bưng đến những khay sơn năm màu thếp vàng. Phượng Thư vội hỏi Vương phu nhân:
    - Sáng nay dọn cơm ở đâu?
    - Hỏi cụ xem người bảo ngồi ở đâu thì dọn.
    Giả mẫu nghe nói, quay lại bảo:
    - Chỗ cô Ba tiện hơn, cứ dọn cơm ở đấy. Chúng ta sẽ đi thuyền đến.
    Phượng Thư nghe nói, quay lại cùng Lý Hoàn, Thám Xuân, Uyên Ương và Hổ Phách dẫn những người bưng cơm đi theo đường tắt đến Thu Sảng trai, bầy bàn ăn ở Hiểu Thúy đường. Uyên Ương cười nói:
    - Ngày thường chúng ta nói các ông ở ngoài, khi uống rượu ăn cơm đều có người giúp vui. Hôm nay chúng ta cũng có vị gia khách đàn bà đấy.
    Lý Hoàn là người trung hậu, không để ý đến câu nói ấy. Phượng Thư hiểu ngay là ám chỉ già Lưu, liền cười nói:
    - Hôm nay chúng ta sẽ mang bà ấy ra làm trò cười.
    Hai người bàn bạc với nhau. Lý Hoàn cười bảo:
    - Các cô chẳng tử tế tý nào cả. Có phải trẻ con đâu mà vẫn hay đùa thế. Coi chừng cụ mắng cho đấy!
    Uyên Ương cười nói:
    - Không việc gì đến mợ, đã có tôi.
    Bọn Giả mẫu đến, ai nấy tiện đâu ngồi đấy. A hoàn rót nước trà đưa mời. Mọi người uống xong, Phượng Thư tay cầm cái khăn có bọc mấy đôi đũa mun bịt bạc, bày lên các bàn. Giả mẫu bảo:
    - Mang một cái bàn nhỏ gỗ nam lại đây, mời già Lưu ngồi cạnh ta.
    Mọi người liền mang lại. Phượng Thư đưa mắt cho Uyên Ương. Uyên ương kéo già Lưu ra ngoài, khẽ dặn mấy câu, lại nói:
    - Đó là khuôn phép nhà chúng tôi, nếu nhầm thì người ta cười cho đấy.
    Dặn xong về chỗ ngồi.
    Tiết phu nhân ăn cơm rồi, xin kiếu, ngồi ra một bên uống nước.
    Giả mẫu dẫn Bảo Ngọc, Tương Vân, Đại Ngọc và Bảo Thoa cùng ngồi một bàn. Vương phu nhân dẫn ba chị em Nghênh Xuân ngồi một bàn. Bàn già Lưu kê sát bàn Giả mẫu. Ngày thường, Giả mẫu ăn cơm, đều có a hoàn nhỏ đứng sẵn bên cạnh, cầm ống nhổ, phất trần, khăn tay. Đúng ra Uyên Ương không phải làm những việc ấy, nhưng hôm nay cũng đến cầm cái phất trần phe phẩy. Bọn a hoàn biết cô ta muốn trêu chọc già Lưu, nên lánh mặt đi, Uyên Ương vừa đứng hầu, vừa đưa mắt nhìn già Lưu. Già Lưu nói: ?oCô cứ yên tâm?.
    Già Lưu vào chỗ ngồi, cầm đũa lên, nhưng nặng chình chịch, không vừa tay. Vì Phượng Thư và Uyên Ương đã bàn với nhau từ trước, lấy riêng cho già Lưu một đôi đũa ngà già bốn cạnh có bịt vàng. Già Lưu thấy đôi đũa, nói:
    - Cái nạng này còn nặng hơn cả cái xẻng của nhà chúng tôi, thế này thì cầm sao được!
    Mọi người nghe vậy cười ầm lên. Rồi một người đàn bà bưng một cái quả đứng ở đấy, một a hoàn đến mở nắp, trong có hai cái bát đồ ăn. Lý Hoàn bưng một bát đặt lên bàn Giả mẫu. Phượng Thư lại chọn một bát trứng bồ câu đặt ở bàn già Lưu.
    Giả mẫu ở bên này nói sang: ?oXin mời. Già Lưu đứng dậy nói to:
    - Già Lưu, già Lưu, ăn khỏe như trâu; ăn phàm như lợn không hề ngẩng đầu.
    Rồi bà phùng má trợn mắt, chẳng nói một câu. Mọi người trước còn ngẩn người ra nhìn, sau trên dưới đều cười ầm lên. Tương Vân không nhịn nổi, cười phì cả cơm ở mồm ra. Đại Ngọc cười sặc sụa, gục xuống bàn chỉ kêu ?oúi chà!?. Bảo Ngọc lăn vào lòng Giả mẫu, Giả mẫu cười ôm lấy Bảo Ngọc, gọi ?oCháu của bà ơi!? Vương phu nhân cười trỏ tay vào Phượng Thư nhưng không nói được câu gì. Tiết phu nhân không nhịn được cười phun cả nước trà ra quần Thám Xuân. Tích Xuân đứng dậy vịn vào vú em, bảo xoa hộ bụng. Khắp xung quanh ai cũng lăn ra cười, có người lẻn ra ngoài cửa, có người nhịn cười đi thay quần áo cho các cô. Chỉ có Phượng Thư và Uyên Ương vẫn nhịn cười, luôn miệng mời già Lưu.
    Già Lưu cầm đũa, nhưng khó gắp quá, lại nói:
    - Giống gà nhà này đẹp quá, đẻ được nhưng quả trứng nhỏ xinh xắn thế này. Khéo thật, tôi hãy đâm một quả đã!
    Mọi người vừa ngớt cười xong, nghe thấy câu nói ấy lại cười ầm lên. Giả mẫu cười chảy cả nước mắt, không thể nhịn được; Hổ Phách đứng đằng sau đấm lưng. Giả mẫu cười nói:
    - Chắc lại con ranh Phượng bày trò ra đây? Từ nay nói gì thì cũng đừng tin nữa.
    Già Lưu đang khen trứng gà nhỏ đẹp, muốn đâm một quả. Phượng Thư cười nói:
    - Mỗi quả trứng gà một lạng bạc đấy! Bà ăn đi, để nguội không ngon đâu.
    Già Lưu giơ đũa định gắp, nhưng gắp thế nào được? Khua ngầu cả bát lên, mãi mới gắp lên được một quả, vừa mới ngẩng cổ định ăn, thì quả trứng lại rơi tuột xuống đất mất.
    Già Lưu vội đặt đũa xuống, định lấy tay nhặt, nhưng những người đứng đấy đã nhặt đi rồi. Già Lưu thở dài:
    - Thế là mất toi một lạng bạc.
    Mọi người không ai để ý đến ăn, chỉ nhìn già Lưu mà cười. Giả mẫu nói:
    - Hôm nay ai mang đôi đũa đấy ra đây? Không phải mời khách ngoài, bày tiệc to mà! Thôi lại chỉ con Phượng bày trò ra đây! Không đem thay đôi khác đi à!
    Những người hầu không ai sắp đôi đũa ngà này cả, chỉ có Phượng Thư và Uyên Ương đem ra, nay thấy thế, họ liền cất đi rồi lấy đôi đũa gỗ mun bịt bạc đến đổi.
    Già Lưu nói:
    - Bỏ đũa vàng lại mang đũa bạc đến, cũng vẫn không bằng đũa chúng tôi cầm vừa tay hơn.
    Phượng Thư nói:
    - Trong đồ ăn lỡ có chất độc, lấy đũa bạc thử thì biết ngay.
    Già Lưu nói:
    - Trong đồ ăn này mà có độc, thì những thứ đồ ăn của chúng tôi đều là nhân ngôn cả! Dù độc chết người tôi cũng cứ ăn.
    Giả mẫu thấy già Lưu vui vẻ như thế, ăn có vẻ ngon lành, liền sai người mang những đồ ăn của mình sang, lại bảo vú già gắp đồ ăn vào bát cho thằng Bản.
    Ăn xong, bọn Giả mẫu vào buồng Thám Xuân nói chuyện, ở ngoài xếp dọn bàn ăn rồi lại bày một bàn khác. Già Lưu trông thấy Lý Hoàn cùng Phượng Thư ngồi ăn, thở dài nói:
    - Cái khác không nói làm gì, tôi chỉ thích cách làm việc trong nhà các mợ! Chẳng trách được, người ta thường nói: ?oLễ ở nhà quan ra?.
    Phượng Thư cười nói:
    - Bà đừng nghĩ ngợi gì nhé, vừa rồi chẳng qua để mọi người cùng vui đấy thôi.
    Nói chưa dứt lời, thì Uyên Ương chạy lại, cười nói:
    - Bà đừng giận, tôi xin lỗi bà.
    Già Lưu cười nói:
    - Cô nói gì thế? Chúng ta đều làm cho cụ vui lòng cả, có điều gì đáng giận? Trước cô dặn tôi, tôi cũng hiểu rồi, chẳng qua làm cho mọi người cùng vui đấy thôi. Nếu giận thì tôi đã chẳng nói.
    Uyên Ương liền mắng người hầu:
    - Tại sao chưa pha trà cho già uống?
    Già Lưu vội nói:
    - Cô ấy đã pha trà cho tôi uống rồi. Cô cứ đi ăn cơm đi.
    Phượng Thư kéo Uyên Ương ngồi xuống bảo:
    - Cô ngồi đây ăn với chúng tôi, đỡ phải phiền nữa.
    Uyên Ương ngồi xuống, bọn bà già lấy thêm bát đũa. Ba người ăn xong, già Lưu cười nói:
    - Tôi thấy các cô chỉ ăn có một tý đã xong rồi, như thế không đói à! Chẳng trách được, gió thổi một cái cũng ngã!
    Uyên Ương hỏi:
    - Hôm nay đồ ăn còn thừa nhiều, họ đi đâu cả?
    Bọn bà già nói:
    - Họ đều chưa về, còn ngồi chờ cả ngoài kia, đem phân phát cho họ ăn.
    Uyên Ương nói:
    - Họ ăn không hết chừng ấy đâu, lấy vài món mang sang cho Bình Nhi bên nhà mợ Hai.
    Phượng Thư nói:
    - Bình Nhi ăn cơm sáng rồi, không cần phải mang cho nữa.
    Uyên Ương nói:
    - Nếu nó không ăn thì cho mèo nhà mợ ăn.
    Bà già chọn hai món để vào quả mang sang. Uyên Ương hỏi:
    - Chị Tố Vân đi đâu?
    Lý Hoàn nói:
    - Nó đã ngồi ăn cả đây rồi, còn hỏi làm gì?
    Uyên Ương nói:
    - Thế thì thôi.
    Phượng Thư nói:
    - Tập Nhân không ở đây, cô bảo người đưa hai món sang cho cô ấy ăn.
    Uyên Ương liền sai người mang sang hai món.
    Uyên Ương lại hỏi bọn bà già:
    - Cái quả đựng đồ ăn để lát nữa trở về uống rượu, đã sắp sẵn chưa?
    - Có nhẽ phải chờ một lúc nữa.
    - Nhanh lên một tý.
    Bà già vâng lời.
    Bọn Phượng Thư vào buồng Thám Xuân, thấy các chị em đang cười đùa. Thám Xuân vốn thích rộng rãi, ba gian nhà ở đều để thông luôn. Giữa nhà kê một cái bàn to bằng đá Đại Lý, trên bàn có các loại bút thiếp của cái bậc danh nhân, cùng mấy chục cái nghiên báu, và các thứ ống bút; bút cắm ở ống như rừng cây. Một bên bày cái lọ sứ Như Châu to bằng cái đấu, cắm đầy hoa cúc trắng như thủy tinh. Phía tường bên Tây treo một bức họa ?oYên vũ đồ? của Mễ Tương Dương(8).
    Hai bên treo hai câu đối, bút tích của ông Nhan Lỗ công(9): Phong lưu cảnh đượm màu mây khói, chất phác người quen thú suối rừng. Trên án đặt một cái đỉnh lớn, trên cái giá gỗ đàn tía ở bên tả đặt một cái mâm sứ lớn, trên mâm bày mấy chục quả phật thủ vàng tươi; trên cái giá sơn ở bên hữu treo một cái khánh Tị Mục(10) bằng ngọc trắng, bên cạnh treo một cái dùi nhỏ.
    ************************
    (8) (ND) Mễ Tương Dương tên Mễ Thị, tên chữ Nguyên Chương, người đất Tương Dương, đời Tống. Văn hay chữ tốt, lại có tài riêng về sơn thuỷ nhân vật, thích chơi đồ đá lạ vàng quý. Ông đã làm những bộ sách như Bảo Tấn Anh Quang Tập, Thư sử, Hoạ sử, Nghiên sử.
    (9) Tức Nhan Chân Khanh, tên chữ là Thanh Thần (709 ?" 785) một nhà thư pháp nổi tiếng, quê Vạn niên, Kinh Triệu đời Đường (nay là Tây An, TQ)
    (10) (ND) Hai khánh chồng lên nhau như giống cả hai mặt ở bên phải
    ************************
    Thằng Bản đã hơi quen rồi, nó định lấy dùi gõ khánh, bọn a hoàn vội ngăn lại. Nó lại muốn ăn phật thủ, Thám Xuân chọn cho một quả, nói:
    - Để chơi thôi, không ăn được.
    Trông thấy ở phía đông kê một cái giường cao chân, trên treo màn the màn xanh có thêu hoa cỏ, sâu bọ, thằng Bản chạy đến xem rồi nói:
    - Đây là con cào cào, đây là con châu chấu.
    Già Lưu tát nó một cái, mắng:
    - Đồ con nhà hèn hạ! Làm ồn cả lên! Cho mày đến xem, mày lại dám hỗn thế à!
    Thằng Bản khóc ầm lên, mọi người dỗ mãi nó mới nín.
    Giả mẫu đứng trong màn cửa sổ nhìn ra sân sau, nói:
    - Cây ngô đồng ở thềm đằng sau đẹp nhỉ, chỉ phải tội nhỏ thôi.
    Chợt có một cơn gió thổi qua, vẳng nghe thấy tiếng đàn sáo. Giả mẫu hỏi:
    - Nhà ai cưới vợ đấy? ở đây gần phố nhỉ?
    Vương phu nhân nói:
    - Ở ngoài phố thì nghe thế nào được? Đó là mười mấy cô gái bé của chúng ta đang tập đàn hát đấy.
    Giả mẫu cười nói:
    - Họ tập hát sao không bảo đến đây mà tập. Họ được chơi, chúng mình được vui, chả hơn ư?
    Phượng Thư liền sai người đi gọi, rồi bảo người bày bàn, và trải thảm đỏ ra.
    Giả mẫu nói:
    - Bày ở nhà thủy tọa Ngẫu Hương tạ, nhờ có tiếng nước chảy lại càng vui tai. Chốc nữa chúng ta sẽ uống rượu ở tầng dưới Xuyết Cẩm các, vừa rộng rãi, vừa nghe được gần.
    Mọi người đều khen phải. Giả mẫu ngoảnh về phía Tiết phu nhân cười nói:
    - Thôi chúng ta đi chơi, bọn chị em nó không thích đông người đến đâu, vì sợ bẩn nhà. Chúng ta biết thừa đi rồi, hãy ra ngồi thuyền uống rượu đi.
    Mọi người đứng dậy định đi ngay. Thám Xuân cười nói:
    - Sao bà lại nói thế? Mong bà, cùng dì và mẹ đến ngồi chơi còn chưa được nữa là.
    Giả mẫu nói:
    - Con cháu Ba còn khá, chỉ có hai cháu Ngọc là đáng ghét. Chốc nữa uống rượu say, chúng ta đến nhà chúng nó quấy chơi.
    Mọi người đều cười ầm lên, rồi đi ra cả. Không mấy chốc đã đến bến Hành Diệp. Mấy cô lái thuyền được kén ở Cô Tô về đã chèo hai chiếc thuyền gỗ đương đến. Mọi người đỡ Giả mẫu, Vương phu nhân, già Lưu, Uyên Ương và Ngọc Xuyến lên một chiếc thuyền, Lý Hoàn cũng lên theo. Phượng Thư lên đứng ở đầu thuyền định chở đi. Giả mẫu ở trong khoang nói:
    - Đừng đùa nhé! Đây không phải là sông, nhưng cũng có chỗ sâu đấy. Mày vào ngay trong này cho tao!
    Phượng Thư cười nói:
    - Sợ gì! Bà cứ yên tâm.
    Nói xong, liến lấy sào đẩy ra đến giữa hồ. Thuyền nhỏ, người nhiều, Phượng Thư thấy choáng váng, vội đưa sào cho cô lái rồi ngồi xuống.
    Chị em Nghênh Xuân cùng Bảo Ngọc lên một chiếc thuyền khác đi tới, còn bọn bà già, a hoàn cứ đi theo dọc bờ sông.
    Bảo Ngọc nói:
    - Những lá sen tàn này thật đáng ghét, sao không sai người nhặt hết đi.
    Bảo Thoa cười nói:
    - Mấy lâu nay những người coi vườn có được rỗi đâu, ngày nào chúng ta cũng đi chơi, họ còn thì giờ đâu mà đi nhặt được nữa?
    Đại Ngọc nói:
    - Xưa nay tôi không thích thơ Lý Nghĩa Sơn(11) chỉ thích có một câu của ông ta là: Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu. Bây giờ các người lại không để lại những lá sen tàn à!
    ***********************
    (11) (ND) Tức Lý Thương Ẩn, đời Đường, có lối thơ chải chuốt tình tứ
    ***********************
    Bảo Ngọc nói:
    - Câu ấy hay thật! Từ giờ trở đi, chúng ta không sai người nhặt đi nữa.
    Mọi người đi đến dưới kênh La Cảng ở bến Hoa Tự, thấy bóng mát lạnh toát người, hai bên bờ sông cỏ úa ấu tàn, càng gợi tình thu. Giả mẫu thấy trên bờ có những nhà mát rộng rãi, liền hỏi:
    - Đây có phải là nhà cô Tiết đấy không?
    Mọi người thưa: ?oVâng?. Giả mẫu bảo đỗ thuyền vào bờ, theo bậc đá trèo lên, cùng đến Hành Vu uyển, thấy sực nức mùi thơm. Những cỏ lạ dây tiên càng lạnh bao nhiêu, lại càng xanh tốt bấy nhiêu, nó đã ra quả như hạt đậu san hô, trĩu xuống đáng yêu. Vào đến trong nhà, thấy trắng tinh, không có một thứ đồ chơi nào cả. Trên án chỉ bày một cái lọ sành Châu Định, cắm vài cành cúc, cùng mấy bộ sách, hộp trà và chén trà thôi; trên giường treo cái màn the xanh, chăn đệm thì mộc mạc xuềnh xoàng lắm.
    Giả mẫu than thở:
    - Con bé này thực thà quá! Không bày biện gì cả. Tao cũng không để ý đến. Tất nhiên đồ đạc của nhà cháu không mang đến đây được, nhưng sao không hỏi dì cháu đưa cho mấy thứ mà bày?
    Giả mẫu sai Uyên Ương về mang mấy thứ đồ cổ đến; lại mắng Phượng Thư:
    - Mày là đồ keo kiệt, không mang đến đây cho em được mấy thứ đồ chơi.
    Vương phu nhân và Phượng Thư đều cười nói:
    - Cô ấy không thích. Chúng tôi đã cho mang đến, nhưng cô ấy đều giả lại cả.
    Tiết phu nhân cười nói:
    - Khi nó ở nhà cũng không thích những đồ ấy.
    Giả mẫu lắc đầu nói:
    - Không thể thế được. Dù cháu không muốn bày vẽ, nhưng có bà con đến chơi thì coi sao được; vả lại nhà ở của các cô mà giản dị quá cũng nên kiêng. Các cô mà ở như vậy thì bọn già chúng ta chỉ đáng ở chuồng ngựa thôi. Các người thử xem những phòng thêu của các tiểu thư ngày trước ở trong sách và trên sân khấu, đẹp đẽ diêm dúa biết là nhường nào. Bọn chị em bây giờ tuy không dám ví với những bậc tiểu thư ngày trước, nhưng cũng không nên xuềnh xoàng quá. Đồ đạc có sẵn cả, tại sao không đem bày? Nếu muốn giản dị thì bày ít đi mấy thứ cũng được. Xưa nay ta rất khéo trang trí nhà cửa, bây giờ già rồi, không hơi đâu nghĩ đến những việc ấy nữa. Chị em chúng nó cũng nên học cách trang trí cho đẹp. Mình mà tục, thì dù có bày đồ đẹp chăng nữa cũng bằng thừa. Nhưng ta xem chị em chúng nó không phải là bọn tục đâu. Bây giờ để ta trang trí cho, vừa đường hoàng lại thanh nhã. Ta có vài thứ của riêng, giờ vẫn cất đi không cho thằng Bảo trông thấy; nó thấy thì mất toi.
    Nói xong, gọi Uyên Ương đến bảo:
    - Mày về lấy cái chậu cây bằng đá, cái bình phong bằng lụa và cái đỉnh đá màu vân ám đến đây. Cứ bày ba cái ấy ở trên bàn là đủ. Rồi vất cái màn này đi, lấy cái màn lụa trắng vẽ thủy mạc treo vào đấy.
    - Nhưng thứ ấy đều cất ở trên lầu phía đông, không biết ở hòm nào, để thư thả tìm xem, ngày mai sẽ mang đến.
    - Hôm nào cũng được, nhưng đừng có quên.
    Giả mẫu ngồi chơi một lúc rồi đi đến dưới gác Xuyết Cẩm. Bọn con hát lên chào và hỏi ?oDiễn vở gì?? Giả mẫu nói:
    - Chọn nhưng vở nào các em đã đóng quen rồi thì diễn.
    Bọn con hát diễn xong, mọi người mới trở về Ngẫu Hương tạ.
  5. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Ở đây Phượng Thư đã cho người bày biện đầy đủ. Trên kê hai cái giường, trên giường trải nệm gấm, trước mỗi cái giường để hai cái kỷ sơn; cái chạm kiểu hoa hải đường, cái kiểu hoa mai, cái kiểu lá sen, cái kiểu hoa quỳ; cái vuông, cái tròn, không cái nào giống cái nào. Trên kỷ đầu để một lư hương và một cái quả. Hai cái giường bốn cái kỷ ở trên là chỗ Giả mẫu và Tiết phu nhân ngồi. Phía dưới một cái ghế, hai cái kỷ là chỗ Vương phu nhân ngồi. Còn thì mỗi người một ghế một kỷ. Bên đông là chỗ già Lưu ngồi, dưới đó là Vương phu nhân. Bên tây là Tương Vân, rồi Bảo Thoa, Đại Ngọc, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, cứ theo thứ tự mà ngồi, cuối cùng là Bảo Ngọc. Hai cái ghế của Lý Hoàn và Phượng Thư để ở bậc thứ ba, bên ngoài cái tủ the để bậc thứ hai. Kiểu kỷ thế nào, kiểu quả cũng thế. Mỗi người một bình rượu nhỏ bằng đồng đen chạm và một cái chén pha lê.
    Mọi người ngồi xong, Giả mẫu cười nói:
    - Trước hết, chúng ta mỗi người uống hai chén. Hôm nay cứ phải có ?otửu lệnh? mới có ý nghĩa.
    Tiết phu nhân cười nói:
    - Cụ chắc có nhiều tửu lệnh hay, các cháu hiểu thế nào được? Người định để cho các cháu say, các cháu xin uống thêm mấy chén nữa.
    Giả mẫu cười nói:
    - Dì hôm nay nói nhún quá, chắc là chê tôi già rồi.
    Tiết phu nhân cười nói:
    - Không phải là nói nhún, sợ không theo nổi lệnh, lại làm trò cười thôi.
    Vương phu nhân cười nói:
    - Nếu không theo nổi, thì uống thêm một chén, say rồi đi ngủ, còn ai cười chúng mình vào đâu?
    Tiết phu nhân gật đầu cười nói:
    - Xin theo lệnh. Nhưng cụ phải uống trước một chén rượu lệnh mới được.
    Giả mẫu cười nói:
    - Đúng thế.
    Liền uống một chén.
    Phượng Thư vội đến cười nói:
    - Đã ra tửu lệnh, nên cho Uyên Ương đứng hành lệnh mới phải.
    Mọi người đều biết tửu lệnh của Giả mẫu là do Uyên Ưống nhắc trước, nên khi nghe xong, đều nói: ?oPhải lắm?. Phượng Thư kéo Uyên ương đến. Vương phu nhân cười nói:
    - Đã được cử ra hành lệnh, không có nhẽ cứ phải đứng mãi.
    Liền quay lại bảo a hoàn nhỏ: ?oLấy một cái ghế nhỏ để ở trước bàn hai mợ mày?.
    Uyên Ương rụt rè, xin phép ngồi xuống, rồi uống một chén rượu, cười nói:
    - Tửu lệnh phải nghiêm như quân lệnh, không cứ sang hèn, đều do tôi làm chủ cả. Trái lời tôi phải phạt.
    Vương phu nhân cười nói:
    - Đúng thế, hãy nói đi.
    Uyên Ương chưa kịp nói, già Lưu đã đứng dậy xua tay nói:
    - Đừng trêu chọc người ta! Tôi đi về đây.
    Mọi người đều cười nói:
    - Không thể thế được.
    Uyên Ương quát sai bọn hầu nhỏ ra kéo già Lưu vào ghế. Già Lưu kêu lên:
    - Thôi tha cho tôi!
    Uyên Ương nói:
    - Bà còn nói nữa sẽ phải uống một bình.
    Già Lưu mới chịu thôi. Uyên Ương nói:
    - Bây giờ tôi nói cách chơi bằng con bài. Từ cụ trở xuống đến già Lưu, đều phải theo lệnh. Ví dụ tôi gọi tên một phu bài, tôi sẽ tách riêng ba con ra, bắt đầu nói con thứ nhất, rồi đến con thứ hai. Nói đến lượt ai, người đó sẽ nói một câu, phải đúng vần. Nếu sai sẽ bị phạt một chén rượu.
    Mọi người cười nói:
    - Lệnh hay lắm, nói mau đi.
    Uyên Ương nói:
    - Đây có một phu bài. Bên trái là quân thiên.
    Giả mẫu nói: Trời xanh đứng ở bên trên.
    Mọi người nói: ?oHay?.
    Uyên Ương nói:
    - Ngũ lục đứng ở trung gian.
    Giả mẫu nói:
    - Lục kiều mai nở hương tràn thấu xương.
    - Một quân lục hợp yêu.
    - Một vành đỏ chói đương treo giữa trời.
    - Hợp thành con quỷ bù đầu.
    - Quỷ này ôm chặt đùi sau Chung Quỳ(12).
    *****************************
    Chung Quỳ, theo huyền tích, là tên một vị thần đời Đường, từng hiển linh bắt quỷ dữ để cứu Đường Minh Hoàng. Về sau cứ vào dịp Tềt Nguyên đán, dân gian lại vẽ tranh Chung Quỳ để dán ở cửa, coi như ?oMôn thần?, lâu dần thành phong tục ngày tết.
    *****************************
    Mọi người cười rộ, khen ngợi. Giả mẫu uống một chén.
    Uyên Ương lại nói:
    - Lại có một phu bài. Bên trái quân đại trường ngũ đây.
    Tiết phu nhân nói:
    - Hoa mai trước gió tung bay từng chùm.
    - Bên phải là quân đại ngụ trường.
    - Tháng mười hai nức mùi hương trên ngàn.
    - Giữa có quân tạp thất đây.
    - Chức Ngưu thất tịch đêm ngày gặp nhau.
    - Hai chàng dạo Ngũ Nhạc chơi(13)
    *******************
    (13) Ngũ nhạc: các rặng núi được sắp xếp theo bốn hướng chính và trung tâm của vùng đất Trung Hoa cổ đại. Đó là 5 rặng núi Hằng Sơn (tỉnh Sơn Tây), Hành Sơn (tỉnh Hồ Nam), Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông), Tung Sơn (tỉnh Hà Nam), Hoa Sơn (tỉnh Thiểm Tây).
    *******************
    - Cuộc vui tiên cảnh, dưới đời kém xa.
    Mọi người khen hay, rồi Tiết phu nhân cũng uống một chén.
    Uyên Ương lại nói:
    - Đây là một phu bài nữa. Trường yêu bên trái hai vần.
    Tương Vân nói:
    - Hai vầng nhật nguyệt sáng trưng trần hoan.
    - Trường yêu bên phải lập lòe.
    - Tiếng hoa rụng xuống nào nghe thấy gì.
    - Giữa con yêu tứ nữa đây.
    - Kìa cây hồng hạnh tựa mây bên giời.
    - Hợp thành một quả anh đào.
    - Vườn qua lại để chim vào tha ra.
    Nói xong, Tương Vân uống một chén rượu.
    Uyên Ương lại nói:
    - Lại có một phu bài nữa. Bên trái là quân trường tam.
    Bảo Thoa nói:
    - Một đôi chim yến kêu ran trên xà.
    - Bên phải là quân tam trường.
    - Gió đua thủy hạnh thòng lòng dây xanh.
    - Giữa là tam lục chín khuyên.
    - Núi Tam Sơn(14) ngả ngoài miền trời xanh.
    **********************
    (14) Núi Tam Sơn ở hồ Động Đình, Trung Quốc
    **********************
    - Thuyền neo dây sắt chơi vơi.
    - Nơi nào sóng gió là nơi buồn rầu.
    Nói xong, uống một chén.
    Uyên Ương lại nói:
    - Quân thiên bên trái đây rồi.
    Đại Ngọc nói:
    - Ngày vui cảnh đẹp tự trời biết sao.
    Bảo Thoa nghe thấy câu ấy, quay lại nhìn. Đại Ngọc chỉ sợ bị phạt, nên không để ý.
    Uyên Ương nói:
    - Giữa bình gấm đẹp lạ lùng.
    - Song the nào thấy ả Hồng báo tin.
    - Nhị lục tám điểm đều nhau.
    - Trước sân ngọc điện sắp chầu hai bên.
    - Họp thành lẵng hái hoa rừng.
    - Gánh hoa thược dược thơm lừng gậy tiên.
    Nói xong uống một chén.
    Uyên Ương nói:
    - Bên trái tứ ngũ chín hoa.
    Nghênh Xuân nói:
    - Hoa đào đẫm mưa màu càng thắm.
    Mọi người cười nói: Đáng phạt! Sai vần rồi, lại không đúng nghĩa.
    Nghênh Xuân cười, uống một chén rượu phạt.
    Nguyên vì Phượng Thư và Uyên Ương đều muốn nghe già Lưu nói để cười, cố ý bảo Nghênh Xuân nói sai đi. Đến lượt Vương phu nhân, thì Uyên Ương đọc giúp, sau đến già Lưu. Già Lưu nói:
    - Chúng tôi ở nhà quê, khi nào rỗi, cũng thường họp mấy người chơi lối này, nhưng nghe không hay. Thôi để tôi thử nói xem.
    Mọi người cười nói:
    - Dễ thôi, bà cứ nói đi, không việc gì.
    Uyên Ương cười nói:
    - Bên trái đại tứ là ?ongười?.
    Già Lưu nghe rồi, nghĩ mãi mới nói:
    - Là người nhà quê chăng?
    Mọi người cười vỡ nhà.
    Già Lưu cười nói:
    - Chúng tôi người nhà quê chẳng qua chỉ nói chuyện nhà quê, các cô các mợ đừng cười.
    Uyên Ương nói:
    - Giữa quân tam tứ đỏ xanh.
    Già Lưu nói:
    - Sâu trên đống lửa cháy thành ra tro.
    Mọi người cười nói: ?oPhải đấy, hợp với cảnh bà đấy?.
    Uyên Ương cười nói:
    - Bên phải yêu tứ đẹp thay.
    Già Lưu nói:
    - Bó kia củ cải, bó này tỏi tươi.
    Mọi người lại cười.
    Uyên Ương cười nói:
    - Hợp vào thành một cành hoa.
    Già Lưu xoa tay ra vẻ muốn cười nhưng lại nhịn, rồi nói:
    - Đến khi hoa rụng lại là quả dưa.
    Mọi người nghe nói, không nhịn được, đều cười ầm lên. Bỗng nghe bên ngoài có tiếng ồn ào.
    (Hết hồi bốn mươi)
    Được letdown sửa chữa / chuyển vào 00:30 ngày 12/05/2006
  6. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ bốn mươi mốt
    Am Lương Thúy, Bảo Ngọc thưởng trà ngon
    Viện Di Hồng, già Lưu say rượu ngủ

    Già Lưu xoa tay nói:
    - Đến khi hoa rụng lại là quả dưa.
    Mọi người cuời ầm lên. Già Lưu uống chén rượn rồi nói đùa:
    - Hôm nay xin nói thực: Tôi chân tay thô kệch, lại uống nhiều rượu không cẩn thận lỡ đánh vỡ chén sứ thì không tiện. Xin cho tôi một cái chén gỗ, có đánh rơi xuống đất cũng không can gì.
    Mọi người lại cười. Phượng Thư nói:
    - Bà muốn dùng chén gỗ à? Tôi sẽ lấy cho. Nhưng có điều này phải nói trước: chén gỗ không như chén sứ đâu, nó có từng bộ một, phải uống hết mới được.
    Già Lưu trong bụng ngần ngừ: ?oVừa rồi chẳng qua ta nói đùa cho vui đấy thôi, biết đâu họ lại có thực. Ta thường đến ăn tiệc ở các nhà thân hào trong làng, trông thấy chén vàng chén bạc, chứ có chén gỗ bao giờ: A! Đúng rồi! chắc là thứ bát gỗ của trẻ con dùng. Họ làm thế, chẳng qua lừa ta uống thêm vài bát đó thôi. Nhưng không sao, rượu ngọt như nước đường, uống thêm một ít cũng chẳng hại gì.? Nghĩ vậy già liền nói:
    - Cứ mang lại đây tôi sẽ liệu.
    Phượng Thư liền bảo Phong Nhi:
    - Lấy bộ chén gốc trúc mười cái để trên giá sách trước mặt lại đây.
    Phong Nhi định đi, Uyên Ương cười nói:
    - Tôi biết rồi. Nhưng mười cái chén ấy hãy còn bé. Vả chăng mợ vừa bảo lấy chén gỗ, bây giờ lại lấy chén gốc trúc, như thế thì khó coi. Chi bằng lấy bộ mười cái chạm bằng rễ cây hoàng dương, đem đến đây, dốc hết cả cho bà ấy.
    Phượng Thư cười nói: ?oCàng tốt?.
    Uyên Ương sai người mang đến. Già Lưu trông thấy vừa sợ vừa mừng: sợ là phải uống mười chén lớn nhỏ một lúc, cái lớn vừa bằng cái chậu, cái nhỏ nhất cũng to gấp đôi cái chén mình cầm trên tay; mừng là thấy những chén chạm trổ rất đẹp, một màu non nước, cỏ cây và người, lại có đề chữ đóng dấu, liền nói:
    - Đem cái chén nhỏ đến đây thôi.
    Phượng Thư cười nói:
    - Ở đây sức rượu kém cả, nên không ai dám dùng bộ chén ấy. Vì bà thích, tôi phải đi tìm mãi mới thấy, nhất định là bà phải lần lượt uống hết mười chén mới được.
    Già Lưu sợ hãi vội nói:
    - Không dám đâu, xin mợ tha cho.
    Giả mẫu, Tiết phu nhân và Vương phu nhân biết già Lưu đã có tuổi, không uống nổi, liền cười nói:
    - Nói thế cho vui đấy thôi, bà không nên uống nhiều. Uống một chén đầu là đủ.
    Già Lưu nói:
    - A di đà phật! Tôi xin uống chén nhỏ, còn chén nhớn thì cất đi, để tôi mang về nhà uống dần.
    Mọi người lại cười ầm lên.
    Uyên Ương không làm thế nào được, đành phải sai người rót một chén lớn. Già Lưu bưng lấy định uống. Giả mẫu và Tiết phu nhân đều nói:
    - Uống thong thả chứ, không thì sặc đấy.
    Tiết phu nhân lại sai Phượng Thư đưa đồ ăn đến.
    Phượng Thư cười nói:
    - Bà muốn ăn món gì, cứ nói, tôi sẽ gắp cho.
    Già Lưu nói:
    - Tôi biết tên món gì mà gọi? Cái gì cũng ngon cả.
    Giả mẫu cười nói:
    - Gắp cà xào cho bà ấy ăn.
    Phượng Thư vâng lời, gắp miếng cà xào đưa vào mồm già Lưu, cười nói:
    - Ngày nào bà cũng ăn cà, giờ thử nếm xem món cà ở đây chúng tôi làm có ngon hay không?
    Già Lưu cười nói:
    - Đừng đánh lừa tôi, nếu cà mà ngon thế này, thì chúng tôi chỉ giồng cà thôi, không cần giồng các thứ ăn khác.
    Mọi người cười nói:
    - Cà thật đấy, chúng tôi không nói dối bà đâu.
    Già Lưu lấy làm lạ nói:
    - Cà thật đấy à? Tôi ăn từ nãy đến giờ, vẫn không biết mùi gì cả! Mợ gắp ít nữa cho tôi, đến miếng này tôi nhai kỹ xem.
    Phượng Thư lại gắp một miếng đưa vào mồm già Lưu. Nhai một lúc lâu, già Lưu cười nói:
    - Cũng hơi có mùi cà, nhưng không phải là cà. Mợ bảo cách cho tôi, khi về tôi cũng học nấu món ăn này.
    Phượng Thư cười nói:
    - Có khó gì đâu cứ đến tháng tư tháng năm, bà hái cà về gọt vỏ bỏ núm, chỉ lấy ruột thôi, đem thái nhỏ như sợi tóc, phơi thật khô. Sau đó bắt một con gà mẹ, ninh ra nước và hấp cà lên, xong đem ra phơi, chín lần phơi, chín lần hấp, lại đem phơi thật khô, rồi bỏ vào trong lọ sứ bịt thật kín. Khi ăn sẽ lấy một thìa trộn với thịt gà xào mà ăn.
    Già Lưu lắc đầu lè lưỡi nói:
    - Phật tổ ơi! Thế thì phải hết đến non chục con gà mới nấu được một bát. Chẳng trách ngon là phải!
    Già Lưu vừa cười vừa thong thả uống hết một chén rượu, rồi cứ ngắm nghía mãi cái chén. Phượng Thư cười nói:
    - Nếu chưa đủ hứng, thì bà uống thêm một chén nữa.
    Già Lưu nói:
    - Không uống được nữa, say chết mất! Tôi thích cái chén này quá, không biết họ làm bằng gỗ gì!
    Uyên Ương cười nói:
    - Bà uống hết rượu rồi, cũng không biết cái chén này người ta làm bằng gỗ gì à?
    Già Lưu nói:
    - Không trách được các cô không biết là phải. Các cô ở trong nhà vàng cửa gấm, biết sao được các thứ gỗ? Chúng tôi quanh năm làm quen với rừng. Khi buồn ngủ lấy gỗ mà gối, lúc mệt lấy gỗ mà nằm dựa lưng, năm mất mùa đói kém phải ăn đến cả nó. Mắt lúc nào cũng trông thấy gỗ, tai lúc nào cũng nghe thấy gỗ, miệng lúc nào cũng nói đến gỗ. Vì thế thứ gỗ nào tốt, xấu, thật, giả, tôi đều biết cả, để tôi thử nhận xem.
    Già Lưu vừa nói vừa ngắm nghía cái chén một lúc nói:
    - Nhà các người thế này, khi nào có chăng đồ xấu. Những thứ gỗ xoàng chắc các người chẳng chịu sắm đâu. Tôi cầm thấy nó nặng chình chịch ấy. Nếu không phải là gỗ dương, cũng là gỗ thông vàng.
    Mọi người nghe nói lại cười ầm lên.
    Một bà già chạy đến trình Giả mẫu:
    - Các cô đã đến Ngẫu Hương tạ cả rồi, xin cụ truyền cho hát ngay hay phải chờ lúc nữa.
    Giả mẫu cười nói:
    - Ta quên khuấy đi mất, bảo chúng nó cứ hát đi.
    Bà già vâng lời đi ra.
    Một lúc tiếng sênh, tiếng sáo lộn ràng, đàn địch vang dậy. Lại gặp buổi trời trong gió mát, điệu nhạc văng vẳng luồn qua khe rừng bến nước vọng lại, làm cho mọi người tâm thần sảng khoái. Bảo Ngọc không nén nổi lòng, liền cầm cái hồ rót một chén rượu uống hết. Đang định uống thêm chén nữa, bỗng thấy Vương phu nhân cũng sai người đi lấy rượu ấm, Bảo Ngọc vội mang ngay chén rượu của mình đưa đến tận miệng Vương phu nhân. Vương phu nhân uống hai hớp.
    Một lúc, rượu ấm mang đến, Bảo Ngọc lại về chỗ cũ. Vương phu nhân cầm lấy hồ rượu, nói: "Mời bà dì mày ngồi. Ai ở đâu về đấy.? Vương phu nhân mới đưa cái hồ cho Phượng Thư, rồi tự mình ngồi xuống. Giả mẫu cười nói:
    - Hôm nay thú quá, mọi người đều uống hai chén.
    Rồi cầm chén mời Tiết phu nhân, lại bảo Tương Vân và Bảo Thoa:
    - Hai chị em mày mỗi người phải uống một chén. Em Lâm mày không uống được nhiều cũng bắt phải uống.
    Giả mẫu tự mình uống cạn chén trước, Tương Vân, Bảo Thoa, Đại Ngọc cũng đều uống cả.
    Già Lưu nghe nhạc vui tai, lại có rượu mừng quá, múa chân múa tay lên. Bảo Ngọc liền đến cười bảo Đại Ngọc:
    - Em xem già Lưu kìa.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Ngày trước nhạc nhà vua vừa nổi lên, thì trăm muông nhảy múa. Bây giờ mới chỉ có một con trâu thôi.
    Chị em đều cười.
    Một lúc nhạc im. Tiết phu nhân cười nói:
    - Mọi người uống rượu cả rồi, xin ra ngoài chơi một lúc.
    Giả mẫu cũng thích ra chơi. Thế là cả nhà đều theo ra ngoài ngắm cảnh. Giả mẫu muốn đưa già Lưu đi dạo chơi, liền kéo già đến trước núi, dưới cây, quanh quẩn một lúc, bảo cho già biết cây này tên là gì, đá này tên là gì, hoa này tên là gì. Già Lưu đều ghi nhớ cẩn thận, nói:
    - Ngờ đâu ở trong thành này, không những người, đến cả giống chim sẻ cũng sang trọng. Giống chim sẻ được ở trong nhà cụ cũng sinh khôn ra, và cũng biết nói.
    Mọi người không hiểu, hỏi:
    - Chim sẻ nào sinh khôn và biết nói?
    Con chim có lông xanh, mỏ đỏ đậu ở cái cầu vàng ngoài hiên kia là con vẹt tôi đã biết rồi. Còn con quạ đen đầu có mào đang ở trong ***g kia cũng biết nói đấy.
    Mọi người lại cười ầm lên.
    Bọn a hoàn đem món điểm tâm đến. Giả mẫu nói:
    - Mới uống vài chén rượu, chưa đói. Thôi cứ mang đến đây, ai muốn ăn gì thì ăn.
    A hoàn khiêng đến hai kỷ, bày hai cái hộp nhỏ. Mở ra, mỗi hộp đựng hai thứ. Một hộp đựng hai món hấp: bánh hấp ngọt bột ngó sen có mùi hoa quế, và bánh cuốn mỡ ngỗng. Còn hộp nữa đựng hai thứ bánh rán: một thứ là bánh miến hấp, lớn độ một tấc. Giả mẫu hỏi:
    - Bánh nhân gì đấy?
    Bà già thưa:
    - Nhân cua đấy ạ.
    Giả mẫu cau mày nói:
    - Bây giờ ngấy mỡ lắm rỗi, ai ăn được món ấy nữa.
    Lại trông thấy món mì xào với mỡ, Giả mẫu cũng không thích, liền mời Tiết phu nhân ăn. Tiết phu nhân cầm một miếng bánh hấp ngọt. Giả mẫu cầm một cái bánh cuốn, nếm một miếng, còn thừa một nửa gọi cho a hoàn.
    Già Lưu thấy bánh mỳ hấp trong suốt, lóng lánh, đủ màu đủ vẻ, lại cầm một cái bánh kiểu hoa mẫu đơn, cười nói:
    - Các cô gái khéo nhất ở làng tôi cũng không cắt được cái hoa đẹp như thế này! Tôi muốn ăn nhưng lại tiếc, gói đưa về nhà để cho họ bắt chước cắt hoa thì tốt hơn.
    Mọi người đều cười, Giả mẫu cười nói:
    - Khi về tôi sẽ cho bà một vò mang về. Bây giờ bánh còn nóng, bà hãy ăn đi.
    Mọi người chỉ lấy một vài cái nào mình thích ăn thôi.
    Già Lưu xưa nay chưa từng được ăn những thứ này bao giờ, vả bánh làm lại khéo léo, xinh xắn, nên cùng thằng Bản ăn mỗi thứ mấy cái, đã vơi mất nửa mâm. Còn thừa, Phượng Thư sai dồn lại hai mâm và một hộp cho bọn Văn Quan ăn.
    Bỗng vú em ẵm cháu Đại Thư đến. Mọi người đùa với nó một lúc, Đại Thư đương ôm quả bưởi chơi, thấy thằng Bản ôm quả phật thủ, nó đòi ngay. A hoàn dỗ đi lấy quả khác, nó chờ không được, khóc ầm lên. Mọi người lấy quả bưởi đưa cho thằng Bản rồi lấy quả phật thủ của thằng Bản đưa cho nó. Thằng Bản chơi quả phật thủ đã lâu rồi, lúc ấy hai tay lại đương cầm bánh ăn, trông thấy quả bưởi vừa thơm, vừa tròn, lại càng thích, định làm quả cầu để đá, nên không lấy quả phật thủ nữa.
    Được letdown sửa chữa / chuyển vào 01:08 ngày 12/05/2006
  7. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Giả mẫu uống nước xong, dẫn già Lưu đến am Lũng Thúy. Diệu Ngọc đón chào. Mọi người vào đến sân, thấy hoa tươi cây tốt, Giả mẫu cười nói:
    - Bọn họ tu hành rỗi việc, hay sửa sang, trông đẹp hơn các nơi nhiều.
    Vừa nói vừa đi lên thiền đường bên đông. Diệu Ngọc cười mời vào trong nhà, Giả mẫu nói:
    - Chúng tôi vừa uống rượn, ăn thịt xong, trong nhà thờ Phật vào sợ mắc tội; ngồi ở đây thôi. Người cứ mang trà ngon ra, chúng tôi uống một chén rồi đi.
    Bảo Ngọc để ý xem cách tiếp đãi của Diệu Ngọc như thế nào, thấy Diệu Ngọc mang cái khay nhỏ kiểu hoa hải đường, sơn bốn chữ vàng "vân long hiến thọ?, trong đặt một cái chén sứ Châu Thành năm màu dâng lên. Giả mẫu nói:
    - Tôi không uống trà Lục An đâu.
    - Tôi đã biết rồi. Đây là trà ?oLão quân my?(1) đây.
    --------------------------------
    (1) (ND) Lông mày của ông già, tức chè búp trắng như tuyết
    --------------------------------
    - Pha bằng nước gì?
    - Nước mưa năm ngoái đấy.
    Giả mẫu uống nửa chén rồi đưa cho già Lưu, nói:
    - Bà thử nếm trà này xem.
    Già Lưu uống một hơi, cười nói:
    - Ngon có ngon, nhưng hơi nhạt. Pha đặc một tí thì hơn.
    Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Sau đều uống trà rót vào bát trắng có nắp.
    Diệu Ngọc kéo áo Bảo Thoa và Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc cũng khe khẽ đi theo. Diệu ngọc mời hai người vào buồng bên cạnh. Bảo Thoa ngồi ở trên giường, Đại Ngọc ngồi ở chiếu tụng kinh của Diệu Ngọc. Diệu Ngọc lấy bếp lò đun nước, pha một ấm trà khác. Bảo Ngọc khẽ chạy đến, cười nói:
    - Các cô uống trà riêng đấy à?
    Hai người đều cười nói:
    - Anh lại đến uống gạ! Đây không có trà cho anh uống đâu.
    Diệu Ngọc đang định ra lấy chén, thấy bà già đã thu dọn ấm chén ở ngoài sân. Diệu Ngọc vội nói:
    - Đừng cất cái chén sứ Châu Thành vội, hãy để ở ngoài ấy.
    Bảo Ngọc hiểu ý, biết là già Lưu uống chén ấy, sợ bẩn nên cô ta không dùng nữa. Sau Diệu Ngọc lại mang hai cái chén khác ra, một cái có quai, trên khắc ba chữ lệ ?ocô kiều trác?(2), bên cạnh có một hàng chữ nhỏ, viết chân phương ?oVương Khải trân ngoạn?(3); lại có một hàng chữ nhỏ nữa viết "Tống Nguyên Phong ngũ niên tứ nguyệt My Sơn Tô Thức kiến ư bí phủ"(4). Diệu Ngọc rót một chén đưa cho Bảo Thoa. Còn một chén dáng như cái bát nhưng mà nhỏ, cũng có ba chữ "điểm tế kiều?(5) khắc lối triện. Diệu Ngọc pha trà vào chén và đưa mời Đại Ngọc, rồi lấy cái chén ngọc xanh của mình thường dùng pha cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
    - Người ta thường nói ?othế pháp bình đẳng?(6), sao hai cô được dùng đồ cổ quý, mà tôi lại phải dùng đồ tục này?
    *********************
    (2) (ND) Cô kiều trác: Chén hình quả bầu
    (3) (ND) Đồ chơi quý của Vương Khải
    (4) (ND) Tháng tư năm Nguyên Phong thứ 5 đời Tống, ông Tô Thức người My Sơn tìm thấy cho bí phủ.
    (5) (ND) Có tâm linh thông cảm với nhau. Kiều: một thứ chén xưa hơi lớn hơn chén rượu.
    (6) (ND): Tăng và tục đều bình đẳng
    *********************
    Diệu Ngọc nói:
    - Thế là đồ tục à? Không phải tôi nói liều đâu, nhà cậu chưa chắc đã tìm ra được cái đồ tục này!
    - Tục ngữ nói ?oVào làng phải theo làng?, đến đây thì nhưng đồ vàng ngọc châu báu đều cho là tục cả.
    Diệu Ngọc nghe nói thích lắm, lại lấy ra một cái chén lớn làm bằng gốc trúc chạm rồng cuộn ngoằn ngoèo nhiều khúc, cười nói:
    - Chỉ còn có một cái chén nhớn này thôi, cậu có thể uống hết được không?
    - Uống hết được.
    - Dù uống hết, cũng chẳng phí trà đâu cho cậu uống. Cậu không nghe người ta nói: "Uống chén thứ nhất là để thưởng thức mùi vị trà, chén thứ hai là phường ngu xuẩn uống cho khỏi khát, đến chén thứ ba là con trâu con lừa uống rồi?. Bây giờ cậu uống cả một chén lớn này còn ra cái gì nữa.
    Bảo Thoa, Đại Ngọc và Bảo Ngọc nghe xong đều cười ầm lên. Diệu Ngọc cầm bình nước chỉ rót độ một chén con vào chén lớn, Bảo Ngọc nhấm nháp từng tí, thấy hương vị mát nhẹ, khen ngợi không ngớt. Diệu Ngọc nghiêm nét mặt nói:
    - Cậu nhờ phúc của hai cô mới được uống trà này, chứ một mình cậu thì tôi không mời đâu.
    Bảo Ngọc cười nói:
    - Tôi biết lắm, vì thế tôi không cám ơn người, chỉ cám ơn hai cô thôi.
    Diệu Ngọc nói: ?oĐúng đấy?.
    Đại Ngọc hỏi:
    - Đây cũng là nước mưa năm ngoái phải không?
    Diệu Ngọc cười nhạt:
    - Cô mà lại là người rất tục, ngay nước uống không biết nếm. Đó là tuyết ở trên hoa mai mà năm năm về trước tôi lấy ở chùa Huyền Mộ Bàn Hương đấy, chỉ chứa được đầy một lọ hoa màu xanh thôi. Tôi chôn xuống đất để dành mãi, không uống, đến hè năm nay mới đào lên. Tôi chỉ uống một lần, nay là lần thứ hai cô nếm cũng không biết à? Nước mưa năm ngoái làm gì có hương vị mát dịu như thế? Uống thế nào được?
    Bảo Thoa biết Diệu Ngọc có tính dở hơi, không thích nói nhiều, cũng không thích ngồi lâu; uống nước xong, rủ Đại Ngọc đi ra. Bảo Ngọc nói với Diệu Ngọc:
    - Cái chén bà già uống lúc nãy, tuy bẩn, nhưng vất đi thật đáng tiếc! Cứ ý tôi, nên cho bà già nghèo ấy đem bán cũng có thể sống qua ngày. Người thấy có được không?
    Diệu Ngọc nghĩ một lúc gật đầu nói:
    - Thôi được. May tôi chưa uống đến cái chén ấy bao giờ. Đã uống rồi thì tôi đập đi, không khi nào đem cho bà ấy. Cậu muốn cho bà ấy, xin mang ngay đi.
    - Như thế là phải. Khi nào người lại thèm nói chuyện với bà ấy? Nếu nói chuyện với bà ta thì người cũng bị bẩn lây. Cứ đưa cho tôi là được.
    Diệu Ngọc sai người mang cái chén đưa cho Bảo Ngọc, Bảo ngọc cầm lấy rồi nói:
    - Khi chúng tôi ra về, sẽ bảo mấy đứa hầu nhỏ ra sông gánh mấy thùng nước rửa nhà, có được không?
    - Thế thì tốt. Nhưng cậu dặn họ, gánh nước về cứ để ở chân tường ngoài cửa thôi, đừng mang vào đây.
    - Đúng thế.
    Rồi Bảo Ngọc cầm lấy cái chén đưa cho người nhà Giả mẫu và bảo:
    - Ngày mai già Lưu về, mày đưa cái này cho già ấy.
    Ngay lúc đó, Giả mẫu đã ra, muốn về. Diệu Ngọc cũng không giữ lại, đưa Giả mẫu ra đến cửa ngoài, rồi quay lại đóng cửa.
    Giả mẫu thấy người mệt, liền bảo Vương phu nhân và chị em Nghênh Xuân mời Tiết phu nhân uống rượu, còn mình vào nằm nghỉ ở Đạo Hương thôn. Phượng Thư sai người mang cái ghế trúc nhỏ đến, Giả mẫu ngồi vào đó, bảo hai bà già kiệu đi. Phượng Thư, Lý Hoàn và bọn a hoàn theo sau.
    Tiết phu nhân cũng cáo từ ra về. Vương phu nhân cho bọn Văn Quan về, rồi phân phát những hộp bánh còn lại cho đám a hoàn ăn. Còn mình nhân tiện cũng nằm ngả xuống giường của Giả mẫu vừa ngồi, sai một đứa nhỏ hầu nhỏ bỏ rèm xuống, bóp chân và dặn:
    - Cụ có gọi gì thì bảo ta ngay.
    Nói xong lăn ra ngủ.
    Bảo Ngọc, Tương Vân trông thấy bọn a hoàn để những hộp bánh ở trên hòn đá, có đứa ngồi trên hòn đá, có đứa ngồi dưới đất, có đứa dựa vào cây, có đứa ngồi trên bờ hồ, rất là thỏa thích. Một lúc, Uyên Ương đến dắt già Lưu, mọi người lại đều theo đi dạo chơi. Đi đến dưới bức hoành có bốn chữ ?oTỉnh thân biệt thự "(7), già Lưu nói:
    - Úi chà! Có ngôi đền lớn thế này kia à!
    ******************
    (7) (ND) Biệt thự về thăm nhà
    ******************
    Già liền cúi đầu lạy. Mọi người cười ngặt nghẽo. Già Lưu hỏi:
    - Cười cái gì thế? Những chữ ở trên bức hoành này tôi đọc được cả. Ở nhà quê chúng tôi có nhiều đền miếu, cũng có bức hoành như thế này. Chữ này là tên cái đền đây.
    Mọi người cười hỏi:
    - Bà biết đây là đền gì?
    Già Lưu ngẩng đầu lên trỏ vào chữ nói:
    - Đây không phải là ?oNgọc Hoàng bảo điện? à!
    Mọi người vỗ tay cười ầm lên. Họ đương định làm trò cười nữa. Nhưng già Lưu thấy bụng sôi sùng sục, vội kéo một a hoàn nhỏ, bảo lấy vài tờ giấy rồi cởi quần ra. Mọi người vừa cười vừa quát:
    - Chỗ này không đi được đâu!
    Liền sai một bà già đưa già Lưu đi về phía đông bắc. Bà già trỏ chỗ cho già Lưu, rồi lẩn đi một nơi.
    Già Lưu uống nhiều rượu, không hợp với tỳ vị, lại ăn nhiều đồ mỡ, đâm khát, uống nhiều nước trà nên đi lỏng, phải ngồi mất lúc lâu. Khi ở nhà xí ra, lại bị gió. Hơn nữa, tuổi già, nên vừa đứng dậy, bà đã mắt hoa đầu váng, không nhận được lối đi. Nhìn chung quanh chỗ nào cũng cây cối um tùm, nhà cửa san sát, bà không tìm ra lối về, đành lững thững đi theo con đường đá. Khi đến trước một căn nhà, bà nghĩ bụng: ?oỞ đây cũng có giàn đậu à?? Liền theo hàng rào hoa đi vào một cái cửa tròn, thấy trước mặt có cái ao, bờ xây đá, rộng độ bảy tám thước, sông biếc nước trong, trên có cái cầu đá trắng bắc ngang.
    Già Lưu trèo lên cầu, đi theo đường đá, quanh mấy vòng đến một ngôi nhà, liền đi vào, thấy một em gái bé đứng đó, hớn hở cười. Già Lưu vội cười nói:
    - Các cô bỏ tôi để tôi lần mò mãi mới đến đây.
    Em bé chẳng trả lời gì cả. Già Lưu chạy lại nắm lấy tay nó, ?ochát" một tiếng, bà vấp phải bức ván, bươu cả đầu. Nhìn kỹ hóa ra một bức vẽ. Già Lưu nghĩ bụng: ?oBức vẽ sao lại nổi lên thế này?? Liền sờ tay thấy phẳng lì. Già Lưu gật đầu thở dài một tiếng rồi quay người đi đến một cái cửa nhỏ, trên treo rèm lụa màu xanh cải hoa. Già Lưu vén rèm đi vào, ngẩng đầu nhìn, bốn bên tường vách lộng lẫy, đàn, gươm, lư hương, bình hương, đều đặt vào lòng tường; ***g gấm, chao lụa, vàng ngọc sáng choang, cả gạch lát cũng đều chạm hoa xanh làm hoa cả mắt. Già Lưu lần cửa đi ra, nhưng nào có thấy? Bên trái đặt giá sách, bên phải đặt bình phong. Lần sau bình phong mới thấy một cái cửa, có một bà già ở trước mặt đi tới. Già Lưu lấy làm lạ, trong bụng hoảng lên đoán chừng: ?oCó lẽ là bà thông gia chăng?? Liền hỏi: "Bà cũng đến đấy à? Chắc thấy tôi đi mấy hôm nay không về, nên phiền bà phải đi tìm! Cô nào dẫn bà đến đây thế?"
    Thấy bà già ấy chỉ cười mỉm, già Lưu cười nói: ?oBà thật chả ra ngoài bao giờ, thấy vườn đây có hoa đẹp, là cố sống cố chết cắm đầy cả đầu."
    Bà già vẫn không nói câu gì. Già Lưu nghĩ ngay: ?oThường nghe nói các nhà giàu sang có tấm gương để mặc áo, có lẽ mình đứng ở trước gương hay sao đây?? Liền giơ tay ra sờ, và nhìn kỹ thì chính là bức vách chạm bóng bốn mặt và lắp gương giữa. Già Lưu bỗng cười lên rồi nói: ?oThế này thì đi ra thế nào được??
    Cái gương này có nút bấm, có thể đóng mở được, không ngờ già Lưu sờ đúng vào chỗ bấm, cái gương gạt sang một bên, hé ra một cái cửa.
    Già Lưu mừng mừng sợ sợ, chạy ra. Chợt thấy một cái giường rất lịch sự đặt đó. Lúc này già Lưu hãy còn say rượu,đi mãi đã mệt, liền ngồi thịch xuống giường, định nghỉ một lát, không ngờ mệt quá, hai mắt lim dim, hễ mở ra là nó díp lại, vừa ngả người xuống, bà đã ngủ thiếp ngay trên giường.
    Mọi người chờ mãi không thấy già Lưu về, thằng Bản cứ khóc ầm lên. Ai nấy đều cười nói:
    - Hay bà ấy rơi vào trong chuồng xí rồi? Phải sai người đi tìm xem.
    Hai bà già đi tìm về nói: ?oKhông thấy đâu cả?. Mọi người đều chia các ngả đi tìm. Tập Nhân nói:
    - Chắc là bà ấy say rượu, đi lạc đường. Nếu theo con đường này bà ấy sẽ lạc vào nhà sau đến giàn hoa, lần theo cửa sau, thế nào đám hầu nhỏ cũng biết, không đi theo lối giàn hoa, lại đi về phía tây nam, bà ấy quanh ra thì chớ, bằng không sẽ vẫn lẩn quẩn ở đấy! Tôi phải đi tìm xem sao?
    Tập Nhân đi vào cửa buồng, vòng qua bức ngăn bằng gấm, nghe tiếng ngáy khò khò, vội chạy lại, ngửi thấy hơi rượu sặc sụa. Nhìn vào nhà, thấy già Lưu đương dang tay, ruỗi chân nằm ngủ trên giường. Tập Nhân sợ quá, chạy vào lay lấy lay để. Già Lưu giật mình tỉnh dậy, trố mắt nhìn, thấy Tập Nhân, liền loạng choạng bò dậy nói:
    - Cô ơi! Tôi đáng chết! May chưa làm bẩn giường.
    Rồi lấy tay phẩy giường.
    Tập Nhân sợ Bảo Ngọc biết, xua tay bảo già Lưu không được nói, vội lấy ba bốn nắm hương bách hợp bỏ vào cái đỉnh gần đấy rồi đậy nắp lại. May mà già Lưu không nôn ra đấy. Tập Nhân khẽ cười bảo:
    - Không việc gì đâu, có tôi đây. Già theo tôi ra ngoài này.
    Ra đến buồng bọn hầu trẻ. Tập Nhân bảo già Lưu ngồi đấy rồi dặn:
    - Bà cứ nói là say rượu, nằm ngủ gật trên hòn đá, thế là được.
    Già Lưu vâng lời. Tập Nhân lại cho uống hai chén nước trà, già Lưu mới tỉnh rượu, liền hỏi:
    - Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch sự thế? Khác nào được lên trời vậy!
    Tập Nhân mỉm cười nói:
    - Buồng ấy à? Là buồng ngủ của cậu Bảo đấy.
    Già Lưu sợ quá không dám nói nữa. Tập Nhân đưa già Lưu đi ra đằng trước, gặp mọi người chỉ nói: ?oBà ấy ngủ ở trên bãi cỏ, tôi đưa về đây?.
    Mọi người đều không để ý đến.
    (Hết hồi bốn mốt)
    Được letdown sửa chữa / chuyển vào 01:11 ngày 12/05/2006
  8. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ bốn mươi hai
    Giải mối ngờ, Bảo Thoa ngỏ lời thân thiết
    Thêm vui chuyện, Đại Ngọc nói ý xa xôi

    Một lúc, Giả mẫu tỉnh dậy, cơm chiều đã dọn ra ở Đạo Hương thôn. Nhân người mệt, Giả mẫu không muốn ăn, liền ngồi vào ghế trúc nhỏ sai người kiệu về phòng nghỉ và cho Phượng Thư đi ăn cơm. Các chị em lại trở về trong vườn. Ăn cơm xong, ai về nhà nấy. Già Lưu dắt thằng Bản đến nói với Phượng Thư:
    - Sáng sớm mai tôi phải về. Tôi ở chơi đây mới vài ba hôm, nhưng những cái xưa nay chưa từng nghe, chưa từng thấy, chưa từng ăn, giờ đã đều được qua cả. Từ cụ đến các mợ, các cô, ngay cả các chị a hoàn cũng thương tôi là người già nghèo khổ. Tôi về, không biết lấy gì tạ ơn, chỉ định ngày ngày thắp hương niệm phật, khấn người phù hộ cho cụ cùng các mợ, các cô sống lâu trăm tuổi, để tỏ lòng thành kính của tôi.
    Phượng Thư cười nói:
    - Bà đừng mừng vội, vì bà mà cụ tôi bị cảm, khó ở; cả cháu Đại Thư nhà tôi cũng bị cảm sốt đấy.
    Già Lưu thở dài:
    - Cụ già rồi, không quen khó nhọc!
    Phượng Thư nói:
    - Xưa nay cụ tôi chưa từng cao hứng như thế bao giờ. Thỉnh thoảng người có đến chơi vườn, chẳng qua tới một vài chỗ, ngồi một lúc rồi về ngay. Hôm qua vì bà ở đây, muốn cho bà đi chơi khắp nơi, thành ra người đi quá nửa vườn. Lúc tôi đi tìm bà, ở nhà bà Hai cho cháu Đại Thư ăn miếng bánh, ngờ đâu nó đứng ở chỗ gió thành ra bị sốt.
    Già Lưu nói:
    - Chị bé nhà không quen ra vườn, chứ các cháu nhà tôi khi mới biết đi, bệ mả nào mà nó chẳng trèo lên? Có lẽ cảm gió đấy. Tôi sợ chị ấy người xinh xắn, con mắt sáng sủa, hoặc đi gặp phải ma chăng. Cứ ý tôi, nên giở quyển sách bói ra xem có phải gặp ma không.
    Phượng Thư chợt nhớ ngay ra, sai ngay Bình Nhi mang quyển Ngọc Hạp và bảo Thái Minh đọc. Thái Minh giở một lúc rồi đọc: ?oNgày 25 tháng 8, bệnh nhân mắc bệnh ở phía đông nam, gặp phải thần hoa. Lấy bốn mươi tờ giấy tiền ngũ sắc, tống tiễn ra khỏi nhà độ mươi bước về phía đông nam, bệnh sẽ khỏi."
    Phượng Thư cười nói :
    - Đúng lắm, trong vườn này làm gì mà chẳng có thần hoa? Chỉ sợ cụ cũng lại gặp ma thôi.
    Rồi sai người đi lấy hai tập giấy tiền, gọi hai người đến tiễn ma cho Giả mẫu và cháu Đại Thư. Quả nhiên cháu ngủ yên.
    Phượng Thư cười nói:
    - Các bà đã có tuổi nên kinh nghiệm nhiều, con bé cháu nhà tôi bị bệnh luôn, không biết vì duyên cớ gì?
    Già Lưu nói:
    - Cái ấy cũng có lẽ. Trẻ con nhà giàu sang, khi mới đẻ ra đều yếu ớt cả, nên hay đau ốm luôn. Vả lại trẻ con mà nâng giấc quá không nên. Từ giờ trở đi, mợ cũng nên ít chiều chuộng chị ấy thì hơn.
    Phượng Thư nói:
    - Cũng có lẽ đấy. Giờ tôi sực nhớ đến, cháu chưa có tên, xin bà đặt tên cho cháu để cháu nhờ lộc của bà. Vả lại, tôi nói bà đừng giận, bà là người nhà quê bị nghèo khổ, được người nghèo khổ đặt tên cho nó thì mới đáng đầu đáng số.
    Già Lưu nghĩ một lúc cười nói:
    - Chị ấy đẻ bao giờ?
    - Ngày sinh nó chả lấy gì làm tốt, nó đẻ ?ođúng vào"(1) ngày mồng 7 tháng 7.
    - Như thế tốt lắm, cứ đặt tên cho chị ấy là Xảo Thư là được. Thế gọi là ?olấy độc trị độc, lấy lửa trị lửa? đấy. Mợ cứ theo cái tên của tôi đặt cho, thì thế nào chị ấy cũng sống lâu trăm tuổi. Sau này lớn lên, sinh cơ lập nghiệp, hoặc có lúc gặp việc không may cũng tai qua nạn khỏi, gặp dữ hóa lành, đó đều nhờ chữ ?oXảo? cả.
    **************************
    (1) (ND) Nguyên văn là Khả xảo, già Lưu nghe vậy mới chọn tên là Xảo thư.
    **************************
    Phượng Thư mừng lắm, cảm tạ và nói:
    - Chỉ cần cho nó được như lời bà nói là tốt rồi.
    Liền gọi Bình Nhi đến dặn:
    - Ngày mai chúng ta có việc bận. Bây giờ nhân lúc rỗi, chị sửa soạn sẵn những thứ biếu già Lưu để sáng mai bà ấy về lúc nào thì về.
    Già Lưu nói:
    - Tôi không dám nhận nhiều đâu. Đã đến quấy quả mấy hôm nay lại mang nhiều thứ về, trong bụng tôi không đành tí nào!
    - Không có gì đâu, chẳng qua những đồ thường thôi. Xấu hay tốt bà cứ mang về để cho làng xóm nhìn vào, càng thêm vui vẻ thế mới bõ công ra tỉnh chứ!
    Một lát, Bình Nhi lại nói:
    - Bà lại đây mà xem.
    Già Lưu theo Bình Nhi vào trong nhà, thấy các món chất đầy nửa giường. Bình Nhi trỏ từng thứ cho già Lưu xem, rồi nói:
    - Đây là tấm lụa xanh mà bà thích hôm trước, mợ tôi còn cho riêng bà tấm lụa nguyệt bạch dày để may kép. Đây là hai tấm trừu bằng tơ, may quần áo đều đẹp cả. Còn gói này có hai tấm trừu để cuối năm may quần áo mặc tết. Cái này là hộp đựng các thứ bánh có thứ bà ăn rồi, có thứ bà chưa ăn, đem về bày ra đĩa mời mọi người, ngon hơn bánh mua nhiều. Hai cái túi này là của bà mang đến hôm nọ, bây giờ một túi tôi đựng hai đấu gạo tám ngự, đem nấu cháo thì quý lắm; còn túi này đựng các thứ quả tươi và khô hái ở vườn nhà. Cái bọc này có tám lạng bạc là của mợ tôi biếu riêng bà. Hai bọc này, mỗi bọc năm mươi lạng, cộng tất cả là một trăm lạng, là của bà Hai biếu bà mang về hoặc làm vốn buôn nhỏ, hoặc mua mấy mẫu ruộng để sau này khỏi phải vay mượn bà con bạn hữu.
    Bình Nhi khẽ cười nói:
    - Hai cáo áo và hai cái quần, cùng bốn cái khăn chít đầu, một bọc nhung, là của tôi biếu riêng bà. Những quần áo này đã cũ, nhưng tôi cũng không mặc mấy. Nếu bà chê xấu thì tôi không dám biếu nữa.
    Bình Nhi nói một câu, già Lưu lại niệm Phật một câu, kể ra đã niệm đến mấy nghìn câu. Lại thấy Bình Nhi biếu riêng mấy thứ và tỏ ra khiêm tốn, già Lưu cười nói:
    - Sao cô lại nói thế? Những thứ này cũng rất đẹp, tôi dám chê vào đâu? Tôi có tiền cũng chưa chắc đã mua được. Thật khó nghĩ quá: nhận thì ra người tham, không nhận thì phụ lòng cô.
    - Bà đừng nói khách sáo nữa, chỗ người nhà với nhau, nên tôi mới dám xử thế. Bà cứ yên tâm nhận lấy, tôi còn có cái muốn xin bà nữa đấy. Đến cuối năm, bà mang ra cho chúng tôi ít rau, đậu, cá, bầu, vừa khô vừa tươi, ở đây chúng tôi ai cũng thích ăn những thứ ấy. Thế là đủ rồi. Các thứ khác không cần, bà đừng bận lòng nghĩ ngợi.
    Già Lưu cám ơn luôn miệng và nhận lời, Bình Nhi nói:
    - Thôi, bà đi ngủ đi, tôi sẽ thu xếp hộ, để sẵn cả đây. Sáng mai tôi bảo đứa hầu bé thuê xe chở đi, bà không phải bận lòng.
    Già Lưu cảm động lắm, cám ơn không ngớt lời, rồi mới cáo từ Phượng Thư, sang nhà Giả mẫu. Sáng hôm sau dậy rửa mặt, chải đầu xong, định ra về.
    Lúc này Giả mẫu khó ở, mọi người đều đến hỏi thăm, rồi ra bảo đi mời thày thuốc. Một lúc bà già trình: ?oThày thuốc đã đến?. Bà già mời Giả mẫu vào ngồi trong màn, Giả mẫu nói:
    - Ta già thế này, không đẻ được ra nó hay sao. Lại sợ nó à? Chẳng cần phải buông màn nữa, ta cứ ngồi ở đây cho nó xem.
    Bọn bà già lấy một cái bàn nhỏ, đặt cái gối lên, rồi sai người mời thày thuốc vào.
    Một lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh, theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già đứng hai bên vén rèm, hai bà già nữa dẫn vào. Bảo Ngọc ra đón. Giả mẫu mặc chiếc áo khoác bằng da dê trắng, trong lót nhiễu xanh, ngồi trên sập. Hai bên có bốn a hoàn bé chưa để tóc, cầm phất trần, ống nhổ đứng hầu; lại có năm, sáu bà già đứng xếp hàng hai bên; đằng sau cái tủ bích sa, thấp thoáng có nhiều người mặc đồ xanh đỏ và đeo vàng ngọc. Thày thuốc không dám ngẩng đầu lên, chạy lại cúi chào.
    Giả mẫu thấy ông ta mặc áo lục phẩm, biết ngay là thày thuốc trong cung, mỉm cười hỏi:
    - Quan cung phụng khỏe chứ?
    Rồi hỏi Giả Trân:
    - Quan cung phụng họ gì?
    - Họ Vương.
    - Ngày trước ở thái y viện có ông Vương Quân Hiệu xem mạch rất giỏi.
    Vương thái y liền cúi đầu mỉm cười nói:
    - Đó là ông chú của vãn sinh.
    Giả mẫu cười nói:
    - Nếu thế cũng là người quen từ lâu.
    Giả mẫu từ từ để tay lên trên gối. Bà già cầm một ghế nhỏ để chếch trước cái bàn. Vương thái y ngồi ghé xuống một bên, nghiêng đầu xem mạch tay này một lúc, rồi đến tay kia. Xem xong đứng dậy cúi đầu đi ra. Giả mẫu cười nói:
    - Phiền người quá. Anh Trân mời thái y ra ngồi chơi xơi nước.
    Giả Trân, Giả Liễn vâng lời, mời Vương thái y ra ngoài thư phòng. Vương thái y nói:
    - Cụ không có bệnh gì khác, chỉ cảm phong hàn qua loa thôi. Không cần phải uống thuốc, chỉ ăn uống thanh đạm một tí và giữ người cho ấm là được. Giờ tôi kê đơn, người thích uống thì uống một thang, không thích thì thôi.
    Ông ta uống nước, rồi kê đơn, đương định cáo từ ra về, chợt vú em bế cháu Đại Thư đến, cười nói:
    - Nhờ người xem cho cô bé nhà tôi.
    Vương thái y đứng dậy đến gần vú em, tay trái cầm tay cháu Đại Thư, tay phải bắt mạch, lại sờ đầu, bảo cháu thè lưỡi ra xem, cười nói:
    - Tôi nói thì cô bé sẽ mắng tôi: cứ cho nhịn ăn hai bữa là khỏi, không cần phái thuốc thang gì. Tôi đưa cho viên thuốc, trước khi ngủ mài với nước gừng cho cô bé uống là khỏi.
    Nói xong cáo từ ra về. Bọn Giả Trân mang đơn thuốc vào trình Giả mẫu, để ở trên án rồi đi ra.
    Vương phu nhân và chị em Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Thoa thấy thầy thuốc đã về, mới ở sau tủ đi ra. Vương phu nhân ngồi một lúc rồi về buồng.
    Già Lưu thấy rỗi, mới đứng dậy cáo từ Giả mẫu, xin về. Giả mẫu nói:
    - Khi nào rỗi, bà lại ra chơi.
    Lại bảo Uyên Ương đi tiễn chân già Lưu: ?oTa không được khỏe không đi tiễn được?.
    Già Lưu tạ ơn cáo từ, cùng Uyên Ương đi ra. Đến buồng dưới, Uyên ương trỏ một bọc để ở trên giường nói:
    - Đây là mấy bộ quần áo của cụ, ngày sinh nhật năm ngoái, người ta dâng người đấy. Người xưa nay không mặc quần áo may ở ngoài bao giờ, bỏ đấy phí của. Người chưa mặc lần nào. Hôm qua bảo tôi mang hai bộ ra đưa cho bà đem về, bà mặc hay cho ai tùy ý. Trong hộp này đựng những bánh mà bà thích ăn. Hộp trong bao này là những thứ thuốc bà xin hôm nọ đây: mai hoa điểm thiệt đan, tứ kim đĩnh, hoạt lạc đan, thôi sinh bảo mệnh đan, thứ gì cũng có. Mỗi thứ có một cái đơn bọc ngoài, tôi gói chung vào một gói. Còn đây là hai túi đựng đồ chơi.
    Uyên Ương lại cởi nút lấy hai thoi bút đĩnh như ý đưa cho già Lưu xem, rồi cười nói:
    - Bà mang cái túi về, còn cái này để lại cho tôi nhé.
    Già Lưu mừng quá không ngờ lại được như thế, cứ niệm Phật luôn mồm, vội nói: ?oCô cứ để lại mà dùng".
    Uyên Ương vừa cười vừa gói vào cho già Lưu và nói:
    - Nói đùa bà thế thôi, chứ tôi có cái đẹp hơn kia. Thôi, bà mang về để đến cuối năm cho đám trẻ con.
    Lúc đó lại thấy a hoàn nhỏ đem cái chén sứ Châu Thành đến đưa cho già Lưu và nói: ?oCậu Bảo cho bà đây?.
    Già Lưu cầm lấy, nói:
    - Sao lại có chuyện như thế. Tôi tu từ kiếp nào mà được như thế này!
    Uyên Ương nói:
    - Hôm nọ tôi bảo bà đi tắm rửa, quần áo đưa cho bà thay là của tôi đấy. Nếu bà không chê xấu, tôi còn mấy cái nữa, cũng xin biếu bà.
    Già Lưu cám ơn. Uyên Ương vào lấy ngay mấy cái quần áo ra, bọc cẩn thận. Già Lưu lại muốn vào trong vườn từ tạ Vương phu nhân, Bảo Ngọc và các cô, Uyên Ương nói:
    - Không cần phải vào nữa. Hôm nay họ không tiếp ai đâu, để sau tôi nói hộ bà cũng được. Khi nào rỗi, bà lại chơi nhé.
    Uyên Ương gọi một bà già dặn:
    - Ra cửa ngoài gọi hai đứa hầu bé đến đây mang những cái này ra hộ bà ấy.
    Bà già vâng lời. Uyên Ương lại cùng già Lưu đến nhà Phượng Thư lấy các đồ để ở góc cửa, sai bọn hầu nhỏ khuân ra, rồi đưa già Lưu lên xe.
  9. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Bọn Bảo Thoa ăn cơm sáng xong, đến hỏi thăm Giả mẫu. Khi về vườn đến chỗ rẽ, Bảo Thoa gọi Đại Ngọc: ?oCô Tần, theo ta vào đây, có câu chuyện muốn hỏi?.
    Đại Ngọc cười, theo Bảo Thoa đến Hành Vu Uyển. Vào phòng, Bảo Thoa ngồi xuống cười bảo: ?oSao mày không quỳ xuống? Ta định tra xét một việc!?
    Đại Ngọc không hiểu tại sao, cười nói:
    - Xem kìa, con Bảo này điên rồi! Ta có việc gì mà mày tra xét?
    - Gớm thật, cô tiểu thư nghìn vàng ơi! Cô gái cấm cung ơi! Miệng cô đã nói những câu gì? Thôi hãy nói thực ra đi.
    Đại Ngọc không hiểu, chỉ cười, nhưng trong bụng cũng có ý ngờ ngợ và nói:
    - Nào tôi có nói gì đâu? Chẳng qua chị bắt nọn tôi đấy thôi. Có điều gì sai chị hãy nói cho tôi nghe nào.
    - Cô lại còn giả vờ à! Trong cuộc tửu lệnh hôm nọ, cô nói gì thế? Tôi không biết những câu ấy ở đâu ra à?
    Đại Ngọc nghĩ mãi mới nhớ hôm nọ mình không giữ gìn, có đọc hai câu trong chuyện ?oMẫu đơn đình" và "Tây sương ký"(2), tự nhiên mặt đỏ lên, liền chạy lại ôm lấy Bảo Thoa cười nói:
    - Chị ơi! Vì em quên đi, buột miệng đọc ra, chị bảo mới rõ. Từ giờ trở đi em không dám đọc những câu ấy nữa!
    **********************
    (2). Khi Uyên Ương đọc ?otửu lệnh?, Đại Ngọc theo lệnh hai câu thơ lấy trong ?oMẫu đơn đình? và ?oTây Sương ký?: ?oNgày vui cảnh đẹp tự giời biết sao??osong the nào thầy ả Hồng báo tin? (xem hồi 40).
    **********************
    - Tôi cũng không hiểu, nghe thấy cô đọc hay quá, nên bây giờ hỏi lại cô.
    - Chị ơi! Xin chị đừng nói với người khác, từ nay em không đọc những câu ấy nữa!
    Bảo Thoa thấy Đại Ngọc thẹn đỏ mặt lên, cứ van xin mãi, nên cũng không hỏi vặn nữa, liền kéo Đại Ngọc ngồi xuống uống nước trà, và ân cần khuyên bảo:
    - Cô cho tôi là người thế nào? Xưa nay tôi vốn bướng bỉnh. Từ khi bảy, tám tuổi, tôi đã làm rầy rà người ta. Nhà tôi vốn là nhà nho, ông cha cũng rất thích chứa sách. Khi trước nhà đông người, anh chị em tôi cùng ở một nơi, không ai thích xem sách đứng đắn cả. Có người thích thơ, có người thích từ, như "Tây sương", "Tỳ bà", "Nguyên nhân bách chủng", bộ gì cũng có. Họ cứ xem giấu chúng tôi, chúng tôi cũng xem giấu họ. Sau thầy tôi biết, đứa bị đánh, đứa bị mắng, sách lại bị đốt bị xé mất hết. Vì thế bọn con gái chúng ta không biết chữ càng tốt. Đám con trai học không hiểu nghĩa lý thì thà không học còn hơn; huống chi là tôi với cô? Ngay đến việc làm thơ, viết chữ, đã không phải là phận sự chị em mình, mà cũng không phải là phận sự của bọn con trai nữa. Người con trai đọc sách phải hiểu nghĩa lý để ra giúp nước trị dân mới đúng. Bây giờ không thấy những người như thế nữa, càng đọc sách bao nhiêu họ càng hư hỏng bấy nhiêu. Đó không phải là sách làm hư hỏng họ, tiếc rằng chính họ đã bôi nhọ sách. Bởi thế không bằng đi cày, đi buôn còn hơn. Còn bọn chúng ta, chỉ nên biết việc thêu thùa may vá mới phải, thế mà còn học đòi mấy chữ. Đã trót biết chữ thì nên chọn sách đứng đắn mà xem, chứ xem loại sách nhảm, sẽ đổi hẳn tâm tính đi, không thể sửa lại được.
    Đại Ngọc cứ ngồi im cúi đầu uống nước, trong bụng thầm phục Bảo Thoa, chỉ trả lời một câu ?ophải? mà thôi. Chợt thấy Tố Vân đến nói:
    - Mợ tôi mời hai cô đến bàn việc cần. Cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô Sử, cậu Bảo cũng đương chờ đấy.
    Bảo Thoa hỏi:
    - Lại có việc gì?
    Đại Ngọc nói:
    - Chúng ta đến đấy sẽ biết.
    Đại Ngọc, Bảo Thoa sang Đạo Hương thôn. Mọi người đã ở cả đấy.
    Lý Hoàn trông thấy hai người đến, cười bảo:
    - Thi xã chưa mở đã có người chực trốn việc rồi. Cô Tư xin nghỉ một năm đấy!
    Đại Ngọc cười nói:
    - Chỉ vì hôm nọ cụ nói một câu, bảo cô ta phải vẽ một bức tranh trong vườn, thành ra cô ta vin cớ xin nghỉ.
    Thám Xuân cười nói:
    - Đừng trách cụ, cũng chỉ vì một câu nói của già Lưu đấy thôi.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Đúng đấy! Đúng là vì câu nói của bà ấy đấy. Không biết bà ta là bà già nhà nào? Cứ gọi bà ta là ?ocon cào cào mẹ? mới phải!
    Mọi người cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
    - Tất cả chuyện trên đời này, hễ đến miệng chị Phượng là xong hết. Nhưng may chị ấy không thông chữ lắm, nên những câu nói của chị ấy đều là tục, chỉ để cười đùa thôi. Con Tần này miệng lưỡi mới là quỷ quái. Nó dùng lối bút pháp kinh xuân thu, nhặt nhưng tiếng tục ở nơi đầu đường xó chợ rút ra những lời chủ chốt, bớt chỗ rườm rà, rồi tô điểm thêm lên, nên nói câu nào ra câu ấy. Ba chữ ?ocào cào mẹ? đủ vẽ ra được cái hình ảnh hôm nọ. Kể ra nó nghĩ cũng nhanh đấy!
    Mọi người đều cười nói:
    - Lời giảng giải của cô cũng chẳng kém gì hai cô kia.
    Lý Hoàn nói:
    - Tôi mời chị em đến đây để bàn xem nên cho cô ấy nghỉ bao nhiêu ngày? Tôi cho cô ấy nghỉ một tháng, nhưng cô ấy kêu ít, thế thì các cô định thế nào?
    Đại Ngọc nói:
    - Cứ lẽ ra thì một năm cũng chẳng lấy gì làm nhiều, cái vườn này một năm mới xây dựng xong. Bây giờ muốn vẽ cũng phải mất hai năm, vì còn phải mài mực dầm bút, trải giấy, tô màu, lại còn phải...
    Nói đến đây, Đại Ngọc không nhịn được, lại cười nói:
    - Lại còn phải theo đúng kiểu, thong thả vẽ, thế mà không đến hai năm à.
    Mọi người nghe nói đều vỗ tay cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
    - Câu cuối cùng ?olại còn phải theo đúng kiểu, thong thả vẽ? hay lắm. Vì thế, những câu nói đùa hôm nọ tuy buồn cười thật, nhưng nghĩ lại chẳng có gì là thú. Chúng ta nghĩ kỹ xem, mấy câu nói của cô Tần tuy chẳng có gì cả, nhưng lại có nhiều ý vị làm cho tôi cười lăn ra được!
    Tích Xuân nói:
    - Vì chị Bảo khen nó, nên nó càng làm bộ, giờ lại mang tôi ra làm trò cười.
    Đại Ngọc kéo Tích Xuân, cười nói:
    - Tôi hãy hỏi cô, giờ chỉ vẽ cái vườn thôi, hay là vẽ cả mọi người chúng tôi ở trong vườn ấy?
    - Trước chỉ định vẽ cái vườn không thôi, nhưng hôm nọ cụ lại bảo, vẽ cái vườn không, thành ra vẽ kiểu nhà mất. Người bảo tôi phải vẽ cả người nữa, như là bức tranh hành lạc mới đẹp. Tôi cũng không biết vẽ tỉ mỉ những lâu đài và nhân vật, nhưng không dám trái lời, vì thế khó nghĩ quá.
    Đại Ngọc nói:
    - Vẽ nhân vật thì còn dễ, chứ sâu bọ thì không vẽ nổi đâu .
    Lý Hoàn nói:
    - Cô nói câu ấy lại không thông rồi. Trong ấy làm gì phải vẽ đến sâu bọ? Hoặc chỉ tô điểm một vài con chim thôi.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Sâu khác chẳng vẽ thì thôi, chứ con ?ocào cào mẹ? hôm nọ, không vẽ thì thiếu mất điển tích đấy.
    Mọi người nghe nói đều cười ầm lên. Đại Ngọc vừa ôm bụng cười vừa nói:
    - Thôi cô cứ vẽ đi, tôi đã có sẵn cả chữ đề rồi. Tôi sẽ đặt tên bức tranh là ?oHuề hoàng đại tước đồ?(3).
    ***************************
    (3) (ND) Bức tranh mang con cào cào đi cắn
    ***************************
    Mọi người nghe nói càng cười ngặt nghẹo. ?oThình? một tiếng, không biết là cái gì đổ, mọi người vội nhìn thì ra Tương Vân ngồi ngả người về đằng sau cười sặc sụa, không dè chừng, ghế chệch chân nghiêng về một bên, cả người lẫn ghế đều lăn ra. May có ván vách giữ lại, nên không ngã xuống đất. Mọi người trông thấy càng cười rộ lên. Bảo Ngọc vội đến đỡ dậy, mới dần dần bớt cười.
    Bảo Ngọc đưa mắt cho Đại Ngọc, Đại Ngọc hiểu ý, chạy vào nhà trong bỏ cái khăn che gương ra soi, thấy hai bên mái tóc hơi xõa, liền mở hộp trang sức của Lý Hoàn lấy cái lược ra, soi gương chải lại đầu, xong chạy ra chỉ vào Lý Hoàn nói:
    - Tưởng chị bảo chúng tôi học thêu thùa, học điều hay lẽ phải, ai ngờ chị lại gọi chúng tôi đến để cười đùa ầm ĩ thế này à?
    Lý Hoàn cười nói:
    - Các cô xem cô ta nói điêu thế kia. Chính cô ta làm đầu têu cho người ta cười, lại đổ lỗi cho tôi! Giận quá! Tôi chỉ mong sau này cô vớ một bà mẹ chồng cay nghiệt và mấy cô chị em chồng đanh ác, xem cô còn điêu được như thế nữa hay không?
    Đại Ngọc đỏ mặt lên, kéo Bảo Thoa nói:
    - Thôi chúng ta cho cô ấy nghỉ một năm.
    Bảo Thoa nói:
    - Tôi cứ công bằng mà nói, các chị nghe xem sao: con bé Ngẫu Tạ tuy biết vẽ, nhưng cũng chỉ vẽ được mấy nết tả ý thôi. Bây giờ vẽ cái vườn, nếu trong bụng không có một hiểu biết rộng thì vẽ sao nổi. Cái vườn này cũng giống như bức tranh, nào là đá núi, cây cối, nào là lâu đài nhà cửa, gần xa, thưa nhặt, đừng ít quá cũng đừng nhiều quá mà phải đúng mức. Nếu cứ theo thế vẽ lên trên giấy thì đẹp làm sao được. Phải xem khuôn khổ tờ giấy, nên để xa gần, nhiều ít thế nào, nên chia phần chính phần phụ ra sao, chỗ nào đáng thêm thì thêm, chỗ nào đáng bỏ, đáng bớt thì bỏ đi, bớt đi, cái gì đáng để lộ mới để lộ. Bắt đầu phải vẽ phác rồi ngắm nghía tính toán cẩn thận, mới thành công được bức vẽ. Điều thứ hai là, lâu đài nhà cửa phải chia giới hạn, sơ ý một tí là bao lan cũng lệch, cột cũng nghiêng, cửa sổ sẽ dựng ngược lên, thềm cũng không đúng chỗ, thậm chí bàn ghế cũng chen lên tường, chậu hoa bày ở trên màn. Như thế chẳng phải là vẽ ra một bức tranh để cười ư? Điều thứ ba là, phải xếp đặt nhân vật thưa hay nhặt, cao hay thấp, đều cho đúng chỗ. Nếp quần, dây lưng, ngón tay, bước chân cũng rất quan trọng; nếu sai một nét, không sưng tay cũng hóa kiễng chân, đến như bộ mặt mái tóc chỉ là việc nhỏ. Cứ như ý tôi, vẽ bức tranh này khó lắm đấy. Cho phép một năm thì nhiều quá, một tháng thì ít quá, cứ cho nghỉ nửa năm, lại giao cậu Bảo phải đến giúp đỡ cô ấy. Không phải vì cậu Bảo biết vẽ mà đến dạy cô ấy đâu. Như vậy lại càng hỏng việc. Chỉ cần chỗ nào cô ấy không biết hay xếp đặt lúng túng, cậu Bảo sẽ mang ra hỏi các vị họa sư bên ngoài, cho dễ làm việc.
    Bảo Ngọc mừng lắm nói:
    - Câu đó rất đúng. Ông Thiềm Tử Lượng vẽ lâu đài rất đẹp, ông Trình Nhật Nhưng vẽ mỹ nhân càng tuyệt, tôi sẽ đi hỏi hai ông ấy.
    Bảo Thoa nói:
    - Tôi đã bảo anh là người không có việc mà lại bận rộn. Vừa mới nói thế anh đã chực đi hỏi người ta rồi. Để bàn tính đã rồi hãy đi. Trước hết nên vẽ bằng giấy gì?
    Bảo Ngọc nói:
    - Ở nhà có giấy tuyết lãng, vừa rộng khổ, vừa ăn mực.
    Bảo Thoa cười nhạt:
    - Anh thật là vô dụng! Giấy tuyết lãng để viết chữ, để vẽ bức họa tả ý, hoặc để người biết vẽ sơn thủy vẽ tranh sơn thủy nhà Nam Tống, giấy vừa ăn mực mà lại không nhăn nhòe. Nếu vẽ vườn này bằng giấy ấy thì không ăn màu, lại khó khô, vẽ cũng không đẹp, phí cả giấy. Tôi bảo anh cách này: trước khi xây dựng cái vườn đã có một bức bản đồ vẽ tỉ mỉ rồi. Tuy là thợ vẽ vẽ ra, nhưng khuôn khổ, phương hướng đều rất đúng cả. Anh vào xin bà Hai bức vẽ ấy, đem ra xem rộng hẹp thế nào, rồi bảo chị Phượng cho một mảnh lụa, mang ra bên ngoài cho các họa sư bảo họ cứ theo khuôn khổ bức vẽ ấy, thêm bớt thành một bức vẽ, sau thêm nhân vật vào là được. Ngay đến pha màu thanh lục, màu kim nhũ, ngân nhũ, cũng phải nhờ họ pha cho. Còn phải có một cái lò, chuẩn bị nấu keo, lấy keo ra rửa bút, rồi kê một cái bàn sơn dầu rải thảm lên trên. Ngay đĩa và bút của nhà cũng không đủ, phải sắm một ít mới được.
    Tích Xuân nói:
    - Tôi làm gì có đồ vẽ? Chẳng qua vẽ bằng bút thường thôi. Còn màu sắc thì chỉ có màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu son. Bút cũng chỉ có hai cái để tô màu.
    Bảo Thoa nói:
    - Sao cô không bảo trước? Những thứ ấy bên tôi có, chỉ sợ cô không dùng đến, cho cũng phí thôi. Tôi vẫn cất đi, khi nào cô dùng, tôi sẽ đưa cho. Những thứ ấy chỉ để vẽ quạt thôi, nếu vẽ bức to thì cũng đáng tiếc. Giờ tôi kê hộ cái đơn, cô theo đơn đó xin với cụ mua cho. Các chị em chưa chắc đã biết hết đâu, tôi đọc cho cậu Bảo viết.
    Bảo Ngọc đã sắp sẵn bút mực để ghi, sợ không nhớ hết, giờ thấy Bảo Thoa nói thế, mừng lắm, liền cầm bút lắng tai nghe.
    Bảo Thoa đọc:
    - Bút quét loại nhất bốn chiếc, loại nhì bốn chiếc, loại ba bốn chiếc; bút chấm loại lớn bốn chiếc, loại vừa bốn chiếc, loại nhỏ bốn chiếc; bút vắt ngòi lớn mười chiếc, vắt ngòi nhỏ mười chiếc; bút kẻ mày mười chiếc, bút tô màu loại lớn hai mươi chiếc, loại nhỏ hai mươi chiếc; bút vẽ mặt mười chiếc, bút cành liễu hai mươi chiếc; son nhọn đầu, son nam, thạch hoàng, thạch thanh, thạch lục, quản hoàng, mỗi thứ bốn lạng; quảng hoa tám lạng, bột chì bốn hộp, phấn yên chi mười hai thếp; bột đỏ, bột lá mạ mỗi thứ hai trăm thếp; keo quảng quân, phèn lọc mỗi thứ bốn lạng. Keo phèn để quét lụa không kể, cứ đưa lụa cho họ để họ quét lấy. Những thuốc pha màu ấy, chúng ta phải nghiền nhỏ lọc sạch. Như thế vừa chơi vừa dùng, cô có thể dùng trọn đời cũng đủ. Lại phải lấy vợt lụa mau bốn cái, vợt lụa thưa hai cái; gác bút bốn cái, bát nghiền to nhỏ bốn cái, bát sành lớn hai mươi cái, đĩa to năm tấc mười cái đĩa sành trắng hai mươi cái, lò hai cái, nồi đất lớn nhỏ bốn cái, vại mới hai cái, thùng đựng nước mới hai cái, túi vải trắng dài một thước bốn cái, than xốp hai mươi cân, than gỗ liễu vài cân, hòm ba ngăn một cái, lụa dày một trượng, gừng sống hai lạng, tương nửa cân.
    Đại Ngọc cười nói:
    - Chảo một cái, bàn sản một cái.
    Bảo Thoa nói:
    - Để làm gì?
    - Chị bảo cần có gừng sống và tương thì tôi bảo lấy chảo hộ chị để nấu những thứ màu ấy mà ăn.
    Mọi người đấu cười ầm lên. Bảo Thoa cười nói:
    - Cô thì biết cái gì? Những cái đĩa sành ấy không chịu được lửa, nếu không lấy nước gừng và tương xát dưới đáy trước mà đem đốt, gặp lửa một cái là nó nổ ngay.
    Mọi người đều nói: ?oPhải đấy?.
    Đại Ngọc xem đơn một lượt, kéo Thám Xuân khẽ nói:
    - Cô xem vẽ một bức vẽ mà phải dùng đến vại và hòm, thực là lẩn thẩn. Chắc cái đơn này sắm cả đồ cưới của cô ấy đấy.
    Thám Xuân không nhịn cười được, nói:
    - Chị Bảo sao không véo mồm nó một cái? Nó đang đặt chuyện để chế giễu chị đấy.
    Bảo Thoa cười nói:
    - Không phải hỏi, mồm chó làm gì có ngà voi?
    Vừa nói, vừa chạy đến vật Đại Ngọc xuống giường, định véo vào mặt. Đại Ngọc cười rồi van lạy:
    - Chị ơi, tha cho em! Em trẻ người non dạ, nói không biết cân nhắc, làm chị thì phải dạy bảo em chứ? Chị không tha cho em thì em còn cầu cứu ai được nữa?
    Mọi người không biết câu nói có ý, đều cười nói:
    - Câu nói đáng thương thực! Ngay chúng tôi cũng động lòng, thôi tha cho nó.
    Bảo Thoa nguyên chỉ định đùa Đại Ngọc thôi, nhưng sau nghe Đại Ngọc nhắc lại câu chuyện lần trước về việc xem sách nhảm, nên không tiện đùa nữa, liền buông ra. Đại Ngọc cười nói:
    - Đấy là chị đấy, chứ phải em thì em không tha đâu!
    Bảo Thoa cười, trỏ Đại Ngọc nói:
    - Không trách cụ thương cô, mọi người yêu cô tinh lanh, ngay tôi cũng phải thương cô. Đến đây tôi sửa lại tóc cho.
    Đại Ngọc quay người lại, Bảo Thoa lấy tay sửa hộ tóc. Bảo Ngọc ngồi ở bên cạnh nhìn, thấy càng đẹp, bất giác hối hận: ?oKhông nên để Bảo Thoa vuốt tóc cho Đại Ngọc, cứ để thế rồi mình đến vuốt ve cho thì hơn?. Đương nghĩ vớ vẩn, thấy Bảo Thoa nói:
    - Viết xong rồi, ngày mai vào trình cụ. Thứ gì trong nhà có rồi thì thôi, thứ gì chưa có, xin tiền đi mua, tôi sẽ pha hộ.
    Bảo Ngọc vội cất đơn đi. Mọi người lại nói phiếm một lúc nữa, sau bữa cơm chiều lại đến buồng Giả mẫu hỏi thăm. Giả mẫu nguyên không có bệnh gì, chỉ vì mệt, lại hơi cảm một tí, nghỉ ngơi một ngày, uống một vài chén thuốc phát tán, đến chiều lại khỏe như thường.
    (Hết hồi bốn mươi hai)
  10. letdown

    letdown Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/05/2004
    Bài viết:
    145
    Đã được thích:
    0
    Hồi thứ bốn mươi ba
    Ngồi rỗi bày trò, góp tiền ăn sinh nhật
    Mối tình không dứt, vốc đất viếng oan hồn ​
    Vương phu nhân thấy Giả mẫu hôm ấy ở vườn Đại Quan chỉ bị cảm xoàng, không đến nỗi nặng, mời thầy thuốc uống vài thang là khỏi, nên mới bảo Phượng Thư sắp sửa đồ vật gửi cho Giả Chính. Đương khi bàn bạc thì Giả mẫu cho người lại gọi, Vương phu nhân dẫn Phượng Thư đến, hỏi:
    - Hôm nay cụ đã khoan khoái hẳn chưa?
    - Khá lắm rồi. Vừa rồi chị đưa sang bát canh thịt gà rừng tôi nếm thấy ngon, lại ăn vài miếng thịt, trong bụng dễ chịu.
    Vương phu nhân cười nói:
    - Đó là canh chị Phượng nấu dâng cụ đấy. Chị ấy thành tâm hiếu thảo, không uổng công cụ ngày thường thương yêu chị ấy.
    Giả mẫu gật đầu cười nói:
    - Đáng khen nó có lòng nghĩ đến ta. Nếu còn thịt sống, mang rán vài miếng rồi ướp muối, ăn với cháo thì ngon hơn. Canh ấy ngon thực, nhưng không hợp vị với cháo.
    Phượng Thư nghe nói, sai người đến bảo nhà bếp. Giả mẫu lại cười bảo Vương phu nhân:
    - Ta sai người gọi chị đến, nói chuyện. Đến ngày mồng hai này là sinh nhật của cháu Phượng. Hai năm trước ta vẫn muốn làm sinh nhật cho nó, nhưng cứ gần đến ngày lại bận việc, rồi quên khuấy đi. Năm nay con cháu đầy đủ chắc cũng rỗi việc, chúng ta nên làm một bữa tiệc cho vui.
    Vương phu nhân cười nói:
    - Con cũng nghĩ thế. Giờ cụ đã cao hứng thì nên bàn sẵn việc ấy đi.
    - Ta nhớ mấy năm trước không cứ sinh nhật của cháu nào, đều đem lễ vật đến mừng, như thế vừa tục, mà tình lại thêm sơ. Ta nghĩ một cách mới, vừa thân mật lại vui hơn.
    - Cụ thấy nên làm thế nào thì làm.
    - Nay chúng ta học lối nhà thường dân, mỗi người góp phần mình vào, được bao nhiêu tiền lấy cả ra sửa tiệc, như thế có được không?
    - Tốt lắm. Nhưng không biết góp thế nào cho phải?
    Giả mẫu nghe nói, rất vui, liền sai người mời Tiết phu nhân, Hình phu nhân, các cô, Bảo Ngọc, Vưu Thị, vợ Lại Đại và những người quản sự đến. Bọn a hoàn, bà già thấy Giả mẫu rất cao hứng, cũng đều vui mừng, vội chia nhau đi mời, đi báo tin các nơi.
    Một lúc, già trẻ, trên dưới đến chật ních cả nhà. Tiết phu nhân ngồi đối diện với Giả mẫu; Hình phu nhân và Vương phu nhân ngồi hai cái ghế trước cửa buồng; chị em Bảo Thoa năm sáu người ngồi cả trên bục; Bảo Ngọc ngồi vào lòng Giả mẫu; còn những người khác đều đứng đầy cả nhà. Giả mẫu vội bảo mang mấy cái ghế nhỏ lại cho mẹ Lại Đại và mấy bà già có thể diện ngồi. Theo tục lệ phủ Giả, những người hầu bố mẹ mà đã có tuổi, thì có thể diện hơn những người chủ còn trẻ tuổi. Vì thế Vưu Thị, Phượng Thư phải đứng. Mẹ Lại Đại và ba bốn người già xin lỗi rồi ngồi xuống ghế. Giả mẫu cười kể lại câu chuyện lúc nãy cho mọi người biết. Nghe vậy, ai chẳng muốn góp vui? Những người thân với Phượng Thư thì bằng lòng, cũng có người lại muốn chiều chuộng Phượng Thư. Vả chăng họ đều là những người có thể bỏ tiền được, nên vừa nghe thấy, ai nấy đều vui vẻ vâng lời.
    Giả mẫu nói trước:
    - Ta bỏ ra hai mươi lạng.
    Tiết phu nhân cười nói:
    - Tôi cũng theo cụ, xin bỏ hai mươi lạng.
    Hình phu nhân, Vương phu nhân cười nói:
    - Chúng con không dám sánh với cụ, xin kém một bực, mỗi người góp mười sáu lạng thôi.
    Vưu Thị và Lý Hoàn cũng cười nói:
    - Chúng cháu thế nào cũng phải kém một bực, mỗi người xin góp mười hai lạng.
    Giả mẫu liền bảo Lý Hoàn:
    - Cháu là đàn bà góa không làm gì, lấy tiền đâu ra mà góp. Thôi ta góp hộ cho.
    Phượng Thư vội cười nói:
    - Xin cụ đừng cao hứng quá, nên tính kỹ đã rồi hãy chuốc lấy việc. Một mình cụ đã phải nhận hai phần, bây giờ lại góp cho chị Lý. Lúc cao hứng cụ nói thế, chốc nữa nghĩ xót ruột lại lẩm bẩm: chỉ vì con Phượng mà ta phải tốn kém. Rồi ngon ngọt dỗ dành cháu phải bù ngấm bù ngầm ba bốn lần tiền vào đó. Cháu có phải mơ ngủ đâu!
    Mọi người nghe nói cười ầm lên.
    Giả mẫu cười nói:
    - Cứ như ý cháu thì làm thế nào?
    Phượng Thư cười nói:
    - Chưa đến ngày sinh nhật, cháu đã thấy khó chịu rồi. Tự mình chẳng bỏ ra lấy một đồng, mọi người phải lo lắng hộ, như thế cháu chẳng đành lòng tí nào. Chi bằng để cháu góp hộ phần cho chị Lý. Đến hôm ấy cháu ăn thêm mấy miếng nữa, thế là sung sướng lắm rồi.
    Bọn Hình phu nhân đều cho là phải, Giả mẫu mới nghe lời.
    Phượng Thư lại cười nói:
    - Cháu còn muốn nói một câu này nữa; riêng phần cụ đã hai mươi lạng, lại còn phải góp phần cho cô Lâm và chú Bảo; phần dì Tiết đã hai mươi lạng, lại phải góp cho cô Bảo, như thế là công bằng. Còn hai mẹ, mỗi vị có mười sáu lạng, phần mình đã ít lại không hề góp cho ai, như thế chẳng công bằng tý nào. Cụ chịu thiệt nhiều quá!
    Giả mẫu cười ầm lên, nói:
    - Cháu Phượng lúc nào cũng về hùa với ta. Nó nói rất phải. Nếu không có cháu thì ta bị bọn họ lừa rồi!
    Phượng Thư cười nói:
    - Xin cụ cứ bắt hai mẹ phải nhận phần của hai người kia, mỗi vị góp thêm một phần là đúng.
    Giả mẫu nói:
    - Công bằng lắm, cứ nên làm như thế.
    Mẹ Lại Đại đứng dậy cười nói:
    - Như thế là không đúng! Tôi tức thay cho hai bà. Một bên là nàng dâu, một bên là cháu gái nội, mà không về hùa với mẹ chồng và bà cô(1), lại đi bênh người khác, như thế là nàng dâu cũng như người ngoài, cháu nội thành ra cháu gái ngoại mất!
    ************************
    (1) Phượng thư là cháu gọi bằng cô của Vương phu nhân và con dâu Hình phu nhân
    ************************
    Giả mẫu và mọi người nghe nói cười ầm lên.
    Mẹ Lại Đại lại hỏi:
    - Các mợ góp mười hai lạng thì chúng tôi phải kém đi một bực chứ?
    Giả mẫu nói:
    - Không được, các bà tuy đáng kém một bực, nhưng tôi biết các bà đều là tài chủ cả. Địa vị tuy kém, nhưng tiền thì lại nhiều hơn họ. Các bà nên đóng bằng họ mới phải.
    Giả mẫu lại nói:
    - Còn các cô, chằng qua góp tý thôi, mỗi người góp một tháng lương là đủ.
    Lại quay lại bảo Uyên Ương:
    - Bọn chúng bay họp nhau lại bàn việc góp tiền đi.
    Uyên Ương vâng lời, đi một lúc rồi dắt Bình Nhi, Tập Nhân, Thái Hà đến, lại còn mấy a hoàn nữa, người hai lạng, kẻ một lạng, ai nấy đều góp cả.
    Giả mẫu hỏi Bình Nhi:
    - Không nhẽ mày không làm sinh nhật cho chủ mày à? Sao lại góp vào đám này?
    - Cháu làm riêng không kể, đây là việc công, cháu cũng xin góp một phần.
    - Con bé này thế mới ngoan chứ.
    Phượng Thư lại cười nói:
    - Trên dưới góp đủ rồi. Còn hai bà dì, có đóng hay không, cũng nên hỏi một lời cho phải lẽ, nếu không các bà lại cho là khinh.
    Giả mẫu nói:
    - Phải đấy! Quên họ thế nào được? Chỉ sợ họ không được rỗi, bảo một đứa a hoàn đến hỏi xem.
    A hoàn đi một lúc về trình: ?oMỗi vị xin góp hai lạng."
    Giả mẫu vui cười nói:
    - Mang bút giấy lại đây, tính xem được bao nhiêu.
    Vưu thị khẽ mắng Phượng Thư:
    - Con ranh con tham quá! Các bà các thím góp tiền lại làm sinh nhật cho mày, còn chưa đủ à? Sao mày kéo cả hai người nghèo xác này vào!
    Phượng Thư khẽ cười nói:
    - Đừng có nói bậy! Chốc nữa ra ngoài tôi sẽ kể tội cho chị! Họ làm gì mà khổ? Họ có tiền đem cho người khác cũng uổng, chi bằng giữ lại để chúng ta cùng vui.
    Số tiền đã góp đầy đủ cộng lại được hơn một trăm năm mươi lạng.
    Giả mẫu nói:
    - Làm tiệc vui một ngày không hết đâu.
    Vưu Thị nói:
    - Không mời khách ngoài, tiệc rượu lại không tốn mấy, món tiền này tiêu làm ba ngày cũng đủ. Trước hết, hát không phải mất tiền, đỡ được món ấy.
    Giả mẫu nói:
    - Cháu Phượng xem bọn nào hát hay thì gọi!
    Phượng Thư nói:
    - Bọn hát ở nhà, chúng ta đã nghe chán rồi. Bây giờ chịu tốn ít tiền, gọi bọn khác đến hát.
    Giả mẫu nói:
    - Việc này ta giao cho vợ cháu Trân, đừng để cho cháu Phượng phải lo nghĩ đến, cho nó nghỉ một ngày mới phải.
    Vưu thị vâng lời, nói chuyện một lúc, ai cũng biết Giả mẫu mệt, liền dần dần ra về.

Chia sẻ trang này