1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Huế: chuyện làm thêm của sinh viên ngành nhạc

Chủ đề trong 'Huế' bởi duongphuongbay, 02/03/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Huế: chuyện làm thêm của sinh viên ngành nhạc

    Huế trầm lặng nhưng không phải không có đất diễn để sinh viên âm nhạc Huế chạy show.Ngày học, tối họ bươn bả từ các phòng trà, đến sàn nhảy, qua quán bar làm thêm bằng ca hát, đánh đàn. Họ đi hát, chơi đàn phần lớn từ sở thích. Đó cũng là một trong những cách kiếm tiền..

    Mấy năm gần đây, phong trào mở phòng trà cà phê nhạc sống mang phong cách nhẹ nhàng sâu lắng với dòng nhạc xưa của Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Từ Linh - Đoàn Chuẩn, Châu Kỳ...rộ lên ở Huế với đối tượng phục vụ là giới trẻ, giới sinh viên theo chuyên ngành nghệ thuật ở trường ĐH Nghệ Thuật Huế, CĐSP Huế... Những tên quán đã là điểm hẹn hội ngộ không thể thiếu trong làng cà phê xứ Huế như quán Xưa, Cathy, Hoa Sứ Trắng, Ngự Hà... Nơi đây khách đến không chỉ để thưởng thức âm nhạc, không gian quán, mà còn đến để xem bạn bè của mình - những SV ngành nhạc thể hiện tài năng bằng câu ca, phím đàn. Các quán được bày trí như những phòng trà nhỏ, nhân viên phục vụ đa phần là sinh viên làm thêm, nhạc công, ca sỹ đến hát cũng là sinh viên.

    ở Huế số lượng sinh viên ngành nhạc đông, nhưng số sinh viên biểu diễn lâu ở các phòng trà không nhiều bởi đi hát kiếm tiền, được người nghe chấp nhận không phải dễ.

    Học dễ , hát khó

    Giới sinh viên này đều cho rằng: Những gì học ở trường dễ hơn nhiều so với chuyện áp dụng kiến thức âm nhạc đến cho người nghe. ở trường, những môn học về nhạc cụ, nhạc lý, xướng âm... đều không khó, chỉ có môn thanh nhạc thì hơi căng một chút vì phải học qua chi tiết từng cách lấy hơi, phát âm, nhả chữ, kể cả cách biểu diễn sao cho đúng với nội dung bài hát. Đến khi thi, cứ làm đúng như những gì thầy cô chỉ dạy là qua, không lo sợ gì cả vì đã nắm vững kỹ thuật. Nếu có vấp phải vài lỗi nhỏ thầy cô cũng dễ dàng bỏ qua.


    ở phòng trà thì khác, Diễm Phượng - lớp Âm nhạc 3K10 trường CĐSP Huế cho biết: "Khách vào nghe đủ dạng người, trong đó có không ít dân Nhạc viện nên yêu cầu về âm nhạc của họ khắt khe hơn, những giảng viên trong trường cũng hay đến thưởng thức, cả những người yêu nhạc khó tính nhất cũng có mặt. Nếu cứ hát đúng theo kỹ thuật được lòng người này lại mất lòng người kia, vì vậy hát ở phòng trà rất khó, mỗi khi hát phải tự biết điều chỉnh sao cho những cái tai khó tính ấy hài lòng, nếu không chỉ vài lần không vừa lòng khách là mình hát mình nghe, khách chuyển sang quán khác còn mình thì... mất việc".

    Mỗi phòng trà ở Huế sau khi nhận các sinh viên nhạc vào thử việc, họ sẽ sàng lọc để chọn ra người chiến nhất và giữ lại làm độc quyền, sinh viên đó sẽ không được hát ở các phòng trà khác. Viết Quang - SV năm 3 lớp nhạc CĐSP Huế - một trong những sinh viên hát phòng trà sáng giá nhất hiện nay ở Huế cho biết: "Mình đi hát ở các tụ điểm từ năm lớp 10, vào học ngành nhạc đến năm 2 thì được học thanh nhạc nên bổ sung chất giọng cho việc đi hát rất nhiều. Hát ở phòng trà ngoài chuyện làm vừa lòng khách, còn phải chịu sự ràng buộc của chủ, không được tự ý nhận sô ở các phòng trà khác, đó là một khó khăn vì nhiều phòng trà mới mở ra đều là bạn bè, bạn học cùng trường, không đến hát thì mất lòng bạn bè, nếu hát thì phá vỡ hợp đồng với chủ, nên nhiều lúc rất khó xử. Bù lại, những người hát phòng trà được tự do chạy sô ở quán Bar, sàn nhảy để kiếm thêm, nhưng nhạc ở phòng trà là nhạc tiền chiến, vũ trường, quán bar phải hát nhạc trẻ, hai ba phong cách cùng một lúc nên không phải sinh viên nào mới vào nghề cũng có thể đi hát như vậy được".


    Ngoài chuyện bị ràng buộc làm "gà ruột" cho quán, những cô cậu chập chững vào nghề còn bị xử ép, chuyện tiền bạc không rõ ràng như trường hợp của Hoàng P. lớp nhạc trường CĐSP: ở trường, P. có chất giọng tốt nên được bạn bè giới thiệu vào hát thử giọng ở phòng trà Cung Trầm 1 tháng không lương, mỗi tối hát 2 bài. Gần 2 tháng trôi qua, P. vẫn không được trả lương, đến mùa lạnh bị bệnh phải nghỉ thì nhận được 100 nghìn chủ cho gọi là để... dưỡng bệnh. Từ đó câu chuyện của P. được truyền nhau cho SV ngành nhạc đi làm thêm rút kinh nghiệm, giao kèo trứơc với các chủ phòng trà, thương lượng giờ giấc rõ ràng, tiền bạc sòng phẳng.

    Nghiệp dư hay chuyên nghiệp?

    Trung bình một người có chất giọng tốt hát ở phòng trà mỗi tối 2 bài, được 30.000đ, tuần 6 buổi. Ai có khả năng chạy sô thì cao hơn, như Viết Quang, mỗi tối hát trung bình 8 bài ở các điểm, kiếm được từ 100 - 120 ngàn. Người ở mức vừa phải như Diễm Phượng, mỗi tối hát ở Cathy 2 bài, nhận được 20 nghìn, tuần hát 5 buổi. Phượng quê Hương Thuỷ, vào Huế sống nhờ nhà bà con, đi hát như vậy mỗi tháng tối đa chỉ được 400 nghìn, nhưng Phượng tỏ vẻ hài lòng với công việc làm thêm khá nhẹ nhàng này bởi đủ cho Phượng có đồng ra đồng vào mua sắm, nhẹ đi phần nào gánh nặng cho gia đình. Những sinh viên đi hát như vậy đều được chủ ưu tiên sắp lịch hát dựa vào lịch học ở trường. Đi hát cũng là một cách để có thêm những kinh nghiệm bổ ích khi trình diễn trước đám đông, bài học này ở trường không hề có.


    Khi hỏi Quang và Phượng có theo con đường ca hát chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp hay không? Cả hai đều chung suy nghĩ: Công việc hiện nay chỉ việc làm thêm, cái chính là tốt nghiệp ra trường sẽ đi dạy học, tối về lại đi hát chỗ này chỗ nọ cho vui. Tuy vậy,vòng qua các phòng trà mới thấy mức độ cạnh tranh của nghề này khá cao. Sinh viên ngành nhạc đông, như riêng lớp 3K10 của CĐSP Huế có 40 người, vậy mà đi làm thêm ở các phòng trà giờ chỉ trụ lại được 4 người (2 người chơi đàn, 2 người hát). Ngay cả những người khẳng định vị trí của mình ở mỗi phòng trà cũng phải đổi phong cách liên tục cho hợp với thị hiếu người nghe.


    Chuyện đi hát cũng không tốn quá nhiều thời gian, chạy sô miệt mài như Quang mỗi ngày cao lắm chỉ từ 8g - 11g là xong 8 bài. Giờ hát thì ít, chỉ mất thời gian chuyện đi lại giữa điểm này điểm khác, số tiền Quang kiếm được hơn 2 triệu mỗi tháng là một con số mơ ước của những SV ngành nhạc đi làm thêm. Nhạc công của các phòng trà cũng cùng suy nghĩ chỉ làm thêm cho vui, nghề chính khi ra trường vẫn là đi dạy học. Lương nhạc công cao giá nhất là người chơi Piano ngày đánh từ 5:30 - 8g được 20nghìn, Việt - SV ĐH Nghệ Thuật Huế - đệm Violon cho quán Xưa mỗi tối được 15 nghìn, bằng giá với đệm ghita. Mỗi phòng trà chỉ cần 1 cây Piano, 1 ghita, và 1 Violon là đủ một ban nhạc. Trong số những sinh viên ngành nhạc đi làm thêm, chưa thấy ai nhận mình sẽ theo nghề hát, đệm nhạc một cách chuyên nghiệp, nhưng phong cách biểu diễn, trình độ, kỹ thuật của họ trong công việc thì chẳng kém chuyên nghiệp chút nào.
    * * *


    Dạy đàn cho người khác, tháng kiếm cũng 400 - 500 nghìn, những người có chất giọng thường đi hát ở các phòng trà, phần vì sở thích, phần vì thời gian hát ngắn, mỗi điểm chỉ 2 - 3 bài cao lắm là 20 phút, lại được thể hiện trên sân chơi của riêng mình, có khán giả, bạn bè vổ vũ, số tiền kiếm được cũng tương đương như đi dạy nhạc thêm, nhưng đi hát không nặng trách nhiệm và bó buộc thời gian. Chính vì lý do đó, đi làm thêm trong lĩnh vực ca hát, đệm đàn ở các phòng trà đang là phong trào của các sinh viên ngành nhạc tại Huế.(theo SVVN)





    TO BE OR NOT TO BE
  2. hung2452

    hung2452 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/04/2002
    Bài viết:
    560
    Đã được thích:
    0
    thông tin bài của bài viết chưa được chính xác, đề nghị tác giả xem xét lại, hoặc là lấy thông tin từ đâu thì phải xem lại giùm nha...
    size=4[/blue]/size=4]
  3. deathchuck

    deathchuck Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    2.885
    Đã được thích:
    0
    Đúng là dạo này ở Huế có mấy phòng trà ngồi lịch sự vật vã ... Nhạc cũng hay ... Người ta hát lại những bài nhạc xưa nên không khí rất dịu dáng , êm đềm và lịch sự ... Không khí quán yên tĩnh , nhạc công chơi nhạc rất được , ca sỹ thì xinh đẹp và hát cũng rất có hồn ... Nói tóm lại là Good ... Xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra ...
    Phòng Trà Serenade , Cathy , Ngự Hà , Quán Xưa , Tịnh Lâm Nhi ngồi rất ổn ... Giá cả cũng chấp nhận được cho dù nó không phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của dân Huế ...
    Phòng Trà bét nhè nhất ở Huế chính là quán Cung Trầm , thề không bao giờ vào quán này một lần nữa ... Nhạc công chơi nhạc sai nốt , ca sỹ hát lạc điệu ... Cung cách phục vụ quá tệ ...
    Còn chuyện về nhạc công và ca sỹ thì cũng nên phiên phiến thôi ... Chúng ta nghe Khánh Ly , Lệ Thu , Duy Trác , Sỹ Phú , Tuấn Ngọc , Thái Thanh ... quen rồi , cho nên họ không thể hát hay như những ca sỹ gạo cội đi trước được ... Cái quan trọng là họ đã hát những bài hát trường tồn với thời gian , đó đã là điều đáng quý , đáng trân trọng ... Còn hơn là ngồi mấy quán cafe lôm côm để nhìn mấy thằng nhóc con nó bày trò ...
    Nhà deathchuck ở ngay bên cạnh trường Nghệ Thuật ... Thấy người ta tập nhạc , tập hát suốt ngày , siêng năng lắm , tập như thế mà không giỏi mới là lạ . Họ học tập rồi đi làm thêm để kiếm tiền ăn học , sinh sống , đó là điều đáng khâm phục ...
    Tình yêu đầu chưa xa dư âm để lại , và nếu thuộc về nhau em sẽ trở lại và anh được thấy hoa rơi như cơn mưa tươi thắm những con đường . Dường như là vẫn thế em không trở lại , mãi mãi là như thế anh không trẻ lại , dòng thời gian trôi như ánh sao băng , trong khoảnh khắc qua chúng ta , nhiều năm xa hạnh phúc anh muốn bên em , cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài và cũng đã đủ lớn để mong bé lại như ngày hôm qua
  4. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Trích từ www.svvn.com.vn , chuyên mục ĐỜI SỐNG-XÃ HỘI--->PHÓNG SỰ, Link: http://203.162.17.78/svvn/default.aspx?tabid=196&ItemID=530

    TO BE OR NOT TO BE

Chia sẻ trang này