1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

HUẾ - GIAI ĐIỆU VÀ VẦN THƠ_( Xem mục lục ở trang 23 :-D)

Chủ đề trong 'Huế' bởi northernstar_2308, 26/08/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Xa Huế
    Nguyễn Thị Thái
    Tôi rồi xa Huế, Huế ơi!
    Có thể mười năm, có thể một ngày
    hay hết cả nửa đời còn lại
    tôi dại người đứng sợ chia tay
    Chiều nay trước Huế tôi oà khóc
    khóc cho nắng vàng đừng lặn, cho chị Hằng khoan lên
    tôi tiễn tôi dưới trời mây tĩnh lặng
    không sắc màu rực rỡ, không thấm đẫm sương đêm
    Mong mai thôi lòng còn vụng dại
    chật đầy muôn nỗi một cố hương
    rung trong ngực tiếng đàn tranh, đàn nhị
    và điệu hò thành giấc mơ thương.
    Huế nghìn sau nghìn sau vẫn thế
    Vẫn người đứng lặng khóc khi xa!​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  2. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Bình luận tác phẩm
    Ca Huế trên Sông Hương
    không rõ tác giả
    Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền
    Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng!
    Tương tư với nguyệt cùng mây
    Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?
    Giữa một trời mây nước bồng bềnh, chơi vơi một giọng hò ai ngân, ai hát khiến lòng du khách giữa đêm thanh tịnh càng cảm thấy mình được siêu thoát, được thăng hoa, được chắp cánh bay tới vầng trăng kia...
    Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế, những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn một dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc. Ca Huế nằm giữa hai dòng nhạc đó có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa đủ bao niềm hỷ, nộ, ái, ố như cuộc đời người dân xứ cố đô. Người ta đến với ca Huế là để được đắm chìm trong cảm giác xao xuyến, buồn, vui đến lạ kỳ. Bước chân xuống mạn thuyền Rồng, trong không gian tĩnh mịch giữa trời, mây, sông, nước để cảm nhận hơn nữa cái chất Huế qua những âm điệu trầm bổng, du dương của giọng hát cô ca sĩ Huế hòa quyện với tiếng réo rắt của dàn nhạc đủ cả đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, xênh, phách... bản hòa tấu gồm 4 nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ đã mở đầu cho một đêm ca Huế.
    Nhiều người đến Huế đã có chung một nhận xét rằng hầu hết những thú vui của người Huế đều gắn bó với dòng Hương Giang, nơi cội nguồn nảy sinh và hội tụ của bao trò vui nơi đất cố đô này. Ðua thuyền, ngủ đò, thả thơ, ca Huế...đều diễn ra trên sông. Sông Hương đã đọng lại trong tâm thức dân Huế một tình cảm dịu dàng nhưng không kém phần hứng khởi như thế đó! Thú đi nghe ca Huế là một món ăn tinh thần quý giá, một thú vui tao nhã mà bất cứ một du khách nào tới Huế, có chút lòng với Huế cũng đều muốn có dịp được thưởng thức. Ca Huế bao gồm cả hai yếu tố ca Huế và đàn Huế, được dựa trên một hệ thống các thể điệu của trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc nằm trên hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc mang âm sắc tươi vui, sang trọng và các ca khúc thuộc về điệu Nam nghe man mác, buồn thương. Cũng có những bản nhạc vừa mang âm hưởng của điệu Bắc, vừa pha phách điệu Nam như bài Tứ Ðại Cảnh rất nổi tiếng mà nhiều ý kiến cho là tác phẩm của vua Tự Ðức (1848-1883).
    Ca Huế không phải lối giải trí xô bồ mà nó thường kén người nghe. Một đêm ca Huế có thể được tổ chức trong một thính phòng nho nhỏ nhưng thi vị và hấp dân hơn cả là được nghe ca Huế trong một đêm trăng lên trên dòng Hương Giang thơ mộng. Lúc đó tâm hồn của người nghe và cả ca sĩ cùng dàn nhạc dường như được siêu thoát trong một bầu không khí như được thăng hoa cùng trời, mây, sông, nước. Sau phần đầu của một đêm ca Huế với tiết tấu âm nhạc rộn ràng, vui tươi của điệu Bắc, người ta thường hát những bài bản trang trọng, uy nghiêm như Long Ngâm, Tứ Ðại Cảnh... Ðêm càng về khuya, không gian càng yên tĩnh là lúc đó những điệu Nam Ai, Nam Bình, tương tư khúc... cất lên với nỗi buồn thương nhưng cũng rất gợi tình. Ngày nay, do thị hiếu của người nghe các ca sĩ thường ***g vào chương trình những bài tân nhạc nhưng cũng rất dễ thương về Huế với các nhạc phẩm đầy chất Huế thật sự đi vào lòng người như "mưa trên phố Huế", "huế thương", "đêm tàn bến Ngự", "ai ra xứ Huế, " Ðây thôn vĩ dạ" thú thực là bản thân người viết bài này đã từng được nghe nhiều ca sĩ tài danh hát những khúc ca về Huế, nhưng khi đã nghe ca sĩ Huế hát cũng những lời ca đó thì tôi có một cảm xúc thật là lạ thường không thể nào diễn tả được. Có lẽ "cái tình cố đô" chỉ có người cố đô mới thấu hiểu được hết chăng?
    Một đêm ca Huế trên sông Hương giữa tiếng sóng nước ru vỗ vào mạn thuyền rồi lan xa, lan xa... Trăng càng về đêm càng vằng vặc giữa thinh không tĩnh mịch... Giọng hát, tiếng đàn đã thực sự ru tâm hồn ta vào một miền ký ức sâu thẳm nhuộm tím lòng người mà không sao quên được đó, Huế ơi!

    Được northernstar_2308 sửa chữa / chuyển vào 19:12 ngày 11/10/2003
  3. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Thông tin Âm nhạc
    Nhạc cung đình Huế: loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc ở Việt Nam
    không rõ tác giả
    Âm nhạc cung đình Việt Nam là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, có giá trị cao về nghệ thuật và phương diện lịch sử.
    Nhạc cung đình còn xuất hiện trong triều đình của một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, theo sử sách để lại thì nhạc cung đình xuất hiện lần đầu tiên vào đời nhà Trần (thế kỷ 14), nhưng mãi đến đời Nguyễn (cuối thế kỷ 18) nhạc cung đình mới chính thức được phổ biến và phát triển mạnh tại Cung đình Huế. Tuy được sử dụng trong cung đình, nhưng việc sáng tác và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ dân gian nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ triều đình. Vì vậy, nhạc cung đình tuy mang tính bác học nhưng cũng mang đầy âm hưởng các làn điệu dân gian của các miền Việt Nam. Nhạc cung đình Việt Nam sử dụng những nhạc cụ dân tộc như đàn tam, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, sáo trúc, bộ gõ. Các nhạc cụ này thể hiện đầy đủ các âm vực từ tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng. Điều khác biệt giữa nhạc cụ biểu diễn trong cung đình với nhạc cụ sử dụng trong dân gian là nhạc cụ dùng trong cung đình được làm kỹ, chạm khắc cẩn thận, khéo léo, tinh xảo hơn.
    Nhạc cung đình Huế có hai loại là Đại nhạc và Tiểu nhạc. Dàn Đại nhạc gồm có khèn, trống, bộ gõ và có thể có thêm đàn nhị. Khèn là loại khèn bầu và khèn bát làm bằng gỗ, được chia làm 3 loại là khèn đại, khèn trung và khèn tiểu. Trống cũng có nhiều loại từ trống lớn nhất là trống đại đến trống tiểu, trống vỗ, trống một mặt. Đại nhạc thường được dùng trong dịp Tết và những ngày lễ lớn. Dàn Tiểu nhạc gồm những nhạc cụ dùng dây tơ, sáo trúc và bộ gõ. Loại nhạc cụ dây tơ có loại đàn gảy như đàn nguyệt có hai dây, đàn tam có ba dây, đàn tỳ bà có bốn dây, có đàn dùng cung để kéo như đàn nhị. Bộ gõ bằng gỗ có mõ và phách tiền, bằng kim khí có chuông các cỡ. Các dàn nhạc biểu diễn thường có kèm theo đội múa. Dàn nhạc và đội múa là cả một sự phối hợp hài hòa giữa âm nhạc, vũ điệu và màu sắc trang phục.
    Nhạc cung đình có nhiều thể loại khác nhau được biểu diễn trong những dịp lễ hội khác nhau. Giao nhạc được dùng trong tế Lễ Nam Giao khi nhà Vua làm lễ tế trời đất được thực hiện ba năm một lần; Miếu nhạc được dùng trong các lễ tế miếu; Ngũ tự nhạc sử dụng trong năm lễ tế thần; Đại triều nhạc được tấu trong các lễ lớn như Lễ Vạn thọ, tiếp Sứ thần; Thường triều nhạc được tấu khi Vua lâm triều thường lệ; Đại Yến nhạc được tấu trong các buổi yến tiệc; Cung trung chi nhạc được dùng trong cung phủ; Cứu nhật nguyệt giao trung nhạc được dùng trong các dịp nguyệt thực và nhật thực; và còn bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác như nhạc thính phòng, sân khấu và múa.
    Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là bộ môn âm nhạc duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhạc khí, cách sắp xếp dàn nhạc, nhạc ngữ và quan điểm thẩm mỹ.
    Hiện tại, Việt Nam đang hoàn thành hồ sơ về Âm nhạc cung đình Việt Nam hay còn gọi là Nhã nhạc Huế để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong đợt hai năm 2003.

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  4. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Thông tin Âm nhạc
    Âm nhạc cổ truyền Huế và âm La chuẩn quốc tế (A=440 cps)
    Nguyễn Đức Mai
    1. Âm nhạc và âm chuẩn
    Nước Việt Nam ta, cũng như các nước khác thuộc nền văn minh nông nghiệp thường không có sự chuẩn xác trong các đơn vị đo lường so với các quốc gia có nền văn minh công nghiệp phát triển.
    Khi đọc truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, ta thấy Cụ tả vóc dáng cao lớn của người hùng Từ Hải: Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. Cho đến nay chúng ta cũng không biết các đơn vị đo lường nầy phải hiểu làm sao đây?
    Tác giả Toan Ánh trong sách Cầm Ca Việt Nam mô tả kích thước chiếc đàn Nguyệt như sau: "Đàn này thùng rộng tám tấc, dày một tấc rưỡi, cần dài một thước bảy tấc..." mà không cho biết dùng hệ thống đo chiều dài nào, thước Mộc hay thước Lỗ Bang, thành thử người nghiên cứu không hình dung nổi kích thước của đàn nguyệt.
    Hệ thống đo lường của châu Âu, nhất là hệ thống thập phân, rất chuẩn xác và tiện lợi. Ngày nay trên thế giới vẫn sử dụng song song hai hệ thống đo lường của các nước nói tiếng Anh và hệ thống thập phân của châu Âu, nhưng hệ thống thập phân ngày càng có khuynh hướng trở thành hệ thống đo lường quốc tế duy nhất.
    Đơn vị đo chiều dài mét chẳng hạn được qui định chính xác lại vào năm 1983. Mét là tốc độ ánh sánh di chuyển trong môi trường chân không trong thời gian 1/299,792,458 của một giây, tương đương với 39.37 inches.
    Cũng vậy, trong âm nhạc Tây phương, các đơn vị về cao độ, trường độ, âm lượng (intensity) của các nốt nhạc đều được đo lường rất chính xác. Cao độ (pitch) trong âm nhạc là độ cao thấp của một nốt nhạc được quy định bằng tốc độ giao động tạo ra nó. Các tiêu chuẩn về cao độ chính xác đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Trong các năm 1858 và 1859 một ủy ban của Pháp gồm các nhạc sĩ và khoa học gia đã chọn các hướng dẫn về cao độ âm thanh dùng nốt La (A) trên nốt Đô (C) ở giữa (miđle C) là 435 Hz 9 giao động hoặc chu kỳ trong một giây - cps - (cycles per second). Vào năm 1887 tiêu chuẩn này chính thức được Hội Nghị Thành Viên (Vienna Congress) - một hội nghị quốc tế về cao độ - chấp nhận, và bây giờ thường được gọi là cao độ quốc tế (international pitch) hay diapason normal. Các nước Anh và Hoa Kỳ cuối cùng chấp nhận A=440 là cao độ chuẩn của họ mặc dầu có các áp lực muốn tăng nó lên cao hơn.
    Theo âm chuẩn La A = 440 cps, thì nốt La thấp dưới một bát độ là A = 220 cps; nốt Do giữa C = 131 và nốt Si giáng Bb = 466 cps. Tất cả các nhạc khí dây - nhạc khí huyền động (string instruments) đều phải lên dây chính xác bằng cách dùng cái nĩa âm chuẩn dùng để lên dây đàn (tuning fork). Những nhà có đàn piano thỉnh thoảng phải nhờ các chuyên viên đến chỉnh lại dây đàn. Các nhạc khí kèn sáo - nhạc khí phong động (wind instruments) thì được chế tạo với các thang âm chính xác cố định và dĩ nhiên là phải có âm chuẩn La = 440 Hertz. Thí dụ: Hắc tiêu Clarinet Bb, Saxophone Eb, và trumpet G.
    Khi đàn hay kèn sáo không đúng âm chuẩn thì lúc tấu lên, người nghe mà tai đã lâu ngày quen với âm chuẩn sẽ nghe eo éo, lạc giọng (out of tune), và dĩ nhiên là âm nhạc sẽ không thể nào hấp dẫn được người nghe. Trong các phim cao bồi miền viễn Tây, trong mấy quán rượu thỉnh thoảng ta nghe được loại nhạc dương cầm "soong chão" nầy mà tiếng Pháp gọi đùa là "piano casserolẹ"
    Ngoài ra, trong âm nhạc Tây phương, gam tiêu chuẩn (standard diatonic scale) chỉ gồm có hai đơn vị: âm nguyên (tone) và bán âm (half tone hoặc semitone). Trong các loại đàn giây không phiếm như vĩ cầm (violin), trung vĩ cầm (viola), hạ vĩ cầm (violoncello) và đại hồ cầm (bass violin), nếu bấm những nốt nhạc nhỏ hơn 1/2 âm, thì cũng kể như là đàn lạc giọng (out of tune).
    2. Nhạc cổ truyền Việt Nam có giá trị đích thực mà sao nghe không thấy hay
    Những tính từ cổ truyền, cổ điển (classics) thường được dùng cho các nghệ sĩ,tác giả hay tác phẩm của ngày xưa mà giá trị được xem là cao nhất và trường cữu, vì đã được thử thách và vẫn tồn tại qua thời gian và không gian. Và khi đã được gọi là nhạc cổ truyền, thì các nhạc phẩm Việt Nam nhất định phải là hay và có giá trị. Một số các nhạc bản như Hành Vân, Phụng Vũ đã đoạt giải thưởng quốc tế cũng cho thấy điều này là đúng.
    Thế nhưng tại sao nhiều người trong chúng ta - mặc dầu không công khai nói ra - vẫn không nghe được chỗ hay của âm nhạc của đất nước mình? Tôi nhớ một lần khi được một người quen cho một tài liệu quý về nhạc cung đình Huế in ra từ một dĩa nhạc tài liệu của UNESCO do hai nhà nhạc sĩ và nhạc học Nguyễn Hữu Ba và Trần Văn Khê thực hiện. Tôi đến nhà một người bạn có ba đứa con đang theo học trường Đại Học UC Berkeley tại California. Các cháu này cũng ham thích âm nhạc và có sử dụng nhạc khí. Tôi cho các cháu nghe một đoạn trong bài Liễn bộ Thập chương, nhạc triều yến của cung đình Huế ngày xưa. Nghe xong một đoạn, tôi hỏi ý kiến các cháu. Một cháu trai nhanh nhẩu trả lời: "Cháu nghe giống nhạc đám ma quá!"
    Nghe ra thì buồn lòng thật. Nhưng điều này đáng buồn mà không đáng trách, vì bạn sinh viên trẻ đó đã dám nói thật. Trước đây - trước 1975 - ngay ở tại Huế cũng không có mấy người trí thức hiểu biết và ưa thích nhạc Huế. Nền nhạc cổ truyền Huế đã không được nghiên cứu, phát triển và giới thiệu đúng mức đến cho quần chúng thưởng thức. Đã vậy, đa số những người có kiến thức học hành thường vọng ngoại và tỏ vẻ khinh bỉ chê bai chính di sản văn hóa của tổ tiên mình.
    3. Nhạc cổ điển Tây phương và nhạc cổ truyền Việt Nam
    Năm 1971, Tiến Sĩ Toán học Nguyễn Văn Hai, Phó Viện Trưởng Đại học Huế kiêm Khoa Trưởng Đại học Khoa Học Huế mời tôi phụ trách môn Thẩm định Âm nhạc Cổ điển tại trường Đại học Khoa học. Mục đích của giáo trình là - đúng như nguyên văn lời Giáo sư Hai nói với tôi hai mươi tám năm về trước: "Cậu muốn dạy gì thì dạy tuỳ cậu - miễn làm sao sau khi học với cậu, sinh viên sẽ ưa thích âm nhạc giống như cậụ" Và tôi đã làm cho sinh viên, và một số Giáo sư dự thính giáo trình này tại Giảng Đường C (Rạp hát Morin Nguyễn Văn Yến cũ) ưa thích âm nhạc cổ điển phương Tây và ca nhạc Huế là mục đích chính tôi nhắm đến khi soạn giáo trình và giáo án cho môn học này.
    Đạt được thành công làm cho nhiều người, đặc biệt là lớp sinh viên trẻ tại Huế, ưa thích âm nhạc cổ điển nói chung, và ca nhạc cổ truyền Huế nói riêng, là những điều kiện mà Giáo Sư Nguyễn Văn Hai đã tạo ra tại Trường Đại Học Khoa Học Huế. Muốn đưa âm nhạc cổ điển đến người nghe, trước tiên phải làm sao đưa thính giả đến gần nó để có dịp giới thiệu, giải thích và hướng dẫn cho họ nghe ra được cái hay cái đẹp của nền âm nhạc đó. Muốn kéo họ đến gần, cần phải có một trong hai điều kiện: ép buộc hoặc gợi trí tò mò.
    Với sinh viên Đại học Khoa học thì khởi đầu bằng phương thức ép buộc. Muốn hay không muốn, nếu không có đủ số điểm đậu môn nghe nhạc cổ điển, thì sinh viên không lấy được bằng Cử Nhân Khoa học - cái mà họ cần. Còn đối với các giáo sư xin dự thính thì lớp Thẩm định Âm nhạc này gợi trí tò mò của họ.
    Có thể có nhiều người trong số này thoạt tiên đến không phải với thiện ý. Họ thắc mắc về môn học quá mới mẻ này tại đại học Việt Nam, trong khi môn học này đã có từ lâu tại nhiều trường Đại học tại Âu-Mỹ.
    Biết tâm lý ưa thích văn hoá nước ngoài của giới sinh viên trẻ, tôi áp dụng chiến lược "hù dọa" bằng cách bắt đầu chương trình với phần giới thiệu nhạc cổ điển phương Tây qua các tiểu mục: Giàn nhạc giao hưởng và nhạc khí, nhạc sử với Beethoven, Mozart và giới thiệu tác phẩm với phần chính là 9 Giao hưởng khúc của Beethoven, các nhạc phẩm khác của Tchaikowsky và Antonio Vivaldi. Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Tây phương là một di sản văn hoá đồ sộ của nhân loại. Chiến lược "dằn mặt" của tôi rất thành công với tính vĩ đại thật sự của nền âm nhạc cổ điển Tây phương cọng thêm câu mở đầu giáo trình trích từ một sách âm nhạc của phương Tây: "Nếu bạn không ưa thích nhạc cổ điển, thì bạn đừng nên nói ra điều này. Nói ra, bạn sẽ tự kết án mình, bởi vì đời đời và khắp mọi nơi, không ai hạ bệ nổi Beethoven và Mozart."
    Ngoài ra để tránh tâm lý sai lầm chuộng cái đồ sộ trong nghệ thuật, sinh viên được giới thiệu qua các nguyên tắc cơ bản về thẩm mỹ áp dụng trong việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Đó là bốn tiêu chuẩn lượng giá (evaluation):
    1. Chủ đề (Subject, theme)
    2. Chất liệu (Material)
    3. Bố cục (Composition)
    4. Tính độc đáo (Originality)
    Một thí dụ thường được đưa ra trong lớp học là so sánh hai tác phẩm điêu khắc: tượng Vệ Nữ và tượng Củ Khoai. Tượng Vệ Nữ bằng sáp thì hơn tượng Củ Khoai bằng vàng về chủ đề nhưng thua về chất liệu. Nếu tượng củ khoai trông giống như thật mà tượng Vệ Nữ méo mó thì tượng Củ Khoai hơn về bố cục. Nếu tượng Củ khoai chỉ có một mà tượng Vệ Nữ lại được sản xuất hàng loạt thì tượng Vệ Nữ thua về tiêu chuẩn 4: tính độc đáo. Dùng bốn tiêu chuẩn cơ bản này thì thấy các ca khúc của Trịnh Công Sơn thường không bằng các ca khúc của các nhạc sĩ khác về chất liệu nhưng thường hơn hẳn các ca khúc khác về chủ đề, bố cục và nhất là tính độc đáo. Nghe ca khúc của Trịnh Công Sơn thì dễ nhận ra ngay, không thể nhầm với tác phẩm của một ai khác.
    Sinh viên cũng được giới thiệu về các tiêu chuẩn đánh giá nhạc cổ điển Tây phương. Nhạc cổ điển Tây phương không lời, thể loại nhạc mô tả không lời (descriptive music), thường được chia ra ba loại theo thứ tự giá trị từ thấp lên cao như sau:
    1. Nhạc chủ đề (programatic music)
    Nhạc sáng tác theo chủ đề do nhà soạn nhạc định sẵn và có ghi ra rõ ràng. Beethoven thường than phiền rằng dân chúng đương thời không hiểu nhạc cổ điển và chính ông đã khởi đầu loại nhạc giao hưởng có chủ đề này để cho người nghe dễ thưởng thức. Đó là Giao Hưởng Khúc số sáu, thường gọi tên là Khúc Nhạc Đồng Quê (Symphonie Pastorale) với năm hành âm (movements) - thường thì Giao hưởng khúc chỉ có bốn hành âm. Hành âm thứ nhất: Cảnh đồng quê. Hành âm thứ hai: Vũ khúc đồng quê. Hành âm thứ ba: Bên bờ hồ. Hành âm thứ tư: Cơn giông tố. Hành âm thứ năm: Lòng biết ơn khi trời quang tạnh. Louis Hector Berlioz (1803-1869) giải thích rõ ràng các chi tiết của nhạc phẩm này trong các bài bình giải của ông.
    2. Nhạc chủ đề tâm lý (Leit motiv)
    Như các Giao hưởng khúc số 3 và số 5 của Beethoven mô tả các chủ đề tâm lý trừu tượng cho nên tuy có phân tích và giải thích được, nhưng cũng rất giới hạn và không dễ dàng như đối với loại nhạc có chủ đề.
    3. Nhạc thuần khiết (Pure music)
    Phần nhiều là nhạc thính phòng (chamber music), tứ tấu (quartet) hoặc ngũ tấu (quintet), các overtures và studies. Các loại nhạc này ngắn, nhỏ, là hình thức nhạc cao nhất thưởng thức hoàn toàn bằng cảm nhận trực tiếp mà không có giải thích.
    Đây chính là thời điểm mà tôi chuyển sang phần giới thiệu nhạc cổ truyền Việt Nam - nhạc cổ Huế. Cũng giống như trong âm nhạc cổ điển Tây phương, một bản đàn tranh hay nhất thường không phải là bản Tứ Đại Cảnh, Nam Ai và nhất là không phải là bản Nam Bình, mà chính là Khúc Dạo Khách hay Dạo Nam.
    (xem tiếp bài dưới)

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  5. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Đêm trăng trên dòng Hương Giang
    Thúc Tề
    Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,
    Suốt giải Sông Hương nước thở dài
    Xào xạt sóng buồn khua bãi sậy,
    Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.
    Mây xám xây thành trên núi Bắc,
    Nhạc mềm chới với giữa sương êm.
    Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật,
    Eo lả nằm trên ngọn trúc mềm.
    Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma
    Biến mất vì nghe dục tiếng gà.
    Trăng tỉnh giấc mơ lười biếng dậy,
    Động lòng lệ liễu giọt sương sa.
    Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước,
    Ngập tràn sương trắng gợn bâng khuâng
    Hương trăng quấn quít hơi sương ướt,
    Ngân dội lời tình điệu hát xuân.​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  6. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Chia hai màu chiều
    Lâm Anh
    Mưa từ giọng nói mưa ra
    Rứa mà ướt hết hồn ta một thời
    Mười năm về lại... Huế ơi!
    Mưa - giờ - ửng - nắng - khớp - lời - ngựa - ô(!)
    Khoanh tôi xót nửa khoang đò
    Nhớ ai... gió cũng về cho chút buồn
    Hình như tận đáy sông Hương
    Có con chim rụng xuống vườn chiêm bao!
    Mười năm về... Huế chợt hao
    Tôi xê tay mãi nghiêng vào bóng trăng
    Để thêm vừa nỗi cô đơn
    Xích vô cho sát với cơn nhớ người
    Mười năm một Huế bên đời
    Tôi về như kẻ vừa rời tay
    Cớ mất đâu tiếng thở dài(?)
    Để cho nỗi nhớ chia hai màu chiều.​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  7. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Nhớ Huế quê tôi
    Thanh Tịnh
    Sông núi vươn dài tiếp núi sông
    Cò bay thẳng cánh nối đồng không
    Có người bảo Huế xa, xa lắm
    Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng.
    Mười một năm trời mang Huế theo
    Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo
    Giọng hò mái đẩy vờn mây núi
    Man mát sông Hương lướt đỉnh đèo
    Tôi gặp bao người xứ Huế xa
    Đèn khuya thức mãi chí xông pha
    Mở đường giải phóng về quê mẹ
    Dựng khắp non sông bóng xóm nhà
    Có bao người Huế không về nữa.
    Gửi đá ven rừng chép chiến công
    Có mồ liệt sỹ nâng lòng đất.
    Buồm phá Tam Giang gió thổi ***g.
    Nặng trĩu trăm năm bóng cổ thành
    Bao lần máu đỏ nhuộm đồng xanh
    Cờ sao ngày ấy buồn cung cấm
    Sông nước xôn xao núi chuyển mình
    Bao độ thu về, thu lại qua
    Huế tôi thăm thẳm nhớ con xa
    Mỗi lần phượng nở rung màu đỏ
    Càng giục canh sương rộn tiếng gà.
    (1956)​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  8. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Nữ sinh Đồng Khánh
    Mai Văn Hoan
    Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa
    Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò
    Nữ sinh Đồng Khánh qua đò
    Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi
    Nữ sinh Đồng Khánh dạo chơi
    Phấn thông vàng rải ngát trời Thiên An
    Trống trường Đồng Khánh vừa tan
    Trên đường Lê Lợi từng đàn **** bay
    Nữ sinh Đồng Khánh thơ ngây mỉm cười
    Bóng ai khuất nẻo phố rồi
    Vô tư đâu biết có người nhìn theo
    Âm thầm một cánh phượng gieo
    Nữ sinh Đồng Khánh trong chiều nhặt hoa
    Bâng khuâng ngắm áng mây qua
    Cảm thương một cánh chim xa lẻ đàn
    Mùa thu thả chiếc lá vàng
    Nữ sinh Đồng Khánh mơ màng lắng nghe
    Trầm ngâm trong quán cà phê
    Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai
    Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ...
    Nhạc buồn chạm mái tóc thề chấm vai
    Đâu còn là chuyện ngày xưa
    Nữ sinh Đồng Khánh bây giờ là em.​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  9. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Nhớ bạn
    Nguyễn Duy
    Tôi về xứ Huế mưa xa
    Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
    Tôi về xứ Huế chiều mưa
    Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?
    Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu
    Em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi
    Lối mòn đá cuội rong chơi
    Lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ
    Lan báo hỷ nở tình cờ
    Bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang
    Chợ chiều Bến Ngự chưa tan
    Ai đi ngược dốc Phú Cam một mình.​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  10. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Với Huế
    Phan Thị Tần
    Tôi về, xa Huế, qua mưa
    Bỏ em ở lại cho vừa lòng... tôi.
    Chia xa, xa một khoảng trời
    Dư âm còn đọng bồi hồi trong tim
    Ai về thăm xóm Ngự Viên
    Nghe thơ Nguyễn Bính vọng niềm tương tư
    "Giời mưa ở Huế..." bây chừ
    Cớ sao buồn...lại buồn dư mấy ngày!
    Nỗi người xưa - với mình nay
    Vẫn vương một kiếp đò đầy sang sông.
    Hương Giang trong đục một dòng
    Xuôi về Vỹ Dạ nặng lòng thi nhân
    "Thuyền ai đậu bến sông trăng..."?
    Có đêm trăng bạc bắt đền thề xưa?
    ....
    Giờ này xứ Huế còn mưa?​
    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     

Chia sẻ trang này