1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

HUẾ - GIAI ĐIỆU VÀ VẦN THƠ_( Xem mục lục ở trang 23 :-D)

Chủ đề trong 'Huế' bởi northernstar_2308, 26/08/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Cảm nhận Âm Nhạc:
    Hoài niệm ca Huế
    Hoàng Văn Minh
    Ca Huế salon
    Có một câu nói: Qua đêm ở Huế mà chưa được nghe ca Huế thì... chưa đến Huế. Một câu nói khác: Qua đêm ở Huế mà không đi xem ca Huế thì chẳng biết làm gì. Nói thế nào nghe cũng có lý. Có điều, bây giờ những người biết hát ca Huế thật sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và hầu hết đã qua thời thanh sắc. Rất nhiều người đêm đêm giọng ca vẫn vọng lên từ dưới dòng Hương ấy, câu Nam Bình thì chập chập cheng cheng, câu Nam Ai đã trở thành hoài niệm của một thời xa vắng...
    Ca Huế salon, hay còn gọi là ca Huế thính phòng chỉ là một cách gọi tạm, nhằm chỉ một dòng ca Huế chỉ tồn tại đúng với môi trường diễn xướng của nó. Nhạc sĩ Phạm Duy trong khi đặc khảo về dân nhạc của Việt Nam vào những năm 1970 đã có những nhận xét, so sánh thú vị rằng: "Trong khi ở miền Bắc, hát ả đào đã thoát ra khỏi hình thức hát cửa đình, cửa quyền để trở thành thú chơi tao nhã của nho sĩ thì ở Thuận Hoá (Huế), các hoàng thân và quan chức trong triều cũng sáng lập một loại ca nhạc thính phòng mà về sau ta gọi là ca Huế". Chính những vị vua như Thiệu Trị, Tự Đức... của triều Nguyễn đã rất mê ca Huế và đã sáng tác rất nhiều lời cho ca Huế. Môi trường diễn xướng đúng nghĩa của ca Huế salon ngày xưa ở trong phủ các ông hoàng, bà chúa như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, các dinh quan phủ ở Vĩ Dạ, Kim Long, Thành Nội... và cho đến bây giờ, nó vẫn được một số rất ít các gia đình ở Huế lưu giữ với tư cách là một nếp văn hoá thanh tao, quý phái.
    Ngôi nhà vườn rất nổi tiếng ở Huế là phủ Công chúa Ngọc Sơn, con gái thứ hai của Vua Đồng Khánh và chồng là phò mã Nguyễn Hữu Tiến, là một trong những địa chỉ thỉnh thoảng vẫn tổ chức một đêm ca Huế salon mà người có duyên được tham gia, lòng không khỏi bần thần mê đắm. Những đêm ca Huế salon như thế này, ngoài vợ chồng ông Phan Thuận An, chủ nhà, thường khách là những người khá nổi tiếng và có một trình độ thẩm âm nhất định. Nghệ sĩ toàn những bậc lão làng như Minh Mẫn, Thanh Tâm, Diệu Liên, Thanh Hương, Vân Phi và các nghệ sĩ đàn lừng danh như bác Kế, bác Kích, Lệ Hoa... Bao nhiêu năm nay, vẫn là những chiếc chiếu hoa trải ngay gian chính điện ngôi nhà, nơi có bàn thờ phò mã Nguyễn Hữu Tiến. Chủ nhà bày các lọ hoa hồng, hoa địa lan, các khay khảm xà cừ đựng những nậm rượu và chén cổ, các món nhắm được nấu theo kiểu Huế được bày biện rất tỉ mỉ, sang trọng... Sau vài lời "phi lộ" của gia chủ, mọi người nâng ly, tiếng đàn cất lên réo rắt. "Cuộc chơi" bắt đầu không cầu kỳ lắm nhưng cũng không có chỗ cho những tiếng cười vồn vã, dung tục.
    Tôi, và có lẽ là rất nhiều người, sẽ ngạc nhiên bởi lâu nay, chỉ biết ông Phan Thuận An, một "nhà nho" nghiêm khắc và khó tính, một nhà nghiên cứu về Huế xưa khá uyên bác và đầy trách nhiệm. Còn một Phan Thuận An khác, một người rất say mê và muốn bảo tồn những tinh hoa của ca Huế thì quả thật là rất mới. Ông nói giọng nghiêm pha chút tự hào rằng: "Nhà mình đã bốn thế hệ đều có người say mê và hát ca Huế rất hay, dù chỉ là nghiệp dư. Việc mời khách đến nhà để tổ chức hát ca Huế như thế này là một nếp sống đã có từ đời trước. Bây giờ chỉ khi nào thấy thích và đặc biệt có khách tri âm, biết thưởng thức mới tổ chức". Ông bảo tìm được nhiều người tri âm, biết thưởng thức tiếng hát, điệu đàn kiểu như Bá Nha, Tử Kỳ ngày xưa khó lắm. Những "cuộc chơi" kiểu này ngày xưa về đêm rất thịnh hành ở Huế, từ lúc chiến tranh, ca Huế salon thưa dần, nếu không duy trì được, để mất hẳn thì rất uổng phí.
    Những người của... "khúc chót"
    T có chồng và hai con, "thanh" thì tầm tầm nhưng "sắc" thì còn mặn mà lắm. Làm ca sĩ dễ đã sáu năm, nhưng vốn liếng của cô chỉ vỏn vẹn có mỗi bài Lý chiều chiều và dăm ba bài tân nhạc. Có lần cô ấy cơn cơn bảo, "loại như em đầy rẫy ra đấy, anh tưởng rằng trong mấy trăm cô ca Huế đêm nào cũng đi hát đầy trên sông, cô nào cũng là Minh Mẫn, Thanh Tâm... cả à".
    Có một đêm, tôi "nhịn" ăn để nhận lời mời của những ông anh Việt kiều Mỹ đi ăn cơm vua và nghe ca Huế ở một khách sạn khá sang trọng. Vừa vào đến cửa đã được chào đón bằng một bản hoà tấu Đăng đàn cung réo rắt, vui nhộn. Sau màn chào đón là các bản hoà tấu Lưu Thuỷ - Kim Tiền, đến các Lý chiều chiều, Lý ngựa ô, Lý mười thương, Hò giã gạo, Chầu văn... Điều ngạc nhiên, theo như người dẫn chương trình thì "đây là một chương trình ca Huế đặc sắc nhất", nhưng những bài đặc sắc như Nam Ai, Nam Bình, Cổ bản thì chẳng thấy hát? Tôi đem những thắc mắc của mình đi tìm lời giải đáp, T cười, "những bài ấy lời lẽ hàn lâm, phách nhịp khó nhọc, người nghe không muốn nghe vì mệt, vì không hiểu mô tê đã đành, người hát, người tập cũng... không hiểu nốt, và quan trọng nhất là không dám hát vì sợ... sai!". T nói, "đoàn em thì chưa, nhưng có nhiều đoàn chỉ hát một hai bài mở màn, còn lại khách chỉ yêu cầu hát tân nhạc, cứ thế mà hát". Có một thực tế là ai qua đêm ở Huế cũng tò mò muốn được đi xem ca Huế nó như thế nào, còn có nghe được ca Huế hay không thì không hẳn ai cũng nghe được.
    Nhiều năm trở lại đây, khi đời sống vật chất và tinh thần đã khấm khá, khi Việt Nam là một điểm đến của thiên niên kỷ mới, du lịch và dịch vụ phát triển, ca Huế không còn giới hạn ở các salon, trên những chiếc thuyền rồng mà đã phát triển rầm rộ trong các nhà hàng, khách sạn. Bất cứ một tour du lịch nào, trong "thực đơn" đều có món cơm cung đình kèm ca Huế. "Hát ở các khách sạn khổ lắm, nhưng phải nghiến răng để kiếm sống" - T kể - "thường cuối buổi, khách thưởng tiền (thường khoảng 100USD), đừng nghĩ là tụi em ôm trọn mà phải chia ra làm bốn phần. Một phần của phục vụ bàn, một phần của đầu bếp, một phần của những người cầm lọng, sau đó mới đến ca sĩ. Như thế còn đỡ tủi, đôi khi hát trên thuyền, đến phần thưởng tiền, người hướng dẫn la bai bải rằng ca Huế bữa này giàu rồi, không cần thưởng tiền, sau đó lẳng lặng "ôm" một mình. Sau phần thưởng đến phần bán băng, lâu nay báo chí kêu quá, tụi em không còn bán công khai nữa mà "rút" vào kín đáo hơn. Mời chào vẫn muôn thuở rằng "những gì quý vị vừa nghe đây không phải là tất cả, muốn tìm hiểu thêm về ca Huế thì chúng tôi có băng đây, ai có nhu cầụ..". Thường bán cho khách nước ngoài một băng cassete 4USD, mỗi đêm bán khoảng 10 cuốn, mỗi cuốn tụi em được hưởng năm ngàn đồng như thế có bất công không? Biết là bất công nhưng không dám nói, nói sợ lần sau người ta không kêu mình. Tóm lại, tụi em chỉ là những người... ăn khúc chót".
    Trở lại vấn đề ca Huế ở các thuyền rồng trên sông Hương về đêm. Nói mãi, chấn chỉnh mãi nhưng đây vẫn là những chương trình kém chất lượng và cẩu thả nhất. Có một đêm sông Hương đầy trăng, bà tôi (đã ngoài 80) ngẫu hứng nằng nặc đòi đi nghe ca Huế cho bằng được. Tôi chiều ý bà. Sau một hồi nghe người dẫn chương trình đọc thơ như hát về núi Ngự, sông Hương mà không đề cập gì đến ý nghĩa, nguồn gốc... của những bài mà ca sĩ sắp hát, tận mắt chứng kiến một ca sĩ hát Lý mười thương nhưng chỉ ngang bảy thương đã ... "nhảy" qua mười. Một ca sĩ khá thành danh đang hát ở thuyền này nhưng miệng la í ới sang thuyền bên cạnh trước mặt bàn dân thiên hạ "đợi chị chút". Hát xong bài của mình, người ca sĩ đáng kính ấy hối hả gọi một chiếc thuyền con sang thuyền hồi nãy và tiếp tục... hát trước sự ngạc nhiên của hàng chục cặp mắt. Bà thở dài bảo: "Thế mà tụi bây cũng gọi là ca Huế à?". Thế là đêm ấy tôi không ngủ được vì phải nghe bà kể về những ngày được nghe ca Huế xưa. T nghe thế bảo, chuyện thường ngày thôi. Mỗi đêm đi hát từ 7 giờ đến 11h được 50.000đ, hát ít hơn một suất được 25.000đ, không chạy sô lấy gì mà nuôi chồng nuôi con...
    Nói thế không hẳn ca Huế tất cả đều kém chất lượng và đầy rẫy tệ nạn. Theo đánh giá của những người có uy tín và tâm huyết với ca Huế thì ngoài những salon như ở nhà ông Phan Thuận An, Bửu YÁ... thì vẫn còn rất nhiều đoàn tổ chức ca Huế rất quy mô và chất lượng như đoàn của nhà thơ Võ Quê, nghệ sĩ Thái Hùng và nhiều đoàn khác... Với nhiều người quan tâm đến sự trượt dốc của ca Huế trong thời gian qua, một câu hỏi được đặt ra là có cách nào để hạn chế các tệ nạn, nâng chất lượng của các chương trình ca Huế lên và kéo người thưởng thức gần lại với người biểu diễn không? Các nhà quản lý trả lời câu thứ nhất: Tăng tiền thù lao, tăng cường kiểm tra và đề ra các quy chế quản lý chặt chẽ. Người trả lời câu thứ hai làm tôi thật sự bất ngờ: Muốn có tri âm, không có cách nào khác là phải giáo dục, mảng này lâu nay chúng ta bỏ trống. Người trả lời câu này là Phan Thuận Thảo, con gái của ông Phan Thuận An. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế chuyên ngành lý luận âm nhạc; Thuận Thảo còn rất trẻ, nhưng đã hai lần đi dự hội thảo quốc tế ở Hàn Quốc và Nhật Bản về âm nhạc truyền thống Huế. Điều đặc biệt là Thảo rất mê và khá "sành" các món đàn, và ca Huế, có thể nói rằng nghiệp dư nhưng hơn hẳn khối người được mệnh danh là ca sĩ. Thú vị bởi cuộc đời đôi khi có rất nhiều điều bất ngờ để mà hy vọng.

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  2. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Cảm nhận Âm Nhạc
    Còn Đâu Ca Huế
    Hư Trúc
    Bạn thân ơi, chúng ta trưởng thành nơi Sài Gòn và từng một thời nhìn Huế có thể sẽ là thành trì cuối cùng gìn giữ giùm những hình ảnh cổ điển thân thương, không chỉ là thành quách đền đài mà còn là chiếc nón, tà áo, giọng ca. Vâng, ca Huế. Bây giờ thì vẫn còn, nhưng đang nhạt phai dần đi dưới sức ép của kinh tế thị trường. Vẫn biết nghệ thuật không hẳn nuôi nổi người nghệ sĩ, nhưng khi nghệ thuật mang giữ nét văn hóa dân tộc thì đó lại là cái gì rất mực cần trân trọng. Bạn hãy nghe nhà báo trong nước viết về ca Huế bây giờ như sau:
    "Đã từ lâu, Huế trở thành một trung tâm văn hoá du lịch của cả nước thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hoà chung với không khí nhộn nhịp đó, hoạt động ca Huế cũng hết sức rộn ràng. Hằng đêm, khi những ngọn đèn néon phản chiếu những ánh sáng bạc màu lấp loáng cũng là lúc những con thuyền ca Huế đang bập bềnh giữa dòng Hương...
    Trước đây, tôi đã từng có dịp đi nghe ca Huế trên sông Hương và vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác là lạ khi bước chân vào khoang thuyền, cảm giác lâng lâng khó tả như quyện vào cảm xúc của tôi. Lúc bấy giờ, dọc theo hai bờ sông Hương đoạn gần trung tâm thành phố Huế chỉ có rải rác vài con thuyền ca Huế, và trên mỗi con thuyền biểu diễn ca Huế ngoài số nhạc công và ca sĩ ra, du khách chỉ dăm người. Và khi thuyền ngược dòng, cũng là lúc bắt đầu một đêm ca Huế. Một khúc dạo đầu ngân lên thay cho lời chào du khách, trên khoang thuyền im ắng lạ thường. Rồi điệu Nam Ai cất lên với một giọng ca hoà trong tiếng đàn nghe ngọt ngào ai oán xen lẫn với nỗi buồn da diết và có cái gì đó trắc ẩn u uất. Tiếp đến là những điệu Nam Bình, Cổ Bản, Tứ Đại Cảnh... chất chứa những nỗi niềm sâu lắng. Ngoài kia, sóng vẫn vỗ nhẹ vào mạn thuyền nghe rất êm tai...
    Lần này, tôi lại có dịp đi nghe ca Huế với những người bạn từ thành phố khác, nghe tiếng ca Huế đã lâu, nay muốn chứng kiến tận mắt một lần cho biết. Tôi dẫn họ đến bến Toà Khâm. Không ngờ du khách muốn nghe ca Huế đều phải đăng ký trước, mấy người bạn tôi vì không đăng ký nên phải ngồi chờ khá lâụ Không khí ở đây thật rộn ràng tấp nập với các loại người: Ca sĩ, nhạc công, bầu show, chủ thuyền, du khách. Phía dưới thì cơ man nào là thuyền rồng, thuyền đôi, thuyền đơn. Tâm lý chung của du khách khi đến Huế thường thích nghe ca Huế trên sông vì ai cũng muốn đi dạo giữa dòng Hương trong những đêm trăng thanh gió mát để tận hưởng cái hay cái đẹp của non nước Thần Kinh. Tôi cũng vậy, nhưng lần này, bước chân lên khoang thuyền ca Huế sao nghe khác lạ quá chừng. Thuyền san sát thuyền, cùng với tiếng la hét của những chủ thuyền để tránh nhau. Trên thuyền, vẫn một chương trình biểu diễn ca Huế như ngày nào nhưng sao bây giờ ngắn quá, người ta đã cắt xén thời gian biểu diễn, đưa những tiết mục ngoài chương trình vào để bù lấp cho những tiết mục khó thể hiện. Những người bạn của tôi sau khi nghe chương trình ca Huế đều cảm thấy thất vọng. Có thể ca Huế bây giờ đang chạy theo cơ chế thị trường, và thực tế thì cũng cho thấy, một số ca sĩ ca Huế tuổi đời còn rất trẻ, giọng ca còn non nớt, đó là chưa nói đến một đội ngũ ca sĩ nghiệp dư, thấy hoạt động ca Huế trên sông có thể kiếm ăn được, đã tập tành vài ba bài hát rồi nghiễm nhiên trở thành ca sĩ ca Huế. Trên địa bàn thành phố Huế hiện nay có 4 đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ca Huế, song lại có rất nhiều nhóm ca sĩ và nhạc công hoạt động tự do trong lĩnh vực ca Huế ngoài sự kiểm soát của Nhà nước gây nên cảnh lộn xộn mất trật tự trên sông. Thời buổi kinh tế thị trường này, người ta chỉ biết lo chạy show khác chứ ít ai nghĩ đến ca Huế theo đúng nghĩa của nó. Phải nói rằng các ca sĩ chỉ biểu diễn ca Huế bằng khẩu ca chứ không phải bằng tâm ca nữạ Đó là một thực tế đáng buồn mà khi rời con thuyền ca Huế, bất giác tôi tự hỏi: Ca Huế đâu rồi?"
    Bạn thân,
    Khi bạn về thăm nhà, tôi không biết rồi bộ môn ca Huế có còn chống đỡ tới ngày ấy được không. Nơi đây, tôi cảm ơn về lời cảnh báo của ông nhà báo trên kia. Vẫn biết lịch sử có sự tàn bạo của nó, nhưng khi các làn giọng ca Huế biến dạng, chắc chắn là một mảnh hồn dân tộc cũng trôi theọ Lúc đó thì ngậm ngùi cũng trễ.

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  3. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Cảm nhận Âm Nhạc
    Người Huế còn mê ca Huế?
    không rõ tác giả
    Tôi mạnh dạn đặt câu hỏi trên vì không ít người nói rằng ca Huế mấy năm gần đây là "đặc sản" dành cho Tây, trong khi bản thân người dân Huế lại tỏ ra hững hờ với nó. Diễn viên trẻ lo "chạy sô" nhiều hơn và không còn thuộc nhiều bài ca cổ nữa. Đấy là chưa kể những "con sâu" còn len vào làm "rầu" bộ môn nghệ thuật này.
    Con nhà nòi còn không?
    Tôi đến Đoàn nghệ thuật truyền thống Huế. Trưởng đoàn - NSƯT La Thị Cẩm Vân - đón khách bằng nụ cười rạng rỡ vì đoàn nghệ thuật vừa đi biểu diễn ở Fukuoka (Nhật) được bạn bè quốc tế ca ngợi. Trước nỗi băn khoăn: người Huế còn mê ca Huế? Chị Vân tỏ ra tự tin và dẫn giải: "Ca Huế nằm trong nghệ thuật ca múa nhạc cung đình có từ năm 1613 và trải bao thăng trầm. Sau 1975, mới được chú ý thì năm 1990 tưởng như đã tan rã vì nhiều ý kiến nói chẳng ích nước lợi nhà chi. Đến Nghị quyết 4 Trung ương, bộ môn này mới khởi sắc. Nói vậy để thấy loại hình nghệ thuật truyền thống này không chết, vì dân yêu dân giữ".
    Nhưng thực tế là đoàn hiện nay (45 người) lớp trẻ chiếm số đông, nhưng tỷ lệ con nhà nòi là con số 0 tròn trĩnh (Nếu không kể chị Cẩm Vân và ông cụ thân sinh: NSƯT Lai Cháu nay đã 87 tuổi vẫn còn diễn). Và lớp trẻ bây giờ điều kiện sướng hơn xưa, nhưng lòng say mê và chất lượng biểu diễn thì suy giảm. Điều này thì chị Vân đồng tình: "lớp nghệ nhân già nhiều người đã ra đi và con cháu họ không phải ai cũng theo nghề. Diễn viên trẻ bây giờ đúng là không khổ luyện bằng chúng tôi ngày xưa. Tôi nhớ 4 giờ sáng đã phải dạy tập rồi. Bố tôi đánh trống và dạy làn điệu, còn tôi phải học cả vở tuồng chứ không chỉ vai mình diễn. Tập cật lực, lơ mơ là "ăn" roi mây ngay. Ngày xưa tiêu chuẩn tuyển vào đoàn là con nhà nòi từ 7-9 tuổi vừa học văn hoá vừa học nghề rồi. Còn bây giờ, có em chưa học ra trường đã lo lấy chồng. Có em đang học bỏ dở đi làm du lịch. Nhưng cũng có em rất chịu khó, vừa theo đoàn vừa đi học thêm ĐH...".
    Tôi gặp thêm hai diễn viên trẻ trong đoàn. Tuy Diệu Hy đang học thêm biên đạo múa ở trường ĐHSKĐA ngoài Hà Nội, còn Minh Kỳ theo học ĐH Khoa học Huế nhưng cả hai vẫn đều tỏ rõ sự chân thành muốn gắn bó lâu dài với đoàn. Còn thu nhập? Kỳ ngượng ngập cho biết cũng thường đi ca Huế phục vụ du khách trên sông và mỗi buổi tối một tiếng rưỡi cũng kiếm được 250-300 nghìn đồng. Có thể sống được bằng nghề - thế là tốt rồi.
    Người Huế còn mê ca Huế?
    Một bà cụ ở đường Thuận An bảo với tôi rằng bà "không thích nghe ca Huế vì nắm rõ nội tình của bọn hắn (chỉ các diễn viên trẻ). Chúng làm đủ thứ chuyện, thậm chí làm ô danh cả ca Huế". Một nhân viên khách sạn tư nhân trên đường Lê Lợi cho biết cả nhà anh đều mê ca Huế và thật sự bị xúc phạm khi đọc bài báo "lắc đò trên sông" trên một tờ báo công an dạo nọ. Anh nói: "Những cô gái ca Huế mà làm chuyện "bán hoa" đó là thiểu số nhưng đã làm xấu mặt thành phố Huế, tính cách Huế".
    Tôi cũng tiếp xúc với một số người dân Huế khác: - tuy không nhiều, nhưng cũng đã nhận ra rằng: người Huế - chủ yếu là những người đứng tuổi và am hiểu vẫn còn mê ca Huế. Nhưng đó là ca Huế đích thực.
    Còn họ thờ ơ thứ ca Huế "chạy sô" 3 suất diễn một đem - thứ ca Huế mà đáng ra số diễn viên và nhạc công phải ít nhất là 10 người trở lên (mới thể hiện đầy đủ sức mạnh nghệ thuật của ca Huế) đã được rút xuống còn 8 thậm chí 6 người phục vụ du khách. Về danh nghĩa chỉ có diễn viên của 4 đơn vị được ca Huế trên sông là Nhà Văn hoá Trung tâm, CLB Ca Huế thành phố, Đoàn Ca kịch Huế và đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế, nhưng nhìn trên mặt sông Hương "cao điểm" có tới 15 thuyền cùng tổ chức ca Huế thì lấy đâu ra lắm ca sĩ thế? Thực chất đó là một số cá nhân, gia đình tổ chức ca Huế để kiếm thêm, họ đã đánh trúng tâm lý du khách và lợi dụng sự cứng nhắc trong kinh doanh của các đơn vị nhà nước. Vì các đợn vị kia mỗi lần biểu diễn là phải trọn gói (500.000đ/giờ mức tối thiểu) cho một doàn khách, trong khi số tư nhân sẵn sàng bán vé 40,50 nghìn cho từng du khách riêng lẻ, rồi ghép chung vào tốp khác để phục vụ. "Diễn viên" ở đây rõ ràng là chất lượng không cao và có người không ca được những bài cổ theo yêu cầu của khách sành điệu. Cùng với một số hiện tượng "lắc đò trên sông" của một số ca sĩ không rõ lý lịch lắm, đã làm nghệ thuật ca Huế mất dần sự quyến rũ đi.
    Nhưng vượt qua tất cả, nghệ thuật ca Huế chân chính thì vẫn luôn sống như suốt bao thế kỷ nay,và người dân Huế vẫn luôn tự hào về nó.

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  4. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Mùa Thu, Nguồn Cảm Hứng Của Lời Ca Huế
    Tiểu Kiều
    Bốn mùa thiên nhiên Xuân Hạ Thu Đông là nguồn cảm hứng bất tận cho các loại hình văn học nghệ thuật. Riêng mùa thu hình như lại gần gũi hơn với thơ ca, âm nhạc, trong đó Ca Huế được xem như là bạn tri âm của mùa thu, hay nói một cách khác Mùa Thu là tri âm của Ca Huế, là mạch tình lai láng gợi tứ, gợi hồn cho các thi hữu soạn lời ca cho các làn điệu âm nhạc truyẳn thống Huế.
    Các tác giả khuyết danh, các tác giả Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tam Xuyên, Bửu Lộc, Vu Hương, Kiều Khê, Thanh Tùng... đã thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau trong hình tướng mùa Thu: Hương thu, gió thu, trăng thu, sương thu, mưa thu, cảnh thu... Thiên nhiên, Hương giang, Ngự bình; tự sự, tâm tình đồng cảm, buồn vui bàng bạc, lắng sâu trong lời ca Huế ngâm ngợi mùa Thu:
    Trăng thu tỏ, nước thu càng ngời trong. Khách thiên tài quốc sắc. Cớ cớ trêu bởi Nguyệt lão tơ hồng.. . Bóng trăng thu còn đó. Còn đó nào người trăng gió. Gió đưa trăng mấy lần.
    (Long ngâm - Lời xưa)
    Tình yêu vẫn là đề tài muôn nơi, muôn thuở. Tức cảnh sinh tình. Trước vẻ đẹp nhu mì của mùa Thu, tài tử giai nhân Huế làm sao khỏi rung động, xao xuyến lòng kết nối nguồn tình với thiên nhiên:
    Trăng thu rạng, lai láng dòng Hương. Xui hồn mộng vấn vương. Câu tâm sự gửi cùng thời gian.
    (Tứ đại cảnh - Lời Tam Xuyên)
    Vượt lên nỗi đau số phận, kiếp người. Vượt lên chuyện lợi danh huyễn mộng. Tâm hồn người nghệ sĩ là một cõi bình yên, vĩnh hằng cái nghề chơi thanh khí, ngời sáng văn thần:
    Mấy thu qua rồi lại. Đường khôn dại chơi vơi. Một bước đời, một nỗi buồn vui, tuồng hư thật trêu ngươi. Sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai. Mượn nghề chơi nào ai dễ nhường ai.
    (Tứ đại cảnh - Lời Bửu Lộc)
    Với nhân tình thế thái, giọt mưa thu theo cành lá rụng cũng khơi dòng suy ngẫm về các buồn vui giữa cuộc đời hệ luỵ:
    - Mưa thu nhẹ, mưa rơi nhẹ theo lá vàng rơi... Ngẫm chuyện đời chẳng khác lá thu rơi. Khôn với dại trò chơi.
    - Thu ơi! Mưa thu tình nặng với đời. Thu ơi! Vương vấn mãi cuộc đời buồn vui.
    (Tứ đại cảnh - Khuyết danh)
    Tình bằng hữu tâm giao cũng quán xuyến, gắn bó trong mỗi cung bậc quê hương với lời ca sâu lắng. Qua lời ca hình ảnh bạn bè sống động từ mỗi tâm thức thi nhân. Mùa thu gợi mối cảm hoài, nghĩa khí tới muôn sau:
    Giữa buổi chiều thu, nơi quê người ngồi trông tin bạn. Nơi xa lắc chân trời mờ in cánh nhạn ...
    (Tương tư khúc - Lời xưa)
    Thương ai tuyết sương giãi dầu. Nơi khách địa biết bao ngày buồn thu. Nơi Hương Ngự thấy thu về nhớ thu.
    (Tứ đại cảnh - Lời xưa)
    Dường như khi nhắc tới mùa Thu, người ta thường liên tưởng đến nỗi buồn diệu vợi. Có một điều gì đó man mác, vẩn vơ với khối sầu tình đòi đoạn. Nỗi buồn thành một tứ u hoài nhưng thanh cao trong mỗi câu ca:
    Nghe lá thu rơi nhẹ vào tiết thu tàn. Tiắng mơ màng gợi buồn tàn thu... Nhớ thu nào, nhớ đông nào gây sầu ly biệt, ai biết đâu nào... Một niềm thanh cao dài lâu. Vượt buồn đau thu về đông lại nhớ mãi lúc đầu.
    (Cổ bản - Khuyết danh)
    Sự chia ly đôi ngã trong mùa Thu lại càng da diết theo từng giai điệu. Năm Qua Hợi (1923), khi đang còn làm quan ở Quảng Bình, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác nhiều bài ca Huế, trong đó bài Đêm thất tịch đã nói lên được tận cùng nỗi đau của phân ly cùng khát vọng một ngày gặp gỡ yêu thương qua cuộc tình Ngưu lang Chức nữ:
    Sông Ngân hà bao nhiêu nước. Chim Ô thước bắc cầụ..Đêm thất tịch, duyên định từ lâu, ghi lời hẹn với nhau. Qua nhịp cầu Chức nữ với Khiên ngưu, cho tỏ dạ vài câu.
    (Tứ đại cảnh - Lời Ưng Bình)
    Khối tình si vì chia ngăn mà càng thêm nặng. Dầu ai đen bạc, đổi thay, lòng người Huế như dòng Hưong kia xanh biếc một màu thương:
    Lá ngô rời rạc rơi thu, trước ràm châu, nỗi lòng man mác. Ngồi giữa canh thâu. Si tình thương bạn ôm cầu. Trước hay sau ai đen bạc vi dầu. Da trời in nước. Nước sông Hương một màu xanh mướt ...
    (Nam Bình - Khuyết danh)
    Thiên nhiên thuần khiết, vẻ đẹp của đất trời xứ Huế đã mang lại cho ta một thang âm đồng điệu. Viết về mùa Thu, lời ca Huế buồn mà không luỵ. Sầu phân ly mà chẳng đoạn tình, thu ơi ngày ấy chia ly. Nói lời chi? Nhìn nhau cạn chén phân kỳ (Tương tư khúc- Lời xưa). Rượu đầy thì tình vơi. Chén phải cạn đạ tình tràn không hề nhạt phai nghĩa khí tương giao. Và với vầng trăng kia có thấu hiểu tấm cang tràng cho ai đang rung cảm trước vẻ đẹp của nghệ thuật ca ngâm:
    Khúc phụng cầu ai ca, nghe giọng càng thêm động, động lòng ta. Ngồi dựa sương sa, chi Hằng Nga thấu cho chăng là...
    (Nam Bình - Lời xưa)
    Ước mơ được tìm thấy nhau trong đời đang ươm mầm hạnh phúc trên từng con đường Huế, bên những bến đò thu, trong mỗi khu vườn mộng ngan ngat ngọc lan hương. Ta chúc nhau mùa thu ngọt lành cây trái, thi tứ viên mãn xanh thì. Theo lời ca Huế xiễn dương mùa thu cho mình còn có nhau một đoá xinh tươi:
    Sang ngang một chuyến thu chiều mang nhiều kỷ niệm. Người đối diện là ai một đoá xinh tươi. Dòng Hương thuỷ nao nao. Bắn xa thuyền chốc đã kề nhau, chừ bốn mắt tương giao...
    (Nam Ai - Lời Thanh Tùng)

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  5. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    Thông tin Âm Nhạc
    Hai bậc thầy của nghệ thuật cung đình Huế
    Bùi Ngọc Long

    1 - Người nghệ sĩ tuồng ăn lương hai đời vua
    Đó là lão nghệ nhân được ************* Lê Đức Anh ký phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1997: nghệ nhân La Cháu. Năm 12 tuổi cụ được tuyển vào cung học lớp "đồng ấu" dưới triều Khải Định. "Hồi ấy người ta tuyển diễn viên từ nhỏ, cũng giống như tuyển cầu thủ bóng đá bây giờ ấy mà". Sau khi được tuyển vào cung người ta giao cụ cho viên quan thị vệ trưởng gọi là "Ông đội Hứa" quản lý và dạy học tuồng ở nhà hát Duyệt Thị Đường. Cụ học tuồng theo kiểu học "vẹt", cứ đọc thuộc ro ro theo thầy chứ chẳng cần cầm kịch bản như bây giờ. Thế nhưng nhờ cách học đó mà cụ lại nhớ rất lâu, dù đã 89 tuổi song cụ vẫn nhớ từng cử chỉ trong từng vai diễn của tất cả các vở tuồng cổ. Cụ bảo: "Một chữ cắt đôi tui cũng không biết thế mà không có chuyện chi tui không thuộc". Hơn 20 năm phục vụ trong nhà hát Duyệt Thị Đường cho đến 1945 khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị cụ mới hết "duyên nợ" của một bề tôi nhà Nguyễn. Năm 1968 cụ vẫn sống trong Nội (cách gọi của người Huế chỉ nội cung) và làm việc ở nhà hát, nhưng bấy giờ cụ đã là người của cách mạng. Sau ngày nước nhà hoàn toàn giải phóng cụ vẫn ở và giảng dạy các lớp nghệ sĩ tuồng cho Trường cao đẳng Âm nhạc Huế.
    Suốt một thời gian dài các bộ môn nghệ thuật truyền thống Huế bị quên lãng, nhiều nghệ sĩ chán nản bỏ nghề, cụ Cháu vẫn trung trinh với tuồng Huế như là một nghiệp dĩ của người nghệ sĩ lắm truân chuyên. Có lần, một vị lãnh đạo nhà trường bỏ ra 72 đồng để mua cây đàn piano. Biết vậy, cụ đến xin bớt cho cụ hai đồng để mua một cây đàn bầu. Vị lãnh đạo nhà trường bảo với cụ: "Cái thứ ấy bây giờ ai mà cần dùng nữa". Cụ vặn lại: "Rứa bọn Tây ở bên nớ quen ăn bánh mì, dăm bông, patê... chừ qua đây mình dọn nồi khoai thử đôi khi rứa mà hắn cũng thích đó". Năm tháng qua đi ai ngờ bây giờ lời nói của cụ lại đúng.
    Cụ quả là người thầy của nhiều thế hệ học trò yêu thích vốn cổ Huế. Có điều một người thầy chỉ dạy qua trí nhớ, một người thầy không hề có giáo án mà chỉ dạy bằng phương pháp "truyền khẩu". Cụ bảo: "Ngày trước người ta có dạy bằng sách vở như chừ mô, cụ học sao thì dạy vậy". Bài giảng của cụ toàn là những ngón, những bài, những mẹo... Nhiều sinh viên trường Văn hóa Nghệ thuật Huế bảo, học với nghệ nhân La Cháu hơi cực nhưng rất bài bản, mỗi động tác, từ cái vuốt râu đến hất cằm đều phải đúng, sai một tí là không được. Còn cụ thì tâm sự: "Ngày trước diễn là để cho vua chúa coi nên chỉ cần sơ suất là có thể mất đầu, chính vì vậy mà cụ mắc cái "bệnh" quá khắt khe trong khâu động tác". Con của cụ hết một nửa đã theo nghiệp cha. Thế hệ những nghệ nhân La Cẩm Vân, La Thanh Hùng... bây giờ cũng đã làm thầy, từng đi Tây, đi Mỹ biểu diễn, nhưng thỉnh thoảng cụ cũng bày cho vài "chiêu lót dạ". Năm vừa rồi cụ có nhận làm cho Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê một bộ mặt nạ tuồng, nhưng chỉ làm được có 60 cái rồi không "đủ sức" làm tiếp. Những lễ tiết, trang phục, triều phục, cờ phướn xưa của nhà Nguyễn mà chúng ta còn thấy được hôm nay đều do cụ may lại. Bởi ngoài cụ ra, ở Huế chẳng còn ai có thể phục chế chúng. Cụ bảo: "Cái kiểu cách của món cơm vua trong các khách sạn Huế cũng do tui "bày ra" cả đó chứ, rồi mọi thứ trang phục trong Đại Nội đang bày đều do tui may cả. Nhưng chừ kinh tế thị trường nên mọi thứ đều được thương mại hóa cả rồi". Điều mà cụ trăn trở nhất là các ngón, các bài cụ đã bỏ ra hơn 70 năm học hỏi cụ vẫn chưa truyền hết, học sinh bây giờ chạy theo cơm áo, ít ai đam mê vốn cổ để học hỏi.
    2 - Người mê đánh thổi hơn cả đến trường
    Người thứ hai, có tên trong thế hệ nghệ sĩ cựu trào của nền lễ nhạc cung đình Huế là nghệ nhân Trần Kích. Ông cũng là một bậc thầy có công lớn trong việc bảo lưu những giá trị văn hóa phi vật thể Huế. Khác với nghệ nhân La Cháu được triều đình tuyển dụng và đào tạo khi còn rất trẻ, nghệ nhân Trần Kích lại là người vào nghề bằng sự đam mê và ý chí tự học đáng khâm phục. Thuở nhỏ, khi đang học ở trường trung học Quảng Điền, cậu học trò ấy có duyên gặp cụ Ân Thiều, một vị đốc học tinh thông âm nhạc. Mỗi buổi tối, cụ Ân Thiều thường kéo đàn cho đám học trò quây quần ngồi nghe. Trong đám học trò "nhí nhố" ấy cậu là người được cụ Ân Thiều "ưng ý" nhất. Mê nhạc quá cậu "quên" cả học bài và cuối cùng là bỏ học luôn để đi theo học nhạc. Ông Kích kể, hồi ấy học nhạc vất vả gấp trăm lần ngày nay. Lúc mới "nhập môn" cụ Ân Thiều bày cách bỏ một ống tre vào xoong nước mà tập thổi. Cái khó nhất của kỹ thuật thổi là làm sao miệng vẫn thổi hơi ra thật đều nhưng mũi vẫn thở được, khi nào nhìn vào xoong nước thấy bong bóng nổi lên liên tục không đứt quãng mà mũi vẫn giữ được hơi thở đều đặn, lúc ấy xem như cách luyện hơi đã hoàn tất. Khi đó người học nhạc mới được thầy cho tiếp xúc nhạc cụ.
    Hiện nay nghệ nhân Trần Kích phụ trách lớp nhã nhạc của Đại học Nghệ thuật Huế khóa đầu tiên, ông bảo: "Ngày xưa học một trăm nhưng chỉ biết một, bây giờ học một mà biết mười. Thời của bác học nhạc là phải "mang khay đội tráp" theo hầu thầy hết làng này qua làng khác đánh thổi ma chay, đàn tế... Về nhà năm thì mười họa thầy mới bày cho vài "ngón": ú liu xệ cống liu, xang ú liu cống liu xệ...
    Bây giờ ông thuộc vào lớp nghệ nhân lão luyện nhất trong làng nhã nhạc Huế. Cũng như nghệ nhân La Cháu, ông Kích cũng nổi tiếng là người "ngẳng". Cái gì không thích thì có bạc vạn cũng không làm. "Người nghệ sĩ cao hơn thiên hạ ở chỗ có cách sống thanh cao". Từ nhỏ ông đã mê nhạc và cho đến bây giờ đam mê ấy vẫn vậy, được cầm kèn, cầm đàn là niềm vui lớn nhất đời. Niềm đam mê tốt đẹp nào rồi cũng được đền đáp, người con trai của ông, nghệ sĩ Trần Thảo đang nối nghiệp cha và cũng là một nghệ sĩ có tài. Những ngày Huế sắp diễn ra Festival 2000, lúc nào đến Nhà hát Duyệt Thị Đường cũng thấy ông rất bận rộn chuẩn bị chương trình biểu diễn cho lễ hội, quên cả chuyện mình đã qua cái tuổi 80.
    Hai nghệ nhân có thể được xem là những cổ thụ hiếm hoi trong làng nghệ thuật cung đình Huế, khi mà thế hệ cùng thời với họ hầu hết đều đã qua đời. Họ còn lại và được xem như những "bộ sưu tập sống" quý giá cho văn hóa Huế. Một người không hề biết chữ, còn người kia chỉ học dở bậc phổ thông rồi nghỉ, thế nhưng những "ngón nghề" của họ thì thế hệ nghệ sĩ hôm nay học mãi không hết. Đó cũng chính là điều đáng để chúng ta suy nghĩ trước những thuận lợi mà mình có được hôm nay.

    I'm still there everywhereI'm the dust in the windI'm the star in the northern skyI never stayed anywhereI'm the wind in the treesWould you wait for me 4eva?(4eva - Stratovarius)
     
  6. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Em là Công chúa
    Vũ Hoàng Chương
    Bồng bềnh mun chảy óng lưng thon,
    Nhạc tía đền vua chuyển gót son.
    Yểu điệu Hương Giang mềm nếp áo,
    Trầm bay sóng mỏng vạt trăng non.
    Công chúa - Là đây mộng ngự thuyền,
    Bài thơ mờ tỏ nón nghiêng duyên
    Hàng mi ánh phớt tình thanh liễu
    Gợn sóng dòng thu mắt ngọc tuyền.
    Môi chĩu mùa nho ngọt ý thương
    Má thơm hồng hạnh kín tin hương,
    Lòng ơi nghe đã niềm xưa động.
    Nắng quái bờ mây gấm tịch dương.
    Kề song nguyệt chếch ngủ chung giường
    Kinh khuyết trời xa trán tuyết sương.​
    You and I count the stars at nightHand in hand we dance in the moonlightThe glisten river I see in your eyesThey'll guide the ways for the rest of my life<Promises Of Love - JPLT(Northern Star)>[This song is written for the girl I love]
     
  7. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Mưa Huế
    Hồ Đắc Thiều Anh
    Khi mô anh về thăm Huế xưa
    Nhớ gởi dùm em một chút mưa
    Gởi thêm mớ lạnh từ chân tóc
    Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa
    Ngoài nớ chừ đang giữa mùa mưa
    Em về áo mỏng có ai đưa
    Qua sông nước ngập ngăn bờ đá
    Gót nhỏ chắc em lạnh suốt mùa
    Thuở ấy em còn rất ngây thơ
    Có anh che áo những lúc mưa
    Qua sông thuyền nhỏ anh ôm lái
    ấm áp tình em buổi dại khờ
    Rồi một chiều thu em xa quê
    Để ai đứng đợi bước chân về
    Mưa giăng đỉnh Ngự se lòng nhớ
    Gió buốt dòng Hương lạnh tái tê.
    Từ ấy mưa về không có em
    Buồn hiu quán nhỏ phố lên đèn
    Mưa thơ rét mướt lòng ly khách
    Nỗi nhớ bồng bềnh lay ngõ tim
    Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm
    Thăm từng cái lạnh dấu trong chăn
    Nghe mưa rả rích trong đêm vắng
    Để nhớ vô cùng những tháng năm.​
    You and I count the stars at nightHand in hand we dance in the moonlightThe glisten river I see in your eyesThey'll guide the ways for the rest of my life<Promises Of Love - JPLT(Northern Star)>[This song is written for the girl I love]
     
  8. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Mưa Huế
    Nguyễn Khôi
    Vào đến Huế gặp chiều mưa Huế
    Mưa nghiêng nghiêng nắng xế xiên ngang
    Gói làm sao được chùm mưa nhỉ
    Cho người bạn gái gội trời hương?
    Ngoài nớ chừ đang rát nắng hè
    Thèm cơn mưa Huế mát lòng nghe
    Bên đê sông Đuống đang phòng lũ
    Mong mưa lại sợ lụt vỡ đê
    Ai từng che mưa áo mỏng
    Tìm hơi nhau cho ấm buồng tim?
    Mưa giăng núi Ngự, giòn Hương sóng?
    Để cả đời mưa Huế đi tìm
    Vô duyên đến Huế - Người đi vắng
    Rả rích ngoài hiên, đứng thẩn thờ
    Kìa ai lữ thứ trời chưa nắng
    Dầm nước mưa hoài nhớ Huế xưa.​
    You and I count the stars at nightHand in hand we dance in the moonlightThe glisten river I see in your eyesThey'll guide the ways for the rest of my life<Promises Of Love - JPLT(Northern Star)>[This song is written for the girl I love]
     
  9. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Rất Huế
    Huỳnh Văn Dung
    Giữ chút gì rất Huế đi em
    Nét duyên là trời đất giao hoà
    Dẫu xa một thời anh gặp lại
    Vẫn được nhìn em say lá hoa
    Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan
    Thề nguyện ai có cắt tóc dài
    Làm sao gió thổi cho bay tóc
    Và suốt mùa đông lạnh se vai
    Giữ chút gì rất Huế mặn mà
    Dạ thưa ngọt lịm ai mê say
    Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ
    Và hơi thở mềm sương khói bay
    Giữ chút gì rất Huế trang đài
    Nón nghiêng bóng nắng dáng thơ ngây
    Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống
    Cho anh trông mắt ngọc mày ngài
    Giữ chút gì rất Huế dịu dàng
    Áo trắng hai tà chắp cánh thơ
    Em như lụa mỏng bay trong phố
    Một chiều sương trắng ngỡ như mơ
    Dẫu em rất Huế tự bao giờ
    Đừng để lòng như cung điện xưa
    Đừng cho anh suốt đời đứng đợi
    Trước cấm thành gọi chẳng ai thưa.​
    You and I count the stars at nightHand in hand we dance in the moonlightThe glisten river I see in your eyesThey'll guide the ways for the rest of my life<Promises Of Love - JPLT(Northern Star)>[This song is written for the girl I love]
     
  10. northernstar_2308

    northernstar_2308 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/02/2003
    Bài viết:
    3.263
    Đã được thích:
    1
    thơ
    Mầu Huế
    Trương Nam Hương
    Anh vịn mầu rêu Huế để yêu em
    Trước thành quách bao đời em cứ trẻ
    Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể
    Anh mượn vành nón Huế... buổi về thăm
    Anh vịn lên mưa nắng những thăng trầm
    Những cơn bão của vần xoay thế cuộc
    Vững như núi, Huế lại đằm như nước
    Vạt áo dài mây trắng xuống thi ca
    Anh vịn lên còn mất những ngày xa
    Những uẩn khúc trong điệu hò mẹ hát
    Những đèo dốc trong đời cha bất trắc
    Mắt Huế nhìn thăm thẳm tới ngày xưa.
    Anh vịn lên trăng khuyết tuổi em chờ
    Đỡ chống chếnh câu thơ buồn xa Huế
    Đỡ côi cút tiếng mái chèo khuya lẻ
    Anh mượn mầu nắng Huế để thương em.​
    You and I count the stars at nightHand in hand we dance in the moonlightThe glisten river I see in your eyesThey'll guide the ways for the rest of my life<Promises Of Love - JPLT(Northern Star)>[This song is written for the girl I love]
     

Chia sẻ trang này