Huế những chặng đường lịch sử Bình Minh Lịch Sử Theo cứ liệu thư tịch học, tỉnh Thừa Thiên- Huế thuộc địa bàn nước Việt Thường cổ đại. Một truyền thuyết kể rằng năm Tân Mão (1109 TCN) đời vua Chu Thu Vương nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ sang cống chim trĩ trắng. Sứ giả nói :" Trời không bão lớn mưa dầm, biển không nổi sóng đã ba năm rồi, biết là Trung Quốc có bậc thánh nhân, cho nên tìm đến vậy". Phải qua ba lần thông ngôn, họ mới hiểu được nhau. Chu Công Cơ Ðán bèn chế ra "xe chỉ nam" để tiễn đưa đoàn sứ giả ấy trở về... Dựa vào đó, sử ta cho rằng Việt thường là một "bộ" của nước Văn Lang, kéo dài ven biển từ Hoành Sơn đến Ðại Lãnh... Theo cứ liệu khảo cổ học, nếu vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Thanh-Nghệ-Tĩnh) đã được đào bới tìm tòi từ khá lâu, khá kĩ, đem đến những kết quả chắc chắn về sự hình thành và phát triển của nền văn hóa xa xưa, thì dãi đất phía nam Hoành Sơn còn vắng vẻ. Nói thế không phải là phủ nhận hoàn tòan các công trình phát hiện và khai quật lẻ tẻ của một số nhà khảo cổ học, trong đó có Madeleine Colani, người Pháp. Vài di chỉ được đưa ra ánh sáng, quan trọng nhất là Bàu Tró (gần Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình) và Sa Huỳnh (bờ biển tỉnh Quảng Ngãi). Hiện nay, việc thăm dò vẫn được tiến hành, nhưng chưa có một tổ chức quy mô, phát hiện dăm ba di vật Chàm (mộ Chum Cồn Ràng ở xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, T.T.H; mộ vò Vạn Xuân, thành phố Huế), Việt (trống đồng Phù Lưu, tỉnh Quảng Bình; trống đồng Phong Mĩ, tỉnh Thừa Thiên- Huế)... Trước kia, các nhà khảo cổ học đã xác định di chỉ Bàu Tró nằm vào hậu kỳ thời đại đá mới, bắt nguồn từ văn hóa Quỳnh Văn mà phát triển lên, còn di chỉ Sa Huỳnh thì thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt của cư dân nông nghiệp ven biển tồn tại giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên đến đầu công nguyên, nhưng khác hẳn văn hóa Ðông Sơn. Gần đây, một số địa danh khác được phát hiện thêm giúp người ta tạm đưa ra giải thuyết: - Có một thời kỳ biển tiến, vùng đồng bằng bị chìm ngập dưới đại dương, con người phải dồn lên cư trú dọc theo chân núi. Họ sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm, trồng rau đậu với công cụ đã thô sơ. Do môi trường sinh hoạt khó khăn nên nhân số không phát triển, nhưng các điểm cư trú phân bố khá gần nhau. Thời gian tồn tại của họ cách nay khoảng trên mười nghìn năm...Rồi nước biển rút dần; vào thời điểm cách nay khoảng bảy nghìn năm, con người rời núi non, tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng. Môi trường sống đã dễ chịu hơn trước; thức ăn khá dồi dào, ngoài dã thú và rau đậu, còn có cá tôm, nhất là sò hến nhiều không kể xiết. Công cụ đá được hòan thiện một bước, mài nhưng chưa hết dấu ghè đẽo; đồ gốm làm bằng tay bên cạnh đồ gốm làm bằng bàn xoay. Tuy vậy, dấu vết cây lúa vẫn chưa chưa được phát hiện. - Chủ nhân của vùng đất này là ai? Chưa có một kết luận dứt khoát vì các nhà khảo cổ học không tìm thấy di cốt ở những điểm khai quật. Xét các di vật, người ta nhận thấy vùng Bàu Tró- từ núi đến biển là một ranh giới của tình hình phân bố khảo cổ học. Từ Bàu Tró trở ra bắc, các di vật mang sắc thái văn hóa Ðông Sơn cành mạnh dần; trái lại, từ Bàu Tró đi vào nam, thì di vật mang sắc thái văn hóa Sa Huỳnh càng đậm nét. Nhưng nhìn chung, sắc thái văn hóa Ðông Sơn bao giờ cũng chiếm ưu thế, trội hơn và sớm hơn. Hiện tượng ấy có ý nghĩa gì ? Phải chăng cư dân ở đây vốn ở bên ngoài Hoành Sơn di chuyển đến, tiếp thu thêm thành tựu của nền văn hóa bên trong Hải Vân ? Họ thuộc tộc người Lạc Việt, nên về sau mới trở thành một bộ phận của nước Văn Lang, do tổ tiên người Việt Nam làm chủ. Các di tích, di vật Champa nơi đây hầu hết thuộc thời kỳ muộn, thế kỷ IV-XIV... Còn tiếp .... ------------------------------------------------- Nhất thất túc thiên cổ hận Tái hối xuất thị bạch đầu