1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hugo Chavez và Con Đường Gập Ghềnh Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi nguoivatroi, 09/05/2012.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nguoivatroi

    nguoivatroi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/05/2012
    Bài viết:
    6
    Đã được thích:
    0
    Kể từ khi Liên Bang Xô Viết (bao gồm nước Nga ngày nay) và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, trên thế giới này không mấy ai còn tin vào chủ nghĩa xã hội nữa. Ngay cả các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam, dù đang mang nhãn hiệu XHCN nhưng trên thực tế đang ngày càng rời xa lý thuyết của chủ nghĩa này mà đi theo con đường tư bản. Thế nhưng ít ra cũng còn một người đang tin tưởng mãnh liệt vào chủ nghĩa xã hội và quyết tâm đưa đất nước của mình đi theo con đường đó. Người đó là Hugo Chavez, đương kim tổng thống nước Cộng Hòa Venezuela.

    Venezuela là một quốc gia nằm ở Nam Mỹ, giáp ranh với Colombia và Brazil, với diện tích 900 ngàn cây số vuông (gấp 3 lần Việt Nam) và dân số 27 triệu người. Venezuela có trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Mỹ, và là quốc gia xuất cảng dầu thô đứng hàng thứ năm trên thế giới. Venezuela là một trong những quốc gia cung cấp dầu thô nhiều nhất cho Hoa Kỳ, chỉ sau Canada. Chính vì điều này mà Hoa Kỳ rất quan tâm đến tình hình chính trị ở Venezuela.

    [​IMG]
    Hugo Chavez (1998)

    Sinh năm 1954, Hugo Chavez xuất thân là một sĩ quan trong quân đội Venezuela. Bất mãn với chế độ tham nhũng, ông luôn cổ võ cho các tư tưởng cách mạng. Năm 1992, Chavez tham gia vào một cuộc đảo chính âm mưu lật đổ tổng thống Perez. Cuộc đảo chính bất thành, Chavez bị giam giữ. Hai năm sau, khi một vị tổng thống mới lên nhậm chức, ông được tha bổng.

    Sau khi ra tù, Chavez đi khắp nước và ra nước ngoài để vận động cho tư tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian này Chavez gặp Fidel Castro, chủ tịch nhà nước Cuba. Chavez và Castro trở thành đôi bạn thân thiết và Chavez coi Castro như người cha tinh thần của mình. Trở về nước, Chavez dùng truyền thông để lên án sự bất lực của chính quyền. Chavez tin rằng muốn thay đổi chính quyền thì chỉ có cách dùng vũ lực, tuy nhiên các chiến hữu của Chavez thì cho rằng cách tốt nhất là ứng cử vào chính quyền.

    Năm 1998, Chavez ứng cử vào chức vụ tổng thống. Ban đầu các đối thủ của ông có vẻ thắng thế, nhưng với mục tiêu "xây dựng một thể chế cộng hòa mới" mà với các hứa hẹn cải tổ xã hội và kinh tế, Chavez dần dần thu phục được cảm tình của tầng lớp dân nghèo và dân lao động. Kết cuộc, Chavez thắng cử với hơn 56% tổng số phiếu. Trong bài diễn văn tuyên bố thắng cử, Chavez nói rằng "Sự hồi sinh của Venezuela đã bắt đầu, không điều gì và không ai có thể ngăn cản được".

    Sau khi nhậm chức, chính phủ Hugo Chavez mở cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp và đổi tên nước. Cuộc trưng cầu dân ý thành công với bản hiến pháp mới được thông qua và tên nước được đổi thành "Nước Cộng Hòa Bolivar Venezuela". Bolivar là tên của một nhà cách mạng Venezuela vào thế kỷ 19. Chavez đặc biệt tôn sùng nhà cách mạng này và tự coi mình là người tiếp nối ngọn đuốc của Bolivar.

    Chavez theo đuổi chính sách nâng đỡ người nghèo. Ông ta dùng tiền lời bán dầu thô để tài trợ các chương trình xã hội như cung cấp nhà ở, y tế, giáo dục miễn phí cho người nghèo. Chính nhờ các chương trình này mà Chavez được đông đảo dân chúng ở giai cấp thấp ủng hộ. Tuy nhiên Chavez lại làm mất lòng giới doanh nghiệp khi ông tiến hành quốc hữu hóa nhiều công ty tư nhân. Trong suốt hơn 10 năm cầm quyền, Chavez đã quốc hữu hóa hàng ngàn công ty, trong đó có nhiều công ty có tầm cỡ quốc gia. Chủ nhân của các công ty này thường được đền bù với giá rẻ mạt. Chavez quan niệm rằng nhà nước cần nắm giữ các công ty sản xuất các mặt hàng thiết yếu để bảo đảm việc phân bố được đồng đều.

    Chavez đặc biệt có mối quan hệ thân thiết với Fidel Castro. Đối với Chavez, Cuba là một mô hình xã hội lý tưởng để Venezuela noi theo. Mỗi năm chính quyền Chavez cung cấp miễn phí cho Cuba số lượng dầu thô trị giá hàng tỷ USD. Đổi lại Cuba đưa hàng chục ngàn bác sĩ, y tá và chuyên viên y tế sang làm việc cho Venezuela. Ngoài ra, Cuba còn đưa sang các chuyên viên quân sự và tình báo sang làm việc với chính quyền Chavez. Điều này gây ít nhiều bất mãn trong giới quân nhân và tình báo Venezuela. Một số người Venezuela cảm thấy khó chịu với sự xen lấn vào nội bộ quốc gia từ Cuba. Các nhân viên tình báo Cuba giúp Chavez theo dõi những người đối lập với chính quyền.

    Năm 2002, một số tướng lãnh và những chính khách chống đối Chavez làm một cuộc đảo chính. Chavez tạm thời bị bắt giữ ba ngày. Nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, Chavez nhanh chóng trở lại nắm chính quyền. Chavez cho rằng cuộc đảo chính có bàn tay của Hoa Kỳ nhúng vào, nên ông ta càng trở nên chống Mỹ mãnh liệt. Chavez liên kết với các lãnh tụ các quốc gia trong vùng và trên thế giới có khuynh hướng chống Mỹ, dùng tiền lời bán dầu viện trợ cho các chính quyền nghèo để lôi kéo họ về phe mình. Điển hình là mối liên hệ của Chavez với Ahmadinejad, tổng thống Iran. Chavez và Ahmadinejad từng thăm viếng nhau nhiều lần và luôn đưa ra những tuyên bố chống Mỹ rất nảy lửa. Khi cuộc cách mạng Hoa Lài nổ ra ở các quốc gia Ả Rập, Chavez tuyên bố đó là âm mưu của Mỹ nhằm hạ bệ các lãnh tụ có khuynh hướng chống Mỹ. Trong khi dân chúng Syria nổi dậy chống lại tổng thống al-Assad thì Chavez gửi dầu thô sang viện trợ cho chính phủ nước này, giúp cho al-Assad có phương tiện đàn áp dân chúng.

    Chavez đã nhiều lần hăm dọa sẽ ngưng bán dầu thô cho Hoa Kỳ. Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng đây chỉ là những lời hăm dọa suông. Chính quyền Chavez cần rất nhiều ngoại tệ để bù đắp cho nhiều chương trình chi tiêu tốn kém. Trong số các khách hàng mua dầu thì Hoa Kỳ là khách hàng sòng phẳng và mau mắn nhất.

    Hai năm sau cuộc đảo chính bất thành, phe đối lập xử dụng luật pháp để hạ bệ Chavez, một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành, trong đó kêu gọi dân chúng bỏ phiếu bất tín nhiệm tổng thống. Kết cuộc, 59% cử tri bỏ phiếu lưu nhiệm tổng thống. Một lần nữa Chavez lại thắng với sự ủng hộ của quần chúng.

    Chavez bắt đầu công khai quảng bá tư tưởng "Chủ Nghĩa Xã Hội Thế Kỷ 21" của mình. Chavez cho rằng các chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Bang Xô Viết và của Trung Quốc chưa được hoàn thiện, vì vậy cần phải có một chế độ XHCN mới phù hợp với thế kỷ 21. Để tiến hành xây dựng XHCN, Chavez càng đẩy nhanh nhịp độ quốc hữu hóa các công ty tư nhân, nhất là các công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài. Việc quốc hữu hóa các công ty nước ngoài đã gây căng thẳng cho bang giao quốc tế và làm giới đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui khỏi Venezuela.

    Sau khi đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ vào năm 2006, Chavez mở cuộc trưng cầu dân ý đề nghị hủy bỏ luật hạn chế số nhiệm kỳ tổng thống. Theo luật cũ thì một người chỉ có thể làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ dài 6 năm. Đề nghị của Chavez là không giới hạn số nhiệm kỳ. Chavez biện luận rằng mình cần tiếp tục làm tổng thống để tiếp tục "cuộc cách mạng Bolivar". Đề nghị của Chavez được thông qua, mở đường cho Chavez tiếp tục tái ứng cử tổng thống vô hạn định về sau. Phe chống đối cho rằng luật mới có thể tạo ra một chế độ độc tài không bị giới hạn.

    Trong những năm đầu khi Chavez mới lên cầm quyền, nền kinh tế có tiến triển khả quan. Lạm phát xuống thấp, tổng sản lượng quốc gia có tăng trưởng. Nhưng những năm về sau, lạm phát lên cao, tổng sản lượng quốc gia bị giảm sút và đồng tiền bị liên tục phá giá. Năm 2011, tỉ lệ lạm phát của Venezuela là 27%, cao nhất thế giới. Chính sách quốc hữu hóa các công ty tư nhân đã không giúp phát triển kinh tế mà trái lại còn trở thành gánh nặng của chính quyền. Nhiều công ty sau khi bị quốc hữu hóa trở nên ù lì, kém hiệu năng và phải dựa vào tiền bù lỗ của nhà nước để sống còn. Tuy vậy, Chavez vẫn hô hào tiếp tục quốc hữu hóa để hoàn tất cuộc cách mạng xây dựng XHCN.

    Để bảo đảm sự trung thành với đường lối cách mạng của mình, Chavez đưa những người thân tín vào các chức vụ then chốt trong chính quyền. Trong quân đội, Chavez chú trọng thăng cấp những tướng lãnh trung thành với mình. Trong số những tướng lãnh này, có nhiều người bị cho là có dính dáng bảo kê cho những tay trùm buôn ma túy. Điển hình như tướng Henry Rangel Silva, bộ trưởng quốc phòng, bị Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ mô tả như là một ông trùm bảo kê cho các tay buôn ma túy. Walid Makled, một trùm ma túy nổi tiếng người Venezuela, bị chính quyền Colombia bắt giữ năm 2010, trong thời gian bị giam tại Columbia đã thú nhận rằng nhiều tướng lãnh và viên chức trong chính quyền Chavez đã được hắn trả lương. Walid Makled sau đó bị giải về Venezuela. Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế, Transparency International, năm 2011 xếp hạng Venezuela thứ 172 trên tổng số 182 quốc gia về tình trạng tham nhũng (con số càng lớn thì mức tham nhũng càng tệ).

    (Xem tiếp tại đây):
    http://nguoivatroi.blogspot.com/2012/05/hugo-chavez-va-con-uong-gap-ghenh-tien.html

Chia sẻ trang này