1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Hướng dẫn làm kính thiên văn khúc xạ (D60, D70, D80)

Chủ đề trong 'Thiên văn học' bởi ursamajor969, 08/01/2016.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. ursamajor969

    ursamajor969 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/05/2015
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    1
    Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) xin giới thiệu với các bạn cách làm 1 chiếc kính thiên văn khúc xạ từ đầu đến cuối, với những vật liệu, linh phụ kiện sẵn có của HAS. Hướng dẫn được viết bởi anh Phạm Chương một lão làng trong việc chế tạo kính thiên văn của HAS. Sắp tới nhân dịp Noel cũng như cuối năm chúng tôi sẽ tổ chức 1 buổi hướng dẫn làm kính thiên văn để tạo điều kiện cho các bạn trẻ có thể tự tay làm chiếc kính thiên văn cho chính mình. Mọi linh phụ kiện làm kính được HAS cung cấp với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp để giúp các bạn hoàn thiện chiếc kính với chi phí thấp nhất có thể mà lại có chất lượng quan sát tốt nhất theo yêu cầu.
    Chi tiết bảng giá các linh kiện kính thiên văn khúc xạ các bạn xem tại đây: http://thienvanhanoi.org/forum/show...va-Kinh-thien-van-nguyen-bo&p=22153#post22153
    Các sản phẩm khác xem tại: http://thienvanhanoi.org/cuahang/
    -------------------------------------------------------------------------------
    Hướng dẫn làm Kính thiên văn khúc xạ từ bộ linh phụ kiện của Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội - HAS
    Bao gồm các loại kính: D60f900mm -D70f900mm - D80f900mm
    - Thành quả như sau

    [​IMG]
    Đôi điều về ... ống nhựa PVC:
    Ống nhựa PVC là một loại nguyên vật liệu khá lý tưởng để chế tạo Kính thiên văn kiểu handmade vì nó rẻ tiền, dễ kiếm, dễ gia công. Ống PVC được nhiều hãng khác nhau sản xuất và có nhiều cỡ khác nhau, nhưng đều có chuẩn (kích thước) chung là 21 – 27 – 34 – 42 – 48 – 60 – 76 – 90 – 110 – 140 – 160… (mm). Với mỗi một chuẩn lại có nhiều cỡ dày mỏng khác nhau, ký hiệu là C0 – C1 – C2… Để có thể lắp ghép thành công 1 kính thiên văn chắc chắn và … đẹp, chúng ta cần nắm rõ độ dày mỏng của các cỡ ống khác nhau và phối ghép chúng với nhau một cách hợp lý.

    Phần I. Chuẩn bị dụng cụ và hướng dẫn Kỹ thuật cắt, ghép ống nhựa PVC

    1. Chuẩn bị các loại dụng cụ, nguyên vật liệu cơ bản:

    Để tự làm Kính thiên văn, chúng ta cần khá nhiều loại dụng cụ, nguyên liệu khác nhau, nói chung là có càng nhiều dụng cụ thì việc làm kính càng thuận tiện. Làm kính thiên văn Khúc xạ thì yêu cầu về dụng cụ đơn giản hơn so với kính thiên văn Phản xạ. Để làm kính thiên văn khúc xạ, các bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ, nguyên vật liệu sau:
    - 1 cái Thước nhỏ (khoảng 20-25cm)
    - 1 cái Cưa sắt (hoặc lưỡi cưa sắt)
    - 1 cái Giũa (loại to càng tốt)
    - 1 Dùi nhọn (hoặc khoan tay càng tốt)
    - 1 Con dao nhỏ + 1 Cái kéo nhỏ
    - 25cm giấy ráp cốt vải (lưu ý không nên dùng giấy ráp thường vì không bền, mau rách)
    - 1 Dải bìa cứng rộng khoảng 4-5cm (tốt nhất là màu trắng) dài khoảng 25cm
    - 1 Bút dạ dầu đầu kim cỡ 0,7mm
    - 01 bình xịt sơn đen không bóng
    Hình ảnh:
    [​IMG]

    2. Hướng dẫn kỹ thuật cắt ống nhựa PVC

    Để có được 1 chiếc kính thiên văn đẹp, hoàn chỉnh, chúng ta cần phải cắt ống nhựa sao cho vết cắt phải mịn, phẳng, đảm bảo vuông góc với thân ống nhựa. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật cắt ống nhựa PVC cơ bản, phương pháp này được sử dụng chung cho hầu hết mọi loại ống nhựa PVC và cũng được giới thiệu cho mọi học viên trong các lớp dạy chế tạo kính thiên văn của HAS.
    - Bước 1. Vệ sinh, lau chùi sạch sẽ ống nhựa.
    - Bước 2. Xác định vị trí cắt ống, sau đó lấy dấu tại vị trí cắt ống như minh hoạ trong hình.
    [​IMG]
    Lấy dấu là công đoạn vô cùng quan trọng khi cắt ống, nó đảm bảo cho việc cắt ống được phẳng và chính xác. Để lấy được dấu như hình trên, chúng ta cần 1 dải bìa và 1 bút dạ dầu đầu kim, cách làm tuần tự như sau:
    + Dùng dải bìa quấn 1 vòng quanh thân ống nhựa như trong hình, đặc biệt lưu ý mép dải bìa chỗ tiếp ráp nhau phải thẳng hàng, ngay ngắn, không bị xô lệch.
    [​IMG]

    + Giữ chặt dải bìa, lấy mép dải bìa làm điểm tựa, dùng bút dạ kim vẽ một vòng tròn quanh thân ống nhựa.
    [​IMG]

    + Bỏ tờ bìa ra, ta được một vòng tròn hoàn chỉnh như dưới hình:
    [​IMG]

    - Bước 3: Cắt ống nhựa. Đối với những bạn mới làm kính lần đầu, đây là công đoạn khó nhất. Các bạn nên chuẩn bị một chiếc ghế (hoặc tấm gỗ) có gờ vuông góc như trong hình trên cùng để làm điểm tựa chắc chắn cho dễ cắt ống. Đầu tiên đặt lưỡi cưa sát vạch dấu, cách khoảng 1-2mm (tuyệt đối không được cưa đè lên vạch dấu đó). Sau đó kéo nhẹ lưỡi cưa để lưỡi cưa “ăn” dần vào ống nhựa. Sau khi đã cưa sâu vào khoảng 0,5mm, các bạn vừa xoay ống nhựa vừa cưa dần tạo "rãnh" cho đến khi nào hết 1 vòng ống thì thôi, sau đó mới cưa đứt ống theo vệt cưa ban đầu. Lưu ý không được giữ nguyên ống và cưa thẳng một mạch từ trên xuống dưới vì làm như vậy rất dễ bị lệch đường cắt.


    [​IMG]


    Sau khi cưa đứt ống, chúng ta sẽ có đoạn ống mới nham nhở như ở dưới đây, các bạn có thể thấy vạch dấu vẫn còn nguyên vẹn sau khi cắt ống.
    [​IMG]

    Để loại bỏ những vết nham nhở trên, các bạn sẽ dùng giũa sắt để giũa chúng đi. Nhựa PVC là chất liệu khá mềm để mài giũa, sau khi đã giũa hết vết nham nhở đến sát vạch dấu như hình dưới đây là công việc cắt ống đã đạt yêu cầu.
    [​IMG]

    Để vết cắt mịn và phẳng tuyệt đối, các bạn nên mài lại lần nữa trên giấy ráp. Muốn biết vết cắt có thẳng góc hay không, các bạn nên quấn dải bìa giấy như hướng dẫn ở trên để kiểm tra lại.
    [​IMG]


    3. Hướng dẫn kỹ thuật khoan lỗ, bắt vít ghép nối các bộ phận với nhau

    Muốn có được lỗ khoan đẹp, tốt nhất là sử dụng khoan tay cùng bộ mũi khoan nhiều cỡ khác nhau. Nếu không có điều kiện thì đành phải dùng dùi nhọn để dùi lỗ, các bạn cũng nên chuẩn bị 2-3 cái dùi có kích thước khác nhau, tuỳ thuộc vào kích thước của ốc vít định sử dụng. Đối với ống nhựa PVC, các bạn nên dùng nan hoa xe đạp, xe máy giũa hoặc mài thật nhọn, sắc để làm dùi. Với những loại ống dày khó dùi, các bạn có thể hơ nóng dùi trên lửa trước rồi mới dùi sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng phương pháp hơ nóng vì trong một số trường hợp, việc hơ nóng dùi để dùi lỗ có thể làm biến dạng bề mặt ống PVC.

    Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu phương pháp bắt vít ghép 2 bộ phận khác nhau của kính thiên văn lại với nhau. Mục tiêu đặt ra là phải làm thế nào để ghép 2 bộ phận cố định chặt, khít với nhau, nhưng khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể tháo ra và lắp lại một cách dễ dàng (vì đó là việc thường xuyên phải làm). Chúng tôi sẽ ghép bộ chỉnh nét vào thân ống kính để làm ví dụ:
    [​IMG]

    Trước tiên, chúng ta phải chọn loại vít có kích thước, chiều dài phù hợp cho việc bắt vít 2 bộ phận trên. Những vít này có kích thước khá nhỏ nên cũng hơi khó kiếm, các bạn có thể tận dụng các loại vít gỡ ra từ đồ chơi trẻ em.
    Tiếp theo là chọn mũi khoan: Các bạn lưu ý, trong trường hợp này, thân ống kính bọc ra ngoài bộ chỉnh nét, vì vậy chúng ta sẽ phải khoan lỗ to trên thân ống kính và lỗ nhỏ trên thân bộ chỉnh nét, sao cho chiếc vit đút lọt thoải mái qua thân ống kính, sau đó sẽ bắt ren trực tiếp vào bộ chỉnh nét. Muốn thế cần có 2 mũi khoan, 1 chiếc nhỏ hơn mấy cái vít trên, chiếc còn lại thì phải có kích thước to hơn mấy cái vít một tí.
    [​IMG]

    Bước tiếp theo, gá chặt bộ chỉnh nét vào thân ống kính, nếu nó không chặt thì có thế dán băng dính cố định 2 bộ phận lại với nhau, dùng búi dạ đánh dấu vị trí khoan lỗ (thường là 3 vị trí chia đều trên chu vi ống kính), sau đó dùng mũi khoan nhỏ để khoan thẳng qua 2 lớp nhựa. Các bạn nhớ phải đánh dấu vị trí 2 bộ phận trên sao cho khi gỡ ra rồi lắp lại mấy cái lỗ khoan của 2 bộ phận đó phải hoàn toàn khớp với nhau.
    [​IMG]

    Tiếp theo, gỡ 2 bộ phận ra, dùng mũi khoan to khoan lại vào 3 lỗ nhỏ của thân ống kính sao cho có thể đút lọt thỏm con vít vào đó:
    [​IMG]

    [​IMG]

    Cuối cùng, ghép 2 bộ phận lại với nhau theo đánh dấu ban đầu, lắp 3 con vít vào, vặn tạo ren trực tiếp lên bộ chỉnh nét, như vậy là ta đã ghép hoàn chỉnh 2 bộ phận lại với nhau.
    [​IMG]

Chia sẻ trang này