1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Huyền thoại biển - Trúc Chi

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Milou, 21/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Chuyện kể trên giàn thiêu
    Đời thứ nhất khi có làng Cọp Râu Trắng. Một hôm vua Chiêm đi ngang qua, có một quan Chiêm trốn lại. Quan Chiêm lấy một người con gái làng Cọp Râu Trắng. Hai vợ chồng quan Chiêm dạy dân làm nghề biển, đi tìm trầm núi cao, và những tục lệ Chiêm thờ cúng, hôn nhân, sống chết... Tục người chống chết thì người vợ phải chết theo trên giàn thiêu có từ đó.
    Cảnh người vợ bị bắt ép lên giàn thiêu, củi chất bốn lên, lửa châm cháy đỏ, tiếng kêu khóc thảm thiết của người bị thiêu lẫn bà con bị bắt đứng xem diễn ra thường xuyên. Sau mỗi lần thiêu, khói tụ thành đám giống hình tháp bay qua bay lại trên giàn thiêu. Củi than để thiêu đổ xuống đóng thành lớp, lâu ngày thành đất cứng như đá. Không có thứ cây nào sống được, chỉ trừ cây hoa từ bi mọc được bò quanh khoảnh đất đá này.
    Đến đời thứ tám, làng Cọp Râu Trắng, theo tục xưa, sau cái chết của một "Tài" bắt mực khổn glồ còn rất trẻ thì người vợ trẻ bị buộc lên giàn thiêu. Đã bao nhiêu đời cũng vì cái chết này mà nước mắt dân làng Cọp Râu Trắng ngập thành đầm nỗi đau chất cao thành núi. Nay đến lượt người vợ trẻ này bước vào chịu cái chết oan nghiệt. Tiếng khóc của người dân trước nỗi đau khi ngọn lửa chưa kịp nhóm lên thật thê thảm.
    Nhưng lạ thay, người con gái ấy bước lên giàn thiêu không cần người đưa lên, không che mạng, không rên rỉ than khóc. Đợi nhóm lửa, đợi mọi người thôi than khóc, người con gái ấy cất tiếng nói:
    - Thưa bà con, bao nhiêu người con gái làng đã chết đau đớn như thế này. Tôi muốn sau cái chết của tôi, làng phải thay vào đó một con quái vật...
    Dứt lờn, người con gái tự châm lửa. Giàn thiêu như một tháp lừa đỏ rực. Bỗng một người con trai tách đám đông bà con chạy thẳng ra bải. Một lát sau, chàng trai trở lên, kêu to:
    - Tìm thấy con quái vật rồi. Một con bạch tuộc...
    Lửa đã tàn. Mùi tro từ giàn thiêu tỏa một mùi hương hoa từ bi.
    Bao đời nay, con quái vật được thay vào cho cái chết những người con gái làng Cọp Râu Trắng. Cũng từ đấy, làng không còn những đám khói hình tháp, những lớp đất than dưới chân giàn thiêu, mà chỉ có mùi hương hoa từ bi. Người nhận ra biển bắt con quái vật bạch tuộc được làng phong thần.
    Vị thần này thường là những chàng trai, dân làng gọi bằng cái tên thân thương "Người đi bắt bạch tuộc" được thờ trong đình làng Cọp Râu Trắng.
  2. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Thần ốc
    Làng biển Cọp Râu Trắng không biết từ đời nào trên các bệ thờ đều có tấm bài vị gỗ sơn đen láng bóng. Trên màu gỗ nổi lên hình con tôm, con cá, con mực, hình mặt trời và nhiều hình người kỳ lạ khảm bằng những mảnh nhỏ vỏ ốc, khéo léo, tuyệt diệu.
    Nhìn vào mỗi tấm bài vị, mắt trẻ con chúng tôi cứ lung linh như thực như mơ. Đến hồi chúng tôi cắp sách đi học thì biết có một cháu chắt mươi đời cụ Tổ ốc là người hàng năm vào đền thờ sửa sang những bài vị bị hư hỏng, hoặc thay hẳn cái hư làm lại những tấm mới.
    Cha tôi nói cái tên cụ Tổ ốc có từ thời xa xưa, ai làm được công việc kỳ diệu này thì làng phong tặng bảy ngày tế thần làng, và bảy ngày tế thần ốc. Khi được phong tặng Tổ thì tên cúng cơm phải mất. Trước một tháng làng phong tặng Tổ, cụ Tổ phải tự "kiếm sống" trên đảo ngoài biển. Trong một tháng, ốc đảo nuôi sống cụ. Chính nhờ loài ốc nuôi sống mà cụ Tổ tìm ra một sản phẩm quí giá cho đời.
    Sau bảy ngày nhận lễ phong tặng Tổ, cụ Tổ ốc không mặc áo mà mặc xà rông theo tục người Chiêm ngày xưa ra biển bắt cá. Trên cổ đeo bọc lưới, tay cầm vợt bơi ra đảo. Cụ Tổ lặn xuống biển đi vào thế giới loài ốc. Có họ ốc vừa nở thành con thì được mẹ ốc cõng đi khắp một vùng đát biển. Tất cả những sinh hoạt kỳ thú của trăm họ ốc đều phát ra thành tiếng mà cụ Tổ ốc nghe đầy đủ như nghe tiếng người.
    Cây vợt trong tay cụ Tổ dùng để vớt từng loại ốc cho vào bọc lưới treo ở cổ. Bọc lưới đầy cụ Tổ đổ lên bãi. Cụ Tổ chỉ cho làng biết, ốc ở dưới biển đều ở trong lâu đài riêng của từng họ. Loài ốc là một trong những loài biết tự làm đẹp cho mình bằng trang trí cho sắc đẹp của nó. Buổi sáng ốc đi thành đàn, buổi trưa nằm yên thong thả nghỉ, ban đêm quần tụ dưới ánh trăng như một dạ hội.
    ốc mang về làng. Đêm đến, năm cây đuốc dầu rái đốt lên. Tay cụ Tổ cầm chiếc que có gắn rong biển phất qua phất lại. Cụ Tổ chỉ vào từng họ ốc, miệng lâm râm. Nghe được tiếng huýt gió họ nhà ốc đầu ngoi lên, rồi lần lượt bò xung quang, cụ Tổ yên lặng ngồi ở giữa, tay chỉ hướng cho ốc bò rồng rắn. Ngồi bên ăm cây đuốc cháy rực, tay cụ Tổ đưa lên xuống giống như ra hiệu. Từng họ nhà ốc bò vào hồ nước chua, một thứ nước cụ Tổ lấy từ một loài cây ngoài đảo. Lát sau các họ nhà ốc nổi lềnh bềnh lên mặt nước. Mọi người đứng xem đều hiểu đấy là ốc tự nguyện "hiến thân" để cụ Tổ làm thành cái đẹp.
    Một bàn tay cụ Tổ đặt lên vỏ ốc mỗi con, một bàn tay cầm im chấm màu để vẽ lên ốc. Chỉ trong phút chốc tờng vỏ ốc tượng hình những dáng thế kỳ diệu. Xong chấm kim, cụ Tổ cầm một lưỡi dao cũng bằng mảnh vỏ ốc sắc lẹm rạch ngang dọc, mới đó một thế giới đầy màu sắc khảm lên từng miếng gỗ. Và miếng gỗ trở thành kỳ aảo, sinh động, lấp lánh màu bí ẩn.
    Hai tay cụ Tổ nâng mảnh gỗ lên ngang đầu, cất giọng sang sảng:
    - Bà con có nghe ốc nói gì trên mảnh gỗ này không?
    Không một ai trả lời. Cây đuốc nhựa dầu rái cá cháy rực rỡ. Nhìn vào hai mắt cụ Tổ sáng lấp lánh. Bà con hình như hiểu ra và im lặng nghiêm trang để cụ Tổ kể cho nghe chuyện ốc.
  3. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Đôi mắt cánh buồm làng Cọp Râu Trắng
    Trong đình làng Cọp Râu Trắng có hình một con mắt còn ở giữa có chấm đặt tấm đệm buồm treo giữa bệ thờ. Đó là con mắt của cánh buồm theo truyền thuyết xưa ghi lại.
    Chuyện bắt đầu lúc làng tìm ra kẻ trộm răng Cá Ông. Răng Cá Ông được giấu ngoài hang đảo cú mèo biển. Tìm được hang không phải dễ. Người đi tìm phải đi bằng thuyền.
    Ai sẽ đưa thuyền đi qua biển đến tận hang đảo, nhất định không ngoài con cú mèo biển mà bà Roong bắt được trong đêm ở chùa Cát.
    Nhưng cú mèo biển nếu đưa thuyền đi thì không thể đưa được vào ban ngày. Vì loài cú mèo biển chỉ bay và có sức mạnh vào ban đêm. Bà Roong nhận việc đi tìm răng Cá Ông phải có cánh buồm làng Cọp Râu Trắng đan bằng đệm màu trắng và một chiếc thuyền vừa một ngưừi ngồi. Con cú mèo biển kéo con thuyền đi qua biển trong đêm sẽ là lành ít dữ nhiều.
    Đêm ấy, cuối tháng trời không trăng, ít sao, biển sẽ đen như mực rất thuận lợi cho chuyến đi. Loại thuyền có mũi nhọn như cánh én, với cánh buồm treo sẵn trên cột chờ ở mé bãi. Bà con làng Cọp Râu Trắng tiển bà Roong lên thuyền. Bà Roong ra dấu, cánh buồm được buộc vào tám sợi dây chằng từ từ kéo lên.
    Từ xưa làng Cọp Râu Trắng có thuyền ra biển không biết dùng buồm mà chỉ nhờ vào những tay chèo lực lưỡng. Giờ cánh buồm lơ lửng trên cột như lá cờ đuôi nheo trong lăng thờ làm ai cũng tin tưởng chuyến đi của bà Roong.
    Bà Roong hú ba tiếng, trai làng mở chiếc ***g gỗ dắt cú mèo biển ra. Vừa ra khỏi ***g đôi mắt cú rực sáng rọi từng luồng hướng ra biển. Con cú đập cánh lần thứ nhất làm cánh buồm quạt bay phần phật. Đập cánh lần thứ hai người đứng bên tưởng như bị nhổ chân lên khỏi mặt đất. Phải nhờ đến nhiều người mới xếp được hai cánh cú để buộc lên cột buồm.
    Bà Roong vừa lên thuyền thì hai mắt cú như hai ngọn đèn trên cánh buồm rọi sáng về phía trước. Bà Roong giật dây làm hiệu lập tức hai cánh cú giang rộng thành gió giật đẩy con thuyền tách bến. Mới đó con thuyền đã ra khơi.
    Con thuyền đi theo hướng mắt cú mèo điển, đôi cánh cú đưa con thuyền lướt nhẹ như bay. Cánh buồm làng Cọp Râu Trắng từ đây đến hang đảo cú mèo biển có con mắt chỉ đường. Đó là con mắt của cánh buồm mà dân làng nhắc nhở như một truyền thuyết.
  4. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Thổi ốc tai tượng đuổi giặc dơi
    Xưa, làng Cọp Râu Trắng chịu một tai họa, dơi từ núi cao bay xuống ăn tôm phơi. Dơi bay từng đàn, từng bầy rợp kín làng. Rồi trong phút chốc tôm phơi trên liếp, trên chiếu, trên buồm, màu tôm đỏ hết cả cồn bãi không còn một con. Bà con cầm sào, cầm chèo kịch liệt đuổi dơi. Có mùa tôm phơi bị mất sạch vì dơi ăn. Làng Cọp Râu Trắng gọi đó là giặc dơi.
    Vào đời thứ tám, khi ông Tổ tìm ra trăm loại ốc làm tù và thổi gọi bà con ra biển. Tiếng tù và thổi lên như giục lòng người bức xúc phải đi ngay. Còn bây giờ trước loài giặc dơi phá hoại chẳng lẽ không có tiếng ốc nào đuổi được nó hay sao? Đó là điều suy nghĩ của cụ Tổ ốc. Đến đời cháu cụ Tổ, tiếp tục tìm mà vẫn chưa tìm ra.
    Một lần dơi ăn hết tôm phơi rồi bay về núi, cháu cụ Tổ chộp được một con dơi cánh dài đến gận một thước. Nhốt con dơi vào buồng kiến, tối lại cháu cụ Tổ thổi từng loại ốc để xem con dơi có đập cánh không. Khi thổi đến ốc tai tượng bỗng hai cánh con dơi đập hốt hoảng, người nó loạng chạng như say. Dứt tiếng ốc, cơn dơi lại đậu yên lặng lẽ. Hết sức mừng vui, người cháu cụ Tổ thổi lại lần nữa, con dơi lại lạng quạng bay dữ hơn. Đêm ấy người cháu cụ Tổ tin cho bà con biết sẽ dùng ốc tai tượng để ngày mai đuổi giặc dơi.
    Hôm ấy, mỗi người cầm sẵn một vỏ ốc tai tượng đứng ở cửa sau. Lúc thuyền ngoài biển chở tôm về trải phơi, lập tức ở một góc trời rần rật những đám mây dơi xáp xuống, tiếng chít chít như tiếng kim loại. Liền đó, tiếng tù và ốc tai tượng nổi lên như sóng u...u...u... rùng rợn.
    Tiếng ốc bất ngờ làm từng đàn dơi ngơ ngác, loạng choạng hoảng hốt rơi xuống giẫy giụa rồi lăn ra chết. Nhưng cũng có nhiều bầy dơi thoát được, hôm sau lại bay xuống ăn phá trả thù.
    Đêm đêm cả làng Cọp Râu Trắng già trẻ trai gái tập thổi ốc tai tượn. Cầm con ốc trong tay, đường vân, đường sóng lượn ai cũng cảm thấy như cầm vũ khí đánh giặc. Trọn đêm tiếng ốc tai tượng âm âm u u làm sóng biền chồm dậy, cây cối rung chuyển, lòng người trở nên mãnh liệt như có lửa.
    Cứ thế liên tiếp chiều này đến chiều khác, những đám mây dơi xối xả lao xuống, sóng âm thanh ốc tai tượng lại lan tỏa rùng rợn nổi lên. Tiếng ốc như lưới vây, như giông nổi. Tiếng ốc làm thành roi, làm thành đá ném vào giặc dơi tơi tả.
    Từ ngày đó, dơi không còn xuống làng ăn tôm phơi được nữa. Chiếc ốc tai tượng được treo trước cửa nhà đổ làm điều lành. Đã thành lệ, dù không còn dơi, cứ đến mùa tháng bảy, tháng tám, đêm đêm làng Cọp Râu Trắng cẫn thổi ốc tai tượng. Thổi xong, ốc được treo giữa nhà, mọi người đứng xung quanh để tưởng nhớ vị thần biển đã quạt sóng, quạt gió đuổi giặc dơi.
  5. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Múa Bá Trạo
    Từ khi có làng Cọp Râu Trắng đã có múa bá trạo. Cứ vào lập thu trước khi ra biển, các tay nơi thả rập ràng mái chèo như múa. Những đời sau này, vào dịp lễ Xuân Thu nhị kỳ từ trò bơi rập ràng ra biển biến thành điệu múa bá trạo của làng.
    Đầu riên, một già làng giỏi nghề bơi, đứng ra chọn mười tay chèo giỏi. Một già làng giỏi bắt lái chọn một người cầm lái. Ông Tổ vã mắt thuyền chọn mười hai người cầm đèn tượng trưng hai mắt thuyền. Già làng nghề xâm hình cọp trên cánh tay chọn hai người làm đầu hổ. Đủ điệu rồi nhưng chưa ai dám nghĩ ra hình dáng điệu múa bá trạoc của làng.
    Thời ấy, sau cái ngày thuyền mười hai tay chèo ra đảo cú mèo biển đón bà Roong về. Vào một đêm già làng giỏi nghề bơi nằm chiêm bao thấy chiếc thuền bị gió thổi bay lên ngọn dương liễu. Quả nhiên, sau một ngày bão từ biển vào. Các ghe thuyền đều kéo lên bãi. Giữa bão người ta nghe tiếng ồ ồ trên cao giống tiếng nước réo. Vừa dứt bão thì có người báo thuyền mười hai tay chèo đi đón bà Roong về đã nằm trên ngọn cây cao tít trước sân đình làng. Đứng dưới nhìn thấy rõ dáng hình chiếc thuyền thật hùng vĩ và đẹp mắt như gợi dáng thể cho điệu múa bá trạo.
    Người được chọn cho múa bá trạo phải là người giỏi bơi, giỏi lặn, giỏi đâm tôm hùm, giỏi bắt bạch tuộc... Từ khi bắt đầu tập múa đến lúc hoàn thành cũng là lúc chiếc thuyền trên ngọn cây dương chim về làm tổ, hoa nở bốn mùa, đêm mặt trời để nắng đỏ như rạng đông. Đêm tổ chức lễ múa bá trạo bỗng nhiên trên cao gió thổi ồ ồ. lát sau, có người báo thuyền mười hai tay chèo đã xuống nằm giữa sân đình.
    Những đời sau này người múa bá trạo phải giỏi võ, có tinh thần cao thượng. Nhiều "Tổ", nhiều "Tài" có thế võ gà mang hiệu Nguyễn Lữ, dài hơi lặn biệt hiệu Yết Kiêu, giỏi bẻ lái mang hiệu Nguyễn Huệ... Những người nổi danh vũ dũng như Lâm Sung, Sáu Quan Vân Trường, Chín Triệu Tử Long đều có trong đội hình múa bá trạo.
    Những năm đầu kháng chiến, đội du kích làng Cọp Râu Trắng hầu hết là những "bá trạo viên". Năm 1950, trận càn lớn của giặc Pháp từ biển vào nửa đêm bắt được một số anh em du kích. Trước khi rút đi, bọn giặc thấy trên cánh tay ngườu nào có xăm hình đầu cọp đều trói tro lên ngọn cây cốc. Đền giờ giặc hành hình cũng là lúc từ trên ngọn cây cốc các "Tài", các "Tổ" nói vọng xuống:
    - Bà con ơi, Lữ tôi, Huệ tôi, Yết Kiêu tôi, Vân Trường tôi không đầu hàng giặc, không phản lại làng Cọp Râu Trắng, chết để giữ tiến thơm cho làng...
    Cả Cây cốc rung lên như bảo thổi. Bà con bị giặc bắt đứng xung quanh cây cốc cất tiếng kêu đau đớn:
    - Tư Lữ ơi, Năm Yếu Kiêu ơi, Ba Huệ ơi, Tư Vân Trường ơi, thôi hãy yên lòng nhắm mắt. Bà con làng Cọp Râu Trắng đời đời biết ơn anh em...
    Một các "Tài" các "Tổ" được bà con chôn cất theo hình con thuyền của điệu múa bá trạo trong nghĩa trang làng Cọp Râu Trắng.
  6. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Làng Cọp Râu Trắng nói về chim Yến
    Một già làng kể lại: Xưa lắm rồi một hôm thuyền ra khơi đánh cá, bất ngờ giữa biển bị bão nổi lên đánh giạt. Thuyền bị chìm chỉ còn mấy mạng sống sót bơi được vào một hòn đảo cheo leo giữa biển. Họ đói, đi tìm miếng ăn. Thấy trong mấy hốc đá những sợi trắng khô, đan dệt như những cái ổ nhỏ. Họ gỡ ra ăn thử. Họ vừa ăn vừa sợ.
    Nhưng càng ăn càng thấy mát ruột mát lòng. Sau một đêm, người nào cũng thấy mình khỏe ra.
    Họ về làng nói cho mọi người biết. Từ đó dân làng đều ra đảo gỡ "thuốc tiên biển" đem về. Sau này mới biết đó là nước dãi của một loài chim gọi là chim yến.
    Thấy loài chim quí là ra món ăn quí cho đời, ai cũng muốn tìm hiểu nguồn gốc của nó. Dân làng chài lại đến hỏi bà Roong. Một đêm, trong chùa Cát bà Roong cầu thần linh nằm mộng nghe được một chim yến thuật chuyện lại như sau: Có một vị Bồ Tát được Phật Như Lai giao làm công việc sáng tạo các loài chim cho cõi Phật. Không ngờ trong các loài chim, có loài chim ác như kên kên, quà quạ, đại bàng trốn xuống trần gian phá hoại. Bồ Tát muốn tạo ra một loài chim quý để bù đắp vào cho thiếu sót đó. Nhưng vật liệu tạo thành chim vừa kết. Bồ Tát trong lòng áy náy không yên.
    Một lần, trong ngày lễ Phật "hái trái", Bồ Tát bị một cây gai đâm vào tay, máu ra không có gì cầm lại được. Bỗng Bồ Tát thấy trong ống tay áo có một cánh hoa liền lấy ra rịt vào vết gai đâm. Không ngờ cánh hoa vừa đặt vào máu được cầm lại. Bồ Táy biết cánh hia hút lấy máu của mình liền nghĩ thương cho hóa kiếp thành loài chim yến.
    Chim yến được Bồ Tát cho xuống trần sống ở biển, làm tổ ở đảo. Lấy màu hòa vào dãi tạo thành món ăn quý cho con người. Nhưng khi tiếng đồn về mó ăn quý này truyền đi, vua Chiêm ở gần đó đem quân đến cướp hòn đảo thành của riêng, nên Bồ Tát hóa phép cho mấy hòn đảo cao chót vót, cheo leo ở giữa biển. Chim yến làm tổ trên đảo co chỉ để cho người dân làng , Bồ Cọp Râu Trắng lao lên lấy yến.
    Đầu tiên chim hộc được Bồ Tát sai xuống đội đá làm đảo yến. Nhưng chim hộc lười biếng nên đảo yến thấp. Lính vua Chiêm vẫn leo lên lấy được yến. Bồ Tát gọi chim hộc về, cho chim hồng xuống đội đá xây đảo yến cao hưn.
    Chim yến biết hòn đảo cao nhất là của Bồ Tát dành cho mình, nên ban ngày bay tận đỉnh trời hút lấy hương hoa cõi phật, tối về níu lấy hang, khuya lại rỏ máu hòa vào dãi xây tổ, nhả sợi. Mùi thơm tổ yến vào mùa thu bay tận vào làng Cọp Râu Trắng như để gọi họ theo hướng mùi thơm hương hoa ra đảo lấy yến.
    Đến mùa lấy yến, người làng Cọp Râu Trắng ra đảo, đứng dưới nhìn lên lo ngại, vách đảo đừng, đỉnh đảo cao, hang hốc đảo hiểm trở. Một chú bé bước ra xin được làng cho leo lên thử. Ai ai cũng ái ngại. Nhưng chú bé cho biết tối hôm qua trong chiêm bao, có một chim yến bay đến, tập cho chú cách quăng mình theo đường bay của chim.
    Được làng cho phép, chú bé cất mình quăng lên từng chặng trên vách đảo như kiểu leo giàn, leo thang. Từ đó, người làng Cọp Râu Trắng thêm được cái nghề leo lên đảo lấy yến. Chú bé được làng phong là "Tài" quăng mình lấy yến.
  7. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Người đi bắt bạch tuộc
    Loài mực khổng lồ có mười sáu cái vòi ít khi xuất hiện trên biển. Sức mạnh của nó người làng Cọp Râu Trắng gọi bằng cái tên "mực" phang. Tên "phang" có ý nghĩa là ném, là tấn công như lao đá, ném gỗ, mỗi khi đối phương chực xông tới.
    Hôm ấy có một người con gái sắp phải lên giàn thiêu theo chồng, người em trai được giao sứ mạng bi bắt "mực phang" ngoài biển khơi để thay thế cho chị mình. Khi tìm thấy "mực phang" chàng trai đã ước tính sức mạnh của nó không thể nào địch nổi. Muốn thắng nó phải dùng mưu. Mấy lần chỉ có một cái vòi của nó thôi đủ làm thuyền bốn tay chèo chao cuộn trong dòng nước xoáy. Lợi dụng sức hút của vòi mực phang, chàng trai trở về xin làng cho năm người đàn ông và mười cuộn dây chão, cùng một thuyền lớn để bắt mực phang.
    Năm người đàn ông theo kế của chàng trai lấy mười cuộn dây chão buộc thành nhiều vòng rồi cho vào hai cánh tay được chặp lại cứng như khúc gỗ lim rồi thả xuống ngay chỗ mực phang đang lim dim vòi thức ngủ. Thấy có mồi, con mực phang quậy sóng, phóng tới xõa hết vòi mực chực quấn riết lấy mồi.
    Chàng trai vừa xuống biển, hai chân chưa kịp bơi bất ngờ mộc sức chuyển động của biển từ trong mười sáu chiếc vòi mực phang làm da thịt chàng muốn nhão ra. Mới đó, từ hai chân đến vòng cổ chàng trai như có một lớp da nhầy nhục trói cứng.
    Từng lúc chàng trai nghe rõ cái "hít" của mười sáu vòi mực phang châm vào như kim xoáy ở da thịt làm không thở được. Cứ từng chặp, miệng của mười sáu cái vòi tứa ra một chất nhờn, ngứa và hút riết chặt làm cả thân thể chàng trai như bị đứt ra. Không thể để lâu hai cánh tay chàng trai giật dây làm hiệu để năm người đàn ông đang trên thuyền lập tức kéo lên.
    Sức năm người đàn ông phải thật lực mới kéo nổi cả chàng trai, cả mực phang lên thuyền. Trên sạp thuyền, con mực phang nằm không cựa quậy. Một người đàn ông bước tới, tay cầm chiếc dao to bản chặt mạnh ở chót mang. Và mười sáu chiếc vòi liền bung ra. Chàng trai như từ trong con mực phang đứng dậy, rũ mình làm ai cũng cảm thấy lạ lùng.
    Con mực phang được thuyền lớn chở về đặt dưới chân giàn thiêu. Tiếng bà con reo mừng sung sướng:
    - Người đi bắt mực phang đã về!
    Cùng trong tiếng hò reo, có tiếng người nào đó nói:
    - Phải gọi mực phang là bạch tuộc mới đúng.
    Đám mây đen trên giàn thiêu biến mất. Chàng trai "bắt bạch tuộc" bước tới, loáng một cái con dao bản to, mười sáu cái vòi bạch tuộc rụng xuống đất. Từ trên giàn thiêu, người chị của chàng trai từ từ bước xuống giữa một vùng hương khói bốc lên.
    Một già làng đến bên chân tháp đặt bình lư hương làm lễ "giải nạn" cho những người con gái từ đây không bị hỏa thiêu. Một già làng khác đội tấm bài vị nỗi rõ hàng chữ: "Thần bắt bạch tuộc" đem vào đặt trong bệ thờ đình làng bên các bài vị khác. Như vậy, "Thần bắt bạch tuộc" của làng Cọp Râu Trắng đã ra đời.
  8. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Sân võ trên sạp thuyền
    Làng Cọp Râu Trắng có nhiều tay võ cha truyền con nối. Đi ra biển chạm trán với đầ sóng ngọn gió và kình ngư không thể không giỏi võ.
    Hàng năm, làng cho các tay võ tỉ thí để chọn "đầu" võ. Trong các cuộc tỉ thí điều cấm đối với người thắng cuộc là không làm đối phương chết hoặc bị thương.
    Người thắng cuộc phài trổ miếng hay riêng của mình. Sân đấu để chọn "đầu" võ là sạp thuyền đang trên dóng. Trong cuộc tỉ thí, các tay đấu không được làm thuyền chao, thuyền chìm. Người thắng cuộc không được ra ngoài cái sân võ tám thước vuông theo qui định. Người xem những cuộc tỉ thí được ngồi trên các mạn thuyền vây quanh sân võ.
    Năm đó, chọn "đầu" nhất trong thất hùng tinh võ. Ba tay đấu được vào sân. Tay thứ nhất có thế võ roi cá đuối là thầy Ba Siêu, biệt hiệu Linh Ngư. Tay thứ hai có miếng võ phóng đầu tôm là chú Tám Trào, biệt hiệu Xảo Ngư. Tay thứ ba có đòn xỏa túi mực là bác Sáu Ngưu, biệt hiệu Thuật Ma Ngư. Cả ba thuộc hàng nhị tam trong thất hùng tinh.
    Bắt đầu vào sân sau tiếng trống lệnh. Từ trong các sạp thuyền người xem tỉ thí bác Sáu Ngưu nhảy lên trước tiên. Sân võ đang bị sóng giồi lên xuống. Sáu Ngưu người như được nhuộm màu đen, hai chân to như hai cột trụ đứng tạo thế để ghìm sân võ cân bằng.
    Giữa lúc Sáu Ngưu diễu võ dương oai thì bất ngờ Tám Trào từ phía hàng thuyền bên kia bay vào cuộc đấu. Cái phóng đầu tôm nhanh như cắt của Tám Trào làm đòn xỏa túi mực của Sáu Ngưu không kịp trở tay. Cái bóng đen trùi trũi với mấy ngón xoay mình loang loáng như xỏa túi mực của Sáu Ngưu không có hiệu quả.
    Còn Tám Trào người tròn, da như nhuộm màu đỏ lửa, hai tay như hai chiếc càng gọng cua, đầu thắt khăn đỏ tới tấp lao vào để khóa chặt đòn xỏa túi mực của Thuật Ma Ngư. May cũng nhờ huật ma màu đen mực của Sáu Ngưu di động không hình, không dáng nên tránh được những đòn hiểm của Xảo Ngư.
    Tám Trào định cúi đầu chào nhận niềm vui của người chiến thắng, bất ngờ từ trong sóng biển vọt lên, rồi liên tiếp hai chân thả dài quất đòn vun vút. Tiếng người xem reo hò vang dậy.
    - Linh ngư, roi cá đuối vào cuộc rồi.
    Phóng đầu tôm định trả miếng bằng năm cú đá của thế võ gia truyền "Ngũ hộ liên hoàn cước" để sau đó dùng "miếng" cuối phóng đầu tôm là thế riêng gia bảo của "tam bộ liên hoàn thủ" triệt cứng đối phương. Trước thế hiểm, xảo thuật Linh Ngư roi cá đuối nhào xuống như một vệt khói. Rồi trong nháy mắt đôi chân dài như một cặp roi lợi hại từ mạn thuyền quất lên trót trót, trót là "phóng đầu tôm" loạng choạng. Không kịp nữa rồi, đôi chân dài biến hóa mới đó như roi cá đuối phóng tới với ngón "khổng tam bộ liên hoàn cước" của thầy Ba Siêu làm Tám Trào không đứng vững được nữa.
    Tiếng vỗ tay như pháp cổ mừng thế võ roi cá đuối thắng cuộc. Thầy Ba Siêu định bước tới cột buồm giữa làn sóng đang ập tới, thì từ dưới khoang thuyền một người bước lên từng bước chắc nịch. Người ấy có đôi chân đứng không giạng, cổ chân cổ tay và bụng quấn nhiều vòng dây neo.
    Người xem lúc này cũng nằm rạp trên các sạp thuyền vì sóng lớn làm chao đảo để nhìn kỹ người đang đứng giữa sân võ là ai. Liệu thế võ roi cá đuối có vào cuộc nữa không, với miếng "roi" làm đôi chân đứng vững trên sóng. Và kia, thầy Ba Siêu trở ra sân, nhưng thầy đi cũng không vững nữa.
    Thầy định giở ngón roi, nhưng hai chân lại không theo ý định của thầy... Bất ngờ, người có những bước đi chắc nịch phóng tới đưa tay cho thầy Ba Siêu vịn đứng dậy. Và thoắt cái, hai cánh tay như thép nhấc thầy Ba Siêu lên giữa lúc con sóng phủ qua sạp thuyền. Lại tiếng vỗ tay reo hò của người xem bốn bên vang dậy.
    - Người bắt bạch tuộc đã chiến thắng.
    Con sóng lùi xa thì thầy Ba Siêu cũng vừa được đặt xuống sân võ. Người bắt bạch tuộc giọng chậm rãi:
    - Thưa bà con, người chiến thắng là Linh Ngư, thầy Ba Siêu...
    Nói xong người bắt bạch tuộc trở vào khoang thuyền, còn lại trên sân vỏ thầy Ba Siêu nhận những vòng hoa biển của người xem từ các sạp thuyền ném qua tới tấp. Một lúc sau, thầy Ba Siêu vòng hai tay trịnh trọng:
    - Thưa bà con, trong trận đấu cuối đặc biệt này, người chiến thắng là người bắt bạch tuộc chớ không phải tôi...
    Năm ấy, Linh Ngư thầy Ba Siêu biệt hiệu thế võ roi cá đuối đứng vào hàng thứ nhất trong thất hùng tinh. Còn người làm nên ấn tượng đẹp đẽ trong bà con làng Cọp Râu Trắng là người bắt bạch tuộc chứ không ai khác. trong gia phả các tay võ làng Cọp Râu Trắng ghi tỏ như vậy.
  9. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Người vẽ mắt thuyền
    Trên cánh buồm của thuyền bà Roong ra biển có mắt cú mèo biển để làm con mắt. Múa bá trạo, trong đội hình cũng có hai đèn ***g tượng trưng hai con mắt của chiếc thuyền. Từ đó các già làng bắt đầu nghĩ tới thuyền ghe ra biển cũng phải có hai con mắt như người. Không có mắt, thuyền ghe không thấy đường đi trong đêm tối, trong bão táp.
    Một lần, trong trận động biển, đoàn thuyền chưa nhận ra đường trở về làng. Bỗng phía trước, một màn trắng giăng kín. Từ trong màn trắng hiện ra cảnh làng xóm và cửa biển. Khi lưng con thuyền chạm cát làm ai cũng giật mình mới biết đó là một đảo hoang. Màn trắng tan ra, đoàn thuyền mới nhận được hướng về làng. Vừa về đến cửa biển gặp ông già Mười mù cả hai mắt đưa ta ra đón. Giọng ông hỏi lớn:
    - Có phải thuyền ta lạc vào một cái đảo hoang không. Hãy coi lại dưới lưng thuyền của chiếc đi đầu có ngọc trai hình mắt Cá Ông thì lấy ra ngay.
    Làm theo lời ông, mọi người đều ngạc nhiên, cho là chuyện lạ. Ông già mù cho biết, ở nhà hai mắt của ông thấy qua màn trấng trên biển đoàn thuyền đi lạc hướng. Và nhờ ngọc trai dán dưới lưng thuyền làm mắt nên thuyền trở về được làng. Ông già mù còn bảo, tất cả thuyền ghe của làng Cọp Râu Trắng phải vẽ mắt thuyền theo hình ngọc trai do ông vẽ.
    Rồi lúc ông già mù cầm lên con ngọc trai là lúc các già làng nhớ lại không đạ bị mù từ trong bụng mẹ. Lúc ông lên năm, có người tìm được ngọc trai đem về để cho ông thả xuống đầm Rô. Cho đến bây giờ ông còn nhớ ngọc trai có hình con mắt. Sau hơn sáu mươi năm nay con ngọc trai làm mắt theo đoàn thuyền trở về lại với ông. Cầm lại ngọc trai ông đã hình thành từng nét vẽ con mắt thuyền làng Cọp Râu Trắng.
    Ngày hôm sau, trên bãi làng, thuyền ghe nằm đợi sẵn trên giá. Đúng ngọ, khói trắng hun thuyền, lửa vàng màu da cam hong thuyền đợi vẽ mắt thuyền. Ông già mù đến từng giá gác thuyền rồi vẫy but lông chấm mắt cho thuyền. Tay ông vẽ, mắt ông hướng lên trời.
    Cứ thế xong thuyền này sang thuyền khác, hàng trăm mắt thuyền giống y như một. Vẽ tới đâu, ông phà hơi thở vào đó. Hơi thở của ông làm hàng trăm con mắt thuyền cứ như rựng lên, nhấp nháy, sinh động. Bà con mỗi lần xem mắt thuyền kêu lên kinh ngạc:
    - Ô, mắt ngọc trai... Mắt ngọc trai...
    Ngọc trai là giọt máu Cá Ông. Mắt ngọc trai cũng là mắt cá Ông. Mắt Cá Ông có trong mắt ông già mù nên mới thấy được từ xa, thấy được từ bên trong.
  10. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Tiếng đàn bầu gọi chim mồ mộ
    Mồ mộ là loại chim hiếm thấy ở các làng biển. Riêng làng Cọp Râu Trắng cứ sắp vào mùa thi, gió se se, nắng rải vàng, mép nước sóng vỗ lăn tăn, rồi hàng đàn con mày mạy giống loài còng con li ti, từ sưới cát trồi lên, chạy như gió. Loại còng nhỏ này đến khi lớn phá lưới chài ghê gớm lắm.
    Có những năm mất mùa cá tôm cũng vì nạn mày mạy. Cứ vài ba năm mày mạy dưới cát sinh nở một lần. Mỗi lần sinh, mày mạy chạy trắng cồn trắng bãi, rồi sau đó mất hút. Vài hôm sau đứng trên thuyền nhìn xuống biển thấy mày mạy bò chật cả biển.
    Có một năm, người làng Cọp Râu Trắng nửa đêm nghe từ ngoài biển tiếng cát chạy rùng rùng. Đứng trong làng nhìn ra thấy vô số cách trắng bay chập chờn trên mé sóng. Gần sóng, trên trời để lại ánh trăng lưỡi liềm soi thấy rõ vô số cánh trắng ào ào bay lên cao hướng ra biển.
    Có một năm, người làng Cọp Râu Trắng nửa đêm nghe từ ngoài biển tiếng cát chạy rùng rùng. Đứng trong làng nhìn ra thấy vô số cánh trắng bay chập chờn trên mé sống. Gần sáng, trên trời để lại ánh trăng lưỡi liềm soi thấy rõ vô số cánh trắng ào ào bay lên cao hướng ra biển. Bỗng xuất hiện một người hát rong, trên vai mang cây đàn bầu, tay cầm chiếc gậy có mấu hình đầu Cọp Râu Trắng đi vào làng. Về ngày hôm trước, ngày hôm sau người hát rong trải chiếu bên gốc cây cốc dạo đàn hát bài chòi. Lạ thay, tiếng đàn bầu mỗi lần rung lên làm cành lá trên cây cốc khua xào xạc như gió chuyển.
    Một già làng thấy điều kỳ lạ tò mò hỏi. Người hát rong cho biết, cây đàn là thứ gỗ trầm mang hồn người lấy từ trên núi cao. Gáo cây đàn là vỏ ốc lấy từ biển sâu hong qua nhiều mưa nắng để có lửa, có nhiều âm thanh. Còn dây đàn bầu là gân lườn Cá Ông tụ nhiều tiếng và giọng ngân hồn biển.
    Đêm ấy, người hát rong gẩy đàn. Tiếng đàn rung ngân thì một bóng chim mồ mộ bay lên đáp xuống đậu trên vai người hát rong. Hình như người hát rong cố ý gẩy đàn nhiều lần để chim mồ mộ bay lên đáp xuống nhiều lần cho bà con thấy. Rồi người hát rong từ tốn nói:
    - Đây là loài chim sống ở các mộ cổ khắp các đảo. Nó ngậm hạt trồng cây và làm tổ trên các mộ hoang để làm ấm hồn người chết. Vì vậy người ta gọi nó là chim mồ mộ. Nay loài chim về làng đó là điềm lành, điềm may, là đất lành chim đậu.
    Người hát rong nói xong, con mồ mộ lượn qua lượn lại trên cây đàn bầu, rồi cất cánh bay ra biển.
    Đêm hôm nay sau các già làng đưa bàn thờ ra sân hương án khói hương nghi ngút. Người hát rong xõa tóc ngồi im lặng để nghe ngoài bãi tiếng mày mạy khua rào rào như sóng. ánh trăng lưỡi liềm xế phía đỉnh Trường Sơn... Người hát rong vẫn hai bàn tay vuốt tóc, mắt nhìn ra phía biển. Từng lúc, trầm trong lò hương tóa đom đóm lửa bay lên.
    Im lặng một lúc, người hát rong tay vừa chạm dây đàn. Tiếng đàn rung lên... rồi òa ra thành từng tiếng sóng, tiếng gió, tiếng hồn người... Trong khi đó, ngoài bãi từng đám mây màu trắng cứ thấp dần xuống bãi. Giọng ngơời hát rong lẩm nhẫm trong tiếng đàn rung:
    - Chim mồ mộ đã trở về...
    Bỗng một con chim cánh trắng đáp xuống, đậu trên cây đàn bầu người hát rong.
    Đâm ấy đàn chim mồ mộ nhặt hết, không còn một con mày mạy sống sót. Tiếp những đâm sau nữa, tiếng đàn bầu lại rung lên thành tiếng sóng, tiếng gió, tiếng hồn người, mùa mày mạy ác nghiệt được dọn sạch.
    Rồi từng đàn chim mồ mộ cánh trắng vần vũ lượn tròn trên bầu trời làng Cọp Râu Trắng. Trong một đêm sương khói người ta thấy bóng Cọp Râu Trắng từ biển đi lên, bóng người hát rong từ làng đi ra bãi. Hai cái bóng nhập lại, khi thì bóng cọp, lúc thì bóng người.
    Người hát rong gẫy đàn bầu từ đó ở lại vời làng. Ai cũng biết đó là Cọp Râu Trắng về sống với bà con. Tiếng đàn bầu đó là tiếng nói của Cọp Râu Trắng gọi chim mồ mộ bay về. Trong đền thờ cùng với các vị thần Tài, cây đàn bầu được đặt ngang hàng, được tôn xưng là "Tài" đàn bầu.

Chia sẻ trang này