1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Huyền thoại ''mộ O Ba sẵn sàng''

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi chungpq, 17/07/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. chungpq

    chungpq Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/01/1970
    Bài viết:
    366
    Đã được thích:
    0
    Huyền thoại ''mộ O Ba sẵn sàng''

    ( VietNamNet) - "Anh có muốn biết chuyện một nữ Thanh niên xung phong thời chống Mỹ được người dân phong thánh sau khi hy sinh?" ?" câu hỏi của anh Trần Hùng Sơn, Phó Ban Phong trào Tỉnh Đoàn Quảng Bình, cuốn hút chúng tôi tìm đến xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) để ngỡ ngàng đón nhận một câu chuyện rất thực mà đậm chất huyền thoại. Anh linh của người nữ Thanh niên xung phong cảm tử năm nào vẫn còn quấn quýt với bà con, chòm xóm từ tâm tưởng cho đến những chuyện làm ăn, sinh sống hàng ngày!...


    Chuyện kể về một vùng đất anh hùng



    Từ thị xã Đồng Hới, vượt hơn 60km đèo dốc, chúng tôi mới đến được trụ sở UBND xã Quảng Lưu nằm ở lưng chừng một ngọn đồi um tùm cây cối. Xa xa là rừng dẻ xanh mướt. Đón chúng tôi là Chủ tịch UBND xã Biền Ngân và Chủ tịch HĐND xã Đậu Xuân Thuỷ. Ông Biền Ngân đang học năm thứ 3 Đại học Sư phạm thì vào không quân. Sau hoà bình, ông công tác tại Trường sĩ quan Nha Trang rồi về quê đảm đương cương vị hiện nay đã mấy nhiệm kỳ. Ông Đào Xuân Thuỷ cũng là một cựu sĩ quan quân đội. Hai ông khẳng định chắc nịch: "Người con Quảng Lưu nào cũng hiểu rất rõ về quê hương mình!". Rồi họ kể:



    Quảng Lưu vốn là chiến khu Cách mạng Trung Thuần (nay là thôn Vân Tiền), được Bộ VHTT cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá. Thời Lê Trực rồi nhà Trịnh phân tranh từng lập căn cứ ở đây, nay vẫn còn dấu dinh luỹ từ Đèo Ngang đến chân núi Thành Thang. Câu thơ "Cột cờ chúa Trịnh đổ rồi./ Dấu dinh lũy chơ vơ hòn Vọng Bái" ghi lại khá cô đọng bao biến cố lịch sử thời phong kiến đã xảy ra trên đất này. Sau Cách mạng Tháng 8, Quảng Lưu lại là căn cứ địa chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, đây là đầu mối đường 22A, 22B chiến lược từ Hà Tĩnh nối vào đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Hòn Vọng Bái, nơi quân Trịnh hướng về Bắc vái lạy trước khi ra trận, đã trở thành trạm gác tiền tiêu của chiến khu Trung Thuần do vị trí thuận lợi cho việc quan sát tình hình của hai bên bờ Nam - Bắc sông Gianh. Nếu thời phong kiến, đường thiên lý Bắc ?" Nam đi qua Quảng Lưu thì trong kháng chiến chống Pháp - Mỹ, các đoàn quân Nam tiến cũng đều qua đây. Trên địa bàn xã tập trung rất nhiều kho tàng, vật tư chiến trường, lực lượng... để chi viện cho miền Nam.



    Ta xem đường 22A, 22B là điểm chiến lược trên đường vào Nam thì địch cũng xem đó là trọng điểm đánh phá suốt 2 đợt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Dưới làn mưa bom bão đạn ấy, trên các cung đường xuyên qua núi đá, lực lượng của ta, nhất là Thanh niên xung phong (TNXP), vẫn kiên trì bám trận địa với khẩu hiệu "Chỉ tắt giờ, không để tắt ngày". Tác giả Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư TƯ Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên GTVT, trong tác phẩm TNXP phục vụ giao thông vận tải (NXB GTVT ?" 1996) đã cho hay: Đảm nhận xây dựng đường 21, 22A, 22B là các đội TNXP 41, 43, 45 của Cục Công trình 1; sau lập thành Tổng đội 768 mang tên Nguyễn Văn Bé. Do sự khốc liệt ở trọng điểm này mà TNXP phục vụ tại đây phải gánh chịu tổn thất rất lớn lao, có đơn vị đã hy sinh không còn một người!

    "Có lần Giáo sư Trần Quốc Vượng và nhà văn Nguyễn Tú hỏi tôi - ông Biền Ngân kể - Vì sao các thời kỳ đều chọn đất này làm chiến khu? Tôi ở tầm thấp, chỉ nghĩ được có lẽ là do thế đất, thế người; do địa vật và lòng người ở đây!". "Lòng người" có lẽ là câu trả lời gần gũi cho câu hỏi: Vì sao sau mỗi trận đánh, những người dân bình thường lại bất chấp nguy hiểm lao ra chôn cất tử sĩ, cứu chữa thương binh? Song "lòng người" ấy khởi phát từ đầu? Ông Đậu Xuân Thuỷ chợt hỏi chúng tôi: "Anh có biết Trung Thuần là quê hương của ai không?". Thì ra đây là quê hương cụ Nguyễn Hàm Ninh (Nhà nước ta đã công nhận cụ là Danh nhân văn hoá), người từng là Thái sư triều Nguyễn, thầy dạy vua Thiệu Trị. Đến thời vua Tự Đức, cụ được bổ nhiệm làm quan Án sát một tỉnh Nam Trung bộ. Chuyện kể rằng, một hôm vua Tự Đức mở tiệc khoản đãi đại thần, cụ cũng được mời. Đang tiệc, vua cắn nhằm lưỡi và... lấy đó ra đề thơ cho các quan. Ai có thơ hay sẽ được thưởng mỗi câu 10 lạng bạc. Lớn bé trong triều đều im lặng, duy có cụ Nguyễn đọc mấy câu: "Thưở bác sinh ra, chú chửa sinh. Từ sinh ra chú, bác làm anh. Ngọt bùi, cay đắng từng chia sẻ. Cốt nhục đan tâm nghiến đứt tình!". Vua khen thơ hay cả lời lẫn ý và thưởng 40 lạng bạc; nhưng rồi lại hạ lệnh phạt cụ 40 roi. Nguyên do là vị vua sính thơ văn này hiểu bài thơ muốn ám chỉ chuyện ông nghe lời gièm pha mà định chém anh ruột là Thiệu Bảo. Cụ Nguyễn ung dung... tuột quần chờ phạt. Vua Tự Đức giận quá định xử chém, nhưng ngại mang tiếng chém thầy dạy cha mình nên đánh 40 roi rồi trả về quê làm thứ dân. Suốt đời, cụ Nguyễn Hàm Ninh đã tạo nên một sự nghiệp thơ văn khá lừng lẫy, mang đậm lối sống của một kẻ sĩ trọng đạo lý, nghĩa tình mà khinh cường quyền. Mộ của cụ (do cụ tự chọn đất) hiện nằm giữa cánh rừng dẻ trên một ngọn đồi cao nhìn ra hồ Vân Tiên. Xa xa là cánh đồng xanh mướt. Mới đây, Sở VHTT tỉnh Quảng Bình đã cho tôn tạo lại khu mộ này. Cũng trên quê hương cụ Nguyễn, các nhà khảo cổ vừa tìm thấy 2 trống đồng thời hậu Đông Sơn, nhiều di chỉ thuộc giai đoạn "Phế đô Lâm Ấp" của Vương quốc Chămpa...



    Có phải bề dày lịch sử, văn hoá của một vùng đất và truyền thống sống có nghĩa tình, đạo lý của ông cha đã hun đúc nên trong các thế hệ người Quảng Lưu một "lòng người" để không chỉ cứu chữa thương binh, chôn cất tử sĩ... mà còn "phong thánh" cho một nữ TNXP hy sinh trên mảnh đất này như đề cập ở trên?



    Rừng dẻ hồi sinh từ một huyện thoại
    Tháng 8/1968 - Chủ tịch xã Quảng Lưu, ông Biền Ngân, kể tiếp - vào một ngày mưa, một đơn vị nữ TNXP đang làm nhiệm vụ trên đường 22B thì bị bom Mỹ thả ngay giữa đội hình. Thi thể các chị tan tác khắp nơi. Đó cũng là cảnh tượng chung ở Quảng Lưu thời đó: thi thể bộ đội, TNXP... rải rác giữa núi rừng, sông suối mà đơn vị khó lòng phát hiện hết. Không cam tâm trước cảnh đau lòng ấy, nhiều người dân lao ra đường tìm xác các chị...



    Ông Nuôi Dược (hiện ở xóm 6 Trung Thuần) phát hiện đầu một cô TNXP; còn ông Phan Bình (hiện ở xóm 3) thì phát hiện thêm ở gần đó một cánh tay và ít thi thể. Họ gom cả lại rồi chôn cạnh lối mòn cách đường 22B khoảng 25m, nơi dân đi rừng vẫn thường qua lại, để sau này dễ tìm. Chiến tranh đã đi qua, ngôi mộ vẫn nằm đó. Ai đó gọi đấy là "Mộ O Ba sẵn sàng" và thành tên cho tới nay. Thương nấm mộ nhỏ nhoi, ai đi qua cũng bỏ vào hòn đất, cục đá tưởng nhớ các anh chị TNXP vì nước quên thân. Dần dà nơi đây đã thành ngôi mộ lớn, chân xuôi về suối Khe Sâu, đầu gác lên rừng dẻ Ba Vồng. Ước tính có hơn 60m3 đất đá đã được chất lên đây. Ngã ba sông gần đó mang luôn tên "Ngã ba sẵn sàng". Cũng chẳng biết từ khi nào, trong dân xuất hiện chuyện O Ba sẵn sàng mặc áo dài trắng đi giữa rừng, O gội đầu bên suối... Ba Vồng bỗng thành chốn linh thiêng, bọn lâm tặc cũng không dám chặt một cành cây nhỏ. Ngoài đất đá, người dân còn cúng O Ba sẵn sàng nào gương lược, cây trái... Họ kể, khi lạc bò chỉ cần cậy nhờ O là tìm ra ngay. Ông Phiếm chăn đàn trâu bò của xã và là tay chuyên bẫy thú kể, lần nào vào rừng mà có thắp nhang cho O thì thế nào cũng được con lợn, con cheo; còn quên thì dù có đặt cả chục cái bẫy cũng không ăn thua gì. Chính ông Chủ tịch HĐND xã Đậu Xuân Thụy cũng kể, chú của ông vì lỡ miệng quở O nằm hiu quạnh một mình mà đi vào rừng mới vài trăm mét đã lăn ra mê man... Cứ thế, màu sắc huyền thoại quanh ngôi mộ O Ba sẵn sàng ngày càng dày thêm. Chưa thấy điều đó gây hại gì mà chỉ thấy nhờ sự linh thiêng từ ngôi mộ, dân làng ít đi lại lung tung nên không bị vướng bom mìn vẫn còn ngổn ngang trong rừng. Không chỉ thế, trong khi các rừng dẻ lân cận xơ xác vì chiến tranh và nạn chặt phá bừa bãi thì rừng dẻ Ba Vồng lại ngày một xanh tươi, trở thành điểm sáng trồng cây gây rừng của toàn xã!



    Được biết, năm 1991, bức xúc trước cảnh rừng dẻ tiêu điều, UBND xã Quảng Lưu đã ra lệnh cấm vào rừng và phát động toàn dân trồng cây gây lại màu xanh cho chiến khu xưa. Ba Vồng được nêu lên như một điển hình trồng rừng bảo vệ môi trường và phòng hộ đầu nguồn hồ Vân Tiền, nguồn nước tưới chủ yếu của xã. Quảng Lưu chủ trương không trồng loại cây mới mà bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh vì tin vào sức phục hồi nhanh chóng của rừng dẻ. Hạt dẻ không cần ươm, cứ thế nảy mầm, sinh sôi. Ngay cả dân Quảng Lưu cũng không ngờ chỉ sau vài năm đã có thảm rừng bạt ngàn, trong khi các xã lân cận trồng mới theo các chương trình, dự án thì vẫn còn là... rừng trọc. Phái đoàn của Bộ NN - PTNT vào đây khảo sát đã ghi nhận: "Nếu tính rừng dẻ nằm sát trong dân mà bảo vệ được như vậy thì cả nước hiếm có". Tỉnh Quảng Bình cũng đã cấp nhiều bằng khen cho công tác bảo vệ rừng của xã. Đến nay, toàn xã đã có gần 2.000 ha trong gần 2.100 ha rừng tự nhiên trên địa bàn. Cứ từ tháng 6, rừng dẻ lại bạt ngàn hoa trắng ngát hương thơm. Gỗ dẻ dùng để làm nhà rất tốt vì không bị mối mọt, củi dẻ đun rất đượm. Đặc biệt từ rừng dẻ hiện có, mỗi năm nhân dân trong xã lại nhặt được 50 - 70 tấn hạt dẻ. Với giá bình quân 10.000 đồng/kg, Quảng Lưu thu không dưới 500 triệu đồng/năm. Đây là nguồn bổ sung đáng kể cho thu nhập "chính quy" bình quân đầu người mới 1,5 triệu đồng/năm của xã hiện nay!



    Và sự đền đáp của người dân Quảng Lưu



    Từ nguồn lợi đó, người dân Quảng Lưu lại nhớ về O Ba sẵn sàng. Không thể để O tiếp tục nằm hiu quạnh giữa rừng, Đảng uỷ Quảng Lưu ra Nghị quyết đưa O về Nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Thế nhưng, đã có một số ý kiến không đồng ý từ nhân dân lẫn cán bộ địa phương. Họ cho rằng, O Ba sẵn sàng đã ở đây với dân bao nhiêu năm, không nên chuyển dời làm gì; rằng mộ O linh thiêng lắm, không nên đụng vào... Ngoài việc làm công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân dân trong xã về một việc nghĩa cần phải làm để đền đáp công ơn liệt sĩ, chính quyền xã Quảng Lưu thậm chí phải... đặt trung đội dân quân vào trạng thái sẵn sàng (!) Đúng 30 năm sau ngày O Ba sẵn sàng hy sinh, vào một ngày tháng 8.1998, trung đội dân quân được lệnh hành quân về mộ O. Lúc đó chừng 3 giờ sáng, trời cũng mưa lất phất. Ông Biền Ngân trầm giọng kể: "Ở vùng này bom mìn thời chiến tranh hãy còn ngổn ngang khắp rừng. Lẽ ra phải rà phá trước, nhưng vì xã không đủ kinh phí nên... thôi thì ai nấy khấn vái trong lòng, mong O phù hộ cho mọi việc suôn sẻ. Dân quân được yêu cầu phải cẩn trọng và được xác định trước là có thể hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sau lễ dâng hương và đọc lời mời O Ba sẵn sàng về Nghĩa trang Liệt sĩ, toàn đội chia nhau vào việc. Thật may, mới đào được phần ba ngôi mộ đã phát hiện ra hài cốt của O. Lúc ấy người dân hay tin cũng kéo đến, nhưng họ không chống đối mà cùng giúp anh em dân quân thu gói hài cốt của O. Chúng tôi lập biên bản với xác nhận của chính quyền, cơ quan quân sự và các đoàn thể rồi long trọng đưa O Ba sẵn sàng về Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Sáng hôm đó, nhân dân Quảng Lưu và các xã lân cận kéo về viếng O rất đông. Chúng tôi ôm nhau xúc động vì đã làm được một việc nhỏ đền đáp công ơn của các liệt sĩ TNXP!".



    Đến bây giờ vẫn không thể biết tên họ, quê quán, đơn vị trước kia của O Ba sẵn sàng. Trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quảng Lưu, bia mộ O chỉ ghi vỏn vẹn: "Liệt sĩ - Nữ Thanh niên". Tuy thế, trên mộ O không lúc nào vắng hương hoa. Kể cả khi đã hy sinh, hương hồn của các liệt sĩ vô danh như O Ba sẵn sàng vẫn như quấn quít, phù hộ cho người dân làm ăn, sinh sống. Ông Biền Ngẫu tâm sự: "Không đợi đến khi đưa O về Nghĩa trang Liệt sĩ mà khi mộ O còn trong rừng, tôi vẫn thường đem rượu ra cúng O. Không biết có ai cho là mê tín hay không, chứ tôi chỉ nghĩ về tấm lòng thành đối với các liệt sĩ đã xả thân vì quê hương. Anh linh của họ vẫn đang ở quanh ta, nhìn thấy ta trong từng ngày sống, từng suy nghĩ. Hãy biết vậy để mà sống cho xứng đáng hơn!". Ngoài kia, rừng dẻ trải màu xanh ngút ngàn...




    Một chút giận, hai chút tham, lận đận cả đời ri cũng khổ.
    Trăm điều lành, nghìn điều nhịn, thong dong tấc dạ rứa mà vui

Chia sẻ trang này