Tuyết "Bạn hỡi, phải biết cách vận dụng trí tưởng tượng không phải để tạo ra đau buồn, mà để mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho bản thân mình". (Chuyến xe đêm- Pauxtôpxki) Hứng thú nhất khi đọc truyện là tạo cho người ta sự tưởng tượng. Tôi đã từng được tưởng tượng về một hành tinh bé nhỏ, ở đó có những ngọn núi lửa nhỏ xíu mà tôi có thể làm ghế ngồi được, ở đó có một khu vườn thật sự xinh xắn, có những bông hoa hồng đua nở những sớm mai, ở đó tôi cóa thể ngắm mặt trời lên 2 ,3 chục lần trong một ngày. Hay đôi khi được tưởng tượng, hóa thân thành chàng dactanhan hay một kị sĩ nào đó... Nhưng có lúc sự tưởng tượng cũng thật sự bình dị, tinh khiết và đời thường. Đó là trường hợp khi tôi đọc truyện Tuyết. Với Tuyết, tôi tự tìm thấy cho mình một thế giới riêng, thế giới của những ước mơ lãng mạn, của tình yêu dịu dàng và tinh khiết. Đã bao lần tôi đọc đi đọc lại bức thư của trung úy Nikôlai Pôtapôp gửi cho người cha thân yêu của mình: "...Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúng ta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở đâu mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường nhỏ dẫn tới phong đình bên dốc đã được sửa sang sạch sẽ và băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng..." Những lời lẽ giản dị trong bức thư đã giúp cho trí tưởng tượng của tôi bay bổng hơn. Chính vì vậy mà tôi có thể hình dung ra ngôi nhà ấy, khu vườn ấy, con đường ấy, tiếng chuông reo nơi bậu cửa, ánh nến trên chiếc dương cầm, bản tự khúc của vở nhạc kịch Con đầm Pich và tình ca Trên những bờ tổ quốc xa xôi, những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa...Tất cả, tất cả ùa về trong tôi mỗi khi tôi đọc từng chữ, từng lời của người con khi nằm bệnh gửi tới người cha yêu thương của mình. Pôtapôp nhớ tất cả kỉ niệm ấy trong những giây phút ác liệt nhất của trận đánh, còn tôi, tôi nhớ về những hình ảnh ấy trong những giây phút êm ái của lòng mình. Và tôi còn tưởng tượng tơi Krưm "...Krưm năm một nghìn chín trăm hai mươi bảy không? Mùa thu. Những cây tiêu huyền cổ thụ ở công viên Livađia. Trời u ám. Biển nhợt nhạt...." Ở nơi ấy- Krưm tình yêu đã đến sau cái nhìn đầu tiên "...Thiếu nữ đó là em. Tôi không thể nhầm được. Tôi nhìn theo em và cảm thấy rằng có một người con gái vừa đi qua ngay bên cạnh tôi, người đó có thể làm tan vỡ cả đời tôi mà cũng có thể đem lại cho tôi hạnh phúc...". Có thể Pôtapôp nhầm Tachiana với ai chăng? Có lẽ là ngàn đời, mãi mãi không. Bởi vì rằng cái ấn tượng ban đầu, nhất lại là tình yêu thì điều nhầm lẫn đó sẽ không bao giờ xảy ra. Cũng như tôi, tôi cũng sẽ không bao giờ nhầm lẫn cô gái đi cùng chuyến xe hôm ấy. Cô gái có mái tóc dài, nước da trắng và khuôn mặt nhìn thánh thiện như đức mẹ Maria. Và Pôtapôp mãi mãi suốt đời mang hình bóng Krưm trong tâm tưởng, anh yêu Krưm và con đường nhỏ, nơi anh đã gặp cô gái và cô đã để lại trong anh một tình yêu- tình yêu đầu tinh khiết như giọt sương ban mai. Còn tôi, tôi yêu những chuyến xe từ Thanh Hóa ta Hà Nội. Và rồi một ngày, tôi sẽ gặp lại cô gái ấy trong một tình cảnh nào đó, và tôi sẽ viết cho cô ấy một bức thư, với những dòng chữ như Pôtapôp gửi cho tachinana :"...Nhưng cuộc đời đã thương tôi và tôi lại được gặp em. Nếu mọi việc đều ổn thỏa và em cần đến cuộc đời tôi, thì tất nhiên nó sẽ là của em..."