1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Kết hợp học hành và online: Đề tài tốt nghiệp của các thành viên

Chủ đề trong 'Công nghệ Sinh học' bởi Moony, 03/06/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Moony

    Moony Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/10/2001
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    0
    Kết hợp học hành và online: Đề tài tốt nghiệp của các thành viên

    Tôi đang nói về môn Genomics & Protemics mà dân CNSH Y Dược ở KHTN TP HCM vừa được học và chuẩn bị thi.
    Ý tưởng của tui là chúng ta sẽ tìm hiểu, làm rõ hay đơn giản chỉ post những gì chúng ta hiểu trong phần giáo trình của GS Schumann. Vì như các bạn thấy, mọi thứ rất ư là ... tùm lum, chỉ có hình vẽ và sơ đồ, tôi có tham vọng là chúng ta mỗi người một tay, hoàn thành chuyện chuyển sang tiếng Việt và giải thích thật dễ hiểu những vấn đề trong môn học như: heat shock protein, molecular chaperones, Role of tmRNA ...
    Mục đích trước là cho nhau nghe, để khỏi học bài mà cũng thi điểm cao, sau là để cho các cao thủ võ lâm đóng góp chỉnh sửa nếu chúng ta có gì sai hay lệch lạc về kiến thức.
    Còn sau nữa, nếu có thể, chúng ta sẽ in ra làm một quyển gối đầu giường sẵn giúp luôn tụi đàn em đáng thương CNSH2000 nào dại dột chui vào ngành CNSH Y Dược.
    Lời hiệu triệu:
    weirdhobbit, vo_niem, alright, paper-clip đâu ra đây mauuuuuu
    Moony đang chuẩn bị làm một bãi ý lộn một bài về molecular chaperones gọi là .. làm gương, hehe, vì mấy cái phần trước tui vì sự nghiệp đào tạo cao cả mà quên mình không đi học được.

    Thế nhé? Không bít cái này co khả thi không, huhu...



    Cuộc đời mới đẹp làm sao!



    Được moony sửa chữa / chuyển vào 14:09 ngày 03/06/2003

    Được Vo_niem sửa chữa / chuyển vào 02:15 ngày 14/07/2003
  2. ConCay

    ConCay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/02/2003
    Bài viết:
    950
    Đã được thích:
    0
    này cái cô Paper gì gì đó, cô đang suy nghĩ cái gì vậy chứ hả. Con rùa cụt đuôi đang bảo là la đang rặn đề tài lâu quá mà nó không ra, vì nó khô quá; thì tôi nói lại đúng kinh nghiệm của tôi thôi.
    Hồi đó, lúc tôi viết tiểu luận cũng vậy, mọi người hí hoáy viết, còn tôi thì bí rị, chả viết được chữ nào; đến nỗi thầy tôi phải chạy đi kiếm tôi, còn tôi thì chạy trốn ổng. Ấy vậy mà chỉ từ 6 giời tối hôm trước đến 6 giờ tối ngày hôm sau, tôi làm 1 hơi nguyên cuốn tiểu luận. Nó tuôn ào ào, tôi hứng không kịp. Dĩ nhiên, ngồi viết lách rất hao calori nen phải ăn rau củ quả chứ sao, vừa có nuớc, có khoáng, có vitamine mới đủ cung cấp cho cái cơ thể vốn đã ốm còn yếu của SV VN chứ.
    Vậy chứ cô đang nghĩ là tôi đang nói cái gì???
    Cô này nhé, hết xúi tôi .. bỏ người yêu để lo cho cái box này, rồi còn bảo tôi ăn nói thế này thế kia. Tôi đã kể cho bạn tôi nghe về cái "tội" của cô rồi đó, để trừng trị thích đáng, từ nay tôi sẽ gọi cô là paper_toilet (chứ không phải toilet_paper), nhớ đấy nhé.
    Góp ý về các bài viết của Proteomics va Genomics
    01- công việc này nên gác lại thông thả cho đến khi mấy vị rặn ra hết mấy cuốn tiểu luận của quý vị. nếu quý vị phải đi thi thì chừng nào thi? Nhắm có kịp một lúc mấy việc không??
    02- Quý vị nên sử dụng "vốn tự có" trước đi đã. Hiện quý vị đã xong phần TQTL của cuốn khoá luận, nên paste cái phần ấy lên đây cho mọi ngưới "loá mắt" một cái. Tôi biết ít nhất 4-5 quý vị cùng chung 1 "ổ" nên cứ thế lần luợt mà paster lên. Để khỏi mất công chên lấn giành giựt, tôi đề nghị nên xếp theo thứ tự ABC
    Moony
    paper-toilet
    Voniem
    Weird rùa cụt đuôi.
    Còn ai nữa thì từ từ chen vô. Mỗi bài nên cách nhau 5 ngày để mọi ngườii thong thả mà đọc. Người nào xong rồi thì lo cái Proteomics cũng chưa muộn
    Về cái Pr thì tôi thật sự ko biết quý vị học cái gì và muốn viết cái gì: nhưng cơ bản, quý vị là dân CNSH mà lại thiên về Y dược thí quý vị nên chú ý đến liên hệ giữa cấu trúc và chức năng, vì cấu trúc sai làm hư chức năng dẫn đến bệnh lý và do đó cần có phương pháp chữa trị, làm rõ mấy đó, bài viết sẽ đúng với trọng tâm hơn, dàn bài thì quý vị biết soạn mà phải ko!!
    Concay
  3. weirdhobbit

    weirdhobbit Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/05/2002
    Bài viết:
    165
    Đã được thích:
    0
    Ta lại tiếp tục bí rị nên lại mò vào đây,
    hehe, paper-clip sao cứ chọc concay hoài, người ta sợ người.. ấy của người ta muh, chứ bộ sợ người khác sao mà quê, bác concay hén!!!
    Ý kiến đưa phần TQTL lên đây của bác concay cũng hay đấy, với điều kiện ta đây hết bí hehe... nhưng không sao, nhờ trời mình sáng suốt lấy tên có chữ W, nhưng mà phần của mấy người đều được sửa chữa cận thận, qua hai ba con mắt soi mói cả rồi mới post lên đây, còn ta thì chết ta rồi... thôi kệ, thế thì phiền bác concay cứ soi mói kĩ kĩ tí dùm weird này hehe...
    Nhưng còn phần viết về P&G mà làm như bác concay thì chết tui, mục đích ở đây là làm sao tổng kết lại ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tọng vào đầu để đi thi đấy bác, viết như bác nói thì mò tài liệu trên net khùng luôn, đơn giản là vì bài của GS Schumann chỉ toàn về sinh học phân tử, hổng dính tí tẹo nào đến Y Dược cả ...
    Ta cũng có ý kiến nhé, nếu muốn đặt tên cho ta thì phải có xôi chè như paper-clip nói, ta có tên tuổi rõ ràng mà, mà dù có kêu theo hình thì kêu là rùa được rồi, sao lại bảo ta cụt đuôi chứ, ta có đuôi đấy, chỉ tại nhìn hình bị khuất thôi, đầy đủ mọi bộ phận của rùa đấy nhé, huh ta khoái được kêu rùa lật ngửa hơn, nghe nó thoải mái dễ sợ, chỉ tiếc chưa tìm ra hình, nhân dịp này ai có hình rùa lật ngửa dễ thương cho xin nhé, thanks!!!!
    Everything has two sides or more.
  4. Moony

    Moony Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/10/2001
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    0
    Bắt tay vào làm ngay bây giờ là được rùi đó bà con. Học hành đi, còn cái môn thi quái quỷ nữa là xong gòi, không còn được dịp đi thi đâu mấy em ơi

    Cuộc đời mới đẹp làm sao!

  5. Moony

    Moony Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/10/2001
    Bài viết:
    93
    Đã được thích:
    0
    Molecular chaperones
    1/ Được định nghĩa bởi khả năng bám tức thời vào những cấu trúc mất gấp khúc tự nhiên trên chuỗi polypeptide.
    2/ Tương tác tức thời này nhằm ngăn ngừa những tương tác protein-protein không mong muốn nhờ đó chống lại sự tạo thành những khối phân tử protein kết hợp mất hoạt tính.
    The problem of Protein folding
    Các domain của protein thường có hai đặc tính:
    -gấp khúc (folding) tính năng này thường được các nhà hoá sinh học quan tâm.
    -thể hiện chức năng của protein (functional) thường được các nhà sinh học di truyền quan tâm.
    Những phân tử polypeptide có gấp khúc thành nhiều domain phức tạp thì tự nó không thể gấp khúc hoàn toàn mà phải nhờ sự giúp đỡ của các molecular chaperone.
    Các phân tử protein có thời gian bán huỷ khác nhau, người ta đang tìm hiểu nhưng hầu hết đều cho rằng thời gian bán huỷ liên quan đến cấu trúc không gian. Trong kỹ thuật gene, khi cần kéo dài thời gian bán huỷ của protein, người ta lập mô hình, suy đoán và cái thiện thời gian. Thời gian tốn tại của protein còn phụ thuộc vào sự tổn thương gây ra từ bên ngoài, chủ yếu là oxi tự do (do chúng ta là những SV hiếu khí).
    Một chút về công trình của Christian B. Anfinsen (1916-1995) - người đoạt giải Nobel hoá học năm 1972.
    Đối tượng nghiên cứu : Rnase A (124 acid amin với 4 cầu nối disulfide).
    Kết quả nghiên cứu : tất cả thông tin cần cho một protein tự tạo thành cấu trúc không gian ba chiều của nó đã được mã hoá hoàn toàn trong trình tự acid amin của protein ấy.
    Quá trình thực hiện : (in vitro)
    -Biến tính Rnase A bằng muối, làm cho phần phân cực bị kéo ra ngoài, phần kị nước bị phơi ra ngoài f protein bị biến tính.
    -Loại bỏ muối, cho về điều kiện bình thường thì chuỗi polypeptide cuả protein đã bị biến tính sẽ thành lập lại cấu hình cũ và hoàn toàn có hoạt tính.
    Công trình này thực hiện in vitro với một loại protein duy nhất, trong khi in vivo thì có rất nhiều loại protein (goị là protein crowding). Sau này, người ta biết rằng folding còn được giúp đỡ với nhiều protein khác.
    Con đường folding cuả protein in vitro (sơ đồ có trong sách)
    -Từ dạng chưa gấp khúc (unfolded ) chuyển sang dạng trung gian gọn nhẹ hơn (còn gọi là quả cầu tan) rất nhanh, thời gian chỉ tính bằng msec.
    -Kế tiếp, từ dạng này sẽ chậm rãi chuyển sang một trong hai dạng bình thường hoặc dạng kết hợp với các protein khác mất hoạt tính.
    -Người ta dùng phân tử phát huỳnh quang ANS (anilino-naphthalene-8-sulfonate) để bám vào quả cầu tan, nhằm để chứng minh sự tồn tại của giai đoạn ngắn ngủi này.
    Sự kết tụ của những protein không gấp khúc tự nhiên là một phản ứng phụ của quá trình folding tại môi trường có nhiều protein khác trong tế bào. (xem sơ đồ tiếp theo)
    Làm sao để molecular chaperone có thể nhận biết được các protein không gấp khúc tự nhiên (non-native)?
    Chúng sẽ gắn với:
    - Những vùng kỵ nước được phô ra.
    - Sườn polypeptide.
    - Những cấu trúc bậc hai đặc hiệu.
    (còn tiếp)

    Cuộc đời mới đẹp làm sao!

    Được moony sửa chữa / chuyển vào 16:15 ngày 27/06/2003
  6. xanxan

    xanxan Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/06/2002
    Bài viết:
    623
    Đã được thích:
    0
    Molecular chaperone liên quan đến một hay nhiều trong số các quá trình sau:
    -Gấp khúc protein / ngăn chặn sự gấp khúc.
    -Tập hợp các cấu trúc có đa tiểu phần từ các tiểu phần đơn / làm rã các cấu trúc đa tiểu phần thành các tiểu phần.
    Molecular chaperone đầu tiên được mô tả là nucleoplasmin, protein này cần thiết để hình thành cấu trúc bậc 4 của nucleosome.
    Molecular chaperone được chia thành 2 loại:
    -foldase (ATP-dependent): liên quan đến folding và unfolding vì folding cần ATP.
    -holdase: bắt protein.
    Một chaperone chung ngăn chận sự kết tụ của emzyme citrate synthase (xem biểu đồ)
    Có hai loại chaperone:
    -nhận diện bất kỳ, không chuyên biệt.
    -có sự chuyên biệt trong nhận diện, thậm chí chỉ nhận diện một protein.
    Để chứng minh hoạt tính chaperone, người ta sử dụng enzyem citrate synthase, khi biến tính nó sẽ kết tụ với nhau làm cho độ đục tăng lên. Cho phân tử nào vào làm giảm sự kết tụ thì có thể kết luận phân tử này co hoạt tính chaperone. Nồng độ chaperone lớn nhất (e) giúp hỗn hợp protein hầu như không tăng độc đục.
    Một chaperone chung ngăn chận sự kết tụ do nhiệt của enzyme luciferase tại 43oC (xem biểu đồ)
    Protein ở dạng không gấp khúc tự nhiên có thể xuất hiện:-trong quá trình tổng hợp de novo
    -sau khi trải qua những stress hoá học và vật lý
    -như là một bản chất của vài phân tử protein không bền, có thời gian tồn tại chỉ vào khoảng từ 1 giây đến 1 phút.
    1. Foldase
    DnaK = hsp 70 (heat shock protein)
    DnaJ = hsp 40
    GroEL = hsp 60
    GroES = hsp 10
    1.1 The DnaK chaperone machine (tự xem)
    1.2 The GroE chaperonin machine (quan trọng nhất, tự xem)
    1.3 The Clp (caseinolytic protease) chaperones:

    Clp chaperone rất có tính bảo toàn ở cả prokaryote lẫn eukaryote và được xếp vào hai nhóm:
    -nhóm thuộc họ hsp100 bao gồm 2 domain đặc thù (ClpA, ClpB, ClpC, ClpD)
    -nhóm chỉ chứa một domain gắn ATP (ClpM, ClpN, ClpX, ClpY)
    Clp ATPase có thể thực hiện chức năng của một molecular chaperone ngăn ngừa các polypeptide khỏi gấp khúc sai và bị kết tụ:
    1/ ClpA hoạt hoá hoạt động gắn vào DNA của RepA (protein gắn vào trình tự khởi đầu sao chép ?"factorI ở E-coli) bằng cách chuyển dimer RepA thành các monomer.
    2/ ClpA ngăn ngừa sự bất hoạt do nhiệt của enzyme luciferase (của đom đóm)
    3/ ClpX làm tan rã khối phức Mu A-DNA
    4/ ClpX ngăn ngừa sự kết tụ của protein O
    5/ ClpX bảo vệ protein O khỏi kết tụ gây ra bởi nhiệt
    6/ ClpX có thể làm tan các khối kết tụ protein bị hình thành khi nhiệt độ cao
    1.4 The Hsp33 chaperone
    Hsp33 là loại chaperone duy nhất được điều hoà theo kiểu khử:
    1/ Ngăn chận sự kết tụ của protein bị tổn thương do nhiệt hoặc oxi hoá (cách này phụ thuộc vào ATP).
    2/ Có khả năng điều hoà lộn ngược hoạt động của chaperone bởi hoạt tính khử.
    3/ Hsp33 bị khử thì đơn phân và bất hoạt.
    4/ Chaperone được oxi hoá thì nhị phân và có chức năng.
    5/ Hoạt động chuyển đổi diễn ra bởi sự hình thành cầu disulfide có thể đảo ngược giữa hai cặp cystein vốn liên kết với một phân tử Zn (kẽm) khi ở trạng thái khử.
    Mời độc già đón xem tiếp kỳ sau: Holdase
    Được xanxan sửa chữa / chuyển vào 01:50 ngày 28/06/2003
  7. ConCay

    ConCay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/02/2003
    Bài viết:
    950
    Đã được thích:
    0
    đọc qua hai bài của moony và xanxan viết về chaperones tôi có vài lời nhận xét thế náy:
    01-có cảm giác đây là 1 cái lẩu thập cẩm, không hiểu nổi là các tác giả định viết cái gì: viết về chaperone hay vè sự gấp khúc folding của protein. Bài biết rồi rạc không liên kết, kiến thức thì chấp vá, câu cú ngữ nghĩa thì không ra làm sao, Việt không ra Việt, Anh không ra Anh.
    02- Nghĩa gốc của chữ chaperones là người phụ nữ lớn tuổi, bà di, bà cô, bà vú thường đi kèm theo các cô gái chưa đến tuổi trưởng thành để giúp đỡ các cô gái này cứng cáp khi tiếp xúc ngoài xã hội, do vậy mà chaperones trong sinh học cũng có sắc thái nghĩa tương tự với các cô gái là proteins.
    03- Như vậy để hiểu vai trò chức năng của chaperones phải hiểu được cơ chế của sự gấp khúc của protein, ở phần trên, moony có nhắc đến về sự gấp khúc, nhưng rất tiếc là chỉ có cái tiêu đề, còn nội dung của phần này thì chả có gì và càng đọc thì càng mù mờ.
    04- khi hiểu được sự gấp khúc của protein, mới thấy được vai trò của chaperones. Theo định nghĩa mà moony đưa ra thì tôi có cảm giác bắt kỳ cái gì có khả năng tức thời đều được gọi là chaperons. Vì định nghĩa không nói đến chủ thể nào bám lên chủ thể nào? Và đọc xong thì chẳng hiểu chaperones là các quỷ quái gì; nó là protein, lipid, glucid hay là phức hợp gì đây??Phần này thì tôi không bàn sâu vô nữa vì suýt chút nữa tôi nghĩ rằng nền khoa học thế giới bị thách thức nghiêm trọng vì cái định nghĩa này.
    05-Trước đây người ta cho rằng chaperones chì có vai trò trong sự trợ giúp cho quá trình gấp khúc của protein còn non (chưa trưởng thành) hay là các cấu trúc gấp khúc mất tự nhiên và chống sự ngưng tủa của proetin bất thường này. Thậm chí ngay cả The Cell viersion 4 cũng chỉ đưa ra định nghĩa này mà thôi. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng chaperones ngoài chức năng cổ điển trên, nó còn có những chức năng sau:
    - đóng vai trò như chất dấu hiệu hoạt hóa nhiều con đường tế bào;
    - có liên hệ với ubiquitin trong việc kích hoạt apoptosis.
    Do vậy, một định nghĩa mới về chaperones được đưa ra là:
    - đó là tập hợp các phân tử protein có liện hệ về mặt chức năng có độ bảo thủ cao và có mặt khắp nơi trong tế bào, chúng có khả năng nhận diện đặc hiệu với các protein có cấu trúc không gian không hoàn chỉnh..
    Như vậy định nghĩa này cho thấy chaperones không được xem là 1 lớp hay 1 họ protein mà chỉ là 1 tập hợp các protein có quan hệ về mặt chức năng. (không bàn sâu khi nào protein được xếp vô họ, khi nào thì không)
    kế đến phải thấy là chaperones phải là các phân tử có độ bảo tồn/bảo thủ cao, do nó có liên hệ mật thiết với các ubiquitins trong quá trình đồng tiến hóa.
    chaperones cũng như ubiquitin phải có mặt khắp mọi nơi của tế bào
    chaperones phải nhận diện đặc hiệu các protein không có cấu trúc không gian hoàn chỉnh, sự không hoàn chỉnh này có thể do chúng chưa trưởng thành nhưng cũng có thể chúng bị biến tính trong các quá trình sinh học (chủ yếu là shock nhiệt).
    Hơn nữa do chức năng của chaperones trãi rộng nên người ta không đề cập đến việc trợ sức để protein hoàn tất cấu trúc không gian mà tổng quát hóa lên rằng chaperones chỉ nhận diện đặc hiệu các proteins.
    Về sự phân loại chaperones, thường người ta phân chia theo khối lượng phân tử của các heat shock proteins, khi đó có 3 lớp chính: lớp Hsp90, Hsp70 và Hsps (small). Trong đó lớp Hsps mới được xếp vô sau này.
    Concay
    Được concay sửa chữa / chuyển vào 03:43 ngày 29/06/2003
  8. Vo_niem

    Vo_niem Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2003
    Bài viết:
    234
    Đã được thích:
    6
    Đây là phần tổng quan tiểu luận tốt nghiệp của Vo_niem. Vo_niem đưa lên đây để mọi người cùng tham khảo.
    --------------------------------------
    Mở đầu
    Hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng lại kháng sinh đã gây khó khăn trong việc điều trị các căn bệnh nhiễm khuẩn. Sự lạm dụng kháng sinh trong điều trị các căn bệnh nhiễm khuẩn đã góp phần vào sự gia tăng khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn, sự gia tăng này đã đến mức đáng báo động.
    Khoa học với những tiến bộ vượt bậc đã góp phần khám phá những cơ chế của sự kháng kháng sinh ở vi khuẩn. Dựa vào những hiểu biết về cơ chế của sự kháng kháng sinh, cùng với sự kết hợp của những kỹ thuật trong sinh học phân tử, chúng tôi thiết lập quy trình phát hiện vi khuẩn Streptococcus pneumoniae kháng kháng sinh penicillin dựa vào những đột biến trên gene mã hoá cho Penicillin Binding Protein 2B (pbp2b) bằng kỹ thuật PCR.
    Thành công của nghiên cứu sẽ đóng góp một phần vào việc chẩn đoán kịp thời vi khuẩn Streptococcus pneumoniae có khả năng kháng penicillin, giúp cho việc chữa trị bằng kháng sinh có hiệu quả hơn, điều này giúp hạn chế sự lạm dụng kháng sinh trong điều trị, giúp làm chậm sự gia tăng mức độ kháng ở vi khuẩn.
    ---------------------------------
    1. Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae và sự kháng kháng sinh
    1.1. Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae
    Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae là loại cầu khuẩn Gram dương, thường xếp thành từng đôi có hình ngọn giáo hay xếp thành chuỗi, có vỏ bằng polysaccharide. Streptococcus pneumoniae dễ bị ly giải bởi những chất hoạt động bề mặt.
    Hình 1: Vi khuẩn Streptococcuspneumoniae ​
    Khoảng 40 - 70% người khỏe mạnh có mang Streptococcus pneumoniae có độc lực, nhưng không bị bệnh là do màng nhầy của đường hô hấp có sức đề kháng rất lớn đối với Streptococcus pneumoniae. Khi màng nhầy bị nhiễm khuẩn trong tình trạng suy dinh dưỡng, thể trạng suy sụp? sức đề kháng của màng nhầy giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.
    Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn hiếu khí nhưng có thể mọc được ở tình trạng yếm khí và mọc dễ dàng ở điều kiện có 10% CO2. Nhiệt độ thích hợp là 37°C (đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ, dễ dàng bị tiêu diệt ở 55°C trong 20 phút), pH thích hợp là 7.2 - 7.6. Streptococcus pneumoniae khó mọc trên môi trường thông thường mà chỉ mọc trên môi trường có nhiều chất dinh dưỡng như BHI, thạch máu, chocolate agar. Trên môi trường thạch máu cho tiêu huyết alpha.
    Streptococcus pneumoniae thường trú ở đường hô hấp của con người, là nguyên nhân gây bệnh việm phổi cấp tính thông thường nhất trong cộng đồng và gây các bệnh như viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm khuẩn máu, viêm màng não?
    Streptococcus pneumoniae còn là một tác nhân gây bệnh chính đối với tất cả mọi lứa tuổi với mức độ hoành hành và tỉ lệ tử vong cao ở cả những nước phát triển và những nước đang phát triển. Trên thế giới, Streptococcus pneumoniae gây nên khoảng 20 triệu ca viêm phổi do cầu khuẩn và gây ra 75000 ca tử vong do viêm màng não. Có tổng cộng khoảng 1.125 triệu ca tử vong có nguyên nhân là do sự xâm nhiễm của Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pneumoniae cũng là nguyên nhân gây tử vong chiếm 9% số ca tử vong ở trẻ em trên thế giới.

    Được Vo_niem sửa chữa / chuyển vào 02:11 ngày 14/07/2003
  9. Vo_niem

    Vo_niem Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/04/2003
    Bài viết:
    234
    Đã được thích:
    6
    1.2. Cơ chế tác động của kháng sinh đối với vi khuẩn
    1.2.1. Cơ chế tác động của các loại kháng sinh
    Kháng sinh ban đầu là những chất hoá học được tạo ra bởi những loài vi sinh vật khác nhau (vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn), sự phát triển của ngành hoá dược học đã tạo ra một số lượng lớn các loại kháng sinh tổng hợp và bán tổng hợp nhân tạo. Kháng sinh có khả năng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn hoặc tiêu diệt chúng. Ngày nay, có hàng trăm loại kháng sinh đã được xác định và hơn 60 loại kháng sinh được sử dụng để điều trị những bệnh truyền nhiễm.
    Các kháng sinh khác nhau về tính chất vật lý, hoá học, về dược lý, phổ tác động và cơ chế tác động. Ða số kháng sinh có thành phần hoá học xác định, một số được tổng hợp hay bán tổng hợp. Có nhiều cách để phân loại kháng sinh, phổ biến nhất là phân loại dựa trên cấu trúc hoá học và dựa trên cơ chế tác động.
    - Các loại kháng sinh ức chế tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn. Nhóm này bao gồm các kháng sinh penicillin, cephalosporin, cycloserine, vancomycin, ristocetin và bacitracin.
    - Kháng sinh tác động trực tiếp lên màng tế bào bằng cách liên kết với sterol trên vách tế bào, làm ảnh hưởng đến tính thấm của màng tế bào và dẫn đến sự thất thoát một lượng lớn những hợp chất nội bào có trọng lượng phân tử thấp. Nhóm này bao gồm các kháng sinh có tính chất tẩy như colistimethate, nystatin, amphotericin B?
    - Các loại kháng sinh tác động đến chức năng của ribosome dẫn đến sự ức chế tổng hợp protein ở vi khuẩn như chloramphenicol, các aminoglycoside, macrolide?
    - Các loại kháng sinh ức chế sinh tổng hợp nucleic acid như nalidixic acid, rifampicin?
    - Các loại kháng sinh ức chế sự trao đổi chất như trimethoprim và sulphonamide.
    1.2.2. Cơ chế tác động của penicillin đối với vi khuẩn
    Penicillin là một trong những kháng sinh quan trọng nhất, được phát hiện một cách ngẫu nhiên vào năm 1928 bởi Alexander Flemming. Cấu trúc cơ bản của penicillin bao gồm một vòng thiazolidine nối với một vòng b-lactam được gắn với một nhánh bên khác nhau. Nhánh bên xác định tính đặc trưng và dược tính của từng loại penicillin cụ thể. Nhân penicillin có vai trò chính trong các tác động sinh học của kháng sinh này. Những biến đổi trong cấu trúc hoá học của nhân như cắt vòng b-lactam làm mất hoạt tính của penicillin.
    Penicillin tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ngăn cản sự tổng hợp vách peptidoglycan của tế bào. Những enzyme mục tiêu của kháng sinh penicillin là DD-transpeptidase (PBP). Các PBP có vai trò xúc tác phản ứng tạo phức chất acyl-D-alanyl-enzyme giữa acyl-D-alanyl-D-alanine với enzyme, bằng cách loại bỏ nhóm D-alanine. Phức chất này tác động với nhóm amine tự do trên chuỗi peptide để hình thành liên kết chéo giữa hai chuỗi peptide và giải phóng ra enzyme tự do. Nhờ đó mà vách peptidoglycan của vi khuẩn được tổng hợp.
    Penicillin có cấu trúc tương tự acyl-D-alanyl-D-alanine nên penicillin sẽ cạnh tranh với cơ chất trên để liên kết với enzyme. Penicillin tương tác với các PBP theo cơ chế acyl-enzyme, phản ứng này tạo thành một phức peniciloyl-enzyme có cấu trúc ổn định hơn phức acyl-D-alanyl-D-alanine và làm cho enzyme này không thể tiến hành chức năng tổng hợp vách tế bào. Không có vách, tế bào vi khuẩn dễ dàng bị vỡ ra làm cho vi khuẩn bị chết.
    Hình 2: D-alanyl-d-alanine và vòng beta-lactam và Penicillin .​

    Được Vo_niem sửa chữa / chuyển vào 01:05 ngày 15/07/2003
  10. ConCay

    ConCay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/02/2003
    Bài viết:
    950
    Đã được thích:
    0
    câu hỏi: Có mấy con đường hay cơ chế để kháng sinh xâm nhập vô tế bào VK; cơ chế diệt VK gram âm và gram dương của kháng sinh có giống nhau không? Có kháng sinh nào chỉ chuyên diệt gram âm và chuyên diệt gram dương không?
    Concay

Chia sẻ trang này