1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

"KHÔNG ĐỀ"

Chủ đề trong 'Văn học' bởi falling-rain, 28/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    "KHÔNG ĐỀ"

    Không Đề - Quang Dũng

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Những cây ổi thơm ngày ấy
    Và vầng hoa ngâu mưa thu
    Tóc anh đã thành mây trắng
    Mắt em dáng thời gian qua

    Ngày nay ngày nay
    Chuyện đẹp qua đi
    Thời gian gấp ruổi
    Còn lại chúng ta
    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp

    Ơi! Con đường xưa
    Những mùa trút lá
    Cành bàng mồ côi
    Cổng cũ rêu phong
    Ý đợi người

    Ơi! Con đường xưa
    Men vườn ổi thơm
    Em tuổi hai mươi
    Yêu anh hào hiệp

    Bỏ em anh đi
    Đường hai mươi năm
    Dài bao chia ly
    Có những vợ chồng

    Không là trăm năm
    Mà tình thương yêu
    .....

    Sông ơi! Dài sao
    Rộng ơi! Biển cả
    Thôi em nước mắt
    Đừng rơi lã chã!

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp

    1970






    FR
  2. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Mùa xanh xưa
    Văn Ngọc
    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa...

    (Không đề, thơ Quang Dũng, 1970)

    Vào những ngày trước Tết năm nay, một hôm tôi bỗng nhận được một bao thư khá dày của anh Vũ, anh ruột tôi, gửi đến qua đường bưu điện. Mở ra xem, thì thấy đó là một xấp thư đã cũ nát, cùng với một số hình ảnh kỷ niệm. Những bức thư giấy đã úa vàng ở các cạnh góc, nhưng chữ viết vẫn còn rõ nét, mực vẫn còn tươi một một màu xanh lá cây non. Tôi nhận ra đó là những bức thư của cô Loan gửi cho anh Vũ đã từ mấy chục năm nay, từ những năm tháng xa xưa : 1948, 1949,... 1977... Kèm trong xấp thư có mấy chữ của anh viết cho tôi như sau :
    " Anh gửi cho N. một chút kỷ niệm mà anh vẫn gìn giữ từ 50 năm nay.
    Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
    Tình mười năm còn lại chút này thôi
    Lá thư xưa màu mực đã phai rồi...
    (Lá thư ngày trước, thơ Vũ Hoàng Chương)
    Anh chỉ tiếc khi về Sài Gòn không được gặp lại Loan một lần cuối.
    Nhưng biết đâu cũng là cái may mắn được giữ lại những nhớ thương ngày xưa cũ.
    Anh,

    T.B./ Thư nào Loan cũng hỏi thăm N. "
    Cô Loan mới mất cách đây vài năm. Mãi đến gần đây, anh Vũ mới cho tôi biết. Gần 50 năm không được nhìn thấy mặt nhau, bẵng đi gần 20 năm không được tin tức gì của nhau, năm 1998, khi anh về đến Sài Gòn, thì cô Loan đã ra người thiên cổ.
    Tôi không biết anh Vũ, người trong cuộc, đã có phản ứng ra sao, khi nghe tin người yêu cũ qua đời ? Riêng tôi, cảm thấy một nỗi buồn tràn ngập tâm hồn, mặc dầu tôi chỉ là một nhân chứng, một người ngoài cuộc.
    Bao nhiêu kỷ niệm về cô Loan, về anh Vũ, về cái thời còn trẻ ở quê nhà, bỗng nhiên lại như sống lại trong tôi.
    Tôi bỗng nhớ lại nụ cười và khuôn mặt của người con gái ấy, với đôi má lúm đồng tiền, đôi môi khêu gợi, đôi mắt lá liễu lẳng lơ. Nhớ lại bóng dáng của nàng trong cửa hàng của mẹ ở phố Hàng Đào, hay thấp thoáng trong vườn cây nhà cô Khang dưới Thái Hà ấp... Nhớ lại những buổi chiều ở làng Bông, trên đê Yên Lệnh (Hưng Yên), bên rặng nhãn um tùm trĩu quả, bốn người chúng tôi, anh Vũ, cô Loan, chị Thanh và tôi, ngồi bên nhau, nhìn trời cao ***g lộng trên đầu, và mơ hồ cảm thấy mình đang sống những giờ phút sung sướng nhất trên đời, vì được gần bên nhau...
    ở vào cái tuổi thiếu niên mới lớn lên ngày ấy, tôi vẫn thường dễ bị rung động trước sắc đẹp của những người phụ nữ mà mình có cái may mắn được giáp mặt, hoặc được chiêm ngưỡng từ xa. Hà Nội thời nào hình như cũng có nhiều cô gái có nhan sắc, ở mọi lứa tuổi, mỗi phố đều có ít nhất một người đẹp. Bọn học sinh trường Chu Văn An chúng tôi, những giờ đi bát phố, đều kiểm kê hết : nào phố Hàng Đường có ai, Hàng Bạc có ai, trên Quan Thánh có ai, v.v. Cô Loan phố Hàng Đào là một trong những người đẹp ấy, nhưng lại không được bọn thiếu niên cỡ chúng tôi xếp hạng và để ý đến, có lẽ vì cô lớn hơn bọn này vài tuổi chăng ? Riêng tôi, vẫn thầm lấy làm hãnh diện, vì một trong những hoa khôi của Hà Nội ngày ấy lại là người yêu của anh tôi, và đương nhiên là tôi thầm cầu nguyện cho mối tình giữa hai người.
    Anh Vũ và cô Loan gặp nhau lần đầu tiên ở chợ Bông và yêu nhau từ dạo ấy. Đó là vào khoảng giữa năm 1947. Lúc bấy giờ, họ ngoại tôi tản cư về quê ở làng Bông, gia đình cô Loan cũng là người làng Bông, và cũng chạy về đây. Nhà cô Loan có cửa hàng tơ lụa trên phố Hàng Đào. Tản cư về đây, cô cũng giúp mẹ mang hàng ra chợ Bông bán. Anh Vũ tình cờ từ Hà Nam sang thăm họ hàng bên ngoại, ra chợ Bông gặp cô, thế là hai người mê nhau. Từ đấy trở đi, cứ thỉnh thoảng, hai ba tuần một lần, chàng lại xách ba-lô cuốc bộ sang Hưng Yên, nói là để sang thăm bà ngoại, nhưng kỳ thực là để sang gặp nàng.
    Làng Bông cách Dũng Kim chừng 30 cây số, và phải qua hai lần đò, nên sang bên ấy cũng mất hơn nửa ngày đường. Nhưng khi người ta yêu, thì đâu còn ngại gì đường xa nữa ! Anh Vũ thèm được gặp cô Loan, thèm được nghe nàng nói, được thấy nàng cười, được cảm nhận trong ánh mắt của nàng cả một thế giới yêu đương, trìu mến. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc vì yêu và đã được yêu - một tình yêu trong trắng và hồn nhiên. Có một lần hai người đi xe đạp chơi trên đê, gặp chỗ dốc hơi cao (dốc Lã), anh phải cầm tay kéo nàng lên đến mặt đê. Đây là lần đầu tiên anh hồi hộp được giữ tay nàng trong tay mình. Giây phút này anh không thể nào quên được. Xa xa có tiếng chim tu hú báo mùa nhãn chín. Mây lờ lững trôi trên nền trời xanh thẳm...
    Anh Vũ lúc đó mới 18 tuổi, nhưng thời đó các cậu trai Hà Nội 17, 18 tuổi đã dày dạn lắm rồi. Là tự vệ thành, anh đã ở lại chiến đấu đến sau Tết mới rút lui ra khỏi thủ đô. Sau khi được " giải ngũ " để về với gia đình, vì bố tôi cũng đã già, anh về ngay quê nội Dũng Kim (Hà Nam). Thấy ở đây chẳng làm được việc gì, mà tiền ăn thì sắp cạn, vì gia đình không lo liệu chạy đi từ trước, nên chẳng thể sống lâu dài ở đất quê này được, mặc dầu bố tôi vẫn còn một ít ruộng. Thoạt tiên, anh xin phép bố tôi cho đi buôn nứa, lên tận Hoà Bình mua nứa của những người Mường, người Thổ, rồi đóng bè, xuôi về dưới này bán lại cho các lái buôn ở ngoài sông Hồng. Nhưng đi buôn nứa, lời lãi không được bao nhiêu, mà lại khá cực nhọc, rốt cục chuyện này cũng bỏ. Anh lại xin cho lên Đồng Quan, Vân Đình, Cống Thần, Chợ Đại, v.v. Bố tôi cũng muốn cho anh đi đây đi đó, cốt để thăm dò tin tức. Cụ chỉ muốn về lại thành phố, chứ ở mãi đây thì biết làm gì ? ăn không ngồi rồi, khéo rồi chết đói cả lũ, cụ thường bảo thế. Bởi vậy mà những chuyến đi sang Hưng Yên của anh Vũ cũng là với mục đích thăm dò đường về ! Mà quả thật là như thế : sau này, chúng tôi đã phải từ Dũng Kim đi bộ sang Hưng Yên, rồi lấy đò dọc dinh tê về Hà Nội.
    Gia đình cô Loan cũng đã trở về thành. Nhưng oái oăm thay, anh Vũ lại không về được Hà Nội, mà đã phải lưu lạc ra đến tận Hải Phòng ! ở đây, lạ nước lạ cái, may gặp được bạn tốt tìm ngay cho chỗ ở và việc làm. Anh Vũ vốn có khiếu về vẽ - trước tác chiến anh đang theo học trường Mỹ thuật - nên kiếm được ngay một chân phó vẽ ở cảng, lương lậu không được là bao nhiêu, chỉ đủ để trả tiền trọ và tiền cơm hai bữa ở nhà một người bạn cùng sở. Ngủ thì tối tối phải hạ một cái cánh cửa xuống kê làm phản. Nhà chật chội đến mức không có chỗ để tiếp khách.
    Cô Loan giúp mẹ buôn bán, thỉnh thoảng cũng được đi đây đi đó để chào hàng, hay đưa hàng. lâu lâu cô cũng tìm cách xuống Hải Phòng, mỗi lần nàng xuống thăm chàng, hai người không có được lấy một chỗ để ngồi, cứ phải gặp nhau ở ngoài đường, ngoài phố. Chàng thỉnh thoảng lại còn bị lên cơn sốt rét ngã nước, người cứ run lên bần bật. Có lần nàng tới, gặp lúc chàng đang lên cơn sốt rét, cứ phải ngồi xuống cạnh giường mà nói chuyện. Đủ biết hồi ấy anh Vũ bị mặc cảm như thế nào ! Suy đi tính lại, anh thấy mình thiếu đủ mọi điều kiện vật chất để có thể tính chuyện lập gia đình với cô Loan. Kịp đến khi người ta đến hỏi cô Loan, thì anh hoàn toàn bị động.
    Và quả nhiên, bức thư của cô Loan gửi từ Hà Nội xuống Hải Phòng, đề ngày 8-12-1948, báo cái tin dữ dội ấy :
    "Vũ thân yêu,
    Loan rất lấy làm buồn khi báo tin này để Vũ biết. Hôm ở Hà Nội, (Anh Vũ có lên Hà Nội gặp cô Loan một hai lần) Loan đã nói chuyện với Vũ rằng hiện giờ có một người đang hỏi Loan. Thật Loan không ngờ họ tấn công mạnh, đến nỗi các cụ nhà Loan lại bằng lòng mới chết. Loan đã viện nhiều lý mà cụ không nghe... Cậu mợ Loan biết hết cả chuyện Loan và Vũ, nên lại càng muốn tống cổ đi. Hôm ấy Loan đã phải đòn một trận nên thân. Ngày hôm sau, tức là ngày mồng 5-12-48, người ta đến chạm ngõ, và người ta định 12 này sẽ ăn hỏi Loan, 20 thì cưới. Thôi thế là Loan đã phải bước sang ngang với bao nỗi buồn trong dạ... Còn nhiều chuyện nữa Loan không tiện nói ra, nếu Vũ muốn biết, cứ lên hỏi Khang, Khang sẽ nói chuyện để Vũ hiểu Loan, chứ không phải Loan đã ham người ta giàu hay đẹp giai hơn Vũ đâu, Vũ xét cho Loan một tị, Loan không phải là người bạc xưa nay, mà chỉ vì gia đình...Thôi Loan khuyên Vũ vì chuyện đã xảy ra như thế rồi, Vũ có buồn cũng vô ích. Vũ sẽ vui vẻ lên, và Loan chúc Vũ lúc nào cũng mạnh khoẻ luôn luôn.
    Loan
    Thật khó mà hình dung được nỗi đau khổ và tuyệt vọng của anh Vũ khi nhận được bức thư này.
    Mãi gần đây, có dịp gặp nhau, tôi hỏi lại, anh mới thổ lộ : Lúc ấy, cái tin như sét đánh, anh thấy như cả thế giới quanh mình sụp đổ, thấy oán hận, thù ghét lũ người có óc gia trưởng thô bạo, với lối suy nghĩ cũ mòn, lạc hậu, đã dập nát hạnh phúc của con cái. Không khi nào tình yêu lại có thể nảy sinh từ sự bức ép và sắp xếp dù cho có đầy thiện chí của người khác, dù cho những người ấy là cha mẹ !
    Nhưng anh cũng thú thực : ngày ấy anh đã rất lúng túng : mới 19 tuổi đầu, kiếm miếng ăn nuôi miệng còn chưa xong, đâu còn dám nghĩ gì đến chuyện vợ con. Quả tình là anh đã không biết xoay xở ra làm sao cả ! ở Hải Phòng hồi ấy, anh lại chỉ có độc một thân một mình...
    Cái cảnh duyên phận lỡ làng của các lứa đôi ngày trước lại như hiện ra trong đầu óc tôi :
    " ... Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh không hỏi những ngày còn không... ? "
    (Ca dao)
    Mấy dòng anh Vũ gửi cho tôi, kèm theo xấp thư, như để giãi bày một tâm sự, song thoạt đầu tôi không đoán ra được cái ẩn ý của anh : tại sao anh lại gửi cho tôi đọc những bức thư đó ? Có khi anh chẳng có ẩn ý nào cũng nên, mà chỉ gửi cho tôi đọc chơi vậy thôi, để chia sẻ với anh một nỗi nuối tiếc, để gợi nhớ lại một kỷ niệm chung, một mối tình đẹp thời tuổi trẻ, mà anh vẫn muốn giữ nguyên vẹn hình ảnh trong trái tim từ 50 năm nay ?
    Câu thơ của Vũ Hoàng Chương :
    " Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp "
    thật là đẹp ! Chỉ có câu chữ của các nhà thi sĩ mới nói lên được những tình cảm thật tế nhị của con người, có lẽ vì họ cảm nhận được một cách sâu xa nỗi đau khổ của chính họ và của người khác ?
    Song, yêu và được yêu như anh Vũ và cô Loan ngày ấy, ở cái giai đoạn đẹp nhất của tình yêu, và của đời mình, là tuyệt vời rồi còn gì nữa ? Sao anh Vũ lại có thể nghĩ rằng mình đã sai lỡ nhỉ ?
    Có sai lỡ chăng là sau này, mãi nhiều năm sau này.. Mà ai sai lỡ ? Chàng hay nàng ? Hay cả hai ? Điều đó khó mà biết được.
    Dẫu sao câu thơ cũng nói lên được hộ cho anh một nỗi niềm nuối tiếc, một nỗi ân hận nào đó.
    Anh gửi cho tôi xấp thư, có lẽ cũng muốn cho tôi làm chứng nhân cho đến cùng cuộc tình duyên lỡ dở giữa anh và cô Loan chăng ?
    Quả là tôi chưa bao giờ biết một cách chi tiết những tình cảm thầm kín giữa hai người. Làm sao mà biết được ? Cách đây đã lâu lắm, hồi anh Vũ lập gia đình ở bên này, anh có trao cho tôi một cuốn album, nhờ cất giữ hộ, để tránh mọi sự hiểu lầm của vợ con. Tôi vẫn giấu kỹ cuốn album ở một nơi kín đáo. Những điều bí mật trong cuốn album đó, chỉ có anh và tôi biết thôi. Thực ra thì cũng chẳng có gì : dăm ba tấm hình của cô Loan, chụp riêng và chụp chung với mấy cô bạn gái ở Hà Nội và ở dưới Thái Hà ấp vào những năm 48-49, một vài bức thư, một vài bài báo Hà thành nói về vụ đám cưới mất cô dâu, vài trang lịch cũ, v.v. Tôi cũng hơi lấy làm lạ, là tại sao không có được lấy một cái hình nào có cô Loan và anh Vũ chụp chung, ít ra là ở Thái Hà ấp, nơi cô Khang, bạn thân của cô Loan ở, và cũng là chỗ thân thuộc, họ hàng. Thái Hà ấp là một thứ quê ngoại thứ hai của chúng tôi, vì đã từ lâu một bộ phận của họ ngoại tôi đã rời làng Bông lên định cư ở đây. Nhà cô Khang và nhà bà ngoại tôi chỉ cách nhau có một cái hồ sen. Có một lần, nóng lòng gặp nhau quá, anh Vũ đã phải kín đáo lên Hà Nội để gặp cô Loan. Liệu khi đó hai người có rủ nhau xuống đây chơi không, chỉ biết rằng dạo ấy cô Loan hay xuống đây tâm sự với cô Khang...
    Cô Loan là mối tình đầu của anh Vũ, và có lẽ là mối tình duy nhất đã ghi khắc vào đời anh.
    Từ cái ngày không lấy được cô Loan, hay đúng hơn, là vì cô Loan bị bố mẹ bắt ép đi lấy người khác, mà lúc đó anh còn trẻ quá không làm gì để cứu vãn được tình thế, anh đã phải rời bỏ quê nhà ra đi, lòng đầy hoài bão, nhưng cũng đầy sầu muộn... Bây giờ, đã qua hai đời vợ, nhưng cuộc sống tình cảm của anh vẫn như thiếu thốn một cái gì không thể nào bù đắp được. Anh không nói ra, nhưng tôi biết. Cái thiếu thốn nhất đối với anh vẫn là tất cả những cái gì gợi nhớ đến quê hương, đến những kỷ niệm xưa cũ, đôi khi ngay cả đến những cái nho nhỏ trong đời sống thường ngày, như một món ăn, một tiếng rao trên đường phố, một điệu nhạc, hay một bài hát. Anh thích nghe những điệu dân ca, những bài hát của Phó Đức Phương, thích đọc thơ Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, v.v. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, chứ bây giờ anh không còn là chàng trai tơ lãng mạn ngày trước nữa. Bước đường nghề nghiệp gian truân, vất vả, từ lúc ra đi, cách đây đã năm chục năm, cuộc sống vật lộn hàng ngày trong cái xã hội đầy cạnh tranh này, đã làm cho anh trở nên một con người thiết thực, thậm chí cứng rắn. Cái con người tình cảm ở trong anh thỉnh thoảng lắm mới có dịp bộc lộ, những khi anh và tôi, hai anh em gặp nhau, nói chuyện quê nhà và nhắc lại những kỷ niệm cũ.
    Câu chuyện giữa anh Vũ và cô Loan, ngày đó ở Hà Nội có lẽ ai cũng biết. Cô Loan, một cô gái đẹp nổi tiếng ở phố Hàng Đào, yêu một chàng trai (chàng trai đó là anh Vũ), mà rồi lại bị bố mẹ ép gả cho một người khác (một cậu sinh viên vừa mới đỗ xong tú tài). Đến ngày cưới, cô dâu trốn biệt. Người ta chia nhau đi tìm khắp mọi nơi, tra hỏi khắp hết cả các bạn bè, thân thuộc, mà vẫn không tìm thấy cô dâu đâu. Mười ngày sau, mới biết được là cô dâu đã vào lánh tạm ở trong nhà dòng Chúa cứu thế Nam Đồng. Sự kiện khá độc đáo và hiếm hoi này đã là một dịp để cho báo chí Hà thành ngày ấy quậy lên lắm chuyện, và bà con hàng phố có thêm một giai thoại để bàn tán.
    Nhưng đấy chỉ là chuyện nhìn từ bên ngoài vào, người ngoài cuộc chỉ thấy được có bấy nhiêu thôi. Thực ra, câu chuyện không đơn giản như vậy. Nó không phải là một câu chuyện tình lãng mạn thời Tự Lực Văn Đoàn, hay thời cô Phượng Trinh trong Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn. Thực ra thì thời điểm của nó cũng không xa gì thời điểm của Tự Lực Văn Đoàn, hay của Hoa Vông Vang là bao nhiêu. Chỉ cách nhau có một cuộc cách mạng và một hai năm toàn quốc kháng chiến ! Song, cái khuôn phép lễ giáo phong kiến kia vẫn hãy còn đó, và những chuyện như : bố mẹ ép gả con cái, hay không cho phép con trai con gái gần nhau để làm quen với nhau, hoặc coi trọng người giàu sang, có bằng cấp, khinh rẻ người chưa có danh phận, v.v. vẫn hãy còn đó, mặc dầu trên thực tế, quan hệ nam nữ đã bắt đầu được cởi nới, từ Cách mạng tháng Tám trở đi, với những hình thức sinh hoạt, những ngày hội lớn đầy sức lôi cuốn và đầy chất lãng mạn, cho phép trai gái tiếp xúc, gần gũi với nhau hơn, như : Tuần Lễ Vàng, Tết Trung Thu 46 ở hồ Hoàn Kiếm, Kỷ niệm Một năm Cách mạng tháng Tám ở ấu trĩ viên, v.v.
    FR
  3. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Do đó, tình yêu đôi lứa trong trường hợp của anh Vũ và của cô Loan vào những năm 47-48, cũng đã mang dáng vẻ của một mối tình khá tự do rồi. Nó được bộc lộ một cách mạnh dạn, thẳng thắn, đồng thời cũng hồn nhiên và trẻ trung hơn là những mối tình của các đôi lứa thế hệ trước. Những con người như anh Vũ và cô Loan không còn giống như những nhân vật tiểu thuyết nữa, mà là những con người bằng xương bằng thịt, yêu nhau không phải trong mộng tưởng, hoặc trong sự nhàn rỗi, mà trong những tình huống có thật, đôi khi nghiệt ngã, của đời sống thực tế.
    Một năm sau ngày cưới, (lúc này anh Vũ đã đi Pháp), cô Loan lại bỏ nhà ra đi hơn một tháng. Cả gia đình nhà chồng lại nhốn nháo đi tìm. Một anh bạn nối khố của anh Vũ từ Hà Nội viết thư sang kể :
    " Loan đã bỏ nhà ra đi được hơn nửa tháng nay. Bao công tìm kiếm mà vẫn biệt tăm. Tao ở giữa bị hai đứa thằng anh và thằng chồng giày vò hăng quá. Chúng nó nêu ra bao nhiêu giả thuyết nhất định buộc tao giấu em chúng nó. Lần đầu tiên tao phải giao thiệp với chúng nó bằng những giọng quyết liệt. Lập trường của tao rất vững, kém thế có lẽ bỏ xác rồi ! Ôi ba hồn chín vía (xin lỗi anh) con Loan ở đâu thì về để gỡ cho tao. Nếu nó không về, có lẽ tao chẳng dám đi qua phố Hàng Đào nữa ! "
    Tôi mở xấp thư kiểm lại một lần nữa. Lại lấy thêm cuốn album cũ ra để đối chiếu. Không có thư nào trước 75, từ phía cô Loan, cũng như từ phía anh Vũ. Tôi vẫn biết, sau năm 49, cả hai người đều bước vào một đoạn đời khác. Đến năm 54, cô Loan và gia đình lại di cư vào Nam. Lại một cuộc đổi đời khác. Rồi những đứa con tiếp theo nhau ra đời... Rôì chiến tranh... Anh Vũ ở bên này cũng long đong vất vả, bận bịu với miếng sống, rồi cũng lập gia đình, có con cái... Trong khoảng thời gian này, anh Vũ mất hẳn liên lạc với cô Loan, không biết địa chỉ cô ở đâu nữa. Nghe nói cô không di cư vào ngay Sài Gòn, mà lại vào Nha Trang sống một ít năm. Những người trước kia giúp anh làm trung gian, như chị Thanh, hay những người bạn trai ở miền Bắc, nay cũng sống trong những điều kiện eo hẹp thiếu thốn, không làm gì được. Vả chăng họ cũng không thể nào giúp gì được nữa, đất nước lúc đó đã bị chia đôi.
    Nhưng không lẽ mãi đến năm 1977 cô Loan mới nhận được lá thư đầu tiên (?) của anh Vũ đề ngày 1-8-1975, gửi qua chị Thanh, một người chị họ ở miền Bắc ? Về phía cô Loan, từ những năm 50 trở đi, cô có gửi thư nào cho anh Vũ không ? Điều đó, bây giờ cũng khó mà biết được. Thôi thì cứ cho rằng thời kỳ từ 1950 đến 1975 là không kể.
    Chỉ biết rằng, bức thư đầu tiên của cô Loan, bắt lại liên lạc với anh Vũ, đề ngày 21-1-1977, và sau đó hai người có viết thư đều cho nhau trong gần một năm. Song bắt đầu từ tháng 11-1977 trở đi, thì thư từ thưa thớt hẳn, về phía anh Vũ. Bức thư cuối cùng của cô Loan đề ngày 6-11-1980, trách :
    " Đã gần 3 năm nay rồi, Loan không nhận được thư nào của Vũ cả, không biết vì lý do gì. Nay ở đây nhà nước cho phép gọi điện thoại để nói chuyện với gia đình bà con, vậy Loan viết thư sang để Vũ cho Loan số tél. để Loan có thể nói chuyện với Vũ, Vũ có bằng lòng không ? Giờ đây Loan ở với thày mẹ. Vậy Vũ còn nhớ tới bạn, thì có thể cứ viết thư thẳng về đây, không có chuyện gì trở ngại cả. Loan có quen nhiều người ở Pháp, nghỉ hè vừa rồi họ về đây, có một cô tên là Ng., Loan cũng có nhờ cô ấy về bên ấy nếu gặp Vũ, chuyển lời hỏi thăm Vũ hộ Loan. Vậy Vũ có gặp cô Ng. không ?.. "
    Đến lễ Giáng sinh năm 1982, cô Loan còn gửi một tấm thiệp chúc mừng và cho anh Vũ biết là tất cả gia đình bố mẹ, anh chị em của cô đã sang cả Mỹ, và rất có thể gia đình cô cũng sẽ sang đó, chỉ chờ được bảo lãnh.
    Tôi điện thoại hỏi anh Vũ về các chi tiết này, thì anh trả lời rằng chính anh đã ngừng viết về cho cô Loan ngay từ cuối năm 1977, vì hồi ấy anh đang gặp khó khăn trong công việc làm ăn ở đây, lại vừa mới xây dựng lại gia đình sau một chuyến đổ vỡ. Vả lại, trong đáy lòng, anh vẫn chỉ muốn nâng niu những kỷ niệm đẹp của mối tình ngày trước mà thôi, còn chuyện kéo dài quan hệ, không phải chỉ với cô Loan, mà còn cả với gia đình con cái cô ấy nữa, anh thấy nó cũng không đi đến đâu. Và anh đã phải chọn lựa.
    Tôi không thể nào trách anh, nhưng cũng không thể nào không hình dung sự đau khổ của cô Loan trong bao nhiêu năm trời : từ 1949 đến 1977, tổng cộng 28 năm ; nối lại được liên lạc trong 2, 3 năm, rồi lại biệt tin tức của nhau gần 20 năm nữa, cho đến ngày cô mất.
    Trong bức thư đề ngày 6-4-1977, cô Loan viết :
    "... Vũ ơi, thư của anh viết cho em qua những dòng chữ thân yêu, đã 30 năm rồi em mới lại được nhìn thấy, như một liều thuốc hồi sinh, tim em lại nóng bỏng, tình yêu ở đâu lại tới rào rạt, những kỷ niệm đã qua lại vừa như ở trước mặt, tưởng như mới ngày hôm qua. ở đây em mới vừa xem vở kịch Lá Sầu Riêng của Kim Cương đóng Trong Lá Sầu Riêng, tình yêu chỉ có 20 năm, mà chúng mình tới 30 năm, như thế là mình chiếm kỷ lục rồi đấy... "
    Trong thư đề ngày 8-5-1977, cô lại viết :
    " ... Em chắc thế nào giờ phút này anh cũng nhận được quà của em, quà của em là ô mai, thứ hương vị của tình yêu, ngọt là khi ta thấy yêu nhau, còn chua là ta xa nhau, cay là ta ghen nhau, phải không anh ? Vũ ạ, anh phải gặp C.T. và nhớ bế con bé của C.T., trước khi đi em đã hôn vào má phải của nó để qua Pháp anh sẽ tới hôn vào má bé tức là anh hôn em đó. Mới đây em Dung ở Bắc vào, lần này là lần thứ ba sau hai năm giải phóng, chị Thanh có gửi cho Dung cầm vào cho em lá thư của anh viết vào ngày 1-8-1975, làm em đọc thư anh em bồi hồi xúc động quá, tình yêu lại đến với em. Tim em bốc cháy còn hơn thời kỳ con gái nữa, nhiều đêm không ngủ được vì câu anh viết " đã lâu rồi em vẫn của anh "...
    Vũ còn nhớ lần hai chúng mình đi từ bờ hồ Hoàn Kiếm, trời mưa lất phất, rồi đi bộ xuống phố Huế, rồi các phố nữa. Loan cũng không nhớ là Vũ đã nói gì với Loan. Thật ra thì chúng mình đã yêu nhau từ năm đi tản cư ở quê Bông cơ, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà ta xa nhau ? Loan thì cho là lỗi tại Vũ hết. Giá Vũ cứ đến nói sự thật cho ba má Loan biết thì đâu đến nỗi, để bây giờ chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông, biết bao giờ mới gặp lại nhau, mà có gặp nhau thì người nào cũng có gia đình cả rồi, thôi thì đành chờ kiếp sau vậy..."
    Cô Loan viết những dòng thư trên vào năm 1977, lúc đó cô đã 47 tuổi, đã có 3, 4 đứa con ở tuổi trưởng thành cả rồi, và tóc chắc cũng đã bắt đầu bạc ! Vậy mà lời lẽ còn trẻ trung, như thời con gái ! Đọc những bức thư, tôi cứ ngỡ là mình mơ. Hay là chính những người trong cuộc mơ cũng nên ! Họ tưởng là họ còn trẻ lắm chăng ? Hay là tình yêu đã cho họ một nghị lực mới, một nguồn cảm hứng mới ? Hay là tình yêu bỗng lại đem đến cho họ những đau khổ, dằn vặt của những ngày mới yêu ? Người ta thường cho rằng cao điểm của tình yêu là lúc người ta yêu nhau đến mức đau khổ, có phải thế chăng ?
    Tình yêu, ôi tình yêu ! Hoạ chăng chỉ có mi mới chống lại được sức tàn phá của thời gian ? Chỉ có mi mới cho phép nhà thi sĩ nói được câu :
    Em mãi là hai mươi tuổi,
    Ta mãi là mùa xanh xưa !

    Một ngày nào đó, tâm sự cùng tôi, chắc anh Vũ sẽ nói : Ngày ấy đã qua đi với năm tháng, mối tình đầu đã trao cho nhau với tất cả sự thơ ngây, trong trắng, với tất cả ước mơ, đam mê, của thời tuổi trẻ. Dù cuộc sống có làm cho anh thay đổi đi nữa, thì hình ảnh của Loan vẫn mãi mãi theo anh. Trước kia, bây giờ, và quãng đời còn lại, Loan vẫn là Loan của anh năm xưa.
    FR
  4. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    ONGA BECGÔN (1910-1957)
    Không Ðề
    Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ
    Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ
    "Ngôi sao cháy bùng trên sông Nhêva
    Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà"
    Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn
    Em mới hiểu bấy giờ anh có lý
    Chuyện cũ xa rồi, mình cũng xa cách thế
    Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa.
    Lớp trẻ lớn lên giờ lại hát theo ta
    Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước
    Vẫn sông Nhêva những chiều sánh bước
    Nhưng nghĩ cho cùng họ có lỗi đâu anh?

    Bằng Việt dịch
    FR
    Được falling-rain sửa chữa / chuyển vào 00:08 ngày 31/12/2002
  5. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Không Đề - Tuệ Sỹ

    Bờ bến lạ chút tư tình với bóng
    Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm
    Nào đâu nữa tóc em như gió cuốn
    Người ra đi tâm sự với hoàng hôn
    Tượng đồng tạc bóng cô liêu
    Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi
    Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
    Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
    Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn
    Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ
    Một lần định như sao ngàn đã định
    Lại một lần nông nổi vết sa cơ
    Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tỉnh
    Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
    Để sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
    Để mắt mù nhìn lại cuối không hư
    Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
    Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
    Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
    Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa


    FR
  6. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Không Đề - Xuân Quỳnh
    Sắc lá phong rực vàng lên lần cuối
    Trái mùa thu chín vội trước khi xa
    Như ngọn đèn lửa bùng lên rực rỡ
    ánh hoàng hôn rực cháy trước hiên nhà
    Cũng có thể mùa thu chưa hết
    Vẫn còn đang lưu luyến khách đi qua
    Cũng có thể là tôi đến chậm
    Thấy màu mây rừng lá tưởng còn thu

    Mạc Tư Khoa 9-1987
    Xuân Quỳnh

    FR
  7. Tof

    Tof Thành viên quen thuộc Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    137
    Đã được thích:
    0
    Thanks vì bài Mùa xanh xưa nhé:
    Không đề
    (Nguyễn Bính)
    1.
    Hôm nay dưới bến xuôi đò
    Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
    Anh đi đấy, anh về đâu?
    Cánh buồn nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...
    2.
    Gió lạnh sương sa nặng hạt rồi
    Thuyền ta đậu lại bến này thôi
    Sáng mai xuôi ngược về đâu nhỉ?
    Nào biết về đâu, kẻ ngược xuôi.
    À , bài của Onga becgon cũng có nhiều dị bản, ví dụ: "chiều ánh nước"... nhưng có cái này (quí mới nói :) chắc là "bấy giờ anh có lí" chứ nhỉ?
  8. falling-rain

    falling-rain Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2002
    Bài viết:
    1.197
    Đã được thích:
    0
    Đúng rồi, "bấy giờ" chứ không phải "bây giờ" đâu, chắc lúc type không soát lại thôi.
    Còn "chiều sánh bước" và "chiều ánh nước" thì thú thật mình không biết bản nào là đúng. Mình có cô bạn thuộc lòng bài thơ này bằng tiếng Nga nguyên bản và cô ấy nói là "chiều sánh bước", nhưng "chiều ánh nước" cũng có cái hay của nó.
    Mình thích bài thơ ấy lắm !!!
    Cám ơn bạn đã chia sẻ "cánh buồm nâu" với mình nhé
    Hỏi nhỏ này: "quí mới nói", vậy có phải là người quen không thế?
    FR
  9. Tof

    Tof Thành viên quen thuộc Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    12/01/2002
    Bài viết:
    137
    Đã được thích:
    0
    Không phải người quen đâu, chỉ là mình cũng thích Không đề của Quang Dũng thôi. Còn Ongabecgon thì ko biết có tuyển tập ko nhỉ hay chỉ vài bài nổi tiếng mới truyền đến VN thôi mình nghe nói bà này cũng như kiểu Xuân Quỳnh của VN vậy.
    Không đề
    Đôi mắt băn khoăn của em buồn
    Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
    Như trăng kia muốn vào sâu biển cả
    Anh đã để cuộc đời trần trụi dưới mắt em
    Anh không giấu em một điều gì
    Chính vì thế mà em không biết tất cả gì về anh
    Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
    Anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
    Và xâu thành một chuỗi
    Quàng vào cổ em
    Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa
    Tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
    Anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc của em
    Nhưng em ơi đời anh là một trái tim
    Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó
    Em là nữ hoàng của vương quốc đó
    ấy thế mà em có biết gì về biên giới của nó đâu
    nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú
    nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm
    và em thấu suốt rất nhanh
    Nếu trái tim anh là khổ đau
    Nó sẽ tan ra thành lệ trong
    Và im lặng phản chiếu nỗi niềm u uẩn
    Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
    Nỗi sung sướng, khổ đau của nó là vô biên
    Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu
    Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
    Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.
    R.Tagor
  10. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Thảo nào thấy quen quen. Hoá ra đây là bài thơ tình "28" của Tagore mà!
    starry starry nights...

Chia sẻ trang này