Khuyến học Bình Định Khuyến học của dòng họ Trần - Phước Thành (Bài trên báo Bình Định) Họ Trần ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) là một dòng họ có những cách thức khuyến học rất hiệu quả. Nhờ vậy, hiện nay, số con cháu trong dòng họ học hành đỗ đạt khá đông. * Xưa... Ông Trần Bùi Nghê, quản tộc họ Trần, cũng là người trong Ban Khuyến học của họ, nhẩm tính rồi cho biết: "Họ Trần sống ở Phước Thành tính đến nay đã được 300 năm, đến đời tôi là thứ 9 rồi". Theo ông Nghê, từ thế kỷ 16, người họ Trần đã đến lập nghiệp tại làng Cảnh Vân (nay là thôn Cảnh An). Sinh con đẻ cháu, làm ăn trên đất này, giờ đây con cháu họ Trần tứ tán đi lập nghiệp khắp nơi. Đến ngày giỗ tổ 12 tháng Giêng hàng năm thì mọi người ở gần đều về. Lâu đời là vậy nhưng người đầu tiên được gọi là đỗ đạt trong dòng họ phải kể đến là ông Trần Hữu Trọng, đỗ tú tài vào năm 1830. Sau đó, có thêm vài người đỗ đạt. Tính ra, thời phong kiến, họ Trần có 4 tú tài và một cử nhân. Ở từ đường của họ tại thôn Cảnh An bây giờ, bàn thờ Văn võ phát khoa được đặt ở vị trí trang trọng. "Sở dĩ họ nhà tôi đặt bàn thờ Văn võ phát khoa là những mong con cháu đời đời nối chí, theo đuổi việc học đến cùng"- ông Nghê nói. Tính đến nay họ Trần đã có khoảng 150 con cháu đỗ đạt, có bằng đại học (ĐH) trở lên, đang sống và làm việc tại mọi miền Tổ quốc, thậm chí ở cả nước ngoài. * ... và nay Nếu tính cả bên ngoại lẫn bên nội, họ Trần ở Phước Thành hiện có khoảng hơn 200 hộ. Trước đây, do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, phong trào khuyến học có phần chững lại. Nhưng từ những năm 1990 trở lại đây, những người có tâm huyết trong họ đã khôi phục lại phong trào này. Năm 1993, Quỹ khuyến học của họ đã được thành lập. Và hằng năm, ngoài khoản tiền đóng góp vào việc họ, mỗi hộ gia đình còn có nghĩa vụ đóng góp cho quỹ 20.000 đồng. Số tiền này dùng khen thưởng cho các cháu học giỏi và hỗ trợ cho những cháu có hoàn cảnh khó khăn. Những em đậu đại học thì được thưởng 200.000 đồng. Hai người cháu họ nội, ngoại là Trần Tấn Phát và Trần Đình Bình, mồ côi cả cha lẫn mẹ, mỗi năm họ Trần giúp các em 1 triệu đồng để trang trải học phí. Hiện nay cả hai đều đã tốt nghiệp ĐH và có công ăn việc làm ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, Trần Tấn Phát đã gởi về cho quỹ 500.000 đồng. Ngày giỗ tổ hàng năm đã được chọn làm ngày để trao học bổng. Sổ khuyến học của họ Trần ghi rõ: năm 2004, bậc THPT, khen thưởng cho hai cháu mỗi cháu 200.000 đồng; bậc đại học khen thưởng 300-500.000 đồng/cháu; tổng số tiền thưởng cho gần 20 cháu là 3,5 triệu đồng. "Chúng tôi chỉ khuyến khích, khen thưởng cho các cháu học ở bậc THPT trở lên thôi. Còn các cháu ở các lớp dưới thì mọi nhà tự lo liệu"- ông Nghê nói Tiến sĩ Trần Đình Sơn, đang sống và làm việc tại Pháp, hàng năm đều gởi tiền về cho quỹ. Ông Nghê khoe: "Mấy năm trước, thường thì quỹ được chi hết trong dịp khen thưởng đầu năm nhưng từ hai năm trở lại đây, do có "viện trợ" của con cháu trong và ngoài nước, quỹ đã có dư gần chục triệu. Có vậy, chúng tôi mới có tiền hỗ trợ cho các cháu thật sự gặp khó khăn". * Và ước vọng mai sau Ông Nguyễn Trần Đường là cháu đời thứ 6 đằng ngoại của họ Trần nhưng vẫn giữ được sợi dây liên lạc gần gũi với tộc họ. 5 trong 6 người con của ông đã và đang học ĐH, CĐ. Hiện cả ba anh em đang học cùng thuê một căn nhà ở chung và hàng tháng được gia đình chu cấp 1 triệu đồng. "Biết rằng 1 triệu đồng cho cả ba đứa là khó khăn đấy nhưng nhà nghèo chỉ có thể lo đến đấy mà thôi. Thiếu thì thằng thứ hai đã ra trường, đang làm việc ở An Giang bù thêm vào. Anh em chúng nuôi nhau"- ông Đường kể. Theo ông Đường, mặc dù là cháu họ ngoại xa nhưng chính truyền thống hiếu học của họ Trần là một động lực giúp vợ chồng ông vượt khó khăn nuôi các con ăn học. "Đời mình xong rồi nhưng phải hy vọng đến đời con cháu có tương lai sáng sủa hơn. Nghĩ vậy mà tôi quyết tâm cho con ăn học". Hiện nay, họ Trần không chỉ khuyến học ở trong dòng họ mà còn khuyến học ra đến tận bên ngoài. Đầu năm 2004, người đầu tiên ngoài họ được khen thưởng là em Trương Nữ Trà My, học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Thành, được nhận phần thưởng 300.000 đồng. Cũng từ năm học này, họ Trần sẽ khen thưởng cho các cháu học giỏi nhất trong 4 khối lớp của Trường THCS Phước Thành theo danh sách do trường giới thiệu lên. Những người tâm huyết với việc học của họ Trần không chỉ mong muốn các con cháu được cắp sách đến trường, học hết bậc THPT, và trên nền tảng đó, xây dựng nên một gia tộc không có người phạm pháp, sống gương mẫu trong xã hội. . Thu Hà ------------- Đính chính: Trương Nữ Trà My là cháu phía ngoại của dòng họ Trần. Chú thích: Tiến sĩ Trần Đình Sơn là tiến sĩ quốc gia của Pháp, làm việc tại Viện nghiên cứu Vật lý nguyên tử hạt nhân Soborn, là người Bình Định đầu tiên được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học NewYork
Làng quê nào cũng có dòng họ làm được chuyện này, chắc hẳn sẽ giảm bớt lượng người không biết đọc biết viết. Qua thế kỷ 21 rồi, mà Bình Định mình còn nhiều người như thế. Nick tranhanam có là con cháu của họ Trần này hông?
Dòng họ người ta khuyến khích con cháu học hành thấy mà ham. Ngày trước tui theo học cùng lúc 2 ĐH Kinh tế và Luật, nên Ba Má tui vất vả nuôi tui ăn học, dòng họ thấy vậy nói "nuôi nó học hành làm gì cho nghèo khổ..." . Rồi cơn bĩ cực cũng trôi qua, bây giờ nghĩ lại mà nước mắt cứ chảy vào trong lòng. Tui cũng ao ước là đến một ngày nào đó tui sẽ lập một quỹ học bổng để hỗ trợ và giúp đỡ cho các em sinh viên học sinh nghèo vượt khó, để không có em nào phải nghỉ học vì không đủ tiền đóng học phí như tui ngày xưa.
Bình Định nổi tiếng hiếu học nhưng so ra với một số địa phương hoạt động khuyến học chưa được chú trọng dúng mức. Nhưng có những con em Bình Định luôn hướng về quê nhà, chẳng hạn ông Huỳnh Phi Dũng ở Bình Dương từng tài trợ hơn 5 tỷ xây dựng trường chuyên cho tỉnh nhà, ông Miên Linh (Minh) đầu tư hơn 3 tỷ để xây trường tư thục Xuân Diệu (mới)... Mong có nhiều câu chuyện khuyến học để cho các tài năng đất võ được phát huy !
Báo Bình Định mới đăng mộ t bài nhan đề "Gia tộc họ Trần". Giời thiệu bà con vô www.baobinhdinh.com.vn xem chơi