1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

[Kiếm hiệp Việt Nam] Phế Kiếm Truyền Kỳ Truyện

Chủ đề trong 'Kiếm hiệp cốc' bởi Hoang_Long_Giang, 06/07/2013.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Hoang_Long_Giang

    Hoang_Long_Giang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/07/2013
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Chào các bác, em vốn mê thể loại võ hiệp. Cũng như nhiều bác trong này, em thích một câu truyện thuần Việt. Đây là tác phẩm đầu tay của em, hiện đã hoàn thành xong cuốn thứ 1 gồm 13 chương. Em up lên mời các bác thưởng thức và góp ý. Truyện này lấy bối cảnh chiến tranh Nam - Bắc triều lần thứ I

    Phế kiếm truyền kỳ truyện

    Tác giả: Hoàng Long Giang



    Cuốn 1

    Phế kiếm, Phế kiếm!
    Phế thiên, phế địa, phế hôn quân.
    Trảm nghịch thần.


    ***



    Chương 1
    3620 chữ

    Một lời hứa

    Gió thổi từng cơn ù ù, cuốn đám bụi tung bay, thỉnh thoảng xoáy thành một hình trôn ốc cuộn lên trời. Phía nam Hà Hoa phủ vắng lặng, chỉ có tiếng quạ kêu đến gai người. Trời đất ngả một màu ảm đạm, phủ xuống xác binh sỹ nằm la liệt trên những cánh đồng, bãi cỏ, đụn cát.

    Những cái xác ấy, người thì mở mắt trừng trừng, người thì mồm há hốc, có xác mất đầu, có cái lại chi chít những mũi tên…Chiến sự giữa quân Nguyễn Phúc Nguyên – Trịnh Tráng khiến cho khắp vùng Bố Chính đến Hòa Hoa phủ, vang lên những tiếng nỉ non, ai oán.

    Từ phía đằng xa, một bóng người – ngựa chậm rãi tiến tới. Một nam nhân đội nón lá che hết khuôn mặt, trên người vận một bộ quần áo đen tuyền với chiếc hắc bào đã phủ trắng vì bụi đường. Bên hông trái, gã đeo một bình rượu, hông phải treo túi nhỏ, có vẻ là đựng ngân lượng. Nhởn nha cưỡi ngựa, y dụng tiêu, tấu lên một khúc ca ai oán, não nề:

    Chém giết liên miên
    Con mất cha
    Vợ mất chồng
    Huynh đệ tương tàn
    Nồi da nấu thịt!
    Than ôi!
    Bao giờ đoàn tụ
    Để con gặp cha, vợ gặp chồng;
    Anh em vui chén rượu đoàn viên…​

    Âm thanh trầm, đục vang lên, len lỏi khắp không gian, càng làm cho cảnh vật trở nên u uất lạ kỳ. Cây tiêu trên tay gã đen bóng, dài khoảng 1 thước,phần thân khắc họa tiết một con giao long đang vẫy vùng trên những ngọn sóng bạc, đáy tiêu được quấn một dải lụa nhỏ màu trắng, bay phất phơ trong gió.

    Thoạt nhìn thì tưởng nó được làm từ ống nứa nhưng kỳ thực lại là loại thép hảo hạng, được chế tác hết sức tinh xảo. Bởi vậy, lẩn khuất trong tiếng trầm ấm là những âm đanh, sắc của kim loại mà phải là bậc cao nhân mới có thể nhận ra.

    Những ngón tay y nhẹ nhàng nâng lên rồi đặt xuống như vuốt ve, cưng chiều ống tiêu, âm điệu theo đó mà thay đổi, biến hóa giữa khoảng không gian mênh mông. Gã có một bàn tay đẹp với những ngón thuôn, dài và mềm mại, chứng tỏ không phải là kẻ luyện võ mà theo nghiệp đàn ca.

    Cách gã lấy hơi để tấu lên khúc nhạc cũng chứng tỏ là bậc cao thủ về âm luật. Âm thanh cứ vang lên đều đặn và không nhận ra được cách ngắt quãng lấy hơi. Nó, tựa như một dòng sông êm đềm cứ trải dài miên man, miên man đến tận cuối chân trời.

    - Dừng lại! – Một tiếng quát lớn xé tan bầu không khí u ám của vùng chiến sự, ngữ âm chứng tỏ đây là người ở trấn Nghệ An.

    Nam nhân buông tiêu, ngẩng mặt nhìn ra phía trước. Một đám người khoảng 5 tên mặt mũi băm trợn, to cao, vận đồ đen, xếp hàng chắn ngang đường cái. Tên đứng giữa, có vẻ là đầu lĩnh nhếch mép cười lớn, hua hua cây đao sắc lẹm:

    - Thằng oát con kia, có biết lão gia là ai không? Muốn toàn mạng thì mau mau để lại ngân lượng và ngựa, bằng không sẽ làm bạn với đám xác đang mục rữa kia – Vừa nói, hắn vừa chỉ ra đám xác người phía đằng xa.

    Tên đầu đảng nói xong, cả đám cười ồ lên khoái chí. Nam nhân nhếch mép, ném một nụ cười mỉa mai về phía chúng:

    - Các vị huynh đệ, tại hạ nhận thấy đều là những nam tử khỏe mạnh, có sức vóc. Ai dè lại là lũ thảo khấu, chuyên hiếp đáp dân lành vô tội. Mấy vị đây, nếu thực sự tài giỏi, chi bằng đem ra giúp đất nước đang nồi da nấu thịt được chăng?

    - Con ******, chết đi! – Tên đầu lĩnh có thân hình to như gấu xám với bộ râu xồm xoàm nổi giận, vung đao chồm tới, sát khí tỏa ra kinh hồn khiến lũ quạ hoảng sợ bay tán loạn, kêu lên những tiếng đinh tai, bỏ dở bữa ăn thịnh soạn mà chiến tranh đem lại cho chúng.

    Nam nhân vẫn ngồi im trên ngựa, không hề nao núng, tay phải vân vê nhẹ nhẹ cây tiêu, tay trái cầm chắc yên ngựa. Chiến mã đen tuyền như nhung với bộ bờm dài, rủ xuống tận cổ và đôi mắt đỏ ngầu dường như cũng biết ý chủ nhân, nó đứng im, đuôi phe phẩy, tai dựng đứng nghe ngóng.

    Mặc dù từ đầu đến chân là một màu đen tuyền nhưng đuôi của chiến mã lại có 2 màu hồng và trắng rất kỳ lạ. Con ngựa này, kỳ thực là hậu duệ của thần mã nổi tiếng Đại Việt: Song Vỹ Hồng. Tương truyền, Song Vỹ Hồng là của Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt. Nó đã từng nhiều lần cùng chủ nhân bình Chiêm, phạt Tống và được liệt vào hàng thần mã bởi lòng trung thành, sự tinh khôn và sức khỏe vô địch. Hậu duệ của Song Vỹ Hồng dĩ nhiên, được thừa hưởng những chắt lọc tinh túy nhất của tổ tiên.

    Chỉ với 3 bước, tên đầu đảng đã áp sát người - ngựa chứng tỏ thân thủ của y không phải hạng tầm thường. Ánh đao vung lên loang loáng, phản chiếu những tia mặt trời chói lòa rồi nhanh như cắt đổ ập xuống người khách lạ mặt. Đúng lúc ấy, cả đám người chỉ nghe tiếng “coong” đanh, rõ ràng và thêm một tiếng “cốp”. Bóng người đổ rạp xuống đất, lăn mấy vòng chạm vào một tảng đá lớn bên đường, thanh đao nằm bơ vơ bên vệ cỏ, gãy làm đôi.

    Đám thảo khấu đứng im như trời trồng, kinh hoàng nhìn thủ lĩnh của chúng lù lù một đống dưới đất, trên mặt y vẫn tỏ rõ nét mặt hung hãn. Mồm y há hốc. Trên ấn đường đỏ lên một vết bằng đầu ngón tay cái.

    - Đứa nào? Đứa nào hạ thủ? Mau mau ra mặt, đừng trốn chui lủi như chuột nữa - Một tên có dáng người thấp bé nhất, mặt choắt cất tiếng, giọng đặc sệt âm điệu trấn Nghệ An. Y hua hua cây đao vào không trung, dáo dác nhìn ra xung quanh.

    Lại thêm những tiếng vút, vút xé gió rồi “Cốp, cốp, cốp” vang lên. Bốn viên sỏi tầm thường được phóng đi từ trong bụi cỏ rậm rạp bên vệ đường nhằm trúng ấn đường của lũ thảo khấu chứng tỏ kẻ ra tay phải có một nội lực kinh người. Cả đám nằm dài dưới đất, bất tỉnh nhân sự. Nam nhân lạ mặt vẫn không tỏ thái độ, gã hơi ngoảnh đầu về phía sau, mỉm cười nhẹ.

    - Vị huynh đệ này, thời buổi loạn lạc, tới vùng chiến sự này làm gì vậy? Trên người lại không có một tấc sắt phòng thân. May hôm nay gặp bổn cô nương, không thì ngươi đã về chầu trời rồi – Một giọng nữ trong vắt, lanh lảnh vang lên đằng sau lưng gã. Cùng lúc đó, một bóng hồng lướt nhanh qua người – ngựa, tới bên những tên thảo khấu đang nằm la liệt.

    - Đa tạ cô nương đã ra tay tương trợ, ta không biết lấy gì báo đáp cô nương đây? – Gã cất cây tiêu vào chiếc túi da buộc bên yên ngựa rồi chắp tay thi lễ.

    Lật những tên cướp đã bất tỉnh nhân sự, vị cô nương mỉm cười đắc thắng, khiến câu hỏi của gã rơi tõm vào khoảng không.

    - A ha, đúng là chúng rồi – Đoạn cô nương huýt gió một tiến, từ trong bụi cây gần đó, một chiếc xe ngựa kéo không mui lộc cộc chạy ra.

    - Huynh giúp ta một tay đưa chúng lên xe ngựa nào – Cô nương đề nghị.


    Nam nhân thúc ngựa đến gần rồi nhảy phắt xuống, phụ giúp kéo những tên cướp lên xe.

    - Cô nương là bổ đầu? Nam nhân lên tiếng.

    Vắt tên đầu lĩnh, cũng là tên cuối cùng lên xe, vị cô nương đưa tay thấm mồ hôi đang rịn ra, lăn dài trên làn da trắng hồng và cuốn lọn tóc đang rủ xuống, vắt ra sau vành tai.

    Giờ gã mới có cơ hội để nhìn rõ. Cô nương vóc người nhỏ nhắn, tóc dài đến lưng, đen nhánh. Nàng vận y phục màu xám tro, nai nịt gọn gang, áo khoác màu trắng, buông dài quá đầu gối.

    Cô nương trạc 20 tuổi, dung mạo xinh đẹp, khuôn trăng đầy đặn, môi đỏ như son, sống mũi cao và thẳng. Nàng một đôi mắt to, đen láy với hàng mi cong vút. Đôi mắt khiến gã giật mình, nó trong trẻo đến mức hình như gã có thể soi được chính bản thân mình.

    Nó trong trẻo đến mức dường như khiến gã sợ hãi, tựa hồ như một món bảo vật quý giá của tạo hóa mà có lẽ suốt đời, gã không dám chạm đôi tay của mình vào. Nhìn vào sâu thẳm trong đôi mắt ấy là một điều cực kỳ khó khăn với gã.

    - Ta không phải bổ đầu – Cô nở nụ cười tinh nghịch nhìn gã.

    - Vậy cô bắt những tên thảo khấu này làm gì? Chi bằng giết quách chúng đi cho rảnh nợ - Gã vừa nói vừa nhặt ở dưới đất lên một tảng đá to bằng 4 nắm tay toan đập vào đầu lũ cướp.

    - Không được, giết chúng sao lấy được tiền thưởng, mấy tên này đáng giá 500 quan tiền, bổn cô nương đã theo dấu bọn chúng nhiều ngày. Giờ mới bắt được. – Nàng khoát tay từ chối lời đề nghị của gã.

    - Ha ha, hóa ra cô nương là thợ săn tiền thưởng của triều đình, hèn gì – Gã vừa nói vừa cười, vứt cục đá sang vệ đường.

    - Thợ săn thì sao? Nhà ngươi thích cười không? Bổn cô nương lại cho bất tỉnh như mấy gã kia bây giờ. – Vị cô nương giơ nắm đấm về phía gã, dứ dứ, nét mặt cong cớn, miệng chu lên, rất đáng yêu.

    - Ấy ấy, thôi, ta không cười nữa – Gã giơ tay đầu hàng, trả lại bằng một nụ cười cầu hòa.


    Nhanh chóng, vị cô nương leo lên cầm cương, đoạn dong xe ngựa chạy về hướng Bắc, tiếng bánh xe gỗ chạm xuống mặt đường đá gồ ghề vang lên lộc cộc, lộc cộc. Thỉnh thoảng chiếc xe trèo lên những hòn đá to lại nảy lên khiến mấy tên thảo khấu cũng theo nhịp mà va vào nhau huỵch huỵch.

    Gã cũng từ từ cưỡi ngựa đi bên cạnh chiếc xe, vài cơn gió nhẹ thổi tới làm bao trùm không gian quanh gã một mùi hương thơm tinh khiết, nó ấm áp và thân quen, át đi mùi chết chóc đang lởn vởn quanh đây. Mùi hương tỏa ra từ vị cô nương kia. Nó có vị tinh khiết của hoa oải hương, hòa quện với hương thiếu nữ đương tuổi đôi mươi.

    - Huynh thổi tiêu hay lắm, có phải là nhạc công không? Nàng cười tít mắt, quay sang hỏi.

    - À, tại hạ cũng biết ít thôi, cũng thỉnh thoảng đi theo mấy gánh hát biểu diễn. Khi còn nhỏ đi chăn trâu, học lỏm của chúng bạn vài chiêu - Gã cười cười đáp lời.

    - Nghe âm vực thì huynh không phải người vùng này, giống ở kinh thành. Huynh đi đâu vậy? Mà tên huynh là gì nhỉ? Sao cứ đội xùm xụp cái nón lá ấy, bỏ ra cho ta xem mồm ngang mũi dọc của huynh ra sao? – Nàng đề nghị.

    - À, ừm, tại hạ tên Văn. Lý Văn, dung mạo ta xấu xí lắm, sợ cô nương chê cười – Gã tỏ ra hơi lúng túng, tay thít chặt dây buộc nón, chỉ sợ nó rơi xuống.

    - Vậy à, thổi tiêu hay nhưng dung mạo xấu xí. Huynh đừng nói là hậu duệ của Trương Chi nhé, ha ha ha. Còn ta tên Lê Thùy Anh. Mà huynh bao nhiêu tuổi để ta dễ xưng hô nhỉ? Ta năm nay 20 tuổi.

    - Còn ta 28, cô nương phải gọi ta là huynh rồi ha ha – Gã phá lên cười đắc thắng.

    - Huynh cười gì? Lớn tuổi hơn thì sao chứ? Hừ, huynh thì huynh. Huynh cũng tới phủ Hà Hoa sao? Nếu vậy thì chung đường rồi – Thùy Anh nói giọng hậm hực.

    - Phải, ta cũng đến Hà Hoa phủ – Gã mỉm cười.

    - Huynh thổi tiêu nghe cho vui đi, còn khoảng 20 dặm nữa sẽ đến Hà Hoa phủ thôi, mà chọn bản nhạc nào vui tươi nhé. Muội thấy lúc nãy nghe buồn lắm– Thùy Anh đề nghị, đầu hơi nghiêng, hướng ánh mắt tinh nghịch vào gã.

    Gã không nói gì, đưa tay rút cây tiêu từ yên ngựa, đặt lên môi và bắt đầu tấu lên khúc nhạc…

    Khắp trời này, đất này
    Ta sẽ đưa nàng đi bốn phương
    Gió cát mịt mù
    Mưa tên, rừng lửa
    Không thể chia cách

    Khắp trời này, đất này
    Ta sẽ đưa nàng đi khắp bốn phương
    Rừng hoa rực rỡ
    Suối nước trong veo…
    Không bao giờ rời xa.

    ***​

    Mặt trời dần dần khuất sau đỉnh núi, trải một thảm màu đỏ rực lên khắp mặt đất, bóng người, ngựa như những chấm đen, điểm tô vào bức tranh tàn khốc của mảnh đất này.

    Tiếng nhạc réo rắt, vui tươi không làm át đi cái vẻ cô quạnh, hoang vắng và chết chóc. Lũ quạ đen tranh nhau rỉa những cái xác đã bốc mùi hôi thối, thỉnh thoảng lại vểnh tai lên nghe ngóng cái âm thanh mà chúng có lẽ chưa bao giờ được thưởng thức.

    Vài con lim dim mắt gật gù tán thưởng. Vài con vừa rỉa vừa nghe, tận hưởng món quà của thần chết đã ban cho chúng. Vài con lại xông vào mổ nhau chí chóe vì miếng ngon bị tranh chấp.

    Hà Hoa phủ từ từ xuất hiện ở cuối chân trời. Mặt trời cũng đã khuất sau rặng núi, không gian xung quanh im ắng, rả rich tiếng dế, tiếng ếch nhái và những âm thanh của đêm tối. Gã và Thùy Anh cuối cùng cũng đã đến được thành.

    Chiến sự nổ ra giữa quân của Thái bảo Thụy Quận công Nguyễn Phúc Nguyên và Thanh Đô Vương Trịnh Tráng khiến vùng từ Bố Chính đến Hà Hoa phủ trở thành chiến tuyến của 2 phe. Nguyễn Phúc Nguyên cầm quân tử thủ tại Nhật Lệ,, dụng binh như thần khiến cho hơn 20 vạn binh mã thủy bộ của Thanh Đô Vương không thể tiến được bước nào. Nguyễn Phúc Nguyên vốn là con trai con thứ sáu của Thái úy Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, người được giao trọng trách trấn thủ Thuận Hóa. Sau khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyên nối nghiệp cha, thực hiện chính sách nam tiến, ngày đêm chiêu binh mãi mã, trở thành một thế lực lớn. Thanh Đô Vương Trịnh Tráng thấy thế lực của Nguyên càng ngày càng mở rộng thì lấy cớ họ Nguyễn không chịu cống nạp cho triều đình, phát binh 20 vạn chia làm 2 lộ do Nguyễn Khải, Lê Khuê thống lãnh, thảo phạt Nguyễn Phúc Nguyên.

    Phía cổng thành, một tốp lính mang giáo mác, đao kiếm đứng gác, trên tháp là những tay cung tiễn đang căng mắt nhìn ra phía xa, cảnh giới. Xung quanh cổng thành cũng bày la liệt những cọc gỗ nhọn hoắt. Phát hiện thấy bóng người ngựa, một tên hét vọng xuống dưới chân thành:

    - Có người ngựa đang đến, Có người ngựa đang đến.

    Tay chỉ huy căng mắt nhìn vào bóng tối, y hua cây đuốc ra phía trước cho rõ. Mấy tên lính cảnh giác, nắm chắc đao, giáo, phòng trường hợp xấu. Tiếng lộc cộc của bánh xe cùng tiếng gõ móng của ngựa ngày càng gần. Thấy bóng 2 người, gã chỉ huy quát lớn:

    - Dừng lại! Các người là ai? Giới nghiêm rồi, Hà Hoa phủ nội bất xuất, ngoại bất nhập.

    - Giọng nói này chẳng phải là Vũ đội trưởng hay sao? Bổn cô nương đi chơi về muộn chút, có cho vào thành hay không? - Giọng Thùy Anh vang lên sang sảng.

    Vũ đội trưởng cầm bó đuốc tiến sát lại xe ngựa, ngẩng đầu nhìn lên, nét mặt dãn ra rồi cười lớn:

    - Ha ha, tưởng ai, hóa ra tiểu thư. Tiểu thư làm gì mà giờ này mới vào thành?

    - Ta vừa tóm được bọn “Tuất Hợi”. Phen này lão gia nhà ngươi lại tốn một khoản kha khá rồi.

    Họ Vũ soi đuốc ra phía sau xe ngựa, bọn thảo khấu vẫn bất tỉnh, nằm chồng đống lên nhau, rất đáng thương. Gã đội trưởng nhìn vậy, chỉ vào chúng rồi cười sảng khoái:

    - Ha ha ha, đúng là bọn chó lợn mà, rồng – hổ không đặt, lại lấy tên là chó lợn. Chó thì phải giữ nhà, lợn ở trong chuồng, không nên làm cướp. Bay đâu, mở cổng thành cho Lê tiểu thư vào.

    Cánh cổng thành đồ sộ, nặng nề từ từ mở ra kèm những tiếng ken két của bản lề vang lên chói tai. Thùy Anh dong xe đi thẳng vào trong. Lý Văn thấy vậy cũng thúc ngựa đi theo thì Vũ đội trưởng nhảy ra chặn trước đầu ngựa, giơ cây đuốc về phía mặt quát lớn khiến cho gã hơi kéo người về phía sau.

    - Nhà ngươi là ai? Vào thành làm gì?

    - Đấy là hảo hữu của ta, huynh ấy là nhạc công– Thùy Anh nói vọng lại.


    - À ra thế, mời công tử qua – Vũ đội trưởng đứng tránh sang một bên, giọng đon đả.

    Người ngựa khuất sau cổng thành, chen vào con phố vắng vẻ bên trong. Giờ này đã là giờ giới nghiêm, dân chúng không ai được ra khỏi nhà.

    Trên phố, thỉnh thoảng có vài tốp binh lính, vũ trang đầy đủ đi tuần khắp mọi ngóc ngách. Mấy tên tuần canh, cứ đến giờ là lại mang thanh la đi gõ phèng phèng, thông báo, làm huyên náo khắp cả phủ rồi tất cả lại chìm trong yên lặng.

    - Hóa ra là Lê tiểu thư, con gái rượu của Tướng quân Lê Khuê. Tại hạ đa tạ cô nương đã nói giúp cho – Gã lên tiếng sau khi cổng thành đã lùi xa đằng sau lưng.

    - Muội chả thích làm tiểu thư đài các chút nào cả, chỉ thích tay cung, tay kiếm, hành hiệp trượng nghĩa, trừ hại cho dân lành thôi. Mà sao huynh biết muội là con gái của Lê tướng quân? – Thùy Anh tỏ vẻ nghi ngờ.


    - Ha ha, con gái rượu của Lê tướng quân nổi danh là hiệp nữ võ công cao cường, thích trừ gian diệt bạo, có ai là không biết chứ. Chỉ tiếc Lê tướng quân mất đi một tiểu thư khuê các rồi. Thực ra ta ở kinh thành cũng nhiều năm, cũng đi tấu nhạc cho vài phường ca kịch nên có biết cha nàng – Gã cười lớn.

    - Ai bảo cha muội bắt học võ nghệ từ nhỏ - Thùy Anh bĩu môi.


    - Thời buổi loạn lạc, có chút võ công phòng thân cũng là điều hay – Gã nói.

    - Như huynh, chả biết võ nghệ gì cả thì thiệt thân nhỉ - Thùy Anh chun mũi cười nhạo.


    Gã cười nhạt, ậm ừ vài tiếng. Khi đi đến một con phố nhỏ, gã quay lại:

    - Đa tạ muội, ta rẽ đường này vào nghỉ ở nhà một người bà con rồi sáng mai lên đường về Thăng Long. Muội đã 2 lần giúp ta, có dịp gặp sẽ báo đáp.

    - Huynh chớ đa lễ, thấy huynh là người tốt thì muội giúp thôi. Khi nào đến Thăng Long, có cơ hội, muội sẽ bắt huynh thổi tiêu cho nghe. Nếu đám gia nhân không cho gặp, huynh cứ đưa cái này ra, nhất định chúng sẽ báo với muội – Thùy Anh rút trong người một lệnh bài bằng đồng, nhỏ bằng 3 ngón tay được buộc một dải lụa màu đỏ. Trên lệnh bài khắc hình gia huy của nhà họ Lê.

    - Đa tạ muội muội, có duyên nhất định sẽ gặp lại – Gã đưa tay đỡ lấy lệnh bài. Trong khoảnh khắc, hình như bàn tay của gã chạm nhẹ vào bàn tay của Thùy Anh. Cả hai im lặng, không nói câu gì.

    Thùy Anh vội vã thu tay lại, mặt hơi ửng đỏ, đôi mắt lung linh, phản chiếu những ánh đèn ***g trên cao. Cô vội vã thúc xe ngựa phóng lên phía trước. Gã nhìn theo bóng chiếc xe cứ nhỏ dần rồi bỗng giật mình hét lớn:

    - Lê muội! Nhất định ta sẽ gặp lại muội, nhất định ta sẽ thổi sáo cho muội nghe nữa.

    Thùy Anh không ngoái lại, cô thúc ngựa chạy nhanh, tiếng bánh xe và vó ngựa nện cộp cộp xuống nền đường rồi vọng lên những căn nhà ở hai bên. Cô mỉm cười một mình rồi nói lớn:

    - Huynh nhớ lời đấy.

    Hết chương 1
    Các bác có thể theo dõi trên Fb: https://www.facebook.com/PheKiemTruyenKyTruyen

Chia sẻ trang này