1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Kim Dung trả lời phỏng vấn

Chủ đề trong 'Kiếm hiệp cốc' bởi daiyty, 07/05/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. daiyty

    daiyty Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/02/2003
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    Kim Dung trả lời phỏng vấn

    Sinh viên Ðại Học Bắc Kinh phỏng vấn Kim Dung, nhân dịp lão nhân gia nhận chức Giáo Sư Danh Dự vào ngày 25/10/1994. Tiểu muội không biết các vị huynh tỷ đã đọc chưa nhưng cứ post lên, coi như để tham khảo.

    - Những nhân vật trong tác phẩm của ông đều trọng "Nghĩa khí". Theo ông, phải chăng "Nghĩa khí" là cái gì trọng yếu trong cuộc sống chúng ta ?

    - Quan niệm đạo đức bao gồm nhiều phương diện trong phép xử sự trong cuộc sống con người. "Nghĩa" là một bộ phận không thể thiếu trong ấy. Cái gì gọi là "Nghĩa" ? Mạnh Tử cho rằng đó là hành vi chánh đáng, hợp lý và thích nghi. Tiểu thuyết nghĩa hiệp được đặc biệt cường điệu ở hành vi "Nghĩa", vì thời xưa, những tay lưu lạc giang hồ, rày đây mai đó, không có sự chi viện của gia đình, cũng không có cố định sinh hoạt kinh tế, nên câu : "Ở nhà thì nhờ có cha mẹ, ra đuờng thì nhờ có bạn bè", được chú trọng, nên sinh hoạt của họ chủ yếu là nhờ bạn bè. Ðể đối phó với bọn cường hào ác bá, ỷ chúng hiếp cô, cũng như phải đương đầu với bọn quan liêu, tham ô lộng quyền, áp bức dân lành, một số người "Nghĩa khí" đoàn kết lại để phản kháng. Muốn đoàn kết lại thành một sức mạnh, ý chí họ phải nhất trí, trước hết họ phải chú trọng đến "Nghĩa khí". Họ phù trì với nhau, hướng hành động vào một mục tiêu chung, thậm chí có hy sinh tánh mạng cũng chẳng màng. Cho nên, tinh thần trọng nghĩa được đặc biệt đề cao trong mọi tiểu thuyết nghĩa hiệp.

    Trong truyền thống của người Trung Hoa, tinh thần "Nghĩa khí" lúc nào cũng được đặt ở địa vị trọng yếu trong phép xử thế làm người và đấy cũng là một sức mạnh quan trọng mà dân tộc Trung Hoa sở dĩ được lớn mạnh và phát triển không ngừng.

    - Những nhân vật chính trong các tác phẩm của ông thường là những thanh niên luôn được nữ giới ái mộ. Xin hỏi quan niệm của ông đối với vấn đề tình yêu chung thủy như thế nào ?

    - Tôi tin rằng đây là một vấn đề được nhiều thanh niên nam nữ quan tâm. Tiểu thuyết của tôi mô tả tình trạng xã hội cổ xưa. Thời xưa, không có chế độ quy định gia đình chỉ có một chồng một vợ, nên nhân vật Vi Tiểu Bảo trong truyện có tới 7 người vợ. Vì vậy, Lộc Ðỉnh Ký không được nhiều độc giả nữ ưa thích, ngay cả bà xã tôi cũng thế. Thực sự, hồi xưa thời vua Khang Hi, người làm quan có tới 5--7 người vợ là chuyện không lấy gì làm lạ. Giá như người làm quan mà nói rằng chỉ có một vợ thì đó là điều không thực. Hiện có nhiều tiểu thuyết nghĩa hiệp được thêm vào trong những tư tưởng hiện đại, nên trong số các tác phẩm tiểu thuyết của tôi, ngoài Vi Tiểu Bảo có nhiều vợ ra, còn các vị anh hùng khác chỉ giữ một "bà" mà thôi. Ví như Dương Qua trong Thần Ðiêu Hiệp Lữ, người đã được nhiều phái nữ yêu mến tỏ tình, nhưng chàng vẫn chuyên tâm bất nhị. Ðó là lý tưởng tình yêu của chàng hiệp sĩ, còn sự thực giữ được lòng hay không thì không ai biết được. Tôi viết tiểu thuyết thì phải viết như vậy ! Một thí dụ khác, như Lệnh Hồ Xung, nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ rất yêu thương sư muội của chàng, nhưng chàng phải thất vọng vì không được hồi đáp lại. Chàng không có cách nào khác hơn, chỉ âm thầm lặng lẽ trong mối tình bơ vơ. Mãi tới khi sư muội của chàng sánh duyên với người khác và sau đó qua đời, chàng mới chịu kết hôn với một cô gái khác. Tôi viết cây truyện này như mong muốn, như khuyến khích người đời có tính chuyên nhất bất nhị với người yêu đến chết mới thôi.

    - Tư Mã Thiên đã ca tụng hiệp sĩ rất nhiều, nhưng tại sao những nhân vật anh hùng trong Thất Hiệp Ngũ Nghĩa lại trở thành tay sai của chánh phủ vương triều ?

    - Tôi cũng đồng ý. Mỗi triều đại đều có sự thay đổi, giá như "hiệp khách" mà trở thành tay sai của chánh quyền thì không phải là "hiệp" rồi. Hiệp sĩ nên là người chủ trì chánh nghĩa, giúp đỡ những người bất hạnh, người bị áp bức, đối xử bất công trong xã hội. Ðấy có lẽ người viết muốn vuông tròn mọi mặt, nên phải xây dựng cốt truyện với những hiệp khách giúp tay chính phủ để chủ trì chính nghĩa, như nội dung trong tác phẩm Thất hiệp ngũ nghĩa, Thi công án, Bành công án v..v.., đều có những anh hùng phục vụ chánh quyền, tảo trừ bọn thổ hào ác bá, bọn tham quan ô lại. Hành động họ biểu hiện đều là chủ trì chánh nghĩa, nhưng còn nhiều mặt khác thì chưa hẳn.

    - Xin hỏi, có phải ông có ý định an bài số mạng của nhân vật chánh trong Thần Ðiêu Hiệp Lữ thành một bi kịch khi kết cuộc hay không ?

    - Tôi viết tiểu thuyết truyện dài đăng trên báo hàng ngày, nên mỗi ngày tôi đều viết một đoạn văn, chừng 1 000 chữ gửi đi, ngày hôm sau có bài trên trang báo. Tôi viết liên tục như vậy, nhiều khi tôi xuất ngoại, tôi cũng nhín thì giờ viết bài, gởi bài về tòa soạn để báo kịp lên khuôn.

    Khi tôi bắt đầu viết, tôi chỉ xây dựng mẫu chuyện với mấy nhân vật, rồi câu chuyện diễn tiến dần và cá tính tự nhiên của mỗi nhân vật được biểu hiện qua những tình tiết phát triển của sự việc, của hoàn cảnh.

    Kết thúc câu chuyện, có khi là bi kịch, có khi là hỉ kịch, nhưng đa số tác phẩm tiểu thuyết của tôi đều có đoạn kết bằng sự xum họp vui vầy.

    Ở đoạn chung kết trong tiểu thuyết, tôi không có ý sắp xếp thành tấn bi kịch mà tôi khai triển câu chuyện theo cá tính tự nhiên của nhân vật trong truyện.
  2. daiyty

    daiyty Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/02/2003
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    - Ông đã cấu trúc tư tưởng như thế nào mà tạo ra người như giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo ? Phải chăng đó là "nguyên hình" của thứ sinh hoạt gì chớ ? - Thành thật mà nói, khi tôi viết cuốn tiểu thuyết này chính là lúc cuộc "Cách mạng đại văn hóa" tại Trung Quốc đang bùng ra. Cá nhân tôi vốn phản đối việc sùng bái cá nhân, phản đối sử dụng bạo lực bức hại những người thuộc chính pháì. Lúc bấy giờ, tôi có viết nhiều bài bình luận về tư tưởng thống trị của bọn "Tứ nhân bang" và chống việc sùng bái cá nhân mà tôi cho là vô nghĩa. Ngay trong thời đó, hàng ngày tôi phải viết bài xã luận và một đoạn tiểu thuyết, còn phải phối kiểm tin tức từ các nơi gởi về, lọc tin cho lên mặt báo v..v.., thành ra có lẽ tôi bị ảnh hưởng khi tôi viết truyện. - Bằng ngòi bút sắc bén với lối văn điêu luyện, phải chăng ông đã gửi trọn tiếng lòng của ông qua các hành động của những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết của ông ? - Có nhiều loại người khác nhau được xuất hiện trong các sách tiểu thuyết của tôi. Tôi không thể hóa thân trong nhiều loại người ấy được, chỉ hy vọng tôi viết không trùng phúc về cá tính của các nhân vật trong truyện. Nhưng khi tôi đặt bút viết thì khó buông thoát hoàn toàn cá tính và cách suy nghĩ của mình; do đó có thể trong văn có phản ảnh phần nào về tâm tư của chính mình. Tôi không nói là tôi được tốt như những nhân vật anh hùng trong truyện, nhưng đó chỉ là niềm hy vọng được ký thác. Ví như phong cách của Kiều Phong, của Quách Tỉnh rất được nhiều người kính mến; thướt tha như Lệnh Hồ Xung, hòa hài như Ðoàn Dự, thì tôi làm gì có được. Tôi chỉ mong làm sao được như họ, nên phản ảnh lý tưởng của tôi vào trong truyện. - Tâm lý dân tộc với văn hóa trình bày trong sách, hai vấn đề này có liên quan tới nhau không ? - Hôm trước tôi có phát biểu một chút về cái nhìn của tôi đối với lịch sử Trung Quốc. Tôi cho rằng ta nên thay đổi cái nhìn đối với sự thống trị của dị tộc trong lịch sử Trung Quốc. Hán tộc và các dân tộc thiểu số khác đều cùng là một phần của dân tộc Trung Hoa. Hán tộc thuộc phái đa số, đã trải thời gian lâu dài chủ trì chánh phủ trung ương, thống trị phái thiểu số. Có khi phái đa số hủ bại, phái thiểu số đứng lên tranh đấu và rồi điều khiển chính quyền, như thế không phải nước Trung Quốc bị diệt vong, mà phải nói rằng dân tộc trong nhiều dân tộc Trung Hoa đã thay nhau làm cái (đánh bài). Cách bao nhiêu năm sau, lại có cuộc thay đổi một dân tộc khác chủ trì đại cuộc. Sau cùng những dân tộc ấy hòa giải rồi dung hợp nhau thành một khối. Tôi vốn sớm có sự suy nghĩ như thế, cho nên nhân vật Trần Gia Lạc trong Thư Kiếm Ân Cừu Lục có tới 2 người yêu thuộc dân tộc Hồi. Trong Lộc Ðỉnh Ký, tôi cũng không biết được Vi Tiểu Bảo thuộc dân tộc gì. Thân mẫu của Vi Tiểu Bảo có chung chạ với nhiều nam tính : Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng. Giống như Kiều Phong, nhân vật chánh trong truyện Thiên Long Bát Bộ vốn là người Khất Ðan, yêu thương thiếu nữ người Hán tộc. Tôi cảm thấy quan hệ các dân tộc nên đoàn kết, dung hợp lại, dù trong lịch sử hay trong tiểu thuyết. - Tại sao ông không viết tiểu thuyết thêm nữa ? - Mỗi chuyện đời đều có khởi điểm và chung điểm của nó. Tôi không thể viết nữa. Tiểu thuyết võ hiệp tôi đã viết khá nhiều, những gì tôi muốn biểu đạt, kể như đã khá đủ. Còn về sau này, tôi có viết tiểu thuyết lịch sử hay không, thì tôi không xác định được. Miễn là tôi còn đủ sức khoẻ, tôi sẽ tiếp tục viết thêm một vài bộ sách nữa cũng tốt. - Viễn ảnh của môn tiểu thuyết võ hiệp sẽ ra sao ? - Hiện giờ thì hơi khó đoán được. Hồi trước, Hồng Kông và Ðài Loan cũng có khá nhiều người viết tiểu thuyết võ hiệp. Tới nay, gần như không còn người nào viết tiểu thuyết loại này nữa. Tôi mong rằng những nhà văn đại lục Trung Quốc sẽ chịu bỏ thì giờ ra trước tác những tiểu thuyết võ hiệp, thì chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm hay. Nhưng tiểu thuyết võ hiệp phải có bối cảnh lịch sử. Nếu lứa tuổi thanh niên không am hiểu tình trạng sinh hoạt của xã hội Trung Quốc thời xưa, thì khó mà viết được hay.
  3. Thieu_iot

    Thieu_iot Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/03/2002
    Bài viết:
    2.998
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn Đại Ỷ Ty cô nương đã post. Theo Thieu_iot được biết thì bài phỏng vấn này rất dài, cô nương có thể post hết lên không?
    Thieu_iot đa tạ.
    Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
    Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân
  4. kieuphong

    kieuphong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    5.781
    Đã được thích:
    0
    Đại Ỷ Ty cô nương nếu có đầy đủ bài phỏng vấn thì có thể post vào chủ đề "Các bài luận về nhân vật, tác phẩm Kim Dung cũng được".

    Xuân tàm đáo tử ty phương tận
    Lạp chúc thành hôi lệ thủy can
  5. daiyty

    daiyty Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/02/2003
    Bài viết:
    110
    Đã được thích:
    0
    - Xin ông cho biết trong những bộ sách ông đã viết, tác phẩm của ông, ông thích bộ sách nào nhất ?
    - Vấn đề này thật khó trả lời, không biết tôi thích bộ sách nào nhất. Lúc viết, tôi rất hứng khởi và thích thú, viết rất rào rạt và khi viết xong thì tôi cảm thấy tác phẩm ấy dường như là đứa con của tôi. Con thì có đứa có tiêu chuẩn tốt chút, có đứa thì dở chút; tuy nhiên, chúng vẫn là con của mình, nên không thể phân biệt thương đứa con này nhiều hay thương đứa con kia ít.
    - Ý Nghĩa hàm súc của bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ là gì ?
    - Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi ý muốn biểu đạt cách suy nghĩ và nỗi chán ghét chiến tranh quyền lực, nhân sinh quan coi nhẹ vấn đề tranh quyền đoạt lợi. Theo truyền thống dân tộc, có rất nhiều thành phần trí thức, sĩ đại phu hầu hết đều có quan niệm lạnh nhạt về vấn đề đấu tranh danh lợi, nhưng kết quả vị tất họ giữ được khí tiết. Ai cũng muốn làm quan, làm quan rồi thì muốn thăng quan tấn tước phát tài, nhưng khi phải viết văn chương thì luôn biểu đạt ý muốn làm ẩn sĩ vì chán chê cuộc đời. Ðấy cũng là một trong những cái truyền thống văn hóa Trung Quốc. Muốn vứt bỏ quyền lực không màng đến danh lợi, khó ơi là khó, nên Tiếu Ngạo Giang Hồ mang một nội dung biểu đạt tư tưởng truyền thống ấy.
    - Trong tác phẩm Hiệp Khách Hành ông đã mô tả nhân vật chánh là người hoàn toàn không có tri thức, nhưng có thể lĩnh ngộ được các ngón võ công tuyệt đỉnh. Chàng ta không biết chữ, thiên tính lại ngu đần, vô dục vô cầu. Chúng tôi đang theo học ở đây, dù có cố gắng lên rồi sẽ ra sao ?
    - Mấy em không có gì phải thắc mắc hay lo lắng. Mấy em cũng không phải người học võ, mà là học văn, thì nên cố gắng học hành. Tôi viết truyện Hiệp Khách Hành theo quan niệm tư tưởng của Phật giáo : học vấn của người thế tục có thể gây trở ngại đối với sự lĩnh ngộ một cảnh giới tối cao của Phật pháp. Mục đích trong các công phu tham thiền của Thiền tông Phật giáo là cố xả bỏ những quan niệm chấp trước hiện hữu, nhất là quan niệm chấp trước về các danh từ và logic. Lý luận nhà Phật cố xua bỏ những quan niệm thế tục, làm được vậy mới khả dĩ lĩnh ngộ lên cao một từng thứ quan niệm tuyệt đối. Dĩ nhiên, đời sống chúng ta có khác với sinh hoạt của các nhân vật trong Hiệp Khách Hành. Chúng ta đang tầm cầu thứ học vấn tri thức xã hội hiện thực. Giả sử mấy em không biết chữ thì làm gì được theo học ở trường này.
    - Ông còn tiếp tục viết thêm bộ sách mới nào về loại tiểu thuyết võ hiệp nữa không ?
    - Tôi không muốn có trước tác mới về loại tiểu thuyết võ hiệp, có lẽ tôi sẽ viết về loại tiểu thuyết lịch sử. Tôi vừa hưu nghề làm báo. Có hai con đường tôi sẽ lựa chọn, một là tôi vào sinh hoạt với sinh viên trong đại học. Tôi rất thích làm bạn với lớp thanh niên trẻ. Ðàm luận văn học đông tây, tình huống họp mặt như hôm nay thì vui biết mấy. Tuổi tôi cũng khá lớn, thể lực cũng kém đi, nhưng vẫn cảm thấy vui sướng khi ở trong hoàn cảnh thuận tiện tăng thêm phần tri thức. Nếu tôi được sinh hoạt trong trường sở giáo dục cao cấp như viện đại học này, thì tôi sẽ ở lại đây với mấy em. Con đường thứ hai là tôi viết thêm hai bộ tiểu thuyết. Viết tiểu thuyết cũng cực lắm, nhưng tôi đã có nhìn về lịch sử và cũng muốn điểu đạt ý tưởng của tôi. Nếu được yên tĩnh, tôi có thể viết thêm hai bộ tiểu thuyết lịch sử.

Chia sẻ trang này