1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Koudan Miyamoto Musashi

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi NhatLang, 29/08/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 26
    NHƯ ĐẠI BÀNG
    (tiếp)​
    Tiếng thằng bé cựa quậy và khóc. Người đàn bà ru khe khẽ:
    À ơi cái ngủ mày ngủ cho say
    Đừng theo những trẻ quấy ngày khóc đêm
    Cái ngủ mày ngủ cho bền
    Quấy nhiều khóc lắm chỉ phiền mẹ cha ...
    Tiếng ru nghe không rõ nhưng điệu ru thật quen thuộc. Nó gợi cho Musashi nhớ lại những ngày tháng xa xôi thuở nào, khi hắn còn bé, bé lắm. Hắn ngồi im nhìn ngọn lửa bập bùng, lòng mềm hẳn lại, thèm khát một mái nhà êm ấm, một mối tình dịu dàng chưa bao giờ được hưởng.
    Người đàn bà đặt đứa bé nằm yên, bước tới bên bếp lửa từ bao giờ và móc lên cái móc trên bếp một ấm nước rồi hỏi hai người:
    - Uống trà nhá !
    Musashi không đáp, chỉ hất hàm về phía món võ khí treo bên cửa, hỏi thiếu phụ:
    - Cái này của lệnh phu vẫn dùng đấy ư ?
    - Phải ! Người đàn bà đáp với giọng hãnh diện. Trượng phu ta tự chế ra đấy.
    - Ta coi một chút được không ?
    - Được !
    Thiếu phụ với tay tháo món võ khí trao cho Musashi. Hắn nhấc thử quả cầu đúc bằng sắt to bằng quả cam thấy nặng chừng hai cân. Trong lúc giao đấu, vung cầu này lên trúng đầu địch thủ có thể làm vỡ sọ, trúng tay chân thì gãy tay gãy chân như chơi. Dọc cán cầm, có một cái rãnh và một nút bấm. Musashi bấm nút, một cái lưỡi như lưỡi hái bật ra, cong cong tựa càng bọ ngựa, móc cũng được mà chém cũng được, thật là lợi hại.
    - Loại võ khí này ghê gớm quá, nhưng không biết sử dụng ra sao !
    Hắn cầm võ khí tay trái, tay phải giữ quả cầu sắt.
    Tiếng người đàn bà cười hinh hích:
    - Không phải thế ! Đưa ta chỉ cho.
    Thiếu phụ nắm cán võ khí, thu sợi dây xích và quả cầu vào một tay, quay mình rồi xuất kỳ bất ý tung giây xích ra đánh rẹt. Sợi dây xích móc vào cây dao phát treo trên giá, cuốn luôn cây dao giật trở lại. Trong nháy mắt, cây dao đã nằm gọn trong tay trái thiếu phụ.
    Musashi và gã mã phu trố mắt nhìn. Gã mã phu xuýt xoa:
    - Ghê thật !
    Vợ Kohei treo võ khí lên vách, nói:
    - Công dụng của sợi dây xích là thế. Nó dùng để đoạt kiếm địch thủ. Nếu cần, bật lưỡi hái ra cắt tay địch thủ nếu hắn không chịu buông kiếm.
    Musashi trân trân nhìn người đàn bà. Đối với hắn, giờ đây thiếu phụ này là một người khác. Sau thủ pháp vừa rồi, bà ta không còn là một người tầm thường, đần độn nữa.
    Vợ Kohei ở lứa tuổi trung niên, da ngăm ngăm đen lại lùn, bình thường kể như vào hạng xấu. Nhưng sự khéo léo và nhanh nhẹn vừa qua, cách tung quả cầu ra và thu lưỡi dao về có một cái gì linh động, uyển chuyển khác thường làm hắn ngạc nhiên như vừa được xem một điệu vũ đặc biệt. Hắn hùa theo người mã phu:
    - Ghê thật !
    Và trong lòng hắn nghĩ không biết Kohei ra sao, kỹ thuật sử dụng võ khí của y cao đến mức nào mà vợ y lành nghề như thế ! Ý tưởng này làm hắn càng háo hức muốn gặp Kohei. Lợi dụng lúc thiếu phụ vào nhà trong lấy trà, hắn hỏi nhỏ người mã phu:
    - Đền Arikida là đền gì, ở đâu ?
    - Đó là đền xử nữ, thờ Thái Dương thần nữ, ở cách đây mấy dãy núi. Dòng họ Arikida trông nom đền, trồng trọt lấy thóc lúa và hoa quả dùng vào việc cúng lễ.
    - Vậy ta tìm Kohei chắc cũng không khó.
    Họ uống trà đến khuya. Khi vợ Kohei vào nhà trong rồi, cả hai chia phiên nhau canh bếp lửa tới sáng.
    Hôm sau, Musashi trở dậy sớm. Vết thương ở chân hắn sưng to. Hắn lên cơn sốt không đi bộ được nữa nên lại phải thuê ngựa cưỡi đến trấn Yamada nghỉ tạm. Ở đó có chỗ trọ tử tế và may ra có lương y chữa trị. Musashi ngỏ lời với người mã phu, được gã bằng lòng ngay vì thấy ông khách lạ này cũng sòng phẳng tử tế, và nhất là ở Yamada dễ tìm được khách thuê ngựa đi ngược trở lại trấn Kuwana hơn.
    Qúa trưa, Musashi đến Yamada, tìm chỗ trọ, trả tiền mã phu, rồi mượn người đến đền xử nữ hỏi thăm tin tức Kohei.
    Yamada là một thị trấn nhỏ hẻo lánh, về mùa đông lại càng vắng vẻ. Vài chục ngôi nhà gỗ nghèo nàn bên một sơn đạo, tuyết rơi đêm trước còn phủ trắng mái nhà và lấp kín những gốc cây đổ sau trận bão vừa rồi. Quán Musashi ở trọ là một trà thất đơn sơ, hắn cũng lại là người khách duy nhất trong quán. Rủi cho Musashi, trấn này trước đây vẫn có tiệm thuốc, nhưng nay vì vắng khách, không còn ai ở lại hành nghề nữa. Người hắn mướn đi hỏi tin tức cũng đã về, nói không có ai tên Kohei ở đền Arikida cả, Musashi thất vọng, đành ngồi trong phòng chuyên tâm vào việc trị thương. Nghe nói dùng quả muồng muồng giã nhỏ đắp vào chỗ đau có thể khỏi, hắn cũng làm theo. Mùi muồng muồng xông lên hắc và ngái khiến hắn buồn nôn và hối hận đã rẽ vào vùng này mà chẳng được việc gì. Chỉ còn vài ngày nữa hết năm, Musashi đã viết thư gửi đi, hẹn tiết Nguyên tiêu trở lại Kyoto gặp Yoshioka phái, không lẽ bây giờ hủy bỏ cuộc gặp gỡ ấy chỉ vì cái chân đau. Lại còn việc hội ngộ với Matahachi ở dưới chân cầu Gojo nữa. Suy đi tính lại, việc quan trọng nhất bây giờ là phải làm sao cho vết thương ở chân được lành đã rồi rời nơi này ngay để đi Kyoto thì mới kịp.
    Đêm ấy Musashi sốt nặng. Chủ quán đến săn sóc cho hắn, lột bỏ lớp đậu muồng muồng đi và rửa sạch chỗ chân đau, buộc lại cẩn thận. Sáng hôm sau cơn sốt lui nhưng vẫn còn sưng và đau lắm. Hắn có cảm tưởng như đeo một cục chì. Trong đời, Musashi chưa bao giờ bị bệnh nặng đến phải nằm liệt giường ba ngày liền, ngoại trừ một lần, lúc còn nhỏ bị cái nhọt trên đỉnh đầu.
    ?oBệnh hoạn thật là một kẻ thù đáng sợ mà ta không làm gì được ! Kẻ thù bên ngoài còn dễ đối phó, chứ kẻ thù từ trong ra, nó ăn ruỗng cơ thể và tâm hồn mình lúc nào không hay, khó mà lường nổi?. Nhưng nghĩ như thế, hắn lại thấy tâm thần khích động cho đó là một thách đố. Hắn tung chăn ngồi dậy, lẩm bẩm:
  2. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 26
    NHƯ ĐẠI BÀNG
    (tiếp)​
    ?oMột vết thương nhỏ như thế này mà mình không quyết tâm khắc phục thì làm sao đương đầu với cả Yoshioka phái ??.
    Hắn nghiến răng chịu đau, thu chân lại ngồi theo thế kiết già, nước mắt chảy ràn rụa, tưởng ngất đi ngay trong lúc ấy. Nhưng sau một khắc tự chủ, hô hấp trở lại điều hòa, hắn thấy mắt bớt hoa, mạch máu hai bên thái dương dường như bớt đập mạnh và trong người thư thái hơn trước. Trước ý chí mãnh liệt của hắn, con quỷ đau đớn đã nhường bước, hắn nghĩ vậy. Musashi nhắm mắt, hai tay để lên đùi, tập trung hết ý chí vào việc điều hòa kinh mạch, đẩy máu độc ra ngoài. Mồ hôi vã ra như tắm, hắn cảm thấy vết thương dưới chân đang nứt ra, lần vải buộc ướt nhớp nháp.
    Một lúc sau dừng lại, hắn duỗi chân. Lại lần nữa sự đau đớn làm mặt hắn co rúm.
    Musashi thong thả cởi lần vải ngoài, quả nhiên máu mủ đã loang đầy mấy lần vải trong, ướt đẫm. Máu đen và mủ đặc vẫn tiếp tục ri rỉ chảy từ miệng vết thương ra, nhưng máu mủ chảy đến đâu, hắn thấy nhẹ người đi đến đấy. Hắn gọi người hầu lấy chậu nước, rửa sạch chỗ đau, buộc lại bằng vải mới, rồi ngồi xếp bằng nhìn ra ngoài.
    Trước cửa sổ, rừng bách trải dài trên tuyết, gần đấy là đồi Mi Sơn, xế về phía đông, đồi Thạch Ấn nhô đầu khỏi hàng bách tuyết phủ trắng xóa. Giữa hai quả đồi là một ngọn núi cao, sườn dốc và trên đỉnh một tảng đá lớn nhô ra trông tựa mỏ chim. Trái núi giống con đại bàng nghiêng đầu nhìn cánh rừng trước mặt. Musashi càng nhìn càng thấy giống, không ngờ chính ngọn núi ấy mang tên Đại Bàng sơn, một tên do dân địa phương đặt cho không biết tự bao giờ.
    Trông ngọn núi ngạo nghễ, hắn nghĩ đến tiên sinh Yagyu, từ trên mây nhìn xuống, chế giễu sự yếu đuối, vô dụng của hắn. Musashi nóng nảy muốn đi ngay, làm một cái gì, không phải vì hiếu thắng mà vì muốn chứng tỏ với chính mình sự quyết tâm và ý chí khắc phục trở ngại. Nhu cầu ấy cấp thiết, từ trong cõi sâu kín nhất của tâm thức thôi thúc, không cho hắn trì hoãn, mặc dầu cơ thể hắn đang trải qua cơn đau đớn ê chề. Hắn gọi chủ quán đến tính tiền, gói cho một ít lương khô để ngày hôm sau đi sớm.
    Hôm sau, mới đầu giờ mão, Musashi đã trên đường dẫn đến đền Arikida.
    Mỗi bước chân đi là một khó nhọc vô cùng, cơn đau dày vò làm hắn có cảm tưởng như chân sắp rời ra từng mảnh. Musashi biết rõ chuyện đó từ khi rời khỏi quán, nhưng hắn nghiến răng mà đi vì đây là một thử thách. Lội qua nước suối lạnh buốt, sang đến bờ bên kia thuộc địa phận đền Arikida, hắn gục xuống bên gốc cổ tùng rễ nổi cao trên mặt đất. Không khí trong lành, phong cảnh tịch mịch quanh ngôi đền và từ xa, xa lắm mơ hồ vẳng lại tiếng sáo theo một điệu nhạc cổ làm hắn em đi. Trong giấc mơ, dướng như hắn nghe tiếng chim hót và cả tiếng nghẹn ngào đứt quãng của những thiếu nữ hát đệm trong những buổi tế lễ xưa.
    Musashi tỉnh dậy, nắng đã chan hòa đổ trên các mảng tuyết chưa tan. Hắn chỏi mắt, lấy tay sửa lại chiếc nón rồi men theo bờ suối đi ngược lên, khó nhọc trèo qua những tảng đá rêu phủ trơn trượt. Được một quãng thấy bức tường đất chắn ngang, chỉ còn để lại một lối đi nhỏ, và gần đấy có cửa khép kín, Musashi tháo kiếm và hành trang dựa cửa ngồi nghỉ. Hắn lấy lương khô ra ăn, múc nước suối uống rồi ngồi trên bờ suối cởi vết thương ra xem. Vết thương tuy còn đau nhưng đã đỡ nhiều, không sưng tấy lên như trước. Thò chân xuống nước lạnh, hắn lại thấy dễ chịu, nên nghĩ sao, cởi luôn quần áo nhảy xuống tắm. Hắn vùng vẫy, ngụp lặn dưới nước, tưởng như muốn để cho dòng nước trong sạch này rửa hết mọi nhơ bẩn của tâm hồn và thân thể cho hắn được thanh khiết hơn.
    Nghe tiếng chim véo von, hắn cũng hòa theo mà ca hát. Giá có ai đi qua nhìn Musashi tắm vào lúc này tất cho hắn là một thằng điên, vì hỗn hào bị thần linh quở phạt như trước đây đã phạt hóa điên một tên thợ săn vào bắn trộm chim trong đền.
    Đối với Musashi, sự tắm nước lạnh và dự định trèo lên đỉnh Đại Bàng sơn ngày hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt. Cuộc giao đấu với Yoshioka phái là cuộc giao đấu sinh tử. Hắn không sợ chết, cũng không muốn chết anh hùng. Hắn muốn thắng một cách anh hùng nên hắn phải chuẩn bị. Để có một ý chí vững chắc như sắt đá. Để có một lòng tự tin không gì lay chuyển.
    So sánh với Yagyu tiên sinh, Ozoin lão tăng và Takuan thiền sư, rõ ràng hắn còn yếu đuối, chưa đủ trưởng thành để biết phải làm gì và làm vào lúc nào. Cho nên hắn phải học cái dũng của họ, cái dũng của kẻ chiến thắng bản thân trước khi chiến thắng ngoại vật.
    Musashi bơi sang bên kia suối, chui qua ngọn thác nhỏ, nước đổ xuống như trăm ngàn lưỡi dao bén chém vào da thịt. Da hắn đỏ au. Dưới chân hắn là vực sâu, bên kia, ngọn Đại Bàng sơn lừng lững đè lên hắn. Musashi đã quyết tâm chưa, đủ nghị lực chưa ? Bây giờ là lúc quyết định. Hắn hét to, vang động cả sơn cốc:
    - Ta sẽ thắng !
    Tiếng vọng từ khắp các vách đá dội lại, thôi thúc, cổ võ:
    - Ta sẽ thắng ! Ta sẽ th ... ắng ! Ta sẽ th ... ắng ...
    Nắm một dây leo dài, Musashi đánh đu xuống vực rồi chuyền cành nọ sang cành kia, chẳng mấy chốc đã đứng dưới chân núi. Nhìn hắn trần truồng leo qua những cành cây, bám vào ghềnh đá mới thấy sự táo bạo vô biên của hắn. Chỉ một cái xẩy tay hay trượt chân là tan xác. Không khác một người tiền sử ra sức chế ngự thiên nhiên để tìm sự sống. Gió núi thổi ào ào, tai hắn ù đi. Mỗi lần bám vào vách đá cao để leo lên, hắn lại gọi tên người hắn muốn tranh thắng. Này Takuan này ! Này Ozoin này ! Này Yagyu này ! Hắn trèo. Hắn đạp. Hắn bấu. Chỉ còn vài trượng nữa là tới đỉnh. Da hắn gai cào sứt đến rướm máu. Một chút cố gắng nữa ! Một chút nữa thôi !
    Nói thì dễ nhưng làm thật khó. Chút cố gắng ấy chính là để phân định sự khác biệt giữa lưỡi gươm chiến thắng và lưỡi gươm chiến bại.
    Musashi và trái núi bây giờ là một, nhưng trái núi ngạc nhiên và không muốn người ta làm rộn nên thỉnh thoảng lại đổi xuống rào rào sỏi với đá, không kiên trì bám vào những bụi cây mọc chồi ra, có lẽ đã bị kéo văng xuống vực rồi !
    Đột nhiên, trong một cố gắng phi thường, Musashi rướn mình đi lên bám vào một phiến đá. Hắn nằm sấp trên phiến đá ấy, trông ra bốn bề không có gì ngăn cản, chỉ thấy trời xanh biếc. Bên dưới, mây nhẹ như khói bao phủ cả một vùng.
    - Thắng rồi ! Ta thắng rồi !
    Hắn đã lên tới đỉnh, bao nhiêu sức lực như sợi dây cung căng quá độ đứt phựt, bỏ hắn. Musashi thở hắt ra, nhắm mắt, bất tỉnh.
    Khi tỉnh dậy, hắn nhìn xuống chân. Máu mủ ở vết thương tuôn ra, Musashi tưởng như đang kéo trôi tất cả những nhu nhược và mặc cảm của hắn. Trong cái thanh khiết chốn cao sơn dường như có mùi tinh lực con người, mùi dịu ngọt của phiền não đang tiêu tán.
  3. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    Tiếp hộ bạn @songtunu nhé
    ------------
    CHƯƠNG 27
    PHÙ DU TRƯỚC GIÓ

    Buổi kinh sớm vừa xong, toán lễ sinh ôm sách theo nhau đến học quán. Họ toàn là xử nữ được tuyển dụng vào đền Arikida phụ giúp việc tế lễ và ca múa nên ngoài phần vụ hàng ngày, còn phải học thêm cổ thi và nhạc lý. Trong những buổi lễ chính thức, toán thiếu nữ lễ sinh vận đồng phục áo trắng, quần lụa ống rộng màu huyết dụ gọi là hakama, nhưng ngày thường, đồng phục của họ là kimono ngắn tay và hakama bằng vải trắng.
    Đền Arikida ở biệt lập một khu trên ngọn đồi cao, kiến trúc đơn sơ nhưng cổ kính, trong một khung cảnh u tịch. Đền ở xa các sơn đạo nên ít khách vãng lai. Nếu có ai muốn đến chiêm bái thì phải gọi cổng, thủ đền đích thân ra hướng dẫn vào đại sảnh.
    Quanh đền lũy đất đắp cao quá đầu người, chỉ để một cửa nhỏ thông ra suối.
    Hôm ấy, phụ trách việc quẩy nước vào đền là hai thiếu nữ lễ sinh tuổi chừng đôi tám. Cả hai mang gàu tre từ nhà bếp đi ra chuyện trò ríu rít, bước chân ngắn và mau vẽ thành những vệt dài trên cỏ ướt.
    Đến cổng sau, vừa mở cửa, nàng nhỏ tuổi nhất giật mình lùi lại đưa tay lên miệng giữ tiếng kêu khẽ. Vì cái túi vải không biết của ai để đó từ bao giờ, theo đà cửa mở, lăn vào trong thềm đá.
    - Mô Phật !
    Cả hai nhìn chiếc túi vải chằm chằm. Túi bằng vải khô màu chàm đã bạc vì mưa nắng, miệng sờn rách, đổ nghiêng đè lên một thanh kiếm gỗ, vỏ đen bóng như mun.
    - Túi này của ai ?
    Hai thiếu nữ phân vân nhìn nhau. Cô lớn lẩm bẩm:
    - Đồ ăn trộm. Chắc đồ ăn trộm rồi ! Kẻ nào đem vào đây giấu ...
    Không ai bảo ai, họ thò đầu ra ngoài cổng nháo nhác nhìn quanh rồi bỗng nhiên ù té chạy về hướng bếp. Đến dãy nhà gỗ dùng làm phòng vãng lai cho khách, họ tranh nhau gọi:
    - Chị ! Chị ! Ngoài cổng sau có vật gì lạ lắm !
    Otsu bỏ dở quyển kinh đang chép, đặt vội xuống bàn chạy ra.
    - Có cái túi vải của ai để ngoài cổng. Bọn tiểu nữ chắc là đồ ăn trộm.
    - Sao không đem vào đưa cho lão quản ?
    - Không biết bên trong đựng gì. Bọn tiểu nữ sợ lắm !
    Otsu tò mò, định cùng ra cổng sau với hai thiếu nữ, nhưng thấy họ lộ vẻ hoảng hốt quá nên thôi. Nàng ân cần bảo:
    - Vậy để ta coi. Các em vào làm việc khác đi vậy !
    Nhìn chiếc túi vải nằm chơ vơ bên cánh cổng khép hờ, Otsu có cảm giác kỳ lạ.
    Chiếc túi cũng cô đơn như nàng, cũng phiêu bạc như nàng. Chủ nó là ai, ở đâu, nàng không biết, nhưng trông cái màu chàm đã bạc, cái miệng túi đã sờn, nàng đoán chắc người mang nó cũng phong sương lắm. Otsu cúi xuống lấy tay nhấc thử thấy nặng quá, bèn dùng cây gươm móc vào miệng túi mà kéo lê trên cỏ.
    ?oNặng thế này mà cũng đeo được !?. Thế rồi động lòng trắc ẩn, nàng lại thương kẻ vô danh.
    Đã hơn hai tháng nay, Otsu và Jotaro đến tá túc ở ngôi đền này sau khi lang bạt trên khắp các ngả đường đi tìm Musashi. Bấy giờ là mùa đông, nhiều sơn đạo tuyết phủ kín, sức nàng yếu đuối chắc không thể nào tiếp tục được. Nhân một buổi trọ tại lữ quán kia, nàng đem sáo ra thổi cho vơi niềm u uẩn thì được một khách quan chú ý.
    Không ngờ khách lại là một người có chức vị trong đền Arikida, mời nàng về dạy nhạc cho các xử nữ. Ở hoàn cảnh tứ cố vô thân như nàng bấy giờ, thôi thì đâu cũng là nhà, khác gì cánh phù du mùa đông mặc cho gió đưa đẩy. Nàng gật đầu ưng thuận.
    Thế là Otsu và Jotaro được vị khách quan kia dẫn về đền. Chỉ phiền một nỗi Jotaro lại là con trai, mặc dầu còn nhỏ tuổi, nhưng theo luật lệ không được phép ở cùng một khuôn viên với các xử nữ. Vì thế người tá điền giao cho nó việc phụ giúp lão làm vườn và buổi tối cùng ngủ chung trong vựa củi với lão.
    Thời gian trôi qua, Otsu càng ngày càng yêu cảnh u tịch của ngôi đền. Thông reo gió sớm, giọng chim lảnh lót lúc ban mai, và những buổi chiều tà, tiếng vạc kêu sương gợi cho nàng biết bao hoài cảm. Có những lúc ngồi lặng trước cảnh yên tĩnh của thiên nhiên, Otsu ngơ ngẩn xuất thần mặc cho hồn phiêu diêu ngược dòng thời gian trở về những năm tháng cũ. Nàng tưởng như đương ngồi trên bực đá ở thềm chùa Shippoji, lòng lâng lâng không vương vấn. Những lúc ấy, Otsu lại đem sáo ra thổi:
    thanh ba tinh khiết của tiếng trúc dâng cao, lòng nàng quyện vào những âm thanh đó mỗi lúc một say sưa làm nàng ngây ngất.
    Đằng xa, một vệt khói xanh bốc lên trong khu vườn hoang. Otsu nhớ đến Jotaro, tội nghiệp thằng bé đã phải lao động cực nhọc ở cái tuổi mà trẻ con chỉ biết chơi đùa.
    Chắc bây giờ nó đang nhặt cành khô và đốt lá. Nàng bắc loa tay gọi lớn:
    - Jotaro !
    Có tiếng đáp và lúc sau, Jotaro chạy tới. Bộ mặt đen đủi lém lỉnh của nó loang loáng dưới ánh nắng qua khe những cành cây trong vườn. Jotaro lấy tay quệt mồ hôi trán, toét miệng cười:
    - Ngỡ là ai. Chị gọi em làm gì vậy ?
    Đột nhiên, Jotaro nhìn thấy cái túi vải Otsu để bên cạnh:
    - Cái này của ai thế ?
    Vừa hỏi, Jotaro vừa giơ tay định kéo cái túi, nhưng Otsu ngăn lại:
    - Không được ! Không biết của ai. Để ta gọi người mang lên giao cho lão quán.
    Không được đụng đến đấy !
    Bỗng từ xa, một lễ sinh chạy tới trước mặt Otsu:
    - Xin mời chị về ngay. Viện chủ muốn gặp.
    - Thế à. Ta về ngay đây. Nhân thể nhờ em mang cái túi này trao cho lão quản, để hễ có ai đến hỏi thì hoàn lại cho họ.
    Jotaro nhìn cái túi vải và thanh gươm người thiếu nữ lôi đi, mắt nó buồn và môi bậm chặt. Nắng sáng rọi qua cành thưa, vài chiếc lá khô còn sót lại rủ bóng loang lổ lên mặt Jotaro khiến miệng nó trông như mếu. Otsu nhìn Jotaro lo lắng hỏi:
    - Chuyện gì thế em ? Em nhìn gì vậy ?
    Jotaro lắc đầu buồn bã:
    - Không ! Em trông cái túi và thanh gươm, lại nhớ đến thầy em !
  4. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp - Chương 27)

    Nghe Jotaro nói, Otsu không nén được xúc động, mắt đỏ hoe. Nghe lời Takuan, nàng đã cố quên con người ấy, nhưng hình ảnh Musashi vẫn luôn luôn ám ảnh. Lời nói của thằng bé khơi dậy sự nhớ thương mãnh liệt làm Otsu đau khổ vô cùng.
    Nàng có cảm tưởng nó như cơn đau răng, lúc bận quên đi thì thôi, nhưng hễ ai động đến thì nhức nhối. Nỗi đau nhọn sắc tựa gai đâm sâu vào vết thương chảy máu. Takuan chưa yêu, hay không biết yêu là gì, hiểu thế nào được tâm trạng của nàng lúc ấy. Nàng đưa tay áo lên chùi nước mắt, lầm lũi bước đi. Có lẽ nàng phải bỏ nơi này, dù gian nan đến mấy cũng chịu, chỉ cốt nhìn mặt người yêu, ghé đầu vào ngực người nàng thương nhớ. Vui buồn lẫn lộn, nước mắt lại trào ra, hình ảnh Musashi nhòe nhoẹt. Như trong giấc mơ, ảo tưởng làm Otsu quên cả thực tại khiến hai lần Jotaro phải chạy đến lo ngại hỏi:
    - Chị ! Chị làm sao thế ?
    Mãi khi thằng bé kéo áo, ngập ngừng:
    ?oChị giận em đấy à ??. Otsu mới sực tỉnh. Nàng gượng cười với thằng bé:
    - Không. Ta có tâm sự buồn. Thôi em đi làm đi, ta lên xem viện chủ bảo gì, đến bữa chiều sẽ lại gặp em.
    Viện chủ Arikida gọi văn phòng của ông là Văn Mặc Viện, nơi ông vừa tiếp khách, vừa hội họp và nghiên cứu cổ thư để soạn thảo văn liệu cho đền. Sát với viện là một ngôi nhà gỗ dùng làm trường học cho các lễ sinh, đồng thời cũng là nơi dạy dỗ một số các trẻ nhỏ trong mấy quận lân cận. Ông có ý dạy cho phái thiếu niên biết về cổ sử Nhật, một điều mà các nhà giáo dục thời bấy giờ cho là vô ích. Nhưng ông, ông nghĩ khác. Đa số dân chúng thường có khuynh hướng liên kết quốc gia với lịch sử các triều đại, nên chỉ giữ lòng trung với một triều đại nào đó thôi mà quên mất lòng trung với quốc gia. Hưng vong của giai cấp, họ cho là hưng vong của cả dân tộc, họ chỉ biết xả thân cho giai cấp, vì vậy cảnh tương tàn phe phái làm quốc gia suy yếu. Cho nên ông đi tìm cái gốc, dạy cho trẻ hiểu đâu là nguồn, hy vọng sau này sự tha thiết với nguồn gốc sẽ đơm hoa kết trái để dân tộc còn mãi với thời gian.
    Với lòng thành khẩn, kiên trì, ông san định lại cổ thư, phả vào đó luồng sinh khí mới để phái thiếu niên dễ cảm thông với cổ nhân hơn. Ông làm việc ấy cả mười năm rồi, tuy chưa đáng gọi là có kết quả gì đặc biệt nhưng dân trong vùng đã giác ngộ:
    triều đại này suy vi, triều đại kia hưng thịnh thì đó cũng chỉ là những chuyển biến của quốc gia, tỷ như những ngôi sao lúc mọc, lúc lặn, ánh sáng mờ nhạt không thể bì với ánh thái dương, tiêu biểu cho dân tộc được.
    Viện chủ Arikida vừa ra khỏi phòng học thì một lễ sinh đã đến trình với ông là Otsu đang chờ ở viện. Ông sực nhớ ra, có vẻ bối rối:
    - Ờ, ta quên khuấy đi mất đấy.
    Bèn vội vã vào văn phòng. Gặp Otsu, ông nhã nhặn xin lỗi:
    - Để chị phải chờ, lão phu thật đắc tội. Chị tới đã lâu chưa ?
    - Dạ, tiện nữ cũng vừa đến. Viện chủ cho gọi có việc gì ?
    - Không quan trọng lắm, nhưng có đôi chút liên quan đến chị. Chị dùng trà đã.
    Vừa hay, lão quản bước vào, nói nhỏ với viện chủ điều gì. Ông nghiêm sắc mặt, khẽ gật. Quay sang Otsu, ông hỏi:
    - Chị có nghe lão quản vừa nói gì với ta không ?
    - Dạ, tiện nữ đâu dám vô lễ.
    - Một cái túi vải và thanh kiếm vừa được tìm thấy trong khuôn viên đền. Chắc không phải do khách thập phương đến chiêm bái để lại.
    - Tiện nữ đã biết.
    - Chị biết rồi ?
    - Dạ ! Chính tay tiện nữ kéo vật đó từ cổng sau vào và đã nhờ một em lễ sinh mang giao cho lão quản.
    Viện trưởng lặng thinh, nhìn Otsu, lúc sau mới nói:
    - Chắc lại của một Samurai nào đó muốn chọc ghẹo người trong đền thôi.
    - Viện chủ nghi có kẻ đột nhập đền xử nữ này chăng ?
    - Có thể lắm. Nhân chuyện này, ta cũng muốn nói đến việc của chị.
    - ...
    - Thật là bất đắc dĩ. Chị hẳn hiểu ta không có ý gì ...
    - Xin viện chủ giải thích thêm, tiện nữ quả không biết rõ.
    Viện chủ Arikida thở dài, vẻ bối rối ra mặt:
    - Chuyện không quan hệ, nhưng không nói thẳng để chị biết thì không được.
    Nhiều người xầm xì về việc ta để chị ở trong đền cùng với các xử nữ. Chị biết đấy, vì tiếng tăm của viện ...
    - Thưa viện chủ, tiện nữ đã làm gì ...
    - Không ! Không ! Chị đừng giận. Ta không trách, trái lại còn rất cảm ơn. Chị đã giúp rất nhiều cho viện. Nhưng ... nhưng ... Ông bối rối gãi râu ... Chị đã từng trải, trên bước đường lịch lãm, hẳn không tránh được việc gặp gỡ phái nam. Chị tha thứ cho, hoàn cảnh chị không hợp với tiêu chuẩn của bản viện, nên có điều ...
    Mặc dầu viện chủ đã rào trước đón sau, dùng những mỹ từ để che giấu điều khó nói, Otsu nghe vẫn khó chịu. Nàng bực bội. Quả thật, Otsu đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề độ nhật, lại luôn luôn mang hình bóng một người đàn ông trong tim, nhưng thật nàng vẫn còn là xử nữ. Bông hoa trên suối, theo dòng nước cuốn đi, ai biết đâu vẫn còn phong nhụy !
    Hai hàng nước mắt trào ra, vừa thương phận mình, vừa giận người, Otsu cảm thấy tắc nghẽn ở cổ họng.
    Viện chủ Arikida còn nói nhiều, nhưng nàng có nghe gì đâu. Nàng cũng chẳng muốn trần tình, chỉ ghê cho miệng lưỡi thiên hạ. Thôi thế cũng xong, lòng nàng tuy lưu luyến nơi này nhưng sự ra đi chẳng phải do nàng đề nghị. Phù du đâu quản gió đông, một lần nữa lưu lạc, biết đâu may mắn chẳng gặp người nàng mong ước ?
    - Tiện nữ xin đa tạ viện chủ đã cho tá túc và không dám ở lại làm phiền quý viện thêm nữa. Vậy ngay từ bây giờ, xin bái biệt, viện chủ cho tiện nữ tạ lỗi để về thu xếp hành trang ....
    - Ồ. Gì mà vội thế, chị !
    Tuy nói vậy, nhưng ông vẫn đứng dậy mở tủ, lấy một ít vàng gói vào một phong bao nhỏ. Nhìn ra cửa, thấy Jotaro đứng lấp ló, ông vẫy tay gọi vào. Jotaro khép nép đến bên Otsu.
  5. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp - Chương 27)
    Viện chủ cầm phong bao đưa cho nàng:
    - Có chút quà mọn, lão phu trả ơn chị ...
    Nhưng Otsu từ chối. Nàng nói:
    - Tiện nữ không dám. Đáng lẽ tiện nữ phải trả tiền ăn ở mới phải chứ đâu dám lấy công vài điệu sáo tầm thường ấy.
    Khẩn khoản thế nào cũng không nhận. Sau viện chủ Arikida phải cười bảo:
    - Chị bướng bỉnh quá. Thế lão phu muốn nhờ một việc, chị có chịu làm cho chăng ?
    - Viện chủ cứ dậy, tiện nữ đâu dám từ chối.
    - Làm việc này hộ lão phu cũng tốn công sức. Hay là để lão phu đưa tiền cho cháu Jotaro đây làm lộ phí, rồi cháu giúp lão phu. Chị chỉ giám sát thôi cũng đủ.
    Nói xong, ông đưa phong bao cho Jotaro. Thằng bé giơ tay ra nhận liền, nhưng nghĩ sao, lại để xuống bàn quay lại hỏi Otsu:
    - Em lấy nhé ?
    Dáng điệu của nó khiến mọi người mỉm cười. Trước sự đã rồi, Otsu đành gật đầu và cảm ơn lão viện chủ.
    - Điều lão phu muốn nhờ là xin chị cho phép cháu bé mang vật này đến biếu ngài Karasumaru Mitsuhiro ở Kyoto.
    Ông với tay lên kệ lấy cái ống tre, rút ra một cuốn giấy trải trên bàn. Thì ra là một bức thủy thái họa khá lớn:
    - Hai năm trước, ngài Karasumaru có cậy lão phu vẽ cho một bức tranh, ngài sẽ đề thơ bình chú để dâng lên hoàng thượng. Vì vậy lão phu không muốn giao cho bất cứ ai sợ tranh bị hư rách. Cậy đến chị xin hết lòng cẩn trọng cho.
    Viện chủ giở dần bức tranh. Tranh họa một cảnh triều đình cổ. Vì lời bình chú chưa đề, nên Otsu không rõ đời nào, nhưng nhìn những nét thanh nhã và các chi tiết được ghi lại rất trung thực và chính xác, nàng thấy tác giả có óc nhận xét thật tinh tế.
    Nó có vẻ đẹp riêng, tuy nhiên so với lối họa của Yagyu tiên sinh, nàng cho nét bút của viện chủ kém phần phóng khoáng.
    - Chị ! Chị ! Lửa này vẽ đẹp quá, trông bập bùng như thật !
    Jotaro vừa khen vừa toan giơ tay sờ vào chỗ vẽ.
    - Jotaro ! Không được mó vào ! Xem thôi, sờ vào hư mất !
    Trong khi mọi người mãi mê xem tranh, một gia nhân đến gần viện chủ ghé tai nói thầm. Viện chủ gật đầu, đáp lại:
    - Thôi thế cũng được. Nếu người ta đã xác nhận được túi và gươm là của người ta thì trao cho họ cũng không hề gì. Nhưng giá bảo họ biên nhận thì hơn.
    oo Nghe tin Otsu ra đi, toán lễ sinh trong viện xôn xao hẳn lên. Mấy tháng nay Otsu dạy sáo và nhạc cho họ, họ rất thích thú và quý trọng. Nàng luôn luôn như người chị cả tài hoa, không những từng trải việc đời mà còn khéo léo tế nhị, hướng dẫn họ trong mọi việc và cách cư xử hàng ngày. Đôi khi có sự bất hòa, nàng đứng ra dàn xếp, mọi người đều vừa lòng và hoan hỉ.
    Tan giờ học, bọn lễ sinh kéo nhau đến phòng Otsu, ríu rít hỏi thăm:
    - Chị đi thật đấy à ?
    - Chị có trở lại không ?
    - Sao chị lại bỏ đi. Chúng em nhớ lắm. Biết bao giờ mới lại có thầy dạy nhạc được như chị.
    Nhiều thiếu nữ lộ vẻ rầu rĩ vì phải xa Otsu. Họ đến ôm nàng, cầm tay bịn rịn. Vài người giúp Otsu thu xếp hành trang. Hành trang nào có gì đâu, mấy bộ quần áo, gương lược linh tinh thu gọn vào vừa một gói Otsu đeo trên lưng. Cuộc đời lưu lạc sông hồ, mang nhiều theo càng thêm bận. Đối với Otsu, buổi ra đi hôm nay sao lạ kỳ, nàng phân vân vui buồn lẫn lộn. Một cảm giác vừa như lưu luyến vừa như được giải thoát đến xâm chiếm tâm hồn, Otsu thở dài nghĩ thầm:
    ?oSự thay đổi nào mà không nhiều sầu muộn ??.
    Cả đoàn lễ sinh theo Otsu ra khỏi phòng. Mắt mọi người đỏ hoe, vài thiếu nữ không cầm được xúc động, sụt sịt khóc.
    Otsu cố lấy giọng bình tĩnh, khuyên giải:
    - Thôi thì chẳng nên buồn phiền. Ở đời, ly biệt là sự thường. Có hợp thì có tan. Rồi một ngày ta sẽ gặp lại các em. Hãy bảo trọng lấy thân và trau dồi tài đức ...
    Nàng nói mà trong lòng áy náy vì dư biết lần này ra đi là vĩnh biệt. Làm gì còn có cơ hội nào trở lại đây nữa.
    Một lễ sinh đề nghị tất cả cùng đi tiễn Otsu ra tận chân cầu Isuzu. Gió đông thổi se sắt luồn vào tay áo ngắn, các nàng cảm thấy lạnh, nép vào nhau run rẩy.
    Bước xuống thềm, Otsu đưa mắt nhìn Jotaro, đã thấy thằng bé ngồi chờ ở đó từ lúc nào. Nó trả lại đền bộ đồng phục trắng, mặc chiếc kimono ngắn cũ trước kia, vai đeo thanh kiếm gỗ dài cùng chiếc ống tre viện chủ giao cho nó mang đi. Trong túi vải nhỏ bên sườn còn chiếc mặt nạ và bộ áo để thay đổi.
    Thấy Otsu, Jotaro phụng phịu:
    - Sao chị lâu thế ?
    Otsu cười, hỏi lại:
    - Thế em làm gì trong lúc chờ ta ?
    - Chả làm gì cả. Em ngắm cảnh đồi. À, em thấy một người trông giống thầy em lắm, đi về phía chân núi.
    - Trời ! Em thấy Musashi sao ?
    - Giống thôi, nhưng nhìn kỹ có lẽ không phải vì ông này đi khập khiễng.
    Otsu thở dài, im lặng. Trong cuộc hành trình cùng với Jotaro, sự nhầm lẫn như vậy xảy ra rất thường:
    khi thì người mang gươm cưỡi ngựa trên quan lộ, lãng nhân đội nón nan bên cửa lữ điếm, khi thì Samurai vừa bước xuống đò ... hai chị em trông ai cũng thấy Musashi, đến gần mới biết là không phải. Hy vọng lóe lên rồi vụt tắt, chuyện xảy ra có lẽ đến hàng chục lần, bây giờ Otsu không còn hồi hộp cuống quýt nữa. Nàng chỉ yên lặng an phận. Và thở dài.
    Jotaro lon ton đi trước. Một thiếu nữ hỏi nhỏ Otsu:
    - Em bé là con chị đấy à ?
    Otsu ngạc nhiên nhìn thiếu nữ. Đột nhiên nàng hiểu, hơi đỏ mặt:
    - Sang năm ta mới hăm mốt, làm sao có con lớn như vậy được !
    - Thế mà người ta cứ đồn ...
    Otsu nhớ lại những lời viện chủ nói, nhưng nàng tự trấn an ngay, nghĩ rằng Musashi chắc chẳng tin những lời dèm pha đồn đại ấy.
    Đến cuối vườn, Otsu rẽ vào phía miếu thờ Đức Thái Dương thần nữ.
    - Chị lầm đường rồi. Ra cổng phía này kia mà !
    - Không, ta muốn vào lễ Đức Bà.
    Đến trước cửa miếu, nàng chắp tay kính cẩn đọc một bài kinh ngắn và cúi đầu lâm râm cầu nguyện.
  6. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp và hết - Chương 27)
    Đi một quãng, không thấy Otsu, Jotaro quay trở lại. Thấy nàng ở trước cửa miếu, nó đứng sững nhìn. Một lễ sinh bảo nó:
    - Sao em không vào lễ với chị ?
    - Em không lễ. Việc gì em phải lễ ?
    - Đây là Đức Bà thần nữ, thủy tổ và cai quản muôn loài, không phải như những thần linh khác. Vào lễ đi, Đức Bà phù hộ cho.
    - Không. Em không lễ. Ngốc thế !
    Cả bọn sững sờ vì thái độ cục cằn khiếm nhã của thằng bé. Otsu lễ xong quay ra, thấy vẻ bất bình trên mặt họ, bèn hỏi nguyên do. Nàng cau mặt mắng Jotaro:
    - Jotaro hỗn lắm nhé. Nếu em không tin thì cũng phải trọng tín ngưỡng của kẻ khác chứ. Nhưng em nên lễ là phải.
    - Tại sao ?
    - Vì Đức Bà là thủy tổ giống nòi ta, ta phải biết ơn và tôn kính. Vả lại có phải chính em đã nói với ta lúc ở cánh đồng hoang Hannya, em cũng cầu Trời lạy Phật cho thầy em thoát nạn mà. Em lạy Đức Bà đi, Ngài sẽ phù hộ cho chóng gặp thầy.
    Jotaro cúi đầu, một lúc sau mới nói:
    - Nhưng các cô này cứ nhìn em ...
    - Ừ thì chúng ta sẽ quay mặt đi. Vào lễ đi.
    Jotaro đến vội cửa miếu, chắp tay lại mấy cái thật nhanh rồi ù té bỏ chạy, chiếc ống quyển và thanh gươm đập vào lưng nó lịch bịch.
  7. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    CHƯƠNG 28
    CÁI CHONG CHÓNG

    Musashi ngồi yên lặng đợi đò ngang dưới mái hiên hẹp của một quán bán hải vị trông ra biển.
    Ăn xong đĩa nghêu luộc mà người hắn nhờ đi mua dép cỏ vẫn chưa về, sốt ruột, hắn cởi miếng vải buộc vết thương ở chân ra. Chỗ đau đã xẹp nhiều, da xung quanh bàn chân bây giờ màu tím hồng và hơi nhăn. Không bị vướng víu khó chịu như trước, Musashi đứng dậy đi ra phía ghềnh đá vốc nước rửa. Buộc lại vết thương xong, trở về quán, hắn đã thấy dép và xà-cạp mới mua để ở đó từ bao giờ, bên túi hành trang chỗ hắn ngồi cũ.
    Chủ quán nướng nghêu trong bếp, trông ra nhắc:
    - Bác chân sào tìm khách quan đấy. Thuyền sắp rời bến rồi.
    - Ồ vậy ư ? Để ta trả tiền và ra ngay bây giờ. Hôm nay ngày mấy rồi quán chủ ?
    Chủ quán cười:
    - Khách quan thật là hạnh phúc. Nghe hỏi, biết ngay chẳng nợ nần ai. Hôm nay hăm bốn, sắp hết năm rồi còn gì.
    - Chà ! Thế mà ta cứ tưởng muộn, hăm bảy hăm tám gì đó !
    Chủ quán lắc đầu:
    - Thanh niên có khác, vô tư quá !
    Musashi trả tiền xong, xỏ chân vào đôi dép mới, buộc vội dây xà-cạp rồi hối hả chạy ra bến. Hắn thấy dễ chịu quá, có thể đi bộ thêm được đến vài chục dặm. Từ tình trạng tàn tật bỗng nhiên trở thành khỏe mạnh, hắn yêu đời hẳn lên. Nhất là sự thành công của hắn trên đỉnh Đại Bàng sơn ngày hôm qua khiến hắn vô cùng tin tưởng vào ý chí mãnh liệt hắn có. Musashi hít mạnh một hơi dài:
    không khí dường như nhẹ và thơm hơn, những bước chân trên cát của hắn vững vàng như những bước chân con tuấn mã.
    Đò đã đầy người nhưng bác chân sào vẫn cố xếp cho hắn một chỗ ngồi gần mũi.
    Biển lặng. Mặt nước trong xanh phẳng lỳ tựa tấm gương soi phản chiếu vài cụm mây lờ lững. Musashi nhìn về phía bến:
    dẫy quán ven bờ, ngôi chợ cũ khuất dần trong tàn trắc xanh đen và xa xa là sơn đạo đi Matsuzaka, ngoằn ngoèo giữa những đám tuyết trắng chưa tan. Giá có thì giờ, có lẽ hắn cũng đi gặp Trúc Tử Hãn ở Matsuzaka, nhưng bây giờ thì muộn mất rồi. Hắn cần phải về Kyoto trước tết nguyên tiêu, nên tự hẹn sẽ tìm gặp vị kiếm sỹ này vào một dịp khác.
    Vừa từ trên thuyền bước xuống, Musashi chú ý tới ngay một gã đàn ông trung niên đi trước, lưng giắt đoản côn, ngang hông đeo kiếm bao bằng da trâu. Gã trạc độ bốn mươi bốn hai, mày rậm, mắt lồi, mặt lại rỗ chằng chịt. Mớ tóc đỏ quạch buộc ngược về phía sau thành một túm, dáng điệu dữ dằn. Nếu không có thằng bé trạc độ trên mười tuổi vác túi đồ nghề thợ rèn theo sau thì ai cũng ngỡ là kẻ cướp.
    Thằng bé má còn dính vệt than và mồ hóng, chắc là thợ phụ. Chân nó ngắn, đuổi không kịp bước của thầy nên thỉnh thoảng phải chạy. Chiếc túi vải gai đeo trên lưng to gần bằng mình nó kêu lịch kịch theo bước đi. Mỗi khi chạy, nó phải lấy tay đỡ túi cho khỏi va vào lưng. Đột nhiên thằng bé khựng lại la hoảng:
    - Ý ! Thầy đợi con với. Con quên cái búa rồi !
    Musashi phì cười. Nhưng gã đàn ông quay lại trừng mắt:
    - Thật hay bỡn ?
    - Dạ thật ! Con để quên trên thuyền.
    - Hà ! Bây giờ mày lại quên cả đồ nghề độ nhật nữa. Muốn sống đi lấy ngay ! Bận sau mà quên nữa thì chết với ông !
    Đứa bé líu ríu vâng lời, cắm cổ chạy.
    Con đường từ bến tàu đến chợ chẳng thiếu gì quán bán các vật dụng linh tinh, nhất là đồ kỷ niệm. Thằng bé đi tìm búa quay trở lại không thấy thầy đâu, lo lắng nhìn quanh. Khi thấy gã đàn ông trong tiệm bán đồ chơi bước ra, tay cầm cái chong chóng bằng giấy sặc sỡ, mắt nó sáng lên vui sướng.
    - Iwa !
    Nghe gọi, thằng bé chạy vội lại.
    - Mang cái này cho ta ! Có tìm thấy búa không.
    - Dạ có. Con để trong túi rồi !
    - Thầy mua cho bé Hồ nhi đấy à ?
    - Ừ.
  8. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp - chương 28)
    Hai thầy trò gã thợ rèn đi trước Musashi tuồng như dẫn đường cho hắn, vì hắn thấy hắn định rẽ phía nào thì họ cũng đã rẽ trước về phía ấy. Trông dáng điệu, y phục và những đồ nghề thằng bé mang theo, Musashi đoán mười phần chắc chín gã đàn ông là Tsujikaze Kohei, người thợ rèn xóm Ujii, nổi tiếng về ngón đòn với thứ võ khí cổ quái như cái hái do gã chế ra.
    Muốn kiểm chứng và nhân thể tìm cơ hội làm quen, hắn rảo bước đến gần, niềm nở hỏi:
    - Chào đại hiệp. Đại hiệp cũng đi Ujii đấy à ?
    - Phải. Ngươi hỏi gì ?
    - Phải chăng đại hiệp là Kohei ?
    - Chính thị. Thế ngươi là ai ?
    - Tại hạ tên Miyamoto Musashi, đi tìm thầy học võ. Mới đây qua quý xá, có được gặp lệnh khổn ...
    - Á à ! Vậy ngươi đã gặp chuyết kinh đấy. Thế ngươi có phải là khách trọ Ở Yamada không ?
    - Phải
    Kohei mỉm cười ngạo mạn:
    - Có người cho biết ngươi muốn tìm ta để học vài ngón sở trường. Vô ích ! Vô ích !
    Thủ pháp của ta ngươi chẳng dùng được vào việc gì đâu.
    - Sao vậy ?
    - Vì vừa nhìn ra thì ngươi đã thành người thiên cổ rồi ! Ta phát lạc nhanh lắm !
    Gã nói xong cười ha hả. Tiếng cười vang động cả khu rừng vắng. Musashi đã từng nghe vợ Tsujikaze thốt ra những lời như vậy, tuy lời không hẳn là thế, nhưng ý khinh miệt tương tự. Mụ vợ có vẻ hống hách, song chồng mụ xem ra còn kiêu căng hơn nhiều.
    Hắn muốn dạy gã thợ rèn này một bài học ngay tại đây, nhưng nghĩ lại chẳng việc gì mà vội. Takuan đã cho hắn kinh nghiệm đầu tiên về cuộc đời:
    đừng tưởng mình là nhất, gầm trời này thiếu gì kẻ hơn ta. Tự cao tự đại chỉ chuốc lấy những thất bại đau đớn. Trước khi thử sức với ai, hãy tìm hiểu và đánh giá kỹ địch thủ.
    Nghe tiếng cười ngạo mạn của Tsujikaze vang động bên tai, Musashi chỉ lặng thinh. Lát sau hắn mới khiêm tốn:
    - Tại hạ đã hiểu. Nhưng may mắn được gặp đại hiệp ở đây, tại hạ không muốn để lỡ dịp hạnh ngộ. Chỉ xin chỉ bảo cho vài điều về thứ binh khí kỳ dị.
    - Ha ha ! Vậy ra ngươi cũng đã biết đến thứ võ khí ấy của ta sao ? Ai dạy ngươi biết ?
    - Lệnh khổn đã chỉ cho một chiêu ...
    - Được lắm ! Ta cũng thương ngươi thật lòng cầu học. Nếu chỉ muốn nghe ta nói thôi thì về nhà, ta nói rõ cho nghe.
    - Đa tạ đại hiệp. Và cũng xin cho tá túc qua đêm.
    - Được ! Nhưng ngươi phải ngủ trong bếp với thằng Iwa. Nhà ta không có chỗ dư.
    Trời chiều đỏ rực, cả ba đến chân núi Suzuka. Xóm Ujii hiền lành nằm ở cuối con đường nhỏ, ráng hoàng hôn nhuốm hồng các mái tranh như trong một bức cổ họa.
    Iwa chạy vội về nhà báo tin trước nên khi Tsujikaze đến ngõ đã thấy vợ bế con nhỏ ra cửa đứng đón, tay cầm chiếc chong chóng gió thổi quay tít.
  9. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp - chương 28)
    Vợ Kohei vừa nựng con vừa chỉ vào chồng:
    - Hồ nhi ! Bố kìa ! Bố đã về kìa !
    Tsujikaze nhìn đứa bé, nét mặt tươi hẳn lên, vẻ thô lỗ kiêu căng biến mất. Gã bế đứa nhỏ trong tay, đong đưa rồi rúc đầu vào nách nó. Nó cười khanh khách. Tsujikaze cầm cái chong chóng dứ dứ trước mặt con. Nó nhoài người ra, tay quơ chân vẫy, và người mẹ cũng cười như nắc nẻ. Gã bế đứa nhỏ đi vào nha trong, vợ theo sau, để mặc cho Musashi đứng một mình ở ven cổng.
    Cảnh gia đình êm ấm, tiếng cười rộn rã hồn nhiên của vợ con người thợ rèn làm hắn vui lây, nhưng sao hắn cảm thấy lẫn lộn một chút gì chua xót. Hình như trong tiềm thức, hắn đã được hưởng cảnh này. Kiếp này hay tiền kiếp, hẵn cũng không biết nữa.
    Thấy trong nhà gần bếp lò có lửa, Musashi bỏ nón, tháo túi đeo lưng tiến đền gần ngồi sưởi. Cửa hàng vẫn thế, vẫn những nông cụ lặt vặt để trên kệ, vẫn những dây mồ hóng đen rủ lòng thòng từ trên trần xuống như thạch nhũ. Bên ngoài bóng tối phủ đầy. Ánh lửa bật bùng của khúc củi gần tàn chiếu bóng Musashi rung rinh trên vách.
    Tsujikaze tắm gội xong sắp ăn cơm mới sực nhớ đến người khách trẻ. Gã gọi vợ:
    - Dọn thêm phần nữa cho khách. Ở nhà ngoài ấy, ta ra bây giờ !
    Vợ Kohei bưng khay rượu ra. Mụ đặt bình sa-kê lên hâm trên bếp than, liếc nhìn Musashi rồi đi vào trong nhà, lầu bầu khó chịu:
    - Lần trước đã tới rồi, giờ lại tới nữa.
    Tsujikaze đến ngồi bên bếp. Bộ mặt rỗ của gã trông hiền hậu hơn, không biết vì mới tắm xong hay vì ánh lửa không soi rõ hết những vết lồi lõm. Gã hất hàm hỏi Musashi:
    - Uống chút rượu nhá ?
    - Vâng, đại hiệp đã cho thì xin nhận.
    Tsujikaze cầm bình rượu rót ra đĩa đưa Musashi. Hắn uống một hơi cạn, mím môi lại chép chép miệng. Rượu hơi chua nhưng hắn cũng cảm thấy dễ chịu.
    Máu nóng chạy râm ran trong người. Hắn vui vẻ:
    - Để tại hạ rót mừng đại hiệp một lần.
    - Không sao. Ta có đĩa riêng đây rồi !
    Cả hai im lặng ngồi nhìn lửa và những cục than hồng trong lò. Lúc sau, Tsujikaze mới hỏi:
    - Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi ?
    - Hăm hai.
    - Quê quán ở đâu ?
    - Mimasaka.
    Mắt Tsujikaze đột nhiên lộ vẻ chú ý. Gã quan sát Musashi từ đầu đến chân rồi nói:
    - Lúc nãy ngươi bảo tên ngươi là gì nhỉ ?
    - Tại hạ là Miyamoto Musashi.
    - Hừ. Musashi. Viết như Takezo chứ gì ?
    Vừa lúc ấy vợ Kohei mang thức ăn ra, một bát canh, một đĩa cá muối, một liễn cơm, mụ đặt cả vào cái khay lớn trên chiếu. Mụ nói với Musashi, không khách sáo:
    - Ăn đi.
    Musashi cúi đầu cảm ơn. Tsujikaze vẫn thắc mắc, nhưng gã làm bộ tự nhiên rót thêm sa-kê vào đĩa:
    - Uống chút rượu nữa đã. Thế khi còn nhỏ người ta gọi tên ngươi là gì. Phải Takezo không ?
    - Dạ phải.
    - Tên đó ngươi giữ cho đến khi mười bảy mười tám chứ gì ?
    - Đúng vậy.
    - Năm mười bảy, ngươi có dự trận Sekigahara cùng với một thanh niên nữa cùng trạc tuổi ngươi phải không ?
    Đến đây thì Musashi ngạc nhiên thật sự. Hắn chậm rãi đáp:
    - Phải. Sao đại hiệp biết ?
    Tsujikaze cười xòa:
    - Ta biết nhiều chuyện vì ngày đó ta cũng dự trận Sekigahara. Thảo nào trông ngươi quen quen, có lẽ chúng ta đã gặp nhau ở trận tiền.
    Bản tính trung trực, Musashi tin ngay và trong lòng chớm nở một mối hảo cảm với gã thợ rèn.
    - Chắc đại hiệp thuộc cánh quân của Ukita ?
    - Phải rồi. Ta ở gần đó nên đầu quân với các Samurai địa phương. Không may mà phe mình thua trận.
    Hai người nhìn nhau, mỗi người một ý nghĩ.
    - Thế người bạn đồng ngũ với ngươi bây giờ đâu ?
    - Cũng không rõ vì đã lâu không gặp lại.
    - Ngay từ sau trận chiến ấy sao.
    - Không hẳn thế. Tại hạ với nó phải lẩn trốn một thời gian tại vùng chân núi Ibuki chờ vết thương lành thì chia tay. Về sau nó đi đâu, tại hạ không biết.
    Tsujikaze gọi vợ lấy thêm rượu nhưng người đàn bà đã vào nằm với con ở trong phòng. Mụ nói vọng ra:
    - Hết rượu rồi !
    - Hết thì đi mua, ta muốn uống nữa.
    - Sao bữa nay uống nhiều thế ?
    - Có chuyện vui muốn uống, được không ?
    - Bây giờ khuya rồi, tiệm đầu xóm đã đóng cửa, mua khó lắm.
    Tsujikaze lộ vẻ tức giận, cao giọng gọi:
    - Iwa !
    Không nghe tiếng đáp. Gã gọi lần nữa, to hơn. Một lát mới thấy cửa sau mở, Iwa thò đầu ra hỏi, giọng ngái ngủ:
    - Thầy gọi con ?
    - Ờ, chạy đến nhà Onosaku vay bình rượu mang về đây ! Bảo nhà có khách.
    Musashi đã say. Hắn không uống được nhiều nên gạt đi:
    - Thôi thôi, nếu vì tại hạ mà đi vay rượu thì chẳng nên.
    - Không được. Phải uống với ta thêm vài bình nữa. Vả lại ta chưa cho ngươi chút biết những điều ngươi hỏi ta mà.
    Iwa mang rượu về. Tsujikaze đặt lên bếp. Trong khi đợi rượu nóng, gã thao thao kể lại những võ công đã trải ở chốn giang hồ, không quên thêm thắt cho câu chuyện được hứng thú. Rồi rượu rót ra, gã vừa uống vừa ép Musashi, thành ra tuy đã cẩn thận, đề phòng, hắn cũng không thể từ chối được.
    Khi luận đến thứ võ khí cổ quái gã chế ra, Tsujikaze say, nói không còn gãy gọn. Tuy vậy Musashi chú ý theo dõi cũng hiểu được đôi phần:
    nào cách dùng quả cầu sắt ném vào mặt địch thủ, dùng dây xích đoạt võ khí, dùng lưỡi hái móc tay chân ...Lại thuật phối hợp dây xích với quả cầu làm địch hoa mắt để dễ bề giương đông kích tây cùng các yếu quyết và phương vị của chân đứng, tay ném ...
    Nghe những lời Tsujikaze dẫn giải, Musashi nghĩ thầm gã thợ rèn này cũng khá, đã cố công nghiên cứu và chắc khai triển được nhiều chiêu thức lợi hại. Người ta có hai tay, nếu lúc chiến đấu chỉ sử dụng một tay cầm kiếm thì uổng phí. Để rồ i có dịp hắn sẽ lưu tâm học thêm song kiếm.
    Bình rượu mới mang về chẳng mấy chốc đã cạn. Cả hai cùng say mèm. Trong đời Musashi chưa bao giờ say đến thế. Tsujikaze lè nhè gọi vợ:
    - Này mẹ nó ! Bế con vào ngủ ở phòng trong đi. Để giường cho khách.
    Vợ Kohei không trả lời. Mụ nghe rõ lời chồng, song không muốn rời chỗ ấm.
    Tiếng lè nhè của Tsujikaze lớn hơn:
    - Nghe ta nói không ? Khách mệt rồi, phải để cho người ta nghỉ. Bế con vào phòng trong !
    - Sau không để chú ấy ngủ ngoài đó ?
    - Đừng nhiều chuyện. Ta bảo phải nghe.
    Nói xong, gã chống tay đứng lên, đi vào phòng lôi vợ dậy. Tiếng gã thở khò khè.
    Mụ Kohei cau có buộc lại tóc trong khi gã thợ rèn bế đứa nhỏ nói vọng ra:
    - Ngươi nghỉ tạm đây nghe ! Nếu khát, có sẵn ấm nước trên bếp và trà ở đầu giường ấy.
    Musashi ngồi bên bếp lửa, trí óc tan loãng không còn suy nghĩ gì được nữa.
  10. dkny2010

    dkny2010 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/02/2010
    Bài viết:
    104
    Đã được thích:
    0
    (tiếp - chương 28)
    Hắn với tay cầm ấm nước, rót một chén uống. Nước trà nguội ngắt, chan chát đắng làm hắn tỉnh đôi chút. Hắn nghe tiếng đàn bà văng vẳng:
    - Vào trong phòng ngủ đi. Ta mang gối mới ...Trượng phu ta say chắc. Mai dậy trễ...làm bữa sáng nóng cho ăn.
    Musashi lẩm bẩm ?ocảm ơn, cảm ơn? rồi đi vào trong phòng. Hắn quên cả cởi dép. Ngồi trên chiếu, hắn mới sực nhớ ra, đưa tay tháo dép, ngả mình lên giường và kéo chăn trùm kín mặt. Hơi chăn ấm lẫn với mùi sữa thơm thoang thoảng khiến đầu óc hắn lâng lâng. Trước khi nhắm mắt, hình như Musashi thoáng thấy mụ Kohei thổi tắt đèn và lẩn vào trong bóng tối sập xuống dầy đặc.
    Musashi có cảm giác như ai đã dùng vòng sắt đánh đai vào đầu mình và siết chặt. Đầu hắn nhức vô cùng, mạch máu hai bên thái dương đập thình thịch. Muốn ngồi nhưng chân tay rời rã, hắn không còn làm chủ được những cử động của chính mình nữa. Ánh sáng từng vòng, vàng, đỏ, xanh lẫn lộn thi nhau nhảy múa trước mặt.
    Giữa lằn biên giới của tỉnh thức và hôn mê ấy, Musashi bỗng thấy hiện ra một thiếu phụ, hắn không nhìn rõ dung nhan, nhưng dáng đi nhẹ nhàng như những vệt sương trên sóng nước.
    ?oÀ ơi ...Cái ngủ mày ngủ cho say ...?. Điệu ru quen thuộc văng vẳng bên tai đưa hắn trở về dĩ vãng:
    một căn nhà gỗ nhỏ, bức tường đá rêu phong với những dây leo, rễ bám chằng chịt mang nhiều chùm hoa tím nhỏ li ti. Cạnh hàng rào, rặng cây rậm rạp cành rủ la đà, mỗi khi đêm xuống, ôm ấp bao nhiêu bí mật. Mẹ hắn bế hắn trên tay, hát ru khe khẽ. Ngọn đèn trên vách, ánh sáng không đủ chiếu khắp gian phòng, nhưng cũng cho thấy những giọt nước mắt long lanh trên gò má mẹ hắn. Mặt bà hiện ra lờ mờ trong ký ức, trắng lắm mà lại phơn phớt xanh, như màu hoa lê mới nở.
    Từ phòng trong, giọng ông Munisai, cha hắn, vọng ra giận dữ:
    ?oCút đi ! Cút về nhà mày đi !?. Mẹ hắn nấc lên, áp má hắn vào mặt. Những giọt nước mắt nóng hổi chả y vào miệng hắn, mằn mặn. Hắn cũng khóc theo. Khối óc thơ ngây ấy không đoán được chuyện gì đã xảy ra trong gia đình và ngay đến bây giờ hắn vẫn không hiểu tại sao cha hắn lại đuổi mẹ hắn đi. Hắn thấy mẹ Ôm chặt mình vào lòng, chạy ra ngoài. Gió thổi ào ào bên tai làm hắn khóc to hơn. Mẹ hắn càng ôm chặt. Đến một nơi hình như là bờ sông, hắn nghe tiếng mẹ hỏi trong nức nở:
    ?oTakezo ! Con là con mẹ hay con cha??. Mẹ hắn đặt hắn xuống ven sông, bên những hòn đá cuội. Bà lội ra giữa dòng, mặc hắn gào thét giữa bụi cỏ hoang, cạnh những đám bồ công anh hoa vàng lấm tấm. Cơn gió lạnh thổi, hắn rùng mình, mở mắt.
    Musashi ú ớ trong miệng, khẽ cựa mình. Thiếu phụ ấy là ai, có phải mẹ hắn không ? Hắn cố vận dụng ký ức để nhớ lại nhưng vẫn không sao mường tượng được nét mặt của bà. Qúa mệt mỏi, Musashi lại em đi trong bóng tối.
    Bóng người thiếu phụ hiện ra lúc xa lúc gần, lãng đãng. Bà giơ tay vẫy. Ô hay ! Sao đêm nay, hắn mộng thấy mẹ hắn luôn vậy ! Hắn gọi, nhưng tiếng gọi tắc nghẹn trong cổ họng. Hắn vùng vẫy, và đột nhiên mở mắt.
    Cơn say đã tan. Miệng khô đắng, Musashi nằm yên nhìn lên trần. Lửa phòng ngoài tắt từ lâu, ánh than hồng hắt lên các vì kèo loang lổ mồ hóng mang một vẻ mơ hồ quái dị.
    Trong cảnh tranh tối tranh sáng ấy, đột nhiên Musashi chú ý đến cái chong chóng giấy cắm trên trần. Mùi da thịt, mùi sữa thơm ngòn ngọt của đứa trẻ và mẹ nó còn như quyện vào chăn gối. Chiếc chong chóng quay nhè nhẹ. Chong chóng quay thì có gì lạ vì người ta làm chong chóng để cho ...nó quay. Nhưng muốn quay phải có gió. Musashi nằm yên, đoán chắc có người vừa mở cửa.
    Quả nhiên, hắn nghe tiếng cửa khép nhẹ, rất nhẹ rồi những bước chân rón rén mỗi lúc một xa. Cái chong chóng thôi quay.
    Trong một thoáng, Musashi ý thức ngay được nguy cơ sắp xảy ra. Hắn đã hiểu tại sao vợ chồng người thợ rèn lúc đầu tỏ vẻ lãnh đạm thờ ơ, sau lại vồn vã với hắn, để hắn ngủ trong căn phòng êm ấm kín đáo như thế này. Hắn đã hiểu tại sao người chồng nhất quyết đòi mua thêm rượu và phục cho hắn uống say. Hắn tự giận mình không cảnh giác sớm để suýt nữa thì mất mạng.
    Musashi tỉnh rượu hẳn. Bản năng tự vệ thức dậy, hắn lắng nghe động tĩnh như một con sâu nằm dưới lá nghe thời tiết xung quanh. Hệ thần kinh bén nhạy của hắn căng thẳng cực độ. Musashi tự hỏi:
    Đây là đâu, ổ đạo tặc hay hắc điếm ? Gã thợ rèn này có thù gì với mình ? Soát lại ký ức, hắn chắc chắn chưa bao giờ gặp gã này. Vậy lý do gì ... Nhưng bây giờ không phải lúc tìm hiểu, suy luận. Phải phản ứng ngay, khẩn cấp lắm rồi.
    Musashi trườn mình xuống cuối giường, khều đôi dép xỏ vào chân, buộc quai, sửa lại chăn đắp cho ra vẻ vấn còn người nằm ngủ rồi len lén cầm thanh kiếm lẩn vào trong bóng tối dày đặc sau đống củi, than xếp hỗn độn.
    Tàn nén hương, đã nghe tiếng chân người bước ngoài hiên và tiếng xì xào khe khẽ.
    Cánh cửa lùa hé mở. Dưới ánh sáng lờ mờ của bếp than gần lụi, cái chong chóng quay tít.
    Bên tấm màn cửa mỏng, đôi mắt trắng dã của một kẻ mặc y phục lối dạ hành ló ra, tay lăm lăm lưỡi kiếm tuốt trần. Theo sau là một người cao lênh khênh, cầm giáo. Cả hai men theo vách, đến trấn hai đầu giường. Gã thợ rèn vào sau chót, một tay cầm lưỡi hái, một tay giữ quả cầu.

Chia sẻ trang này