1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Koudan Miyamoto Musashi

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi NhatLang, 29/08/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 20
    SASAKI KOJIRO
    (tiếp)​
    Trời mỗi lúc một tối dần. Những bụi đài bi mọc đầy bãi hoang đổi sang màu đen sẫm, và trên ngọn đã lãng đãng vài vệt sương mờ mờ như khói. Trong xóm nhìn ra, khó mà phân biệt được người với vật. Giờ này trốn đi thật dễ, nhưng trốn đi đâu ? Osaka ?
    Nagoya ? Edo ? Chẳng đâu hắn có bạn hay người quen thuộc, thôi thì cầm bằng như gió đưa, muốn đến đâu thì đến ... Matahachi tặc lưỡi, cứ xông bừa tới trước. Càng đi càng sâu vào vùng hoang dã. Bên cạnh những bụi đài bi, bây giờ lại có cả lau sậy cao quá đầu người, lá sắc và ráp cắt vào mặt hắn xon xót. Gió đầu thu thổi hơi lạnh, Matahachi hoang mang chẳng biết nên lùi hay nên tiến. Cơn sốt buổi trưa đã hết, bây giờ hắn khát và đói dữ dội, chỉ mong được một chỗ có nước uống và bát cơm với chút dưa muối thì tốt quá !
    Đi một lúc nữa, Matahachi trông thấy hình như có ngôi nhà lẩn trong đám lau sậy. Hắn rảo bước, mừng thầm được chỗ trú chân nhưng đến gần mới biết ngôi nhà bị bỏ hoang. Hàng rào đổ nghiêng, mái thủng nhiều chỗ để lộ cả rui mè loang lổ rêu xanh.
    Nhà trước kia lợp ngói, bây giờ lợp cỏ, chắc của gia đình nào vào hạng khá giả, tuy đổ nát nhưng cách kiến trúc vẫn còn mang một vẻ thanh lịch tàn tạ. Vài con chim nhỏ thấy động bay ra, chao đi chao lại trên mái.
    Cảnh vật đìu hiu khiến Matahachi liên tưởng đến bốn câu thơ thường được nghe khi còn ở quán Yomogi, do các nàng chiêu đãi ngâm lúc kể chuyện cho khách:
    Hà xứ thu phong chí
    Tiêu tiêu tống nhạn quần ?
    Triều lai nhập đình thủ
    Cô khách tối tiên văn.
    Dịch:
    Gió thu phương nào tới.
    Hiu hiu đuổi nhạn về ?
    Sớm qua cây trước ngõ.
    Khách lạ trước tiên nghe.
    Matahachi ôn lại những câu thơ. Cả một trời kỷ niệm xốn xang trong ký ức. Hắn chính là kẻ cô khách, đến đây mong tìm chút lửa ấm.
    Căn nhà tối đen, vắng lặng. Đúng lúc hắn bước lên hiên định vào trong nhà thì có ánh đèn ai mới thắp leo lét qua tấm phên tre. Matahachi nhảy vội sang bên, nín thở, ghé mắt nhìn vào. Trên chiếc bồ đoàn rách nát, một người đàn ông gầy khoác tấm vải gai, ngồi trầm mặc. Ngọn đèn dầu độc nhất chỉ đủ chiếu ánh sáng vàng vọt lên khuôn mặt khắc khổ, không rõ tuổi của người ấy. Người đàn ông lấy sáo ra thổi, điệu nhạc thê lương, nghẹn ngào có lẽ chỉ để riêng ông ta nghe khiến Matahachi rùng mình. Không biết người đàn ông ấy thuộc hạng người nào, nhưng trông cách ăn mặc thì có vẻ nửa đạo sĩ, nửa khất cái. Thổi xong một điệu, ông ta lại ngồi một mình lẩm bẩm. Matahachi lắng tai:
    - Cứ bảo tứ thập nhi bất hoặc, sao ta vẫn còn mê muội ? Tình ái, danh vọng, tiền tài, vì những thứ đó mà nghiệp báo không dứt ! Jotaro ! Jotaro ! Bây giờ con ở đâu ? Ta nhẫn tâm bỏ con, thật đáng trách !
    Người đàn ông cúi thấp đầu dường như xin lỗi ai hay tự trách phạt, rồi lại ngẩng lên nhắc lại những câu vừa nói. Matahachi chẳng hiểu gì, đồ chừng gã này điên. Hắn tránh không muốn vào, định tìm chỗ khuất trong bếp hay nhà sau nghỉ tạm thì vừa lúc ấy người đàn ông đứng lên, cầm sáo, gậy và nhặt luôn cả chiếc bồ đoàn rách mang theo, khập khiễng bước ra cửa lầm lũi đi như một bóng ma trong màn đêm bắt đầu buông dày đặc.
    Matahachi bước vào, đến bên ngọn đèn lẻ loi. ?oLão già thật cẩu thả ! Để lửa thế này rồi bỏ đi, chẳng may nó bén vào cái gì thì cháy hết !?. Hắn nghĩ đến những ngôi cổ tự hoang phế tự nhiên bị thiêu rụi, một phần chắc cũng vì những tên thiếu trách nhiệm, điên khùng như lão này cả.
    Thấy lành lạnh, Matahachi chạy ra ngoài nhặt cành khô đem vào nhóm lửa rồi bó gối nhìn. Ánh sáng bập bùng làm căn phòng ấm và sáng thêm chút đỉnh. Hắn ngước nhìn trần, cột kèo tuy cũ nhưng đẽo gọt tinh vi, có vẻ trước đây là một ngôi đền chứ không phải tư thất. Ở góc phòng, đột nhiên hắn trông thấy một vật làm hắn reo lên mừng rỡ. Chẳng phải đồ cổ ngoạn hay vật gì quý giá nhưng là một cái nồi đất đen xì, trên đậy tàu lá, bên cạnh là một hũ sành con mẻ miệng. Matahachi đến mở nồi thấy có cơm, bèn bưng cả ra bên đống lửa. Trong hũ sành còn một chút sa-kê, hắn bưng hũ tu rồi thò tay vào nồi bóc cơm ăn. Bữa ăn chưa bao giờ ngon đến thế !
    Ăn hết chỗ cơm, bụng mới hơi lưng lửng, Matahachi nằm dài, giơ tay vươn vai khoan khoái. Sực nhớ đến điều gì, hắn vội nhỏm dậy, móc trong bọc ra cái túi của gã thanh niên lẹm cằm chết hồi chiều. Hắn mở túi dốc cả ra sàn:
    một cái lọ đen nhỏ xíu đựng thuốc, ít bạc vụn, một cái túi nhỏ nữa bằng da thuộc màu đỏ tía và một vật mềm gói giấy dầu. Hắn cởi túi da ra xem. Trong túi toàn tiền vàng, hắn không biết giá là bao nhiêu nhưng quả chưa bao giờ được cầm nhiều vàng như thế. Vừa mừng vừa sợ, tay run run, hắn buộc ngay lại, nhét vội vào trong bọc mình, ngồi thừ người ra một lúc:
    ?oƠ ...
    tiền này ... tiền này ... để rồi trả lại cho thân nhân gã !?.
    Hắn lại nắn cái gói giấy dầu. ?oKhông biết trong này đựng gì ? Chắc là vật gì bí mật và quý giá lắm gã muốn mình mang về quê quán cho gã. Hay thôi, chuyện bí mật của người ta, mình chẳng nên biết !?. Matahachi ngần ngại, cất đi rồi lại lôi ra mấy lượt.
    Sau không dằn được tò mò, hắn run run mở gói giấy. Một tờ hoa tiên đã vàng rơi ra, hắn trải tờ hoa tiên trước đống lửa, lẩm nhẩm đọc:
    ?oChứng thư, Võ đường Toda Seigen chứng nhận Sasaki Kojiro đã thụ huấn xong toàn bộ giáo lý và kỹ thuật thuộc bảy môn học gia truyền của kiếm pháp Chujo, gồm:
    - Phần bí truyền:
    Hoa vũ kiếm, xa luân kiếm, trảm nhạn kiếm.
    - Phần công truyền:
    Phiên phiên lưu thủy kiếm, khinh chủy vô hình kiếm, bằng dực song kiếm, truy hồn đoạt mệnh kiếm.
    Vậy cấp cho Sasaki Kojiro chứng thư này để làm bằng.
    Toda Seigen, mùa đông năm quý ngọ, Chưởng môn:
    Kanemaki Jisai?.
    Cầm tờ chứng thư, Matahachi biết được tên gã thanh niên lẹm cằm là Sasaki Kojiro. Như vậy cũng đỡ cho hắn phải dò hỏi lôi thôi. Nhưng tên Sasaki Kojiro và cả tên Kanemaki Jisai, người chưởng môn kiếm phái Chujo cũng không gợi cho hắn thêm được điều gì. Hắn chỉ biết Ito Yagoro, thường được gọi là Ittosai, người cũng theo kiếm phái Chujo và nổi danh lắm, nhưng đâu có rõ Ito còn là học trò Kanemaki Jisai.
    ?oThật đáng tiếc ! Một thanh niên nhiều triển vọng như vậy mà phải chết uổng !?.
    Matahachi gấp tờ chứng thư lại, gói cẩn thận vào giấy dầu rồi cất vào trong bọc cùng với túi tiền của Sasaki Kojiro. Hắn đọc một bài kinh ngắn cầu cho linh hồn người chết được siêu sinh tịnh độ, tự hứa sẽ đem tiền và chứng thư trao trả đầy đủ cho thân nhân gã rồi cởi áo nằm ngủ. Trong lúc chập chờn, Matahachi tưởng như nghe tiếng sáo nghẹn ngào của lão khất cái điên dại văng vẳng trên đầu những ngọn lau lách xa xa.
  2. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 21
    ĐƯỜNG CÔNG DANH​
    Trời hửng sáng, căn nhà hoang giữa rừng lau càng thêm tiêu điều, hiu quạnh.
    Sương mù đọng trên mái chưa tan, gió sớm qua kẽ ván lùa hơi lạnh bên ngoài vào gian phòng trống trải. Mây xám giăng ngang bầu trời nặng trĩu và ảm đạm.
    Thu đến rồi, đến thực rồi ! Nỗi u buồn bao trùm cả cảnh vật và len lỏi vào lòng người cô khách.
    Đạo sĩ khất cái, lưng đeo sáo, tay xách bồ đoàn, chống gậy khập khiễng trở về, tấm vải gai khoác trên lưng ướt đẫm sương đêm. Đến cửa, lão dường như quá mệt, đặt bồ đoàn bên vách dựa lưng ngồi nghỉ, dáng thiểu não chẳng khác gì một linh hồn phiền muộn. Cơn gió lạnh thổi qua, đạo sĩ hắt hơi luôn mấy cái, mũi rãi ròng ròng chảy xuống bộ râu lốm đốm bạc lão cũng chẳng thèm lau, cứ ngồi thở dốc. Một lúc sau mới chống tay đứng dậy mở cửa bước vào nhà.
    Việc đầu tiên lão nghĩ đến là hũ rượu, nhưng bước vào phòng, lão ngạc nhiên không thấy đâu. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của gian phòng đổ nát chỉ có đống củi đã tàn, và bên cạnh, một người co quắp nằm ngủ. Đạo sĩ giật mình, định thần nhìn. Hũ rượu mẻ miệng và nồi cơm vất lăn lóc gần đó. Cúi xuống nhặt, lão ghé hũ sát vào tai lắc mấy cái:
    không nghe tiếng gì, bình rỗng tuếch ! Chắc tên lang bạt này đã uống rượu của lão. Hừ ! Đáng giận thật ! Cơm có thể bỏ qua, nhưng có chút rượu để uống cho ấm bụng cũng tu hết thì thật tàn nhẫn. Không dằn được cơn tức, lão co cẳng đá anh chàng nằm ngủ một phát như trời giáng.
    Matahachi choàng dậy, nhìn lão đạo sĩ.
    - Ngươi là ai, sao vào đây uống rượu của ta ?
    Matahachi tỉnh hẳn ngủ, hắn nhăn mặt:
    - Thế ra rượu của lão đấy hử ?
    - Không của ta thì còn của ai ? Ai cho phép ngươi uống rượu ấy ?
    - Trót mất rồi, đạo sĩ tha lỗi.
    - Này trót !
    Và bồi thêm một cước nữa.
    - Cha ! Lão này dữ quá ! Ta xin lỗi rồi mà !
    - Xin lỗi không, không đủ !
    - Vậy lão muốn gì ?
    - Trả lại rượu cho ta !
    Matahachi cười hềnh hệch. Hắn vỗ vào bụng:
    - Rất tiếc, ta không mổ bụng ra lấy rượu trả lại được.
    Nhưng lão đạo sĩ không nghe, vươn cổ sát tận mặt hắn:
    - Đồ ăn cướp ! Ngươi không biết ta phải vất vả đi từng nhà mới xin được một chút cơm và một chút rượu ! Ta già nhưng cũng phải sống chứ ! Ngươi đói, ta cho cơm, nhưng rượu, phải trả lại cho ta !
    Trong cơn tức giận, giọng lão lạc đi, môi run run, nước bọt bắn cả vào mặt Matahachi. Hắn phải quay đi, lê mình sang bên vách tránh.
    - Này lão già, đừng có làm quá ! Đáng gì vài giọt rượu chua với chút cơm nguội, ta trót ăn rồi, đã xin lỗi ! Làm gì mà nhặng lên thế ?
    - A, ngươi bảo ai nhặng ?
    Đạo sĩ nắm tay áo Matahachi. Hắn giật ra định đạp ông già xuống sàn thì lão đã nhanh nhẹn né tránh và thuận tay dùng một thế nhu đạo tung hắn qua cửa sổ. Matahachi chưa kịp kinh ngạc về ngón đòn sử dụng một cách tinh thục này thì đã rơi ra ngoài hiên. Sàn hiên mục đổ đánh rầm, bụi bay mù mịt, kéo theo hàng lan can gỗ và tấm liếp phủ lên đầu Matahachi. Hắn lúng túng như ếch nằm trong rọ, tay chân vướng vít không sao thoát ra được.
    Đạo sĩ chạy lại nắm áo hắn lên giật liên hồi, sẵn gậy để bên, cầm bổ xuống đầu hắn như mưa bấc. Áo Matahachi bị giật, tiền vàng trong bọc đổ ra rổn rảng. Lão già trố mắt:
    - Chà chả ! Tiền đâu lắm thế này ?
    Vớ được cơ hội tốt, Matahachi vùng dậy. Hắn bị đánh đau, thở hổn hển, hằn học nhìn lão đạo sĩ:
    - Lão khùng kia ! Thấy chưa ? Ta thừa tiền trả cho lão, nhưng lão đánh ta thì phải để ta đánh lại. Đánh bao nhiêu cái, ta phải đánh lại bằng ấy cho đủ số.
    Đạo sĩ không đáp, mắt đăm đăm nhìn những đồng tiền vàng không chớp. Cơn giận dường đã nguội, lão đứng thừ người, tiền không nhặt mà cũng chẳng để ý gì đến gã thanh niên lão vừa đánh. Một lúc sau mới lẩm bẩm:
    - Mê muội ! Ngần này tuổi đầu vẫn còn mê muội ! Hỉ nộ ái dục theo năm lỗ sáo bay đi, ta vẫn không nhớ ! Thật đáng xấu hổ ! Rượu ta không uống, người khác uống, hà cớ gì phải phân biệt của người, của ta ? Này anh kia, vào trong này sưởi ấm, ta không trách anh nữa !
    Matahachi ngạc nhiên vô hạn. Lão này tính nết thay đổi khó lường, cơn giận thoắt đến thoắt đi, chắc đã trải qua nhiều chuyện đau khổ. Hắn bất giác động lòng thương xót, nhặt mấy đồng tiền đặt vào tay lão. Đạo sĩ giật mình tỉnh mộng, rụt tay lại:
    - Không, ta không lấy. Ta không cần tiền làm gì.
    - Tiền bối dường như trong mình không được khỏe. Cần vãn bối giúp điều gì chăng?
    - Không !
    - Nghe giọng nói, hình như tiền bối quê quán ở miền tây ...
    - Ờ, ngươi nhắc ta mới nhớ. Ta sinh quán ở Himeji.
    - Vãn bối ở Mimasaka.
    - Mimasaka hả, làng nào vậy ?
    - Miyamoto.
    Đạo sĩ yên lặng, nét mặt thoáng buồn. Lát sau chậm rãi như nói với chính mình:
    - Miyamoto ! Nơi đó có nhiều kỷ niệm. Đồn Hinagura, ta đã đóng quân ... Chùa Shippoji ...
    Matahachi ngạc nhiên:
    - Xin lỗi, thế ra tiền bối trước đây là một Samurai ?
    - Phải, ta là Aoki Tanza ...
    Nhưng vội xua tay:
    - Không, không phải ! Ta lẫn rồi, ngươi đừng để ý !
    Rồi cúi xuống nhặt ống sáo và bồ đoàn:
    - Ta đi đây, có lẽ mai mới về. Củi dưới bếp, nếu trời lạnh, lấy mà sưởi.
    Nói xong, lom khom bước ra cổng, dáng đi phiền muộn khuất dần sau những rặng lau thưa.
    oo Matahachi ngồi một mình trong gian nhà trống trải. Gió lạnh đầu thu khiến hắn co ro, hai tay thủ bọc vẫn không đủ ấm. Hắn thèm chén trà nóng và một chút đường để lấy sức, nhưng trong cảnh này kiếm đâu ra. Nghĩ lan man, Matahachi không biết vừa rồi hắn định lấy tiền của ngươi thanh niên tặng cho lão đạo sĩ có phải là một việc làm chính đáng không, nhưng hắn tặc lưỡi tự nhủ:
    ?oThì dù sao muốn trao tiền tận tay cho thân nhân gã cũng phải chi phí chút đỉnh chứ ! Mình không có tiền, hiển nhiên phải mượn của gã đó. Hắn tự cho là phải và bằng lòng với lập luận ấy, tin rằng vong hồn người chết chắc không phản đối gì, miễn đừng tiêu nhiều quá. Có điều Matahachi băn khoăn chẳng hiểu thân nhân Kojiro là những ai và phải đi tìm bao lâu mới thấy !
    Trong thời gian tìm kiếm, lỡ tiêu hết số tiền thì tính sao ? Matahachi định dò hỏi Ito, người môn đệ kiếm phái Chujo hắn nghe danh và cũng là nguồn hy vọng độc nhất giúp hắn phanh ra manh mối.
    Matahachi đứng dậy thu dọn quần áo, kiểm lại số vàng và bọc giấy dầu rồi vòng quanh căn nhà xem xét một lượt. Dưới trời thu ảm đạm, cảnh điêu tàn càng thêm rõ rệt.
    Vết chân chồn cáo ngang dọc khắp nơi, cỏ dại cành gai mượn đường giậu đổ, leo lên tận mái. Nhìn cảnh hoang phế của căn nhà, Matahachi liên tưởng đến sự trụy lạc của lòng người và cái chết của Kojiro. Hắn thở dài ngao ngán. Đường đao kiếm chắc không phải là con đường dành cho hắn.
    Matahachi theo đường bộ đi từ Fushimi đến Osaka, không lữ quán nào là không tạt qua dò hỏi tin tức về Ito, nhưng không nơi nào biết.
    Bữa kia, gặp kẻ đồng hành, hắn lân la làm quen, hỏi thăm kiếm phái Chujo và Kanemaki Jisai.
    - Ờ ờ ... tại hạ cũng có nghe. Nhưng nếu Kanemaki Jisai còn sống thì bây giờ đã già lắm. Nghe đâu ông ta quy ẩn trong một làng nhỏ vùng sơn cước. Nếu các hạ muốn rõ thêm, cứ đến Osaka hỏi một người tên Tomita làm quản giáo cho vệ binh trong phủ Toyotomi thì biết.
    Lời chỉ dẫn mơ hồ quá nhưng Matahachi phải theo vì không có cách nào khác.
    Đến Osaka, hắn thuê một phòng nhỏ trong một lữ quán gần nơi thị tứ rồi hỏi thăm Tomita. Chủ quán gật gù:
    - Có nghe. Ở đây ai không biết Tomita, cháu Kanemaki Jisai.
    Ngài dạy kiếm cho vệ binh trong phủ, nhưng đã bỏ đi từ đầu năm ngoái, hình như lui về quê, đâu như Echizen. Ờ phải, Echizen ! Khách quan cứ đến Echizen hỏi, nhưng bản quán không bảo đảm ngài còn ở đó đâu nhé !
    Matahachi lại hỏi thăm về Ito.
    - Ito hả ? Cũng cùng môn phái với Tomita đấy. Nghe danh thôi, không rõ ông ta ở đâu.
    Lại đi hỏi thăm nhiều nơi khác. Có người nhớ mang máng đã gặp Ito ở một căn nhà nhỏ ngoại ô thành Kyoto, lâu lắm rồi, không biết bây giờ ra sao !
    Matahachi thất vọng quá, muốn tung hê tất cả. Giữa đô thị rộng lớn, náo nhiệt như Osaka này, ai dại gì phí thời giờ điều tra gốc gác một thanh niên đã chết. Cuộc sống rộn rịp ngoài kia như liều thuốc kích thích tinh thần hắn. Ở khắp nẻo đường, ca lâu tửu quán, bảng cáo yết dán chi chít những lời kêu gọi, tuyển mộ vệ binh cho phủ họ Toyotomi.
    Bất cứ tay giang hồ kiếm khách nào đầu quân cũng được trọng đãi. Người ta tung ra nhiều tin tức lạ lùng, như tin những lãnh chúa thất trận trước đây đều quy tụ cả dưới cờ Hideyori, rồi tay anh chị khét tiếng, đầu sỏ hàng mấy trăm du đãng vùng bến tàu bây giờ đã cạo trọc đầu, cải danh hiệu là Damon, chỉ chờ dịp nổi dậy cùng đàn em phò giúp Hideyori dành quyền chính. Họ nói tụi này sống đế vương lắm, nhờ vào tiền trong phủ chu cấp.
    Hai tháng trời ròng rã, Matahachi rong chơi ở Osaka, ăn ngon mặc đẹp, thân thể đã béo tốt hồng hào, không còn như khi mới đến. Hắn phấn khởi tinh thần, chẳng quan tâm gì đến số tiền của người chết bị thâm lạm. Thấy trọ Ở lữ quán không tiện và đắt, hắn thuê một căn phòng nhỏ vùng ngoại ô, ban ngày ăn tiệm và rong chơi, rình rập cơ hội gặp người thần thế tiến dẫn vào trong phủ giữ một chức vụ gì kha khá.
  3. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 21
    ĐƯỜNG CÔNG DANH
    (tiếp)​
    Matahachi nghe nhiều chuyện khiến hắn nuôi hy vọng lớn:
    nào tên giang hồ lạo thảo này trước đây phải làm phu đổ rác trong tiệm ăn, được người đề bạt, nay võng lọng nghênh ngang, đi cáng bốn người khiêng, kẻ kia chỉ biết sơ sài vài thế kiếm nay cũng trở thành quản giáo lương bổng hàng năm trên ngàn gia. lúa. Chờ cơ hội mãi không gặp, đôi khi Matahachi cũng thất vọng. Bây giờ người khôn của khó, cảnh phong lưu ở bên kia bức tường cao, đá ghép khin khít khó có kẽ nào mà chui lọt. Nhưng hy vọng vốn là lẽ sống của cuộc đời, ngày nọ qua tháng kia, chưa gặp dịp đấy thôi, hắn còn trẻ và khỏe mạnh, đâu đến nỗi. Huống chi số vàng tính ra mới vơi non nửa, nếu khéo tiêu cũng cầm cự được hàng năm nữa.
    Trời mùa đông thế mà rét ngọt. Viễn ảnh mùa tuyết sắp đến làm cho mọi sinh hoạt vội vàng hẳn lên. Trên những bãi hoang ven đô, buổi sáng cỏ đã bắt đầu đóng giá. Đến trưa, những cửa hàng và những lều diễn tuồng rong cùng những quán lá tạm thời dựng lên để gá bạc đã phải trải chiếu trước cửa cho đỡ lầy lội. Càng về chiều, tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng hò hét, chào mời càng hăng. Chỗ này chiếu bán thuốc, chỗ kia quán ăn. Mùi thịt nướng, mùi xì dầu xông lên ngào ngạt. Khi hoàng hôn chập choạng, hàng đoàn gái giang hồ phất trát như bôi vôi, tay áo kimono rộng thùng thình như những con **** đêm, tản ra tứ phía.
    Tại một quán rượu đầu phố có kê ghế đẩu ra tận hiên ngoài, hai kẻ trông ra vẻ thợ thuyền đang đấu khẩu, trước còn cãi vã, sau dùng tay chân đấm đá. Lúc Matahachi đến, bọn người hiếu kỳ vây quanh đã có hàng chục. Hắn cũng tò mò đứng ngoài khoanh tay nhìn. Nhưng hoặc vì nhờ bộ quần áo sang trọng hắn mặc, hoặc nhờ thanh kiếm hắn đeo bên sườn mà hai kẻ kia e ngại, bỏ đi không đánh nhau nữa. Đám đông tản mát. Chủ quán chạy ra niềm nở:
    - Đa tạ đại hiệp. Không có đại hiệp chắc chúng còn làm dữ, gãy cả đồ, vỡ cả chén. Xin mời đại hiệp quá bộ vào trong để thiểm quán kính cẩn tạ vài chung rượu.
    Chủ quán cúi đầu mấy lượt, ân cần vồn vã lắm. Matahachi thấy vui vui, tự cho mình quan trọng. Hắn hắng giọng:
    - Thế nào ? Đông khách chứ ông quán ?
    - Dạ, cũng khá. Gần cuối năm, ai cũng vội thành ra không mấy người ngồi lâu.
    Chủ quán sai người hâm rượu ngon mang ra. Matahachi tay bưng bát rượu, tự hỏi không biết mình lại bắt đầu uống rượu từ bao giờ. Hắn đã thề không đụng vào rượu khi rời quán Yomogi vào làm phu vác đá tại công trường Mokoyama, nay số mệnh run rủi làm sao vẫn còn rượu ngon uống, áo đẹp mặc. Không hẳn hoàn toàn phì mã với khinh cừu, nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Hắn sung sướng dùng đũa gõ nhịp, nghêu ngao hát. Bát nọ theo bát kia, mặt Matahachi đỏ gay. Hắn lè nhè:
    - Thì đôi lúc cũng phải có chén giải sầu chứ ! Nếu không, đời người còn gì là sinh thú ...
    - Hà hà, phải lắm ! Ở đời cứ đắc ý vui chơi, chớ để chén vàng trơ với nguyệt ...
    Người vừa nói là một thanh niên cao nhỏng, phục sức ra dáng giang hồ hiệp khách, lưng đeo trường kiếm nhưng quần áo bẩn thỉu gớm ghiếc. Y đẩy ghế đến bên bàn Matahachi, nhìn hắn từ đầu tới chân, rồi buông sõng:
    - Chào huynh đài !
    Tiếp theo, tay ngoắc tửu bảo:
    - Cho ta một bình, thứ tốt ! Đừng hâm nóng quá !
    Matahachi nhìn gã thanh niên, thấy y có vẻ như khách quen trong quán, bèn nói:
    - Bằng hữu hãy dùng tạm rượu của tại hạ. Chờ hâm nóng xong cũng lâu đấy !
    Thanh niên không khách sáo, tự rót rượu ra bát, uống một hơi cạn:
    - Hà ! Rượu uống được lắm !
    Rồi giơ tay cầm bình rót nữa, liên tiếp năm lần, không đổi sắc diện:
    - Tửu lượng bằng hữu khá lắm nhỉ. Mỗi lần uống mấy bát ?
    - Không biết nữa. Đệ không tính bát, nhưng chừng mười, mười hai bình gì đó.
    - Chà, dữ vậy ? Tại hạ chỉ một bình là đủ.
    - Đời bây giờ không say thì tỉnh làm gì ? Mấy anh cầm quyền đó tài ba gì đâu, chẳng qua chỉ nhờ vài thủ đoạn chính trị vặt mà lên, chẳng đáng cho ta phục.
    Y lấy tay che miệng, ra vẻ như lỡ lời, nhưng lại ghé sát tai Matahachi:
    - Nếu Osaka lại chiến tranh với Edo lần nữa thì huynh đứng về phe nào ?
    Matahachi cũng say. Hắn nhớ trước đây đã chiến đấu dưới cờ Osaka nên đáp ngay không do dự:
    - Osaka !
    - Hoan hô ! Vậy mừng ông bạn mới !
    Thanh niên vừa nói vừa lấy tay vỗ vào lưng Matahachi, tay kia cầm bình rượu rót nữa:
    - Đệ xin tự giới thiệu:
    Akakabe Yasoma, quận Isai. Chắc huynh đài từng nghe danh Ban Danemon, chưởng ấn quân nhu trong phủ ? Bạn đệ đấy ! Tướng quân Susukida Hayato Kanesuke cũng là chỗ thân hữu, biết nhau từ thuở hàn vi. Mấy tay kia, Ono Shurinosuke, đoàn trưởng vệ binh trong phủ, biết cả, nhưng đệ ít giao du.
    Tính họ không dễ dãi thoải mãi như anh em mình, giao du không sướng !
    Uống xong bát rượu, anh chàng cao nhỏng tự xưng là Akakabe Yasoma kia làm như hối hận đã tiết lộ nhiều điều không nên nói, lấy tay chùi mép:
    - Nhưng huynh là ai ? Đệ chưa rõ quý danh tính ...
    Matahachi tuy không tin, nhưng nghe những điều y vừa nói, cũng mừng gặp được tay quyền thế, bèn khoa trương:
    - Bằng hữu có nghe danh kiếm phái Chujo bao giờ chưa ?
    Akakabe Yasoma gật gù:
    - Có nghe qua !
    - Sư phụ tại hạ là Kanemaki Jisai, ba mươi năm trước danh trấn giang hồ. Bây giờ tiên sinh ở ẩn nhưng những đường kiếm bí truyền người tạo ra để truyền lại cho tại hạ hết ...
    - Quả không ngoa ! Đệ thoạt trông đã biết ngay huynh phải là tay kiếm sỹ có hạng! Cử chỉ khoan hòa nhưng ẩn tàng một phong cách hiên ngang. Dám hỏi tôn tính đại danh là gì ?
    - Tại hạ là Kojiro, đồng môn với Ito Yagoro.
    - Chà, đây là Kojiro đấy ư ?
    Matahachi thót ruột, định rút lại lời nói, thì gã thanh niên kia đã quỳ mọp xuống chân bàn, khấu đầu làm lễ:
    - Dám xin các hạ tha lỗi cho kẻ ngông cuồng này đứng trước Thái Sơn mà không biết ! Qúy tính cao danh vang dội võ lâm, ai nghe cũng phải kính nể. Nhưng đây là lần đầu tiên tại hạ được bái yết tôn nhan, làm sao biết được ! Thật là đắc tội, đắc tội !
    Matahachi ngạc nhiên khoan khoái. Hắn không ngờ cái tên Kojiro nổi danh đến thế ! Nếu anh chàng Akakabe Yasoma này là bạn bè hay thân thích gì với Kojiro thì thật khó xử, đến phải so kiếm, nhưng sự thể đã ra thế này, âu là trời định, bèn lên giọng kẻ cả:
    - Bất tất phải đa lễ. Nếu bằng hữu khách sáo như thế thì làm bạn sao được.
    - Xin đa tạ ! Mong rằng những lời nói ngông cuồng của tại hạ không làm rác tai các hạ.
    - Thôi mà ! Bằng hữu cứ coi ta như bạn thiết, chuyện đó chẳng hề gì.
    - Càng để ý càng thấy đại huynh đúng là tay cao thủ. Nhưng vẫn không hiểu sao đại huynh chưa có chức vụ gì quan trọng ?
    - Ta dành thì giờ chú tâm vào việc luyện kiếm. Vả lại cũng ít giao du ...
    - Như vậy, đại huynh không muốn ai biết hoặc không thích giữ địa vị gì chăng ?
    - Không hẳn thế ... Ta cũng muốn mang tài ba ra giúp đời, nhưng chưa gặp cơ hội.
    - Nếu chỉ có thế thì có gì khó ! Chujo kiếm vang chấn thiên hạ, tiểu đệ lại quen biết nhiều, chỉ sợ đại huynh không ưng, chứ nếu muốn, tiểu đệ xin hết lòng giúp.
    Matahachi không nói gì. Chờ lúc sau, Akakabe Yasoma lại tiếp:
    - Chiều mai đệ có hẹn với tướng quân Susukida Hayato Kanesuke. Đệ xin tiến cử đại huynh lên tướng quân Kanesuke xem sao. Kanesuke tướng quân là bạn cũ, chắc thế nào cũng thuận.
    Matahachi mừng thầm trong bụng nhưng bên ngoài ra vẻ lãnh đạm. Hắn gọi tửu bảo trả tiền. Akakabe Yasoma lo lắng:
    - Thế nào, đại huynh tính sao ?
    - Chỗ này trống trải chả nên nói những chuyện ấy. Ta đi tìm nơi khác kín đáo hơn.
    Akakabe Yasoma thở phào nhẹ nhõm:
    - Vậy xin đưa đại huynh đi.
    Hai người tới một khu ăn chơi, đủ loại ca lâu tửu quán. Matahachi muốn dẫn Akakabe Yasoma vào một quán rượu sang trọng nhưng y gạt đi, nói những nơi đó đắt tiền mà không thoải mái. Y đề nghị đến cuối xóm, vào một khu thanh lâu mà thương vụ phát đạt, theo y, chỉ riêng đèn mỗi đêm tiêu thụ cũng đến hàng trăm thùng dầu thắp.
    - Rồi đại huynh xem, chỗ này nhiều thứ lạ, đáng tiền lắm. Khách làng chơi vẫn gọi là Lạc Hoa Mộng.
    Matahachi vẫn ngại phải chi nhiều, nhưng thấy không khí phóng túng quyến rũ, nên tặc lưỡi theo luôn.
    Họ vào một căn nhà làm trên bờ hào sát chân thành có rạch ăn thông ra biển. Mỗi khi thủy triều lên, nước tràn tới, đập vào những cột gỗ cắm làm kè phía sau nhà kêu phì phọp. Ở trên lầu nhìn xuống, nếu chú ý, người ta thấy cả những con cáy con còng, gọng đổ như son, chạy ngang dọc trên bùn tìm mồi. Matahachi rùng mình ghê sợ, có cảm tưởng như đấy là những con nhện độc. Khu Lạc Hoa Mộng này đông dân thật ! Trời mới xế chiều mà đã thấy vô số các nàng nhộn nhịp trong ngõ. Đôi khi cũng bắt gặp một khuôn mặt trẻ trung, nhưng phần lớn đều xấp xỉ tứ tuần, phấn son không che dấu được nỗi buồn trong khóe mắt hay vẻ tiều tụy của thân hình.
    Akakabe Yasoma giải thích:
    - Nhiều người đến đây chỉ cốt tìm hoa. Dĩ nhiên là thú vui xác thịt đầy dẫy ra đấy, nhưng nếu đại huynh muốn hưởng những thú vui tao nhã cũng không phải là không có.
    Vào một đêm đông tuyết rơi đầy đất, ngồi với các nàng nghe thủ thỉ tâm tình thì cuộc đời các nàng cũng đáng thương lắm ! Đa số do hoàn cảnh đưa đẩy buộc phải làm nghề này, có người trước là phi tần trong cung lãnh chúa hoặc con em những kiếm khách danh tiếng một thời, vì cha anh thất sủng hoặc chết trận mà thành bơ vơ. Nhiều nàng tài hoa rất mực nhưng số kiếp long đong, thật đáng thương ! Nghĩ cho cùng, như đại huynh thấy đấy, ở đời này chố ô uế, rác rưởi thiếu gì những cánh hoa rụng !
    Matahachi mặc cho Akakabe Yasoma gọi rượu và chọn những nàng chiêu đãi. Y xem ra nhiều kinh nghiệm và từng trải nên Matahachi tin tưởng lắm.
    Qua một đêm hoan lạc, sáng hôm sau cả hai dậy trễ. Matahachi nghe mệt mỏi trong mình, có ý muốn về nhà trọ, nhưng Akakabe Yasoma giữ lại:
    - Đại huynh ở lại đến chiều đã.
    - Để làm gì ?
    - Đệ đã nói chiều nay có hẹn với Kanesuke tướng quân, nhân thể tiến cử đại huynh.
    Quên rồi sao ? Bây giờ đến thì sớm quá, vả đại huynh chưa cho biết điều kiện.
    - Ta chẳng muốn đòi hỏi nhiều.
    - Không nên ! Tay Samurai danh tiếng như đại huynh không nên nhún nhường quá.
    Đòi ít, người ta coi thường đi. Đệ đòi ba ngàn gia. lúa một năm, đại huynh nghĩ sao ?
  4. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 21
    ĐƯỜNG CÔNG DANH
    (tiếp)​
    - Cũng được, tùy bằng hữu.
    Buổi chiều trời mùa đông chóng tối. Xóm Lạc Hoa này ở ngay dưới chân thành, bị bóng thành che khuất nên người ta có cảm tưởng đêm đến mau hơn.
    Matahachi và Akakabe Yasoma dẫn nhau ra khỏi xóm thì lác đác đã có nhà lên đèn. Qua cầu treo vào thành, đi một thôi đến khu gia cư thanh lịch, Akakabe Yasoma chỉ một ngôi biệt thự lớn, tường cao vây kín, vườn cây rậm rạp bao quanh, bảo đó là tư thất của Kanesuke tướng quân. Gió chiều trở lạnh, hơi men tan dần, cả hai rét run như cầy sấy.
    - Kanesuke trước cũng chẳng có gì, như đệ thôi, nhưng nhờ được người tiến dẫn, bây giờ thành công như thế ! Nào, bây giờ đệ xin vào yết kiến Kanesuke tướng quân để tiến cử đại huynh. Nhưng ... - Akakabe Yasoma ngập ngừng - nhưng ... phải có cái gì ra mắt chứ ?
    Matahachi biết rõ, cầu cạnh chuyện gì cũng cần chút lễ, nên không ngần ngại:
    - Tất nhiên ! Tất nhiên !
    Bèn rút túi tiền vàng trong bọc ra, đếm một số đưa cho Akakabe Yasoma.
    - Kanesuke tướng quân địa vị cao trọng, đại huynh cũng nên liệu cái lễ thế nào coi cho được ...
    Matahachi ngần ngừ. Akakabe Yasoma vội trấn an:
    - Xin cứ yên tâm. Nếu Kanesuke không nhận, đệ sẽ mang lại trả đại huynh, lo gì. Vả lại đệ quen biết rất lớn, không người này thì người khác, ở đây thiếu gì kẻ giúp đỡ chạy việc, chỉ cần tiền trà nước phải chăng.
    Matahachi dốc số vàng ra tay, giữ lại một đồng, còn trao cả cho Akakabe Yasoma:
    - Đây, ta chỉ mang theo có thế. Bằng hữu gắng làm cho được !
    - Đại huynh cứ yên tâm.
    - Thế ta đứng đây đợi hay sao ?
    - Đợi cũng được, nhưng không biết bao giờ mới xong. Đêm lạnh, hay đại huynh cứ về nghỉ, mai sẽ gặp.
    - Ở đâu ?
    Akakabe Yasoma do dự một lúc.
    - Bãi đất trống vẫn dùng diễn trò và hát rong gần chợ cửa Nam, đại huynh biết chứ?
    - Biết !
    - Hay cứ chờ tiểu đệ trong quán rượu, chỗ gặp nhau hôm qua ấy.
    - Cũng được.
    Akakabe Yasoma bỏ tiền vào bọc, giơ tay từ biệt. Y thong thả bước qua cổng ngôi biệt thự, dáng điệu đầy tự tin. Matahachi gật gù, trong lòng không nghi ngờ gì nữa:
    ?oAnh chàng này quả có quen Kanesuke thật !?.
    Và đêm hôm ấy, trong phòng trọ, hắn mơ thấy cảnh xe ngựa dập dìu.
    oo Hôm sau Matahachi lò dò đến bãi đất hoang vùng ngoại ô sớm lắm. Cỏ còn ướt sương. Gió sáng gây gây lạnh. Các chủ sạp trong chợ đã bắt đầu chuyển hàng từ những gian lều xiêu vẹo ra ngoài, xếp la liệt trên chiếu.
    Matahachi la cà quanh bãi đất trống, đảo mắt nhìn quanh, chú ý tìm anh chàng họ Điểu. Quán rượu mở cửa, hắn vào chọn một chỗ khuất trong góc ngồi nhìn ra ngoài, quan sát khách qua lại. Ngồi lâu không ăn uống gì bất tiện, hắn gọi một bình rượu nhỏ nhâm nhi, đợi mãi đến chiều vẫn không thấy Akakabe Yasoma đến. Matahachi hơi thất vọng, tự an ủi:
    ?oChắc bận chuyện gì, có lẽ mai hắn mới đến?. Hôm sau, Matahachi lại tới quán, lòng thấp thỏm. Chờ đến khi mặt trời ngả bóng, uống hết hai bình rượu cũng không thấy Akakabe Yasoma đâu, hắn chột dạ. Sự nghi ngờ bắt đầu nhen nhúm. Lúc phố chợ lên đèn và các quán trong bãi rục rịch che liếp, Matahachi rầu rầu bước ra thất thểu về phòng trọ. Ngồi một mình trong phòng vắng đâm lo nghĩ vẩn vơ, đôi lúc hắn tự bắt mình lầm bầm nguyền rủa thằng lừa gạt và bực bội vì đã quá tin người, nhưng vẫn cố bám lấy tia hy vọng vẫn còn le lói:
    ?oHay nó ốm ? Chắc thế ! Thằng ấy xem ra cũng không đến nỗi nào !?.
    Ngày thứ ba, Matahachi lại mò đến quán rượu, loanh quanh bên ngoài một lúc rồi mới bước vào. Thấy chủ quán, hắn làm bộ vui tươi che nỗi ngượng nghịu:
    - Rượu quán này ngon lắm ! Ta mê rồi đó !
    - Khách quan đợi người quen ?
    - Phải, một người tên Akakabe Yasoma, mới quen ở quán này đấy.
    - Có phải anh chàng cao và gầy như cây tre miễu không ?
    - Chính thị.
    Chủ quán hỏi thêm chi tiết, Matahachi không giấu diếm.
    - Thế hắn nói đi chạy việc cho khách quan rồi ăn cắp hết tiền ?
    - Không, hắn không ăn cắp. Ta đưa cho hắn nhờ vận động giúp với tướng quân Kanesuke, tìm một chân kha khá trong phủ đấy chứ ! Hắn bảo ta đợi ở đây chờ kế t quả.
    Chủ quán nhìn Matahachi, thương hại:
    - Khách quan đợi hắn đến trăm năm cũng chẳng gặp !
    Matahachi nhướng lông mày:
    - Sao lão biết ?
    - Thì ở đây ai còn lạ gì ! Hắn lừa không biết bao nhiêu người rồi. Khu chợ này thiếu gì những kẻ như Akakabe Yasoma. Trông dáng điệu và cách ăn nói của nó, tưởng quan khách cũng biết mà đề phòng rồi chứ ! Thật rủi, bây giờ biết đâu mà tìm ?
    Matahachi vừa buồn vừa thẹn. Chủ quán ái ngại:
    - Thôi, khách quan cũng chẳng nên buồn. Của đi thay người, ai mà luôn luôn giữ miếng được ! Bạn bè còn không tin thì biết tin ai ?
    Nhưng Matahachi không phải chỉ buồn mà thôi. Hắn lo ngại thực sự. Cả số tiền coi như mất hết, kéo theo bao nhiêu hy vọng đặt vào đấy:
    nào phi mã với khinh cừu, kẻ hầu người hạ, nghênh ngang trở về làng cũ. Bây giờ biết nói làm sao với mẹ, với Otsu ?
    Nhìn những người qua lại chẳng khác gì những con rối trước mặt, hắn ngẩn ngơ như mất hồn.
    - Còn cách này - Tiếng chủ quán kéo hắn về thực tại - nhưng không chắc gì kết quả. Khách quan thử tìm ở chỗ hay làm trò rong xem. Gần đấy có một sòng bài, tụi nó hay tụ họp, tên lưu manh ấy có tiền, thế nào cũng la cà vào đó sát phạt.
    Matahachi mừng rỡ đứng bật dậy:
    - Phải lắm ! Cảm ơn lão quán. Khu trò rong ở về phía nào nhỉ ?
    oo Matahachi đi vòng ra phía sau chợ, đến một chỗ có hàng rào nứa vây quanh; Trên các cột trồng rải rác từng quãng, cờ đuôi nheo màu sặc sỡ treo tứ tung bay lật phật trước gió. Một cái cổng dựng sơ sài cạnh cây phướn cao, buộc tấm vải đỏ dài chừng ba sải tay viết la liệt những hàng chữ đen khoe sự lành nghề của nhà ảo thuật trứ danh nhất Osaka, những cọp những gấu mới bẫy được và bao nhiêu trò lạ khác. Bên cổng đặt cái trống lớn, một người cởi trần trùng trục chít khăn đầu rìu, đóng khố, tay cầm dùi đánh liên hồi lên mặt trống. Tùng ... tùng ... tùng ... Đứng cạnh là một gã trạc tam tuần, da mặt sần sùi như vỏ cam sành, miệng lưỡi dẻo quẹo luôn mồm mời chào, níu người này kéo người nọ, thỉnh thoảng lại đưa tay thu tiền những kẻ hiếu kỳ vào xem và đẩy họ qua cổng.
    Matahachi đi qua đám làm trò rong, bọc về phía sau, thấy một khoảng đất vuông bằng cái sân nhỏ, quây chiếu tứ bề. Nhìn qua khe chiếu, vô số người ngồi đứng, chỉ trỏ cãi cọ Ồn ào. Tiếng chửi thề tục tĩu vang ra tận bên ngoài.
    Đang phân vân, bỗng có kẻ đến đằng sau vỗ vai:
    - Muốn chơi hả ?
    Matahachi giật mình quay lại. Tên kia cười hì hì, cầu tài:
    - Đánh bạc không ?
    Matahachi gật đầu. Hắn trỏ một cái cửa hẹp, cũng có chiếu che, nếu không để ý thì không biết.
    - Vào đi !
    Bên tường, xung quanh tấm vải bố lớn, con bạc ngồi xổm thành vòng tròn lố nhố.
    Thấy khách lạ, nhà cái ngừng tay quay ra. Mọi người ngoái cổ lại nhìn. Một người yên lặng đứng lên nhường chỗ. Matahachi do dự rồi đánh bạo hỏi:
    - Akakabe Yasoma có đấy không ?
    - Akakabe Yasoma ? Cữ này không thấy hắn lại. Chuyện gì đấy ?
    - Liệu hắn có đến không ?
    - Mẹ ! Thằng này hỏi lẩn thẩn, bố ai mà biết được. Có chơi thì ngồi xuống.
    Nghe giọng nói xách mé, Matahachi ngại, ấp úng:
    - Xin lỗi, xin lỗi ... Ta ... ta muốn tìm Akakabe Yasoma ... Xin lỗi !
    - Không chơi hả ? Mẹ ! Mất thì giờ. Đi chỗ khác mà tìm !
    Matahachi giật lùi về phía cửa. Nhưng một tay anh chị đã chống tay đứng dậy tiến đến trước mặt:
    - Ê, không được ! Đâu có dễ dàng thế ! Không chơi cũng phải trả tiền chỗ.
    - Ta không có tiền.
    - Không có tiền ? Vậy mày đến đây làm gì ? Định ăn cắp hả ? Không trả chúng ông đánh bỏ mẹ !
    Matahachi nóng mặt:
    - Tụi này láo ! Ai ăn cắp ?
    Và làm bộ để tay vào đốc kiếm. Tên anh chị cười hô hố:
    - Thôi đi ! Nếu chúng ông sợ thì đâu còn sống đến ngày nay ở cái đất Osaka này !
    - Này, ta không giỡn. Các chú có biết ta là ai không ?
    Tiếng cười càng to, đầy chế giễu:
    - Ai biết mày là ********* đẻ nào ! Là ai thì cũng phải trả tiền chỗ.
    - Ta là Kojiro, đệ tử chân truyền của đại Samurai Jisai, chưởng môn kiếm phái Chujo ...
  5. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    Matahachi nói một hơi, tưởng xưng danh Kojiro thì bọn kia phải ngạc nhiên bỏ ngay thái độ hỗn láo. Ngờ đâu, tên anh chị chẳng nói chẳng rằng, nhổ bãi nước bọt đánh bẹt một cái xuống đất, quay gọi đám đông:
    - Ê, tụi bay coi thằng khùng này nó lắp bắp gì đây này ! Để xem ...
    Matahachi rút kiếm đánh soạt, dùng đầu mũi kiếm chích vào mông tên anh chị, khiến hắn nhảy lên la hoảng:
    - Á à ... thằng này ...
    Mọi người nhốn nháo. Có kẻ vơ tiền trên chiếu bạc. Tiếng kêu la, tiếng chửi tục ồn ào như chợ vỡ. Thừa lúc lộn xộn, Matahachi lẻn qua khe chiếu che, chuồn ra ngoài nấp sau một cái thùng rỗng. Bọn du côn chia nhau đổ đi tìm, may sao không để ý đến chỗ hắn nấp. Hắn nín thở ngồi thu lu ở đó, một lúc yên tĩnh trở lại mới hoàn hồn. Hắn để ý nghe ngóng, đưa mắt nhìn quanh, bỗng thấy một khe hở gần hàng rào nứa, cỡ con chó to chui lọt, đồ chừng mình cũng có thể chui được, bèn len lén bò vào. Bên trong tối thui. Thì ra đó là cái gầm sàn gỗ của bọn làm trò dạo. Hắn nép mình sát đất, cứ thế bò, một lát sau mới ra khỏi sàn gỗ.
    Nơi này gần đống rác, vắng vẻ không có ai. Matahachi đứng dậy phủi sạch quần áo, sửa lại đầu tóc rồi giả bộ như khách nhàn du, ung dung vừa đi vừa nhìn ngắm. Có điều hắn trông người đàn ông nào có dáng cao gầy gầy cũng từa tựa Akakabe Yasoma cả !
    Đứng trước một cái dàn tre căng tấm da hổ lớn Matahachi dừng lại sau một đám đông.
    Tấm da hổ dường đã cũ, nhiều chỗ trụi cả lông nhưng vẫn còn nguyên cả đầu và chân, nhe nanh giơ vuốt. Trong lều tranh tối tranh sáng, hình chúa sơn lâm tuy chỉ là tấm da nhưng cũng cho hắn một cảm giác ghê ghê rờn rợn. Bỗng có tiếng nói rất quen của hai ông bà già cách chỗ hắn đứng vài người làm hắn chú ý dỏng tai nghe.
    - Con cọp này chết rồi phải không cậu ?
    Tiếng ông già trả lời, ra vẻ hiểu biết:
    - Dĩ nhiên chết rồi ! Đây chỉ là da nói. Mắt nó sáng thế kia nhưng là mắt thủy tinh, không phải thật !
    - Thế sao ở bên ngoài hộ quảng cáo là cọp mới bẫy được ? Làm cứ như là còn sống!
    - Ối dào ! Quảng cáo ấy mà ! Họ cũng thêm thắt đôi chút chứ !
    - Đâu được ! - Bà già nói có vẻ tức giận - Thế là nó lừa mình. Ra đòi lại tiền.
    - Thôi, bà đừng vẽ chuyện, người ta cười cho.
    - Ai cười ? Mình làm gì mà họ cười ? Mình có phải là trẻ nít đâu mà để chúng lừa như vậy ! Cậu không đòi, ta đòi.
    Bà già vùng vằng đi ra. Ông lão cũng quay lại. Vừa lúc tấm vải dùng làm cửa lều mở cho khách mới vào, ánh sáng bên ngoài chiếu rõ mặt hai ông bà lão. Matahachi nhận ngay ra mẹ mình và cậu Gon, vội quay đi để tránh nhưng không kịp nữa, cậu Gon đã trông thấy hắn.
    - Ai như thằng Matahachi ! Phải Matahachi đấy không ?
    Cụ Osugi ngạc nhiên tột độ, quay nhìn em:
    - Cái gì ? Cậu nói cái gì thế ?
    - Thằng Matahachi, chị không thấy ư ?
    - Đâu ? Đâu ? Cậu chỉ trông gà hóa cuốc !
    Matahachi nghe cậu và mẹ nói về mình, không biết nghĩ sao, cúi đầu thật thấp, lủi vào đám đông trốn mất.
    - Tôi thấy nó rõ ràng mà ! Nó vừa đứng đây, nhưng sao bây giờ không thấy nữa !
    Kìa, nó chạy kia kìa !
    - Thật không ? Thật nó không ? Bớ Matahachi !
    Cậu Gon vừa lôi chị vừa chạy ra cửa. Mấy năm sau này, cụ Osugi lang thang đây đó tìm con, ăn ngủ thất thường lại gặp sương gió nên yếu đi, không còn được như trước.
    - Khoan, khoan ! Cậu làm ta ngã chết bây giờ !
    Mọi người nhìn hai ông bà già ngạc nhiên. Họ không biết ất giáp gì nhưng cũng chạy đến giúp, đỡ bà già ra cửa.
    Matahachi vừa chạy vừa quay lại nhìn, thấy mẹ và cậu đuổi theo, miệng gọi tay vẫy rối rít:
    - Matahachi ! Matahachi ! Ta đây mà, sao lại chạy ?
    Matahachi phân vân. Hắn dừng lại một lát rồi nghĩ thế nào lại cắm cổ nhảy ra khỏi hàng rào nứa. Cậu Gon nhất định đuổi theo, miệng không ngớt gọi tên hắn. cụ Osugi run rẩy chạy theo sau. Bỗng bà lấy hết sức, gân cổ gào lớn:
    - Bớ làng nước ! Thằng ăn cắp ! Nó ăn cắp của tôi ! Bắt lấy nó !
    Thế là người ta rầm rầm đuổi theo. Vài thanh niên khỏe mạnh rút bậy cây sào hoặc quơ vội cái cán chổi, chạy theo đám đông, ồn ào như bắt giặc. Matahachi bị bao vây tứ phía. Họ nắm cổ hắn, dìm đầu xuống, tống cho vài quả thụi.
    - Bắt được nó rồi ! Nó ăn cắp của bà lão cái gì ?
    - Nó giật túi tiền. Bà già mất hết cả tiền.
    Mỗi người nói một câu chờ bà lão đang lệt bệt chạy tới. Sẵn gậy, họ phang ngay cho tên ăn cắp một trận. Matahachi kêu la, trần tình. Mặc ! Không ai nghe, không ai tin hắn !
    Khi cụ Osugi đến nơi, bà mệt nhoài thở không ra hơi, hổn hển ôm lấy Matahachi:
    - Con ! Con ! Mẹ đây mà ! Sao con lại chạy thế con ?
    Ai nấy trố mắt kinh ngạc:
    - Thằng này là con bà đấy à ?
    Cụ Osugi quay lại đám đông, dang hai tay ra như để che cho Matahachi đứng sau lưng, trả lời đứt quãng:
    - Dĩ nhiên ... dĩ nhiên là con lão. Không con lão thì ai vào đấy !
    - Thế sao bà lại hô hoán là thằng ăn cắp ?
    - Lão không kêu thế thì sao bắt được nó ! Lão kêu bắt nó chứ có kêu đánh nó đâu ?
    Các người thật vô duyên, vô tích sự !
    Mọi người cười ồ. Cậu Gon phải đứng ra cảm ơn, giải thích, đám đông mới giải tán, nhưng ai cũng cho bà lão nhiều mưu trí. Hú vía, chậm chút nữa thì Matahachi không gãy tay cũng thành tật rồi !
    Cụ Osugi nắm cổ áo con trai, kéo vào ngôi đền gần đó. Hắn líu ríu đi theo, quần áo xốc xếch. Cậu Gon thương hại bảo:
    - Bà đừng làm thế ! Nó lớn rồi, đâu còn là con nít nữa.
    Cụ Osugi trừng mắt:
    - Cậu biết gì ! Con ta ta phải dạy. Cậu lo việc của cậu ấy. Matahachi, mày vào đây !
    Cả ba vào sân đền. Đền vắng, ít người lễ bái, bỏ hoang lâu ngày, khe đá lót sân đã có rêu xanh và cỏ mọc. Bà ấn đầu Matahachi bắt nằm dài ra sân rồi bẻ một cành cây mềm làm roi.
    - Matahachi ! Mày có còn là con ta nữa không ? Sao gặp mẹ và cậu lại chạy ?
    Mày đâu phải ở lỗ nẻ chui ra ?
    Nói xong bà quất roi vào lưng hắn. Matahachi không thấy đau. Bà già yếu rồi, đánh như phủi bụi, nhưng nước mắt hắn tuôn ràn rụa. Hắn đã làm cho mẹ đau lòng nên không cầm được hối hận.
    - Ta tưởng mày chết mất xác ở đâu rồi, không ngờ còn gặp tại Osaka này. Thật xấu hổ ! Đồ vô tích sự ! Mấy năm nay sao không về cúng giỗ ông bà, mà cũng không thư từ thăm hỏi gì người đã sinh ra mày ? Mày có biết cả nhà ai cũng lo lắng vì mày không ?
    Sau mỗi câu, bà lại quất cho Matahachi một roi. Hắn khóc như đứa trẻ:
    - Xin mẹ tha tội. Con biết lỗi và hối hận lắm. Thật con không có ý muốn trốn mẹ và cậu nhưng bất ngờ quá, con sợ và xấu hổ không dám gặp mặt.
    Cụ Osugi mủi lòng, quay đi chùi dấu nước mắt. Tuy già nhưng lòng cương nghị vẫn không giảm, bà không muốn đứa nghịch tử biết sự mềm yếu của lòng mình.
    - Hừ ! Mày nói có lỗi và xấu hổ không dám về nhà. Vậy chắc trong những năm qua, mày làm nhiều điều xằng bậy lắm ?
    Cậu Gon không nhịn được, xen vào:
    - Thôi bà ! Bắt nó khai thì lại đau lòng thêm, ích gì cơ chứ ?
    - Cái cậu này ! Đã bảo mặc xác ta, việc gì đến cậu ? Đàn ông mà nhu nhược thế thì dạy ai được ? Thân phụ nó qua đời, ta là mẹ phải biết giáo dục nó chứ ! Matahachi, cho ngồi dậy, nhìn vào mặt ta đây !
    - Dạ.
    Matahachi quần áo xốc xếch, mặt nhem nhếch những bụi đất và nước mắt, lồm cồm bò dậy nhưng hắn vẫn không dám nhìn thẳng mặt mẹ. Lòng sợ mẹ từ tấm bé khiến hắn coi bà là một thần linh, ra oai tác phúc thế nào cũng được. Sự thiếu sót bổn phận làm con trong gia đình và dòng họ khiến hắn cảm thấy tội nặng thêm và mặc cảm ấy làm hắn sợ hãi.
    - Matahachi ! Hãy kể ta nghe trong những năm xa nhà, mày ở đâu ? Làm những gì điếm nhục đến cha ông ? Nói cho thật, ta cấm mày không được bỏ sót.
    - Dạ dạ ...
    Matahachi kéo vạt áo lau nước mắt, sụt sịt kể chuyện đã qua, từ khi thua trận Sekigahara vào nương náu nhà Oko, rồi vì giết tên Tsujikaze, phải bỏ đi lưu lạc ở Ibuki, ăn nhờ ở đậu trong quán rượu của Oko, sau bị bạc đãi, uất hận ra đi như thế nào, nhất nhất kể lại hết. Tuy nhiên vẫn giấu không cho mẹ biết thời kỳ hắn làm phu vác đá cực khổ ở công trường, may vớ được món tiền rồi bị lừa ra sao. Kể xong hắn khóc sướt mướt, cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thú tội.
    Cậu Gon nghe chuyện, thỉnh thoảng lắc đầu:
    - Hừ ... hừ ... thật không ngờ ...
    Cụ Osugi thương con tuy không lộ ra nét mặt:
    - Mày làm những điều thật xấu xa, nhưng đã biết hối, thôi cũng được ! Thế bây giờ làm ăn gì ? Trông quần áo cũng không đến nỗi ... Chắc có việc làm rồi chứ ?
    - Dạ có.
    Hắn đáp ngay không suy nghĩ, nhưng lại vô chữa:
    - Ấy không ! Con muốn nói là không có việc đều đặn.
    - Vậy lấy gì sống ?
    - Con dạy võ, đánh kiếm.
    Bà khách tỏ vẻ mừng rỡ, mặt tươi hẳn lên. Quay sang cậu Gon, bà nói:
    - Này cậu, cháu cậu có phải con giòng không ? Nó dạy đánh kiếm đấy !
    Cậu Gon vui vẻ gật đầu:
    - Phải chứ ! Con nhà tông mà ! Dòng họ Honiden nhà ta, đời nào cũng có người khí phách. Lầm lỡ chút đỉnh, bỏ qua được.
    Cả hai ông bà cười vui vẻ làm Matahachi cảm thấy kiêu hãnh.
  6. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 21
    ĐƯỜNG CÔNG DANH
    (tiếp)​
    - Này con !
    Giọng bà dịu hẳn lại.
    - Dạ.
    - Con học kiếm của ai ?
    - Của Kanemaki Jisai.
    - Chà ! Người dó là đại Samurai, sao nhập môn đó được ?
    Nét mặt cụ Osugi càng thêm rạng rỡ. Matahachi muốn làm vui lòng mẹ, rút trong bọc ra tờ chứng thư, lấy ngón tay cái bịt tên Kojiro đi rồi khoe:
    - Mẹ coi đây này !
    Cụ Osugi chăm chú đọc hàng chữ, giơ tay định cầm lấy để xem cho rõ thì Matahachi đã vội giấu ra sau lưng:
    - Đấy, mẹ coi, mẹ cần gì phải lo lắng cho con.
    Bà cười vui vẻ:
    - Ừ, ta biết. Cậu Gon xem, ta nói có đúng không ? Ngay từ khi còn nhỏ, ta đã bảo nó khôn lắm, có phần hơn cả thằng Takezo và những đứa khác. Bây giờ Samurai rồi đó, có bằng cấp chứng minh hẳn hoi chứ đâu phải dở.
    Bà sung sướng quá, nói văng cả nước bọt. Matahachi cũng vui lây cái sung sướng của mẹ, quên dùng ngón tay để che tên, giơ tờ chứng thư đến trước mặt cậu. Cậu Gon đọc giấy chứng nhận tên Kojiro, lấy làm lạ, hỏi:
    - Mà sao không đề tên mày lại đề Kojiro. Kojiro là ai ?
    - À ... à ... đấy là biệt danh cháu !
    Hắn ấp úng đáp.
    Cụ Osugi nhìn con:
    - Cái tên Honiden Matahachi không đủ danh giá sao mà phải lấy tên khác ?
    - Dạ ... dạ ... Danh giá lắm chứ, nhưng ... nhưng ... - hắn nghĩ nhanh tìm cớ - nhưng vì con đã phạm nhiều tội quá, nêu danh ấy ra sợ mang tiếng.
    - Ừ ừ ... thôi được, thế cũng được ! Chúng ta tin mày. Từ khi mày đi đến giờ, mày biết chuyện gì xảy ra ở làng không ?
    Hắn lắc đầu. Bà đem chuyện gia tộc nhà Honiden bị sỉ nhục ra sao, Otsu không về làm dâu bà, bỏ đi theo Takezo làm bà và cậu Gon suốt mấy năm nay phải đi tìm chúng rửa hận. Bà kể lại hết, lúc đầu còn ôn tồn sau không giữ được xúc động, giọng bà the thé, mắt đẫm ướt.
    Ngồi nghe mẹ nói, đầu hơi cúi, Matahachi thấy lòng xốn xang vô hạn. Điều hắn quan tâm nhất không phải là danh dự gia tộc hay kiếm phái tông môn mà chính là mối tình của Otsu đối với hắn. Như mẹ nói thì Otsu đối với hắn thật không còn tình nghĩa gì nữa, và Takezo chỉ là thằng phản bạn. Sự ghen tị đã có từ lâu trong lòng hắn bây giờ lại được dịp bùng lên. Hắn nghiến răng nhìn mẹ:
    - Có thể thế được sao ?
    Cụ Osugi cho rằng con mình vì thấy danh dự tông môn bị xúc phạm nên tức giận, lấy làm bằng lòng lắm. Bài học đã có kết quả, bà đăm đăm nhìn Matahachi:
    - Bây giờ mày đã rõ hết chuyện, và cũng hiểu tại sao chúng ta ở tuổi này đáng lẽ được quyền nghỉ dưỡng già lại phải bôn ba như thế này. Làm con phải hết sức rửa mối nhục của gia đình, tổ tiên. Chừng nào chúng ta không giết được hai đứa đó, chúng ta không trở về làng vì không còn mặt mũi nào đứng trước bàn thờ của dòng họ Honiden.
    Matahachi cúi đầu, thấm thía những lời nói đầy phẫn khích ấy.
    - Còn con nữa. Không trả xong mối thù này con cũng không nên về Miyamoto làm gì.
    - Con không về ! Con không muốn về làng nữa !
    - Không phải chuyện ấy. Ý ta muốn nói con phải giết cho được hai đứa đó trước khi về cáo gia tiên. Nghe rõ chưa ?
    Matahachi lí nhí:
    - Dạ dạ con xin làm.
    - Xem chừng mày không lấy gì làm hăng hái lắm ! Sao ? Mày sợ không đủ sức hay sao ?
    Cậu Gon tiếp lời:
    - Cháu đừng lo, cậu sẽ giúp một tay.
    - Cả ****** nữa. Ta già rồi nhưng còn đủ sức. Ta nguyền sẽ lấy đầu chúng nó mang về làng để mọi người cùng biết họ Honiden không dễ gì chịu nhục. Mày có thề rửa mối nhục ấy không, Matahachi ?
    - Dạ có.
    - Vậy tốt ! Cậu Gon, đứng ì ra đấy à ? Lại đây khen cháu cậu đi ! Nó thề sẽ giết chết thằng Takezo và con Otsu để rửa hận đấy !
    Cậu Gon không biết nói gì, cứ nhắc đi nhắc lại như cái máy:
    - Tốt ! Tốt ! Vậy tốt ...
    Xem chừng đã thỏa mãn, cụ Osugi chống tay đứng dậy, nhưng bà nhăn mặt đau đớn:
    - Ối, ối, đau quá !
    - Gì vậy chị ?
    - Ngồi lâu, đất lạnh và ẩm, phong thấp nó lại hành tôi đây !
    Matahachi nhìn mẹ. Trong một lúc, tình thương và lòng hiếu thảo dào dạt, hắn đến bên mẹ:
    - Mẹ để con cõng.
    - Con cõng ta ư ? Con tôi ngoan quá !
    Hai tay bà ôm cổ con trai, nước mắt sung sướng tràn ra trên đôi má nhăn nheo, chảy xuống gáy Matahachi:
    - Đã lâu lắm, mấy năm rồi cậu Gon nhỉ ! Cậu Gon, con tôi nó cõng tôi đây này !
    Matahachi cũng sung sướng. Một cảm giác lạ lùng hắn chưa từng có bao giờ chạy khắp cơ thể. Hắn nhún nhảy bà lão trên lưng, nói:
    - Mẹ nhẹ quá nhỉ ! Nhẹ quá ! Không như tảng đá ở công trường.
  7. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 22
    TRẢM NHẠN KIẾM​
    Con thuyền rẽ sóng lướt phăng phăng, những đợt sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Xa xa, đảo Awaiji mờ dần trong màn sương trắng đục. Gió thổi mạnh, cánh buồm lớn kêu phần phật át cả tiếng sóng vỗ.
    Vào một ngày trọng đông, vùng trung nam nước Nhật, chiếc thuyền đò chở đầy giấy bổi và chàm từ đảo Shikoku thẳng đường về bến Osaka. Trên thuyền, ngoài số hàng đăng ký, chắc còn hàng lậu, vì mùi thuốc lá tươi hăng ngai ngái phảng phất khắp chỗ.
    Thuốc lá bấy giờ là món quốc cấm, nhưng được nhiều người chuộng và bán lời lắm.
    Một số khách thương đi theo hàng, nhân dịp cuối năm trở về tỉnh cười nói râm ran:
    - Đại huynh khá không ? Dạo này làm ăn ra sao ?
    - Cũng không tệ. Nghe nói ở vùng Sakai hốt bạc. Muốn thử thời vận, nhưng để còn nghe ngóng ...
    - Chỗ đó cần nhiều tay thợ, đâu phải cánh mình. Nếu huynh biết nghề rèn binh khí hay làm áo giáp thì phất đấy !
    Một người khác góp chuyện:
    - Phải rồi ! Đệ có người bà con chuyên nghề rèn giáo và làm mộc, trước làm ăn khá lắm ...
    - Thế hả ?
    - Nhưng bây giờ cũng trung bình thôi. Tụi nó học đếm rồi !
    - Thế là thế nào ?
    - Mình chỉ bán hàng cho tụi Samurai, nhưng tụi nó càng ngày càng khó tính và chi li. Trước kia, sau mỗi trận đánh, cứ đi mua lại những đồ sứt càng gẫy gọng của bọn lượm xác lột đồ về sửa chữa sơ sài, thế là đem bán có tiền. Xong một chuyến, đợi đến trận sau, những món ấy lại quay về mình. Bây giờ tụi nó đòi thế này thế nọ, còn đếm đủ số mới mua và trả giá cẩn thận lắm.
    - Ấy cứ như mấy tay liều mạng lại hay ! Phải đi xa kiếm những món hàng lạ. Mạo hiểm một tí, nhưng có ăn.
    - Tụi Samurai thế mà đáng thương ! Nhiều gã chẳng biết bữa cơm ngon là gì !
    Nói xong hắn nhổ bãi nước bọt, lấy tay quệt ngang.
    - Bọn quyền quý sống phè phỡn thật đấy, nhưng chóng chầy gì rồi cũng phải đánh nhau, tranh đất, tranh ruộng, chết để quạ rỉa thây, sướng gì phải không quý huynh ?
    - Ừ, suy cho cùng, thời nay chỉ như chúng ta là phải. Phi thương bất phú. Có tiền, ta làm gì cũng được !
    Có tiếng cười hề hề.
    - Vậy mà cũng có lúc phải cúi đầu lạy chúng nó.
    - Có sao ? Lạy đôi ba cái ăn nhằm gì ! Cứ ních vàng đầy túi là an ủi rồi ! Vả lại chúng dễ mua, phóng tiền ra việc gì chả xong.
    Vài người mỉm cười gật gù. Bọn thương nhân này xem chừng buôn bán phát đạt, quần áo mặc toàn hàng lụa đắt tiền, tấm thảm họ ngồi cũng làm bằng lông cừu ngoại hóa.
    Sau khi họ Toyotomi thua trận, tài sản của một số Daimyo bị thất tán, phần lớn chuyển qua tay giới doanh thương hơn là vào tay phe Samurai thắng trận. Lợi dụng nước đục thả câu, giới này phất dần. Bấy giờ, đến ngay những kẻ buôn bán cò con nhưng khéo léo, cũng giàu có chẳng kém gì, có khi còn hơn cả những tay Samurai bổng lộc hàng năm vài ngàn gia. lúa. Mà bấy giờ, vài ngàn gia. lúa mỗi năm đã là phong lưu lắm !
    Chuyện gẫu mãi đã chán, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, một người đề nghị:
    - Buồn quá ! Hay đánh bài chăng ?
    - Ừ, đánh thì đánh !
    Thế là màn che được trương lên, rượu sa-kê mang đến, cỗ bàn bày ra. Họ ngồi quây quần trên thảm, chơi bài Umsummo, một kiểu chơi bài của Bồ Đào Nha mới du nhập. Từng cọc tiền vàng xếp đầy chiếc bàn thấp, giá gom lại cũng đủ cứu cho dân năm sáu làng khỏi chết đói, nhưng họ coi như rác.
    Trong đám hành khách trên thuyền có một số thuộc thành phần mà bọn khách thương liệt vào hạng không biết thưởng thức khoái lạc ở đời:
    một nhà sư, vài tay kiếm khách giang hồ quần áo tả tơi, một nho sĩ mắt lúc nào cũng dán vào quyển sách nát cầm trên tay cùng dăm tráng sĩ nhìn cách ăn mặc biết ngay là những Samurai chuyên nghiệp.
    Họ ngồi rải rác trên thuyền, cạnh những cuộn thừng lớn hoặc dựa lưng vào các bồ giấy có phủ vải sơn, dáng trầm mặc.
    Gần chiếu bạc, một thanh niên còn rất trẻ, lơ đãng bắt rận cho một chú khỉ nhỏ bế trên tay. Chú khỉ thật đẹp, lông vàng óng, luôn luôn cựa quậy kêu chíu chít. Thanh niên thỉnh thoảng vỗ nhẹ lên đầu cho nó ngồi yên hoặc mắng khẽ:
    - Yên nào ! Để ta bắt rận cho !
    Con khỉ dường như chưa thuần, không nghe lời chủ, nhảy tới nhảy lui, thoắt trên vai thoắt trên đầu, lăng quăng múa may, nhe răng ra như trêu chọc.
    - Tráng sĩ mua chú khỉ này ở đâu thế ?
    - Tại hạ không mua, tại hạ bắt nó trong rừng Awa lúc nó còn nhỏ.
    - Thế ư ? Trông ngộ quá nhỉ !
    - Tại hạ suýt mất mạng vì nó đấy ! Khi bắt nó, cả đàn xúm vào tấn công, nếu không nhanh tay nhanh mắt trốn vào hốc đá thì ngã xuống vực chết rồi còn gì !
    Mọi người chú ý đến chàng thanh niên không phải chỉ vì con khỉ mà còn vì dáng dấp và cách phục sức của chàng ta khác thường lắm. Thanh niên mặc kimono màu xanh tươi, thêu chỉ kim tuyến vàng lóng lánh, bên ngoài khác một chiếc áo choàng đỏ như hoa lựu. Mặc dầu bấy giờ có phong trào ăn mặc sặc sỡ, nhưng cách phục sức như thế thật lòe loẹt quá đáng. Hơn nữa, đầu chàng cũng không cạo phía trước như phần đông các thanh niên đã trưởng thành mà buộc tóc thành cái chỏm tựa đuôi gà bằng một dải lụa cũng màu đỏ. Cách ăn mặc không khác gì trẻ thơ, tuy thế nhìn nét mặt thì trang nghiêm, cương nghị rõ ràng là của một thanh niên . Làn da tươi sáng, mắt đen mà sắc, môi đỏ tựa thoa son, thân thể vạm vỡ tràn đầy sinh lực có một cái gì toát ra làm mọi người kiêng nể nhưng vẫn không giấu được vẻ ngây thơ của một thiếu niên mới bước vào đời.
    Cũng không ai đoán được chàng ta thuộc về giai cấp nào trong xã hội. Quần áo tuy sặc sỡ nhưng không phải là hàng đắt tiền, gã cũng mang dép cỏ như mọi người. Phong thái có uy nghi đĩnh đạt nhưng đối với hành khách trên thuyền, kể cả với những chân sào rách rưới, gã tỏ ra khiêm cung không có gì hách dịch. Người ta chỉ có thể tạm liệt gã thanh niên vào loại Samurai giang hồ nhưng thuộc hạng cao, có tư cách nhờ thanh kiếm dài quá khổ gã đeo sau lưng. Thanh kiếm đã cũ, đốc và chuôi lên nước bóng loáng như đồng đen. Kiếm tuy dài nhưng phần chuôi và phần lưỡi cân đối, trông không kỳ dị. Bao kiếm chạm trổ tinh vi. Người sành kiếm thoạt trông phải nhận ngay là một báu vật.
    Gion Toji đứng gần chàng thanh niên không khỏi tấm tắc khen thầm. Thanh kiếm đẹp dường ấy dễ gì mua được ở Osaka này; ngay cả ở Kyoto, nơi sản xuất kiếm nổi danh cũng khó ! Hắn tò mò muốn biết chủ nhân nó là ai, thuộc hạng người nào.
    Sau nhiều ngày du thuyết khắp vùng Osaka và Kyoto, Toji thấy mệt mỏi. Tình hình tài chánh võ đường Yoshioka mỗi ngày một sa sút mà Yoshioka Seijuro chẳng lưu tâm gì đến. Trình sổ sách lên, Seijuro chỉ nói cho có lệ:
    ?oThế à ? Ta không ngờ tồi tệ quá !?. Vậy thôi, rồi bỏ đi chơi. Phòng trà tiệm rượu, không nơi nào là không có mặt. Số môn sinh đóng niên liễm không tăng mà nợ cứ chồng chất, viên chấp quản đề nghị cắt mười mẫu đất bán để trả nợ. Cứ như thế này, nếu không có biện pháp gì sửa đổi, tất phá sản mất.
    Sau nhiều lần thảo luận, hàng huynh trưởng đồng lòng áp dụng một kế hoạch vừa kiếm được thêm tiền vừa mở rộng môn phái. Họ dự định phát quang khu vườn rộng lớn phía sau trại, xây thêm một võ sảnh nữa và cổ động rầm rộ để tuyển võ sinh mới. Nhưng muốn thi hành kế hoạch, phải có tiền. Toji được cử mang thư của chưởng môn Seijuro đến các môn đệ cũ đã thành danh yêu cầu giúp đỡ.
    Không biết số trời bắt Yoshioka chịu cảnh mạt kiếp hay sao mà kết quả không ra gì!
    Đi đến đâu cũng vậy, Toji toàn gặp những phản ứng tiêu cực. Mặc dầu đã trổ hết tài hùng biện, hắn chỉ nhận được những lời hứa suông:
    ?oĐể đệ xét xem? hoặc ?otại hạ sẽ phúc đáp sau?, v.v ... làm hắn chán nản. Thành ra số tiền quyên được không đáng là bao, chỉ đủ chi phí cho cuộc hành trình mà thôi.
    Toji là kẻ có lòng, nhưng trong cái không khí ăn chơi phóng đãng của phái Yoshioka thời bấy giờ, kể từ chưởng môn Seijuro trở xuống, một mình hắn không thể làm gì được. Hắn nghĩ đến Oko, tự hỏi không biết bức thư hắn nhờ chuyển cho nàng tuần trước đây đã đến tay nàng chưa. Nếu đến rồi tất Oko phải ra bến chờ hắn. Khuôn mặt Oko hiện ra trong trí. Nàng đã đứng tuổi nhưng trang điểm vào vẫn còn xinh đẹp lắm. Nhất là những kinh nghiệm chốn phòng the của nàng, hắn nghĩ mà xốn xang trong bụng.
    Toji đến gần gã thanh niên, cười cầu thân:
    - Chào thiếu hiệp ! Thiếu hiệp đi Osaka ?
    - Dạ phải. Kính chào đại hiệp.
    - Chắc thiếu hiệp về thăm nhà ?
    - Không. Gia đình tại hạ không ở đó.
    - Vậy chắc ở Awa ?
    - Không.
    Lời đáp chắc nịch, xem chừng thanh niên không muốn bắt chuyện. Toji quay đi nhìn trời. Vài con hải âu bay xa xa:
    những chấm trắng trên nền mây xám vần vũ. Hắn thử gợi chuyện lần nữa:
    - Thiếu hiệp có thanh kiếm đẹp quá ! Hẳn là báu vật ?
    Thấy có người khen kiếm, thanh niên mau miệng hẳn lên:
    - Cảm ơn đại hiệp. Kiếm này là vật gia bảo, tiên tổ phụ tại hạ vẫn dùng xung kích khi ra trận. Phải cái nó hơi dài nên tại hạ đến Osaka định tìm thợ khéo nhờ sửa lại đeo bên sườn cho tiện.
    - Quả có hơi dài thật.
    - Hơn ba thước cơ đấy. Nhưng tại hạ thiển nghĩ, đã gọi là Samurai thì không thể không biết dùng kiếm này !
    - Dĩ nhiên rồi, kiếm dài hơn cũng dùng được. Tuy nhiên muốn sử dụng cho xảo diệu tất phải là tay tinh thục. Ngày nay có những kẻ đeo kiếm dài nghênh ngang, khinh thế ngạo vật, tài chẳng bằng ai, gặp chuyện gì nguy hiểm thường co cẳng chạy trước. Hà hà ... Thế thiếu hiệp thuộc môn phái nào ?
    Nói đến kiếm thuật, Toji không giấu vẻ tự mãn. Hắn nhìn thanh niên ra dáng miệt thị, tuy không nói ra nhưng ý khinh rẻ lộ rõ trên khóe mắt.
    - Tại hạ theo Chujo kiếm.
    - Chujo kiếm dùng kiếm ngắn, đâu có dài như thế này !
    Toji hách dịch làm ra vẻ hiểu biết.
    - Đúng ! Tại hạ theo kiếm chiêu Chujo nhưng không dùng kiếm ngắn như đệ tử phái ấy. Thấy kiếm dài lợi thế hơn, tại hạ tập luyện bằng kiếm dài, bị sư phụ bắt được và trục xuất.
    - Chà, thanh niên ưa phản kháng lắm nhỉ ! Rồi sao nữa ?
  8. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 22
    TRẢM NHẠN KIẾM
    (tiếp)​
    - Nghe nói vùng Echizen có Kanemaki Jisai là bậc dị nhân phát huy nhiều đường kiếm tinh diệu, bèn đến xin nhập môn. Sau bốn năm khổ luyện, tại hạ được sư phụ cho nhập võ lâm, vừa hành hiệp vừa thu thập kinh nghiệm.
    - Hừ ! Kanemaki Jisai ? Ông ta là người có chút danh vọng, sao cấp chứng chỉ bừa bãi thế ?
    Nghe giọng khinh mạn của Toji, thanh niên tức lộn ruột nhưng vẫn giữ bình tĩnh:
    - Bình sinh, sư phụ tại hạ chỉ mới cấp chứng chỉ cho đệ nhất môn sinh là Ito Yagoro mà thôi. Tại hạ là người thứ hai được chấp nhận, thực ra chưa có chứng thư vì khi mới được phép thì có tin mẹ lâm bệnh phải về săn sóc.
    - Ở đâu vậy ?
    - Ở Iwakumi, tỉnh Suo.
    Nói đến đó, thanh niên ngừng lại, mắt lơ đãng nhìn ra xa, tay vuốt nhè nhẹ trên lưng con khỉ. Toji đợi một lát, không thấy kể tiếp, bèn khẽ nhắc:
    - Thiếu hiệp đang kể đến lúc về phụng dưỡng từ mẫu ...
    Thanh niên như chợt tỉnh:
    - Ờ ... Ờ ... phải. Lưu lại quê nhà ít lâu, tại hạ thường giải khuây bằng cách ra bờ sông múa kiếm chơi và chém én bay thấp khi trời sắp dông bão hay tập chẻ đôi những nhành liễu nhỏ rũ ven bờ. Dần dần luyện thêm được nhiều chiêu kiếm đặc biệt riêng của tại hạ, rất tinh xác. Trước khi quy tiên, gia mẫu có lấy ra thanh kiếm này trao cho, dặn phải giữ gìn cẩn thận, vì nó do chính tay nhà luyện kiếm danh tiếng Nagamitsu đặc chế.
    Thanh niên tháo kiếm, đưa cho Toji xem. Hắn cầm ngắm nghía, quan sát rất kỹ những nét chạm trổ trên bao rồi rút ra khỏi vỏ. Kiếm quang sáng lòa, ánh thép xanh biếc làm hắn tấm tắc:
    - Tốt thật ! Tốt thật ! Nhưng sao không thấy khắc tên kẻ luyện kiếm ?
    - Không khắc tên nhưng đích thực là kiếm Nagamitsu đấy ! Ở vùng tại hạ, không ai còn hồ nghi gì. Nó còn có hỗn danh là ?ocây sào phơi?.
    Chàng thanh niên lúc trước ít lời, bây giờ thao thao bất tuyệt, lan man kể cả những chuyện đáng lẽ không nên nói với người lạ buổi sơ kiến.
    - Khi ở quê nhà, được tin sư phụ đau nặng rồi mất, tại hạ buồn rầu khôn tả. Cháu của người, tên Kusanagi Tenki, được giao phó trách nhiệm chuyển chứng thư và một số tiền cùng kiếm phổ đến tay tại hạ nhưng cho đến nay vẫn không thấy tin tức gì. Anh ta, ngoài kiếm thuật ra, còn nghiên cứu về kiến trúc. Không biết bây giờ lang bạt đâu, tại hạ đang để tâm tìm kiếm.
    - Vậy ư ? Sao khi được tin lệnh sư mất, thiếu hiệp không tới chịu tang ?
    - Sư phụ tại hạ ẩn cư tại một vùng hẻo lánh và xa xôi lắm. Vả bấy giờ cũng trùng vào dịp gia mẫu quy tiên nên không bỏ đi được. Thật ân hận. Thế còn đại hiệp, chắc ở Osaka ?
    - Không, ta ở Kyoto.
    Hai người đứng lặng hồi lâu, nhìn sóng biển rập rình đánh vào mạn thuyền, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Toji là người đầu tiên phá tan sự yên lặng đó:
    - Vậy ra thiếu hiệp có ý góp mặt với võ lâm, dùng kiếm đạo lập công danh đấy ?
    Câu hỏi nghe như vô hại, nhưng trong giọng nói hàm ý khinh bỉ chế giễu. Mặc cảm gì đã làm Toji có thái độ ấy, không ai biết. Phải chăng vì đã hai mươi năm phục vụ Yoshioka phái, hắn vẫn chưa lập được thành tích gì đáng chú ý ? Hay vì thấy thanh niên kia còn trẻ mà đã huênh hoang, nào kiếm chiêu nào kiếm phổ, hắn bực mình mỉa vài câu cho bỏ ghét ?
    Thanh niên không đáp, chỉ đăm đăm nhìn màu nước biển xanh đen. Đột nhiên ngẩng lên nhìn Toji:
    - Đại hiệp ở Kyoto, vậy có biết Yoshioka kiếm phái không ? Nghe nói Seijuro, con trưởng Yoshioka Kempo làm chưởng môn. Phái ấy còn hoạt động gì không ?
    Toji nhếch mép cười. Hắn muốn đùa thanh niên này chơi.
    - Biết chứ ! Yoshioka kiếm phái đang thời hồi thịnh. Thiếu hiệp đã đến thăm bao giờ chưa ?
    - Chưa, nhưng tại hạ mong có dịp tới Kyoto gặp Seijuro lãnh hội mấy chiêu kiếm xem sao !
    Toji giả vờ ho, đưa tay lên che miệng giấu nụ cười. Hắn thương hại gã thanh niên chẳng có kinh nghiệm giang hồ gì. Nếu biết hắn là ai và địa vị của hắn tại võ đường Yoshioka, chắc gã thanh niên sẽ hối hận vì nói câu ấy. Toji vẫn nửa nạc nửa mỡ:
    - Thiếu hiệp có chắc sau khi gặp Seijuro không bị sứt mẻ gì không ?
    - Sao không chắc ?
    Lần này Toji không nhịn được nữa. Hắn phá lên cười ha hả.
    Thanh niên không để ý, tiếp:
    - Yoshioka là môn phái lớn và hình như Yoshioka Kempo đã một thời danh chấn giang hồ. Nhưng hai người con ngày nay không ra gì cả. Phải thế không ?
    - Chưa gặp thì làm sao biết được ?
    - Ấy, tại hạ thấy Samurai khắp nơi đồn đại như vậy. Cũng không tin lắm, nhưng đa số cứ bảo là Yoshioka hết thời rồi.
    Toji muốn nói toạc ra cho thanh niên kia biết mình là ai nhưng nghĩ lại thôi.
    Nói ra mất mặt. Hắn cố dằn cơn giận:
    - Bây giờ chỗ nào cũng thấy những kẻ ra vẻ ta đây thạo tin nên không thể trách thiên hạ đã đánh giá quá thấp phái Yoshioka. Phái này đâu đến nỗi thế ! Nhưng thôi, ta nói chuyện khác thì hơn. Lúc nãy thiếu hiệp bảo vẫn dùng kiếm chém én đang bay để giải khuây, phải thế không ?
    - Tại hạ quả có nói vì sự thật như thế.
    - Bằng thanh kiếm dài này ư ?
    - Đúng vậy !
    - Nếu thế chắc thiếu hiệp cũng có thể dùng kiếm này hạ vài con hải âu đang bay để anh em coi chơi chứ ?
    Thanh niên không đáp. Chàng vừa nhận ra ý mỉa mai của kẻ cùng thuyền nên đăm đăm nhìn thẳng không chớp vào mắt Toji:
    - Được, nhưng chém làm gì, vô ích !
    Toji phưỡn ngực, dằn giọng:
    - Thiếu hiệp chưa biết phái Yoshioka mà đã giở giọng chê bai ...
    - Ồ, thì ra tại hạ đã làm đại hiệp giận.
    - Ta đâu có giận gì. Nhưng là dân Kyoto, không ai muốn nghe những lời nói xấu Yoshioka phái.
    - Tại hạ chỉ nhắc lại lời thiên hạ đồn đại đấy thôi. Tại hạ không có, hoặc chưa có ý kiến gì về phái này.
    Toji lên giọng kẻ cả:
    - Này thiếu hiệp !
    - ...
    - Ngươi hiểu câu ?obất tri tự lượng? là thế nào không ? Tuổi trẻ hay khoe khoang, ta thông cảm mà tha thứ, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Vì lợi ích cho ngươi, ta khuyên hậu sinh các ngươi đừng khoác lác thái quá. Ngươi tưởng ai cũng thộn cả hay sao? Cái gì mà chẻ liễu với chém nhạn, làm như không ai biết sử kiếm, chỉ một mình ngươi biết !
    - Kìa, sao đại hiệp vội nóng quá thế ? Đại hiệp cho những lời tại hạ là khoác lác cả chăng ?
    - Hẳn đi rồi chứ còn gì nữa ! Nghe chuyện ngươi, ta đã nhịn không muốn xưng danh. Bất quá ngươi chỉ là một thiếu niên miệng còn hôi sữa, chẳng chấp làm gì, nhưng thấy ngươi huênh hoang quá sức, mạt sát cả phái Yoshioka chúng ta nên phải cảnh cáo.
    Ngươi biết ta là ai không ? - Hắn vừa nói vừa chỉ tay vào mũi - Toji, đệ nhất cao thủ kiếm phái Yoshioka Kyoto đây ! Còn nói bậy, ta mổ ruột !
    Cơn giận dồn ép từ nãy, bây giờ bùng ra ! Toji mặt đỏ như gấc, nói một hơi không nghỉ, sùi cả bọt mép. Khách trên thuyền nghe to tiếng, dừng tay chơi bài, quay đầu nghểnh cổ về phía hai người chỉ trỏ.
    Toji bỏ đi, bước những bước dài ra đằng cuối thuyền, khoanh tay ngẩng mặt giương giương tự đắc. Thanh niên nín lặng một lúc rồi nghĩ sao, thong thả bước theo.
    - Đại hiệp ?
    - Gì ?
    - Vừa rồi, trước mặt bá chúng, đại hiệp bảo tại hạ là khoác lác. Vì danh dự, buộc lòng tại hạ phải chấp nhận điều đại hiệp thách làm, mặc dầu thấy vô ích. Tại hạ muốn đại hiệp chứng kiến.
    - Ta thách điều gì ?
    - Đại hiệp quên rồi ư ? Nghe tại hạ nói vẫn dùng kiếm này chém nhạn chơi, đại hiệp có ý chế giễu và thách tại hạ chém một con hải âu đang bay.
    - Ờ phải, vậy ngươi làm được không ?
    - Nếu làm được, đại hiệp chịu thua chứ ?
    - Ờ ... Ờ ... đương nhiên !
    - Vậy tại hạ sẽ làm.
    - Tốt lắm ! Toji cười gằn ác độc. Nhưng nếu thất bại, ta mổ ruột ngươi !
    Thanh niên không đáp, gật đầu. Rồi vụt một cái, gã nhảy phắt lên mặt chiếc thùng gỗ gần chỗ Toji đứng, tay để vào đốc kiếm, hét lớn:
    - Gọi hải âu xuống, ta hạ cho xem !
    Toji thấy mình như bị lừa, đưa cổ vào tròng làm trò cười cho thiên hạ. Hắn nhớ đến mẩu chuyện xưa của Vô Ngại thiền sư nội dung cũng tương tự, nên ấp úng:
    - Vô lý ! Ngươi chém hải âu được thì cũng gọi hải âu được chứ ?
    - Biển mênh mông hàng ngàn dặm, mà kiếm ta chỉ dài hơn ba thước, nếu hải âu không có, làm sao ta giết ?
    Toji bước tới một bước:
    - Này cậu nhỏ kia, ta bảo thật:
    Đừng hòng giở thói láu cá để tìm cớ thoát thân.
    Nếu không giết được thì nói thẳng đi, quỳ xuống xin lỗi, ta tha cho không chấp.
  9. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 22
    TRẢM NHẠN KIẾM
    (tiếp)​
    Thanh niên cười ha hả:
    - Sao không giết được ? Không có hải âu ta dùng vật khác. Trông đây !
    Một tiếng soạt. Ánh kiếm lóe lên. Toji cảm thấy lạnh ở đỉnh đầu vội trầm mình xuống. Lưỡi kiếm như một lằn chớp hình vòng cung phóng ra rồi lẫn ngay vào màu áo đỏ. Trong nháy mắt, thanh niên đã tra kiếm vào vỏ, chiếc áo bào tía chưa hết rung động. Kiếm dài ba thước mà thanh niên sử dụng nhanh không khác gì một lưỡi trủy thủ.
    Toji kinh hãi tột đỉnh. Hắn đưa tay lên sờ đầu, không thấy đau đớn. Nhưng quái lạ, một cảm giác kỳ dị khiến hắn đoán có sự khác thường xảy ra.
    Đột nhiên Toji để ý đến một vật nhỏ màu đen to bằng ngón tay cái nằm run rẩy bên đống dây chão, gió thổi như sắp hất xuống biển. Một đầu vật đó buộc sợi dây lụa đỏ. Hắn sờ tay lên đầu lần nữa, tóc bung ra:
    chỏm tóc hắn đã bị lưỡi kiếm của gã thanh niên kia chém đứt ! Trời ơi ! Chỏm tóc yêu quý của hắn ! Chỏm tóc mà không một Samurai nào biết tự trọng không gìn giữ cẩn thận như gìn giữ chính sinh mạng mình. Toji thét lên một tiếng đau đớn, tay để vào đốc kiếm.
    Thình lình một cơn gió thổi mạnh làm rung chuyển cả thuyền. Tiếng chân người rầm rập, những tiếng kêu ?oBắt nó ! Bắt nó !? cùng tiếng sóng vỗ rào rào, tiếng gió hú qua cách bành giấy bổi xếp hàng trên sàn, tiếng kẽo kẹt của dây chão căng như sắp đứt tung dưới sức mạnh của gió biển làm không khí trong thuyền sôi động hẳn lên.
    Toji tay để vào đốc kiếm, sắp rút gươm thì một ý tưởng vụt hiện. Sau cuộc hành trình vừa qua, hắn đã thấm mệt, nội lực hẳn nhiên sút kém. Lại gã thanh niên kia, tuy thân thế và tài năng chưa lộ hẳn nhưng đường kiếm trảm nhạn gã vừa thi triển đã chứng tỏ gã quả là tay địch thủ đáng ngại. Bậy hơn nữa, Toji đã dại dột tiết lộ danh tính, cả thuyền đều nghe, chẳng may trong lúc giao tranh, nếu thất thế thì còn gì là thể diện phái Yoshioka nữa !
    Toji rất thực tế và biết tự lượng. Hắn ý thức rõ so kiếm với gã kia trong lúc này, bất cứ vì lý do gì, cũng là vọng động. Nắm ngay lấy cơ hội cả thuyền nhốn nháo, hắn to miệng mắng gã thanh niên hòng giữ thể diện:
    - Giỏi lắm ! Lên bờ ta sẽ cho ngươi một bài học. Bây giờ xem chuyện gì đã !
    Nói xong quay vội đi, nhưng không ra mũi thuyền mà bước xuống khoang dưới, kéo vạt áo lên đầu che chỏm tóc mới bị hớt.
    Ngoài mũi thuyền, tiếng la hét, tiếng chân người chạy rầm rập vẫn không giảm.
    Con thuyền chòng chành vì sóng lớn, bây giờ theo dòng người hỗn độn chạy dọc ngang càng chòng chành hơn. Có tiếng gọi chủ thuyền. Một người béo lùn chạy ra, thấy bọn khách thương đang la hét đuổi theo một con khỉ. Hỏi duyên cớ mới biết con khỉ đã nhân lúc mọi người vô ý, nhảy vào chiếu bạc ôm trọn cỗ bài chạy. Bây giờ nó đang ngồi trên cuộn dây chão kêu khẹc khẹc nhe răng ra hăm dọa bọn người đuổi bắt. Nó chuyền cỗ bài trên tay, bắt chước cử chỉ của những con bạc. Dáng điệu nó vụng về thật tức cười càng chọc giận thêm những người đuổi.
    Đột nhiên con vật bỏ cuộn dây, tót lại phía cột buồm, thoăt thoắt trèo lên rồi ngất ngưởng đánh đu trên đó. Cột buồm cao có đến bốn năm trượng, gió thổi ***g lộng. Con khỉ con như không, lại còn ra vẻ thích thú, nhảy qua nhảy lại nhạo báng những kẻ đứng dưới.
    - Á à ! Kìa, nó xé bài rồi ! Nó xé bài rồi !
    - Chủ nó đâu ? Gọi nó xuống đi chứ !
    Mọi người nhìn gã thanh niên, chờ đợi. Nhưng gã lờ đi như không nghe thấy. Chủ thuyền xem chừng cũng biết chủ nhân con khỉ là ai, nhưng không rõ vì ngại dáng dấp cao lớn của gã hay vì thanh trường kiếm gã đeo trên vai mà không nói gì, chỉ hỏi bâng quơ:
    - Ai là chủ con khỉ đó ?
    Không có tiếng trả lời. Thanh niên vẫn điềm nhiên đứng dựa bục gỗ, lơ đãng nhìn bọt nước.
    - Vùng rừng núi Awaji nhiều loại khỉ lông vàng như con này lắm. Nếu không ai nhận là chủ, tất nó là dã hầu lạc đàn, ta sẽ có cách đối phó.
    Bèn chạy vào khoang, một lát mang ra cây hỏa mai đã nạp đạn sẵn. Hắn vừa liếc nhìn thanh niên vừa khum tay mồi lửa, miệng phân bua:
    - Đã nói rồi đấy nhé ! Các vị Ở đây làm chứng cho, thú vô chủ là dã thú, bắn chết đừng có trách !
    Mọi người bớt ồn ào. Có người tỏ thái độ bất bình. Một số hồi hộp như sắp được xem màn kịch đến hồi gay cấn.
    Chủ thuyền nâng súng đặt lên vai. Một tiếng ?obùm !?, mùi thuốc súng bay tỏa khét lẹt. Nhưng viên đạn không trúng con vật. Gã thanh niên bào tía đã nhảy đến bên chủ thuyền từ lúc nào, đưa tay gạt chếch mũi súng:
    - Thuyền chủ làm gì vậy ? Ngươi định bắn con khỉ bằng thứ đồ chơi này đấy hả ?
    - Sao không ?
    - Con khỉ có tội gì ?
    - Nó lẫy cỗ bài của người ta.
    - Lấy cỗ bài mà đáng tội chết ư ? Ngươi tàn nhẫn quá !
    - Tàn nhẫn hay không, không cần biết. Ta đã cảnh cáo rồi. Tráng sĩ có phải là chủ con vật đó không ?
    - Chính thị.
    - Vậy phải đền cỗ bài.
    Thanh niên cười ha hả:
    - Này thuyền chủ ơi, đừng có hàm hồ ! Ta không xúi con khỉ lấy cắp cỗ bài. Nó là con vật, không biết phân biệt phải trái, nhìn người chơi thì cũng bắt chước, sự thiệt hại đáng là bao mà định giết nó ? Huống chi ngươi không phải là chủ cỗ bài, bắt ta đền sao được ? Mấy người kia chơi bài hay con khỉ chơi bài thì cũng thế ! Nào, ai là chủ cỗ bài, muốn ta bồi thường, nói lên !
    Không nghe tiếng đáp. Toán khách thương trước đây miệt thị phái Samurai, bây giờ đứng im thin thít giữa tiếng cười gằn của gã thanh niên ngạo ngược. Chỉ duy viên nho sĩ khẽ nhếch mép mỉm cười rồi lại tiếp tục cúi đầu xuống trang sách bỏ dở, trong khi các chân sào rộn rịp sửa soạn để thuyền cập bến.
  10. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 23
    VỎ ỐC LÚ​
    Khi thuyền bỏ neo, trời đã chạng vạng tối. Mùi cá khô phơi chưa được nắng, tanh tanh mằn mặn phảng phất trong không khí. Dãy phố nhỏ trước bến đã lên đèn, ánh sáng vàng úa chiếu qua những khung cửa sổ vuông dán giấy như trong những bức tranh cổ.
    Thuyền buôn đã về. Khu bến chợ rộn rịp hẳn lên. Đèn ***g không biết ở đâu túa ra vô số kể, trẻ con cầm lố nhố đứng trên bến. Trên mỗi ***g đèn đều có viết tên một quán trọ, một món ăn đặc biệt của nhà hàng hoặc có khi chỉ để quảng cáo một sản phẩm địa phương nào đó.
    Tiếng chân sào la ơi ới, tiếng mời chào, cười nói, gọi nhau, trẻ con chí chóe tranh nhau từng bước trên tấm ván bắc lên thuyền. Vài người ra đón thân nhân đứng đằng xa giơ dù vẫy; những bóng đen khi ẩn khi hiện trong vùng ánh sáng mờ tỏ của ***g đèn ngang dọc.
    - Công tử lệnh lang của ngài tổng trấn có trên đó không ?
    - Công tử nào ?
    - Trịnh Đức Nhị Lang.
    - Không. Đi thuyền sau.
    - Mời khách quan đến trọ Ở quán cháu. Có cửa sổ trông ra biển, đẹp lắm !
    - Xin ngài đến quán Kashiwaya. Phòng rộng rãi, quý khách mang theo con khỉ không tính tiền.
    - Không, ông khách này của tao. Mời khách quan theo cháu.
    Nghe lời mời chào của hai đứa trẻ, thanh niên mặc bào tía chỉ mỉm cười. Gã nhẹ nhàng gạt tay chúng nắm áo, xốc lại hành trang, bế con khỉ lên vai rồi bước theo tấm ván xuống bến. Không ai đợi gã cả. Nhưng hình như đã có chủ định, gã xăm xăm đi tới, rẽ vào một ngõ tối khuất dạng.
    Trên thuyền, đám khách thương vẫn còn hậm hực, vừa coi phu rỡ hàng vừa bực tức:
    - Tên đó ngông nghênh quá đỗi ! Chỉ nhờ vài đường kiếm mà coi người chẳng ra gì... Đáng tiếc là cánh mình chẳng ai biết võ, chứ nếu không ...
    - Thôi, để tâm làm gì ! Kệ cho nó làm cha thiên hạ. Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Danh chẳng qua như cái hoa, nhường cho nó hưởng, mình ăn quả có hơn không ?
    Chuyện hôm nay bỏ đi. Kìa, các em đã đến đón kìa !
    Bọn kỹ nữ trèo lên thuyền, bước những bước nhanh và ngắn, vịn vào nhau cười khúc khích. Quanh ánh đèn ***g, trông các nàng không khác gì những con **** đêm bu xung quanh ngọn nến.
    Một trong những người rời thuyền sau chót phải kể Toji. Chưa bao giờ hắn gặp một hoàn cảnh đáng buồn và đáng giận như thế ! Thật mất hết cả thể diện. Mặt mày bí xị, hắn lấy tâm khăn vuông choàng lên đầu che chỗ tóc bị cắt đứt, nhưng không sao giấu được vẻ ảo não và cau có trên mặt.
    - Toji ! Em ở đây mà !
    Thấy Toji ở trên thuyền bước xuống, Oko vẫy gọi rối rít. Đứng ngoài trời khá lâu, và có lẽ cũng vì gió đầu đông thổi mạnh, Oko run rẩy như chiếc lá. Những vết nhăn trên mặt nàng hiện ra mờ mờ dưới ánh đèn và dưới lớp phấn trắng. Toji nở nụ cười gượng gạo:
    - Oko đấy à ? Tưởng nàng không đến chứ !
    - Ô hay ! Sao nỡ nói vậy ? Chàng viết thư bảo em ra đón mà !
    - Ờ ờ ... nhưng tưởng thư chưa đến kịp.
    - Kỳ không ! Lang quân có vẻ không muốn gặp em. Có chuyện gì không vui mà trông mặt chàng như mặt thằng đánh dậm bị cua cắp vậy ?
    Toji đang buồn cũng phải phì cười:
    - Thế nào là mặt thằng đánh dậm bị cua cắp ?
    Oko che miệng rúc rích.
    - Không, chẳng có chuyện gì đâu. Chắc tại ta say sóng nên hơi mệt. Ta lên xóm trên, đến quán Torin nghỉ một lát, nếu còn phòng thì trọ luôn. Quán ấy ở cũng được !
    - Không, em đã thuê cáng đến đón chàng. Phu cáng đợi ngoài kia.
    - Ồ, chu đáo quá ! Thế đã giữ phòng chưa ?
    - Rồi. Mọi người đang đợi chàng đấy.
    Toji ngạc nhiên:
    - Mọi người ? Mọi người là những ai ?
    - Thì anh em trong phái Yoshioka của chàng chứ ai ?
    - Trời ! Nàng mời họ đến làm gì thế ? Ta tưởng chỉ có mình nàng với ta sống vài ngày với nhau ở một nơi vắng vẻ. Bây giờ hỏng hết chuyện rồi, làm thế nào đây ?
    Hắn giơ tay bứt đầu bứt tai, luôn mồm kêu hỏng chuyện.
    - Thôi, ta không tới đâu !
    Oko rối rít xin lỗi:
    - Em đâu có biết, mà chàng cũng không nói rõ. Họ là bạn cả mà ...
    Oko đến sát bên Toji. Hắn giận dữ đẩy nàng ra. Bao nhiêu bực dọc và bất lực cảm thấy trên thuyền bây giờ nổ bùng ra, hắn dồn cả lên đầu Oko như nước lũ:
    - Ngu quá ! Trời ơi, nàng ngu quá ! Nàng về đi, bảo phu cáng về đi. Nàng chẳng hiểu gì cả, chẳng hiểu ta một tí gì cả !
    Oko phục xuống, nắm vạt áo Toji. Hắn giật mạnh ra, rảo bước bỏ đi. Oko chạy theo, bước chân xiêu vẹo suýt ngã. Cả hai đến phía sau chợ cá. Trời tối, chợ đã vãn, các quán đều đóng cửa. Trăng non mới mọc, vẩy cá rải rác đầy dẫy, lóng lánh dưới ánh sáng trăng như những mảnh ngọc trai nhỏ xíu. Khu chợ vắng teo, Oko ôm chặt lấy Toji tỏ tình và lơi lả.
    - Bỏ ra !
    - Nếu chàng đi trọ chỗ khác thì họ sẽ nghĩ chàng với em có chuyện gì ...
    - Mặc kệ ! Họ muốn nghĩ sao kệ họ !
    - Toji ! Sao chàng đối xử với em như thế ?
    Oko áp má mình vào má Toji. Mùi thơm ngòn ngọt trên mái tóc Oko quyện với mùi phấn sáp trên môi, trên má nàng làm Toji ngất ngây. Nỗi bực dọc cũng bớt đi được đôi phần. Oko nũng nịu:
    - Thôi cho em xin ...
    - Nàng không biết ta thất vọng chừng nào !
    - Biết chứ ! Em biết chứ !
    - Thế sao nàng lại để cho nhiều người đến như vậy ? Nàng không muốn ở một mình với ta phải không ? Nàng không yêu ta như ta yêu nàng rồi !
    Oko nhìn Toji ra vẻ trách móc, mắt rơm rớm ướt:
    - Đó ! Đó ! Lại nói vậy rồi !
    - Thế tại sao ?
    - Tại em không từ chối được. Khi nhận được thư, em đã quyết một mình đi Osaka để đón chàng, nhưng không may ngay tối hôm ấy Seijuro lại đến chơi cả đêm.
    Akemi lỡ miệng nói em sẽ đi Osaka, thành thử Seijuro và các bạn chàng cũng đòi đi theo. Em không từ chối được. Họ cùng đến đây cả thảy tời mười người.
    Toji nghe trần tình, biết Oko chẳng làm gì được, nên cũng nguôi ngoai đôi chút nhưng vẫn không vui. Hắn lo ngại phải tường trình những thất bại trong cuộc du thuyết, rồi còn mái tóc của hắn. Mái tóc ! Trời ơi, biết nói làm sao đây ! Toji bối rối quá !
    - Thôi được ! Ta bằng lòng đi với nàng. Gọi phu cáng lại đây !
    Oko mừng quá, ôm cổ Toji, áp má vào ngực hắn rồi chạy trở lại về phía bến.
    Yoshioka Seijuro vừa tắm xong, choàng kimono ấm nằm dài trên nệm bông trong một phòng sang nhất quán trọ. Họ đợi Toji và Oko. Chuyện vãn đã chán, một người đề nghị:
    - Ta làm chút gì chăng ? Tiểu chủ nghĩ thế nào ? Ngồi không mãi thế này buồn chết !
    - Ừ thì bảo mang rượu đến.
    Chén thù chén tạc, câu chuyện lan man đi đến mục nhảm nhí. Chẳng ai còn nhớ mình đang đợi Toji nữa.
    - Quán này không có kỹ nữ hay sao ?
    Một người hỏi.
    - Ừ nhỉ ! Sao không gọi chủ quán bảo cho mấy em đến ? Ông chủ đâu ?
    Thế là chẳng bao lâu sau, ba bốn kỹ nữ mang đàn tới. Bữa rượu nhộn nhịp hơn trong tiếng cười đùa lơi lả, không còn phân biệt ai chưởng môn ai đồ đệ nữa.
    Cũng như mọi lần, Seijuro uống rượu được một lúc thì say, ngồi thừ người trên chiếu nhìn đàn em vui chơi không mấy thích thú. Là người đứng đầu môn phái, tác phong hắn có phần đĩnh đạc hơn. Hắn không chịu được sự đùa cợt thô lỗ của đàn em.
    Ueda ngồi bên ghé tai Seijuro nói thầm. Hắn gật gù ra vẻ ưng chịu. Dù sao, vào phòng riêng, bên lò than ấm, một mình với Akemi cũng sướng hơn ngồi nghe tụi này pha trò thô tục.
    Seijuro chống tay đứng dậy. Cả phòng chẳng ai để ý. Cuộc vui cứ tiếp diễn, bình rượu xếp đầy góc nhà, các ca kỹ thay phiên nhau hát nhưng bản huê tình đệm đàn samishen nhiều cái phím đã long, tàn tạ chẳng khác gì chủ nó.
    Rượu đương nồng, một nữ tỳ bước vào thông báo có khách. Tiếng lè nhè vọng ra:
    - Khách nào thế ? Khuya rồi, bảo mai đến !
    - Vị khách này tên Toji.
    - Toji ... Toji ...
    Á à, bấy giờ cả bọn mới nhớ ra là đang đợi Toji. Vài người ngồi dậy khi Toji và Oko bước vào, giơ tay vẫy, chào hỏi qua loa. Cả bọn không một ai còn tỉnh táo.
    Rượu đã vẽ lên mặt họ những nét ngờ nghệch, biến họ thành những hình nhân ngu độn vây quanh mấy ả ca kỹ múa may như những con rối.
    Toji chán nản hết sức. Nghe lời Oko, hắn tưởng mình sẽ được đón tiếp long trọng, ngờ đâu ... Hắn lắc đầu, gọi nữ tỳ dẫn sang phòng Seijuro. Nhưng hành động này không cần thiết, vì chưởng môn Yoshioka, nghe tin cánh tay phải của mình về, đã chạy vội ra đón.

Chia sẻ trang này