1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Koudan Miyamoto Musashi

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi NhatLang, 29/08/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 23
    VỎ ỐC LÚ
    (tiếp)​
    Seijuro say mèm, chân nam đá chân chiêu, mồm lắp bắp:
    - Toji đấy ư ? Ta đợi ... đợi ngươi mãi. Lại đi vui thú với con mẹ này bây giờ mới tới chứ gì ? Không sao ... không sao ...
    Hắn đến ôm vai Toji nhưng tuột tay ngã xô về phía trước. Toji giơ tay đỡ.
    Seijuro níu vội lấy đầu Toji. Không kịp nữa rồi ! Vuông khăn trên đầu hắn tuột ra.
    - Ồ, cái gì thế này ? Sao tóc ngươi mất một mảng thế này ?
    Toji luống cuống, giật vuông khăn trên tay Seijuro quấn vội lên đầu:
    - Không có gì ! Không có gì ! Tiểu đệ bị cái nhọt trên đầu phải cắt tóc đi cho dễ tri.....
    Mọi người quay lại nhìn, đa số chẳng để ý. Có tiếng hỏi:
    - Huynh trưởng đi quyên góp thế nào ? Có thu được khá không ?
    - Cũng chẳng được bao nhiêu. Chuyện này sẽ giải thích sau.
    - Ha ha ... chắc lại chỉ có cái nhọt mang về làm kỷ niệm ...
    Cả bọn phá lên cười. Câu nói đầy châm chọc làm Toji xám mặt. Hắn chẳng biết nói sao và xem chừng tuy say nhưng bọn này chẳng một ai tin lời hắn.
    Sáng hôm sau, một số môn đệ phái Yoshioka tụ họp tại bãi cạnh quán. Họ đã tỉnh hẳn rượu. Mặt ai nấy đều tỏ vẻ nghiêm trọng. Ueda lên tiếng trước:
    - Thật nhục nhã. Ta không ngờ xảy ra chuyện ấy !
    - Đầu đuôi thế nào, xin huynh trưởng thuật lại cho anh em biết.
    - Ta không được nhìn tận mắt, nhưng Hoàng Diệp nghe rõ. Hoàng Diệp ! Ngươi nghe thấy những gì, nói lại để anh em cùng biết.
    - Dạ dạ ! Sáng nay tiểu sinh dậy sớm, cảm thấy mệt mỏi vì hôm qua thức khuya, uống rượu nhiều ...
    - Thôi nhanh nhanh lên, bỏ qua những đoạn không cần thiết ...
    - Dạ. Tiểu sinh đi tắm. Đang tắm thì có hai người ăn mặc ra dáng thương gia bước vào. Họ kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra hôm qua trên thuyền giấy. Hình như có một Samurai thuộc phái Yoshioka ta bị một thanh niên lạ mặt mặc áo đỏ dùng kiếm hớt đứt mất chỏm tóc trên đầu, vậy mà Samurai đó không dám làm gì. Tiêu sinh nghĩ có lẽ đó là đại huynh Toji.
    - Bậy nào ! Ngươi lấy gì làm chắc ?
    - Có thể lắm ! Này Hoàng Diệp, ngươi không nói láo đấy chứ ?
    - Tiểu sinh đâu dám. Sở dĩ tiểu sinh ngờ như vậy vì một trong hai người còn nói:
    ?oTay Samurai kia tự xưng là cao nhân phái Yoshioka ở Kyoto. Nếu danh tính hắn đúng thì chẳng hóa ra Yoshioka dạo này bạc nhược lắm sao ! Không ngờ phái đó thế mà hữu danh vô thực !?.
    Nghe đến đây, bọn đồ đệ phái Yoshioka không kềm được tức giận:
    - Láo ! Láo ! Phải trị cho thằng đó một trận.
    - Cắt tóc nó đi !
    - Không ! Cắt tóc không đủ ! Cắt cổ nó !
    Nhưng Ueda đã đứng dậy khoát tay:
    - Khoan ! Khoan ! Anh em đừng nóng. Chuyện xảy ra như thế nhưng chúng ta chưa biết có phải Samurai ấy đích thực là huynh trưởng Toji không ? Để ta vào hỏi cho ra nhẽ.
    Cả bọn theo Ueda vào quán. Nhưng đến nơi mới biết Toji đã cùng với Oko đi Kyoto từ sớm rồi. Tin này làm cả bọn không còn hoài nghi gì nữa. Seijuro còn ngủ, họ không đánh thức. Ueda được coi như người thay mặt Seijuro, cắt đặt mọi việc, chia anh em đổ đi khắp ngả tìm gã thanh niên áo đỏ.
    Akemi, áo vén cao, đứng trên bãi cát gần bờ biển chăm chú nhặt vỏ ốc. Mỗi khi tìm được một vỏ ốc lạ, nàng lại tò mò ngắm nghía hoặc để lên tai nghe. Từ sáng, cứ như vậy, nàng đã nhặt và vất đi hàng trăm con ốc.
    Trời mới sang đông, khí hậu ven biển chưa lấy gì làm lạnh lắm. Mặt trời đã lên cao, nước biển xanh biếc, sóng nhè nhẹ vỗ vào ghềnh đá tung bọt trắng như những cánh hoa mai trước gió. Trên bãi vắng, một mình Akemi trong bộ áo trắng, nhỏ bé trước cảnh bao la của trời nước, chẳng khác gì một con hạc khờ dại lạc bầy từ cảnh tiên nào đậu xuống.
    Một môn sinh Yoshioka đi qua, thấy Akemi, vội dừng lại:
    - Akemi ! Làm gì ngoài bãi sớm thế ?
    - Tiểu nữ ... tiểu nữ tìm vỏ ốc.
    - Tìm vỏ ốc ? Đằng kia thiếu gì mà phải tìm ở đây ?
    - Không. Vỏ ốc đặc biệt chỉ vùng Sumiyoshi này mới có.
    - Gì mà quý thế ?
    - Vỏ ốc lú.
    Gã kia ngạc nhiên mở to mắt:
    - Vỏ ốc lú ? Vỏ ốc lú là cái gì ?
    - Là một thứ vỏ ốc khi người ta để vào tai nghe hay giữ trong mình thì quên được hết mọi sự.
    Gã cười ha hả:
    - Cô này điên rồi ! Vô tâm như cô chưa đủ hay sao mà còn đi tìm vỏ ốc lú ?
    Akemi lắc đầu cười gượng gạo:
    - Tiểu nữ không điên, nhưng có những lúc muốn quên. Thế còn khách quan, khách quan đi đâu vội thế ?
    - À, ta đi tìm một người.
    - Tìm làm gì ?
    - Tìm để trả hận.
    Akemi quay đi. Nàng không quan tâm đến sự tranh chấp của đàn ông mà nàng cho là tàn bạo, ích kỷ, ngoại trừ một người. Khi nghĩ đến người ấy, lòng nàng không khỏi rung động. Hình bóng người ấy luôn lởn vởn trong trí và trong những giấc mơ làm nàng bồi hồi không muốn tỉnh. Đôi lúc, bên những cuộc truy hoan của khách lạ tại quán Yomogi, nàng cũng muốn quên hết đi để nghĩ đến tương lai. Nàng tin rằng người nàng yêu mến không biết, hay chẳng quan tâm gì đến mối tình của nàng cả. Mối tình vô vọng ấy nàng thật tình muốn quên nhưng không sao quên được. Nếu quả có vỏ ốc lú, nàng sẽ sung sướng bao nhiêu khi tìm được nó.
    Gã môn sinh Yoshioka nhìn nét mặt âu sầu của Akemi không khỏi ái ngại. Thấy nàng không nói gì thêm, gã lặng lẽ bỏ đi.
    Akemi lơ đãng nhìn ra xa, khe khẽ ngâm bài thơ quen thuộc:
    Nữ la, chàng là cỏ Thổ ti, em làm hoa
    Cành mềm không đi nổi
    Nghiêng theo gió xuân qua
    Nương mình thông trăm trượng
    Quấn quít nên một nhà
    Ai rằng dễ gặp mặt
    Núi biếc cách chia xa
    Nhìn nước biển trong xanh và sâu thẳm
    Akemi tưởng như đó là nguồn an ủi, sự giải thoát. Nàng trừng trừng nhìn những đợt sóng hiền hòa vỗ nhè nhẹ như ru vào ghềnh đá. Đứng trên ghềnh này, chỉ một cử động thôi, một cử động nhỏ, dễ dàng quá, nàng sẽ nằm trong lòng biển xanh, sóng yêu đương ru nàng vào một giấc mộng êm đềm không bao giờ dứt.
    Tiếng chân người và tiếng gọi đột nhiên lôi Akemi trở về thực tại.
    - Akemi ! Akemi ! Tiểu chủ đang chờ nàng đấy. Ra đây làm gì vậy ?
    Akemi giật mình, theo chân ả nữ tỳ trở về phòng trọ.
    Bốn bề yên lặng. Gió sớm xào xạc trên cành thông. Đôi chim sâu lích chính trong bụi rậm trước cửa sổ. Seijuro ngồi một mình trong phòng, bên chiếc lò sưởi vừa nhóm.
    Sau giấc ngủ vừa qua, hắn thấy trong người khỏe khoắn lạ thường, nhìn Akemi bước vào, âu yếm hỏi:
    - Buổi sáng lạnh, nàng ra ngoài làm gì thế ?
    - Tiểu nữ không thấy lạnh. Ngoài bãi, nắng đẹp và ấm lắm.
    - Nàng ra bãi làm gì ?
    - Tiểu nữ tìm vỏ ốc.
    Seijuro mắng yêu:
    - Nàng làm như còn trẻ con lắm !
    - Thì tiểu nữ vẫn là trẻ con.
    - Đến tháng chạp này, nàng bao nhiêu tuổi biết không ?
    - Tiểu nữ không để ý. Tiểu nữ vẫn tự thấy là còn trẻ con, có hại gì đâu ?
    - Hại lắm chứ ! Nàng đã lớn rồi, phải nghĩ đến tương lai, như mẹ nàng muốn.
    - Mẫu thân tiểu nữ ? Bà có nghĩ gì đến tiểu nữ đâu, bà vẫn tưởng bà còn trẻ.
    - Nàng ngồi xuống đây.
    - Xin khách quan tha lỗi. Trong phòng nóng quá, cho phép tiểu nữ ra sân.
    - Akemi !
    Seijuro sẵng giọng, nắm cổ tay Akemi kéo xuống.
    - Hôm nay chỉ có mình ta với nàng. Mẹ nàng đi Kyoto rồi.
    Akemi nhìn đôi mắt đỏ ngầu của Seijuro. Nàng cong người vùng vẫy cố kéo ra, nhưng bàn tay Seijuro cứng như sắt chỉ làm cổ tay nàng đau thêm.
    - Sao nàng tìm cách trốn ta ?
    - Tiểu nữ không trốn.
    - Sáng nay không có ai ở quán. Cơ hội tốt như thế này ...
    - Cơ hội gì ?
    - Nàng đừng có giả vờ. Có đến hơn năm nay rồi, ta với mẹ con nàng quen nhau.
    Nàng thừa biết lòng ta đối với nàng ra sao rồi, mà mẹ nàng cũng đồng ý. Mẹ nàng thường bảo tại ta vụng. Hôm nay xem ta có vụng không !
    - Bỏ ra !
    - Nàng thật không ưng ta phải không ?
    - Bỏ ra, không ta kêu lên bây giờ !
  2. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 23
    VỎ ỐC LÚ
    (tiếp)​
    Seijuro cười gằn, chua chát:
    - Kêu đi ! Kêu đi ! Không có ai ở quán cả ! Ta đã ra lệnh không ai được làm rộn.
    Akemi vùng vẫy, tay đấm chân đạp.
    - Bỏ ra, bỏ ta ra ! Ta không bằng lòng, để ta đi ...
    - Không được.
    - Thân ta không thuộc về khách quan.
    - Á à ... Nàng lầm ! Hỏi mẹ nàng xem. Ta đã trả tiền ...
    - Mẹ ta bán ta, nhưng ta không chịu bán thân ta. Nhất là cho một tên hèn hạ đáng khinh như ngươi !
    - Hỗn ! Nàng hỗn !
    Seijuro giật sấp Akemi xuống sàn, lấy chăn trùm kín. Akemi kêu như điên dại, nhưng những tiếng kêu chỉ còn là những tiếng ú ớ tắc nghẹn.
    - Kêu đi ! Kêu to nữa đi ! Không ai đến cứu nàng đâu !
    Seijuro đè lên mình Akemi.
    Bên ngoài, cảnh vật vẫn điềm nhiên. Nắng sớm vô tình chiếu bóng cành thông lay động bên song cửa sổ. Xa xa, tiếng sóng biển rì rào đưa lại cùng với tiếng chim gáy hót sau nhà.
    Seijuro bước vào phòng tắm, mặt tái xanh, tay trái giơ cao, những vết móng tay cào trên da còn rướm máu. Bỗng cửa phòng mở toang rồi đóng đánh rầm, bóng Akemi chạy vụt ra ngoài. Seijuro kêu một tiếng khẽ, nhảy tới cản nhưng không kịp nữa. Hắn đưa mắt nhìn theo, trên môi nở nụ cười đắc thắng, nụ cười bằng lòng của một con thú vừa được thỏa mãn.
  3. foolishbeats

    foolishbeats Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/03/2004
    Bài viết:
    633
    Đã được thích:
    0
    Bạn Songtunu ơi, đi du lịch đã về chưa? Post tiếp đi để tớ theo dõi. Cảm ơn bạn rất nhiều nhiều
  4. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 24
    VỊ NGHĨ VONG THẦN​
    - Cậu Gon !
    - Gì thế chị ?
    - Cậu mệt rồi hả ?
    - Vâng, cũng không được khỏe.
    - Thảo nào trông thờ thẫn. Hai chân ta cũng mỏi nhừ, nhưng còn quãng nữa thì đến chùa Sơn Nhai. Gắng lên, chẳng lẽ tới đây không vào chùa lễ Phật, phải tội chết !
    - A di đà Phật !
    - Chùa này có xá lợi do vị cao tăng Tây vực mang đến cúng đã mấy trăm năm, lại trồng được cây bồ đề chiết từ gốc nguyên thủy lấy ở nơi đức Phật ngồi đắc đạo ...
    - Sao chị biết ?
    - Thì người ta nói thế, sao ta lại không biết !
    Cụ Osugi và cậu Gon đến gần tam quan. Cảnh chùa u nhã, tiếng chim rừng văng vẳng gõ thân cây, mùi hương trầm phảng phất giục lòng người trút bỏ hết niềm tục lụy. Cạnh tam quan thấy cắm vô số bảng lớn nhỏ, chữ viết chi chít.
    - Họ viết gì trên bảng này thế chị ?
    - À, họ bảo lấy lá bồ đề trong chùa nấu nước uống thì khỏi bệnh nghiến răng.
    Cậu Gon cười chế giễu:
    - Nhảm nhí !
    - Này đừng báng bổ, đức Phật ngài linh thiêng lắm !
    Bỗng bà quay lại, nhớn nhác như tìm ai:
    - Thằng Matahachi đâu ?
    - Chắc nó đi sau.
    - Hay lại lạc rồi cũng nên !
    Bà quay trở lại, thấy Matahachi ngồi trên phiến đá thừ người chán nản. Đã mười ngày nay theo mẹ và cậu lang thang chùa này đền khác trong vùng Sumiyoshi, hắn mệt mỏi không hứng thú. Bản tính ham chơi, ưa chỗ đông người, bây giờ thiếu cái không khí ồn ào của trà đình tửu quán, hắn bực dọc. Đã nhiều lần Matahachi nói với mẹ xin tách ra đi riêng tìm Musashi thì mới hy vọng gặp nhưng cụ Osugi không chịu. Bà nói:
    ?oTết sắp đến nơi rồi. Sáu bảy năm nay, mày đã không ở nhà lễ gia tiên, năm nay mẹ con sum họp, biết đâu chẳng là lần chót. Nhờ Trời Phật, nếu còn được lâu dài nữa thì hay, bằng không thì cũng không ân hận ...?. Matahachi biết không thể làm xiêu lòng mẹ được, đành thôi, nhưng nỗi buồn bực lộ hẳn ra nét mặt. Hắn nhất định sau Tết nguyên đán sẽ bỏ đi ngay, mặc bà muốn nói gì thì nói.
    - Matahachi ! Có đi nhanh lên không ? Con trai gì mà yếu như sên ấy !
    Nghe mẹ quở, Matahachi càng bực thêm. Hắn đứng lên, lầu bầu:
    - Đi nhanh ! Đi nhanh ! Lúc nào cũng đi nhanh ! Nhanh để làm gì ? Chỉ la cà ở các chùa chiền, phí thì giờ !
    - Mày nói gì ? Vào chốn tôn nghiêm, không biết kính Phật trọng tăng thì sa địa ngục đời đời không ngóc đầu lên được con ạ ! Ta không thấy mày lễ Phật bao giờ, rồi hối không kịp đấy !
    - Thật là cái nợ !
    - Matahachi, mày nói ai là cái nợ ?
    Giọng bà tức giận, the thé.
    Mấy ngày đầu khi mẹ con gặp nhau, còn có đôi chút hòa khí, nhưng dần dần mối bất đồng ngày càng tăng. cụ Osugi lại khắc nghiệt, không tối nào không bắt con quỳ nghe bà thuyết giáo làm Matahachi bực dọc không để đâu cho hết. Nể mẹ, hắn không cãi nhưng sự bực bội dồn ép mãi đến lúc nào đó phải xì ra. May mà hắn còn biết trong uy quyền của bà, chỉ đáp lại bằng những lời chế nhạo hoặc những tiếng lầu bầu bất mãn.
    Cậu Gon đứng bên, biết không tránh khỏi sự va chạm đưa đến cãi vã, nghĩ thầm:
    ?oThật mẹ nào con nấy !?. Để xoa dịu sự bực bội của hai người, cậu cố gắng lái câu chuyện sang hướng khác:
    - Hình như chỗ ghềnh đá đằng kia có cái quán, ta ra đấy xem có gì uống cho ấm bụng chứ !
    Nói xong, không đợi trả lời, cầm tay chị và cháu lôi đi. Không ai tỏ vẻ hoan nghênh nhưng cậu cũng kéo bằng được cả hai đến gần quán.
    Quán nhỏ. Hàng rào sậy thưa ngăn quán với khu vườn hoang gió đánh tơi tả. Cả ba tìm một bàn bên ngoài ngồi nhìn ra bãi. Mẹ con cụ Osugi buồn thiu, chẳng ai nói với ai lời nào. Cậu Gon chạy vào trong đem bình rượu sa-kê mới hâm nóng ra rót vào chén mời bà lão:
    - Chị uống một tí. Nó còn trẻ người non dạ, để rồi dạy dần dần mới được.
    Cụ Osugi hừ một tiếng, quay phắt đi, buông sõng:
    - Không uống.
    Bị tẽn, cậu Gon đưa rượu cho Matahachi. Đương cơn bực bội, hắn cầm chén rượu uống liền, nốc một hơi cạn sạch, rồi lại tự tay rót thêm, vừa uống vừa mời cậu, Matahachi có ý trêu tức bà lão. Khi hắn cầm bình định rót lần nữa, cụ Osugi quay mặt lại giận dữ quát lớn:
    - Thôi ! Không phải lúc say sưa ! Chỗ này đâu phải chỗ vui chơi ! Còn cậu nữa, liệu hồn cậu ! Già đầu rồi thì phải biết điều hơn nó chứ !
    Như đứa trẻ bị mắng, cậu Gon khẽ dạ, bẽn lẽn đứng bên hàng rào nhìn ra biển.
    Thấy sắc mặt đỏ gay và dáng điệu bất cần của con trai, cụ Osugi giận uất, dùng ngón tay chỉ mặt Matahachi, mắng như tát nước. Bà không còn e dè gì nữa, bao nhiêu tiếng xấu xa đem ra đổ hết lên đầu hắn, không lưu ý gì đến chủ quán và số thực khách ngồi ở bàn trong, nhìn ra khó chịu.
    Matahachi chỉ lặng thinh, lầm lì nhìn khay rượu. Chờ mẹ nói xong, hắn mới ngửng lên nhìn bà lão:
    - Vậy con là đồ bất hiếu, bạc bẽo, không có liêm sỉ gì phải không ?
    - Chứ còn gì nữa ! Cho đến bây giờ mày đã làm gì để rạng rỡ tổ tông, hoặc ít ra cũng tỏ ra là đứa con hiếu thảo ? Mày chỉ là đồ vô tích sự !
    - Mẹ không hiểu ...
    - Sao ta lại không hiểu ! Biết con không ai bằng cha mẹ ! Ta xấu hổ đã sinh ra mày, làm nhục cả họ Honiden. - Bà thở dài ảo não - Càng nghĩ càng thêm xấu hổ ...
    - Nếu tôi vô dụng thì tôi theo bà làm gì nữa ! Tôi đi đây !
    Matahachi tức giận, dằn mạnh chén rượu xuống bàn, đứng lên đi thẳng.
    Bà lão giật mình nhìn theo, trong cơn thảng thốt, miệng lắp bắp nói không nên lời.
    Bà run run quơ chiếc gậy tre, nhưng rồi lại vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, quay đầu về phía em:
    - Cậu Gon ! Cậu Gon !
    Cậu Gon như không nghe gọi, vẫn chăm chú nhìn ra bãi.
    - Kệ nó ! Muốn đi đâu thì đi, không ai giữ !
    Chẳng biết bà nói với ai, với cậu em hay với chính mình. Lát sau cậu Gon mới lên tiếng, nhưng không phải để đáp lời chị:
    - Kỳ thật ! Người con gái đằng kia định làm gì mà kỳ quá !
    Rồi không đợi trả lời, cậu hối hả nhảy qua hàng rào thấp, chạy vội ra bãi.
    - Cậu Gon ! Cậu Gon ! Đi đâu thế ? Thằng Matahachi ...
    Chưa nói hết câu, bà đã lật đật đứng lên đuổi theo, chẳng may vấp phải đám rong ngã sấp mặt xuống đất. Chủ quán và một số thực khách chạy ra đỡ bà dậy, quần áo mặt mũi lem luốc những cát ướt. Bà gạt tay mọi người, phủi vội quần áo, mắt vẫn không rời bóng cậu Gon trên bãi:
    - Điên à ! Chạy đi đâu thế ? Nó đi về phía này mà !
    Mọi người nhìn theo đều lấy làm lạ. Cậu Gon chạy thẳng ra biển. Ghềnh đá ngược ánh mặt trời đen sẫm che khuất bóng cậu, một lúc sau mới thấy cậu hiện ra thì nước đã lên đến đầu gối. Trước cậu chừng vài trượng, một thiếu nữ đương vùng vẫy, áo, tóc xõa trên mặt biển loang loáng dưới ánh nắng.
    Cụ Osugi đến bờ nước, chạy tới chạy lui gọi em, giọng lạc đi trong gió lộng:
    - Cậu Gon ! Cậu Gon !
    Người trong quán ùa ra theo cũng phụ họa, nhưng không ai dám bước xuống nước.
    Họ chỉ đứng bàn tán:
    - Chỗ này sát ghềnh đá, ở đây thì thế nhưng qua chút nữa là hố sâu, vô ý hụt chân nguy hiểm lắm !
    Bỗng có tiếng kêu. Nhìn ra không thấy bóng ông già và thiếu nữ đâu nữa.
    - Chìm rồi ! Chết rồi, chìm rồi !
    Cụ Osugi lo sợ cuống cuồng. Không biết làm sao, bà giơ gậy đập mọi người làm họ chạy tán loạn.
    - Nhảy xuống cứu đi ! Chết rồi ! Ông ấy chết đuối rồi !
    Bà mếu máo:
    - Các người bất nhân quá ! Thấy ông già sắp chết không cứu. Cậu Gon ơi ! Cậu Gon ơi ! Ai cứu em tôi !
    Người ta vội vã đi gọi thuyền chài. Lặn ngụp hồi lâu mới vớt được cả hai lên. Thiếu nữ còn nắm chặt vạt áo cậu Gon, nhưng cả hai mắt nhắm nghiền không thở nữa. Mọi người phụ vào gỡ ra và đặt nằm trên bãi cát.
    - Anh em mỗi người một tay. Phụ nữ giúp cô bé còn chúng tôi lo cứu ông già. Ngồi lên bụng nhấn mạnh cho nước ộc ra mới được !
    Thiếu nữ mặc kimono trắng, mặt còn nguyên son phấn nên trông còn có chút sinh khí, nhưng cậu Gon thì trái lại, mặt xám ngoẹt, những sợt tóc thưa thớt, bạc và ướt nhẹp dán lên trán và hai bên thái dương. Bình nhật cậu không đến nỗi gầy, sao bây giờ trông hom hem quá ! cụ Osugi không cầm được xúc động, khóc òa lên.
    - Yên nào bà già ! Làm người ta rối trí !
    Những kẻ hiếu kỳ bu quanh thì thầm:
    - Tự tử hả ? Tự tử vì tình hả ?
    - Bậy nào ! - Có người cười đáp - Ông già cứu cô bé đấy chứ !
    - Thiếu nữ này trông quen quen. Có phải cô bé nhặt vỏ ốc không ?
    - Hình như thế ! Cô ta trọ Ở trong xóm !
    Từ đằng xa, bốn năm người chạy lại. Yoshioka Seijuro gạt đám đông len lỏi đến gần nạn nhân. Nhìn cô bé nằm thiêm em trên cát, mặt hắn tái đi. Hắn kêu khẽ:
    - Akemi !
    Một người hỏi:
    - Đại hiệp quen cô này hả ?
  5. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 24
    VỊ NGHĨ VONG THẦN
    (tiếp)​
    Seijuro không đáp chỉ đứng trừng trừng nhìn thiếu nữ. Người ta đập lưng móc miệng cô, nước và rãi rớt ộc ra ướt cả một khoảng cát. Akemi thở mạnh rồi cựa quậy chân tay. Mọi người reo lên vui mừng:
    - Sống rồi ! Cô bé sống rồi !
    Họ tiếp tục hà hơi, vỗ lưng, lau mặt cho Akemi. Seijuro lùi ra ngoài, ghé tai môn hạ nói nhỏ. Một lúc sau, cáng được mang đến, người ta vực cô bé lên đưa vào trong xóm.
    Cậu Gon vẫn nằm bằn bặt trên cát. Mọi người xúm vào làm đủ cách, cậu vẫn không tỉnh. Mắt nhắm nghiền, chân tay lạnh ngắt, da mặt mỗi lúc càng trắng bệch. Vài người lắc đầu:
    - Ông già khéo hỏng mất !
    Quả thật, thần chết đang rình rập đâu đây và có lẽ đã điểm cậu Gon rồi ! Xấp xỉ lục tuần, cậu đã già, trước khi nhảy xuống nước cứu cô bé, cậu lại còn uống vài chén rượu thì làm sao mà đủ sức chống lại cái lạnh của nước biển về mùa đông ?
    Cụ Osugi ngồi bên em, miệng rên khe khẽ. Thấy không kết quả, số người cứu chữa lần lượt đứng lên dần:
    - Hỏng rồi ! Trễ quá, không sao cứu được nữa !
    Cụ Osugi khóc rống lên, gọi tên em rồi quay ra hằn học với mọi người xung quanh:
    - Hỏng là thế nào ? Hai người cùng mang lên một lúc, một người sống một người chết là sao ? Tại ... tại các ngươi không hết sức !
    Bà vừa gạt nước mắt vừa ôm lấy cậu Gon, kéo tay bóp chân, giật tóc mai, không còn cách gì bà biết mà không làm. Lại lật đật mở bọc ra lấy lọ thuốc nhỏ, đổ vài viên vào mồm em. Nhưng cậu Gon vẫn nằm trơ ra đó. Cậu đã ra người thiên cổ.
    Ai ai trông thấy cũng ngậm ngùi. Có kẻ quay đi chùi vội nước mắt.
    Trời đã về chiều. Ngoài biển xa, phía chân trời, chỉ còn vài vệt sáng hồng báo hiệu một ngày sắp tắt. Những kẻ hiếu kỳ bỏ đi gần hết. Vài người ở lại nhặt cành khô nhóm đống lửa nhỏ bên cạnh bà lão.
    Trong cái yên lặng của buổi chiều quý đông nơi đất khách, cụ Osugi ngồi ôm xác em, tiếng bà nức nở hòa với tiếng sóng rì rào thành một điệu nhạc bi ai tiễn đưa người anh hùng bất hạnh.
    Akemi nằm trong phòng thiêm em, thỉnh thoảng lại giật tay chân, miệng kêu ú ớ. Seijuro ngồi bên trầm ngâm yên lặng. Nhìn cổ tay yếu ớt của cô bé có những đường gân xanh nổi rõ dưới làn da trắng bệch, hắn cảm thương vô hạn. Cầm tay nghe mạch, mạch nhẹ như tơ, Seijuro khẽ lắc đầu:
    ?oMạch yếu quá !?.
    Trong thâm tâm, hắn tự trách mình đã tàn bạo và ngu xuẩn.
    - Akemi ! Tha thứ cho ta ... Tình ta mãnh liệt làm nàng sợ hãi. Nhưng đàn ông nào cũng như thế ...
    Hắn lẩm bẩm nói một mình, không biết để tự bào chữa hay để cho Akemi nghe, song lúc bấy giờ hắn thật là thành thực. Mới hay lòng người phức tạp; sáng còn như dã thú, chiều nặng những tình trắc ẩn.
    Trời tối đã lâu. Ngọn đèn nhỏ tỏa ánh lờ mờ qua chiếc chụp giấy, vân giấy màu ngà nổi lăn tăn như mây vần trên nền trời sáng. Trong phòng yên lặng, cửa sổ khép kín không để lọt tiếng động bên ngoài. Akemi khẽ cựa mình kêu lên thảng thốt:
    - Bỏ ra, bỏ tôi ra !
    Seijuro lay vai cô bé:
    - Akemi ! Đừng sợ ! Đừng sợ ! Hãy tỉnh dậy !
    Có tiếng thở dài. Akemi mở mắt lờ đờ nhìn lên trần, không ý thức chuyện gì xảy ra chung quanh, thều thào hỏi:
    - Hôm nay là mấy rồi !
    - Cái gì ? Nàng nói gì ?
    - Hôm nay ngày mấy ? Còn bao lâu nữa thì hết năm ?
    - Mười ngày nữa. Cứ yên tâm tĩnh dưỡng, khỏe rồi ta sẽ đưa nàng về Kyoto ...
    Akemi mệt nhọc quay đầu lại nhìn. Dưới ánh đèn mờ, hình như vừa nhận diện được kẻ vừa nói, nàng kêu lên một tiếng kinh hoàng, ngất đi bất tỉnh.
    Seijuro loay hoay đắp khăn ướt lên vầng trán nóng bỏng của cô bé. Hắn tránh không gọi tên, sợ làm nàng kinh hãi, chỉ cặm cụi làm. Thay khăn mấy lượt, mới thấy Akemi hơi tỉnh. Trong cơn mê, cô bé gọi tên Miyamoto Musashi và lẩm bẩm những tiếng gì hình như là ?odưới chân cầu Gojo ...?. Seijuro nghe không rõ nhưng cái tên Miyamoto Musashi làm hắn chú ý. Musashi ... Musashi ... Không biết có phải là tên lãng tử trẻ tuổi đã từng đến làm náo loạn võ đường Yoshioka của hắn dạo nào ?
    Seijuro nhìn môi cô bé, chờ đợi. Nhưng Akemi không nói thêm lời nào nữa.
    Nàng đã em đi rồi !
    Ngoài song, bóng cây lay động. Tiếng ngựa hí từ xa vẳng đến. Seijuro lắng tai nghe:
    tiếng chân người bước vội và tiếng con hầu vọng vào:
    - Đây ! Đại hiệp ở trong này !
    Seijuro vội bỏ sang phòng bên, quàng tay ra sau khép cửa. Một môn đệ Yoshioka, trang phục theo lối lữ hành, nón nan, vai áo trắng bụi đường hối hả tiến vào. Thấy Seijuro, hắn vội vàng thi lễ.
    - Chuyện gì thế ?
    - Mời tiểu chủ về ngay cho.
    - Nhưng chuyện gì mời được chứ ?
    Ở phòng bên, thình lình tiếng thét của Akemi vọng sang, rõ mồn một:
    - Bỏ ta ra ! Ta không ưng ! Đừng ...
    Tiếng thét pha lẫn sợ hãi làm gã đồ đệ Yoshioka đang mãi tìm thư trong bọc phải khựng lại, ngẩng đầu nhìn Seijuro.
    - Không can gì ! Kẻ đó sốt, thỉnh thoảng nói sảng ... Đâu ? Thư của ai ? Đưa ta coi !
    - Dạ, của Miyamoto Musashi.
    Seijuro sửng sốt. Hắn vừa nghe tên đó từ miệng Akemi thốt ra, bây giờ lại nhận được thư, chẳng biết là điều gì, lành hay dữ. Một cảm giác lo sợ bâng quơ làm hắn ớn lạnh.
    Seijuro cầm thư, lật đật đến bên chiếc bàn thấp, cạy niêm và ghé sát vào ánh sáng ngọn bạch lạp. Lời thư rõ ràng, không uẩn khúc:
    ?oTrong thư trước, tại hạ đã hứa ngày trọng xuân sắp tới sẽ có mặt ở kinh thành.
    Xin quý phái cho biết nơi và giờ hội ngộ. Tại hạ không sở trường đặc biệt về loại vũ khí nào nên để tùy quý phái ấn định.
    Xin quý phái cho yết ngày giờ và địa điểm lên bảng cáo thị Ở dưới chân chân cầu Gojo trước tiết nguyên tiêu, tại hạ rất hân hạnh.
    Hy vọng trong thời gian qua, quý kiếm pháp đã đạt mức trác tuyệt. Về phần tại hạ cũng có tiến bộ đôi chút, không dám để phụ lòng quý phái.
    Thư bất tận ngôn, Miyamoto Musashi kính bái ?o
    Vẫn cái giọng tuy lễ độ nhưng rất cao ngạo trong thư trước. Seijuro xem xong, tái mặt. Hắn thừ người suy nghĩ. Trác tuyệt cái gì ? Cả năm nay có luyện tập gì đâu mà trác với tuyệt ? Không những chỉ riêng hắn mà thôi, các môn đệ khác, những tay được coi như trụ cột của môn phái, Toji, Ueda ... cũng thế. Bây giờ không phải là lúc đắm mình trong hoan lạc. Phải hành động và cấp kỳ đặt ngay kế hoạch. Càng nghĩ Seijuro càng thấy nguy cấp. Từ nay đến tiết nguyên tiêu chẳng còn bao lâu nữa, nếu hắn không trở về Kyoto ngay để thảo luận cùng anh em trong phái thì không kịp.
    Thấy tên đồ đệ vẫn còn đứng xớ rớ ở góc phòng chờ lệnh, Seijuro giận dữ:
    - Ra ngoài chờ ta. Gọi chủ quán đến đây. Lập tức !
    Đồ đệ ra khỏi. Seijuro giở cuốn thư đọc lại. Những lời ngạo mạn ngụ ý châm chọc của Miyamoto Musashi khiến hắn giận run. Ngày hôm nay đối với hắn quả là một ngày buồn tủi, đáng giận. Chuyện Akemi xúc phạm lòng tự ái của hắn chưa nguôi, nay lại Musashi thách thức. Không do dự, Seijuro quyết ý trở về Kyoto, quay lưng lại nơi sầu thảm này, nơi không để lại một kỷ niệm gì vui tươi trong lòng hắn.
    Chủ quán bước vào, Seijuro căn dặn săn sóc Akemi chu đáo. Hắn mở tủ lấy một số tiền trao cho chủ quán và gọi đồ đệ:
    - Thu xếp hành trang và để ngựa ta cưỡi, ngươi về sau.
    Cả đêm hôm ấy Seijuro không chợp mắt. Vừa tinh sương, hắn đã lên ngựa bỏ đi như chạy trốn, mặc cho tên đồ đệ theo sau, đến đâu hay đó.
  6. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 25
    CÁI SÀO PHƠI ÁO​
    - Thanh niên bế con khỉ lông vàng ? Dạ có, có thấy đi ngang qua đây hồi trưa.
    - Đi về phía nào ?
    - Phía cầu gỗ, nhưng không qua cầu. Hình như rẽ vào hàng bán đồ sắt.
    Bọn đồ đệ Yoshioka hấp tấp bỏ đi, quên cả cám ơn bác nông phu làm bác ngạc nhiên nhìn theo, không hiểu chuyện gì.
    Trời đã về chiều. Đường chân núi vắng vẻ ít người qua lại, hàng quán ven đường lục tục đóng cửa nhưng may làm sao gian hàng bán đồ sắt và lò rèn vẫn thấy còn người kéo bễ. Cả bọn ùa vào. Nhìn đoàn khách lạ Ồn ào, có dáng giận dữ, binh khí đeo bên sườn kêu rổn rảng, gã kéo bễ chột dạ, ngưng tay chạy vội ra.
    - Hồi trưa có ai đến đây không ?
    - Dạ có.
    - Người thế nào ?
    - Một thanh niên cao lớn mang bào tía, đeo trường kiếm, nhưng đầu không cạo như các Samurai khác thường thấy.
    - Hắn ẵm một con khỉ nhỏ phải không ?
    - Dạ phải.
    - Đúng rồi ! Hắn có hỏi gì không ?
    - Có. Thanh niên đòi xem võ khí chế tạo tại bổn tiệm, nhưng hình như không được vừa ý, vì thấy ý chỉ lắc đầu ...
    - Hừ ...
    - Lại tháo cả trường kiếm đeo trên vai xuống và hỏi ý kiến tiểu nhân nhưng tiểu nhân không dám đáp, vì thật ra tiểu nhân chỉ là thợ phụ không chuyên nghề rèn kiếm ...
    - Vậy bây giờ tên đó đâu ?
    - Dạ, bỏ đi ngay sau khi biết chủ nhân bổn tiệm đi vắng.
    - Đi về phía nào ?
    - Về phía bến đò Temma.
    Cả bọn lại ùa ra cửa, theo đường bờ sông trực chỉ bến đò Temma. Họ rảo bước, chẳng ai nói với ai lời nào, lầm lũi đi không nghỉ vì trời đã chạng vạng tối. Trăng hạ tuần chưa mọc, sương chiều bắt đầu bao phủ mặt nước làm mờ những ngọn cỏ lác ven sông và run rẩy các đốm lửa chài lúc ẩn lúc hiện tít tận đằng xa, phía bên kia bờ.
    Gần đến bến, một người trong bọn kêu lên:
    - Thôi rồi ! Nó trốn rồi !
    - Sao ngươi biết ?
    - Thì quán vắng ngắt, người ta đang xếp dọn bàn ghế. Vậy là thuyền mới nhổ sào, ta lỡ chuyến đò này rồi !
    Thất vọng, cả bọn tản ra quanh bến, hỏi thăm người xung quanh thì được biết hồi chiều quả có một thanh niên với con khỉ lên thuyền đi đã hơn một khắc rồi. Tuy nhiên, theo họ, cũng chưa phải là trễ.
    - Mùa này nước chảy xiết. Thuyền đi ngược dòng chậm lắm. Chư vị vào quán nghỉ chân một lúc đã, rồi cứ theo đường ven sông này đuổi theo đến bến Kurushi ắt là gặp vì thế nào thuyền cũng cập bến này đón khách.
    Đồ đệ Yoshioka cho là phải, vào quán gọi bánh trà ăn uống, một lúc sau mới lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình.
    Sông Temma là một phụ lưu của đại hà Yodo, về mùa nước lớn, ngã ba sông rộng mênh mông như biển. Bọn đồ đệ Yoshioka cứ cắm cúi theo đường mòn mà đi, răng nghiến chặt chống lại cái rét căm căm của gió bấc cuối năm. Trăng mọc đã lâu, trắng như sữa trên nền trời trong xanh không một vẩn mây và lạnh buốt. Bên đường, lá sậy khô đóng giá ánh lên dưới ánh trăng chẳng khác gì những lưỡi kiếm thép tí hon sáng lóng lánh.
    Giữa sông, lẩn trong màn sương trắng đục, một khối xám lừ lừ tiến ngược dòng nước, ánh đèn chai thấp thoáng ẩn hiện.
    - Thuyền kia rồi ! Đấy ! Thuyền ấy đấy !
    Cả bảy người không ai bảo ai cùng rảo bước mau thêm. Sự khích động khiến họ quên cả lạnh. Chẳng bao lâu con thuyền hiện ra rõ hơn trước, tiếng mái chèo khua nước rào rào. Một người trong bọn nóng nảy bắc loa tay gọi lớn:
    - Bớ thuyền ngoài kia ! Dừng lại !
    Trên thuyền có tiếng đáp:
    - Ai đó ?
    - Dừng lại !
    - Nhưng các vị là ai ? Muốn gì ?
    - Ta muốn nói chuyện với một người khách mặc áo đỏ !
    Lời nói vừa thốt ra, bọn Yoshioka thấy thật là dại dột. Đằng nào thuyền cũng ghé bến sắp tới. Thà cứ để yên như thế, bọn hắn chia nhau ra phục kích, chờ cho thuyền đậu, rồi bất ngờ nhảy lên tấn công, nếu không bắt sống thì cũng giết được tên trẻ tuổi xấc láo đó. Bây giờ làm náo động lên, nó nhảy xuống sông trốn mất hay ít ra cũng đã đề phòng. Sự tấn công thành ra mất một yếu tố quan trọng, khó khăn thêm ! Người đứng tuổi nhất trong bọn xem ra giận dữ lắm, bứt tóc giậm chân, tự trách mình ngu xuẩn.
    Nhưng đã trót rồi, chỉ còn cách dọa và làm chủ đò sợ hãi.
    - Chủ đò đâu ? Ghé thuyền vào bờ !
    Không nghe tiếng đáp, chỉ thấy mái chèo vẫn đều đặn khua nước. Hiển nhiên trên thuyền, chủ và khách cho bọn này là thảo khấu bày chuyện để ăn cướp. Muốn an toàn, cách tốt nhất là cứ giữ cho thuyền đi giữa sông, gươm giáo nào đến gần được !
    - Nếu không ghé vào bờ, đến bến ta lấy đầu chủ đò. Báo cho mà biết trước !
    Trên đường mòn, cả bọn theo nhau đuổi con thuyền sát nút, thỉnh thoảng dừng lại nghe động tĩnh. Họ mang giầy cỏ, bước chân tuy êm nhưng vẫn làm đứt quãng những tiếng côn trùng kêu ri rỉ đều đều trong đám lau sậy.
    Trời đã khuya lắm. Trăng sáng vằng vặc mà sương cũng bớt dần. Đò đến gần bến Kurushi, bọn Yoshioka chạy trước ra cầu tàu đón. Nhưng kìa lạ quá, sao thuyền không vào mà dừng lại ở giữa sông, quay hai ba vòng như do dự. Có lẽ trên thuyền đang có sự bất đồng ý kiến giữa hai phe hành khách, một phe muốn cập bến và một phe muốn thuyền đậu giữa sông chờ sáng hoặc đợi lính tuần đến bảo vệ.
    - Gã tiểu tử hỗn láo mặc áo đỏ có đó không ?
    Một người trong bọn Yoshioka hỏi lớn.
  7. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 25
    CÁI SÀO PHƠI ÁO
    (tiếp)​
    Tức thì thanh niên ôm con khỉ bước ra mũi thuyền:
    - Bọn ngươi là ai ? Nếu không là giặc cướp thì cũng là đồ vô lại tùng tam tụ ngũ để làm bậy bắt nạt kẻ qua sông. Trong thuyền không có ai mặc áo đỏ , chỉ có ta. Vậy chắc bọn ngươi muốn gặp ta. Muốn cái gì ?
    Tiếng xì xào nổi lên. Trẻ em và phụ nữ ngồi thu vào góc khoang niệm Phật. Trên bờ, một hai quán vội thổi tắt đèn, đóng cửa. Thời buổi nhiễu nhương, người dân thấp cổ bé miệng chỉ mong yên thân; đao thương không có mắt, kinh nghiệm đã dạy cho họ biết chẳng dại gì mà dính vào những chuyện tranh chấp không đâu.
    - Tiểu tặc ! Hãy giữ mồm miệng. Chúng ta là người của Yoshioka đến hỏi tội ngươi đây !
    - Muốn sống thì ghé thuyền vào bến, đừng để cho chúng ta phải trèo lên !
    Thanh niên cười gằn:
    - Đồ ngu ! Không biết tự lượng !
    Chưa dứt lời, gã giật ngay cây sào trong tay người lái đò và chỉ đẩy vài cái, thuyền đã phăng phăng rẽ nước vào bờ. Con thuyền lướt tới càng lúc càng nhanh tưởng như sắp đâm sầm vào chân cầu gỗ. Mạn thuyền cọ vào chân cầu kêu rắc rắc, tiếng người la hét cùng với tiếng quang quác của những giống thủy cầm thấy động bay lên làm huyên náo cả khúc sông vắng.
    Thình lình, một vật tròn đen xẹt qua ngọn lau, bắn thẳng vào vai tên đồ đệ Yoshioka đứng trước. Tên này luống cuống giật lùi vung gươm chém loạn. Cả bọn la hoảng.
    Cầu tàu thì hẹp, bọn chúng lại đông, sự tháo lui vô trật tự khiến một tên trượt chân ngã lăn tòm xuống nước. Khi định thần nhìn kỹ lại thì mới biết đó là con khỉ. Chúng tức giận chửi bới om sòm.
    Thanh niên áo đỏ đứng trên mui thuyền cười ha hả:
    - Đây là chư vị kiếm sĩ nhà Yoshioka đấy ư ? Giỏi quá ! Giỏi quá ! Ta chưa ra tay mà đã có kẻ uống nước rồi.
    Nói vừa dứt câu, nhanh như cắt, thanh niên đã nhảy xuống cầu tàu, áo bào xòe rộng và lưỡi kiếm rút đánh soạt, lóe sáng dưới ánh trăng. Tên đệ tử Yoshioka đứng gần nhất chưa kịp trở tay đã bị lưỡi kiếm đâm suốt ngực. Rút kiếm ra, thân người chưa kịp đổ, thanh niên đã nghiêng mình né nhát gươm bổ xuống mạnh như vũ bão của tên Yoshioka thứ hai, đồng thời lia trường kiếm chênh chếch theo đường vòng cung từ trên xuống.
    Một tiếng thét hãi hùng nhưng đứt quãng, đầu tên môn đệ Yoshioka thứ hai đã rơi tõm xuống nước. Mình gã còn quỳ trên cầu, hai tay nắm chặt chuôi kiếm và lưỡi kiếm chém vào thành gỗ vẫn bị giữ chặt ở đó. Máu từ cổ gã phun ra có vòi. Trước hai chiêu kiếm nhanh như chớp xẹt và chính xác cực độ của thanh niên áo đỏ, năm tên còn lại biết gặp phải tay ghê gớm, tản ra chung quanh như năm cánh hoa vây thanh niên vào giữa.
    Chúng định lấy số đông áp đảo.
    - Gi ... ết !
    Tiếng hét xung trận vừa được tung ra như sấm động, một tên đã nhắm hướng thanh niên đứng, chĩa kiếm đâm thẳng vào tựa tên bắn. Chỉ tiếc kỹ thuật còn kém lại không lường kịp phản ứng thần tốc của đối phương nên đường kiếm không trúng đích. Hắn quá đà chúi về đằng trước, chưa kịp gượng dậy đã bị thanh niên nhảy lên lưng đạp cho ngã sấp và dùng chiêu trảm nhạn hớt đầu tên đứng bên hữu khi tên này chưa kịp xuất thủ.
    May sao, gã nhanh mắt, trầm mình xuống tránh khỏi, nhưng cũng bị thanh kiếm dài quá khổ chém xả vai. Tiếng rú thê thảm của hai đệ tử Yoshioka bất hạnh làm sởn gai ốc ba tên còn lại. Chúng hoảng hốt múa bậy vài chiêu rồi hè nhau bỏ chạy.
    Thanh niên áo đỏ nhìn theo lắc đầu:
    - Không biết Yoshioka còn cao nhân nào nữa không chứ nếu ai cũng thế này cả thì bất xứng quá ! Chả trách làm trò cười cho thiên hạ !
    Vừa lúc đó, tiếng vó ngựa từ xa vẳng đến rồi thấy xuất hiện trên đê một kỵ mã, theo sau là một tên hầu chạy bộ. Ánh trăng khuya vằng vặc chiếu rõ trang phục của người cưỡi ngựa:
    chiến bào màu vỏ dà viền kim tuyến, nón nan trên đầu, trường kiếm bên hông. Con ngựa ô khỏe mạnh đi nước kiệu, hơi thở phì ra đằng mũi như hai luồng khói trắng.
    Ba đệ tử Yoshioka tháo thân chạy lên đê suýt đâm phải Samurai. Chúng khựng lại kịp, rồi đột nhiên cùng reo lên vui mừng:
    - Tiểu chủ !
    Vì Samurai cưỡi ngựa đó chẳng ai khác hơn là Yoshioka Seijuro.
    - Đi đâu thế này ? Sao lại ở đây ? Ta tưởng các ngươi phải còn ở nhà trọ chứ ?
    - Dạ, xin tiểu chủ xá lỗi. Bọn tiểu đệ ra đi từ sáng.
    - Hừ ! Lại rượu chè ở đâu rồi ! Thật đáng phạt.
    - Trình tiểu chủ không phải thế. Vì bọn tiểu đệ được tin có một tên trẻ tuổi xấc láo phạm đến uy danh của bản phái, nên họp nhau truy nã.
    - Đúng vậy không ?
    - Bọn tiểu đệ đâu dám nói láo. Tiểu tặc đó ở gần đây. Nó tuy còn nhỏ tuổi nhưng dũng mãnh lắm. Đường kiếm của nó thần sầu quỷ khốc ...
    - Nói bậy ! - Tên tiểu đồ chạy theo ngựa của Seijuro vội cướp lời - Để mất lòng tự tin thì lâm trận thắng sao được ! Không đường kiếm nào thần sầu quỷ khốc bằng đường kiếm của tiểu chủ !
    Ba tên kia định kể thêm thì Seijuro ngăn lại:
    - Thôi ! Ta biết rồi. Bây giờ tên đó đâu ?
    - Dạ, ở đằng kia !
    Và chúng chỉ tay về phía bến đò.
    Vừa hay thanh niên áo đỏ đi tới. Dáng hắn lênh khênh, tay còn lăm lăm thanh trường kiếm mà hắn mệnh danh là ?ocây sào phơi?. Ánh trăng chiếu bóng và kiếm hắn đổ dài trên cỏ.
    Ba tiểu đồ Yoshioka đưa mắt nhìn nhau, tên hầu ngựa Seijuro chạy vội tới trước, rút gươm quát lớn:
    - Tiểu tặc này phải không ?
  8. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 25
    CÁI SÀO PHƠI ÁO
    (tiếp)​
    Và phóng chiêu ra liền. Thanh niên áo đỏ chỉ khẽ quay mình né tránh rồi thuận tay bổ xuống một nhát, tên hầu ngựa chúi về phía trước tưởng chết đến nơi, may sao chỗ đó gần bờ sông, đất lở khiến hắn rơi tòm xuống nước thoát được thế kiếm cực kỳ nguy hiểm. Lóp ngóp dưới sông, bùn và nước lạnh tràn cả vào mũi và miệng, hắn vừa sợ vừa tức. Nhìn lên thấy ba bạn đồng môn đang bị gã áo đỏ đánh tơi bời, hắn nằm im thin thít không dám chửi to, chỉ rủa thầm trong bụng. Kiếm hắn rơi đâu mất mà lòng tự tin của hắn cũng bỏ hắn rồi !
    Trên bờ, bọn đệ tử Yoshioka chạy tán loạn không rõ về hướng nào. Thanh niên áo đỏ mắt sáng quắc lừ lừ tiến lại phía Seijuro. Tình thế khẩn cấp quá, Seijuro không ngờ cục diện thay đổi nhanh như thế. Lúc đầu hắn không sợ, vì dù sao phía Yoshioka cũng có tới bốn người không kể hắn. Bây giờ chỉ còn một mình hắn phải đơn độc chống với gã thanh niên dũng mãnh kia mà kiếm thuật của gã, hắn vừa được dịp quan sát, không phải là hạng tầm thường. Nhìn thanh trường kiếm dài quá khổ gã thanh niên áo đỏ sử dụng, đột nhiên Seijuro như sực nhớ ra điều gì. Một ý nghĩ vụt hiện, hắn gọi lớn:
    - Sasaki !
    Rồi rút một chân khỏi bàn đạp để lên yên, tay hắn vỗ nhẹ vào đầu ngựa. Con ô câu hí một tiếng dài, co cẳng trước phóng qua đầu thanh niên trong khi Seijuro uốn mình như con tôm, lộn ngược lại phía sau đồng thời rút kiếm ra khỏi vỏ, đứng vững vàng cách thanh niên áo đỏ chừng non một trượng.
    - Tuyệt hảo !
    Lời khen nhiệt thành phát xuất từ một tấm lòng tri đắc, ngưỡng mộ làm Seijuro hả dạ. Là chưởng môn nhân một môn phái lớn, hắn quen được xưng tụng nhiều rồi, nhưng những lời xưng tụng ấy đều do thuộc cấp của hắn nói ra nên hắn coi thường. Giờ đây đứng trước một đối phương mà thành tích vừa qua làm hắn phải kiêng nể, đối phương ấy lại tỏ ra tâm phục hắn vì một xảo kỹ hắn vẫn thường tự hào thì bảo sao hắn không vui lòng cho được ! Và dĩ nhiên, Seijuro nắm ngay lấy lợi thế ấy. Bằng một giọng vui mừng, hắn gọi:
    - Sasaki Kojiro Ganryu !
    Thanh niên áo đỏ ngạc nhiên:
    - Đại hiệp là ai, sao biết đến ngoại hiệu của tại hạ ?
    Tiếng cười ha hả vang dội trong đêm vắng, tiếng cười vui vẻ, đắc thắng và pha chút hợm hĩnh. Seijuro vỗ đùi:
    - Đại danh thiếu hiệp ai mà không rõ. Tại hạ được nhiều người cho biết uy danh đã lâu, bây giờ mới may mắn được gặp. Thật là đại hạnh !
    - Nhưng đại hiệp là ai ?
    - Tại hạ là Seijuro, chưởng môn phái Yoshioka, tri hữu của Ito khi ngài còn ngụ tại một căn nhà nhỏ ở ngoại thành Kyoto.
    - Ồ thế ư ? Vậy đại hiệp là bạn của sư huynh tại hạ đấy !
    - Đúng vậy !
    - Nếu thế chúng ta là đồng đạo rồi, còn chống nhau làm gì nữa !
    Và không chờ Seijuro phản ứng, thanh niên tra kiếm ngay vào vỏ.
    Seijuro chỉ đợi có thế. Hắn cũng đút gươm vào bao, mở rộng tay nói:
    - Hôm nay tại hạ hết sức vui mừng được gặp thiếu hiệp lại là huynh đệ của một bạn cố tri. Phải mời thiếu hiệp đến thăm tệ xá ở Kyoto mới được !
    - Sẵn lòng lắm. Tiểu đệ hiện nay chưa có chủ đích gì, hơn nữa cũng muốn viếng Kyoto để cho sửa lại thanh kiếm. Vậy xin theo đại huynh.
    - Thế thì còn gì bằng.
    - À, có điều muốn hỏi sao đại huynh đoán được tiện danh, lại còn biết cả ngoại hiệu nữa ?
    - Có gì đâu. Trong những lúc mạn đàm với Ito, ngài thường nhắc đến tên thiếu hiệp. Lại thường nói ngoại hiệu ?oliễu ven sông? do Jisai lệnh sư đặt cho thật đã lột tả được hết cái phong thái và kiếm thuật của thiếu hiệp nên tại hạ mới trông nhận ra ngay ...
    Sasaki Kojiro vui vẻ cười thích thú. Lòng tự ái tuổi thanh niên được những lời ca tụng văn hoa của Seijuro thổi phồng lên bay bổng tựa diều gặp gió.
    Hắn vỗ vai Seijuro cười ha hả:
    - Hảo tri kỷ ! Hảo tri kỷ !
    Thế là cả hai sánh vai nhau trở lại bến sông. Bọn đồ đệ bị đánh tan tác thấy tình thế đã yên, chưởng môn chúng cùng với thanh niên áo đỏ đi bên nhau ý hợp tâm đầu như đôi bạn lâu ngày thì lấy làm lạ nhưng yên bụng lắm. Kojiro quay qua hỏi Seijuro:
    - Tiểu đệ vẫn không hiểu chuyện gì làm quý phái sai người đuổi theo và tấn công tiểu đệ. Trộm nghĩ chắc chỉ do việc xích mích nhỏ trên thuyền buôn mà ra. Có phải thế không.
    Seijuro vội gạt ngang để trấn an Kojiro:
    - Phải đấy. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Tại hạ thật rất ân hận về thái độ của Toji. Để về Kyoto, tại hạ sẽ quở hắn.
    - Không sao. Tiểu đệ nghĩ họ có một điểm hay là biết bảo vệ danh dự cho môn phái. Cái đó mới là chính. Kỹ thuật chưa cao thì trau dồi thêm, có gì đáng trách ? Thôi ta quên chuyện đó đi là hơn.
    - Phải rồi, chẳng nên nói đến nữa.
    Bèn hô bộ hạ tìm ngựa dẫn lại. Kojiro cũng huýt sáo gọi. Con khỉ không biết từ đâu nhẩy đến ngồi trên vai. Cả bọn đến bến đò.
    Nhìn thấy bọn đàn em, đứa nằm vắt trên cầu gỗ, đứa mắc vào đám sậy ven bờ, thân thể đã cứng đơ, lòng Seijuro thắt lại. Dẹp nỗi đau, hắn bảo bọn bộ hạ sống sót ở lại chữa thương và chôn cất những người xấu số, rồi cố lấy vẻ tươi cười mời Kojiro lên ngựa. Nhưng Kojiro từ chối:
    - Đa tạ đại huynh, tiểu đệ đâu dám. Đại huynh chức vụ cao trọng xin cứ ngồi. Tiểu đệ niên kỷ cũng như danh phận đều kém đại huynh một bực, được đi cạnh cầm cương cũng đã hân hạnh lắm rồi !
    Thấy không nài được Kojiro, vả lại nghe hắn nói cũng phải, Seijuro trè o lên lưng ngựa nói:
    - Vậy ta ngồi một lúc. Khi nào thiếu hiệp mỏi thì ta thay thế.
    Trong thâm tâm, hắn mừng như mở cờ. Từ nay đến tiết nguyên tiêu không còn bao lâu nữa. Được tay kiếm tuyệt luân này giúp sức, Musashi đâu còn là một đối thủ đáng sợ.
  9. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 26
    NHƯ ĐẠI BÀNG​
    Vào nửa sau thế kỷ thứ mười lăm, những kiếm phái danh tiếng như Toda Seigen ở miền bắc, Ogasawara Genshinsai ở đông nam rất được võ lâm sùng mộ. Vùng Kyoto có Yoshioka Kempo. Vùng Yamato có Yagyu Muneyoshi. Ở bang Kuwana, tướng quân Kitabatake Tomonori nổi danh hào kiệt, vì không những ông là một danh gia Samurai mà còn là một nhà cai trị quyền uy và khôn khéo. Khi ông mất, dân chúng nhớ ơn người đã đem lại ấm no cho bang, lập đền thờ truyền tụng công đức ông mấy đời sau chưa dứt.
    Kitabatake Tomonori lúc còn trẻ là môn đệ phái Ogasawara Genshinsai. Nhờ có kiến thức và đức hạnh, Kitabatake Tomonori được sư phụ đặc biệt yêu mến, truyền hết các bí quyết cho mà chính con ruột tiên sinh cũng không biết. Theo truyền thuyết thì sau khi sư phụ qua đời, Kitabatake Tomonori đến lập nghiệp tại bang Kuwana, mở trường dạy võ. Sư huynh ông tới thăm, dùng mẹo hỏi về những chiêu kiếm kỳ bí ấy, Kitabatake Tomonori chỉ điểm cho hết, song vì tư chất kém cỏi, vị sư huynh này không lý hội được, chỉ học có cái kỹ thuật bên ngoài còn cái tâm vốn là tinh hoa của Kiếm thuật Ogasawara Genshinsai thì lại sao lãng, nên Kiếm thuật Ogasawara Genshinsai miền đông nam không sao bằng được kiếm thuật của Kitabatake Tomonori. Vì thế khi nói đến Kiếm thuật Ogasawara Genshinsai là phải đến bang Kuwana. Tiếc rằng từ sau khi Kitabatake Tomonori chết đi, môn học ấy cũng thất truyền và bây giờ thì không còn mấy ai nhớ rõ những yếu quyết ấy nữa.
    Trên đây là một trong những truyền thuyết cư dân vùng Kawana ưa kể lại cho khách vãng lai nghe khi học đặt chân đến vùng sơn cước này. So với các chuyện truyền ký khác nhuộm đầy vẻ thần bí phát sinh từ óc tưởng tượng của những người dân rất nặng lòng với mảnh đất quê hương trên đó họ đã cư ngụ hàng mấy mươi đời thì truyền thuyết này cũng không có gì xa sự thật mấy. Đền thời Kitabatake Tomonori còn kia và danh ông vẫn còn lưu lại hậu thế như một nhà cai trị sáng suốt và một Samurai lỗi lạc.
    Miyamoto Musashi nghe chuyện trên đây qua miệng người mã phu kể lại sau khi rời thị trấn Kuwana. Hắn chỉ gật đầu và thỉnh thoảng đáp vài tiếng nhát gừng lấy lệ.
    Trời gần cuối năm, đang tiết đại hàn, gió tây bắc thổi lạnh buốt như cắt da thịt.
    Musashi mặc phong phanh có cái kimono mỏng, ngoài choàng một tấm áo khoác đã cũ nhàu nát và cáu bẩn, nhiều chỗ bụi đường bám loang lổ. Mặt hắn đen sạm, chiếc nón nan đội trên đầu tơi tả, giá có đánh rơi cũng không ai thèm nhặt. Tóc hắn buộc túm về phía sau, trông rõ ra cung cách kẻ giang hồ khất cái. Tuy nhiên đôi mắt sáng như sao, hàm răng trắng bóng, mỗi khi hắn ngước lên nhìn hay cười nghe chuyện người mã phu kể, khóe miệng cũng như tia mắt ấy có một cái gì ngây thơ tương phản hẳn với khuôn mặt khắc khổ sạm đen vì phong sương của hắn. Một cái gì rất hấp dẫn mà cũng rất quyền uy làm người đối thoại phải kính nể.
    Người mã phu, khi nghe hắn gọi dẫn ngựa đến, đã có vẻ e ngại nhưng không cưỡng được. Bây giờ hắn đã ngồi trên lưng ngựa rồi, đi đã quá nửa đường, gã mã phu càng thấy khó có hy vọng đòi được tiền thuê của ông khách lại này ! Gã rụt rè nhắc:
    - Thưa khách quan ...
    - Gì thế ?
    - Chiều nay thì tới Kameyama, nhưng đến đêm chưa chắc đã tới làng Ujii được !
    - Hừ ...
    Musashi tuy nghe nhưng không để ý. Dường như hắn mãi ngắm cảnh vật xung quanh. Thực ra về mùa đông, rừng núi tiêu điều chẳng có gì đáng ngắm. Vài gốc cổ thụ trơ trọi đưa những cành đen khẳng khiu lên trời tựa những cánh tay gầy guộc, lá úa rụng đầy lối đi, những mảng rêu trên các tảng đá nứt nẻ đã đổi màu, chỗ vàng chỗ nâu sẫm. Duy chỉ có hàng tùng bách là vẫn xanh tốt, tàn lá sum sê không coi gió lạnh ra gì cả. Hàng tùng bách này hợp với tâm trạng hắn chăng mà sao hắn cứ quay đầu nhìn mãi?
    - Ujii là một xóm nhỏ ở lưng chừng núi, vắng teo vắng ngắt, khách quan đến đấy làm gì ?
    - Ta đến thăm một người.
    - Chỉ có hai ba nông dân nghèo khổ ở đó làm rẫy cùng với mấy lão tiều phu già, chặt củi đốt than chứ có ai đâu ...
    - Tại Kuwana, ta nghe nói ở đó có tay giỏi nghề sử loại võ khí đặc biệt lắm.
    - Chắc khách quan muốn nói Tsujikaze ...
    - Phải rồi, Tsujikaze. Nhưng đấy là họ, tên hắn là gì ?
    - Kohei.
    - Ờ ! Tsujikaze Kohei ! Phải rồi !
    - Y làm nghề thợ rèn liềm và lưỡi hái. Y có chế ra một thứ võ khí giống như cái hái, lợi hại vô cùng, làm nhiều kẻ mất mạng. Thế ra khách quan cũng là Samurai đấy !
    - Hừ ... hừm ...
    - Khách quan là Samurai, hay để tiểu nhân dẫn đi Matsuzaka. Nơi đó có nhiều tay giang hồ hảo hán kiếm thuật nổi tiếng lắm.
    - Những ai, kể ta nghe thử ?
    - Trúc Tử Hãn, Dương Nguyên Sinh chẳng hạn
    - Ta cũng có nghe tên những người ấy.
    Hắn không nói gì thêm nữa khiến người mã phu tưởng ông khách lạ biết rõ, nhưng không lưu tâm. Cả hai, kẻ dẫn ngựa và người cưỡi ngựa theo đường núi gập ghềnh lầm lũi tiến về phía trước.
    Đến Kameyama, Musashi xuống ngựa, vào một quán ven đường ăn lót dạ.
    Hắn bước khập khiểng vì vết thương ở gan bàn chân do cái đinh hắn dẫm phải khi còn ở trấn Kuwana bây giờ nung mủ làm hắn nhức nhối khó chịu. Hắn phải thuê ngựa cưỡi chứ không dám đi bộ. Musashi xin chủ quán chậu nước, tháo dép ra coi, thấy chỗ vết thương đỏ ửng như quả hồng sắp chín, sờ vào nóng và đau lắm. Hắn rửa sạch, dùng vải buộc lại và tự trách đã vô ý để xảy ra chuyện đáng tiếc ấy.
    Theo tiêu chuẩn của hắn thì như vậy là hắn thua cái đinh. Là Samurai, hắn đã không cảnh giác đến nỗi cái đinh nằm nhô đầu lên rõ ràng như vậy mà không tránh nổi:
    giác quan của hắn chưa đủ linh mẫn. Tệ hơn nữa, sự phản ứng lại chậm chạp để đầu đinh xuyên qua dép và sâu trong gan bàn chân. Đáng lý ra hắn phải nhảy tránh ngay khi cảm thấy mũi đinh chạm vào da mới phải.
    Musashi bực bội về sự non kém ấy. Óc và toàn thân hắn chưa đồng nhất thì nội lực hắn dù có dồi dào đến đâu chăng nữa, những cảm nhận vẫn còn chậm chạp, xuất thủ không đủ thần tốc, chiêu kiếm sẽ vì thế mà kém phần uy mãnh.
  10. songtunu

    songtunu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/01/2004
    Bài viết:
    4.799
    Đã được thích:
    1
    CHƯƠNG 26
    NHƯ ĐẠI BÀNG
    (tiếp)​
    Trên đường theo đuổi kiếm đạo, Musashi luôn luôn bị ám ảnh bởi sự tận thiện tận mỹ, và những ám ảnh ấy đã làm hại đến lòng tự tin của hắn. Không lúc nào hắn không lo tự tu tự kiểm. Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, nếu không được như thế, hắn cho là mình đang xuống dốc. Mặc dầu trong những năm gần đây, từ khi rời khỏi căn thạch thất, hắn đã giao đấu với nhiều người, một số là cao thủ võ lâm, nhưng vẫn chưa tìm được ai đáng gọi là người có khí phách, một người đủ nhân, trí, dũng xứng đáng là đối thủ của hắn.
    Võ lâm tuy đông đảo, nhưng sự thiếu vắng mẫu người lý tưởng làm Musashi thất vọng. Đôi khi hắn chỉ còn biết tự an ủi cho là vì mình chưa đủ từng trải nên chưa gặp. Những lúc ấy, hắn lại liên tưởng đến Takuan, nhà sư lạ lùng đã hé mở cánh cửa thiền, chỉ cho hắn thế nào là cái tâm của người cầm kiếm. ?oĐời người có số mệnh. Nếu số mệnh đã run rủi ta gặp Takuan thì ta phải cố gắng đừng để những lời ông chỉ bảo ta không mang lại kết quả?.
    Musashi tự nhủ. Takuan là một người khác thường. Không thể bảo ông là người bất trí. Quan niệm về nhân và dũng của ông cũng khác lạ. Nghĩ đến đây, hắn cảm thấy đau nhói ở cổ tay và cảm giác ấy lan dần ra khắp thân thể như cơn đau hắn cảm thấy khi bị treo lủng lẳng trên cành đại bách sau chùa Shippoji dạo nào. Cảm giác ấy phát sinh hoàn toàn trong cõi vô thức, hắn dùng ý chí dẹp đi và tự nhủ sau này sẽ tìm cách lừa và bắt Takuan trói vào cây đại bách như ông đã trói mình khi trước. Nghĩ như vậy, tuyệt nhiên hắn không có ý gì muốn trả thù, có lẽ chỉ muốn giải tỏa những ẩn ức. Nhưng ý nghĩ ấy khiến Musashi mỉm cười. Takuan chắc không tức giận đâu, có lẽ ông chỉ mỉm cười mà nói:
    ?oĐồ ngu. Cũng tiến bộ đôi chút đấy, nhưng làm thế để làm gì hở thằng ngốc ?.
    Musashi lạc trong những ý nghĩ mung lung ấy. Trong những lúc suy tư khắc khoải hoặc nghi ngờ khả năng của chính mình, hắn thường lên núi cao sống cảnh cô đơn tịch mịch giữa thiên nhiên. Hắn sống ra sao, chỉ có cây rừng, đá núi và hắn biết.
    Lúc trở về, má hắn hõm, mặt hắn sạm đen, tóc cứng như rễ tre, quần áo lôi thôi lem luốc, nhưng mắt hắn sáng hơn, tựa như những hòn than hồng trong lò sẵn sàng tung ánh lửa ra xung quanh, thiêu đốt. Bấy giờ hắn không khác gì một con thú với sức mạnh vô biên, hung hãn, chỉ có hắn mới chế ngự được. Hắn ra đi, đông tây nam bắc, bất kỳ chỗ nào nghe nói có những quái nhân hay kiếm khách hơn người là hắn cũng tìm đến cho bằng được. Để tự chứng minh tài năng. Để củng cố lòng tự tin gần như ngạo mạn. Và cũng vì thế mà hắn có mặt tại sơn đạo ngày hôm nay.
    Còn nửa tháng nữa mới đến tiết thượng nguyên, Musashi không dằn lòng được khi nghe người ta nói đến Tsujikaze Kohei nên nhất quyết đến vùng núi này tìm con chim lạ ấy:
    Kohei, một con người khí phách hay chỉ là giá áo túi cơm như muôn ngàn giá áo túi cơm khác hắn đã gặp trên bước đường hành hiệp ?
    Musashi và gã mã phu đến xóm Ujii thì trời đã khuya. Hắn cảm ơn, trả công xong, định vào trong xóm thì người mã phu giữ lại, rụt rè hỏi:
    - Khách quan đến nhà ai ?
    - Tsujikaze.
    - Bây giờ khuya rồi, từ đây về đến trấn cũng hết đêm. Khách quan cho tiểu nhân theo được không ? Tiểu nhân ngủ ngoài hiên, tìm cái gì cho ngựa ăn, rồi sáng mai kiếm mối trở lại trấn, cũng được thêm chút tiền.
    Nhìn gã mã phu, Musashi thương hại. Thân thể gã gầy yếu, chiếc áo chẽn với sợi giây thừng thắt ngang lưng đã sờn rách, đôi dép cỏ mòn vẹt gót. Đêm nay lạnh, có thể có tuyết rơi, đi tắt đường nào thì cũng không về đến Kuwana trước khi trời sáng.
    Hắn gật đầu:
    - Vậy theo ta. Nếu không tìm được nhà Tsujikaze thì mình tìm chỗ khác !
    Tsujikaze mở một lò rèn. Giá trời chưa tối, hỏi thăm quanh đấy chắc họ chỉ đường cho ngay, nhưng khuya khoắt thế này bất tiện quá. Trong thôn yên lặng, ngoài tiếng chày gỗ đập thình thịch đều đều, không còn nghe tiếng gì khác.
    Musashi đồ chừng có người còn giã gạo hay đậu gì đó, bèn cùng với người mã phu theo hướng tiếng chày mà đi tới. Một lúc sau thấy lập lòe ánh sáng qua lùm cây, rồi cả hai đến trước một căn nhà ngoài hiên than củi xếp ngổn ngang và lù lù một đống sắt vụn. Cánh cửa hé mở, ánh sáng vàng vọt của bếp lửa đặt giữa nhà bập bùng vẽ lên vách lem nhem mồ hóng những hình thù cổ quái đang nhảy múa. Trước bếp lửa, một người đàn bà ngồi xoay lưng ra ngoài, tay áo xắn cao, đang dùng một cái chày gỗ ra sức đập vào mớ quần áo để trên phiến đá.
    Thì ra họ đã đến đúng cửa hàng lò rèn của Tsujikaze. Gã mã phu đẩy cửa bước vào. Người đàn bà giật mình kêu lên một tiếng ngắn.
    - Chào bác. Trong này ấm quá nhỉ, bác cho sưởi nhờ chút.
    - Ngươi là ai ? Hỏi gì ?
    Gã mã phu đến ngồi xổm bên bếp, xòe hai tay ra đưa đi đưa lại trên ngọn lửa:
    - Tôi là mã phu ở trấn dưới. Có khách quan đây muốn gặp bác Kohei.
    Người đàn bà quay ra, vừa lúc Musashi bước vào. Nhìn y phục và dáng khập khiễng của hắn, thiếu phụ hơi cau mặt, giọng hách dịch:
    - Đóng cửa lại ! Gió lùa làm thằng bé cảm bây giờ !
    Musashi lùi lại khép cửa rồi ra ngồi trên khúc gỗ cạnh vách. Phòng trong có tiếng động, thiếu phụ bỏ đống quần áo đang giặt, chạy vội vào. Musashi nhìn theo thấy bà ta lật chăn, bế một đứa trẻ nhỏ lên cho bú.
    Hắn đảo mắt nhìn quanh. Căn phòng hắn ngồi có lẽ là cửa hàng vì ở góc thấy có một cái bễ bỏ không, trên vách treo la liệt những lưỡi liềm, cuốc, dao phát và một vài nông cụ lặt vặt khác. Trần nhà mồ hóng bám đen, rủ xuống lòng thòng như thạch nhũ.
    Gần cửa vào phòng trong, có treo một nông cụ hình thù quái dị hắn đoán chừng là món võ khí người mã phu nói đến hồi nãy. Mắt Musashi sáng lên. Hắn để ý quan sát, quả là một thứ võ khí kỳ lạ, giống như cái gậy ngắn, rất tiện giắt thắt lưng, đầu có khoen, móc sợi dây xích sắt. Cuối sợi xích là một quả đầu tròn không biết làm bằng gì nhưng trông có vẻ nặng. Tiếng người đàn bà trong phòng vọng ra.
    - Chắc khách quan cũng là một trong những lãng nhân giang hồ đi khất cái để tìm thầy học võ chứ gì ! May mà trượng phu ta đi vắng chứ nếu không thì hẳn không toàn thây ra khỏi chỗ này đâu !
    Người mã phu tỏ vẻ bất bình. Gã nhìn vào phòng trong rồi liếc xéo Musashi thấy hắn vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Thiếu phụ cười hích hích ra vẻ tự mãn và bằng lòng với câu nói này lắm. Không muốn để mất lòng người đàn bà, Musashi hỏi:
    - Thế ra ngài Tsujikaze đi vắng hả ? Đi đâu vậy ?
    - Đền Arakida.
    - Đền Arakida ở đâu ?
    - Đến Ise mà không biết đền Arakida thì lạ thật !

Chia sẻ trang này