1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ký sự Sài Thành

Chủ đề trong 'Đất Sài Gòn' bởi Doan_Chi_Thuy_new, 05/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Gian nan nghề bắt chó chạy rông
    Thử đi một chuyến với các nhân viên tổ bắt chó chạy rông thuộc Chi cục Thú y TP, bạn sẽ thấy công việc cực nhọc, nguy hiểm như thế nào. Những vụ hành hung xảy ra thường xuyên. Họ làm việc vì sự an toàn của người trên dân đường phố, nhưng nhiều người không hiểu được điều đó.
    [​IMG]
    Bắt chó chạy rông trên phố
    Chuyến đi hồi hộp
    Chúng tôi xuất phát ở Trạm Kiểm dịch Động vật vào lúc 6 giờ sáng. Tổ bắt chó chạy rong trên xe gồm 6 người : 3 anh nhân viên trực tiếp bắt chó là Thiện, Nhơn, Na, 1 người ghi chép "lịch trình" là anh Thắng , bác tài tên Thành. Sở dĩ chúng tôi phải xuất phát sớm là vì lũ chó thả rông hay ra đường vào lúc sáng , khi thời tiết còn dịu mát. Đến trưa nắng gắt việc đuổi bắt chó rất vất vả. Xe đi về hướng quận 8, rẽ vào đường Âu Dương Lân thì gặp ngay một con nái xề đang chạy dọc lề đường. Nhanh như chớp, một nhân viên nhảy xuống xe, tung chiếc ống sắt đầu có thòng lọng vào cổ con chó và kéo vào thùng xe. Vài người đang đứng ở lề đường, có lẽ là chủ chó, tỏ thái độ bực bội nhưng chúng tôi đã rẽ ra đường Phạm Thế Hiển, đi dọc theo hướng Bình Chánh. Khi đến cuối Phạm Thế Hiển thì có thêm 5-6 con nữa bị bắt. Anh Thắng vừa cầm sổ ghi chép đặc điểm từng con, nơi bắt , vừa cảnh báo cho tôi biết chuyện chận xe gây gổ, hành hung nhân viên bắt chó là xảy ra thường xuyên. Quả vậy, qua đến đường Ba Tơ thì bắt đầu có "sự cố": Xe định dừng lại bắt một con Bẹcgiê lang thang bên lề thì một thanh niên chạy xe máy xông ra ngay trước xe bắt chó, vẻ mặt thách thức . Một số người khác đứng gần cũng tỏ vẻ hầm hè muốn làm dữ. Anh Thành liền dận ga đi tiếp. Vài phút sau, các nhân viên lại tóm được một con chó lớn màu vàng trên đường Liên tỉnh lộ 5. Anh Thắng quay ra phía sau, nói : "Bọn họ chuẩn bị đuổi theo". Thật vậy, chúng tôi đi chưa đầy 1km thì 3-4 xe máy và 1 xe ba gác chở theo mấy thanh niên cởi trần trùng trục, chận xe chúng tôi lại. Một gã to béo nhảy lên xe chửi bới tục tĩu đòi phải thả ngay con chó vừa bắt được, nếu không sẽ thanh toán. Giằng co một lát, các nhân viên bắt chó thấy họ làm dữ quá đành phải tuân theo. Anh Thành cho biết: "Thông thường khi bị rượt đuổi chúng tôi chạy đến trụ sở CA hoặc UBND phường, nhưng đoạn này vắng nên đành chịu". Tôi được một phen hồi hộp... Đến 10 giờ trưa thì bắt được 20 con chó chạy rông, đúng theo "chỉ tiêu" được giao. Cũng may chuyến đi hôm ấy không có vụ hành hung nào xảy ra. Một vài người buôn bán lề đường định làm dữ, có người toan ném cả ghế vào xe nhưng nói chung mọi việc êm thắm. Anh Thắng nói đùa là có tôi làm khách nên gặp may, xong việc sớm và an toàn.
    Bị đe doạ hàng ngày
    Công việc của người bắt chó chạy rông khá vất vả, nguy hiểm. Họ phải đứng phơi nắng suốt buổi phía sau xe, bên cạnh ***g nhốt chó hôi hám, có thể bị chó dại cắn bất cứ lúc nào. Tổ có 7 người , kể cả tổ trưởng, tài xế và quản lý kho. Công việc thường xuyên là sáng đi bắt chó, chiều đi xông trùng ở các chợ. Thu nhập trung bình mỗi người chỉ có 1,5 triệu đồng nhưng công việc lại rất cực nhọc, nguy hiểm. Mối nguy hiểm chính không phải từ chó dại mà từ phía con người. Những vụ gây gổ, hành hung nhân viên tổ bắt chó cứ xảy ra như cơm bữa. Cứ khoảng 5-7 ngày là có 1 vụ hành hung, chưa kể những trường hợp chửi bới, doạ dẫm lặt vặt. Mỗi nhân viên bắt chó đều mang trên người vài vết sẹo do bị đánh hoặc ném đá. Anh Thiện chìa cho tôi xem một vết trên khuỷu tay và kể: Một lần trên đường Phạm Thế Hiển, anh bị chủ chó dùng cả một chiếc đèn sắt có chụp thuỷ tinh ném trúng, máu chảy lai láng. Không phải chỉ có chủ chó hay gây sự, đôi lúc những người không liên quan cũng nhảy vào can thiệp. Anh Nhơn- một nhân viên khác - đã từng bị một đám lái xe ba gác tại ngã tư An Sương vây đánh bằng cây gỗ vuông sau khi bắt một con chó cách đó vài chục mét, suýt nữa thì toi mạng. May mà anh dùng chiếc ống sắt dùng bắt chó đỡ kịp và tháo chạy, chỉ bị sưng đầu gối. Chính vì vậy, trong một chuyến đi, tài xế không bao giờ cho xe quay lại đường cũ, khi về phải tránh những tuyến đường đã qua. Cách nay nửa năm, sau khi bắt một con chó chạy rông trên đường vào cảng rau quả (quận 7), lúc xe quay ra chủ chó chận đầu xe đập nát cả kính. Anh Thắng bị đánh vào mặt. Tôi hỏi: "Những lúc xảy ra sự cố, các anh giải quyết bằng cách nào". " Điện thoại hoặc chạy ngay đến trụ sở CA phường gần nhất- Anh Thắng đáp- Lâu dần chúng tôi thuộc lòng địa điểm của CA hoặc UBND các phường trên tuyến đi. Tuy nhiên, không phải lúc nào CA cũng hỗ trợ, có trường hợp CA rất tích cực giải quyết nhưng đôi khi cũng làm ngơ cho qua chuyện". Và anh kể, có lần xe bị chận ở quận 7, anh gọi điện thoại 113, ở đây trả lời gọi CA phường, nhưng cuối cùng CA phường cũng không đến. Cả tổ phải tự tìm cách tháo chạy. Cách đây 4 tháng ở quận 8, anh Thiện bị ném đá chảy máu đầu, hung thủ ngang nhiên bỏ đi mà chẳng ai dám làm gì. Thông thường, nếu CA có giữ được thủ phạm cũng chỉ lập biênbản phạt cảnh cáo rồi thôi. Từ trước đến nay chỉ có 2 trường hợp bị ra toà: bà Võ Thị Lệ T (quận 10) cầm dao rượt chém nhân viên bắt chó ngay trong trụ sở Chi cục Thú y, và ông Đào Văn Đ (quận 12) đánh một nhân viên bị thương.
    Trung bình mỗi năm tổ bắt chó bắt khoảng 4.000 con chó chạy rông. Đây là mối nguy hiểm chết người - nguồn lây truyền bệnh dại. Tuy nhiên, nhiều người dân không ý thức được điều này và có thái độ không đúng với những người bắt chó. Một số người không phải chủ chó cũng phản ứng không tốt. Họ không nghĩ đến việc bản thân hoặc con cháu có thể bị chó dại cắn bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Chi cục Thú y, khoảng 40% chó chạy rông chưa qua tiêm phòng bệnh dại. Trung bình mỗi năm ở TP HCM có 82.728 người bị chó cắn, trong đó có 9.227 ca nghi là dại, phải tiêm phòng 8 mũi. Chi phí vaccine và đi lại điều trị khoảng 16 tỷ đồng/năm. Hoạt động của tổ bắt chó chạy rông góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa mối nguy hiểm này. Thế nhưng, trong khi cả tổ hoạt động tích cực vì sự an toàn của người dân trên đường phố thì chính họ lại thường xuyên bị đe doạ hành hung. Điều này khiến cho công việc hàng ngày trở nên cực nhọc và chán ngán.
    T.Phương
  2. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Sanh đêm
    Đêm ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ được bắt đầu khá sớm. Sau ca trực chiều lúc 17 giờ là bắt đầu một êkíp trực đêm. Bắt đầu từ giờ phút này đến khi bình minh ló dạng vào hôm sau, mọi việc ở từng vị trí, của từng bà đỡ vẫn sẽ được thực hiện với yêu cầu nhanh, chính xác hệt như guồng máy đang chạy giữa ban ngày, để chuẩn bị chào đón, đôi khi phải "giành giật" để có được từng mầm sống bé nhỏ, từng công dân mới cho cuộc đời...
    Nỗi lo của người "vượt cạn một mình"
    Được sự đồng ý của Ban giám đốc, trong vai một nữ hộ sinh, tôi đã tham gia vào ca trực tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ vào đêm 13.6. Một bác sĩ đã cảnh báo: "Tham gia trực một đêm là sẽ ngán thiên chức làm mẹ của phụ nữ ngay!". Nghe câu "dọa nạt", tôi chỉ biết... cười.
    20 giờ 45 phút, tôi có mặt tại phòng sanh. Hơn ba chục chiếc giường sắt được trải ga trắng phau, kê sát dọc hai bên tường. Trong ánh đèn nêông, gương mặt của hơn 30 sản phụ đang nằm chờ tại phòng sinh nom càng xanh xao. Tất cả cùng chung vẻ đau đớn về thể xác.
    Bước vào phòng sinh số 4 - nơi đặt hai bàn sinh với hai sản phụ đang trong tư thế để chuẩn bị "khai hoa nở nhụy", tôi bắt chuyện sản phụ Thanh Diệp bằng những câu an ủi. Chị Diệp đáp lại bằng từng câu ngắt đoạn sau mỗi cơn gò bụng chuyển dạ. Trong gương mặt gần như méo xệch, trán lấm tấm mồ hôi, một tay bấu chặt vào thành bàn sanh, một tay nắm chặt tay tôi, chị gần như khóc: "Khi nào mới sinh được bác sĩ ơi", "Mẹ ơi! Con chết mất"... cùng với tiếng rên rỉ của Diệp hàng loạt những câu than vãn tương tự vang lên, kéo dài...
    Ông bà xưa đã ví không sai khi bảo phụ nữ khi sanh là "đi biển mồ côi một mình". Theo một nghiên cứu của giới chuyên môn thì sự đau đớn của phụ nữ trong khi sanh sẽ phát sinh là một lực rất lớn, khiến họ có thể bẻ cong một thanh sắt mà khi thường, các lực sĩ cũng khó lòng bẻ nổi... Song, để bù lại cho cái nguy hiểm và đau đớn về thể xác ấy, đó là niềm hạnh phúc, hân hoan của bà mẹ khi được nghe tiếng khóc chào đời của đứa con.
    Trở lại phòng chờ sinh lúc gần 2 giờ sáng, tôi gặp chị Anh Thư - một trong 32 bà bầu vẫn còn trằn trọc bởi cơn đau chuyển dạ. Trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, chị tâm sự: "Mình sinh con đầu lòng nên cũng lo lắm, không biết con mình có khoẻ, có lành lặn như mọi người không?". Và rồi còn có không ít những nỗi lo rất vu vơ của các đức ông chồng khi túc trực chờ kết quả hành trình "đi biển" của vợ. Anh Văn Hùng - nhân viên công ty điện thoại thành phố - đã đứng ngồi không yên khi chưa biết con mình là trai hay gái. Hồi hộp và lo lắng đến phút chót bởi đây đã là lần thứ hai gia đình anh xé rào, vi phạm chủ trương kế hoạch hoá gia đình chỉ vì kiếm người "nối dõi tông đường".
    Sanh đêm - con người sợ hãi, căng thẳng hơn
    Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm đón nhận trên 36.000 lượt sản phụ. Năm 2000 - một trong những cột mốc thời gian đáng nhớ, số ca sanh vọt lên đến 37.530 ca; năm 2001 là 35.390 ca. Nếu tính trung bình, ước chừng mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 100-120 lượt bé được sinh ra. Còn theo kinh nghiệm cụ thể của những nữ hộ sinh lâu năm thì số trẻ được sinh ra trong ngày chia đều cho cả sáng lẫn tối.
    Đứng về mặt chuyên môn mà nói, sinh ban ngày hay ban đêm chẳng có gì khác nhau. Song, về tâm lý, bao giờ ban đêm cũng tạo cho con người nỗi sợ hãi, căng thẳng hơn. Và điều này ảnh hưởng đến nhân viên y tế nhiều hơn là sản phụ bởi bất kỳ sai sót, một bất cẩn nào, dù nhỏ nhất của nữ hộ sinh, đều ảnh hưởng tức thì đến sinh mạng hai con người cả mẹ lẫn con.
    Ở vị trí trực tổng quát, bác sĩ Lăng Thị Hữu Hiệp - Trưởng khoa Siêu âm, chẩn đoán hình ảnh - cho tôi biết: "Ban ngày từng bác sĩ chỉ thực hiện chức năng ở một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Đêm trực sẽ là toàn cảnh với những ca cấp cứu nặng, điển hình thường được chuyển đến đây để xử trí vì Từ Dũ là một trong những bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối trong chuyên khoa sản. Những lúc này đòi hỏi thầy thuốc phải có phản ứng nhanh, chính xác để có đưa ra những y lệnh thích hợp để có thể cứu sống sinh mạng người bệnh trong gang tấc".
    Và "cuộc đời bị đánh cắp"
    Tôi thầm so sánh mầm sống ấy - đứa bé được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV - là những "cuộc đời bị đánh cắp", bởi bé đã phải chịu một cái án treo tử hình trước khi có được cái tên cho nó ghi trong khai sinh. Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động. Theo nghiên cứu của BV Từ Dũ thì năm 2000 con số này là 115 trường hợp. Qua năm 2001 đã tăng lên 150. Và ước tính trong sáu tháng đầu năm 2002 con số đó là cả trăm ca. Thậm chí có ngày có đến 5 trường hợp sản phụ bị nhiễm HIV nhập phòng sanh. Ngay trong ngày 13.6, cũng đã có tới 3 trường hợp mẹ bị HIV. Một trong ba sản phụ này - chị L.T. M.L (18 tuổi, quê ở Cần Giuộc) - qua hai lần test nhanh, đã phát hiện nhiễm HIV. Nhưng thật oái oăm, cho đến khi đứa bé đã chào đời, chị vẫn chưa được biết gì về cái án "tử hình" dành cho mình. Chị thổ lộ với tôi khi vừa qua cơn "vượt cạn" được hơn một tiếng: "Thấy con lành lặn, mình quên hết cả đau đớn lúc sinh, bé trai đầu lòng chính là sự mong đợi của gia đình chồng. Mình chỉ là thợ may thôi nhưng sẽ cố gắng dành tất cả những gì tốt nhất cho con"... Tôi hiểu chị hoàn toàn không biết rằng, trong số thuốc mà các nữ hộ sinh trước đó đã yêu cầu chị uống 24 giờ trước khi sinh có Nevirapine - một loại thuốc có tác dụng phòng nhiễm HIV từ mẹ lây truyền sang con bằng đường máu - "Từ hơn một năm nay, tình trạng sản phụ nhiễm HIV tăng nhiều, bệnh viện đã kêu gọi được sự tài trợ và cho sản phụ sử dụng thuốc Nevirapine miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay thuốc cũng đang cạn dần, rất cần hỗ trợ từ phía Bộ Y tế" - Chị Đào Bích Vân - thư ký phòng giám đốc - nói. Với tốc độ gia tăng đáng kể của những ca HIV như hiện nay, bệnh viện Từ Dũ đã bố trí riêng một phòng sinh cho đối tượng này, tất cả những dụng cụ sẽ chỉ được dùng một lần và xử lý đúng theo quy trình huỷ rác y tế. Bệnh viện còn thành lập nhóm bác sĩ chuyên về vấn đề này để tư vấn tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình khi xuất viện.
    Tôi chia tay cùng ca trực, rời khỏi bệnh viện khi tia nắng đầu tiên vừa đến. Một đêm trắng đã trôi qua và 33 công dân mới đã chào đời. Chưa một đứa bé nào được có tên riêng, tất cả vẫn còn gọi theo tên mẹ. Thế nhưng, trong 33 mầm sống bé nhỏ ấy, đã có một số phận bất hạnh. đó là cậu bé con chị M.L. Bé được những người trong ca trực đặt cho cái tên để phân biệt "bé HIV" .
    Người sản phụ cuối cùng rời khỏi bệnh viện cũng chính là mẹ bé - chị M.L. Khi ấy, ánh mắt chị vẫn còn ánh niềm tin về một tương lai mới với đứa con kháu khỉnh, ngây thơ... Hình ảnh ấy cứ mãi đeo đẳng tâm trí tôi.
    (Thế Uyên)
  3. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Loạn tiếp viên!
    "Cần nữ phụ bán càphê", "Tuyển nữ phục vụ, có ngoại hình, lương cao"... đi qua bất kỳ một quán bar, một nhà hàng, một quán cà phê dù lớn, nhỏ, nhất là các "phố càphê" đều thấy những mẫu tuyển người như thế. Thực tế thì quán nào cũng có ít nhất vài ba em phục vụ. Ngoại trừ các quán bar, nhà hàng thì đa phần các quán cà phê đều nhỏ, lèo tèo vài ba chục ghế... thế mà một năm mười hai tháng lúc nào cũng cần tuyển người phục vụ.
    Tiếp viên - nghề dễ xin việc nhất!
    Ở thành phố này, các nhà hàng, các quán bar nhất là các quán càphê mọc nhiều như nấm, nhìn đâu cũng thấy. Vào bất cứ một quán nào cũng nhan nhản các em phục vụ. Đi dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc, khu cư xá Bắc Hải, khu Bàu Cát.... các quán càphê mọc san sát nhau, nhiều người gọi đó là các khu "phố càphê hai dây". Gọi như thế là bởi ở đây, quán càphê nhiều hơn nhà ở và quán nào cũng có các em phục vụ, mà em nào cũng model, quần ống to như cái loa, áo thì chỉ loại "hai dây" hở ngực, hở rốn, mặt lòe loẹt phấn son...
    Tôi vào vai một người xin phụ bán càphê, sau vài lời, tôi được ông chủ quán nhìn từ đầu tới chân và: "Em thì cũng được nhưng..." sau một vài giây lấp lửng: "Phải biết cách ăn mặc". Vừa nói ông vừa chỉ vào chiếc áo sơmi của tôi. Vào thử mấy quán xin việc, quán nào cũng thế. Có chủ quán rất tích cực, sau vài câu có thể gọi là trò chuyện thì chủ quán bảo ngày mai thậm chí là tối nay làm luôn. "Không nghề nào dễ xin như nghề này" - Thu - một phục vụ ở quán càphê nói. Chỉ cần xinh một tí, biết ăn mặc một tí, biết chiều khách một tí là... OK rồi. Tiếp viên ở các quán bar, nhà hàng thì có yêu cầu cao hơn là phải tốt nghiệp PTTH và phải có giấy tạm trú hoặc một vài giấy tờ gọi là hợp pháp để phòng khi cơ quan chức năng đi kiểm tra. Các chủ quán không cần biết rõ nhân thân, quê quán của người đến xin việc. Không một hợp đồng, không chứng nhận mà chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận miệng. Chuyện tuổi tác thì càng trẻ càng tốt, cho nên có cô mới 14-15 tuổi mà đã có thâm niên phục vụ quán 1-2 năm.
    Các cô gái hoạt động trong lĩnh vực phục vụ đa phần là từ quê lên thành phố, không có bằng cấp. Lượng tiếp viên ngày càng tăng lên. Chính vì thế mà hoạt động của tiếp viên như "loạn", không thể kiểm soát nổi. Trong "đội ngũ" tiếp viên, có người ăn mặc kín đáo luôn biết giữ khoảng cách thì cũng có người lợi dụng nghề tiếp viên để hoạt động trá hình như mại dâm, buôn bán ma túy thậm chí có những hành động gây dục tính cho khách vì họ chỉ muốn được chủ mến và kiếm thêm tiền.
    Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ
    Một thực tế là quán nào cũng có tiếp viên, có rất nhiều là đằng khác. Nhưng không một cô nào có thể trụ lâu ở một quán cũng như trụ lâu ở nghề này. Bởi công việc thì vất vả, phục vụ khách đến 1-2 giờ sáng là chuyện thường có khi phải ngồi cả đêm, tiền lương chỉ 500.000đ/tháng. Nếu đẹp, có ngoại hình biết chiều khách thì lương cao hơn: 800.000-1 triệu. Nhưng công việc thì cực vô cùng, đã vậy nhiều lúc gặp phải ông chủ "này nọ" thì còn mệt nữa. Chính vì vậy có tiếp viên chỉ vài tháng, thậm chí vài ngày đã đi tìm một chỗ làm khác. Thế nhưng chỗ nào cũng vậy. Có chỗ chủ bắt buộc phải ngồi với khách, nếu muốn làm việc, muốn có tiền thì phải chịu nhưng không biết giữ mình thì sa ngã lúc nào không hay. Rất ít người biết dành dụm để học lấy một nghề ổn định hơn hoặc về quê buôn bán. Chủ quán cũng chả cần, người này nghỉ thì tuyển người khác, người mới, người đẹp, khách càng nhiều. Những người lao động nhập cư nhất là các cô gái trẻ lại tiếp tục lao vào. Và cứ như thế lượng tiếp viên không bao giờ giảm mà ngược lại tăng lên liên tục. Hiện chưa ai thống kê hết được, nhưng theo ước tính của cơ quan chức năng, toàn thành phố hiện có khoảng trên 10.000 lao động làm nghề này. Hoạt động của các tiếp viên ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
    Từ thực tế trên, cho thấy thành phố cần có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn lao động trong lĩnh vực này để hạn chế tệ nạn mại dâm, hút chích và buôn bán ma túy tại các quán cà phê, tạo môi trường giải trí thật sự trong sạch cho người dân.
    Huỳnh Vi Thảo
  4. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Đến Bình Chánh thăm xóm mù
    Trong cuộc sống, có những mảnh đời khuyết tật, có những người mù hai mắt... Số phận của những con người ấy sống và sinh hoạt sẽ ra sao? Theo chân một cụ già xin ăn, vào con hẻm nhỏ trên con đường Tân Kỳ Tân Quý xã Bình Hưng Hòa huyện Bình Chánh (TPHCM) tôi đến với xóm mù ấp 3. Một xóm gần 50 hộ nhưng có khoảng 15, 16 hộ người mù đang sinh sống tại đây.

    Xóm mù ấp 3 xã Bình Hưng Hòa được hình thành vào khoảng 1972 - 1973. Lúc đầu xóm này chỉ có hai dãy nhà do các cha xứ Công giáo xây cất cho những người mù, khuyết tật và đưa họ về đây ở, giúp cho họ có một mái nhà che mưa che nắng. Hai dãy nhà được xây cách nhau một bức tường, nền tráng xi măng, mái tôn, nhiều lắm là chừng hai mươi mét vuông. Ban đầu, số người mù ở đây rất ít, chừng vài ba người. Dần dần, số hộ đông hơn. Họ đến từ thành phố và các tỉnh, gặp nhau rồi rủ về sống gần gũi và nương tựa vào nhau. Họ vất vả trải qua nhiều nghề, nhưng cuộc sống chính của xóm này là làm nghề bán vé số, làm bàn chải bán dạo, lấy ve chai... Hộ nào cũng có 2, 3 người mù. Hộ nhà anh Nguyễn Văn Phước (305/1a ấp 3 xã Bình Hưng Hòa) có 6 người trong đó hết 4 người bị mù còn 2 đứa cháu sáng mắt...
    Một buổi trưa, tôi đến với ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lai. Cả hai đều mù. Tôi không thể ngờ một ngôi nhà không có con cháu nhưng mọi thứ trong nhà đều rất ngăn nắp và sạch sẽ. Anh vừa rót nước với đôi tay run rẩy vừa tâm sự: "Tui có hai thằng con trai, một thằng chết năm 1999, một thằng thì theo bọn xấu, không ngó ngàng gì đến ba má của nó. Vợ chồng tui đau bệnh triền miên, buôn bán bị thua lỗ...". Anh về đây năm nào cũng không nhớ, có lẽ khi xóm này thành lập được 2 - 3 năm. Anh bị bệnh nhức đầu. Chị Vân - vợ anh bệnh viêm não. Cả hai bệnh đã lâu nhưng không có tiền mua thuốc. Anh chị làm đủ nghề, nghề truyền thống của vợ chồng anh mấy chục năm qua là nghề bán vé số. Nghề nào cũng trải qua nhiều thăng trầm. Ngày nào lấy vé số không có tiền trả cho chủ, gần chiều bán không hết phải nhanh chóng về trả lại cho họ. Ngày nào trời mưa, anh càng khổ hơn, nếu không bán hết anh đành phải chịu lỗ vốn. Còn nghề bán bàn chải, đông người bán, các loại bàn chải ở thành phố cạnh tranh ngày càng nhiều nên cũng rất khó. Có khi anh cõng bao bàn chải cồng kềnh đi khắp các chợ, thành phố về Cần Thơ, Sóc Trăng bán. Đôi khi còn bị bọn ma túy giựt sạch cả vé số và bàn chải. Họ trên 50 tuổi, tay chân run rẩy, không con cháu nương tựa. Mặc dù anh chị đã nghỉ đi bán hơn 2 năm nay, tình trạng bệnh tật ngày càng trầm trọng, không có tiền nên đôi ba bữa anh phải đi bán một lần, kiếm tiền ngày nào đỡ ngày đó.
    "Tiền bán buổi sáng ăn buổi sáng, buổi chiều không có thì chịu nhịn đói!" - anh than thở. Cứ như vậy, anh chị đã sống suốt mấy chục năm nay. Công việc mưu sinh của người mù đầy khó khăn và gian khổ. Song ước mơ của người mù thật nhỏ nhoi "chỉ cần vợ chồng tôi mạnh khỏe, chứ ốm đau hoài rầu lắm...". Ngôi nhà anh Lai trống trước, trống sau, tôn bị thủng lỗ chỗ. Mẹ anh - bà Nguyễn Thị Diêm 72 tuổi cũng bị mù nói: "Nhà dột mục nát, phải có hai ba trăm ngàn mua tôn lợp lên,... nhưng không có...".
    Đến xóm mù này, tôi ngạc nhiên "sao không thấy có trẻ con". Tôi đã nhầm, các em phải đi làm việc đến hơn 6 giờ mới về. Cha mẹ chúng cũng là những người mù, sớm phải cho chúng làm đủ nghề như: Bán vé số, lấy ve chai, có cả xin ăn... Cuộc sống của chúng sớm rong ruổi khắp nơi, không được chăm sóc chu đáo, huống chi là nghĩ đến việc đi học. Những năm gần đây, Nhà nước đã có biện pháp đưa trẻ đến trường. Lúc đầu chỉ có 10% sau lên đến 20%. "Do dân địa phương không có giấy tờ, họ đến đây chỉ để đi làm, con họ lớn lên cho đi bán phụ gia đình, chỉ học ở lớp học tình thương". Đó là lời phát biểu của chị Nga - tổ trưởng tổ 14 xã Bình Hưng Hòa.
    Theo lời chị Nga "khu đất đang có thể bị giải tỏa", việc mưu sinh, tinh thần của họ sẽ ra sao khi đối diện với cuộc sống mới? Đây cũng là nỗi âu lo cho người dân ở đây. Xóm người mù giờ chỉ trông chờ vào thế hệ con cháu của họ được đổi đời. Bởi con em người mù đa số là sáng mắt, là tương lai của thế hệ sau rất cần đưa chúng đến trường.
    (Đỗ Thị Huyền Trang)
    Và có 1 sự thật đau lòng: Khi tôi công tác ở đó có 1 đứa trẻ 11 tuổi đã ra tòa với tội danh ***** (nạn nhân: 1 em gái 5 tuổi).
    Trước tòa em khai là do thấy cha mẹ đều mù lòa sinh hoạt nên em để ý bắt chước ( tội lỗi do ai???)
  5. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Ma-ra-tông... "vé dò"
    Băng băng qua những con đường đầy xe cộ, luồn lách vào những con hẻm ngoằn ngoèo, sâu tít... Những đôi chân trần chạy "bán sống, bán chết". Cặp mắt dáo dác nhìn chung quanh. Miệng vừa thở hồng hộc vừa rao: "Vé dò đây, vé dò đây...". Đó là những thằng bé, con bé mà người ta quen gọi bằng hai tiếng... "vé dò".

    "Phải chạy cho nhanh"
    Vào dịp hè, đội quân bán vé dò ở TPHCM tăng đột biến về số lượng. Chiều nào cũng vậy, vào khoảng từ 16 giờ 30 đến 18 giờ trên các nẻo đường của TP, nơi nào cũng có những cô cậu bé chừng 16 tuổi trở xuống, tay cầm những tấm giấy photo kết quả xổ số mới xổ chạy thụt mạng đi bán. Nhiều người ở tỉnh lên, không khỏi ngạc nhiên, trân trối nhìn theo những gót chân chạy thục mạng mà tự hỏi: "Không biết chuyện gì xảy ra mà tụi nhỏ chạy dữ?" Còn những người hay mua vé số hoặc ghi đề thường ngoắc chúng lại, lấy một tờ bỏ túi và trả năm trăm đồng. Mỗi khi có kết quả xổ số, để được trong tay mình những xấp giấy dò nhanh nhất bọn nhóc tranh giành nhau ở những điểm phân phát hay những nơi photo, và cố chạy nhanh hơn những "đồng nghiệp" mong bán nhiều hơn. Cuộc mưu sinh của những đứa trẻ bán vé dò này diễn ra chớp nhoáng trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng mỗi ngày trôi qua, tụi nó vẫn thế: tranh giành và thi nhau chạy... Thằng bé tên Hoàng - nhà ở Bùi Đình Túy, Q. Bình Thạnh - 15 tuổi, có hơn hai năm kinh nghiệm trong nghề bán vé dò, nhìn tôi với cặp mắt trải đời tâm sự: "Bán vé dò phải quen nhiều mối, phải chạy nhanh mới bán nhanh và nhiều. Còn thằng nào mới bán thì phải vừa chạy cho nhanh vừa rao". Những người nào thường là "mối" của em? - tôi hỏi: "Mấy người chơi đề". Chẳng có gì bí mật, thằng bé bật mí nguồn thu nhập của nó: "Em là thằng bán nhiều nhất, mỗi chiều bán được hơn hai chục vé, kiếm hơn mười ngàn. Có hồi mối trúng đề boa thêm". Nhà Hoàng có ba anh em, đến lớp 9 Hoàng đã phải nghỉ học. Buổi sáng, em ra chợ Bà Chiểu, ai sai gì làm nấy, xế chiều tranh thủ "chạy" để kiếm thêm mấy đồng phụ mẹ. Nhìn mái tóc dài, vàng hoe phủ xuống khuôn mặt đen sạm vì nắng của Hoàng, tôi càng hiểu rõ nó đã lăn lộn như thế nào để kiếm sống. Còn Sơn nhà ở đường Trần Văn Kỷ, Q. Bình Thạnh, ban ngày giúp mẹ bán rau ở chợ chồm hổm, buổi chiều "chạy" bán vé dò để có tiền tiêu vặt, khỏi phải xin mẹ.
    [​IMG]
    Những đôi chân trần vẫn miệt mài "chạy" mỗi chiều
    Những gót chân trần...
    Những đôi chân của các đứa trẻ "vé dò" dường như đã chai hẳn đi. Không giày, không dép. Với đôi chân trần, tụi nhỏ cứ chạy thục mạng, mong bán được nhiều tiền. Chính tụi nó cũng không biết đôi bàn chân của mình đã chai cứng từ khi nào. Chuyện bị xe đụng hay rách chân chảy máu đối với chúng như cơm bữa. Minh - học lớp 3 trường Bình Hòa, hay bán vé dò trên đoạn đường Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh vô tư kể: "Mấy ngày đầu, em chạy về chân phồng lên đi không được luôn. Má em không cho bán nữa, nhưng thấy mấy đứa trong xóm đi vui quá, vừa hết phồng chân là em "chạy" lại liền. Bé Dung, 14 tuổi, cùng trong nhóm của Minh, Hoàng, hớt lời cu Minh kể: "Còn em, chạy đạp phải đá dăm của mấy ông làm đường không chịu dọn sạch, rách chân chảy máu te tua luôn. Mới hôm qua, em lại đạp trúng miểng chai, rách chân, giờ phải chạy cà thọt nè". Thằng Hoàng ngước mặt nhìn lũ em trong nhóm mình cười khẽ. Có lẽ, chỉ có đôi chân của Hoàng ít bị chảy máu nhất, nó nói: "Chảy gì nữa, chai rồi. Hồi mới "chạy" thằng nào cũng vậy. May mà chưa có đứa nào ở đây đạp phải kim chích xì-ke. Nhưng vẫn hay bị xe đụng".
    Nhìn những khuôn mặt đỏ như trái gấc, hớt hơ hớt hải, mắt dáo dác, lưng đẫm mồ hôi chạy trên các con đường vào mỗi chiều mà lòng tôi thấy ái ngại. Tấm vé dò có thể là niềm vui, là nỗi buồn đối với những ngưòi chơi đề hay vé số. Bọn trẻ không cần biết. Điều quan tâm của chúng là làm sao bán được càng nhiều, càng tốt. Khi có những đồng tiền do tự mình kiếm được, tụi nhỏ biết tiếc rẻ khi bị mất hay xài vô cớ. Đó cũng là một bài học vậy. Những đứa trẻ "Vé Dò" mà tôi đã gặp, nào là Minh, Hoàng, bé Dung, cu Sơn... và bao đứa khác nữa, chúng còn quá nhỏ nhưng vì nhà nghèo đã phải sớm bỏ việc học hành để phụ giúp cha mẹ. Nắng, mưa và gió bụi đã sớm làm các em già hơn so với tuổi của mình.
    Phan Thái Công
  6. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Đi thang máy ở Sài Gòn
    "Nhịp sống" thang máy
    Lần đầu tiên tôi đi thang máy ở Sài Gòn khi đến liên hệ công tác tại trụ sở Seaprodex ở số 49 Pasteur, quận 1, TPHCM. Một thang máy kiểu cũ thường thấy trang bị trong các khu nhà ở Sài Gòn trước 1975. Trước cửa thang máy ở mỗi tầng là nút ấn "lên" và "xuống", tải trọng thường 500-600 kg. Tất cả các nút, phím chức năng đều nằm trong buồng thang máy, dễ dàng nhìn thấy và điều khiển. Cho nên việc đi thang máy cũng thật đơn giản.
    Khi những chiếc thang máy của thời công nghệ phát triển ra đời đã dồn những chiếc thang máy cũ kỹ kia về các công sở, bệnh viện, trường học.v.v...Còn ở những khách sạn sang trọng hay những cao ốc tiện nghi, hệ thống thang máy có tốc độ nhanh hơn, thiết kế lạ, đẹp, máy lạnh mát dịu.
    Có lần tôi dẫn một đồng nghiệp từ Hà Nội vào lên tầng 33 của Trung tâm Thương mại Sài Gòn (Saigon Trade Centre) cao nhất ở TPHCM. Nhìn đồng hồ, từ mặt đất lên đến tầng 32 đi thang máy chỉ mất đúng một phút. Hệ thống thang máy ở đây có tốc độ nhanh nhất ở TPHCM gắn với một nhịp sống công nghiệp, hiện đại: Những nhân viên trong bộ đồng phục tươm tất bước đi hối hả; nhộn nhịp xe ô tô con, xe taxi đưa đón các thương gia ở khu tiền sảnh; các cô thư ký váy ngắn gợi cảm bước đi thoăn thoắt vừa nói chuyện ĐTDĐ vừa nhìn đồng hồ.v.v...Chỉ khi về đêm, mới có thêm những khách ăn mặc mát mẻ trẻ trung lên tầng 32, 33 ăn uống và ngắm cảnh.
    Thang máy chính là những "đường dẫn", "ống thông" từ các toà cao ốc nhà hộp ra ngoài xã hội. Cho nên nó mang một nhịp sống, có lúc cuộn sôi, có lúc lắng đọng. Tuy nhiên những người đến khách sạn Majectic có thể thấy, dù thuộc loại sang trọng bậc nhất ở VN nhưng thang máy ở khách sạn này lại có vẻ xưa cũ, cổ điển toát lên một dáng vẻ hoa lệ, thanh lịch và người bước vào đây có cảm giác thư thái. Vách buồng thang máy luôn sáng loáng những tấm kiếng giúp khách có thể chỉnh lại tóc tai, trang phục. Chính vì thế, việc tôi được chứng kiến cảnh say đắm trong thang máy toà nhà Sofitel Plaza cũng chẳng có gì lạ. Đôi môi của ông Tây và cô gái Việt chỉ rời nhau khi tôi "đánh tiếng sorry". Tôi cuộc rằng thang máy ở BV Chợ Rẫy đủ "tiêu chuẩn" ghi vào "Guinness Việt Nam" về số lượt người đi/ngày và số lần quá tải. Những lần tôi vào BV, đi thang máy lên lầu 7 thăm bệnh mẹ tôi, đều được anh bảo vệ nhiều lần nhắc nhở "Cẩn thận đề phòng bị móc túi, rạch giỏ!". Trong tình trạng quá tải hỗn tạp trong thang máy đã nảy sinh mấy trò láu cá.
    Mấy gã thanh niên trong lượt xuống đã ấn vào nút xuống tầng trệt và giữ rịt ở đấy không buông. Một gã cười nhăn nhở giải thích: "Như vậy người ở các tầng dưới không đi xen vào được làm mất thời gian...". Thoát ra khỏi thang máy tôi còn lợm miệng vì mùi chua nồng mồ hôi nhiều người mà chiếc quạt tường trong buồng thang máy chẳng thể xua tan.
    Đi thang cũng phải..."lụy" máy!
    "Lụy" ở đây là phải phụ thuộc vào phương thức điều khiển thang máy ở mỗi nơi nếu không sẽ bị "hành" đến bẽ mặt. Có dạo tôi phải lên toà Saigon Centre ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Lợi, quận 1 đến 4 lần trong 1 ngày. Gửi xe máy ở tầng hầm tôi dùng thang máy đi lên tầng trệt. Khi rời khỏi thang máy ở tầng trệt tôi ung dung bước vào thang máy phía đối diện cửa đang mở toang hoác, cứ nghĩ là sẽ lên được các tầng lầu. Nào ngờ, người vào cùng tôi đưa tay ấn nút, một lát sau thang máy dừng lại và tôi bước ra thì bàng hoàng nhận thấy mình đang đứng ở tầng hầm lúc nãy. Lòng xấu hổ nhưng tôi đành phải trở lên lần nữa. Lần này có một ông Tây đi cùng. Cửa thang máy lên đến tầng trệt xịch mở và ông Tây kia cũng rất nhanh chân đi về thang máy phía đối diện như tôi ban nãy. Tôi không kìm được đã bật cười. Anh bảo vệ an ninh tòa nhà thấy thế mới giải thích: Hồi nãy ông Tây lên tầng trệt bằng thang máy số 6 dùng cho các tầng hầm-tầng trệt-tầng 9-14. Còn thang máy số 5 ông ta vừa đi vào chỉ dùng cho tầng trệt-tầng hầm". Cô Trần Ngọc Na, làm việc ở tầng 6 của tòa nhà cho biết thêm,
    Đi thang máy ở Sài GònCảm giác "lên xuống, xuống lên" khi tôi đi thang máy. Như một qui trình thật đơn giản: Bấm nút lên hoặc xuống-cửa mở-bước vào-đóng cửa buồng thang máy-bấm số tầng cần đến...Nhưng giờ cái qui trình này e rằng không thể ướm vào những chiếc thang máy nay đã có nhiều cách tân về công nghệ. có dạo hàng chục nhân viên tư vấn bảo hiểm của Cty AIA cũng đã luống cuống không biết làm sao khi lỡ bước vào thang máy số 5 trong khi họ muốn lên tầng 7 để dự lớp tập huấn.
    Hệ thống thang máy mà hầu hết những người mới đi lần đầu đều bị nhầm là tại tòa nhà Metropolitan ở góc đường Nguyễn Du-Đồng Khởi. Điều này được anh Nguyễn Hữu Nguyên-GĐ tiếp thị của Nokia VN, làm việc tại tầng 8-"xác nhận": "Ngay cả các bạn và đồng nghiệp của tôi ở Singapore và một số nước sang cũng bị nhầm liên tục. Họ cứ đi thẳng vào thang máy rồi bẽn lẽn trở ra vì không tìm thấy các phím điều khiển". Tôi lấy câu nói đó để an ủi chính mình khi cũng bị nhầm như thế. Bởi thang máy ở đây không lắp các phím điều khiển chức năng bên trong buồng mà nó được đặt ngay trên lối vào hệ thống. Người đi trước tiên phải ấn phím qui định số tầng cần đến và chờ bảng điện tử hiện lên ký hiệu thang máy được chọn (A, B, C, D, E, F). Vào trong thang máy rồi nhưng tôi phải thật chú ý mới thấy bảng đèn điện tử nhỏ báo số tầng ở viền cửa. Anh Nguyên nhận xét: "Tôi đi cả chục nước Á, Âu, Mỹ và thấy những thang máy ở đó hiện đại cũng cỡ như ở toà Metropolitan là cùng".
    Chuyện đi thang máy không còn đơn giản như ngày xửa ngày xưa nữa. Cùng với sự phát triển KTXH, những công nghệ mới về thang máy cũng đã được chuyển giao vào VN. Tôi không biết phải gọi chúng đích xác là...thế hệ thang máy thứ bao nhiêu trong dòng phát triển của công nghệ này. Nhưng tôi biết chắc một điều là, chúng buộc chúng ta mỗi một ngày đều phải thích nghi với cái mới du nhập. Anh Nguyên rất thích thú với hệ thống thang máy Metropolitan: "Nó buộc chúng ta phải xác định rõ nơi mình cần đến trước khi thao tác". Hình như, công nghệ thang máy đang hướng đến việc tác động mạnh hơn vào tư duy con người...
    (Thẩm Hồng Thụy -LĐĐT)
  7. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Ăn đêm Sài Gòn
    Sài Gòn là một thành phố mất ngủ! Dường như trong sự ồn ào tất tả của cái thành phố đầy sinh lực này, ban ngày người ta luôn chạy đuổi theo một cái gì không rõ tên. Ðể rồi khi đêm đến, thành phố như lắng lại trong cái se se lạnh, khiến người con gái phải khoác lên mình chiếc áo khoác mỏng, người con trai chạy xe chậm hơn. Có một Sài Gòn về đêm với những quán cà phê khá yên tĩnh dọc theo những trục đường lớn như Ðồng Khởi, Lê Quý Ðôn, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần... với những đôi tình nhân thả bộ dọc theo đường Tôn Ðức Thắng, bến Bạch Ðằng; một Sài Gòn về đêm, xe máy đèo bạn chạy lòng vòng trên phố không mục đích, khuya mệt về nghỉ...
    Và những quán ăn đêm
    Nói đến ăn đêm, người ta thường liên tưởng đến Hà Nội. Ðơn giản vì Hà Nội lạnh. Nhất là vào những ngày mùa đông, cái rét về khuya kéo người ta ngồi sát lại với nhau hơn trong những quán ăn đêm, tận hưởng cái ấm áp của nhau và của không gian quán đêm. Ðến mức ăn đêm ở Hà Nội đã được nâng lên thành một cái thú - thú ăn đêm.
    ở Sài Gòn, ăn đêm có thể chưa phải là một cái thú, nhưng nó lại là một phần không thể thiếu, làm nên bộ mặt đời sống của Sài Gòn khi màn đêm buông xuống.
    Khác với Hà Nội, chỉ có hai nơi được coi là chốn ăn đêm tương đối tập trung là khu gần ga Hàng Cỏ (cho giới bình dân) và khu Cấm Chỉ (không bình dân) thì Sài Gòn, bạn có thể tìm được vô vàn những chốn ăn đêm thú vị.
    Món ăn có sức quyến rũ khách ăn đêm nhất có lẽ là... cháo! Cháo trắng! Bởi trước khi đi ngủ, ăn cháo nhẹ bụng, nhẹ cả tiền, mà lại không cách rách, mất thời gian.
    Khu bán cháo đang được nhiều khách lui tới ở Sài Gòn hiện nay nằm trên đường Lý Chính Thắng (khu Yên Ðổ cũ). Chỉ có một tấm biển đề "Cháo trắng" gọn lỏn cho cả dãy quán. Khách về khuya tấp xe vào, gọi một tô cháo trắng. Nhưng chẳng có khách nào lại chỉ ăn cháo trắng không cả! Bởi cùng với món bình dân ấy là vô vàn những thức ăn kèm, hấp dẫn mà vẫn... bình dân.
    Món được gọi nhiều nhất là cháo trắng ăn với hột vịt muối (trứng vịt muối mặn) hay hột vịt bắc thảo, trứng chiên 3 màu... Lòng đỏ được dầm ra, ngào cùng với cháo, làm cho món cháo trắng bình thường chuyển màu, toả ra mùi ngầy ngậy beo béo đủ làm ứa nước bọt người khách đang lúc đói lòng. Nếu như khách thuộc "trường phái" ưa hải sản thì cháo trắng có thể ăn cùng cá cơm, cá bống kho tiêu, cá cơm sấy mè, cá cơm chiên hoặc con ruốc cháy tỏi, ba khía ngào, tôm rim... Cháo ăn với thịt, có thịt kho tiêu hay các loại chà bông (ruốc) cá hoặc chà bông thịt. Như để làm cho món ăn trở nên "chay tịnh hơn", khách cũng có thể ăn món cháo trắng với các loại dưa món, dưa mắm, cà mắm hoặc cải xá bấu xào tôm khô. Cả một thực đơn đa dạng mà không kém phần hấp dẫn dành cho thực khách!
    Một khu ăn đêm khác cũng khá nổi tiếng là khu Ða Kao. Bánh cuốn Ða Kao thành danh đã lâu, nhưng đó là món ăn chủ yếu dành cho khách ăn sáng. Về đêm, khu Ða Kao cũng sáng đèn với những quán cóc có đủ các loại cháo, mì, phở, hủ tíu dành cho khách lỡ độ đường hoặc mệt mỏi trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả.
    Khu Yên Ðổ cũ hay Ða Kao là những khu ăn đêm bình dân, nhưng bình dân hơn cả trong những khu ăn đêm của Sài Gòn là khu vực chợ Bà Chiểu. Do đây là chợ đầu mối chuyên bán xỉ các loại thực phẩm, để rồi từ đó hàng hoá lại toả đi khắp các chợ khác của Sài Gòn, nên chợ Bà Chiểu chủ yếu nhóm họp về đêm. Mà đã họp về đêm thì tất yếu sinh ra những quán ăn đêm phục vụ những người bốc dỡ hàng, các chủ vựa, lái xe từ các tỉnh đổ về. Quãng 8 giờ tối là giờ bắt đầu mở hàng của dãy quán bên hông khu chợ này. Ðến tầm 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, trong khi nhiều người Sài Gòn còn đang chìm sâu vào giấc ngủ yên, thì cũng là lúc các quán ăn đêm chợ Bà Chiểu đông nghịt khách. Do thực quán chủ yếu là dân lao động, không có nhiều thời gian "khề khà" mà cần ăn nhanh để còn làm việc, nên các món ăn ở đây chủ yếu là mì, hủ tíu... giá rẻ, chỉ vài ba nghìn đã có được một tô nóng hổi đặt trước mặt, ngồi sát bên nhau xì xụp trong cái se lạnh khi đêm về...
    Nhưng nói đến ăn đêm ở Sài Gòn không có nghĩa là chỉ có những khu ăn đêm bình dân. Sài Gòn có hẳn những quán ăn sang trọng chỉ để phục vụ khách ăn đêm, cho dù ban ngày vẫn mở cửa. Một trong những quán ăn được nhiều người biết đến là quán ABC ở 172H Nguyễn Ðình Chiểu. Trên tất cả các bản thực đơn cũng như trên giấy bọc đũa của quán này ghi rõ ràng: mở cửa đến 4 giờ sáng! Toạ lạc trong khu trung tâm thành phố, lại được thiết kế, bài trí khá sang trọng, nên đối tượng khách lui tới đây phần nhiều thuộc tầng lớp trung lưu, giới văn nghệ sĩ, diễn viên sau những buổi diễn về khuya, và tất nhiên là cả khán giả của họ nữa... ở đây cũng bán các loại cháo như cháo sò điệp, cháo tôm, thập cẩm, thịt heo (lợn) bắc thảo hay cháo thịt gà xé, bò, cật heo... Giá cả cũng tương xứng với tầm vóc của quán! Nếu như đằng Yên Ðổ, một tô cháo hột vịt chỉ khoảng 8.000 VND thì ở đây đắt hơn, tô cháo heo bắc thảo hay thập cẩm lên tới 14.000 VND, nếu là cháo sò điệp hay cháo tôm còn tới 24.000 VND. Thật chẳng bình dân chút nào, nhưng có sao đâu! Khách hàng ở đây sẵn sàng trả tiền cao cho những món ăn đêm giúp họ có được những giây phút thư giãn sau một ngày lao động mệt mỏi, hay chí ít cũng có một chút dằn bụng để dỗ giấc ngủ khuya...
    Còn một khu ăn đêm ở Sài Gòn cũng khá đặc biệt. Khu này nằm ở ngay trung tâm Sài Gòn, gần đường Hàm Nghi. Khu có tên hẳn hoi là đường Hải Triều, thế nhưng dân ăn đêm lại quen gọi đây là khu... Cấm Chỉ! Lý do là vì ở đây chủ yếu bán những món ăn miền Bắc, giống như phố ăn đêm Cấm Chỉ nổi tiếng ngoài Hà Nội. Vậy là sau những quán cơm bà Cả Ðọi, sau phở Bắc Hải..., ẩm thực Hà Nội lại có một góc nhỏ giữa lòng Sài Gòn, nơi tập trung những quán ăn đêm! Tới khu "Cấm Chỉ" này, khách có thể tìm thấy những món ăn rất "Bắc" như phở, bún, mì... "Bắc" nhưng vẫn có một đĩa giá sống kèm, cho những ai ăn Bắc mà nhớ Nam! Ngày càng nhiều thực khách của Sài Gòn bị quyến rũ bởi hương vị các món ăn miền Bắc đã lui tới đây. Và tất nhiên là không thể thiếu những người miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống làm ăn, trong một lúc chạnh lòng nhớ quê, tới khu "Cấm Chỉ" để tìm hương vị quê hương bản quán nơi đầu lưỡi! Nếu như nhà văn Vũ Bằng còn sống, hẳn ông cũng lại ngồi đâu đó, lẫn giữa đám thực khách đông đúc trong khu Cấm Chỉ này để thưởng thức hương vị món ăn miền Bắc, những món ăn ông đã từng thưởng thức và gửi gắm cảm xúc của mình qua những trang sách...
    Sài Gòn ban ngày thường nóng, nhưng đêm lại se lạnh. Những quán ăn đêm của Sài Gòn chính là nơi người ta có thể đến để tìm chút hơi ấm ban đêm.
    (nguồn: Saigonnet)
  8. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Ca sĩ... kẹo kéo
    Quê ở Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Anh Tài đến TP HCM kiếm sống. Qua đủ các nghề, cuối cùng anh kết bạn với xe kẹo kéo, nhưng sắm thêm một bộ loa, ampli, micro... để vừa phục vụ khách hàng vừa thỏa mãn thú ca hát của mình. Anh đã sống vui và cũng khá đầy đủ với nghề này.
    Dương Thanh Lâm 25 tuổi, quê ở An Giang, đã hành nghề này được 3 năm. Sinh ra trong gia đình buôn bán nhưng Lâm chỉ thích hát và mong trở thành ca sĩ, dù không mấy ai ủng hộ. Lâm rủ thêm một anh bạn, mang dàn karaoke nhà mình lên TP HCM làm ăn. Anh tâm sự: "Thật ra, mình tính lên đây học hát, làm nghề này chỉ để luyện giọng thôi. Nhưng rồi thấy vui vui nên theo luôn tới nay".
    Ở cư xá Cửu Long, xe kẹo kéo của anh Nguyễn Ngọc Minh chiều nào cũng đông khách. Anh là dân xứ Huế, vào TP HCM đã 10 năm nay, thâm niên 6 năm trong nghề. Anh tỏ ra tâm lý: "Phải làm được thanh kẹo thơm ngon và vệ sinh thì mới có người mua. Nhưng còn phải chịu khó tìm hiểu gu ca nhạc của từng khu vực dân cư thì mới bán được nhiều, tạo mối quen là rất quan trọng". Sở trường của anh là những bài dân ca; giọng của anh, như lời bà con ở đây, chẳng khác nào ca sĩ Quang Linh. Anh còn đào tạo được 8 học trò và họ đều đã có cơ ngơi riêng. Cuối năm 1999, anh Minh "tậu vợ" chính nhờ giọng Huế ngọt ngào của mình. Chị Đào, vợ anh, hóm hỉnh: "Em mê giọng hát của anh ấy, riết rồi mê anh luôn". Ngày nào hai vợ chồng cũng đi bán kẹo cùng nhau, thu nhập chừng 80.000-90.000 đồng/ngày.
    Anh Thanh Tú nhà ở quận 2, thường xuyên bán kẹo ở khu đường Hoàng Sa, quận 1, cho biết đi hát thế này không cần diện nhưng phải lịch sự và tôn trọng khách, nhất định không được hát qua loa, bán kẹo rồi bỏ đi. Phan Tuấn Lộc (quận 7) thì hồ hởi: "Làm nghề này vui lắm, có người còn tặng hoa, hát chung và boa thêm". Nhóm anh Lộc có 3 người, chia các ngả đi bán từ 16h đến 22h, hôm nào muộn thì 1h mới về đến nhà.
    Khách cũng có đủ loại, người không thích ăn kẹo nhưng mê hát thì cứ mua rất nhiều kẹo, phát cho bọn trẻ loanh quanh đó, rồi yêu cầu ca sĩ hát liền 5-10 bài. Nhưng lúc bất hạnh, gặp những kẻ say xỉn thì những ca sĩ nghiệp dư chỉ còn biết... nhờ trời phù hộ cho khỏi bị đánh hoặc "xin đểu".
    Họ tâm sự, phần lớn những ai mới vào nghề này đều gặp khó khăn. Cực khổ nhất là những khi mưa gió, máy bị thấm ướt, hư hỏng; lúc mới đi hát thì cắm điện nhầm, cháy máy... tất cả đều dẫn đến một hậu quả: lỗ nặng. Thế nhưng, thanh niên nào đã trót bước chân vào nghề cũng nguyện: "Sẽ hát đến khi không hát được nữa mới thôi".
    (Theo Tuổi Trẻ)
  9. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    ĐI TAXI SÀI GÒN
    Theo Phòng Đo lường Kiểm định, Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Khu vực 3 (Trung tâm 3), hiện nay trên toàn TP có khoảng 5.000 xe taxi của 19 doanh nghiệp (DN), nhưng cho đến giữa tháng 8/2002 mới chỉ có 654 xe đến kiểm định, gồm xe của các hãng Vina Taxi, Davi Taxi, Festival Taxi, DNTN Rạng Đông... Nhiều DN như Bến Thành Taxi, Star Taxi, V. Taxi, Tanaco Taxi, HTX Vận tải Sao Việt... không đăng ký kiểm định đồng hồ tính tiền từ năm 2000. Nghiêm trọng hơn còn có 5 DN từ ngày đi vào hoạt động đến nay chưa một lần nào mang xe đi kiểm định đồng hồ tính tiền như A. Taxi, Hồng Phúc Taxi, Hoàn Mỹ Taxi, HTX Du lịch Bình Chánh.

    Người tiêu dùng phải chịu rủi ro hơn 80%
    Theo Văn phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VPBVQLNTD), có một gia đình gồm 8 người thuê hai xe taxi của hai hãng khác nhau, một xe của hãng M, một xe của HTX cùng đi trên một đoạn đường từ nhà ở ngã tư Lê Lợi đến sân bay Tân Sơn Nhất với mức giá khởi điểm ban đầu là 12.000 đồng/km. Tuy nhiên, tại điểm đến, đồng hồ tính tiền (taximeter) ở hai xe lại nhảy theo hai giá khác nhau: đồng hồ tính tiền của hãng M chỉ giá 46.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền của xe HTX lên tới... 145.000 đồng. Dù đã có sự can thiệp của VPBVQLNTD nhưng hãng taxi vẫn cho rằng mức giá trên là hợp lý vì giá xe được tính theo đồng hồ chứ không phải tự tài xế tính cho khách hàng, mà đã là đồng hồ tính tiền thì đương nhiên phải... chính xác(!)
    Đây không phải là trường hợp cá biệt mà NTD phải chịu thiệt thòi bởi những mánh lới gian lận đồng hồ tính tiền của các hãng kinh doanh taxi không uy tín. Trước đó, các VPBVQLCNTD cũng nhận được rất nhiều khiếu nại của khách hàng liên quan đến vấn đề này. Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm VPBVQLCNTD phía Nam, khẳng định: "NTD đang phải chịu rủi ro 81,87%, là do hiện nay chỉ có khoảng 18,13% đồng hồ tính tiền taxi được kiểm định. Trong khi đó, tài xế và các chủ xe tìm nhiều giải pháp kỹ thuật như kích đồng hồ tính tiền để ăn gian tiền của khách hàng".

    Khách hàng đi taxi thường xuyên bị lừa?
    Theo giới kinh doanh taxi, gắn thêm bộ kích đồng hồ tính tiền để gian lận chỉ tốn khoảng từ 200.000 - 250.000 đồng nhưng có thể "móc túi" khách hàng dài dài. Một cán bộ của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết ông đã từng tháo bộ kích đồng hồ để phân tích và phát hiện ra dây đếm xung của đồng hồ có gắn thêm những điện trở được kết nối hết sức tinh vi. Công tắc bộ kích được giấu rất khéo nên tài xế tha hồ điều khiển đồng hồ nhảy tiền xen ngang mà không bị khách hàng phát hiện.
    Theo một chuyên viên của Sở Giao thông Công chánh: Khách hàng bị móc túi tiền cước taxi thường rơi vào những loại xe không kiểm định đồng hồ. Hiện nay có rất nhiều xe hoạt động theo phương thức gia nhập HTX nhưng không có điều kiện bắt buộc phải kiểm định đồng hồ tính tiền. Ngoài ra còn có các loại xe taxi "mù" là xe của cá nhân không tham gia bất kỳ đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi nào, mà tự treo bảng taxi để hoạt động. Thậm chí có cả trường hợp hãng taxi đã ngưng hoạt động từ hai năm nay như HTX Taxi và Du lịch số 1 nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều xe taxi mang tên này để hoạt động.
    Ông Đỗ Tiến Lực, Phó Giám đốc Sở GTCC TPHCM cho biết, chậm nhất là tháng 10, Sở sẽ tiến hành kiểm tra các phương tiện taxi trong thành phố qua các nội dung: Kiểm định đồng hồ taxi; giá cước; các quy định trên xe như lôgô, tên đơn vị kinh doanh, hộp đèn, số điện thoại, màu xe; giấy phép kiểm định chất lượng kỹ thuật xe... Thời gian kiểm tra tiến hành liên tục theo từng đợt nửa tháng, 20 ngày cho đến khi nào trật tự được vãn hồi. Theo các cơ quan chức năng thì biện pháp ngăn chặn việc lái xe taxi tính sai tiền cho khách hiệu quả nhất là tạm giữ phương tiện.

    (Theo NLĐ)
    Theo tớ, muốn đi đâu thì nhắm chừng đoạn đường mình đi rồi trả giá (như đi xích lô ấy), khỏe.... khỏi lo đồng hồ tính cước nhảy số đến chóng mặt ... nhiều khi Taxi cố tình chạy lòng vòng để tính tiền thêm nữa... bị mấy cú lừa... nên tớ kinh nghiệm đầy mình.
  10. Doan_Chi_Thuy_new

    Doan_Chi_Thuy_new Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    1.650
    Đã được thích:
    1
    Tết đến với những người sống ngoài vỉa hè Sài Gòn

    Báo Tuổi Trẻ kể: ?o Trên đường Trần Hưng Ðạo, quận 1, Sài Gòn ngay một cây xăng, đêm 20-1-2003 có cặp vợ chồng đang co ro ngủ dưới đất, chiếc xe ba gác đạp chất đầy giấy, bọc ni lông cột dính chắc với chiếc xe đạp mini cà tàng để bên cạnh. Sương xuống mỗi lúc một lạnh, tấm chăn cũ kỹ mỏng manh không đủ che ấm cho họ.
    Bốn giờ sáng, tiếng xe máy, xe tải chạy ầm ầm làm họ tỉnh giấc. Người vợ vội lôi chiếc nồi đầy lọ nghẹ từ dưới đống giấy ra và đặt bếp lò bên vệ đường chỉ để luộc duy nhất một cái hột vịt và một mớ rau muống đã héo, nắm cơm nấu từ chiều qua đã nguội ngắt được chị cho vào chiếc lá dong gói lại đặt lên trên nắp nồi, chị nói: ?oKệ, ăn uống sao cũng được, miễn là có tiền gởi về (Quảng Ngãi) cho bảy đứa nhỏ đi học??.
    Chị kể: Có hồi túng quá chị tính cho đứa con gái lớn đang học lớp 9 nghỉ học thì cháu khóc, thằng em trai kế mới học lớp 7 thấy vậy đòi nghỉ thay chị để nó theo bạn đi Sài Gòn bán hủ tíu gõ. Thấy đứa nào cũng ham học nên vợ chồng chị bàn nhau giao nhà cho mấy đứa con tự lo, vào đây đi lượm giấy bọc. Trung bình mỗi ngày kiếm được 30,000-40,000 đồng, vợ chồng chị chỉ tiêu 10,000 đồng, còn để dành gởi về cho các con. Người chồng tiếp lời: ?oMình nghèo không của cải để lại cho tụi nó, nhưng quyết cho tụi nó cái chữ cái nghĩa??. Cũng dân nhập cư ở vỉa hè nhưng khác ?ongành nghề? là đội quân bán hàng rong đậu phộng, bánh, trái cây, trứng cút? với đủ quê hương: Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên? Ðêm đến, nơi tụ tập của họ là vỉa hè Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thái Bình.
    22 giờ đêm 18-1-2003 chị Nguyễn Thị Loan ( quê Phú Yên) cùng những bạn buôn đồng hương tấp vào lề đường Trần Hưng Ðạo. Ðặt đôi quai gánh xuống đất, chị trải tấm bạc nhựa và nằm lọt thỏm ở giữa, đầu gối lên chiếc thúng có bọc quần áo bên trong, đôi chân gác lên chiếc thúng còn lại. Chị Loan cho biết: ?oLúc trước các chị ngủ ở đây đông lắm, giờ có một số về quê sớm cho nhẹ vé xe?. Chị nói: ?oBị đuổi lên đuổi xuống miết chứ có sướng gì, còn thuê nhà một tháng phải tốn tối thiểu 60,000 đồng chớ ít đâu??. Anh Tuấn, quê huyện Hoài Ân, Bình Ðịnh, đạp xích lô, thường đậu xe ngủ trên đường Ngô Quyền, quận 5, thì tính toán rất rạch ròi: ?oNếu thuê nhà trọ mình cũng phải tốn tiền mà xe cũng tốn tiền bằng người, làm sao kham nổi!?.
    Với những chị bán hàng rong, ngày ngày phải bắt đầu từ 4 giờ sáng đến tối mịt mới về sau khi đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố. Chị H. quê Phú Yên, tại một quán cơm bình dân trong hẻm 72 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phần ăn của chị là một đĩa cơm đầy, 2 lát thịt mở, nhúm rau luộc chấm nước thịt và chén nước canh, giá 3,000 đồng. Chị nói: ?oÐi rảo rảo tới tận Gò Vấp lận. Trưa ăn mấy hạt cơm cho chắc bụng, tối ăn qua loa ổ bánh mì 1.000 đồng cũng qua ngày??.
    Sống vỉa hè mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đều đến nhà vệ sinh công cộng, mỗi lần sử dụng tốn 1,500-2,000 đồng. Áo quần giặt xong đợi đến giờ trưa thật nắng đem ra phơi trên xe hay? bất kể chỗ nào, chừng 1 tiếng đồng hồ là khô ráo. Ngày mưa hầu hết mọi người đều lo lắng bởi ai cũng chỉ có hai bộ đồ, nếu phơi không kịp khô đành chịu lạnh. Anh Tuấn nói: ?oNhững lúc đồ ướt như vậy không tài nào ngủ được, cứ đi tới đi lui cho khô đồ mới lên xe ngủ?.
    Thế nhưng ngay trung tâm quận 1, gần đây giấc ngủ vỉa hè của những con người lam lũ này lại bị chen vào những nỗi lo mới: bọn xã hội đen nhẫn tâm thu mỗi người 1,000 đồng gọi là tiền ?ogiữ chỗ??
    Những ngày giáp Tết công việc buôn bán, chạy xe của mọi người dường như tất bật hơn, thế nhưng chuyện có về quê ăn Tết hay không vẫn là vấn đề nóng hổi nhất của họ. Nơi đó là quê nhà, là vợ con đang ngóng đợi anh về để có được một mùa xuân đoàn tụ hiếm hoi?
    Trong số 20 người chạy xe xích lô ngủ ở đường Ngô Quyền, anh Tám quê Hoài Ân, Bình Ðịnh có lẽ khá nhất. Sau 10 năm chạy xe và tìm được mối ở chợ Nguyễn Tri Phương, anh cho biết năm nay có thể yên tâm về quê ăn Tết. Hơn 3 năm nay, mỗi ngày chạy xe anh kiếm được từ 30,000-60,000 đồng. Gom từng đồng anh đem gởi cho mấy chị bán hàng trong chợ, đôi ba tháng anh gởi về quê được triệu bạc cho vợ con. Anh nói: ?oPhải bỏ thuốc lá, thỉnh thoảng chỉ uống cà phê đen thôi?. Ðêm, ở thành phố này, có bao nhiêu mảnh đời lê la từ góc vỉa hè này sang vỉa hè khác để kiếm một chỗ im ắng, chợp mắt sau một ngày làm việc cực nhọc. Ho, những người dân nhập cư, không dám thuê một chỗ ngủ qua đêm để gom góp từng đồng tằn tiện, chắt chiu những đồng tiền kiếm được lo cho những người thân nơi quê xa...
    (st)

Chia sẻ trang này