1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

KỲ THÚ PHONG NHA ĐỆ NHẤT ĐỘNG

Chủ đề trong 'Du lịch' bởi Milou, 09/01/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    KỲ THÚ PHONG NHA ĐỆ NHẤT ĐỘNG

    KỲ THÚ PHONG NHA ĐỆ NHẤT ĐỘNG

    H.T.T.



    Rời bến sông Nhật Lệ, xe chúng tôi chạy thẳng một mạch đến xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dòng sông Son hiện ra lóng lánh sau cơn mưa, uốn mềm như một dải lụa. Nhận xong phòng khách sạn, chúng tôi ai cũng hối hả nhào xuống thuyền, với hy vọng sớm được đặt chân lên động Phong Nha- nơi được mệnh danh là đệ nhất động trên trần gian.

    Dọc theo con sông nước trong xanh leo lẻo, hai bờ mườn mượt màu xanh non của bắp, màu xanh đậm của những rặng tre mọc vút lên tua tủa, màu tím thẫm của núi ngậm nắng chiều mờ đục bởi hơi nước bốc lên nghi ngút. Thỉnh thoảng lại nhô lên trên mặt nước một ***g cá bè kết bằng tre và gỗ. Người ta nuôi cá trắm cỏ trong đó.

    Anh hướng dẫn viên du lịch nói vui với tôi:

    - Sơn Trạch là sạch trơn. Đèo Ngang là đang nghèo. Dân Quảng Bình quê tôi nghèo lắm!

    Tôi không biết Quảng Bình nghèo ra làm sao, chứ khi chúng tôi đăng ký vé thuyền đi thăm động, trước đó đã có hơn một ngàn du khách trong nước và ngoài nước mua vé đi thăm động. Ấy là suốt một tuần nay Quảng Bình chìm trong mưa tầm tả; ngày nắng lượng du khách còn lớn hơn nhiều. Ban cho Sơn Trạch động Phong Nha, trời đất rõ là ưu ái với Quảng Bình.

    Thuyền chạy chừng nửa tiếng, cửa động đã hiện ra lừng lững dưới chân một dãy núi đá chạy dài trùng điệp. Một tảng đá khổng lồ nằm cắt ngang cửa động, đè sát xuống, cách mặt nước chỉ chừng 2 mét. Kế bên miệng động là ngôi đền TIÊN SƯ TỰ CỐC, nằm lặng lẽ một cách thâm nghiêm- đó là ngôi đền thờ thần núi, thần động, mà tôi không rõ người ta đã lập ra tự bao giờ.

    Gần đến cửa, thuyền phải tắt máy, chuyển sang chèo bằng tay. Chúng tôi ai cũng đứng cả dậy, với tay vịn vào gộp đá mà đẩy thuyền từ từ vào sâu trong động. Qua khỏi gộp đá khổng lồ bóp nhỏ miệng hang lại, tạo ra cái hang đen ngòm, sâu hun hút, vụt một cái, Phong Nha kỳ ảo hiện ra, đẹp tới choáng ngợp. Ấy là nhờ người ta đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong động để du khách được thỏa thuê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh mà trời đất đã dấu kín sáu, bảy triệu năm nay. Những cột đá, những gộp đá, những nhủ đá, những phiến đá, vách đá? những kỳ ảo của đá liên tiếp kết vào nhau, biến đổi dáng hình, màu sắc một cách sinh động. Chính là nươc đã tạo ra điều đó. Bao nhiêu triệu triệu năm, dòng nước ngầm xuyên qua dãy núi đá vôi đã lặng lẽ hoàn thành thiên kiệt tác của mình.

    May mắn cho tôi là gặp được một cô hướng dẫn viên vừa tốt nghiệp ngành xã hội nhân văn; còn trẻ nên cô rất nhiệt tình. Nhờ cô mà tôi biết được một số bí mật của dòng sông trong núi. Theo khảo sát của đoàn thám hiểm Pháp, dòng sông trong núi này dài tới 7729 m, nơi rộng nhất khoảng 100 m, nơi hẹp nhất chừng 2 m, nơi mặt nước cách vòm động cao nhất là 50 m, nơi từ vòm động xuống đáy sông sâu nhất là 85 m. Dòng sông uốn lượn mềm như lụa giữa những kiệt tác đá của thiên nhiên một cách mơ màng, lặng lẽ. Người hay thắc mắc thì khó mà tin được những bức tranh hoành tráng của đá lại do chính bàn tay của thiên nhiên kiến tạo. Có những vòm đá phẳng lì, láng óng lên sắc màu biến đổi sinh động; tưởng như trần nhà được sơn phết sắc màu một cách tài hoa. Có những vách đá đẹp như phù điêu với muôn vàn hình ảnh hiện ra bất ngờ tới sững sốt. Rồi những rừng tượng đá, phong phú tới mức tha hồ cho đầu óc tưởng tượng phát huy nguồn cảm hứng. Đá biến ảo, đá hiện ra tượng Phật Bà đại từ đại bi, đá hiện ra hình chim đại bàng dang cánh, đá hiện ra hình sư tử chồm trên đỉnh núi, đá hóa thân thành tượng thầy trò Đường Tăng lặn lội đường trường qua Tây Trúc thỉnh kinh. Sao mà giống Trần Huyền Trang, sao mà giống lão Tôn, sao mà giống bác Trư, bác Sa Tăng làm vậy! Lại còn những chuổi đá từ trên cao chảy xõa xuống, óng ả như tóc các nàng tiên nữ.

    Thuyền bơi từ từ theo dòng sông lung linh ánh điện. Dòng sông luồn lách trong lòng núi, hai bên liên tục hiện ra các hang động. Có những vòm hang u kính, tịch liêu như chùa chiền lẫn khuất sâu trong miền sơn cước. Có những vòm hang hệt như sân khấu với đủ thứ phông màn đã mở ra gần hết để chờ lớp diễn. Có những vòm hang phún lên từ nền đá những đền đài cung điện, nguy nga tráng lệ tới không tưởng nổi. Cửa các hang động hai bên dòng sông trong núi, có cái bắt đầu bằng những gộp đá, phiến đá, có cái bắt đầu bằng những tượng đá thấp ken sát vào nhau, có cái lại bắt đầu bằng một bãi cát lài từ trên cao xoãi xuống, mời mọc tới lịm người.

    Bất ngờ nhất với tôi là tại hang "Tóc Tiên"(tôi tự đặt tên như vậy, vì hang này có nhiều cột đá óng ánh sắc xanh, sắc vàng, sắc trắng, chảy xuống lòa xòa, mềm mại từng sợi đá như từng sợi tóc kết thành mái tóc ; đẹp tới ngẩn ngơ, mê mẩn) tai tôi chạm vào âm thanh vừa trầm đục vừa thanh sang của đá. Tôi lần theo dấu âm thanh. Tôi chạm được hai bàn tay của mình vào hai sợi đàn của đá. Và? tôi tấu lên giai điệu nhị âm của đá bằng trùng điệp tiết tấu mà tôi muốn trải lòng mình ra với Phong Nha đệ nhất động. Không biết Phong Nha có bao nhiêu thanh đá phát ra âm thanh? Hỏi thì cô hướng dẫn viên cũng chỉ biết cười mà nói: "Em cũng không rõ, nhưng nghe nói là nhiều lắm!". Thôi thì đành tin làm vậy. Như tôi tin chuyện cô kể cho tôi nghe về cá chình trong động.

    Cá chình là loại cá qúy, cá đặc sản của phong nha. Con cá dài, da trơn láng như con lịch, sống ngầm trong lòng sông trong núi. Vì thiếu ánh sáng nên mắt cá chình rất kém phát triển. Bù lại, thịt cá chình săn chắc, ngọt, béo, trắng và thơm ngon có tiếng. Vậy mà giá bày bán ở chợ Sơn Trạch cũng chỉ tròm trèm 128.000đ00 một ký. Cá chỉ ra khỏi hang động vào những đêm tối trời. Dân Sơn Trạch từng bắt được những con cá chình nặng trên 40kg. Cá nặng một vài ký, dăm bảy ký thì vẫn bị dính lưới dài dài. Trong lòng sông Son đẹp như nhung lụa còn vô khối cá chép, cá ngác, cá đối, cá chày? Những chếc thuyền chài nhẹ như lá tre, trên đó, ngư dân Sơn Trạch buông lưới quăng chài một cách ung dung, thanh thản, vậy mà cũng đủ cho cả nhà sinh sống quanh năm. Suốt dọc hai bờ triền sông là bãi sa bồi mườn mượt khoai, bắp, đậu phộng, bầu, bí? rồi thì tiếp tới đồi núi điệp trùng. Bên tả là núi đá vôi sừng sững, chon von, chất ngất; ngờm ngợp cây đại ngàn. Bên hữu cũng đồi núi, nhưng chủ yếu là núi thấp và đồi bát úp; viền xung quanh là làng xóm, ruộng nương. Mặc dù đây là vùng bảo tồn thiên nhiên, nhưng thi thoảng người dân vẫn bắn được nai, hoẵng, heo rừng, và bẫy được nhím, chồn, cáo? đem ra chợ bán. Thú từ trên rừng mò xuống đồi nương. "Thịt treo mèo làm sao chịu nhịn đói". Dẫu biết kiểm lâm phạt rất nặng, nhưng người ta vẫn cứ xả thịt bán lẫn quất trong thôn bản. Thịt nai 25.000đ00/1kg. Thịt heo rừng 35.000đ00/1kg. Thịt nhím 40.000đ00/1kg? Nghe nói sáng sớm hôm nay, có người đi rừng bắt được chú gấu con lạc mẹ, nặng đúng 3,5kg, đem bán cho một người mua về nuôi được 19 triệu đồng.

    Nói thì nói vậy, chứ dân Sơn Trạch ngày nay rất có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gien động, thực vật qúy hiếm. Chương trình phủ kín đồi trọc đã gieo trồng không biết bao nhiêu trăm ngàn ngàn các giống cây. Đi tới đâu cũng thấy xanh mướt màu xanh cây trái, cây rừng, cây công nghiệp.

    Buổi tối chúng tôi rủ nhau lội bộ ra chợ phố núi Sơn Trạch uống cà phê. Dãy phố ngắn san sát tiệm quán, đèn màu chấp chới, âm nhạc xập xình. Chủ quán cà phê caraoké nơi chúng tôi ghé vào là một cô gái còn rất trẻ, và? rất đẹp; lại thêm hai cô nữa chạy bàn cũng đẹp như mộng, trắng mịn như bông bưởi. Giá hát một giờ 15.000đ00, cà phê đen đậm 2.000đ00 một ly; bia và nước ngọt bán y giá ở Sài Gòn. Khách gọi thức uống rồi tự hát, tịnh không có tiếp viên ngồi chung mời mọc. Công nhân đang thi công cầu Xuân Sơn(cây cầu khởi công đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn công nghiệp hoá) mỗi khi thay ca vẫn thường kéo ra chợ Sơn Trạch thư giãn. Cầu Xuân Sơn cách nhà ***g chợ Sơn Trạch một vài cây số, đèn điện sáng choang- đơn giản là người ta làm cả ngày lẫn đêm cho kịp tiến độ thi công trước mùa lũ.

    Lối về khuya, trằn trọc không ngủ được, tôi với mấy anh bạn rủ nhau ra quán nhậu. Gọi bò tái không có, đành phải thịt heo, tim gan làm mồi cho rượu đế. Lít rượu và dĩa thập cẩm đầy tú hụ mà chỉ hơn hai chục ngàn. Té ra Sơn Trạch cấm ngặt bán thịt bò vì đang có báo động bệnh lỡ mồm long móng. Bà chủ quán thấy có khách thì mừng ra mặt, ngồi kể cho chúng tôi nghe đủ thứ chuyện.

    Sông Son là sông thượng nguồn, tiếp nối dưới hạ lưu gọi là sông Gianh. Mùa này sông hiền như mắt biếc; nhưng chỉ ào ào vài cơn mưa tháng hạ là sông ***g lên gầm thét, tuôn chảy ào ào sức thác bay, nước đổ; xoáy nước cuộn xiết, sôi réo ầm ầm như sấm động.

    - Cơn lũ số 5 lịch sử(bà chủ quán kể), đang đêm, tôi vừa nghe tiếng nước gầm đã thấy nước cuồn cuộn đổ về trước cửa. Chớp mắt nước đã tràn vào nhà. Loáng cái nữa, nước dâng gần ngập tầng một. Bàn ghế bị quăng quật tơi bời. Cả nhà tôi kéo lên gác, chỉ còn biết khoanh tay ngồi niệm Nam mô cả đêm.

    Thấy chúng tôi trò chuyện vui vẻ, bà nổi hứng kể tiếp:

    - Cứ vài năm lũ lại dâng để rửa động một lần. Nghe nói ngày xưa vua Hàm Nghi khi thất thủ kinh đô đã dùng tượng binh chở vàng bạc châu báu về cất giấu trong động. Khi bị Pháp đuổi đánh rốc ráo, ngài phải để lại xứ này hơn 100 bà phi; thành ra, tiếng là miền núi mà gái xứ này đẹp có tiếng.

    Tôi ngồi trong quán nhìn ra dòng sông đêm lặng chảy. Kế với dòng sông là tuyến đường Trường Sơn chạy thẳng lên trạm một tiền phương lịch sử. Xa lên trên là động Phong Nha đang thiêm thiếp trong giấc mơ kỳ ảo của đá núi Quảng Bình thơ mộng. Còn bao nhiêu điều kỳ ẩn mà tôi chưa kịp tìm để biết? Đành phải hẹn gặp lại thôi! Phong Nha, ơi Phong Nha!


  2. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    http://www.vietnamtourism.com/Hue/v_pages/sv_chidandulich.htm

    [​IMG]
  3. On4U

    On4U Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/03/2002
    Bài viết:
    3.578
    Đã được thích:
    0
    Dạo rừng Phong Nha
    Từ bến phà Xuân Sơn (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chúng tôi theo một chiếc du thuyền qua dòng sông Chày để ngược vào rừng sâu. Càng vào sâu dòng chảy càng khúc khuỷu, lắm thác nhiều ghềnh dẫn đến vùng rừng Trộ Mợng.
    Đây là điểm đầu tiên của tuyến du lịch sinh thái rừng Phong Nha-Kẻ Bàng đã được khảo sát và đề xuất cho kế hoạch mở tuyến du lịch nay mai bên cạnh tuyến tham quan động Phong Nha đã nổi tiếng những năm qua. Tại đây có thác Chài cao khoảng vài chục mét, có bãi Ràn Bò. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi Ràn Bò vì trước kia bò tót kéo nhau về đẻ nơi đây. Và có nhiều địa danh được gọi theo đặc điểm của rừng như Nước Ngang: một dòng suối chảy vắt ngang chiều chảy của các dòng sông suối khác trong vùng; Đá Nằm: một hòn đá lớn nằm ngay giữa dòng thác chảy; Chân Thớt: một hòn đá trông không khác gì một chiếc thớt thái thịt. Đặc biệt là Nước Trôi: bạn không khỏi thích thú khi thấy một dòng nước cứ chảy trồi lên khỏi mặt nước.
    Cảnh sắc vùng này rất đỗi hữu tình: cây xanh, nước mát trong vắt. Phía sau làm phông là những dãy vách vá vôi xám dựng đứng cao vút với những đàn voọc Hà Tĩnh, voọc vá chân nâu đang đu mình trên cây hay men vách đá cất tiếng gọi đàn. Bạn có thể bắt gặp những chú khỉ vàng xuống sát bờ suối để bắt cá ăn.
    Đi xa hơn nữa theo đường Hồ Chí Minh tới Eo Gió: giữa rừng, núi đá vôi có một chỗ eo nhỏ đủ cho xe qua lại luôn tràn đầy gió. Nhưng trước khi đến với Eo Gió, bạn hãy nán lại Trợ Mơng để thăm hang Vòm nổi tiếng. Theo số liệu của đoàn thám hiểm hang động thuộc Hội Địa lý hoàng gia Anh (công bố năm 1992), hang Vòm là hang có độ dài lớn nhất: 28km và kỳ vĩ nhất trong số các hang động ở khu vực này.
    Qua khỏi Eo Gió bạn sẽ mục kích những vực núi đá vôi sâu đến hút mắt, rồi đến những cánh rừng nguyên sơ. Cuối xuân, sang hè nơi đây tràn ngập thảm hoa bồng bồng, hoa mỏ quạ dọc hai bên thượng nguồn sông Chày hay tím ngát hoa bằng lăng trên cao. Từ đây bạn có thể ngồi ôtô đi suốt rừng. Ði bộ 5-7km, ta đến Cổ Khu, khu rừng nguyên sinh lý tưởng nhất của khu bảo tồn Phong Nha-Kẻ Bàng. Ði dưới tán cây bạn cứ ngỡ như đang đi trong rừng vùng ôn đới. Rừng chỉ có cây cao, hoàn toàn không có cây bụi, dây leo. Nhiều cây to 5-7 người ôm. Chính từ đây là cái nôi của thú rừng sinh sống như hươu, nai, chim, bò tót, hổ... Rừng bằng phẳng và sạch.
    Nếu trở lại đường Hồ Chí Minh, rẽ sang phía đông bắc, đi bộ chừng 2km ta sẽ qua vùng sinh thái khác là vùng hạng E, Thung Tre. Đây là vương quốc của các loài chim, một vùng bằng phẳng rộng khoảng 2.000 ha, mọc đầy cỏ tranh và tre nứa, xung quanh được bao bọc bằng các dãy núi đá vôi dựng đứng. Theo đoàn giám định (để công nhận Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản thế giới - gồm cả hang động) của tổ chức UNESCO, đây là một trong những thung lũng đẹp nhất thế giới. Cách đây khoảng 5 triệu năm, nơi đây là mặt nước biển, có nhiều suối lớn nhỏ chảy ngầm. Có chỗ dòng nước hiện lên mặt đất vài mét hay vài chục mét, rồi lại chui tọt vào đất, mất hút cứ như chơi trốn tìm vậy. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ được dựng nhà lều cỏ, nhà sàn và các chòi quan sát cao để du khách ngắm nhìn thú hoang kiếm ăn trên trảng tranh.
    Theo tuyến du lịch sinh thái, bạn sẽ ở lại vùng hang E một đêm, sáng sớm lên xe ra đường 20 Quyết Thắng, thăm các di tích lịch sử cách mạng trên đường mòn Hồ Chí Minh. Từ đây bạn có thể theo đường 20 về lại bến phà Xuân Sơn để đến thăm động Phong Nha, Tiên Sơn hoặc vào Nam, ra Bắc.
    (Theo TTCN)
    All for you

Chia sẻ trang này