1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ký ức trẻ con

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi rec, 18/09/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    Ký ức trẻ con

    Chào cả nhà,

    Mấy hôm nay box Quảng Bình vắng bài viết quá nên tớ post mấy đoạn "Ký ức trẻ con - Luyện gà chọi " cho nó đỡ trống trãi. Có người khi đọc mấy đoạn tản mạn này đã hỏi em "Vì sao Rec nhớ đến chừng chi tiết của ngày xa xưa?". Quả thật không biết phải trả lời thế nào, tớ bảo với họ "Rec có ưu điểm là dễ dàng thể hiện các nốt trầm đã trãi qua trong cuộc sống trong khi đó niềm vui thì chỉ san sẽ tối đa bằng một nụ cười". Thế là sao hở 6CBE?

    Rec
  2. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    1. Tí ... 9 tuổi - Sống xa nhà [*]
    Cuối năm lớp 3 (hệ cải cách) tôi bắt đầu đi thi cụm, sau khi lọt vào top 5 của cụm 8 xã thì được đi thi huyện giữa năm lớp 4. Trong số 40 trò sau vòng 1 thì còn sót lại 15 cháu ở vòng 2, tất cả chúng tôi được bứng về thị trấn để luyện cho kỳ thi tỉnh trong năm sau. Khổ thân mấy đứa trẻ con phải sống xa gia đình vì huyện tôi có bán kính đến gần 20 Km, đứa nào có người quen người thân ở gần thì ở ké, đứa nào ở cách đó một vài xã thì được gia đình đưa đi đón về (bằng xe đạp), số còn lại (hình như 8-9 đứa gì đấy) thì ở chung trong cái nhà khách của Phòng giáo dục, nói là cái nhà khách nhưng chỉ được 1 phòng rộng chừng 30 m2 để 10 cái giường, sắp như sắp cá vào nồi để đưa lên kho. Lò luyện mà lại!
    Chuyện ở
    Thế rồi cả trai và gái ăn chung ngủ lộn, hì, lúc đấy còn nhỏ lắm, chưa biết xấu hỗ là gì. Lãnh địa mỗi trò là 1 cái giường đơn, phía ngoài có kê 2 dãy bàn học sinh để các trò làm toán. Nhưng vì trời lạnh nên các trò toàn khoanh chăn rồi học ngay trên giường, đứa chổng mông ghi ghi viết viết, đứa nằm sấp chẹp bẹp chỉ lò cái đầu và hai tay ra ngoài. Có hôm vì cãi nhau mấy bài toán mẹo gì đấy mà đuổi nhau nhảy từ giường nọ sang giường kia, làm 2 cái sập chình ình để rồi tối phải ngủ chung hai đứa một giường, nhưng vậy lại hay vì khỏi sợ ma. Lại nói về việc nhát ma quỉ làm một thằng nó sợ quá không chịu ra ngoài giải quyết, định nín để sáng mai đi luôn. Khi thức thì nó kiềm chế được nhưng khi ngủ thì quên vậy là tè luôn trên giường (xin lỗi các bác nó đái dầm, hì). Khổ lắm cơ, nếu sợ ma thì nhờ mấy đứa dắt đi chứ ai lại hành hạ cả làng thế này. Nhưng nói đi thì phải nghĩ lại cũng tại hôm trước cả tụi đang xếp hàng "câu cá" trước khi đi ngủ thì một thằng hô lên có ma cụt đầu làm ai cũng khiếp, bỏ của chạy lấy người. Sáng đó chưa đứa nào phát hiện vì lật đật đi học nhưng đến trưa về mở cửa phòng thì ôi thôi rồi ... hôi xoong dã man, các cửa sổ mở toang hoang mà vẫn không tài nào vào được, mùi xoong tỏa ra ngoài, tràn vào đến phòng làm việc của thầy Phó phòng giáo dục, tội nghiệp thầy đi ra đi vào mấy lượt mà không biết cái mùi hăng hắc đó từ đâu đến! Mà cũng tại thầy nhét chúng con như nhét lợn thế thì bố ai chịu nổi. Vậy mà vui, lúc này thỉnh thoảng chát chít hỏi nhau mày đã hết "sợ ma chưa?" - qua webcam thấy hắn cười mím chi Tiger.
    Chuyện ăn
    Ăn uống thì mấy O nhà bếp nấu cho cái gì ăn cái đó, mà cũng khổ lắm. Tưởng về thị trấn gần chợ được ăn thịt heo, ai dè ngày nào cũng canh rau dền nấu với tép và đậu phụ rán hoặc đậu phụ rán và tép nấu canh rau dền. Mới đầu thấy ngon đua nhau ăn nhưng khoảng chừng 1 tháng thì ngán đến tận sống mủi mà không có đứa nào dám mở miệng nói mấy O đổi món. Nhớ hôm đầu tiên thấy mấy miếng đậu phụ cắt nhỏ rán vàng tưởng là trứng rán một thằng ăn xong rồi bảo, trứng ở đây chi mà tệ, hình như không có lòng đỏ hay sao ấy, làm cả tụi cười phụt cơm ra cả mâm. Đúng là rõ ngốc. Thế rồi thỉnh thoảng tóp mở xuất hiện "nồi canh lạnh lẽo nước trong veo, vài miếng thịt heo bé tẻo teo. Đứa vớt đứa gắp cùng dành dựt, thằng khác nhanh tay búng cái vèo" Mỗi khi như thế, trai gái đều tranh nhau vớt giống như không còn dây thành kinh xấu hỗ trên người, có thằng khi nằm ngủ còn khoe hôm nay tao vớt được chục cái, thằng khác chêm vào - sao lúc ấy mày không nói để tau nhường thêm 1 cái cho đủ đội bóng đá. Cả phòng cười rộ lên, tiềng cười của tụi trẻ con mới bước sang tuổi chín-mười văng vẳng lan trong đêm khuya ...
    -------------------
    [*]: Sau khi viết xong, nhìn lại thấy có đúng 12 đoạn nên nảy ra ý định đánh thứ tự là 12 con giáp - Cách mà tác giả đã làm với Miền cổ tích hoang hư.
  3. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    2. Sửu ... Chuyện học - Tai nạn đầu tiên
    Như đã kể ở trên, chúng tôi phải chuyển trường, thủ tục thì không có gì rườm rà ngoài việc cô giáo ghi thêm tên của mấy chú nhóc mới chuyển đến vào cuối sổ điểm danh. Cả hai lớp luyện thi văn và toán 30 đứa thì hơn chục là dân thị trấn. Mà cái trường thị trấn này cũng nhiều học trò lắm cơ, đến 7-8 lớp 4 đông nghẹt chứ không như trường cũ của tôi được mỗi 2 lớp lại còn lèo tèo. Mà không phải tất cả được xếp cùng 1 lớp, nhà trường rải đều từ lớp A đến lớp H, để khỏi ảnh hưởng phong trào thi đua; giỏi chia đều, yếu san sẽ nó mới công bằng - thầy bảo thế.
    Việc học của chúng tôi khá căng thẳng, buổi sáng phải học chương trình thường ở lớp, buổi chiều học bồi dưỡng lớp chuyên, tối về thì 1 đống bài tập chồng chất, thấy đã ngán rồi chứ chưa nói giải.
    Mấy hôm đầu vào lớp mới, tôi nhìn thấy cái gì cũng xa lạ pha lẫn chút sợ hãi. Tôi nhớ lúc đó mình được phân vào lớp H (lớp nhiều học sinh cá biệt nhất) cùng với thêm 2 đứa trong đội toán. Khó khăn lắm cả 3 đứa mới tìm được chỗ ngồi cuối lớp, tôi với thằng Hải thì không sao nhưng thằng Chung bị cận (chắc là hậu quả của luyện gà chọi) nên ngớp lên ngớp xuống mà vẫn không chép được bài, cũng vì thế mà 1 lần nó bị oan. Hôm đó lớp có bài kiểm tra, cô giáo chép đề lên bảng nhưng nó không nhìn rõ nên phải nhìn vào giấy của tôi để chép lại. Cô tưởng nó nhìn bài, gọi đứng dậy rồi mắng cho 1 trận nên thân. Thật là xấu hỗ không còn đường để nói, mang danh là học sinh giỏi toán mà giờ kiểm tra toán lại nhìn bài. Lúc đấy nó cần bình tĩnh để trình bày với cô giáo là nó bị cận nên xin xem đề của bạn thì nó lại đỏ mặt, hoảng hốt khi cả lớp đổ mắt dồn vào, nó khóc, khóc nức nở, nấc nghẹn ngào. Tôi với thằng Hải đáng ra phải bênh vực nó thì lại cúi gầm mặt xuống bàn, cả hai cùng tâm trạng lo sợ - sợ một cái gì đấy không rõ. Khi thấy nó xách cặp ra khỏi lớp, vừa chạy vừa khóc thì tôi không còn run nữa, lấy hết can đảm để nói với cô giáo là nó bị oan - nó cận thị. Mà thực ra lúc đó tôi cũng chưa biết cận thị là gì, chỉ nói với cô "Bạn ấy không nhìn được xa, nên không đọc được đề cô ghi trên bảng, mọi người bảo bạn Chung bị cận thị, không tin thì cô nhìn vào tờ giấy thi sẽ rõ, bạn ấy mới chép được 3 câu đề bài". Vừa nói tôi vừa đưa tờ giấy thi nó để lại trên bàn cho cô, nét mặt cô chùng xuống, cô bước ra ngoài...
    Một lúc sau cô dẫn nó vào lại trong lớp, cô xếp cho nó ngồi bàn đầu. Trong cái rủi có cái may, nhờ thế mà nó được đưa lên mặt tiền lại còn có thêm đôi kính trong rất ngầu (kính cô mua cho nó) còn tôi với thằng Hải thì thoải mái chia nhau 1 cái bàn cải cách rộng chừng 7 tấc (dm), bỏ đủ mỗi thằng 2 cái chân chứ không như trước đây 3 thằng chia sẽ nên phải chân trong chân ngoài.
  4. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    3. Dần ... Chuyện học - Áp lực vì mang danh học sinh giỏi.
    Mặc dù thời đấy chúng tôi còn rất trẻ con, mới lớp 4 thôi à, để nhận thấy trách nhiệm của mình nhưng vì tất cả đều chuyển từ trường khác đến học ké nên đứa nào cũng có cảm giác mình bị để ý. Đoại loại là mấy đứa trong lớp thị trấn bảo tụi tôi là học sinh giỏi thì cái gì cũng phải giỏi (tụi này nó dùng phương pháp qui nạp ấy mà). Vậy nên mặc dù chỉ là chuyên toán hoặc văn nhưng các môn học khác không thể lơ tơ mơ. Có khi còn tập trung thời gian cho món này nhiều hơn. Tối nào về cũng phải học xong bài cho lớp thường rồi mới giải bài của lớp chuyên. Thế nên mới có chuyện cả lớp chuyên toán 15 đứa mà không có đứa nào làm bài tập và đều có câu trả lời "Tối qua tụi em phải sáng tác thơ-văn-vẽ cho báo tường của lớp, mỗi bạn phải có 2 bài nộp cho lớp trưởng rồi mới được bước vào lớp đấy ạ". Tưởng lý do chính đáng ai ngờ thầy giáo la cho 1 trận tóa tim đom đóm "Các trò tập trung về đây để luyện toán hay là để làm báo tường?". Thầy chẳng hiểu gì cả, tôi lẩm bẩm, lớp chuyên thì ai cũng biết nhau chứ bên lớp thường mình là dân học ké, người ta bảo gì nghe đó. Có đứa còn bị lôi vào đội văn nghệ của lớp, khổ thân cho nó vì cái tội hát hay!
    Mỗi lần có bài học thuộc lòng thì ôi thôi rồi, tối về cả tụi ngê nga chổng mông mà đọc cho thuộc không lỡ cô giáo gọi lên bảng thì khốn đốn. Mấy bài thơ lục bát còn dễ chứ mấy bài văn xuôi mà bắt học thuộc lòng thì chỉ có cách đốt rồi lấy tro bỏ vào nước mà uống thì may ra nó mới vào trong người được. Tôi còn nhớ cái lần cô giáo gọi lên bảng đọc thuộc lòng bài "Con chuồn chuồn nước" (Tiếng Việt 4), trước đó đã có 2 đứa không thuộc bị xếp hàng quay mặt xuống lớp, tôi hồi hộp thương cho mình sắp chung số phận. Nhưng cuối cùng thì thoát nạn vì cô thấy tôi đọc làu làu nên cho dừng lại ở giữa chừng. Nói thật, tôi không thuộc hết cả bài, nếu cô không phanh lại kịp thì tôi cũng đứt gánh giữa đường, hú vía. A men đà phật!
  5. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    4. Mẹo... Luyện thi - Học trước chương trình
    Kỳ thi quốc gia chỉ dành cho học sinh các lớp cuối cấp nhưng để chuẩn bị lực lượng thì các tỉnh đã có cuộc thi ngay từ hè lớp 4 và kết quả từng huyện đã đầu quân giữa năm lớp 4 và chúng tôi đã được tập trung vào lớp chuyên toán, như đã kể ở trên.
    Buổi sáng, 30 trò trong 2 lớp Toán/Văn phân tán vào các lớp của trường thị trấn để học chương trình lớp 4. Buổi chiều lại được tập trung vào luyện thi. Giờ học được giới nghiêm, mỗi buổi học đúng 3 tiếng do hai giáo viên đứng lớp. Thời gian đầu, các thầy tập trung dạy trước chương trình, học hết chương trình lớp 4 và lớp 5. Tôi còn nhớ, chỉ sau 2 tháng vào lớp chuyên, các trò đã học đến các bài toán chuyển động đều s=v*t ở cuối sách lớp 5. Các loại toán hình về diện tích tam giác, hình vuông, thậm chí ngũ lục giác các trò còn làm được. Rồi có hôm, thầy giáo không để ý lại cho số lẻ để khi làm phép tính v =s/t thì ra một con số không biết bằng bao nhiêu vì chưa học đến số thập phân. Cứ thế, phạm vi mở rộng cái này lôi kéo cái kia, các trò phải bò ra mà học. Có một thời gian, tôi làm toán như một cái máy, nhớ hết các công thức, dạng bài, một số mẹo cơ bản để giải toán theo bản năng. Thầy ghi đề, trò ngoạch ngoạc gì đấy rồi đưa ra đáp số. Nhưng đến khi thầy bảo giải thích vì sao có cái đó thì trả lời "em tính ra nó thế", thầy cầm tờ giấy nháp vẽ rồng rắn mà không biết trò bắt đầu từ đâu. Cái này không phải riêng tôi, mà hầu hết những đứa đưa ra đúng đáp số đều có chung lời giải: tính mò! Công thức nào cũng biết nhưng thầy hỏi mối liên hệ giữa chúng thì lắc đầu. Nhưng thử hỏi với thời gian ngắn như vậy mà thầy nhét vào đầu chúng con lắm thứ rối rắm thế thì hệ thống kiểu gì. Vậy là tốt lắm rồi. Mà có phải riêng phần toán số của thầy đâu còn cả toán hình, toán logic gì gì đấy nữa chứ. Rồi thì mấy môn tập vẽ, thủ công, hát đồng giao ở trường đâu có bỏ được, thầy đừng làm chúng con sợ!
  6. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    5. Thìn ... Luyện thi - Giải toán tiếp sức
    Lớp 15 đứa thì được chia thành 5 nhóm, trước khi vào giờ giải bài tập thì mỗi trò được bốc 1 cái thăm, ai cùng số 1 thì vào nhóm 1, cứ thế cho đến nhóm 5 gồm 3 trò bốc trúng số 5. Thầy bảo làm thế cho công bằng với lại có sự xáo trộn trong các buổi học nhóm.
    Mỗi lần như vậy thấy vui lắm, với lại có một điều gì đấy thách thức, nhất là bản năng hiếu thắng của trẻ con. Trên gốc bảng của giờ làm bài tập bao giờ cũng có bảng ghi điểm: hàng ngang ghi số hiệu của nhóm, hàng dọc ghi số điểm của từng bài. Khi mỗi bài phát ra thì cả 3 trò chụm đầu lại thủ thỉ đủ cho nhóm mình nghe và tránh nhóm kia nghe lóm. Thường những giờ làm bài kiểu này tập cho các trò tính phản xạ và kết hợp để tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn, có lúc thầy đưa cho mỗi nhóm 10 phép tính con, nếu chia nhau mà tính thì thế nào cũng mất điểm vì đội khác nộp bài trước và dành điểm ưu tiên. Ví dụ hôm đấy có các phép tính 129*12, 129*13, 129*14, ... thì chỉ cần làm phép tính 129*13 sau đó lấy kết quả + 129 hoặc - 129 thì nhanh hơn là làm thêm hai phép nhân. Để ý thêm 129*13 = (130-1)*13. Để ý thêm 130*13 = 13*13*10, khi đấy đã nhớ sẳn các số bình phương nên 13^2 biết ngay bằng 169, ... đoại loại như vậy, nghĩa là các trò phải biết cách phân tích, khi làm nhóm thì "ba cây chụm lại nên hòn núi cao" và vai trò của người đội trưởng cũng không kém phần quan trọng, ngoài giải toán, đội trưởng biết cách phân chia và tập hợp để kịp có bài nộp cho thầy nhanh nhất ở mức có thể. Nghĩa là không nhất thiết phải giải hết, nếu áng chừng đã được 8/10 thì phải nộp ngay, khi đấy các đội sau nếu có được 10/10 thì cũng mất điểm ưu tiên.
    Sau mỗi bài, điểm nhóm được công bố kéo theo sự vui sướng nhảy lên bàn ghế cũng như tiếng la ó cải nhau "đã bảo rồi không nghe", "phải cố ở bài này may ra bằng điểm tụi nó", ... Những lúc như vậy thấy cùng hội cùng thuyền răng mà thắm thiết rứa.
    Phải thừa nhận rằng trong những buổi học như thế, ngoài cái tư duy vốn có thì các trò còn học được "ứng nhân xử thế" để sau này đi thi. Chẳng hạn nếu đều thi có 10 câu nhỏ và làm trong 180 phút thì phải biết phân chia mỗi câu làm tối đa trong 20 phút, nếu bí rồi thì phải biết tạm dừng để sang câu khác, đừng để mất thời gian quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trong làm bài - những kinh nghiệm như thế tôi đã học được từ lớp gà chọi ở tận cái tuổi ấu thơ.
  7. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    6. Tỵ ... Luyện thi - Thầy trò tranh luận.
    Khi đấy chúng tôi rất trẻ con, lúc nào cũng tin tưởng vào thầy giáo, thầy luôn luôn đúng. Chính điều đó đã tạo nên tính thụ động, nghĩa là suy nghĩ theo những đường đi có sẵn, nhiều bài toán làm theo kiểu na ná. Ít khi đặt câu hỏi vì sao mà chỉ chăm chú vào câu trả lời làm như thế nào? Bắt được tâm lý này, các thầy bắt đầu tạo cơ hội cho các trò "cãi lại" bằng cách đưa ra các lập luận sai. Tất nhiên phải là những điều hết sức ngớ ngẩn thì các trò mới dám nói "thầy nhầm".
    Hôm đấy thầy Lế tính diện tích của tam giác vuông bằng tích của hai cạnh góc vuông làm cả lớp há hốc mồm. Thầy hỏi "sai chỗ nào?" thì các trò bảo "sai công thức thầy ạ". Thầy hỏi tiếp "vì sao lại sai?" thì có đứa bảo "thầy Ánh cho công thức tính diện tích tam giác bằng 1/2*a*h, ở đây tam giác vuông nên h chính là cạnh góc vuông, nghĩa là = 1/2*a*b". Học thuộc bài quá, nhưng không biết đến ngày thi các trò có nhớ không? Thầy hỏi tiếp "Ai có thể cho biết a*b là diện tích của hình nào?". Trò A trả lời "diện tích của hình chử nhật có cạnh dài là a cạnh rộng là b", thầy cho 5/10 điểm, nó ấm ức lắm vì đúng rành rành rồi mà chỉ đạt trung bình. Thầy hỏi "còn hình nào khác nữa không?", cả lớp nhìn cái gương 5/10 mà đoán rằng còn một kết quả hay hơn, vậy là tìm tòi, rồi cũng có đứa nhảy cẩng lên như Ác-si-mét tìm ra công thức lực đấy, "thưa thầy, a*b là diện tích của 2 hình tam giác đã cho". Thầy cười mãn nguyện, rồi vẽ hình minh họa lên bảng. Đó là lý do vì sao tam giác vuông có diện tích bằng 1/2 diện tích hình chử nhật. 1/2 = một nửa = diện tích chử nhật chia đôi.
    Nhờ những buổi học như thế, các trò bắt đầu biết tư duy, học một biết hai, bổ xẻ vấn đề, mối liên hệ giữa các đối tượng, vật thể. Gà có chọi được hay không cũng nhờ vào cách luyện của thầy đấy các bác ạ.
  8. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    7. Ngọ ... Những người bạn - Trò đùa trẻ con
    Khi về thị trấn ở lại để luyện thi, ngoài tiền ăn được gửi trực tiếp cho các O nhà bếp để có đủ ngày ba bữa, đến giữa kỳ chúng tôi được phát mỗi cháu 100 đồng, lúc đó mới đổi tiền nên 100 đồng rất giá trị, nó tương đương với 50 ổ bánh mì không nhân. Hôm nhận tiền về đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở, thằng Chung láu cá bảo với tụi trong phòng mỗi đứa được 200 rồi thằng Hải, thằng Nam cũng hà rua gật đầu làm cho thằng Thắng cả tin lôi tiền ra đếm lui đếm tới mà vẫn chỉ có thế để rồi cả tụi ôm bụng cười lăn lóc. Cái cảm giác bị lừa cùng với xấu hỗ trẻ con trước đám bạn bè làm nó co rúm, ngượng ngiụ, trông đến tội nghiệp.
    Ngay đêm đấy thằng Chung bảo mọi người góp tiền để đi mua bánh mì, ai cũng đồng ý, riêng Thắng lắc đầu rồi đắp chăn đi ngủ sớm. Cả tụi dỗ dành kiểu gì nó cũng không ăn. Mấy hôm sau không còn ăn mì kẹp thịt vì như thế tốn kém, tụi nó nghĩ ra cách mua 1 kg đường trắng để ăn với bánh mì, Thắng vẫn nhất quyết không ăn khuya cùng mọi người. Chiều thứ 7, ba hắn đến đón và xin thầy cho nghỉ học vì em nó ốm đang nằm bệnh viện. Tối đó một số đứa cũng có người nhà đến đón nên phòng còn lại 5-6 mạng. Lúc này con Hoàn mới nói cho cả tụi biết "thằng Thắng bị mất 100 đó rồi, rơi ở ngoài đường chứ không ai lấy cắp cả", tự nhiên thấy tiếc cho nó quá.
    Thứ 2 nó đến lớp với vẻ mặt vui tươi, tưởng em nó ra viện rồi nên mới thế, nó bảo chưa đâu nhưng đỡ rồi nên không lo nữa. Chiều thứ 4, thầy cho cả lớp nghỉ học sớm để sang bệnh viện thăm em nó, thế rồi rồng rắn cuốc bộ gần 4 cây số cả đi lẫn về. Nhìn thấy đám học trò đầu tí tẹo kéo đến thăm đứa em nó đang thoi thóp trên giường, mẹ nó xúc động lắm, rồi bà kể hôm thứ 7 Thắng đưa cho mẹ cả trăm bạc, nó bảo phần thưởng nhưng không dùng đến vì dưới đó ăn uống được trường nuối. Chúng tôi nhìn nhau, nó biết đã nói dối với mọi người nên xấu hỗ, cúi đầu im lặng, lần này nó lại ngượng ngùng pha lẫn chút buồn trẻ con.
  9. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    8. Mùi ... Những người bạn - Giờ học múa tập thể.
    Lúc đó cả tụi con trai, con gái về trọ học được xếp ở chung một phòng khách của phòng Giáo dục huyện, chơi với nhau rất thân. Gần như chẳng có gì phân biệt trai gái, trừ khâu "giải quyết nổi buồn" trước giờ đi ngủ vào buổi tối thì tụi con trai đi với nhau và con gái đi riêng. Thế nhưng ở trên lớp thì chúng nó đã bắt đầu biết thẹn, có lẽ tại mấy đứa mới chuyển từ trường khác về nên chưa hòa đồng với lớp mới. Như đã kể lần trước, số học sinh chuyên được phân bổ vào các lớp thường để học chương trình lớp 4 vào buổi sáng còn buổi chiều thì đi luyện thi. Ở trong lớp thường đều phải tham gia tất cả các hoạt động văn thể mỹ như bao học sinh khác.
    Hồi đấy cứ mỗi giờ ra chơi là phải tập thể dục toàn trường hoặc múa hát tập thể. Hôm đấy là giờ tập múa bài "Lớp chúng mình" (đúng không nhỉ?) cả lớp phải nối vòng tròn và nam nữ xen kẻ nắm tay nhau, nhưng có một đứa con gái trong lớp nó không chịu cho thằng Chung cầm tay, cứ mỗi lần thằng Chung đưa tay ra nắm là nó thụt lại, cả lớp cười ồ lên. Không biết nghĩ sao, thằng Chung chạy ra bẻ một cành cây bạch đàn dài khoảng 1 gang tay và bảo đứa con gái nắm vào đấy, thế rồi cũng ổn. Nhưng kiểu múa tập thể gì mà cái vòng đang dịch trái thì lại đổi sang dịch phải, thỉnh thoảng thả tay để thu hẹp vòng bằng cách bước vào trong hoặc nới rộng ra tạo thành các đường sóng nước. Được một lúc dịch trái dịch phải thì cái vòng bị đứt tại chỗ thằng Chung, đúng lúc đấy đội cờ đỏ đi kiểm tra và ghi vào sổ trừ điểm thi đua Lớp 4H. Giờ sinh hoạt hôm đó thấy nó run cầm cập, chắc là nó đang hình dung cả hai đứa bị gọi lên bảng đứng nắm tay nhau và nhìn xuống lớp. Nhưng lạ thật, sau khi tổng kết trong tuần, cô giáo bắt đầu chép lại bài hát lên bảng:
    Lớp chúng mình
    Rấ rất vui
    Anh em ta chan hòa tình thân
    Lớp chúng mình
    Rấ rất vui
    Anh em ta cùng chung một nhà....

    Giờ đây tôi không còn nhớ cô giáo đã nói những gì vào chiều hôm đó nhưng đoại loại là "Các em sinh hoạt tập thể mà giống như một cái một cái máy hát thế thì sinh hoạt làm gì. ''Anh em ta chan hòa tình thân'' mà mỗi việc nắm tay đi vòng tròn còn không làm được, như thế thân chỗ nào, vui chỗ nào, ...", có lẽ lúc đó cả đám học trò không hiểu hết lời cô nhưng sau này càng lớn lên càng ngẩm nghĩ lại thấy lời cô đúng.
  10. rec

    rec Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    1.166
    Đã được thích:
    0
    9. Thân ... Luyện thi - Buổi học cuối cùng.
    Sau mấy tháng tu luyện rồi thì cũng đến buổi học cuối cùng, hôm đấy không khí trong lớp khác hẳn ngày thường. Thầy giáo dặn buổi học dời lại từ 3h thế mà cả tụi đã kéo đến lớp đúng như thường lệ - 1h30. Đông đủ 15 đứa, hôm nay không có bài tập mà cũng không làm bài thi nên không ai phải chuẩn bị gì sất. Trừ Tuyết và Hoàn ngồi ở cuối lớp còn mấy thằng con trai đều nhảy lên trên bàn, ngồi xếp bàng chân, tạo thành vòng tròn và nói chuyện tao lao thiên đế. Mới ngày nào mỗi đứa một nơi thế mà hôm nay thân nhau lạ. Thêm một buổi gặp gỡ nữa là đi thi và chia tay nhưng chẳng đứa nào nói về tương lai, mà hình như lúc đó trong đầu đám trẻ con chưa hình thành khái niệm tương lai là gì cả. Tụi nó toàn kể chuyện ở lớp, ở trường nó làm chức gì. Duyệt qua một vòng thì đứa nào cũng làm quan, ít nhất là quan huyện với chức lớp phó phụ trách học tập còn lại là quan lớn làm lớp trưởng, trong 15 đứa thì có đến 4 đứa giữ chức đội trưởng đội sao đỏ của Trường. Thế mới biết dân học toán có khả năng làm lảnh đạo đáo để. Rồi thì đứa nào cũng tranh nhau khoe ngày được vào đội: "tao vào đội từ đầu năm lớp 3", "tao cũng thế, vào đội trước khi học bài ''Ngày em vào đội'' ấy chứ", "nhằm nhò gì, tao á, từ khi vào đội đến nay tao đã thay 2 cái khăn quàng đỏ rồi đấy", ... tụi nó lếu láo thật nhưng nhờ thế mà vui để rồi cả tụi ôm bụng cười ngặt ngoẻo, cười râm ran.
    Thầy vào lớp, hôm nay không phải là một mình thầy Lế dạy hình mà còn có cả thầy Thi dạy số. Cả hai thầy không ai đứng ở bàn giáo viên, chỉ khoanh tay đi vòng quanh lớp để dặn dò. Thầy Thi ghi lên bảng các bước làm bài thi, bài Toán Số đầu tiên bao giờ cũng bài dễ, các trò phải tập trung đọc kỷ đề để làm cho tốt, bài này thường điểm không cao nhưng nó có tác dụng làm hưng phấn tâm lý cho các bài tiếp theo. Sau khi làm được 1 bài, các trò đọc lại đề thật nhiều lần, việc lặp lại như vậy sẽ tạo cho trò biết bài nào mình có khả năng để làm trước trong các bài còn lại. Phải hết sức sáng tạo vì có nhiều dạng bài na ná đã luyện thi nhưng nếu cố nhớ ra bài đó đã gặp ở đâu thì sẽ sa vào vũng bùn. Các bài thi nếu thấy giống thì bao giờ cũng có vài điểm thay đổi, phải tìm ra chỗ khác đấy. Thầy Lế nhắc rằng, bài hình phải vẽ ra giấy nháp nhưng không nên mất thời gian dùng thước hay ê-ke, đo-độ. Một lưu ý trong các bài hình là đường kẻ phụ. Không nên lần lượt từ câu a), b), c), ... mà nên đọc hết các câu hỏi vì các câu thường bổ sung ý cho nhau, có thể nhờ câu hỏi này mà mình có hướng để làm câu hỏi khác, các đường kẻ phụ cũng thường xuất phát từ đấy.... Thực ra những vấn đề này các thầy đã chỉ vẻ tỉ mỉ trong các buổi học nhưng hôm nay cần tổng kết lại.
    Đến giờ thì vẫn còn nhớ lời dặn cuối cùng của thầy Lế trong buổi hôm đó: "Thời gian vừa qua các trò đã học hành rất tốt, đã cố gắng rất nhiều nhưng lần này đi thi thầy mong các trò phải cố gắng hơn nữa, khi vào phòng thi thì cần tập trung hết sức để làm bài và đừng để mất cơ hội ghi điểm, mục đích cuối cùng là các trò ghi được càng nhiều điểm càng tốt." Vậy rồi các trò cũng chuẩn bị lên đường đi thi với mục tiêu cố ghi điểm càng nhiều càng ... giỏi.

Chia sẻ trang này