1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

:: Làm quen với những đường phố Đất Cảng ::

Chủ đề trong 'Hải Phòng' bởi gianghobenbinh, 13/03/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    :: Làm quen với những đường phố Đất Cảng ::

    Mời bạn bắt đầu nhé:

    Phố Thất Khê

    Phố Thất Khê kéo dài từ phố Hoàng Văn Thụ đến quảng trường trước trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố, giáp với phố Hoàng Diệu, dài 194,8m, rộng 7m, vỉa hè dài 172m, rộng 4,5m.

    Thất Khê là cứ điểm thuộc Lạng Sơn trên đường số 4. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Pháp đã xây được tuyến phòng thủ kiên cố đường số 4 dọc biên giới Việt - Trung, nhằm ngăn cách nước ta với phong trào cách mạng thế giới. Nhưng trong chiến dịch Biên giới thu đông 1950, quân dân ta đã phá vỡ phòng tuyến đó chỉ trong vòng nửa tháng, tiêu diệt binh đoàn ứng cứu do chỉ huy trưởng Lơ Pagiơ chỉ huy.



    Lúc mới mở, phố được gọi là phố Batay (Rue Bataille). Năm 1954, phố được đổi tên là phố Nguyễn Trường Tộ, thuộc khu Trung Ương I. Sau giải phóng, phố mang tên như hiện nay.



    Phố này gần nơi chính quyền thực dân đặt nhiều cơ quan quan trọng, lại ở vào điểm cuối thành phố nên không tiện sinh hoạt. Đến trước kháng chiến chống Pháp, 11-1946, vườn dừa ở sát phố Thất Khê còn rậm rạp, tươi tốt, Pháp tận dụng vườn dừa làm sân thể thao phục vụ binh nghiệp. Khi ta tiếp quản, vườn dừa không còn nhưng khu đất vườn vẫn để trống làm nơi cảng sơ tán hàng hoá vật tư.



    Trên phố Thất Khê hiện có trụ sở của Bảo hiểm xã hội thành phố và sở Tài nguyên - Môi trường thành phố, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và phía sau của Bưu điện thành phố, ngoài ra không có công trình xây dựng nào đáng kể.


    Phố Tam Bạc

    Phố Tam Bạc bắt đầu từ cầu Lạc Long, dọc theo sông Tam Bạc, vòng ra phía sau chợ Sắt, giáp với phố Quang Trung ở ngã ba đập Tam Kỳ, dài 1415m. Đoạn từ cầu Lạc Long đến phố Lãn Ông dài 440m, rộng 7m; đoạn từ phố Lãn Ông đến phố Nguyễn Thái Học dài 750m, rộng 14m; đoạn cuối dài 225m, rộng 7m.

    Tuy nhiên người ta thường quan niệm phố Tam Bạc chỉ tính từ cầu Lạc Long đến phố Nguyễn Thái Học. Vỉa hè chỉ có một bên và chỉ đến ngã ba với phố Nguyễn Thái Học. Hệ thống thoát nước đặt cống hộp 400 x 500mm. Phố Tam Bạc qua đầu các phố: Lãn Ông, Trạng Trình, Hoàng Ngân, Tôn Thất Thuyết, Ký Con, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học.



    Phố thuộc đất bãi xã An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. Đây là một phố quan trọng, có vị trí đặc biệt trong quá trình hình thành đô thị Hải Phòng, nhất là buổi ban đầu.



    Vì phố bên sông Tam Bạc nên đặt tên là phố Tam Bạc. Sông này bắt đầu từ sông Văn Úc đổ vào làng Trạm Bạc, huyện An Dương cũ, chảy trên đất An Hải, đoạn cuối chảy qua địa phận quận Hồng Bàng. Sông chính tên là Trạm Bạc, huyện An Dương cũ, chạy trên đất An Hải, đoạn cuối chảy qua địa phận quận Hồng Bàng. Sông chính tên là Trạm Bạc.



    Lúc mới mở, phố gọi là Ke Marêxan Phốc (Quai Maréchal Foch). Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là bến Bạch Thái Bưởi. Sau giải phóng mang tên như hiện nay.



    Phố Tam Bạc ngày trước chỉ là bến tàu, còn nhà thì là mặt sau của phố Bati (Baty) và phố Khách (Rue Chinoise). Chính vì vậy phố Tam Bạc chỉ có đoạn từ phố Ký Con đến chợ Sắt mới có số nhà. Vào thời kỳ cực thịnh, sông Tam Bạc chen chúc tàu, thuyền, sà lan, với cả một rừng cột buồm, trên bến dưới thuyền tấp nập. Cuộc sống của người dân nơi đây cũng rất hỗn độn, chen chúc. Hoa Kiều sống bằng đủ mọi nghề: thợ sắt, mạch lô, phu phen, làm nước chấm, quay gà vịt... Cảnh sống này còn tồn tại sau ngày giải phóng Hải Phòng một thời gian.



    Ngày nay, phố Tam Bạc không tấp nập như trước đây chủ yếu là do sự phát triển của các phương tiện giao thông và mạng lưới giao thông đường bộ hiện đại hơn, thuận tiện hơn khiến người ta không cần tới sự có mặt của những con thuyền buồm và sông Tam Bạc chật hẹp, nông dần. Nay trên sông Tam Bạc có một cầu treo thay thế cho đò ngang trước đây. Năm 1993, sông được cải tạo nạo vét hút bùn để chuẩn bị mở lại tuyến vận tải thuỷ. Đây hiện vẫn còn là bến sông nhưng không được sầm uất như trước kia.







    The world is small.P a p i l l o n 
  2. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Phố Quang Trung

    Phố Quang Trung bắt đầu từ ngã ba đập Tam Kỳ, qua đầu các phố Lãn Ông, Trạng Trình, Hoàng Ngân, Tôn Thất Thuyết, Ký Con, Phạm Hồng Thái, dài 1155m, rộng 11m. Vỉa hè đoạn Nguyễn Thái Học - Lãn ông dài 560m, cả hai bên đều rộng 6m; đoạn Lãn Ông - Quán Hoa dài 240m, cả hai bên đều rộng 5,5m. Hệ thống thoát nước dài 820m, đặt cống ø 1200mm.

    Quang Trung (1753-1792) là một anh hùng kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, đã có công lật đổ các tập đoàn phong kiến thối nát Lê - Trịnh - Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm La và 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, thống nhất đất nước, chấm dứt cảnh chia rẽ Đàng Trong - Đàng Ngoài do tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn gây ra kéo dài gần 200 năm. Ông có nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hoá tiến bộ. Rất tiếc, ông chỉ tại vị được 3 năm nên nhiều dự định không thực hiện được.

    Phố thuộc đất bãi làng An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. Lúc mới mở, phố gọi là đại lộ Savátxitơ (Boulevard Chavassieux). Có người đọc theo âm Hán Việt là phố Xa Hoa Sinh. Phố này lúc đó kéo dài từ phố Nguyễn Thái Học hiện nay đến tận cổng Cảng. Sau cách mạng tháng Tám, phố đổi gọi là Lê Lợi và cũng dài như trên.

    Năm 1954, phố đổi gọi là phố Quang Trung và kéo dài đến cổng Cảng ở điểm tiếp giáp với phố Hoàng Diệu hiện nay. Tới năm 1985, đoạn từ Quán Hoa đến phố Hoàng Diệu mới được tách ra gọi là phố Trần Hưng Đạo.

    Phố Quang Trung gắn liền với việc đào kênh Bonnan, vào năm 1885. Thời Pháp thuộc, phố tập trung nhiều cơ sở kinh tế văn hoá như hiệu buôn Phúc Vĩnh Xương. Lô đất của khách sạn Lục Hải Thông vốn là miếu thờ Sơn thần của làng An Biên, đến tận năm 1946, ngôi miếu gỗ này vẫn còn. Nhà hát lớn nguyên trước đây là địa điểm họp chợ của làng An Biên.

    Thời Pháp thuộc, sông Lấp nước đọng, bùn lầy, đỗ san sát thuyền cũ và sà lan hỏng nát, người Hoa nghèo dùng làm nhà nổi. Cầu Carông bắc qua sông Lấp nối hai phố Quang Trung và phố Nguyễn Đức Cảnh hiện nay, đã bị dỡ bỏ sau giải phóng vì quá cũ. Để đảm bảo cho việc đi lại thuận tiện, một cầu treo được xây dựng ở đầu phố Cát Cụt thay thế cho cầu Carông. Trước khi cải tạo sông Lấp thành hồ Tam Bạc, cầu treo này cũng bị dỡ bỏ.
    Phố Phó Đức Chính

    Phố Phó Đức Chính bắt đầu từ phố Lê Lợi đến phố Lương Văn Can, dài 45m, rộng 6m. Vỉa hè bên trái dài 40m, bên phải dài 38m, rộng 2m. Hệ thống thoát nước đặt cống tròn ø 400mm. Phố thuộc địa bàn xã Gia Viên, trước giải phóng thuộc khu Ga.

    Phó Đức Chính (1907-1930) người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng. Gia đình ông dòng dõi nho giáo, nhiều người dạy học, làm thuốc Đông y nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Phó Đức Chính được bổ nhiệm làm tham tán ở Lào. Năm 1928, ông tham gia lập Việt Nam Quốc dân đảng chống đô hộ Pháp. Sau một thời gian hoạt động, ông bị địch bắt. Ngày 17-6-1930, Phó Đức Chính cùng lãnh tụ chủ yếu của Việt Nam Quốc dân đảng hiên ngang lên đoạn đầu đài ở Yên Bái.

    Đây là phố mới mở, bản đồ qui hoạch thành phố đến trước ngày giải phóng tuy đã đặt tên nhưng thực tế vẫn còn là đường rải đá. Lúc mởi mở đặt tên là phố Pennơcanh (Rue Pennequin), năm 1954, phố đổi mang tên như hiện nay.


    The world is small.P a p i l l o n 
  3. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Phố Phan Đình Phùng

    Phố Phan Đình Phùng kéo dài từ phố Bạch Đằng đến cổng nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, dài khoảng 200m. Trước kia, phố kéo dài đến phố Chương Dương trên hữu ngạn sông đào Hạ Lý, nay chỉ còn một phần ba.

    Phan Đình Phùng quê xã Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Đình Nguyên tiến sỹ triều Tự Đức, làm quan đến chức Ngự sử. Năm 1885, dưới triều vua Hàm Nghi, ông giữ chức Tán lý quân vụ, thống lĩnh các đội quân Cần Vương ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông đã kiên trì kháng chiến gian khổ chống Pháp. Năm 1885, ông bị bệnh mất tại căn cứ núi Quạt.

    Phố được hình thành trên đê ngăn mặn của xã Hạ Lý, tổng Gia Viên ngày trước. Trước giải phóng thuộc khu Tam Bạc. Lúc mới mở phố gọi là Acsơnan (Rue Arsenal) nghĩa là phố xưởng tàu vì ở đây có xưởng tàu lớn của hải quân Pháp. Năm 1954, phố mang tên Phan Đình Phùng.

    Phố nằm ở vùng đất bồi ngã ba sông Cấm với sông Tam Bạc nên bến sông này thuận tiện cho việc giao thương. Nhiều lái buôn Hoa Kiều đã sớm đến buôn bán, làm kho chứa hàng. Sông đào Hạ Lý hoàn thành năm 1900. Khi chưa có cầu xi măng, ở đầu phố chỗ sông đào đổ vào sông Cấm có bến phà.

    Thời Pháp thuộc, ngoài xưởng tàu của hải quân Pháp, trên phố còn có trường Kỹ nghệ thực hành đặt trên nền của Nha Thương chính cũ, bên cạnh nhà máy chỉ. Sau đó phố này thêm trại Marin.

    Trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, phố này bị đánh phá ác liệt nhiều lần, gây tổn thất nặng nề, nhiều nhà máy không còn. Hiện chỉ còn xưởng cơ khí X46 của hải quân và nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.
    Phố Phan Chu Trinh

    Phố Phan Chu Trinh kéo dài từ phố Lê Đại Hành đến phố Đinh Tiên Hoàng, dài 180m, rộng 6m. Vỉa hè dài 172m, cả hai bên đều rộng 3m, hệ thống thoát nước dài 172m. Phố thuộc đất xã Gia Viên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương

    Phan Chu Trinh (1872-1926), biệt hiệu là Tây Hồ, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng, làm Thừa biện bộ Lễ. Ít lâu sau ông bỏ quan, hoạt động cứu nước. Từ năm 1905, ông sang Nhật rồi sang Pháp chủ trương cải lương dân chủ với hy vọng dựa vào nước Pháp để đánh đổ chế độ phong kiến thối nát nhưng thất bại. Tháng 5-1925, ông từ Pháp về nước, một năm sau thì mất, nhân dân cả nước trong đó có nhân dân Hải Phòng đã dấy lên phong trào để tang ông, biến thành một phong trào yêu nước sôi động.

    Đây là một phố nhỏ và yên tĩnh, từ trước đến nay không có các điểm kinh doanh nào đáng kể, cư dân thưa thớt. Lúc mới mở gọi là phố Giăng Đuypuy (Rue Jean Dupuis). Khi đó phố này còn kéo dài tới phố Hoàng Văn Thụ hiện nay và dài 268,78m. Sau khi ta tiếp quản thành phố, đoạn từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Hoàng Văn Thụ nằm trong Công ty cấp nước thành phố. Từ đó phố chỉ còn lại như hiện nay.

    Sau cách mạng tháng Tám, phố Giăng Duypuy đổi gọi là phố Quang Trung. Lúc này phố Quang Trung kéo dài suốt từ phố Lý Thường Kiệt tới phố Lê Đại Hành, tức là gồm hai phố Kỳ Đồng và phố Phan Chu Trinh bây giờ. Sau đó hai phố lại tách ra như cũ. Năm 1954, phố Giăng Duypuy đổi mang tên phố Phan Chu Trinh như hiện nay.

    Ở phố trước đây có trường trung tiểu học Giăng Duypuy. Đối diện với trường Giăng Đuypuy là sân thể thao Radiom (Quod de Radium). Hoạt động thể thao chính ở đây là quần vợt, thỉnh thoảng có tổ chức đấm bốc. Sau giải phóng, sân Radiom gọi là sân vận động Nữ thanh niên, nay gọi là Câu lạc bộ thể dục thể thao quận Hồng Bàng. Trên phố trước đây còn có cơ sở của hợp tác xã Quần Lực, sản phẩm bếp dầu của hợp tác xã nổi tiếng thời chống Mỹ. Ở khu vực ngã ba với phố Lê Đại Hành trước đây có phòng khám bệnh của Bệnh viện Hồng Bàng, nay đã chuyển cả về phố Kỳ Đồng.
    Phố Phan Bội Châu

    Phố Phan Bội Châu kéo dài từ phố Hoàng Văn Thụ, cắt qua các phố Lãn Ông, Trạng Trình, Hoàng Ngân, Tôn Thất Thuyết, Ký Con, Phạm Hồng Thái, đến phố Nguyễn Thái Học, dài 1.030m, rộng 7m. Vỉa hè dài 900m, rộng 4m. Hệ thống thoát nước dài 590m, đặt cống hộp 500 x 600mm. Phố thuộc đất bãi xã An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương

    Phan Bội Châu (1867-1940) hiệu là Sào Nam, sinh ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà yêu nước nổi tiếng theo xu hướng dân chủ và chủ trương bạo động. Đầu năm 1905, ông tới Hải Phòng, được thuỷ thủ người Gia Viên tên là Nguyễn Hữu Tuệ giúp đỡ. Ông đã sang Pháp hoạt động, giúp các cuộc khởi nghĩa trong nước, sau ông bị Pháp kết án tử hình. Do nhân dân ta đấu tranh mạnh mẽ, ông được giảm án và bị giam lỏng ở Huế. Phan Bội Châu còn là tác giả lớn về văn học, sử học, triết học và dùng văn học để mưu cầu giải phóng dân tộc.

    Phố có vị trí khá quan trọng về giao thông và giao lưu buôn bán, nhất là vào thời Pháp thuộc và tạm bị chiếm. Lúc mới mở gọi là phố Tôngkinoa (Rue Tonkinoise) nghĩa là phố của dân Đông Kinh, nhân dân quen gọi là phố Đông Kinh.

    Trong thời Pháp thuộc, có lúc đổi gọi là phố Thống chế Pêtanh (Rue Maréchal Pétain). sau cách mạng tháng Tám, phố đổi gọi là Hồng Đức. Năm 1954, phố đổi gọi là phố Phan Bội Châu.

    Thời Pháp thuộc, đây là phố buôn bán sầm uất, tập trung nhiều hiệu ăn, hiệu bánh, hàng tạp hoá, hiệu thuốc bắc, hiệu vàng, trà tàu... Cũng trong thời Pháp thuộc và tạm bị chiếm, đoạn phố từ ngã ba phố Hoàng Văn Thụ đến phố Lãn Ông có nhiều nhà buôn bán sắt cũ với hàng trăm mét vuông đất làm kho hàng nên có người gọi đây là phố Hàng Sắt.

    Cư dân của phố thời Pháp thuộc và tạm bị chiếm chủ yếu là Hoa Kiều; gần ngã ba Hoàng Văn Thụ hiện nay có một số người Việt sinh sống. Trước đây trên phố có lãnh sự quán Trung Hoa, rạp chiếu bóng WaWa (xây năm 1947 - 1951), nay là rạp Long Châu, rạp Đại Quan (xây năm 1936-1939), nay là nơi tập và dàn dựng của Đoàn cải lương Hải Phòng. Đền Nhà Bà cũng chiếm một đoạn của phố này. Trường Kiều Tiểu dành cho học sinh Hoa Kiều đối diện với tường bên của đền Nhà Bà.

    Hiện nay, trên phố có một số cơ quan như: Viện kiểm sát nhân dân thành phố (ở vị trí của lãnh sự quán Trung Hoa dân quốc cũ). Công ty vận tải xăng dầu đường thuỷ khu vực 1 Petrolimex. Phố có tới ba trường phổ thông cơ sở: Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Nguyễn Du.
    Phố Phạm Phú Thứ

    Phố Phạm Phú Thứ kéo dài từ phố Bạch Đằng đến phố Hạ Lý, dài 532m. Đoạn từ phố Bạch Đằng đến trường Phổ thông trung học Lê Hồng Phong rộng 5,5m, đoạn còn lại rộng 4m. Hệ thống thoát nước dài 415m, xây rãnh khổ 400 x 500mm.

    Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), người làng Đông Dư, huyện Diên Phước nay thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1843, ông đỗ Hội nguyên tiến sỹ, làm quan trải hai triều vua Nguyễn Thiệu Tri, Tự Đức nhưng bị thăng giáng nhiều lần. Năm 1863, ông được cử làm phó sứ trong phái bộ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền tây Nam Kỳ lúc thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 1, Phạm Phú Thứ giữ chức Tổng đốc Hải Dương (gồm cả thành phố Hải Phòng ngày nay, trừ huyện đảo và một phần huyện Vĩnh Bảo).

    Phố thuộc đất xã Hạ Lý cũ, trước giải phóng thuộc khu Tam Bạc. Phố mới mở khi qui hoạch lại khu vực này, sau khi bị máy bay Mỹ đánh phá huỷ diệt trong cuộc chiến tranh phá hoại ở khu vực đảo Hạ Lý.

    Trước đây từng có hai phố lớn mang tên Phạm Phú Thứ đều nằm ở đảo Hạ Lý. Đại lộ Trung tâm (Boulevard Central) tức đường Bạch Đằng hiện nay, được mang tên sau cách mạng tháng Tám; phố Marin (Rue de la Marine), tức phố Hạ Lý hiện nay, mang tên từ năm 1954. Sau giải phóng, tên ông được chuyển đặt cho phố hiện nay




    The world is small.P a p i l l o n 
  4. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Phố Phạm Ngũ Lão

    Phố Phạm Ngũ Lão kéo dài từ phố Trần Phú đến phố Lương Khánh Thiện, là cửa chính của ga xe lửa Hải Phòng - Hà Nội, dài 180m, rộng 10m. Vỉa hè của phố dài 180m, rộng 5m. Hệ thống thoát nước đặt cống hộp 500 x 600mm, dài 197m, dưới lòng đường cách mép bó vỉa hè trái 4m.

    Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) người làng Phù Ủng, nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng. Ông là người am hiểu binh pháp, được Trần Hưng Đạo tuyển làm gia tướng. Trong công cuộc chống Mông - Nguyên, ông đã nhiều lần lập công xuất sắc, sau được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, tước Quan nội hầu, trông coi cấm binh.

    Phố này vốn thuộc đất xã Gia Viên cũ, trước giải phóng thuộc khu ga. Lúc mới mở, phố mang tên Đờ Lanétxăng (Rue De Lanessan). Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Mạc Đĩnh Chi. Từ năm 1954, phố mang tên như hiện nay.

    Phố tuy ngắn, nhưng mặt đường rộng, thẳng với chính diện ga xe lửa Hải Phòng, hai đầu nối hai phố lớn dẫn đến Cảng Hải Phòng là Trần Phú và Lương Khánh Thiện. Một đầu phố tiếp giáp với hai công viên lớn Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do đó, tuy không phải là phố buôn bán, nhưng mật độ người xe đi lại khá tấp nập, nhất là khi có chuyến xe lửa đi về.

    Phố này trước kia chủ yếu là nhà trọ, quán cơm. Sau tiếp quản mới xây dựng công trình to đẹp là trụ sở của Ban khoa học kỹ thuật và Thư viện khoa học kỹ thuật, nay là sở Khoa học và Công nghệ. Trên phố còn có siêu thị Ánh Dương là một trong những siêu thị lớn nhất của thành phố.
    Phố Phạm Minh Đức

    Phố Phạm Minh Đức kéo dài từ Ngã Sáu, qua đầu phố Lương Văn Can, đến phố Lê Lợi, dài 320m, rộng 7m. Vỉa hè trái dài 285m, rộng 4m, bên phải dài 320m, rộng 4m.

    Phố thuộc đất xã Gia Viên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Ga. Lúc mới mở, phố có tên là Boócđô (Rue Bordeaux). Trước đây nhân dân trong vùng quen gọi phố này là ngõ Máy nước Hai vòi, vì ở ngã ba phố Phạm Minh Đức - Lê Lợi đặt máy nước công cộng có 2 vòi. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Trần Bình Trọng. Năm 1954, phố được gọi là Mỹ quốc. Ít lâu sau ngày giải phóng, phố mang tên liệt sỹ Phạm Minh Đức như hiện nay.

    Thời Pháp thuộc, chỗ trạm điện Ngã Sáu hiện nay gọi là công viên Liên Hiệp Quốc. Phòng văn hoá và thư viện quận Ngô Quyền hiện nay vốn là khách sạn Mácxâye (Marseillaise) thời Pháp thuộc. Vào những năm 1953, 1954, trên phố có một số lô nhà viện trợ của Mỹ.

    Hiện nay hai bên phố có nhiều cửa hàng bách hoá, cửa hàng thực phẩm, hàng ăn. Gần phố Lê Lợi có hai cơ quan là Tổng công ty Xây dựng đường biển và Công ty giám định hàng hoá.
    Phố Phạm Hồng Thái

    Phố Phạm Hồng Thái kéo dài từ bờ sông Tam Bạc đến phố Quang Trung, dài 205, rộng 7m, cắt qua hai phố Tôn Đản và Phan Bội Châu. Vỉa hè hai bên đều dài 190m, rộng 3,5m. Hệ thống thoát nước dài 125m, đặt cống hộp 500 x 600mm.

    Phố thuộc vùng đất bãi bồi An Biên cũ. Phố ở gần chợ Sắt, tiếp giáp hai sông Tam Bạc, sông Lấp, cắt các phố Phan Bội Châu, Tôn Đản vốn là những phố buôn bán sầm uất, náo nhiệt bậc nhất của Hải Phòng xưa.

    Đầu phố ngày trước có bắc cầu sắt qua sông Lấp sang gần nhà máy Carông (nên còn gọi là cầu Carông hay cầu sông Lấp), do đó rất thuận tiện cho việc thông thương. Lúc mới mở đặt tên là phố Tuaran (Rue de Tourane), sau cách mạng đổi mang tên là Nguyễn Văn Phúc, từ năm 1954 đổi gọi là phố Phạm Hồng Thái.

    Phố Phạm Hồng Thái tuy ngắn, nhưng lòng đường và vỉa hè đều rộng, hệ thống thoát nước tốt. Hai bên hè phố trước kia nhiều cây bóng mát, nhà hầu hết là nhà cao tầng, làm cùng kiểu, tầng dưới là cửa hàng, tầng trên là nhà ở hoặc nơi giao dịch. Trải qua chiến tranh, nhà cửa đường sá, cây cối đã bị hư hại. Mấy năm gần đây nhà cửa đã được nhân dân và nhà nước sửa chữa, cải tạo nhiều
    Phố Phạm Bá Trực

    Phố Phạm Bá Trực bắt đầu từ phố Hoàng Văn Thụ đến phố Lý Thường Kiệt, dài 170m, rộng 6m. Vỉa hè dài 165m, cả hai bên đều rộng 2m. Hệ thống thoát nước đặt cống hộp 500 x 600mm.

    Phạm Bá Trực là một phố nhỏ, nằm trọn trên khu đất xã Gia Viên xưa. Tuy nhỏ, nhưng phố ở khu trung tâm, nối với hai phố buôn bán và giao thông sầm uất vào loại nhất của thành phố nên vẫn đông đúc, náo nhiệt. Lúc mới mở, khu Nhà chung chiếm phần lớn phố này, lại có nhà thờ chính, do đó nhân dân quen gọi là phố Nhà Thờ. Tên chính thức là phố Mitsiông (Rue Mission). Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Nhà Chung. Năm 1954, phố đổi gọi là phố Đắc Lộ, tên phiên âm Hán Việt của cha cố Alêchgiăng Đờ Rốt, người có công lớn trong công cuộc sáng tạo chữ quốc ngữ. Thời Pháp thuộc, phố thuộc khu Trung Ương.

    Trên phố này chủ yếu là nhà ở, công trình kiến trúc đáng kể có nhà thờ Chánh toà Hải Phòng xây vào những năm đầu thế kỷ XX. Toàn khu nhà thờ có chu vi gần 400m. Đây là một công trình văn hoá tín ngưỡng vào loại lớn ở thành phố.

    Trước đây, ở khu vực ngã ba với phố Lý Thường Kiệt có dãy nhà kho của hãng Poanhsa Vêrê, đối diện có lô đất trống, gọi là công trường Hoa Lư, sau đó được xây thành trường tiểu học Hoa Lư, sau đổi là Nguyễn Huệ, nay đã rời đi. Thời Pháp, phố này còn có Văn phòng ngoại thương (Bureau du Commerce Extérieur) và chi nhánh của tổng phát hành sách báo Đông Dương - S.I.D.E.
    (còn tiếp)





    The world is small.P a p i l l o n 
  5. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Đường vòng hồ Nhà hát nhân dân

    Đây là con đường bao xung quanh khu vực Nhà hát nhân dân, dài 911m, rộng 5m. Diện tích vỉa hè mới lát được 133m2. Đường nằm trong địa bàn xã An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Gia Viên

    Ở khu vực này vốn có một hồ nhỏ, khi Pháp mở mang thành phố cần chỗ nghỉ ngơi giải trí mới chọn lô đất này làm trường đua ngựa và một vườn hoa nhỏ, hồ nước được giữ lại làm nơi tắm ngựa, do đo dân quen gọi là hồ Quần Ngựa. Khu thể thao này được xây dựng khá sớm. Trong chiến tranh 9 năm (1945-1954), khu Quần ngựa này không dùng nữa, để hoang tàn. Năm 1960, ta cải tạo làm Nhà hát nhân dân ngoài trời. Xung quanh đào hồ và kè đá, làm đường bao quanh, bắc 3 cầu và trồng cây. Đây là công trình văn hoá tiêu biểu của Hải Phòng và của miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Nhiều cuộc biểu diễn nghệ thuật được tổ chức ở nhà hát này. Đến đầu những năm 90, thành phố giao Nhà hát nhân dân cho thành phố để xây dựng Nhà văn hoá Thanh niên - hiện nay đây là Trung tâm hoạt động văn hoá thể thao của tuổi trẻ Hải Phòng.

    Ngày 1-6-1930, Công hội Đỏ Hải Phòng đã treo cờ, rải truyền đơn ở đây, vạch trần những thủ đoạn mị dân xảo trá của Pháp, nhân dịp Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Uỷ ban hoà giải dân chủ.
    Phố Nguyễn Trãi

    Phố Nguyễn Trãi từ Ngã Năm, nay là Ngã Sáu (vì mới mở thêm đường Ngã Năm sân bay Cát Bi) cắt qua phố Máy Tơ đồng thời qua đầu phố Võ Thị Sáu đến đường Lê Thánh Tông, dài 650m, rộng 8m. Vỉa hè đoạn Ngã Năm - ngã năm Nguyễn Trãi - Máy Tơ - Võ Thị Sáu bên trái dài 270m, rộng 5m, bên phải dài 260m, rộng 7m; đoạn còn lại bên trái dài 355, rộng 5m, bên phải dài 360m, rộng 7m. Hệ thống thoát nước dài 680m, đặt cống tròn ~ 600mm, nằm giữa hè phải.

    Phố thuộc xã Gia Viên cũ, trước giải phóng thuộc khu Ga. Lúc mới mở phố gồm 2 phố: Ruăng (Rue de Rouen), từ Ngã Năm đến ngã năm Máy Tơ - Võ Thị Sáu - Nguyễn Trãi hiện nay; phố Vécđoong (Rue de Verdun), từ điểm tiếp giáp với phố Ruăng tới đường Lê Thánh Tông hiện nay.

    Sau cách mạng tháng Tám, hai phố Ruăng và Vécđoong hợp lại, gọi là phố Trần Quang Khải. Từ năm 1954, phố mang tên Nguyễn Trãi cho đến nay.

    Phố được mở chủ yếu để vận chuyển hàng hoá ra vào các kho ở Cảng, vì vậy trước đây phố hết sức vắng vẻ, dân cư thưa thớt, nhất là đoạn phía Bắc. Đoạn phía Bắc trước đây là kho kim khí và Công ty Gỗ 1-6, nay đã trở thành khu dân cư. Đoạn phía Nam khá đông vui, ở đây có cửa hàng ăn uống và cửa hàng bách hoá tổng hợp, cả hai đều được xây dựng sau ngày thành phố giải phóng.

    Do yêu cầu phát triển văn hoá phục vụ nhân dân, năm 1962 ta đã xây dựng bãi chiếu bóng Lạc Viên, năm 1990 trên cơ sở của bãi chiếu bóng này có phòng chiếu Video 200 chỗ ngồi. Năm 1991 lại xây dựng thành rạp chiếu bóng Lạc Viên với trên 500 chỗ ngồi. Bãi Máy Tơ nay đã được xây dựng thành Trung tâm thể thao.

    Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng như các phố lân cận, nhân dân phố Nguyễn Trãi đã hoà vào cuộc đấu tranh chung vì quyền lợi của thợ thuyền nhà Máy Tơ và giai cấp công nhân Hải Phòng nói chung.


    The world is small.P a p i l l o n 
  6. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Phố Nguyễn Thượng Hiền

    Phố Nguyễn Thượng Hiền kéo dài từ phố Cù Chính Lan đến phố Bến Bính, dài 115m, rộng 7m. Vỉa hè cả hai bên đều dài 115m, rộng 4,5m. Hệ thống thoát nước dài 85m, đặt cống ~ 500mm.

    Phố thuộc địa bàn xã Gia Viên cũ và là một phố ra đời sớm ở khu nhượng địa mở rộng, ở đây lúc đầu chỉ là những lô đất lưu không của khuôn viên các cơ sở, biệt thự. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương.

    Khi mới mở, phố mang tên Girôđônlơ (Rue J.Girodolle). Năm 1954, phố đổi mang tên như hiện nay. Phố Nguyễn Thượng Hiền là một phố nhỏ, không thuận tiện buôn bán nên từ trước đến nay dân cư thưa thớt. Phố chỉ có một số biệt thự của người Pháp. Trên phố có một bể bơi lớn thường được gọi là bể bơi Bến Bính, được xây dựng sau tiếp quản và là nơi thường xuyên luyện tập của các vận động viên bơi lội. Do bể bơi này đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên thành phố đã sửa chữa, nâng cấp đủ tiêu chuẩn để tập luyện và thi đấu.
    Phố Nguyễn Thái Học

    Phố Nguyễn Thái Học bắt đầu từ phố Tam Bạc đến phố Quang Trung, dài 190m, rộng 10m. Vỉa hè đoạn từ phố Tam Bạc đến phố Tôn Đản dài 40m, rộng 2,5m; đoạn từ phố Tôn Đản đến phố Phan Bội Châu dài 55m, rộng 6,5m; đoạn từ phố Phan Bội Châu đến phố Quang Trung bên trái dài 40m, rộng 10m, bên phải dài 30m, rộng 3m. Hệ thống thoát nước dài 155m, đặt cống hộp 500 x 600mm. Phố chạy qua đầu phố Tôn Đản và Phan Bội Châu, nằm song song với mặt trước chợ Sắt, chợ lớn nhất của Hải Phòng.

    Phố được xây dựng trên đất bãi của làng An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. Đây là một phố tuy nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng vì có chợ Sắt, lại ở thế trên bến dưới thuyền rất thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán. Lúc mới mở phố gọi là Lao Kay.

    Trước cách mạng, ở phố Nguyễn Thái Học đã diễn ra một số cuộc đấu tranh bãi thị của chị em tiểu thương chợ Sắt đòi chính quyền Pháp phải giảm thuế.

    Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố chợ Sắt. Năm 1954, mang tên Nguyễn Thái Học như hiện nay.


    The world is small.P a p i l l o n 
  7. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Phố Nguyễn Khuyến

    Phố Nguyễn Khuyến kéo dài từ phố Lương Khánh Thiện đến phố Trần Phú, dài 225m, rộng 7m; Vỉa hè dài 215m, bên trái rộng 4m, bên phải rộng 5m. Hệ thống thoát nước dài 235m, đặt cống hộp 500 x 600mm, cách vỉa hè phải 2m.

    Phố thuộc đất làng An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Ga. Lúc mới mở, phố gọi là Agiăng Ghinê, nghĩa là đại lý của hãng Ghinê. Sau cách mạng tháng Tám gọi là phố Đặng Trần Côn. Năm 1954, phố mang tên như hiện nay.

    Ngõ 125 phố Lương Khánh Thiện hiện nay trước đây là đoạn kéo dài của phố Nguyễn Khuyến nên gọi là Agent Guinet prolongé, thông sang tận phố Lê Lợi bây giờ. Trong những năm 1951 - 1955, đoạn nối dài này đổi gọi là phố Hàn Thuyên, sau đó trở thành ngõ và mất tên. Hiện nay ngõ 125 Lương Khánh Thiện không còn rộng như trước nhưng ngõ 280 Lê Lợi, đầu kia của ngõ 125, vẫn còn khá rộng và được rải nhựa.

    Vào khoảng những năm 20, phố này còn thưa thớt với các biệt thự nằm rải rác. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phố bị phá hoại một phần do những trận đánh ác liệt quanh khu vực nên một số biệt thự không còn. Ở phố Nguyễn Khuyến còn có chợ ga là một trong những chợ lớn của Hải Phòng hiện nay.

    Phố Nguyễn Khuyến đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cuối tháng 11-1946, tự vệ khu 6, khu 7 phối hợp với đại đội 2 và đại đội Ký Con đã vây đánh địch ở Ga xe lửa và chặn địch tấn công sân vận động Giơnô.
    Đường Nguyễn Hồng Quân

    Đường Nguyễn Hồng Quân kéo dài từ phố Hùng Vương đến phố Hùng Duệ Vương. Đường thuộc địa bàn xã Hạ Lý cũ, nay thuộc phường Thượng Lý. Đây là đường mới mở trên cơ sở một ngõ cũ.

    Nguyễn Hồng Quân là tên người anh hùng liệt sỹ thuộc khu phố khu công an Hồng Bàng, đã hy sinh trong đêm 16-4-1972 lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản Nhà nước và tài sản nhân dân trong khi máy bay Mỹ ném bom khu phố Thượng Lý.

    Đường này có chợ Hoà bình vốn có từ thế kỷ XIX, gọi là chợ Đình Đổ. Thuở trước đây có ngôi đình nay đã đổ, hiện chỉ còn cái ao và hai cây đa lớn của khu đình xưa. Năm 1954, chợ chuyển sang chân cầu Xi Măng rồi sang khu vực nhà máy Xay hiện nay. Năm 1962, chợ lại chuyển về khu vực Đình Đổ và gọi là chợ Hoà Bình, có 6 ngôi nhà chính làm quán chợ. Năm 1964, chợ ngừng hoạt động do chiến tranh phá hoại của Mỹ. Chợ Hoà Bình là nơi buôn bán trao đổi chủ yếu của dân cư hai phường Thượng Lý và Trại Chuối.

    Trên đường này còn có trường mẫu giáo mầm non số 4 với 6 lớp học, mỗi năm nhận khoảng 300 học sinh...
    Phố Nguyễn Đức Cảnh

    Phố Nguyễn Đức Cảnh kéo dài từ chân cầu Quay đến ngã tư Cầu Đất (khu vực Quán hoa), dài 1.522m, rộng 11,5m. Vỉa hè đoạn từ chân cầu Quay đến phố Trần Nguyên Hãn bên trái dài 263m, rộng 4m, bên phải dài 265m, rông 5m; đoạn từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở công an phường An Biên bên trái 847m, rộng 8m, bên phải dài 810m, rộng 6,5m; đoạn còn lại vỉa hè hai bên rộng 6,5m.

    Hệ thống thoát nước đoạn từ chân cầu Quay đến phố Trần Nguyên Hãn dài 252,5m đặt cống ~ 600mm dưới lòng đường mép phải; đoạn từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở công an phường An Biên dài 826m, đặt cống ~ 1.200mm trên hè trái; đoạn trụ sở công an phường đến phố Mê Linh dài 82,5m, đặt cống ~ 1.200mm trên hè trái; đoạn Mê Linh đến phố Cầu Đất dài 312m, đặt cống hộp 700 x 1.300mm dưới lòng đường sát mép hè trái.

    Phố thuộc đất của xã An Dương và An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Đường Cát. Phố ra đời cùng với việc đào kênh vành đai theo chủ trương của chánh Công sứ Pháp đầu tiên ở Hải Phòng mang tên Bonnan. Phố này ngay từ đầu đã có tác dụng rõ rệt trong sự thông thương và buôn bán. Nó hội tụ đầy đủ các điều kiện trên bến dưới thuyền, qua cầu Quay ra quốc lộ số 5 và tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội. Ngày nay, cảnh trên bến dưới thuyền không còn nữa, nhưng phố Nguyễn Đức Cảnh vẫn là một phố chiếm một vị trí khá quan trọng về giao thông và buôn bán.

    Lúc mới mở, phố được gọi là đại lộ Bonnan. Đại lộ này lúc đó kéo dài từ cổng chính hiện nay của Cảng đến đầu phố Trần Nguyên Hãn. Sau cách mạng tháng Tám đại lộ Bonnan đổi gọi là đại lộ Nguyễn Thái Học, phố Tam Kỳ (đoạn từ phố Trần Nguyên Hãn hiện nay đến cầu Quay) gọi là phố Dinh. Năm 1954, đại lộ Bonnan đổi là đại lộ Lê Thánh Tông, phố Tam Kỳ trở lại tên cũ là Tam Kỳ. Sau ngày tiếp quản thành phố, đại lộ Lê Thánh Tông và Tam kỳ hợp lại gọi là phố Trần Phú. Năm 1985, phố Trần Phú tách làm hai phố Nguyễn Đức Cảnh và phố Trần phú như hiện nay.
    Đường Nguyễn Công Trứ

    Đường Nguyễn Công Trứ kéo dài từ phố Hàng Kênh đến đường Hồ Sen ở địa điểm cầu Nguyễn Công Trứ, dài 470m, rộng 6m. Vỉa hè đoạn Hàng kênh đến lối vào xí nghiệp Giày dép bên trái dài 262m, rộng 4,4m, bên phải dài 260m, rộng 2,5m; đoạn cuối bên trái dài 185m, rộng 3m, bên phải dài 125m, rộng 3m. Hệ thống thoát nước đoạn từ phố Hàng Kênh đến lối vào xí nghiệp. Giày dép dài 130m đặt cống ~ 600mm; đoạn cuối dài 155m, đặt cống ~ 800mm. Đường này thuộc đất xã Hàng Kênh cũ. Trước giải phóng thuộc khu Hàng Kênh.

    Năm 1924, khi cắt vùng ngoại vi thành phố, lập huyện Hải An, chính quyền Pháp đã đặt huyện lỵ tại đây nên đường mới có tên như trên. Nay cơ sở của huyện lỵ Hải An cũ là trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Công Trứ. Đến năm 1954, đường đổi mang tên như hiện nay.

    Đường Nguyễn Công Trứ là một con đường yên tĩnh mang dáng dấp ngoại ô. Bên đường có đình Hàng Kênh, tên chữ là Nhân Thọ, một di tích đã được xếp hạng, thuộc thôn Trung, xã Hàng Kênh cũ. Theo văn bia thì đình được xây dựng vào năm Mậu Tuất (1719), từ khi khởi công lúc hoàn thành mất 15 năm. Đình có kiến trúc đẹp. Đây là nơi thờ Ngô Quyền. Hơn 500 bức chạm mang mô típ dân gian độc đáo đạt tới trình độ nghệ thuật cao.

    Hiện nay, trên đường này có một xí nghiệp gỗ khá lớn. Các trường học có những trường Phổ thông cơ sở như: Nguyễn Công Trứ, Trương Công Định, Hoàng Diệu.





    The world is small.P a p i l l o n 
  8. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm

    Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu từ ngã ba đường đi đảo Đình Vũ đến điểm tiếp giáp với phố Trần Quốc Toản (Lạch Tray), qua địa phận các xã Đằng Hải, Đông Hải, Đằng Lâm và phường Đằng Giang.

    Đây là một đoạn của đường bao phía nam thành phố. Toàn bộ đuờng bao này bắt đầu từ đường đi đảo Đình Vũ đến cầu An Dương. Sau khi hoàn thành xây dựng đợt đầu con đường này, nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày sinh danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết định đặt tên đường là Nguyễn Bỉnh Khiêm từ ngày 30-7-1991 (Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hoá tiêu biểu của thế kỷ 16, ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ bằng chữa hán và chữ nôm).

    Đường bao được xây dựng nhằm giải toả giao thông nội thành, cho các xe có trọng tải lớn và cồng kềnh. Cho đến nay, đường này vẫn đang trong giai đoạn mở rộng và chưa được rải nhựa.
    Phố Nguyên Hồng

    Phố Nguyên Hồng kéo dài từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lán Bè, dài 310m, rộng 3,5m. Vỉa hè, hệ thống thoát nước đang ở giai đoạn hoàn chỉnh. Phố thuộc xã An Dương cũ. Trước giải phóng thuộc khu Đường Cát. Đây là một phố mới, được đặt tên vào dịp kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng - 13/5/1985.

    Phố vốn là đoạn cuối của phố Tô Hiệu, khu cầu An Dương (mới) hoàn thành, phố Tô Hiệu được nắn thẳng với đầu cầu và đoạn cuối nói trên thành một phố riêng gọi là phố Nguyên Hồng; đồng thời đoạn từ ngã tư An Dương đến sông đào Lạch Tray của phố Tô Hiệu đổi thành đại lộ Tôn Đức Thắng, đường này còn kéo dài qua cầu An Dương.

    Trên phố còn dấu vết trận địa pháo phòng không cũ, ghi nhớ những ngày thành phố cùng cả nước chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trong những năm 1968-1972.


    The world is small.P a p i l l o n 
  9. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Đường Ngô Quyền

    Đường Ngô Quyền bắt đầu từ phố Lê Lai dọc theo bờ sông Cấm đến ngã ba Cảng Đoạn Xá, dài khoảng 4.000m, rộng 8m, chưa có vỉa hè. Phố thuộc địa bàn các làng Đông Khê, Lạc Viên, Vạn Mỹ. Trước giải phóng thuộc khu Ga.

    Đường này vốn là đê quốc gia ở cuối hữu ngạn sông Cấm. Bản đồ thành phố thời thuộc Pháp ghi đường này là Ladigueeee (La digơ) có nghĩa là đường đê. Do đó dân gọi chệch La đích. Sau cách mạng tháng 8 - 1945, đổi gọi là đường Bạch Đằng. Từ năm 1954 mang tên đường Cửa Cấm, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là đường Bạch Đằng. Đoạn này dài 1.162m.
    Năm 1980, thành phố làm đường lấn biển nối tiếp từ đường Cửa Câm ra bãi biển nên đường này được kéo dài thêm đến ngã ba gần Cảng Đoạn Xá và tiếp điểm với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đoạn đường Cửa Cấm kéo dài lúc đầu tạm đặt là đường Trần Hưng Đạo. Hội đồng nhân dân thành phố khoá X kỳ họp thứ 15 ngày 21-4-1993 đã đặt tên chính thức toàn tuyến đường này là đường Ngô Quyền.

    Trước năm 1874, khu này dân cư rất thưa thớt, một bên là rừng ngập mặn, một bên là đồng ruộng. Ở đầu đường khu vực xưởng cơ khí Hạ Long hiện nay có một đồn binh nhỏ. Cuối đường có một chùa cổ. Khi Trần Hưng Đạo chỉ huy trận Bạch Đằng đánh quân Nguyên năm 1288, bộ phận tham mưu chiến dịch đã vẽ bản đồ tác chiến ở chùa này. Do đó có tên là chùa Vẽ. Nhưng cũng có người nói xuất xứ tên chùa do lúc đầu chùa thờ toàn tranh Phật do thợ vẽ...
    Đường Ngô Gia Tự

    Đường Ngô Gia Tự bắt đầu từ chân cầu Rào đến ngã ba nông trường Thành Tô, dài 1.500m, rộng 3,5m, đến ngã ba vào sân bay, dài 4.360m. Đường chưa có vỉa hè và cống thoát nước.

    Đường mới được nắn thẳng, rải nhựa trong thời kỳ tạm chiếm, khi Pháp mở rộng sân bay Cát Bi. Trải qua chiến tranh lâu dài, đường bị hư hại nặng. Năm 1984, thành phố và Tổng cục Hàng không khôi phục và cải tạo sân bay Cát Bi làm sân bay dân dụng.

    Đường trước vốn thuộc khu ngoại vi thành phố nên chưa có tên. Khi lập phường Cát Bi, chính quyền cơ sở tạm đặt là đường Ngô Gia Tự. Hội đồng nhân dân thành phố khoá X, họp kỳ 15 ngày 21-4-1993 đã chính thức đặt tên là đường Ngô Gia Tự.

    Giữa đường Cát Bi và đường Ngô Gia Tự có nhiều đường nhỏ nối thông hai đường này với nhau, phần lớn chưa có tên. Công trình đường trục chính Ngã Năm - Sân bay Cát bi đang được hoàn thiện cắt qua phố này.

    Đầu đường phía cầu Rào hiện còn hai ngôi tháp dấu tích của chùa làng An Khê, làng này có tên nôm là làng Rào, được nhiều người biết đến, vì làng là lị sở của huyện An Dương.

    Phía cuối đường là làng Trung Hành. Họ Vũ làng Trung Hành vốn gốc ở làng Mộ trác, Hải Dương. Hai làng Mộ Trạch, Hoạch Trạch xưa được coi là lò tiến sỹ. Làng Trung Hành còn là nơi có chi bộ Cộng sản từ cuối năm 1929, trường Trunh Hành là nơi nổ ra vụ bãi khoá lớn vào tháng 3 năm 1930.

    The world is small.P a p i l l o n 
  10. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0
    Đường vòng Ngã Sáu

    Đường vòng Ngã Sáu là nơi tụ hội của các phố: Điện Biên Phủ, Trần Khánh Dư, Võ Thị Sáu, Đà Nẵng, Phạm Minh Đức, Lương Khánh Thiện, dài 132m, rộng 16m.Ngã Sáu thuộc đất của xã Gia Viên cũ, trước giải phóng thuộc khu Ga.

    Theo bản đồ thành phố năm 1905 thì khi đó chưa hình thành ngã Sáu nhưng các phố Giốp (đoạn phố Điện Biên Phủ từ phố Trần Phú đến ngã Sáu bây giờ), phố Linđơ (đoạn phố Đà Nẵng từ ngã Sáu đến ngã Năm), phố Clêmăngxô (nay là phố Lương Khánh Thiện), phố Liông (nay là phố Võ Thị Sáu) đã có và hội tụ ở khu vực ngã Sáu bây giờ.

    Đường vòng ngã Sáu lúc mới đầu gọi là Rông Poanh đờ Phrăngxơ (Rond Point de France). Khoảng đất ở giữa có lúc gọi là vườn hoa Mátxpêrô. Sau gọi chung là đường vòng Ngã Sáu hoặc Ngã Sáu. Năm 1954 đổi gọi là công viên Liên Hợp Quốc. Đồng thời các phố hội tụ ở Ngã Sáu cũng đổi, mang các tên như sau: đại lộ Pháp Quốc (tên cũ là Giốp), phố Cao Mên (tên cũ là Lilơ), đại lộ Việt Nam (tên cũ là Clêmăngxô), phố Anh Quốc (tên cũ là Liông), phố Ai Lao (tên cũ là Xanh Êchiên), phố Mỹ Quốc (tên cũ là Boócđô).

    Ở trung tâm Ngã Sáu có trạm biến thế điện, trước đây thường gọi là Ngã Sáu. Trong chiến tranh chống Mỹ, ta xây hầm trú ẩn quanh trạm biến thế điện cho nhân dân trong khu vực và khách bộ hành trú ẩn máy bay địch. Năm 1993, thành phố đã cải tạo lớn đầu mối giao thông này, phá bỏ hầm, mở rộng lòng đường.
    Phố Minh Khai

    Phố Minh Khai kéo dài từ phố Hoàng Diệu đến phố Trần Phú, dài 649m, đoạn Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ rộng 9m, đoạn Điện Biên Phủ - Trần Hưng Đạo rộng 8m. Cắt qua các phố Hồ Xuân Hương, Điện Biên Phủ, Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo. Vỉa hè dài 620m, rộng 6m. Hệ thống thoát nước dài 650m, đặt cống hộp 500 x 600mm.

    Phố thuộc đất xã Gia Viên cũ, trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. Là phố nối từ Cảng cắt qua những đường phố quan trọng, Minh Khai có một vị trí quan trọng về giao thông và kinh tế.

    Lúc mới mở, phố được gọi là phố Frăngxi Gácniê (Rue Francis Garnier). Sau cách mạng tháng Tám, phố được đổi gọi là Phan Đình Phùng. Năm 1953, phố mang tên Thống chế Đờ Lát đờ Tátxinhi (Rue Amiral De Lattre de Tassigny). Sau giải phóng, phố đổi gọi là phố Hoà Bình và từ năm 1963 mang tên Minh Khai như hiện nay.

    Thời Pháp thuộc, trên phố có nhiều cơ sở kinh tế, thương mại khá quan trọng như: Phòng thương mại Hải Phòng (Nay là Sở Văn hoá - Thông tin thành phố). Điểm độc đáo của ngôi nhà này là tháp chuông được xây dựng vào năm 1895, với ba đồng hồ quay về hướng tây, nam, bắc. Đồng hồ rung nhạc đổ chuông theo giờ, vì vậy nhân dân hay gọi đây là Nhà đồng hồ ba chuông. Đồng hồ cũ từ thời Pháp, nay hỏng, hiện đã được thay thế bằng đồng hồ mới. Hãng Đétxecua Cabô (Descours Cabaud), là hãng buôn lớn của Pháp, chuyên kinh doanh vật liệu kim khí, nay là cửa hàng Bách hoá tổng hợp Minh Khai

    Trên phố có nhiều biệt thự được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đấu thế kỷ XX. Trụ sở Ban Tuyên giáo Thành uỷ cũ nguyên là toà nhà của viên quan một Pháp. Trụ sở Tổng lãnh sự quán Cộng hoà liên bang Nga vốn là biệt thự của chủ nhất nhà máy Xi - măng. Thời Pháp thuộc, phố này được coi là phố Tâyyyy nên người bản xứ ít ai qua lại. Phố đẹp và yên tĩnh mang kiến trúc Pháp rất rõ.

    Nay phố hình thành hai khu vực rõ rệt, đoạn Trần Hưng Đạo - Điện Biên Phủ khá sầm uất, nhiều dịch vụ phát triển, đoạn từ ngã tư Điện Biên Phủ trở lên vẫn là nơi yên tĩnh.


    The world is small.P a p i l l o n 

Chia sẻ trang này