1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

LAN MAN PHỐ...

Chủ đề trong 'Tâm sự' bởi hanoipho, 13/03/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Văn hóa tinh thần
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
  2. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    [​IMG]
  3. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    MUÔN MÙI CỦA PHỐ
    Hà Nội muôn màu, muôn vẻ, và luôn cả muôn mùi nữa. Từ sớm mai trên hồ Hoàn Kiếm đến đêm khuya bên bờ hồ Tây, xuân sang hạ tới, thu qua đông về, bốn mùa thay đổi, lúc nào ta cũng có thể gặp một mùi nào đó.
    Sớm tinh sương tỉnh giấc, bước chân ra đường là một bầu không khí trong trẻo mát lành. Hà Nội sau một đêm ngủ ngon vẫn chưa kịp tỉnh giấc, những con phố vẫn vắng người qua. Thời gian chậm chạp trôi, Hồ Gươm im lìm dần nhộn nhịp bởi các cụ già tập thể dục, những thiếu phụ và thiếu nữ đi bộ quanh hồ. Mùi phở sáng đầy quyến rũ và mời gọi. Nồi nước sôi sùng sục trên bếp than đỏ lửa, phả ra mùi của xương hầm, của hồi và quế. Bát phở trắng điểm thịt bò tai tái, hành mùi xanh tươi, miếng ớt đỏ chói, thêm dấm và chanh làm nước miếng ứa ra. Mùi dành cho cái dạ dày cao quý của ta đấy. Chỉ một lúc nữa thôi, khi mọi người hối hả đổ ra đường, xe đạp khoan thai, xe máy vèo vèo, ô tô ùng ục là ta sẽ thấy mùi của đường phố. Cái mùi khói xả vừa ngột ngạt, vừa khó chịu này cộng với bụi bặm sẽ bám riết lấy ta đông cũng như hè. Đi qua những góc vắng là mùi khai khai do những kẻ vội dốc bầu tâm sự gây ra. Mùi tanh nồng của cống rãnh bẩn thỉu bây giờ ít thấy, phần lớn chỉ còn nằm trong hồi ức về Hà Nội những năm trước kia. Nhớ về ngày xưa cũng là nhớ về cây long não nằm cách nhà một đoạn. Lá long não xanh bóng, quả long não tròn xoe. Ngày bảy tuổi, ta vẫn đứng dưới gốc long não, vo một chiếc lá rụng để hít lấy mùi hương hăng hắc của long não, mùi sẽ làm ta nhớ mãi về tuổi thơ. Trên đời này có muôn vàn cây long não, cây nào cũng như nhau. Chỉ một cây long não gắn với tuổi thơ của ta là khác biệt mà thôi. Lớn hơn một chút, mùi thơm của cánh đồng lúa xanh mướt khi khi đang làm đòng ngoại thành Hà Nội làm hồn ta lâng lâng bay bổng. Mùi thơm của mùa màng ấy rút vào trong hạt cốm làng Vòng xanh như ngọc gợi cho ta màu trời thu Hà Nội mênh mang.
    Mùa xuân là mùa của hương trầm thắp lên tưởng nhớ vong hồn ông bà tổ tiên vào đêm ba mươi, mùi của muôn năm xưa cũ, mùi của quá khứ hào hùng và bi tráng, của bốn nghìn năm lịch sử dài lâu, của những đền chùa miếu mạo rêu phong. Những năm trước, mùi của mùa xuân còn là mùi thơm khói pháo. Một quả pháo to tướng bọn trẻ đặt trên là đủ làm tắc cả một quãng đường. Khi nghe lác đác tiếng pháo nổ và thoáng ngửi được khói pháo bay là biết tết sắp về. Khi rộn ràng âm vang tiếng pháo và khói pháo dày đặc xộc vào nhà thì đấy chính là giây phút giao thừa. Tiếng pháo và khói pháo giờ đã xa. Vài năm nữa, chắc người ta cũng chỉ nhắc đến pháo như nhắc đến hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua.
    Mùa hè là mùa của những cơn mưa sầm sập. Khi ta đang đi trên đường bỗng thấy luồng gió mát lạnh đầy hơi nước. Và chỉ vài phút sau là mưa lộp độp trút xuống khiến ta cùng bạn phải vội tránh vào mái hiên nhà ai đó ven đường. Trời đất đen kịp, mưa tuôn xối xả, những dòng nước đổ từ mái hiên xuống rào rào, róc rách chảy trên đường cuốn theo cả cành cây, lá rụng và bụi bặm đường phố. Mưa tạnh cũng bất ngờ như mưa rơi. Trời đất đột nhiên bừng sáng lên. Ta ngửi thấy hơi đất hơi đường sau cơn mưa nồng nồng ngai ngái.
    Chiều chậm buông xuống cũng là khi mùi thức ăn xào rán của mẹ bốc lên. Ấy là mùi của mái ấm gia đình. Bát canh dầm sấu với mấy quả cà là mùi thoảng qua, chua chua vừa miệng, miếng đậu phụ rán vàng ươm chấm mắm tôm sóng sánh là mùi nồng nồng đậm đà dân giã. Những tháng ngày lang thang đây đó, những tháng ngày phiêu bạt trời xa, đôi phút ta nao lòng nhớ đến bữa ăn quây quần dưới mái nhà ấm cúng.
    Đứng trên cầu Thăng Long lúc chiều tà nắng xế mà dõi nhìn bốn phương tám hướng, ngắm ráng đỏ mây chiều hoà với dòng sông nhuốm đỏ, đất trời mênh mang, sông dài nước chảy, gió thổi ***g lộng và sóng xô dập dồn. Cái phong vị giang hồ từ gió, từ sông kéo về từ muôn phương như muốn thôi thúc lòng người lữ khách vượt ra bốn biển.
    Khi màn đêm phủ kín Hà Nội cũng là khi những người bằng hữu gặp gỡ, đi từ mùi cà phê thơm bùi ở hàng Hành, Nguyễn Hữu Huân sang mùi quẩy nóng béo ngậy ở Phan Bội Châu. Còn có những mùi hương chẳng thể nào quên được. Những tối dạo bước trên đường Chùa Một Cột, Lê Hồng Phong thoảng mùi hoa đại, những đêm khuya tịch mịch ngang qua đường Nguyễn Du, không gian bao trùm bởi mùi thơm hoa sữa. Chẳng hiểu sao cứ văng vẳng ngân nga những câu hát thiết tha
    Em vẫn từng đợi anh
    Như hoa từng đợi nắng
    Như gió tìm rặng phi lao
    Như trời cao mong mây trắng
    ?
    Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
    Có lẽ nào anh lại quên em
    Có lẽ nào anh lại quên em
    Có lẽ nào quên được mùi hoa bưởi trước sân, khi ta ngồi trên bậc thang lên xuống ngắm cây bưởi xanh với những bông hoa trắng muốt điểm chút phấn vàng tươi. Hoa bưởi như kéo cả hương sắc buổi giao thời về đó mà lặng lẽ trao lại cho ta. Ta ngồi đó không ai nói với ai một câu mà như đã nói muôn vạn lời của muôn đời muôn kiếp, từ thưở hồng hoang bí ẩn xa xôi đến tương lai mịt mùng sâu thẳm. Một con ong nâu bé tí đang rúc đầu vào bông hoa trắng xinh xinh cho đến vũ trụ xanh ngắt mênh mang bát ngát, tất cả đều lặng lẽ lặng lẽ. Chỉ có hương bưởi âm thầm quấn quýt vấn vương. Ta chẳng còn là ta nữa mà đã hoà theo hương hoa nương theo cơn gió để bay xa mãi xa mãi xa.
    - ST -
    [​IMG]
  4. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Hương ngọc lan giữa phố phường Hà Nội
    Trắng muốt, nhỏ nhoi, e ấp, hoa ngọc lan tự nép mình trong vòm là xanh nhưng vẫn không giấu nổi mùi hương thơm ngát lan tỏa. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ví hoa với người đẹp và thường đoán tính cách của con người từ sở thích các loài hoa. Người yêu hoa ngọc lan phải là người có tâm hồn thanh cao, lối sống giản dị và biết cảm nhận cái đẹp tinh tế lắm.
    Trời sinh ra loài hoa này và đặt cho nó một cái tên rất đẹp. Ngọc Lan hẳn đã gửi gắm một niềm yêu qúy. Cha mẹ sinh ra con cái chọn tên các loài hoa đặt: "những hồng, những cúc, những lan, những mai, những huệ trần gian nao lòng". Mỗi đứa con là một bông hoa mang vẻ riêng , hoa ngọc lan là sự dịu dàng kín đáo, duyên dáng của các cô gái phương Đông. Cái hạnh phúc nhất thượng đế ban cho con người là được sống và thưởng thức những mùi hương hoa thiên nhiên. Đi vào các làng hoa Hà Nội ta như lạc vào mê cung của các mùi hương: quyến rũ của hoa hồng, ngan ngát của hoa huệ, nồng nàn của hoa cúc, kiêu hãnh của đóa trà mi. Hương Ngọc Lan vẫn không lẫn vào rừng hương ấy. Ngọc Lan có một mùi hương riêng biệt, là thứ hoa để cảm nhận chứ không phải đưa lên mũi ngửi. Mùi hương ấy thoang thỏang mà rất sâu cho ta cảm giác mát lạnh và dễ chịu, khoan khoái, mùi hương không dễ lãng quên và nhầm lẫn. Những người khó tính nhất trong nghệ thuật thường yêu thích hương ngọc lan, nó làm hài lòng người vì nó đạt được cả ba tiêu chuẩn cho một mùi hương, đó là vừa lạnh, vừa sâu, vừa bền. Mùi hương lạnh khiến ta quên những bức bối mùa hè. Mùi hương sâu làm ta khó quên. Hương bền thì thoang thỏang nhưng thơm lâu dài quanh ta mãi mãi. Để trong phòng vài bông hoa ngọc lan, hương thơm lan tỏa khắp, cả đến khi hoa úa ra rồi ta vẫn cảm thấy như hương thơm vẫn còn đâu đây...
    Trên những nẻo đường Hà Nội ngày nay có biết bao người bán hoa ngọc lan, bán rong hoặc đứng ở lề đường. Những bông hoa ngọc lan trắng muốt nổi lên trên màu xanh của lá, cành cắt khéo léo bằng đôi tay người bán hoa. Trông bông hoa đã rời khỏi cây, được ghép vào cành giả mà vẫn đầy sức sống. Đi qua đường Kim Liên, Chùa Bộc, nhất là đường Thanh niên vào những buổi chiều muộn, mùi ngọc lan theo gió như níu chân người qua đường. Ta không thể hững hờ đi qua cho đành để dừng lại mua một cành hoa cho vào giỏ xe hoặc túi xách, mang trên mình một mùi hương thiên nhiên nhẹ nhàng, thoang thoảng suốt cả chặng đường về nhà. Mùi hương vẫn quấn quít trong nhà và cho ta một giấc ngủ ngon với giấc mơ đẹp. Thời trước Hà Nội đã từng nổi tiếng bởi những gánh hoa của các cô gái làng hoa Ngọc Hà. Thời nay, nét đẹp ấy vẫn còn tuy có phần khác xưa. Những người bán hoa ngọc lan rong ruổi trên đường phố thường là những người nghèo ở ngoại thành một ngày kiếm dăm ba chục nghìn để nuôi con ăn học. Hà Nội mùa hè, tất cả các loại hoa ưa khí hậu nhiệt đới nắng nóng đồng loạt thức dậy: Hoa bằng lăng tím biếc, hoa phượng đỏ rực trời. Bước vào "shop hoa" ta bắt gặp cả thế giới các loại hoa khoe màu rực rỡ, hoa nội, hoa ngoại từ khắp mọi nơi về tự hội. Có hoa hồng Pháp, hồng Hà Lan, cúc Nhật, hoa Mimoa của Đà lạt...Ôi! Có thế giới nào phong phú, đẹp đẽ hơn thế giới ấy. Ngọc Lan khiêm nhường nhỏ nhoi giữa muôn vàn màu sắc trong thế giới ấy nhưng nó không hề bị quên lãng.
    Những người chơi hoa sành điệu thường sưu tầm các loại hoa, trong đó không thể thiếu một cây ngọc lan trước cổng hoặc sau nhà vừa tỏa bóng, lại vừa có hương thơm, hoa đẹp. Tôi xin tâm sự cùng bạn câu chuyện có liên quan đến hoa ngọc lan mà nó đã trở thành kỉ niệm của tôi và mỗi lần nhìn hoa ngọc lan nở hay cảm thấy có mùi hương ngọc lan là tôi lại nhớ đến bùi ngùi. Ông nội tôi trồng trước cổng một cây ngọc lan như muốn răn dạy con cháu rằng hãy sống giản dị, khiêm tốn và thanh cao như hoa ngọc lan. Tuổi thơ của tôi là những khi vui đùa cùng chị em xung quanh bóng mát của ngọc lan. Ngọc lan ra hoa quanh năm và khách vào nhà tôi bao giờ cũng ấn tượng nhất là hương thơm của hoa. Cây ngọc lan trước cổng đã trở thành một đặc trưng riêng của nhà tôi để phân biệt với các nhà khác trong khu phố. Ai ở xa đến hỏi thăm nhà tôi sẽ được mọi người chỉ "nhà có cây ngọc lan trước cổng kia kìa". Ông nội tôi mất đi, cây ngọc lan trút hoa trắng xuống đất nhiều và chỉ một lần duy nhất tôi thấy như vậy. Từ đó hoa ít hẳn, cây già cỗi đi nhiều mặc dù cha tôi vẫn cố gắng thay ông chăm sóc. Cho đến một đêm, cơn bão giật cấp 12 ập về thành phố. Gió rít mạnh, những cành lá tơi tả. Nằm trong nhà , đóng kín cửa lại tôi vẫn nghe tiếng mưa hòa với tiếng gió và tiếng cành cây gãy răng rắc. Sáng hôm sau, cơn bão tan, tôi tỉnh, mở toang cửa và đau đớn kêu lên: Trời ơi, Cây ngọc lan đã bị bật gốc rồi. Nó bị quật đổ xuống như một cái xác chắn ngang con đường. Tôi khóc và lượm những bông hoa cuối cùng cho vào khăn tay để mùi thơm cứ vương vấn, ám ảnh mãi trong cuộc đời.
    Lại nhớ tuổi học trò, tôi yêu hoa ngoc lan vô cùng. Thứ hoa đó cũng không kiêu sa đắt đỏ như nhiều loài hoa khác cho nên mặc dù túi tiền ít ỏi, tôi cũng có thể đáp ứng sở thích của mình. Ở cổng trường tôi hồi đó có một bà cụ lưng còng ngày ngày bưng rổ hoa đi dọc hành lang cả bốn tầng để bán cho học trò. Một bông hoa chỉ có 200 đồng, có khi bà cho không. Số tiền thu được cũng chẳng bõ công hái hoa và mệt nhọc leo lẹn cả bốn tầng. Nhưng cụ yêu hoa ngọc lan và lũ học trò nghèo cũng có sở thích giản dị ấy. Cụ không muốn để những bông hoa rơi xuống sân rồi quét đi, lãng phí một cái đẹp trong thiên nhiên. Bà cụ cô đơn ấy cuộc đời cũng trầm tư như ngọc lan. Ngày nào đi học không thấy cụ đến chúng tôi lại áy náy"hay là cụ ốm rồi?". Khi cảm nhận được mùi hương quen thuộc thỏang đến thì đúng là cụ rồi, hương thơm đến trước cả con người.
    Nhiều năm không trở lại trường, bổng một hôm tôi gặp lại bạn cũ, nhắc đến chuyện xưa, bạn tôi dưng dưng nước mắt: "bà cụ bán hoa ngọc lan ở trường mình ngày xưa mất rồi!". Tôi chợt se lòng. Một cuộc đời đi qua để lại một mùi hương thơm nơi lớp học, trong tâm trí của tuổi học trò . Một cuộc đời giản dị, nghèo túng mà thanh bạch đáng trân trọng biết bao! Chúng tôi tự nhủ rằng: mình đã làm được điều gì để gửi chút hương cho cuộc đời, cho thế hệ mai sau? và lặng lẽ cúi đầu trướng hương hoa ngọc lan
    - st -
  5. mail2522002

    mail2522002 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    2.524
    Đã được thích:
    0
    Ủng hộ chị , em chép bài hát "HƯƠNG NGỌC LAN" cho mọi người cùng thưởng thức nhé .
    Góc phố nơi anh hẹn , cành ngọc lan toả bóng mát , toả hương bát ngát . Báo với em ngày cuối thu buồn .
    Chờ anh bao lâu , trông mong mỏi mòn mà chẳng thấy anh .
    Từ ngày nào anh mới quen em , vẫn cây ngọc lan , xoã bóng mát và vẫn hương thơm nơi ta đã hẹn .
    Một nhành lan anh hái cho em , để mãi là một chút hương ngày cuối thu .
    Sẽ mãi mãi yêu anh là thế
    Và sẽ mãi mãi hương ngọc lan còn...còn trong giấc mơ
    Sẽ mãi mãi thương anh là thế
    Và sẽ mãi mãi vì trái tim em đã trao gửi anh
    Tình nồng như thoáng hương ngọc lan...
    TÌnh nồng như thoáng hương dịu dàng .
    Hương lan bay xa một trưa cuối thu . Thương anh yêu anh , góc phố nơi hẹn hò , mùi lan thơm ngát cùng gió .
    Sẽ tiếc mãi nếu biết lúc chớm đông hoa thơm lụi tàn .
    Để gió mãi cuốn đi , để mãi bâng khuâng , bâng khuâng nơi anh hẹn với em .
  6. mail2522002

    mail2522002 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    2.524
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
  7. mail2522002

    mail2522002 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    2.524
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    Đây là một bài thơ rất hay về HOA SỮA . Đúng như cái tên của nó , tác giả đã miêu tả chân thực mùi hoa Sữa bằng ngôn từ , bằng tình cảm của mình .
    Bài này đã hay , lại nổi tiếng hơn khi được phổ nhạc thành bài hát "Hoa Sữa" .
    Một thời anh đã yêu em
    Nhưng vội để lòng mình nông nổi
    Hoa Sữa thơm mấy mùa tiếc nuối
    Những ngọt ngào bỏ lại phía sau lưng
    Anh đã yêu em , anh đã từng
    Cồn cào lòng mình bằng nỗi nhớ
    Giờ nhặt mảnh tình đầu đã vỡ
    Biết chắp thành gì đây em ?
    Hoa Sữa buồn thả hương trong đêm
    Thơm day dứt lối anh về , day dứt
    Đừng nghẹn ngào , ôi nước mắt
    Có lẽ nào anh lại quên em ?
    Có lẽ nào anh đã vội quên
    Cái nắm tay lần đầu run rẩy ?
    Hoa Sữa thơm ngọt ngào hôm ấy
    Cứ nồng nàn ám ảnh mãi không thôi
    Ah đã một thời , giờ đã xa xôi
    Chỉ biết hoá lòng mình thành kỉ niệm
    Ngoài kia lạnh , hình như Đông đến
    Hơi ấm nào em đã gửi lại anh ?
    (Không tác giả)
  8. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Thêm một bài thơ về Hoa sữa
    Hoa Sữa
    - Nguyễn Phan Hách -
    Tuổi mười lăm em lớn lên từng ngày
    Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ
    Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
    Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ
    Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
    Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
    Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
    Vậy mà tan trong sương gió mong manh
    Tại mùa thu, tại em hay tại anh
    Tại sang đông không còn hoa sữa
    Tại siêu hình, tại gì không biết nữa
    Tại con **** vàng có cánh nó bay
    Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
    Không phải thời Rô Mê ô và Ju li ét
    Nên chẳng có đứa nào dám chết
    Đành lòng thôi, mỗi đứa một phương
    Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương
    Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
    Hương của mối tình đầu nhắc nhở
    Có hai người xưa đã yêu nhau....
  9. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Nghìn năm Hà Nội
    Hà Nội có tên chính thức từ năm 1831, vậy là sắp tuổi hai trăm hay là còn mấy năm lẻ nữa thì chẵn tuổi nghìn? Đôi khi ta lại tự hỏi không gian và thời gian trong hồn ta xem Hà Nội có phải là đã có từ trước khi quan viên cai trị ngoại bang lập ra La Thành chăng, có thần Ngựa Trắng đi quanh mà yếm đất? Cũng có phải là hơn mười năm thế kỷ, từng có ngôi chùa Hộ Quốc từ thời Tiền Lý mà nay dáng dấp mông lung còn ẩn hiện trên sóng nước Hồ Tây ngôi chùa Trấn Quốc có bóng cây đề khởi hành từ đất Phật Thích Ca Ấn Độ, về chốn này toả bóng xum xuê...?
    Hà Nội đã thay đổi bấy lần tên gọi, nhưng hồn xưa, tình cũ, nét Văn hiến truyền đời thì chẳng đổi thay, chỉ có phát triển lên như cái vòng xoáy ốc, tưởng quay về chốn cũ, nhưng thực ra lại mở rộng vòng quay như tình yêu không hề đóng kín, cứ ngày một giao hoà và nghi ngút âm dương phát triển.
    Đã có bao nhiêu du khách nước ngoài đến Hà Nội để mang theo Hà Nội về nơi xa ấy suốt đời. Đã có bao nhiêu trái tim rộn ràng thương nhớ từ Lũng Cú đến Cà Mau hướng về Hà Nội, nơi đến một lần thì tương tư mãi mãi, nếu chưa đến thì thấp thỏm yêu chờ được một làn hoan hỉ giao duyên....
    Trên khắp đất nước ta ở đâu chẳng có những ao hồ, đầm phá, nhất là những chiếc ao cho lùm tre soi bóng, những đầm sen cho ngát lộng hương thơm.... nhưng ở đâu có hồ kỳ lạ đến mức thiêng liêng huyền thoại như Hồ Gươm, từng mang tên hồ Lục Thuỷ (nước xanh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (hướng về Phủ Chúa từ bên trái và bên phải), hồ Thuỷ Quân (nơi thao diễn quân đội), hồ Hoàn Kiếm (trả lại gươm thiêng)...cho đến Thiên niên kỷ thứ III này, vẫn vòi voi cây bút viết lên trời xanh dòng thơ cảm khái nước non kinh thành, sau khi chấm vào nghiên mực đá có ba "cậu ông trời" ghé vai gánh vác một niềm trường tồn bất tận hào khí Thăng Long...
    Chỉ là con hồ quen thuộc, chỉ là mây trắng bay qua và đậu lại, chỉ là sóng nước lăn tăn, đôi khi phẳng lì mặt gương cho cỏ cây soi bóng mà điểm trang như nàng tiểu thư ngượng ngùng soi tóc mượt mà gió liễu lại đôi khi nổi sóng bạc đầu kể về mình niềm thời gian ngưng đọng trong bão táp phong ba.... Hồ Trả Gươm gọi tắt là Hồ Gươm mà có nhà thơ Hy Lạp phải sững sờ như đứng trước giai nhân bằng câu thơ:
    "Hồ gươm như một lẵng hoa giữa lòng thành phố"
    Cầu Thê Húc Hà Nội
    để "Con tầu đưa tôi đi về phía trước"
    Nhưng "Trái tim tôi đi ngược về phía đằng sau..."
    phía trước là đi về Hy Lạp, phía đằng sau chính là Hà Nội với Hồ Gươm, Hồ Tây với Hàng Đào đầy vải, Hàng Đường ngọt ngào, hàng Tiện đầy quân cờ, đầy đối chướng thêu rồng thêu phượng và tựu trung là có đến 80 phố mang chữ Hàng phía trước như câu ca dao cổ:
    Hà Nội băm sáu phố phường
    Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh....
    Một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ hai cây số, còn vòng qua Hồ Tây có mấy làng trồng hoa và cây cảnh, mấy làng nuôi cá vàng và đánh cá đánh tôm, có hồng xiêm ngọt lừ, có cành đào đón tết, có chợ từng bán lưới (Võng Thị) vòng Hồ Tây ấy hơn 17 cây số cho ta đi trong gió lộng, trong mây bay, trong hương hoa, trong khói nướng chả thơm lừng món ngon, trong vị giòn tan con ốc hấp thuốc bắc, và trong thấp thoáng mơ hồ đã mịt mùng khuấy lấp là bóng đàn chim sâm cầm lông chân đen đỏ về tìm nơi bèo nổi mây chìm sóng bạc... Con trâu vàng không còn, con cáo trắng bặt tăm, những cung phi dệt ra lụa trắng ngàn năm vô định, nàng công chúa dạy dân trồng dâu dệt lụa, bà chúa Liễu Hạnh hiện ra từ vóc dáng tiên nương hoạ thơ cùng chàng trẻ tuổi trạng nguyên kỳ tài Phùng Khắc Khoan..... Tất cả và tất cả đang là một Hồ Tây có đường phố Lạc Long Quân và đường phố Âu Cơ chứng giám cháu con mở hội liên hồi....
    Không kể con sông Hồng, tên chính thức là sông Nhĩ (sông có dáng chiếc vành tai) đọc chệch ra là sông Nhị, rồi Hồng Hà (từng là sông Phú Lương), khúc cuối nguồn sông Thao.... dài như một tấm gương mê hoặc, như chiếc thắt lưng đỏ quấn quanh chiếc eo lưng cô gái Hà Thành (một ý thơ của thi sĩ phía cuối trời Nam).... Sông Hồng cũng từng là nỗi khát khao của người "trăm họ" chả thế mà có chàng trai Quảng Ngãi lần đầu tiên gặp Hà Nội, bất kể lúc âý là đêm khuya và trời lạnh, cứ nhảy ào xuống lòng sông cho phù sa sông Hồng thấm vào da thịt để thoả nỗi ước mong. Đó là chàng trai Võ Năng Lạc sau này là một giáo sư tiến sĩ về lòng đất, nói cách khác là về địa chất...
    Ngoài sông Hồng uốn lượn mềm mại và ngang tàng ấy, Hà Nội còn bao nhiêu mặt nước để đắm say lòng người. Hồ Bẩy mẫu, Hồ Ba mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thủ Lệ, hồ đền Hai Bà Trưng, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Quang, hồ Văn trước Văn Miếu (nơi các nho sinh thầy giáo trước khi vào cửa Thánh phải ngắm mình vào đó mà sửa sang mũ áo cho chỉnh tề)...
    Đi liền với niềm yêu bồng bềnh sóng nước ấy thì Hà Nội cũng là thành phố xanh rờn suốt bốn mùa, suốt đời người, suốt tuổi tác bao thế hệ. Mái ngói cứ lô xô trong cảnh một Đỗ Huân, trong tranh một Bùi Xuân Phái, trong món ngon một Thạch Lam.... trong tách cà phê Lâm nghi ngút thơm lừng giữa phố Nguyễn Hữu Huân.... thì cây xanh là một phần mê hồn hoặc của thời gian sinh tồn trong từng lõi gỗ.
    Đường hoa sữa phố Nguyễn Du, đường Trần Hưng Đạo. Đường tán sấu biêng biếc tứ mùa Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, đường sao đen lực lưỡng vững vàng Lò Đúc, đường chò nâu Hùng Vương, đường muồng hoa vàng như nắng đường Huỳnh Thúc Kháng, đường bằng lăng tím ngát Thợ Nhuộm.... Chỉ riêng quanh Bờ Hồ đã có hẳn một rừng cây, mọc mãi, mọc mãi thành kỷ niệm triệu hồn người trong lòng người, bất kể người ấy đang Hà Nội hay cuối phương trời hoặc dằng dặc nửa vòng trái đất tha phương. Thử xem kìa: Hai cây lộc vừng, một quằn quại vươn lên, một chín gốc quây quần. Bốn cây gỗ Tếch hiên ngang, bốn mươi cây liễu thả tóc vào chiều vi vút, hai cây hoa gạo quê xa, năm cây hoa vông chói đỏ đón hè sang, mười bẩy cây bàng thả thư đỏ đón mùa đông, mười một cây cọ lá xoè như trung du thoáng hiện, một cây sung trên dốc đá núi Đào Tai (hay Độc Tôn) cùng vô số cây hoa sưa (không phải là hoa sữa) nở trắng ngần băng tuyết hoa xuân, những cây nhội, trái ngựa, xà cừ, tre trúc và sấu cho bóng xanh, cho quả ngon cũng chen vai nhau hàng thế kỷ với con số ngàn....
    Xưa nay Hà Nội vẫn được coi là địa linh, là văn vật, là hào khí.... Nơi phía Bắc Hồ Gươm đang có đài phun nước, tên chính là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, từng là bãi chặt đầu ngưòi. Quân Pháp mang người Việt Nam yêu nước ra đây chém rồi bêu đầu..... nhưng thời nào Hà Nội cũng có rất nhiều anh hùng yêu nước, có người đầu độc quân thù, có người lên máy chém, có người chết trong tù, có người hy sinh tại mặt trận tít tận phương Nam và nay trên khắp các mặt trận, từ mặt trận văn hóa tư tưởng đến kinh tế, xã hội.... bao nhiêu anh hùng có tên và khuyết tên, cứ như hoa xuân Ngọc Hà Hữu Tiệp, cứ như hoa xuân Ngọc Hà Hữu Tiệp, cứ như cành đào mơn mởn Nhật Tân, Quảng Bá, cứ như ông quan án Sát không chỉ xử án mà còn làm thơ và dựng Đài Nghiên Tháp Bút cho hậu thế muôn đời...
    Ta bước vào lịch sử phút giây sống với người xưa và ta lại về cuộc đời để sống cùng Hà Nội hiện tại. Những Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chiến thắng B52, Bảo tàng Hồ Chí Minh.... hiện tại và lịch sử song trùng, đồng hành..... Có chiếc lờ chiếc đó để đơm con cá nơi hồ Hàng Đào trăm năm trước thì cũng có lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Nhà hát lớn năm 1945 tháng Tám, nhân dân vùng lên đạp đổ ách gông cùm nô lệ.... và cũng có khói đen nghi ngút cho xăng Đức Giang cháy và xác pháo đài bay Mỹ rơi ngay vào ao làng, cạnh vườn trồng hoa của làng Ngọc Hà, như một chứng tích của tàn bạo chống lại nhân văn nhân bản....
    Hà Nội đi lên, không đao to búa lớn, không mất gốc, đứt rễ. Vẫn còn hàng xôi lúa làm bằng hạt ngô nếp bung nhừ, vẫn còn sợi bún Phú Đô, Tứ Kỳ trắng tinh đi kèm con ốc thành món bún ốc ít nơi có được ngon bằng.... vẫn còn những sợi rau muống luộc và cô hàng bán cơm nắm muối vừng, có con tôm đầu gạch đuôi trứng, có món nõn rau bí ngô xào tỏi, vẫn còn món phở nạm, phở gầu ngon nhất nước không món quà sáng nào sánh kịp....
    Hà Nội từng là quê hương của bao danh sĩ, thuyền quyên, tài tử, và cũng là quê hương của bao món ăn kỳ lạ xuất hiện từ những bàn tay kỳ tài, và quê hương của tấm áo dài "Lơ Muya" tức áo dài "Tân Thời" và nay là hồn Việt Nam, chỉ nói gọn là áo dài Việt Nam"....
    Nguyễn Trãi từng "Góc Thành Nam lều một gian" suốt 10 năm bị giam lỏng ở Đông Quan này. Nguyễn Du viết "Người gẩy đàn cầm trên đất Thăng Long", Cao Bá Quát nhà ở phố Đình Ngang, Phạm Đình Hổ tự bảo rằng "Nhà ta ở phường Hà Khẩu"... và bà Huyện Thanh Quan, bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương cùng hàng nghìn dòng tên trên bia tiến sĩ, Hà Nội là cái nôi, cái tổ của nền văn hiến Việt Nam, của Kẻ chợ, Kinh Kỳ, của Hà Thành linh ứng....
    Hơn trăm năm phố thay cho một thời chỉ có băm sáu phố phường. Mấy cửa ô mờ tỏ những Ô Quan Chưởng, Đống Mác, Cầu Giấy, Cầu Diễn, Chợ Dừa, Yên Phụ.... của 24 cửa ô bao thời để lại, đâu phải chỉ có 5 cửa ô như lời một bài hát (5 cửa ô là 5 ngả quân ta vào tếp quản Hà Nội năm 1954 mà thôi)... Hà Nội đang rộng dài, đang nở hoa, đang lực lưỡng con thiên mã tung bờm trên đường thiên lý, nếu không nói là con rồng vùng vẫy với bao la, bao la trời đất và bao la lòng người.
    - Băng Sơn -
  10. yem_dao_lang_lo

    yem_dao_lang_lo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/06/2004
    Bài viết:
    3.499
    Đã được thích:
    0
    Chữ hàng ẩm thực.
    Hà Nội tức Kinh Kỳ- Kẻ chợ có tuổi gần nghìn và nổi tiếng về nhiều thứ, có lẽ có chuyện Ăn Uống. Chả thế mà với gần 80 phố có chữ Hàng (như Hàng Đào, Hàng Ngang....) thì đã có hơn 20 phố có chữ Hàng ấy liên quan đến vấn đề sinh tử của loài người: Ăn Uống.
    Từ những phố mang tên đồ dùng phục vụ cho ăn uống như: Hàng Chĩnh đến Hàng Đũa, Hàng Bát.... đều có cả, mà còn phân biệt Bát Sứ và Bát Đàn nữa chứ. Hàng Đũa thì đã lặn vào tịch mịch đổi thay, thành ra phố Ngô Sĩ Liên, nhà sử học. Hàng Bát Sứ và Bát Đàn có hàng phở ngon, có cửa hàng cà phê nghệ sĩ Như Quỳnh, còn Hàng Chĩnh ăn thông ra chân cầu Nam Chương Dương chỉ là một phố nhỏ, không hơn một cái ngách bao nhiêu, nên ít người chú ý.
    Lạ một điều, cơm là món ăn hàng ngày, mà không có phố Hàng Cơm, nhưng lại có phố Hàng Cháo (vẫn còn, và ở gần Văn Miếu). Hàng Bột nay là phố Tôn Đức Thắng, một nẻo thông ra hướng Tây Nam, có thể đi đến tỉnh Đơ (Hà Đông) rồi lên xứ Đoài, thăm Sông Đà Thuỷ Điện.
    Gừng cay muối mặn, một đời người phải ăn bao nhiêu muối mặn và dân tộc ta biết chế biến ra bao nhiêu loại mắm, vì thế mà Hà Nội không thể thiếu phố Hàng Mắm, phố Hàng Muối.
    Có những phố đã mất tên xưa cũ, chỉ còn vấn vương niềm nuối tiếc dư âm. Trăm năm nữa, ai quên, ai nhớ? Giống như lớp trung niên ngày nay còn biết phố Hàng Giò ở đâu. Xin thưa đó là quãng đầu phố Bà Triệu ngày nay, cùng với Hàng Khay, Tràng Thi, mà thời còn tầu điện, anh soát vé bao giờ cũng hô to câu "Hàng Giò đây, có ai xuống không..." khi tầu đỗ lại bên con tháp Hoà Phong tuy nhỏ bé nhưng lại cổ kính, thầm nói trăm nghìn điều thầm kín của người Hà Nội.
    Hàng Giò ấy có liên quan gì với nghề làm giò chả Ước lễ không, không biết hay là có dính dáng đến câu "giò Chèm nem Vẽ" không, cũng không ai chứng minh, giải thích, chỉ biết rằng tầu điện đã không còn, tên phố xưa càng mất hút, và những hồn Hà Nội bao thời chắc chỉ còn thẩn thơ cùng hơn 40 cây liễu xoã tóc những chiều thu bên gương nước soi vào kim cổ đoạn trường như thơ bà Huyện Thanh Quan....
    Cùng chung số phận với phố ấy, cũng không còn ai biết phố Hàng Cau và phố Hàng Chè lẩn khuất hay hiện diện chốn nào? Hàng Cau chính là phố đầu Hàng Bè, nơi gần bến sông, nơi thuyền bè tấp nập bốc hàng lên bến, khoảng những năm Ba mươi, Bốn mươi vợ nhà Nhất Linh còn có cửa hàng buôn cau ở số nhà 15, cho đến năm 1954, mới thay đổi chủ vì họ Nguyễn Tường đi vào miền Nam hết. Còn phố Hàng Chè, chè để uống chứ không phải chè ngọt nấu bằng đường, thì chính là đoạn cuối phố Cầu Gỗ, quãng đầu phố Đinh Liệt, nơi còn thông thẳng ra bờ Hồ Gươm, có hiệu sách Nam Ký và toà báo Đông Tây. Nay nhà bách hoá và Hàm cá mập đã sừng sững chắn ngang, đè lên góc phố này, và hàng Chè ấy cũng không còn tăm tích.
    Hàng Cá vẫn còn, ăn từ phố Nguyễn Siêu sang, qua ngã tư Hàng Đường, Hàng Ngang. Hàng xóm của phố Hàng Cá là phố Hàng Sơn, một phố khá đặc biệt, làm ra một nét rất riêng Hà Nội. Hàng Sơn đã bị (hay đã được) đổi tên thành phố Chả Cá vì có món ngon tuyệt vời, món độc đáo Hà Thành mà ta còn tra cứu được tác giả là nhà họ Đoàn, có liên quan đến nhà cách mạng Đoàn Trần Nghiệp, ở số nhà 14, nay đang còn hàng chả cá Lã Vọng nơi tao nhân mặc khách hẹn hò nhau những khí trời đất đìu hiu thu muộn, để nhâm nhi miếng chả cá lăng, ngọn rau thìa là, chút mắm tôm chanh thơm lựng, ngụm rượu làng Vân tê tê bay bổng. Dù rằng ông Lã Vọng ngàn xưa ngồi câu cá mà dây câu không có lưỡi câu, ông câu thời thế và danh vọng chứ không mong câu lấy cá, không như biểu tượng của hàng chả cá là cần câu có con cá mắc lưỡi câu. Cũng là nói vui, chứ không "hại gì cho hoà bình thế giới" vì một con cá đã mấy nghìn năm.
    Có Hàng Khoai đi cùng Hàng Đậu, đương nhiên không thể thiếu phố Hàng Gạo, đầu tiên ở trước cửa chợ Đồng Xuân, sau chuyển ra gần bờ sông, thành phố Chợ Gạo, có nhà tắm công cộng duy nhất, nay lên cao tầng, thành trụ sở một ngân hàng.
    Có cay đắng mặn mọi, thì có thể thiếu được ngọt ngào chăng? Hàng Đường còn kia, từng là phố buôn bán đủ thứ bánh kẹo, nhất là tết Nguyên Đán có mứt bí, mứt sen, tết Trung Thu có bánh nướng bánh dẻo, cả người Việt Nam và người Hoa Kiều sản xuất. Có nhiều thời gian đi qua đây là thơm nức đến ngạt ngào hương của va ni, của hoa bưởi, của bột thảo, của thảo quả và bao nhiêu món ngon lành chờ đợi cái lưỡi con người.
    Hà Nội có một phố Hàng Than còn có con dốc vượt lên triền đê sông Hồng, từng là bến Đông Bộ Đẩu, Giang Tân, Thạch Khối, nơi Yết Kiêu cắm cờ chờ Hưng Đạo Đại Vương khi triều đình ta phải rút khỏi kinh thành, chống giặc. Đó là nơi bán, nơi buôn, nơi dỡ từ thuyền lên những bao những giỏ những gánh than hoa, than kíp lê.... Hàng Than nay có nhà bánh cốm Nguyên Ninh của cụ Tuất lừng danh Nam Bắc, nơi sinh ra nhạc sĩ Duy Quang, và bánh cốm Nguyên Ninh là ngòi pháo châm cho nổ tung hàng ba bốn chục nhà làm bánh cốm khác khắp phố Hàng Than hiện đại.
    Hàng Điếu nối Hàng Cót với Hàng Da, không còn ai bán điếu, từ điếu bát điếu cầy đến điếu ông hoặc điếu cái, nõ điếu bán riêng, mà đã là phố bán mứt hạt sen và trà Thái, trà Phú Thọ được mệnh danh là trà Tân Cương Thái Nguyên tuốt tuột.
    Hà Nội không có món rươi thơm lừng vị vỏ quýt thìa là vào mùa thu nhưng vẫn có một phố Hàng Rươi cạnh ngõ Chè Chai, đầu phố Hàng Lược, nơi thành chợ hoa lừng danh mỗi độ xuân về.
    Hà Nội từng có hai phố Hàng Gà cơ đấy. Một nối với Hàng Cót, Tiên Sinh, còn một là ở phía Nam, gọi là dốc Hàng Gà, đi qua cái chợ chỉ họp về chiều này là Chợ Hôm Đức Viên, và Hàng Gà này cũng phải thay tên phố là phố Huế.
    Có một phố hơi lạ đó là phố Hàng Chuối. Phố này mang tên ấy nhưng chưa hề là có cái chợ bán chuối, dù bán buôn hay bán lẻ. Nguyên khu đất này là bãi hoang, chỉ chồng chuối để lấy quả, lấy thân cây bán cho voi ngựa của nhà vua phủ chúa mà thôi, đến những thập niên đầu thế kỷ XX, nhà cưả mới mọc lên và cái tên xưa cũ bỗng thành tên chính thức.
    Như vậy, ta thấy có đến 24 phố có chữ Hàng có liên quan đến chuyện ăn uống hàng ngày, vừa thiêng liêng vừa trần tục, vừa thanh tao văn hoá vừa tầm tã mồ hôi....
    Có tên phố mất đi, có tên phố mới sinh ra hoặc được thay thế. Đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc đời. Chỉ mong sao mỗi đổi thay đều nên cân nhắc kỹ càng để đời sau không trách cứ là chúng ta đã phá vỡ mất những điều quý báu (như Hàng Đũa chẳng hạn). Trước khi kết thúc, có lẽ xin mời bạn ghé thăm một ngõ nhỏ chi chít hàng cà phê, đông nghịt khách nhâm nhi. Đó là ngõ Hàng Hành, từ Bờ Hồ Gươm ăn thông sang hàng Trống qua ngõ Bảo Khách, có các món ăn uống nhiều không kém phố Ẩm thực Tống Duy Tân và Ngõ Hàng Bông Lờ....

Chia sẻ trang này