LĂNG KÍNH THI CA VẾT BỎNG Đang hôn tôi bỗng em bật khóc Nước mắt trào ướt mặn trên môi Tôi gặng hỏi lặng yên không nói Rồi điên cuồng môi tìm lại môi Sau lần ấy em xa tôi Phút cuối cùng vẫn lắc đầu không nói Em lấy chồng tôi hiểu điều khó nói Em ham người ham cả tim tôi Từ ấy đôi môi hồng ướt mặn Bây giờ thành vết bỏng trong tôi! ĐOÀN QUANG Mấy hôm nay mệt mệt tôi giở cuốn sổ tay thời sinh viên của mình, ngẫu nhiên đọc lại bài thơ này... gần 10 năm rồi mà tôi vẫn gặp lại cái cảm giác ngày nào. Một chút ngỡ ngàng len vào hồn tôi... ừ thì ra mình cũng thế cũng có trong lòng một vết bỏng mãi chẳng thể nào lành được... Tôi đọc bài thơ này lần đầu trên thư viện, lúc ấy cùng với bài giới thiệu một cuộc thi thơ của hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tây thì phải. Tôi chỉ nhớ đây là một cuộc thi có giải thưởng còn to hơn giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, năm ấy hình như Bế Kim Loan đoạt giải... Tôi đọc những bài thơ tiêu biểu của cuộc thi đó và quên đi ngay chả hiểu sao bài thơ này thì tôi lại chép vào sổ tay... <P>Quả thì đỏ như môi em ngọt lịm</P> <P>Quả lại xanh như lúc em hờn</P> Được taicuc sửa chữa / chuyển vào 13:29 ngày 03/04/2004
Bác taicuc cho tôi tham gia với nhé! Một vài kỉ niệm. 1/ Từ khi sinh ra cho đến khi 13 tuổi, tôi sống tại một vùng quê nghèo Thọ Long, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Tuổi thơ chân lấm tay bùn cùng bạn bè trong cảnh nghèo đói, thiếu ăn, thiếu học, đã ấp ủ trong tôi bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu mơ ước. Và rồi, cái hồn quê ấy cứ dai dẳng trong tôi khắp mọi miền đất nước, dù bất cứ nơi đâu, Bắc - Trung - Nam, không nơi nào tôi có thể quên được hình ảnh con sông Cầu Chày uốn lượn quanh làng, với những buổi trưa ngụp lặn bắt hến, mò tôm. Cho đến một ngày, tôi đọc được bài thơ Trở Lại Khu Vườn của tác giả Nguyễn Minh Khiêm ( mà tôi đã post ở topic Thơ của Thầy Trò chúng tôi ), thì chẳng hiểu sao một thằng rốt đặc cán mai về văn chương thơ phú như tôi lại thuộc ngay tức khắc. Hai câu: Mùi hương xưa đưa tôi lại khu vườn, trong vòm lá tiếng cu ghì xa thẳm xoáy tôi trở về kí ức tuổi thơ trong cái mùi rơm rạ. Vâng, cái mùi rơm rạ quê nhà thực sự là mùi hương xưa đẹp nhất trong tôi. Ngay như bây giờ, khi tôi biết rằng cả làng tôi ( làng Thọ Long), những người may mắn được sờ tay lên bàn phím máy tính không nhiều, đừng nói gì đến Internet, thì cái mùi rơm rạ ấy vẫn sộc lên trong tôi qua những lời văn mộc mạc. Ôi, Thi Ca, có phải chăng thi ca là chốn mà lòng người neo đậu trong những khoảnh khắc trở về. Tôi không biết những điều tôi viết ra đây có phù hợp với topic của anh taicuc hay không? Mong anh thông cảm nhé. 2/ Một lần tôi ngồi uống bia hơi với anh bạn làm nghề chạy xích lô, khi men bia đã ngấm chếnh choáng, anh ta ngất nghểu ngâm đôi câu thơ: Có những lúc tôi ngồi trên cỏ Đôi mắt buồn xui cỏ mọc thành gai. Tôi giật mình hỏi ai là tác giả của hai câu thơ ấy, và nó nằm ở bài thơ nào? Anh ta trả lời rằng, chỉ biết 2 câu ấy của nhà thơ Huy Trụ, còn nằm ở bài nào thì không biết. Tôi nhớ hai câu thơ ấy bao năm rồi mà không quên được. Còn lòng thì mãi khắc khoải cái âm vị của câu thơ. Tôi không biết nó nằm ở bài thơ nào cả, tôi có về Hội Văn Học Xứ Thanh để hỏi han về tác giả, nhưng thật xui xẻo không gặp được nhà thơ. Cho đến bây giờ, tôi đang sống và làm việc tại một thành phố mà cỏ được xem là hàng hoá đắt tiền, chỉ dùng bán cho những Đại Gia xây biệt thự trồng làm cảnh. Nhớ lại 2 câu thơ sao lại thấy những ngậm ngùi... 3/ Một kỉ niệm khác là khi tôi học năm nhất tại Khoa Ngữ văn - ĐHSP TP.HCM, một lần đi chơi cùng lớp tại công viên Tao Đàn, cô bạn Thanh Hoa cùng lớp với tôi thấy tôi hút thuốc lá, khuyên là nên bỏ đi, đừng hút nữa. Tôi cảm ơn cô ấy nhưng trả lời là không muốn bỏ. Cô ấy hỏi tại sao? Tôi trả lời bằng hai câu thơ mà tôi không biết tác giả của nó là ai: Châm điếu thuốc đem đời ra đốt Lặng lẽ buồn trên phố một mình ta. Rồi cả tôi và cô ấy cùng im lặng. Tôi hiểu cô ấy đang nghĩ gì lúc đó, và rồi chúng tôi cũng quên đi để cùng lớp vui những trò chơi đồng đội. Nhưng mãi mãi tôi và cô ấy không quên được 2 câu thơ trên. Gần đây, khi nghe tin cô ấy sắp lấy chồng, tôi gọi điện và đọc lại hai cây thơ ấy, cô bạn chỉ cười và nói rằng, tôi nhớ vềT..có lẽ là nhớ đến hai câu thơ khuyết danh kia!!! Vâng, có lẽ những người cầm bút chỉ mong sao thơ mình có một nơi trong lòng người đọc. Có những câu thơ, bài thơ vô tình đã găm vào lòng ta không gì rứt ra được, nó như tiếng lòng của ta và chỉ có thể quên đi khi mọi thứ cùng nhau về với chốn vĩnh hằng. Thơ ơi, thơ là vậy đó ư?... Chống gậy đầu rồng thành Võ Tướng Ngâm thơ bát cú hoá Thi Gia
Hoa hồng Hoa hồng trên mộ cỏ tươi Dưới mồ chôn chặt một người tôi thương Tiễn chàng ngày ấy lên đường Mà giờ thân gửi chiến trường xa xôi Chuông ơi hãy rung vang trời đất Báo tin buồn đi khắp nơi nơi Trên cành một đoá hoa rơi Bao người đau đớn cùng tôi khóc chàng... _______________________ Hoa hồng - một bài thơ nhỏ nhắn, mộc mạc, đơn sơ từ ngôn từ đến cách thể hiện. Nhưng đối với tôi, nó lại là một bài thơ thật lớn lao. Những tháng năm dài của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những người lính Hồng quân đã khắc bài thơ này lên báng súng. Tác giả của nó là ai thì không ai biết, có lẽ người cũng chỉ là một anh lính Hồng quân, hay một nàng Cachiusa quê nhà chờ đợi. Một bài thơ về cái chết thì sao lại được nâng niu, được khắc lên báng súng trong thời chiến tranh máu lửa, thời mà con người ta hơn lúc nào hết bấu víu vào cái hy vọng được sống? Bởi vì bài thơ nhỏ bé này chan chứa tình người và mang trong nó cả một tâm hồn Nga, một tính cách Nga vĩ đại - điều mà những chiến sĩ Hồng quân sẵn sàng chết vì nó. Được Katjusha sửa chữa / chuyển vào 22:00 ngày 03/04/2004
Không hiểu được nhưng cảm giác cần sự sẻ chia của một người con gái cứ thôi thúc hoài những khi ngồi một mình say nồng theo điệu nhạc..Bỗng một cô gái bán hoa mời mua ..chỉ biết cười cho chính bản thân mình .! Hoa Hồng . Sao ai cũng tặng em hoa hồng hả anh Rồi bỏ lại em một mình với đêm Gai hồng xây xước tay em Em qua nhiều vết xưóc Thơ viết cho anh thiên hạ đọc mất rồi Họ đến tặng em hoa hồng rồi mất hút.. Em giữ lại cho mình tên anh trên môi Chẳng hiểu em có còn nưóc mắt ... Bởi đã lâu rồi em gạn hết cho thơ Mà thơ là của anh ..chỉ là của anh Giờ đây trên tay hoa hông khóc trước bình minh Hoa hồng khóc vì chính những chiếc gai của nó . Phạm thuỳ Vinh. Đã lâu lắm rồi nhưng bài thơ này đã nhiều lần đưọc tôi đọc lại trong góc của nỗi cô đơn ..Sao lai có thể như thế khi tình yêu luôn ngơ ngác trước những cái nhìn của mình..
Độ này bận quá không còn sức để nuôi topic cảm nhận về tập thơ Phố Giao mùa nữa... Thôi thì xin góp luôn vào topic này của bác taicuc coi như là lời đầu hàng vậy... PHỐ GIAO MÙA Nghe ngọn gió trở mình thao thức Hài gấm thêu vội bước qua mùa Thu trốn vào trong cổ tích Gọi mùa thay đổi áo hay chưa Phố cũ vẫn rong rêu như thế Vấn vương hoài ánh mắt heo may Ký ức hao gầy như câu chuyện kể Lối xa giờ chống chếnh vòng tay Bầy chim sẻ xây nhà trong mái phố Giấu xót xa thương nhánh bàng gầy Sắc lá đỏ gọi màu nhung nhớ Bảng lảng sưong hồ hay khói mắt cay Ai xuống phố trong chiều hanh gió Thướt tha khăn mỏng ngang trời Trong xa vắng nghe mùa đông tới Biết lòng mình khắc khoải nữa thôi -Acjans- Đằm thắm và hơi một chút yểu điệu, đó là những câu thơ của Acjans. Thú thật khi đọc cái nickname này tôi lại cứ nghĩ đó là một fan hâm mộ của AC Milan, nên mới thấy ngỡ ngàng trước những câu thơ mềm mại đến thế! Nghe ngọn gió trở mình thao thức Hài gấm thêu vội bước qua mùa Thu trốn vào trong cổ tích Gọi mùa thay đổi áo hay chưa... Khổ thơ cũ, những hình tượng như" ngọn gió trở mình thao thức, hài gấm thêu, trốn vào cổ tích,..." đã từng được dùng khá phổ biến cách đây nhiều năm. Và ở câu thơ cuối cùng không hiểu có phải do lỗi của nhà in hay không mà tôi thấy thừa đi một chữ, âm hưởng mất đi gượng gạo... Tôi thích khổ thơ cuối... có lẽ những kẻ nghiệp dư như chúng ta khi làm thơ đều mong ước có được một khổ thơ cho riêng mình như thế này cũng là mãn nguyện lắm rồi! Ai xuống phố trong chiều hanh gió Thướt tha khăn mỏng ngang trời Trong xa vắng nghe mùa đông tới Biết lòng mình khắc khoải nữa thôi Tiếc là ngay cả ở khổ thơ cuối cùng này tác giả vẫn hơi bị cuốn vào cái vẻ đẹp ngôn từ một chút khi cuờng điệu " Thướt tha khăn mỏng ngang trời". Giá như giản dị đi một chút chắc bài thơ sẽ hay hơn rất nhiều...
Hôm trước bất ngờ thấy nick của Katjusha bên Box LSVH, nay lại thấy lò dò ghé qua Thica... lạ lùng quá. Nhưng mà dù sao cũng rất vui khi thấy Katjusha tham gia cùng các bạn ở đây. Nhìn nick Katjusha lại chợt nhớ, hồi Katjusha mới đi, trên phòng 411 của nhà 4 tầng ngay lối cổng DTH đi vào ấy có một cuốn sổ nhỏ của Katjusha để ghi chép linh tinh... có cả những bài thơ nữa. Sau này phòng lại chuyển về bên khu 5 tầng 5 này, chẳng biết cuốn sổ đó có còn ko hay thất lạc ở đâu rồi...
Đã bảo hôm nay không vào Net rồi cơ mà sao còn vào hả Duyên. Có lẽ tại vì bỗng dưng muốn ghi lại một chút gì đó cho mình, kẻo rồi tháng 3, tháng tư qua lúc nào không biết nữa. Bây giờ đã là đầu tháng 4 nhưng hình như vẫn đang là tháng 2 âm phải không Duyên. Hôm trước tình cờ qua trường xưa chợt ngỡ ngàng khi nhìn thấy sắc bằng lăng mùa này. Có lẽ bằng lăng mùa xuân cũng đẹp không kém gì khi lúc đương hoa. Sắc lá ánh hồng, tươi non, mới mẻ và dịu dàng, những búp lá hồn nhiên ngước nhìn trời xuân. Rồi cả lá nhãn, lá xà cừ cũng non xanh như thế... Chợt nhớ tới một câu thơ ngày xưa H đọc cho mình nghe có nói về sắc lá mùa xuân xanh đến rộn ràng. H có biết là mỗi khi đến mùa này Duyên lại nhớ ngày xưa lắm không... Duyên lại nhớ cả đến câu thơ của Ức Trai "Cỏ xuân như khói bến xuân tươi, lại có mưa xuân nước vỗ trời", và " Trong tiếng quốc kêu xuân đã muộn, ngoài sân mưa bụi nở hoa xoan". Sao thi sỹ cách ta hàng trăm năm rồi mà hồn thơ vẫn còn trẻ thế. Hay bởi vì mùa xuân không có tuổi... Và nhớ cả câu thơ của Nguyễn Du mà chắc là ai cũng biết :"Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" Câu thơ đẹp bởi sự giản dị, trong sáng, hồn nhiên như tâm hồn của người thiếu nữ đương thì. ..Gần hơn, Duyên nhớ đến thơ xuân của Nguyễn Bính, Anh Thơ và cả Hàn Mặc Tử nữa... "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay, Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy....." Hình như có một "mạch xuân" đang âm thầm và dào dạt chảy từ thời xưa cho đến thời nay và mãi mãi về sau....khi trên đời này vẫn còn mưa bụi, hoa xoan, cỏ biếc và những tâm hồn rung động trước vẻ tinh khôi của Mùa Xuân.....
Ảo Ảnh (Đinh Thu Hiền) Tôi đã chôn sao anh cứ hiện về Nấm mồ ấy không một lần hương khói Vùi sâu anh trong quãng đời nông nổi Tôi bồi hồi, tôi bối rối, tôi yêu Romeo trên đời này có được bao nhiêu Mà cô gái dám làm Juliet Xuân Hương ơi màu trầu xanh tha thiết Nhưng tìm hoài đâu có kẻ ăn chung Ảo ảnh mãi thôi,ảo ảnh khôn cùng Mồ anh đó tôi chôn bằng nước mắt Hồn chìm nổi lênh đênh hồn phiêu bạt Ðể lại về khắc khoải sống trong tôi Thiên đường bao la nhặt hết giữa cõi đời Những ngôi sao là một trời tinh tú Ảo ảnh của tôi ơi hãy bay vào vũ trụ Thế giới này đâu có chỗ cho anh p/s: Không thể nói đưọc gì khi đọc bài thơ này của tác giả Đinh Thu Hiền ..Những cay đắng trong tình yêu của một người con gái ..thêm một lần nữa tôi nhìn lại bản thân mình là một người con trai đang tìm kiếm tình yêu .
LỐI SAU Thành phố buông chùng hoàng hôn Gió rùng mình ........................... xôn xao hồn gác nhỏ Em làm ni cô, em làm quả phụ Thứ bẩy ơi thứ bảy ngủ đêm dài! Khi chẳng còn gửi nhớ tới riêng ai Là ai nữa suốt đời xin tha thứ Tim em ư? tắt lửa tự lâu rồi! Cháy một lần tàn cũng một lần thôi Trăng đã ngủ những sao trời vẫn thức Đêm thôi miên. Rạo rực Ngón đàn nào chợt ngắt trên ban công Phấp phỏng mông lung Nếu anh biết sau phòng còn một lối Em sẽ đợi bao giờ em cũng đợi Chỉ có điều em chẳng nói ra thôi P/s Tôi đọc bài thơ này của Đinh Thu Hiền cũng đã dễ được10 năm... Thuở ấy cái tên Đinh Thu Hiền đã cuốn hút bao người yêu thơ. Cô gái năm học lớp 11 đã từng yêu một nhà thơ, bỏ nhà ra Hà Nội đi theo tiếng gọi của tình yêu để rồi nhận lấy biết bao là điều tiếng. Năm học lớp 12 từng đôi lần nhảy cầu Bến Thuỷ...Có phải vì yêu mãnh liệt mà Đinh Thu Hiền đã viết nên những bài thơ tình như là viết nên câu chuyện của chính cuộc đời mình? Xuất hiện trên thi đàn chừng 5 năm, gặt hái tất cả các giả thưởng thơ trẻ (Bút mới, TPTX...) chị nổi lên như là một hiện tượng, và quãng thời gian ngắn ngủi ấy đã khiến cho nhiều người yêu thơ tình xếp chị ngang hàng với những nhà thơ tình Việt Nam... Với riêng tôi, mỗi khi đọc một bài thơ tình của ai ở đâu đó tôi lại nghĩ đến chị... " Có phải tình yêu là bản nhạc không lời Nên mỗi người nghe lại mỗi người thấy khác Có phải hồng nhan luôn luôn mệnh bạc Sắc sảo nhiều càng lắm những khổ đau..."
LÂU ĐÀI TRÊN CÁT Ta quỳ xuống bên lâu đì trên cát Hạt cát vàng lấp lánh của hồn ta Quá khứ ơi xin hoàn người tất cả Như cát rồi tan trong sóng khơi xa Hoàng hôn biển đổ một màu lam tím Ánh chiều dâng trong bóng tối dần lan Đẫm tất cả ngàn lời vương vĩnh biệt Lâu đài thiêng trong vô tạn không gian Ta lặng lẽ nhìn cát hoà trong cát Ôi vui buồn thân thiết một đời ta Nièm xúc cảm không tên ngày thơ dại Xây cát thành muôn cung điện nguy nga Những đứa trẻ ngày nay trên bãi cát Lại xây niềm hoài bão giống như ta Ta mới hiểu khát vọng là bất diệt Biển nhân từ đã giữ lại cho ta Như cát! Như sóng! Như mặt trời Muôn đời Rát bỏng PHAN THỊ THANH THUỶ Đây là một bài thơ mà tôi chép từ sổ tay của anh trai tôi...Ngày ấy tôi còn là một cậu học trò lớp 7, chỉ biết đến những bài thơ trong sách giáo khoa... Có phải vì vậy mà tôi đã thuộc bài thơ này ngay sau lần đầu đọc nó, tôi đọc được lời nhận xét của anh trai tôi là nó chịu ảnh hưởng phong cách thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm... Sau này lớn lên tôi có cơ hội gặp và cộng tác với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng như đọc nhiều tác phẩm của anh,nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao anh tôi nghĩ thế...Mỗi khi đọc lại bài thơ này tôi lại nhớ đến những ước mơ khát vọng một thời ấu thơ, để rồi thấy mình trẻ lại...