1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lang thang Hà Nội

Chủ đề trong '7X - Chi hội Hà Nội' bởi GodFatherHN, 18/09/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. x31

    x31 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    545
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội lột da. 4, 5 tuổi đã có cảm hứng với cái đẹp, vẫn đứng trên cái sân thượng có cái tổ chim cu ở phố Hàng Hành ngắm xuống bờ Hồ, mỗi khi Hà Nội kỉ niệm các dịp lễ lớn như 30 - 4 , 2 - 9.. cái sân thượng cao thật đấy, hàng lan can đúc thì thấp lè tè mỗi lần đứng xem tay cứ phải bíu chặt lấy lan can, rón rén ngó xuống đường, có lẽ từ đó mình sợ độ cao. Mình tưởng tượng nếu mình rơi tự do thì như thế nào nhỉ, chỉ tưởng tượng được cái cảm giác xoay xoay. Thế nhưng mỗi lần thấy các cô áo xanh áo đỏ 7 màu. quần phăng trắng xuống phố phô cặp ngực mẩy và đôi giò múp míp thì thằng bé lại lon ton bám chặt vào lan can cố ngắm cho bằng được. Bóng bay, bóng bay ở đâu mà nhiều thế, các cô các chú hàng xóm cùng lũ nhóc nhân những dịp đông người như thế này lại tranh thủ kiếm thêm, đi rong ở bờ Hồ bán cho lũ trẻ được bố mẹ cho đi chơi phố. Có thằng anh ở Phủ Doãn cứ mỗi dịp như thế này là mấy mẹ con nhà hắn lại làm một xe nước chanh đi vòng quanh bờ Hồ bán cho người đi xem đua xe và ca múa nhạc, cứ đến dịp trung thu là hắn lại làm đèn ông sao đem ra Hàng Trống bán, mình hay đi theo hắn nên sau này còn làm được cả diều nữa. Giờ hắn đi tù rồi, lâu lắm không gặp, nghiện ngập, trộm cắp, đánh người đủ cả nghe đâu tháng 12 này hết hạn.. Phố Hàng Gai bây giờ là một trong những tuyến phố chính có mật độ giao thông lớn nhất Hà Nội ngày ấy duyên dáng quá, những mái ngói xiên xiên rêu mốc, mặt tiền của các ngôi nhà chủ yếu cấu trúc theo dạng cửa gỗ hai cánh ở giữa, hai bên là hai cửa sổ, hàng hoá lèo tèo, chủ nhà chỉ mở một bên cửa sổ kê một cái bàn con bên trong, ai mua gì thì gọi, mình chỉ nhớ có chị gái xinh xinh nhà đầu phố, mình hay qua đó ngắm nghía mấy cái bát đĩa cũ, mấy đồng bạc hoa xoè.. bên cạnh đấy là cửa hàng của bố già nhăn như khỉ hình như hay gọi là ông Hoà, bán mấy thứ lặt vặt, đá lửa, bật lửa cối, thuốc lá gói, kim chỉ v.v.
    Ờ đúng rồi, cánh cửa chỗ nhà ông chú mình số 9.. thì hơi khác một chút, cũng cửa gỗ hai cánh ở giữa, chui qua gầm tầng hai dẫn vào một khoảnh sân chung, đi sâu tít vào trong là nhà xí công cộng, cửa sổ của số nhà này lại thao kiểu các tấm ván gép lại với nhau, khi mở thì phải dỡ từng tấm, nhưng mà hình như ít khi mở. Sau này ông chú bà thím đánh nhau toé khói, bán nhà chia của, mỗi người một xó giờ chả gặp nữa. Giờ đây con phố này đã trỏ thành con phố sầm uất nhất Hà Nội, cửa hàng cửa hiệu đèn đuốc sáng choang, xe cộ đi lại náo nhiệt đã làm thay đổi bộ mặt của con phố, các galery tranh ảnh, các củă hàng mỹ nghệ, các hàng buôn tơ lụa, shop thời trang đã được sửa sang theo yêu cầu của nền kinh tế hàng hoá, con phố trông nhộm nhoạm hơn xưa.
    Mỗi lần mẹ chở mình đi dọc đường Bạch Đằng, ngày ấy một bên là nhà một bên là sông, gọi là phố cho oai chứ thực ra chỉ là lối mòn ven sông, bà già lại chỉ một túp lều (không nói ngoa đâu) nó được cất lên từ tranh tre nứa lá nằm sát với bờ sông, bà già bảo : nhà Anh Dũng với Phương Thanh đấy, nhanh thật cũng 20 năm rồi, một túp lều tranh hai trái tim vàng, họ chưa hề cưới xin gì cả ở với nhau từ hồi đấy đến bây giờ thật hạnh phúc, chỉ khác xưa là hai người tóc đã điểm bạc, cô Phương Thanh không phải trồng rau nữa, túp lều nát kia đã được thay bằng ngôi nhà hai tầng khang trang hơn, cư dân phường Bạch Đằng không còn đào đất đóng gạch nữa, lâu nay, từ hôi 90, 91 tới giờ họ lấp sông bán đất lấy tiền tiêu xài. Phố Bạch Đằng bây giờ đã đủ cả hai dãy chẵn lẻ. Hôm trước đi vào phố, len lỏi mãi mới ra được bờ sông, ngẫm nghĩ sức dời sông lấp bể của con người ghê gớm thay. Lang thang một lúc chợt gặp thằng cha hàng xóm trước buôn xe đạp ở đường Đại Cồ Việt, hỏi anh bây giờ ở đây à, trả lời, ừ thua bạc, bán nhà, nhảy đại ra đây cắm dùi thế mà cũng thành nhà đấy bây giờ cũng 2,3 cây 1 mét, đời người chả biết thế nào. Dân tứ xứ đổ về buôn thúng bán mẹt cũng trọ ở đây.
    Đường Đại Cồ Việt ngày xưa chưa đẹp như bây giờ, nhỏ xíu toàn ổ gà, mỗi lần đi xe qua là phải nhấc mông lên, hồi đầu mấy anh em thằng H, thằng D hay ngồi rải quân dọc tuyến phố ấy, cứ 15, 20 mét là lại có một tấm cót ép dựng trên một cây tre, với vài dòng chữ viết nguệch ngoạc - mua xe đạp, Bộ đại học nằm khuất sâu trong dãy nhà dân. Đất có thổ công sông có hà bá, hình như cái ngày mà Bộ chưa mở mày mở mặt với mặt đường thì tình hình giáo dục tốt hơn chăng ? cái này xét theo quan niệm về phong thuỷ thì khi làm đường Đại Cồ Việt đã kinh động đến Long mạch của Bộ, méo mó hết cả thế đất, nói đơn giản là Bộ được táng vào đít con rồng. Sau này xe đạp đi vào thoái trào thì các dòng vôi trắng nguệch ngoạc trên mấy tấm cót ép được thay bằng : Thu mua đồng chì nhôm vụn, thế là trong cả nước lại dấy lên phong trào cắt trộm dây thông tin, bóc vỏ chì dây cáp...
    ---------------------------Cả cái làng này chắc nó chừa mình ra....Hí Hí
  2. phuongmap

    phuongmap Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/11/2001
    Bài viết:
    3.140
    Đã được thích:
    0
    Lang thang.Cái từ đó quá quen thuộc với mình.Ờ lang thang để về đâu nhể...
    Rời nhà một vị chức sắc 7x, tự dưng muốn một chút không khí của riêng mình....Một chút mùi hanh hanh khó chịu và cơn mưa chẳng phải lúc vẫn kéo mình đến cái nên cần đến....Mà cũng chả biết là phải có đúng là cái nơi cần đến không...
    Bụi...Ồn...Hình như buông tha cái nơi xa khuất này.Mà hoạ có điên người ta mới đến chỗ này vào cái hôm trời như điên này...Nhưng nó cũng thu hẹp dần bao nhiêu dãy nhà cao tầng chen chúc nhau.Chả hiểu từ trên những tầng cao đó soi xuống thì nó chả hiểu ra cái giống gì nhỉ...Chả khác cái ao làng làm mấy...
    Hà nội giờ chả còn một chỗ nào thư giãn đúng nghĩa nữa rồi...Một chút xưa cũ thì cũng quá quen thuộc ( chả nhẽ tua đi tua lại nhỉ...)
    Vui nhưng niềm vui hình vẫn như chưa trọn vẹn lắm....Tạm xa vài hôm để rồi cảm nhận..
    Chúc các em khối 12 - KLC mã đáo thành công...​
    Natural born best lover...
  3. x31

    x31 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    545
    Đã được thích:
    0
    Đi tìm những dòng sông bị mất. Cơn mưa thứ hai của mùa mưa mới trên mảnh đất đồng bằng Bắc bộ này, sau những cái nóng oi ả của thời tiết chớm vào hè. Cục khí tượng thuỷ văn và phó thủ tướng *************** đã dăm câu ba điều trên một số tờ báo để cảnh báo với thị dân rằng thời tiết năm nay diễn biến phức tạp. Quả có vậy, mới chớm vào hè, đã làm ngay một lèo 3 ngày oi bức, nhiệt độ lên gần 40 độ C. Trận mưa đầu tiên đã trút nước xuống thành phố "ở phía trong những con sông". Gần 2 giờ đồng hồ, thần mưa dạo chơi hắt xì hơi sổ mũi vài cái vươn vai ngáp mình, sấm chớp giật đùng đùng báo hiệu thời tiết đã chuyển mùa từ xuân sang hè. Thị dân hãy chuẩn bị tinh thần sống chung với những trưa tháng 6 chết cả cá cờ và những đêm mưa dài vô tận.
    Hừ hừ ! Từ chập tối lão thần mưa bắt đầu vặn vẹo thân mình, chiều nay thứ 7 lão có ngồi uống bia cùng với mấy đồng đội gió, mây, sấm, sét ở ngoài cổng điện của Ngọc Hoàng, đến khoảng 8h lão bắt đầu phê phê, rồi chia tay bạn bè ai về nhà nấy, nhưng lão say quá chân nam đá chân chiêu, nhìn quanh quất không có ai, lão bèn "tướng lên đài". Vâng, thế là trời đổ cơn mưa...
    Mama I'm coming home, duới trời mưa, trời ơi, giá mà mình tựa vào ai cho thuyền ghé bến giữa đêm mưa này thì thú quá đi, mỗi tội lại phải đi một mình, lãng xẹt. Cố gắng mà về đến nhà, mưa to quá, đường nào cũng ngập cũng úng, vòng vèo đi đường tắt rồi cũng về đến nhà, uớt như chuột lột.
    Ngày xưa Hà Nội, đêm nay lại nghe văng vẳng câu hát "em ơi Hà Lội phố...con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ", thấy xôn xao quá, đường vắng thì đúng rồi nhưng mưa thì đếch nhỏ.. Nhớ trận lụt năm 1984, suýt chết đuối, một cái chết lãng nhách, chết dưới một cái hố ga, con đường từ nhà tới trường có nửa cây số, một con đuờng thật đẹp với những luống rau xanh và những bụi cúc tần hoa trắng, những hàng rào găng hoa tím quả vàng, lá xanh mướt đua chen cưu mang những nhánh tơ hồng vàng choé, màu sắc đầy ấn tượng của họ hàng tầm gửi, cái giống này ăn bám nên phải tìm cách trình bày hàng họ cho thật đặc sắc, đúng thế trẻ con hay nghịch bứt lấy từng sợi vụt đen đét vào nhau cho nhựa dây ra quần áo, nhựa này mà bám thì bố OMO cũng giặt không sạch, rồi tiện tay quăng lung tung vô tình trở thành vật trung gian giúp cái giống tầm gửi này phát tán sinh sản. Đi theo những lối mòn của các luống rau vào những nơi mà ngày nhỏ mình có thể tưởng tượng tượng ra đó là nơi tận cùng của rừng già, nơi cất giấu nhiều bí mật của rừng sâu. Thực ra đó chỉ là mảnh hàng rào dây thép gai dựa vào mấy đống gạch vụn xiêu vẹo, qua thời gian trở thành môi trưòng lý tưởng cho các giống dây leo như bìm bìm và mơ, đôi khi còn có vài cụm tầm xuân nữa. Khu tập thể lúc này mới xây dựng các con đường chưa hình thành, vẫn cốt là đất đá và các thứ gạch vụn vô hình chung đã tạo nên một con đường đẹp nên thơ giữ những vạt cỏ dại hoang dã. Để đến trường có hai con đường, 1 con đường tiêu chuẩn hơn nhưng mình lại thích đi con đường này vì nó đẹp hơn và gần hơn vì góc tường chỗ này có một lỗ hổng khá to, chỉ việc chui qua đó, băng qua vườn sinh vật rồi vào lớp theo lối cửa sổ. Hơn thế nữa, nằm vắt ngang qua con đường thơ mộng này là một dòng suối nhỏ, nước chảy róc rách, trong veo dưới đáy là những hòn cuội nhẵn nhụi và những triền cát. Thực ra đó chỉ là một cái cống tạm thời mà người ta khơi để thoát nước mà thôi, lâu ngày đất đá cát sỏi theo dòng nước cuộn về nằm dưới đáy cống. Bọn trẻ con như mình ngày nào đi học cũng thích nhảy qua con suối đó rồi hò reo, cười sằng sặc ?
    Cống ngày ấy sạch hơn cống bây giờ, cũng có nhiều lí do. Ngày ấy cống chủ yếu để thoát nước mưa, ngày ấy ít rác hơn bây giờ, rác ngày ấy cũng sạch hơn, chủ yếu là rác vô cơ, ít rác hữu cơ lắm, ăn còn chả đủ, lấy chó đâu thức ăn thừa mà đổ xuống cống, nhặt nhạnh từ mẩu ni lon vụn cho đến mấy thanh gỗ mục nên cũng chẳng có nhiều rác mà thải ra đường.
    He he ! Lạnh đông cả máu, lại bị tụt cảm hứng thôi post tạm đoạn mở bài, thân bài mai ngày kia viết tiếp?..
    ---------------------------Cả cái làng này chắc nó chừa mình ra....Hí Hí
  4. flamboyantvn

    flamboyantvn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/12/2002
    Bài viết:
    98
    Đã được thích:
    0
    Lang thang, khái niệm đó có từ bao giờ thế nhỉ? Tui cũng chẳng rõ nữa nhưng bỗng thành một thói quen khó bỏ... Chán: lang thang; công việc bế tắc: lang thang;buồn: lang thang... và nhiều thứ nữa, giải pháp đầu tiên là lang thang.
    Có những con đường ở HN đi mãi không bao giờ chán.... với tui, đến Hoàng Diệu mọi thứ trong tui dường như không còn nữa, nhất là những chiều thu, lá vàng rơi nhẹ nhàng... con đường ít người qua... mệt mỏi chán nản tan biến.
    Thôi một chút lãng đãng thôi, tui lại phải trở về thực tại đây, công việc vẫn chớ.. Biết đâu ngày nào đó lang thang tôi sẽ gặp bạn, bất ngờ và thú vị?!!!

    Soudless
  5. mimi80hn

    mimi80hn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    06/01/2003
    Bài viết:
    489
    Đã được thích:
    0
    Hà nội và mùa thu đẹp tuyệt, những hàng cây rợp bóng mát ở phố Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu, hương hoa sữa vào ban đêm trên phố Nguyễn Du, sương mù vào buổi sáng ở Hồ Tây................
    Yêu Hà nội, cháu yêu Hà nội..........là ......lá........la...........
  6. nguyenngocminh

    nguyenngocminh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/03/2002
    Bài viết:
    83
    Đã được thích:
    0
    HàNội thì vẫn vậy thôi... chán òm !
    Này nhé : mùa đông thì lạnh ngắt .... lạnh đến tái tê ....còn mùa hè thì nóng bức ...nóng dã man ......mùa thu thì khô và hanh ...mùa xuân thì mưa gió bẩn không thể chịu được ....
    xét cho cùng Hànội chẳng có gì là hấp dẫn.....
  7. dearfriend

    dearfriend Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    02/04/2002
    Bài viết:
    388
    Đã được thích:
    0
    Thời hiện đại con người thường không hay đi lang thang.
    Nhưng tại sao người ta lại đi lang thang? Tôi nghĩ, có thể họ thấy cô đơn và trống trải và cần tìm ở đâu đó một không khi sôi động.
    Nhưng cũng có khi cuộc sống quá sôi động, và họ lại muốn tìm một chỗ nào đó khôngphải suy nghĩ, không phải nói không phải cười, cảnh vật tĩnh lặng mà trống rỗng, và thế là cái đầu của mình cũng trống rỗng, giống như reset
    Nếu đi lang thang theo nghĩa thứ hai thì tìm thấy Hà Nội như thế càng ngày càng khó, khi mà càng ngày càng nhiều nhà cao tầng. Năm đầu tiên tôi tìm ra một chỗ, tôi ngồi và nhìn về phía trước, như chẳng có gì ở phía ấy cả, năm thứ hai xuất hiện vài người cũng có cùng sở thích, năm thứ ba thì nó trở thành như bất cứ chỗ nào khác.
    Không hiểu phố Thuỵ Khê có gì lạ, nói chính xác thì rất khó, nhưng đường phố nhỏ nhỏ, thỉnh thoảng vẫn còn vài ngôi nhà theo kiểu cũ, những người ở đó vẫn có vẻ gì hơi ... cổ cổ và nhàn rỗi, giúp ta có chút liên hệ nào đó với quá khứ. Quá khứ dù buồn hay vui nhưng sao một khoảng thời gian nó đều trở nên đẹp, có khi cái buồn lại đẹp hơn vui, vì buồn có khi mang nhiều ... nét lãng mạn
    Love me two times
    One for tomorrow
    One just for today.
  8. arien

    arien Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/01/2002
    Bài viết:
    763
    Đã được thích:
    0
    Để hưởng ứng chủ đề này của Varity,cũng rất thích nhưng ko có thời gian để viết,thôi post tạm bài này vậy.
    Dưới tán bàng xưa
    Đã cổ thụ mất rồi thơ ấu ạ
    Mây già nua, gió cũng thổi phều phào
    Cùng tuổi vậy sao bàng hiu quạnh thế
    Có một quả xanh cũng rụng tận nơi nào
    HOÀNG ĐÌNH QUANG -
    Ở đảo xa xôi...tôi ước sao
    Có một ngày người....thương tôi....sẽ đến.
  9. deny_me

    deny_me Ma Xó

    Tham gia ngày:
    07/03/2003
    Bài viết:
    7.776
    Đã được thích:
    0
    em có mỗi cái kiểu lang thang này, chỗ nào cũng đem khoe. ( ơ nhưng chưa bao giờ được thực hành cả. Bác nào đăng ký
    Mùa thu như những lớp lá xếp từng chồng tên tuổi. Có đêm nào không ngủ, anh có lang thang HN để gặt hái cho riêng mình nỗi vui buồn của đất trời?. HN đầy sang trọng, phải không anh? Những vũ trường, sàn nhảy lấp lánh sắc màu... những ngõ trà đạo , rượu hồng nườm nượp bước chân khách phong trần. Nhưng anh có cùng đi với em đến một nơi mấy ai biết. Nơi ấy, quyện ngọt ngào hương thơm của hoa cỏ, nhộn nhịp sức sống ... chợ hoa đêm đấy anh.( chợ hoa đêm Quảng Bá ) Thanh bình và yên tĩnh. Lãng mạn và đáng yêu biết chừng nào. Em sẽ mua cho mình một bó hoa nhỏ, đoá hoa ấy em gọi là đoá hoa bình minh. Hứa đi anh!!! Em sẽ chờ một ngày nào đó, hai ta sẽ được sóng bước giữa bạt ngàn hoa. Anh sẽ hiểu tại sao em yêu đêm và thương hoa chừng ấy.
    ********
    lorsque les vents balaient les feuilles mortes dans les allees du parc.....Tu me manques beaucoup !
    Được deny_me sửa chữa / chuyển vào 22:47 ngày 15/09/2003
  10. arien

    arien Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    22/01/2002
    Bài viết:
    763
    Đã được thích:
    0
    Hà Nội vào hè sớm hơn các vùng quê. Bởi thiếu những không gian xanh, lại bị giam hãm trong những khối gạch ngói, bê tông, dưới một khung trời nhỏ hẹp. Báo hiệu cho mùa hè là những cành phượng vĩ nặng trĩu những chùm hoa rực lửa. Và nhất là tiếng ve sầu râm ran, ra rả suốt ngày.
    Vào đầu thập niên 30, nhà khoa học Nguyễn Công Tiều đã phát huy sáng kiến diệt lũ ve sầu chỉ được cái nỏ mồm nhưng vô tích sự ấy. Rút cục chúng vẫn sống nhăn. Thế là cái đám người ở các khu phố Tây đành ngậm bồ hòn làm ngọt, để cho chúng tiếp tục quấy rồi giấc ngủ trưa của họ
    Cùng với tiếng ve sầu là tiếng rao của các hàng quà rong mà cái âm thanh réo rắt hoặc lộc cộc của họ đã tắt lịm trong một thời gian dài từ mùa đông trải qua hết mùa xuân. "Ai kem một xu đi" "Chè trân châu" "lát xe" (glacé) "Xệch cấu" Tiếng rao pha trộn cả ba thứ tiếng: Ta, Tàu, Tây. Nhưng "xệch cấu" là cái gì ? Một thứ kem chanh trắng như tuyết xốp, ăn tới đâu mát rượi tới đó. Ra hỏi các ông Tàu Hàng Buồm người ta mới biết đó là từ ngữ thạch cao phát âm theo tiếng Quảng Đông. Còn món bánh cuốn hấp tại sao lại gọi là "lốc bỉu" , thì người ta đành chịu thua, không hiểu nó xuất xứ từ một phương ngữ nào ở bên Tàu ?
    Ngay từ tinh mơ, người Hà Nội đã bị đánh thức bởi những tiếng rao ơi ới. "Lạp xường lồ mái phàn". Những đĩa xôi nóng hổi với những lát lạp xường mỏng tang tưởng như gió thổi cũng bay. Phải có một đôi tay điêu luyện mới thực hiện được những thao tác chính xác như thế. Để cho miếng lạp xường không bị vỡ và hình thù của nó không bị lệch lạc.
    Hàng "Cà phê ô le (au lait)" bánh Tây xuất hiện sớm nhất, khi thành phố hãy còn đỏ đèn. Còn tiếng rao buồn thảm nhất "Bánh dầy bánh gi....ò...ò" vào một không gian vắng lặng như báo cho mọi người biết rằng đêm đã về khuya. Nhưng cũng có những hàng quà chẳng bao giờ thèm cất tiếng rao. Như bún chả. Người đàn bà chít khăn mỏ quạ, ngồi ở một góc phố quạt phành phạch vào cái bếp than. Trong chốc lát, mùi thịt nướng toả ra thơm phức. Giờ ăn quà chiều của những người Hà Nội trung lưu. Hoặc như bún ốc. Với đôi quang gánh kĩu kịt trên vai, người phụ nữ buôn Tần bán Sở biết rõ những nơi nào mình dừng lại. Hai món quà này bán theo từng mẹt. Bún cũng được cuốn lại thành từng lọn tròn như cái bánh dày Quán Gánh, để khi đưa vào miệng cùng với con ốc thì vừa gọn một miếng. Khi nào có khách tới ăn, người ta mới nhể ốc, chứ không nhể đại trà để sẵn cả một rổ như thường thấy dạo sau này, trông mất cả ngon.
    Người bán quà rong lười rao nhất là các ông bán phở. Năm thì mười hoạ mới nghe vẳng lên một tiếng "phơ....ở...) . Điểm đặc biệt của họ là cái mũ đội trên đầu. Nếu là mũ phớt (feutre) chí ít cũng có vài ba lỗ thủng và màu dạ cũng bạc phếc. Nếu là mũ cát (casque) thì cái chóp cũng không còn nữa. Và từ những lỗ thủng ấy lòi ra những sợi tóc. Người Hà Nội gọi đó là những cái mũ phở.
    Những tiệm phở ngon của thành phố có thể đếm được trên đầu ngón tay. Phở Mi xô (Michaud), phở Nghi Xuân, phở Cầu Gỗ....Thông thường chỉ có mấy món tái chín, gầu. Sau này người ta mới vẽ ra những thứ tái, sách, tái bắp, rồi nạm, vè, sụn. Nhưng ly kỳ nhất là phở ... CHÓ.
    Thời bấy giờ cả Hà Nội có vài ba tiệm thịt chó tại phố Hàng Hòm, nơi sản xuất những chiếc va li và hòm bằng gỗ. Ít lâu sau mới mọc thêm một tiệm nữa ở phố Hàng Đồng. Lui tới những chốn này thường là những tay giang hồ tứ chiếng, dân anh chị hoặc những người lao động. Họ xắn quần móng lợn, quấn khăn đầu rìu, đi chân đất, cười nói oang oang trông như những hảo hán Lương Sơn Bạc. Thuở ấy, hình như người Hà Nội chưa biết thưởng thức cái thú : "Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không", nhất là những tiểu thư. Chỉ nghe người ta nói tới những chuyện ăn uống ấy cũng đã rùng mình rùng mẩy. Nhưng hôm nay thì các cô cũng chơi búa xua. Bước vào khu phố thịt chó trên đê Nhật Tân, người ta thấy phong cách nhậu nhẹt của họ không thua gì các bậc tu mi nam tử, nhưng thay vì uống rượu, họ uống bia Carlsberg.
    Ở đảo xa xôi...tôi ước sao
    Có một ngày người....thương tôi....sẽ đến.

Chia sẻ trang này