1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lãnh thổ Việt Nam thân yêu nhìn từ vệ tinh.

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi ov10, 02/03/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Google Earth bản free khu vực lãnh thổ VN mới được updete đã lắm.
    [​IMG]
    Không biết chiếc C-17 sang Nội Bài làm gì nhỉ?
    Được ov10 sửa chữa / chuyển vào 01:37 ngày 16/06/2006
  2. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Vài hình ảnh Hoàng Sa thân yêu.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20001.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20002.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20003.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20004.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20005.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006.jpg
    Bọn chó xây sân bay ở Hoàng Sa.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20007.jpg
  3. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Hanggar.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006a.jpg
    Cảng.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006b.jpg
    Không biết đây có phải tàu chiến không?
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006c.jpg
    Công sự bảo vệ bờ biển?
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006d.jpg
    Có phải đây là các container tên lửa?
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006ab.jpg
    Các đài rada tầm xa?
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006e.jpg
    Được ov10 sửa chữa / chuyển vào 01:58 ngày 18/06/2006
  4. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Không biết sân bay chúng xây để khè hay sao?
    Gần như không có dấu hiệu hoạt động vì đường băng không có vệt cháy vỏ bánh xe khi hạ cánh.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20006ac.jpg
  5. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    [​IMG]
    Một đảo khác. Anh em nào biết tên ghi chú giúp.
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20008.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20009.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20010.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20011.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20012.jpg
    http://www2.ttvnol.com/uploaded2/ov10/000%20*******%20013.jpg
    Được ov10 sửa chữa / chuyển vào 02:41 ngày 18/06/2006
  6. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
    Vị trí địa lý và tài nguyên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
    Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
    Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15o 45'' B - 17o15'' B và kinh độ 111o Đ - 113o Đ trên vùng biển rộng khoảng 16.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi - Việt Nam) khoảng 120 hải lý , cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1,5 km2).
    Quần đảo Trường Sa nằm về phía Đông Nam của Biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, ở khu vực biển trong vĩ độ 6o50'' B - 12o00'' B và kinh độ 111o30'' Đ - 117o20'' Đ trên vùng biển rộng khoảng 180.000 km2, cách Cam Ranh (Việt Nam) khoảng 248 hải lý, được chia thành tám cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, đảo Ba Bình là đảo lớn nhất, đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 - 6 m).
    Địa chất của hai quần đảo chủ yếu là đá vôi, cát và san hô. Trên một số đảo có đất và nguồn nước, tuy rất hạn chế nhưng có thể trồng được cây lâu năm như dừa, bàng vuông, phong ba ...
    Khu vực biển mà hai quần đảo án ngữ có nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực, năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông bao gồm các con đường từ Tây âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuê, Trung Đông đến ấn Độ, Đông á, úc, Niu - Dilân, con đường hàng hải Bắc Thái Bình Dương từ Tây Bắc Mỹ đến Đông á và Đông Nam á, con đường từ Đông á đến úc và Niu - Dilân, và từ Đông đến Trung Đông. Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po ... phụ thuộc sống còn vào các tuyến hàng hải này.
    Về tài nguyên thủy sản, tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa do hoàn cảnh khách quan, ta chưa có điều kiện điều tra, đánh giá. Tại vùng biển Trường Sa, theo số liệu mới nhất, qua khảo sát bằng lưới rê, các nhà khoa học Việt Nam đã xác định được 18 họ hải sản với 32 giống và 37 loài và bằng câu vàng, xác định được 9 họ hải sản với 13 giống và 14 loài cá trong đó có các họ cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá thu ngàng . Cùng với tài nguyên thuỷ sản, vùng nước quần đảo còn là nơi có trữ lượng san hô lớn, có thể dùng sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ và sử dụng trong lĩnh vực y học.
    Bên cạnh đó, khu vực đáy biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng một trữ lượng dầu khí khổng lồ và các mỏ khoáng sản sun phít đa kim, kết cuội sắt mangan. Theo số liệu của nhiều nhà khoa học và cơ quan khoa học quốc tế dự đoán, Biển Đông chứa khoảng 130 tỷ thùng dầu và khí tự nhiên, do đó khu vực Biển Đông được coi như vịnh Ba Tư thứ hai. Riêng dự đoán khu vực Trường Sa có trữ lượng dầu khoảng sáu tỷ thùng, trong đó khí chiếm
    khoảng 70%.
    Theo các qui định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà nước ta là một thành viên , quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên một vùng biển rộng gấp rất nhiều lần diện tích lãnh thổ đất liền; kiểm soát các tuyến hàng hải, làm chủ các vị trí chiến lược về quốc phòng cũng như các tài nguyên biển và lòng đất dưới đáy biển. Bởi những lẽ đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một phần máu thịt của đất nước Việt Nam hiện đang bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực yêu sách chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo là một trong ba vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ mà chúng ta đang giải quyết và là vấn đề khó khăn nhất. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đòi hỏi chủ quyền mà còn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cường quốc và là yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định trên Biển Đông.
    (còn tiếp)
  7. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    (Tiếp theo)
    Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam.
    Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa và ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm là Bãi cát Vàng. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quí hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm "đội Bắc Hải" lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như " Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư" của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), " Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn (1776), "Lịch triều Hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú (1821), "Đại Nam thực lục tiền biên" (1844-1848), "Đại Nam thực lục chính biên" (1844 - 1848), "Đại Nam nhất thống chí" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910), Dư địa chí "Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ", "Quốc triều chính biên toát yếu" (1910). Đồng thời, hai quần đảo và các hoạt động của triều đình phong kiến Việt Nam trên đó cũng được nhắc đến trong các tác phẩm nước ngoài như Nhật ký Batavia (1936), Hải ngoại ký sự (1696) An Nam đại quốc hoạ đồ (1838)... Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hoá trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo ... liên tục trong các năm 1834, 1835 và 1836. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
    Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên , cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo . Trong suốt các năm 1931 - 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
    Sau chiến tranh thế giới lần II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 08/3/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. Ngày 06/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam trong phát biểu của mình, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: ?oVà cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam?. Tiếp đó chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do. Trong thời gian này, các chính phủ Việt Nam nói trên đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo bằng các hoạt động Nhà nước. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam và quyết định quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy . Tháng 4/1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, quân Trung Quốc đã bí mật ra chiếm đóng nhóm đảo này.
    Tháng 1/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Tháng 4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó.
    Ngày 2/7/1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước CHXHCN Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo.
    Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử - pháp lý và thực tiễn quốc tế.
    Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước CH XHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 28/12/1982, trong kỳ họp thứ IV Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hoà). Nghị quyết ngày 6/11/1996 kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX nước CHXHCN Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Chính quyền hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình.
    Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 nêu "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực". Quốc hội nhấn mạnh: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982".
    Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình cho đến khi nó bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm.
    Cho đến nay, Việt Nam đang thực sự quản lý 21 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế - xã hội nhằm từng bước xây dựng huyện đảo trở thành đơn vị hành chính ngang tầm với vị trí và vai trò của nó trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của huyện đảo được nâng lên rõ rệt.
    (còn tiếp)
  8. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    (tiếp theo và hết)
    Bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo
    Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực thi việc quản lý và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, có tính kế thừa và được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, tư tưởng - văn hoá và giáo dục. Tuỳ từng giai đoạn khác nhau mà nội dung và yêu cầu của các lĩnh vực cũng được thực hiện phù hợp.
    Về ngoại giao - pháp lý
    Điều 1 của Luật Biên giới quốc gia qui định"Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" . Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biển, Việt Nam đang xây dựng Luật về các vùng biển Việt Nam.
    Trong các kỳ bầu cử, mặc dù công tác trên các đảo đá xa bờ và điều kiện đi lại còn rất hạn chế nhưng quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn đều đặn thực hiện quyền công dân của mình và tham gia các công việc chính quyền khác như bất cứ một đơn vị hành chính nào trên đất liền.
    Hàng năm, quần đảo Trường Sa là nơi đón tiếp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đại diện các tổ chức xã hội cũng như hàng nghìn lượt cán bộ ra thăm và công tác trên đảo.
    Đồng thời với đàm phán giải quyết về vấn đề trên biển với Trung Quốc, ngày 04/11/2002 tại Phnôm Pênh (Campuchia), Việt Nam cùng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Bản tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển và duy trì ổn định ở khu vực.
    Về kinh tế - xã hội
    Vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các ngư trường lớn, đầy tiềm năng của ngư dân các tỉnh ven biển, cung cấp nguồn thủy sản phục vụ cho xuất khẩu của đất nước và chính nhờ nguồn thu từ nghề khai thác xa bờ mà đời sống của bà con ngư dân được cải thiện rõ rệt. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống cầu cảng đang được xây dựng trên đảo Đá Tây nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt, dầu máy, đá và cũng là nơi thu mua và sơ chế lượng thủy sản khai thác được. Bên cạnh việc khai thác thuỷ sản xa bờ, ngày nay bà con ngư dân còn khai thác cả các loại cá cảnh và các loại rong biển có giá trị dinh dưỡng và dùng trong chế tạo mỹ phẩm.
    Cùng với nguồn lợi thủy sản, khu vực hai quần đảo còn chứa đựng tiềm năng dầu khí và khoáng sản. Mặc dù, nguồn tài nguyên này, đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác nhưng với tốc độ phát triển của ngành dầu khí và khoáng sản Việt Nam như hiện nay, chắc chắn trong một tương lai gần, các tiềm năng này sẽ được đánh thức và góp phần phục vụ đời sống và xuất khẩu. Điều này đặc biệt rõ ràng khi Việt Nam đang thực hiện các thủ tục gia nhập lại Tổ hợp khai thác quặng đa kim đáy đại dương (InterOcean Metal).
    Để đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải đi qua khu vực, nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều trạm đèn biển trên các đảo như Đá Tây, Đá Lát, An Bang và Tiên Nữ thuộc quần đảo Trường Sa.
    Vùng nước hai quần đảo là nơi có những rạn san hô phong phú về chủng loại và chưa được khám phá, là nơi lý tưởng để phát triển loại hình dịch vụ lặn biển mà thế giới đang ưu chuộng. Hiện nay, Tổng cục Du lịch và các cơ quan hữu quan đang xúc tiến chuẩn bị đề án phát triển du lịch trên quần đảo Trường Sa, trước mắt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, thăm nom của gia đình cán bộ đang công tác trên quần đảo và lâu dài hơn, tận dụng môi trường thiên nhiên ở đây vào mục đích du lịch biển.
    Về tư tưởng, văn hoá, giáo dục
    Nhận thức được tầm quan trọng của biển và đại dương đối với cuộc sống nhân loại, chủ quyền và vị trí chiến lược về quốc phòng - kinh tế - xã hội của hai quần đảo đối với đất nước, việc tổ chức giáo dục tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền đã được chú trọng cả về nội dung và hình thức.
    Tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị trình Chính phủ các dự án xây dựng nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật về hai quần đảo qua các thời kỳ lịch sử, phục chế di tích lịch sử, bảo tồn và sưu tầm văn hoá phi vật thể trên huyện đảo Lý Sơn.
    Từ năm 2002, tài liệu tuyên truyền biển đảo Việt Nam được đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh, sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Đây là những nội dung cơ bản nhất về địa lý, tiềm năng kinh tế, định hướng chiến lược phát triển kinh tế và pháp luật liên quan đến biển đảo Việt Nam cũng như tình hình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
    Song song với việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức biển đảo, các loại hình văn hoá có nội dung liên quan trực tiếp đến hai quần đảo khác như phim tài liệu, bài viết, các bộ tem về biển đảo Việt Nam cũng được triển khai. Năm 1998, trong khuôn khổ chương trình hưởng ứng năm Quốc tế đại dương do Liên hợp quốc đề xướng, hãng phim Tư liệu và khoa học Trung ương đã sản xuất bộ phim "Lãnh thổ trên Biển Đông" giới thiệu về các hoạt động bảo vệ chủ quyền và quản lý nhà nước trên quần đảo Trường Sa và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa với những bằng chứng lịch sử và tư liệu thực tế phong phú và sinh động.
    Tiếp theo cuộc thi "Em yêu biển đảo Việt Nam" được tổ chức năm 1998, năm 2003, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục Du lịch và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lại tổ chức chương trình "Vì biển xanh quê hương" phát động phong trào thi viết, thi ảnh về chủ đề bảo vệ môi trường biển, thanh niên các tỉnh thành ven biển tiến hành hàng loạt đợt ra quân làm sạch bãi biển, trồng cây chắn sóng và đặc biệt tham gia cuộc thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam với những nội dung thiết thực, hun đúc thêm ý chí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển của thanh thiếu niên trong cả nước.
    Hơn thế nữa, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng thiết thực đã được tiến hành và bước đầu cho kết quả tốt như chương trình khai thác điện năng từ ánh nắng mặt trời, chương trình nghiên cứu và cải tạo các giống cây thích hợp phủ xanh trên đảo... cũng như hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đã và đang được triển khai về đánh giá tài nguyên, môi trường Biển Đông và khu vực hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
    Kết luận
    Công tác bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trách nhiệm của toàn dân và phải được tiến hành trên mọi lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và tuyên truyền giáo dục. Để thực hiện công tác này hiệu quả trong thời gian tới, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện Luật về các vùng biển Việt Nam, cùng với các văn bản khác, tạo nên một khung pháp lý vững chắc, tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực dầu khí, thủy sản, lắp đặt cáp quang và các tài nguyên biển khác tại khu vực hai quần đảo cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo cho mọi tầng lớp nhân dân.
    Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức thiêng liên và cũng hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài, đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ Việt Nam ./.
    (Theo tài liệu toàn cảnh biển đảo Việt Nam)
  9. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Biển đảo Việt Nam.
    1. Khái quát về biển đảo nước ta
    Nước ta giáp với biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là mợt phần biển Đông.
    - Bờ biển dài 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Như vậy cứ l00 km2 thì có l km bờ biển (trung bình của thế giới là 600km2 đất liền/1km bờ biển).
    - Biển có vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km (gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2/330.000km2).
    - Trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển.
    - Có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển.
    - Có khí hậu biển là vùng nhiệt đới tạo điều kiện cho sinh vật biển phát triển, tồn tại tốt.
    - Có tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, quý hiếm.
    - 26 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 42% diệntích và 45% số dân cả nước, khơảng 15,5 triệu người sống ở đới bờ, 16 vạn người ở đảo.
    * Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước, đến văn minh và hạnh phúc của nhân dân.
    2. Tiềm năng và tầm quan trọng của biển
    Câu nói truyền miệng của nhân dân ta từ bao đời nay là đất nước ta có ''''Rừng vàng biển bạc''''.
    + Về kinh tế.
    - Hải sản: Ở vùng biển nước ta đến nay có khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có giá trị kinh tế cao khoảng 110 loài. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 3 triệu tấn/năm. Ở biển Việt Nam có khoảng trên l .500 loài nhiễm thể, riêng tôm có trên l00 loài.
    - Chim biển: Các loại chim biển ở nước ta cũng rất phơng phú: hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến. Theo tính toán của các nhà khoa học phân chim tích tụ từ lâu đời trên các đảo cho trữ lượng phân bón tới chục triệu tấn.
    - Rong biển: Trên biển nước ta có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú.
    - Khoáng sản: Dưới đáy biển nước ta có nhiều khoáng sản quý như: thiếc, ti tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất hiếm. Muối ăn chứa trong nước biển bình quân 3.500gr/m2.
    - Dầu mỏ: Vùng biển Việt Nam rộng hơn l triệu km2 trong đó có 500.000km2 nằm trong vùng triển vọng có dầu khí. Trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trrữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Có thể khai thác từ 30-40 ngàn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít) khoảng 20 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Vict Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khoảng ba nghìn tỷ m3/năm.
    - Giao thông: Bờ biển nước ta chạy dọc từ Bắc tới Nam theo chiều dài đất nước, với 3.260km bờ biển có nhiều cảng, vịnh, vụng... rất thuận liện cho giao thông, đánh bắt, hải sản. Nằm liên trục giao thông đường biển quốc tế từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, trong tương lai sẽ là tiềm năng cho ngành kinh tế dịch vụ trên biển (đóng làu, sửa chữa tàu, tìm kiếm cứu hợ, thơng tin dẫn dắt...).
    - Du lịch: Bờ biển đài có nhiều bãi cát, vụng, vịnh, hang động tự nhiên đẹp, là liềm năng du lịch lớn của nước ta.
    + Quốc phòng, an ninh:
    Biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển-đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á.
    Biển-đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển trường tồn của đất nước.
    3. Đảo và quần đảo nước ta và tầm quan trọng của nó
    - Đảo và quần đảo:
    - Vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó:
    + Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo.
    + Bắc Trung Bộ trên 40 đảo.
    + Còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    - Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:
    + Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảơ đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ...
    + Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.
    + Các đảo ven bờ gần có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...
    - Quần đảo Hoàng Sa:
    + Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm giữa biển Đông. Từ lâu, Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam với tên Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa.
    + Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang với vĩ độ Huế và Đà Nẵng.
    + Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo trong vùng biển rộng khoảng 15.000 km2, trực thuộc Đà Nẵng.
    + Năm 1956 Trung Quốc chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Tháng l-1974, trong lúc nhân và dân ta đang tập trung sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc đã đưa quân ra đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
    - Quần đảo Trường Sa:
    + Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng trên 200 hải lý về phía Đông Nam.
    + Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi san hô nằm trải rộng trong một vùng biển khoảng 180.000km2, trực thuộc Khánh Hòa.
    + Chiều Đông Tây của quần đảo Trường Sa là 325 hải lý, chiều Bắc Nam là 274 hải lý. Cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam Trung Quốc 595 hải lý.
    + Tại quần đảo Trường Sa, đang diễn ra tình trạng có một số nước tranh chấp chủ quyền với ta. Hiện nay: Philippln chiếm 8 đảo, Malaixia chiếm 3 đảo, Đài Loan chiếm l đảo, Trung Quốc chiếm 9 bãi đá ngầm. Việt Nam đang có mặt và bảo vệ 21 đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa.
    - Đảo và quần đảo nước ta có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vai trò lớn lao trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
    4- Vịnh Bắc Bộ
    - Nằm ở Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam và Trung Quốc.
    - Diện tích khoảng 126.250km2, chiều ngang, nơi rộng nhất khoảng 310 km và nơi hẹp nhất khoảng 220km. Hiệp Định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký tháng 12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xác định biên giới lãnh hải của hai nước ở ngoài cửa sông Bắc Luân, cũng như giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta và Trung Quốc ở trong Vịnh Bắc Bộ. Về diện tích tổng thể theo mực nước trung bình thì ta được 53,23%, Trung Quốc được 46,77% diện tích Vịnh.
    - Là vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng l00m.
    Thềm lục địa Việt Nam khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc.
    -Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ, đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5km2 cách đất liền Việt Nam 110km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130km. Có nhiều nguồn lợi hải sản và tiềm năng dầu khí (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn).
    5. Vịnh Thái Lan
    - Nằm ở Tây Nam biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixdia.
    - Diện tích khoảng 293.000km2, chu vi khoảng 2.300km.
    - Là một vịnh nông, nơi sâu nhất khoảng 80 mét.
    - Đảo Phú Quốc trong Vịnh là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567km2.
    - Có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 51 vạn tấn).
    Có tiềm năng dầu khí lớn: Việt Nam đã khai thác và hợp tác khai thác vùng chồng lấn với Malaixia.
    Theo Những điều cần biết về biển - đảo Việt Nam.
  10. ov10

    ov10 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/02/2006
    Bài viết:
    6.093
    Đã được thích:
    6
    Trung Quốc tiến công trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông): Chiến lược và mục tiêu Shigeo Hiramatsu.
    Tạp chí Asia-Pacific Review, Bộ 8, Số 1, 2001
    Đường giao thông trên Biển Nam Trung Hoa (người Việt gọi là Biển Đông) có vai trò sinh tử không những đối với hải trình thương mại mà còn đối với an ninh chiến lược. Điều này quá rõ ràng đối với các nước trong khu vực Đông Á có ý muốn xác lập chủ quyền trong vùng, nhưng cũng đúng cả với những nước ở xa hơn mà hoạt động trong vùng sẽ ảnh hưởng tới như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, và Mỹ. Qua việc theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa trong mười năm qua, Shigeo Hiramatsu, Giáo sư môn Khoa học Xã hội tại Đại học Kyorin, xem xét trong bài này lịch sử hải quân Trung Quốc trong khuôn khổ an ninh vùng Đông Á. Ông ta đánh giá là trước các kế hoạch tăng cường khả năng hải quân của Trung Quốc, rất cần thiết có một quan hệ liên kết chặt chẽ Mỹ-Nhật và vai trò tích cực hơn của Nhật trong vùng nhằm ngăn ngừa việc các cuộc đụng độ nhỏ biến thành lớn trong khu vực Biển Nam Trung Hoa.
    Biển Nam Trung Hoa (người Việt gọi là Biển Đông) là một vùng biển rộng lớn có tầm quan trọng thiết thân đối với Nhật, đặc biệt đối với an ninh trong việc chuyển năng lượng. Một khối lượng hàng hoá khổng lồ, kể cả dầu lửa từ vùng Cận Đông, đi qua các đường biển trên Biển Nam Trung Hoa. Khoảng 1.1 tỷ tấn hàng hoá đi lại hàng năm tới Nhật qua eo biển Malacca, Biển Nam Trung Hoa và eo Bashi. 900 triệu tấn nhập vào Nhật và khoảng 200 triệu tấn xuất từ Nhật. Tức là vào khoảng 3 triệu tấn hàng và 15 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn hàng ngày đi qua khu biển này. Chỉ nói tới dầu thô không thôi, Nhật sử dụng 238,37 triệu tấn hàng năm, tương đương với 650 ngàn tấn hàng ngày, tức là 3,3 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn. 90% dầu lửa chuyển qua eo Malacca, Biển Nam Trung Hoa và eo Bashi.
    Lực lượng Tự vệ Biển Nhật (gọi tắt là LLTVBN) được trang bị 100 chiếc máy bay tuần tiễu chống tầu ngầm P3C, cho phép Nhật trở thành một nước hàng đầu thế giới về khả năng chống tầu ngầm. Khả năng của LLTVBN cũng hơn hẳn lực lượng hải quân Trung Quốc (gọi tắt là HQTQ). Mặc dù một trong những nhiệm vụ của LLTVBN là bảo vệ đường giao thông trên biển, nó bị hạn chế vào việc bảo vệ khu vực 1000 hải lý từ đất liền của Nhật. Theo hướng tây nam, nó không đi quá Đài Loan. LLTVBN không có nhiệm vụ bảo vệ đường biển vượt khỏi Đài Loan và phải dựa vào hải quân Mỹ. Tuy nhiên, việc tiến công của HQTQ vào vùng Biển Nam Trung Hoa trong thập kỷ qua đã tới mức mà Nhật không thể tiếp tục làm ngơ, lấy lý do là nó không có khả năng can thiệp trực tiếp vào an ninh khu vực Biển Nam Trung Hoa.
    Trước tiên khu biển thuộc Việt Nam, rồi thì Phi-líp-pin
    Vào tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đụng độ nhau trên một nhóm đá ngầm nhỏ tý (nhóm Chigua) thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và khu biển chung quanh. Đụng độ quân sự có nguyên nhân từ việc Trung Quốc cho dựng dấu ghi trên 6 nhóm đá ngầm ở trong vùng nhằm xác định chủ quyền, mặc dù Việt Nam cũng đã tuyên bố xác định chủ quyền ở đó. Hơn nữa, Trung Quốc cho xây cái mà họ gọi là ?ođài quan sát biển? (marine observatory) trên một trong những nhóm đá có tranh chấp về chủ quyền. Cái lều cao này thật ra là làm bằng ống sắt và những tấm bạt mà chúng sẽ biến đi khi thủy triều lên, được coi là tiền đồn an ninh biển. Sau đó, họ xây một toà nhà tám góc đúc sẵn, được chống đỡ bằng cột. Rồi 2, 3 năm sau họ cho xây lên một công sự quân sự giống như một tầu chiến.
    Đến thập kỷ 90, Trung Quốc cho làm một cuộc điều tra biển ở phía Tây đảo Palawan mà Phi-líp-pin cho là thuộc chủ quyển của họ. Vào tháng 2 năm 1995, Trung Quốc cho xây một toà nhà đúc sẵn trên nhóm đá Mischief, cùng một loại đã được xây ở nhóm đá ngầm ngoài khơi phía nam Việt Nam năm 1988. Khi bị chính phủ Phi-líp-pin phản đối, kết án là toà nhà này là căn cứ quân sự, Trung Quốc trả lời là nó chỉ là ?onơi trú ẩn cho người đánh cá?. Lúc đó đã có thể tiên đoán là Trung Quốc sẽ cho xây một căn cứ lâu dài. Thật thế, khoảng cuối năm 1998 và đầu năm 1999, Trung Quốc đã cho xây nhiều toà nhà có tính lâu dài.
    Mặc dù vùng đảo Trường Sa gồm hơn 80 hòn đảo, là những vùng đá ngầm và cát, chỉ có 7 trong số này là có diện tích lớn hơn 100 mét vuông. Những hòn đảo tý hon có thể ở được này đã do nhiều nước như Đài Loan, Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a chiếm đóng, mặc dù Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Trường Sa sau ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) và họ cũng chưa từng chiếm đóng hay trực tiếp kiểm soát một hòn đá nào ở khu vực này cho đến mới đây. Trên thực tế, lực lượng hải quân Trung Quốc cho đến gần đây không có khả năng chiếm đóng và dù chiếm đóng cũng không có khả năng bảo vệ.
    Với tình hình như trên, việc cho dựng dấu ghi nhằm xác định chủ quyền và việc xây dựng cơ sở quân sự ở Trường Sa là những hành động quan trọng đáng kể của Trung Quốc nhằm thực hiện chủ quyền ở vùng này. Vào tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ là Đài Loan, quần đảo Senkaku, Pescadores (Pendu Dao), Pratas (Dongsha), Macclesfield Bank (Zhongsha Qundao), Paracel (Hoàng Sa, Xisha) và Trường Sa (Spratley) là thuộc Trung Quốc. Hình như là chính quyền Trung Quốc đang cố gắng dùng luật lệ nội địa để tăng sức mạnh cho Hải quân Trung Quốc (HQTQ). Hành động của HQTQ là hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Có người nhận định là cuộc tiến công của HQTQ được đốt ngòi bởi việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô và việc triệt thoái quân sự khỏi khu vực Á châu của cả Mỹ và Nga. Thật ra không phải thế, những hành động tiến công này đã bắt đầu từ đầu thập kỷ 70, tăng tốc vào thập kỷ 80 khi khả năng xây dựng tầu chiến được tăng cường cùng với khả năng hậu cần quân sự và thông tin.

    Khả năng tác chiến độc lập của lực lượng hải quân Trung Quốc
    Từ ngày thành lập CHNDTQ vào năm 1949, HQTU có 5 sư đoàn: lực lượng trên bộ, lực lượng tầu ngầm, lực lượng không quân hải quân, lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng pháo binh hải biên. Chúng tăng trưởng chậm nhưng đều đặn và mục tiêu đặc biệt của chúng là phát triển lực lượng hải quân có khả năng thực hiện các cuộc điều động chiến lược độc lập với các sư đoàn khác trong quân đội Trung Quốc. Tác giả không ở vị trí cho phép đánh giá khả năng của HQTQ đạt được cho đến hôm nay. Tuy nhiên vào tháng 5 năm 1980, Trung Quốc có hạm đội 18 chiếc: 2 chiếc thuộc loại quan sát khoa học nhóm Yuanwang, 2 chiếc làm hậu cần chung, 2 chiếc đi biển nhằm kéo thuyền hỏng, 2 chiếc điều tra đại dương, 4 chiếc tầu cào, và 4 chiếc loại Luda có trang bị hoả tiễn. Chúng đã thành công vượt đại dương trên biển Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương và trở về trong chuyến đi 40 ngày không nghỉ trong một cuộc hành trình hỗ trợ các cuộc thí nghiệm phóng hoả tiễn liên lục địa của Trung Quốc. Điều này dường như chứng tỏ rằng, dù là 20 năm trước đây, HQTQ đã đạt được một mức độ nhất định về khả năng hải quân trên biển khơi. Từ đó, có thể quan sát thấy không những các đơn vị trên mặt biển mà cả các lực lượng hải quân khác như tầu ngầm và phi cơ (máy bay ném bom tầm vừa và trực thăng đậu trên tầu) hoạt động cũng như tập trận trên biển khơi Thái Bình Dương và Biển Nam Trung Hoa.
    Người ta coi việc HQTQ thua xa hải quân Mỹ là điều đương nhiên, nhưng nó cũng thua kém cả khả năng của Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật (LLTVBN). Hơn thế, trong một số phạm vi nhất định như tự vệ trên không và khả năng chiến tranh tự động, nó đi rất sau các lực lượng hải quân khác. Một đằng HQTQ đã đặt máy bay trực thăng và hệ thống viễn thông kỹ thuật cao trên tầu, hay ít nhất là các mô hình được nâng cấp của hệ thống cũ, họ cũng đang xây dựng các loại khu trục hạm, và tầu hộ tống đóng kín, không cửa sổ nhằm đối phó với chiến tranh nguyên tử. HQTQ cũng đang đóng các khu trục hạm 6000 tấn loại Luhai có hoả tiễn phóng với điều khiển tự động, một thứ khu trục hạm loại Luda được nâng cấp. HQTQ được xem là đang chế tạo các loại hoả tiễn liên lục địa phóng từ tầu ngầm tên là Julang 2, có 3 bậc và tầm phóng xa hơn 8000 cây số, và cũng đang đóng tầu ngầm nguyên tử loại mới có khả năng mang các loại hoả tiễn trên. HQTQ cũng đã mua của Nga tầu ngầm ít gây tiếng động loại 3000 tấn và hai khu trục hạm loại Sovremenny (7500 tấn) mang hoả tiễn loại Sunburn tự điều khiển tới mục tiêu (cruise missile) có tầm xa 150 cây số, đây là loại hoả tiễn mà hàng không mẫu hạm của Mỹ lo ngại. Hơn thế, HQTQ cũng được trang bị với các chiến đấu cơ ném bom Feibao.
    Sự tăng trưởng từ một lực lượng hải quân gần như không đáng kể thành một lực lượng như trên trong một thời gian ngắn từ khi CHNDTQ ra đời là kết quả của một thể chế chính trị độc đáo Trung Quốc, đặc biệt là việc chi ngân sách giới hạn một cách chọn lựa và mạnh bạo nhằm vào việc đạt được mục tiêu. Tính trên đầu người, thu nhập quốc dân của Trung Quốc, mức độ tài chính quốc gia và các sản lượng chính về công nghiệp và khai khoáng được xếp vào loại nước đang phát triển thấp. Nhưng tính trên tổng số tuyệt đối, Trung Quốc là một 5 hay 10 cường quốc kinh tế của thế giới. Đối với một nước như Trung Quốc, dưới sự kiểm soát chính trị độc tài, việc bàn đến sức mạnh quốc gia qua các chỉ số trên đầu người chẳng có nghĩa lý gì. Khi bàn đến các kế hoạch phát triển dài hạn của HQTQ, ở phần sắp nói tới ở dưới đây, chúng ta không thể chỉ nói tới chúng như là bản thảo.
    Tổng kết từ các tuyên bố và các bài báo của nhiều giới chức hải quân có thẩm quyền của Trung Quốc, chúng ta có thể tóm lược các mục tiêu của HQTQ như sau:
    · Một bán kính rộng lớn đáng kể cho hoạt động hải quân và khả năng thực hiện các cuộc hành quân ở vùng biển kế cận.
    · Các khả năng độc lập kiểm soát trên biển và kiểm soát bầu trời.
    · Các khả năng đối phó kịp thời mạnh mẽ.
    · Các khả năng đổ quân bằng đường thủy mạnh mẽ.
    · Khả năng nhất định về báo hiệu tấn công bằng võ khí nguyên tử.
    Dựa theo sức mạnh kinh tế và tiến bộ kỹ thuật, các mục tiêu khác của HQTQ được đề ra như sau:
    Vào năm 2000, lực lượng tấn công chính là các máy bay tầm trung từ lục địa và các tầu ngầm trang bị nhằm tấn công, sẽ dùng các tầu chiến cỡ vừa có mang theo máy bay trực thăng nhằm mục tiêu chỉ huy và hỗ trợ trong lúc đang xây dựng dựa vào các cơ sở của toàn hệ thống hải quân kể cả các đơn vị giáo dục và nghiên cứu.
    Khi Trung Quốc tiến bộ thêm về sức mạnh kinh tế và kỹ thuật, sẽ xây dựng nhiều hàng không mẫu hạm mang máy bay trực thăng vào khoảng giữa năm 2000 và 2020. Cũng hoạch định tăng số quân tới mức tương đương với các cường quốc hải quân khác và nâng khả năng hành quân tới mức cho phép thực hiện các hành động quân sự và chiến lược trong vùng biển dưới sự kiểm soát của HQTQ.
    Khoảng giữa năm 2020 và 2040, lực lượng quân đội sẽ tương đương với bất cứ cường quốc hải quân nào và các trang bị kỹ thuật cũng sẽ ở mức hiện đại. HQTQ đang thực hiện kế hoạch thiết lập một lực lượng di động chung quanh một hàng không mẫu hạm với các tầu chiến trên biển và các tầu ngầm có khả năng hạ máy bay, hạ tầu chiến, và tầu ngầm.
    Thế thì Trung Quốc đang xây dựng đội hải quân ghê gớm như thế với mục đích gì? Trung Quốc đã có truyền thống coi tất cả các biển chung quanh đất liền Trung Quốc là ?obiển của nước Trung Quốc?. Liu Huaqing, được Đặng Tiểu Bình thăng cấp chỉ huy trưởng HQ năm 1982 mà sau này trở nên thành viên Thường trực Bộ Chính Trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người giữ vị trí nòng cốt về quân sự cho Giang Trạch Dân, đã tuyên bố rằng nhiệm vụ của HQTQ là bảo vệ 3 triệu cây số vuông biển khơi của Trung Quốc, tức là tương đương với 1/3 diện tích đất liền của Trung Quốc. Cụ thể, khu vực biển này gồm hải phận ngoài đất liền Trung Quốc ở Biển Vàng (Yellow Sea), Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa. Nó cũng bao gồm khu vực 200 hải lý tính từ Đài Loan mà Trung Quốc coi là thuộc họ. Mục tiêu kiểm soát khu vực biển này là nhằm phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên sinh học và phi sinh học có thể tìm kiếm được ở đó và nhất là trữ lượng dầu dưới đáy biển.
    Cải cách kinh tế và chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã cho phép Trung Quốc đạt được thành quả đáng kể về phát triển kinh tế, nhưng mặt khác sự phát triển này cũng tạo nên nhu cầu năng lượng ghê gớm. Một kết quả cụ thể khi sản xuất không đủ tiêu dùng là Trung Quốc đã biến từ một nước xuất khẩu sang một nước nhập khẩu dầu. Điều này khiến việc phát triển các khu khai thác dầu lửa dưới đáy biển gần quanh lục địa trở nên thiết thân. Trung Quốc cũng tỏ ra rất quan tâm tới dầu lửa miền Cận Đông.
    Vùng biển sát Trung Quốc đặc biệt là Biển Nam Trung Hoa có tầm quan trọng thiết thân với cả mục tiêu giao thông và chiến lược quân sự. Vì thế, chỉ cần đe doạ các đường giao thông biển là Trung Quốc đã giáng một đòn chí tử đối với Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên mà không cần có một hành động quân sự trực tiếp nào. Trên Biển Đông Trung Hoa, dọc theo quần đảo Senkaku, thuộc chủ quyền Nhật nhưng Trung Quốc cũng tranh chủ quyền là một thềm lục địa có trữ lượng dầu lớn. Nếu Trung Quốc chiếm đóng vùng này, họ có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với các nước chung quanh, và có thể tiến công xa hơn vào các biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.
    Một bài viết khá hữu ích nói về nhiệm vụ của HQTQ[1] đã nhắc đến tiềm năng bộc phát các xung đột quân sự có tính địa phương trong khu vực trước hoặc sau thế kỷ này. Bài này không nói rõ về hình thức có thể có của cuộc chiến tranh, nhưng dự báo khả thi nhất là nó sẽ bắt nguồn từ tranh chấp về biên giới hải phận trong khu vực chung quanh Trung Quốc, về sở hữu chủ các hòn đảo trong khu vực, về việc thiết lập khu hải phận kinh tế và về việc phát triển và khai thác nguồn liệu ở vùng này.
    (còn tiếp)

Chia sẻ trang này