1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lạy mẹ lạy cha...!

Chủ đề trong 'Hạnh phúc gia đình' bởi Tinhnguyen08, 06/11/2012.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh..

    Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm 1 bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.
    Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "An đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

    Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này. " "Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."

    Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

    Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, Tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
  2. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    TÌNH MẸ

    Vĩ đại thay! Sau từng cánh cửa
    Dù đi xa hay ở rất gần
    Ta vẫn nghe tiếng con gọi mẹ
    Mẹ dù xa nhưng ngóng về con.

    Vĩ đại thay! Muôn đời tình Mẹ
    Trong tim ta trân trọng giữ gìn
    Ta yêu chị, yêu cha, yêu vợ
    Nhưng khổ đau ta nhớ Mẹ hiền!
    (Nicolai Nekrasov)
  3. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Người bạn vĩ đại của tôi trong cuộc đời này - không ai khác chính là bố. Thật vậy, với lòng biết ơn vô hạn, tôi lúc nào cũng thầm mong bố mạnh khỏe để sống với tôi thật lâu và để tôi có đủ thời gian báo hiếu bố.

    Năm tôi học lớp 7 thì mẹ tôi đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức. Nhiều năm trời, tối sống với bố. Hai bố con tôi ở trong một căn hộ tập thể trên tầng 3. Trường tôi học cách nhà khoảng 7km. Thời đó, xe máy còn hiếm lắm và chỉ nhà nào thật giàu mới mua nổi. Tất nhiên nhà tôi không thuộc diện đó. Tôi còn nhớ, sáng sáng, bố lại dắt chiếc xe đạp cà tàng xuống đường, tôi đi đằng sau, bám vào đuổi xe. Bố chở tôi đi học rồi lại vội vã đạp xe từ phố Lò Đúc tới tận Giảng Võ để đi làm. Thương bố, tôi lúc nào cũng sợ mình béo lên. Tôi nghĩ rằng mình càng nặng thì bố càng vất vả. Vì thế, vào bữa cơm, tôi ăn rất ít, chỉ đá gà đá vịt một bát cơm nho nhỏ rồi lấy cớ no mà buông đũa.

    Tôi càng làm thế, bố lại càng lo hơn. Bố đã hứa với mẹ trong thời gian mẹ đi vắng, ông sẽ nuôi tôi khỏe, dạy tôi ngoan? Một thời gian sau, bố tôi tha về nhà nào đài, quạt, máy bơm nước cũ. Rồi tối nào bố cũng thức tới gần sáng lọ mọ sửa sửa chữa chữa. Thì ra, bố nghĩ rằng lương bố không đủ để mua cho tôi những món ngon trong bữa cơm nên tôi không ăn được. Ông bèn nhặn sửa chữa đồ điện tử (bồ tôi khéo tay lắm, ông không học qua trường lớp nào nhưng có thể sửa rất nhiều đồ) để kiếm thêm. Thế là, cứ mấy hôm, bố lại mua cho tối nào giò, chả, thịt quay. Vài tuần ông lại tha về hộp sữa bột có in hình em bé và chú gấu rất ngộ nghĩnh. Nhìn bố vất vả, tôi òa khóc vì thương bố. Tôi thú nhận hết "âm mưu" của mình rằng tôi không chê cơm bố nấu đâu. Với tôi, những gì bố làm cho tôi đều tuyệt vời hết. Chỉ có điều tôi sợ mình tăng cân sẽ làm bố khổ mỗi khi đèo tôi tới trường.

    Nghe vậy, bố òa khóc. Đôi mắt của bố - tôi tưởng sẽ không bao giờ khóc - vậy mà lúc đó nhạt nhòa nước mắt. Rồi bố ôm chặt tôi vào lòng. Bố cảm ơn tôi đã thương bố. Những bố khẳng định: Không chỉ bây giờ mà 5 năm, 10 năm nữa, khi tôi đã thành người lớn thì bố cũng luôn muốn đèo tôi như vậy. Cơ quan của bố ở xa trường tôi nên chiều chiều, tôi thường là đứa phải ra về muộn nhất. Tôi còn nhớ phải một tiếng sau khi tan trường mới thấy bố đạp xe tới. Sợ tôi gặp nguy hiểm, bố dặn tôi phải ngồi trong phòng thường trực chờ bố. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Khi hai bố con đèo nhau về thì trời đã tối sẩm. Sợ bố buồn, tôi ngồi sau xe cứ luyên thuyên bịa ra bao nhiêu câu hỏi để nhờ bố giải đáp. Nào thì tại sao mặt trăng lại sáng thế, tại sao trên trời lại có nhiều sao. Có câu bố biết thì giải đáp cho tôi rất nhiệt tình, có câu bố bảo... bố chịu. Tôi cứ nghĩ vậy sẽ khiến con đường bớt xa. Nhưng, về sau, tôi mới hiểu rằng, bố đạp xe đi mấy chục km đã mệt lắm. Tôi càng hỏi nhiều, bố càng phải nói nhiều thì càng mệt hơn.

    Một năm sau, tôi bắt đầu phải học nhiều để chuẩn bị chuyển cấp. Các lớp học ở xa nhau nên bố càng phải đón đưa tôi nhiều. Ngày cuối tuần, bố cũng không được nghỉ. Sáng bố đèo tôi lên học lớp ở Bờ Hổ, chiều lại lên khu Hai Bà Trưng. Đưa tôi đến lớp, bố thường ngồi ở ngoài chờ tôi. Dù có chờ bao lâu cũng không bao giờ thấy bố phàn nàn, ca cẩm. Bố bảo bố mong tôi học giỏi, bố có phải hy sinh nhiều thế nào chăng nữa cũng được. Hồi đó tôi đã không hay rằng vì tôi mà bố bỏ lỡ cả cơ hội thăng tiến. Cơ quan của bố có ý định cất nhắc bố lên làm chánh văn phòng. Nhưng, bố hiểu rằng, đảm nhiệm công việc "bếp núc" của cơ quan sẽ như con mọn, bố không thể có thời gian đưa đón tôi được nữa. Thế là bố viết đơn, xin làm "lính trơn" thôi.



    Bao nhiêu người biết chuyện cứ trách bố mãi. Có người còn bảo bố dại lắm, làm ở vị trí đó có khả năng "xà xẻo" được sẽ dư ra khối tiền. Tôi lớn rồi, mua cho tôi cái xe để tôi tự đi việc gì mà phải lo đưa đón. Nhưng, trong mắt bố, tôi vẫn còn nhỏ dại. Bố bảo để tôi đi một mình bố không yên tâm. Nhỡ có gì bất trắc xảy ra thì bố sẽ ân hận cả đời. Hơn nữa, bố tôi quan niệm sống trung thực. Bố không bao giờ nhận làm gì chỉ vì vị trí đó có lợi nhuận.

    Mẹ tôi ở nước ngoài - sau một thời gian cũng bắt đầu tích cóp được chút vốn gửi về. Trong thư, mẹ dặn bố không phải tiết kiệm, cứ lấy tiền ra tiêu. Nhưng, bố tôi không bao giờ mua gì cho riêng mình. Bố chỉ sống bằng đúng đồng lương của bố. Nếu không đủ thì bố làm thêm để nuôi tôi. Bố dặn mẹ cũng không phải nghĩ cho bố. Ở bên Đức có gì đẹp thì chỉ cần mua về cho con gái thôi. Tiền của mẹ, bố đem gửi vào tiết kiệm, không hao mòn một xu. Nhờ công sức của cả bố và mẹ mà sau này, nhà tôi có tiền để đổi sang căn nhà mới khang trang hơn thay vì ở mãi nhà cũ sập sệ.

    Có một lần, nhà tôi đón một người khách. Khi người này ra về, tôi thấy bố còn trầm ngâm mãi. Sau đó ông bà nội tôi đến nhà hỏi han gì đó bố. Tôi nghe lỏm câu chuyện, lờ mờ hiểu ra có người bắn tin mẹ tôi ở bên đó có lối sống không lành mạnh nên mới có tiền gửi về. Bà nội tôi bức xúc, bảo bố tôi điều tra, nếu cần thì chia tay với mẹ luôn để giữ danh giá cho dòng họ. Tôi nghĩ thôi thế là gia đình mình tan tành đến nơi. Ngờ đâu, cho đến tận khi mẹ tôi về nước, vẫn không thấy chuyện gì. Thì ra bố tôi tin tưởng mẹ. Bố bảo bố là chồng của mẹ nên rất hiểu tính mẹ. Chỉ có thể là người nào đó đặt điều vì ghen tị chứ không bao giờ mẹ cư xử như vậy. Bố giấu kín chuyện đồn thổi về mẹ, còn viết thư sang cho mẹ để động viên.

    Sợ tôi lo lắng, bố lúc nào cũng bảo với tôi phải biết ơn mẹ. Mẹ tôi phận đàn bà con gái mà phải bươn chải ở xứ người vất vả lắm. Còn bố, dù có làm bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng thấm tháp là bao. Sau này, mẹ tôi đã được "giải oan". Gia đình tôi bền vững chính là nhờ sự vững dạ của bố. Từ đó, tôi càng cảm phục lối đối nhân xử thế của bố và hiểu rằng bố yêu mẹ và con gái rất nhiều.

    Ở nhà, tôi yêu cả bố lẫn mẹ. Nhưng tình yêu tôi dành cho hai người có phần khác nhau. Với mẹ, tôi thường thủ thỉ chuyện tâm tình con gái. Tôi rủ mẹ đi mua áo quần, tâm sự với mẹ chuyện yêu đương. Bố lại là người giúp tôi định hướng những việc hệ trọng trong đời. Chẳng hạn tôi nên thi vào trường đại học nào, xin làm ở đâu. Hồi tôi thi đại học, mẹ tôi sốt ruột, suốt ngày lo nấu nướng để tôi ăn tẩm bổ mà học cho tốt. Bố tôi thì chỉ nói với tôi một câu: Con cứ bình tĩnh. Thi đỗ là tốt nhưng không đỗ cũng không sao. Trong mắt bố, con vẫn là người con tuyệt vời. Chỉ một câu đó của bố thôi mà tôi như trút được cả tấn lo lắng trong lòng. Tôi thấy nhẹ lòng vì thực sự, lúc nào tôi cũng sợ mình không xứng đáng với tình yêu của bố.

    Hôm tôi đi thi, bố là người đưa đón tôi. Bố ngồi ở ngoài chờ tôi đủ 3 tiếng. Thi môn đầu tiên, tôi làm bài không tốt. Ra khỏi phòng thi, thấy bố, tôi òa khóc nức nở. Bố chẳng trách tôi còn bảo: Chẳng sao cả. Con mà làm tốt hết thì hóa ra thủ khoa à. Con mà thủ khoa thì bố ngượng chết. Bố đùa vậy và động viên tôi đừng nản. Kết quả, tối đã cố gắng làm tốt hai môn còn lại và đỗ điểm khá cao.

    Ra trường, tôi được nhận vào làm ở một cơ quan nhà nước. Tôi nhớ hồi đó, tìm được việc khó lắm, ai vào được rồi thì phải cố mà giữ cho chặt. Tôi đi làm, chứng kiến nhiều chuyện bất công. Tôi muốn nói lắm nhưng sợ làm vậy thì sẽ bị trù dập. Chẳng biết làm sao tôi đem ra hỏi bố. Bố tôi bảo: Sống ở trên đời phải thẳng thắn. Nếu con bảo vệ lẽ phải thì bố sẽ ủng hộ con. Kết quả, tôi đã trở thành một con người rất công tâm. Tôi không cậy thế mà bắt nạt nhân viên mới nhưng cũng không quỳ gối, luồn lách cấp trên. Tôi nhớ đến lời bố, sống hết mình và làm việc hết mình. Tôi không bao giờ kêu khó kêu khổ.

    Rồi tôi có người yêu. Mẹ tôi nhìn thấy bạn trai tôi lần đầu tiên thì hết lời chê bạn tôi da đen, vụng về. Mẹ tôi bảo tối cố kiếm chàng trai Hà Nội mà yêu chứ yêu người ở tỉnh ngoài, gia đình lại nghèo thì khổ lắm. Trong khi đó, quan điểm của bố lại khác hẳn. Bố tôi không chú ý đến vẻ bề ngoài của người yêu con gái. Ông lại bảo bạn trai tôi chăm chỉ, có chí hướng sau này sẽ là chỗ dựa tốt cho tôi. Ông cũng bảo chúng tôi hãy tự mình lo liệu cuộc sống, đừng có ỷ lại vào gia tài của bố mẹ. Tôi nghe lời ông. Vài năm sau, chúng tôi kết hôn. Chồng tôi bây giờ quả đã không làm tôi phải ân hận. Anh không nề hà việc gì, cứ làm gì tốt cho vợ con, gia đình là anh làm. Chồng tôi có ý chí học tập. Đi làm rồi mà tối tối vẫn đăng ký học thêm văn bằng thứ hai. Anh cũng là người hiếu thảo, biết ứng xử với gia đình hai bên. Bây giờ, chồng tôi đã được cử làm quản đốc phân xưởng và luôn được người thân, bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Cuộc sống của vợ chồng tôi tất nhiên còn nhiều vất vả, nhưng, mỗi khi tôi mệt mỏi, bố tôi lại ở bên động viên. Bố bảo có khó khăn thì vợ chồng mới gắn bó, mới hiểu lòng nhau.

    Suốt cả đời, bố tôi đã sống rất giản dị và lúc nào cũng nghĩ cho các con trước khi nghĩ cho bản thân mình. Bố chính là người bạn vĩ đại của cuộc đời tôi. Tôi yêu quý và kính trọng bố.


    Theo Đời sống gia đình
  4. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Tâm người mẹ, tình người mẹ là sẽ đầu tư tất cả cho đứa con.

    Hôm nay là mùa Vu lan báo hiếu, chúng ta dành thì giờ nghĩ đến Phật, Bồ-tát, Hiền Thánh Tăng và tất cả những người thân của chúng ta, ông bà, cha mẹ, anh em… Sanh ta ra là cha mẹ và chúng ta lớn lên, trưởng thành nhờ thầy bạn. Vì vậy, chúng ta tưởng niệm họ và gần chúng ta nhất, thân thương nhất là người mẹ.

    Thuở nhỏ, mới vào lớp vỡ lòng, tôi đã được dạy bài thơ:

    Công cha như núi Thái sơn
    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
    Một lòng thờ mẹ kính cha
    Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

    Bài ca dao này thể hiện tinh thần của người Việt Nam không bao giờ quên công cha nghĩa mẹ. Và đến khi vào chùa xuất gia, tôi thường đọc bài sám nói lên lòng hiếu của người con Phật:

    Nghe tiếng dế ngâm sầu réo rắt nhớ cha lành ruột thắt từng cơn,
    Nghe tiếng ve kêu thảnh thót tợ đờn thương mẹ khổ dường dao cắt ruột.

    Bài hát tình mẹ bao la như biển Thái Bình. Biển Thái Bình là một trong bốn biển lớn diễn tả tình mẹ đối với con. Tình mẹ lớn như biển Thái Bình, hay lớn hơn nữa. Tôi nghĩ không có gì so sánh được với tình mẹ thương con, vì chính cái thân của ta có ngày hôm nay là một phần của cha mẹ, nhưng người mẹ là chính, chín tháng người mẹ cưu mang, chúng ta lớn lên trong thai mẹ. Chúng ta có cùng một nhịp thở, cùng một nhịp tim, cùng một nguồn dinh dưỡng với người mẹ. Nói rộng hơn, thân của chúng ta được nuôi từ người mẹ thì gồm có hai phần là vật chất và tinh thần. Phần vật chất không ai phủ nhận được là trong bào thai, từ hơi thở cho đến thức ăn của mẹ nuôi dưỡng chúng ta.

    Toàn thân của chúng ta là từ thân của người mẹ truyền sang, nhưng phần tâm của người mẹ ban cho chúng ta quan trọng hơn. Nếu đứa bé sanh ra từ tình thương của người mẹ thì đứa bé cảm thấy an ổn; ngược lại, người mẹ không đầu tư phần tâm của mình cho đứa bé, nó sẽ cảm thấy thiếu thốn; cho nên những đứa trẻ mồ côi thiếu tình thương, dù vật chất có đầy đủ, nó cũng không thấy an lạc. Trong đạo Nho có thầy Tử Lộ nổi tiếng hiếu thảo. Khi còn đi học, thầy vừa học vừa đội gạo mướn để nuôi mẹ, nhưng khi thầy làm quan thì người mẹ đã khuất bóng. Thầy ước gì thời gian quay ngược lại để có mẹ còn hơn làm quan mà không có mẹ.

    Tình thương của người mẹ san sẻ một phần cơ thể của mình và quan trọng là người mẹ nuôi chúng ta bằng tình thương, không nề hà bất cứ khổ cực nào, nguy hiểm nào để lo cho con được sung sướng. Có thể nói rằng tình mẹ lớn không gì sánh bằng. Có người sanh ra con, nhưng không có điều kiện nuôi con, họ quá thương con, nên họ tìm cách gởi con để con được sung sướng, như trường hợp Lý Công Uẩn. Mẹ sanh ra ngài trong hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, không nuôi được, mới bế ngài đến chùa. Gặp lúc trời mưa quá lớn khiến bà phải qua đời. Nhưng mạng của ngài lớn quá, nên ngài còn sống. Hòa thượng Lý Khánh Vân nuôi ngài bằng cháo mà vẫn giữ được mạng sống cho ngài.

    Từ khi đứa trẻ ở trong bào thai, người mẹ đã dồn hết tình thương cho đứa con, cho nên nó ra đời luôn quấn quít bên mẹ, coi mẹ là chỗ dựa an lành nhất, nó không biết gì khác ngoài mẹ. Bất cứ nguy hiểm gì xảy ra, như nghe tiếng sét đánh, được mẹ ôm trong lòng là đứa con không sợ gì cả. Tình thương của người mẹ vô cùng quan trọng là vậy.

    Tâm người mẹ, tình người mẹ thế nào sẽ đầu tư tất cả cho đứa con. Ai làm con cũng cảm nhận được tình thương bao la này. Vì vậy, khi mang thai, tâm người mẹ và bào thai là một, thân của người mẹ và bào thai là một, nếu lúc đó người mẹ gặp chuyện buồn thì sẽ truyền tất cả tâm tư đau buồn này cho thai nhi, nên đứa con sanh ra có nét mặt buồn và dễ nổi cáu. Hoặc khi cha của đứa bé ở ngoài chiến trận, hoặc bị chết thì nỗi nhớ của người mẹ về cha đứa bé rất mãnh liệt khiến cho thai nhi sanh ra có gương mặt giống hệt người cha. Nói chung, đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình thương của mẹ và cha, nên hình hài và dáng dấp của đứa con thường có những điểm giống cha mẹ.

    Vì sự ảnh hưởng mật thiết của người mẹ đối với thai nhi, nên đạo Nho và đạo Phật đều khuyên phụ nữ mang thai nên đầu tư tình thương cho bào thai. Theo đạo Nho, người mang thai được ưu tiên nhất, mẹ chồng không dám rầy mắng nàng dâu vì sợ họ sẽ buồn giận mà trút sự bực tức lên đứa cháu nội và sau này nó sẽ trả thù bà nội. Ngoài ra, phụ nữ mang thai không được đọc sách tà, tiểu thuyết nhảm nhí, bạo lực, vì sợ đầu tư những thứ xấu ác này vào thai nhi. Thậm chí chiếc chiếu trải không ngay thẳng, phụ nữ mang thai cũng không được ngồi.

    Phụ nữ mang thai chỉ đọc sách thánh hiền, kinh Phật để thai nhi được ảnh hưởng những điều tốt lành và người mẹ thường xuyên nhìn tượng Phật, Bồ-tát thì những hình ảnh thánh thiện đó sẽ đưa vào tâm người mẹ và truyền sang cho con, đứa con sẽ thấm nhuần đạo thánh hiền; đó là điều quan trọng của việc nuôi con từ trong bào thai. Những đứa trẻ may mắn được giáo dục đúng theo đạo Phật thì sanh ra sẽ là đứa con tốt hiền. Điển hình như mẹ tôi khi mang thai đi với thân phụ lên chùa Bà Tây Ninh được Hòa thượng tặng hình Đức Quan Âm do Hòa thượng vẽ và cuốn kinh Phổ môn. Hòa thượng dạy rằng mỗi ngày cụ thân sinh tôi phải tụng kinh này và mẹ tôi phải lạy Bồ-tát Quan Âm, nhờ đó sanh ra tôi là Hòa thượng.

    Giữa ta và cha mẹ có sự gắn liền mật thiết, cho nên tôi đi tu vẫn cảm nhận được cha mẹ nghĩ gì từ trong sâu thẳm tâm hồn. Giữa cha mẹ và ta gần nhau nhất, vì dáng dấp hình hài này của ta là của cha mẹ và trong thế giới tâm linh cũng có sự nối kết với cha mẹ. Vì vậy, chúng ta dễ cảm nhận được cha mẹ mình hiện ở đâu, khổ hay vui, nếu ta lắng lòng, bớt bận rộn bên ngoài; vì cha mẹ thương chúng ta nhất, nên qua đường dây tình thương, chúng ta nhận được tình thương của cha mẹ dù cha mẹ còn hay vắng bóng. Người còn sống trên cuộc đời mà thương ta, nhớ nghĩ đến ta thì tự sâu thẳm trong lòng ta cũng nhận được sự thương nhớ này, dù cho hai người ở cách xa nhau. Thật vậy, có một bà cụ thưa với tôi rằng tự nhiên chiêm bao mơ thấy người con của bà đầy máu trên người. Tôi hỏi con bà làm gì. Bà nói nó đi lính. Tôi cảm giác anh này chết trận và bảo bà phải để tâm cầu nguyện thì một ngày sau, bà nhận được giấy báo tử của người con. Con chết về với mẹ và mẹ chết cũng về với con.

    Mối tương quan giữa cha mẹ rất rõ ràng. Cha mẹ vì quá thương ta, phải kiếm tiền để nuôi ta, nên đã tạo tội lỗi và chết phải thọ quả báo. Đọc kinh Địa Tạng thấy mẹ của ngài Địa Tạng lúc sanh tiền bà thương con, nên đã tạo nghiệp ác, bị đọa địa ngục. Ngài Địa Tạng bằng linh cảm nhận biết mẹ mình ở trong cảnh khổ mới cứu mẹ bằng cách cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Nhờ công đức đó, mẹ của ngài nhận được một phần công đức là 40% đủ để bà sanh lên Trời Đao Lợi hưởng phước. Nếu người thân chúng ta ở thế giới khổ thì chúng ta cũng khổ. Ngược lại, họ được sanh vào thế giới lành thì lòng chúng ta cảm thấy an lạc, không ray rứt, không còn khổ nữa. Đó là sự giao cảm giữa ta và mẹ qua sợi dây vô hình.

    Việc tu của chúng ta là làm cho người thân hết khổ, vì chỉ có ta mang hình hài của cha mẹ và được truyền tâm thức từ cha mẹ, nên chỉ có ta truyền đạt tâm được cho cha mẹ. Vì vậy, chúng ta nghe kinh và lạy Phật thì truyền vào tâm thức chúng ta điều đó và tâm thức này của chúng ta truyền sang tâm thức của cha mẹ, nên họ cũng đồng nghe kinh được như chúng ta; đó là sự kỳ diệu của thế giới tâm linh mà Phật dạy rằng lớn không gì bằng và nhỏ không có vật nào nhỏ hơn. Trong kinh Hoa nghiêm, Phật nói trong cực vi đầu sợi lông, tức trong một hạt bụi nhỏ nhất có thể xuất hiện ba đời mười phương Phật, hay trong thân này của chúng ta liên hệ được với ba đời mười phương Phật là đứng về mặt thiện như vậy và nếu nhìn xuống, trong thân tứ đại của chúng ta cũng có đủ tứ sanh lục đạo; đó chính là thế giới tâm thức. Vì vậy, một người tu đắc đạo có thể đánh thức tất cả người thân phát tâm, gọi là nhứt nhơn thành đạo, cửu huyền thăng. Bằng chứng là tôi tu, mẹ tôi và anh chị, các cháu trong dòng họ cũng quy y, hướng về Tam bảo. Một người tu có kết quả ảnh hưởng đến người thân xung quanh và xa hơn, ảnh hưởng đến người đã qua đời.

    Khi chúng ta mới phát tâm Bồ-đề, trong gia đình người thân không ai bằng lòng là vì ta tu chưa có kết quả nên tất yếu phải như vậy. Riêng tôi lúc mới xuất gia, có một người bác là thầy đồ Nho, bố tôi muốn ông này dạy tôi chữ Nho, nhưng tôi bỏ đi tu, ông này ức lắm. Nhưng về sau, ông nghe tôi tu được, trước khi chết, ông nói rằng: “Nếu nó không bỏ tôi đi thì bây giờ không được gì”. Nhiều người tu bị người thân phản đối vì họ nghĩ mình làm việc vô ích, phải làm ăn tranh giành, còn tu thì được gì. Chúng ta phải tu cho có kết quả tốt, người thấy quả này mới phát tâm. Kết quả phải có là tu phải cải tạo được cơ thể, ăn chay, thức khuya, dậy sớm vẫn khỏe mạnh thì người thấy ta được như vậy mới phát tâm. Điều thứ hai là họ sợ chúng ta tu bị khổ, nhưng thấy chúng ta sống trong pháp Phật, lúc nào cũng ung dung tự tại, thanh thản thì họ phát tâm. Còn chúng ta tu sai, bị bệnh, buồn khổ, làm ăn thất bại thì họ nói họ đúng và khuyên chúng ta bỏ tu.

    Nhứt nhơn thành đạo là tu cho được kết quả nào đó, người sẽ bắt chước theo ta. Đức Phật cũng vậy, lúc Ngài đi tu, vua Tịnh Phạn và tất cả triều đình phản đối, vì đang sống giàu sang quyền quý mà bỏ đi ăn xin thì ai chấp nhận. Nhưng Ngài thành Phật trở về hoàng cung, vua Tịnh Phạn thấy uy đức của Ngài, liền phát tâm và vua chứng được quả Tu-đà-hoàn. Như vậy, Phật tu trả ơn cho cha là làm cho cha được an lạc và sanh về thế giới lành. Và lúc đó, Phật hướng tâm cầu nguyện cho người mẹ, khiến bà cũng được tái sanh về cung trời Đao Lợi. Tất cả những người liên hệ với Phật còn sống thì đã phát tâm Bồ-đề và người qua đời được về thế giới an lành. Rõ ràng tu hành đạt kết quả là cách trả ơn cao nhất mà Phật đã làm và chúng ta đi đúng theo con đường của Phật cũng được kết quả như vậy.

    Còn nghĩ tình mẹ bao la, thương mẹ và nhớ mẹ bị khổ thì ta được gì, mẹ được gì. Như vậy phải biết ơn cha mẹ và trả được ơn cha mẹ, còn chỉ ca ngợi tình mẹ, hoặc chúng ta rầu buồn khóc than thì mẹ chẳng được gì. Có trí tuệ Phật rọi vào, phải biết chúng ta nên làm gì cho cha mẹ. Nếu cha mẹ đã khuất, chỉ còn thần thức thì không còn có khổ thân, chỉ còn khổ tâm, mà cha mẹ thấy chúng ta cũng khổ tâm nữa, tất nhiên làm cho cha mẹ chúng ta càng khổ thêm. Vì vậy, các thầy khuyên Phật tử khi cha mẹ qua đời, đừng khóc thương, làm như vậy không trả ơn được mà còn hại cha mẹ. Lúc đó giữ cho tâm chúng ta thật thanh tịnh thì chính sự thanh tịnh của chúng ta sẽ truyền đạt đến tâm đau khổ của cha mẹ. Cha mẹ nhận được tín hiệu an lạc của chúng ta truyền sang thì cha mẹ sẽ nhẹ đi. Thật vậy, cha mẹ thương con, thấy chúng ta thành đạt, sung sướng sẽ làm cha mẹ vui, lìa khổ. Khổ vui trong tâm thức thuộc vô hình, không thực, nên thay đổi rất nhanh và rất dễ. Tâm thức của chúng ta ngày nay có thể ví như màn hình ảo, chúng ta điều chỉnh tâm thức của mình được an lạc giải thoát thì tâm thức của cha mẹ nối kết với tâm thức ta cũng được an lạc giải thoát theo.

    Trong mùa Vu lan, trả hiếu theo Phật, theo Bồ-tát Thánh Tăng, bằng cách chúng ta lắng lòng thanh tịnh để truyền đạt tâm thanh tịnh đó đến người thân khuất bóng đang hướng về ta, thì họ liền nhận được sự an lạc thanh thản. Đó chính là cảnh giới Niết-bàn cho ta và cho người thân thương cùng chung hưởng.
    HT.Thích Trí Quảng
  5. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Vậy là Mùa Vu lan - Mùa Báo Hiếu đã đến theo những cơn mưa chiều tháng bảy. Những người hạnh phúc vì còn cha mẹ, họ đến chùa dự “Vu lan thắng hội” với mong ước cầu cho cha mẹ sống lâu và vui sướng biết bao khi được cài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm

    Còn người ray rứt, tiếc nuối đó là tôi và những người không còn mẹ! Dù ở thời đại nào, đất nước nào thì tình cảm người mẹ dành cho con cũng luôn dạt dào, vô bờ bến. Ý niệm về mẹ luôn gắn liền với tình yêu thương. Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, không khác gì trẻ mồ côi. Những bài hát ca ngợi tình mẹ ở bất cứ nơi đâu cũng có, thời nào cũng có, tất cả đều hay, đều ấm áp. Người viết dù không tài giỏi, nhưng khi viết vẫn có những tình cảm chân thành; người hát, trừ là kẻ không có ý niệm về mẹ, hoặc mất mẹ ngay từ thuở nhỏ, thì ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Dù là thời đại nào, xưa và nay thì đạo làm con, chữ hiếu đối với mẹ cha vẫn mãi là những câu nằm lòng đối với chúng ta. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con". Mỗi chúng ta phải sống sao cho xứng đáng, sống cho đáng sống để đền đáp nghĩa tình sâu nặng mẹ đã giành cho ta. Các bạn ơi!nhiều người con trên thế gian này phải chịu nỗi đau mất mẹ, vẫn có những đứa con khác ngỗ ngược và bất hiếu với mẹ cha. Khi tôi đang khóc vì mẹ ra đi mãi mãi thì đâu đó không xa hẳn là có một người mẹ cũng đang khóc vì đứa con bất hiếu! Đức Phật dạy: “Công ơn Cha Mẹ sâu dầy vô tận. Dù vai phải cõng Cha, vai trái cõng Mẹ mà đi hàng trăm nghìn kiếp, người con vẫn không thể nào đền đáp nổi công ơn ấy!” Nếu ai còn hạnh phúc cài bông hồng đỏ trên ngực áo mùa Vu lan, xin hãy yêu quý cha mẹ, hãy gìn giữ, nâng niu cha mẹ như báu vật. Đừng để khi cha mẹ không còn, mới đi chùa cầu phúc cho cha mẹ ở bên kia thế giới!!!
    Thich Van Hien Chua Hoa Nghiem Dak nong
  6. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Nếu mẹ là...

    Nếu mẹ bỗng hoá thành vầng trăng
    Thì con xin được làm dòng suối mát
    Suối chan hoà trong ánh trăng bát ngát
    Con ngoan hiền trong tình mẹ bao la

    Nếu mẹ bỗng là một vầng dương
    Con xin làm một loài cây cỏ
    Cây không thể thiếu mặt trời đỏ
    Cũng như con chẳng thể thiếu người

    Nếu mẹ bỗng tan thành cơn gió
    Con sẽ là đồng ruộng xanh tươi
    Gió mơn man ngọn lúa vui cười
    Hai mẹ con ta cùng ca hát

    Nếu mẹ bỗng...
    Thôi mẹ ơi mẹ đừng là gì nữa
    Con muốn mẹ chỉ là mẹ thôi
    Mẹ của con chỉ có một trên đời
    Con sống mãi trong tình thương của mẹ...

    (st)
  7. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    'Bố đừng tiếc khi con không theo được nghề y, bố nhé'

    Bố đã để lại cho con một gia tài vô giá: Những người bạn của bố.

    Tôn Hiếu Anh
    (Thư gửi bố của con trai của PGS Tôn Thất Bách)

    Con không theo học được ngành Y nên gia tài kiến thức của gia đình con đã không được thừa hưởng. Bố đừng buồn, những thế hệ học trò của bố đã kế thừa và phát huy điều đó rất tốt. Nếu con làm bác sĩ thì sẽ có lợi thế là sự khéo léo, nhạy cảm hay những đoạn gen tốt từ ông và bố. Không có tính kiên nhẫn là nhược điểm khiến con không bao giờ đến được với ngành Y. Dù con không thừa hưởng tiền hay kiến thức y khoa nhưng bố đã để lại cho con một gia tài vô giá: Những người bạn của bố.

    Bố biết không, 9 năm đã qua, mỗi dịp 20/11, Tết âm lịch, giỗ bố ngày 26/3, ngày giỗ ông 7/5 thì nhà mình vẫn chật kín người. Các lớp học trò của bố nay đã trưởng thành. Họ dẫn học trò tới thắp hương và giảng giải về thành tựu khoa học của ông và bố. Tự hào lắm! Các chú không dừng lại ở Việt Đức làm việc mà chia ra các nơi để thành lập các trung tâm tim mạch khác nhau. Ngày hôm nay các chú đã có thành quả của riêng mình và kiến thức bố dạy luôn tồn tại ở các thế hệ tương lai. Bố hãy mỉm cười và đừng tiếc khi con không theo được nghề, bố nhé!

    Những người em của bố cũng chưa bao giờ vắng mặt trong các ngày nói trên. Chú Thạch, chú Hán, chú Tiến... họ vẫn tập trung, vẫn hát bài hát của ngày xưa: "Ta đi trên lối nhỏ là lối an toàn". Bố vẫn dặn con là khi cần thiết thì cứ gọi chú Thạch, con luôn sợ như vậy sẽ phiền chú lắm! Nhưng thực sự con chẳng cần gọi thì chú đã có mặt bên gia đình mình mỗi khi có việc, bố ạ! Con nhận ra trong cuộc đời này, có tình anh em bền vững khi người anh trọng nghĩa, còn người em trọng tình. Đặt ở giữa là cán cân của sự sòng phẳng.

    Những người bạn của bố đa phần là công an. Họ là "hung thần" của những kẻ phạm pháp nhưng lại là bạn cực tốt với chân chính. Các chú nay cũng già và về hưu, đang tận hưởng cuộc sống lên ông nội hay ông ngoại an nhàn, vô tư. Chú Toàn, chú Triều, chú Hưởng... đều vẫn khoẻ để hưởng thụ hạnh phúc. Các chú cũng vẫn luôn thăm hỏi bà và mẹ mỗi khi Tết đến hay giỗ bố. Chú Toàn bây giờ giống như người anh cả của nhóm, chú Thạch, chú Hán sẽ cùng nhau tập trung mọi người mỗi khi có dịp để ăn uống, hát hò hay ôn lại những câu chuyện về bố ngày xưa. Bố biết không? Chú Thạch mỗi khi uống, luôn để riêng một chén rượu phần bố đấy!



    Mảnh đất Lương Sơn bây giờ đã mang một màu sắc mới, nó không còn u ám như nhiều năm trước. Có lẽ, nó đã được thổi một sức sống mới và chứa những kỷ niệm vĩnh cửu từ tình cảm gia đình. Con nhận thấy tình anh em, bạn bè của bố xứng đáng xếp vào chữ "gia đình" qua sự chân tình và bền chặt nhưng có lẽ "đại gia đình" là cách gọi đúng hơn.

    Nhìn lại bản thân, con nhận ra mình quá ư hời hợt. Con đã không biết cách chơi với bạn như bố. Con học được từ câu chuyện của bố: "Bằng sự gương mẫu của một người anh chứ không phải là chức quyền, là thứ được bạn hay em tôn trọng. Sự đức độ, nét tài hoa hay cách ứng xử với bạn chân tình mới là thứ mọi người luôn nhớ". Con từng lầm tưởng bênh bạn hết mình mới là biết chơi nhưng bây giờ mới hiểu biết chơi phải là cách của bố mới đúng.

    Một gia tài nữa bố để lại cho con đó là cái email lúc 8 giờ sáng, gửi từ Việt Nam và khi đó là đêm ở Anh. Con vui mừng khi nhận được email đầu tiên bố viết cho con và ngay lập tức, con đã trả lời. Thật tiếc là cái email đầu tiên này cũng là cái cuối cùng của bố con mình. Hay email phúc đáp của con, bố cũng không kịp đọc. Bố chuẩn bị đi công tác Lào Cai.... là câu mở đầu cho bức thư 3 dòng. Giống như một lời tiên tri hay như định mệnh. 8 giờ sáng bố viết cho con để rồi gần 12 giờ đêm, bố đã vĩnh viễn ra đi, ngay trên mảnh đất Lào Cai lạnh lẽo.

    Con cảm giác bố đã nhìn được hồi kết của mình nên email cho con biết ngay đêm trước khi đi công tác. Bố ôm chú Thạch khóc và nói: "Đã đến lúc em phải lấy vợ rồi, không sống thế này mãi được, Thạch ơi!". 9 giờ tối, bố vẫn gọi cho mẹ thăm hỏi như thường lệ và bảo là mình hơi mệt. Mẹ luôn là bến đỗ cuối cùng của bố và duy nhất, có lẽ vì điều này nên mẹ vất vả nhất trong việc tập sống cô đơn, không có bố. Và đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của bố trước khi rời dương thế.

    Mọi người tả lại cho con là bố mất trong tư thế ôm ngực, còn tay kia như muốn với điện thoại. Con mong đó cũng chỉ một cơn nhồi máu cơ tim giống ông thôi, bố nhỉ! Để bố không kịp cảm nhận được sự đau đớn về thể xác và chỉ một tích tắc là bố có thể về trời. Bố ra đi trong sự yên tâm vì đã dặn hết những gì cần thiết. Lần cuối chị và mẹ đi Thái về, bố cũng dặn chị phải chăm lo cho mẹ hay bố cũng kịp chia sẻ ý đồ xây dựng bệnh viện Việt Đức với chú Thạch cụ thể.

    Điều khó nhất bố dặn là con phải tránh xa cám dỗ. Khó quá bố ạ! Đôi lúc con dẫm vào cám dỗ rồi mắc kẹt rất lâu và rất nhiều thơi gian mới thoát ra được. Có những cám dỗ đến nay con vẫn chưa từ bỏ nổi. Con hiểu khi đã có bản lĩnh để tránh xa cám dỗ thì tương đương với việc con sẽ gương mẫu để rồi cũng sẽ có những người em, người bạn như bố đã có.

    Con cũng hiểu áp lực của ông với bố và điều đó lại nhân lên gấp bội khi đè nặng lên con. Tuy biết rằng con không thể nào so được với ông và bố nhưng con cũng cố gắng không trở thành kẻ vô dụng, ăn bám xã hội. Con đang tập đứng vững trên đôi chân của mình, bằng năng lực thực sự của mình. Ác một nỗi, người đời ít thông cảm nên khoác lên con một định kiến về kẻ nghịch tử, phá hoại thanh danh gia đình. Tuy con không thể làm giáo sư hay tiến sĩ nhưng con vẫn ngẩng cao đầu tự hào vì con là con của bố. Con chẳng nề hà khi con đã không được bằng ông hay bố nhưng con vẫn là một công dân tốt. Con chỉ cần bố và gia đình hiểu cho con là đủ. Mỗi khi con vấp ngã hay va chạm thì luôn có những cánh tay dang ra đỡ dậy. Họ là những người bạn của bố hay đơn giản cũng chỉ là người hâm mộ nhân cách của bố. Họ xuất hiện bên cạnh con hằng ngày, hằng giờ.

    Nhiều năm trước, con vẫn nghĩ là nhà mình không giàu hay chẳng có tài sản đáng giá. Nhưng ngày hôm nay, con nhận ra con giàu có vô vàn. Tuy không phải chính tay con làm ra nhưng con hiểu mình sẽ phải học cách làm giàu như bố để tiếp tục có những người bạn của chính con, đồng hành với con suốt cuộc đời, kể cả khi con nhắm mắt. Con cảm ơn bố, cảm ơn các chú đã chứng minh cho con hiểu được sự tồn tại của tình bạn chân chính trong cuộc sống ngày nay. Thật tự hào khi bố biết chọn bạn hay ngược lại thì những người bạn của bố còn là gia tài vô giá mà bố đã để lại cho con. Con yêu Bố!
  8. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    Một đời tần tảo âu lo

    Giờ mẹ ốm yếu lò dò tập đi

    Nghẹn lòng con lệ tràn mi

    Con đau từng bước mẹ đi nhọc nhằn



    Trong nhà nào phải xa gần

    Mà chia từng đoạn nghỉ chân cho đều

    Bàn tay gầy guộc nhăn nheo

    Nuôi con bồng bế chống chèo tháng năm



    Lo đi lo đứng lo nằm

    Nhường cơm sẻ áo âm thầm cho con

    Lo cho con ngủ giấc tròn

    Lời ru thuở ấy vẫn còn trong veo



    Cuộc đời biết mấy gieo neo

    Giờ bàn tay ấy lần theo vách tường

    Lòng con khấn vái bốn phương

    Mong chân mẹ bước bình thường như xưa.(st)
  9. Tinhnguyen08

    Tinhnguyen08 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    14/09/2004
    Bài viết:
    1.879
    Đã được thích:
    4
    CON yêu mẹ lắm mẹ ơi
    CẢM ơn tình cảm cả đời cho con
    ƠN mẹ cao tựa bể non
    MẸ ơi!xin cho mẹ con đừng buồn
    VÌ sao mắt mẹ lệ tuôn?
    TẤT bật cuộc sống bán buôn cả ngày
    CẢ đời vất vả đắng cay
    CHO con hạnh phúc ngày ngày ấm êm
    CHÚNG con đc sống êm đềm
    CON yêu mẹ mãi!!ngày đêm luyện rèn
    (sưu tầm)
  10. banhngot123

    banhngot123 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    24/09/2013
    Bài viết:
    248
    Đã được thích:
    1
    đọc bài của bạn mà mình thấy nhớ nhà quá, hơn 1 tháng ko được gặp bố mẹ rồi. nhớ lắm, thương lắm... nhiều lúc chỉ muốn về quê, mãi mãi làm công nhân cũng đượ, để được ở bên bố mẹ sớm chiều

Chia sẻ trang này