1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Lẽ công bằng của cuộc sống !!!!

Chủ đề trong '1980 Family Hà nội' bởi Batigol_HN, 17/06/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Batigol_HN

    Batigol_HN Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    3.251
    Đã được thích:
    0
    Lẽ công bằng của cuộc sống !!!!

    Chuyến đò định mệnh, còn lại một người



    Đã hơn 2 tuần qua, hàng đêm, những bà mẹ của 18 đứa trẻ bị nạn trên bến đò Cà Tang hôm ấy, cứ ngồi bất động nhìn vào di ảnh của con mình. Còn ở bên kia bến đò tang tóc ấy, cũng có một người ngồi bất động như một xác ve khô, mắt nhìn ra phía bờ sông, không nói năng, không còn nước mắt để khóc. Đó là ông lão lái đò ?" cụ Võ Nghĩnh, 81 tuổi, người đã cầm dầm chèo để đưa hàng chục sinh linh bé bỏng trên chuyến đò định mệnh ấy.



    Có lẽ bến đò Cà Tang đã hiện hữu nơi thượng nguồn sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam từ mấy trăm năm rồi nhưng chắc chắn sẽ không mấy người nhớ đến nếu như nơi ấy không xảy ra một sự kiện làm chấn động dư luận cả nước: 18 đứa trẻ đã bị chết oan trong một chiều mưa giông trắng trời tối đất.

    Người gây ra những cái chết thương tâm ấy lại là một cụ già. Thế rồi, cái bến đò từng lặng thinh mấy trăm năm bỗng dưng dậy sóng. Cả nước hướng về Cà Tang. Cả nước dốc hầu bao để cho Cà Tang có một cây cầu. Cà Tang đã thành cái cớ để cho nhiều người quảng bá thương hiệu của mình. Bao nhiêu oan khiên, bao nhiêu tội lỗi người ta trút hết lên đầu ông lão. Tôi tìm đến ông không phải để minh oan cho sự rủi ro mà là để tìm một sự chia sẻ.

    Một người

    Còn sống sót trên chuyến đò định mệnh ấy những 17 đứa trẻ chứ không chỉ một mình ông lão. Nhưng duy chỉ riêng ông mới bị nước mắt của những bà mẹ nơi mỏ than Nông Sơn và sự giận dữ của công luận làm vùi lấp ông thôi.

    Đã 2 tuần qua, ông vẫn ngồi nguyên một tư thế ấy - cái tư thế của một người chuẩn bị thoát xác! Tôi hỏi ông: "Bác có biết là mình bị "khởi tố" không?". Ông ngước nhìn tôi: "Khởi tố là cái chi rứa cậu?". Rồi như lờ mờ nhận ra một tai họa khác sẽ đến với mình, ông nói: "Tui nghe công an họ bảo cứ về nhà, không được đi khỏi nơi cư trú. Tám mấy tuổi rồi, đi mô được nữa. Chắc là chết thôi. Nhà nước không xử thì lũ nhỏ nó cũng xử thôi. Đêm mô hắn chẳng về níu chân tui. Biết rứa, hôm nớ tui buông tay, uống nước sông mà chết theo lũ nhỏ cho đỡ khổ đời. Sống được mấy nữa đâu mà răng khổ dữ rứa trời!".

    Kêu được tiếng "trời" như thế, ông lão như thể vừa đi qua một con dốc lớn của đời mình. Cô con gái út của ông ở nhà bên, nghe cha kêu "trời" to quá, sợ có mệnh hệ gì, tất tả chạy sang: "Đêm mô cha em cũng la làng. "Bớ làng, cứu giùm tui mấy đứa nhỏ!". Tỉnh dậy, ông lại thắp hương, hướng về phía bờ sông, lầm rầm khấn vái". Rồi cô ra chiều tiếc nuối: "Hôm nớ mà mấy anh lái phà đừng tiếc mấy lít dầu thì đâu đến nỗi này!".

    Cụ Nghĩnh thì không trách ai mà chỉ trách mình: "Đến tui là đời thứ 3 của dòng họ Võ ở làng ni, làm nghề lái đò trên bến Cà Tang. Nhưng có lần mô mà tang tóc như lần ni đâu. Cũng tự tui tham công tiếc việc mà ra đó thôi. Cũng tự vì tui nghèo mà ra chuyện đó thôi".

    Trả giá cho một đời tham công tiếc việc ấy, cho cái nghèo ấy, ngoài sinh linh của những đứa trẻ, cụ Nghĩnh còn sở hữu một gia tài mà nói ra chẳng ai tin nổi. Chiếc xe đạp bẹp lốp đã lâu đang hiện hữu trong ngôi nhà vẻn vẹn bên trên chỉ có 4 tấm tôn, đã tố cáo sự "giàu có" của ông lái đò.

    Ông là người duy nhất trong làng không biết đến khái niệm điện, dù đường dây điện chạy chằng chịt ngang qua nhà ông. "Bà nhà chết, hai thằng con trai cũng chết nốt, hai cô con gái lấy chồng xa, còn đứa gái út vừa lập gia đình, đang ở bên ni. Cám cảnh neo đơn, chính quyền thôn cho tui 4 tấm tôn để làm chỗ ra vô từ vài năm nay. Buông chèo gác mái là tay trắng, mỗi tháng xã cấp cho 45 ngàn tiền cứu trợ. Đừng nói tui chèo chuyến đò ấy để lấy 3 ngàn mà tội cho lũ trẻ, tội cho tui. Tui giúp cho chúng qua sông thôi mà".



    Con đò định mệnh

    Và một con đò

    Nơi thượng nguồn, sông Thu Bồn mùa này ngầu đục vì mưa giông. Bến đò Cà Tang dạo này vắng khách. Đám trẻ đã vào hè. Tội nghiệp cho các cháu bị chết oan. Ngày hôm sau là lễ tổng kết năm học. Những tấm giấy khen đã được điền tên, vĩnh viễn nằm trong góc tủ của trường, chẳng bao giờ đến được tay chủ nhân của nó. 11 ngày sau là đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Vậy mà...

    Khách sang sông nơi bến đò Cà Tang bây giờ bằng chiếc xuồng máy. Chỉ mất có 3 phút là đã qua phía bên kia bờ, qua phía của sự sống. Chiếc xuồng có 6 triệu bạc thôi mà gần 30 năm rồi người ta không nghĩ đến. Giá như chiếc xuồng máy có mặt sớm hơn cái ngày 19 tháng 5 ấy. Tiếc 6 triệu đồng để 18 em nhỏ phải bỏ mạng, tiếc mấy lít dầu cho một chuyến phà sang sông để 18 sinh linh phải chìm dưới đáy vực.

    Còn lại trên bến sông chỉ duy nhất một con đò, mảnh như lá lúa, cũ kỹ và xác xơ như những cánh rừng nơi thượng nguồn này. Ai mà tin được rằng, con đò tả tơi rách nát ấy đã từng cõng trên lưng nó mỗi ngày hàng trăm số phận sang sông.

    Bây giờ nó nằm đó, phủ phục dưới lớp cát nâu, chung quanh nghi ngút khói hương. Những bát hương nghi ngút khói, quyện với giọng kêu thất thanh khản đặc trong tuyệt vọng của ông già hàng đêm, liệu có giải oan cho những linh hồn trẻ dại kia không?

    Cụ Nghĩnh nói với tôi rằng, đợi cho dòng sông bớt ngầu đục, đợi cho cơn sóng giận dữ của những bà mẹ bên Nông Sơn nguôi lặng, cụ sẽ sang sông bằng chính chiếc đò oan nghiệt ấy, đi một mình thôi, đến từng nhà và tạ lỗi với những bà mẹ.

    Tôi vẫn tin rằng, những bà mẹ bất hạnh ấy sẽ dằn lòng lại để xá tội cho ông lái đò nhưng họ sẽ không bao giờ "xóa tội" cho những ai vì tiếc 6 triệu đồng cho một chiếc xuồng máy, tiếc mấy lít dầu cho một chuyến phà để sang sông đón con họ về trong một chiều giông gió như thế.

    Từ ngã ba Trung Phước lên bến đò Cà Tang là 3,6km. Con đường được nhuộm đen bởi than từ mỏ Nông Sơn được người ta khai thác và vận chuyển theo con đường này. Chỉ có trên 3 ngàn mét thôi nhưng nó vẫn là con đường tồi tệ nhất Quảng Nam hiện nay! Bao nhiêu ngàn tấn than được lấy đi từ mỏ Nông Sơn, và những người khai thác nó trả lại cho con đường những gì?

    Làm một đoạn đường ngắn để vận chuyển than được thuận lợi mà họ không chịu làm, nói gì đến việc mua một chiếc xuồng máy, phục vụ cho trẻ con! Có người đề nghị là nên hỏa thiêu con đò nhưng dân vùng Cà Tang thì không muốn thế. Để con đò định mệnh ấy nơi bến sông này làm lời nhắn nhủ cho những trái tim vô cảm. Tôi nghĩ rằng, nếu có một điều luật nào đó cho phép thì nên "khởi tố" sự vô cảm để thay cho ông lão lái đò!



    Có bao nhiêu bến Cà Tang?

    Em Anne Nguyễn, một Việt Kiều ở Australia, đang là học sinh trung học, sau khi em đọc tin về những học sinh bị tử nạn trên bến Cà Tang, chuyển đến những dòng tâm sự: "Cha mẹ cháu là người miền Trung, vẫn thường kể cho cháu nghe về những cơn giận dữ của thủy thần dọc các con sông. Cháu nghĩ rằng, ở miền Trung mình không chỉ có một bến đò Cà Tang mà là hàng trăm bến. Vì vậy, chúng ta nên có hẳn một chương trình giúp các em học sinh sang sông được an toàn. Xây hàng trăm cây cầu trên các con sông ấy quả là quá khó với đất nước mình hiện nay nhưng mỗi bến sông có một chiếc xuồng máy là điều có thể làm được".

    Em Anne đã quyên góp trong đám bạn học của mình 13 triệu đồng để giúp cho gia đình các bạn nhỏ ở Nông Sơn và không quên dặn chúng tôi là chuyển 1.050.000đ cho ông lão lái đò tội nghiệp. Có lẽ đây là "bị can" duy nhất được bạn đọc cho tiền.

    Ở tận đất nước Australia xa xôi, một học sinh 18 tuổi đã nghĩ hộ cho chúng ta một phương án để những học sinh khỏi bị chết oan. Còn chúng ta, những người hàng ngày vẫn chứng kiến các em nhỏ phải sang sông bằng con đò mảnh như lá lúa do những cụ già qua tuổi tám mươi cầm chèo, thì lại "không nghĩ ra", để đến khi thần chết đến gõ cửa từng nhà, rồi mới hoắng lên !

    Những lời nhắn gửi của Anne Nguyễn làm tôi chợt nhớ đến câu thơ của Phạm Ngọc Cảnh: "Dọc miền Trung sông suối dày tơ nhện". Vâng, ở miền Trung đã và đang có hàng trăm bến đò "tơ nhện" như thế. Những bến đò ấy đang "chờ" các em nhỏ vào mỗi mùa mưa. Nhà nước nên có hẳn một chương trình như lời đề nghị của cô bé Anne kia. 18 đứa trẻ phải bỏ mạng mới có một cây cầu. Hàng trăm cây cầu dọc các con sông miền Trung thì cần bao nhiêu đứa trẻ nữa đây?

    Nghe tôi trần tình thế, mắt cụ Nghĩnh như sáng lên: "Nếu làm được rứa thì tui đâu bị "khởi tố" như cậu nói!".



    Sir_Batis in Club1980

Chia sẻ trang này