1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

LỄ HỘI VĂN HOÁ TRÊN QUÊ HƯƠNG VUA HÙNG (Giới thiệu).

Chủ đề trong 'Phú Thọ' bởi Tasmalakan, 27/10/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    LỄ HỘI VĂN HOÁ TRÊN QUÊ HƯƠNG VUA HÙNG (Giới thiệu).

    Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi
    Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
    Nắng chói sông Lô, hò ơ tiếng hát
    Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.
    ..............

    (Tố Hữu)

    Sau màn giới thiệu về ẩm thực và danh lam thắng cảnh, xin phép được tiếp tục với các bài viết về một số lễ hội văn hoá trên quê hương các Vua Hùng. Phú Thọ là nơi bắt nguồn của các truyền thuyết và đó cũng là nơi mà nhiều lễ hội văn hoá đã được khai sinh qua thời gian cùng phát triển và tồn tại cho tới tận ngày hôm nay.Những lễ hội văn hoá, các trò chơi dân dã , các nghi thức dân tộc đã và đang là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân không chỉ người Phú Thọ mà còn là nét văn hoá đặc trưng của cả dân tộc Việt Nam.
  2. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Hát Xoan trên vùng Đất tổ Hùng Vương - Tỉnh Phú Thọ
    Hát xoan là một loại dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng cũng như hát dặm, hát dô ở đồng bằng sông Hồng.
    Hát xoan được tổ chức vào mùa xuân, mở đầu cho múa hát để đón chào năm mới.
    Các họ xoan ở vùng đất Tổ lần lượt hát khai xuân ở miếu đình làng xã, sau đó các họ xoan sẽ đi hát lần lượt các nơi khác. Vì hát ở cửa đình cho nên hát xoan còn gọi là ?okhúc môn đình?.
    Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Tập "truyền thuyết Hùng Vương" đã ghi sự tích của hát xoan như sau: "Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt , khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô dẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát xoan".
    Ngày nay, hát xoan chỉ thấy phổ biến ở vùng đất Tổ diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên Đán. Mỗi phường xoan giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng. Và mỗi phường xoan hay còn gọi là họ xoan phải có một ông trùm, bốn năm kép và từ mười đến mười lăm đào.
    Ông trùm xoan lo hướng dẫn, chỉ bảo các đào, kép học tập các làn điệu hát, múa và chuyên lo giao dịch với các địa phương. Các đào xoan đều là các cô gái xinh đẹp, có giọng hát hay, tuổi từ 15-20. Khi đã có chồng thì không theo phường hát nữa. Kép có thể là người đứng tuổi, đã có vợ con.
    Hàng năm, trước khi đi hát, các phường xoan thường lo tập luyện trước vào tháng Chạp âm lịch.
    Hát xoan phải theo trình tự đã qui định, gồm hát phần nghi lễ tôn giáo; phần diễn xướng các quả cách như xuân, hạ, thu, đông, ngư tiều canh mục, thuyền chèo, tứ dân... cơ bản là hát lối và ngâm đọc, có thêm phần hát hội mang tính chất trữ tình, phản ánh những nội dung yêu đương, giao duyên giữa trai và gái. Cuối cùng là phần giã cá để kết thúc quá trình diễn xướng của hát xoan.
    Mùa xuân trên quê hương đất Tổ, không gì vui bằng đi xem hát xoan. Và hát xoan thì cứ tiếp tục hát từ đình này cho đến đình khác khiến cho không khí hội hè, vui xuân cứ kéo dài ra mãi.
  3. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Thi diều sáo - Tỉnh Phú Thọ
    Trong hội đền Hùng ở thôn Cổ Tích, Lâm Thao, Phú Thọ, có cuộc thi diều sáo. Ðây là những chiếc diều thật lớn, bề ngang có khi đến một sải rưỡi tay và có mang một hoặc nhiều chiếc sáo.
    Khung diều làm bằng cật tre, giấy phất vào diều bằng gậy. Diều thả bằng dây mây hay dây thép nhỏ. Sáo diều có 3 loại chính phân theo tiếng kêu: sáo cồng, tiếng kêu vang như tiếng cồng thu quân; sáo đẩu, tiếng kêu than như tiếng lời than; sáo còi, tiếng kêu the thé như tiếng còi.
    Thi diều sáo, Ban giám khảo có thể chấm theo tiếng sáo, nhưng trước tiên bao giờ cũng phải xem diều có lên bổng, dây diều căng hay võng, nhất là lúc ở trên không diều có lắc lư đảo ngang đảo dọc hay không.
  4. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Lễ hội cầu trâu ở Hương Nha - Tỉnh Phú Thọ
    Làng Hương Nha nằm ở huyện Tam Nông, hữu ngạn sông Hồng, cách Đền Hùng chưa đầy 10km về phía tây nam. Tương truyền vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Tô Định sang đánh nước ta, lúc đó ở châu Đại Man có người con gái tên gọi là Xuân Nương tài sắc vẹn toàn, thùy mị, nết na, tinh thông võ nghệ, viết chữ, tính toán đều giỏi, lại có đức độ, các bậc "tu mi nam tử" không ai sánh kịp. Cha mẹ mất sớm, anh trai bị Tô Định sát hại, trong lòng căm giận, nàng nguyện báo thù nhà. Nàng cắt tóc giả làm ni cô đi đến các phủ, huyện để chiêu tập binh hùng tướng mạnh. Hai Bà Trưng nghe tiếng Xuân Nương bèn truyền hịch nghênh đón về, lại cho nàng thống lĩnh quân Nội thị nữ tốt bên tả.
    Ngày nay, nhân dân trong vùng tổ chức lễ cầu trâu để tưởng nhớ công đức của bà. Lễ cầu trâu được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng giêng âm lịch hằng năm để nhớ câu chuyện xưa nhân dân đã dâng trâu để Bà khao quân tướng khi thắng trận trở về. Từ 20 tháng Chạp, dân làng đã họp bàn để chọn mua trâu. Trâu phải là trâu đực béo khỏe. Người được nhận nuôi trâu gọi là "chứa lềnh", nhất thiết phải ăn chay từ khi rước trâu về. Lán của trâu phải làm bằng các vật liệu mới, mỗi buổi chiều, "chứa lềnh" phải đem trâu ra bến tắm, sau đó tắm cho mình. Đến 7 giờ tối ngày 2 tháng Giêng, nhà "chứa lềnh" phải làm một cỗ gà và một cỗ chay gồm: củ mài, mía ngọt, chè lam, chè kho, hoa quả và một hũ rượu mộng. Tối đến, dân làng đến nhà "chứa lềnh" rước trâu ra đền Hạ (còn gọi là Miếu Ông) nơi thờ thập bộ thần quan là những tướng sĩ khi nghe tin bà mất đã nhảy xuống hồ trẫm mình để chứng tỏ lòng trung nghĩa. Trước khi làm lễ cầu trâu, người ta đốt bên cạnh cột buộc trâu hai bó đuốc bằng nứa khô. Sau đó, nhà sát trói trâu vào cọc bằng dây tre, rồi làm lễ mật khẩn xin âm dương. Khi trâu ngã gục và chết, người dân đem lột da, chôn 4 cọc rồi căng da trâu làm "nồi da nấu thịt", tái hiện cảnh mổ trâu khao quân của nữ tướng Xuân Nương khi xưa. Người ta còn cắt 12 miếng thịt ngon ở bắp làm 12 quả đài xinh để tế thần. Sáng mồng 3 âm lịch, người dân tổ chức lễ "chạy chài". Lễ gồm có thịt và lòng trâu đặt trên mâm tre. Sau đó nhà sát đội ra bến Giếnh, trên đường về người dân thi nhau tranh cướp lễ vật. Ai cướp được lễ vật thì năm đó làm ăn phát đạt, con cháu thuận hòa, gặp nhiều may mắn
  5. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Chèo tuồng Đất Tổ - Phú Thọ
    Đất Vĩnh Phú xưa có tới 300 gánh chèo và hơn 20 gánh tuồng. Đêm hội làng là đêm ca hát, cả già, trẻ, gái, trai náo nức rủ nhau đến sân đình nghe hát chèo để cùng vui, buồn, thổn thức với Thị Kính, Thị Mầu, Suý Vân giả dại... Chẳng thế mà từ bao đời nay câu ca còn truyền lại:
    "Ăn no, vác bụng nằm khèo;
    Nghe tiếng trống chèo, bế bụng đi xem!".

    Chèo sân đình chính là chèo dân gian truyền thống, chỉ biểu diễn trong các dịp hội làng, lễ tết ở sân đình. Sân khấu của chèo là sân đình rộng lớn, phường chèo biểu diễn ngay trước tiền đình. Khán giả chèo vây kín xung quanh không chừa cả chỗ hậu trường của gánh hát. Chèo cổ còn có tên gọi khác là "trò nhời". Ngoài việc biểu diễn ở sân đình lúc hội hè, đình đám, các gánh chèo còn được mời hát ở các đám cưới, đám khao.
    Mặc dù vậy, phường chèo vẫn là một gánh hát không chuyên. Ở đó, người nghệ sĩ không lấy hát chèo làm nguồn sống chính. Diễn viên chèo vẫn là nhà nông và chỉ đi hát theo mùa hay khi có dịp. Nguồn sống chính của họ vẫn trông vào lao động sản xuất nông nghiệp ở thôn quê. Một số người khác là thợ mộc, hay người buôn bán cũng có thể tham gia phường chèo. Vùng đất tổ xưa, cũng có lúc đã hình thành phường chèo chuyên nghiệp như các phường Bồ Điền, Bàn Mạch, Tuân Chỉnh (ở Vĩnh Lạc), Cao Phong (ở Lập Thạch)... nhưng rồi các phường ấy cũng chẳng tồn tại được lâu bởi chỉ dựa vào lệ đánh bạc gây quỹ. Các phường chèo ở vùng đất tổ Vĩnh Phú đều thờ ông ***** chèo Đông Phương Sóc.
    Mỗi phường có một tượng nhỏ Đông Phương Sóc bằng gổ để mộc, không tô vẽ, đặt trong một hộp gỗ nhỏ, do trùm phường cất giữ rất cẩn thận. Phường chèo gồm một số người cùng thôn hay cùng một làng xã. Phần nhiều có họ hàng với nhau. Vào mùa diễn, các phường lên đường rất đơn giản, nhẹ nhàng. Toàn bộ y phục, trang trí, đạo cụ để gọn vào một đôi hòm do một người gánh bởi hát chèo cổ không cần phông màn.
    Đặc điểm của chèo Vĩnh Phú là không có đào mà chỉ có kép, đó là một biểu hiện của ý thức hệ phong kiến trong nghệ thuật dân gian. Các vai đào như Vân Dại, Thị Mầu, Thị Kính, Vợ Trương Viên... đều do nam đóng. Điều này thực sự đã hạn chế giá trị thẩm mỹ của đêm diễn, của tích trò. Những người đóng các vai nữ được gọi là "kép gái", phần nhiều là những thanh niên đẹp trai, có giọng thanh và dáng người mềm mại. Một nét độc đáo của các gánh tuồng vùng đất tổ xưa là kép tuồng, đồng thời cũng là kép chèo, những người hát tuồng cũng biết cả hát chèo và có thể diễn được đôi ba tích chèo theo yêu cầu của khán giả.
    Tuồng ở Vĩnh Phú cũng có những phường, những kép được khán giả gần xa quý chuộng. Ơở thị xã Phú Thọ, xưa có phường tuồng của cụ trùm Tập khá nổi tiếng. Huyện Phù Ninh xưa (nay là huyện Phong Châu) có phường Bình Bộ với kép kèn Đỗ Văn Khay, kép trống Phạm Văn Quy, kép võ Nguyễn Đức... Huyện Vĩnh Tường (nay thuộc Vĩnh Lạc) nổi tiếng có phường hai anh em ông Phấn ?" ông Sáp. Huyện Lập Thạch có hai phường Tiên Nữ, Đạo Nội là những phường nổi danh cũng như phường Tam Hồng (huyện Yên Lạc)... Các phường Tuồng được tổ chức theo đơn vị xã nhưng cũng có phường tổ chức theo đơn vị thôn, như phường tuồng Tam Hồng là của thôn Man Để, phường Tiên Lữ là của thôn Hoàng Trung.
    Có thể nói, nét độc đáo, sâu sắc nhất của tuồng, chèo đất tổ là nội dung tích diễn phần lớn được gắn với các truyền thuyết hào hùng của dân tộc như Hùng Vương, Tản Viên dựng nước, Hai Bà Trưng dựng cờ nghĩa đuổi giặc ngoại xâm. Tinh thần ấy còn thấm đượm trong các tích, trò dù là đấu vật, thổi nấu cơm thi, giã bánh giầy hay lễ sát ngưu. Dù là những trò rước "lúa thần" diễn xướng trình thề hay múa hát..., mỗi trò diễn đều nhắc nhở nhân dân ta ghi nhớ công ơn của tổ tiên xưa đã vượt bao gian khó để xây đắp và gìn giữ giang sơn...
  6. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Diễn tấu trống đồng ở hội Đền Hùng
    Về Phú Thọ trong những ngày hội làng và nhất là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, khách thập phương được chứng kiến những cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn. Nổi bật là hình thức diễn tấu trống đồng - một biểu hiện rực rỡ của nền văn mình nông nghiệp thời các Vua Hùng dựng nước.Ngày xưa trống đồng được cất giữ trong các gia đình lang đạo Mường và chỉ đem ra đánh vào dịp hội hè tế lễ. Khác với những hội cồng, chiêng để cầu sinh sôi nảy nở, hội đánh trống đồng nhằm mục đích cầu mưa và cầu dứt mưa
    Trên mặt trống có tượng cóc gắn với quan niệm cổ truyền "Con Cóc là cậu ông Trời", biểu hiện sự cầu mong mưa gió thuận hòa để làm ăn được thuận lợi dễ dàng. Âm thanh của trống đồng nghe náo động và hùng vĩ, có sức cuốn hút mọi người. Trống đồng thuộc loại nhạc cụ không định âm, dùng tiết tấu để hòa tấu và đệm cho hát múa. Trong ngày hội đánh trống đồng những người đánh trống đều ăn mặc, hóa trang mô phỏng trang phục của hình người khắc trên trống đồng xưa. Số người tham gia đánh là 4,6,8 phù hợp với quy luật số chẵn trong các họa tiết của trống như "cánh sao", "hình chim"- người đánh giỏi nhất được chọn làm Cái, số còn lại là Con. Có nghệ nhân hai tay cầm hai gậy làm cả hai nhiệm vụ Cái và Con, theo các nghệ nhân, phải có trình độ điêu luyện mới đánh được như vậy.
    Hiện nay một số nơi ở các bản thuộc huyện Thanh Sơn vẫn còn tục lệ chú rể khi đến đón dâu trong ngày cưới phải biết cầm Cái mới được vào nhà. Có lẽ do vậy mà hầu hết các nghệ nhân nam giới ở những khu vực có tục lệ đó đều biết cầm Cái đánh trống đồng. Bài bản trống đồng có những quy định khác nhau tùy theo địa phương, nhưng nói chung nó mang nhiều yếu tố dị bản, vì khi đánh trống các nghệ nhân thường hay ngẫu hứng. Khi người cầm Cái chuyển bài thì các Con cũng chuyển theo.
    Nhịp đánh trống đồng thường là loại nhịp giống như thi ca Việt Nam. Hiếm thấy các loại nhịp lẻ như 3/4, 5/4...
    Trong cuốn Đả cổ lục, cách đánh trống của người xưa được minh họa bằng 4 câu thơ sau :
    Chinh tùng chinh
    Chinh tùng chinh
    Bất diệt thù hề
    Bất quyên sinh!
    Nếu mượn chữ chinh để chỉ âm thanh khi đánh vào vành hoa văn của trống đồng và chữ tùng để chỉ âm thanh phát ra khi đánh vào núm mặt trời ở giữa, có thể hình dung tiết tấu sinh động của lối đánh trống trong lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Có lúc Cái thay đổi âm sắc bằng cách đảo ngược âm sắc chinh và tùng.
    Như vậy ta thấy phần Con chỉ đánh chinh và tùng một cách đều đặn, đơn giản. Phần Cái đi đảo phách. Cứ 3 nhịp 1/4 thì Cái với Con lại cùng chập ở nhịp thứ 4, tạo nên những chu kỳ đều đặn mang tính trường canh. Khi Cái chuyển "bài" tạo ra một màu sắc và không khí mới thì tất cả các Con đều chuyển theo, các nghệ nhân thường giã nặng tay hơn, do đó lực độ mạnh hơn. Không khí rộn ràng, linh hoạt hẳn lên.
    Hãy tạm gọi những chỗ Cái và Con cùng đánh là phần "xô" để kết thúc một "vế", thì ở vế Cái thường đi cùng tiết tấu với Con và làm hiệu để tiếp vào vế 2 chẳng hạn.
    Tùng chinh tùng chinh (vế 1)
    Rồi đến Tùng tùng tùng chinh ( vế 2 )
    Cũng có khi vế 2 được nhắc lại hai lần rồi mới quay lại vế 1, tuỳ theo sự ngẫu hứng của nghệ nhân. Cũng có khi nghệ nhân đánh đánh 7 nhịp rồi mới cho Cái và Con gặp nhau ở nhịp thứ 8.
    Nghệ thuật diễn tấu trống đồng của đồng bào Mường trong lễ hội Giổ Tổ Hùng Vương gắn liền với một ý thức cộng đồng có tổ chức rõ ràng. Tuy không biết chính xác lối diễn tấu trống đồng của người Lạc Việt từ buổi bình minh lịch sử, song dựa trên những sinh hoạt dân gian truyền thống của đồng bào Mường ở vùng đất Tổ hiện nay, chúng ta biết chắc rằng từ ngàn xưa cha ông mình đã có những sinh hoạt trống đồng phong phú.
  7. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Chợ cưới Tam Lộng - Tỉnh Phú Thọ

    Cô dâu người Dao
    Thanh niên nam nữ Thái mong mỏi ngày hội tung cầu thế nào thì trai gái Dao chờ đợi ngày chợ tết Tam Lộng như vậy.
    Chợ họp trên một khu đất khá rộng thuộc xã Tam Lộng, tỉnh Phú Thọ. Những ngày khác trong năm, chợ không có gì lạ hơn các chợ cửa rừng, chỉ là nơi trao đổi hàng hóa giữa đồng bào Kinh - Thượng. Riêng ngày 25 tháng Chạp mỗi năm, phiên chợ Tết này đặc biệt đã biến thành phiên chợ để những mối tình thầm kín giữa các thanh niên nam nữ Dao trong vùng được công khai thừa nhận.
    Những người sống ở bản xa chợ phải rủ nhau đi từ hôm trước, vì chợ chỉ họp từ lúc mặt trời lên khỏi ngọn tre đến xế chiều đã tan rồi.
    Họ lũ lượt từng hàng theo nhau kéo đến từ mọi nẻo đường rừng núi. Cùng đi với các cậu, các cô bao giờ cũng có các cụ già. Các cụ đi theo con cháu trước là để chính thức thừa nhận dâu rể tương lai, sau là để được ôn lại những kỷ niệm xa xưa ngày nào.
    Có được đứng ngắm các cô sơn nữ trong cảnh tưng bừng như vậy mới thấy hết cái đẹp của họ: cô nào cũng có xiêm áo mới; yếm mầu sặc sỡ; chân, tay, cổ đeo vòng bạc, cái bé chồng cái lớn, lẻng kẻng tranh đua với tiếng cười tiếng nói, lấp lánh thi ánh với những khóe mắt sáng ngời.
    Có những cô nàng phải mất năm, sáu tháng để tự dệt lấy chiếc áo mà cô mặc hôm đi chợ cưới! Có những chàng trai phải gắng gỏi đi rừng tìm mật, tìm mây cả năm để có thể dành đủ tiền mua tặng người bạn đính ước một bộ xà tích bằng bạc!
    Họ chuyện trò vui vẻ, mời mọc nhau ăn uống, rồi trao nhau kỷ vật, để rồi khi trời tà bóng xế, đôi bên chia tay, mỗi người mỗi ngả về chuẩn bị ngày hợp hôn. Các cụ cũng theo con cháu ra về, sau khi thỏa thuận với nhau những chi tiết về lễ vật, về ngày giờ hỏi cưới.
    Các cô, các cậu tha thiết với ngày chợ cưới không những vì ngày đó đã chính thức hóa mối tình thầm kín của họ, mà còn một lý do khác nữa: đấy là cơ hội cuối cùng để các cô, các cậu gặp nhau trò chuyện trước khi thành vợ thành chồng. Từ sau ngày đi hỏi, tục lệ bắt đôi bên không được phép gần nhau chuyện trò nữa, dù có gặp nhau giữa đường cũng phải nhìn đi nơi khác. Trước kia, khi chưa ăn hỏi, các cô, các cậu tha hồ hò hẹn, nhưng khi đã ăn hỏi rồi thì nhất định không được chuyện trò với nhau nữa dù là vụng trộm ở ven suối, trong rừng hay khi đêm tối không ai biết. Thời gian có khi kéo dài hàng năm, có khi năm, sáu tháng, tùy sự thỏa thuận giữa đôi bên cha mẹ.
    Phong tục bắt như vậy, nếu trái sẽ bị chê cười, và họ tin rằng nếu chuyện trò sau khi ăn hỏi, cuộc tình duyên đôi lứa sau này sẽ gặp nhiều điều không hay.
    Không hiểu tục lệ này có từ đời nào, nhưng nếu suy xét kỹ một chút thì thấy rằng, xưa kia ông bà tổ tiên người Dao đã rất tâm lý! Cho phép trai gái tự do tìm hiểu nhau, nhưng khi đã hiểu nhau và quyết định lấy nhau rồi thì cấm gặp nhau trong một thời gian để ngày cưới mối tình thêm thắm thiết! Nếu không có chuyện cấm đoán đó, biết đâu sau khi hiểu nhau và được công khai thừa nhận rồi, đôi trai gái ấy lại không đợi phải cưới nhau theo nghi lễ nữa?
  8. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Hát Ghẹo - một nét đẹp trong văn hóa dân gian vùng đất Tổ
    Hát ghẹo là một hình thức hát giao duyên, đối đáp nam nữ phổ biến khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược mỗi khi xuân đến, khi mùa màng bội thu, khi nông nhàn hay những đêm trăng sáng. Mỗi vùng có một cách hát ghẹo khác nhau: khác về cách hát, tổ chức hát, giọng hát cũng như lề lối, phong tục hát. Sự khác nhau đó cũng tuỳ theo sự giao lưu văn hoá và những yếu tố xã hội của từng địa phương. Trong sự giao lưu đa sắc đó, hát ghẹo ở Phú Thọ mang trong mình một nét riêng duyên dáng, dường như đất tổ nơi đây mới là chốn neo đậu và thăng hoa của loại hình nghệ thuật dân gian này.
    Hát ghẹo ở huyện Tam Nông (nay là Tam Thanh) và Thanh Sơn cũng như hát xoan đã trở thành sản phẩm riêng của Phú Thọ. Nó mang phong cách đậm đà màu sắc địa phương, phát triển liền mạch theo thời gian. Cứ vậy, hát ghẹo Phú Thọ không bị lẫn với hát ghẹo ở bất cứ nơi nào. Nguồn gốc hát ghẹo được gắn với câu chuyện dựng lại ngôi đình làng Nam Cường thờ Xuân Nương công chúa.
    Chuyện kể rằng ngôi đình làng thờ nữ tướng Xuân Nương bị cháy, trai tráng Nam Cường cùng nhau lên rừng đại ngàn kiếm gỗ về dựng lại đình. Đến địa phận xã Thục Luyện, mệt quá, trai tráng ngồi nghỉ chân, trai gái Mường biết vậy liền đưa thịt rừng rượu thơm ra đãi. Lại cùng nhau lên rừng ngả gỗ đóng bè cho trôi theo dòng sông xuôi về. Qua địa phận xã Thục Luyện bè bị mắc cạn, đẩy mãi không qua, những cô gái Mường ở thôn Hùng Nhĩ đi hái măng về bèn khuyên vừa đẩy bè vừa hát thì thần thác mới hài lòng để cho bè xuôi. Quả thật, khi trai gái hai bên cùng nhau đẩy và hát đối đáp với nhau thì bè nhích dần rồi chảy về xuôi. Thác thần từ đó được gọi là thác ?đôi ta?, khúc hát đẩy bè trên được gọi là ?hát ghẹo? hay ?ghẹo nước nghĩa? (nghĩa là hát giữa các thôn làng kết nghĩa với nhau), ?hát anh chị?. Sở dĩ có tên ?hát anh chị? vì hai bên hát đối đáp với nhau sẽ gọi nhau là anh, là chị. Hát ghẹo ở Nam Cường trở nên nổi tiếng và được gọi là hát ghẹo Nam Cường để phân biệt với hát ghẹo của các vùng khác.
    Các thôn làng hát ghẹo để giao lưu tình cảm cũng như nghệ thuật hay còn ý nghĩa thiêng liêng là tế thần chứ không để mong cầu về vật chất của nhau. Các làng kết nghĩa này trai ******* nhau là liền anh, liền cô hay quan anh, quan cô. Trai gái những làng kết nghĩa thì không được lấy nhau.
    Ở Nam Cường người ta tổ chức hát ghẹo vào ngày khánh thành đình làng - ngày mồng 9, mồng 10 và 11 tháng 9 âm lịch. Hai ngày đầu thì tiến hành việc tế lễ, ngày hôm sau thì tổ chức hát ghẹo thành những nhóm ở từng nhà dân. Vì thế mà hát ghẹo không phải là một loại hát tế lễ hay dân ca tín ngưỡng hay ?hát cửa đình?, cũng không phải loại hình hát tự do như hát trống quân, hát ví, hát đúm mà hoàn toàn chỉ là một kiểu sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang đậm tính dân gian, tự do. Các thôn kết nghĩa và hát với nhau, năm nay thôn này làm chủ thì sang năm lại làm khách. Đội khách bao giờ cũng chọn nam và đội chủ thì ngược lại chọn nữ. Nam Cường tổ chức hát ghẹo vào tháng 9 âm lịch là chủ, đến lượt Thục Luyện, Hùng Nhĩ hát ghẹo tổ chức vào tháng 3 âm lịch thì Nam Cường lại là khách.
    Để tổ chức ngày lễ hát ghẹo nước nghĩa thì trước ngày tế lễ hàng năm khoảng một tháng, những vị chức sắc trong làng thường họp nhau lại bàn bạc về việc tổ chức cúng tế cho phù hợp với khả năng kinh tế của làng. Tuỳ theo năm được mùa hay mất mùa mà tổ chức tế lễ mời khách nhiều hay ít và tất nhiên phí tổn đều do dân làng đóng góp. Dân làng cũng cử ra số người tương đương đội khách mà tập luyện hát mừng đón tiếp anh em nước nghĩa. Những chị em được chọn hát ghẹo của làng (đội chủ) là những người không bận việc gia đình, không có chuyện tang bụi và chắc chắn phải có giọng hát khoẻ, ngọt ngào, phải nhớ được nhiều câu. Nước nghĩa được mời thì chuẩn bị những nam thanh trạc tuổi tương đương có tài năng ca hát để đáp lễ. Tất cả chuẩn bị công phu để chờ ngày tế lễ. Và cũng đã thành truyền thống, trong ngày hội hát ghẹo, người ta quy định cụ thể về cách ứng xử, ăn mặc, giọng hát, thể lệ và nơi chốn sẽ được tiến hành.
    Với cách xưng hô trang trọng, những ông già, bà già trong dịp tế lễ được gọi là, ?quan trùm?, ?bà trùm?, các anh, các chị được gọi là ?quan anh?, ''quan chị''. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này không phân biệt chủ khách. Những bộ áo the, quần trắng, khăn xếp đội đầu đẹp nhất dành cho ngày hội là trang phục của các quan anh và áo năm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao các mầu, xà tích đeo, khăn mỏ quạ chít đầu là trang phục của các quan chị.
    Chỗ hát thường được bắt đầu từ nhà của một ai đó trong làng. Nhà được chọn để hát phải khá sạch sẽ, mát mẻ, rộng thoáng và đặc biệt gia đình không có chuyện gì buồn. Các quan trùm, quan anh là khách thường ngồi trên sập, trên giường giữa nhà, còn các bà trùm, các quan chị thường giải chiếu ngồi trên dãy giường của gian bên.
    Cách hát là hình thức hát đối đáp nam nữ, nên các anh cũng như các chị mỗi lần thường hát hai người, khi hát họ nhìn thẳng vào nhau vừa để biểu lộ tình cảm vừa để khi hát ra vào cho ăn khớp với nhau.
    Đối với giọng hát trong ngày hội được quy định bốn loại giọng gắn liền với từng giai đoạn của ngày hội. Mở đầu là giọng ví đãi trầu diễn ra cùng lúc với việc các chị mời quan khách dùng trầu. Trầu thường được để vào khăn tay, hoặc đặt trên khay, trên đĩa và các chị hát mời các anh bằng giọng lễ phép ngọt ngào: Em thưa với các anh em, miếng trầu để đĩa bưng ra, xin anh nhận lấy để mà thở than, thưa anh. Sau khi kết thúc ví đãi trầu thì giọng hát chuyển sang giọng sổng, đây là lúc mà câu chuyện đã vào đề hai bên hát đối đáp chuyện trò thân mật với nhau. Giọng thứ ba gọi là sang giọng, được hát để các liền anh, liền chị thể hiện tài nghệ đối đáp của mình. Đây được coi là cao điểm của ngày hội, theo các cụ ngày xưa thì sang giọng gồm có 36 chất giọng khác nhau. Hát hết 36 giọng này cũng là lúc trời vừa sáng, dân làng dọn cơn để khách ăn và chuẩn bị ra về. Tiễn khách ra về hai bên cùng hát giọng ví tiễn chân, các câu ví lúc này được thốt lên từ đáy lòng của mỗi người sau một cuộc chuyện trò chứa chan tình cảm. Vậy nên, lời ca ứng tác đầy cảm xúc, đầy sáng tạo nghệ thuật, vừa bay bổng vừa thắm đượm tình người, đến nay vẫn còn nguyên vẹn từng câu từng chữ:
    Anh về có chốn thở than
    Em về ngồi tựa phòng loan một mìmh
    Anh về tự bóng sao mai
    Đêm khuya em biết lấy ai bạn cùng
  9. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Tục thi gà lễ - Phú Thọ
    Sau thu hoạch vụ mùa, làng tôi (ở Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có lệ cúng cơm mới vào ngày mồng mười tháng mười. Trai làng được sinh ra cách đó đúng mười tám năm phải làm lễ trình diện trước đình làng.
    Mỗi năm, làng gọi 12 chàng trai đến tuổi, theo thứ tự được sinh ra sớm nhất từ sau Tết âm lịch của năm sinh, đại diện làm lễ trình làng. Số còn lại sẽ được gọi vào các dịp lễ Tết tiếp theo.
    Việc gọi lễ được làng báo trước ba tháng để kịp chuẩn bị. Trong các việc chuẩn bị trình diện có tục thi gà làm lễ. Gia đình nào có con trai đến tuổi này đều nuôi sẵn một bầy gà thiến tròn một tuổi để lựa chọn lấy vài con thật ưng ý. Phải là gà ri thuần chủng, chân vàng, có bộ lông mầu hoa mơ lốm đốm, chăn thả bình thường. Khi được báo làm lễ, gà được nhốt hãm vào ***g, mỗi ngày cho ăn ba bữa. Cơm giã nhuyễn quện với cám gạo xay, viên nhỏ bằng quả nhót, dấp nước bón cho gà ăn thật no mỗi bữa, cho uống đủ nước, hãm ***g đủ ba tháng để thúc béo.
    Việc làm lễ bắt đầu từ việc ngâm gạo, thổi xôi và cắt tiết gà. Dao cắt tiết gà vót bằng cật nứa hình lá trúc, bề ngang chỉ rộng bằng lá lúa là vừa, lưỡi thật mỏng và sắc. Khi cắt tiết, phải có người cầm cánh sát nách gà nếu không gà giãy mạnh có thể bị gẫy xương cánh, gà sẽ bị loại (lệ làng không nhận gà lễ có khuyết tật).
    Vặt lông gà phải từ từ, nhổ xuôi chiều, không vặt ngược dễ làm xước da gà, lông cánh phải nhổ từng chiếc một, lông mình nhổ từng túm nhỏ thật nhẹ nhàng, thật sạch, dùng nhíp nhổ hết lông kẽ mũi, lông cằm không bỏ sót. Lấy muối và gừng giã nhuyễn, dùng tay xoa nhẹ khắp mình gà sau 15 phút mang rửa sạch. Dùng lông ở mình gà đã vặt ra vò nhầu mềm như bông, lau nhẹ khắp mình gà cho ráo nước, lấy một tờ giấy mỏng đốt lửa hơ nhanh cho cháy hết lông tơ. Rửa lại bằng nước sạch và kiểm tra lần cuối trước khi mổ.
    Gà được mổ moi, vết mổ càng nhỏ càng được điểm cao, ruột, gan, tim, mề được làm sạch luộc theo tiết, thứ nào cũng phải trọn vẹn, không giập nát, không thiếu sót.
    Chân gà không cắt rời phải uốn theo tư thế gà quỳ gối, nghển cao cổ và đôi cánh như cánh phượng, đầu cất cao, mỏ hơi quắp xuống.
    Nước luộc gà lăn tăn sủi thì dùng lạt giang mỏng tròng sát nách gà thả chìm vào nồi nước, nhúng xuống nhấc lên ba lần liên tiếp rồi nhấc ra, thả gà vào trong chậu nước lạnh, lăn đều bốn phía, dùng tay xoa đều cho da gà co lại tạo độ săn bóng. Nếu còn lông măng dưới da gà sót lại, dùng nhíp cặp nhẹ rút hết từng chiếc một.
    Chờ nước sắp sủi tăm trở lại, lại nhúng gà vào nồi và nhấc ra rửa vào nước lạnh đã được thay, sau đủ ba lần nhúng với ba nóng và ba lạnh thì da gà căng tròn bóng mượt mà. Sau đó thả vào nồi nước luộc, luồn đũa cả qua dây tròng gà, gác đũa cả trên miệng rồi để giữ gà ở phương thẳng đứng. Đun nhỏ lửa, sôi lăn tăn 20 phút, tắt bếp để 20 phút sau, vớt gà ra thả vào chậu nước lạnh, rửa nhẹ tay cho hết mọi gợn bọt tiết bám trên da gà, uốn nắn lại tư thế đầu, cổ, cánh cho thật đẹp. Treo gà lên chỗ thoáng cho ráo nước. Hớt lấy váng màng sao trong nồi nước luộc gà, hòa với bột nghệ nghiền nhuyễn thành một dung dịch. Lấy lông cánh gà chấm quết đều lên mình gà để tăng mầu vàng và tăng độ bóng, đồng thời tránh gặp gió heo may thổi, da không bị khô xám mầu.
    Đặt gà vào mâm xôi đã chuẩn bị, cài một bông hồng hàm tiếu vào mồm gà và đội ra đình dâng lễ thánh.
    Sau ba tuần dâng rượu, cúng tế cùng các vật phẩm khác, lễ được hạ xuống đặt trên sạp sân đình. Các cụ bô lão sẽ bình chọn thật kỹ càng, tỉ mỉ. Gà phải tự mình chăn nuôi, lễ phải tự tay làm; nếu mua gà và nhờ người làm lễ đều bị trừ điểm và đánh thấp một cấp. Các cụ xem kỹ vết cắt tiết gà, con nào có vết dao ở hai bên cổ đều nhất và nhỏ nhất là đạt tiêu chuẩn loại A.
    Kết quả, những chàng trai đạt giải A sẽ được thưởng bằng chính chiếc đùi gà của con gà mà mình dâng lễ.
    Một miếng giữa làng bằng một sàng xó xếp! Tranh được một giải A của làng là cả một điều ao ước, song cũng không đơn giản. Vì việc đó không những rất cầu kỳ mà còn rất tế nhị. Tế nhị ở chỗ những chàng trai đạt giải A hầu hết đều đắt vợ nhất làng.

Chia sẻ trang này