1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

LỄ HỘI VĂN HOÁ XỨ THANH.(Giới thiệu)

Chủ đề trong 'Thanh Hoá' bởi Tasmalakan, 02/10/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Đêm hội Pồn Pôông
    Đêm hội Pồn Pôông - Thanh Hoá
    Pồn Pôông có nghĩa là cuộc vui, nhảy múa, ca hát mừng hoa, chơi hoa được tổ chức vào mùa xuân. Đây là hình thức nghệ thuật tổng hợp bao gồm múa hát, diễn xướng, sân khấu, trang trí, tín ngưỡng thông qua các làn điệu dân ca xường rang, bọ mẹng, xéc bùa... Người Mường lại tổ chức trò diễn Pồn Pôông nhằm mục đích gì? Hỏi chuyện Nhà thơ Vương Anh, dân tộc Mường, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin (VHTT) Thanh Hoá thì được biết: Pồn Pôông thể hiện mong ước mùa màng bội thu, bản mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc.
    Trò Pồn Pôông diễn ra xung quanh cây hoa kết bằng hoa gỗ. Các bông hoa được cắt từ cây bạng, theo hình loa kèn, xếp cuốn như bông cúc, nhuộm xanh đỏ vàng, cắm vào các chẽ hoa, nhiều chẽ được xếp, xâu lại thành cành hoa, nhiều cành cắm lại thành tầng cây. Mỗi cành có từ 400 đến 1070 hoa. Mỗi cây có từ 5 đến 12 cành hoa. Các bông hoa tượng trưng cho lúa, ngô, khoai, bầu bí, trâu bò, sự sinh sản, cây rừng... Ngoài ra, trên cây hoa còn treo hình con gà, chim, cò, hươu nai, lợn gà đẽo bằng gỗ, nào cày bừa, nào cuốc xẻng, dao, liềm, mũi tên, áo mũ...Tuỳ theo tài năng, thâm niên của bà máy (người tổ chức trò diễn, cũng là người có tài bốc thuốc chữa bệnh) trong việc cứu nhân độ thế mà cây bông có nhiều tầng hay ít, cao nhất là 12 tầng.
    Bên cạnh cây hoa là bàn để rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng.
    Trò diễn Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò, múa hát quanh cây hoa. Một hồi chiêng trống nổi lên, bà máy bắt đầu làm lễ khấn ma nổ, rước ma nổ, rước vua, thần linh, tổ tiên về chơi hoa. Bà máy chủ trì cuộc Pồn Pôông hôm nay là bà Phạm Thị Tắng, người làng Lơ, xã Cao Ngọc, Quang Trung, từng đã có 37 năm làm nghề bốc thuốc nam chữa bệnh, bà cũng là người thông thạo tất cả các trò diễn Pồn Pôông. Sau bài khấn, bà máy dẫn đầu đoàn các con mày gồm nam nữ thanh niên, những người tham dự Pồn Pôông ra phía cổng rước ma nổ về bằng xường rang (dân ca Mường), bằng các điệu múa mang tính chất lễ nghi tín ngưỡng.
    Theo nhạc cồng chiêng, mọi người tham dự cuộc chơi, bắt đầu hát múa xung quanh cây hoa. Con trai con gái hát dạo những bài xường, rang để xin vào chơi hoa. Bà máy hát mời, lựa người tài giỏi xường rang từ đám người xin vào chơi. Nếu đồng ý cho tham gia cuộc chơi, bà tung dây rặng (là dải lụa màu xanh, hoặc đỏ dài 1,5m đến 2m), quàng vào cổ người được chọn. Nếu khéo ca, lời đẹp thì người vào chơi càng đông. Lời ca nói đến hoa quả, hoa đời - cụ thể như ngô, lúa, sắn, khoai và cả nụ cười, gương mặt của con người cũng là bông hoa đẹp nhất. Họ múa những điệu múa mô phỏng các động tác trong quá trình lao động, vui chơi như phát nương làm rẫy, làm cửa, làm nhà, trồng bông, dệt vải, săn bắt thú rừng, thả lưới quăng chài, đánh e, đánh mảng, chơi chấp, ném còn, leo dây..Họ vừa múa hát vừa đùa nghịch, vui nhộn. Có thể coi đây là vòng xoè hoa, múa hoa của người Mường, vừa múa tung khăn vừa hát vừa diễn trò. Trong vòng múa bông này, mỗi người là một diễn viên độc diễn xung quanh cây hoa, lôi kéo mọi người từ già đến trẻ, từ các bản xa, mường gần tụ hội về quanh cây bông. Tất cả các tình tiết trong trò Pồn Pôông, ai cũng có thể bổ sung, sáng tạo lại. Các nghệ nhân thi đua nhau diễn lại các tích truyện mà người Mường đã thuộc nằm lòng như truyện tình nàng Nga Hai Mối, nàng ờm, chàng Bông Hương, nàng Con Côi, truyện Hồ Lê út Lót... Đây là bốn truyện tình nổi tiếng của người Mường từ xa xưa để lại.
    Người trong cuộc thả hồn vào các loài hoa tượng trưng, hát khen hoa đẹp. Trai gái xường với nhau, múa hát đối đáp giao duyên trong âm vang cồng chiêng, và tiết tấu của ống nứa giã lên đập xuống nhịp nhàng với âm điệu lời ca, khiến cho không khí cuộc vui càng thêm rộn ràng, sôi nổi. Họ hát lên bài ca hẹn ước, dặn dò, rồi thổ lộ nỗi lòng. Âm thanh cồng chiêng cùng tiết tấu ống nứa thay đổi theo trò diễn, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc nhanh lúc chậm. Cuộc vui sau đó bước vào chặng tiếp theo với nghĩa là đã tàn một đêm hát trao duyên, trao tình, đã cạn một đêm múa hát vờn quanh mùa hoa. Lời ca của chặng này thể hiện khát vọng của con người muốn thoát ra khỏi cái vòm hoa bằng gỗ kia. Dù đêm cạn, nhưng họ lại xường, lại hát lên, ước muốn để cây hoa "sống" lại, muốn chắp cánh thêm cho cây hoa, đưa sắc hương cây hoa đến miền xa nữa. Mà trong lời hát, họ gọi miền xa ấy là nơi đẻ ra hoa, là vườn hoa vĩnh hằng ở trên trời, sắc hương ấy sẽ là tâm tình của họ, miền xa ấy là cái hy vọng tìm đến hạnh phúc và tình yêu. Họ muốn nhờ cây hoa nói hộ cho tình yêu đang trào dâng. Nên giờ đây, họ xường rang để tăng thêm sự hoà quyện tâm đầu ý hợp. Họ cùng nhau hát, vin cành hoa, ngắm hoa, chuẩn bị cho việc trao hoa, gửi hoa, hẹn nhau mùa sau gặp lại. Sắp đến giờ chia tay, họ xường thưởng hoa. Nói là xường thưởng hoa, nhưng chưa phải là bẻ cành hoa trao tay, chưa phải ôm bó hoa mà cười hớn hở. Xường nài nhau cầm tạm cành hoa xâu xấu, có khi nhún nhường không ai chịu nhận hoa này, hoa khác, khiêm tốn hát rằng tài mọn của mình chưa đáng được cầm hoa. Con trai con gái mặc trang phục dân tộc đượm màu xuân sắc, đôi má ửng hồng, nụ cười tươi rói, hát múa lượn quanh cây hoa, đua nhau ứng tác những khúc ca xường chào ra về độc đáo, vừa uống rượu cần, vừa trao tặng nhau những bông hoa hái trên cây. Lời xường rang là lời ước hẹn lần chót, rào trước đón sau để rồi chúc tụng nhau trở về vui tươi, hạnh phúc. Qua các bài hát tâm tình, trao hoa, có đôi trai gái đã dạt dào yêu thương, thề nguyền vàng đá, nhiều đôi nên vợ nên chồng sau cuộc vui mỗi độ xuân về.
    Được Tasmalakan sửa chữa / chuyển vào 22:27 ngày 02/10/2004
  2. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    LỄ HỘI VĂN HOÁ XỨ THANH.(Giới thiệu)

    Để góp phần nâng cao hình ảnh của quê hương Thanh Hoá và nhằm giúp đỡ cho tất cả mọi người con của quê hương xứ Thanh, vì điều kiện xa quê không thể về thăm nhà, hoặc tới tất cả các du khách trên mọi miền đất nước cũng như những vị khách quốc tế khi có dịp về thăm quê hương của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, Tasmalakan xin phép mọi người được tiếp tục sau hai topic về Văn hoá, ẩm thực với danh thắng và làng nghề truyền thống Thanh Hoá, bằng một topic mới mang tên :LỄ HỘI VĂN HOÁ XỨ THANH. Thông qua topic này , cá nhân tôi muốn giới thiệu tới tất cả các bạn dù là những người dân Thanh Hoá hay là các vị khách từ mọi miền khắp đất nước và dĩ nhiên là cả các bạn bè quốc tế, có dịp đến với Thanh Hoá, sẽ được thưởng ngoạn các lễ hội văn hoá truyền thống - một món ăn tinh thần không thể thiếu của không chỉ nhân dân Thanh Hoá, mà cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam ở 63 tỉnh thành còn lại trên cả nước! Hy vọng những đóng góp nhỏ bé của cá nhân Tasma - một người con Thanh Hoá, sẽ mang lại cho các bạn những giờ phút thật vui vẻ và hạnh phúc!

    Đến với Thanh Hoá, đến với các lễ hội truyền thống của xứ Thanh, các bạn sẽ hiểu nhiều khám phá mới mẻ về Quê hương - Đất nước - Con người Việt nam.



    Được Tasmalakan sửa chữa / chuyển vào 22:28 ngày 02/10/2004
  3. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0

    Lễ hội Cầu Ngư - Thanh Hoá
    Ðược tổ chức hàng năm ở làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), vào cuối tháng hai âm lịch, kéo dài trong 4 ngày, thường được chuẩn bị trước hàng tháng trời với mục đích cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm.
    Lễ vật quan trọng là một thuyền rồng đã được làm rất công phu, trang trí đẹp đẽ và cỗ tam sinh gồm (1 con gà; thủ lợn; con vịt). Ðàn làm lễ được dựng bên bờ biển. Trên đàn có 3 cỗ kiệu, 1 thờ phật thích ca, 1 thờ Vua Thuỷ Tề và 1 thờ Tứ vị Thánh Nương. Sau khi ông chủ tế làm lễ, các dòng họ lần lượt vào lễ. Bên ngoài tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, kéo co, đấu vật và hát giao duyên đối đáp nam nữ.
    Ngày cuối cùng của lễ hội dân làng kéo nhau đưa tiễn thuyền rồng dọc bờ biển về hướng Nam. Ðến địa phận cuối làng người ta tổ chức hoá thuyền rồng để cúng thần.
  4. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội Lam Kinh - Thanh Hóa



    Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng Tây 51km, ta sẽ gặp chiếc "nôi vàng". Ðó là Lam Kinh (thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, nốt nhạc đầu tiên của bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.
    Bạn đã được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ Quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng? Bạn đã được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng. Những sản phẩm nổi tiếng đó bạn sẽ gặp khi về Lam Kinh.
    Ở xứ Thanh không ai nói là "đến" Lam Kinh. Người ta nhắc nhau "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Khác hẳn với những danh thắng khác, chuyến du lịch của ta chộn rộn nhịp điệu cuộc sống đương đại. Về Lam Kinh, ta bổng thấy tĩnh tâm, thư thái. Năm tháng như lùi lại. Hiện lên trong ta khung cảnh Hội thề Lũng Nhai. Một đêm năm Bính Thân (1416) 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Cái màu xanh vô tận của núi rừng, xanh ngắt của sông Chu, xanh âm u của rêu phong thềm gạch đưa ta ngược dòng thời gian. Lam Kinh là đây: Chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc. Chuyện về một nhà sư già mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, 10 năm theo Lê Lợi tung hoành trận mạc, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô. Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn, người vợ Lê Lợi làm vườn bắt được quả ấn vàng có chữ Lê Lợi để trên lưng ấn. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua một phen thoát hiểm. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa. Ðây là bia Vĩnh Lăng. Nhà bia vút cong mái ngói. Những cột gỗ thẳng tắp, nghiêm trang như những người chiến binh cổ đứng gác để dòng văn do ngôi sao Khuê - Nguyễn Trãi biên soạn chảy mãi vào hậu thế. Cây đa già phơ phất chòm râu và đồi Lim xào xạc kia cứ rủ bóng thời gian xuống những lăng tẩm, đền miếu, cứ điểm rơi kiên nhẫn từng chiếc lá tạo nên cung đàn trong chiều u tịch. Hàng tượng đá, voi đá, ngựa đá đứng đó trầm mặc với thế cuộc, trầm mặc với tuế nguyệt, khắc hoạ lại cho ta những mùa xuân thanh bình từ Ðông Ðô vua quan xe lọng tưng bừng trở về Lam Kinh bái yết lăng miếu.
    Dưới ngọn cờ: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", bằng lối đánh: "Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh"... cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo năm 1418 đã kéo dài 10 năm, huy động được đông đảo sức người sức của của cả dân tộc:"Hợp trí hợp mưu", "nằm gai nếm mật" vây thành, diệt viện, giành thắng lợi vang dội ở các trận Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, tiêu diệt hàng chục vạn viện binh giặc buộc giặc Minh ở thành Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộc, Chí Linh phải đầu hàng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, xưng là Thuận Thiên Hoàng đế, đặt tên nước Đại Việt, niên hiệu Thuận Thiên, đại xá thiên hạ ban: "Cáo Bình Ngô" trở thành vị Anh hùng dân tộc. Nếu lịch sử Việt Nam, các Vua Hùng được xem là ông Tổ dựng nước, Ngô Quyền được suy tôn là ông Tổ Trung Hưng, với sự nghiệp Bình Ngô thắng lợi, chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh sáng lập triều Hậu Lê (kéo dài hơn 360 năm ) mở ra thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của đất nước thời phong kiến tự chủ - Lê Lợi xứng đáng là ông Tổ Trung Hưng thứ 2 của dân tộc Việt Nam.
    Ðược xây dựng từ năm 1433, Lam Kinh trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Bị hỏa hoạn, bị đập phá. Những dấu tích còn lại cho ta thấy ở đây từng tồn tại một công trình kiến trúc to lớn, độc đáo, những tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo với những cung điện thành quách như: Thành nội, thành ngoại, sân Rồng... Những thềm gạch rêu phong lặng lẽ, những chân cột đá trắng mòn mưa nắng gợi cho ta man mác nổi niềm "Tạo hóa gây chi cuộc hí trường".
    Ðặc biệt là khu mộ của các đời vua triều Lê. Nơi đây có Vĩnh Lăng, Hựu Lăng, Mục Lăng cất giữ hình hài xương thịt của Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Nơi yên tĩnh vĩnh hằng của cha con, ông cháu Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. Ngày nay còn lại Bia Vĩnh Lăng (Lê Lợi) được dựng năm 1433, đây là tấm bia to nhất nước ta, cao 2,97m, rộng 1,94m, dày 0,27m; Bia Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Cách khu di tích Lam Kinh không xa là đền Lê Hoàn thuộc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 979, Ðinh Bộ Lĩnh bị sát hại, trước nguy cơ xâm lược của quân Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo Hoàng bào khoác cho Lê Hoàn - Ông trở nên vị Vua sáng lập ra triều đại mới. Ðền thờ Lê Lai cách Lam Kinh 5 km là nơi thờ vị tướng đã đổi áo cứu Lê Lợi trong lúc lâm nguy, là nơi tham quan hấp dẫn của du khách.
    Ðâu rồi "Lối xưa xe ngựa"? Ðâu rồi những văn bia chứa đựng dòng văn cổ lóng lánh của các sĩ phu nổi tiếng? Về Lam Kinh, sự nghiệp hưng đế 360 năm của thời hậu Lê như được thời gian chầm chậm quay lại. Ta từng biết Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghĩa dựng nên cơ đồ 300 năm nhà Hán (Trung Quốc). Về đây giữa chiếc "nôi vàng" ta tự hào có Lê Lợi vung gươm khởi nghĩa quét sạch giặc Minh ra khỏi non sông gấm vóc, dựng nên một triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử dân tộc. Từ trận ra quân đầu tiên đánh "Mã Kỳ" đến trận hãm thành Ðông Quan. Từ Lạc Thuỷ (Thanh Hoá) tới núi Mã Yên (Lạng Sơn), từ mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) đến mùa xuân năm Mậu Thân (1428) là bản hùng ca bất tử. Gió từ sông Chu vẫn thổi về khúc ca ấy. Cây cối Lam Kinh vẫn ngày đêm rì rầm hát về khúc ca ấy.
    Còn hôm nay Lam Kinh vẫn xanh ngắt, hòa xanh với các bãi bồi theo dọc sông Chu. Dòng sông vẫn cuồn cuộn ngày đêm đem nước nguồn xuôi về phía biển. Chiều trung du xứ Thanh vẫn ráng đỏ Lam Kinh. Ta ra về mà tiếng cồng chiêng, tiếng quân reo trận mạc vẫn chưa dứt. Son sắt bài văn thề Lũng Nhai. Sang sảng một Bình Ngô Ðại Cáo. Có điều gì xao xuyến trong ta. Có cái gì níu lại chân ta khiến ta cứ phải quay lại ngắm nhìn. Ðó là Lam Kinh chiếc "nôi vàng" của tất cả chúng ta.
    Hơn 600 năm đã qua đi, ngày nay Lam Kinh trở thành khu Di tích lịch sử oai hùng của dân tộc. Du khách thập phương đến đây không những chiêm ngưỡng một vùng Lam kỳ thú mà còn tự hào về một vị anh hùng hào kiệt - Đức Thí Tổ Cao Hoàng Đế - Anh hùng dân tộc Lê Lợi - của đất nước.
    Tưởng nhớ đến công lao của ông, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Lam Kinh đặc biệt quan trọng này.
    Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh là lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn tỉnh, được tổ chức trong ba ngày, từ 21-23/8 (AL), thu hút khoảng 10 vạn khách tới tham quan, dâng hương tưởng niệm. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể. Tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người.
    Được Tasmalakan sửa chữa / chuyển vào 23:00 ngày 02/10/2004
  5. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội đền thờ Bà Triệu



    Bà Triệu Ẩu húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2-10 năm Bính Ngọ (226), tại huyện Quân Yên quận Cửu Chân (Yên Ðịnh ngày nay). 19 tuổi bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta".
    Bà đã chiêu mộ trai tráng đánh giặc và trở thành chủ soái năm 248. Ngày nay nhiều nơi có đền thờ bà Triệu; có nơi tôn vinh là " Bà Chúa Thượng Ngàn". Lễ hội được tổ chức từ ngày 19 đến hết ngày 24 tháng hai âm lịch, trong một không gian rộng từ Ðền đến Lăng về đình Làng. Lễ Mộc dục - Tắm tượng vào ngày 18 hoặc 19 - 2 (âm lịch). Tế Phụng Nghinh với nội dung mời Vua Bà và Lục bộ triều đình về trong ngày huý kỵ của Bà. Rước Bóng- Rước bát hương Vua Bà từ đền chính đến Lăng mộ rồi rước về đình làng. Ðặc biệt ở đình làng còn diễn trò " Ngô Triệu giao quân" rất sôi nổi. Sau lễ buổi trưa, cả làng ăn đồ nguội (vì đánh trận phải ăn lương khô). Buổi chiều nấu nướng cỗ bàn để khao quân.
    Trong dịp lễ hội, dân làng còn tổ chức thi đấu vật, leo dây, thổi cơm, thi đánh cờ tướng...; làm cho lễ hội càng thêm sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng.
  6. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội Phủ Na
    Phủ Na thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Tương truyền Phủ Na thờ Bà Triệu. Lễ hội hàng năm được mở trong một thời gian dài từ 12 tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch. Lễ hội thu hút khách thập phương về dự rất đông: Tham quan thắng cảnh, thắp hương tưởng nhớ công ơn Bà Triệu, cầu mong những điều may mắn trong năm.
  7. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội đền thờ Lê Hoàn
    Ðược tổ chức hàng năm từ ngày 07 đến 09/03 (âm Lịch) tại đền thờ ông ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Ngày 07/03 là ngày khai hội: Dân làng tổ chức rước kiệu Thân mẫu và bố nuôi của Vua về đền thờ Lê Hoàn. Ngày 08/03 là ngày chính kỵ. Trong đền làm lễ đại tế. Bên ngoài tổ chức các trò chơi dân gian như: Thi vật, bắn nỏ, đua thuyền,...Ngày 09/03 là ngày lễ tạ rước kiệu từ đền Lê Hoàn về làng và tan hội. Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là hình thức tôn vinh người anh hùng dân tộc, đem lại bài học giáo dục truyền thống sâu sắc.
  8. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội làng Phú Khê
    Làng Phú Khê nay thuộc địa phận hai xã Hoằng Phú và Hoằng Quí huyện Hoằng Hoá. Lễ hội làng Phú Khê được tổ chức vào ngày rằm tháng hai âm lịch và kéo dài trong 7 ngày. Phần lễ chủ yếu là nghi thức cúng tế Thành hoàng làng-là hai bộ tướng thời Ðinh, cầu chức cho nhân khang vật thịnh.Nét đặc sắc của lễ hội làng Phú Khê là mâm cỗ phải dày 2 tầng ( do thờ 2 vị thần hoàng). Ðây cũng là lễ hội được tổ chức rất nhiều các trò chơi dân gian đặc biệt như chọi gà, bơi thuyền đập vịt, đập nồi, vật, đánh đu,đấu roi, bắt chạch trong chum, dệt vải trên thuyền v.v...Tất cả các trò chơi đều có thưởng cho người thắng cuộc. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham dự và vẫn được duy trì đến ngày nay.
  9. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Lễ hội Xuân Phả
    Xuân Phả là tên một làng thuộc xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân. Lễ hội Xuân Phả được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch. Phần tế lễ được tiến hành vào chiều Mùng chín. Theo lệ cũ có các trò kéo hội, trò chạy giải, để tế Thành hoàng. Phần hội bắt đầu vào sáng mùng mười với năm trò diễn là Hoa Lang, Xiêm Thành, Ai Lao, Tú Huần và trò Ngô. Lễ hội vừa để tỏ lòng thành kính đối với Thành hoàng làng, vừa biểu hiện truyền thống văn hoá của địa phương; đã thu hút hàng ngàn lượt người đến dự.
  10. Tasmalakan

    Tasmalakan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/08/2004
    Bài viết:
    378
    Đã được thích:
    0
    Hội Đền Sòng (núi Sòng, Bỉm Sơn)
    Mở hàng năm vào ngày 15 tháng Ba Âm lịch tại đền thờ Bà chúa Liễu và ba vị ?oTam Thánh? (Nội đạo tràng) là Tả quân Thánh Nhật Quang, Hữu quân Thánh Nguyệt Quang và Tiền quân Thánh Ngọc Sư. Có các cuộc tế lễ linh đình, đám rước thánh Mẫu Liễu Hạnh do các bà và các cô đảm nhiệm, kèm theo cả cờ quạt và phường bát âm. Nhiều trò vui như: hát tuồng, hát chèo, trống quân, hát xẩm, ca trù... thi đấu vật, kéo co, đánh võ, đánh cờ và chọi gà... Phần chính của hội là hát chầu văn và lên đồng.

Chia sẻ trang này